Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:19:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức về sư đoàn phòng không cận vệ đỏ  (Đọc 14566 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 09:09:14 am »


        Bộ Tư lệnh Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị ngoài nhiệm vụ thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên đánh máy bay trinh sát vẫn phải tranh thủ huấn luyện, chủ yếu vẫn là huấn huyện đánh máy bay bổ nhào. Mỗi trung đoàn phải tổ chức huấn luyện đột phá mẫu một đại đội. Sau đó cho các đại đội khác đến tham quan, học tập. Bất cứ làm việc gì, mỗi ngày các đại đội cũng phải đảm bảo hiệp đồng đại đội từ một đến hai giờ. Đợt huấn luyện tháng 7 năm 1967 tiếp tục nâng cao trình độ chỉ huy của cán bộ và trình độ thao tác chiến đấu hiệp đồng của chiến sĩ.
       
        Đồng thời cũng trong tháng 7, tranh thủ thời cơ địch chưa đánh Hà Nội, Sư đoàn tổ chức điều lực lượng đi chiến đấu trên ba hướng (anh em gọi đùa là đi đánh hôi, kiếm thêm đuôi máy bay Mỹ trên các hướng ngoài Hà Nội).
       
        - Một cụm tên lửa và pháo đi tham gia bảo vệ cầu Giẽ trên hướng đường 1 nam.
       
        - Một cụm pháo đi bảo vệ cầu Cẩm Giàng và cầu Như Quỳnh trên đường 5.
       
        - Một cụm pháo và tên lửa ở khu vực Trung Giã (đường 3).
       
        Trong tháng 7 năm 1967 trên cả ba hướng bảo vệ giao thông này Sư đoàn đã đánh hơn 20 trận, bắn rơi năm máy bay Mỹ.
       
        Trong chiến đấu phòng không, các cán bộ chiến sĩ đều được giáo dục quán triệt nguyên tắc bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn mục tiêu và tự bảo vệ mình. Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đơn vị phòng không là phải bảo vệ an toàn các mục tiêu dù bản thân đơn vị mình có phải hy sinh tổn thất. Bắn trúng, bắn rơi máy bay địch chính là phương thức bảo vệ mục tiêu hiệu quả nhất và tự bảo vệ mình tốt nhất. Muốn bắn trúng, bắn rơi nhiều máy bay địch và bảo vệ an toàn mục tiêu thì yêu cầu các đơn vị pháo phòng không cỡ nhỏ phải đưa trận địa vào nằm sát cạnh các mục tiêu. Gắn sinh mệnh mình với sinh mệnh của mục tiêu, bất chấp mọi gian nguy tổn thất, nhưng rất có điều kiện thuận lợi bắn trúng, bắn rơi các máy bay cường kích bổ nhào. Đã nằm giữa vùng bom đạn nhưng trận địa che mình (các ụ pháo) lại không được đắp cao vì sẽ hạn chế khả năng cơ động ngắm bắn có khi thật thấp của nòng pháo. Ngồi trên mâm pháo nằm trong công sự lộ thiên giữa vùng bom đạn của kẻ thù, nhưng rất rộng rãi thoải mái cho tầm ngắm bắn, nhìn thẳng vào quân thù đang hùng hổ, gầm rít lao thẳng vào mình phóng từng tràng rốc két, từng tràng bom thì đó cũng là thời cơ thuận lợi nhất để mình tiêu diệt nó. Quan trọng chính là chỉ trong một, hai, ba tích tắc này thôi. Nhìn thẳng quân thù: bắn! bắn! bắn! Đã có nhiều máy bay Mỹ cháy bùng rơi xuống, bom thả chệch ra ngoài. Nhưng cũng đã từng có khẩu đội bị chôn vùi cả pháo thủ, chỉ huy và dân quân tự vệ. Các chiến sĩ đều hy sinh trên vị trí chiến đấu trong tư thế đối mặt với quân thù, để lại những hình ảnh thật hào hùng lẫm liệt. - Pháo thủ số 1 Nguyễn Văn Khánh ở Đại đội 1, Trung đoàn pháo H20 bị thương ở ngực vẫn không rời vị trí chiến đấu, quyết dồn hết sức lực quay khẩu pháo đã hỏng hệ thống điện, hướng nòng về bắn cùng đại đội. Bị thương lần hai, Khánh mới chịu để cho nữ dân quân thôn Gia Quát - Lê Thị Hạnh băng bó và đưa về tuyến sau. Một quả bom nổ làm Lê Thị Hạnh bị thương nhưng chị vẫn nén đau đưa thương binh về nơi cấp cứu.
       
        - Trận địa đại đội 2 Trung đoàn H20 cũng bị trúng bom địch. Pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Á bị bom bi xuyên vào ngực, bụng, thủng ba khúc ruột, vẫn cắn chặt môi cố gắng bê tiếp viên đạn pháo 100mm nặng gần 20 ki-lô-gam đưa lên máng tiếp đạn, kịp thời bắn đồng loạt với đại đội.
       
        - Ở khẩu đội bên cạnh, một quả bom bi nổ làm nát hai bàn chân pháo thủ Nguyễn Văn Hoan. Dựa người vào máng tiếp đạn, dồn sức lên bàn tay phải ấn cần khởi động bắn viên đạn cuối cùng rồi mới gục xuống, hy sinh:
       
        - Ở đại đội 6 Trung đoàn H34, trong một trận chiến đấu bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ, pháo thủ Lê Việt Dũng hy sinh. Nhận được tin này, mẹ Chu Thị Loan người làng Cổ Nhuế, Từ Liêm nén đau thương dẫn người anh trai của Lê Việt Dũng là Lê Việt Hùng đến đơn vị xin các cấp chỉ huy nhận cho Hùng nhập ngũ thay vào vị trí của Việt Dũng, chiến đấu trả thù cho em, giết giặc cứu nước.
       
        - Ở đại đội 76 Trung đoàn H12, bom bi rơi vào hầm pháo, khẩu đội trưởng Dương Triều Hướng dũng cảm nhặt bom bi đang xì khói vất ra ngoài công sự, tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
       
        - Ở đại đội 73, khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Bi bê viên đạn 57mm bị mảnh bom địch văng vào đang phụt lửa vứt ra ngoài công sự bảo vệ cho đồng đội.
       
        Ở khắp các trận địa phòng không Hà Nội những năm chiến tranh đã có không ít những tấm gương dũng cảm chiến đấu với tinh thần bị thương nặng không rên la, bị thương nhẹ không rời vị trí, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, sống chết với Thủ đô. Ở đâu cũng không thiếu những hình ảnh dân quân tự vệ anh hùng, những bà mẹ Việt Nam anh hùng sẵn sàng hy sinh cho độc lập thống nhất của Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 09:11:10 am »


        Tại khu vực Yên Viên - Cầu Đuống các đơn vị pháo chiến đấu rất kiên cường qua hàng trăm trận đánh dầy dạn chiến công và cũng nhiều lần sứt mẻ được mệnh danh là các "trụ thép phía đông”, một lần đang giữa trận đánh ác liệt một quả bom đen trũi lao xuống xiên chéo qua ụ đất nằm đúng dưới gầm mâm pháo khẩu đội 3 Đại đội 75 chưa nổ. Hai ba tiếng cùng quát to lên "kệ mẹ nó", toàn khẩu đội vẫn hăng say bắn tiếp, đổ lửa liên tục vào những máy bay đang nối đuôi nhau lao vào. Dăm bảy phút sau trận đánh kết thúc. Cả lũ máy bay đã cút xa, khẩu đội mới hè nhau kéo khẩu pháo rời xa quả bom với cái đuôi đen xì nhọn hoắt nhô lên như răng thần chết đang dọa nạt. Sau đó bom nổ, pháo và người an toàn. Cả đại đội vùng lên reo hò vang dội! Thật là dũng cảm ngoan cường, gan lỳ số 1 mà cũng thật là bình dị - các chiến sĩ pháo phòng không Việt Nam!

*

*        *
       
        Cuộc đấu tranh "vạch nhiễu tìm thừ' của các trắc thủ tên lửa thật gay go quyết liệt! Tìm tín hiệu máy bay địch trên màn huỳnh quang trắng xóa nhiễu và luôn luôn nhấp nháy, thật là khó! Phải có những cặp mắt tinh tường lão luyện, những bàn tay vê, tay quay thuần thục với một đầu óc xét đoán cực kỳ nhạy bén sắc sảo, điều khiển từ một trái tim yêu nước nồng nàn, căm thù địch sâu sắc. Muốn tìm ra tín hiệu máy bay địch, ta phải phát sóng điện tử, sục sạo tìm tín hiệu khả nghi trong những dải nhiễu trắng xóa. Mỗi giây phát sóng là một giây có nguy cơ rước tên lửa không đối đất (Shrike) theo cánh sóng điện tử của ra-đa ta phát ra để tự động lao vào gốc cánh sóng tức là đài ra-đa trận địa ta. Trắc thủ tên lửa ta đã tìm ra phương thức phát sóng thích hợp nhất, vừa gan góc sục sạo túm cổ tín hiệu máy bay địch để tiêu diệt nó mà vẫn đảm bảo an toàn cho trận địa ta trong phạm vi chấp nhận được. Nhiều máy bay địch ẩn kín trong những giải nhiễu ma quái đã bị túm cổ và lập tức phải đền tội. Nhưng cũng đã có không ít lần cả kíp chiến đấu tên lửa ta hy sinh anh dũng trong tư thế đang điều khiển khí tài đánh địch.
       
        Cũng đã không ít lần kíp chiến đấu của ta phát hiện được tín hiệu máy bay địch giữa những giải nhiễu nhấp nháy của màn huỳnh quang. Ta phóng tên lửa vào nó; đồng thời nó cũng phát hiện ra ta và phóng tên lửa vào ta. Làm sao? Tiếp tục điều khiển tên lửa ta tiêu diệt máy bay địch thì đồng thời cũng chấp nhận ăn tên lửa dịch đang lao vào? Các chiến sĩ ta vẫn gan góc nắm chắc địch, gan góc điều khiển tên lửa mình tiêu diệt máy bay địch. Rồi lập tức quay nhanh an-ten ta sang góc phương vị khác làm cho tên lửa địch văng ra ngoài cánh sóng điện tử của ta. Máy bay địch rơi, đồng thời tên lửa địch bay xuống nhưng trượt văng ra ngoài, cả trận địa an toàn. Thật là tuyệt vời! Ý chí, bản lĩnh, tài năng. Những trái tim vàng! Những bộ óc vàng! Những bàn tay vàng của chiến sĩ tên lửa Việt Nam!
       
        Tiêu diệt máy bay địch - những con quỷ dữ đang gây tang tóc cho Thủ đô Hà Nội, quan trọng nhất là trong những giây phút quyết định này. Mà giữa cái sống và cái chết cả tập thể trận địa của ta thường cũng chỉ diễn ra trong những giây phút này. Với các chiến sĩ phòng không, tôi đã từng được cùng sống và chiến đấu suốt tám, chin năm trên mặt trận Hà Nội, bao giờ nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch bảo vệ an toàn mục tiêu cùng được đặt cao trên yêu cầu bảo vệ mình. Suốt những năm tháng chiến đấu gay go quyết liệt, không có hiện tượng nào vì mạng sống của mình mà bỏ mặc mục tiêu cho địch đánh phá.
       
        Sau trận đánh ngày 10 tháng 6, Bộ Tổng chỉ đạo tiến hành một loạt biện pháp tăng cường bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ. Từ nay muốn ném bom nhà máy, sau khi đã thoát khỏi các đòn trừng trị của máy bay MiG, các tiểu đoàn tên lửa, pháo phòng không cỡ trung, hệ thống khinh khí cầu trên hướng bay vào, các máy bay Mỹ lọt vào khu vực ngắm bắn lại gặp thêm khó khăn vì tự vệ khu phố Ba Đình đã quét sơn đen hết lượt khu nhà các phố Phó Đức Chính, Cửa Bắc, Hàng Bún, Châu Long, Nguyễn Trường Tộ... cùng màu với nhà máy. Một số vật thể cố định được đặt nghi trang làm biến đổi địa hình, cả sáu ống khói nhà máy cũng được hạ xuống rất thấp khiến cho phi công Mỹ rất khó phân biệt đâu là nhà máy điện? Bộ đội hóa học cũng bố trí các trận địa thả khói trắng xóa bao trùm cả khu vực. Trong khi chuẩn bị bổ nhào ném bom lại vấp phải hỏa lực rất mạnh của các trận địa chốtt lợi hại ở Nghĩa Dũng, ven hồ Trúc Bạch, trận địa nổi Hồ Tây và các súng máy phòng không đặt dày đặc trên đường Thanh Niên. Tường bảo vệ các lò hơi xây bằng đá, phía trong xếp các bao cát cao hơn trước ba mét. Một hệ thống giao thông hào chằng chịt trong nhà máy. Các kỹ sư và công nhân điện túc trực suốt ngày đêm lao động sản xuất và chiến đấu tại chỗ, sẵn sàng sửa chữa các bộ phận hư hỏng. Những biện pháp này đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ nhà máy và dòng điện Thủ đô lúc ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 09:13:22 am »

       
        Tháng 8, tháng 10, tháng 11, tháng 12, địch lại tổ chức những đợt đánh phá quy mô lớn vào tất cả các mục tiêu quan trọng của Hà Nội, trung tâm vẫn là nhà máy điện Yên Phụ. Mỗi đợt vài ngày, mỗi ngày vài ba trận xuất kích, mỗi trận trên dưới 100 lần chiếc. Đợt tháng 8 chúng bị bắn rơi 22 chiếc. Ngày 25 tháng 10 lại bị rơi tám chiếc. Ngày 26 tháng 10 rơi 10 chiếc. Một máy bay A4E từ độ cao 1.800 mét trúng đạn tên lửa bùng cháy dữ dội lao thẳng vào bể xỉ than nhà máy. Thiếu tá Mac-kên hôm ấy nhảy dù uống no nước hồ Trúc Bạch. Ngày 27 tháng 10, Bác Hồ gửi thư khen: "Bác rất vui khen ngợi các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào và cán bộ Hà Nội đã liên tiếp chiến thắng vẻ vang trong bốn ngày bắn rơi 30 máy bay Mỹ".
       
        Năm ngày kể từ 24 đến 28 tháng 10 Mỹ huy động 500 lần chiếc, là đợt huy động không quân chiến thuật lớn nhất, cũng là nấc thang cao nhất, nhưng chúng đã bị quân dân Hà Nội bắn rơi liền 45 chiếc.
       
        Thất bại liên tục nặng nề đến mức không thể đánh tiếp, địch phải tạm ngừng bỏ dở kế hoạch. Thiếu máy bay nghiêm trọng Mỹ phải cấp tốc điều máy bay chiến đấu từ Nhật Bản sang các căn cứ ở Thái Lan và đưa thêm tàu sân bay vào vịnh Bắc Bộ. Hà Nội lại được tăng cường thêm Sư đoàn Phòng không B65, hai trung đoàn pháo phòng không của Quân khu 3 và Quân khu Việt Bắc. Đây là thời kỳ lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội có số lượng đông nhất trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tham mưu trưởng không quân Mỹ Mắc Co-nen đã phải thừa nhận: "Hà Nội, Hải Phòng là nơi tập trung các cỡ súng phòng không mà chúng ta chưa hề thấy trong lịch sử phòng không cua bất kỳ một thành phố nào hoặc một khu vực nào trên thế giới". Báo chí phương Tây cũng bình luận: "Ở Hà Nội có thể bước đi trên các nòng súng phòng không” . "Hà Nội là "Tọa độ lửa" - "Tọa độ chết".
       
        Ngày 18 tháng 11 địch lại vào oanh tạc tiếp, quân dân Hà Nội lại bắn rơi tám chiếc, hầu hết rơi tại chỗ. Chỉ trong ba phút tên lửa bắn rơi bốn chiếc, ba chiếc rơi tại chỗ. Ngày 19 tháng 11 địch vào rất đông và bị bắn rơi tới 17 chiếc. Bộ đội tên lửa năng suất rất cao một ngày bắn rơi tám máy bay Mỹ. Bị tổn thất nặng nề, lúc đầu địch dự kiến kéo dài đợt oanh kích đến hết ngày 24 tháng 11 nhưng thực tế đến ngày 21 tháng 11 Mỹ đã phải tuyên bố kết thúc. Địch bị thua đau. Lầu Năm Góc tính sổ trong hai tháng 10 và 11 năm 1967 tổn thất về máy bay lên đến con số cao nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cứ 100 lần chiếc, một lần chiến đấu trước đây chỉ mất 2,5 chiếc thì trong hai tháng 10 và 11 tổn thất lên gấp đôi đến 4,5 lần chiếc vượt quá xa sức chịu đựng của không lực Hoa Kỳ. Đấy là chưa kể đến số máy bay bị thương cố bay lết về vào xưởng sửa chữa. Mỹ thiếu máy bay nghiêm trọng. Thiếu người lái càng nghiêm trọng hơn và tinh thần phi công Mỹ sa sút nghiêm trọng, rất lo sợ nhận nhiệm vụ bay vào tọa độ lửa Hà Nội.
       
        Tất nhiên qua các lần oanh tạc ấy chúng đã gây cho ta những tổn thất về người và của. Nhưng quân dân Hà Nội càng đánh, càng thắng, càng già dặn trưởng thành, càng vững tin vào thắng lợi. Nguồn chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam ngày đêm vẫn tiếp diễn, quyết tâm giải phóng miền Nam của Đảng và nhân dân ta không mảy may suy giảm. Nhà máy điện Yên Phụ sau tám đợt địch tập trung hủy diệt vẫn kiên cường đứng vững, đêm đêm thắp sáng Thủ đô ta như một vầng ánh sáng không bao giờ tắt, như một niềm kiêu hãnh bất diệt Việt Nam.

*

*       *
       
        Năm 1967 đối với Sư đoàn 361 được coi là một năm chiến đấu liên tục và ác liệt. Đồng thời cũng là năm được mùa về xây dựng và để lại kinh nghiệm tốt cho những năm sau. Chỉ kể từ tháng 4 đến cuối năm là chín tháng, không quân Mỹ tổ chức bảy đợt oanh kích lớn, mỗi đợt kéo dài chừng năm ngày. Chưa kể trước và sau đó là những ngày ta đánh máy bay trinh sát. Trước một đợt đánh thường là những cuộc họp phổ biến tình hình và nhiệm vụ lúc này, dự kiến địch sẽ hoạt động những ngày sắp tới và chú trọng ý đồ tác chiến của cấp trên, những nhiệm vụ chiến đấu cụ thể đơn vị cần đạt tới. Tất nhiên sau một đợt chiến đấu cũng phải họp rút ra những vấn đề cần bổ sung vào phương án tác chiến mới, cần bổ sung vào nội dung huấn luyện và một loạt những công việc phải làm như giải quyết các vấn đề về thương binh liệt sĩ, chấn chỉnh củng cố lại tổ chức đơn vị, củng cố lại trận địa công sự, nhiều khi cả điều chỉnh lại đội hình... Toàn những loại công việc không thể không làm ngay, không thể không tập trung lãnh đạo, chỉ huy phấn đấu đạt yêu cầu tốt nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:49:02 pm »

 
        Nhìn lại quy trình những công việc như thế tưởng như không còn làm được gì khác. Thế mà đơn vị vẫn tiếp tục giải quyết các chương trình về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự. Thành phố cho Sư đoàn mượn hội trường của Trường Đảng Lê Hồng Phong nên chúng tôi tận dụng làm địa điểm tổ chức những đợt sinh hoạt chính trị lớn nhỏ trong năm. Tất nhiên giáo dục chính trị thường xuyên vẫn tiến hành ở các đơn vị cơ sở do chính trị viên, bí thư chi bộ có khi có cán bộ cơ quan chính trị trung đoàn xuống giúp thêm. Tất nhiên huấn luyện quân sự vẫn tiến hành ngay tại trận địa đại đội pháo và trong các xe khí tài của tên lửa...
       
        Nhưng để hỗ trợ cho cán bộ chính trị quân sự ở cơ sở Sư đoàn tổ chức các đợt bồi dưỡng chính trị và tập huấn quân sự cho cán bộ cơ sở. Mỗi đợt sinh hoạt chính trị Sư đoàn tổ chức hai lớp cho cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn và bí thư chi bộ. Còn lại một số cán bộ chưa được học thì các trung đoàn phải đảm nhiệm lấy làm sao đơn vị nào cũng đạt 100 phần trăm cán bộ được học tập chính trị. Những đợt tập huấn quân sự cấp tốc cho cán bộ có khi đến trưởng các xe khí tài và dàn trắc thủ tên lửa, cao xạ, các cán bộ đại đội pháo. Có khi đến các khẩu đội trưởng. Có những .lớp hai, ba ngày, có lớp hàng tuần, anh em ăn ngủ ngay tại trường. Sư đoàn đã tổ chức một khung cán bộ phụ trách quản lý phục vụ ,giảng viên là đích thân cán bộ Sư đoàn, thủ trưởng các phòng và những trợ lý đầu ngành. Đôi khi có những lớp tập huấn phải tổ chức đội mẫu thì cơ quan xuống phối hợp với trung đoàn ở một đơn vị nào có nhiều kinh nghiệm nhất. Năm 1967 cũng là năm Sư đoàn được mùa về xây dựng cơ bản, làm được nhiều, có chất lượng tốt. Tháng 6, tháng 7 năm 1967 đánh nhiều mà vẫn tổ chức học tập cuộc vận động bảo vệ Đảng. Tháng 10, 11 năm 1967 Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn tổ chức sơ kết cuộc vận động xây dựng đơn vị cơ sở. Làm tại cơ quan đoàn bộ Trung đoàn 212 bên cạnh các cụm trận địa pháo bảo vệ cầu Đuống, Yên Viên. Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn Hoàng Khoát tung hầu hết cán bộ đầu ngành vào cuộc họp này. Trong cuộc họp sơ kết đó cán bộ trung đoàn các đơn vị đều nhất trí cao với kết luận chung là càng chiến đấu liên tục ác liệt càng phải quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh. Và chỉ có xây dựng cơ sở vững mạnh các trung đoàn mới đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Anh Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tham dự và chỉ đạo cuộc họp này đã tuyên bố rằng:
       
        - Hoàn cảnh khẩn trương phức tạp như Sư đoàn 361 mà làm được tốt như thế này. Các đơn vị khác không thể vin lý do mình là bận chiến đấu bận quá không làm được - qua kinh nghiệm Sư đoàn 361, rõ ràng là chỉ có chỉ đạo xây dựng cơ bản tốt, xây dựng cơ sở tốt mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ.
       
        Hồi đó Sư đoàn thiếu nhiều cán bộ chính trị sơ cấp. Xin trên cũng không có. Được sự đồng ý của Quân chủng và Cục Cán bộ chúng tôi chủ trương tự đào tạo gấp. Rút những cán bộ trung đội có trình độ chính trị, là chi ủy viên về Trường Đảng Lê Hồng Phong dự một lớp bồi dưỡng cấp tốc 35 ngày, ra bố trí làm chính trị viên phó đại đội. Nguồn tại chỗ không đủ chúng tôi sang Thường vụ Thành ủy xin một số bí thư chi bộ, đảng ủy viên cơ sở có trình độ, có sức khỏe về cùng dự lớp đào tạo cán bộ chính trị sơ cấp này.

        Một số cán bộ nhất là cán bộ chủ trì cấp đại đội và tiểu đoàn thường phàn nàn rằng đã chiến đấu rồi lại còn bao nhiêu việc về xây dựng cơ bản phải làm. Làm sao không bị động. Làm sao làm hết? Làm sao làm tốt? Làm sao chiến đấu không đảo lộn kế hoạch chương trình? Trong một cuộc họp chúng tôi nêu vấn đề để anh em góp ý cách giải quyết. Và chúng tôi kết luận ý kiến của anh em: Dù là cấp tiểu đoàn hay đại đội, cũng là thủ trưởng đơn vị ở cơ sở mọi việc trên chỉ đạo xuống không thể không làm. Chỉ có tích cực làm, tranh thủ làm và làm có kế hoạch và khéo kết hợp mới giải quyết hết công việc. Việc gì có thể làm hôm nay không để đến ngày mai.
       
        Lúc nắng thì huấn luyện quân sự, ở giữa trận địa luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Ngày mưa hay lúc râm nên tổ chức học chính trị. Kế hoạch tháng làm từ cuối tháng trước. Kế hoạch tuần làm từ ngày chủ nhật tuần trước. Công việc ngày hôm nay bắt đầu từ buổi tối hôm qua. Trước khi đi ngủ đã phải bàn nhau về công việc ngày mai, tránh chồng chéo dẫm đạp lên nhau. Không thể chấp nhận sáng ngủ dậy không biết phải làm gì. Nếu cứ gặp việc gì làm việc ấy thì dù tích cực đến đâu vẫn cứ bị động, công việc va chạm vào nhau và rất dễ sót lọt.
       
        Nhìn chung lại, do đặc điểm tình hình nhiệm vụ của sư đoàn lúc ấy chúng tôi đã kiên trì thực hiện phương châm: vừa chiến đấu vừa xây dựng, kết hợp với chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu mà tranh thủ tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và huấn luyện bộ đội. Đồng thời nắm thật vững, làm thật tốt công tác xây dựng cơ sở, lấy giáo dục chính trị - tư tưởng làm gốc, lấy xây dựng chi bộ bốn tốt làm trung tâm, lấy bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm đòn bẩy. Đây được coi là một nguyên nhân quan trọng khiến Sư đoàn nhanh chóng khắc phục được những yếu kém của mình, nhanh chóng nâng trình độ cán bộ chiến sĩ lên dần ngang tầm của nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:50:59 pm »

       
HÀ NỘI VÀ TUYẾN TRƯỚC
       
        Sáng 30 Tết Mậu Thân, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết Sư đoàn. Cùng đi có Trung tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn, cán bộ chiến sĩ ba cơ quan Sư đoàn cùng với các đoàn đại biểu, cán bộ chiến sĩ các trung đoàn tập trung đầy đủ tại hội trường vô cùng phấn khởi chào đón Đại tướng.
       
        Trong không khí sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhân dân Thủ đô đón Tết cổ truyền, mọi người lắng nghe Tổng Tư lệnh nói chuyện:
       
        - Tết năm nay, chúng ta đang đứng trước một nhiệm vụ rất to lớn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất to lớn, rất cơ bản. Trên cơ sở đó toàn quân, toàn dân ta đang tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn hơn cho đến thắng lợi hoàn toàn…
       
        Tôi mong rằng bộ đội Phòng không Hà Nội nêu cao truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân, thường xuyên cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết giáng cho địch những đòn quyết liệt hơn, giành những thắng lợi giòn giã hơn, bắn rơi nhiều máy bay địch hơn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc...
       
        Đại tướng ân cần chuyển đến cán bộ chiến sĩ Sư đoàn lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu:
       
        - Chú đi thăm chúc Tết bộ đội thì chuyển lời thăm hỏi của Bác đến tất cả cán bộ chiến sĩ. Chú nói với cán bộ chiến sĩ là Bác vẫn khỏe. Các cô các chú muốn cho Bác khỏe thì đánh thắng to hơn nữa. Đánh càng thắng thì Bác càng khỏe.
       
        Buổi nói chuyện của Tổng Tư lệnh luôn luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay dài vang dội. Đến lời dặn của Bác càng sôi động, người nào người nấy phấn khởi reo hò tưng bừng.
       
        Đại tướng đi xuống ân cần bắt tay những cán bộ chiến sĩ ngồi mãi cuối hội trường, cứ luôn luôn nghển cổ lên cố nhìn cho rõ, cho gần Tổng Tư lệnh thân yêu của mình.

        Đại tướng hỏi chiến sĩ: Tết này mỗi đồng chí được mấy cái bánh chưng? Mấy lạng mứt Mấy lạng thịt? Mấy gói trà? Bao thuốc? Đại tương lại hỏi thêm:
       
        - Có rượu không?
       
        Bộ đội vui vẻ trả lời:
       
        - Thưa Đại tướng có ạ!
       
        - Có là bao nhiêu?
       
        Bộ đội lại cười ầm. Đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn đứng dậy dõng dạc báo cáo:
       
        - Thưa Đại tướng không có rượu trắng đâu ạ! Mỗi khẩu đội bảy, tám người một chai rượu cam hoặc rượu Thanh Mai ạ.
       
        Đại tướng cười vui đến bắt tay anh Trần Đình Ry:
       
        - Thế thì được! Tốt lắm! Cám ơn đồng chí.
       
        Bộ đội lại cười vui. Tôi cũng đang vui nhìn Đại tướng Tổng Tư lệnh nói chuyện với chiến sĩ mình thì bỗng nhiên Đại tướng nhìn tôi vui vẻ nói đùa:
       
        - Đồng chí Văn Giang có gì phấn khởi cứ cười hoài thế? Có định cho bánh chưng Tết thì cho đi!
       
        Bộ đội lại cười ầm. Ngay sáng sớm hôm nay chúng tôi đã bàn và chuẩn bị. Anh Quang Hùng khoái chí, nhanh miệng kêu to:
       
        - Có! Có bánh chưng đấy ạ!
       
        Rồi anh chạy biến đi trong tiếng cười vui vẻ của tất cả.
       
        Khi Đại tướng bắt tay đến hàng ghế trên cùng thì anh Quang Hùng thủng thẳng đi vào, hai tay vung vẩy. Đại tướng hỏi ngay:
       
        - Đồng chí Quang Hùng "có" thì to nhưng không thấy bánh chưng đâu cả.
       
        Anh Quang Hùng lại cười to hơn:
       
        - Có đấy ạ! Đã đưa lên xe cả rồi ạ. Cả phần của Đại tướng, phần đồng chí Song Hào, cả của đồng chí bí thư, cả của lái xe nữa ạ.
       
        Bộ đội lại vỗ tay rào rào nói cười rôm rả.
       
        Thật là cái Tết mở đầu một năm mới hết sức vui vẻ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:52:23 pm »

       
        Cùng ngày đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến thăm Trung đoàn H34 và Trung đoàn H32. Đoàn Đại biểu nhân dân miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Tiến dẫn đầu đến thăm Trung đoàn H60. Đoàn đại biểu của Thành phố, của quận huyện đến chúc Tết Sư đoàn và các đơn vị.
       
        Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn quyết định tổ chức một đợt thông báo đầy đủ và ngắn gọn đến tận các đơn vị cơ sở nhằm làm cho cán bộ chiến sĩ hàng ngày nhận rõ những thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân của miền Nam, quán triệt sâu sắc lời dặn của Bác Hồ và của Đại tướng Tổng Tư lệnh, sự quan tâm săn sóc của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân; nhận thức sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam và bảo vệ miền Bắc. Trên cơ sở đó động viên thêm tinh thần của bộ đội ra sức nâng cao sức chiến đấu kiên quyết bảo vệ Thủ đô - mục tiêu số 1 của cả nước, đền đáp tình thương yêu của Bác - Đảng - Chính quyền và nhân dân cả nước đồng thời sẵn sàng lên đường tăng cường lực lượng cho tuyến trước, bảo vệ giao thông vận tải chiến lược sẵn sàng giải phóng miền Nam.
       
        Một không khí phấn khởi tràn ngập các đơn vị trăm phần trăm các đơn vị cơ sở đều viết thư lên Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Sư đoàn hứa quyết tâm chiến đấu bảo vệ Thủ đô và sẵn sàng lên đường giải phóng miền Nam. Trước tình hình đó Sư đoàn phát động các đơn vị nghiên cứu đánh máy bay thấp hay lẻn vào oanh tạc Hà Nội ban đêm.

        Từ sau bảy đợt tập trung đánh lớn vào Hà Nội năm 1967 thất bại, địch quay ra hình thức tốp nhỏ chiếc lẻ, lợi dụng đêm tối bay lẻn vào bất ngờ đánh tỉa các mục tiêu lẻ. Có đêm vào đến hai, ba đợt nhanh chóng xoẹt vào, dội bom rồi lại nhanh chóng xoẹt ra, quần bộ đội ta đến mệt! Các đơn vị tổ chức nhiều cuộc họp nghiên cứu cách đánh máy bay ban đêm bằng phần tử khí tài. Hội đồng quân nhân đơn vị cơ sở tổ chức thảo luận quân sự dân chủ bàn phương án đánh địch, xây dựng cách đánh, cách tổ chức trực ban ban đêm. Sư đoàn tập trung chỉ đạo Trung đoàn H20 - một trung đoàn mạnh gồm bảy đại đội pháo 100 ly đều trang bị ra-đa và máy chỉ huy tốt. Sư đoàn kiểm tra hiệu chỉnh chu đáo.
       
        1 giờ 48 phút ngày 15 tháng 3 năm 1968, một tốp gồm hai chiếc A6A bay thấp xuất hiện từ hướng biển. Toàn trung đoàn H20 vào cấp 1, dùng ra-đa sục sạo mục tiêu hướng đông nam. Khi mục tiêu bay vào cách Hà Nội 28 ki-lô-mét; ra-đa Đại đội 3 bắt được và bám sát. Địch vào đến cự ly 17 ki-lô-mét đại đội bắn hai loạt đạn 16 viên pháo 100mm bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đó.
       
        Tôi và Phó chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu xuống Trung đoàn nghiên cứu. Trung đoàn trưởng Trịnh Duy Hậu và Chính ủy trung đoàn Phạm Văn Bài reo lên:
       
        - Ra-đa chúng tôi cực tốt! Trắc thủ ra-đa giỏi vô cùng!
       
        Nhận lẵng hoa từ tay anh Mậu chuyển, anh Trịnh Duy Hậu với bộ mặt "râu hùm hàm én" xưa nay, hôm nay cũng rơm rớm nước mắt.
       
        Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài xuống Sở Chỉ huy Sư đoàn nghe báo cáo diễn tiến trận đánh và khen ngợi cán bộ chiến sĩ Trung đoàn H20 đã lập công xuất sắc. Sau thời gian này nhiều đại đội pháo, nhiều tiêu đoàn tên lửa cũng lần lượt giải quyết thành công phương án đánh đêm bắn rơi máy bay A6A như Tiểu đoàn tên lửa 87 Trungđoàn H74, Tiểu đoàn 66, 67 Trung đoàn H75, Tiểu đoàn 62, Trung đoàn H36, Tiểu đoàn 44 Trung đoàn H63, Tiểu đoàn 52 Trung đoàn H67. Thủ đoạn dùng máy bay bay thấp đánh lén ban đêm của không quân Mỹ vào Hà Nội đã thất bại.
       
        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968 của ta trên chiến trường miền Nam đã giáng một đòn choáng váng vào Mỹ-ngụy. Các đợt đánh phá ác liệt liên tục trong cả năm 1967 và đầu năm 1968 hòng phá hoại tiềm lực kinh tế quốc phòng và gây sức ép chính trị - tâm lý lớn cho Hà Nội, cũng đã thất bại mặc dù Mỹ đã huy động một số lượng máy bay chiến thuật lớn chưa từng có và cũng đã chịu sự tổn thất về số lượng máy bay và người lái nặng chưa từng có. Giôn-xơn (Johnson) buộc phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận bắt đầu thương lượng với ta tại hội nghị Pa-ri.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:53:30 pm »


        Với âm mưu "ném bom hạn chế” này, Mỹ một mặt tập trung đánh phá tuyến giao thông chiến lược từ Quân khu 4 trở vào, mặt khác tăng cường cho máy bay trinh sát vào Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc chuẩn bị cho những cuộc đánh phá lớn hơn sau này.
       
        Trên thực tế lúc ấy, miền Bắc hình thành hai khu vực tác chiến: chiến trường A2 ở Quân khu 4 là nơi địch đang đánh phá ác hệt và chiến trường A1, từ vĩ tuyến 20 trở ra là nơi địch thường xuyên tiến hành trinh sát và sẵn sàng đánh phá trở lại.
       
        Theo lệnh Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã điều Sư đoàn 367 vào A2 chiến đấu. Chấp hành lệnh Quân chủng, Sư đoàn 361 đã cử nhiều cán bộ chiến sĩ và dành nhiều xe pháo và khí tài tốt bổ sung cho 367 làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược.
       
        Thời kỳ này địch thường dùng các loại máy bay trinh sát thu thập tình báo chiến lược trên chiến trường miền Bắc. Để hạn chế tổn thất phi công, Mỹ sử dụng các máy bay trinh sát điện tử không người lái tầng thấp 147, 148S, 147SC và cả 147 SRE có thể trinh sát ban đêm và thời tiết xấu.
       
        Sắp hoạt động chúng thường cho máy bay EB66 hoặc EC121 gây nhiễu ngoài đội hình, có khi nghi binh thu hút sự chú ý theo dõi và hỏa lực ta, có lúc kéo dài thời gian gây căng thẳng mệt mỏi cho bộ đội ta rồi mới bất ngờ phóng máy bay trinh sát không người lái tầng thấp vào.
       
        Với bộ đội ta, đánh máy bay A6A bay thấp ban đêm vào đánh lén đã khó. Nhưng đánh máy bay trinh sát không người lái bay thấp dưới 500 mét có thể đến 200 mét còn khó hơn nhiều! Với kẻ địch nó là phương tiện chủ yếu để thu thập tình báo đồng thời thường xuyên khiêu khích và tiêu hao sức khỏe bộ đội, tiêu hao độ mòn của khí tài ta. Còn đối với chúng ta nó là một trong những đối tượng tác chiến gây nhiều khó khăn, vất vả và khó chịu nhất lúc ấy.
       
        Được sự chỉ đạo của cấp trên, tất cả các trung đoàn pháo và tên lửa đều triển khai các phương án đánh máy bay không người lái tầng thấp. Phong trào bắn rơi máy bay trinh sát tầng thấp được phát động sôi nổi và rộng khắp.Nghiên cứu kỹ các đường bay, nghiên cứu kỹ các quy luật, thời gian địch thường vào, điều chỉnh một số đơn vị pháo phục đón lõng xung quanh khu vực Hà Nội; cũng như cơ động một số đơn vị ra phục kích ở vòng ngoài (cử Trung đoàn 260 xuống tận cửa sông Thái Bình).
       
        Ngày 4 tháng 5 năm 1968, đơn vị pháo bảo vệ Tiểu đoàn tên lửa (Trung đoàn H36) chỉ với 23 viên đạn 37mm đã bắn gục một chiếc 147 tại thôn Dục Nội, Đông Anh mở đầu cho giai đoạn đánh thắng máy bay trinh sát của Sư đoàn. Ngày 17 tháng 5 năm 1968, Tiểu đoàn tên lửa 77 Trung đoàn H57 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay tầng thấp tại ngã tư Canh lập chiến công mừng thọ Hồ Chủ tịch 78 tuổi Các bài học của hai đơn vị chiến thắng đầu tiên được nhanh chóng phổ biến, thúc đẩy phong trào thi đua bắn rơi máy bay trinh sát trong toàn Sư đoàn.
       
        Ngày 8 tháng 6 năm 1968, hai đại đội pháo 100mm của Trung đoàn 260 cũng bắn rơi một máy bay tầng thấp ở cửa sông Thái Bình. Thi đua với lực lượng cơ động pháo kích tại cửa sông Thái Bình, các đại đội 57mm của Trung đoàn H34 và pháo 37mm bảo vệ Tiểu đoàn tên lửa 62 lại bắn rơi một máy bay tầng thấp ở chân núi Tam Đảo. Ngày 28 tháng 8 năm 1968, Tiểu đoàn tên lửa 61, Trung đoàn H36 bắn rơi chiếc 147 tại chỗ. Sau này, có thời kỳ gần như hầu hết các đường bay trinh sát vào Hà Nội đều được phát hiện. Hầu hết các máy bay trinh sát đó đều bị bắn rơi. Tôi còn nhớ con số 12 thắng lợi . Hồi 12 giờ ngày 12 tháng 12 (năm1968) Đại đội pháo 12 thuộc Trung đoàn 212 ở khu vực cầu Đưống chỉ bằng một loạt đạn pháo cỡ nhỏ hơn 20 viên đã bắn hạ nó ngay tại chỗ. Hầu hết các tiểu đoàn tên lửa đều lập chiến công bắn rơi máy bay trinh sát. Có tiểu đoàn bắn rơi hai, ba chiếc. Tiểu đoàn tên lửa 56, Trung đoàn H63 trong bốn ngày khác nhau, bằng bốn quả tên lửa, đã bắn rơi bốn chiếc tại chỗ, trở thành lá cờ đầu thiện xạ bắn máy bay trinh sát trên mặt trận Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:55:33 pm »

     
*

*        *
   
        Bộ Tư lệnh Quân chủng điều rút mấy trung đoàn cao xạ và tên lửa của Hà Nội vào tăng cường bảo vệ tuyến giao thông nam Quân khu 4. Ngoài hình thức rút, Quân chủng còn tổ chức thay quân: rút các trung đoàn của Hà Nội đi, thay trả lại bằng các trung đoàn đã chiến đấu dài ngày trong Quân khu 4. Các trung đoàn từ Hà Nội ra đi tất nhiên đầy đủ quân số, vũ khí khí tài tốt, đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật đầy đủ và đã qua huấn luyện chu đáo. Còn các trung đoàn từ mặt trận về thay thì tất nhiên tổ chức xộc xệch, vũ khí khí tài hỏng hóc hoặc đã quá hạn bảo quản. Cán bộ thiếu - trắc thủ và pháo thủ quan trọng thiếu và những tân binh. Các đơn vị này đều có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế nhưng cần có thời gian nhất định để bổ sung, nghỉ ngơi và củng cố về mọi mặt. Sau này cơ quan quân lực sư đoàn đã thống kê trong suốt thời gian tám năm đã có đến 21 lần trung đoàn ra và vào đội hình của Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Cứ mỗi lần đưa đơn vị lên đường lại có hiện tượng xuýt xoa, luyến tiếc. Cứ mỗi lần nhận đơn vị về lại không tránh được hiện tượng so sánh chê bai... và cứ mỗi lần thay đơn vị như thế lại phải nhắc nhở thậm chí có cả chỉ thị - nghị quyết: chống bản vị, cục bộ, địa phương! Tất cả vì tiền tuyến! tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Các đơn vị cũ phải đoàn kết giúp đỡ nhường nhịn và chia sẻ khó khăn với các đơn vị mới về! (cụ thể là sẵn sàng chịu rút cán bộ chiến sĩ trung đoàn đi tăng cường củng cố đơn vị mới về). Có trợ lý cơ quan đã nói vui:
       
        - Tình hình thế này, lúc này anh nào bản vị, cục bộ địa phương thì không thể sống nổi ở cái Sư đoàn Phòng không Hà Nội này, chỉ một lần thay quân đã chết vì tiếc đứt ruột.

*

*        *
       
        Có thời kỳ, Bộ Tư lệnh Quân chủng cần tập trung lực lượng vào chỉ đạo chỉ huy các đơn vị chiến đấu mãi trong phía nam Quân khu 5 nên Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội phải nhận luôn cả nhiệm vụ bảo vệ Đáp Cầu - Việt Trì - sân bay Yên Bái, đập Thác Bà, cầu Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lực lượng sư đoàn lúc này tăng lên rất đông, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn có đến 13 trung đoàn. Riêng Bộ Tư lệnh lúc này đã bảy người mà không làm hết việc. Các cơ quan Sư đoàn trách nhiệm cũng rất cao! tả xung hữu đột, nhưng "trợn ngược mắt lên cũng không nuốt hết" khối lượng công việc rất nhiều và rối rắm này. Gần như chẳng mấy ngày không có báo động đánh máy bay trinh sát trên suốt một dải dài và rộng từ Thanh Hóa qua Hà Nội và đến Việt Trì, Yên Bái! Đại tướng Tổng Tư lệnh đã có lần phát biểu:
       
        - Tình hình Sư đoàn 361 phát triển cả vùng rộng lớn với một số lượng đơn vị đông đảo như thế gợi cho chúng ta hình ảnh của một quân khu phòng không.

*

*       *
       
        Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1969 để lại trong tôi những kỷ niệm không quên. Đó là những ngày máy bay trinh sát Mỹ vào Hà Nội dày nhất mà cũng là những ngày hiệu suất bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ cao nhất. Đó là những ngày nước sông Hồng lên rất cao uy hiếp nặng nề đê khu vực Hà Nội. Sư đoàn ngày đêm phải thường trực sẵn sàng chiến đấu rất nghiêm để đánh máy bay trinh sát và chuẩn bị đánh máy bay cường kích vào phá đê sông Hồng dìm Hà Nội vào biển nước. Đồng thời phải rút số lượng lớn cán bộ chiến sĩ các cơ quan đơn vị cùng với nhân dân Hà Nội giữ đê ở khu vực Thanh Trì. Tình hình đã căng thẳng, một số cán bộ chúng tôi lại càng căng thẳng hơn khi biết tin Bác Hồ mệt nặng. Trời Thủ đô buồn rười rượi. Mây u ám nặng nề, thỉnh thoảng có nắng hửng lên rồi lại mưa tầm tã. Chúng tôi thường xuyên ở cạnh Sở Chỉ huy đi kiểm tra đơn vị và thỉnh thoáng phóng ra mặt đê. Nhưng đầu óc lúc nào cũng nặng trĩu vì tin Bác mệt nặng. Thỉnh thoảng không đừng được phải điện thoại hỏi thăm tình hình trên Quân chủng và bên Thành ủy. Ngày 30 tháng 8, một máy bay trinh sát lại mò vào. Bằng một quả đạn, Tiểu đoàn tên lửa 56 lại quật nó rơi tại chỗ. Được nghe kể lại, lúc đó đang nằm trên giường bệnh nghe tiếng xoèn xoẹt của tên lửa ta bay, Bác tỉnh dậy hỏi:
       
        - Nó lại vào đấy à? Hỏi bên Bộ Tổng xem bắn có rơi không?
       
        Tôi luôn nhớ đến hình ảnh Bác sáng ngày 1 Tết Kỷ Dậu Bác đến thăm chúc tết Quân chủng. Trông thấy Bác đã già yếu, râu tóc đã bạc phơ, bước lên bục đã phải có người dìu. Nghe trong tiếng nói của Bác đã xen lẫn tiếng hơi thở, lòng tôi như thắt lại. Chỉ còn đôi mắt vẫn tinh anh, vẫn đượm tình đồng chí cha con. Hôm ấy Bác rất vui, lúc cười rung cả hàng râu bạc. Bác chúc Tết bộ đội. Rồi Bác lại nhắc: "Không tin được Mỹ đâu! Chúng nó xảo quyệt lắm! Chúng là bọn đế quốc xâm lược. Phải luôn luôn sẵn sàng để khi nó giở quẻ thì mình đập lại được ngay".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 04:59:16 pm »

     
        Sáng 1 tháng 9 năm 1969, tôi được mời lên Quân chủng nhận lẵng hoa phần thưởng của Bác về thành tích xây dựng đơn vị tiến bộ nhiều mặt, về chiến công bắn rơi nhiều máy bay trinh sát vừa qua và về thành tích Sư đoàn tích cực tham gia chống lụt. Giữa tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của hội trường quân chủng, tôi nhận lẵng hoa của Bác mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Ôi Bác! Hôm nay chắc Bác mệt lắm rồi! - Một linh tính thoáng hiện trong tôi: "Đây có phải là lẵng hoa cuối cùngcủa Bác?! Tôi xúc động quá đến nỗi phải có một đồng chí lên dìu tôi xuống.
       
        Ngày 3 tháng 9 tin Bác mất loan truyền như tiếng sét giữa trời xanh! Thủ đô Hà Nội chìm ngập trong cờ rủ và đau thương tang tóc. Cán bộ chiến sĩ phòng không Hà Nội gặp nhau chẳng ai nói nên lời. Các đơn vị phòng không Hà Nội đều lập bàn thờ Bác với hương hoa đèn nến. Nhiều nhà dân trong thành phố ngày nào cũng sắp bát cơm quả trứng cúng Bác cho đến mãi 49 ngày. Mỗi buổi sáng sớm tại các trận địa, sau giờ bảo quản vũ khí tất cả các quả đạn tên lửa, các nòng pháo phòng không lớn bé đều hướng về Ba Đình để hứa với Bác "chúng cháu kiên quyết hoàn thànhnhiệm vụ”.
       
        Tôi được Ban tổ chức lễ tang Bác giao nhiệm vụ túc trực bên linh cữu của Người. Dưới ánh sáng dịu mát giữa Hội trường Ba Đình, trong bộ ka ki giản dị, Bác nằm đó, như người đang ngủ. Tôi cảm nhận cả tấm lòng nhân hậu Việt Nam, tâm hồn trong sáng, trí tuệ tuyệt vời, cả sự nghiệp vĩ đại của Người đang tỏa ánh hào quang. Nhìn những người bạn quốc tế vượt hàng ngàn dặm đến đây nghiêng mình trước linh cữu của Người, chia sẻ với đất nước ta, nhân dân ta niềm đau thương vô hạn, lòng tôi bồi hồi xúc động. Đặc biệt, khi đồng bào các giới, các dân tộc, địa phương, đủ mọi lứa tuổi bước vào viếng Bác, tiếng khóc bật ra từ sâu thẳm tình cảm của mỗi người xen lẫn tiếng nhạc lễ bi hùng, tôi đứng nghiêm túc trực bên Bác, mà làn da thớ thịt cứ rung lên:
       
        - Bác ơi! Bác ơi! Đồng bào miền Nam chưa được gặp Bác mà Bác đã đi xa! Bác ơi! Bác...
       
        - Bác ơi! Bác ơi Người như Bác mà chết thật sao?... Thưa Bác, con muốn quỳ xuống bên Bác, nhưng con tự nhủ, đang làm nhiệm vụ túc trực bên Người, con phải đứng nghiêm, phải gắng ngẩng mặt, phải kìm nén nỗi xúc động để nước mắt con khỏi lăn xuống má.
       
        Lần đầu tiên trong đời, tôi đã thấy cả dân tộc ta chìm ngập trong đau thương tang tóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã thấy, đã cảm nhận được thế nào là tình cảm kính trọng, niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân ta đối với Bác.
       
        Nói sao cho hết tấm lòng âu yếm bao la của Bác với Quân đội . “Tấm lòng của Bác Hồ đối với bộ đội là tấm lòng của một người cha. Bác vạch đường chỉ lối, Bác khuyến khích động viên. Bác giáo dục nhắc nhở. Những lời giáo huấn, những cử chỉ ân cần của Bác bao giờ cũng chứa đựng những bài học sinh động sâu sắc. Tất cả đều vì thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tất cả đều nhằm xây dựng con người mới việt Nam” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Đối với lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam và Sư đoàn Phòng không Hà Nội sinh sau đẻ muộn nhưng cũng được Bác rất yêu thương quan tâm săn sóc. Từ những năm trước kia đã có lần Bác nói: "Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”.
       
        Ngày 18 tháng 7 năm 1965, khi Mỹ cho 30 máy bay B52 ném bom rải thảm vùng Trảng Lớn, Bến Cát, đến thăm Đại đội 1 Trung đoàn Phòng không H34 Hà Nội ngày 19 tháng 7 năm 1965, Bác đã tuyên bố:
       
        - "Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy lính Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh! Mà đã đánh là nhất định thắng". Năm ấy Bác chia thuốc lá cho các chiến sĩ phòng không Hà Nội ngay trên mâm pháo.
       
        Ngày 12 tháng 4 năm 1966, B52 ném bom đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, Bác Hồ chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: "B52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B52 - trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân".
       
        Ngày 29 tháng 12 năm 1967, Bác nói với Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua cho nên phải nắm bắt mọi tình huống để có thời gian mà suy nghĩ mà chuẩn bị. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, đế quốc Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội”.
       
        Ngày 17 tháng 7 năm 1966, khi Mỹ bắt đầu oanh tạc ngoại vi Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, Bác ra lời kêu gọi: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2016, 05:03:43 pm »

       
        Trong những đợt chiến đấu ác liệt của quân dân Thủ đô, Bác luôn luôn theo dõi sâu sát, động viên kịp thời. Ngày 6 tháng 5 năm 1967, Hồ Chủ tịch ký lệnh thưởng Huân chương Độc lập và gửi thư khen quân dân Hà Nội. Ngày 19 tháng 5 năm 1969, Người gửi tặng ba lẵng hoa cho Trung đoàn H20 - Trung đoàn H34 - Trung đoàn H36 đã lập công xuất sắc trong tháng 5 lịch sử.
       
        Tháng 7 năm 1967, thời tiết Hà Nội đặc biệt nóng. Những ngày này Bác vẫn sống và làm việc tại Hà Nội. Người quan tâm rất nhiều đến bộ đội phòng không ngồi trên mâm pháo nóng bỏng hoặc trong buồng máy ra-đa, máy chỉ huy nhiệt độ lên đến 41-42oC. Người thường hỏi bộ đội có đủ nước uống không? Hàng ngày tắm vào lúc nào? Đêm ngủ được mấy tiếng? Một buổi trưa Bác giao cho anh Vũ Kỳ leo lên nóc hội trường Ba Đình kiểm tra hai khẩu đội súng phòng không 14,5mm của Trung đoàn H34. Bộ đội trực chiến gian khổ và căng thẳng. Chỉ có một lán nhỏ vài anh em thay phiên nhau vào trú nắng tạm. Các pháo thủ thay nhau trên mâm pháo ngồi ở vị trí chuẩn bị ngắm bắn và đạp cò Đã nắng nóng do thời tiết lại phải chịu cái nắng hắt lên từ nền xi măng bỏng rát. Nước uống đựng trong các bi-đông từ dưới mặt đất đưa lên và phải uống dè sẻn. Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ kể lại, Bác lập tức quyết định rút hết số tiền tiết kiệm từ lương và nhuận bút viết báo của bác tương đương với giá trị 60 cây vàng lúc đó để chi cho bộ đội phòng không có thêm đường và nước giải khát. Bác còn dặn: "Tất cả bộ đội ngồi trên mâm pháo ngoài trời nắng đều phải chi đủ. Tiền của Bác chi thiếu thì đề nghị Tổng cục Hậu cần chi tiếp đảm bảo cho bộ đội phòng không có đủ nước giải khát". Thật là nguồn động viên cực k2ỳ to lớn làm xúc động sâu sắc tinh thần, tình cảm của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn trong những ngày chiến dấu trên mặt trận Hà Nội năm ấy.
       
        Ôi Bác Hồ của chúng ta! Hình ảnh muôn vàn kính yêu cùng với những lời nói, những cử chỉ khích lệ, động viên, giáo giục nhắc nhở và tấm lòng bao la trìu mến của vị Cha già dân tộc... luôn là ánh sáng soi đường, là sức mạnh tinh thần, trí tuệ, là động lực thúc đẩy bộ đội Phòng không Hà Nội hoàn thành mọi nhiệm vụ.

*

*       *
       
        Tôi nhớ vào năm 1970, Thái tử Cam-pu-chia, Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đến thăm Sư đoàn. Cuộc đón tiếp long trọng được tổ chức tại trận địa Tiểu đoàn tên lửa 77. Hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám cùng đi.
       
        Trong không khí trang nghiêm của lễ đón tiếp, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đến trước Thái tử Nô-rô-đôm Xi ha-núc dõng dạc hô to:
       
        - Báo cáo đồng chí Xăm-đéc Nô-rô-đôm... Rồi đột nhiên anh im bặt, biết mình đã mắc sai lầm, cứ đứng như trời trồng giữa trận địa. Mọi người nín thở! Vừa buồn cười, vừa băn khoăn không biết bây giờ giải quyết thế nào tình trạng oái oăm này!
       
        Giữa phút gay go đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tươi cười bước lên giơ tay về phía người phiên dịch:
       
        - Tôi xin dịch câu này...
       
        Rồi quay về phía Thái tử Cam-pu-chia, Thủ tướng nói tiếng Pháp rất lưu loát:
       
        - Nguyên văn Tiểu đoàn trưởng đã nói là: báo cáo đồng chí Xăm-đéc Nô-rô-đôm... Rồi Thủ tướng tươi cười chỉ tay vào Tiểu đoàn trưởng nói tiếp: thật ra Tiểu đoàn trưởng đang rất xúc động.
       
        Mọi người cười ồ, xuýt xoa về sự nhanh ý của Thủ tướng - còn Xăm-đéc thì bước nhanh đến bắt tay "cám ơn" và ôm hôn thắm thiết Đinh Thế Văn.
       
        Ai cũng thấy nét mặt Đinh Thế Văn rất căng thẳng. Có lẽ đêm trước anh đã mấy lần hô thử và học thuộc câu này. Thế mà, đứng trước khách quý, cả Thủ tướng, cả Đại tướng Tổng Tư lệnh và tất cả mọi người anh đã quá hồi hộp, báo cáo "nhầm" - sự nhầm lẫn thật đáng yêu.
       
        Khi tất cả khách đã ngồi vào ghế, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn bắt đầu báo cáo rất lưu loát phần nội dung giới thiệu tiểu đoàn anh qua những trận đánh xuất sắc năm 1967. Đến phần trình bày về "nhiễu” tuy đã được dặn dò trước, anh lại lúng túng ngập ngừng... Đại tướng Tổng Tư lệnh hiểu rõ tâm trạng anh liền đứng dậy chỉ tay vào Hoàng thân Thái tử và ôn tồn nói với Văn:
       
        - Đinh Thế Văn cứ báo cáo tiếp đi! Xăm-đéc Nô-rô-đôm Xi-ha-núc là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam ta, rất đầy đủ tín nhiệm để nghe chuyện bí mật về nhiễu của các đồng chí.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM