Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:14:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:34:18 am »

           
CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG PHI THUỜNG

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG NHỊ             
Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn KQ 372       


        Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không quân ta thu hồi được số lượng lớn máy bay, phụ tùng và nhiều trang thiết bị kỹ thuật hàng không của chế độ Mỹ - ngụy Sài Gòn để lại, bao gồm hàng trăm máy bay chiến đấu các loại như F- 5 , A37, UH - 1 vũ trang... và hàng chục kiểu loại máy bay vận tải, trinh sát, chỉ điểm như C-130, C-47, C-119, L-19... Để đảm bảo khai thác có hiệu quả số lượng lớn máy bay và các trang thiết bị thu hồi được, cấp trên quyết định giao tất cả số lượng máy bay, một phần khí tài và trang thiết bị kỹ thuật đó cho sư đoàn 372 để quản lý, sửa chữa, hồi phục, khai thác, phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của Quân chủng.

        Thực hiện nhiệm vụ trên, sư đoàn không quân 372 tập trung toàn bộ lực lượng bảo đảm kỹ thuật của sư đoàn để quán triệt nhiệm vụ, đồng thời tiến hành hiệp đồng với các xưởng, nhà máy của Quân chủng đóng quân trên địa bàn hoạt động của sư đoàn để cùng phối hợp tiến hành các biện pháp hồi phục, sửa chữa tất cả các loại máy bay của sư đoàn, đáp ứng số lượng, chất lượng cho chiến đấu và các nhiệm vụ khác cho Quân chủng ở phía Nam.

        Tình hình miền Nam sau ngày giải phóng, vừa thoát khỏi ách thực dân kiểu mới của Mỹ - ngụy, còn nhiều khó khăn, an ninh chính trị, an toàn xã hội còn phức tạp... Nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh đang là hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì bất ngờ quân Polpôt (Campuchia) gây ra chiến tranh biên giới, hải đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Cuộc chiến tranh phi nghĩa của bè lũ Polpôt rất dã man tàn bạo đối với đồng bào ta ở vùng biên giới, hải đảo phía Tây Nam.

        Sư đoàn không quân 372 trở thành sư đoàn không quân mặt trận phía Nam của Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiệm vụ vừa hiệp đồng chiến đấu chi viện hỏa lực cho lục quân, hải quân vừa tổ chức đánh độc lập các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo lệnh hoặc theo kế hoạch tác chiến. Ngoài ra còn đảm bảo nhiệm vụ vận chuyển thương binh, liệt sĩ, tiếp tế lương thực, thuốc men, vũ khí đạn dược cho các mặt trận, đồng thời đảm đương phần lớn nhiệm vụ vận chuyển Nam - Bắc.

         Trước tình hình nhiệm vụ được giao, sư đoàn gặp không ít khó khăn, đó là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên chuyên môn, tuyệt đại bộ phận được đào tạo sử dụng máy bay Liên Xô, chưa ai được đào tạo sử dụng máy bay hệ II (của Mỹ), mặt khác vốn tiếng Anh của anh em làm công tác kỹ thuật hầu như không mấy ai biết. Trong khi đó các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật máy bay hệ II, kể cả các ký hiệu trong buồng lái máy bay đều ghi bằng tiếng Anh, viết tắt, viết rất gọn vừa khó đọc, khó nhớ... thành thử việc nhanh chóng nắm bắt và sử dụng được máy bay khí tài hệ II để chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay khác không đơn giản. Mặt khác, nhiều cán bộ kỹ thuật máy bay, song do nhiệm vụ phải chuyển làm các nhiệm vụ khác hoặc vì sức khỏe đã được nghỉ... nay do nhiệm vụ lại yêu cầu các cán bộ đó trở lại làm kỹ thuật, kể cả một số anh em là phi công. Khó khăn là vậy, song với tinh thần cách mạng tiến công, với ý chí làm chủ khoa học - kỹ thuật, với lòng nhiệt tình say mê nghề nghiệp, anh em kỹ thuật đã ngày đêm lăn lộn trên sân đỗ máy bay, trong xưởng máy, tìm tòi học hỏi ở một số thợ máy của chế độ cũ có tay nghề cao để nghiên cứu, nắm bắt được cách sử dụng các loại máy bay, khí tài thu hồi được, đồng thời phát huy nhiều sáng kiến, có nhiều biện pháp hồi phục, sửa chữa từng loại máy bay. Với lòng quyết tâm làm chủ khoa học kỹ thuật mới, anh em kỹ thuật đã đặt ra phương châm là hồi phục, sửa chữa từ dễ đến khó, từ đơn chiếc đến những tổ hợp kỹ thuật phức tạp, sửa chữa đến đâu đưa ra kiểm tra bay thử và khai thác đến đó. Nhờ vậy khi sư đoàn bắt tay vào làm nhiệm vụ chiến đấu, ngành kỹ thuật đã đáp ứng máy bay vượt yêu cầu về số lượng và đảm bảo chất lượng cao.

        Đầu năm 1976, khi nhân dân cả nước vui mừng đón tết cổ truyền của dân tộc đầu tiên trong khung cảnh hòa bình, sư đoàn 372 ngoài vui tết cổ truyền của dân tộc, còn hân hoan đón tết bằng một loạt máy bay các kiểu loại đã được hồi phục, sửa chữa xong để sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ như máy bay F-5, A37, C-47, UH-1... Thật hết sức vui mừng và tự hào. Nó không đơn thuần là sự quyết tâm của mọi cấp, mọi ngành mà còn thể hiện rõ sự đoàn kết nhất trí của tập thể sư đoàn, dám nghĩ, dám làm, dám vượt mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật với vốn kinh nghiệm chỉ khai thác máy bay hệ I (của Liên Xô) đã vận dụng và sáng tạo trong nắm bắt khai thác máy bay hệ II thành công chỉ trong một thời gian rất ngắn trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp ở vùng mới giải phóng. Những con người làm công tác kỹ thuật đó đa số họ từ ngoài Bắc vào miền Nam lần đầu, chưa quen với cái nóng nực ở các sân bay miền Nam, chưa quen với nếp sinh hoạt của người miền Nam và đời sống ở các sân bay mới giải phóng còn nhiều thiếu thốn,kham khổ. Trong khi đó, bên ngoài sân bay, hàng hóa đầy rẫy cùng với lối sống phồn hoa giả tạo theo kiểu thực dân mới hấp dẫn cuốn hút sẵn sàng lôi cuốn những người vững vàng. Chính vào thời điểm khó khăn về nhiều mặt đó, truyền thống kiên cường của ngành Kỹ thuật Không quân nhân dân được hun đúc từ những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Nó thấm sâu vào máu thịt của từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật không quân vốn là những chiến sĩ luôn mang trong mình ý chí "Người sẵn sàng, máy sẵn sàng". Songdù làm gì, dù giữ cương vị gì, họ vẫn chỉ là những chiến sĩ thầm lặng, luôn chịu thương, chịu khó chăm lo không để mất mát, hư hỏng từng cái đinh, con ốc, cái doăng đệm... để luôn bảo đảm cho máy bay mỗi lần cất cánh được an toàn. Những tấm gương bình dị về những con người đó rất nhiều. Những người đầu ngành có thể kể đến như các đồng chí Hồ Thanh Minh, Trương Khánh Châu... (Cục Kỹ thuật Quân chủng); Nguyễn TrungThứ, Dương Niết (Phòng kỹ thuật sư đoàn); Đinh Tường Long (UH-1); Phạm Văn Bối (A37); Phạm Ngọc Đễ (F-5)... đặc biệt đồng chí Nguyễn Đình Lầu cùng với 5 – 7 thợ sơ cấp kỹ thuật đã quản lý, hồi phục bảo đảm hàng trăm trực thăng UH-1 trên sân bay Biên Hòa để sẵn sàng bổ sung cho trung đoàn 917 làm nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:35:21 am »


        Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn đảm nhiệm nhiệm vụ thu gọn các loại máy bay, trực thăng UH-1 nằm rải rác trên các sân bay dã chiến, cánh đồng hoặc trên vùng rừng núi Tây Nguyên và cả ngoài hải đảo. Công việc thu gom phải bảo đảm nhanh chóng và an toàn. Tiêu biểu cho những tấm gương không ngại vất vả lặn lội tìm kiếm thu gom được nhiều trực thăng UH-1 tốt đưa về sân bay cơ bản phải kể đến các đồng chí như Tưởng Phi Đằng (sân bay Biên Hòa); Phạm Văn Bối (sân bay Bình Thủy)...

        Sánh vai cùng ngành Kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ hồi phục máy bay phải kể đến cán bộ nhân viên ngành Hậu cần, những con người luôn luôn đặt nhiệm vụ phục vụ lên trên hết, luôn luôn là người đi trước về sau, không quản ngày đêm, bất cứ lúc nào kỹ thuật cần là hậu cần đáp ứng có ngay. Nào xăng dầu, xe máy, cần trục, xe nâng, xe đẩy, xe kéo dắt máy bay... nào cung cấp vật tư, khí tài... cho đến việc canh gác bảo vệ máy bay sân bay và công tác bảo đảm đời sống cho mọi đối tượng của sư đoàn. Chính những con người làm công tác hậu cần, chiến công của họ cũng thầm lặng phi thường như những người làm công tác kỹ thuật. Một lực lượng không nhỏ góp phần đưa nhiều máy bay hệ II vào khai thác nhanh với số lượng lớn như vậy, không thể không nói đến sự đóng góp trí tuệ công sức của họ, đó chính là những người thợ kỹ thuật, trước kia đã từng phục vụ cho không quân ngụy quyền Sài Gòn, ở lại miền Nam sau ngày giải phóng. Họ được tuyển dụngvào sư đoàn theo chính sách nhân đạo của Nhà nước ta. Khi sư đoàn tiếp thu quản lý, khai thác với số lượng lớn máy bay thu hồi được đang cần có những tay nghề kỹ thuật, có kinh nghiệm đã từng làm việc bảo đảm kỹ thuật cho từng loại máy bay đó. Mặt khác để nhanh chóng góp phần ổn định tình hình xã hội cần phải tạo ra việc làm cho họ, có thu nhập cho đời sống gia đình và bản thân, thiết thực góp phần giảm bớt khó khăn phức tạp cho vùng mới giải phóng. Theo chủ trương của trên sư đoàn đã tuyển dụng hàng ngàn nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ, và họ được gọi là "nhân viên mới". Dưới sự quản lý của sư đoàn, họ đã tích cực làm việc, tham gia sửa chữa hồi phục máy bay, xe máy và các phương tiện kỹ thuật khác. Trong số họ, nhiều người nhanh chóng giác ngộ cách mạng, họ tự giác làm tốt công tác khi sử dụng máy bay hệ II. Nhiều người lập được thành tích tốt, được khen thưởng xứng đáng. Ngược lại, cũng có những người không chịu cải tạo tiến bộ, vẫn nuôi hận thù chống phá cách mạng, ngấm ngầm tìm cách phá hỏng máy bay, cướp máy bay trốn ra nước ngoài.

        Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc lại xảy ra quyết liệt. Sư đoàn không quân 372 nhận lệnh chuyển một phần lực lượng máy bay, phương tiện kỹ thuật và khí tài chiến đấu ra Bắc để làm nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Đây là lần đầu tiên sư đoàn đưa số lượng lớn máy bay hệ II ra Bắc. Điều lo ngại nhất đối với chỉ huy sư đoàn là công tác bảo đảm kỹ thuật máy bay làm sao cho đủ số lượng máy bay và bay ra Bắc đúng ngày quy định của mặt trận. Với tinh thần "người sẵn sàng", cán bộ nhân viên kỹ thuật của sư đoàn dốc sức ngày đêm chuẩn bị cho đủ số lượng máy bay và bảo đảm chất lượng để cơ động. Chỉ trong một thời gian rất ngắn bằng nỗ lực không mệt mỏi, các bộ phận cơ động của sư đoàn đã tập kết tại căn cứ mới đầy đủ, đúng ngày quy định. Tại sân bay mới, máy bay chiến đấu của sư đoàn (F-5, A37, UH-1 vũ trang) đã lắp đầy đủ số bom, đạn đợi lệnh cất cánh. Lúc này thời tiết trên miền Bắc đang còn đọng lại từng đợt rét cuối mùa, đứng trực ban chiến đấu trên sân bay gió lộng làm cho tai buốt, tay cóng, nhưng trong lòng những cán bộ, người lái máy bay, nhân viên kỹ thuật, hậu cần... luôn rực lửa căm thù xâm lược đang giết hại đồng bào biên giới.

        Cuộc cơ động lực lượng của sư đoàn từ Nam ra Bắc để làm nhiệm vụ chiến đấu đánh dấu bước trưởng thành của cán bộ chiến sĩ sư đoàn nói riêng, của không quân nói chung. Đó là cuộc hành quân xa hàng ngàn cây số bằng loại máy bay khí tài hệ II ta vừa mới làm chủ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm đúng ngày quy định để sẵn sàng tham gia chiến đấu. Thông qua cuộc hànhquân chiến đấu này càng tô thắm chiến công thầm lặng phi thường đáng ghi nhớ nhất của những chiến sĩ kỹ thuật không quân. Họ đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ vĩ đại: "... Quân đội ta luôn luôn trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh...", ghi sâu lời dạy đó trong tâm can của mỗi người và biến nó thành sức mạnh không gì ngăn cản được. Những cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật Không quân nhân dân luôn xứng đáng là những người kế tục truyền thống của dân tộc anh hùng, Quân đội anh hùng, Không quân nhân dân anh hùng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ làm công tác kỹ thuật máy bay để đạt nhiều thành tích, xứng đáng được tuyên dương Anh hùng. Và mặc dầu không được như vậy họ vẫn là những chiến sĩ kiên cường chiến đấu trên mặttrận thầm lặng phi thường trước đây, hiện nay và mai sau.

Tam Đảo - Vĩnh Phúc, 28-6-2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:37:51 am »

       
CÂU CHUYỆN VỀ KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM SỬ DỤNG MÁY BAY C 130, UH 1, AN2... TRONG CHIẾN TRANH GIỮ NƯỚC

Đại tá Lê Văn Quyền                       
Nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn KQ 918       

        Sài Gòn và cả miền Nam giải phóng đã hai tuần rồi mà chúng tôi vẫn còn ở Hà Nội. Cả sân bay Gia Lâm náo nức đợi chờ.

         Những người phi công kỳ cựu như chúng tôi và cả lớp phi công trẻ đều nóng lòng chờ lệnh Quân chủng ban ra; để được vào Nam tiếp quản và sử dụng máy bay thu được của địch cả ngàn chiếc các loại. Ôi vui sướng làm sao? Ngày 18-5-1975 một số ít trong chúng tôi được đi chiếc máy bay DC-4 từ Gia Lâm bay thẳng vào Tân Sơn Nhất.

        Mặt nhìn mặt tay nắm tay vừa bồi hồi vừa rạo rực hẹn cùng nhau - ta sẽ bay chuyển loại thật nhanh để kịp làm các nhiệm vụ cần kíp mà một giai đoạn cách mạng mới đang cần đến chúng ta.

        Những người ngồi bên nhau hôm đó gồm anh Hoàng Ngọc Trung, anh Nguyễn Đức Hiền, anh Lê Văn Quyền, anh Phạm Thanh Tâm, anh Huỳnh Văn Năm v.v...

        Sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra từ trên bầu trời rộnglớn bao la - làm choáng ngợp lòng người...

        Chúng tôi thường bay đi hạ cánh nhiều sân bay các nước, nhưng chưa có sân bay nào làm chúng tôi ngạc nhiên đến thế. Các lối vào sân bay, trên đường lăn, sân đỗ đều ngổn ngang, xơ xác, bơ phờ, nào quần áo ngụy quân, nào giày, mũ, bi đông, súng đạn, quân hiệu, huy hiệu phơi la liệt nằm chồng lên nhau - bên trái đường lăn gần đài chỉ huy một chiếc C-130 gãy một càng và một cánh nghiêng chỏng lên trời.

        Cái cảnh hỗn loạn, tranh nhau chạy thoát thân phơi bày ra - chúng lột hết tất cả những gì trên người là hình ảnh của ngụy quân như quân phục, giày, mũ, bi đông và đồ dùng quân sự la liệt khắp sân bay mà đến 3 - 4 tháng sau chúng tôi mới dọn bỏ hết được.

        Chúng tôi tiếp quản đầu tiên là khu nhà ở của phi công Mỹ, ngụy.

         Sân bay Tân Sơn Nhất có hướng cất cánh, hạ cánh là 720 - 2520 khu nhà của phi công gần trại Đa vít và cách đài chỉ huy sân bay không xa.

         Nhà ăn của phi công Mỹ, ngụy nằm bên phải đường vào ra của phi công. Nhà ăn có tên "mây bốn phương trời" viết bằng chữ sơn vàng đỏ rất đẹp treo trước nhà ăn, hai bên cửa là hai máy đánh bạc quay số hiện đại. Một cây đa không cao nhưng có nhiều cành, nhiều lá, thường rợp bóng mát các buổi trưa hè gay gắt, có rất nhiều rễ phụ.

        Dạo quanh khu nhà ở, ta thấy rất nhiều khẩu hiệu viết trước tường nhà như "không được dùng máy bay để đi săn" sau này tôi được một phi công ngụy đã theo ta giải thích "cấp trên không cho dùng máy bay trực thăng để đi săn, nhưng chúng tôi vẫn săn bắt được rất nhiều hươu nai mà có đem về sân bay đâu, toàn hạ xuống Củ Chi - Hóc Môn bán lấy tiền, họ làm gì mà biết được (cười).

        Sau một thời gian ngắn bay chuyển loại trên các loại máy bay C-130, C-119, C7A (Caribu), C-47, CH-47 và máy bay dân sự như DC-6, DC-4, DC-3 và số máy bay nhỏ khác.

        Chúng tôi được Quân chủng giao nhiệm vụ đầu tiên. Nhiệm vụ quan trọng này có tên gọi "Chiến dịch Z" đó là nhiệm vụ chở các tù binh chính trị, quân sự từ miền Nam ra Bắc, ở Hà Nội, ở Yên Bái. Có chuyện lạ là tù binh mà ta cho họ mang theo cả các đồ dùng quý giá như thuốc lá xì-gà, máy chế biến các loại thuốc hút nghiện khác...

        Nhiệm vụ thứ hai (tôi chỉ kể một số nhiệm vụ quan trọng) là chở xe bọc thép M113 tại Đà Nẵng sang cho bạn Lào.

         Chúng ta còn nhớ những năm 1976 - 1977 có vấn đề "người Hoa" bọn phản động quốc tế muốn nhân cơ hội này cướp lấy nước Lào.

        Chúng không ngờ rằng, tuy quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết khỏi đất Lào, nhưng cách mạng Việt Nam - Lào còn nguyên vẹn từ buổi ban đầu.

         Bọn Bun ùm - Phủi-xa-lia-ni-con hí hửng từ Thái Lan chuẩn bị tập kích thủ đô Viên Chăn bằng máy bay - hòng bắt sống các lãnh đạo Lào.

        Phát hiện được âm mưu này - Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho trung đoàn không quân vận tải 918 chuẩn bị nhanh chóng để chở 24 chiếc xe bọc thép M113 từ Đà Nẵng sang cho hai quân khu của bạn ở Pắc-xế và Savan-nakhét. Nhiệm vụ này rất quan trọng và phải làm ngay, chỉ có không quân dùng máy bay mới làm kịp, bộ binh không làm kịp vì đường xa cả ngàn cây số làm sao hành quân để cứu bạn cho kịp được.

        Máy bay C-130 của trung đoàn chúng tôi chuẩn bị ráo riết ở Tân Sơn Nhất và bay chuyển sân ra Đà Nẵng. Chỉ trong một tuần hai máy bay C-130 do Mỹ sản xuất đã chở trọn vẹn 24 chiếc xe bọc thép M113 sang giúp bạn. Thế là âm mưu của địch đã bị chặn đứng.

        Sau đó Việt Nam - Lào đã ký hiệp định hữu nghị đặc biệt giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn. Trung đoàn chúng tôi mãi mãi tự hào đã góp được một phần nhỏ trong sự kiện lịch sử này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:41:38 am »


        Nhiệm vụ thứ ba là: Dùng máy bay vận tải để đi chiến đấu - đây là truyền thống của ta rồi, của nhân dân ta, của quân đội ta "dùng vũ khí của địch để đánh địch - dùng trí thông minh của người Việt Nam để cải tiến các loại vũ khí của họ thành thứ vũ khí chiến đấu trong thực tế ở chiến trường Việt Nam".

        Cái này thì bộ binh có nhiều lắm, sáng kiến nhiều lắm, mà ai cũng biết.

        Tôi xin kể về máy bay C-130 của trung đoàn tôi - máy bay vận tải C-130 của Mỹ hoạt động khắp thế giới. Nó là loại máy bay vận tải quân sự hạng trung, nhiệm vụ của nó là vận tải thiết bị quân sự gồm các loại xe quân sự loại nhẹ, vận chuyển vũ khí đạn dược – lương thực - xe - súng đạn hàng hóa được để trên các băng chuyền - khi máy bay hạ cánh đang chạy trên đường băng. Đến tốc độ nào đó thì "look" sau đuôi mở ra và xe, súng đạn, hàng hóa theo các băng chuyền tuột xuống đường băng - sau đó phi công tăng ga lớn nhất để đạt đến tốc độ là máy bay rời đất và bay thẳng đi luôn. Nó không hề dừng lại trên sân bay một phút nào hết. Cũng vì thế mà tại sân bay Khe Sanh - Tà Cơn, phi công Mỹ - ngụy luôn luôn hạ cánh để tiếp tế cho quân ngụy - Mỹ - mà pháo và cối của ta không bắn được nó - vì nó như chuồn chuồn đớp nước rồi bay đi mau lẹ.

        Nó còn làm nhiệm vụ nhảy dù hàng trăm quân một lần.

        Máy bay C-130 của Mỹ chế tạo ra - nhiệm vụ chỉ có thế chứ không có đeo bom.

        Thế mà trung đoàn tôi theo lệnh của Quân chủng phải biến nó thành máy bay ném bom.

        Nhiệm khó khăn thật. Nhưng với trí tuệ của lính kỹ thuật trung đoàn, của A41 và trí tuệ của kỹ thuật cấp trên bổ trợ.

         Máy bay C-130 của ta đã chở mỗi lần được 10 tấn bom - đi đánh các mục tiêu của địch - của bọn Pôn Pốt trên đất Công-pông-chàm những năm 1978 - 1979 góp một phần nhỏ vào chiến thắng 7-1- 1979 đánh đổ bọn Pôn Pốt giành thắng lợi cho cách mạng Cămpuchia.

        Cải tiến máy bay C-130 từ nhiệm vụ vận tải sang thành máy bay ném bom không khó lắm, vì trên cơ sở các băng chuyền hàng hóa của nó đã có sẵn, ta chỉ cải tiến các băng chuyền ấy thành băng chuyền ném bom. Mỗi băng chuyền ta để 4 quả bom, mỗi quả 250kg. Mỗi lần bay ta lắp từ 8 - 10 băng chuyền như thế, tùy theo nhiệm vụ trên giao.

         Chúng tôi đã bay tập ném bom như thế trên sân bay Rang Rang phía Đông Bắc thành phố Biên Hòa giáp tỉnh Lâm Đồng hàng tháng trời, trước khi bay đi ném bom trên chiến trường.

         Cải tiến nó thành máy bay chở xe bọc thép M113 mới là chuyện khó khăn. Việc cải tiến này tôi kể ở một bài khác.

        Nhiệm vụ và chiến công của cả một trung đoàn - một mình tôi nhớ lại và viết trên mấy trang giấy thì làm sao nói hết được. Còn các loại máy bay khác của trung đoàn như máy bay C-119, C-47, C-7A... đều hoàn thànhxuất sắc nhiệm vụ của mình.

        Tiếc rằng tất cả 7 chiếc máy bay C-130 của ta ở Tân Sơn Nhất - vì hết niên hạn bay, mà ta không đem nó sang Singapore để đại tu, nên cho đến nay - nó vẫn nằm ì một chỗ.

        Những nhiệm vụ mang tính chiến thuật cao của nó là chở bộ binh, chở bộ đội đặc công, đi chụp ảnh tàu lạ ngoài quần đảo Trường Sa. Bán kính hoạt động xa, chỉ có C - 130 mới đủ tính năng đảm đương được.

        Sau đây - Tôi kể vài mẩu chuyện từ khi tôi mới về không quân, kể cả một vài chuyện khi tôi còn là bộ binh chống Pháp.

        Tháng 7-1959, sau khi trung đoàn 919 thành lập được có 2 tháng. Đội bay An-2 của tôi làm nhiệm vụ ở Vít Thù Lù. Mới nghe qua cái tên - đã biết nó nằm ở nơi thâm sơn cùng cốc, tận phía Tây huyện Lệ Thủy, giáp huyện Hương Hóa - Quảng Trị.

        Đây là nhiệm vụ mới mẻ của trung đoàn, là làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ binh - mà bộ binh ở đây là trung đoàn 95 của Bình Trị Thiên ở tận trong rừng sâu lại thuộc vùng giới tuyến quân sự tạm thời, gần cầu Hiền Lương.

        Vì nhiệm vụ mới như thế - nên báo Quân đội cử nhà báo Trần Cư (nhà anh ở Lý Nam Đê) vào sân bayĐồng Hới thâm nhập tổ bay để viết tin cho báo Quân đội.

        Sân bay Đồng Hới - còn có tên là sân bay Bờ Hơ nằm bên bờ Nhật Lệ quanh năm "Chang chang cồn cát nắng mưa Quảng Bình".

        Sân bay nhỏ thế mà có đến 2 nhà thờ - một nhà thờ Thiên Chúa và một nhà thờ Phật.

        Vì quân Pháp - ngụy không được ra ngoài – nên chúng xây 2 nhà thờ đó cho lính đi lễ.

        Sân bay Đồng Hới tuy nhỏ nhưng là sân bay của Pháp - phi công Pháp đóng nên khu phi công ở có "khu 5 nhà" bao quanh những hàng phi lao (dương liễu) cao vút.

        Đi bay ở Vít Thù Lù về - buổi trưa ngủ tại "khu 5 nhà", anh Trần Cư kể cho chúng tôi nghe những điều lý thú. Anh nói: Bộ đội ta hay làm thơ - nhưng thơ bộ đội -được vần thì mất ý, được ý thì mất vần. Rồi anh đọc: "Kìa xem con trấu nó ăn co" - Chao ôi! Con trấu là con gì? và ăn co là ăn gì?

         Anh giải thích: Con trấu là con trâu - và ăn co là ăn cỏ đấy là con trâu ăn cỏ đấy. Phải nói như thế mới là thơ - mới có vần chứ. Cho nên câu thơ này được vần mà mất ý.

        Anh lại nói: Khi bộ đội hành quân đến bến Bình Ca (Tuyên Quang) cả người và ngựa đều mệt nhoài không ai thèm nói với ai điều gì - thì có một chiến sĩ đọc lên:

"Kìa xem con ngựa nó sang sông,
Nó buồn nó đứng, nó không nói gì"
Anh giải thích: Đây là lối nói "nhân cách hóa".

         Anh vui lắm. Bộ đội ta vui là thế đó...

Sân bay Đồng Hới sáng 8-9-2004       
(Thăm lại chiến trường xưa CCBKQ).       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:44:02 am »

       
CHỞ 24 CHIẾC XE BỌC THÉP M113 SANG ĐẤT LÀO

        Đầu năm 1977, đơn vị tôi được giao một nhiệm vụ thật cấp bách: "Nghiên cứu và thực hành vận chuyển bằng máy bay C-130: 24 chiếc xe bọc thép M-113 tại sân bay Đà Nẵng sang cho hai quân khu của bạn Lào ở Pắc-xế và Xa-van-na-khét".

        Người lái trung đoàn tôi là những chiến sĩ phi công tốt nghiệp từ Liên Xô quen lái máy bay của Liên Xô. Tuy đã bay chuyển loại sang các loại máy bay của Mỹ như loại C-130 này đã hơn một năm từ sau 30-4-1975, đã bay tập ném bom thả dù, rải quân đổ bộ đường không, vận chuyển vũ khí bom đạn xăng dầu và hàng quân sự, nhưng việc chở M – l13 thì ngay nước Mỹ - nơi sản xuất ra loại máy bay này, người Mỹ cũng chưa dùng máy bay C-130 để chở M-113.

        Chúng tôi phải thi hành một nhiệm vụ mới về kỹ thuật vận chuyển đường không mà chưa được học ở một trường nào. Hơn nữa, đây là việc chuyên chở ngoài khả năng cho phép của loại máy bay này.

         Tuy là nhiệm vụ chiến đấu, nhưng về kỹ thuật bay, kỹ thuật hàng không buộc chúng tôi phải làm theo quy định của kỹ thuật.

        Thế là chuyên gia kỹ thuật của trung đoàn cùng với xưởng A41 - xưởng sửa chữa máy bay quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất (sau này trở thành nhà máy A41), có sự chỉ dẫn kỹ thuật của cấp trên, sau một thời gian nghiên cứu đã cho phép chúng tôi thi hành được nhiệm vụ.

        Cái khó của việc nghiên cứu là: Ta dùng máy bay của Mỹ để chở xe bọc thép của Mỹ, mà không quân Mỹ chưa làm bao giờ.

        Nói vậy, chứ trên thế giới này, ngay ở Trung Quốc và ngay cả ở Việt Nam ta, có biết bao tấm gương về sự thông minh sáng tạo, đã dùng vũ khí của địch để đánh địch, dùng kỹ thuật cộng với sự sáng tạo của ta, biến kỹ thuật đó trở thành tinh xảo hơn và sử dụng hợp với điều kiện thực tế của ta hơn.

        Máy bay C-130 có trọng tải tối đa là 10 tấn mà trọng lượng rỗng của M-113 là 8 tấn5, còn chiều rộng và chiều cao của M - 113 thì gần sít với lòng máy bay, chỉ cách mép thành mỗi bên không quá 10cm. Khối lượng nặng quá so với khả năng trọng tải máy bay đã đành, nhưng còn kích thước và xích sắt?

         Người lái xe M- 1 13 làm sao lái xe lên và xuống máy bay mà không phá nát sàn máy bay và không va chạm vào thành máy bay?

        Đó là tất cả việc nghiên cứu và hành động khắc phục của chúng tôi.

        Chúng tôi quyết học tập máy bay trực thăng Mi-6 đã mang dưới bụng mình những giỏ đá nặng 5 - 7 tấn để đi hàn đê đang bị nước xoáy vỡ trên bờ đê sông Đuống năm xưa, hay mang chiếc MIG-21 dưới bụng nặng 7 tấn từ sân bay Nội Bài đi sơ tán các bãi để tránh những trận ném bom của máy bay Mỹ vào sân bay...

        Còn việc cấp bách giúp cách mạng Lào lúc này là làm sao trong thời gian ngắn, sự chi viện của quân sự Việt Nam phải có mặt trở lại kịp thời vào thời điểm 1977.

         Cái thời điểm mà trên đất Lào lúc đó quân tình nguyện Việt Nam đã rút hết về nước.

        Cái thời điểm mà bọn Bun ùm Phủi Xa-na-ni-con cùng thế lực phản động quốc tế nhân đó đang rắp tâm thực hiện việc tập kích đổ bộ đường không vào thủ đô Viên Chăn và các nơi khác.

        Cái thời điểm mà kẻ xấu đã rêu rao "vấn đề người Hoa" đang gây xáo trộn trong nhân dân và cả trong các cấp lãnh đạo ở Lào.

        Xưa nay, những người lính Cụ Hồ chúng tôi hằng ôm ấp trong lòng mình lời dặn của Bác:

Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long.

        Tôi đã chấp hành trọn vẹn việc chuyển 24 xe bọc thép M-113 từ Đà Nẵng cho bạn ở Pắc-xế và Xa-va-na-khét. Mỗi quân khu 12 chiếc.

        Xe bọc thép của Việt Nam chi viện cho cách mạng Lào bằng đường hàng không năm ấy thể hiện sự gắn bó keo sơn của quân đội hai nước, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc cách mạng đang gặp khó khăn.

        Cùng với những hoạt động quân sự khác của ta và bạn đã đập tan ý đồ đen tối của địch, cứu cách mạng Lào một lần nữa ra khỏi cơn nguy khốn.

        Tôi không nhớ rõ ngày tháng mà đơn vị tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao, chỉ biết rằng sau đó một thời gian ngắn trên đài phát thanh của hai nước đã vang lên tiếng nói của hai vị lãnh tụ kính yêu - đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Cay Xỏn Phôn-vi-hản trong việc ký kết hiệp định hữu nghị đặc biệt Việt - Lào giữa năm 1977.

        Cái mốc lịch sử ấy thấm đậm vào ký ức của mỗi người Lào Việt anh em đậm đà chung thủy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:51:27 am »

        
PHI CÔNG VIỆT NAM BAY GIỎI QUÁ

Đại tá Trịnh Minh Đức                                    
Nguyên Phó trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 917        

        Thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng ngày 29-3- 1975, 9 giờ 00 sáng hôm sau đoàn trực thăng của chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.

         Từ sân bay Phú Bài (Huế) tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5, trực thăng Mi8, Mi6 được lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vào sân bay Đà Nẵng với nhiệm vụ: Tiếp thu các loại máy bay trực thăng; Mi8, Mi6 làm nhiệm vụ vận chuyển súng đạn, lương thực, thuốc men cho quân giải phóng ở Ban Mê Thuột, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội đánh về Sài Gòn và nhanh chóng ổn định tổ chức huấn luyện chuyển loại cho 6 tổ bay UH-1 (máy bay chiến lợi phẩm mà ta thu được của không quân Sài Gòn).

        Bước chân xuống sân bay Đà Nẵng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì: Toàn bộ sân bay từ nhà ga, sân đỗ, hai bên đường cất hạ cánh, đâu đâu cũng thấy xe con và trực thăng UH-1 đỗ ngổn ngang vô cùng lộn xộn. Chúng tôi hội ý và bắt tay ngay vào việc; trước mắt hai Mi6 vận chuyển súng đạn, lương thực ngày 4 chuyến. Thứ hai khảo sát thu gom toàn bộ UH-1 về nơi bãi đậu. Chúng tôi cùng với toán thợ máy và các bộ môn chuyên trách về UH-1 mà ban quân quản Đà Nẵng giao cho. Số anh em này trước đây phục vụ cho phi đoàn trực thăng UH-1 và Xinúc của không quân Sài Gòn.

        Khoảng 35 UH-1 đậu rải rác khắp nơi, tổ chức thu gom nhanh nhất về bãi đỗ bằng cách lấy xe kéo dắt, chúng tôi thực hiện trong hai ngày là xong hết.

         Chỉ còn một chiếc là không thể nào kéo được, là chiếc UH - 1 nằm lọt thỏm trong kho xăng. Viên phi công này đáp UH-1 xuống kho xăng, định nạp xăng khẩn cấp và cất cánh đưa vợ con ra hạm tàu ngoài biển. Nhưng xem chừng không kịp, quân giải phóng ào ạt tiến vào, anh ta đành bỏ của chạy lấy người. Tình huống này chỉ nổ máy cất cánh bay ra sân đậu mà thôi.

        Xuân Trường và Đình Khoa hai phi công giỏi của đoàn bay chúng tôi được phân công làm nhiệm vụ đó. Hai đồng chí đọc lại sổ tay ghi chép tại Hòa Lạc cách đây 5 tháng; sau đó cùng toán thợ máy 4 người chuẩn bị kiểm tra trước khi bay, trong số đó có trung sĩ Ty, thượng sĩ nhứt Thảo làm việc rất linh hoạt, xông xáo, nhưng trên nét mặt hai anh có vẻ lo lo, sợ hai phi công có bay ra được hay không? Nhỡ mà rớt cháy trong kho xăng là vô cùng nguy hiểm.

        Hơn 1 giờ chuẩn bị, hai anh Trường - Khoa cho nổ máy, thử các chế độ làm việc của động cơ, kiểm tra toàn bộ tốt. Hai anh nhẹ nhàng nhấc chiếc UH-1 lên thẳng đứng và treo cao 10m tại chỗ, ung dung cất cánh bay một vòng lượn nhỏ, hạ cánh xuống đúng vạch đỗ quy định. Mọi người trong đoàn chúng tôi ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Riêng trung sĩ Ty và thượng sĩ Thảo hai người thì thầm nói với nhau, mà tôi vô tình nghe được "Phi công Việt bay giỏi quá" họ bàn tán trong tổ chuẩn bị trước khi bay có vẻ thán phục và trân trọng lắm.

        Nghe được lời khen tôi rất khoái chí và cũng nhớ ngay; có được tài giỏi này là nhờ công lao của anh Hồ Duy Hùng, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tường Long và nhiều đồng chí khác. Hồ Duy Hùng lấy chiếc UH-1 từ sân bay Liên Khương, Đà Lạt bay về căn cứ hạ cánh Lộc Ninh. Đồng chí Nguyễn Văn Ba cùng anh em tổ chức vận chuyển ra Bắc vượt Trường Sơn đầy gian lao và nguy hiểm. Về đến sân bay Hòa Lạc, anh Nguyễn Tường Long cùng đại đội 17 và thợ máy tiểu đoàn 5 lắp ráp, kiểm tra toàn bộ. Người thầy huấn luyện chuyển loại bay UH-1 đầu tiên cho 4 phi công ta là Hồ Duy Hùng. Cái vốn đầu tiên nhỏ bé đó dẫn đến thành công tốt đẹp của chuyến bay UH-1 sau ngày giải phóng: Tôi thầm cám ơn và nhớ công các anh mãi mãi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 11:53:37 am »

      
HẠ CÁNH LẦN ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA

Đại tá Trịnh Minh Đức                                
Nguyên Phó trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 917        

        Ngày 15-3 năm 1976 trung đoàn 917 đã hoàn tất cho việc chuẩn bị cho chuyến bay ra đảo Trường Sa. Chúng tôi được lệnh Quân chủng Không quân cùng phối hợp với hải quân vùng 4: Hạ cánh chiếc trực thăng UH-1 lên boong tàu chiến (tàu mà hải quân ta thu được của ngụy quân Sài Gòn). Tàu đưa máy bay ra quần đảoTrường Sa, đem theo xăng dầu dự trữ. Ra đến đảo trực thăng sẽ cất cánh bay quan sát quần đảo và hạ cánh xuống các đảo nhỏ và cuối cùng hạ cánh xuống đảo "Nam Yết" nơi căn cứ chính của bộ đội Trường Sa.

        Phi công Lê Đình Ký, Hồ Duy Hùng, Nguyễn Ngọc Ân, Vũ Xuân Cán cùng tổ thợ máy 4 người. Chúng tôi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đầy quyết tâm và rất nhiều thử thách.

        Sáng 16-3 tàu thẳng hướng ra đảo Trường Sa sóng to gió lớn phi công và thợ máy ta say sóng quá chừng. Nhưng sau 2 ngày thì biển lặng, trời rất đẹp, cũng vừa lúc tàu đến Trường Sa.

        Nhìn thấy đảo lớn đảo nhỏ, anh em muốn vào ngay, nhưng tàu không cặp bến được.

        Tổ bay tiến hành nổ máy và bay khắp các đảo, bộ đội ta ở Nam Yết vẫy chào chúng tôi lần lượt hạ cánh 6 đảo nhỏ. Các đảo này quân ta chưa đóng chốt, vì vậy mà hải âu tha hồ đẻ trứng. Tổ bay nhặt được mấy trăm trứng hải âu. Gần 1 giờ bay, cuối cùng chúng tôi trở về Nam Yết hạ cánh an toàn, trong niềm vui vô hạn của bộ đội ta.

        Anh em đi xung quanh máy bay vuốt ve, sờ mó nhìn phi công ta trìu mến yêu thương.

        Bữa cơm trưa trên đảo hôm ấy bộ đội Trường Sa đãi không quân canh cua, cá hộp, bộ đội không quân luộc một rổ trứng hải âu chiêu đãi. Đầm ấm, vui tươi và anh em lính bay vô cùng sung sướng vì đã hoàn thành tốt đẹp chuyến bay, lần đầu tiên không quân mình hạ cánh ở đảo Trường Sa.

Ngày 28 tháng 3 năm 1976.        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:19:43 pm »

       
NƠI BẦU TRỜI TÌNH BẠN

Hà Bình Nhưỡng       

        Hôm ấy bầu trời Phnôm Pênh như rực rỡ hơn. Dòng Tônglêsáp như mang thêm gió mát từ Biển Hồ về.Và những đền đài, cung điện nguy nga đã bao đời soi mình trên tấm gương viền quanh lấp lánh đó như cũng lộng lẫy hơn. Cả những nữ thần suốt năm tháng đứng trên các cung điện ấy im lặng ngắm nhìn cảnh sắc Phnôm Pênh như đã thả đôi cánh Apsara xuống mà hoà nụ cười Bayon vào tiếng nhạc hào hùng trong niềm vui lớn của đất nước Chùa Tháp và đoàn quân tình nguyện Việt Nam.

        Lễ trọng thể Nhà nước Cam-pu-chia trao tặng Huân chương cao quý cho quân tình nguyện Việt Nam trong đợt rút quân cuối cùng tháng 9 năm 1989 này. Có thể gọi đây là ngày Hội mừng công lớn nhất của Quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước Cam-pu-chia trước ngày cả nước bạn lưu luyến chia tay với tất cả lòng biết ơn, thương nhớ với những người anh em, đồng chí đã vì mình mà hy sinh xương máu để đưa nhân dân, đất nước mình thoát khỏi nạn diệt chủng và góp phần hồi sinh cho cả một dân tộc đã có nền văn hoá ăngco huy hoàng.

        Những gương mặt đầy xúc cảm của bạn đang là hình ảnh về sự tri ơn của cả nước Cam-pu-chia thu nhỏ lại Họ đang cùng xúc động như đồng chí Tổng bí thư Hêng-xom-rin lúc ôm hôn các tướng lĩnh, sĩ quan Quân tình nguyện Việt Nam sau khi gắn Huân chương cao quý của Nhà nước Cam-pu-chia lên quân kỳ Việt Nam...

        Trong các sĩ quan đại diện đầy đủ cho các mặt trận, các đơn vị của Quân tình nguyện Việt Nam, tôi sung sướng thấy lần này có nhiều đại biểu mang quân hàm màu xanh in cánh én của mình.

        Đấy là Đại tá Lương Thế Phúc, sư đoàn trưởng sư đoàn không quân 370, là trung tá Nguyễn Thanh Mua, trung đoàn trưởng trung đoàn không quân máy bay lên thẳng chiến đấu 917, trung tá Nguyễn Duy Lê, trung đoàn trưởng trung đoàn không vận tải 918 và trung tá Nguyễn Văn Đức, trung đoàn trưởng trung đoàn căn cứ không quân 901

        ..Trước buổi lễ lớn này, tôi vừa theo tổ bay của Nguyễn Minh Tuấn bay một chuyến bay đường dài - chuyến bay mà như đại tá, phó sư đoàn trưởng ĐinhVăn Bồng (nay là Thiếu tướng - Giám đốc Học viện PK-KQ) nói là: "Đã bay được hai phần ba đất nước Cam-pu-chia".

        Đó là chuyện đi bằng trực thăng và đến nhiều nơi: Bộ Tư lệnh các mặt trận 479, 579 để chào cám ơn và hiệp đồng cuối cùng về đợt rút quân, các sân bay ở phía Bắc và phía Tây để kiểm tra việc rút quân của không quân ta ở đây. Máy bay sẽ cất cánh từ sân bay Pô-chen-tông và trở về hạ cánh ở sân bay này. Như vậy sẽ bay một vòng kín rất rộng trên vùng trời của hai phần ba đất nước Cam-pu-chia. Những ngày chuẩn bị cho đợt rút quân cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam ở sân bay Pôchentông thật nhộn nhịp. ở đây, ngay trước giờ máy bay cất cánh, tôi đã gặp nhiều đồng đội ở các quân chủng, binh chủng bạn và cả các bạn không quân Cam-pu-chia đang cùng bận rộn cho một việc chung mang ý nghĩa lớn về chính trị và cả về lịch sử này. Trên gương mặt họ vừa lộ vẻ hân hoan với thành quả có được hôm nay, vừa còn ghi đậm dấu ấn của sự hy sinh, chịu đựng gian nan đến tột cùng trong suốt hơn 10 năm qua. Vẫn còn như chưa hết bàng hoàng, căm phẫn bầm tím tim gan trước tội ác diệt chủng chưa từng có trong lịch sử Cam-pu-chia của bọn Pôn Pốt với đồng bào của chúng và cả tội ác trời không dung, đất không tha của lũ dã thú này với nhân dân Việt Nam ở biên giới phía Tây Tổ quốc ta. Những gương mặt ấy tất cả như đang cùng ẩn hiện ở bên tôi khi chiếc trực thăng nâng mình lên khỏi đường băng Pôchentông lúc này. Và nó đã làm cho những điều suy tưởng về quân đội ta cứ như chất men thấm dần và luôn bừng lên trong tôi khi máy bay qua các địa tiêu, nơi ghi dấu tích về chiến công, về lòngvị tha cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam mà đại tá Đinh Văn Bồng đã chỉ cho tôi. Anh còn nhớ rõ cả địa danh và kể chi tiết hơn những vị trí mà quân ta đã chiến đấu diệt được nhiều sinh lực của quân Pôn Pốt, hoặc đã vượt qua lửa đạn cấp cứu, tiếp kịp thời cho các chiến sĩ bộ binh ta trong các trận đánh ác liệt giúp bà con Khơ-me sau các trận khủng bố, trả thù của lũ diệt chủng đang vô vọng trong những cù lao, bản làng, những cánh rừng bạt ngàn bằng phẳng và cả hơn 100 cây số dọc theo Biển Hồ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:20:34 pm »


        Ấy là chuyến bay còn cách xa biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Nếu bay sát và dọc ven biên giới, chắc chắn anh Bồng không thể nào nhận ra mà chỉ hết được cho tôi những chốt, những bãi hạ cánh dã chiến mà máy bay của ta chiến đấu và đã giành lại khỏi bàn tay tử thần đối với hàng ngàn đồng đội, cũng như các bạn Cam-pu-chia ở đây. Bởi chỉ riêng trung đoàn bay 917 của Nguyễn Minh Tuấn đang cầm cần lái đưa chúng tôi đi đây, trong hơn 10 năm qua đã đánh trên 300 trận, chở gần 4 ngàn thương binh, bệnh binh, trong đó quá nửa là đã cấp cứu từ trên các chốt, các mặt trận về thì làm sao các anh nhớ được. Nhớ được có chăng là trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Mua, hoặc Mai Văn Vận, An Thế Quang, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Văn Thiệp, những phi công như Mua đã quá quen thuộc với từng cù lao, cánh rừng, ngọn núi ở đây qua bao nhiêu chuyến bay không nhớ chỉ nhớ là đã bay đến hầu hết các chốt mà có chốt suốt đời không quên bởi máy bay của mình đã mang đầy vết đạn trở về. Lúc này trong trí nhớ của tôi lại hiện lên hình ảnh chiếc trực thăng với ba hàng sao đỏ in dầy trên khoang lái được đặt trang trọng ở bảo tàng Quân chủng, dưới đó là những dòng chữ ghi đậm trên tấm bảng nhỏ: "Trên chiếc máy bay trực thăng vũ trang này, phi công anh hùng Nguyễn Đình Khoa cùng các đồng chí Lê Đức Tình và Trần Văn Luỹ đã dẫn đầu biên đội đánh thắng trận đầu tiên diệt một căn cứ lớn của địch tại điểm M. Nó được nhiều tổ bay sử dụng đánh 14 trận lớn ở biên giớiTây Nam và trên đất Cam-pu-chia khi Quân tìnhnguyện Việt Nam giúp nhân dân Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng tạo điều kiện cho bộ đội ta tiến công thắng lợi giành lại nhiều vùng đất quân địch đã chiếm".

         Nguyễn Đình Khoa đã từng là chỉ huy phi đội rồi trung đoàn trong những ngày đầu đánh quân Pôn Pốt của trung đoàn này. Anh cùng các phi công: Tạ Đông Trung, Âu Văn Hùng, Lê Thương, Nguyễn Văn Kháng đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam chủ yếu bằng các chiến công, thành tích trên mặt trận chống bọn Pôn Pốt để bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc và cứu nhân dânCam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Trong 5 anh hùng đó, hình ảnh chiến đấu kiên cường, hy sinh lẫm liệt của phi công Tạ Đông Trung đã như ngọn đuốc thắp sáng lên trong lòng toàn thể cán bộ, chiến sĩ không quân chúng tôi về ý chí, tư thế anh hùng, bất khuất giờ đây đang như hiện lên trước mắt tôi. Bằng chiếc máy bay phản lực F-5E - Loại máy bay thu được của Mỹ -nguỵ trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, Tạ Đông Trung đã đánh mấy chục trận, oanh kích có hiệu quả vào nhiều cứ điểm và đội hình của quân Pôn Pốt, tạo điều kiện cho bộ binh ta chiến thắng trong trận định mệnh ở Kôngpôngchàm hôm ấy, sau khi đã cùng đồng đội diệt gọn cả một ổ đề kháng trọng yếu có hoả lực mạnh của một tiểu đoàn địch, máy bay của Trung đã bị trúng đạn. Không còn cách nào có thể bay về hạ cánh, anh buộc phải nhảy dù xuống vùng đất đang có cả quân Pôn Pốt và quân ta. Thấy cánh dù của anh bung ra, từ xa lũ Pôn Pốt đã hò nhau kéo tới quyết bắt sống phi công "Duôn Việt". Biết rằng trên không anh em trong phi đội vẫn đang quần đảo, yểm trợ để chờ đồng đội tới tiếp cứu, nhưng trước mắt sẽ phải độc thân chiến đấu nên với những trái lựu đạn và một khẩu súng ngắn bên mình lúc vừa chạm đất, Trung đã tìm ngay một vị trí có lợi để đánh trả bọn Pôn Pốt, quyết một mất, một còn với chúng. Bản đồ bay cùng các giấy tờ khác Trung cũng liền hủy ngay khi tiếng súng thị uy và tiếng hò hét kêu gọi đầu hàng của bọn chúng đã dội vào tai anh. "Phải sống anh hùng, chết vẻ vang, quyết không để mình rơi vào tay địch!". Chắc hẳn Trung đã tự nhủ mình như thế nên anh đã trả lời tiếng kêu gọi "hạ súng đầu hàng" của chúng bằng những trái lựu đạn và những phát súng ngắn liên tiếp tung ra và nhả đạn khi chúng đến gần sát bên mình. Khi còn một viên đạn cuối cùng. Trung đã đứng thẳng dậy hiên ngang nhắm thẳng vào một tên Pôn Pốt trước mặt và xiết cò trước lúc anh ngã xuống. Khi ấy các chiến sĩ bộ binh ta cũng kịp tới. Nhìn xác chết những tên diệt chủng Pôn Pốt nằm quanh thi thể của Tạ Đông Trung, anh em ta đã vô cùng cảm phục và xúc động, bởi đã hiểu ngay được người phi công - đồng đội thân yêu của mình đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu và hiên ngang, bất khuất như thế nào? Tiếng gọi và bàn tay đập nhẹ vào vai tôi của đại tá Đinh Văn Bồng chỉ ra các cảnh đẹp của Biển Hồ đang nhuộm sáng vàng nắng sớm mai đã cắt đứt dòng suy tưởng của tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:21:56 pm »


        Quả là trời đất đã cưng chiều chúng tôi. Thời tiết Cam-pu-chia sớm nay rất đẹp. Nắng nhẹ, trời trong suốt mênh mông một màu hồng nhạt. Tầm nhìn ngút ngàn tới tận nơi như đang có muôn ngàn tấm khảm trai ghép lại. Từ trên trực thăng thả tầm mắt xuống, bên vẻ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên, chúng tôi có thể thấy được cả cảnh hồi sinh của nhân dân Cam-pu-chia trên các quốc lộ, phố chợ, bản làng. Bức tranh đó luôn được chấm phá bằng những hàng cây thốt nốt sừng sững cao xanh, và những cô gái Khơ-me như đang khoe mình trong những tấmxà-rông rực rỡ. Đến lúc này máy bay hạ độ cao, sà xuống một bãi trống bên bìa rừng, tôi mới biết rằng mình cùng đoàn kiểm tra đã tới bản doanh Bộ Tư lệnh mặt trận 579.

        Thiếu tướng, Tư lệnh mặt trận Lê Mẫn đã tiếp chúng tôi ngay khi máy bay vừa hạ cánh chừng mươi phút. Nhìn phong cách bình dị, thân tình cùng cái phòng khách với vật dụng toàn những thứ bình thường mang nhãn hiệu Việt Nam và nhìn rộng ra bản doanh đang ẩn mình dưới bóng những cây xanh của các anh, tôi bỗng có cảm giác như mình đang sống trong bản doanh của một binh đoàn thời chiến ở nước nhà.

         Thiếu tướng rất chăm chú nghe anh Bồng báo cáo. Khi nghe xong, anh giải quyết nhanh gọn ngay từng việc và không từ chối một yêu cầu nào của đại tá Bồng.

        Tôi chợt hiểu ra là: Các chiến sĩ ở đây, kể cả các vị tướng đứng đầu mặt trận phải cận kề với cái sống và cái chết trong từng phút, từng giờ nên họ càng yêu quý, gắn bó với các chiến sĩ không quân ta hơn khi họ được kịp thời cấp cứu, chi viện cứu được tính mạng không phải hàng trăm mà hàng ngàn đồng chí bởi những cánh bay của quân đội mình.

        Với lẽ ấy cho nên Thiếu tướng đã cảm ơn, ca ngợi sự hiệp đồng, chi viện của không quân ta với mặt trận bằng những lời lẽ rất cảm động, chân thành. Rồi sau khi Thiếu tướng nhìn về phía đại uý Nguyễn Hữu Hồ, đại uý Lê Danh Nam - hai cán bộ phụ trách sân bay Stungtreng cùng đi sang chào Tư lệnh với chúng tôi, khen anh em ở đây có trách nhiệm cao, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xong Thiếu tướng đã xúc động kể lại một số chuyện kỷ niệm sâu sắc về không quân với mặt trận.

        Trong những kỷ niệm ấy, anh tâm đắc nhất với trận không quân ta đã chở quân đổ bộ giải vây kịp thời cho một đơn vị của mặt trận. Ngày ấy, như anh nói:"Các anh ở sở chỉ huy đã cùng thắt tim lại rồi lại cùng nắm tay nhau mà thở phào nhẹ nhõm".

        Kể xong, anh nhìn chúng tôi hỏi:

        - Thế mấy đồng chí phi công đã vượt qua lửa đạn hạ cánh được đúng vào bãi đỗ dã chiến ngày ấy, bây giờ có khoẻ không? Có tham gia phục vụ đợt rút quân cuối cùng này không? Đồng chí chỉ huy trực tiếp ấy tên là gì?...

        - Thưa Tư lệnh, anh em đều khỏe cả: Dạo ấy về, tất cả anh em trong 5 tổ lái đều được khen thưởng. Trong số đó có đồng chí chỉ huy ngày ấy là Nguyễn Thanh Mua, bây giờ là trung tá, trung đoàn trưởng của trung đoàn này.

        Anh Bồng trả lời đồng chí Tư lệnh. Còn tôi, trận đánh mà Tư lệnh vừa nhắc lại ấy, tôi lại thấy nó như vừa mới diễn ra bởi, trước khi sang đây, tôi vừa được anh em ở đoàn bay 917 này kể lại.

        Phải nói rằng, đây là một cuộc đổ bộ đường không mà tôi đã nghe với đầy niềm thích thú.

        Trận ấy, Nguyễn Thanh Mua dẫn đầu đội hình 5 chiếc trực thăng chở một đại đội tinh nhuệ của ta bay đến địa điểm X, giữa rừng phía Bắc Cam-pu-chia để giải vây cho một đơn vị của mặt trận 579 trong điều kiện khẩn cấp sắp bị quân Pôn Pốt tổ chức đánh tiêu diệt. Bởi thế, bãi đáp xuống phải chuẩn bị gấp nên rất hẹp. Khi Mua dẫn đội bay vượt được chặng đường dài mới lạ hơn 300 km tới được toạ độ cấp cứu thì ánh lửa tín hiệu trên bãi đỗ đã tàn, chỉ còn đoán được nó ở khu vực địch bắn lên không tiếc đạn.

        Trước những thử thách ấy, các chiến sĩ bị vây ở đây đã hết hy vọng, bởi thấy máy bay cứ sà xuống rồi lại bay lên. Nhưng với Mua, anh không thể bỏ đồng đội, bó tay quay về. Bằng kinh nghiệm nhiều lần đi cứu thươngbinh trên các chốt, anh đã đoán địch chính xác, tìm ra được bãi đỗ và lần thứ ba hạ xuống, anh đã đưa được vòng quay chong chóng đúng khít vào khoảng trống an toàn. Một phần năm bộ đội chi viện vừa nhảy hết từ trong máy bay ra, Mua lại cho chiếc trực thăng nâng mình lên ngay để chỉ huy các chiếc sau tiếp tục hạ xuống đổ bộ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM