Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:56:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức về sư đoàn phòng không cận vệ đỏ  (Đọc 14624 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:53:25 am »


        Chiều ngày 20 tháng 12 năm 1972, Phó tư lệnh Trần Nhẫn xuống Trung đoàn H57, Phó tư lệnh Lê Huy Vinh xuống Trung đoàn H61 trực tiếp chỉ đạo giúp dỡ đơn vị trên hướng chủ yếu. Các Phó chính ủy Nguyễn Đắc Thái, Phạm Văn Bời, các Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm chính trị Trần Văn Địch, Đào Văn Tấn, Đặng Văn Nhiên, Chủ nhiệm Hậu cần Nguyễn Văn Thăng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Nguyễn Trung Lữ huy động hết số trợ lý có thể, thành lập các đoàn đi xuống các đơn vị động viên kiểm tra và giúp đỡ các trận địa chuẩn bị chiến đấu, động viên và giúp đỡ các dây chuyền sản xuất đạn.
       
        Đêm 20 tháng 12 năm 1972, địch tập trung số lớn B52 và nhiều máy bay chiến thuật tiếp tục đánh phá ác liệt Hà Nội. Thoạt đầu ba B52 bị bắn rơi, hai chiếc rơi tại chỗ. Về phía ta thời điểm này số đạn tên lửa trong các trận địa không còn nhiều. Tổng hành dinh chỉ thị cho Quân chủng gấp rút tiếp tế thêm đạn cho Hà Nội và chỉ thị tên lửa chỉ dành để đánh B52, pháo cao xạ phả"Cả nước đang hướng về Hà Nội, cả thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Giờ đây vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội".i bảo vệ cho được tên lửa. Đồng thời Đại tướng điện xuống Sư đoàn:
       
        Được Tổng Tư lệnh động viên và giao nhiệm vụ với những lời lẽ thắm thiết, bộ đội ta hết sức xúc động càng hăng say phấn khởi nức lòng chiến đấu. Gần sáng 21 tháng 12 hai tiểu đoàn kỹ thuật 80 và 95 sản xuất và bổ sung gấp hơn 20 quả đạn. Các đồng chí lái xe TZM cắm cờ ưu tiến số 1 của thành phố cấp phóng như bay về các trận địa hỏa lực. Hai đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Điển, Trung đoàn trưởng H57 và Trung tá Nguyễn Hữu Tạo, Trung đoàn trưởng Trung đoàn H61 lại tiếp tục thi đua lập công.
       
        5 giờ sáng, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chấn và kíp chiến đấu Tiểu đoàn 78 Trung đoàn H57 đã bắn rơi tại chỗ chiếc B52 thứ 4 gần Phả Lại, Hải Dương.
       
        - 5 giờ 9 phút, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77 Trung đoàn H57 bắn rơi chiếc B52 thứ 5 tại Phúc Yên và là chiếc B52 thứ 3 rơi tại chỗ của riêng Tiểu đoàn 77 kể từ đêm 18 tháng 12 năm 1972.
       
        - Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt cùng kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57 Trung đoàn H61 chỉ còn hai quả đạn trên bệ phóng. Lúc 5 giờ 04 phút, tiểu đoàn bắn "mổ cò" một phát - Lúc 5 giờ 11 phút, tiểu đoàn bắn "mổ cò" phát thứ 2. Cả hai quả đều trúng đích, bắn rơi hai chiếc B52 - chiếc thứ hai rơi tại núi Đôi, Phúc Yên. Và đây cũng là chiếc B52 thứ 7 (chiếc thứ 5 rơi tại chỗ) trong đêm 20 rạng sáng 21 tháng 12; một thành tích tuyệt vời kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
       
        Đòn quan trọng đêm thứ ba của chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II" hòng buộc ta phải trở lại hội nghị Pa-ri đàm phán theo điều kiện của Mỹ đã bị thất bại nặng nề! Thần tượng "siêu pháo đài bay B52" bị gẫy cánh! Kèm theo "ngáo ộp B52" bị gẫy cánh, bảy máy bay chiến thuật kể cả F111A cánh cụp cánh xòe cũng bị các lực lượng pháo phòng không, súng máy phòng không của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái tiêu diệt.
       
        Rạng sáng 22 địch lại sử dụng 24 chiếc B52 vào đánh Hà Nội. Chỉ trong vòng hơn 10 phút, tên lửa Hà Nội lại bắn rơi thêm ba chiếc B52 nữa. Cả ba chiếc đều rơi tại chỗ, một Ở chợ Bến, Mỹ Đức, Hà Tây, một ở Thanh Miện, Hải Dương, một Ở Quỳnh Côi, Thái Bình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:54:36 am »

       
        4 giờ sáng 22 tháng 12 năm 1972, điện từ Bộ Tư lệnh Quân chủng xuống báo: "Đúng 7 giờ sáng nay ngày 22 tháng 12, Đại tướng Tổng Tư lệnh sẽ xuống thăm Tiểu đoàn tên lửa 77 tại trận địa". Chúng tôi rất mừng nhưng vô cùng lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn cho Đại tướng Tổng Tư lệnh. Hội ý Bộ Tư lệnh cấp tốc quyết định hai vấn đề:
       
        1. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại tướng.
       
        2. Thông báo cho toàn Sư đoàn biết Sư đoàn ta được Đại tướng Tổng Tư lệnh đến thăm, động viên sĩ khí chiến đấu của bộ đội.
       
        Việc thứ hai tất nhiên cơ quan chính trị chịu trách nhiệm. Việc thứ nhất Phó tư lệnh Trần Nhẫn được phân công lên Chèm đón Đại tướng, tìm mọi biện pháp an toàn nhất cho Đại tướng. Kể cả biện pháp "hỏng khí tài" khi thật cần thiết.
       
        Sau này Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng 77 hồi đó) tâm sự với tôi giọng vẫn chưa hết xúc động và hồi hộp:
       
        - Nhận được điện của Sư đoàn tôi lo quá. Vì vào khoảng 7-8 giờ sáng là máy bay Mỹ nhất là F111A đã hoạt động đánh phá các trận địa tên lửa rồi! Đã bố trí để Đại tướng gặp anh em ở chỗ tương đối an toàn mà vẫn không yên tâm. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, nếu địch đánh phá, chỉ còn cách nằm đè lên người Đại tướng để che mảnh bom mảnh đạn cho Đại tướng thôi!... Hôm ấy Đại tướng biểu dương tên lửa Hà Nội ngay từ trận đầu đã rất xứng đáng với truyền thống "Rồng bay" (Thăng Long). Nghe giọng Đại tướng chúng tôi đều cảm thấy là Đại tướng đang rất xúc động, chúng tôi cũng xúc động vô cùng.
       
        Xe anh Trần Nhẫn đã bị bom địch làm tung hết bạt phủ đêm trước, lúc đi dọc đường lại bị trục trặc nên lên đến tiểu đoàn đã thấy Đại tướng đang vui vẻ nói chuyện với bộ đội trong quang cảnh rất hào hùng. Biết rằng sau khi động viên bộ đội thể nào Đại tướng cũng sẽ đi kiểm tra tận các bộ phận tên lửa và vào trong xe điều khiển kiểm tra kíp chiến đấu thao tác đánh máy bay địch ra sao. Mặt trời đã lên cao vừa có thông báo máy bay địch sắp có một đợt hoạt động, anh Nhẫn liền rỉ tai với tiểu đoàn trưởng về "biện pháp an toàn cấp bách” cho Đại tướng - Cũng vừa lúc này Đại tướng yêu cầu Tiểu đoàn trưởng đưa đi xem trận địa, thăm một số anh em đang trực ban không có mặt trong lúc Đại tướng nói chuyện. Quán triệt chỉ thị của anh Trần Nhẫn, Đinh Thế Văn báo cáo:
       
        - Thưa Đại tướng! Theo lệnh Sư đoàn, tiểu đoàn sẽ thao diễn lại quá trình diễn biến từ lúc báo động đến khi bắt được mục tiêu và tiêu diệt nó trên màn hiện sóng. Nhưng xe tính toán vừa đột nhiên bị trục trặc nên xin Đại tướng chờ cho vài phút.
       
        Chỉ đợi đến tình huống này, Phó tư lệnh Trần Nhẫn liền lên tiếng:
       
        - Sao lại đợi? Xe A trục trặc thì tiểu đoàn cứ giới thiệu chay về các quy trình trận đánh với Đại tướng cũng được.
       
        Rồi anh Nhẫn quay sang Đại tướng:
       
        - Báo cáo Đại tướng! Việc trục trặc kỹ thuật thường xảy ra, rồi anh em sẽ khắc phục được, để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu ngay sau đây vài phút. Không đảm bảo được chương trình đưa Đại tướng lên xe khí tài lúc này chúng tôi rất có lỗi với Đại tướng!
       
        Đại tướng khoát tay, ôn tồn nói:
       
        - Tôi xuống đây chủ yếu đến thăm và động viên bộ đội tên lửa ta. Mong các đồng chí chiến đấu ngày một thắng lợi giòn giã hơn. Nghe giới thiệu "chay" cũng được rồi. Nhưng yêu cầu các đồng chí tập trung khẩn trương sửa chữa ngay hỏng hóc bất thường này đừng để lỡ thời cơ chiến đấu.
       
        Câu chuyện "khí tài đột nhiên hỏng ở Tiểu đoàn tên lửa 77" xảy ra nhằm tránh những phút căng thẳng đảm bảo an toàn cho Đại tướng Tổng Tư lệnh chỉ có vài người biết và đều đã đào sâu chôn chặt từ lâu cho mãi đến năm 1988, nghĩa là 16 năm sau, đồng chí Đỗ Văn Phúc, Thiếu tướng tùy viên quân sự Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, trong chiến dịch 12 ngày đêm là Tham mưu phó Sư đoàn phụ trách tên lửa đã thành thật bộc lộ với Đại tướng trên đường đi thăm Cu Ba và dừng lại Mát-xcơ-va về câu chuyện "hỏng khí tài" kể trên mà anh là một trong ít người được biết. Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc kể tiếp rằng, sau khi nghe kể chuyện này, Đại tướng đã tươi cười nói:
       
        - "Thế ra ngày ấy mình bị nói dối mà tới giờ mới biết! Nói dối là không tốt, nhưng trên đời này cũng có cái nói dối đáng yêu đấy chứ"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:59:18 am »

     
*

*        *

        Ngày 22 tháng 12, Bộ Tư lệnh Quân chủng điều mấy trung đoàn pháo và tên lửa cơ đòng từ Quân khu 4 trở về Hà Nội. Chiều 22 tháng 12 lại thêm hai tiểu đoàn tên lửa của Sư đoàn B63 cũng được tăng cường cho Hà Nội.
       
        Trong hai đêm 23, 24 tháng 12 Hà Nội tương đối yên tĩnh. Địch chuyển sang ném bom Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Để tranh thủ củng cố lực lượng và tỏ "thiện chí" Mỹ tạm dừng đánh phá trong dịp lễ Nô-en.
       
        Sau bảy ngày đêm bị tổn thất nặng nề mà không đạt được kết quả mong muốn, bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ hoang mang trước tổn thất quá nặng nề. Trong hang ngũ phi công Mỹ - nhất là phi công B52 lan tràn tâm lý hoảng loạn chán ngán không muốn bay vào Hà Nội - tọa độ lửa - tọa độ chết. Đã có hiện tượng đả kích chỉ huy, từ chối nhiệm vụ đi chiến đấu trong không quân Mỹ. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, ỷ vào sức mạnh quân sự ưu việt Tổng thống Ních-xơn mở tiếp đợt đánh phá lớn nhất vào đêm 26 tháng 12 với 116 lần chiếc B52 xuất kích, định đánh đòn quyết định.
       
        Cũng trong 36 tiếng đồng hồ rất quí báu Mỹ ngừng ném bom, Sư đoàn đã tranh thủ khôi phục sức chiến đấu, điều chỉnh đội hình, hình thành thế trận mới, rút kinh nghiệm các trận chiến đấu đợt 1 và bổ sung phương án đánh tiếp. Trích quỹ tăng gia sản xuất bồi dưỡng sức khỏe, tăng xuất ăn đêm. Tổ chức sinh hoạt chính trị nhằm bồi dưỡng quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội. Các đơn vị tổ chức mít tinh, diễn đàn kể tội ác của giặc Mỹ tàn sát đồng bào ta tại Bạch Mai, Uy Nỗ, Gia Lâm... Nhiều cụ già, nhiều mẹ, và em nhỏ đầu quấn khăn tang đến các trận địa phòng không kể tội ác giặc Mỹ và kêu gọi trả thù, thúc giục mạnh mẽ tình cảm ý chí chiến đấu của bộ đội. Thành phố tập trung khôi phục nhiều hoạt động giao thông vận tải, thông tin sơ tán thêm đồng bào, chấn chỉnh lại các đơn vị dân quân tự vệ. Các cơ quan, xí nghiệp, các khu phố tổ chức thêm các cơ sở cấp cứu khắp nơi. Ngành thương nghiệp tổ chức thêm hàng trăm quầy hàng lưu động xuống tận cơ sở, các trận địa phòng không phục vụ nhân dân và bộ đội. Các nhà văn, nhà báo, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp kể cả đoàn văn nghệ quần chúng của Sư đoàn cũng chia nhau đến tận từng trận địa. Thật là một bức tranh hoành tráng và sinh động tuyệt vời của cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không trên địa bàn Thủ đô năm ấy!

*

*       *
       
        Đêm 26 tháng 12, hàng chục tốp B52 và hàng chục tốp máy bay chiến thuật Mỹ lại vào đánh Hà Nội. 22 giờ 47 phút, một tốp B52 ném bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên và hơn 100 điểm dân cư, sát hại hàng trăm đồng bào ta. Đất Thủ đô đêm nay rùng rùng những tràng bom nổ. Trời Thủ đô như trong đêm pháo hoa, những chùm đạn pháo cao xạ nhiều tầng nổ như những chùm hoa trắng trong đêm đông và những vạch xanh lè của đạn tên lửa ta bay, nhiều đám cháy B52 bùng lên dữ dội, rực sáng cả trời đêm, rực sáng cả 36 phố phường. Chuông điện thoại đổ lien hồi tới tấp thông báo tin máy bay cháy, máy bay rơi, giặc lái bị ta bắt. Không khí tưng bừng như trong đêm dạ hội.
       
        Trận đánh đêm 26 tháng 12 cũng là trận đánh tập trung tiêu diệt xuất sắc nhất của quân và dân Hà Nội, bắn rơi 18 máy bay các loại trong đó có tám chiếc B52. Trận đánh có tính chất quyết định trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội. Sự thất bại hoàn toàn của không quân Mỹ đã được định đoạt!

*

*       *
       
        Ngày 27 tháng 12 năm 1972. Phó tư lệnh Trần Xanh vừa bước vào phòng giao ban đã thông báo to:
       
        - Thưa các anh, hôm nay anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đến thăm khu phố Khâm Thiên, xe tôi vừa đến đó được vài phút thì xe Đại tướng đã đến. Ra khỏi xe, anh Văn bước trên hè phố ngổn ngang gạch ngói. Cả một dãy phố dài gần như thành bình địa. Khói vẫn bốc lên từ những đám cháy. Từng đám dân quân tự vệ và nhân dân đang khẩn trương đào bới đưa từ đống gạch vụn ra những thi hài đồng bào bị bom Mỹ sát hại. Anh Văn đứng sững lại từng đoạn, lấy khăn ra lau mắt. Từ trong đám đông bỗng một bà già đầu đội khăn trắng nhận ra Đại tướng. Bà xăm xăm chạy lại nắm chặt tay Đại tướng kêu to lên:
       
        - Trời ơi! Bác Đại tướng đây rồi! Bác ơi, giặc Mỹ đã sát hại cả nhà tôi rồi! Quân dã man! Tàn bạo! Bà lại ôm chặt vai Đại tướng nói tiếp - Bác Giáp ơi! Bác hãy hạ lệnh cho bộ đội ta diệt hết chúng nó đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 09:01:56 am »

       
        Đồng chí cán bộ đi cùng anh Văn hai lần định gỡ tay bà già ra nhưng anh Văn một tay giữ cánh tay bà, một tay vỗ vào cánh tay kia của bà ôn tồn nói với giọng rất xúc động: - Thay mặt tất cả anh em bộ đội xin chia buồn với cụ và tất cả bà con khu phố ta. - Giọng càng xúc động hơn anh nói tiếp - những tội ác như thế này trời không thể dung, đất không thể tha! Nhất định chúng nó phải đền tội!
       
        Anh Văn ngửng mặt lên, để tránh hai giọt nước mắt không rơi xuống. Thấy anh Văn xúc động, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
       
        Quay về phía tôi, Đại tướng giơ tay:
       
        - Đồng chí về kể lại chuyện này cho bộ đội biết và tiếp tục bắt chúng nó đền tội.
       
        Đêm 27 tháng 12 quân dân Thủ đô lại đánh bồi, đánh nhồi bắn rơi thêm năm máy bay B52, làm phá sản hoàn toàn ý đồ cuộc tập kích chiến lược đường không của địch vào Hà Nội. Mỹ phải đấu dịu, đề nghị Chính phủ ta nối lại cuộc đàm phán.
       
*

*       *

        Từ sau đêm 27 tháng 12, cường độ xuất kích của B52 giảm rõ rệt. Chúng tản ra ném bom ở khu vực Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Bắc. Và chiều 28 tháng 12 phái đoàn Việt Nam do cố vấn Lê Đức Thọ dẫn đầu đã trở lại Pa-ri với tư thế của những người chiến thắng.
       
        Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52 và 47 máy bay chiến thuật, bắt sống nhiều giặc lái của không lực Hoa Kỳ. Trong chiến công chung đó, riêng Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi 25 chiếc B52, 16 chiếc rơi tại chỗ; pháo cao xạ Hà Nội bắn rơi chín chiếc máy bay chiến thuật, hai chiếc rơi tại chỗ. Tự vệ Hà Nội, cũng bắn rơi tại chỗ một F111A.
       
        Chiến thắng 12 ngày đêm là thắng lợi to lớn nhất trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không trên miền Bắc, quật một đòn trời giáng vào con chủ bài sừng sỏ nhất trong lực lượng răn đe chiến lược của học thuyết Ních-xơn, giành thắng lợi chính trị, quân sự và tâm lý cực kỳ to lớn. Các quan sát viên Mỹ và phương Tây nhận định: "Tọa độ lửa Hà Nội là lò sát sinh B52 và người lái B52. Có người ước tính nếu cứ đánh tiếp theo đà này thì chỉ trong hai tháng nữa B52 sẽ bị tuyệt chủng". Ních-xơn viết trong hồi ký: "Nỗi lo âu của tôi trong những ngày này không phải là những làn sóng phản đối nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới. Nỗi lo chính của tôi là ở mức độ tổn thất của máy bay B52 quá nặng nề". Tạp chí không lực Hoa Kỳ cũng cay đắng bình luận "B52 được tung ra với số lượng chưa từng có để rồi Tổng thống Mỹ phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng có".
       
        Cố vấn Lê Đức Thọ sau khi ký hiệp định Pa-ri đã đến thăm ngay Sư đoàn. Khi chúng tôi vừa bắt đầu giới thiệu "Cố vấn Lê Đức Thọ người chiến thắng ở hội nghị Pa-ri trở về đến thăm Sư đoàn ta" thì cố vấn vội xua tay nói:
       
        - Không dám! Không dám! Người chiến thắng ở hội nghị ở Pa-ri chính là các đồng chí - cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam anh hùng. Không có chiến thắng B52 làm sao có chiến thắng trên mặt trận ngoại giao như thế. Các đồng chí thử nghĩ xem, nếu ta cứ để những máy bay B52 bay vào tàn phá gieo chết chóc cho Hà Nội, rồi đàng hoàng bay ra an toàn, mà ta không bắn được thì tình hình sẽ ra sao? Thế nên, hôm nay tôi đến đây không chỉ viếng thăm mà còn để cám ơn các đồng chí. Cám ơn cán bó, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không Hà Nội! Cám ơn cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng Phòng không - Không quân!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 07:41:02 pm »


NHỮNG NGÀY SAU CHIẾN THẮNG
       
        Trong đợt chiến đấu 12 ngày đêm, tuy đã huy động nhiều sức lực tinh thần, ý chí và cơ bắp trong thời gian tương đối dài nhưng có điều lạ là tất cả anh em chúng tôi vẫn cảm thấy tỉnh táo, không anh nào “thèm” ngủ gật. Trách nhiệm, ý chí quyết chiến và niềm vui chiến  thắng luôn luôn làm chúng tôi lúc nào cũng tỉnh như sáo. Ăn ngon miệng nhưng không ăn được bao nhiêu. Nước thì cứ ừng ực uống khỏe như trâu. Từ nhỏ, tôi vốn không uống được nước trà xanh, chỉ quen uống nước là vối, nụ vối, nụ trà hoặc nước trà xanh hãm lại lần thứ hai. Bố tôi thường nói khích : “ Trà hãm lại, gái ngủ trưa! Chán chết! Uống bát trà xanh cứ tỉnh cả người. Con cứ thử mà xem!”. Tôi đã thử một số lần nhưng nước chát đã khó uống. Mà nuốt rồi đầu lưỡi và cuống họng vẫn chát tê! Thế mà trong dịp chiến đấu 12 ngày đêm, đến ngày thứ 4, làm việc căng thẳng suốt ngày đêm đã đôi lúc tôi chợt thấy trong người bắt đầu bải hoải, giữa các đợt chiến đấu và họp bàn Thường vụ Đảng ủy hoặc Bộ Tư lệnh tôi thường tranh thủ lên khỏi hầm Sở chỉ huy hí thở không khí… Đến ngày thứ 5 mấy nữ chiến sĩ thông tin bưng lên cho chúng tôi mỗi người một ca nước trà xanh nóng hổi. Thấy nước là tôi vồ lấy uống ngay. Hơi chát một chút mà lại ngọt vì có pha đường. Thế là tôi tu thẳng một hơi hết ca nước. A a a, chép miệng không có vị chát như ngày xưa! Uống ngon mà lại tỉnh cả người. Từ đấy tôi được liệt vào hàng ngũ những người uống được trà xanh, lúc đầu có đường, về sau không có đường tôi đều uống được và thích uống.
       
        Công việc giải quyết hậu quả sau chiến đấu 12 ngày đêm cũng rất nhiều! Lau chùi, sửa chữa vũ khí, khí tài, xe cộ, chỉnh đốn lại trận địa, củng cố lại đơn vị, điều chỉnh lại địa hình. Sơ kết tổng kết các mặt, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ, kết nạp đảng viên, đoàn viên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc:
       
        - Còn việc nữa rất quan trọng lúc này: vừa rồi anh em mệt vì đã cố gắng nhiều. Cần phải tổ chức cho anh em ngủ và ngủ bù lấy lại sức.
       
        Chúng tôi quyết định trích quỹ tăng gia tiếp tục tăng cường chất tươi cho ba bữa - thu xếp công việc và họp hành vào ban ngày có lịch rõ ràng, tránh đột xuất. 21 giờ 30 phút, các đơn vị cơ sở phải tắt đèn đi ngủ. Cơ quan Trung đoàn bộ và Sư đoàn bộ không quá 22 giờ. Tổ chức cho bộ đội ngủ lúc này là lệnh của Đại tướng!
       
        Mấy chúng tôi khoảng 23 giờ đặt lưng xuống giường lúc đầu sao cứ thấy như bâng khuâng thiếu vắng một cái gì đó! Có lúc chợt giật mình tại sao lại lặng lẽ vắng vẻ thế này? Nhưng rồi khi đi vào giấc ngủ thì ngủ rất say! Ngủ ngon. Ăn cũng thấy ngon. Chả thế mấy ngày sau anh nào anh nấy cũng đỡ xanh xao hốc hác. Hồi này đơn vị thường hay có khách đến thăm. Các đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan... và đoàn thể nhân dân các cấp từ thành phố đến khu phố, huyện xã thay nhau đến thăm, úy lạo bộ đội.
       
        Đoàn đại biểu miền Nam do anh Trần Bửu Kiếm dẫn đầu đến thăm, rất tình nghĩa. Ngày Tết cổ truyền, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng thay mặt Đảng và Nhà nước đến thăm, ân cần hỏi thăm sức khỏe và khen ngợi bộ đội đã lập.công xuất sắc. Các nhân sĩ trí thức cũng đến thăm nhiều; thỉnh thoảng cũng có vị hỏi:
       
        - Các đồng chí bộ đội bắn máy bay bằng tên lửa gì mà chính xác ghê gớm thế? Nếu vẫn là tên lửa cũ thì có phải nhà khoa học X đã giúp cải tiến đầu đạn nâng tầng bắn lên cao hơn trước đó mới với tới B52 không?
       
        Chúng tôi thành thật trả lời: vẫn là vũ khí Liên Xô giúp cho từ mấy năm trước. Tính năng của quả tên lửa từ khi ra đời đã có thể bắn tới độ cao 27 ki-lô-mét, thậm chí 30 ki-lô-mét. Mấy năm nay máy bay trinh sát tầng cao Mỹ vào vẫn bị tên lửa ta bắn hạ từ độ cao trên dưới 20 ki-lô-mét đấy ạ. Còn trong đợt chiến đấu vừa rồi B52 chỉ vào với độ cao trên dưới 10 ki-lô-mét thôi. Vấn đề là qua những năm chiến đấu chúng ta đã dần dần nắm được các thủ đoạn chiến tranh điện tử của không quân Mỹ đồng thời phát huy được tính năng ưu việt của vũ khí khí tài ta. Có lòng yêu nước, bộ đội ta sẵn thông minh và dũng cảm đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 07:43:24 pm »

       
        Trong cuộc họp mặt của một đại sứ quán nước ngoài tổ chức tại khách sạn Thống Nhất, hai lần tôi được hai tùy viên quân sự hai nước khác nhau mang rượu đến chúc mừng, bá vai ra ngoài hành lang, chuyện loanh quanh rồi cũng chỉ để hỏi thầm một câu:
       
        - Vừa rồi bạn X mới giúp các bạn tên lửa gì đấy?
       
        Bà con nông dân ngoại thành thì cứ vô tư chuyện trò, nói cười hể hả:
       
        - Làm gì có tên lửa nào khác nữa? Vẫn những đơn vị ấy!Vẫn các anh ấy! Vẫn những tên lửa ở đầu làng tôi đấy! Chính mắt tôi đã nhiều lần trông thấy tên lửa vọt từ đầu làng tôi lên bay xanh lè rồi vun vút lao đi bắn trúng máy bay Mỹ cháy đùng đùng rơi tan tác xuống! Tên lửa của ta hay thật! Giỏi thật! Sướng con mắt! Mát cái ruột!

*

*        *
       
        Đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam Việt Nam do chị Nguyễn Thị Định dẫn đầu đến thăm. Sư đoàn tổ chức đón tiếp ở ngay trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 77, đơn vị đã bắn rơi năm máy bay B52, bốn chiếc rơi tại chỗ bữa trước. Ngay những phút đầu tiên cuộc gặp gỡ đã đặc biệt xúc động. Những cặp mắt nhìn chứa chan tình cảm yêu thương, rưng rưng lệ. Sau những lời chào mừng và thăm hỏi của cả hai bên, các chị hát mấy bài cải lương, các nữ chiến sĩ thông tin của Sư đoàn cũng hát mấy bài tự biên tự diễn. Đến lúc các chị tháo các khăn rằn quàng cổ mình ra quàng quanh cổ các chiến sĩ thông tin thì không còn ai còn kiềm chế tình cảm được nữa. Em ôm chị khóc. Chị cũng ôm em nức nở. Tình cảm xúc động như vỡ òa! Các thành viên ngồi trên Đoàn Chủ tịch rõ ràng không ai động đậy. Đồng chí Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn điều khiển chương trình lúc đầu hoạt bát thế bây giờ cứ đứng trơ trơ như trời trồng trước máy phóng thanh. Lòng tôi cũng rộn ràng rất khó tả.
       
        Chợt nhớ lại mấy ý thơ xuất hiện trong đầu ngay lúc mới gặp mặt, tôi lặng lẽ đứng lên, chậm rãi bước đến trước máy phóng thanh, suy nghĩ nhẩm lại một lần rồi mới đọc được bốn câu thơ:
       
                                   Ước mong đã tự bao giờ
                                   Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
                                   Sông Hồng dậy sóng xôn xao
                                   Cửu Long ơi!
                                   Mừng vui cuồn cuộn, nao nao nghĩa tình.

       
        Chị Ba Định đã đứng lên, bước ra đón tôi và bắt tay thật chặt. Một tràng pháo tay vỡ tung kéo dài mãi... chị cũng như tôi miệng thì cười mà mắt thì long lanh nước.

*

*        *
       
        Thượng tuần tháng 4 năm 1973, anh Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân gọi điện thoại cho tôi, nói lạc cả giọng vì xúc động:
       
        - Anh Đặng Tính mất rồi, anh Giang ơi!
       
        Tôi bàng hoàng cả người, vội vàng hỏi lại:
       
        - Chết thế nào? Chết ở đâu?
       
        Anh Mậu chép miệng:
       
        - Xe anh bị bom ở cao nguyên Bô-lô-ven.
       
        Cả hai chúng tôi cùng nín lặng một hồi, sau anh Mậu mới nói tiếp được:
       
        - Đơn vị đã đưa thi hài anh về… sẽ tổ chức viếng và lễ truy điệu tại Hội trường Quân chủng ta.
       
        Thật là bất ngờ! Anh Tính đang giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn! Mà sao lại... ngay giữa những ngày này!
       
        Thật là đau xót! Một người con tận trung với nước, tận hiếu với dân. Người đảng viên trung kiên, mẫu mực. Trí tuệ đặc sắc! Quân sự, chính trị song toàn! Một người anh vô cùng quý mến trong Quân chủng Phòng không – Không quân! Một tấm gương sáng cho anh em chúng tôi!
       
        Cùng với anh Phùng Thế Tài, hai anh là cột trụ vững chắc của Quân chủng Phòng không - Không quân từ khi mới thành lập, trải qua bao nhiêu khó khăn... hai anh đã góp công lớn vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của các lực lượng Phòng không và Không quân Việt Nam.
       
        Lễ viếng và truy điệu anh diễn ra vô cùng xúc động. Nhiều cán bộ chiến sĩ khóc ròng! Anh Tài, một con người vốn cứng rắn và gan lỳ, hôm nay nom xọm hẳn đi. Nhìn thấy anh chẳng nói chẳng rằng, bần thần trước bàn thờ anh Tính, hai môi mím chặt mà vẫn thấy rung rung. Tôi càng xúc động, phải bước nhanh ra dựa lưng vào tường, cố nén lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 07:45:19 pm »


*

*         *
       
        Tôi nhớ, một hôm cả ba anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn và Trần Văn Trà cùng đến thăm Sư đoàn. Thật vui mừng và vinh dự cho chúng tôi được đón cả ba đồng chí Tư lệnh cao nhất của chiến trường miền Nam, về dự hội nghị Quân ủy Trung ương, đến thăm đơn vị.
       
        Tư lệnh Quang Hùng, các Phó tư lệnh Trần Nhẫn, Lê Huy Vinh, Trần Xanh, các Phó chính ủy Nguyễn Đắc Thái,  Phạm Văn Bời và tôi cùng vui mừng ra đón tiếp các anh đã mấy năm xa cách, từ chiến trường trở về; anh nào cũng khỏe mạnh. Nét mặt anh nao cũng vui mừng rạng rỡ những niềm vui chiến thắng. Các anh cũng bộc lộ vui mừng xúc động gặp lại chúng tôi vẫn lành lặn nguyên vẹn dưới hang bao nhiêu tấn bom đạn trong 12 ngày đêm của không quân Mỹ. Anh Thái, nguyên Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta - người mà gần 30 năm trước đã đọc tên tôi trong danh sách 10 cán bộ rút từ Trường Quân chính Việt Nam về làm phái viên quốc phòng từ những ngày cuối năm 1945 ấy, vừa nhìn thấy tôi đã reo lên:
       
        - Văn Giang đấy à? Cả Quang Hùng nữa kìa!... Những tưởng các cậu bị bom B52 vùi rồi, thế mà nom ôm nay anh nào cũng trẻ cũng đẹp cả!
       
        Anh Lê Trọng Tấn thì cứ tủm tỉm cười gật gật đầu với chúng tôi như đang đồng ý việc gì đó. Anh Trần Văn Trà sôi nổi kể lại tấm lòng của miền Nam đối với Thủ đô Hà Nội trong khói lửa và bom đạn mịt mù: hồi hộp quá chừng! Căm giận quá chừng! Trái tim cứ như bị bóp! Đau đớn quá mà không làm sao được? không dám nghĩ nhiều Hà Nội - Thủ đô của chúng ta sẽ ra sao? Đến khi nghe Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam lại sang sảng cất lên, tiếng nói của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì chao ôi là mừng! Mừng đến rơi nước mắt! Rồi tin B52 rơi dồn dập ngày càng nhiều... Quân chủng Phòng không - Không quân đánh giỏi quá! Tên lửa Hà Nội hay quá ta!
       
        Trong cuộc hàn huyên vui vẻ thân mật anh Hoàng Văn Thái nhấn mạnh: với chiến thắng 12 ngày đêm, Hiệp định Pa-ri được ký kết, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi cơ bản, cực kỳ có lợi cho ta. Chiến thắng 12 ngày đêm của Hà Nội thổi bùng lên ngọn lửa chiến thắng với niềm tin tưởng lạc quan vô bờ bến!...
       
        Đội văn nghệ quần chúng của Sư đoàn ra mắt mấy tiết mục: Pháo ta bảo vệ Ba Đình, Tên lửa ta về bên Sông Đà, Mỹ cuốn cờ... Anh Trần Văn Trà vui vẻ khen ngợi những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn và gắn chặt với tình hình nhiệm vụ, tâm tư tình cảm của bộ đội Phòng không Hà Nội. Diễn xuất khá lắm! Đúng 361 là điểm văn hóa - văn nghệ mạnh của Quân chủng Phòng không - Không quân.
       
        Cuối cùng là tiết mục RTC thơm lừng của hai diễn viên Phạm Văn Chiêu và Nguyễn Văn Thăng! Anh Lê Trọng Tấn lại tủm tỉm cười :
       
        - Từ hôm ra đã nghe cơ quan đồn đại về cái khoản RTC của 361! Hôm nay các đồng chí 361 đã "đánh" đúng đối tượng đấy!

*

*        *
       
        Tháng 6 năm 1974, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân lần thứ III đã kết thúc phần thảo luận văn kiện, đang bắt đầu phần dự kiến số lượng danh sách ứng cử và đề cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng; đồng chí Võ Nguyễn Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đứng dậy tươi cười nói:
       
        - Các đại biểu đều có quyền đề cử và ứng cử. Riêng trường hợp đồng chí Trần Văn Giang thì tôi xin thông báo là Quân ủy Trung ương sắp điều đi đơn vị khác. Xin được rút tên đồng chí Trần Văn Giang ra khỏi danh sách đề cử và ứng cử vào Ban Chấp hành mới của Đảng bộ Quân chủng Phòng không - Không quân.
       
        Hội nghị ồn ào đổ dồn mắt về phía tôi. Có đồng chí đấm vào lưng tôi:
       
        - Bí mật thế! Không cho anh em hay biết gì cả?
       
        Tôi lúng túng vì chính bản. thân tôi cũng đã biết gì đâu! Chỉ chừng ít lâu sau đó Ban Tổ chức Trung ương thông báo quyết định của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương điều động và bổ nhiệm tôi về làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Và sau đó là quyết định của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 07:47:48 pm »

       
        Mấy ngày sau đó tôi sống trong trạng thái bang khuâng khó tả: không được ở lại với Sư đoàn nữa rồi! Hơn ba ngàn ngày tôi đã được sống, làm việc, học tập và chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Sư đoàn Phòng không Hà Nội! Bao ngày tháng hoạt động sôi nổi và hào hung! Bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn! Từ các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đến anh em các Phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, đại đội chỉ huy, các Trung đoàn H20, H34, H12, H60, H32, H36, H61, H57, bao nhiêu những gương mặt thân thương quý mến! Bao nhiêu là nghĩa tình chan chứa của đời tôi!
       
        Lại phải xa Quân chủng Phòng không - Không quân nữa! Mái nhà chung rất thân yêu của chúng tôi gồm các anh trong Bộ Tư lệnh, các cơ quan quân chủng, binh chủng ra-đa phòng không, Trung đoàn H93 và Tiểu đoàn ra-đa 8 dẫn đường ở Hà Nội, các trung đoàn trong sư đoàn không quân, các sư đoàn phòng không hỗn hợp tên lửa và pháo phòng không cùng với Sư đoàn Phòng không Hà Nội thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ! Sư đoàn 363 Phòng không Hải Phòng - Đường 5 với những ngày tháng chiến đấu ác liệt và hào hùng dưới rực trời hoa phượng đỏ . Sư đoàn 367 với tiền thân là Trung đoàn H67 với bao chiến công lẫy lừng từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội sau này.
       
        Mỗi dòng sông dù dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, thường cũng bắt đầu từ những con suối nhỏ, trong đó có con suối đầu nguồn. Lực lượng Phòng không - Không quân chúng ta bây giờ đông đảo bao nhiêu, hiện đại bao nhiêu, lớn mạnh bao nhiêu cũng không bao giờ quên mình xuất thân từ con suối đầu nguồn 367!
       
        Sau này, vào ngày 1 tháng 4 năm 1998, về dự kỷ niệm 35 ngày thành lập Sư đoàn 367 tôi đã viết tặng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn những cảm xúc sâu sắc của tôi:
       
                                          Suối đầu nguồn
       
                                   367 của tôi!
                                   Ôi dòng suối nhỏ!
                                   Núi biếc rừng xanh mãi tận đầu nguồn
                                   Nước chan chứa ngọt thơm dòng sữa mẹ
                                   Nuôi đàn con Phù Đổng vượt lớn khôn
       
                                   Điện Biên bẻ cánh diều hâu Pháp
                                   Dìm ngập bùn đen không lực Hoa Kỳ
                                   Giữ xanh mãi bầu trời xanh đất Việt
                                   Sao Bác Hồ chỉ dẫn lối ta đi
       
                                   Hôm nay lại về thăm 367
                                   Gặp đồng đội cũ nhớ chiến trường xưa
                                   Rực rỡ huân chương, điệp trùng đội ngũ
                                   Bao thế hệ con em nhịp bước dưới cờ
       
                                   Thế mà đã 35 năm đấy nhỉ?
                                   Mái tóc bạc phơ vẫn xanh tơ tình đồng chí!
                                   Gặp lại nhau, xúc động trào tuôn
                                   Ngàn năm ta nhớ mãi suối đầu nguồn.

       
        Quân chủng Phòng không - Không quân tình cảm gắnbó thế! Mà bây giờ tôi lại phải xa!
       
        Xa 361, xa Quân chủng Phòng không - Không quân tất nhiên là xa cả Hà Nội mà từ độ tuổi 13-14 trở đi tôi đã gắn bó cuộc đời học sinh trong sáng với Hà Nội. Lớn lên từ Hà Nội với những người bạn thân nhất từ thuở để chỏm. Những buổi đáp sấu chín trên đường cạnh Tòa án, những buổi tập chạy trên đường Gambetta (Trần Hưng Đạo), những buổi đạp xe vòng quanh Hồ Tây, sang đền Phù Đổng, đền Cổ Loa, đền Mê Linh . . . những buổi ăn bánh tôm cay phồng lưỡi ở cổng trường, những buổi nhận mặt chữ nho trên các bia Tiến sĩ trong Văn Miếu... Hà Nội ba mươi sáu phố phường, sống mãi trong lòng tôi:
       
                                   Ngõ Huyện, Đồng Xuân, Yên Phụ ơi!
                                   Ngàn lần qua lại vẫn còn vui
                                   Hồ Gươm lượn đã bao vòng nhỉ
                                   Khuya tạm biệt nhau rộn tiếng cười.

       
        Rồi giác ngộ cách mạng cũng từ Hà Nội và lao vào hoạt động cách mạng cũng từ Hà Nội…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 07:51:08 pm »

       
        Rồi Hà Nội rợp trời cờ đỏ vàng sao. Từ những ngày ấy Hà Nội vẫn khoác áo hào hoa mà thêm nhiều lần hào hung lẫm liệt!
       
        Trải qua mấy lần khói lửa? Với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội biết mấy thân thương, biết mấy tự hào!
       
        Ôi Hà Nội! Đây lắng hồn núi sông... ngàn năm... Đây Thăng Long. . . Đây Đông Đô... Đây Hà Nội... Hà Nội mến yêu... Những tứ thơ tuyệt diệu, những âm điệu tuyệt vời!
       
        Ôi Hà Nội! Hà Nội ngàn lần thân yêu không gì có thể thay thế được! Tôi đã tự hẹn bao lần sẵn sàng hy sinh đổ máu vì Hà Nội.
       
        Xa Hà Nội tất nhiên là không được gần Bác Hồ! Ở Hà Nội tôi luôn có điều kiện qua lại Quảng trường Ba Đình - Nhìn thấy hàng rào râm bụt rất đẹp trước cửa Phủ Chủ tịch! Những bậc thềm Bác thường bước ra mỗi khi đón hoặc tiễn khách, gian nhà sàn đơn sơ nơi Bác ở. Và Hội trường Ba Đình, địa điểm thiêng liêng tôi đã được đứng túc trực bên linh cữu của Bác trong những ngày đau thương của cả dân tộc.
       
        Trước khi rời Sư đoàn tôi đã có ý định làm một bài thơ về Bác để từ trong tâm tưởng giữ lại mãi mãi nén hương thơm về Bác. Ý đồ phác thảo đã có từ ngày đó nhưng rồi lao vào nhiệm vụ công tác mà tôi chưa làm được. Mãi 18 năm sau, Sư đoàn 361 có thư nhắn tôi về dự họp mặt ở Sư đoàn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, đồng thời kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Sư đoàn, tôi lại nhớ đến phác thảo bài thơ 18 năm trước và viết xong bài thơ để hai ngày sau bay ra Hà Nội đọc tại cuộc họp mặt của Sư đoàn:
       
                                                    Thưa Bác
       
                                   Con vinh dự ra đời vào ngày sinh của Bác
                                   Cách mạng miền Nam đang thắng lớn Bác ơi!
                                   Mỹ cuồng điên xua lũ giặc nhà trời
                                   Ra cắn xé thân mình miền Bắc
       
                                   Nhiệm vụ của con: giữ trời Thủ đô Hà Nội!
                                   Hào khí Thăng Long sáng mãi chốn này đây
                                   Hà Nội - Thủ đô của nhân phẩm thếgian này
                                   Hà Nội - có ánh sáng nhà sàn Bác rọi soi chân lý.
       
                                   Chiến đấu và xây dựng mấy ngàn ngày k hông nghỉ
                                   Hoa chiến công nở rộ khắp Thủ đô
                                   Lửa Điện Biên rực sáng mặt Tây Hồ
                                   Hoa chiến công Vĩnh Phú - Đáp Cầu - Hải Hưng
                                   Hà Sơn Bình - Hà Nam Ninh
                                   Thọ Xuân - Hàm Rồng - Nghệ An
                                   Con kính dâng lên Bác
       
                                   Thưa Bác
                                   Hôm nay thế giới nghiêng mình .
                                   Chào trăm năm ngày sinh của Bác
                                   Tấm lòng thành con thắp nén hương thơm
                                   Hướng về Ba Đình xin giữ trọn tấm lòng son
                                   Nguyện mãi mãi đi con đường của Bác.

       
        Tôi về công tác ở Quân chủng Hải Quân được năm, sáu tháng thì cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 nổ ra! Thế như chẻ tre, quân ta giải phóng Tây Nguyên, Huế rồi Đà Nẵng… Văn phòng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh triệu tập anh Đoàn Bá Khánh lúc đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân và tôi lúc đó là Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân về Sân Rồng gặp Đại tướng nhận nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng Quần đảo Trường Sa.
       
        Rồi sau đó là 12 năm xây dựng Quân chủng Hải quân thiện chiến, chính quy và từng bước hiện đại, làm chủ vùng biển rộng mênh mông giàu và đẹp của Tổ quốc.
       
        Cho đến cuối năm 1986 tôi mổ cắt hai phần ba dạ dày và sau đó được nghỉ hưu.
       
        Tháng 8 năm 1990, trong một chuyến ra Bắc tôi có dịp về thăm lại Sư đoàn Phòng không Hà Nội rồi đi Hải Phòng thăm lại Quân chủng Hải quân. Lưu luyến tình cảm với hai Quân chủng tôi làm bài thơ:
       
                                               Biển và Trời
       
                                   Mấy mươi năm bao tình sâu nghĩa nặng
                                   Biển và trời Tổ quốc sáng đời tôi
                                   Đã về hưu, xa hai Quân chủng lâu rồi
                                   Mà vùng biển và bầu trời vẫn trong tôi xanh ngắt.

       
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 3 năm 2003       
       
HẾT
       
       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM