Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:54:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30192 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 08:21:29 am »

       
NHỚ LẠI MỘT THỜI

NGUYỄN HỮU SIỂN           
Cục Hậu cần Không quân       

        Ngày 3-3-2005 kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. Tôi rất phấn khởi tự hào đã có gần 40 năm công tác trong ngành Hậu cần không quân; được góp một phần công sức của mình vào "chiến công thầm lặng" cùng các đồng nghiệp của mình bảo đảm hậu cần cho không quân ta chiến đấu, xây dựng và trưởng thành trong 50 năm qua.

         Bảo đảm kỹ thuật - hậu cần cho hoạt động bay được coi là nhiệm vụ số 1 của ngành Hậu cần không quân. Trải qua 50 năm xây dựng và phục vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc giúp đỡ của Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương... Ngành Hậu cần không quân đã từng bước trưởng thành và phát triển; các thế hệ cán bộ, nhân viên hậu cần không quân kế tiếp nhau trong suốt 50 năm qua đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan điểm phục vụ... bám sát nhiệm vụ chính trị, trong bất kỳ tình huống nào cũng đáp ứng được kịp thời cho các hoạt động của Quân chủng, góp phần vào truyền thống vẻ vang "Trung hành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể" của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

        Trải qua gần 50 năm xây dựng và phục vụ của ngành Hậu cần không quân, trong ký ức của tôi có 2 thời điểm đáng ghi nhớ nhất:

        Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân đế quốc Mỹ - những thế hệ cán bộ, nhân viên hậu cần không quân đã vượt mọi khó khăn gian khổ "Bám trụ sân bay" bảo đảm cho không quân ta xuất kích chiến đấu, phục vụ chiến đấu lập công xuất sắc. Hệ thống sân bay trên miền Bắc là mục tiêu đánh phá thường xuyên ác liệt của không quân Mỹ. Với tinh thần "Địch đánh, ta sửa ta bay" ngành Hậu cần không quân vẫn trụ vững và là lực lượng nòng cốt cùng với bộ đội và nhân dân các địa phương sửa chữa gấp hàng ngàn hố bom trên các sân bay... bảo đảm cho không quân ta cất cánh chiến đấu kịp thời; đã bảo đảm cơ động hàng ngàn trang thiết bị kỹ thuật, xe máy đặc chủng; tổ chức tiếp nhận vận chuyển cấp phát hàng triệu tấn xăng dầu, bom đạn, vật tư kỹ thuật hàng không v.v...Cơ động lực lượng hậu cần đến các sân bay dã chiến bí mật bảo đảm cho máy bay ta xuất kích đánh địch trên không, trên biển và trên bộ, lập công xuất sắc. Những chiến công của không quân ta cũng là "chiến công thầm lặng" của cán bộ nhân viên ngành Hậu cần không quân, góp phần làm nên thành tích vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

        Cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; cùng với các lực lượng và đơn vị trong Quân chủng, cán bộ nhân viên hậu cần không quân đã tiếp quản, khai thác sử dụng toàn bộ hệ thống sân bay và trang bị vật chất của địch để lại với khối lượng vô cùng to lớn. Ngành hậu cần không quân đã nhanh chóng nắm bắt và khai thác sử dụng có hiệu quả trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng cơ sở trên các sân bay, quản lý sử dụng được nhiều trang bị kỹ thuật đặc chủng hệ II phục vụ cho không quân ta chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, huấn luyện và làm các nhiệm vụ khác v.v... với cường độ cao trên các sân bay ở phía Nam Tổ quốc.

        Khi Liên Xô và các XHCN Đông âu tan rã: Nguồn bổ sung máy bay, trang bị kỹ thuật hàng không, trang bị kỹ thuật hậu cần bảo đảm bay, nhiên liệu bay v.v...của Quân chủng Không quân bị hẫng hụt và gặp rất nhiều khó khăn. Tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, quán triệt quan điểm "Độc lập, tự chủ, cần kiệm, tự lực, tự cường", nêu cao ý thức "giữ tốt dùng bền"...ngành Hậu cần không quân đã phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khai thác sử dụng, bảo quản giữ gìn tốt các trang bị, cơ sở vật chất hiện có. Các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy thuộc ngành Hậu cần không quân quản lý đã phối hợp với cơ quan kỹ thuật hàng không nghiên cứu, sửa chữa, sản xuất được một số trang thiết bị đặc chủng, bổ sung cho các phương tiện phục vụ bay như:

         - Cải tiến, sản xuất dây cót và đầu cắm cho các xe khởi động máy bay (xe APA) của Liên Xô.

        - Sản xuất được moóc điện khởi động máy bay (MĐ-36) để thay thế một phần các xe APA trên các sân bay cơ bản.

        - Cải tiến và sản xuất được móc khí nén; ống cao su chịu dầu bổ sung cho các xe tra nạp xăng dầu.

        - Cùng với ngành kỹ thuật hàng không và cơ quan huấn luyện chiến đấu đến các đơn vị bay nghiên cứu thử nghiệm đưa vào sử dụng dầu bay Jet-a1 của các nước tư bản thay cho dầu TC- 1 của Liên Xô trước đây...Bảo đảm cung cấp thay thế kịp thời các loại nhiên liệu cho không quân ta huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới.

        - Đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng, phát động phong trào thi đua "giữ gìn máy tốt bền, kho xưởng kiểu mẫu...", "Doanh trại chính quy sạch đẹp" có hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý giữ gìn trang bị phục vụ bay an toàn và từng bước cải thiện đời sống cho bộ đội Không quân.

        Sau một thời gian dài sử dụng, cơ sở hạ tầng và các công trình trên các sân bay bị hư hỏng xuống cấp nhiều; thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân chủng, ngành Hậu cần không quân đã khảo sát, thiết kế và tổ chức thi công được nhiều hạng mục công trình trên các sân bay:

        - Sửa chữa cơ bản hàng trăm hố bom (trước kia chỉ sửa chữa gấp) trên các sân bay: Nội Bài, Kép, Yên Bái...Sửa chữa, cải tạo, làm mới nhiều công trình bị hưhỏng, sụt lở ở các sân bay phía Nam: Sân bay Đà Nẵng,Phù Cát, Biên Hòa, Phan Rang, Nha Trang, CầnThơ v. v...

        - Xây dựng hàng chục kho xăng dầu có sức chứa lớn thay thế cho hệ thống kho bể dã chiến (ở miền Bắc) và kho bồn cũ (ở phía Nam) .

        - Xây dựng hàng chục ki-lô-mét tường rào bảo vệ  khu để máy bay, khu kho vũ khí, khí tài hàng không,khu kho xăng dầu v.v... trên các sân bay.

         - Xây dựng mới, cải tiến nâng cấp hàng vạn m2 nhà xưởng kỹ thuật, nhà để xe máy, nhà kho v.v... bảo đảm cho tất cả các phương tiện kỹ thuật, xe máy v.v... đều có nhà xưởng khang trang; góp phần quan trọng vào giữ gìn bảo quản, kéo dài tuổi thọ trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động bay an toàn.

        Sau khi hợp nhất 2 Quân chủng Phòng không và Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Nhiệm vụ hậu cần chung của Quân chủng có thay đổi nhưng công tác hậu cần bảo đảm bay không thay đổi mà yêu cầu công tác bảo đảm hậu cần sẽ ngày càng cao hơn. Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Không quân. Xin chúc cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần PK-KQ. Đặc biệt là cán bộ nhân viên hậu cần các sân bay, các đơn vị không quân tiếp tục tiếp bước các thế hệ đi trước, bảo đảm phục vụ bay cho Quân chủng xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ngày càng tốt hơn.

Hà Nội, tháng 8 năm 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 08:24:00 am »

           
CÔNG TÁC KHÁM TUYỂN, GIÁM ĐỊNH SỨC KHOẺ PHI CÔNG VÀ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC TRÊN KHÔNG TRONG 50 NĂM KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đại tá BS. MAI KHẮC THÁI               
Nguyên Phó viện trưởng Viện PK-KQ       

        Để bảo đảm cho mọi hoạt động của không quân, công tác hậu cần đóng một vai trò khá quan trọng, trong đó có ngành Quân y. Để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng không quân nói chung, quân y không quân có một nhiệm vụ đối với lực lượng hoạt động trên không đó là công tác: "Khám tuyển và giám định sức khỏe".

        Từ năm 1955 sau khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã quan tâm đến việc xây dựng lực lượng không quân Việt Nam. Để có được người lái máy bay, chúng ta đã tuyển lựa học viên ở các trường quân đội (như Trường văn hóa Lạng Sơn) và cán bộ chiến sĩ ở các đơn vị quân đội để gửi đi học ở Liên Xô và Trung Quốc. Trong việc tuyển chọn, lúc đầu chúng ta đang còn thiếu cán bộ quân y chuyên ngành, phải nhờ đến sự giúp đỡ kỹ thuật giỏi ở Viện Quân y 108, nhưng về mặt kiến thức y học hàng không, và trang bị kỹ thuật chuyên ngành còn bị hạn chế.

        Để đáp ứng cho công tác hàng y có chất lượng và chủ động, lực lượng không quân cũng đã chọn một số cán bộ quân y không quân đi học ở Liên Xô và Trung Quốc. Trong lúc đó việc khám tuyển phi công vẫn phải tiến hành liên tục. Mặc dù còn nhiều mặt yếu, nhưng với sự cố gắng vượt bậc của quân y không quân, được sự giúp đỡ tận tình của Viện Quân y 108, chúng ta đã đáp ứng đủ yêu cầu học viên bay và nhân viên trên không đưa đi học ở Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc ...

         Đến ngày 1-5-1959 không quân đã thành lập trung đoàn vận tải đầu tiên - trung đoàn 919 - đóng tại sân bay Gia Lâm.

        Ngày 20-8-1959 thành lập Trường huấn luyện Hàng không (nay là Trường sĩ quan Không quân) với trung đoàn huấn luyện bay - trung đoàn 910 đóng ở sân bay Cát Bi.

        Đầu năm 1964 Quân chủng có trung đoàn tiêm kích đầu tiên - trung đoàn 921 - rồi tiếp theo chúng ta có thêm nhiều trung đoàn tiêm kích, vận tải, trực thăng...

        Trước sự phát triển lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng không quân, Quân chủng Không quân từ năm 1965 và gần như hàng năm tiếp theo, gửi nhiều bác sĩ đi học ở Liên Xô về y học hàng không.

        Khi nhận thấy lực lượng quân y không quân đã khá đầy đủ trước yêu cầu khám tuyển, giám định và điều trị cho lực lượng trên không một cách trực tiếp, chủ động, ngày 15-1-1970, Quân chủng Phòng không -Không quân ra quyết định thành lập Bệnh viện Không quân.

        Cũng từ khi bệnh viện thành lập, Đảng ủy và thủ trưởng bệnh viên giao công tác khám tuyển giám định lực lượng trên không cho Hội đồng giám định y khoa không quân của bệnh viện đảm nhận. Hội đồng bao gồm các bác sĩ có đủ kiến thức về y học hàng không của từng chuyên khoa. Nhờ đó công tác khám tuyển, giám định sức khỏe định kỳ, giám định sức khỏe bất thường chất lượng ngày càng cao.

        Các bác sĩ của Hội đồng giám định qua nghiên cứu điều lệ sức khỏe bay của Liên Xô, kết hợp với kinh nghiệm và thực tế của Việt Nam, đã biên soạn được cuốn "Điều lệ khám tuyển và giám định sức khỏe phi công và nhân viên trên không". Sau khi thông qua, Quân chủng đã cho xuất bản để áp dụng trong toàn Quân chủng.

        Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp quản nhiều sân bay, thu chiến lợi phẩm nhiều máy bay chiến đấu và vận tải, đòi hỏi tăng đột biến về số lượng phi công và nhân viên kỹ thuật trên không. Theo chủ trương của cấp trên, Hội đồng giám định y khoa không quân phải tiến hành tuyển chọn lại số phi công và nhân viên bay trước đây vì sức khỏe hoặc vì những lý do khác phải xuống công tác mặt đất để trở lại nghề bay, đồng thời giám định sức khỏe những phi công và nhân viên bay của không quân ngụy ở lại. Nhờ đó mà chúng ta có thêm nhiều tổ lái cho các loại máy bay của ta cũng như của ngụy để lại.

        Không quân Việt Nam đã có nhiều sư đoàn đóng trên các sân bay từ Bắc chí Nam, Trường sĩ quan Không quân ở Nha Trang có nhiều học viên huấn luyện trên 4 sân bay. Trước yêu cầu thực tế về công tác khám tuyển và giám định trên một diện rộng khắp cả nước, ngày 4-4-1977 Quân chủng ra quyết định thành lập "Khoa giám định y học hàng không" nằm trong biên chế của Bệnh viện Không quân, có đầy đủ nhân viên và phương tiện đi lại, tạo thuận lợi không những cho công tác khám tuyển và giám định, mà còn tạo điều kiện bác sĩ hàng y nghiên cứu khoa học và tham gia công tác giảng dạy của bác sĩ hàng y. Các bác sĩ trong khoa giám định còn lần lượt được Quân chủng cho đi Liên Xô tập huấn về Y học hàng không nhiều đợt.

        Để giúp cho bác sĩ của ta rút được nhiều kinh nghiệm và tăng thêm nhiều kiến thức hiện đại của Y học Hàng không của bạn, Quân chủng hàng năm đề nghị 1 đoàn bác sĩ Liên Xô qua giúp ta tuyển lựa học viên bay.

         Một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ quân y không quân đã đóng góp một phần lớn trong việc khám tuyển phi công vũ trụ cho chuyến bay vũ trụ Việt - Xô năm 1980, bạn đã đánh giá cao về khả năng khám tuyển của ta. Quân y không quân không những chỉ tham gia khám tuyển, mà còn theo dõi sức khỏe của phi công vũ trụ Phạm Tuân trước khi bay, trong khi bay và sau khi bay. Ngày 23-4-1987, Chủ tịch ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam do Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu ký quyết định cấp bằng chứng nhận giải thưởng khoa học vì thành tích hoàn thành xuất sắc công trình khoa học nói trên cho 4 bác sĩ: Nguyễn Lung, Lê Minh, Mai Khắc Thái, Dương Trọng Hiệp.

        Qua các giai đoạn xây dựng và trưởng thành của Không quân Việt Nam trong 50 năm qua, công tác khám tuyển và giám định sức khỏe lực lượng trên không của quân y không quân đã đạt những kết quả đáng tự hào:

         Bất kỳ ở giai đoạn nào, quân y không quân cũng bảo đảm tuyển đủ số lượng học viên theo yêu cầu.

        - Giám định sức khỏe định kỳ cũng như bất thường đúng thời gian, đúng điều lệ. Đề ra yêu cầu bảo đảm sức khỏe đúng từng đối tượng, tăng thêm tuổi thọ của lực lượng bay. Đặc biệt quan trọng là không để xảy ra tai nạn bay do sức khỏe phi công.

         Tuy thành tích của quân y không quân rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số yếu điểm còn tồn tại:

        - Chưa đào tạo, bồi dưỡng đủ số bác sĩ hàng y để thay thế những người đã về hưu và để đáp ứng với yêu cầu chính qui hóa của Quân chủng.

        - Trang bị máy móc, kỹ thuật về y học hàng không còn thiếu, còn lạc hậu, do đó, công tác kiểm tra tố chất bay của phi công chưa đạt yêu cầu cao nhất trong không quân hiện đại.

Bạch Mai, ngày 7/11/2004       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 08:32:32 am »

       
VỀ CHỦ TRƯƠNG SỬ DỤNG MÁY BAY ĐỊCH ĐỂ ĐÁNH ĐỊCH TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Trung tướng HOÀNG NGỌC DIÊU                   
Nguyên PTL - Tham mưu trưởng QC PK-KQ             
Đại diện Quân chủng PK-KQ trong chiến dịch HCM       

        Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (3-3-1955 - 3-3-2005), tôi xin ghi lại những sự việc tôi biết trận đánh của Không quân ta ngày 28-4-1975 ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất (SàiGòn).

        Trận ném bom Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975 của Không quân nhân dân Việt Nam như đồng chí Phạm Hùng và Lê Đức Thọ đã nhận xét khi gặp đồng chí Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ và tôi ngày 2-5-1975 ở trại Đa vít, đồng chí nói: "Trận đánh của không quân vào sân bay Tân Sơn Nhất tuy lực lượng không lớn nhưng ý nghĩa rất lớn". Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam đã có một bộ phận lực lượng sử dụng máy bay thu được của địch tham gia tác chiến trực tiếp trong giai đoạn chuẩn bị hỏa lực đã đánh một đòn bất ngờ làm cho kẻ địch đang hoảng loạn lại càng hoảng loạn thêm, góp phần thắng lợi nhanh chóng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

        Trận đánh tuy quy mô không lớn nhưng đây là trí tuệ của cả một tập thể từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Quân khu 5, Quân khu 6, sư đoàn không quân 371, người chỉ đạo trực tiếp và Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh do đó có thể nói thắng lợi trận đánh của không quân ta ngày 28-4 vào sân bay Tân Sơn Nhất là một trận đánh đoàn kết hiệp đồng, trên dưới một lòng lập công tập thể.

        Chủ trương chuyển loại sử dụng máy bay địch để đánh địch là một chủ trương hết sức đúng đắn của trên nhưng cũng là sáng tạo của dưới và kiên quyết, táo bạo chấp hành nhiệm vụ của trên giao, lực lượng quyết định trực tiếp để giành thắng lợi là người lái và nhân viên kỹ thuật máy bay, bộ phận phụ trách chuyển loại do đồng chí Trần Mạnh - Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ phụ trách, đồng chí Phạm Ngọc Lan phụ trách chuyển loại người lái và đồng chí Hồ Thanh Minh phụ trách bộ phận sửa chữa máy bay.

        Tôi không thể viết cụ thể công tác của các đồng chí cũng như động tác hành động chiến đấu của từng người lái trong trận đánh vì bản thân tôi cũng không biết cụ thể chính xác, tôi chỉ ghi lại những việc mình biết và trong nhật ký công tác đã ghi chép lại như sau:

        Ngày 29 tháng 3 sân bay Đà Nẵng được giải phóng, ngày 3 tháng 4 đồng chí Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri đã vào Đà Nẵng và giao nhiệm vụ cho tôi (lúc đó tôi là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ được phân công làm đại diện Quân chủng PK-KQ trong chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng), ở lại Đà Nẵng có 2 nhiệm vụ chính:

        1. Chỉ huy các bộ phận thu chiến lợi phẩm và khôi phục hoạt động các sân bay thuộc Quân khu 5.

        2. Chuẩn bị để chuyển loại người lái ta sử dụng máy bay địch càng nhanh càng tốt. Đến ngày 9-4 đồng chí Đào Đình Luyện, Phó Tư lệnh Quân chủng vào gặp tôi và truyền đạt ý kiến của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng:

        - Bộ Tư lệnh Quân chủng phân công tôi đi làm đại diện Quân chủng PK-KQ trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

        - Giao lại nhiệm vụ tiếp quản các sân bay ở Quân khu 5 và chuyển loại người lái cho đồng chí Trần Mạnh - Tham mưu phó Quân chủng phụ trách.

        Lực lượng phòng không chiến dịch Hồ Chí Minh ngoài các lực lượng phòng không đã có Quân chủng chỉ tăng thêm một đại đội tên lửa mang vác.

        Tôi có trao đổi tình hình với đồng chí Đào Đình Luyện để về báo cáo với Bộ Tư lệnh Quân chủng.

         Để chuẩn bị cho không quân ta tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh ngoài việc chuyển loại sử dụng máy bay địch nên chuẩn bị trung đoàn 921 sẵn sàng vào Đà Nẵng để khi cần thiết có thể vươn vào phía Nam.

        Đồng chí Luyện về Hà Nội, tôi ở lại Đà Nẵng họp, đồng chí Trần Mạnh - Tham mưu phó Quân chủng, đồng chí Phạm Ngọc Lan, đồng chí Hồ Thanh Minh phụ trách kỹ thuật và một số đồng chí bảo vệ khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 09:53:32 pm »


        Giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Mạnh ở lại thay tôi, đồng chí Phạm Ngọc Lan nghiên cứu chuyển loại người lái, đồng chí Hồ Thanh Minh phụ trách máy bay sửa chữa và phục vụ cho chuyển loại. Các đồng chí bảo vệ phải thẩm tra lại tù binh nhất là người lái và nhân viên kỹ thuật, những người không phạm tội ác nghiêm trọng cho họ ra phục vụ để nhanh chóng chuyển loại máy bay theo lệnh của Bộ và Quân chủng.

        Trong thời gian đó tìm ở các trại giam của Quân khu 5 cũng chỉ có 2 lái máy bay A37 (trong đó có 1 lái A37 đã chuyển loại lái F-5) còn lại chúng đã bỏ chạy vào Sài Gòn hết; máy bay A37 hư hỏng nhiều sân bay Đà Nẵng và Phù Cát có trên 30 chiếc nhưng máy bay dùng được cũng chỉ có 6 - 7 chiếc. Tôi nói với đồng chí Lan và Minh: "Lệnh Bộ Tổng tư lệnh là phải nhanh chóng chuyển loại cho người lái ta để sử dụng máy bay địch đánh địch" .

        Trước mắt huấn luyện viên chưa có, mới tìm được hai lái ngụy còn kỹ thuật sửa chữa A37 lại chưa biết, đang mò mẫm.

         Đồng chí Phạm Ngọc Lan và đồng chí Hồ Thanh Minh nói "Chúng tôi quyết tâm khôi phục nhanh và anh em đã sửa được hai chiếc cho nổ máy thấy rất tốt", đồng chí Phạm Ngọc Lan nói "Tôi đã cùng hai tay lái ngụy tìm hiểu kỹ thuật lái A37 và hiện nay ở Đà Nẵng có một vài máy bay A37 có thể dùng để bay chuyển loại được".

        Anh Trần Mạnh nói với tôi: "Anh cứ yên tâm đi chiến dịch, tôi sẽ tiếp tục làm việc với anh em, nhất định sẽ thực hiện được nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng giao".

         Tôi cảm động bắt tay anh Mạnh và đến chiều hôm đó lên gặp anh Lê Trọng Tấn nhận nhiệm vụ đi theo chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Ngày 23-4 khoảng 10 giờ, tôi đang ở với bộ phận cơ quan Bộ Tổng tham mưu ở Mường Mán, đồng chí Tấn gặp tôi và nói: "Đồng chí Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch gọi đồng chí lên Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận nhiệm vụ”. Ngày 24-4-1975 tôi lên đường, gần tối đến Lộc Ninh vào trạm nghỉ của Bộ tư lệnh chiến dịch ở lại đó.

        15 giờ 00 chiều 25-4 vào gặp đồng chí Văn TiếnDũng, Tư lệnh chiến dịch (hôm đó có đồng chí Hoàng Dũng - phó văn phòng Bộ Tổng tham mưu dự và ghi chép), tôi trực tiếp báo cáo tình hình tiếp quản các sân bay ở Quân khu 5, xong đồng chí bất ngờ hỏi tôi "Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã có ý định sử dụng không quân trong chiến dịch này như thế nào?", tôi trả lời "ngày 9-4 tôi có đề nghị Bộ Tư lệnh Quân chủng sử dụng trung đoàn 921 chuyển sân vào Đà Nẵng để khi cần vươn vào hoạt động phía Nam". Đồng chí Văn Tiến Dũng chậm rãi nói: "Lần này Bộ tư lệnh chiến dịch muốn sử dụng máy bay của địch để đánh địch, để xây dựng truyền thống cho không quân ta được tham gia trực tiếp chiến dịch lịch sử này đẩy nhanh kẻ địch càng rối loạn từ đó có thêm kinh nghiệm cho việc huấn luyện xây dựng và chiến đấu của không quân ta trong tương lai".

        Đồng chí Văn Tiến Dũng hỏi: "Đồng chí có biết đã chuyển loại sử dụng máy bay của địch ở sân bay Đà Nẵng và Phù Cát như thế nào chưa?” Tôi trả lời "Ngày 12-4 tôi và đồng chí Mạnh đã bàn kế hoạch chuyển loại sử dụng A37 nhưng từ đó tôi không theo dõi tình hình cho nên không biết đến nay đã đến đâu”. Đồng chí VănTiến Dũng nói: "Đồng chí không biết cũng đúng thôi, tôi sẽ điện hỏi Bộ Tư lệnh Quân chủng ở Hà Nội". Tôi đề nghị thêm: "Đề nghị đồng chí nên đặt thêm một phương án nếu ta chưa chuyển loại kịp thì có thể sử dụng một mình Nguyễn Thành Trung đánh, làm thế nào có tiếng bom vào Sài Gòn là tốt rồi, bọn này rất sợ không quân nên bị hỗn loạn". Đồng chí Văn Tiến Dũng đồng ý, đồng chí Văn Tiến Dũng nói ta nên bàn cụ thể thêm: "Mục tiêu cần đánh có 3 mục tiêu: Bộ Tổng tham mưu, kho dầu, sân bay Tân Sơn Nhất; đồng chí chọn mục tiêu nào?". Tôi trả lời nên chọn sân bay Tân Sơn Nhất, sân đậu máy bay, mục tiêu dễ chọn, không quân ta tập kích vào sân bay địch làm cho địch dễ hoảng loạn hơn, tôi nói thêm: “Đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy cũng được vì đó là cơ quan đầu não của ngụy quân nhưng khó chọn mục tiêu cũng như đánh vào kho xăng dầu vào nhiên liệu bốc cháy gây hoang mang cho địch, nhưng những mục tiêu đó ném bom rất khó chính xác".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 09:55:44 pm »


        Đồng chí Văn Tiến Dũng hỏi tôi nên chọn đường bay nào vừa an toàn vừa đủ xăng dầu để anh em trở về Thành Sơn. Tôi nói: "Nếu đi dọc theo đường 1 dễ xác định các điểm kiểm tra không lạc, nhưng hỏa lực Phòng không của ta rất mạnh, quân đoàn 2, quân đoàn 4 sư đoàn phòng không 367 đang hành quân và đóng quân gần đường một dễ bị bắn nhầm không an toàn, dễ bị địch phát hiện sớm vì máy bay từ hướng Bắc vào". Đồng chí hỏi tiếp: "Thế thì theo ý kiến đồng chí nên chọn đường bay nào?". Tôi nói nên chọn bay từ Thành Sơn: bay ra biển, bay thấp đến gần mõm Vũng Tàu ngoặt vào Sài Gòn đánh luôn, như thế thì tránh được lực lượng phòng không, bảo đảm an toàn bí mật bất ngờ đối với địch, đồng chí Văn Tiến Dũng hỏi tiếp: "Dầu có đủ không”, tôi nói: Đủ.

        Đồng chí Văn Tiến Dũng kết luận: "Đồng ý với mục tiêu đánh vào sân đỗ máy bay của sân bay Tân SơnNhất".

         Đường bay nhất trí như đồng chí đã đề nghị, sau đó đồng chí Văn Tiến Dũng nói đến ngày đánh, đồng chí nói chỉ có một ngày 28-4 vì pháo binh tầm xa của ta ở trận địa Nhơn Trạch, đều lệnh ngừng bắn vào Tân Sơn Nhất tất cả các quân đoàn đã áp sát Sài Gòn và không quân ta ném bom dễ bị trúng vào ta, đồng chí còn nhắc đi nhắc lại: "Không quân chỉ có một ngày, chỉ có một lần" và đồng chí hỏi tôi: "Thời gian để chuẩn bị rất gấp, phải đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong vài ba ngày tới, liệu có làm được không?". Tôi trả lời: "Chúng tôi xin kiên quyết chấp hành bằng được, xin phép cho tôi lên đường ra Phan Rang ngay tối nay và đề nghị điện lệnh này cho đồng chí Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng, để cho chuyển ngay người lái, thợ máy và máy bay từ Đà Nẵng vào sân bay Thành Sơn".

         Đồng chí Văn Tiến Dũng bảo tôi viết điện để đồng chí ký, tôi đã viết điện, nội dung như sau: "Điện gửi đồng chí Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ.

         Bộ Tư lệnh chiến dịch có ý định sử dụng không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh để xây dựng truyền thống cho không quân ta, dùng máy bay A37 của địch, người lái ta đã chuyển loại ở sân bay Phù Cát để đánh. Tôi đã lệnh cho đồng chí Hoàng Ngọc Diêu ra sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chuẩn bị, ngày 26-4-1975 đồng chí vào sân bay Thành Sơn gặp đồng chí Diêu.


Văn Tiến Dũng       

        Về sân bay Thành Sơn gặp bộ phận tiếp quản gồm trên 30 cán bộ tham mưu, hậu cần họp bàn để chuẩn bị tiếp thu máy bay hạ cánh sớm nhất là ngày 27-4-19 75. Tất cả anh em đều phấn khởi và rất tích cực, người thì đi dọn đường băng để bảo đảm an toàn vì vỏ đạn và đạn rất nhiều, đài chỉ huy chưa có ai khôi phục lại hệ thống máy nổ, hệ thống thông tin, nhưng trong bộ phận tù binh đã có mấy thợ máy nổ, mấy thợ thông tin và một số kỹ thuật mặt đất, lái xe v.v...

        Được tin, chiều 26-4 khoảng 14 giờ đồng chí Nguyễn Hồng Nhị - sư đoàn phó sư 371 và một số anh em tham mưu vào để giúp tổ chức chỉ huy, đi trên máy bay trực thăng Mi8, đến Nha Trang đỗ xuống, khi cất cánh ở độ cao hơn 1m đã bị một đơn vị địa phương bắn nhầm, nhưng tất cả tổ lái và cán bộ đi trên máy bay an toàn.

        16 giờ tôi cùng với đồng chí Thân trợ lý tác chiến, ra sân bay Nha Trang và đến Bộ tư lệnh tiền phương của Quân khu 5 (đồng chí Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh, đồng chí Lư Giang làm phó tư lệnh) để hợp đồng lại vì trước đó mấy ngày Bộ Tổng tham mưu đã lệnh cho Quân khu 5 không được bắn vào máy bay, tiền phương quân khu đã lệnh cho các đơn vị nhưng có đơn vị chưa quán triệt lệnh của Bộ Tổng tham mưu.

        Sau khi gặp đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Lư Giang, tôi đã nói ý định sử dụng không quân của Bộ tư lệnh chiến dịch và nhắc lại lệnh của Bộ Tổng tham mưu, các đồng chí đều nói để thông báo lại và cho cán bộ đi kiểm tra kỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 09:57:17 pm »


        Trở về sân bay Thành Sơn, gặp đồng chí Nguyễn Hồng Nhị và anh em, đêm đó tôi đã bàn tất cả kế hoạch triển khai sân bay Thành Sơn với đồng chí Hồng Nhị và phân công đồng chí Nguyễn Hồng Nhị đi sâu vào tổ chức chỉ huy và khôi phục đài chỉ huy cất hạ cánh sân bay Thành Sơn.

        Đến ngày 26-4 chúng tôi có gần 50 người đủ các loại thợ kỹ thuật (trong đó có gần 10 ngụy quân lấy ở các trại giam), ngày và đêm 26-4 tất cả công việc cơ bản đã chuẩn bị xong.

        Ngày 27-4-1975, nhận được điện của Quân chủng báo: Ngày 28-4 đồng chí Lê Văn Tri vào và chuyển sân từ Phù Cát vào Thành Sơn, tôi vẫn cứ lo ngày 28-4- 1975 đồng chí Lê Văn Tri vào không biết xuất kích có kịp không.

        Đúng 13 giờ ngày 28 tháng 4 đồng chí Lê Văn Tri vào sân bay Thành Sơn bằng Mi8, đi theo có đồng chí Trần Hanh, Tư lệnh sư đoàn 371 và một số cán bộ của sư đoàn. Tôi báo cáo lại tất cả mệnh lệnh của đồng chí Văn Tiến Dũng đã ra lệnh, bao gồm mục tiêu, đường bay và ngày đánh, nhấn mạnh ngày 28-4, không đánh thì mất thời cơ, đồng chí Tri nói vì sao ta không thêm 1 ngày nữa là ngày 29-4-1975, tôi trả lời: "Đồng chí Dũng đã nhấn mạnh chỉ có 1 ngày vì ngày 29-4-1975 các quân đoàn đã áp sát Sài Gòn không đánh được, ta lại không có liên lạc để xin lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch" đồng chí Tri đồng ý chỉ có 1 ngày 28-4.

        9 giờ 30 phút ngày 28-4 phi đội Quyết thắng cất cánh ở sân bay Phù Cát và sau 1 giờ hạ cánh ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chuẩn bị xuất kích, 14 giờ 30 phút Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội.

        16 giờ 25 phút ngày 28-4 cất cánh xuất kích, trên đài chỉ huy sân bay Thành Sơn có: Tư lệnh Lê Văn Tri -Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu và đồng chí Trần Hanh - Tư lệnh sư đoàn 371 trực tiếp cầm ống nói chỉ huy cất cánh.

         Phương tiện chỉ huy chỉ có thông tin đối không, không có ra đa mà chẳng có dẫn đường. Phi đội Quyết thắng được lệnh cất cánh, đi đầu số 1 đồng chí Nguyễn Thành Trung, không phải phi đội trưởng nhưng được giao nhiệm vụ dẫn đội và xác định mục tiêu vì đồng chí đã từng ở sân bay Tân Sơn Nhất, đồng chí Từ Đễ đi số 2, đồng chí Nguyễn Văn Lục đi số 3 (đồng chí Lục được chỉ định làm phi đội trưởng Quyết thắng nhưng không thạo địa hình bằng đồng chí Nguyễn Thành Trung do đó đi số 3), Hoàng Mai Vượng số 4, Hán Văn Quảng số 5, đúng 16 giờ 25 phút, phi đội cất cánh đã hoàn thành nhiệm vụ của trận đánh lịch sử. Đúng 18 giờ 15 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975 phi đội đã hạ cánh an toàn trên sân bay Thành Sơn (Phan Rang), đồng chí Tư lệnhQuân chủng Lê Văn Tri đã đợi các đồng chí ở sân đỗ và bắt tay từng đồng chí, ai cũng phấn khởi hân hoan trước thắng lợi của phi đội Quyết thắng.

        Đêm 28-4-1975 chúng tôi ngủ lại sân bay Thành Sơn, khoảng 11 giờ đang ngủ thì tiếng bom nổ gần nhà đồng chí Lê Văn Tri và tôi đang ở. Sau này mới phát hiện 2 lần máy bay F-5E của địch đã đến cắn trộm trước thất bại thảm hại của chúng, đấy là tiếng bom báo hiệu ngày tận số của ngụy quyền Sài Gòn và ngụy quân nói chung không quân ngụy nói riêng ở phía ta một thiếu úy thông tin bị thương nhẹ ở chân, anh em nói đùa đây là một vết thương rất đẹp ghi lại ngày chiến thắng của không quân ta.

        Sáng ngày 29-4-1975 tôi đi vào Xuân Lộc gặp đồng chí Lê Trọng Tấn, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 được tin giải phóng Sài Gòn, ngày mồng 2 tháng 5 năm 1975 vào sân bay Tân Sơn Nhất gặp đồng chí Lê Văn Tri, đồng chí Tri và tôi cùng nhau đi xem lại khu vực sân đỗ máy bay địch bị ta ném bom, xác 10 chiếc máy bay vận tải của không quân địch đã bị cháy và hư hỏng nặng. Chúng tôi vào trại Đa vít gặp đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Lê Đức Thọ đang ở đó, đồng chí Tri báo cáo tình hình thu chiến lợi phẩm và hệ thống sân bay của ngụy, báo cáo trận đánh của không quân ta vào sân bay Tân Sơn Nhất, các đồng chí rất vui và khen ngợi không quân ta đã tích cực tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và nói: "lực lượng không lớn nhưng ý nghĩa lịch sử rất lớn". Đồng chí Hùng rất phấn khởi và thân mật hỏi đồng chí Tri: "Cậu thấy cơ sở của miền cài vào địch có ngon không" ý nói đồng chí Nguyễn Thành Trung một đảng viên của ta hoạt động bí mật trong không quân ngụy. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng cùng chúng tôi chụp chung tấm ảnh ở trại đa vít và tấm ảnh này tôi xin gửi tặng Viện lịch sử Quân đội để ghi lại trận thắng của không quân ta trong chiến dịchHồ Chí Minh lịch sử.

Hà Nội, ngày 7-12-1996.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 10:00:04 pm »

       
TRONG VÒNG VÂY ĐỊCH GIỮA CĂN CỨ QUÂN SỰ TÂN SƠN NHẤT

Đại tá HÀ CÂN                                       
Nguyên phó Ban tác chiến BTL KQ,                           
Nguyên thành viên đại biểu quân sự Chính phủ CMLTCHMNVN       
Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên,                         
Nguyên Tổng cục Phó Tổng cục HKDD Việt Nam                   

        Tháng 10 năm 1972, tôi rời phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Không quân từ nơi sơ tán ở Tiên Phương về Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ ở Ban nghiên cứu hiệp định mà ta sẽ ký với Mỹ.

        Ngày 20-1-1973 tôi ở trong đoàn tiền trạm đi Pa-ri để chuẩn bị triển khai các tổ sĩ quan liên hợp một khi hiệp định được ký kết. Nhưng phía Mỹ đề nghị việc họp triển khai sẽ làm tại Sài Gòn, do đó bộ phận chúng tôi lại từ Pa-ri về Sài Gòn. Như vậy là để đi từ Hà Nội vào Sài Gòn chúng tôi phải đi vòng qua châu Âu, một chuyến đi du lịch bất đắc dĩ.

        Tôi được phân công vào tiểu ban quân sự của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam một cái tên dài dằng dặc như cuộc kháng chiến trường kỳ! Là một cán bộ tham mưu, ngoài những nhiệm vụ quân sự chung, tôi còn được phân công theo dõi và giải quyết những vụ có liên quan đến không quân.

        Việc đầu tiên tôi tham gia giải quyết là vụ Mỹ khiếu nại máy bay CH-47 của Mỹ phục vụ ủy ban Quốctế bị bắn rơi ở phía Nam thị xã An Lộc trên đường 13. Mỹ nói quân giải phóng đã bắn rơi máy bay đó khi nó đã làm xong nhiệm vụ chở hàng do tổ quốc tế ở An Lộc, bên ta nói là không có chứng cứ. Cãi qua, cãi lại cả tuần lễ, Mỹ ngán quá, tuyên bố bỏ cuộc!

         Vừa hết thời hạn 60 ngày, Mỹ phải rút hết quân khỏi Việt Nam, ta trả hết tù binh Mỹ bị bắt thì xảy ra sự kiện Ly Tôn: 2 máy bay UH-1 của hãng Air America chở sĩ quan ủy ban Quốc tế từ Quảng Trị lên Lao Bảo thì một chiếc bị rơi gần bản Ly Tôn, chiếc còn lại hạ cánh khẩn cấp xuống con đường ta mới mở từ Lao Bảo đi Sa Trầm (ngày 7-4-1973) trong vụ này, 1 sĩ quan Hung-ga-ri, 2 sĩ quan Indonesia, 2 sĩ quan Chính phủ cách mạng lâm thời và tổ lái Air America 3 người (2 Mỹ, 1 Philippin) chết.

        Báo chí ngụy ở Sài Gòn nhân dịp này công kích ta vi phạm Hiệp định Pa-ri, nhưng bản kết luận của 4 trưởng đoàn quân sự ủy ban Quốc tế không có lý do nào quy kết lỗi của phía ta mà chỉ nói lý do máy bay UH-1 của ủy ban Quốc tế bị tai nạn là do bay chệch hành lang qui định quá xa (45 - 50km) sau đó, đoàn Canađa đề nghị cho đi điều tra lại vì họ nói là vị trí của chiếc UH-1 còn lại, sau khi hạ cánh khẩn cấp đã bị dời đi sâu vào phía lãnh thổ kiểm soát. Tuy biết họ có âm mưu lật lại vấn đề nhưng để tỏ thiện chí, bên ta vẫn đồng ý cho các đại diện ủy ban Quốc tế lên lại chỗ xảy ra tai nạn để xác minh lại và đưa chiếc UH-1 còn lại về Huế.

        Nhiệm vụ được giao cho tổ sĩ quan ủy ban Quốc tế khu vực 1 đóng ở Huế và tổ sĩ quan Chính phủ cách mạng lâm thời đóng ở Gio Linh. Phần lớn các trưởng tổ sĩ quan các nước ở các khu vực là cấp đại tá thay phiên nhau làm chủ tịch, nhưng lần này đến phiên Hung-ga-ri làm chủ tịch thì chỉ là trung úy, điều khiển 3 đại tá Canada, Ba-lan, Indonesias lý do là đại tá trưởng tổ Hung-ga-ri ở Huế đi Sài Gòn chữa răng. Tôi được cử làm sĩ quan liên lạc. Được ra Huế và thăm vùng giải phóng, tôi rất phấn khởi. Từ Sài Gòn ra Huế đi bằng máy bay nhỏ và từ sân bay Phú Bài ra Quảng Trị bằng ô tô.

        Khi họp bàn việc đi lên địa điểm xảy ra tai nạn đại tá Canada đề nghị đi bằng máy bay tắt qua rừng, không theo đường số 9. Ta dại gì cho họ bay qua vùng rừng mà dưới đó quân ta đang tập kết số lượng lớn để cho họ tha hồ dòm ngó. Bên ta bác ngay: "Chúng tôi đã chuẩn bị xe ô tô đưa đoàn đi. Đi máy bay trực thăng không theo hành lang thì chúng tôi không bảo đảm an toàn".

        Ngày hôm sau, một đoàn xe Bắc Kinh mới toanh đưa các vị lên Ly Tôn, nơi chiếc UH-1 còn lại đang đỗ trên đường Trường Sơn Đông. Chủ tịch tổ quốc tế cám ơn phía Chính phủ cách mạng lâm thời đã bảo quản tốt máy bay và sẵn sàng phương tiện (2 xe Kraz) để đưa về bờ bắc sông Thạch Hãn. Tôi đề nghị các đại biểu ủy ban Quốc tế ký xác nhận là máy bay vẫn ở nguyên vị trí ban đầu và trong trạng thái tốt. Các đại biểu đồng ý, nhưng riêng đại tá Canada không chịu ký. Tôi nói: Có một vị không chịu ký thì tôi phải đi xin ý kiến cấp trên và như vậy tối nay xin mời các vị ở lại đây với chúng tôi!

        Trời đã về chiều, Canada vẫn không chịu ký, tôi hội ý với đơn vị tại chỗ sửa soạn một lán để các sĩ quan"công tử" ngủ lại rừng. Thấy bên ta không nhân nhượng, trung úy Berentês (Hung-ga-ri) gặp riêng tôi: Tôi đồng ý để tổ quốc tế ở lại đêm nay, nhưng đề nghị đồng chí báo cáo cấp trên là nhân danh chủ tịch tổ quốc tế khu vực 1, tôi sẽ ký xác nhận để sáng mai tổ quốc tế nhận máy bay. Tôi đi đến sở chỉ huy quân ta đóng cách hơn 1km báo cáo tình hình và xin ý kiến. Đồng chí chủ nhiệm chính trị đồng ý chấp nhận đề nghị của chủ tịch ủy ban Quốc tế.

        Sáng hôm sau, đơn vị tên lửa đóng gần đó cho mượn một xe cần cẩu để đưa chiếc trực thăng do các thợ máy Mỹ và Philippin đã tháo rời lên 2 chiếc xe Kraz chở về bờ bắc sông Thạch Hãn. Đến đó, đại tá Canada vui vẻ nói: "Bây giờ tôi sẵn sàng ký". Tôi cám ơn khéo: "Tôi chỉ cần ông kỹ thuật viên của Air America ký là đã nhận lại chiếc UH-1 trong tình trạng tốt?"

        Như vậy là đã dẹp được một âm mưu dùng máy bay của ủy ban Quốc tế để trinh sát đường Đông Trường Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 10:01:48 pm »


        Tôi cũng đã làm dẫn đường cho máy bay UH-1 đi vào vùng giải phóng của ta ở Phú Yên để nhận tù binh ta trả từ Tuy Hòa tôi lên ngồi gần người lái chính để chỉ địa điểm hạ cánh. Đã xác định tọa độ X, Y tôi lấy điểm cắt nhau giữa đường quốc lộ 1 và đường sắt gần ga Chí Thanh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) làm điểm kiểm tra, đến đó tôi bảo người lái bay 270 độ trong 5 phút.Gần hết phút thứ 5, mặt người lái Mỹ rạng rỡ khi nhìn thấy tín hiệu chữ T bằng vải trắng trên một vạt ruộng khô giữa những quả đồi thấp. Anh ta quay sang tôi, giơ ngón tay cái và nói: "Như vậy là chúng ta đến đích an toàn, không trục trặc gì". Tôi trả lời: Đi với tôi, sợ gì trục trặc Thật ra tôi cũng hơi lo, vì chưa đến đây lần nào, lỡ ra có sai lệch gì đó về tọa độ điểm đón mà không đến được đích thì rất phiền phức.

        Những chuyến C 130 Mỹ đi Hà Nội .

        Theo thỏa thuận giữa ta và Mỹ thì hàng tuần sẽ có một chuyến C130 của không quân Mỹ chở sĩ quan của đoàn đại biểu quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa từ Tân Sơn Nhất về Hà Nội báo cáo. Trên các chuyến bay đó ngoài các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, còn có các cán bộ quân giải phóng về thăm gia đình ở miền Bắc và sĩ quan ngụy đi tham quan Hà Nôi. Mấy chuyến đầu ưu tiên cho các đồng chí đi B lâu ngày rồi dần dần đến hết lượt. Tôi cũng vài lần được về gặp gia đình ở chiêu đãi sở Gia lâm.

         Năm 1975, tôi đi trong chuyến ra Hà Nội giáp tết ất Mùi máy bay đã đến Gia Lâm, lượn mấy vòng nhưng không hạ cánh mà quay trở về lý do "khí tượng xấu”. Ta đấu tranh nên ngày hôm sau lại đi tiếp. Đã đến giờ dự báo hạ cánh mà chưa thấy giảm độ cao, tôi vào buồng lái xem màn ra đa thì thấy đang lượn ngoài cửa sông Đáy, không chịu vào Gia Lâm, tôi bảo người lái đưa micro cho tôi nói chuyện với sân bay Gia Lâm. Nghe tiếng anh Lê Quỳ trả lời: Trần mây 200m tầm nhìn 3km, thừa tiêu chuẩn mở của sân bay, máy bay Aeroflot vừa xuống xong!

        Tôi nói ngay với một kiểm tra viên bay Mỹ: "Tình hình khí tượng cho phép, trên máy bay có 2 trung tá kiểm tra viên mà không đưa được máy bay hạ cánh, không hiểu trình độ phi công Mỹ thế nào?".

        Y tức máu: 'Khí tượng xấu vậy chứ xấu nữa chúng tôi vẫn hạ cánh được, chúng tôi không xuống vì lý do khác kia?".

        Như vậy là đã rõ, phía Mỹ cố tình phá, không cho 2 đoàn ta ở Tân Sơn Nhất nhận được thư từ, quà tết mà cơ quan thi hành hiệp định đã chuẩn bị. Tết đó, không có cành đào Nhật Tân, không có bánh chưng Hà Nội. Các phu nhân đi đón hụt các đức ông chồng không ngớt lời chửi Mỹ: Đồ đểu.

        Từ giữa tháng 4- 1975, khi quân ta tiến gần Sài Gòn, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu: Từng tổ đào công sự trong nhà, có lỗ châu mai nhìn ra đường, đào giao thông hào ngầm từ nhà nọ sang nhà kia, nối với sở chỉ huy và hầm cứu thương, dự trữ nước uống, lương khô (1 người 1 thùng lương khô Trung Quốc), mỗi người trang bị 1 súng AK, 1 khẩu K59 và mấy quả lựu đạn chống tăng... giờ ăn không tập trung ở nhà ăn mà từng tổ lấy cơm về nhà ăn.

        Chiều 28-4-1975, đang ăn cơm thì nghe tiếng bom nổ sát bên cạnh, chúng tôi vội vàng nhảy xuống hầm. Im ắng, không nghe thêm tiếng bom, chỉ thấy khói bốc lên phía bên sân bay không biết máy bay ngụy làm đảo chính hay máy bay nào vậy. Một hành động phản chiến như Nguyễn Thành Trung 20 ngày trước đây? Độ 1 giờ sau, BBC đã đưa tin: 4 máy bay A37 sau khi ném bom Tân Sơn Nhất đã bay về hướng Bắc: Lại phán đoán: Máy bay "ta" chăng? Đến tối, đài phát thanh tiếng nói Việt Nam loan báo: Máy bay ta đã ném bom khu sân đỗ máy bay ở Tân Sơn Nhất, tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ -ngụy.

        Chúng tôi nhận định: Trận đánh giải phóng SàiGòn sắp bắt đầu vì quân ta đã chiếm Biên Hòa, Long Thành rồi. Giờ giải phóng sắp điểm kiểm tra lại trang bị cá nhân, sẵn sàng cho phương án trụ lại nếu bị địch tấn công vào trại, cùng lắm là một đêm thì bộ đội ta sẽ vào đến nơi.

        3 giờ sáng 29-4 một loạt đạn pháo lớn nổ nghe chát chúa, tất cả như lò xo bật dậy cầm súng lăn xuống hầm. Pháo bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ngồi dưới hầm, nghe tiếng đạn chạm đất rất gần, mảnh đạn bay rào rào và rơi lộp bộp trên mái nhà bằng fibrô-ximăng. Trại chúng tôi nằm giữa một bên là sân đậu máy bay, một bên là khối bổ sung của sư đoàn dù ngụy, nên các pháo thủ 122mm của ta dù lấy phần tử bắn chính xác đến đâu cũng không thể hạn chế đạn rơi vào trại Davis. Suốt ngày 29-4, pháo ta vẫn tiếp tục dội vào Tân SơnNhất lúc nhặt, lúc thưa. Thỉnh thoảng một vài máy bay còn liều lĩnh cất cánh chạy trốn. Chúng tôi phán đoán là pháo ta từ phía Nhơn Trạch bắn vào vì nghe tiếng nổ "đề pa" từ phía Đông Nam thành phố.

         Sáng ngày 30-4, một loạt pháo cấp tập nữa dội vào Tân Sơn Nhất, rồi thì im ắng.

        Ban chỉ huy đoàn báo tin quân ta đã đến Bà Quẹo, đến sư đoàn dù... rồi ra lệnh cho anh em lên khỏi hầm huẩn bị đón quân ta vào.

        Một lá cờ nửa đỏ nửa xanh khá lớn đã được kéo lên trên đỉnh tháp nước của trại. Nhìn ra đường, cơ man là quân trang quân dụng của lính dù vứt lại bỏ chạy.

        Ôi thật cảm động và không bao giờ quên, chúng tôi đã trực tiếp nhìn thấy cảnh Sài Gòn được giải phóng.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 10:03:52 pm »

       
ĐẰNG SAU MỘT CHIẾN CÔNG

ĐOÀN HOÀI TRUNG                           
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Hồ Thanh Minh       
Nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân)         

        Tháng 4 về! Cây bằng lăng trước cổng Quân chủng Phòng không - Không quân nở hoa tím ngắt một góc trời; cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát cả nhà Cánh én và khắp nơi râm ran tiếng ve kêu gọi hè. Tháng tư thật nhiều cảm xúc, tháng tư cũng thật nhiều kỷ niệm với bộ đội. 38 năm trước không quân đánh thắng trận đầu vào tháng tư và 10 năm sau đó vào ngày 28 tháng 4 năm1975, phi đội Quyết thắng đánh trận cuối cùng vào sânbay Tân Sơn Nhất góp phần giải phóng miền Nam,thống nhất đất nước .

        Tôi tìm đến Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ kỹ thuật hàng không Hồ Thanh Minh, nguyên là phó trưởng phòng máy bay Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân, tổ trưởng tổ đặc nhiệm để thực hiện nhiệm vụ "Lấy máy bay địch đánh địch, vào những ngày ấy". Qua bao năm trận mạc xông pha và qua tìm tòi nghiên cứu về các trận đánh của cha ông ta, Thiếu tướng đã đúc rút ra được những điều tâm đắc :

        "Không có một chiến thắng nào mà không có sự dày công chuẩn bị. Không có chiến công nào mà không có tổn thất và thương vong. Không có một toàn thắng nào không để lại sự kinh ngạc cho quân thù”.

        Riêng với trận phi đội Quyết thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất thì Thiếu tướng cho rằng là một trận đánh nằm ngoài đúc kết đã nêu. Đó là, một trận đánh có một chiến công lịch sử mà không có một thương vong và tổn thất nào. Chiến công xuất sắc của phi đội Quyết thắng góp phần cùng bộ đội pháo binh chặt đứt cầu hàng không cuối cùng của Mỹ - ngụy, mà chỉ 6 tiếng đồng hồ sau trận đánh, Tổng thống Mỹ phải lập tức ra lệnh không quân Mỹ tổ chức chiến dịch di tản mang tên "Người liều mạng" bằng hàng trăm máy bay, trực thăng để đưa những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn.

        Với chất giọng miền Trung đầm ấm, nhẹ nhàng,Thiếu tướng Hồ Thanh Minh kể lại:

        ...Ngay trong những năm chiến tranh ác hệt, tôi đã được cử đi nghiên cứu sinh về động cơ máy bay, trong đó có cả các loại động cơ máy bay quân sự của Mỹ đang sử dụng ở miền Nam. Sau này phi công Hồ Duy Hùng được cài trong hàng ngũ của không quân ngụy Sài Gòn đã lấy được máy bay trực thăng UH-1, đưa ra miền Bắc lắp ráp lại, rồi phi công ta nghiên cứu cách sử dụng máy bay do Mỹ sản xuất. Sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng cuối tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã khẳng định thời cơ chiến lược để tổng tiến công nổi dậy giải phóng miền Nam đã có. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, phi công Nguyễn Thành Trung của ta cài trong hàng ngũ địch đã lái chiếc F-5E cất cánh từ sân bay Biên Hòa ném bom Dinh Độc Lập và hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long, tạo thuận lợi cho không quân ta sau này tổ chức đánh vào Tân Sơn Nhất. Đầu tháng tư, ở Quân chủng đã có chuẩnbị phương án dùng máy bay địch đánh địch. Ngày 19 tháng 4, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định sử dụng máy bay địch đánh địch. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, mạo hiểm, thần tốc nhưng hoàn toàn chính xác. Bởi vì nếu sử dụng MIG-17, hoặc MIG-21 thì có bất lợi về nhiều mặt. Mỹ có thể vin cớ đó mà can thiệp trở lại, hơn nữa các phương tiện bảo đảm như xăng dầu, máy điện khí, xe tra nạp, bom đạn... vận chuyển từ xa vào sẽ không kịp. Máy bay ta lại mang ít bom và không thể bay xa được ... Bộ Tư lệnh giao nhiệmvụ cho đồng chí Trần Mạnh - Tham mưu phó Quân chủng chịu trách nhiệm về cách đánh; đồng chí Phạm Ngọc Lan lo việc chuyển loại máy bay cho người lái; tôi chịu trách nhiệm khôi phục, sửa chữa máy bay vừa thu được của địch. Cùng tổ đặc nhiệm với tôi có các đồng chí: Kỹ sư đặc thiết Nguyễn Văn Soạn, kỹ sư vũ khí hàng không Nguyễn Đình Thủy, kỹ sư động cơ máy bay Nguyễn Anh Tuấn và 12 thượng sĩ nhất của sư đoàn 1 không quân ngụy Sài Gòn. Lúc này ở sân bay Đà Nẵng có 15 chiếc A37, nhưng 13 chiếc bị hỏng, chỉ còn 2 chiếc chưa kịp cất cánh, đã bị ta bắn chết phi công, máy bay xịt lốp nằm chình ình ở bên đường băng. Chúng tôi bắt tay vào khôi phục được 2 chiếc máy bay này cho anh em phi công đã lái MIG-17 do Liên Xô sản xuất, để luyện tập chuyển sang bay loại máy bay A37 do Mỹ sản xuất.

        Sáng 23 tháng 4, máy bay trực thăng đưa chúng tôi cùng 12 nhân viên kỹ thuật chế độ cũ vào vùng mới giải phóng - sân bay Phù Cát. Ở đây quân ngụy rút chạy không kịp di tản máy bay. Trước yêu cầu nhiệm vụ phải khẩn trương khôi phục máy bay, chúng tôi quên cả nguy hiểm rình rập bởi đám tàn quân ngụy còn lẩn khuất trong các công sự, hầm ngầm trong khu vực sân bay. Thực vậy chỉ trong 5 ngày 5 đêm, khi sự thần tốc,táo bạo như chẻ tre ta đã đánh địch hoảng loạn tháochạy, ngổn ngang lộn xộn cùng dân di tản từ các nẻođường đều tuôn ra quốc lộ 1A để kịp chạy vào Sài Gòn.Tổ đặc nhiệm vẫn bặt tin từ quân chủng, quân khu vàvới cả tiền phương của Quân chủng ở Đà Nẵng, QuyNhơn ... lúc đó chúng tôi còn ở trong khu vực 40 vòm ụmáy bay của địch tại sân bay Phù Cát vắng lặng bóng người, luôn cảnh giác với địch từ nhưng đồi sim phía Tây lẻn tới, vừa đang sửa chừa, vừa phải canh gác những chiếc máy bay A37 thu được của địch, đã tốt đợi lệnh xuất kích trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 10:04:50 pm »


        Một điều đặc biệt là các nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ được cải huấn hết sức tích cực làm việc. Ban đầu họ còn chưa tin anh em chúng tôi, nhưng sau một thời gian làm việc với các kỹ sư ta họ nể phục, bởi trình độ nhanh nhậy, thông minh, sự hiểu biết kỹ thuật hàng không của các anh em ta. Chúng tôi tự phân công nhau canh gác, tự nấu ăn, đồng thời nhanh chóng triển khai kiểm tra sửa chữa những chiếc A37 có trên sân bay.

        Đến chiều 25 tháng 4 năm 1975, chúng tôi gặp Thiếu tướng Chu Huy Mân và được thông báo: "Bộ Chính trị đã đồng ý cho không quân ta ném bom vào sào huyệt địch ở Sài Gòn, nhưng chỉ dùng máy bay địch đánh địch. Thời gian phải đúng ngày 28 tháng 4 năm 1975". Nhận được lệnh vậy, ai cũng nức lòng, nhưng cũng rất lo lắng. Nhiệm vụ đã rõ ràng, nhưng quá nặng nề, vì thời gian quá gấp gáp. Chúng tôi chỉ còn việc quên ngày quên đêm... Trong quá trình làm việc với cácnhân viên kỹ thuật, chúng tôi hiểu do điều kiện sống trong chế độ ngụy quyền, họ buộc phải bị đi lính dù có muốn không đi cũng không được. Họ cũng hiểu được sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh, nhận ra lẽ phải, nhưng không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Thêm nữa những chiếc loa tâm lý chiến ngụy quyền Sài Gòn vẽ méo mó hình ảnh những người cộng sản, nên họ hoang mang lo sợ sự trả thù... Chúng tôi gần gũi, giải thích và tin tưởng họ. Anh em kỹ thuậtviên chế độ cũ như tìm được niềm tin cuộc sống, mong muốn lập công chuộc tội nên họ tích cực làm công việc được phân công bằng chính lòng yêu nước được khơi dậy. Họ cũng mong muốn được góp phần tham gia trận đánh lịch sử. Như vậy là ta không những chỉ dùng máy bay địch đánh địch, mà còn cảm hóa được người lầm đường quay trở lại cùng ta đánh địch. Suốt ngày đêm ngày 25, 26 tháng 4 chúng tôi tổng kiểm tra nổ máy ở mặt đất được 9 chiếc A37 đủ tiêu chuẩn kỹ thuật bay thử.

        Sáng ngày 27 tháng 4, các phi công của ta từ Đà Nẵng vào Phù Cát, phi đội Quyết thắng được thành lập. Chỉ có mấy ngày mà phi công MIG - 17 ta đã chuyển loại máy bay A37 và cũng chỉ có mấy ngày đó tổ đặc nhiệm không chỉ phải tìm kiếm, tháo lắp sữa chữa ngày đêm, để có được những máy bay tốt mà phải lo kiểm tra chất lượng xăng dầu, chuẩn bị vũ khí, các phương tiện thoát hiểm theo đúng nhiệm vụ chuyến bay. Điều đó thật là phi thường, thần tốc. Gặp nhau phi công và thợ máy tay bắt mặt mừng tưởng như xa nhau lâu ngày mới gặp lại. Nhìn những máy bay A37 đang nổ máy trong tư thế sẵn sàng, các phi công xiết chặt tay tôi: "Cảm ơn tất cả các đồng chí đã chuẩn bị đầy đủ cho phi đội". Chúng tôi cũng sung sướng trào nước mắt khi thấy những chiếc máy bay cường kích A37 bay thử tốt và phi đội Quyết thắng đã tiếp nhận, nhưng lòng đầy hồi hộp lo âu về chuyến bay chiến đấu có một không hai sắp tới. Thật vậy những máy bay A37 hỏng từ tay địch, mới về tay ta chỉ được hơn 5 ngày đêm, nay lại đã mang đầy bom đạn cũng của địch để bay vào miền đất vùng địch đang được quản lý chặt chẽ từ xa, lại phải thọc sâu vào sào huyệt địch, bay đi về gần 900km trong không phận đầy pháo phòng không cùng máy bay tiêm kích trực chiến của Mỹ - ngụy. Đầy mạo hiểm với rủi ro. Còn bom sẽ rơi, sẽ nổ; xăng dầu, máy móc của máy bay, đạn phóng ghế người lái để nhảy dù... sẽ ra sao? Khi một trở ngại xảy ra, một người lái với máy bay - đơn thương độc mã trongvùng trời của địch. Rồi bao việc nảy sinh, bao điều sẽ đến! Trước tiên với những ai đã trực tiếp chuẩn bị cho chuyến bay chỉ được một lần trong một ngày lịch sử này. Còn lại một sự im lặng, ước mong sao cho những máy bay đó an toàn bay về lại sân bay đã cất cánh.

        Gần trưa ngày 28 tháng 4, sáu phi công phi đội Quyết thắng Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng và một phi công đã được giáo dục cải tạo, cất cánh từ sân bay Phù Cát đến sân bay Thành Sơn - Phan Rang, tổ đặc nhiệm chúng tôi lại cùng lên máy bay trực thăng Mi-6 vào sân bay Phan Rang kịp phục vụ trực tiếp cho phi đội 5 máy bay A37 vừa thu được của địch sẽ mắc đầy bom - xuất kích chiến đấu - ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất cầu hàng không cuối cùng của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

        16 giờ 25 phút ngày 28 tháng 4 phi đội Quyết thắng gồm 5 chiếc A3 7 xuất kích từ Thành Sơn tiến về SàiGòn. Địch hoàn toàn bất ngờ, không quân và pháo cao xạ bảo vệ sân bay của chúng không kịp phản ứng. Từng loạt bom chính xác xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã tiêu hủy 24 máy bay địch, trong đó có máy bay để di tản người Mỹ. Kẻ thù hoang mang khiếp sợ, cả đô thành Sài Gòn rung chuyển ...

        Đã 30 năm trôi qua, các thành viên của tổ đặc nhiệm chưa hề được gặp nhau, mỗi người một ngả. Thời gian trôi qua, nhưng những ký ức về 5 ngày xoay trần, miệt mài, gan lỳ và hồi hộp đầy lo âu với những chiếc máy bay A37 lấy được của địch trên các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Phan Rang, như chỉ vừa hôm qua. Trận đánh ngày 28 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử như một chiến công không thể lặp lại, một điều không nghĩ tới mà thành sự thật đã để lại cho sự kinh ngạc với quân thù. Đằng sau chiến công ấy, lịch sử cũng sẽ mãi khắc ghi thêm chiến công thầm lặng của những người lính kỹ thuật không quân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 của toàn dân tộc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM