Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:27:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Hỏa Lò đến phủ Khâm Sai Bắc Bộ  (Đọc 16412 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:42:22 pm »

        
        II. SANG ĐÔNG RỒI LẠI VỀ TÂY

        Mùa xuân 1947, ờ các bản làng, bìa rừng chân núi Hồng quanh Tân Trào, cơ quan của Bác và các đồng chí lãnh đạo cao cấp Trung ương Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Quân đội chia nhau đóng. Hối hả làm việc không kể ngày đêm. Nơi đây đã thành khu căn cứ trung ương (KCCTƯ) ta gọi là Khu 9B, còn với địch là “Bản doanh Ông Hồ”. Và thị xã Bắc Cạn, cách đó không xa, được Pháp kêu là Thủ đô kháng chiến.

        Tại khu căn cứ bí mật đó dưới sự lãnh đạo kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng vững, ngày càng mạnh mẽ, hiên ngang tỏa sáng...

        Tháng 3/1947, tôi thực sự xúc động khi nhận được quyết định cử làm Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh lập Bộ Tổng Chỉ huy, giao phó đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trường Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ Việt Nam...

        Sự kiện lịch sử đó, tiếp theo việc củng cố Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, cùng với những hoạt động ngoại giao thiện chỉ cố gắng hết sức tranh thủ hòa bình, đã đánh dấu việc cả nước triệt để chuyển từ thời bình sang thời chiến và quyết tâm của dân tộc ra quân đón đánh nhũng trận sống còn đầu tiên mà quân viễn chinh xâm lược Pháp đang ráo riết chuẩn bị, nhằm bằng một đòn nhanh chóng triệt ngay cơ quan đầu não kháng chiến và đội quân chủ lực non trẻ của chúng ta vào thu đông 1947 sắp tới.

        Trong những ngày ban đầu này, Văn phòng phải phụ trách cả việc bảo vệ an toàn khu căn cứ Trung ương. Với sự hợp tác của Bộ Tổng tham mưu và đại tá Nguyễn Dân, Khu trưởng Khu 9B, kiêm Chỉ huy trưởng Bộ đội bảo vệ căn cứ (sau thành Trung đoàn 15). Quân và dân vùng căn cứ địa vẫn không quên “đồng chí chiến sĩ người Đức” (gốc Áo) Ernest Frey (tên Việt Nam là Nguyễn Dân) đã trốn từ đội quân Lê dương sang phục vụ chính nghĩa Độc lập của Việt Nam: và được giao trọng trách Chỉ huy trưởng các đơn vị bảo vệ Khu căn cứ Trung ương. Lính Văn phòng yên tâm, phấn khởi và cũng rất thích thú với những tình . cảm mới lạ dấy lên mỗi khi chúng tôi, nhiều thanh niên Hà Nội, giữa núi rừng, quây quần giữa đám quân và dân nói đủ thứ tiếng gần gũi mà xa lạ như (Tày, Mán, H’mông, Kinh...) điểm thêm giọng lơ lớ của người chiến sĩ quốc tế. Mọi người xum vầy, tình nghĩa gắn bó keo sơn, chí cốt làm sao...

        * Tháng 10/1947, tướng Salan hùng hổ tập trung hơn 20 ngàn quân mở cuộc tấn công lớn đánh ác liệt căn cứ Việt Bắc, định đập tan cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến “Ông Hồ” và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn kết thúc chiến tranh trong một vài tháng. Và thực hiện giải pháp Bollaert - Bảo Đại dựng lên một chính phủ bù nhìn đã sẵn sàng vào đầu 1948.

        Ngày 7/10, Lữ đoàn dù, đội quân tinh nhuệ của Pháp đã bất ngờ nhẩy xuống tập kích chiếm thị xã Bắc Cạn, Thủ đô kháng chiến mới. Tinh huống nghiêm trọng. Tinh báo tin tức rối mù... Một Phó Văn phòng, anh Lê Huyền Tụng, trên đường đi công tác qua thị xã bị địch bắt, cùng với số đông cán bộ, dân thường. Nhưng ngày sau anh đã trốn được về cơ quan báo tin, quân dân ta tuy bị bất ngờ vẫn vượt mọi khó khăn anh dũng chiến đấu chung quanh Bắc Cạn, Chợ Mới. Cụ Bộ trưởng Cứu tế - Xã hội Nguyễn Văn Tố đã bị sa vào tay địch và đã bị chúng sát hại, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Văn Thái, sáng đó có mặt tại thị xã, cũng bị kẹt dưới làn đạn giặc. Nhưng có tin chắc chắn đã thoát được ra rừng...

        Sau này mới biết: khi ấy lính Pháp bắt giữ được “Ông già” khăn xếp, áo the, phong cách đàng hoàng, chững chạc đối thoại bằng tiếng Pháp phản đối chúng gây chiến tranh... Nhưng liền đó giặc Pháp đã sát hại ông già và báo cáo về Hà Nội, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chúng đã được giao nhiệm vụ truy lùng. Cao ủy Bollaert đang ở Sài Gòn vội bay ra Hà Nội để cùng tướng Salan tiệc mừng. Nhưng đã bị hố, và người hạ sĩ thông tin hôm ấy đã phải ra trước một tòa án binh để có cái mà nói với báo chí, công luận. Nhưng che lấp sao được tội ác là quân đội Pháp đã cố tình sát hại một Bộ trưởng dũng cảm trung hậu của Chính phủ Việt Nam, một học giả đáng kính.

        Trở về với cuộc chiến, quân Pháp tiếp tục tăng viện nhẩy dù Cao Bằng, khép vòng vây, cố xúc tiến nhanh hội quân trước định vào ngày 20 nhưng đã bị chậm, để tập trung đánh tiếp đòn quyết định và càn quét khu căn cứ Trung ương, “Bản doanh ông Hồ” chí cách các đồn Bắc Cạn, Chợ Mới của địch chừng 30 cây số đường chim bay.

        Trưa đó, dưới những vạch ánh nắng xuyên chếch qua lớp lá tre trong lán giữa rừng gần Lục Rã, chân đèo Nhe, núi Hổng, Bác hội ý nhanh với đồng chí Trường Chinh vừa thoát hiểm trở về, nghe anh Văn trình bày về bản đồ kế hoạch tác chiến của Pháp, ta bắt được khi máy bay của đại tá tham mưu trưởng Lambert bị hạ ở Cao Bằng. Chiến sĩ thông tin Nguyễn Danh Lộc đã phải qua 4 ngày đêm xuyên rừng già chạy tóe máu chân, may mà không bị hổ, gấu vồ mới đưa về được Bộ Tổng tham mưu. Nhanh nhẹn và dứt khoát một cách lạ thường Bác ra lệnh: Di chuyển cơ quan ngay lập tức.

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2016, 11:29:03 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:44:44 pm »


        Rời lán, anh Văn lệnh cho tôi, lúc đó đang chờ sẵn ờ lán nhỏ rừng ngoài: Cho rời ngay các bộ phận nhẹ cơ quan Trung ương theo Bác sang căn cứ dự bị “B” ở phía đông.

        Phóng vội về Văn phòng ở Yên Thông, tôi còn đang loay hoay xoay xở thì chú bộ đội gác cơ quan đã hấp tấp báo: Trông thấy toán vệ binh và Bác ngụy trang đi bộ nhanh theo đường ven rừng sau bản. Đoàn người đã tranh thủ ngay lúc chập tối, bí mật luồn rừng dưới chân đồn Chợ Mới địch vừa đóng băng qua Lang Hít, bắc Thái Nguyên để sang vùng Bắc Sơn, Đình Cả ở phía đông với cả trăm cây số đường rừng.

        Đại tá Nguyễn Dân được gọi, hộc tốc phi ngựa, tối mịt mới tới Văn phòng, ông nổi cáu khi được biết Bác đã xuyên rừng qua đường cảnh giới đơn vị bảo vệ lặng lẽ ra ngoài căn cứ. Người đồng chí luôn sục sôi tinh thần trách nhiệm, mẫu mực về tính tổ chức kỷ luật, chi còn việc kêu trời về trọng trách bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh tụ tối cao và kiểu làm ăn quá ư du kích của tôi.

        Bổn chồn lo lắng đứng ngồi không yên, tôi phải đợi mất ba ngày mới nhận được tín hiệu các đồng chí lãnh đạo đã an toàn đến khu “B”. Tôi cho đình chỉ liên lạc vô tuyến điện, bốc các bộ phận còn lại của Văn phòng, nhanh chóng lên đường tiếp sang phía đông. Tôi cũng không quên đổi tên mới là Ma Viết Phương để dễ hòa nhập và giao dịch với đồng bào phần lớn là người Nùng ở địa điểm mới.

        Hành quân suốt một ngày đêm, được khoảng nửa đường, tới khúc suối gần Chùa Hang, bỗng gặp đồng chí Lực, vệ sĩ cùa Bác, phóng ngược trở lại bằng tín hiệu và rất vắn tắt anh cho biết: địch đã nhảy dù xuống Tràng Xá, La Hiên, ngay cửa ngõ khu vực các cơ quan Trung ương vừa chuyển tới, nhưng cứ yên trí và phải nhanh lên... Tôi giật mình, cảm thấy có chuyện lớn rồi. Nhưng không được hỏi thêm vì nguyên tắc bí mật, lại cấp tốc tiếp tục hành quân, băng qua La Hiên, Trang Xá, nhà cửa bản làng, cây cối bị cháy đen nham nhở, còn bốc khói khét lẹt. Không gặp địch, chúng tôi tới được Na Chế, Bình Long, gặp lính của đại đội bảo vệ của anh Vũ Lăng, Hoàng Vãn Khánh đang phục kích đánh địch xục vào khe suối.

        Đến được khu “B” nhưng Bác, đổng chí Trường Chinh, anh Văn đã không còn ở đó nữa. Các anh Bế Văn Quý (tên mới của anh Nguyễn Cơ Thạch), Nguyễn Thượng (Văn phòng), Đào Văn Trường (Bộ Tổng tham mưu)... sau một buổi lễ kết nghĩa ăn thể với cụ Bá Phương, Trưởng bản, đã đi cùng với các đổng chí lãnh đạo.

        Tôi được báo cáo lại: Khi Bác vừa chuyến sang phía đông nghe tin trên đài radio người vệ sĩ mang theo, một phóng viên chiến tranh Pháp bình luận “Cụ Hổ đã phái rời bỏ thủ đô Bác Cạn chạy về “sào huyệt” Bắc Sơn”, Bác đã quyết định trở lại ngay khu vực chân núi Hồng, phía tây, nơi quân địch đã và đang càn quét, xục xạo đột phá. Thì cũng đúng vào lúc Bộ Chỉ huy Pháp ngày 26/10 mở cuộc hành quân Cein-ture bất ngờ cho nhảy dù xuống Tràng Xá, La Hiên, và từ Lạng Sơn, Nhã Nam tiến vào đánh và bao vây càn quét khu vực Bắc Sơn, Đình Cả... Một lần nữa quân tướng Pháp lại bị hụt.

        Tôi ở lại khu “B” và được giao trọng trách tổ chức bảo vệ an toàn cho bộ phận các vị lãnh đạo Quốc hội, Mặt trận đi cùng cụ Bùi Bằng Đoàn. Các cụ lúc đó còn đóng giữa rừng trên triển núi giữa đèo Phương Giao và đèo Ỉnh. ở khe suối trước mật, thỉnh thoảng còn có loạt súng nổ của bộ đội và dân quân phục đánh bọn biệt kích xục xạo. Trong khi có tin quân địch từ phía Nhã Nam vẫn cứ tiến lên gần...

*

*      *

        Qua cuộc hành quân thần kỳ 1947, Bác là Chủ tịch nước, Tổng Chỉ huy tối cao quân đội, cùng với những học trò xuất sắc Trường Chinh, Võ Nguyễn Giáp... đã minh chứng, nêu lên một tấm gương sáng ngời về Người tướng Việt Nam với bản lĩnh, tài ba mưu lược, đũng cảm, chủ động sáng tạo đã bước đầu đánh bại quân đội đế quốc hiộn đại với cách đánh “du kích vận động chiến” độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Và đặc biệt, trong tác chiến đánh địch Tướng quân Việt Nam bao giờ cũng để lên hàng đầu nhiệm vụ giữ vững, củng cố đại đoàn kết dân tộc, như cách Bác hành xử đối với đồng bào công giáo
ngay sau sự kiện 19/12 và với “các cụ” nhân sĩ trong cuộc bao vây truy lùng năm 1947.

        Lớp “lính mới” chúng tôi, vừa từ cuộc Tổng Khởi nghĩa Hà Nội ra, lần đầu xông vào trận mạc rất hăng hái nhưng còn nhiều bỡ ngỡ, đã may mắn và rất vinh dự thấy được và thấm nhuần những điều cơ bản đó và coi đó chính là những “cẩm nang” vô giá để ta đánh bại được mưu đồ đế quốc thực dân định chinh phục Việt Nam bằng đại bác và chính sách lỗi thời khét tiếng của nó nhằm chia cắt dân tộc và đất nước Việt Nam non trẻ.

Hà Nội năm 1996       
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2016, 10:50:58 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 10:48:00 pm »


        Có điện khẩn. Từ một địa điểm bên phía tây, đâu đó trong rừng chân núi Hồng còn nóng khói lửa, Bác lo lắng chỉ thị... Tôi trực tiếp đến gặp ngay để thưa với “các Cụ” và giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Hùng cẩn trọng tổ chức đưa các cụ an toàn ra khỏi khu núi rừng đang bị vây sục để về đổng bằng. Anh cán bộ trẻ Lê Hùng vốn là một học sinh trường Tây cũ theo Việt Minh từ Hà Nội, được tin cậy, đã nhanh nhẹn, tháo vát, cùng với anh em trong tiểu đội bảo vệ, mang theo một va li con nhét đầy giấy bạc Cụ Hổ thay nhau, vai các bin, vai cáng võng hăng hái hộ tống các cụ lìa rừng, xuống núi... Bỏ đèo Ỉnh vì bản Mô Na Lương ở chân đèo đã bị liêu thổ. Cả đoàn võng cáng qua đèo Phương Giao “đủng đỉnh” cuối cùng với không ít khó khăn cực nhọc, các chiến sĩ bảo vệ đã hoàn thành nhiệm vụ, theo ý Bác ở xa đã quan tâm căn dặn, cẩn trọng đưa các vị lãnh đạo Quốc hội, Mặt trận về được an toàn và hòa mình vào giữa đồng bào vùng cam ngọt Bố Hạ, Bắc Giang...

        Trong kí ức tôi còn ghi mãi những ấn tượng khá sâu sắc, ấm lòng khi tới gặp các cụ ở giữa núi rừng Việt Bắc u tịch và đầy bí ẩn ngày ấy. Các cụ đã không quản tuổi tác, bất chấp muôn vàn khó khăn..., mang tinh thần “thất phu hữu trách” lặn lội vẫn theo Cụ Hồ đi kháng chiến cứu nước. Đến gần võng cụ Bùi Bằng Đoàn, vẫn cốt cách trang nghiêm, và cụ Vi Văn Định, đã qua đi cái thời là Tổng đốc khét tiếng một vùng, tôi chợt nghe có giọng nói vui vẻ, khoan thai nhưng lạ tai:

        - Ôi, ông bạn cố tri!

        Cụ Phan Kế Toại ở võng bên đã tươi cười gọi khi nhận ra tôi trước khi tôi kịp chào. Từ những ngày khởi nghĩa Tháng 8/1945 tôi không có dịp đuợc gặp lại cụ.

        Tin từ phía tây đến như lửa đốt, Pháp tiếp tục nhẩy dù mạn Cù Vân, Thái Nguyên, tập trung quân từ Bình Ca sông Lô tới và từ Bắc Kạn xuống cùng với cánh quân từ Nhã Nam sang chà đi sát lại nhiều lần vùng Chợ Chu, Đại Từ... cho tới Sơn Dương Bộ đội bảo vệ của đại tá Nguyễn Dân cùng du kích và đổng bào địa phương quyết liệt bám sát địch, đánh chặn, bán tỉa khắp nơi, ở quán ông Già, ờ Quảng Nạp... quyết chặn không cho chúng tới sát khu vực lán Bác Hồ.

        Cuối cùng sau hơn hai tháng hành quân, bị đánh tới tấp và thiệt hại không ít, ngay trong lòng căn cứ Việt Bắc, trên sông Lô và đường 4, Pháp đành phải chịu thua, đem quân về Thái Nguyên rồi rút về Hà Nội.

        Ngày 29/12 kết thúc trận tấn cống lớn của hơn hai vạn quân Pháp vào Việt Bắc thu đông 1947. Không đạt được mục tiêu chiến lược số một, diệt cơ quan đầu não Lãnh đạo kháng chiến, Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng chẳng đập tan được bộ đội chủ lực ta mà còn được nếm đòn đau của quân “Tiên phong” ở vùng nam Thái Nguyên; lúc này Bảo Đại đã được Bolaert đưa về chờ ở Vịnh Hạ Long đã phải rút lui một bước.

        Tôi được lệnh chuyển theo đường cũ, lại trở về chân núi Hồng, qua bắc Thái Nguyên bị tàn phá, đây đó còn vương vãi tro khói, khét mùi chó lợn chết, tre nứa nhà cháy, mùi Tây và mùi thuốc súng...

        Trên Đèo So, bắc Chợ Chu, chúng tôi tưng bừng tổ chức liên hoan chiến thắng: Đã làm thất bại thảm hại kế hoạch tấn công Việt Bắc của địch trong một trận lớn đầu tiên khi cả đất nước ra quân, bước lên võ đài quốc tế đối mặt với những đội quân chính quy hiện đại của đế quốc thực dân cũ mới.

        Chúng tôi xôn xao, nôn nóng hỏi han tin tức, bàn tán tình hình... chia sẻ những mất mát, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ vùng có chiến sự đi qua. Không quên nhắc đến hình ảnh tiết tháo của cụ Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố...

        Thật vui mừng, phấn khởi khi lại được tận mắt thấy Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và đông đủ các đổng chí khác trong ánh sáng huy hoàng chiến thắng. Bác - “ông Hồ" đã đi đầu cùng các cán bộ lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước, Quân đội, Mặt trận đích thân xông pha lửa đạn, trèo đèo, lội suối cùng quân dân cả nước đánh thắng một trận “kinh thiên dộng địa” theo kiểu cách Việt Nam mình lúc đó.

        Trận thắng đầu tiên vô cùng quan trọng đã buộc đế quốc thực dân Pháp phải từ bỏ chiến lược “chớp nhoáng” hiện đại, để rồi bị sa lầy vào một giai đoạn đấu tranh mới và Bác Hổ, sau cuộc hành quân chiến đấu hơn 300 ngày đầy huyền thoại từ Hà Nội ra đi ngày 19/12/1946 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại số một lúc đó là bảo toàn được cơ quan lãnh đạo tối cao Đảng, Chính phủ Kháng chiến và chuyển Thủ đô Hà Nội an toàn lên chiến khu. Bác lại trở về trụ ở Tân Trào, Thủ đô kháng chiến mới, nơi mà cũng từ khi ấy quân địch không thể nào tới được nữa, cho đến lúc kết thúc chiến tranh, qua trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ... Bác và đoàn quân chiến thắng trở về với thủ đô Hà Nội thân yêu năm 1954.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:15:14 pm »

          

Chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc


Đồng chí Lê Trọng Nghĩa cùng các bạn học trường Bounal Hải Phòng khóa học 1937-1941.


Đồng chí Lê Trọng Nghĩa cùng các đồng chí trong Ủy ban Quân sự cách mạng (UBKN) và Thành ủy Hà Nội 1945
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:22:51 pm »

       

Các đồng chí Thanh niên Dãn chủ (chụp năm 1993).


Đồng chí Lê Trọng Nghĩa và các đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 oqr Hà Nội (chụp năm 2005)


60 năm Cách mạng Tháng 8 (Hà Nội - 2005)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 10:00:35 am »

Phần hai

MỘT SỐ BÀI VIẾT CỦA CÁC TÁC GIẢ

SỨ GIẢ CỦA VIỆT MINH TRONG NHŨNG NGÀY HÀ NỘI KHỞI NGHĨA1

ThS. Phạm Kim Thanh        

        Ngày 15/8/1945, ủy ban khởi nghĩa (UBKN) được thành lập và ông Lê Trọng Nghĩa, là một trong năm người trong UBKN: Nguyễn Khang, ủy viên Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy), cán bộ Xứ ủy. Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy, Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy, Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên. Tôi đến gặp ông trong căn nhà ngói cũ, chật hẹp đã được sửa chữa ở trạm 354 quàn đội (nay là 89 phố Lê Hồng Phong). Nhìn mái tóc bạc trắng như cước, lòng tôi chợt se se nỗi niềm thương ông lận đận. Nhưng khi kể cho tôi nghe những ngày dược tung bay trong ánh sáng cách mạng, ông như quên hết mọi ưu phiền. Và cho đến hôm nay, tôi mới được ông cho biết, đêm 19/8 ông chọn tên mới - Lê Trọng Nghĩa là có ý nghĩa chung và riêng: Lê Trọng là tỏ lòng nhớ ơn người thầy đã giáo dưỡng tâm hồn ông thuở ấu thơ; Nghĩa là kỷ niệm cuộc khởi nghĩa vĩ đại của dân tộc.

        Tôi sinh năm 1921 trong một gia đình công giáo toàn tòng ở Yên Hưng (Quảng Ninh), nhưng từ bé tôi được cha mẹ cho lên Hà Nội học ở trường Gia Long. Trong làn sóng đấu tranh sôi nổi của phong trào đòi dân chủ, hòa bình, tôi tham gia Đoàn thanh niên dân chủ, tuyên truyền sách báo công khai của Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1939, thực dân Pháp tăng cường khủng bố nên tôi phải về Hải Phòng học trường Bô-nan. Ở đây, tôi cùng anh Nguyễn Đình Thi xây dựng tổ Việt Minh và hoạt động bí mật. Sau khi đỗ đíp-lôm, chúng tôi lên Hà Nội, tôi vào trường Thăng Long, Nguyễn Đình Thi vào trường Bưởi và chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1942, tôi bị bắt rồi bị Pháp tống vào Hỏa Lò. Tháng 3/1945, tôi cùng với các anh Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Tất Đắc vượt ngục Hỏa Lò và lao ngay vào việc chuẩn bị khởi nghĩa. Tôi được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản và được anh Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ phụ trách Đảng đoàn khối Dân chủ đảng của Bắc Kỳ và Hà Nội. Lúc đó, Đảng Dân chủ đang sôi nổi vận động nhân sĩ, trí thức tham gia Mặt trận Việt Minh.

        Do nắm được một số nhân sĩ trí thức cao cấp (qua cơ sở của Đảng Dân chủ) mà tôi được biết ông Phan Kế Toại - Khâm sai Bắc Bộ, muốn tiếp xúc với Việt Minh. Biết ông là người có lòng yêu nước và dân tộc, nhân cơ hội này, tôi muốn gặp ông Toại để tiếp xúc, thăm dò thái độ của ông. Cuối tháng 7, lần đầu tiên, tôi gặp ông tại phủ Khâm sai, trân trọng trình bày chương trình của Việt Minh để giải phóng đất nước. Với sự quan tâm và cởi mở, ông tỏ thái độ trọng thị Mặt trận Việt Minh nhưng cũng chưa ngả hẳn về Việt Minh.

        Tiếp đó, nhân dịp Thủ tướng Trần Trọng Kim ra Bắc, ông Toại báo cho tôi biết và tỏ ý muốn giới thiệu tôi gặp Thủ tướng. Tôi đã mạnh bạo gặp ông Trần Trọng Kim để biết rõ hơn thái độ trước thời cuộc của người cầm đầu chính phủ Huế. Ngay từ đầu, tôi đã bị mặc cảm bởi cái bắt tay của ông Trần Trọng Kim. Có lẽ nghe ông Toại giới thiệu gặp gỡ đại diện của Việt Minh, ông Kim không ngờ lại gặp người đại diện trẻ như tôi. Ông Kim cho rằng trong tình thế hiện nay, phải dựa vào Nhật để giành độc lập hoàn toàn. Tôi trình bày rõ quan điểm là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, giành lấy chính quyền thì mới có độc lập hoàn toàn. Mỗi người đều đưa ra quan điểm riêng của mình. Ông Trần Trọng Kim ngỏ ý muốn củng cố chính phủ Huế và sau đó đã đề nghị: hai bên cùng muốn đi đến cái đích độc lập dân tộc, nhưng chúng tôi đi đường vòng, các ông đi đường thẳng, nhưng vẫn có thể hợp tác với nhau; chúng tôi ở vòng trong, các ông ở vòng ngoài. Tôi cũng không đồng ý quan điểm này. Không khí ngày một căng thẳng. Tôi nhớ mãi câu nói của ông, đại ý: “Lịch sử sẽ phán xét cho công việc của chúng tôi”. Khâm sai Phan Kế Toại thấy vậy, bèn đứng lên nói: “Xin Cụ, thế nào Chính phủ cũng xem xét lại vấn đề này vì Việt Minh ở Bắc Kỳ mạnh lắm; nhân dân theo họ”. Chính câu nói này của ông Toại làm tôi yên tâm và chỉ hơn một tháng sau, Cách mạng tháng Tám thành công đã minh chứng hùng hồn cho đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn của Đảng.

---------------
1. In trong sách Sáng mãi lửa thiêng, Nxb Chính trị Quốc gia, H,2009, tr.247 - 256
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 10:05:35 am »

        Tôi hỏi ông:

        - Khi đó, bác còn quá trẻ mà dám một mình đi gặp gỡ, “thuyết pháp” với các nhân vật chóp bu của chính phủ bù nhìn, có lúc nào bác thấy run khống?

        - Mặc cảm ban đầu với ông Trần Trọng Kim thì có, run thì không vì tôi đã đối thoại chững chạc, đường hoàng của một cán bộ Việt Minh đã nắm chắc và tuyệt đối tin tưởng vào sự đúng đắn, sáng suốt của chương trình Việt Minh nhằm vận động toàn dân đoàn kết để tạo nên sức mạnh vô địch của cuộc khởi nghĩa.

        - Cuộc gặp gỡ nào để lại cho bác nhiều ấn tượng nhất?

        - Cuộc gặp Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn. Lúc đó, ông là Bộ trường Bộ Giáo dục, ra Bắc cùng đoàn đại biểu chính phủ Trần Trọng Kim để điều đình với Nhật và liên lạc với Việt Minh, mời Việt Minh hợp tác với chính phủ. Sớm 18/8, ông Hãn đích thân đến trụ sở ủy ban Quân sự Cách mạng ở 101 Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo) để nhắc lại vấn đề Việt Minh hợp tác mà lần trước ông Trần Trọng Kim đã nêu. Anh Khang giao cho tôi thay mặt UBQSCM tiếp ông Hoàng Xuân Hãn. Qua thái độ cử chỉ, những tin tức ông thông báo cho biết về Chính phủ bù nhìn và đề ra giải pháp, tôi thật sự xúc động trước tấm lòng yêu nước của ông.

        Trong hồi ký “Câu chuyện về những cuộc đấu tranh và tiếp xúc giữa Việt Minh với chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội”, tôi được đọc những dòng ông Lê Trọng Nghĩa viết rõ hơn về cuộc gặp gỡ này: “Ông Bộ trưởng ăn mặc chỉnh tề. Coi ông có vẻ hiền lành nhưng không giấu được cử chỉ của người đang xúc động mạnh. Tôi trân trọng mời. Ông cũng không chờ thêm, tự giới thiệu là người đại diện cao cấp của Thủ tướng Chính phủ lúc đó đang ở Hà Nội, đến để báo những tin quan trọng, khẩn cấp. Ông cho biết Khâm sai Phan Kế Toại ngay từ đêm 17/8 đã từ bỏ nhiệm vụ và rời nhiệm sở (dinh Khâm sai). Ngày 18/8, Chính phủ, nhà vua đã cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, Chủ tịch ủy ban Chính trị kiêm Khâm sai Bấc Bộ thay ông Phan Kế Toại. Quân đội Đổng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào
chiếm miền Nam và miền Bắc vĩ tuyến 16 nước ta rồi. Ngừng một chút như nén xúc động, ông tiếp “Đất nước có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa”. Và ông gợi ý luôn: “Việt Minh các ông cứ nắm tất các vùng nông thôn, nhưng nên để chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng minh trong lúc này. Những tin tức của ông thật hệ trọng và gây bất ngờ. Tôi ôn tồn từ chối khéo với lý do giản đơn chỉ có Việt Minh mới duy nhất có đủ tư cách, danh nghĩa và khả năng để đối phó với tình hình và Việt Minh chúng tôi đã sẩn sàng”1.

        Cuộc gặp gỡ đã để lại những ấn tượng sâu sắc và cũng giúp cho tôi thấy rõ được tầm quan trọng và sự đúng đắn của Trung ương và Xứ ủy trong việc tập hợp và liên kết với các nhân vật tầng lớp trên đang có ảnh hưởng lớn trong nhân sĩ trí thức như ông Hoàng Xuân Hãn.

        Sáng 19/8, cả Hà Nội xuống đường với rừng cờ, biểu ngữ của hàng nghìn quần chúng cuồn cuộn đổ về quảng trường Nhà hát lớn. Theo sự phân công của ủy ban Khởi nghĩa (UBKN), anh Nguyễn Khang, anh Trần Tử Bình và tôi chỉ đạo mũi chiếm phủ Khâm sai, sau đó anh Trần Quang Huy dẫn đầu quần chúng sang chiếm Tòa thị chính; anh Nguyễn Quyết chỉ đạo mũi chiếm Trại bảo an binh. Sở Mật thám, Ty Liêm phóng.

        Tại Trại bảo an binh, trong khi lực lượng vũ trang đã vào Trại, chiếm được kho súng và phân phát cho anh em thì ở ngoài cổng trại, quân đội Nhật cho xe tăng đến bao vây. Anh Nguyễn Quyết từ trong trại gọi dây nói báo cáo tình hình căng thẳng. Trong tình thế cấp bách, anh Nguyễn Khang và anh Trần Tử Bình quyết định để tôi đi gặp quân Nhật. Từ phủ Khâm sai, tôi lấy xe Limuzin, cắm cờ đỏ sao vàng, đến gặp viên sĩ quan Nhật ở trước rạp tháng Tám bây giờ để đối thoại, nói rõ Trại bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai của người Việt, người Nhật sắp về nước không nên can thiệp. Viên sĩ quan đã phải chấp nhận cho quân rút về doanh trại ở Phạm Ngũ Lão nhưng vẫn muốn tôi phải nói chuyện với thượng cấp của họ theo kỷ luật nhà binh. Với sức mạnh như thác đổ của quần chúng, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lại có sự điều đình thương lượng kịp thời của ta, trại bảo an binh đã về tay chính quyền cách mạng mà không phải đổ máu. Ta đã chiếm được các cơ quan đầu não về chính trị và quân sự của địch nhanh gọn.

        Ngay tối 19/8, Thường vụ Xứ ủy họp, quyết định thành lập ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời Bắc bộ do anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, tôi và anh Nguyễn Duy Thân là ủy viên, ủy ban phải ra mắt đồng bào ngay sáng 20/8. Vì vậy, chúng tôi chọn tên để ra hoạt động công khai. Tôi - Lê Trọng Nghĩa - tên thật là Đoàn Xuân Tín, anh Nguyễn Khang tên thật là Nguyễn Đệ, anh Trần Quang Huy tên thật là Vũ Đức Huề. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Hà Nội cùng được thành lập do anh Trần Quang Huy làm Chủ tịch. Sau đó, anh Khang cử tôi và anh Trần Đình Long gặp ngay Tổng tư lệnh kiêm Đại sứ toàn quyền Nhật, tướng Tsuchihashi tại 33 Phạm Ngũ Lão để báo cho họ biết “ta không đụng đến người Nhật và mong rằng họ không gây rắc rối hay xung đột cho ta”. Cuộc hội đàm đầu tiên giữa đại diện chính quyển cách mạng với viên tướng cao cấp của Nhật đã thắng lợi to lớn, ngoài cả dự kiến ban đầu của ta. Họ xác định thái độ không can thiệp vào nội bộ người Việt, mặc nhiên thừa nhận chúng tôi là nhà chức trách đương quyền và cử sĩ quan liên lạc với ta.

        Sứ giả của Việt Minh trong mùa thu Cách mạng, “thiếu niên Việt Minh” Đoàn Xuân Tín sau khởi nghĩa là Chánh Văn phòng Quân ủy hội và là đại biểu Quốc hội khóa I (năm 1946), Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy (1947 - 1948), sau đó là Cục trưởng cục 2 Bộ Quốc phòng. Với vẻ trầm ngâm, chậm rãi, ông nói: Cuộc Cách mạng tháng Tám đã thành công tốt đẹp. Tôi rất vinh dự và tự hào là một cán bộ Việt Minh của đảng trong thời kỳ lịch sử ấy và càng nhớ tới công ơn của Đảng, Bác đã soi sáng mở đường cho tôi sống và hoạt động trong lòng khối đoàn kết thống nhất của dân tộc.

        Những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, ông là dịch giả của cuốn sách Tại sao Việt Nam2 và nhiều công trình dịch thuật có giá trị để bảo vệ chủ quyền biên giới. Ông còn tham gia viết tổng kết của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu để rút ra những bài học quý giá cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Bản thảo của tập hồi ký đang được ông trau chuốt để nhìn lại thời khắc không thể nào quên trong Mùa thu Cách mạng mà với ông đó là sức mạnh to lớn, kỳ diệu của đổng chí đồng bào đang nổi dậy giành quyền sống trong độc lập tự do.

-------------
1. Ngày 19/8, cách mạng là sáng tạo, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, H. 1995, Tr 73, 74.

2. Patty: ‘Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam), dịch giả Lê Trọng Nghĩa Nxb Đà Nẵng, 1995.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2016, 05:22:16 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 05:06:45 pm »

         
TUỔI HAI MƯƠI ĐƯỢC THAM GIA LẬT TRANG SỬ NƯỚC NHÀ1

Kiến Quốc       

        Một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên ủy viên ủy ban Kháng chiến Hà Nội năm 1945, Cục trường Cục Quân báo đầu tiên năm 1950. Đã 85 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, ông chậm rãi kể lại những kỷ niệm của hơn 60 năm trước...

        ... Đầu năm 1939, khi đang học trường Gia Long (Hà Nội) thì tôi chuyển về Hải Phòng, tiếp tục học Thành chung năm thứ 3 và 4 ở trường Bonnal do ông Le Mineur, người Pháp làm Hiệu trường. Ngày mới về nghe đồn trong lớp có một bạn học rất giỏi và tài hoa. Đó chính là Nguyễn Đình Thi. Nhà trường hay tổ chức liên hoan văn nghệ, Thi thường lên sân khấu vừa đệm măng-đô-lin vừa hát. Từ đó chứng tôi luôn bên nhau.

        Ở trường, trong giờ Lịch sử, các giáo sư người Pháp giảng cả về Cách mạng Dân chù tư sản Pháp cùng tên tuổi các nhà cách mạng, cả về Công xã Ba-lê... Việc làm này đã hình thành trong đầu óc học sinh chúng tôi những tư tường tự do, dân chủ. Ngoài giờ học, anh em hay tham gia sinh hoạt ngoại khóa. Thi là hội viên Hội Hướng đạo do cụ Hoàng Đạo Thúy đứng ra tổ chức, hoại động công khai thông qua các sinh hoạt tập thể (cắm trại, dã ngoại...), nêu cao tinh thẩn yêu nước.

        Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Lạng Sơn, sau đó ném bom Hải Phòng. Dân thành phố Cảng trực tiếp chịu tai họa chiến tranh. Mỗi lần thấy giặc Nhật ngang nhiên chém giết dân ta mà nung nấu chí căm hờn. Thanh niên, học sinh Hải Phòng ngấm ngẩm tìm hiểu sách báo của Tự lực Văn đoàn, Mặt trận Bình dân, của phong trào dân chủ ở Sài Gòn, thậm chí đọc cả sách của Hít-le... Hiểu biết dần được mở mang. Tôi và anh Thi cùng một số bạn bí mật trao tay những sách báo tiến bộ: “Đông Dương, SOS!”, “Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga”... Chúng tôi trăn trở: Thi xong diplome sẽ làm gì? Đi theo con đường nào, cộng sản quốc tế hay giải phóng dân tộc? Theo quốc tế cộng sản thì vấn đề dân tộc Việt sẽ ra sao? Cách mạng xong thì nhà nước được tổ chức thế nào?... Có tin ở Bắc Sơn, Việt Bắc đang có chiến tranh du kích, rồi tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ... Nhất là với tin tức về Mặt trận Việt Minh, chúng tôi đã khẳng định: “Chương trình Việt Minh” kết hợp được 2 vấn đề quốc gia và quốc tế, đồng thời sau khi giành chính quyền sẽ xây dựng nền dân chủ, cộng hòa nên quyết tâm theo Việt Minh.

        Sau đó, hai anh em quyết định lên Hà Nội, rồi phân công: Thi vào học trường Bưởi, Nghĩa vào trường Thăng Long. Thành ủy Hà Nội suốt mấy năm liền bị khủng bố, bí thư mới về chưa nóng chỗ đã bị đánh bật ra. Cuối cùng, chúng tôi bắt liên lạc được đổng chí Xuyện - cán bộ Ban Cán sự (em trai đổng chí Trần Quang Huy, học sinh Thăng Long 1935 - 1940). Thành ủy Hà Nội mới được khôi phục lại sau 6 lần bị đàn áp.

        Hai chàng trai cùng tham gia Thanh niên cứu quốc. Ngày 6/1/1942, khi đang rải và dán truyền đơn ờ cửa trường Thăng Long và Gia Long để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ra mắt Việt Minh thi 2 anh em bị bắt cùng các đồng chí Xuyện, Thường. Đến tháng 6/1942, Thi được thả, số còn lại bị đưa ra Tòa án binh. Tôi bị kết án 4 năm, anh Xuyện - 5 năm, anh Thường - 5 năm và bị đưa về giam ở Hỏa Lò cùng Xứ ủy viên Trần Đăng Ninh.

        Đêm 11/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, đồng chí Trần Đăng Ninh leo tường vượt ngục cùng một số anh em (trong đó có Lê Trọng Nghĩa). Đêm hôm sau, 80 tù chính trị còn lại được đồng chí Trần Tử Bình tổ chức trốn ra ngoài theo đường cống ngầm.

        Ông Nghĩa kể tiếp: “Hôm sau, tôi tìm về trú nhờ nhà anh Trần Quảng Kiến (bạn trong nhóm học sinh Bonnal) tại 30 Triệu Việt Vương. Vài bữa sau, Nguyễn Đình Thi bấm chuông tìm gặp: “Tôi được tổ chức cử tới gặp anh. Anh tranh thủ về quê thăm các cụ rồi lên nhận nhiệm vụ”. Anh đưa cho 20 đồng bạc Đông Dương cùng một thẻ căn cước giả đi đường. Sau khi từ Quảng Yên lên, tôi gặp đồng chí Lê Đức Thọ và được giao nhiệm vụ cùng anh Vũ Quý sang Đảng đoàn để giúp Dân chủ Đảng (tổ chức đảng của các nhân sĩ, trí thức yêu nước) ở phía bắc. Còn Nguyễn Đình Thi trước đã phụ trách báo “Độc lập” của Dân chủ Đảng, nay chuyển về hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc...

        Đầu tháng 8/1945, các anh trong Trung ương và Thường vu Xứ ủy đều lên Việt Bắc, còn lại 2 ủy viên Thường vụ: Nguyễn Khang trực tiếp Hà Nội; Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông. Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Còn tôi cùng các anh Trần Quang Huy, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân tham gia vào Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội do anh Nguyên Khang làm Chủ tịch, anh Trần Đình Long làm cố vấn.

-------------
1.  Báo Tiền phong - Tháng 8/2008.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2016, 05:26:20 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 05:13:43 pm »


        Tôi còn nhớ mãi cái không khí sôi động trong ngày 19/8/1945. Quần chúng nô nức kéo về Bờ Hồ. Khắp nơi hát vang bài “Tiến quân ca” (Văn Cao) và “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi). Sáng đó sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, tôi cùng anh Khang và anh Bình vào Bắc Bộ phủ. Quần chúng cách mạng dũng mãnh vượt rào vào chiếm phủ Khâm sai. Đồng chí Trần Tử Bình cùng các chiến sĩ tự vệ, thanh niên xung phong tiến đến phòng làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu “Ủy ban Chính trị”. Anh Bình lệnh cho tự vệ giải hắn về An toàn khu của Xứ, rồi yêu cầu quay máy cho tỉnh trưởng các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh thông báo ở Hà Nội, Việt Minh đã giành chính quyền và lệnh phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị xử tử.

        Bên ngoài, quần chúng hạ cờ quẻ ly, giương cao lá cờ đỏ sao vàng nơi trung tâm hành chính của Bắc Bộ và cả nước. Đoàn biểu tinh tiếp tục chiếm tòa Thị chính, Khoa bạc Sở Cảnh sát Hàng Trống...

        Giữa lúc đó, có tin báo cánh chiếm Trại Bảo an binh (đối diện rạp Mạịestic, nay là rạp Tháng Tám) do đồng chí Nguyễn Quyết phụ trách đang gặp khó khăn. Quân Nhật cho xe tăng bít các ngả quanh doanh trại, chĩa súng vào quần chúng. Nhưng lực lượng ta kiên quyết không rời. Hai ông Bình, Khang cùng ông Long hội ý gấp rồi cử Lê Trọng Nghĩa dùng chiếc xe
Limouzine cắm cờ dỏ sao vàng, phóng ra thương thuyết với chỉ huy Nhật. Chúng chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu ta phải đến gặp Tư lệnh quân đội Nhật. Chiều hôm ấy, lực lượng cách mạng chiếm Trại không đổ mội giọt máu và thu một kho vũ khí với hơn 1.000 khẩu súng. Tôi hôm đó, Thường vụ Xứ ủy cử ông Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long đi gặp Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương Tsuchihashi. Trước khi đi, ông Long chỉ dặn: “Chớ có động chạm đến việc quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh hay bom nguyên tử đã nổ ở Hirôsima hay Nagasaki”.

        Cuộc gặp mặt mạo hiểm bắt đầu từ 8 giờ. Hai ông được dẫn vào phòng khánh tiết. Thấy trên tường treo lá cờ trắng mà ở giữa là mặt trời đỏ; tướng tá Nhật đứng xung quanh mặt lạnh tanh, súng gươm giắt đầy mình. Hai ông chủ động chào hỏi rồi tự giới thiệu là đại diện của “cánh dân chúng nổi dậy chiếm phủ Khâm sai sáng nay”. Như đã bàn bạc, ông Nghĩa lên tiếng: “Nghe tin Nhật Hoàng đã chấp thuận cho các ông rút quân về nước”. Vừa nghe 2 chữ “Nhật Hoàng”, nét mặt của đám tướng tá thay đổi hẳn. Sau đó, các nhà chức trách cao cấp Nhật bản xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt, mặc nhiên thừa nhận Việt Minh chúng tôi là nhà chức trách đương quyền tại Bắc Bộ phủ. Ngay sau đó, Đại sứ Tsukamoto điện báo về Tokyo...

        Như vậy trong ngày 19/8 đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ờ Thủ đô mà không có sự chống đối, xung đột nào, không phải nổ một phát súng, không phải mất một giọt máu; đồng thời đã ngăn chặn được cuộc can thiệp của đội quân Nhật, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang hoặc đàn áp quần chúng. Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo sự rung động làm tan vỡ hệ thống chính quyền ngụy ở Bắc Bộ.

        “Và ngay trong đêm ấy - ông Nghĩa tiếp lời - khi từ Tổng hành dinh Nhật trở về, tôi thấy Thường vụ Xứ ủy cùng ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội vẫn đang chong đèn họp. Và sáng hôm sau, ngay tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ phủ, Ủy ban nhân dân Cách mạng của Bắc Bộ và Hà Nội chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.

        Có gì tự hào hơn khi ở độ tuổi hai mươi, chúng tôi đã được cùng đồng chí, đồng bào lật cuốn sử nước nhà sang một trang mới”.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2016, 05:19:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:57:50 pm »


GẶP LẠI “NGƯỜI THIẾU NIÊN VIỆT MINH” NĂM ẤY1

Mai Hiên       

        Mở từng trang cuốn tự thuật “Một cơn gió bụi” của Giáo sư sử học Trần Trọng Kim, nguyên Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại do Nhật dựng lên năm 1945, do Nhà xuất bản Kim Sơn (Sài Gòn) ấn hành năm 1969, tôi chú ý đến đoạn tác giả kể về cuộc gặp đầu tiên với một đại biểu Việt Minh mà ông ta gọi là “một thiếu niên Việt Minh”.

        Thiếu niên Việt Minh ấy giờ đã 74 xuân, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh, nụ cười vẫn rất trẻ. Ông lôi tôi miết một vòng quanh tường Nhà Hỏa Lò, sắp bị phá vì một khách sạn lộng lẫy đang mọc bên trong để lần tìm lại dấu vết xưa, nơi mà ông cùng Trần Đăng Ninh và mười bạn hữu cùng trang lứa làm cú “nhảy sào” vượt tường đá 5 mét với hàng rào kẽm gai dày đặc, trở về với tự do vào một đêm tháng ba năm 1945.

        “Đây rồi!” - Mục kỉnh ngỏng lên trời, tay ông khoát ra hiệu dừng. “Hổi ấy tớ và chúng bạn tuổi chỉ chừng hai giáp”. Rồi ngay tại hiện trường, ông triền miên hàng nửa giờ với ký ức thời trai trẻ.

        Xưa kia, cách đây 60 năm, Đoàn Xuân Tín sinh trường trong một gia đình khá giả ờ huyện Yên Hưng, Quảng Yên, tỉnh Quàng Ninh, được cha mẹ cho về Hà Nội học để mong có tấm bằng sau ra làm ông Tham, ông Tri. Tiền nong rủng rinh, áo quần đù đầy, nhưng chàng trai 16 tuổi cùng chúng bạn ở trường Gia Long vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Suốt những năm 1936 - 1938 khi mài dùi kinh sử, những làn gió mới cứ liên tiếp ùa vào lớp, khiến ai nấy rạo rực: Lần đầu làm quen và hiểu được phong trào Bình dân của Mặt trận Bình dân Pháp; rồi bạn bè loan tin về hoạt động tuyên truyền cổ động “vui ơi là vui” của các anh các chị “Thanh niên phản đế”, “Thanh niên dân chủ”. Dù hồi ấy Đoàn Xuân Tín và các bạn chưa hiểu rõ Đảng Cộng sản, nhưng những lần dự các cuộc hội họp, nghe diễn thuyết về quyền tự do bình đẳng bác ái, dần dần các anh đã “dính” vào chính trị. Trở thành thành viên của “Thanh niên Dân chủ” và ý thức được sự nghiệp mà mình theo đuổi cũng là lúc Pháp quay lại đàn áp phong trào và các tổ chức Cộng sản. Đoàn Xuân Tín rời Hà Nội về trường Bonnal Hải Phòng nơi mà phong trào học sinh ở đó còn yếu. Cùng lớp Nguyễn Đình Thi năm thứ tư Thành chung, Đoàn Xuân Tín rủ Nguyễn Đình Thi vận động chúng bạn tham gia các hội nhóm kể về truyền thống đánh giặc của dân tộc và tình cảnh của đất nước bị đô hộ. Nhiều bạn ban đầu sợ, nhưng nhờ uy tín của Nguyễn Đình Thi - học vừa giỏi, đàn hát lại hay - nên chẳng mấy chốc đội ngũ đông đảo. Và chính đội ngũ này đã nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng tham gia vận dộng dân chúng vùng lên kháng Nhật ngay sau khi bọn này nhảy vào Hải Phòng, Lạng Sơn...

        Đảng chỉ thị thành lập Ban Cán sự Thanh niên Hà Nội để khôi phục phong trào thanh niên trong điều kiện địch khủng bố dữ. Vào Ban Cán sự, Đoàn Xuân Tín được giao phụ trách và phát triển các tổ chức Thanh niên Dân chủ ở trường Thăng Long, Gia Long, Văn Long, trong khi Nguyễn Đình Thi (tuy không trong Ban Cán sự) phụ trách thanh niên trường Bưởi. Chính Ban Cán sự này trở thành nòng cốt đầu tiên của Thanh niên Cứu quốc Việt Minh Hà Nội, một tổ chức có vai trò lớn duy trì hoạt động nội đô của các tổ chức Đảng cơ sở, và sau đó động viên quần chúng tham gia cướp chính quyền 19/8/1945 ở Hà Nội. Đoàn Xuân Tín bị bắt khi trực tiếp rải và dán truyền đơn trước cổng trường Thăng Long với nội dung bố cáo sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền kỷ niệm ngày thành lập Đảng (bấy giờ lấy ngày 6 tháng 01) và ủng hộ Nam Kỳ khởi nghĩa. Bốn năm trời trong Hỏa Lò ở độ tuổi bẻ gãy sừng trâu giúp anh lớn lên nhiều về chính trị. Chả thế, sau khi vượt ngục ba tháng, tại một căn gác ở phố Rolland (nay là phố Hai Bà Trưng) đích thân đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh giao cho anh phụ trách Đảng Đoàn Cộng sản bên cạnh Trung ương Đảng Dân chủ phía Bắc lúc mới... 23 tuổi! Suốt ba tháng sau đó, anh cùng các đồng chí lãnh đạo ở Hà Nội mà phần lớn tuổi như anh hầu như độc lập tác chiến.

        Sở dĩ lớp trẻ chúng tôi dám làm và đã làm nên chiến công - Bác Lê Trọng Nghĩa tên bây giờ của Đoàn Xuân Tín tâm sự - then chốt là nhờ sự giác ngộ và giáo dục của Đảng. Đảng đã tin tưởng tuyệt đối thanh niên, dám giao thanh niên Hà Nội trọng trách lớn cùng nhân dân giành chính quyền!

        “Cậu có tin rằng khởi nghĩa 19/8 chỉ được quyết định chưa đầy hai hôm trước đó không?” - Bác Nghĩa hỏi: - Đêm ngày 17/8, sau khi thăm dò thấy tinh thần bọn mật vụ, bảo an và cả quân Nhật đều đã rệu rã. Ủy ban khởi nghĩa, gồm 5 thành viên đều còn trẻ, trong đó có Đoàn Xuán Tín. căn cứ vào chú trương khởi nghĩa chung của Đảng, họp quyết định tổ chức cướp chính quyền ở Hà Nội. Thời cơ Hà Nội đã đến! Sáng 19/8, lực lượng khởi nghĩa đồng loại tiến công mục tiêu dân sự phủ Khâm sai và mục tiêu quân sự Trại Bảo an binh.

        Bản thân Đoàn Xuân Tín đã chủ động “làm không sợ sai”, xây dựng các quan hệ với những nhân vật cao cấp nhất trong chính quyền Bảo Đại ở Hà Nội để một mặt lôi kéo vận động họ không chống lại Việt Minh, một mặt nắm vững động thái và âm mưu của chính quyền bù nhìn, từ đó cung cấp cho ủy ban khởi nghĩa những thông tin quý giá góp phần đưa đến hành động sáng suốt ngày 19/8. Trần Trọng Kim trong bước đường cùng, thừa nhận sự lớn mạnh không gì cản nổi của Việt Minh, khi ra Hà Nội đầu tháng Tám, rất muốn gặp đại diện Việt Minh để điều đình. Cấp dưới trực tiếp của ông ta - Khâm sai Phan Kế Toại - đã đi mời không ai khác mà là Đoàn Xuân Tín, người khi xuất hiện trong bộ âu phục ca-ki si-mi-li đã làm cho ông Kim trố mắt ngạc nhiên vì không ngờ phải đối diện với một Việt Minh ở tuổi “thiếu niên” - Ngôn từ của ông Trần Trọng Kim - như thế!

        Vị đại biểu quốc hội khóa I ấy tâm sự: “Hoàn cảnh và điều kiện xã hội đã biến đổi nhiều nhưng khí thế và tính tiên phong, lòng quả cảm của thanh niên thì thực không gì cản nổi. Chắc rằng thế hệ các cậu còn làm nên nhiều sự tích to lớn hơn chúng tớ trước đây, đành rằng đây đó tôi cảm thấy buồn khi nhìn và nghe nói về không ít cô cậu chi thích hưởng thụ từ bố mẹ và từ Nhà nước quá đáng mà chẳng mảy may nghĩa đến tu dưỡng và cống hiến...”

        Nhìn dáng mảnh khảnh với bộ quần áo mùa đông cũ như cánh cửa gỗ mà bác Lê Trọng Nghĩa khuất dần vào ngôi nhà mấy mươi năm không biết mùi vôi mới, tôi miên man chảng biết có cao xa quá không: Bác Nghĩa ạ, nhiệt huyết tuổi trẻ các bác năm xưa là nhiệt huyết của dân tộc. Thế hệ ngày nay vẫn đang và sẽ có may mắn thụ hưởng bầu nhiệt huyết ấy...

-----------
1. Truyền hình VTV: số 61-9/2005.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM