Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:15:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức về sư đoàn phòng không cận vệ đỏ  (Đọc 14569 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:02:23 am »


        Tức thì Xăm-đéc Xi-ha-núc đứng bật dậy, đặt tay phải lên trái tim gập mình xuống đến ba lần trước Đại tướng Tổng Tư lệnh, trước Thủ tướng Phạm Văn Đồng và trước cả đông đảo anh em:
       
        - Nô-rô-đôm Xi-ha-núc này vô cùng cảm động được Thủ tướng, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Việt Nam, được tất cả các bạn đơn vị tên lửa Việt Nam anh hùng vô cùng tin cậy! Tôi hiểu rằng bọn CIA Mỹ sẵn sàng bỏ ra bạc tỷ đô-la để mua bí mật này. Tự đáy lòng tôi rất cảm động - Tôi hứa mãi mãi xứng đáng là người bạn tin cậy của Việt Nam. Cám ơn! Cám ơn nhiều!

        Báo cáo hết nội dung Đinh Thế Văn dẫn các vị khách quý lên xe điều khiển quan sát mấy phút thực hành một bài tập tình huống chiến đấu.
       
        Để tránh quá chật chội trên xe, tôi và Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ở lại dưới đất. Tôi hỏi thăm sức khỏe cuộc sống và trao đổi với thầy giáo cũ Hoàng Minh Giám dạy ở trường Thăng Long ngày xưa. Thái tử Xăm-đéc Xi-ha-núc bước xuống bậc thang xe điều khiển, bước thẳng đến trước mặt hai chúng tôi và thân mật hỏi:
       
        - Chuyện giữa hai người, tôi có thể cùng tham gia được không?
       
        Tôi tươi cười chỉ Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và nói:
       
        - Đây là thầy giáo cũ của tôi ngày xưa. Chúng tôi đang ôn lại vài kỷ niệm cũ hồi 30 năm trước. Xin mời Xăm-đéc tham gia.
       
        Tức thì Xăm-đéc tiếp lời:
       
        - Thế à? Thật là cuộc gặp thú vị! Tôi cũng từng là học trò thầy Giám đấy! - Thế thì chúng ta cùng là bạn học - ông tươi cười bắt tay tôi thật chặt - Hân hạnh! Hân hạnh!
       
        Bộ đội lại tập trung nghe Xăm-đéc, Thủ tướng và Đại tướng nói chuyện. Xăm-đéc trịnh trọng đặt tay lên trái tim mình, cúi đầu chào và đột nhiên thốt lên:
       
        - Thưa các đồng chí bộ đội tên lửa Việt Nam!
       
        Rồi cũng như Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn lúc trước, Xăm-đéc tỏ vẻ áy náy vì sự nhầm lẫn của mình.
       
        Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại đứng dậy giơ tay:
       
        - Để tôi dịch câu này! Các đồng chí bộ đội nghe này: Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc nói rằng: thưa các đồng chí bộ đội tên lửa Việt Nam - Rồi chỉ tay vào vị khách quý, Thủ tướng lại tươi cười hạ thấp giọng: - Thực ra, lúc này Xăm-đéc cũng rất xúc động.
       
        Bộ đội rất thú vị và vui mừng vỗ tay rầm rầm.
       
        Nghe Xăm-đéc nói chuyện xong, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn khệ nệ bưng ra một quả bí ngô rất to của đơn vị tăng gia, nặng hơn 13 ki-lô-gam. Quả bí được bọc trong bao ni lông, cuống được thắt nơ đỏ.
       
        Xăm-đéc ôm quả bí to và nặng trong lòng, cứ gật đầu cảm ơn... cảm ơn mãi. Dứt tiếng hoan hô rầm rầm của bộ đội Xăm-đéc mới nói được tiếp:
       
        - Thưa các bạn tên lửa Việt Nam anh hùng! Trước đây tôi chỉ mới biết và ngưỡng mộ các bạn tên lửa Việt Nam là vô địch, là tuyệt vời, đã giáng cho không quân Mỹ những đòn chí tử. Hôm nay đến đây tôi lại mới biết một phát hiện mới cũng rất quan trọng. Các bạn tên lửa Việt Nam anh hùng lại còn là những nhà nông học giỏi! Quả bí to này là một thành quả tuyệt vời mà các nhà nông học thế giới phải ghen ty.

*

*         *
       
        Một buổi chiều anh Lê Quang Hòa, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 điện thoại cho tôi:
       
        - Tôi đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh đồng ý và cũng vừa làm việc với Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xong. Cấp trên đã đồng ý cho Quân khu 4 mời một trung đoàn tên lửa và một trung đoàn pháo phòng không của Hà Nội vào tham gia chiến đấu tại thành phố Vinh. Có lẽ sáng mai các anh sẽ nhận được lệnh cụ thể của Quân chủng Phòng không - Không quân. Bộ Tư lệnh Quân khu mong chờ và hoan nghênh một lực lượng của Sư đoàn Phòng không Hà Nội vào kề vai sát cánh chiến đấu với lực lượng Phòng không Quân khu và quân dân thành phố quê hương của Bác!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:03:53 am »

       
        Vào những ngày cuối tháng 12 năm 1971, tôi và anh Quang Hùng, Tư lệnh Sư đoàn vào Quân khu 4 nhận nhiệm vụ trước Bộ Tư lệnh Quân khu. Sau cuộc gặp mặt ngắn ngủi, đồng chí Lê Quang Hòa dẫn chúng tôi sang phòng họp của Bộ Tư lệnh Quân khu giới thiệu chúng tôi với các đồng chí thủ trưởng các cục, đồng chí Chủ nhiệm Phòng không Quân khu, các cán bộ trung đoàn của ba trung đoàn Phòng không Quân khu và một số thành viên khác. Sau lời giới thiệu khá trịnh trọng, đồng chí Lê Quang Hòa vui vẻ tiếp lời:
       
        - Anh Văn Giang và anh Quang Hùng thì các đồng chí quen biết đã lâu. Nhưng hôm nay tôi muốn thông báo để các đồng chí rõ rằng, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã đồng ý với đề nghị của Quân khu xin một bộ phận tên lửa và pháo phòng không của Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ của Trung ương Đảng và Bác Hồ về đây cùng chiến đấu với Quân khu một thời gian . Quân và dân Quân khu 4 cũng đã chiến đấu nhiều và cũng đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó dã có những chiếc rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái trên địa bàn Quân khu. Nhưng rất tiếc là cho đến nay bắn rơi tại chỗ bắt sống giặc lái ngay tại vùng trời thành phố Vinh này thì chưa - Bộ Tư lệnh Quân khu tin tưởng và giao cả ba trung đoàn pháo Phòng không Quân khu cho hai đồng chí chỉ huy. Đội hình cả năm trung đoàn do các anh bố trí. Có yêu cầu gì Quân khu sẵn sàng giải quyết mọi đề nghị của hai anh, chỉ mong một diều kiện duy nhất là yêu cầu quan "triều đình" đánh thế nào thì đánh, chỉ huy thế nào thì chỉ huy nhưng nhất định trong một thời gian ngắn phải bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ, bắt sống giặc lái ngay tại thành phố Vinh lịch sử này! Đạt yêu cầu đó thì các đồng chí có thể về Hà Nội sớm. Chưa, thì xin cứ ở lại chiến đấu tiếp!.
   
        Hội nghị vỗ tay rào rào càng tăng thêm sức nặng cho ý kiến tuy vui vẻ nhưng rất trịnh trọng với yêu cầu bức thiết của đồng chí Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu. Anh Quang Hùng nhìn tôi huých nhẹ cánh tay. Tôi đứng dậy cám ơn sự tin cậy của Quân khu và hứa cố gắng hoàn thành sớm nhiệm vụ.
       
        Cuộc họp đầu tiên mà cũng là cuộc họp duy nhất giữa chúng tôi và thủ trưởng năm trung đoàn diễn ra rất vui vẻ và ngắn gọn. Đồng chí Chủ nhiệm Phòng không Quân khu cũng như thủ trưởng của ba trung đoàn Phòng không Quân khu đều quen biết chúng tôi, một số khá đông lại là quân 361 cũ. Sau những chuyện hàn huyên, vào việc tất cả anh em đều nhất trí với chúng tôi: thành phố Vinh không rộng lớn gì nên bố trí cả bốn tiểu đoàn tên lửa và bốn trung đoàn pháo tập trung thành một cụm dày đặc đón đúng hướng chúng thường bay vào. Chiếm lĩnh ban đêm. Ngụy trang thật kỹ, không được để lộ tông tích mình, đánh lừa máy bay trinh sát địch. Không được tự ý bắn máy bay trinh sát địch khi chưa có lệnh. Khi đội hình chính của máy bay cường kích vào tập trung nổ súng tiêu diệt.
       
        Thằng địch hoàn toàn bị bất ngờ, yên trí lực lượng phòng không ở thành phố Vinh vẫn bố trí như cũ. Sáng 30 tháng 12 năm 1971 mấy chục chiếc lũ lượt kéo vào lập tức bị ăn đòn tập trung tới tấp của cả cụm tên lửa và pháo hỏa lực dày đặc của ta. Chúng bị thương vong nặng ngoài sức tưởng tượng, tám máy bay cường kích lập tức đền tội. Máy bay Mỹ cháy đỏ rực trời thành phố Vinh anh hùng. Mấy chiếc khác trúng đạn kéo khói đen xì bay lao xuống biển. Hai chiếc rơi trong đất liền sát thành phố. Nhân dân thành phố Vinh reo hò mừng chiến thắng lớn.
       
        Tư lệnh Lê Quang Hòa gọi điện thoại chức mừng tôi, cảm ơn Sư đoàn 361. Sáng hôm sau làm việc với Tư lệnh Lê Quang Hòa xong, anh mời tôi đi dự cuộc mít tinh thành phố chào mừng thắng lợi lớn, bước sang năm 1972. Mít tinh chưa bắt đầu thì một máy bay trinh sát không người lái bay vào dò la khu vực trận địa hôm qua. Một vệt tên lửa bay xanh lè , nó lại rơi tại chỗ . Anh Lê Quang Hòa bắt tay tôi và cười nói thoải mái:
       
        - Cám ơn quân triều đình lại tặng thêm quà sáng nay! Rồi anh reo lớn với cán bộ chung quanh: chiến công vừa rồi là quà của quân triều đình tạm biệt Quân khu ta đấy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:07:38 am »

 
RỒNG LỬA THĂNG LONG THIÊU CHÁY PHÁO ĐÀI BAY MỸ
       
        Đầu tháng 10 năm 1972, nhiều người đã biết chuyện Tổng thống Mỹ Ních-xơn điện cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Dự thảo hiệp định Pa-ri coi như đã hoàn chỉnh. Hãy tin vào chúng tôi là có thể ký kết được Hiệp định như thời gian đã thỏa thuận". Cố vấn Mỹ Kít-xinh-giơ còn dõng dạc tuyên bố. "Hòa bình đang ở trong tầm tay”. Nhân dân Mỹ cũng như nhân dân thế giới hình như đã phần nào được trấn an bởi màn khói "Hòa bình trong tầm tay” của ngài cố vấn Mỹ.
       
        Những ngày này, đất trời Thủ đô vẫn giữ được những nét đặc trưng bình thường như mọi năm. Sương thu lãng đãng trên mặt nước Hồ Gươm xanh. Hàng cây ven hồ .như còn ngái ngủ trong sương, la đà vờn hình tháp rùa cổ kính xa xa, tạo nên những khoảng trời xanh đẹp hư ảo dễ làm mơ mộng say đắm lòng người.
       
        Phần lớn nhân dân Thủ đô đi sơ tán đã kéo nhau về. Anh chị em công nhân viên chức đạp xe đi làm trên đường phố, nói cười rôm rả. Hình như đã ít đi hình ảnh những anh chị, bi-đông nước, nắm cơm, cạnh túi đạn bên sườn và khẩu súng trường khoác chéo sau lưng. Chiều chiều thường có những tràng pháo cưới nổ giòn giã và những cặp tình nhân vẫn sóng đôi trên vỉa hè, dưới những rặng cây rợp bóng.
       
        Trong khi đó anh em bộ đội Phòng không Hà Nội chúng tôi thì như đang sống trong trạng thái đặc biệt. Thời bình có yêu cầu cuộc sống thời bình. Thời chiến có yêu cầu cuộc sống thời chiến. Đằng này cứ nhập nhằng chẳng ra thời bình cũng chẳng ra thời chiến. Khối lượng công việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu rất nhiều, tưởng như vô tận, đòi hỏi nếp sống phải khẩn trương tập trung tinh thần cao độ. Ở giữa lòng cuộc sống hòa bình muôn màu muôn vẻ của nhân dân Thủ đô, anh em ta rõ ràng, phải gồng mình sống một cuộc sống hai mặt, xem ra như đầy mâu thuẫn. Trong một buổi giao ban ở Sở Chỉ huy Sư đoàn, một đơn vị báo cáo lên câu chuyện: sau khi cán bộ đại đội vừa nhắc nhở phải tập trung vào nhiệm vụ của mình, chuẩn bị đối phó với âm mưu mới của Mỹ thì mấy chiến sĩ đã kéo nhau ra hàng rào trận địa, lén nhìn qua khe hở của những tấm gỗ làm tường chắn một đám cưới đầy màu sắc đi qua. Vậy đó, việc giáo dục cho chiến sĩ thấy được tình hình và âm mưu nham hiểm của kê thù quả là không đơn giản.
       
        Có những lời dạy của Bác Hồ, lại được Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chỉ đạo sát sao, một ngày cuối tháng 10 năm 1972, Đảng ủy Sư đoàn 361 chúng tôi đã họp bàn và ra "nghị quyết bốn khẳng định":
       
        1. Khẳng định địch nhất định đánh trở lại Hà Nội và sẽ đánh cực kỳ ác liệt.
       
        2. Khẳng định khả năng nào cũng diễn biến phức tạp và quyết liệt.
       
        3. Khẳng định đánh vào Hà Nội lần này, Mỹ nhất định dùng máy bay chiến lược B52.
       
        4. Khẳng định đánh vào Hà Nội, Mỹ ở vào thế thua, thế yếu, thế bị động. Chúng ta có nhiệm vụ và khả năng bắn rơi máy bay B52 ngay trên bầu trời Hà Nội.

       
        Đảng ủy và cán bộ các cấp, chi bộ, chi đoàn đã làm mọi cách để giải quyết những nhận thức tư tưởng và hành động sai lệch của anh em. Làm thật ráo riết. Giải quyết thật triệt để. Trên cơ sở đó xây dựng quyết tâm và thiết thực nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây lại là dịp Sư đoàn quán triệt lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa máy bay ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua… ở Việt Nam đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Các trung đoàn để giáo dục trách nhiệm cho cán bộ chiến sĩ, nhân dịp này lại cho "tái bản” câu chuyện đồng chí Lê Quang Hòa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong những ngày mới thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội đã nói với Chính ủy Sư đoàn rằng: "Cho đến nay quân đội ta đã có nhiều sư đoàn nhưng 361 của các đồng chí mới chính là Sư đoàn Phòng không Cận Vệ Đỏ của Trung ương Đảng và Bác Hồ, có nhiệm vụ bảo vệ trái tim của cả nước, bảo vệ cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân tộc”.

*

*        *
       
        Nhớ lại những sự kiện xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1972, các đơn vị trong Sư đoàn đã đánh hàng chục trận, phóng hàng trăm quả đạn tên lửa mà hiệu suất chiến đấu thấp, tuy có được công nhận bắn rơi một số máy bay nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ. Trong khi đó kho xăng Đức Giang cháy ngùn ngụt, cầu Long Biên bị đánh sập và hàng chục đài ra-đa điều khiển tên lửa, ra-đa điều khiển pháo phòng không và ra-đa dẫn đường ở khu vực Hà Nội bị địch phóng tên lửa Sơ-rai gây tổn thất. Dẫn tới một số cán bộ chiến sĩ thiếu tin tưởng vào vũ khí khí tài và trình độ chiến đấu của bộ đội. Hiện tượng ngại phát sóng đã xuất hiện trong một số kíp chiến đấu tên lửa, các đài ra-đa sợ chưa đánh được địch mình đã bị tổn thất do tên lửa Sơ rai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:09:42 am »

       
        Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn chủ trương tổ chức đợt sinh hoạt chính trị nhằm tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng của bộ đội, đẩy lùi những nhận thức sai trái và củng cố lòng tin cho bộ đội. Trên tất cả các trận địa phòng không khu vực Hà Nội, các hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có biện pháp khắc phục kịp thời đã diễn ra sôi nổi. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, các cơ quan của Sư đoàn đều đã xuống cơ sở nghe các kíp chiến đấu nói về nguyên nhân gây ra tình trạng hiệu suất chiến đấu thấp.

        Do chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bộc lộ, do cán bộ nghiên cứu cấp trên cung cấp, vấn đề đã rõ: máy bay của không quân địch đều đã thay đổi (máy bay F4D và F4E thay F4C và F105G thay các F105F - Hải quân sử dụng phổ biến loại F4J thay cho F8, A6 và AF [?] thay A4). Về vũ khí trang bị ngoài việc sử dụng hệ thống điều khiển ném bom bằng tia la-de ZOT, chúng còn dùng hệ thống KNAI... Ngoài việc sử dụng tên lửa tự dẫn AGM45 chúng còn sử dụng kết hợp loại tên lửa mới Stan-đa AGM78 có sức công phá lớn, tầm bắn xa, có bộ phận tích nhớ để đánh phá các đài ra-đa ta. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, một tốp bốn chiếc máy bay chiến thuật chỉ có một chiếc mang máy gây nhiễu thì lần này tất cả các máy bay trong một tốp đều mang máy gây nhiễu mới, có công suất phát lớn hơn hàng chục lần, có chế độ tự động điều khiển, để thay đổi tần số rất nhanh dưới các dạng nhiễu quét, nhiễu chặn, nhiễu ngắn, làm cho ra-đa của ta tê liệt. Các thiết bị thả nhiễu tiêu cực, "bom" nhiễu M121 chứa nhiều sợi kim loại để nhiễu loạn ra-đa ta và gây kích nổ đầu đạn tên lửa ta trong quá trình bay đến mục tiêu.
       
        Trong khi đó về ta, do tư tưởng chủ quan giản đơn dừng lại sau những chiến thắng lớn của năm 1967 cho đến cả những chiến thắng cuối năm 1971, các biện pháp chuẩn bị chiến đấu chưa tốt, lực lượng bảo vệ Hà Nội lại ít hơn nhiều so với thời kỳ 1967 và quan trọng hơn hết là cách đánh vẫn rập khuôn như trước nên trước những bước leo thang nhảy cóc với những trang bị mới, thủ đoạn mới dẫn đến hiệu suất chiến đấu của ta còn rất thấp. Vấn đề chính là lãnh đạo chỉ huy chưa nhanh, nhạy, sắc sảo kịp thời phát hiện ra những thủ đoạn mới của chúng để có biện pháp khắc phục hiệu quả.
       
        Đội ngũ cán bộ từ tiểu đoàn trở xuống phần lớn mới đề bạt, ít kinh nghiệm chỉ huy, chiến đấu còn bỡ ngỡ. Đội ngũ trắc thủ, các chiến sĩ sử dụng các phương tiện vũ khí khí tài...phần đông cũng là mới chưa có kinh nghiệm xử lý kỹ thuật.
       
        Tìm ra những nguyên nhân trên, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều việc tổ chức lại màng lưới nghiên cứu địch rất công phu. Các đài quan sát được tăng cường và củng cố. Cán bộ tham mưu Sư đoàn cùng một số cán bộ tham mưu giỏi của Quân chủng thay nhau có mặt ở các đài quan sát theo dõi hướng đường bay, nghiên cứu đội hình, tính toán bán kính lượn vòng, góc bổ nhào của máy bay địch, tìm ra sự sai lệch của các đường đạn pháo và tên lửa của ta để giúp Bộ Tư lệnh Sư đoàn thống nhất nhận định: cách đánh X của ta đối phó với địch mang máy gây nhiễu công suất lớn đã không còn hiệu quả. Trên cơ sở đó cơ quan tham mưu và các đơn vị tập trung nghiên cứu cách đánh mới.
       
        Các đơn vị lại mở hội nghị dân chủ quân sự sôi nổi bàn bạc cách đánh mới. Trưởng ban Tác huấn Hoàng Bảo đề xuất ý kiến đưa kính quang học PAOO để chỉ chuẩn cho kíp chiến đấu. Thời tiết tốt địch mới có thể ném bom có điều khiển bằng tia la-de thì cũng là thời cơ tốt cho bộ đội tên lửa sử dụng kính quang học bổ trợ cho đài ra-đa ta điều khiển phát hiện máy bay địch trên nền nhiễu tích cực cường độ lớn.
       
        Sau khi đã nghiên cứu cân nhắc, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn nhất trí với đề nghị của cơ quan tham mưu đưa kính quang học vào phương án đánh máy bay địch, bổ khuyết cho ra-đa bị nhiễu nặng.
       
        Được sự đồng ý của' Bộ Tư lệnh Quân chủng, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và Cục Kỹ thuật Quân chủng, các tiểu đoàn tên lửa sôi nổi triển khai kính ngắm quang học PAOO. Nhiều anh em trắc thủ PAOO đã bắt được mục tiêu xa trên dưới 50 ki-lô-mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:11:17 am »

       
        Thời kỳ này Sư đoàn được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Quân chủng trực tiếp chỉ đạo rất sát sao, giúp đỡ nhiều vấn đề về chủ trương và biện pháp thực hiện. Các đồng chí Lê Hiến Mai, Phạm Ngọc Mậu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Vương Thừa Vũ - Phó tổng Tham mưu trưởng đã xuống nghiên cứu và chỉ đạo Sư đoàn trong đợt bồi dưỡng quyết tâm, xây dựng cách đánh này.
       
        Ngày 6 tháng 6, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Trungđoàn tên lửa H61 cơ động lên bảo vệ sân bay Yên  Bái đã tích cực phát sóng kết hợp với PAOO bằng một quả đạn đã bắn rơi tại chỗ một F4E. Đấy là bằng chứng sinh động của quá trình nghiên cứu địch, nghiên cứu cách đánh của ta đạt được thành quả rõ ràng.
       
        Ngày 27 tháng 6, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt cùng với sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên và các trắc thủ trong xe khí tài là Thi, Khay, Đài cùng với trắc thủ PAOO Nguyễn Văn Sức đã bắn chiếc F4E bốc cháy và lao xuống cánh đồng xã Đại Kim huyện Thanh Trì được công nhận là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.710 bị bắn rơi trên miền Bắc.
       
        Hầu như cùng lúc ấy Tiểu đoàn 79 ở trận địa Mậu Lương cũng bắn rơi một chiếc F4E tại Hòa Bình.
       
        Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp gọi điện xuống Sư đoàn biểu dương tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của bộ đội. Đại tướng còn nhấn mạnh: những chiến công này của bộ đội Phòng không Hà Nội không những đã đánh thắng địch về mặt chính trị mà còn chiến thắng cả về kỹ thuật và chiến thuật.
       
        Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng bức trướng cho Tiểu đoàn 57; Chủ tịch ủy ban Nhân dân Hà Nội và đại tá Đoàn Phụng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội đến chúc mừng. Đại sứ Cu Ba tại Việt Nam đã gửi thiếp và lẵng hoa đến chúc mừng Tiểu đoàn 57.
       
        Ngày 8 tháng 7, Tiểu đoàn 79 Trung đoàn H57 dưới quyền chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Chiến, sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Bách và kíp trắc thủ Quý, Lập, Nhâm trong xe điều khiển và hai trắc thủ PAOO Hoàng và Hùng lại bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 300 của quân dân Hà Nội.
       
        Mùa hè năm 1972 các tên lửa bảo vệ Hà Nội đã có nhiều cố gắng vượt bậc, liên tiếp đánh thắng thủ đoạn tăng cường nhiễu của địch. Hầu hết các tiểu đoàn đều có chiến công và nhận bức trướng “bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái” của Sư đoàn. Tiểu đoàn 76 Trung đoàn tên lửa H57 nổi lên là tấm gương tiêu biểu về quyết tâm chiến đấu cao. Thực hiện nhiệm vụ cơ động ra vòng ngoài tiêu diệt địch, đột nhập trên hướng đông - đông nam của thành phố, tại trận địa Phú Thụy, Tiểu đoàn 76 ngày 28 tháng 5 đã bắn rơi một máy bay địch. Ngày 1 và 2 tháng 7, Tiểu đoàn 76 lại bắn rơi hai chiếc nữa. Ngày 11 tháng 7, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 76 và kíp chiến đấu đã hiệp đồng chặt chẽ, xử trí linh hoạt, thao tác chính xác đã bắn rơi chiếc F4E tại cánh đồng huyện Kim Động, Hưng Yên trả thù cho hơn 60 gia đình ở thị xã Hưng Yên bị máy bay Mỹ ném bom thảm sát ngày hôm trước.

*

*         *
       
        Để chế áp các lực lượng phòng không ta, trong mùa hè năm 1972, không quân Mỹ đã tăng cường sử dụng tên lửa Sơ-rai và đã gây cho ta những tổn thất. Tên lửa Sơ-rai cũ đã được cải tiến thành loại mới AGM 45-M. Ngoài ra chúng còn sử dụng loại mới Stan-đa AGM 78-M hiện đại hơn, tầm bắn xa hơn, có sức công phá lớn hơn. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có chỉ thị "đánh dịch chống tên lửa Sơ-rai” hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh đối với từng loại ra-đa. Đây là một trong những hình thức phức tạp và quyết định nhất trong cuộc đấu tranh điện tử hiện đại giữa bộ đội phòng không của ta với không quân Mỹ.
       
        Hệ thống công tác đảng, công tác chính trị tăng cường hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng triệt để, ý chí chiến đấu "vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Thủ đô thân yêu" Những tấm gương "bám máy, bám pháo" kiên quyết phát sóng ra-đa được nêu lên. Một thời gian rộ lên lời kêu gọi của Bộ Tư lệnh Sư đoàn: "Kiên quyết phát sóng ra-đa! Mở to mắt nhận rõ kẻ thù!" cũng như lời phát biểu của Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri:
       
        - Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng tôi tha thiết kêu gọi và yêu cầu các đồng chí hãy kiên quyết phát sóng đánh địch!
       
        Các hiện tượng "ngại phát sóng ra-đa", "ngại tên lửa Sơ-rai” được kiểm điểm sâu sắc. Đồng thời cơ quan tham mưu Sư đoàn biên soạn tài liệu "Một số quy định về cách đánh tên lửa trong điều kiện địch phóng tên lửa Sơ-rai". Tổ chức huấn luyện thí điểm ở Tiểu đoàn 57 và 78. Cũng từ đó các phân đội tổ chức huấn luyện theo phương án "đánh Sơ-rai - tích cực tiêu diệt địch, giữ gìn lực lượng ta".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:13:14 am »


        Ngày 6 tháng 8 năm 1972, từ trận địa ở phía tây Hà Nội, Tiểu đoàn tên lửa 79 vừa phóng quả tên lửa thứ nhất vào máy bay địch thì trắc thủ góc tà báo cáo có tín hiệu Sơ-rai từ máy bay địch phóng ra. Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Chiến quan sát thấy tên lửa Sơ-rai ít có khả năng bắn vào đơn vị mình, nên kiên quyết hạ lệnh cho kíp trắc thủ bám sát địch và phóng tiếp quả đạn thứ hai. Hiểu dược quyết tâm diệt dịch của tiểu đoàn trưởng, kíp chiến đấu đã bình tĩnh điều khiển đạn mình gặp mục tiêu nổ tốt rồi lập tức xử trí tình huống tránh tên lửa Sơ-rai gấp. Máy bay địch rơi tại chỗ, đồng thời tên lửa Sơ-rai của địch mất tín hiệu ra-đa đã bay theo quán tính lao xuống nổ tung cách trận địa khoảng hai ki-lô-mét. Một tấm gương tuyệt vời về tinh thần dũng cảm và mưu trí diệt địch.
       
        Đây là lần đầu tiên trong cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân Mỹ, bộ đội tên lửa ta đã thực hiện thành công tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân chủng vừa tiêu diệt được máy bay địch, vừa chống được tên lửa Sơ-rai. Chiến công xuất sắc của Tiểu đoàn 79 đã khẳng định tính. hiệu quả của cách chống Sơ-rai của bộ đội tên lửa ta, củng cố niềm tin cho các đơn vị bạn thi đua lập công tiếp. Các tiểu đoàn 77, 94 cũng tiếp tục lập công đánh thắng thủ đoạn chiến thuật dùng tên lửa Sơ-rai chế áp lực lượng phòng không ta.

*

*        *
       
        Tháng 4 năm 1972, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã tập trungnghiên cứu phương án đánh B52 lần thứ nhất. Ngày 3 tháng 5 năm 1972, phương án đánh B52 để bảo vệ Hà Nội lại được thông qua và bổ sung lần thứ 2. Đến cuộc thông qua lần thứ ba (10-1972), những cuộc hội thảo, tranh luận, của Phòng tham mưu đã diễn ra sôi nổi, có lúc gay gắt về hướng tập kích và đường bay chủ yếu của B52 vào Hà Nội, giúp cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn hạ được quyết tâm tốt.
       
        Về đội hình, hầu hết anh em đều nhất trí đội hình co cụm, ôm sát mục tiêu là đúng đắn. Ai cũng thấy Sư đoàn chỉ còn hai trung đoàn tên lửa cần tập trung hỏa lực để có thể đánh được trên nhiều hướng bay.
       
        Thế là từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 năm 1972, tuy trải qua nhiều vấp váp, khó khăn thử thách nhưng Sư đoàn vẫn luôn luôn hướng về phía trước vật lộn với thời gian, tích lũy thêm kinh nghiệm, chuẩn bị cho cuộc đọ sức quyết liệt sắp xảy ra, trong tâm trạng luôn luôn bồn chồn, lo lắng và hy vọng.

*

*       *
       
        Vào thời điểm này Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức hội nghị thống nhất cách đánh B52 tại hội trường Sư đoàn ở Hòa Mục. Anh Trần Xanh - phó tư lệnh Sư đoàn cùng với một số trợ lý và kíp chiến đấu tên lửa, của Sư đoàn và các cán bộ có nhiều kinh nghiệm nhất của Quân chủng đã trải qua trực tiếp đánh B52 trong Quân khu 4 vừa ra, trình bày những điều mắt thấy tai nghe về B52 và suy nghĩ của các anh về cách đánh B52. Các kinh nghiệm chiến đấu của những người trong cuộc dã dược tổng kết lại trong một cuốn sách gọi là cuốn "cẩm nang bìa đỏ”. Đây là tài liệu hướng dẫn cho bộ đội tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn dải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu. Cho đến cách chống tên lửa không đối đất Sơ-rai. Tất cả, từ tư tưởng, cách đánh, những động tác xử trí của người chỉ huy và thao tác cơ bản của kíp chiến đấu trong quá trình đánh B52 đều được hướng dẫn rõ ràng. Thật vui mừng không kể xiết! Đúng với tên gọi của anh em là cuốn cẩm nang bìa đỏ, "cẩm nang gia truyền" của họ hàng nhà tên lửa phòng không để trừ quét lũ yêu ma ngáo ộp B52, giữ vững bầu trời Thủ đô trong những ngày tháng năm ấy!
       
        Sư đoàn khẩn trương tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ và các kíp chiến đấu của mình. Hướng dẫn rồi lại kiểm tra, phân loại chỉ rõ chỗ mạnh yếu từng người, từng vị trí để tiếp tục khắc phục. Một cuộc chạy đua nước rút mới diễn ra sôi nổi. Các ngành, các bộ phận đều thi đua vừa huấn luyện bắn máy bay, vừa kết hợp tiếp tục bồi dưỡng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong đợt chiến đấu tới, tiếp tục đẩy lui, quét sạch ảo tướng hòa bình mất cảnh giác. Lại vừa tổ chức sửa chữa, phục hồi toàn bộ vũ khí - khí tài, cải tiến quá trình lắp ráp đạn tên lửa đưa năng suất lên gấp đôi. Đảm bảo toàn bộ xe cộ, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thuốc men đầy đủ cơ số kể cả cơ số dự trữ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 02:15:05 am »

   
        Như một cỗ máy lớn vận hành, hoạt động hết công suất, các đơn vị lao nhanh về phía trước. Công việc nhiều vô kể, liên tục nối tiếp nhau, nhiều khi chồng chéo làm anh em khá mệt. Nhưng bộ đội làm việc rất hăng trong không khí vui tươi phấn khởi. Khối lượng công việc khổng lồ mà anh em giải quyết cứ băng băng. Ở một đại đội pháo cao xạ một khẩu đội trưởng nói với anh em rằng:
       
        - "Thế này đã thấm vào đâu. Cái năm 10 tuổi bố mẹ tớ thường đi làm ruộng ở cánh đồng xa, một mình tớ ở nhà với thằng em lên một tuổi. Thoạt tiên bưng mẹt thóc ra sân phơi. Khi em nín thì tớ quét nhà và đặt nồi cám. Thằng cu khóc thì tớ tay bế em, chân giã gạo. Hễ thấy trời sắp mưa thì chạy ra sân bưng mẹt thóc vào. Năng suất thế cơ chứ. Các cậu tin hay không tin mặc kệ các cậu! Tớ mà nói sai thì cứ bé tí tẹo bằng con kiến".
       
        Rồi phúc lại trùng lai. Một tin vui từ Quân chủng gọi về: đêm 22 tháng 11 năm 1972, Trung đoàn tên lửa H63 trước đây thuộc biên chế của Sư đoàn vào chiến đấu bảo vệ giao thông ở Nghệ An, vận dụng cách đánh của "cẩm nang bìa đỏ" đã bắn trúng một B52 rơi ở Na-kon - Pha-nom. Mỹ đã phải công nhận: "Lần đầu tiên một B52bị SAM 2 Bắc Việt bắn rơi!”. Chiến công này khẳng định rõ ràng tên lửa của ta có đủ khả năng bắn rơi B52 tại chỗ! Mừng quá chừng mà cũng hồi hộp quá chừng! Qua điện thoại đường dài, Sư đoàn trực tiếp thăm hỏi, động viên anh em H63 và tìm hiểu trận đánh lịch sử đó. Những kinh nghiệm mới nhất lập tức được Trưởng ban tác chiến Sư đoàn phổ biến rộng rãi. Lại bổ sung phương án đánh cụ thể và huấn luyện bồi dưỡng ngắn ngày cho hai trung đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội.
       
        Một hôm trong một hội nghị cán bộ sắp đến hồi kết thúc, Tư lệnh Trần Quang Hùng sau khi đã hội ý với hai Phó tư lệnh Trần Nhẫn, Lê Huy Vinh và tôi về dự kiến kết luận hội nghị, đứng dậy xoa hai tay vào nhau vui vẻ hỏi: thế nào đã có thể kết luận được chưa? Ai còn ý kiến thì giơ tay ngay kẻo tôi kết luận đây này? Trong tiếng cười rúc rich mấy cánh tay giơ cao. Ba cán bộ phát biểu đều giống nhau nêu thắc mắc:
       
        - "Tại sao Thủ đô Hà Nội quan trọng thế, sắp đánh B52 mà Sư đoàn lại cho có trong tay hai trung đoàn tên lửa vừa bằng một nửa số trung đoàn trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất? Mà hai trung đoàn vắng mặt hôm nay lại là hai trung đoàn đầu đàn có nhiều kinh nghiệm nhất. Sao Bộ Tư lệnh Sư đoàn không đề nghị Quân chủng điều Trung đoàn tên lửa dự bị H67 từ bắc Quân khu 4 về tăng cường cho Hà Nội?". Mấy đồng chí trong Bộ Tư lệnh chúng tôi đều thừ mặt nhìn nhau, anh em đã nắn trúng huyệt của Sư đoàn, vì đây cũng là thắc mắc lớn của chính bản thân mình. Chúng tôi đã phát biểu với cấp trên mấy lần nhưng đều được trả lời là do yêu cầu chung của tuyến trước làm sao giải quyết được?
       
        Tư lệnh Trần Quang Hùng kết luận hội nghị gọn mọi vấn đề rồi đưa mắt nhìn tôi mấy lần, không thấy tôi động đậy anh liền đá vào chân tôi và cười rất chi là ngoại giao:
       
        - Cụ Giang? cụ Giang? Thắc mắc của anh em xin nhờ Chính ủy giải đáp. Tôi thì chịu!
       
        Rất thông cảm với anh, nhưng lúc này tôi hơi buồn cười nhìn nét mặt anh vừa đậm nét chất phác thẳng thắn, vừa láu lỉnh, hóm hỉnh. Ba tiếng "tôi thì chịu" rõ rang mang tính hờn dỗi với Bộ Tư lệnh Quân chủng vì anh đã đề nghị nhiều lần mà vẫn không được chấp nhận. Tôi đứng dậy nói với anh em mà cũng như giải đáp cho chính mình.
       
        Tôi khẳng định rằng trong một thời gian tương đối ngắn, Sư đoàn ta đã có những cố gắng to lớn và đạt những bước tiến quan trọng. Không phải thỏa mãn nhưng chúng ta có thể tạm yên tâm là đã đi đúng hướng và đang làm tốt những việc cần làm. Tất nhiên lúc này được tăng cường một hay hai trung đoàn tên lửa nữa thì tốt quá còn gì? Bản than Sư đoàn cũng nghĩ thế và đã vài lần đề nghị với Quân chủng. Nhưng Trung đoàn H36 thì đi nhận khí tài mới, phải mất một thời gian, Trung đoàn H63 thì đang bảo vệ mấy nút giao thông cực kỳ quan trọng ở Quân khu 4 còn Trung đoàn H67 lực lượng dự bị cho Hà Nội thì mấy hôm nay cũng đã vào sâu trong tuyến lửa rồi. Yêu cầu chiến trường lúc này rất khẩn trương. Sư đoàn đã từng đề nghị Quân chủng mấy lần và hôm nay nhất định sẽ lại phản ánh ý kiến đề nghị của các đồng chí lên trên. Còn giải quyết được hay chưa, hay không giải quyết được là vấn đề của Quân chủng và trên bộ. Vấn đề của chúng ta lúc này là phải nỗ lực phát huy sức mạnh có trong tay. Với khẩu hiệu: thì giờ là vàng ngọc, thời gian là lực lượng. Với trách nhiệm chính trị cao nhất bảo vệ Thủ đô chúng ta cố gắng phát huy nỗ lực bản thân mình. Đó là phương hướng suy nghĩ và hành động đúng đắn nhất lúc này.

       Nhìn nét mặt, tôi biết rằng anh em cũng đã hiểu được vấn đề, tôi cũng thấy không còn con đường nào khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:46:22 am »

        
*

*       *

        Ngồi được trên ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, Ních-xơn bắt đầu giở quẻ. Và việc gì phải đến đã đến. Tại hội nghị Pa-ri cố vấn Kít-xing-giơ đột nhiên đưa ra một lô yêu cầu mới đòi sửa chữa dự thảo đã thống nhất với ta trước đây. Ỷ vào sức mạnh răn đe của B52 và đặt Thủ đô Hà Nội lên bàn mặc cả, Mỹ láo xược yêu cầu ta công nhận những điều kiện của kẻ mạnh. Thế là vấn đề đã rõ: B52 sắp tàn phá Hà Nội!
        
        Xin kể thêm một việc nữa: lại có lệnh của Quân chủng cho Trung đoàn tên lửa 261 chuẩn bị vào chiến trường. Thật là sét đánh mang tai, toàn thể anh em bàng hoàng sửng sốt. Tư lệnh Quang Hùng ngồi thừ trên ghế trong Sở Chỉ huy. Mấy đồng chí Phó tư lệnh, Phó chính ủy chẳng nói chẳng rằng. Mấy trợ lý Sở Chỉ huy thì mắt cứ tròn xoe. Đọc lại lệnh của Quân chủng mà tôi như không tin vào mắt mình. Bộ đội Phòng không Hà Nội sắp chiến đấu với các đợt oanh kích ác hệt của B52 vào Hà Nội mà chỉ còn mỗi một Trung đoàn tên lửa. Thế thì còn trời đất gì nữa? Tôi vội lên Quân chủng. Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương đều trả lời: biết làm sao được? Tình hình nó thế mà! Tôi lại lồng lên Bộ Tổng Tham mưu gặp anh Phùng Thế Tài. Rất may chỉ có một mình anh ngồi trong phòng làm việc. Tôi trút tất cả nỗi bức xúc, ý kiến thẳng thắn của mình để anh nghe. Có lẽ tôi nói hăng quá nên anh Tài cứ trố mắt nhìn tôi. Kiên nhẫn đợi lúc tôi vừa ngừng lại thì anh nói chen vào:
        
        - Ơ cái thằng này! Xưa nay có bao giờ tao thấy mày lắm điều như thế này đâu? Vừa gặp mấy ông Quân chủng xong, tao đang nẫu ruột ra đây... Thấy tôi sắp nói tiếp anh vội đứng thẳng người lên, thọc hai tay kéo hai túi quần rỗng không ra rồi nói giọng gay gắt:
        
        - Tao chẳng còn một trung đoàn tên lửa nào nữa. Nếu còn tao sẽ đưa ngay vào Quân khu 4 thay thế cho cái Trung đoàn H61 quý báu của chúng mày ở lại Hà Nội. - Rồi anh lại hạ giọng: lúc này tiền tuyến đang khẩn trương căng thẳng quá! - Tôi tranh thủ cướp lời luôn:
        
        - Trước đến giờ Quân khu 4 vẫn là tuyến trước. Nhưng bây giờ Hà Nội cũng sắp là tuyến trước và mục tiêu cực kỳ quan trọng chứ anh! Mà chỉ còn một mình Trung đoàn H57 đối phó với B52 Mỹ bảo vệ Thủ đô... trái tim... nơi đầu não... Anh Tài lại đứng lên:
        
        - Thôi ông Giang ơi, hôm nay ông thuyết khách rất hùng hồn! Nhưng ông khôn nó vừa vừa chứ! ông khôn nhưng cũng để cho tôi khôn nữa chứ! Rồi anh lại ngồi xuống đấu dịu - Thôi hãy về đi để từ từ Bộ sẽ tính.
        
        Tôi lại đứng bật dậy nhưng cũng cố dịu giọng: - Còn từ từ gì nữa, anh? B52 sắp đánh đến nơi rồi!
        
        Anh Tài đứng dậy vỗ vai tôi, giọng thân mật hẳn, nhưng vẫn rất kiên quyết:
        
        - Thôi về đi, Văn Giang! Liệu mà tính toán điều chỉnh lại đội hình và phương án tác chiến. Và đôn đốc cho Trung đoàn H61 tổ chức cho anh em đi tranh thủ và chuẩn bị cho nó hành quân chu đáo đúng hẹn. À mà này! Trước hết có lẽ phải đả thông tư tưởng cho anh em nhất là cái anh Quang Hùng to mồm và hay ý kiến ấy.
        
        Lòng nặng trĩu ưu tư phiền muộn, tôi thất thểu bước ra xe. Bao nhiêu việc khẩn. trương ngổn ngang ở Sư đoàn và đơn vị H61? Nhưng bắt đầu từ việc nào? Kìa, đã đến cổng Sư đoàn. Chắc các anh ở đó đang đợi. Vấn đề đầu tiên là làm sao nhanh chóng làm nguôi dịu những vướng mắc trong lòng anh em đã.
        
        Rất may là chỉ bốn đến năm hôm sau, khi hội nghị Pa-ri bế tắc hẳn, Quân chủng lệnh tối khẩn cho Sư đoàn: Trung đoàn H61 không vào Quân khu 4 nữa, mà Ở lại Hà Nội. Gọi anh em đi phép về mau. Triển khai ngay đội hình chiến đấu. Tình thế cực kỳ khẩn trương. Dưới điện có ghi thêm một câu: theo ý anh Tài đích thân anh Văn Giang phải xuống H61 giải quyết những vấn đề tư tưởng và tổ chức cần thiết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:48:33 am »

 
        Tin Trung đoàn H61 ở lại lan nhanh như chớp. Tư lệnh Quang Hùng nhảy lên hoa chân, múa tay, la hét:
       
        - "Như ta đây Tư lệnh Quang Hùng! Vẫn còn nguyên hai trung đoàn tên lửa!... ái cha cha, mừng như bố ta sống lại!"
       
        Nhìn anh tôi cảm động muốn rơi nước mắt. Chúng tôi bàn gấp công việc với nhau rồi tôi cùng với Tham mưu trưởng Nguyễn Đình Sơn và các trợ lý cơ quan lên xe sang đơn vị H61.
       
        Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo, Phó trung đoàn trưởng Võ Công Lạng, Chính ủy Dương Đình Thảo chạy ùa ra bắt tay tôi, ôm cổ tôi reo lên: "Trung đoàn được ở lại cùng với Sư đoàn sống chết với Thủ đô rồi! Mừng quá anh Giang ơi!" Tôi cũng vui mừng và quá xúc động chẳng nói được gì.

*

*        *
       
        Đã hai hôm nay Hà Nội tổ chức sơ tán 50 vạn dân nội thành. Dòng người và các loại phương tiện vận chuyển như nước lũ tràn từ nội thành ra các vùng nông thôn rộng lớn. Các anh chị em công nhân viên chức đã lại tề chỉnh trong tư thế thời chiến, bi-đông nước, nắm cơm, bao đạn cạnh sườn, khẩu súng trường đeo chéo sau lưng Hai chị vừa đi vừa sôi nổi trao đổi:
       
        - Tao vừa hoàn thành kế hoạch sơ tán gia đình. Mệt quá! Mẹ cha cái thằng tổng thống Ních-xơn lại giở quẻ. Phen này phải nện cho nó vỡ mặt ra mới được! Tao đã được sung vào tiểu đội lau chùi và vận chuyển đạn cho trận địa Nghĩa Dũng rồi. Thích quá!
       
        - Chả bằng tao! Mẹ tao cứ nằng nặc đòi "ở lại sống chết với Thủ đô". Phải thuyết phục cụ đến đứt lưỡi bà cụ mới chịu đi với các cháu. Cái thằng gì, cố vấn Kít... Kít mồm nó cứ leo lẻo nói hòa bình! Rõ là đồ cái lưỡi không xương. Tao bị cơ quan liệt vào danh sách có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa được phân công vào đội nào cả. Mẹ bố cha con cái thằng tổng Ních, cố Kít nhà chúng nó! Hai chị nhìn nhau cười và nhảy lên xe, đạp nhoay nhoáy.
       
        Lực lượng dân quân tự vệ Hà Nội có bốn đại đội pháo 100mm, 92 khẩu đội súng máy 14,5mm và 12,7mm, hơn 100 khẩu đại liên trung liên, đang triển khai chiến đấu trong không khí vui như hội. Cùng với đội ngũ bắn máy bay, đội ngũ dân quân tự vệ đông đảo được trang bị hơn bốn vạn khẩu súng bộ binh đã được tổ chức huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay tầm thấp, đánh quân đổ bộ đường không, bắt giặc lái và giải quyết hậu quả chiến đấu. Các hệ thống thông báo, báo động, hầm hào phòng không được củng cố và triển khai rộng khắp. Các điểm cấp cứu, các đội điều trị cứu thương xuất hiện khắp nơi. Các tổ chức đảm bảo giao thông vận tải đều được thành lập ở bến phà Chèm, Chương Dương, Khuyến Lương, Mễ Sở và một số cầu phao, phà qua sông được gấp rút củng cố... Chỉ trong một thời gian ngắn thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không ở Hà Nội đã được củng cố. Tôi bồi hồi nhớ lại ngày mới thành lập Sư đoàn, sang chào Thường vụ Thành ủy và ủy ban nhân dân Hà Nội, gặp tôi các anh đã ân cần nói: "Nhiệm vụ của bộ đội Phòng không Hà Nội cực kỳ quan trọng, hết sức nặng nề và vô vàn khó khăn Nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội rất tin tưởng vào các đồng chí và sẵn sàng sát cánh cùng với các đồng chỉ đánh giặc bảo vệ Thủ đô”.

*

*       *
       
        Mở cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 cuối tháng 12 năm 1972 vào Hà Nội, Hải Phòng... Mỹ đã huy động 50 phần trăm tổng số máy bay chiến lược B52 của Mỹ, 31 phần trăm máy bay chiến thuật của Mỹ trên toàn thế giới và hàng trăm máy bay phục vụ như máy bay chỉ huy, máy bay trinh sát, máy bay liên lạc dẫn đường, tiếp dầu trên không, gây nhiễu và cấp cứu trên không. Tất cả các loại máy bay và vũ khí - khí tài Mỹ đưa ra sử đụng trong thời kỳ này đều đã được cải tiến ở trình độ cao hơn nhiều so với trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 1. Lầu Năm Góc đã mấy lần rêu rao: "B52 là siêu pháo đài bay thượng thặng, là thần tượng là sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của không lực Hoa Kỳ, là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân và B52...). B52 trút bom như mưa. Tiếng bom rơi xé không khí gầm xé ghê sợ như giông bão. Một B52 có thể hủy diệt cả một vùng rộng lớn. Một tốp ba chiếc B52 có thể biến một diện tích 2,5 ki-lô-mét vuông thành bình địa. Không một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới sức công phá của B52. Đối phương sẽ bị huỷ diệt về quân sự, khiếp đảm về tinh thần vì họ cảm thấy hoàn toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của B52 mà họ không có cách gì chống đỡ nổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:50:58 am »

     
        Đêm 18 tháng 12, cuộc tập kích chiến lược bắt đầu. Ních-xơn tin tưởng tuyệt đối Hà Nội sẽ bị B52 đè bẹp, nhất định phải chấp nhận một giải pháp dành cho kẻ chiến bại trên bàn ngoại giao. Cuộc chiến tranh sẽ được kết thúc mau chóng và vẻ vang cho Mỹ. Cả thế giới, bè bạn hồi hộp lo âu nhìn về Hà Nội. Đồng bào cả nước nín thở, lo lắng xót xa nhìn vào Thủ đô mình. Và rồi kết quả diễn ra như mọingười đã biết.
       
        Đêm 18 tháng 12, ba B52 bị bắn rơi, hai chiếc rơi tại chỗ ngay ngoại thành Hà Nội. Hồi 20 giờ 13 phút, tốp B52 có ký hiệu 671 từ phía Tam Đảo bay xuống đánh vào biến thế điện Đông Anh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 Nguyễn Thăng cùng với sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận, các trắc thủ Nguyễn Xuân Linh, . Lê Xuân Tứ, Nguyễn Văn Độ đã hiệp đồng chặt chẽ bám sát giải nhiễu phóng hai quả đạn trúng mục tiêu. Vừa lúc đó trắc thủ quang học PAOO Quang báo cáo ngay:
       
        - Máy bay cháy rồi! Đám cháy to lắm! Có khả năng B52 đã bị bắn rơi.
       
        Cả Tiểu đoàn 57 cũng báo cáo với Sở Chỉ huy Trung đoàn H61 hiện tượng máy bay cháy rất to, khả năng là B52 đã bị bắn rơi tại khu vực Phù Lỗ.
       
        Tại Sở Chỉ huy Sư đoàn, khi Tham mưu trưởng Nguyễn Đình Sơn báo tin Trung đoàn H61 bắn rơi máy bay B52 tại khu vực Phù Lỗ thì toàn bộ các thành viên trong Sở Chỉ huy Sư đoàn đứng dậy vỗ tay reo phấn khởi. Anh Quang Hùng chạy lại ôm chặt tôi nói trong tiếng nấc nghẹn:
       
        - B52 rơi rồi anh Giang ơi.
       
        Tôi cũng quá xúc động, ôm chặt anh trong niềm hân hoan của tất cả các anh chị em trong Sở Chỉ huy lúc ấy.
       
        Sau khi Sở Chỉ huy Sư đoàn báo cáo lên trên tin chiếc máy bay B52 đầu tiên rơi gần ngã ba Phù Lỗ, thì chỉ mấy phút sau Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại xuống Sư đoàn:
       
         - Văn Giang đấy à! Có căn cứ thực tế nào xác minh 'chiếc máy bay rơi gần Phù Lỗ là B52? Thấy tôi chậm trả lời anh Văn nhắc: cho cán bộ quân báo lên tận nơi xác minh rồi báo cáo về ngay. Các anh trong Bộ Chính trị ở đây cả, đang đợi!
       
        Khoảng gần 1 giờ sau tôi báo cáo lên Đại tướng khẳng định dứt khoát chiếc máy bay rơi gần Phù Lỗ là B52. Thiếu tá Võ Công Lạng - Trung đoàn phó Trung đoàn H61 đã lên tận nơi, về báo cáo là xác máy bay to đầy một thửa ruộng lớn. Đồng chí Lạng đã mang về một mảnh ê-ti-két có dòng chữ "AIR-CRAFT-MODEL B52 G".
       
        - Thế thì đúng là B52 rồi! Hoan hô B61 bấn rơi B52 tại chỗ! Cám ơn anh Văn Giang!
       
        …Tôi lại điện thoại lên Tổng hành dinh báo cáo với anh Văn nhưng mãi không thấy hồi âm nên một lúc sau mới bỏ máy. Một tháng sau, tại một hội nghị, được gặp lại Đại tướng tôi đã nhắc đến chuyện này. Nghe xong đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cười to và xin lỗi. Thì ra hôm đó trong phòng họp của Quân ủy Trung ương cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng còn có cả các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ,... Khi biết chắc B52 đã rơi tại chỗ, mừng quá, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quên người đang đối thoại với mình, bỏ máy để quay ra báo tin vui đặc biệt với các đồng chí trong Bộ Chính trị.
       
        Đêm 19 tháng 12 năm 1972, ta lại bắn rơi hai B52 tiếp.

        Sau trận chiến đấu hiệu suất thấp đêm 19 tháng 12 năm 1972, ngày 20 tháng 12 năm 1972, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn mở rộng đến tất cả các đồng chí trong Bộ Tư lệnh họp nghiêm khắc chỉ ra những thiếu sót về chỉ đạo vận dụng cách đánh chưa linh hoạt trong đêm 19 và đề ra các biện pháp lãnh đạo để khắc phục cụ thể. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiên quyết phát sóng ra-đa tích cực chọn giải nhiễu tìm được tín hiệu B52 trong nhiễu để tiêu diệt. Các cuộc họp rút kinh nghiệm chiến đấu mang tính chất một cuộc sinh hoạt chính trị đấu tranh tự phê bình và phê bình tìm ra nguyên nhân cụ thể của trận chiến đấu hiệu suất thấp đêm 19 là chọn dải nhiễu, xác định thời cơ phát sóng và vận dụng phương pháp điều khiển chưa thích hợp. Đảng ủy Tiểu đoàn 77 đã họp, nhất trí hoàn toàn với nhận định và chỉ đạo của trên. Căn cứ vào số quả đạn hiện có hội nghị thống nhất chỉ đạo kíp chiến đấu tích cực phát sóng, mau chóng phát hiện đúng B52, đánh tiết kiệm đạn, mỗi lần phóng nhiều nhất chỉ hai quả đạn.
       
        Cũng như Tiểu đoàn 77, trên tất cả các trận địa khác ở Hà Nội, tiếng thét căm thù, lời hứa quyết tâm, những hành động cụ thể chuẩn bị chiến đấu diễn ra sôi nổi.
       
        Trong khi đó, tại hai tiểu đoàn sản xuất đạn, Tiểu đoàn 80 và Tiểu đoàn 95, các đồng chí Cục trưởng Lương Hữu Sắt và Phan Thái - Cục phó Cục Kỹ thuật Quân chủng xuống kiểm tra và thúc đẩy quá trình sản xuất đạn đảm bảo cho các đơn vị chiến đấu có đủ đạn chiến đấu liên tục. Cục trưởng Cục Hậu cần Mai Xuân Tiếu cho cơ quan mang đường sữa, lương khô xuống bồi dưỡng cho hai tiểu đoàn kỹ thuật. Phong trào thi đua "quyết thắng B52" ở các tiểu đoàn kỹ thuật được đẩy mạnh. Những quả đạn tên lửa mang dòng chữ "trả thù cho đồng bào Hà Nội" bằng sơn trắng lần lượt rời dây chuyền sản xuất theo các xe tải đạn TZM về các trận địa hỏa lực.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM