Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:57:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30335 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:36:17 pm »


        Tạm biệt MOCKBA trái tim của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết - tầu hỏa khởi bánh dần dần đưa chúng tôi xa dần xa dần MOCKBA vào Xiberi bạt ngàn cây thông, cây bạch dương...

        Tại ga Hàng Cỏ: Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không đồng chí đại tá Đặng Tính bắt tay từng người một, rồi lên xe ô tô về sân bay Gia Lâm - Hà Nội.

        Ngày 1-5-1959, ngày khai sinh ra trung đoàn không quân vận tải đa chức năng đã đến trung đoàn 919.

        Từ năm 1959 đến năm 1968 trung đoàn không quân vận tải có các loại máy bay IL-14, LI-2, AN-2, Mi-6. Trong những năm này chúng tôi bay phục vụ các nhiệm vụ như phục vụ ủy ban giám sát quốc tế về hội nghị Giơnevơ ở Việt Nam.

        Bay chuyên cơ đưa Bác Hồ đi công tác; đưa vua Lào từ Hà Nội về Viên Chăn năm 1962; bay chi viện cho chiến trường Lào từ năm 1962 - 1965; bay chiến đấu bắn hạ 01 máy bay C123 của không quân Mỹ trên vùng trời Thanh Hóa bằng chiếc máy bay T28 thu được từ không quân Hoàng gia Lào, phi công thực hiện nhiệm vụ này là đồng chí đại tá Nguyễn Văn Ba anh hùng lựclượng vũ trang và đồng chí Phước - Đại tá, AN-2 làm nhiệm vụ không đối biển đã bắn chìm nhiều tàu biệt kích của Mỹ ra bắn phá vùng biển Sầm Sơn, ThanhHóa; biên đội AN-2 làm nhiệm vụ không đối đất, 4 máy bay AN-2 đã tiêu diệt một trận địa ra đa của Mỹ ở núiPa Thí - Lào.

        Tháng 4- 1968 Quân chủng PK-KQ cử một tổ bay đi chuyển loại máy bay IL-18 do đồng chí Võ Quang Bốn làm đoàn trưởng, đồng chí Vũ Quý Đĩnh làm bí thư chi bộ. Sau 4 tháng học chuyển loại, toàn đoàn 100% đạtyêu cầu 75% khá giỏi. Tiếp đó chúng tôi được đi thực tập sinh tại Tasken thuộc nước cộng hòa Uzbekistan. Sau lần đi thực tập sinh này chúng tôi được phê chuẩn bay nhiệm vụ quốc tế và trong nước. Đồng chí Bốn được phê chuẩn lái chính bay chuyên cơ và giáo viên IL - 18, đồng chí Nguyễn Cảnh Phiên được phê chuẩn giáo viên dẫn đường máy bay IL- 18.

        Một nhiệm vụ nặng nề thử thách chúng tôi đó là chuẩn bị cho chuyến bay Hà Nội - Paris qua các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ, Hà Lan, Đan Mạch,Na Uy, Lúc Xăm Bua, Pháp. Chúng ta mở mặt trận ngoại giao tại thủ đô nước Pháp (Paris) gọi là "Hội nghị Paris về Việt Nam. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đáp ứng mọi yêu cầu của đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị Paris về Việt Nam. Chủ yếu là bảo đảm an toàn cho đoàn trong mọi tình huống đi đến nơi về đến chốn, an toàn tuyệt đối" để hoàn thành nhiệm vụ này, chúng tôi phải trực ban tại Mockba đợi lệnh của đoàn. Khi đoàn có lệnh sang Paris, sau 5 tiếng đồng hồ bay chúng tôi có mặt tại Paris và lập tức bay về Hà Nội. Sau khi về Hà Nội được 1 - 2 ngày chúng tôi lại tiếp tục bay sang Paris. Nhiệm vụ này kéo dài trong 3 năm từ 1970 -1973. Tháng 6-1976 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đi thăm chính thức nước Pháp và sau đó đi thăm 5 nước Bắc âu: Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy. Tổ bay IL- 18 chúng tôi đã khắc phục mọi khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này và được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi.

        Chúng tôi đã sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ đưa các đoàn Đảng, Chính phủ đi công tác nước ngoài như đi dự đại hội Đảng của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa; đoàn đại biểu của Chính phủ đi làm nhiệm vụ kinh tế, đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ đi thăm hữu nghị các nước; chuyến bay có ý nghĩa lịch sử nhất đó là chuyến bay đưa toàn thể Bộ Chính trị và bác Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước bay từ Hà Nội - Sài Gòn - Hà Nội để dự lễ mừng chiến thắng giải phóng hoàn toàn.miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 15-5-1975.

        Ngoài nhiệm vụ bay chuyên cơ chúng tôi bay phục vụ kinh tế dân sinh, bay chuyển quân và vũ khí kịp thời cho việc mở chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.        Nhiệm vụ xây dựng lực lượng, chúng tôi đào tạo được 4 tổ bay IL- 18 làm các nhiệm vụ thông thường.

Gia Lâm, tháng 10-2004       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:38:17 pm »

       
CHIẾC MÁY BAY 963 VÀ CHIẾN CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

NGUYỄN XUÂN THỦY       

        Trận đọ sức trực tiếp và chiên thắng oanh liệt của lực lượng phi công tiêm kích non trẻ Việt Nam với lực lượng không quân hiện đại của đế quốc Mỹ ngày 3/4/1965 trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa đã được ghi nhận vào lịch sử và trở thành ngày truyền thông ra quân đánh thắng trận đầu của không quân nhân dân Việt Nam. Nhưng trước đó hơn một năm, bằng chiếc máy bay T28 thu được của Chính phủ Hoàng gia Lào do một phi công bay sang hàng, không quân ta đã bắn rơi một chiếc máy bay vận tải C123 của Mỹ thả biệt kích xuống miền Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên ta dùng máy bay địch để tiêu diệt máy bay địch.

        Người phi công xin hàng cùng chiếc máy bayT28 không có hồ sơ.

         Buổi trưa ngày 16-9-1963, trời mưa lất phất. Khi những người thợ của xưởng A33 (xưởng đại tu máy bay của Quân chủng Không quân) đóng tại sân bay Bạch Mai đang ngủ thì bỗng có tiếng máy bay lạ. Phó xưởng trưởng Trần Ngọc Khanh vội vàng bật dậy, không kịp mặc quần dài anh chạy bổ ra sân bay. Cảm giác của người thợ máy nhiều kinh nghiệm đã không lầm, một chiếc máy bay lạ đang hạ dần độ cao từ phía đầu đông sân bay, hướng ga Văn Điển đang chuẩn bị hạ cánh. Chiếc máy bay hạ thấp đến độ cao anh có thể nhìn thấy lá cờ mang biểu tượng ba con voi in trên đó. Nhưng máy bay không hạ cánh mà lại vọt lên. Sau khi chao cánh làm động tác xin hạ cánh bắt buộc, nó lượn một vòng rồi nhẹ nhàng đáp xuống đường băng, lăn bánh chậm dần rồi dừng lại. Thượng úy Khanh giơ tay ra hiệu cho máy bay vòng qua đường lăn quay lại điểm đỗ. Đó là một chiếc máy bay T28 do Mỹ sản xuất mang quốc hiệu Hoàng gia Lào khi đó. Người phi công đeo lon thiếu úy mở cửa bước xuống, tươi cười chào và giơ hai tay thân mật bắt tay ông Khanh. Đến lúc đó, đội ngũ thợ máy của xưởng ùa ra. Người phi công được mời vào xưởng, còn chiếc máy bay, ông Khanh phân công phân xưởng trưởng Đặng Đình Ninh chịu trách nhiệm kéo vào hăngga bảo quản. Sự việc ngay lập tức được Đại úy Trương Ngọc Bình, Chính ủy xưởng báo cáo lên lãnh đạo Cục Không quân khi đó đóng tại Gia Lâm và được đồng chíCục trưởng Đặng Tính báo lên Bộ Quốc phòng.

        Khi đã vào nhà, Chính ủy Trương Ngọc Bình và phó xưởng trưởng Trần Ngọc Khanh tổ chức gặp gỡ người hàng binh ngay. Ngôn ngữ đầu tiên mà chủ và khách dùng để nói chuyện với nhau là tay chân và điệu bộ. Đến khi đồng chí Trương Hay bỗng nhớ ra và nói với ông Khanh trong xưởng có cậu Mạnh biết tiếng Lào. Thế là đồng chí Mạnh (người chuyên phụ trách các biển tên chức năng trên các máy bay của xưởng) được gọi lên làm phiên dịch. Cuộc nói chuyện lúc này trở nên dễ dàng hơn. Người phi công cho biết anh tên là Bun Khăm vốn là phi công gốc Thái Lan đang phục vụ cho quân đội Hoàng gia Lào. Do chán ghét chế độ thân Mỹ của chính phủ mà có ý định chạy sang đầu quân cho Việt Nam vì đã được nghe những điều tốt đẹp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Dự định được anh nung nấu từ lâu nhưng chưa có cơ hội, hôm nay nhân chuyến bay chào mừng sinh nhật nhà vua, anh đã tách đội hình bay ra hướng biển rồi theo đường sắt mà bay đến Hà Nội. Hôm đó dự báo có bão lớn, các trạm ra đa của ta được lệnh thu hồi ăngten để đảm bảo an toàn nên không phát hiện ra chiếc T28 bay vào. Kể từ hôm đó, ngoài nhiệm vụ thường xuyên. Xưởng A33 còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng là hằng ngày cắt cử anh em thợ máy canh gác cẩn mật chiếc máy bay này.

        Quyết tâm biến thành vũ khí để đánh địch.

        Ngày 22-10- 1963, Cục Không quân và Bộ Tư lệnh Phòng không được sáp nhập thành Quân chủng Phòng không - Không quân do đồng chí Phùng Thế Tài làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Tính làm Chính ủy. Thời điểm này không quân ta chỉ có các máy bay vận tải LI-2, IL-14, AN-2 và máy bay huấn luyện IAK-18. Trước đó không quân ta cũng đã cải tiến, lắp vũ khí lên máy bay AN-2 để đánh các mục tiêu trên biển. Nay có T28, Quân chủng quyết định luyện tập để đánh mục tiêu trên không của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:39:32 pm »


        Các thành phần được huy động tham gia nghiên cứu T28 tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật để có thể làm chủ máy bay. T28 là loại máy bay khu trục anh em kỹ thuật vẫn gọi một cách hài hước thành "dân dumục" dùng để ném bom mặt đất, dưới hai cánh có lắp hai giá để bom, trên máy bay có lắp thêm hai khẩu 121y7 chủ yếu dùng để tự vệ trên không. Những người thợ của xưởng A33 cùng hai cán bộ của phòng kỹ thuật quân chủng là Nguyễn Ngọc Tuấn, thợ cơ giới trên không và Lê Bá Phúc, tổ trưởng đặc thiết, có nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ chiếc máy bay lạ. Thợ cơ giới tiến hànhkiểm tra bề ngoài, thân, cánh, bánh xe, càng... rồi đến kiểm tra động cơ. Tổ đặc thiết kiểm tra các thiết bị đặc chủng như đồng hồ, công tắc điện. Vì cấu tạo T28 gần giống như loại máy bay IL- 14 mà những người thợ kỹ thuật của xưởng đã quen làm nên việc kiểm tra cũng có thuận lợi hơn. Sau khi cho nổ máy thử vài lần, ông Đặng Đình Ninh và tổ kỹ thuật đã khẳng định máy bay hoạt động tốt. Sau đó, T28 được sơn màu khác, và mang phù hiệu Không quân Việt Nam là một ngôi sao đỏ in trong hình tròn vàng, hai bên có hai dải kéo dài màu xanh. Chiếc máy bay này cũng được đặt tên mới. Mọi người trong xưởng đều thống nhất đề nghị và được BộTư lệnh nhất trí tên gọi mới T28 là 963, tức là tháng 9-1963 là thời gian T28 đến với Việt Nam. Tiếp đó, ông Dương Niết và ông Nguyễn Lệ Quỳnh, trợ lý quân giới của phòng kỹ thuật máy bay tiến hành nghiên cứu hệ thống vũ khí lắp trên T28 mà cụ thể là về nguyên tắc hoạt động của hai khẩu 121y7. Các ông đã tháo rời từngbộ phận, nghiên cứu về quy trình làm việc từng chi tiết của súng, máy ngắm, hệ thống khí nén, hệ thống điện điều khiển, công tắc nạp đạn... Sau khi thử đi thử lại nhiều lần ở mặt đất đạt kết quả tốt, ông Dương Niết còn ngồi trên máy bay cùng phi công bay thử để kiểm tra quá trình hoạt động trên không của vũ khí.

        Được sự nhất trí của trên, phi công Bun Khăm (lúcnày có tên Việt Nam là Sơn) được mời xuống hướng dẫn cho phi công ta bay. Quân chủng cử hai phi công là giáo viên bay của trường Không quân, Đoàn bay 910, là Nguyễn Văn Ba là Lê Tiến Phước tham gia học tập để có thể tiếp thu máy bay mới. Cả hai phi công NguyễnVăn Ba và Lê Tiến Phước đều học ở Trung Quốc về nhưng chưa hề được tiếp xúc với loại máy bay này nên phải học từng thao tác. T28 có hai chỗ ngồi, phi công Sơn ngồi trước điều khiển, phi công Nguyễn Văn Ba của ta ngồi sau quan sát thứ tự động tác để làm quen. Sau khi phi công ta đã tiếp cận và điều khiển được máy bay, cả tổ xuống sân bay Kiến An tập hàng tháng trời các động tác bắn, thao tác bay... Bộ Tư lệnh quyết định dùng máy bay của ta giả làm mục tiêu để cho 963 luyện tập. Ban đêm, một trong những máy bay vận tải cánh quạt LI-2 hoặc IL-14 của ta bay lên và bật hết đèn để 963 khi được dẫn đường đến gần, phi công sẽ tập tìm bằng mắt. Sau khi luyện tập bay đường dài thành thạo, đến nội dung tập tìm mục tiêu, rồi tập xạ kích; mô hình mục tiêu bằng cót ép đã được làm và đặt dưới mặt đất để 963 tập bắn.

         Tuần trăng định mệnh và số phận những tênbiệt kích trên chiếc máy bay C123.

         Đêm 15-2-1964, Bộ Tư lệnh Quân chủng nhậnđược tin có máy bay địch tốc độ chậm, bay thấp đang hoạt động. Lập tức tin này được báo xuống tổ trực chiến. Hệ thống quan sát của ta đã phát hiện máy bay địch bay dọc theo triền phía đông dãy Trường Sơn hướng lên Tây Bắc. 1 giờ 7 phút ngày 16-2, Tư lệnh Phùng Thế Tài lệnh cho 963 cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Tổ bay rời mặt đất không dùng liên lạc vô tuyến điện, đến độ cao 500 mét báo về sở chỉ huy. Phi công Nguyễn Văn Ba lái chính, phi công Lê Tiến Phước lái phụ. Kíp dẫn đường tại sở chỉ huy gồm có Trần Quang Kính dẫn chính, Đào Ngọc Ngư dẫn phụ và một đồng chí ghi chép chỉ thị ra đa: Tại đài ra đa 402 có sĩ quan dẫn đường hiện sóng Nguyễn Văn Chuyên cùng một đài trưởng và các trắc thủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:41:10 pm »


        Sĩ quan dẫn đường liên tục thông báo cự ly giữa máy bay ta và máy bay địch: 30, 20, 15 rồi 5km. Độ cao của 963 được dần nâng lên, từ 1000m lên 1500m rồi 2000m. Khi ở độ cao 1200m, tổ bay nghe sở chỉ huy thông báo: "Quạ đen phía trước, lên phải 15 độ, cự ly 15km". Nguyễn Văn Ba tăng ga, cự ly ta và địch được rút gần lại. Khi 963 vào đến Thanh Hóa, sở chỉ huy cho kéo lên độ cao 2500m, đi qua Thạch Thành, Cẩm Thủy đến Hồi Xuân, La Hán tiếp cận mục tiêu ở phía Tây, cách máy bay địch khoảng 4 - 5km. Mọi điều kiện về thời tiết khí tượng đều đảm bảo. Cả sở chỉ huy nín thở chờ thông báo của tổ bay. Bây giờ có phát hiện mục tiêu hay không phụ thuộc hoàn toàn vào bốn con mắt của hai phi công trên 963 mà thôi. Cuối cùng thì "thằnggiặc" cũng hiện ra to bằng bàn tay, đen sẫm ở phía bên phải. Dưới ánh trăng lạnh và qua làn mây trắng xốp, chiếc C123  đang di chuyển. Trên máy bay 963, nhớ phương án đã luyện tập, lúc này phi công Nguyễn Văn Ba cho máy bay tăng tốc tiếp cận mục tiêu từ phía trên, đưa vòng ngắm vào động cơ bên phải máy bay địch. Cách khoảng 500m, hình thù máy bay địch đã hiện rõ, luồng lửa từ ống xả hai động cơ đỏ rực. Khi cự ly bắn chỉ khoảng 150m, cao hơn địch chừng chục mét nhìn chếch ở hướng khoảng 45 độ, chiếc C123 hiện ra sừng sững như một ngôi nhà, nó đã vào tầm ngắm của khẩu trọng liên. Nguyễn Văn Ba thông thoại nội bộ trao đổi với Lê Tiến Phước: "Bắn được chưa, Phước?" Lê Tiến Phước trả lời: "Được rồi đó, bình tĩnh nghe". Nguyễn Văn Ba ấn công tắc nạp đạn, chiếm vị trí công kích nhấn nút siết cò đạn bay tới tấp. Chiếc C123  trúng đạn, động cơ phải phụt lửa rồi lại tắt. Ngừng lại, rồi phóng thêm một loạt đạn nữa, chiếc C123  khổng lồ nghiêng về trái, động cơ lại phụt lửa nhưng vẫn không bốc cháy. Lúc này cự ly chỉ còn độ 100m. Bỗng chiếc C123  mở cửa đuôi, một khoảng đen hình vuông mở ra. Nguyễn Văn Ba nhìn thấy đèn đỏ ở cửa buồng lái, anh liền nhằm khoảng đen đó siết cò bắn tiếp loạt thứ 3. Chiếc C123  tròng trành bay về hướng Hồi Xuân, La Hán giáp biên giới Việt -Lào. Tổ bay 963 về sân bay hạ cánh an toàn. Như vậy là 3 loạt đạn, tổ bay đã bắn hết 190 viên. Với ba loạt đạn của ta, tổ bay tin chắc chiếc C123 không thể trở về nhưng xác của nó không được tìm thấy, 963 lại không có máy chụp hình khi bắn nên không biết lấy gì làm bằng chứng.

         Sau đó ít lâu ta bắt được một tù binh của địch. Khi tiến hành điều tra xét hỏi, hắn đã khai là một trong những thành viên tổ lái chiếc máy bay C123 đột nhập bằng đường không hồi tháng 2-1964 nhưng chưa kịp thả biệt kích thì máy bay bị trúng đạn rơi xuống sát biêngiới Việt - Lào. Toàn bộ toán biệt kích trên máy bay đã thiệt mạng, phi hành đoàn chỉ có 2 tên sống sót. Hắn là một trong hai tên được hưởng sự may mắn đó. Đến lúc này thành tích của 963 mới được ghi nhận. Năm 1966 hai phi công Nguyễn Văn Ba và Lê Tiến Phước đã được tặng Huân chương chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đến năm 1995, phi công Nguyễn Văn Ba (lúc này là người của Hàng không dân dụng) cùng với những thành tích khác trong quá trình công tác đã đượcNhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Tâm sự của những người trong cuộc.

        Đa số những người tham gia trận đánh của 963 đều gắn bó trong Quân chủng Phòng không - Không quân với chuyên môn của mình. Một số đồng chí chuyển ngành sang Hàng không khi đoàn bay 919 được tách ra để thành lập ngành Hàng không dân dụng như phi công Nguyễn Văn Ba; có người sau này đã trở thành chỉ huy trung đoàn bay chiến đấu của không quân như phi công Lê Tiến Phước; sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên những năm sau đã trở thành người dẫn đường "cao thủ” của Không quân Việt Nam với kỳ tích tham gia dẫn bay cho 109 trận đánh, phó xưởng trưởng Trần Ngọc Khanh sau này là giám đốc một xưởng sửa chữa máy bay lớn của Quân đội ở phía Nam. Hiện nay họ đều đã nghỉ hưu và sinh sống ở nhiều vùng khác nhau của đất nước. Phi công Nguyễn Văn Ba đã mất năm 1996. Người dẫn đường chính Trần Quang Kính cũng mất năm 2002; xưởng trưởng Lê Minh và Chính ủy xưởng A33 TrươngTrọng Bình cũng đều đã mất. Phi công Lê Tiến Phước hiện sống tại phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Sĩ quan dẫn đường hiện sống, người con đất Bình Định tập kết ra Bắc, Nguyễn Văn Chuyên và Phó xưởng trưởng A33 Trần Trọng Khanh thì ở lại Hà Nội, dẫn đường phụ sở chỉ huy Đào Ngọc Ngư thì sống một cuộc sống không mấy sung túc tại xã Ngũ Lão, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Họ cũng không có dịp gặp nhau để ôn lại chuyện cũ.

        Về phi công Bun Khăm anh còn ở lại nước ta nhiều năm sau đó, khi cách mạng Lào thành công anh mới trở về Lào phục vụ chính phủ mới. Hiện nay không biết tin tức gì về anh. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông TrầnNgọc Khanh rất mong gặp lại phi công Bun Khăm người bạn Lào đã mang đến chiếc máy bay 963 "tặng" cho Việt Nam để không quân ta lập công đầu. Nếu còn sống có lẽ ông cũng xấp xỉ bảy mươi tuổi.

        Hôm nay, hơn bốn mươi năm đã trôi qua, ông Khanh vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh người phi công trẻ tuổi với nụ cười thân thiện khi mở cửa buồng lái bước những bước đầu tiên xuống sân bay Bạch Mai. ông Khanh rất mong thông qua Hội cựu chiến binh Lào để biết thêm thông tin về người phi công có nhiều thiện cảm với Chính phủ Việt Nam năm ấy. Qua báo An ninh thế giới mong rằng nguyện vọng của ông Khanh sẽ được thực hiện.

Hà Nội, ngày 3-6-2004.         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:43:35 pm »

       
ĐOÀN BAY CỦA VIỆT NAM TRÊN ĐẤT BẠN SÂN BAY MÔNG TỰ (TRUNG QUỐC)

Thiếu tướng HỒ THANH MINH               
Phó giáo sư - tiến sĩ KTHK                   
Nguyên tiểu đoàn phó cơ vụ trung đoàn KQ       

        Để xây dựng không quân từ năm 1956 - 1957 đã có nhiều đoàn cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sang Liên Xô, Trung Quốc học tập về không quân lái máy bay phản lực MIG-15, máy bay ném bom TY-2 ở Trung Quốc, lái máy bay vận tải và kỹ thuật hàng không ở Liên Xô ... Ngoài chuẩn bị con người để xây dựng lực lượng không quân, từ năm 1960 - 1963 ở trong nước đã xây dựng những cơ sở kỹ thuật hạ tầng như sân bay, thông tin, ra đa, trường xưởng, kho trạm ... để bảo đảm các trung đoàn bay. Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng bước có hệ thống đồng bộ và phát triển kịp thời theo yêu cầu, như: Tiếp quản sử dụng các sân bay, thành lập trung đoàn không quân vận tải, trường huấn luyện quản lý không phận, điều phái, chỉ huy bay, trung đoàn huấn luyện bay. Nắm thời cơ, tranh thủ kịp thời sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô... tạo dần đủ điều kiện để kịp xây dựng được một trung đoàn không quân chiến đấu. Đầu năm1959 khi đoàn học lái máy bay phản lực MIG-15 tốt nghiệp thì được chuyển đến sân bay Cao Mật để học tiếp lái máy bay tiêm kích MIG-17; cùng lúc đoàn học kỹ thuật máy bay MIG-17 vừa tốt nghiệp trường số 13 Trường Xuân cũng đưa đi thực hành tại sân bay Cao Mật. Cuối năm 1959 đã hình thành một đoàn bay Việt Nam gồm có phi công và thợ máy trên một sân bay Trung Quốc. Cục Không quân Việt Nam từ 1960 đã chỉ đạo hoạt động của đoàn bay đó như một trung đoàn không quân tiêm kích. Năm 1962 Liên Xô giúp Việt Nam trung đoàn không quân tiêm kích gồm 32 chiếc máy bay phản lực Mig-l7 (sản xuất 1954) và 4 máy bay huấn luyện UMIG-15 cùng trang thiết bị dụng cụ vật tư cần thiết, đồng bộ theo tỷ lệ 1/1; l/4; l/10; 1/20 máy bay (tức từng chủng loại trang thiết bị để dùng chung cho 1hoặc 4, 10, 20 máy bay). Những hàng viện trợ này Liên Xô chuyển đến Trung Quốc. Chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc đã lắp ráp lại và bay thử từng chiếc máy bay tại Cao Mật. Đến cuối năm 1963 Trung Quốc đã bay chuyến 36 máy bay phản lực của Liên Xô giúp Việt Nam cùng người lái và kỹ thuật đến sân bay Mông Tự ở tỉnhVân Nam. Còn sân bay Nội Bài được khảo sát và thiết kế theo tiêu chuẩn cất hạ cánh của máy bay phản lực chiến đấu từ năm 1960, xây dựng xong 1963 và sử dụng vào giữa năm 1964. Ngày 30/5/1963 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập trung đoàn không quân tiêm kích có phiên hiệu trung đoàn 921, nhưng do điều kiện chưa thuận lợi, chưa đúng thời cơ, nên cả trung đoàn gồm máy bay, phi công, kỹ thuật vẫn ở trên đất Trung Quốc. Ngày 22/10/1963 thành lập Quân chủng Phòng không -Không quân tại sân bay Bạch Mai. Đến 3/2/1964 công bố quyết định thành lập và tổ chức trọng thể lễ ra mắt của trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại sân bay Mông Tự ở Trung Quốc. Một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần của Không quân Việt Nam lần lượt điều đến Mông Tự phục vụ hoạt động bay của trung đoàn không quân 921.

         Sân bay Mông tự ở tỉnh Vân Nam, cách Lào Cai khoảng 120km, cách biên giới Lào 160km, cách sân bayNội Bài chừng 300km, nằm gần trục đường sắt Hà Nội - Côn Minh qua cửa khẩu Lào Cai. Mông Tự là vùng đồi núi rừng hoang vắng từ thời Vũ Đế (l09 TCN), được gọi là Mông Tự cách đây 800 năm, là nơi có dạ Mông Tự nổi tiếng để may áo mùa đông. Từ năm 1887 là nơi buôn bán sầm uất, lúc đó dân chỉ có 10 ngàn, nhưng đã có trên 200 cửa hàng cửa hiệu và đại lý thương gia nhiều nước Pháp, Anh, Đức, Hy Lạp, Nhật... Trong thời chốngNhật (1941 - 1945) đường phố ở đây đầy quân Tưởng Giới Thạch, có đội máy bay Phi Hổ của Mỹ chuyên bay đến Việt Nam để ném bom quân Nhật rồi về hạ cánh ở Mông Tự. Giao thông lúc đó bị phá hoại đi lại chỉ bằng ngựa thồ. Mông Tự là tụ điểm của các loại phỉ và tàn quân của Tưởng, Pháp, Nhật. Ban đêm không ai dám ra đường vì sợ cướp đêm và nạn chó sói cắn, xông vào nhà...

        Sau ngày giải phóng sân bay hoạt động trở lại. Ở Mông Tự đoàn bay Việt Nam được bảo đảm ăn ở đầy đủ, buổi sáng đội ngũ kỹ thuật (cơ vụ) ăn bánh bao với cháo trắng, trưa và chiều ăn cơm với thịt, cá, rau, đặc biệt là xì dầu để chấm rau muống. Chiều thứ bảy hàng tuần được ăn tươi: 4 món thức ăn và bia, rượu. Phi công một ngày bay, một ngày giảng bình bay; kỷ luật kiểm tra ... chuẩn bị máy bay, theo cơ chế "ta làm bạn xem". Ngày qua ngày, tuần qua tuần cứ bay luyện tập trên bầu trời Trung Quốc, chỉ cách biên giới Việt Nam 60 - 80km theo đường chim bay. Về đêm anh em cùng nhau hướng nhìn về Tổ quốc, mong đợi lệnh trên bay về nước vì tuy gần mà lại xa, quá nhớ quê nhà trong cảnh chuẩn bị chống Mỹ ngụy... Ngày bay về Tổ quốc được ấn định ngày 6/8/1964 tức chỉ một ngày sau khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc XHCN. Phi công Đào Đình Luyện vốn từ bộ binh được chọn đi học máy bay ném bom (Tu-2) sau chuyển lái máy bay tiêm kích MIG- 17 là trung đoàn trưởng đã dẫn trung đoàn máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên của QĐNDVN, với đầy đủ trang bị vũ khí, cất cánh từ sân bay Mông Tự bay về đất nước quê hương. Khi vào vùng trời của mẹ hiền - Việt Nam, trên dọc tuyến bay đến sân bay Nội Bài, những nòng pháo phòng không đã vươn cao yểm hộ cho 36 máy bay chiến đấu mang trên mình cờ đỏ sao vàng với các số hiệu 2310, 2316, 2416... bay hướng đến Nội Bài và hạ cánh an toàn. Ngay chiều 6-8-1964 hai biên đội máy bay đã nhận nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu trên sân đỗ đầu tây. Hoạt động của trung đoàn không quân 921 trong những ngày đầu về nước được BTL Quân chủng PK-KQ trực tiếp chỉ đạo.

Hà Nội, 22- 12-2003.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:45:53 pm »

       
TRUNG ĐOÀN BAY VỀ NƯỚC SÂN BAY NỘI BÀI

        Từ quý 2-1964, người trong nước sang sân bay Mông Tự giảm dần. Thông tin chiến sự ngày càng dồn dập căng thẳng, máy bay trinh sát ngày đêm xâm nhập vùng trời miền Bắc XHCN, máy bay của ngụy Sài Gòn bay rải truyền đơn, thả biệt kích, tuy bị ta đánh trả, nhưng chúng vẫn hoạt động nhiều và sâu vào vùng giới tuyến, lãnh hải và lãnh không một cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân Mỹ đã hình thành. Máy bay cường kích của Mỹ được tăng cường trên các sân bay ở miền Nam. Đoàn Việt Nam do đại tá Đặng Tính đã gặp Trung Quốc bàn kế hoạch bí mật, đưa trung đoàn không quân 921 về nước để tham gia chiến đấu và chuẩn bị trực ban chiến đấu ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Đầu tháng 7-1964, đại đội định kỳ (xưởng bảo dưỡng kỹ thuật) chuẩn bị đóng hòm các thiết bị dụng cụ chuyên dụng, thông báo danh sách tiền trạm về nước, chuẩn bị thu xếp tư trang sẵn sàng xếp hàng lên xe, ra tàu hỏa về nước. Đêm 26-7-1964 cả đại đội ra ga Khai Viển, tàu Trung Quốc lăn bánh trong đêm về hướng Lào Cai. Mờ sáng tàu đến cửa khẩu Hồ Kiều, chúng tôi không được xuống ga, tàu vẫn chạy tiếp qua cầu từ từ chạy vào đất Việt. Tàu chạy ven trái sông Hồng qua các rừng cọ, đồi chè Hạ Hòa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ... xế chiều tàu dừng lại ga Đông Anh, thay đầu máy, tàu chuyển hướng ngược lại lên Thái Nguyên, đến ga Đa Phúc tàu dừng hẳn trong đêm khuya. Hàng hóa đưa xuống ga rồi chuyển vào sân bay Nội Bài ở khu nhà khí tượng vừa xây xong. Chúng tôi về ở tại mấy dãy lán trại cũ của công nhân xây dựng để lại. Còn trung đoàn bay, phi công, kỹ thuật và máy bay vẫn ở sân bay Mông Tự đợi lệnh trên.

         Sáng sớm 28-7-1964, ngày đầu tiên về nước đứng nhìn quang cảnh sân bay Nội Bài nằm giữa một vùng đất cuối miền Trung du Vĩnh Phú, mở rộng tầm nhìn vào đồng lúa Đông Anh, Bắc Ninh và châu thổ sôngHồng. Cơ sở hạ tầng sân bay chỉ mới có đường băng cất hạ cánh rộng và dài từ đông sang tây, cuối 2 đầu sân bay có 2 sân đỗ máy bay nối liền, có nhà khí tượng to đẹp có một tháp nước gần cụm nhà ba trạm: Điện nước, khí nén, ô xy; một dãy nhà ở 2 tầng và một hệ rào sâu rộng trước thoát nước sân bay... Vào lúc bình minh, toàn bộ sân bay hiện rõ trên một thảm màu xanh của cánh đồng đầy lúa, khoai rau trải mãi đến bờ các lũy tre làng. Xa hơn, nổi lên 2 dãy đỉnh núi Tam Đảo phía Tây Bắc, Ba Vì phía Tây Nam, ở giữa là dòng sông Hồng bắt nguồn từ núi cao vùng biên giới mang bao phù sa về thêm màu mỡ cho đồng bằng và duyên hải Bắc Bộ...Càng tự hào và kính trọng giang sơn Tổ quốc, càng thấu hiểu sự lãnh đạo của quốc gia, khi chưa kịp hàn gắn vết thương trong chống Pháp, lại gồng mình huy động sức lực để chống Mỹ ở cả ngoài Bắc và trong Nam. Sự tích cực chuẩn bị đưa trung đoàn không quân tiêm kích về nước để cùng cả nước bảo vệ miền Bắc XHCN - Là mộtnguyện vọng bức xúc, mà đã được đáp ứng rất kịp thời. Địa thế Nội Bài, nơi đóng quân của trung đoàn không quân 921. Thực vậy, cả non sông cũng như miền trungdu và đồng bằng Bắc Bộ xưa nay tuy vẫn thế, nhưng đã trải qua bao đời người do kiên trì dựng nước và giữ nước đã hình thành bao địa danh gắn liền với lịch sử để lại cho đời sau, như: Đền Hùng đời vua Hùng thứ 6 (258), đền Sóc Sơn thờ Thánh Gióng cùng thời; đền CổLoa thời Thục Phán An Dương Vương (-208); đền Hạ Lôi (Mê Linh) thời Trưng Vương (40); đất Hoa Lư thời ĐinhTiên Hoàng (968) ; đất Thăng Long thời Lý Công Uẩn (1010); Đống Đa - Ngọc Hồi thời Quang Trung... Cùngvới những lời đời thường nói: thế núi, thế sông gắn liềnvới vận phân thắng bại; vùng giao châu thường là chỗ nương thân; chốn địa linh hay sinh nhân kiệt; nơi hội tụ các thế nguồn của thiên nhiên vốn là cái nôi của sự nảy nở, trưởng thành, càng thấy thật uyên thâm và khâm phục khi một địa mạo tự nhiên nằm giữa lòng bao địa danh lịch sử, như Nội Bài được chọn làm nơi xây dựng sân bay, để cất cánh lên bầu trời những máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên của KQND Việt Nam mà cũng là nơi đã mở mặt trận trên không thắng lợi đầu tiên ngay trên vùng đất Hàm Rồng (Thanh Hóa). Thực vậy trong 40 năm qua (1964 - 2004) trung đoàn không quân 921vẫn đóng quân gắn bó với nhân dân Nội Bài; đã trải qua bao đời cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, phi công và thợ máy; đã sử dụng bao nhiêu loại kiểu máy bay do nước ngoài sản xuất; từng tôi luyện bao lần xuất kích ngày đêm; đã bắn rơi biết bao máy bay của Mỹ và đã thực sự góp phần xây dựng thêm bao trung đoàn không quân cùng chiến đấu thắng lợi, mà hầu hết đã được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trongchiến tranh: Chống chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN của không quân Mỹ, chiến đấu giải phóng miềnNam, thống nhất đất nước; bảo vệ biên giới và hải đảo của non sông Việt Nam. Điều đáng ghi nhớ, chỉ trong 10 năm (1965 - 1975) trung đoàn 921 và một số phi công, chỉ huy, kỹ thuật... xuất thân từ trung đoàn 921 đã góp phần thực hiện được và đúng những lời căn dặn mang tính tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi người đến thăm bộ đội không quân, bằng những lần xuất kích nghệ thuật chiến đấu thành thạo trong những trận đánh trên không và từ trên không rất táo bạo, bất ngờ và huyền thoại đã từng để lại kinh ngạc với quân thù, như :

        + Trận không chiến đầu tiên thắng lợi đã bắn rơi máy bay F-84 bằng máy bay tiêm kích MIG-17A, ngày3-4-1965.

        + Trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975 bằng 5 máy bay cường kích A37 lấy được của Mỹ - ngụy Sài Gòn đã góp phần buộc ngày 29-4 Mỹ cút và ngày 30-4-1975 ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và là trận đánh cuối của KQND Việt Nam trong thời chống Mỹ.

Nội Bài - Tân Sơn Nhất, 28-4-2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 11:38:33 am »

        
100 % MÁY BAY TIÊM KÍCH PHẢN LỰC MIG 17A NỔ MÁY THÀNH CÔNG XUẤT KÍCH CHIẾN ĐẤU TRẬN ĐẦU THẮNG LỢI TRONG NGÀY 3, 4 THÁNG 4 NĂM 1965

Đại tá VÕ DUY CƯ                     
Nguyên Tiểu đoàn trưởng cơ vụ              
Trung đoàn không quân chiến đấu 921        

        Với những thành tích của không quân đã đạt đượctrong 50 năm qua không thể không nói tới những chiến công thầm lặng của lớp lớp cán bộ chiến sĩ ngành kỹ thuật không quân đã hết lòng phục vụ vì sự nghiệp của không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

         Trước khi nói tới kinh nghiệm công tác bảo đảm kỹ thuật đánh thắng trận đầu của trung đoàn không quân anh hùng 921, tôi xin tóm tắt bối cảnh lúc bấy giờ: Do bị thất bại nặng nề ở miền Nam, đầu năm 1964 tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã có kế hoạch xâm lược miền Bắc Việt Nam, lúc đầu chúng dùng máy bay do thám trên vùng trời miền Bắc Việt Nam, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại, gây chiến tranh tâm lý, thả biệt kích để phá hoại hệ thống đường xá, cầu cống của ta. Tháng 3-1964 Giôn-xơn phê chuẩn kế hoạch do Mắc-na-ma-ra vạch ra: Tăng cường và mở rộng "chiến tranh đặc biệt" ở miềnNam, dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam hòng đe dọa và gây sức ép buộc miền Bắc phải ngừng viện trợ cho miền Nam.

        Ngày 5-8-1964 đế quốc Mỹ sử dụng không quân đánh phá: Hòn Gai, Lạch Trường, Vinh, Cửa Hội, phà Gianh, bị quân và dân miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Đế quốc Mỹ bị bất ngờ.

        Ngày 3-2- 1964 thành lập trung đoàn không quân tiêm kích 921, ở trên đất nước bạn. Tuy ở trên đất nước bạn, nhưng chúng ta luôn theo dõi tình hình diễn biến ở trong nước qua đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Trái tim của mỗi người chúng ta sục sôi tràn đầy máu căm thù đế quốc Mỹ xâm lược Tổ quốc Việt Nam.

         Ngay sau trận chiến đấu Mỹ ngày 5-8-1964 kết thúc, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng quyết định đưa trung đoàn không quân tiêm kích 921 về nước tham gia chiến đấu.

         Ở sân bay Mông Tự trên đất nước bạn, đoàn không quân Việt Nam chuẩn bị cất cánh về nước tham gia chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 921 hết sức nhộn nhịp, phấn khởi khác thường. Đảng ủy và chỉ huy trung đoàn họp phiên bất thường để quán triệt nhiệm vụ hành quân, bàn các biện pháp đưa toàn bộ trung đoàn với đầy đủ trang thiết bị về nước một cách bí mật, an toàn, về đến sân bay Nội Bài có thể trực tiếp chiến đấu được ngay.

         Sáng sớm tinh mơ ngày 6-8-1964 ở sân bay MôngTự (Trung Quốc) các tổ thợ máy đã hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị kỹ thuật cho toàn bộ máy bay của trung đoàn. Bạn thì cờ rong trống mở tiễn đưa những người bạn Việt Nam ra tiền tuyến chiến đấu. Đến 10 giờ được lệnh, máy bay lần lượt cất cánh bay về sân bay Nội Bài theo đúng kế hoạch đề ra trong niềm hân hoan của cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng, nhân dân ở vùng gần sân bay Nội Bài reo hò, vui mừng, có người leo lên nóc nhà ngồi xem những con đại bàng phản lực của ta hạ cánh xuống sân bay an toàn.

         Cũng từ ngày 6-8- 1964 cùng với các lực lượng phòng không khác, trung đoàn không quân tiêm kích 921 chính thức nhận nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Biên chế của tiểu đoàn kỹ thuật sau khi về nước cơ bản vẫn giữ nguyên như khi mới thành lập trung đoàn. Cán bộ chỉ huy tiểu đoàn gồm có: Võ Duy Cư - Tiểu đoàn trưởng; Trần Ngọc Châu - Tiểu đoàn phó; các trợ lý chuyên môn: Nguyễn Hữu Đức - Trợ lý môn đặc thiết; Nguyễn Trần Nhấn - Trợ lý bộ môn VTĐ; Trần ĐìnhNoãn - Trợ lý bộ môn quân giới.

        Biên chế 4 đại đội:

         + Nguyễn Xuân Hảo: Đại đội trưởng đại đội 11, biên chế 12 máy bay tiêm kích MIG-17.

        + Vũ Hiếu: Đại đội trưởng đại đội 12, biên chế 12 máy bay tiêm kích MIG - 17.

        + Nguyễn Quang Khanh : Đại đội trưởng đại đội 13, biên chế 8 máy bay MIG – 17 + 4 máy bay huấn luyện YMIG-15.

        + Nguyễn Trọng Sự: Đại đội trưởng đại đội định kỳ .

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 11:42:28 am »

     
        Đầu năm 1965 quân giải phóng miền Nam tiến công nhiều nơi như: Thị xã Plây-cu, Kontum, Quy Nhơn v v . . tiêu diệt nhiều quân Mỹ - ngụy. Đế quốc Mỹ âm mưu trả đũa sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc thực sự bắt đầu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã bước vàothời điểm thử thách quyết liệt. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng lực lượng không quân hỗ trợ cho Quân khu 4. Để bảo đảm cho trận đầu ra quân giành thắng lợi. Ban chỉ huy tiểu đoàn phải suy nghĩ, tìm tòi, chọn phương án tối ưu để bảo đảm kỹ thuật tốt nhất. Từ đời Hồng Bàng đến nay ta chưa có máy bay phản lực. Học thuyết quân sự Việt Nam cũng chưa nói tới không quân. Học thuyết quân sự Việt Nam là chiến tranh nhân dân chính nghĩa chống xâm lược của ba thứ quân.

        Tài thao lược quân sự Việt Nam là thế và thời:

         Ông Ngô Quyền vận dụng thế, thời trong trận Bạch Đằng năm 938 rất tuyệt vời.

         ông Nguyễn Trãi: "Nhỏ đánh lớn hay đánh bất ngờ, ít địch nhiều thường dùng mai phục".

         Chủ tịch Hồ Chí Minh: "lạc nước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công" cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám là một ví dụ tuyệt vời.        Mưu kế là nghi binh lừa địch, điều động địch.

        Người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thế và thời.

        Hầu hết cán bộ lúc đó xuất thân từ bộ binh mà ra,công tác chuẩn bị chiến thắng trận đầu của bộ binh cónhiều, nhưng phương án chuẩn bị chiến thắng trận đầu của không quân thì chưa có, phải mò mẫm. Tư tưởng chỉ đạo của trên là lấy ít thắng nhiều, tranh thủ thời cơ, bí mật, bất ngờ, đánh chắc thắng, xây dựng truyền thống đánh thắng trận đầu cho không quân nhân dân Việt Nam. .

        Đầu tháng 3- 1965 sau khi có nghị quyết của Đảngủy trung đoàn, Đảng ủy tiểu đoàn thợ máy nhận định: Đây là thời cơ tốt nhất để rèn luyện, thử thách cán bộ,chiến sĩ ngành kỹ thuật, nuôi quân 3 năm sử dụng một giờ. Ra nghị quyết phải tập trung mọi lực lượng, mọi khả năng, ưu tiên về người, vật chất, phương tiện, khí tài bảo đảm máy bay tốt nhất, đạt tham số kỹ thuật cao nhất, góp phần xứng đáng vào việc đánh thắng trận đầucủa không quân ta.

        Các chi bộ họp ra nghị quyết: Động viên mọi lực lượng trong đại đội phát huy tinh thần trách nhiệm độc lập sáng tạo của kỹ thuật viên, khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị máy bay tốt nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        - Phương châm lúc bấy giờ: Không vì kỹ thuật mà ảnh hưởng đến chiến đấu - vì chiến đấu thắng lợi trên không mà bảo đảm kỹ thuật.

        - Khẩu hiệu: Máy bay chưa tốt, chưa nghỉ ngơi.

         Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể.

        - Công tác chính trị, tư tưởng chuẩn bị rất chu đáo: Giáo dục mục đích, ý nghĩa chiến thắng trận đầu. Anh em tự nguyện viết quyết tâm thư, viết khẩu hiệu trên mũ... Phát động phong trào thi đua trong toàn tiểu đoàn. Phong trào bảo đảm máy bay 4 không (không hỏng hóc, không có thiếu sót, không bẩn, không rỉ) khí thế thi đua hừng hực, hào hứng, phấn khởi, biểu lộ rõtrên vẻ mặt, trên tư thế khẩn trương, náo nức, máy bay nào cũng chuẩn bị tốt, tổ trưởng nào cũng báo cáo những ưu điểm nổi bật của máy bay mình, tranh nhau tham gia trực ban chiến đấu. Vì vậy phải chọn những máy bay tính năng tốt nhất và mỗi phân đội đều có máy bay tham gia chiến đấu trận đầu.

        Các tổ máy bay tổ chức kiểm tra chéo (tổ máy bay này kiểm tra máy bay khác) để phát hiện cho hết những sai sót. Tinh thần kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc nhất, tự giác nhất, nhanh nhất, triệt để nhất và hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất. Phi công và thợ máy ai cũng muốn náo nức lập công.

         Ngày 2-4-1965 Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức kiểm tra toàn diện công tác chuẩn bị chiến đấu của trung đoàn 921. Song chủ yếu là kiểm tra phương án tácchiến, hiệp đồng chiến đấu và trang bị vũ khí. Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Võ Duy Cư được phổ biến kế hoạch và phương án tác chiến của không quân. Công tác chuẩn bị trước ngày bay được triển khai chặt chẽ. Từng cấp cán bộ thực hiện chế độ kiểm tra máy bay. Các đồng chí đại đội trưởng: Vũ Hiếu, Nguyễn Quang Khánh, Nguyễn Xuân Hảo thận trọng kiểm tra từng chiếc máy bay, kiên quyết không để một sai sót nhỏ nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ chiến đấu. Đại đội định kỳ sẵn sàng đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của các đại đội ngoại trường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 11:44:29 am »


         Ngày 3-4-1965 từ 3 giờ sáng các đại đội thợ máy đã chuẩn bị máy bay theo nội dung kiểm tra trước khi bay cho 10 máy bay MIG-17 sẽ tham gia chiến đấu trận đầu các phân đội sẽ có máy bay tham gia chiến đấu.

        - Biên đội máy bay trực ban chiến đấu thứ nhất gồm có:

        Máy bay số 2310: Tổ trưởng Đinh Quang Luận, phi công Phạm Ngọc Lan.

        Máy bay số 2118: Tổ trưởng Đặng Xuân Hiệp, phi công Phan Văn Túc.

        Máy bay số 2312: Tổ trưởng Nguyễn Quang Hảo, phi công Hồ Vàn Quỳ.

        Máy bay số 2318: Tổ trưởng Nguyễn Đức Hòa, phi công Trần Minh Phương.

        - Biên đội máy bay trực ban chiến đấu thứ 2 gồm:

        Máy bay số 2316: Tổ trưởng Lê Nam, phi công Trần Hanh.

        Máy bay số 2416: Tổ trưởng Nguyễn Hữu Ngô, phicông Phạm Giấy.

        Máy bay số 2412: Phi công Lê Minh Huân.

        Máy bay số 2410: Phi công Trần Nguyên Năm.

        Ngoài ra còn 2 chiếc máy bay dự bị.

        Khi biên đội thứ nhất mở máy, thì chiếc máy bay dự bị thứ nhất cũng đồng thời mở máy, nếu trong biên đội chính thức có chiếc nào mở máy không thành công, thì phi công lập tức chuyển sang máy bay dự bị đã mở máy sẵn lập tức cất cánh kịp thời không chậm trễ, nếu cả biên đội máy bay chính thức mở máy tốt, bánh bắt đầu lăn thì máy bay dự bị sẽ tắt máy. Các tổ thợ máy khẩn trương kiểm tra máy bay, các loại xe nạp dầu, xe nạp khí nén, xe nạp điện (APA) hoạt động nhộn nhịp. Đến 5 giờ sáng mọi công tác chuẩn bị kỹ thuật đã hoàn thành, máy bay sẵn sàng xuất kích.

        Tiểu đoàn trưởng Võ Duy Cư báo cáo cho trungđoàn trưởng tất cả máy bay trực ban chiến đấu đã hoànthành công tác chuẩn bị kỹ thuật, vũ khí đầy đủ, máybay ở trạng thái tốt nhất, sàn sàng chờ lệnh.

        Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện báo cáo với Tư lệnh Quân chủng: Các biên đội đã chuẩn bị xong, máy bay tốt, mọi mặt chỉ huy và bảo đảm thực hiện đúng quy định, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích. Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho các đơn vị vào cấp I.

        9h40' địch huy động 60 lần chiếc máy bay cường kích của hải quân đánh phá Cầu Tào, Cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng, quân và dân Thanh Hóa đánh trả quyết liệt.

        9h50': Sở chỉ huy ra lệnh biên đội vào cấp I, pháo hiệu xanh bắn lên, tổ trưởng thợ máy nhanh chóng giúp phi công mở máy. Lập tức những con én bạc cất cánh lao thẳng về vùng trời Thanh Hóa. Ba phút sau 2 máy bay biên đội 2 cất cánh nghi binh ở vùng trời Ninh Bình, đó là máy bay 2316 phi công Trần Hanh và máy bay 2416 phi công Phạm Giấy lái. Đến 10h17' ngày 3-4-1965 trận không chiến đầu tiên của không quân tiêm kích kết thúc, các máy bay số 2, 3, 4 và 2 máy bay nghi binh lần lượt hạ cánh an toàn. Riêng máy bay số 1(2310) do la bàn điện tử bị lệnh khung, hết nhiên liệu, nên phi công Phạm Ngọc Lan phải hạ cánh bắt buộc xuống bãi ngô ven sông Đuống, thuộc làng Chi Lê.

        Sau khi được BTL Quân chủng thông báo vị trí hạ cánh bắt buộc, trung đoàn tổ chức một đội ứng cứu lập tức đến hiện trường do trung úy Nguyễn Quang Khanh làm đội trưởng. Đội ứng cứu làm việc suốt đêm, tháo máy bay đưa lên xe tải chở về. Lần đầu tiên tổ ứng cứu máy bay gặp nạn, đội đã khắc phục nhiều khó khăn về phương tiện, dụng cụ và địa hình đưa máy bay về căncứ an toàn. Máy bay số 2310 sửa chữa lại sau này vẫn tham gia bay huấn luyện tại trường không quân.

        Trận chiến đấu đầu tiên, không quân đã bắn rơi 2 chiếc F-8U của Mỹ. Cả trung đoàn bừng bừng khí thế mừng chiến thắng, cả Quân chủng hân hoan chào đón chiến công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam .

        Chiều 3-4-1965 cả trung đoàn rút kinh nghiệm, tiểu đoàn thợ máy rút kinh nghiệm, bổ sung phương án bảo đảm kỹ thuật.

        Ngày hôm sau 4/4/1965 địch cho nhiều tốp máy bay vào đánh tiếp cầu Hàm Rồng và nhà máy điện Hàm Rồng.

        10h20' biên đội 1 cất cánh làm nhiệm vụ nghi binh gồm có: Phi công Lê Trọng Long, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ và Trần Minh Phương.

        Ba phút sau, biên đội 2 gồm có: Phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm cất cánh chiến đấu ở Hàm Rồng.

        Trận này hai đồng chí Trần Hanh và Lê Minh Huân bắn rơi hai máy bay Fl05. Ba đồng chí Phạm Giấy, Lê Minh Huân và Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh. Còn phi công Trần Hanh mưu trí thoát khỏi vòng vây, hạ cánh bắt buộc xuống Kẻ Tàm (phía tây tỉnh Nghệ An) được nhân dân Nghệ An bảo vệ máy bay chu đáo. Phòng kỹ thuật máy bay cử một đội cấp cứu do thượng úy Ngô Kim Tuân phụ trách đi tháo máy bay, sau một tuần lễ tháo dỡ xong, đưa máy bay lên xe tải chở về căn cứ an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2016, 11:46:21 am »


        Sau hai trận đánh đầu tiên của không quân tiêm kích giành thắng lợi giòn giã, cán bộ, chiến sĩ ngành kỹ thuật không quân tự tin vào năng lực của mình, vào trang bị kỹ thuật. Từ cán bộ tiểu đoàn đến nhân viên kỹ thuật tổ chức rút kinh nghiệm công tác bảo đảm kỹ thuật cho máy bay chiến đấu. Nhiều băn khoăn, trăn trở, nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trước đây đã được thực tế trả lời, bỡ ngỡ lúng túng lúc đầu là điều không thể tránh khỏi. Trong lòng mỗi người tràn ngập niềm vui niềm phấn khởi, niềm tự hào với chiến công đầu. Các nhân viên kỹ thuật càng hăng hái rèn luyện tay nghề vững vàng hơn, chính xác hơn. Cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và trợ lý kỹ thuật trau dồi thêm phương pháp tổchức chỉ huy, nâng cao trình độ bảo đảm kỹ thuật cho chiến đấu.

        Tất cả cán bộ, nhân viên kỹ thuật cùng hạ quyết tâm bằng ý chí và năng lực của mình sẽ bảo đảm vũ khí trang bị luôn đồng bộ với chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho các lần xuất kích chiến đấu tới.

        Từ thực tế chiến đấu trận đầu rút ra một số kinh nghiệm bảo đảm kỹ thuật cho máy bay chiến đấu sauđây:

        1. Các hình thức công tác chính trị như: Giáo dục mục đích, ý nghĩa chiến thắng trận đầu, nắm diễn biến tư tưởng, phát động phong trào thi đua, viết quyết tâmthư v.v... giống như bộ binh đã làm, chỉ khác một điều không chỉ giáo dục lòng dũng cảm hy sinh mà chủ yếu giáo dục tinh thần trách nhiệm rất cao, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, thận trọng, tỉ mỉ,chuẩn xác, bảo đảm kỹ thuật với chất lượng cao, tinh thần đoàn kết hợp đồng lập công tập thể.

        2. Sau trận chiến đấu phải tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, bổ sung phương án và khen thưởng xứng đáng, có tác dụng động viên cho trận chiến đấu tiếp theo.

        3. Trong chiến đấu phi công thường sử dụng máy bay với cường độ lớn nhất, động tác rất mạnh và rất kịch liệt, vì vậy khi chuẩn bị máy bay chiến đấu phải chuẩn bị toàn diện nhưng có trọng điểm như: Hệ thống điều khiển phải thật linh hoạt, hệ thống xăng dầu, hệ thống vũ khí, hệ thống đồng hồ trên máy bay.

        4. Khi máy bay hạ cánh, tổ trưởng máy bay phải hỏi phi công thật kỹ về tình trạng kỹ thuật máy bay hoạt động ở trên không, để sửa chữa cho nhanh chóngvà chính xác.

        5. Cán bộ đại đội phân công trực ban chỉ huy tuyến cất cánh, sắp xếp máy bay vào vị trí theo kế hoạch chiến đấu Sau khi chiến đấu kết thúc, máy bay về hạ cánh, nếu máy bay chiến đấu bị tổn thất, thì cán bộ trực ban phải điều động máy bay khác bổ sung ngay vào vị trí để tiếp tục chiến đấu, không nên để vị trí trống không có máy bay trực ban.

        6. Sau khi máy bay cất cánh, tiểu đoàn trưởng phải có mặt ở sở chỉ huy để giúp người chỉ huy xử lý các tình huống kỹ thuật bất trắc xảy ra ở trên không. Yêu cầu cán bộ chỉ huy kỹ thuật phải xử lý thành thạo các tình huống có thể xảy ra ở trên không như:

        a) Nhiệt độ động cơ đột ngột tăng cao vượt quá mức quy định, có thể động cơ bị cháy, phải dập lửa trên không.

        b) Động cơ tắt máy trên không, phải mở máy lại.

        c) Súng bắn không được.

        d) Chuẩn bị hạ cánh, máy bay không thả càng được v . v .

         Cán bộ chỉ huy kỹ thuật, ngồi cạnh người chỉ huy bay, phải tập trung tư tưởng theo dõi tình hình máy móc hoạt động ở trên không, để giúp người chỉ huy xử lý kịp thời các tình huống bất trắc xảy ra ở trên không, đồng thời nắm vững tình hình kỹ thuật máy móc hoạt động ở trên không.

        7. Tổ chức đội ứng cứu sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu khi máy bay xông ra khỏi đường băng, hoặc hạ cánh ngoài sân bay. Thành phần nên đủ các bộ môn cần thiết, con người phải nhanh nhẹn, tháo vát, linh hoạt. Phải chuẩn bị đủ các phương tiện cần thiết như: Ô tô, kích máy bay, lốp máy bay dự bị, dụng cụ tháo máy bay,dao, búa, cuốc xẻng v.v. .

         Tính từ ngày 3-4- 1965 đến 30-12- 1965 ngành kỹ thuật bảo đảm xuất kích 156 lần chiếc, đánh 8 trận, bắn rơi 15 máy bay địch các loại, ta bị tổn thất 10 chiếc.         Nhờ kinh nghiệm đánh thắng trận đầu ngày 3-4- -1965 của máy bay MIG-17 mà các loại máy bay khác sau này cũng đánh thắng trận đầu:

        - Đêm 3-2-1966 ta xuất kích 2 máy bay đánh đêm MIG-17 phi công Lâm Văn Lích trong một trận xuất kích đã bắn rơi 2 máy bay AD-6 của Mỹ trên vùng trời Hòa Bình - Chợ Bến. Đây là chiến công đầu tiên củaloại máy bay MIG-17 PF

        - Ngày 5/2/1966 loại máy bay MIG-21 bắt đầu tham gia trực chiến đến 14 giờ ngày 4/3/1966 phi công Nguyễn Hồng Nhị lái chiếc máy bay số 4024 bắn rơi một máy bay không người lái trên bầu trời Quảng Ninh, lập chiến công đầu của loại máy bay MIG-21.

        Công tác bảo đảm kỹ thuật đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, bước đầu rút ra được một số kinh nghiệm quý báu, được tiếp tục nghiên cứu phát triển mãi về sau này. Là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi chiến đấu của không quân, dù khó khăn gian khổ đến đâu, cũng phải tập trung bảo đảm kỹ thuật tốt nhất cho chiến đấu thắng lợi.

        Tôi tin tưởng vững chắc rằng lớp cán bộ nhân viên kỹ thuật sau này sẽ viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang cho không quân từ những bậc thềm mà bao lớp cán bộ, chiến sĩ đi trước đã xây đắp tạo dựng  nên, để mãi mãi ngọn cờ anh hùng của không quân được dương cao, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, của nhân dân và của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Hà Nội, ngày 22 - 12-2000       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM