Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:37:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đi xa ngoảnh lại  (Đọc 19930 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 08:21:10 am »


       Rồi danh sách của từng người trong đơn vị cũng được lọc ra theo vần đề đưa vào thơ:

“Trung đoàn hai Nụ, ba Hoa
Một Khánh, một Khải, một Khoa, một Khìm
Một Sờn, một Sắc, một Sim
Một Kần, một Kiệm, một Kim, một Kiền...”

       Hồi đó, còn có cái nạn trộm trâu bò để đem lên đồi giết thịt ngày một gia tăng. Tất cả nhà ai có trâu bò đều sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không biết bọn trộm nó sẽ “lần” đến mình vào lúc nào. Chúng thường dắt trâu, bò ngược lên đồi, đến chỗ vắng vẻ để giết thịt. Toàn bộ số thịt thì chúng gói ghém mang đi, vứt lại tất cả “nội thất” cùng với đầu, da... của con vật đáng thương. Những thứ ấy chứng chẳng cần đến, mang theo chỉ tổ cồng kềnh mà có khi còn mang vạ vào thân nữa. Ngay Trung đoàn cũng từng bị chúng bắt trộm mà. Các cán bộ, chiến sĩ tỏa đi khắp các nơi để truy lùng. Các bạn bây giờ cứ tưởng tượng ra cảnh hai chiến sĩ của Trung đoàn trong đội quân đỉ tìm ấy, từ trên đồi xuống, khiêng chiếc đầu bò, vừa đi vừa nghêu ngao:

“Tìm trâu chẳng thấy trâu đâu
Chỉ thấy một chiếc đầu lâu con bò!”

       thì còn ai mà nhịn được cười nữa!

       Cái phong trào thơ ca hò vè phát triển tới mức là chính bản thân tôi cũng tham gia, đưa lịch công tác năm (lịch bay) của Trung đoàn vào thơ:

“Thảng Mười ngồi Tổng kết năm
Tháng Một, tháng Chạp chỉ nằm nhìn mưa
Tháng Giêng ngủ sớm, dậy trưa
Tháng Hai Tết nhất, say sưa suốt ngày
Tháng Ba di phép đó đây
Tháng Tư may lắm mới bay vài lần
Thảng Năm phát động ra quân
Tháng Sáu, tháng Bảy xoay trần ra bay
Thảng Tám diễn tập Đông Tây
Bước sang tháng Chín xuyên mây dần dần...”


       Ngay cả các cán bộ Trung đoàn khi bàn bạc hoặc tranh luận với nhau điều gì đó... cũng còn được đưa vào thơ. Ví như, nhân ngày thành lập Quân đội (22 tháng 12), anh Hậu - Tham mưu trưởng Trung đoàn lên báo cáo anh Trương Tôn - đoàn trưởng về chuyện tổ chức “ăn tươi” cho bộ đội thế nào và hai anh bàn bạc ra sao. Thế là có thơ luôn:

“Ông Hậu thì bảo: “Mổ bò!”
Ông Tôn thì bảo: ‘Xầm to làm gì
Nó ăn rồi nó lại đi
Nhà ghi thì chật, lấy gì mà giam?...”

       Đấy là anh Tôn lo lắng sau khi liên hoan xong, lính lại trốn đơn vị về nhà, cái “nhà ghi” ỏ đây được đề cập đến đấy chính là nơi tạm giam để xét những trường hợp vi phạm kỷ luật. Hồi ấy, Trung đoàn nào cũng có cái khoản ấy nên nói đến từ “nhà ghi” là ai ai cũng biết, cũng hiểu đấy là cái gì và “chức năng" của nó là gì...

       Rồi khi ao cá của Trung đoàn vào một đêm mưa to, bờ ao bị dò, đàn cá nhân đà ấy vượt đi mất khá nhiều. Sáng ra lúc đi kiểm tra ao thấy nước trong veo, các hôm thì cá lên ăn đây đặc mà hôm nay thì không mống nào thế là nhốn nháo lên, thế là có thơ ngay. Tôi không nhớ được hết bài thơ ấy, đại loại là cứ ai có mặt ỏ đó là vào thơ hết, ví như:

“Ông Sàn chạy khắp bờ ao
Chạy lên, chạy xuống, chạy vào, chạy ra
Thốt lên một tiếng: “Chết cha!
Lỗ dò có dễ bằng ba bắp đùi!”
Thấu dựa gốc chuối kêu trời:
“Bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma!”...

       Những bài thơ, bài vè tếu táo đọc lên, cười vui vẻ mà thôi, không có ý gì khác. Người có tên trong thơ, vè, người dùng thơ để chọc ghẹo bạn đều cười, không ai giận ai. Tôi vẫn nhớ, khó khăn như vậy mà Trung đoàn không lúc nào ngót tiếng cười vui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 08:23:49 am »


       Số lượng thơ, vè của Trung đoàn trong những năm tháng ấy có đến hàng trăm bài, đa dạng và phong phú. Vừa rồi, tôi có nghe phong thanh hình như có một nhóm đang sưu tầm lại những bài ấy để in thành tập cho ‘lưu hành nội bộ”. Có lẽ, đấy cũng là một nét đặc thù của cái Trung đoàn Không quân ở Đồi Cọ.

       Sự lạc quan đã giúp chúng tôi vượt được rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng Trung đoàn.

       Tôi nhớ, giai đoạn ấy, văn hóa đọc của Trung đoàn cũng rất phát triển. Tủ sách của Trung đoàn thì sơ sài nhưng tủ sách của các cá nhân thì khá phong phú. Đặc biệt, riêng tủ sách cá nhân của anh Mạc Hòa thì khá “đồ sộ” nêu nói về góc độ thư viện cá nhân, về số lượng đầu sách... Số lượng đầu sách trong tủ sách của anh khá nhiều và chủng loại thì rất đa dạng, phong phú, toàn là sách quý và hiếm: Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Những tấm lòng cao cả, Ngôi sao thành E- ghe, Ông già và biển cả, Chuông nguyện hồn ai, Những người khốn khổ, Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Thần thoại Hy Lạp, Đa-ghes-tan của tôi, Ale-xis Zor-ba (hình như sau này tái bản thì lấy tên là Zor-ba con người hoan lạc), Chiến hữu (sau này đổi tên thành Ba người bạn)... Số lượng anh em đến mượn sách về đọc khá đông và bản thân tôi, khi rảnh rỗi, cũng đến “vùi đầu” vào cái tủ sách ấy...

       Tôi không hề nghĩ anh đã từng là lính bộ binh, từng tham gia chiến đấu trong chiến trường, bao lần cận kề với cái chết và cũng từng lập được chiến công. Sau này tìm hiểu tôi mới vỡ ra khi có lần anh kể với

       tôi là hồi hành quân đi chiến trường, ngoài súng ống, đạn dược, gạo nước và những trang bị cần thiết của người lính trận thì anh cõng một nửa ba lô là sách. Anh cũng đã từng len lén trút bớt một ít gạo trong “bao tượng” đi vì nặng quá, nhưng số sách thì vẫn “ngự" nguyên ở trên lưng để đến các trạm nghỉ chân còn có cái đọc cho nhau nghe. Anh cứ áy náy mãi về chuyện này không biết làm như vậy có sai phạm gì không và sai phạm đến mức nào. Lần nào ngồi với tôi, anh cũng ngâm nga câu:

                                 “Chuyện của lính nói hoài không hết
                                 Chuyện chiến trường nghe mãi vẫn hay!”...

       Có một năm, khi giao thừa đến, tôi trực ở Trung đoàn, anh ào vào phòng tôi, ôm lấy tôi vẻ đầy xúc động, chúng tôi lấy rượu ra uống, chúc nhau một năm mới sức khỏe và gặp nhiều may mắn. Tôi nhớ, anh đã xé tờ “lịch lốc” ở phòng tôi, viết vào đó mấy dòng:

                           “Khoảnh khắc thời gian tính bằng tích tắc
                           Giao nhau một khắc để Thừa cả năm”


       Rồi lại ôm lấy tôi, trong mắt như có nước... Những người lính chiến thường bao giờ cũng có

       những tình cảm sâu nặng thậm chí có khi còn mềm yếu mà người thường hiếm khi có được. Cũng hàng mấy chục năm sau, khi tôi về hưu rồi, tôi mới biết chính anh là “tác giả” của hai câu thơ cuối cùng trong cái bài thơ “Lịch công tác năm của Trung đoàn” rồi hai câu ấy cũng bị “biến tướng” đi một chút thành thử tôi suýt bị “hạn nặng” bởi cái bài thơ ấy.

       Cụ thể là sau câu: “Bước sang tháng Chín xuyên mây dần dần” ấy thì tôi có “rón rén” viết:

“Kính thưa anh Phạm Thanh Ngân
Giờ bay Yên Bái anh cần bao nhiêu?”

       Hồi đó anh Phạm Thanh Ngân là Sư đoàn trưởng, mà tiêu chuẩn đặt ra cho mỗi phi công của Sư đoàn là phải bay 50 giờ bay/năm. Với điều kiện khí tượng ở Yên Bái khi ấy thì việc phấn đấu cho được 30 giờ bay/năm đã là khó đến chảy máu mắt ra rồi, chính vì vậy tôi mới “tấu trình” xem có thể rút chỉ tiêu cho chúng tôi được tí nào không. Ai dè, Mạc Hòa chua thêm cho hai câu kết “chết người” vì anh ta bảo là tại bài thơ hay quá, hơn nữa lại đúng trong cái ngữ cảnh là hôm ấy anh ta đang ngồi nghe triển khai nghị quyết về công tác bay:

“Nếu anh đòi hỏi quá nhiều
Lại không đúng lịch là “tiêu” có ngày!”

       Ai dè, khi thông tin bay đến Sư đoàn thì hai câu cuối không biết ai đó đã “chỉnh sửa”, đã biến tấu đi và nó lại là:

“Nếu như anh bắt bay nhiều
Mà bay ngược lịch, là “teo” có thằng!”

       Thôi! Thế là chết tôi rồi! Phạm thượng quá! Dám thách đố với cấp trên! Ghê thật đấy! Chết là cái chắc! Rành rành ra đấy rồi, cãi thế nào được? Đành chỉ còn chờ nghe hai tiếng: “Khai đao!” mà thôi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 08:26:25 am »


       Nhưng rồi cũng không thấy ai nhấc ‘lệnh bài” để quăng xuống, thực thi như trong phim “Bao Thanh Thiên” ấy, có lẽ các thủ trưởng đã biết đấy cũng chỉ là cái trò tếu táo của lính, chấp làm gì.

       Tới khi anh Mạc Hòa về hưu, thế nào mà anh lại “sướng” cái trò nuôi gà. Anh ta có biết tí gì về chuyện này đâu! Tôi thì tôi ớn lũ gà lắm rồi. Hồi bé tôi hay bị đánh oan vì chúng, mà nhất là khi chúng ấp, trứng nở phải hạ ổ xuống chăm gà con thì tôi bị lũ bọ mạt nó hành hạ đến khổ sở, bị nó đốt ngứa ran khắp người, đặc biệt là chúng hay bám vào những chỗ hiểm để cắn... Vậy mà làm sao cái “lão” này lại hứng thú thế không biết. Lão ta có một con gà rừng là gà trống, định cho lai giống vối mấy ả gà mái nhà để có được một lũ một lĩ gà rừng ngay giữa Thủ đô này cho oách. Tôi cười cười. Anh ta cảnh giác:

        - Anh cười cái kiểu gì lạ vậy?

        - Cậu không biết câu: “Chó giống cha, gà giống mẹ” à? Muốn có lũ con thuần chủng thì bô" mẹ phải thuần chủng chứ. Cậu cũng chưa bao giờ bị mạt gà đốt đúng không? Mà rồi H5N1, H7N9... tiếp đến là gì nữa không biết, nhà cậu mà là cái ổ dịch ở giữa thành phố này thì liệu thần hồn!

       Ít lâu sau anh khoe gà đã đẻ. Anh ta ngồi rình cả tiếng đồng hồ chỉ để chụp ảnh quả trứng khi nó chui ra thế nào. Rồi lại cho gà ấp... Rồi lại rình trứng nở... Rồi háo hức đi khoe ngậu lên. Tôi cũng chỉ cười cười:

        - Sẽ đến lúc cậu chán cho mà xem!

       Mấy ngày sau, khi gặp, tôi dúi vào tay anh bài “Chuyện gà!”:

                                     Bạn về hưu dở dói chuyện nuôi gà
                                     Thấy trứng nở, cười reo như con trẻ
                                     Tôi chán ghét lũ gà từ hồi tôi còn bé
                                     Bởi luôn bị bọ mạt đốt khắp người
                                     Lũ gà như một lũ trêu ngươi
                                     Tôi hay bị mắng oan, chỉ biết ngồi nức nở
                                     Bạn tôi thì cứ hớn ha hớn hở
                                     Chốc chốc lại ngó ngó, xem xem...
                                     Nực cười cái cõi nhá nhem
                                     Trong thì chán, ngoài lại thèm... mới hay!

       Anh ta đọc xong cười cười:

        - Đúng là cái ‘lão” Huy!

       Mà trong Trung đoàn cũng có những thành phần “lắm chiêu, nhiều trò” lắm ví như anh Lê Văn Hột của Tiểu ban huấn luyện chẳng hạn. Có một buổi trưa, tôi nghe thấy tiếng cãi nhau ầm ĩ bên bờ suối. Vì tôi thường không ngủ trưa nên chạy ra xem cơ sự thế nào. Ra đến nơi thì thấy chàng Hột đứng ở bên này suối, còn chàng Hạt (trợ lí thông tin của Tiểu đoàn thông tin) thì đứng bên kia suối đang gân cổ lên với nhau:

        - Ông là ông bé hơn tôi đấy nhá!

        - Này, nói cho mà biết, có mà cậu bé hơn tó thì có!

       Tôi không nhịn được liền hét lên:

        - Ối giời ơi, đất ạ! Đã đến cái mức là Hột và Hạt rồi mà vẫn còn cãi nhau xem đứa nào to hơn đứa nào thì còn ai chịu được nữa! Có vào nhà để cho mọi người nghỉ trưa hay không đây, hở hai ông tướng?

       Hai vị bấy giờ mới rút khỏi bãi “chiến trường” trả lại cho buổi trưa yên tĩnh. Mà nói đến Hột thì tôi lại nhớ, có một buổi tối mưa dầm, điện đóm không có, cả Trung đoàn tối như bưng, đang buồn như chấu cắn thì bất ngờ tôi nghe thấy một giọng không ra hát cũng chẳng ra than, cứ như tiếng nấc, cứ lặp đi lặp lại câu: “Nếu tôi chết!... Nếu tôi chết!...” hàng chục lần. Thấy lạ, tôi chống gậy lần xuống xem cơ sự thế nào. Đẩy mạnh cửa vào thì thấy chàng Hột đang nằm ở dưới đất, chiếc xe đạp thì dựng ở trên giường. Tôi chưa kịp định thần thì chàng Hột hát tiếp cái câu mà cậu ta nhai đi nhai lại như là điệp khúc kia: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta! Vích-to Ha-ra...!” Thật là hết cách! Tôi hỏi:

        - Làm sao mà xe đạp lại “ngự" ở trên giường, còn người thì nằm đất thế này?

        - Dạ! Báo cáo đoàn trưởng, em ốm thì đã có bệnh xá ạ, còn xe em mà ốm thì em phải bỏ tiền túi của em ra ạ! Vì thế em phải nâng niu xe của em ạ!

       Cậu ta kéo dài cái câu “ạ” ra nghe như hát tuồng làm tôi vừa bực vừa buồn cười. Thực ra, cậu ta làm thế để kiếm cớ để cười cho vui thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 10:39:13 pm »


       Ở Tiểu ban Huấn luyện còn có một anh là Dương Công Khai cũng “lắm chuyện”. Ngày anh ấy về Trung đoàn, ngoài ba lô quần áo ra thì còn lếch thếch mang theo mấy bao tải nữa. Mọi người không hiểu đấy là những thứ gì trong cái gia tài của anh. Vài hôm sau thì anh đổ hết cái “gia tài” ấy ra đầy một góc sân. Thi ra đấy là khung xe máy, bánh xe cùng toàn bộ phụ tùng linh kiện kết cấu. Rồi anh đem toàn bộ các bánh răng của đám “số má”, “nội thất” của cỗ máy ấy cho vào rổ, đem xuông suối rửa, xóc như xóc ốc ấy, rồi lại đem lên, vớt hết ra, lau chùi, bôi dầu mỡ rồi hì hục lắp. Lắp xong thì đạp cho nổ nhưng mãi không nổ được, đành hô nhau đẩy. Tiếng nổ phành phạch ầm ĩ cả Trung đoàn. Nghe chừng anh ta hồ hởi lắm. Mấy ngày sau đó thì anh lấy sơn phun màu xe đỏ như màu cò và đem xe đến chỗ chiếc xe mô tô của tôi, dựng cạnh đấy, đầu ngoẹo về một bên, cười thích thú:

        - Báo cáo thủ trưởng! Xe của thủ trưởng là Minsk đực, còn của em là Mỉnsk cái!

        - Có mà cái...cái con khỉ! Trông thì thấp bé, xộc xà xộc xệch chẳng giống ai thế kia mà cũng đòi! - Tôi cười trả lời.

        - Thì thủ trưởng tính, nó đã phải trải qua bao nhiêu lần thai nghén, sinh nở rồi! Óng ả thế nào được nữa ạ?

        - Lão này lí sự ghê nhỉ?

        - Lính của Trung đoàn 931 mà, thủ trưỏng!

       Hồi ấy chẳng là tôi có chiếc xe Minsk đỏ, thi thoảng chạy về tận Đa Phúc rồi lại ngược lên, chiếc xe của anh Khai là chiếc Yamaha nữ nên anh “ghép đôi” thế cho vui. Anh ta thì cứ cách dăm bảy ngày lại hứng chí sơn lại xe của mình một lần. Thôi thì lúc màu xanh lá cây, lúc lại màu nước biển, lúc màu da cam, lúc thì rằn ri, vằn vện... đổi màu liên tục chẳng khác gì con kỳ nhông.

       Để sơn xe, anh ta chế tác ra cái gọi là “máy phun sơn”, cũng dựa trên nguyên tắc của Định luật Bec- nu-li, phải mỗi tội là khi nhấn bơm thì không thể đều đặn trăm phát như một được, vì thế mà chỗ thì đậm chỗ thì nhạt, chỗ thì mỏng sơn chỗ thì dày sơn, không ra làm sao cả. Thế là anh ta lại vò đầu bứt tai nghĩ cách khắc phục. Sau đó anh ta lấy chiếc véc-xi bóng chuyền, bơm đầy hơi vào đó, một đầu thì nối với “máy phun sơn” và xì hơi ra từ từ. Kể từ đó, các “mẻ sơn” nghe chừng đã có kết quả tốt hơn, sơn đã đều hơn. Anh ta phỏn chí lắm. Đúng là cái anh chàng người Mường này lắm chuyện thật đấy!

       Những ngày được nghỉ, anh ta phi về Phú Thọ, chuyên dùng chiếc Yamaha nữ ấy buộc mấy cây tre đằng sau, kéo tre về tập kết để chuẩn bị làm nhà.

       Lâu lâu anh lại bổ máy ra, đem hết các phụ tùng cho vào chậu thau để ngâm dầu, bảo quản rồi lại lắp lại. Có một lần, để trêu anh, khi thấy chậu phụ tùng xe của anh để ở góc hè, lúc đi qua, tôi ném một chiếc ốc vít vào đó rồi lẳng lặng bỏ về. Đầu giờ chiều, anh ta mang mọi thứ ra lắp. Máy lắp xong đâu vào đấy rồi, nhưng khi mò trong chậu thì vẫn thấy một con ốc còn sót lại. Anh ta ngồi thừ mặt ra, cầm con ốc xoay đi xoay lại ngắm nghía, suy nghĩ xem nó nằm ỏ vị trí nào trong máy. Kể thiếu một con ốc thì có khi lại không để ý, nhưng bỗng dưng thừa ra một con mới là vấn đề, bố ai dám đi nếu như không biết nó ỏ đâu và phải làm thế nào. Thế là chàng Khai hì hục tháo máy, bổ máy và dỡ tung ra để kiểm tra. Khi chàng ta bắt đầu dỡ các bộ phận trong máy thì tôi như giả vờ đi qua và nói:

        - Này, lúc nãy thấy có dầu luyn trong chậu, tôi có ngâm một con ốc vào đó. Đừng vứt đi của tôi nhé!

        - Ối bố ôi là bố ôi! Thế là bố giết con rồi! - Anh chàng Khai ngồi bệt ngay xuống đất, vò đầu kêu toáng lên.

        - Thế là thế nào đấy? - Tôi làm ra vẻ không hiểu.

        - Ối bố ôi! Con định lắp máy vào để phi về với bu cháu chiều nay mà như thế này thì làm sao kịp được?

        - Ai cho ông về chiều nay hả? - Tôi vờ nghiêm giọng.

        - Thì em đã có kế hoạch với Trưởng tiểu ban rồi mà!

        - Thôi, mai về! Ai bảo cứ để mọi thứ hớ hênh ra như thế!

        - Ối giời ôi! Lần sau thì con xin cụ đừng có đùa ác thế nhá!

        Rồi anh ta quay sang nói với cậu chiến sĩ trong Tiểu ban:

        - Lần sau mày phải cảnh giác với bố này. Phải canh, chừng hộ tao khi tao bổ máy xe đấy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 10:41:11 pm »

       Trêu tí thế thôi vậy mà anh ta cảnh giác thực sự mới chết chứ. Mấy lần sau khi tôi đến chơi, trước lúc ra về, anh ta kiểu gì cũng cười cười, nửa thật nửa đùa:

        - Báo cáo thủ trưởng! Thủ trưởng cho em sờ túi thủ trưởng tí!

        - Nghi tôi là thằng ăn cắp hả?

        - Không ạ! Đâu dám ạ! Dưng mà thủ trưởng đùa, “nhóp” đi một con ốc xe nào của em là em ốm rồi ạ!

        - Đấy! Lần túi quần đi! Mà có một con ốc to bằng cổ tay ở trong ấy đấy! Nó chẳng thuộc về cái máy của nhà ông đâu! Báo trước cho mà biết nhé!

        - Ối giời ôi! Cụ lại trêu em rồi!

       Tất cả cười ồ! Về sau tôi còn được biết thêm một chi tiết là anh đã từng trở thành “bà đõ” bất đắc dĩ khi ngang đường gặp một phụ nữ trở dạ. Chẳng biết bây giò đứa bé ấy thế nào, đã thành ông bố, bà mẹ hay chưa và có còn nhớ đến ngưòi cha đỡ đầu Dương Công Khai hay không?

       Trung đoàn có rất nhiều anh có “tài vặt”, có “hoa tay” mà tôi hay dùng cái câu là “hoa tay dài đến nách”, ví như anh Lại Duy Bến ỏ Quân lực chẳng hạn. Chẳng thấy anh học ở trường mỹ thuật nào bao giờ mà anh vẽ, rồi nặn tượng cứ như nhà họa sĩ-điêu khắc chuyên nghiệp ấy. Khi về hưu lại còn học chữ Nho, viết thư pháp... rồi viết văn, làm thơ, từng xuất bản mấy tập thơ “Lửa chiều”, “Vỡ lẽ”... Đã có lần, anh đi dự Hội Lim, thấy có ông thày ngồi viết thư pháp, anh có vẻ “ngứa nghề” bền đề nghị ông cho viết thử mấy chữ, ai dè ông thày kia phục tài quá, nói:

        - Thôi, bác cứ để chữ đây em bán cho, tí nữa bác quay lại, nêu có người mua, em sẽ gửi lại bác tiền!

       Và rồi có người “mua chữ” của anh thật. Anh nhận tiền mà cứ tủm tỉm cười. Thế mà không lạ sao?

       Rồi như Nguyễn Đức sắc - Trợ lí Quân báo lại có tài về nghề mộc, sau này về lại tự thiết kế, xây nhà ở cho mình nữa. Tôi cũng từng là học trò của anh để anh dạy cho cách cưa, đục...

       Rồi như phi công Vũ Đức Hội với bài “Văn tế liệt sĩ Không quân nhân dân Việt Nam” không phải là tài hoa sao?

       Rồi như phi công Lương Quốc Cường sau này là Chính ủy Trung đoàn với những ca khúc viết về Trung đoàn, được đăng tải, được đưa đi biểu diễn không phải là tài giỏi sao?

       Rồi có những số phận thật lạ lùng, như trường hợp của chàng chiến sĩ Nguyễn Văn Yên chẳng hạn, anh chàng này trèo cọ để chặt lá, bị ngã từ cây cọ cao xuống đất tưởng “đi đứt” rồi, thế mà điều trị một thời gian ở trại thương binh trở về lại khỏe khoắn, đi lại bình thường, rồi còn sinh con đẻ cái nữa chứ.

       Đúng là ở đời này có nhiều chuyện bất ngờ thật!

       Như tôi đã nói ở phần đầu, khó khăn đến với Trung đoàn nhiều vô kể, nhưng nhờ có sự lạc quan mà chứng tôi đã vượt lên. Sau một tuần từ khi thành lập Trung đoàn, lực lượng Trực ban chiến đấu đã bước vào trực chiến, rồi một tuần sau là ban bay huấn luyện đầu tiên cũng đã tổ chức thắng lợi. Vùng trời Hoàng Liên Sơn đã rộn lên những tiếng động cơ máy bay. Những cánh én bạc đã lao vút vào trời xanh với các khoa mục bay khác nhau, cùng thi đua với các Trung đoàn khác và hứa hẹn sự phát triển toàn diện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2016, 10:42:07 pm »


       Các cán bộ, chiến sĩ vào tận Hang Dơi lấy tre, lấy nứa về dựng thêm nhà, mở rộng thêm “cơ ngơi” của Trung đoàn cho khang trang thêm. Các đoàn thể, các tổ chức quần chúng ở địa phương của mấy xã lân cận quanh sân bay thường xuyên đến thăm hỏi Trung đoàn, động viên Trung đoàn giúp cho tinh thần của chúng tôi ngày càng hăng hái, mối quan hệ quân dân ngày càng gắn bó mật thiết hơn. Không những chỉ giúp đỡ chúng tôi về mặt tinh thần, mà song song với đó là ủng hộ cả vật chất. Trường Trung cấp nông nghiệp cung cấp cho chúng tôi các giống cây trồng, giống vật nuôi để tăng gia, chăn nuôi. Ty Thủy sản thì cho nguồn cá bổ sung vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội... Chúng tôi còn được nhân dân cho gỗ để đóng bàn ghế và các vật liệu thường dùng. Những cây gỗ to được trâu kéo về tận sân của Trung đoàn và một tổ thợ mộc đã được lập ra một cách nhanh chóng. Phải nói rằng, lính Trung đoàn nhiều anh rất khéo tay, rất lành nghề. Trong một thời gian ngắn, một góc sân của Trung đoàn đã biến thành một xưỏng mộc. Tiếng cưa xẻ, tiếng đục, tiếng bào... vang lên đều đều, không khí nhộn nhịp lắm. Tổ thợ làm việc cả ngày lẫn đêm. Chính trong khoảng thời gian đó, tôi cũng mày mò học nghề mộc, không phải là kiểu “sáng rửa cưa, trưa mài đục, chiều giục ăn” đâu, học hành đàng hoàng cả đấy. Khổ nhất là ngồi cưa lao, xẻ dọc miếng gỗ. Cổ chân thì phải ngoẹo quặt ra để giữ thanh gỗ, hai tay phải kéo, đẩy thật nhịp nhàng, không được nhanh quá mà cũng không chậm quá, phải theo đúng vệt chỉ, không được để “chó liếm mực”! - nói như ngôn từ của mấy ông thợ mộc - Tức là không được xẻ lẹm, lệch vạch chỉ đã đánh dấu. Ngồi xẻ vài phút thì không sao chứ ngồi chừng tiếng đồng hồ trở lên thì cổ chân mỏi nhừ rồi lưng thấy ê ẩm ngay. Rồi tiếp đến là học đục, học bào, học mài lưỡi đục, mài lưỡi bào. Khó nhất là cái khoản mài lưỡi bào, phải mài làm sao cho sắc lẹm, mà hai góc lưõi bào vẫn phải vuông, không được vát một li nào hết. Thòi bây giò thì tất cả đều đã có máy: máy cưa, máy xẻ, máy bào, máy khoan, máy đục, máy cắt mộng... nghĩa là con người nhàn hơn rất nhiều. Rồi cách chọn gỗ, sử dụng gỗ... Với các ông thợ mộc, khi họ đã thải gỗ ra rồi thì có lẽ chi có phoi bào và mùn cưa, chỉ còn nước là cho vào bếp mà đun thôi vì các bố ấy tận dụng triệt để lắm, tận dụng từng đầu mẩu gỗ một cơ. Tôi cứ ngẫm nghĩ câu: “Dụng nhân như dụng mộc!”. Các cụ thâm thúy thật, sâu sắc thật. Người nào bô" trí vào việc nào cho hợp lí, cho phát huy hết được sở trường của người ấy cũng giống hệt như gỗ nào sử dụng vào việc nào cho phù hợp, không lãng phí thì mới được. Ghê thật! Ghê thật đấy!

       Hoạt động thể thao của Trung đoàn cũng khá sôi nổi: chúng tôi san gạt khoảng rộng trước nhà Trung đoàn bộ rồi xin xe cẩu về để cẩu những tấm bê tông lát sân. Tôi cũng nhảy lên xe cẩu, được anh Ban dạy cho cách sử dụng rồi hướng dẫn tôi cẩu đặt được 9 miếng bê tông lát phẳng phiu đàng hoàng. Thế là có đủ cả: nào sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân bóng đá, nào bãi xà, tạ, đu quay... Rồi tổ chức đấu giao hữu với các đơn vị trong quân đội, với các đơn vị ngoài quân đội nữa... náo nhiệt lắm! Khi thì các đội của Trung đoàn ra các cơ quan, đơn vị bên ngoài thi đấu giao hữu, khi thì các đơn vị bên ngoài vào trong Trung đoàn giao hữu. Tình nghĩa quân dân càng gắn bó thì càng giúp cho Trung đoàn thấy trách nhiệm phải vượt khó để xứng đáng vói sự tin yêu, đùm bọc của nhân dân.

       Khó khăn thì nhiều lắm, nhiều vô kể..., nhưng chúng tôi đã gỡ dần từng bước, loại dần từng khó khăn một, từ nhỏ cho tới lớn. Nếu không có niềm lạc quan, nếu không có được tinh thần vượt khó, hướng về tương lai thì chắc chúng tôi không thể xây dựng Trung đoàn như thế được. Mọi người đều có ý thức cố gắng, có ý thức phấn đấu. Suốt những năm tháng gian truân ấy, Trung đoàn duy nhất chỉ có một trường hợp chiến sĩ bị loại ngũ, nhưng kể cả với ngay bản thân chiến sĩ ấy, cho tới bây giờ tôi vẫn quý mến cậu ta. Cũng vì những hoàn cảnh, những khung hình kỷ luật mà phải xét xử cậu ta. Bản thân cậu ta cũng nhận thấy những khuyết điểm của mình và sẵn sàng đón nhận hình thức kỷ luật xứng đáng mà không phá phách hoặc không có những hành vi tiêu cực nào. Trước ngày nhận quyết định bị loại ngũ, có người đến gặp tôi, lo lắng chuyện nhỡ ra cậu ta “không còn gì để mất” nữa, quăng cho Trung đoàn một mồi lửa lên mái nhà thì toàn Trung đoàn phút chốc sẽ làm mồi cho “bà Hỏa” ngay, chỉ còn lại tro tàn thôi. Có thể như thế lắm chứ, khi đã đến nước đường cùng rồi, khi đã phải ra khỏi quân đội không còn tí tư cách nào nữa thì con người cũng hay nghĩ quẩn và hay làm liều lắm, nhưng riêng tôi thì tôi tin cậu ta sẽ không bao giờ làm thế bởi bản chất cậu ta là một người tốt. Và đúng là cậu ta chấp nhận hình thức kỷ luật một cách rất nghiêm túc thật. Thế thì không đáng quý hay sao?

       Điều đáng nói là tất cả các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Trung đoàn đều tôn trọng nhau, đối xử với nhau rất thân thiết, gắn bó như trong một gia đình lớn. Riêng với cá nhân tôi, mọi người không chỉ coi tôi là một người lãnh đạo mà còn coi tôi như một người anh, một người bạn... Điều ấy làm tôi rất cảm động và càng quý trọng tất cả anh em trong Trung đoàn hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2016, 08:36:29 am »


CHƯƠNG BA

TRƯỞNG THÀNH

       Những ban bay huấn luyện đầu tiên của Trung đoàn, số lượng chuyến bay không nhiều chỉ với mục đích làm quen với các không vực bay, với địa hình vùng Hoàng Liên Sơn và chống giãn cách bay mà thôi.

       Các ban bay sau số lượng chuyến bay tăng dần lên và bắt đầu với các khoa mục bay theo đúng kế hoạch bay và tiến độ trong kế hoạch bay của Trung đoàn đã được Sư đoàn phê duyệt.

       Sự chuyển biến bộc lộ một cách rõ rệt không chỉ nhìn vào cái chung mà cụ thể ngay từ cá nhân từng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn. Tôi còn nhớ, có một lần khi đi họp về, lúc qua cổng của Trung đoàn, anh Đoàn Văn Sàn hơi “giật mình” khi nhác thấy cậu cảnh vệ có bộ ria nghe chừng không bình thường, về đến phòng, anh nói nhỏ với tôi vẻ nghi ngờ:

        - Này, cậu này! Tớ cảm thấy hình như cái “thằng" cảnh vệ lúc nó kéo ba-ri-e lên cho xe mình vào, nó xăm ria thì phải?

        - Không phải là hình như mà là chắc chắn 100 phần trăm! - Tôi trả lời.

        - Chẳng nhẽ lại như thế nhỉ? - Anh lẩm bẩm rồi sau một chút suy nghĩ lại nói tiếp: “Biết thế đếch nào được!”.

       Anh bỏ đi đâu không biết. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ sau đó anh mới trở về, sang phòng tôi và nói:

        - Đúng thế, cậu ạ!

        - Cái gì đúng cơ? - Tôi hơi ngơ ngác hỏi lại anh.

        - Thì cái “thằng" xăm ria ấy. Đúng là xăm thật! Trần đời tớ chưa thấy thế bao giờ!

        - Thế thì anh chưa biết còn có “thằng” xăm cả hình cô con gái cởi truồng ở đùi rồi! Mà có khi anh biết thừa, anh chẳng thèm nói với tôi cũng nên!

        - Lại thế nữa! Đúng là tớ không biết thật! Mà sao cậu biết nhiều thế nhỉ?

        - Ơ, phải hiểu rõ lính của mình chứ! Mà công tác tư tưởng là của anh đấy nhé!

       Câu chuyện anh em chúng tôi trao đổi với nhau tưỏng chừng sơ sài thế thôi, nhưng sau đó là cả một kế hoạch tính toán nghiêm túc để làm sao có thể xoay chuyển được nhận thức của tất cả mọi người trong Trung đoàn. Các đợt sinh hoạt, những lần tiếp xúc, gặp gỡ riêng, nghe ngóng, giải quyết mọi khúc mắc... được tiến hành thường xuyên và sự chuyển biến ngày càng rõ rệt. Đặc biệt, cậu có hình xăm ỏ đùi đã làm một chuyện mà tôi nghe cũng thấy “choáng”: ấy là cậu đã lấy một miếng gang, cho vào bếp nung nóng lên rồi áp vào chỗ hình xám để tẩy sạch hình xăm đi, chấp nhận vết bỏng thay thế vào chỗ hình xăm. Đấy chính là một tấm gương sáng và kể từ đó, tình hình vi phạm kỷ luật trong Trung đoàn giảm đi đáng kể.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2016, 08:37:15 am »


       Khi lòng người đã thuận thi mọi việc tiến triển rất “thuận buồm, xuôi gió”. Trung đoàn tôi đóng quân ở vùng rừng núi nên Sư đoàn không giao cho kế hoạch bay biển mà chủ yếu là nhiệm vụ bay đánh chặn các mục tiêu trên không, đánh các mục tiêu mặt đất và nhiệm vụ bay trinh sát. Tôi cùng một số người biên soạn và dịch những tài liệu mình từng học ở Học viện để lên lớp cho anh em. Những phần lí thuyết xen kẽ vói những khoa mục bay thực hành đã làm cho lực lượng phi công của Trung đoàn bay ngày càng vững tay hơn. Ngay từ năm 1974 tôi đã là giáo viên bay rồi và đặc biệt là vào năm 1970, trước khi sang bên sân bay Tường Vân bay thử các máy bay mình để ở bên đó để chuyển về nước thì tôi cũng đã được học bồi dưỡng qua một lớp ngắn ngày về bay thử. Qua đợt học về bay thử ấy, tôi được thày dạy cho những thuật bay nắm hết tính năng của máy bay MiG-21 và thấy mình bay vững tay hơn rất nhiều. Chính vì vậy khi về Trung đoàn, tôi đặc biệt quan tâm đến những bài bay động tác phức tạp độ cao trung và nhất là ở độ cao thấp. Tôi bay kèm với nhiều phi công của Trung đoàn, truyền đạt lại cho họ những kinh nghiệm bay của bản thân mình và có những tôi mất điện phải đốt đuốc lên để giảng bình bay cho kịp thời. Tất cả các phi công của Trung đoàn đều ý thức được rằng mục tiêu của họ là những trận không chiến trên không, và những trận công kích mặt đất. Mục tiêu tác chiến của họ là ở trên trời và trên cạn. Họ đã hiểu chỉ có nắm vững được thuật bay cùng các động tác nhào lộn thật nhuần nhuyễn thì mới có thể gọi là tạm yên tâm khi vào không chiến. Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh qua và những bài học đắt giá của những thế hệ phi công đi trước đã chỉ ra rằng: anh phải thực sự thuần phục được máy bay anh đang lái, anh phải thực sự gắn bó với nó, không phải là máy bay đang bay mà là chính bản thân anh đang bay, đang nhào lộn trong thinh không, anh làm bất kể những gì anh muốn và phải chuẩn mực đến tuyệt đối, phải “vẽ” được những vòng thật chính xác theo phương nằm ngang và theo các mặt phẳng đứng, mặt phẳng nghiêng. Càng nắm vững tính năng của máy bay chắc bao nhiêu, kỹ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nó sẽ giúp anh hoàn thành được nhiệm vụ dù là đánh mục tiêu trên không hay là ở dưới mặt đất. Nó sẽ giúp anh thoát hiểm trong rất nhiều trường hợp ở trên trời. Viết đến đây tôi lại nhớ đến phi công Mai Văn Minh của Trung đoàn - người từng bị ba lần mất nắp buồng lái trong khi bay, nhưng vẫn đưa máy bay về hạ cánh được mà không phải nhảy dù. Chuyện mất nắp buồng lái thì không phải chuyến bay nào cũng xảy ra, nhưng trong thời gian các đơn vị bay của Quân chủng tổ chức bay cũng có đến dăm lần mất nắp buồng lái. Có lẽ do hoàn cảnh khí hậu nước mình độ ẩm quá lớn rồi nắng nóng bất thường, hầm để máy bay thường xuyên lại không đủ đáp ứng nên keo dán nắp buồng lái nhanh bị lão hóa. Khi cất cánh lên trời, áp suất thay đổi thế là nắp buồng lái tự bung ra và... “không cánh mà bay” thôi. Trong trường hợp ấy, phi công phải thực sự bình tĩnh, xử lí tỉnh táo, đúng bài bản thì có thể còn cứu được máy bay, đưa máy bay về hạ cánh và cứu được cả bản thân mình nữa. Bằng không thì chỉ có cách là nhảy dù, vứt máy bay mà rồi ngay bản thân mình cũng không biết có được an toàn hay không nữa kia. Trong cuốn “Sổ tay người lái”, tức là cuốn hướng dẫn các phi công sử dụng máy bay MiG-21 đã có đến mấy chục trường hợp bất trắc có thể xảy ra trong khi bay. Từ đầu đến đuôi máy bay đều có thể xảy ra vấn đề gì đó bất thường hết. Tổng Công Trình Sư thiết kế máy bay đã tính đến các trường hợp ấy rồi. Chính vì vậy mà trong “Sổ tay ngưòi lái” có đưa ra hàng chục trường hợp xử lí bất trắc mà bất kỳ phi công nào cũng phải thuộc lòng. Này nhé, đầu máy bay là cái “chóp nón” có thể không “thò ra thụt vào” phù hợp với tốc độ bay, rồi thân máy bay là các hệ thống điện, hệ thống dầu thủy lực, động cơ..., có thể hoạt động không bình thường, rồi hệ thống càng của máy bay có thể thả không ra, hệ thống cánh tà cũng vậy... Phần đuôi máy bay thì miệng phun của máy bay có thể cứ há ra mà không khép vào được, rồi kể cả dù giảm tốc khi hạ cánh cũng có thể không mở, rồi phanh có thể không ăn... Nghĩa là nhiều, nhiều thứ có thể xảy ra trong chuyến bay lắm. Chỉ cần sa sẩy một chút thôi là hỏng bét hết. Mọi xử lí đòi hỏi phải thật chuẩn, không được sai một li, đúng như người xưa nói: “Sai một li, đi một dặm!” thật. Ví như còn có độ cao thì còn “đi một dặm” được, nếu dưới thấp, ở cái nơi “gần đất, xa trời” ấy thì đi đâu? Chắc chắn là xuống đất luôn, và “thịt với xương tim óc dính liền” là cái chắc!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2016, 08:38:12 am »

       Trở lại chuyện của anh Mai Văn Minh! Trong vòng có hơn một năm tròi mà anh ta bị đến tận 3 lần liên quan đến cái nắp buồng lái. Tôi kể chi tiết một chút để bạn đọc hiểu. Vào ngày 6 tháng 3 năm 1982, khi Mai Văn Minh trực ban chiến đấu cùng Nguyễn Đình Loan ở tuyến trực ngoài sân bay. Gần trưa thì có lệnh cho biên đội Minh, Loan vào cấp rồi mở máy, xuất kích chiến đấu. Sau khi cất cánh, đến độ cao thu càng, rồi thu cánh tà, lúc chuẩn bị tắt tăng lực, Minh ra khẩu lệnh: ‘Tắt tăng lực!” thì nghe thấy “roạt” một cái, rồi chiếc nắp buồng lái cứ rung lên bần bật, kêu phập phập y như chiếc vung xoong ‘lẩy bẩy” khi nồi nước đang sôi vậy. Minh giảm tốc độ, ép độ nghiêng sang phải thì cả máy bay giật bắn lên như bị động kinh, không thể ghìm được. Minh thử nghiêng sang trái thì không sao, máy bay có vẻ nghe theo sự đỉều khiển. Minh cố kéo kính mũ xuống, giữ chặt lấy để về hạ cánh. Vì máy bay trực chiến đeo cả thùng dầu phụ dưới bụng và cả 4 quả tên lửa, số lượng dần còn nhiều như thế, nặng như thế nên khi tiếp đất xong, Minh phải mắm môi mắm lợi vào phanh sau khi đã thả dù giảm tốc. Hai quả tên lửa đã phi vèo vèo ra khỏi bệ, lao vun vút trước mũi máy bay. Minh hoảng hồn, nhưng tên lửa không nổ. Máy bay của Minh phải đưa vào xưởng để kiểm tra. Keo dán nắp buồng lái đã bong, nhưng nắp buồng lái thì vẫn còn giữ được, chưa bị bay. Vì có kẽ hở nên khi vòng máy bay, áp suất thay đổi, nắp buồng lái bị giật lên giật xuống phập phập là vậy.

       Ngày ấy hình như là ngày “dự lệnh” cho chuyến sau của Mai Minh thì phải. Hơn 4 tháng sau, vào ngày 21 tháng 7, khi biên đội của Hoàng Văn Định và Mai Văn Minh cất cánh đi vào Đà Nẵng để trung tu máy bay, khi bay ngang qua Vinh, Mai Minh đã nghe thấy có tiếng “xì xì” và đúng đến ngang Phú Bài thì “vèo”! - nắp buồng lái đã vù theo mây trời. Tốc độ bay bấy giò đang là 900 km/h, độ cao hơn 7000 mét. Mai Minh hành động như một cái máy, nhanh chóng giảm tốc độ, hạ ghế ngồi, hạ kính mũ bay che mặt, thở bằng ô-xy trên máy bay...

       Mai Văn Minh đã đưa được chiếc máy bay “mui trần” ấy về hạ cánh an toàn trên sân bay Đà Nẵng.

       Trong năm ấy Mai Minh còn gặp một trường hợp hỏng hệ thống dầu đỏ - hệ thống trợ lực điều khiển nữa, nhưng vì tôi đang kể về chuyện liên quan đến nắp buồng lái nên không nêu ở đây.

       Sang năm 1983, vào ngày 17 tháng 11, khi bay huấn luyện với khoa mục đánh chặn mục tiêu trên không, Mai Văn Minh bị dẫn lạc hậu, phải tăng tốc độ để đuổi mục tiêu, ở tốc độ hơn 1000 km/h, vừa mới ép độ nghiêng vòng phải với độ nghiêng chừng 60 độ, thì nghe cái “xèo”! Thôi, cái nắp buồng lái thế là “không cánh mà bay”!

       Mai Văn Minh đã có kinh nghiệm xử lí ở chuyến đi Đà Nẵng rồi nên xử lí thành thạo hơn, chuẩn mực hơn. Vậy mà cũng phải mất đến 25 phút sau, Mai Minh mời lò dò về được đến sân bay, vào hạ cánh an toàn.

       Lần mất nắp buồng lái này, khi về hạ cánh, lăn vào sân đỗ, xuống máy bay rồi thì thấy mặt Mình như bị phù, hai mắt sưng húp lên, trông “không giống ai”. Minh phải đi viện điều trị vì bị “xuất tiết hoàng điểm”, tôi thì cứ gọi nôm na là bị chảy máu mắt!

       Mấy lần gặp sự cố như vậy nhưng vẫn cứu được máy bay, đưa về hạ cánh an toàn. Mai Văn Mình đã được Chủ tịch nước gửi thư khen. Đơn vị đã đề nghị khen thưởng cho anh với phần thưởng xứng đáng và anh Mai Văn Minh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

       Về sau này, khi anh em tôi có dịp ngồi với nhau, tôi cứ ngắm nghía khuôn mặt của Minh làm Minh chột dạ:

        - Sao anh nhìn em ghê thế?

        - Cầu thủ bóng đá trong một trận thì lập được cái gọi là “hát-trích”, còn cậu mấy lần mất nắp buồng lái như vậy thì tớ đang nghĩ xem nên goi là gì “trích”?

        - Cứ gọi là “cá trích” cũng được!

        - Cái cậu này đến là háu ăn! “Cá trích” thì quý và hiếm đấy!

       Anh em tôi cười váng lên. Chừng như khi mình đã vượt qua được những điều cam go rồi thì mọi chuyện ấy lại trở thành bình thường và có thể đem ra làm trò đùa được thì phải.

       Liên quan đến chuyện nắp buồng lái trục trặc mà vẫn xử lí để về hạ cánh an toàn được có lẽ cũng cần phải nói đến trường hợp của phi công Vũ Đức Hội. Chuyện ấy xảy ra vào ban bay ngày 20 tháng 8 năm 1988 khi Trung đoàn tổ chức cho số phi công làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không với đội hình 2 chiếc và 4 chiếc. Hôm ấy, biên đội của các anh Hoàng Văn Định, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Đình Loan và Vũ Đức Hội bay tập với bài bay: “Biên đội 4 chiếc đánh chặn mục tiêu 2 chiếc trên độ cao 6000 mét”. Sau khi được sỏ chỉ huy dẫn dắt đến cự li thích hợp, số 3 và số 4 (các anh Nguyễn Đình Loan và Vũ Đức Hội) đã phát hiện được mục tiêu trước và được phép tiến hành công kích. Công kích xong, lúc thoát li khỏi mục tiêu, máy bay của Vũ Đức Hội bị vỡ nắp buồng lái, mảnh mi-ca của nắp buồng lái văng ra làm móp cả mũ bay của Hội. Vũ Đức Hội bị thương vào đầu, phía bên trái. Bằng kinh nghiệm bay và bản lĩnh bay của mình, Vũ Đức Hội đã bình tĩnh xử lí và đưa máy bay về sân bay hạ cánh. Khi lao xuống hạ cánh, đến độ cao 100 mét, Hội phát hiện thấy có 2 máy bay đang lăn ra đường băng liền bay lại vòng 2 rồi tiếp tục làm hàng tuyến về hạ cánh an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2016, 08:40:18 am »


       Sau này, khi về Sư đoàn công tác với cương vị Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Không quân 371, Vũ Đức Hội cũng là người soạn thảo bài: Văn tế Liệt sĩ Không quân nhân dân Việt Nam!:

       Nhớ thuở nào!

       Bầy quạ sắt như đám mây đen ùn ùn kéo tới, tên lửa rạch trời như chớp giật, bom cày mặt đất tựa ngô rang.

       Từ mặt đất vút cao, lật xuống bổ nhào, đàn én nhỏ tung hoành chốn sa trường mây trắng, tả đột hữu xung nào ai biết trước sau.

       Bùng chớp lửa, cánh én lìa đàn, sống anh hùng, thác vẻ vang, thế gian khóc người chiến sĩ chứa chan hàng lệ nhỏ.

       Xao xác lá rơi, lá xanh về cội, sống thăng thiên, quy nhập địa, hậu thế viếng đấng anh hùng nghi ngút khói hương bay.

       Ản quả nhớ kẻ trồng cây, đạo lý ấy ngàn năm còn giữ.

       Ghi nhớ công ơn liệt sĩ, truyền thống này vạn đại khắc ghi.

       “Trung thành vô hạn, kiên quyết tiến công, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” - lời Bác Hồ dạy, Không quân vẫn nhớ.

       Hào hoa dưới đất, trí dũng trên không, khí phách ấy chẳng thể nào quên được.

       Hỡi ôi!

       Hương hồn các chị, các anh.

       Những cán bộ chỉ huy, những phi công, tổ lái.

       Những thợ máy, dẫn đường, trắc thủ, công binh.

       Những lái xe, những chị em phục vụ tận tình.

       Vì Tổ quốc chẳng xá gì xương máu.

       Đất nước gọi các anh lên đường, mở mặt trận trên không thắng lợi, không hổ với Tổ Tiên.

       Tổ quốc cần hy sinh xương máu, với cái chết nhẹ tựa lông hồng, chẳng thẹn cùng sông núi.

       Không quên!

       Những cánh bay đầu tiên năm ấy

       Kẻ bộ đội chín năm, chiến trường đổ máu, chiến công đầy, ngực đỏ huân chương.

       Người hôm qua còn ngồi ghế nhà trường, tà áo trắng còn vương màu mực tím.

       Người hôm nào còn cày sâu cuốc bẫm, nơi xóm nghèo vợ bìu ríu con thơ.

       Chị hôm qua còn đứng bên thoi dệt, quân phục cứng hồ sao vẫn thấy ngẩn ngơ.

       Nào có ngờ lính Không quân gia nhập, vinh dự tràn đầy, làng xóm được thơm lây.

       Người lẳng lặng đi Tây học lái, vợ con ở nhà vẫn tưởng đâu đây.

       Người học kỹ thuật, học nhảy dù, người làm sân đường, người học hoa tiêu.

       Người ra-đa, máy nổ không nhiều, vẫn thiếu bao người cho ngày bay thuở ấy.

       Nhiệt huyết cao, văn hóa thấp học sao thấy khó.

       Trời quê nhà vẫn vẩn đục lũ quạ đen.

       Ham bay, say học, năng rèn, muốn một ngày chí kia được thỏa.

       Gió lạnh, tuyết dày, nẳng đổ, ngày lại ngày không mẻ sức trai.

       Cháy bỏng trong tim lòng yêu nước tràn đầy.

       Ngất núi hận thù lũ xâm lăng cướp nước.

       Nào ngờ!

       Phận mỏng cánh chuồn, những cánh én ra đi không ngày trỏ lại.

       Bầu bạn bốn phương đón anh nơi đất lạ trở về.

       Mông Tự, Tưòng Vân hay nước Nga bát ngát.

       Đất Ba Lan tuyết trắng hay Trung Á bụi mờ.

       Nơi ấy những con chim ra ràng vỗ cánh

       Ước mơ đại bàng mãi mãi chẳng đến cho

       Anh nằm nghe sóng Biển Đen, hồn bay theo điệu dân ca Di-Gan da diết.

       Ngôi sao hồng trên nấm cỏ xanh, hương Chiu- pan ôm ấp anh mấy chục năm xa đất Mẹ!

       Nay các anh về, lòng ấm lại biết bao nhiêu.

Thật anh hùng!

       Những phi công trẻ Việt Nam dũng cảm, lóp phi công nào cũng đánh thắng, phi đội nào cũng lập chiến công.

       Những trận không chiên đầu tiên MiG-17 ra quân thắng lợi, “Giặc nhà trời”, “Thần sấm” hóa ra ma.

       Mảnh đất Hàm Rồng thành mồ chôn giặc Mỹ, chiến công đầu thấm đỏ máu các anh.

       Giặc đầy trời, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, tâm phải quyết.

       Bí mật bất ngờ, chớp thời cơ, cả biên đội đều lập chiến công.

       Diệt địch từ xa, dùng An-2 đánh đồn Pa-Thí, dùng T-16 ném bom Bun-Lọng, bọn giặc Mỹ, ngụy Lào kinh hồn khiếp vía.

       Từ sân bay dã chiến, mai phục đánh tàu chiến địch, biển xanh kia lũ giặc kinh hoàng.

       Tự đi, tự đánh, tự về, Il-14 vừa chiến đấu, vừa vận tải hàng cho quân ta ỏ đồn Mang Cá.

       Thông minh, sáng tạo dùng Mi-6 cẩu tàu bay đi phục kích, lắp dù đuôi cho MiG-17 lập công.

       Hiệu suất chiến đấu cao, hơn tên lửa bắn rơi một máy bay giặc Mỹ.

       Phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, loại máy bay nào cũng lập chiến công vang.

       Bay thấp kéo cao, MiG-21 hạ gục bao tàu bay Mỹ.

       “Điện Biên Phủ trên không'’ tan xác “Pháo đài bay” thần tượng huênh hoang của Không lực Hoa Kỳ.

       Bao phi công lừng danh của nước Mỹ phải vứt máy bay, vào Hin-tơn nghỉ mát.

       Dùng máy bay địch đánh địch, dũng cảm, táo bạo, Tân Sơn Nhất hôm nào ngút trời khói tỏa.

       Mặt đối mặt bổ nhào, phóng rôc-két, quân Pôn- Pốt bỏ chạy tháo thân.

       Hãnh diện biết bao!

       Rạng danh anh hùng những phi công trẻ Việt Nam.

       Thật tự hào những chú đại bàng non đánh tan tác lũ quạ già hung ác.

       Những “Bồ câu hòa bình” hạ gục uy danh “Thần sấm”, “Con ma” của Không lực Hoa Kỳ.

       Mừng các anh khi nghe tin chiến thắng, cả nước nức lòng, bè bạn sẻ chia.

       Đau thắt lòng khi các anh ngã xuống, giọt máu hồng thấm trang sử vinh quang.

       Tất cả vì những chuyến bay thắng lợi!

       Ơi các chị, các anh người chiến sĩ, ca nước uống cùng, điếu thuốc bẻ đôi.

       Thật tự hào sao xanh đầu mũ, oanh liệt hào hùng người chiến sĩ Không quân.

       Có thợ máy lấy thân mình che cho phi công tránh bom đạn Mỹ.

       Những chị nuôi quân băng qua lửa đạn quân thù đem cơm cho biên đội trực ban.

       Người chiến sĩ công binh phá bom nổ chậm, trên mình không áo giáp.

       Anh lái xe dũng cảm, rẽ bom bi địch mà đi, nguy hiểm chẳng sờn lòng.

       Chị trước em sau những cô dân quân du kích

       Gánh đất lấp hố bom thù để đường băng dài, đàn én vút lên cao

       Những chiến sĩ ra-đa, trắc thủ hôm nào

       Chẳng sợ Sơ-rai, chẳng quản điều chi

       Đang phát sóng vẫn lên đài sửa máy

       Chẳng tiếc thân mình cho cánh sóng vươn xa. Thật xót xa!

       Những cánh bay thời chiến hôm nào

       Hòn tên mũi đạn vô tình ra đi mãi mãi Chiến tranh là vậy, nào có ai muốn thế Nước mắt ngược vào lòng, xin chia sớt nỗi cảm thông

       Đau đớn thay!

       Huấn luyện bay mỗi ngày, những cánh én bay không biết mỏi

       Tai nạn mỗi lần, có đồng chí phải ra di

       Biển rộng, rừng xanh, cánh đồng lúa chín

       Ôm các anh vào lòng, những đứa con phận mỏng xót xa

       Vợ trẻ, con thơ, mẹ già tóc bạc, chồn chân mỏi gối mong ngóng các anh về

       Sinh nghề tử nghiệp, xưa nay nào có ai muốn thế

       Vững chí bền lòng, sau trước nhiệt huyết chẳng hề phai.

       Nghĩ rằng!

       Chiến thắng lẫy lừng

       Chiến công rực rỡ

       Truyền thống vẻ vang

       Đời đời ghi nhớ

       Đất nước thống nhất hòa bình có từ thuỏ ấy, biết mấy anh hùng ngã xuống

       Dân tộc độc lập tự do, ước vọng ngàn đời, biết bao thế hệ phải đứng lên

       Tổ quốc ghi công các anh vì nước hi sinh máu xương kia không uổng

       Tượng đài Không quân cao vút để đời đời mãi nhó công ơn

       Đá núi chơ vơ, dòng mộ chí bồi hồi tưởng vọng

       Trời cao lồng lộng, dáng tượng đài tưỏng nhớ anh linh

       Rừng xanh bát ngát như sử sách ngàn năm còn khắc mãi

       Cờ bay đỏ thắm như nghĩa tình vạn đại chẳng hề phai

       Hương hồn các chị các anh!

       Sông khôn, thác thiêng hãy phù hộ cho đất này

       Cho đàn én bay, cho tròi kia xanh mãi

       Hỡi các anh hùng liệt sĩ! Hỡi các chị các anh!

       Hồn thiêng vương vấn núi sông về chôn này hội tụ

       Rạng danh truyền thông dựng bia đá khắc ghi

       Hương khói tâm thành đời đời nghi ngút!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM