Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:41:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30189 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 12:21:37 am »

       
TRẬN KHÔNG CHIẾN NHỬ MỒI

LÊ HẢI                                       
Đại tá phi công tiêm kích anh hùng lực lượng vũ trang       

        Đầu tháng 11 năm 1967, Quân chủng giao nhiệm vụ cho trung đoàn không quân 923 đánh một trận phục kích ở thành phố Hải Phòng. Máy bay của ta sẽ cất cánh từ sân bay Kiến An.

         Những tháng 10, tháng 11 năm 1967, thành phố Hải Phòng liên tục bị địch đánh phá, phong tỏa cảng. Hàng mấy chục chiếc tàu thủy vào cảng nằm chết dí ở đó không rời bến được do thủy lôi của không quân - hải quân Mỹ rải xuống cửa cảng.

        Các tàu của Liên Xô, Ba Lan, của các nước xã hội chủ nghĩa chở hàng viện trợ cho Việt Nam phải nằm ở cảng đã hàng tháng trời. Ta cho xà lan ra lấy hàng cũng bị máy bay Mỹ bắn chặn, nhưng chúng nó chưa dám đánh trực tiếp vào tàu của Liên Xô và của Trung Quốc.

         Bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ của ta triển khai trận địa ngay trên cầu tàu đánh máy bay địch. Các sư đoàn phòng không 363, 367 tập trung bảo vệ cảng, đánh với máy bay Mỹ hàng trăm trận, bắn rơi nhiều chiếc nhưng cũng bị tổn thất không ít; nhất là anh em pháo cao xạ "phơi" trên các đồi trọc, làm mục tiêu cho bọn lái chuyên ném bom bi, bom phá và bắn tên lửa vào các trận địa pháo phòng không, cao xạ.

         Sáng ngày 19 tháng 11 năm 1967, khoảng 8 giờ, biên đội chúng tôi gồm Hồ Văn Quỳ (số I), Lê Hải (số 2), Nguyễn Đình Phúc (số 3) và Nguyễn Phi Hùng (số 4) được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm xuống sân bay Kiến An, bay ở độ cao 50m, bí mật không dùng vô tuyến điện. Đến nơi, biên đội kéo dài cự ly, từng chiếc hạ cánh an toàn xuống sân bay Kiến An.

        Máy bay vừa nạp dầu xong, sở chỉ huy lệnh cho biên đội chuyển cấp 1; trên thông báo địch chuẩn bị vào đánh Hải Phòng.

        Đúng 10 giờ 40 phút, biên đội được lệnh mở máy cất cánh gấp. Ở sở chỉ huy Kiến An, đồng chí Lê Oanh trung đoàn phó chỉ huy, đồng chí Phạm Chuyên dẫn đường. Các anh đã chỉ huy chúng tôi nhiều trận nên rất hiểu nhau. Sau khi biên đội cất cánh, máy bay số 1 của anh Quỳ bị hỏng vô tuyến điện. Sở chỉ huy gọi mấy lần mà vẫn không nghe anh Quỳ trả lời? Trong khi đó các số trong biên đội đều nghe rất tốt sở chỉ huy. Tôi rất lo cho số 1 gặp khó khăn.

         Địch từ ngoài biển đang bay vào rất đông. Sở chỉ huy thông báo cho biên đội quyết định tôi lên làm số 1 dẫn đội. Tôi lắc cánh báo cho anh Quỳ biết và tăng ga bay vọt lên trước dẫn cả biên đội. Tôi vừa cải hướng vừa lấy tiếp độ cao lên 2500m. Bầu trời Hải Phòng có độ 3 - 4 phần mây, tầm nhìn rất tốt.

        Sở chỉ huy tiếp tục thông báo địch bay theo đội hình kéo dài, có 6 chiếc F-4 đi đầu, phía sau F-4 có 20 chiếc A-4 mang bom; biên đội chú ý quan sát.

        Tôi dẫn biên đội lấy thêm độ cao lên 3000m. Triển khai đội hình chiến đấu và bay về hướng bầu trời Đồ Sơn. Tôi thông báo đã phát hiện địch, xin phép sở chỉ huy cho đánh! Sau khi nhận được lệnh đánh, tôi dõng dạc lệnh cho số 3 và số 4 chặn đánh tốp địch bay sau cùng, tôi và anh Quỳ đánh tốp bay đầu tiên.

        Biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng lực. Lúc này máy bay của tôi đã đạt tốc độ 850km/giờ, đội cao gần bằng độ cao máy bay địch. Vừa nhìn thấy máy bay MIG, biên đội F-4 đầu tiên vội vòng bay ra biển. Lợi dụng lúc thằng F-4 ép độ nghiêng, vòng ra biển, tôi nghĩ, nếu cứ cắt bán kính, vòng ngay vào bên trong để rút ngắn cự ly công kích, như cách đánh thông thường, địch sẽ phát hiện ta sớm và cơ động mất. Tốc độ máy bay tôi đã lớn, địch lại vừa mới tăng lực chưa có ngay tốc độ lớn. Máy bay F-4 có nhược điểm khi tăng lực, muốn tăng tốc độ phải chờ gần 30 giây sau; máy bay phải bay bằng hoặc cơ động nhỏ thì mới đạt tốc độ lớn. Đằng này, địch bất ngờ gặp biên đội tôi, phải vừa vòng, vừa tăng lực, đó là thất thế to của F-4. Tôi quyết định tấn công tốp F-4 đi đầu. Tôi tiếp cận đến cự ly nổ súng bằng cách chúi dưới bụng máy bay địch ở phía dưới. Bị cánh chiếc F-4 che khuấttầm quan sát, nên tên địch không nhìn thấy tôi. Tôi thấy chiếc F-4 giảm độ nghiêng, lật trái, lật phải quan sát ý chừng nó vừa thấy chiếc MIG-17 đây, lại đâu mất rồi.

        Đến cự ly độ 400m, tôi nhìn rất rõ chiếc F-4, thấy luồng khói tăng lực đen sì phun ra từ đít nó. Tôi nhẩm trong miệng: Cự ly bắn được rồi. Tay lái khẽ nhích đầu máy bay ngóc lên đạt điểm ngắm lên giữa chiếc F-4 và bắn liền một loạt ngắn, đạn vạch đường thẳng băng, nhưng rất tiếc là đạn rơi sau đuôi chiếc F-4. Tôi liền kéo cần lái nâng lượng đón và bắn một loạt dài. Trúng rồi! Đạn vạch đường chùm lên lưng chiếc F-4. Nó xì khói đen trên lưng; tôi bắn thêm một loạt ngắn nữa, tất cả đạn trùm lên thân, lên cánh nó. Tôi thấy chiếc F-4 như dừng lại có lẽ động cơ bị hỏng rồi. Máy bay tôi tiếp cận đến rất nhanh, tôi nhìn rõ chữ USA trên cánh và quân hiệu không quân hải quân Mỹ, ngôi sao trắng trên cánh chiếc F-4B. Trúng 2 loạt đạn, nhưng nó vẫn chưa bùng cháy. Máy bay tôi tiếp cận đến chiếc F-4 còn khoảng150m nữa là hai máy bay có thể đâm vào nhau, nó vẫn còn bay. Tôi bắn loạt cuối ở cự ly chỉ độ 30 - 40m . Tất cả đạn đều xuyên vào chiếc F-4 và không một viên nào nổ (vì để bảo đảm an toàn cho phi công và máy bay MIG-17 khi phải bắn mục tiêu ở cự ly quá gần hơn 50m , thì người ta chế tạo đạn pháo 371y, 231y lắp trên máy bay thành đạn xuyên).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 12:24:57 am »


        Quá gần rồi, tôi chỉ còn kịp đẩy cần lái về trước chui qua bụng chiếc F-4, khói phủ đen buồng lái máy bay tôi. Chiếc F-4 giống như một cột khói đen ngòm, hai bánh lái đuôi của nó giống như hai tấm phản vút qua đầu tôi Trong tích tắc ấy, thân chiếc F-4 che khuất buồng lái máy bay của tôi, tựa như xuyên qua đám mây đen vậy. Sau khi thoát qua, tôi cứ đinh ninh, đuôi máy bay tôi chắc bị đứt rồi. Một giây bần thần, khá nguy hiểm, tôi đạp thử bàn đạp, máy bay nghe theo sự điều khiển dễ dàng. Duyên trời, cho thoát rồi, tôi liền cơ động máy bay quan sát tìm anh Quỳ. Anh Quỳ đang bay sau tôi. Tuy rằng anh Quỳ không bay số 1 dẫn đầu biên đội, do máy bay của anh hỏng vô tuyến, nhưng có anh trong đội hình biên đội, anh em chúng tôi rất vững tâm, tả xung, hữu đột chiến đấu với địch. Anh Quỳ là một trong bốn phi công lần đầu tiên mở mặt trận trên không thắng lợi, ngày 3 tháng 4 năm 1965 trên bầu trời Thanh Hóa.

         Anh Quỳ nhìn thấy cảnh máy bay tôi chui vài cột khói đen ngòm của chiếc F-4, anh thốt lên: Thôi rồi thằng Hải chắc đã lao vào đầu chiếc F-4 nó vừa bắn xong. Anh đã kể lại chuyện này sau trận đánh về rút kinh nghiệm ở đơn vị tối 19 tháng 11 năm 1967.

        Số 3 của biên đội báo cáo vừa bắn rơi 1 chiếc F-4 và biên đội đang tiếp tục đuổi địch. Tôi quay lại nhìn sau đuôi máy bay mình, thấy một chiếc F-4 đang bám theo tôi, nhưng còn xa ngoài tầm của tên lửa "rắn đuôi kêu”. Đồng thời có một chiếc MIG-17 màu xám đang bám theo chiếc F-4 đó, nhưng cự ly còn xa, chưa thể xạ kích được. Đó là số 4 (Nguyễn Phi Hùng) bay chiếc MIG-17 sơn màu xám đó.

         Thế trận trở nên gay go. Ta và địch bám xen kẽ rất lợi hại. Thua, thắng nhau chỉ trong chớp mắt. Nhìn thấy đường bay và chiếc máy bay sơn màu xám xanh, tôi biết ngay là Nguyễn Phi Hùng, vì hai đứa tôi quá hiểu nhau. Nếu tôi cơ động mạnh, thì chiếc F-4 kia sẽ không bám được tôi và Hùng khó bề bắn được nó. Tôi liền nghĩ ra một kế mạo hiểm. Tôi hô: Hùng! Tao nhử mồi và Hùng báo rõ ngay! Tôi liền giảm độ nghiêng, giảm bớt lượng kéo cần lái nhử cho tên địch thấy dễ xơi sẽ mê mải đuổi theo để bắn, chắc mẩm sẽ hạ sẽ được chiếc MIG này. Tôi luôn luôn nhìn phía sau, vì với loại tên lửa "rắn đuôi kêu” có tốc độ nhanh gấp 3 lần tiếng động, ở cự ly khoảng 2000m, chỉ chậm chân, tay trong chớp mắt, tôi sẽ bị tan xác ngay với nó. Tên địch đang giảm độ nghiêng để ngắm bắn. Tôi cứ để im cho nó bắn. Khi tôi thấy dưới cánh F-4 xì khói đen ra, nghĩa là tên lửa vừa khởi động động cơ, chưa rời bệ phóng. Tôi lập tức tăng độ nghiêng, kéo mạnh cần lái, hai quả tên lửa địch vừa phóng ra, lập tức bay vút qua sau đuôi máy bay tôi. Động tác tay chân phải nhịp nhàng, thật nhanh, thật khéo và quyết đoán từng giây, từng nửa giây. Không thì từ nhử mồi sẽ thành mồi thật!

        Lần thứ nhất địch bắn, tôi tránh thoát. Lại cái trò bay lơ lửng trước rủi ro, tôi tiếp tục làm động tác nhử mồi.

        Lần thứ 2, nó lại bắn, tôi cũng tránh được. Đến lần thứ 3, tên địch vừa chuẩn bị bắn, thì máy bay số 4 (Nguyễn Phi Hùng) cũng đã áp sát chiếc F-4, ở cự ly xạ kích tốt. Một loạt đạn ngắn, chỉ có 11 viên đạn của Phi Hùng trùm lên chiếc F-4 và bốc cháy bùng bùng.

        Chiến thuật nhử mồi trong không chiến, các phi công Xô Viết đã áp dụng nhiều trong đại chiến thứ 2 với loại máy bay tiêm kích dùng súng bắn thẳng. Biên đội tôi lần đầu tiên áp dụng chiến thuật nhử mồi với loại máy bay hiện đại với tên lửa tự dẫn. Phải mạo hiểm và bình tĩnh, chính xác động tác, hai anh em chúng tôi đã áp dụng thành công.

         Trận không chiến chỉ diễn ra trong 3 phút, biên đội chúng tôi đã hạ được 3 chiến F-4 của không quân hải quân Mỹ. Đập tan đợt đánh phá của địch vào thành phố Cảng, buộc các máy bay F-4 mang bom phải vứt bừa bãi ngoài mục tiêu, tháo chạy ra biển.

        Đồng bào, bộ đội ra khỏi hầm trú ẩn reo hò bắt giặc lái Mỹ và tận mắt thấy một trận không chiến ngoạn mục của không quân ta trên bầu trời thành phố Cảng
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:13:28 pm »

       
PHI CÔNG VIỆT NAM QUA  KÝ ỨC MỘT CỰU BINH MỸ

        Clower, thiếu tá, từng phục vụ trên hàng không mẫu hạm Enterprise năm 1967 và đại uý G.Estes trongchuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh năm 2000 có hứa sẽ cho tư liệu về trận không chiến ngày 19-11 1967 tại vùng trời Kiến An, Hải Phòng. Năm 2001, ông gửi cho tôi tư liệu trận đánh đó theo trí nhớ và những gì mình biết được thông qua những tài liệu lưu trữ chính thức đã được công khai tại Mỹ. Tất nhiên, về phía tôi trận đánh đó liên quan đến một phi công đó là Nguyễn Phi Hùng trong biên đội MIG-17 cùng Hồ Văn Quỳ, Lê Hải và Nguyễn Đình Phúc.

        Nguyễn Phi Hùng là người Hà Nội chính gốc, đẹp trai, cao lớn. Anh thuộc dạng người ít nói. Tốt nghiệpphổ thông trường Chu Văn An, Hà Nội, có giấy gọi vào đại học, nhưng anh nhập ngũ vào lực lượng không quân. Là một học viên bay thuộc lớp bay phản lực đầu tiên do chúng ta tự đào tạo. Năm 1967 ra trường, được bổ sung về đơn vị chiến đấu, anh là lớp phi công mới, trẻ trung cùng với lớp phi công đàn anh dày dạn chiến trận của Không quân nhân dân Việt Nam .

        Ngày cuối cùng, Clower cùng ngồi trên một chiếcF-4B với Estes. Ông là phi công chính, còn Estes là hoa tiêu ngồi phía sau, cũng là người điều khiển vũ khí. Điều Clower và Estes cùng muốn tìm hiểu ai là người đã bắn rơi họ? Tôi giở tấm bản đồ miền Bắc tỷ lệ 1/500.000 hỏi: "ông bị bắn rơi ở đâu?".

        Mặc dù đã trên 30 năm nhưng dường như không sao quên được Clower chỉ vào huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng bây giờ. Ngày hôm trước 8 giờ 30, thiếu tá Clower chỉ huy một liên đội cường kích 12 chiếc F4 trên tàu Rangar, ném bom oanh tạc sân bay Kiến An. Clower đã đượcxem không ảnh ... sân bay gần như tan hoang. Đoạn đường băng ở phía Tây bị cắt đôi, những hố bom sâu hoắm, đất đá ngổn ngang. Các chuyên gia hàng đầu của hải quân cho rằng, giỏi lắm phải mất 3 ngày Bắc Việt mới sửa xong.

        6 giờ 30 ngày 19-11- 1967, tức là chỉ sau 22 giờ sân bay Kiến An bị ném bom, biên đội MIG- 17 do Hồ Văn Quỳ chỉ huy cùng với Lê Hải, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Phi Hùng hạ cánh nhẹ nhàng xuống sân bay Kiến An... Như vậy, chỉ sau một đêm, hàng trăm dân làng và công binh đã sửa sân bay một cách tài tình.

        9 giờ 30 chiếc F-4B mang số hiệu 1438 NAVY do Clower và Estes lái được đặt vào băng chuyền động xuất phát. Sau đó 20 phút toàn bộ 24 chiếc máy bay mang bom, 16 chiếc tiêm kích trong đội hình "mật tập" của Mỹ đã tập hợp xong.

         10 giờ 00 biên đội MIG-17 của không quân ta cất cánh. Biên đội được lệnh bay thẳng ra Đồ Sơn, tạo thế rồi bất ngờ lao vào đội hình phi cơ oanh tạc của Mỹ từ hướng biển. Clower bỗng thấy 4 chiếc MIG-17 hình thành thế đan xen với tốp F- 4 của chúng tạo thành những vòng tròn lệch tâm, kéo những chiếc F-4B về gần sân bay phát huy thế mạnh cơ động ngang của MIG-17, ghìm buộc chúng tôi phải xuống thấp. Cuộc không chiến diễn ra hết sức ác liệt.

        Clower nhắc Estes: "Chuẩn bị phóng tên lửa". Estes đã cho 2 chiếc MIG vào ra đa ngắm. Ngón tay Estes đã để vào núm đỏ, chỉ chờ Clower ra lệnh... nhưng Clower thấy từ bên dưới, một chiếc MIG-17 nhằm thẳng vào máy bay của mình lao tới rất nhanh... Clower trợn mắt, kéo cần lái, theo phản xạ ép sang trái, lượn vòng né tránh... Chỉ đợi có vậy. Chớp thời cơ, Nguyễn Phi Hùng, người lái chiếc MIG-17 ép chiếc F-4B vào góc trong, đưa vào vòng ngắm, anh bóp cò, loạt đạn chính xác, chiếc F-4B bùng cháy...

        Bị đòn đau, mất tên chỉ huy, tốp F-4 rối loạn rút lui. Thời cơ thuận lợi, Quỳ và Hải hạ luôn 2 chiếc F-4B trong chưa đầy nửa phút. Nhân dân Kiến An vào sân bay Kiến An tận mắt nhìn thấy những chiếc phản lực Mỹ rơi hết chiếc này đến chiếc khác trên vùng trời Hải Phòng. Trận này ta bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

         Nguyễn Phi Hùng lúc đó mới có hơn 200 giờ bay. Còn Clower, thiếu tá người hùng của hạm đội 7 có tới 3600 giờ bay, lái chiếc F-4B là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó. Clower và chiếc F-4B đã phơi xác trên thành phố Cảng. Nguyễn Phi Hùng hạ Clower lúc anh mới ngoài 20 tuổi, đó là chiếc phản lực thứ 3 bị anh bắn rơi. Chiếc thứ 4 là chiếc F-105 vào ngày 19-12-1967 và chiếc thứ 5 là chiếc F-8E ngày 9-7-1968 trên vùng trời Nghệ An quê Bác.

        Nguyễn Phi Hùng, người con trai của Thủ đô, một phi công tài hoa đã bắn rơi 5 chiếc máy bay Mỹ. Tháng 12-1995, anh được Nhà nước ta tuyên dương Anh hùnglực lượng vũ trang nhân dân.

         Cuộc chiến ở Việt Nam đã lùi xa trong quá khứ, nhưng đối với Clower và biết bao nhiêu tướng lĩnh, binh sĩ Hoa Kỳ, ký ức về những cuộc giao tranh ác liệt đã trở thành kỷ niệm mang theo suốt cuộc đời. Cũng như Clower và biết bao nhiêu cựu chiến binh Mỹ còn sống đến hôm nay, điều làm họ ngạc nhiên đến bàng hoàng là mình đã bị bắn hạ và thua cuộc bởi những người línhViệt Nam cực kỳ trẻ tuổi, trong đó có những chàng trai Hà Nội mà Nguyễn Phi Hùng chỉ là một trong hàngtrăm ngàn số họ.

(NVB sưu tầm, ngày 10/11/2004)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:15:23 pm »

      
NHỚ LẠI TRẬN ĐÁNH NGÀY 5 THÁNG 2 NĂM 1968

Thiếu tướng GS. NGUYỄN NGỌC ĐỘ                          
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân                         
Nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân        

        Sau những thất bại nặng nề trong các đợt sử dụng không quân đánh phá Hà Nội. Đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi thủ đoạn hoạt động, chúng không sử dụng đội hình lớn như trước để vào đánh phá miền Bắc, mà tổ chức đội hình vừa, linh hoạt, tăng cường máy bay tiêm kích yểm hộ trực tiếp trong đội hình máy bay tiến công, yểm hộ khu vực nhằm đối phó ngăn chặn hoạt động của không quân ta. Ngoài lực lượng đánh ban ngày, địch còn sử dụng máy bay A-6A bay thấp đánh đêm vào khu vựcHà Nội.

        Phát huy kết quả chiến đấu của lực lượng Phòng không năm 1967 và những trận đánh thắng của không quân tháng 1-1968. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo các lực lượng phòng không, không quân nghiên cứu những thay đổi về thủ đoạn hoạt động của địch, tiếp tục sử dụng không quân xuất kích chiến đấu.

         Chiều ngày 4 tháng 2 năm 1968, tôi được sở chỉ huy trung đoàn 921 thông báo, trong danh sách trực ban chiến đấu ngày 5 tháng 2, có tôi và đồng chí Hoàng Biểu, tôi - số 1 , Hoàng Biểu số 2 (lúc này tôi đã là chủ nhiệm bay trung đoàn 921, đồng chí Hoàng Biểu là phi công phi đội 1. Trước đây tôi là phi đội phó phi đội 1 nên chúng tôi đã có điều kiện bay huấn luyện và trực ban chiến đấu với nhau nhiều lần). Đồng chí Hoàng Biểu là một phi công có trình độ bay giỏi, tính tình điềm đạm, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, đồng chí bay số 2 sẽ tăng thêm sức mạnh của biên đội.

         Buổi sáng ngày 5-2, sau khi tiếp thu máy bay, chúng tôi được sở chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ chiến đấu trong ngày, trong đó nhấn mạnh tập trung đánh địch từ hướng Tây vào; dẫn đường sở chỉ huy hiệp đồng về phương pháp dẫn dắt và cách thức tiếp cận địch. Tiếp đó, chúng tôi tiến hành trao đổi cách đánh cụ thể đối với từng đối tượng mục tiêu: Đánh máy bay tiêm kích bom, cường kích, máy bay tiêm kích, đánh máy bay trinh sát.... Dự kiến xử trí một số tình huống xảy ra trong quá trình chiến đấu. Đồng thời động viên nhau hiệp đồng chặt chẽ quyết tâm đánh thắng địch, hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

        7 giờ 28 phút, sở chỉ huy cho biên đội chúng tôi vào cấp 1 và cất cánh chiến đấu. Sau khi cất cánh, dẫn đường sở chỉ huy cho bay thấp theo hướng 2200, vòng phải hướng 2700 xuyên khỏi tầm mây SC, trên mây tầm nhìn tốt, hơi có mù khô, tôi nhìn lại phía sau thấy máy bay đồng chí Biểu đang bay ở vị trí quy định trong đội hình, biên đội chỉnh tề, báo cáo sở chỉ huy, đội hình tốt, sở chỉ huy cho biên đội nâng dần độ cao vòng về hướng Tây - Bắc 2900, 3600, 300, thông báo địch liên tục từ xa đến gần; lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ, khi cách địch 25 - 20km máy bay ta đã có độ cao 8000m, tốc độ trên 1000km/giờ, tạo ra thế trận có lợi ban đầu cho biên đội cả về độ cao, tốc độ, vị trí tiếp cận địch. Đến cự ly cách địch khoảng 15km số 2 thông báo phát hiện địch, đồng thời tôi cũng phát hiện địch cùng bay từ hướng trái qua phải, đội hình 12 F-105, phía sau có F-4 yểm hộ theo đội hình bậc thang kéo dài. Xét về tương quan vị trí ta, địch (ta ở độ cao hơn địch) biên đội chúng tôi đang bay vào gần giữa đội hình tốp tiêm kích địch (bên trái là tiêm kích địch, bên phải là tiêm kích và cường kích địch). Trước tình hình đó, tôi thông báo cho số 2 đối phó với tốp tiêm kích địch. Tôi vòng phải tiếp cận tốp chủ yếu. Tận dụng thế có lợi, tôi giảm độ cao, tăng tốc độ (V >1.200km/giờ) tiếp cận tốp địch gần tôi nhất, đó là 2 tiêm kích F-4, tốp phía trước là F-l05. Khi cách địch khoảng 4000 - 3000m tôi bắt đầu đặt điểm ngắm vào chiếc sau cùng, lập tức 2 chiếc F-4 cơ động đan chéo, rất khó ngắm bắn. Tôi quyết định phóng quả "tên lửa chiến thuật" vào giữa đội hình máy bay địch, tên lửa vọt ra phía trước, 2 chiếc F-4 liền cơ động phân tốp, 1 chiếc vòng gấp sang bên trái, 1 chiếc vòng gấp sang bên phải. Đây là thủ đoạn thường dùng của tiêm kích địch nhằm đưa máy bay ta vào thế bất lợi (nếu lực lượng ta ít, bám theo nó) để chúng tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:16:59 pm »


        Nắm được thủ đoạn đó, tôi không bám theo tiêm kích địch mà tiếp tục tăng tốc độ vượt lên tiếp cận đội hình máy bay F- 105 đang bay ổn định phía trước (tốc độ máy bay địch khoảng 800 -900km/giờ), tôi nhanh chóng chọn 1 chiếc phù hợp với đường bay của mình, đặt điểm ngắm, đến cự ly khoảng 2000 - 1500m, ổn định đường ngắm, tôi ấn nút phóng tên lửa, quả tên lửa rời bệ phóng, chìm xuống rồi lao thẳng vào máy bay địch, một quầng lửa lớn bùng lên, tôi báo cáo về sở chỉ huy: Trúng rồi, "cháy rồi" ... đồng thời kéo máy bay thoát ly lên phía bên phải. Quan sát phía sau thấy 4 F-4 của địch chia thành 2 tốp hai bên đang bám theo máy bay tôi, phóng tên lửa liên tiếp. Lúc này tôi nghĩ rằng mình đã vào thế bị động, phải bình tĩnh giành lại chủ động. Phát huy tính năng ưu việt của máy bay tiêm kích MIG-21F-96, vận dụng kinh nghiệm các trận chiến đấu trước đây, tôi tiếp tục điều khiển máy bay lượn vòng chệch (vừa tăng độ cao vừa thay đổi độ nghiêng máy bay một cách hợp lý để không tạo ra vệt bay ổn định) gây khó khăn cho máy bay địch trong việc bám đuôi ngắm bắn. Quá trình cơ động địch vẫn bám theo phóng tên lửa, các điểm nổ tên lửa vây quanh máy bay tôi, có lúc tưởng chừng như khó tránh khỏi, nhưng càng lên cao thì máy bay tôi càng bỏ xa máy bay địch, đến độ cao 10.000m trở lên thì máy bay địch đã tụt hẳn lại bên dưới phía sau, không thể bám theo được nữa, chúng đã phải "bỏ cuộc" giảm độ cao vòng ra (theo lý thuyết cùng như thực tiễn chiến đấu, tính năng cơ động bay lên của tiêm kích MIG-21 hơn hẳn máy bay F-4, ngược lại cơ động mặt bằng và cơ động bay xuống thì F-4 lại hơn MIG-21) lúc này máy bay tôi đã đạt đến độ cao 11.000m, tốc độ đồng hồ chỉ 350km/giờ, tôi ép cần lái đưa máy bay vào trạng thái bổ nhào, tăng tốc độ giảm độ cao đến 8000m, báo cáo sở chỉ huy cho hướng về sân bay hạ cánh.

        Đồng chí Biểu sau khi cản phá đội hình máy bay tiêm kích, đã được sở chỉ huy dẫn về sân bay hạ cánh an toàn.

        Trận đánh diễn ra khẩn trương, căng thẳng trong thời gian ngắn trên vùng trời Tuyên Quang. Đây là trận đánh thứ 10 của tôi, là một trong những trận đánh có đối chọi tình huống quyết liệt giữa ta và địch "chủ động bị động - giành lại chủ động - đánh thắng", đó cũng là đặc điểm của chiến đấu trên không. Ưu điểm nổi bật của trận đánh là sở chỉ huy đã nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, ta, tình hình thời tiết hạ quyết tâm đúng thời cơ; chỉ huy dẫn đường chính xác tạo ra thế trận có lợi ban đầu có máy bay ta phát hiện, cơ động tiếp cận tiêu diệt địch. Phi công phát hiện địch sớm, tương đối toàn diện, hạ quyết tâm đánh địch chính xác kịp thời; cách đánh linh hoạt, táo bạo, có phân công yểm hộ, tập trung đánh đúng đối tượng mục tiêu chủ yếu, công kích chính xác bắn rơi tại chỗ 1 F- 105 (giặc lái nhảy dù bị ta bắt sống).

        Qua trận đánh trên có thể rút ra một số vấn đề:

        - Phải thường xuyên theo dõi nắm chắc những thay đổi về thủ đoạn hoạt động của địch, nghiên cứu tìm biện pháp đối phó thích hợp.

         - Tổ chức cất cánh đúng thời cơ, đánh địch đúng khu vực dự kiến.

        - Trong chiến đấu phải quán triệt tư tưởng, tích cực tiến công "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều”, kết hợp chặt chẽ giữa thế và lực nhằm tạo ra lực mạnh để đánh thắng địch.

        - Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, bất ngờ, táo bạo, phát huy chỗ mạnh của ta, hạn chế chỗ mạnh khoét sâu chỗ yếu của địch, bình tĩnh xử trí chính xác các tình huống trong chiến đấu, đánh nhanh đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Hà Nội, 17/11/2004       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:18:37 pm »

       
TÀI NĂNG TỪ ĐÔI CÁNH QUẢ CẢM

VŨ THÀNH       

        Có những người, tài năng và sức mạnh biểu hiện rõ bên ngoài. Ở người khác, điều đó lại ẩn kín bên trong, bình thường khó nhận thấy. Chỉ trong khoảnh khắc quyết định, sức mạnh và tài năng mới hiện lên như chuyện thần kỳ. Đỗ Văn Lanh, người con trai đất Hoa Lư thuộc lớp người này. Bản lĩnh và tài năng đánh giặc trên không của Đỗ Văn Lanh biểu hiện rõ từ trận đầu khi anh làm nhiệm vụ số 2 yểm hộ cho biên đội trưởng công kích địch. Trận ấy, khi biên đội trưởng đang đuổi theo chiếc F4 đằng trước, Lanh bỗng phát hiện một máy bay hai đầu cánh vênh, đuôi xoè phụt ra hai lưỡi lửa đang bám theo biên đội trưởng. Anh nhận ra ngay chiếc máy bay tiêm kích F-4D, giá đắt gấp đôi loại F-4C thời Giôn-xơn. Không một giây chậm trễ. Lanh đẩy cần lái bổ nhào chặn đánh tên đánh lén mặc dù anh biết sau nó còn có cả một bầy F4. Mặc! Lúc này Lanh chỉ có một ý nghĩ: "Tiêu diệt địch để bảo vệ biên đội trưởng". Tốc độ máy bay đã vượt tiếng động. Kim đồng hồ chỉ số M (tốcđộ âm thanh) từ dưới vạch 1 chuyển nhanh lên khắc 1,4. Chiếc F-4 tỏ ra nặng nề hơn so với máy bay anh từ cao bổ xuống với tăng lực. Cự ly thu gần lại nhanh chóng. Tín hiệu báo tên lửa bắt được mục tiêu vang lên bên tai anh. Lanh nhớ đến hiện tượng so sánh cự ly của anh hùng Nguyễn Văn Cốc: "Cứ thấy chiếc F-4 bằng con gà mái của u ở nhà là bắn". Lanh siết ngón tay trỏ vào lẫy cò trên cần lái. Chiếc F-4D nổ bùng. Trái tim anh bỗng rộn lên mềm vui sướng chưa từng có: Quật ngã được một tên tử thù trên trời cao Lanh reo lên:

        - Anh Phúc yên trí công kích địch. Tên F-4 bám đuôi bị diệt rồi!

         Nhưng chiến công này mới chỉ là khúc dạo đầu của bản anh hùng ca. Nét sắc riêng của Lanh chưa biểu hiện rõ. Cho đến ngày 24-5-1972, tài năng sức mạnh và lòng dũng cảm của anh mới được biểu hiện đầy đủ.

         Hôm ấy, biên đội quần nhau với địch khá lâu mà vẫn chưa nổ súng được. Lượng dầu của máy bay Lanh còn ít. Nhưng anh thấy biên đội trưởng đang đuổi gấp một chiếc F-4 sắp tới tầm phóng hiệu quả. Phía sau lại có hai chiếc F-4 đang xông lại. Phải sẵn sàng phản kích để bảo vệ biên đội trưởng. Anh quyết định chưa báo cáo lượng dầu với biên đội trưởng, đội hình càng siết chặt lại. Biên đội giành giật quyết liệt từng khoảng trời với bọn địch đông gấp nhiều lần và hoàn thành nhiệm vụ. Trên đường bay trở về, kim đồng hồ chỉ lượng dầu của máy bay Lanh tụt rất nhanh xuống mức thấp nhất. Ruột gan nóng cồn cào. Sân bay vẫn còn xa. Đèn báo lượng dầu tối thiểu đã phát sáng. Ngọn đèn nhấp nháy liên tục. Lanh báo cáo gấp với biên đội trưởng rồi lợi dụng tốc độ lớn đưa máy bay vút lên cao. Lúc kim chỉ lượng dầu chết đứng ở số không, anh đã chiếm độ cao thêm 1.000M. Biên đội trưởng ra lệnh "nhảy dù”. Sở chỉ huy đồng ý và khẩn cấp theo dõi đường bay của Lanh. Chiến sĩ tiêu đồ gần đánh dấu đường bay đang dừng ngọn chỉ đỏ ở một điểm cách sân bay 50km bỗng vạch tiếp thêm một đường mới. Đồng chí chỉ huy còn đang sửng sốt nhìn theo đường chỉ đỏ thì máy thu bỗng vang lên một giọng nói bình tĩnh và quả quyết của Lanh: "Xinphép hạ cánh". Sở chỉ huy lặng đi trong giây lát trước quyết định táo bạo đó. Đồng chí chỉ huy tay cầm ống nói mà chưa đáp lại. Sổ tay người lái máy bay phản lực siêu âm đã quy định rõ trường hợp này chỉ có nhảy dù. Nhưng anh lại rất tin ở Lanh. Chắc chắn Lanh hiểu rất rõ những khó khăn nguy hiểm của việc mình làm. Giọng anh dứt khoát: "Đồng ý cho hạ cánh".

        Khi Lanh kéo máy bay lên tranh thủ thêm độ cao cũng là lúc trong óc anh nảy ra một phương án táo bạo dựa trên sự suy nghĩ chớp nhoáng nhưng sâu sắc. Ý nghĩ đầu tiên đến với anh là: "Phải cứu cho được máy bay". Kiểm tra nhanh hệ thống lái và áp lực dầu đỏ, thấy vẫn làm việc tốt, anh càng tin vào quyết tâm của mình. Lanh cho máy bay là xuống với góc có lợi để độ cao mất ít nhất. Lanh hiểu rất rõ sinh mệnh và máy bay lúc này gắn chặt với từng mét độ cao. Anh điều chỉnh tay lái, chân đạp hướng thật thẳng giữ máy bay ổn định. Sân bay với đường băng sáng mờ hiện ra phía trước, song anh mới vượt được hơn nửa đường mà độ cao đã mất đi quá nửa. "Liệu có thể về sân bay được không?... ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:20:09 pm »


         Nỗi lo cồn lên trong lồng ngực. Mồ hôi toát ra trên khuôn mặt nóng bừng. Nhưng mắt anh vẫn nhìn không chớp về phía đường băng đang hiện lên mỗi lúc một rõ. Niềm tin vẫn vững. Anh còn độ cao gần 300m. Tay lái anh không hề run, điều chỉnh góc xuống. Niềm tin đó như tiếp thêm sức đẩy, đưa anh mau tới sân bay. Và đường băng đang chạy nhanh lại gần. Kiên trì đến lúc thật gần sân bay, Lanh mới thả càng. Sức cản bỗng đột ngột tăng lên làm cho máy bay tụt hẫng xuống. Chiều cao còn lại có thể không đủ để vượt qua những thửa ruộng gồ ghề đang xô đến. Thật nguy hiểm! Anh giật mạnh cần lái về phía mình rồi tức khắc ghìm lại. Chiếc máy bay như con tuấn mã đang kiệt sức nhưng vẫn ráng sức vọt lên, vượt qua những thửa ruộng rồi chúi xuống. Bánh xe đặt đúng mút đường băng bê tông rồi bon chạy cho đến khi dừng hẳn. Thế là trong tay Lanh, chiếc máy bay phản lực siêu âm nặng gần tám tấn mất hết sức đẩy vẫn điều khiển được như chiếc tàu lượn, vượt qua đoạn đường gần 50km về sân bay hạ cánh an toàn. Trong lịch sử không quân thế giới hiện đại, từ khi xuất hiện máy bay phản lực siêu âm, hiếm thấy sự kiện phi thường như vậy. Điều đặc biệt cần nói thêm ở đây là Lanh thuộc những lớp phi công bay máy bay phản lực siêu âm đầu tiên do Trường Không quân ta, trung đoàn 910 đào tạo trong chiến tranh, không phải do nước bạn đào tạo giúp.

         Không đầy một tháng sau, trong một chuyến bay chiến đấu, Đỗ Văn Lanh lại lập một chiến công mới kỳ diệu.

        Lanh đang yểm hộ vững chắc cho phi đội phó thì máy bay rùng lên rồi chấn động rất mạnh. Tốc độ giảm đi rõ rệt. Anh xác định: Máy bay đã bị thương. Nó mỗi lúc một rung lên dữ dội. Anh có cảm giác tim óc và ruột gan như muốn văng ra ngoài. Phản ứng đầu tiên của anh là điều chỉnh cửa dầu, tìm một tốc độ ổn định đỡ rung máy bay nhất. Lanh thử lắc tay lái. Khá nặng, nhưng vẫn điều khiển được. Anh nghĩ: "Có nên báo cáo tình hình này cho phi đội phó biết không? Lúc này phi đội phó đang ở vị trí tiến công rất có lợi, nếu biết máy bay mình bị thương, có thể ảnh hưởng tới quyết tâm tiêu diệt địch". Lanh quyết định không báo cáo. Anh sẵn sàng chịu mọi nguy hiểm có thể xảy đến. Máy bay Lanh bị trượt cạnh rất nặng. Chân anh tê đi vì phải dùng sức giữ bàn đạp lái hướng. Tay cũng mỏi nhừ vì cần lái nặng. Nhưng đầu óc anh vẫn minh mẫn. Tốc độ của anh nhỏ hơn, anh dùng cách vòng gấp, phía trong, để bám đội. Khi biên đội cơ động hướng, anh dùng mọi động tác kỹ thuật bám sát phi đội phó như hình với bóng. Nhưng lúc phát hiện địch thì anh quên hết tất cả, liền vứt thùng dầu phụ và lại tăng lực lao vào địch. Thấy máy bay lại rung lên dữ dội, anh mới nhớ ra và thu vội cửa dầu về tốc độ cũ. Anh ép độ nghiêng lớn cắt chéo sườn chiếc F-4 đang ngoặt sang trái. Hai cánh vênh của nó còn đèo nặng chùm bom. Căm thù sôi lên trong tim, nhanh chóng lấy lại đường ngắm cho chính xác, Lanh chớp thời cơ bóp cò. Quả tên lửa thứ nhất bay đi. "ôi, sao nó chậm thế!", anh sợ tên địch chạy mất, vội phóng tiếp ngay quả đạn thứ hai. Quả tên lửa thứ nhất nổ làm chiếc F-4 bùng cháy, quả thứ hai chui vào ngay đám cầu lửa đó. Hai chấm dù bung ra, một trắng, một đỏ. Bầy F-4 như một đàn ong vỡ tổ, bỏ chạy toán loạn. Biên đội chiến thắng trở về, chỉnh tề như một cuộc bay thao diễn.

         Các chiến sĩ thợ máy bao giờ cũng là người đầu tiên ra đón phi công chiến đấu trở về. Từ xa nhìn thấy hai cánh máy bay sạm đen vì đọng khói thuốc phóng, tổ thợ máy phụ trách chiếc máy bay của Lanh vui sướng reo lên: "Máy bay của ta lại được thêm một ngôi sao nữa!". Nhưng cảm giác ấy lập tức nhường ngay cho sự kinh ngạc, sửng sốt, khi phát hiện những vết thương trên chiếc máy bay: Hai cánh bị vỡ toác ra hai mảnh bằng miệng nón, bánh lái lên xuống bị cắt đi một phần ba và dầu đang tứa ra như một mạch máu bị cứa đứt. Chiến công kỳ diệu của Đỗ Văn Lanh truyền nhanhkhắp sân bay như một tin nức lòng người nhất.

        Trong niềm vui rào rạt của đồng đội, Lanh vẫn xuýt xoa:

        - Tiếc quá, đáng lẽ chỉ cần dùng một quả đạn cũng đủ kết liễu chiếc F-4; nóng "ăn" quá, tôi đã phóng những hai quả.

         Chính cái bản chất vốn có đó đã đưa đôi cánh quả cảm và tài năng lên những đỉnh cao mới.

Hà Nội, ngày 3-12-2000       

--------------------
        Chú thích: Theo “phi công tiêm kích" của Lê Hải - 2004.

        Đỗ Văn Lanh tốt nghiệp phi công lái máy bay tiêm kích MIG-17 khoá 2 trường Không quân Việt Nam, tham gia chiến đấu năm 1968. Là phi công bay giỏi được chuyển sang bay MIG-21 đã chiến đấu trên không 68 trận, 10 lần gặp địch, phóng 7 quả tên lửa loại không đối không tự dẫn bằng hồng ngoại, hạ 4 máy bay F-4 Mỹ trong một thời gian ngắn (20-5-1972, 13-6-1972, 23-6-1972 và 9-9-1972) sau chiến tranh anh làm chủ nhiệm bay sư đoàn, tận tình truyền đạt kinh nghiệm và kỹ thuật lái cho anh em phi công trẻ. Những kinh nghiệm chiến đấu của bản thân đã trở thành tài sản quý giá để truyền lại cho bao lớp phi công trẻ, bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc Việt Nam. Năm 1980, trong một lần bay kèm lái mới, bài bay khu vực phức tạp ở độ cao thấp, anh bị tai nạn hy sinh. Đỗ Văn Lanh ra đi để lại trong lòng anh em bao nỗi tiếc thương. Là người con hiếu thảo của gia đình, một phi công tiêm kích dũng cảm,thông minh được đồng đội ca ngợi là chiến sĩ xuất sắc trong không chiến biên đội MIG-21 của Không quân nhân dân Việt Nam năm1972, được Nhà nước tuyên dương Anh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang tháng 1-1973.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:21:55 pm »

       
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ KHÔNG QUÂN NÉM BOM  IL-28 (T-16)

Đại tá PHẠM CHU HẢI                         
Nguyên cán bộ kỹ thuật (Tiểu đoàn độc lập 929)       

        Trong 3 ngày cuối tháng 6-1965, 8 chiếc máy bay ném bom tầm trung IL-28 lần lượt hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sau chuyến bay dài từ sân bay quân sự của Liên Xô và quá cảnh trên đất Trung Quốc. Trong số máy bay này có 4 chiếc chiến đấu (2082, 2084, 2086, 2088) , 3 chiếc trinh sát chụp ảnh (2182 , 2186) và một chiếc huấn luyện (2180). Cùng hạ cánh xuống sân bay còn có chiếc máy bay vận tải cỡ lớn chở vật tư khí tài và các chuyên gia kỹ thuật Liên Xô.

        Đón và tiếp nhận máy bay là những cán bộ nhân viên kỹ thuật IL-28, tốt nghiệp trường Không quân Krasnodar (Liên Xô) về nước từ cuối năm 1964, do đồng chí Bùi Minh Hứa phụ trách. Đây là đoàn cán bộ kỹ thuật trên 100 người gửi sang đào tạo ở Liên Xô từ năm 1961, sau đó tách ra thành hai bộ phận, một bộ phận học kỹ thuật máy bay MIG-17, bộ phận chúng tôi học kỹ thuật máy bay IL-28. Về nước, do không có máy bay, anh em chúng tôi có người được đi học chuyển loại kỹ thuật máy bay MIG-21, số người khác chuyển sang công việc theo yêu cầu của tổ chức. Vào thời điểm tiếp thu máy bay từ Liên Xô sang, đoàn không còn đủ quân số như lúc trở về. Hôm làm nhiệm vụ chỉ còn 14 người, đó là các đồng chí: Bùi Minh Hứa, Lê Thanh Quảng, Phạm Điệt, Dương Đức Thắng, Nguyễn Tấn Hùng, Trần Hải và Nguyễn Tấn Sơn (cơ giới); Nguyễn Hữu Công và Đặng Sĩ (vô tuyến điện); Nguyễn Tiến An và Cao Bá Hồng (đặc thiết); Nguyễn Văn Tư, Lê Minh Cang và Phạm Chu Hải (quân giới), do đồng chí Bùi Minh Hứa phụ trách. Một tuần sau, đơn vị được bổ sung thêm các đồng chí trung cấp kỹ thuật MIG- 17 tốt nghiệp trường kỹ thuật Cát Bi cùng một số thợ sơ cấp kỹ thuật của các bộ môn khác nhau. Đó là các đồng chí: Nguyễn Duy Mật, Đào Đình Đoán, Cao Trợ, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Văn Mình, Phạm Ngọc Bảo và Nguyễn Văn Nhâm (cơ giới); Đặng Khắc Tú (vô tuyến điện). Tiếp đó một số cán bộ từ trung đoàn 919 được bổ sung về Nông Mạnh Luân (đặc thiết); Ngô Căn và Đặng Trần Mơ (vô tuyến điện). Các đồng chí này học kỹ thuật Mi-4 ở Liên Xô về. Khoảng 2 tuần sau có thêm 5 cán bộ kỹ thuật học MIG- 17 ở Trung Quốc về đơn vị, đó là các đồng chí Ngô Thế Quý, Lê Đình Bốc và Lê Nam (cơ giới); Đặng Trần Phương (vô tuyến điện); Trần Trung Nghĩa (đặc thiết) và Đỗ Công Phức (quân giới).

        Đội ngũ kỹ thuật không quân ném bom IL-28 (T-16) được biên chế thành đại đội 16 (c16) thuộc trung đoàn 921 gồm 5 trung đội: Vô tuyến điện tử; Đặc thiết; quân giới và 2 trung đội cơ giới. Ngoài ra có bộ phận kỹ thuật không ảnh gồm 4 đồng chí: Trương Công Tôn, Nguyễn Anh Khoát, Ngô Phong Cảnh và Ninh Văn Súy, do đồng chí Tôn phụ trách. Bộ phận này thuộc biên chế của tham mưu T- 16.

        Tháng 10 năm 1968, lực lượng T-16 trở thành tiểu đoàn độc lập 929, trực thuộc Binh chủng Không quân và bộ phận kỹ thuật thành đại đội 2 (c2), tiểu đoàn 292.

         Tháng 9 năm 1972, tiểu đoàn độc lập 929 giải thể. Phần lớn cán bộ kỹ thuật được tập trung lên trường kỹ thuật ở Thậm Thình (Phú Thọ) học chuyển loại kỹ thuật máy bay MIG-21, còn lại 9 người gồm các bộ môn, do đồng chí Cạo Trợ phụ trách. Sau đó các đồng chí này và 2 máy bay được điều động về trung đoàn 919 ở sân bay Gia Lâm.

         Trong 8 năm hình thành và tồn tại không quân ném bom T-16, đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật luôn có những biến động. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1969 có đến 2/3 số cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc và 1/3 số nhân viên sơ cấp kỹ thuật dời đơn vị đi chiến đấu ở các chiến trường B, C và pháo cao xạ.

        Ngay từ những ngày đầu xuất hiện lực lượng không quân ném bom, buộc Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn phải tìm phương thức đối phó. Đầu năm 1966, 2 máy bay trinh sát vũ trang A-3J của Mỹ phát hiện được những chiếc IL-28 của đơn vị đỗ ở dọc xóm Tân An đến Gò Trai, đã lao vào phóng nhiều loạt bom bi quả dứa xuống khu vực máy bay đỗ làm chiếc 2084 hỏng nặng. .

        Những năm tiếp theo, máy bay không được bổ sung. Những chiếc còn lại do đã qua nhiều lần đại tu ở Liên Xô trước khi đưa sang Việt Nam nên thời hạn sử dụng không còn nhiều, thường phát sinh hỏng hóc. Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ kỹ thuật T- 16 luôn phấn đấu vượt bậc bảo đảm máy bay luôn đạt hệ số kỹ thuật cao (90%) và luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Nhiều lần đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị máy bay đi chiến đấu ở các chiến trường B, C, cơ động đến nhiều sân bay, duy trì 4 chiếc máy bay tốt sẵn sàng cất cánh. Hàng trăm quả bom các loại, hàng ngàn viên đạn pháo được lắp lên máy bay sẵn sàng đợi lệnh. Song vì những lý do khách quan, máy bay ném bom không có dịp cất cánh chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:23:12 pm »


         Năm 1970 và 1971 là 2 năm khó khăn nhất đối với T-16. Lúc này đơn vị chỉ còn 2 chiếc máy bay tốt (2088 và 2184). Chiến trường lại rất cần sự chi viện hoả lực của không quân ném bom.

        Tháng 7 năm 1971, trên quyết định cho đơn vị cải tiến máy bay trinh sát chụp ảnh (2184) thành máy bay ném bom. Việc cải tiến không phải dễ vì phải thay đổi toàn bộ hệ thống máy ngắm ném bom, hệ thống lái tự động, ra đa PSB-NM, hệ thống máy tạo và phân xung điều khiển ném bom và phải làm mới hoàn toàn hệ thống cáp điện từ buồng lái, buồng dẫn đường đến buồng bom. Song với sự quyết tâm của toàn đơn vị, với trí thông minh sáng tạo của các cán bộ kỹ thuật, nhất là 2 thợ quân giới Hà Văn Như và Nguyễn Văn Ngọ, chúng tôi hoàn thành công việc cải tiến kỹ thuật một cách xuất sắc: Thay toàn bộ hệ thống máy ngắm OPB-5S của máy bay trinh sát bằng máy ngắm ném bom OPB-6SR có tính năng và độ chính xác cao hơn, đặc biệt có chế độ hoạt động đồng bộ với ra đa PSB-NM mà máy bay trinh sát không có; thay toàn bộ hệ thống máy tạo xung và phân xung điều khiển ném bom ESBR-45S bằng ESBR-49M và KSB; thay 4 giá bom KD-2 của máy bay trinh sát bằng giá KD-3 của máy bay ném bom. Việc cải tiến hoàn thành, phi công - dẫn đường Thân Xuân Hạnh trực tiếp kiểm tra và làm những thao tác kỹ thuật phù hợp đã cho nhận xét tốt. Tiếp đó là cuộc bay thử và ném bom thật trên trường bắn Hoà Lạc, xác suất trúng mục tiêu rất cao và công việc cải tiến đã hoàn tất, đạt kết quả tốt. Chiếc máy bay trinh sát chụp ảnh (2184) có chức năng mới: Ném bom.

        Chiều 5-10-1972, số anh em lên trường kỹ thuật Thậm Thình được gần nửa tháng thì tôi cùng 3 đồng chí Đinh Công Chính, Nguyễn Tiến Bách và Phạm Văn Đăng được đồng chí Bùi Minh Hứa gọi lên giao nhiệmvụ. Nhận lệnh, 8 giờ tối chúng tôi xuất phát từ Phú Thọ trên 3 chiếc xe đạp phóng về Hà Nội. Trời tối, gió rét, mặt đường ổ gà, chúng tôi vẫn gò lưng tôm vội vã trở về trung đoàn 919 và phải đến 4 giờ sáng mới tới sân bay Gia Lâm. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị gấp 2 máy bay ném bom làm nhiệm vụ chiến đấu.

        Sáng 9-10-1972, chúng tôi cơ động lên sân bay Nội Bài, đưa 2 máy bay vào sân đỗ trước xưởng định kỳ, kiểm tra thông điện lần cuối, kiểm tra đồng bộ, bom đạn. Phương án treo mắc bom được chuẩn bị như sau: Máy bay 2184 treo 8 quả bom phá mảnh OFAB-250 (250kg), chiếc 2088 treo 8 bom bi (mỗi quả mẹ chứa 150 quả bom con). Sau hơn một giờ, 2 máy bay hoàn thành công tác chuẩn bị và đợi lệnh sẵn sàng cất cánh.

         Các tổ bay được giao nhiệm vụ chiến đấu là: Bùi Trọng Hoàn (phi công), Nguyễn Đình Nhẫn (dẫn đường), Nguyễn Hùng Cường (bắn súng - vô tuyến điện) và Nguyễn Văn Cừ (phi công), Thân Xuân Hạnh (dẫn đường), Ngô Văn Trung (bắn súng - vô tuyến điện).

         17 giờ ngày 9-10-1972, hai tổ bay lần lượt cất cánh theo hiệu lệnh chiến đấu và bay thẳng đến mục tiêu, đó là căn cứ phỉ Vàng Pao ở Loong Chẹng trên đất Lào và thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương án đề ra. Trận tập kích của 2 IL-28 đã đánh trúng mục tiêu địch, sát thương phần lớn sinh lực và khí tài chiến đấu của địch, lập chiến công đầu cho lực lượng không quân ném bom duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng này, 2 máy bay về hạ cánh ở sân bay Nội Bài, rồi chuyển hướng về sân bay Hoà Lạc. Hạ cánh xuống sân bay Hoà Lạc, máy bay không tắt máy, từng phi công điều khiển máy bay lăn thẳng vào ụ sơ tán theo hướng dẫn của tổ trưởng kỹ thuật máy bay. 8 giờ tối, mọi việc sơ tán nguỵ trang máy bay vừa xong thì F- 111 đến ném bom, anh em chúng tôi cũng như máy bay đều an toàn.

        Chuẩn bị cho cuộc duyệt binh vào ngày 2-9-1973, cùng với các loại máy bay khác của không quân, 2 máy bay (2088 và 2184) được sơn trả lại màu trắng bạc như lúc ban đầu và phù hiệu Không quân Việt Nam, để chuẩn bị tham gia duyệt binh. Song vì máy bay đã hết niên hạn sử dụng nên kế hoạch không thực hiện được.

        Quá trình bảo đảm kỹ thuật máy bay IL-28 là một quá trình gian lao vất vả. Có lần do yêu cầu cải tiến bom phục vụ huấn luyện, bom nổ, một nhân viên quân giới hy sinh, một bị thương nặng (11-1968); hoặc khi đưa máy bay về Hoà Lạc sơ tán, anh em kỹ thuật chúng tôi loay hoay vất vả mải mới đẩy được 2 máy bay vào sát khu đồi Trẩu nằm trên đường vào chợ Cò, Hòa Bình; hoặc khi bị bom bi, máy bay hỏng nặng, chúng tôi phải huy động toàn bộ trí tuệ, tính sáng tạo và sức lực của cán bộ kỹ thuật trong đơn vị để sửa chữa, hồi phục ... cho đến nay, kể cả ở Bảo tàng Không quân, không ai còn được thấy hình ảnh chiếc IL-28, nhưng với thời gian không dài tồn tại, không quân ném bom T- 16 cũng đã góp phần vào chiến công chung của Không quân nhân dân Việt Nam.

Hà Nội, 12-2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 10:58:04 pm »

        
MÁY BAY SỐ HIỆU 5020

Đại tá MAI BÁ QUÁT                                             
Nguyên xưởng trưởng Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật trung đoàn 921        

        Máy bay mang số hiệu 5020 được đặt tại Bảo tàng Không quân, đó là một trong các đại diện xuất sắc của "xê ri 50"' đã có thành tích đặc biệt trong chiến đấu. Khi máy bay đánh thắng máy bay Mỹ trở về hạ cánh, người ta không thể quên một đội ngũ kỹ thuật lành nghề của xưởng bảo dưỡng kỹ thuật trung đoàn 921 đã cải tử hoàn sinh cho nó.

         Năm 1968, trong một cuộc bay huấn luyện, máy bay 5020 đã bị tai nạn và hư hỏng nặng: Toàn bộ vỏ bọc phần dưới bụng bị bào mòn và rách; hệ thống dẫn khí bị bẹp; khoang số 6 cố định càng trước bị gãy; dao chỉnh dòng bị hỏng hoàn toàn... Nhìn chiếc máy bay ở tư thế "nằm bẹp", cán bộ chiến sĩ trung đoàn không khỏi băn khoăn lo lắng. Tình hình chiến đấu lúc này đang khẩn trương, địch hoạt động mạnh, máy bay của ta số lượng rất hạn chế, bây giờ lại thêm máy bay "20" bị hỏng, khác nào năm ngón tay mất đi một.

        Trước tình hình đó, Đảng uỷ và chỉ huy trung đoàn quyết định phải tập trung lực lượng kỹ thuật sửa chữa bằng được máy bay "20" để đưa nó về đội hình chiến đấu. Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật được vinh dự nhận nhiệm vụ này. Đây là một xưởng có truyền thống hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Ngay từ những ngày trung đoàn 921 còn sử dụng máy bay MIG- 17, rồi MIG- 17F sau đó là MIG- 21 ... Xưởng đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa hàng nghìn lần chiếc máy bay với thời gian ngắn nhất, chất lượng cao để máy bay được tham gia chiến đấu. Việc "5020" vào xưởng sẽ là dịp để cán bộ chiến sĩ của xưởng thể hiện tay nghề và kiến thức vững vàng, lòng quyết tâm và tính sáng tạo của tập thể đơn vị trước nhiệm vụ được giao.

        "Bộ Tham mưu' của xưởng đã được lâm thời thành lập, bao gồm: Chỉ huy xưởng, các kỹ sư, các trung cấp và sơ cấp kỹ thuật lành nghề... Sau nhiều lần bàn "kế đánh thắng", phương án sửa chữa "20" đã được trình lên ngành nghiệp vụ cấp trên, được thông qua và được tập trung mọi nỗ lực vào việc sửa chữa. Sau bao ngày đêm lao động cực nhọc, "20" đã được sửa chữa xong; chỗ rách được vá, chỗ gãy được kết cấu lại, chỗ hỏng được thay thế... Máy bay "20" đang dần dần được hoàn sinh. Công việc đó phải kể đến các đại diện tiêu biểu của xưởng, những người đã trực tiếp tham gia "cứu sống" máy bay, đó là chỉ huy xưởng, là đại diện phân đội cơ khí: Nguyễn Văn Tái, trung cấp kỹ thuật, cùng các nhân viên kỹthuật lành nghề khác của bộ phận này như: Lê Thuật Khoát, Bùi Xuân Khoả, Nguyễn Văn Tỵ, Đỗ Văn Riêu. Đó là các cán bộ kỹ thuật chuyên ngành như: Hoàng Đình Diễm (máy bay động cơ); Trần Tưởng, Vĩnh Thịnh (thiết bị hàng không); Nguyễn Đình Tiến (vũ khí hàng không); Nguyễn Văn Bằng, Hà Văn Mỹ (vô tuyến điện tử) ; Đoàn Nam (ra đa) ...

        Nhìn "20" được sửa chữa xong phần cơ khí, cán bộ chiến sĩ của xưởng không thể không tự hào. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, bằng lòng căm thù giặc Mỹ ngày đêm ném bom tàn phá làng quê, bằng sự khắc phục khó khăn thiếu thốn không mệt mỏi máy bay "20" được sửa chữa với thời gian rút ngắn đáng kể. Công đoạn cuối cùng là phải kiểm tra lắp đặt các thiết bị lên máy bay, thử máy, bay thử. Không kịp nhớ đó là ngày bao nhiêu, máy bay "20" bay thử hai chuyến thành côngvà hạ cánh an toàn. Từ giờ phút đó, "20" được trở về đội ngũ của mình. Điều không tin được đã trở thành hiệnthực. Năm ngón tay vẫn lành lặn trên một bàn tay.Thành tích sửa chữa máy bay "20" của Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật đã được ghi vào sổ vàng truyền thống của trung đoàn 921 , tạo tiền đề cho xưởng phát triển trưởng thành và lớn mạnh sau này.

        Năm 1972, đế quốc Mỹ trở lại cuộc chiến tranh phá hoại trên phạm vi toàn miền Bắc, máy bay số hiệu 5020 được chuyển về trung đoàn 927 - Đoàn không quân Lam Sơn. Sau nhiều lần tham gia trực ban chiến đấu, ngày 5 tháng 7 năm 1972, máy bay "20" đã được cất cánh chiến đấu. Người cầm lái máy bay "20" là phi công Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí Nguyễn Tiến Sâm. Sau khi phát hiện máy bay địch, Nguyễn Tiến Sâm tiếp cận mục tiêu rồi ở cự ly gần, anh phóng tên lửa, máy bay địch bốc cháy tại chỗ, còn "20" thuận đà lao ngay vào vùng cháy của máy bay địch. Cán bộ chiến sĩ Đoàn Lam Sơn không bao giờ quên trận đánh này. Riêng cán bộ chiến sĩ quản lý máy bay "20" không chỉ vui mừng với chiến thắng, còn rất đỗi ngạc nhiên vì sau trận đánh, máy bay của họ đã đổi màu: Từ màu trắng bạc biến thành màu đen của khói. Nguyên do là máy bay "20" đã được "tắm" trong khói lửa của máy bay địch sau khi bị Nguyễn Tiến Sâm bắn cháy.

        Chiến công của máy bay 5020 lại ghi vào lịch sử Trung đoàn Lam Sơn, là niềm tự hào của tập thể trung đoàn anh hùng, như một bài ca Không quân nhân dân Việt Nam, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hà Nội, 8-2001        
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM