Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:15:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30180 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:30:50 pm »

     
        NHIỆM VỤ QUỐC TẾ LÀO

        Cuối năm 1960 tình hình cách mạng Lào có bước đột biến tiểu đoàn 2 Pa Thét Lào rời khỏi Chính phủ liên hiệp rút ra vùng tự do kháng chiến kết hợp với tiểu đoàn dù của đại úy Coong Le và trung úy Đươn đảo chính chống lại chính phủ phái Hữu ủng hộ cách mạng Lào. Địa hình rừng núi hiểm trở của Thượng Lào chỉ có thể tiếp tế chi viện bằng đường không mới có thể đáp ứng nhanh nhất, kịp thời nhất cho chiến trường nóng bỏng lúc đó. Hai chính phủ lâm thời cách mạng Lào và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký kết hiệp định viện trợ. Được lệnh trên ngày 11-12-1960, máy bay Li-2 bay thử chuyến đầu tiên xuống sân bay Sầm Nưa vùng giải phóng căn cứ của Chính phủ cách mạng Lào (Pa Thét Lào) .

        Ngày 12-12-1960 ngay ngày hôm sau đợt vận chuyển lớn bằng đường không được bắt đầu, do sân bay này ngắn hẹp lại bị núi cao bao bọc sông suối án ngữ nên chỉ hạ cánh được 2 loại máy bay Li-2 và An-2 mà An-2 là thích hợp nhất, do đó máy bay An-2 được huy động ngày nào cũng thực hiện từ 2 - 4 lần chuyên chở bộ đội, vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm các loại phương tiện quân sự, dân sự, chuyên gia các ngành thương bệnh binh, tù binh, giặc lái. Lực lượng tổ bay An-2 ít, giai đoạn đầu có 5 lái chính Cẩn, Quyền, Năng, Tình, Lịch, đầu năm 1961 đồng chí Quyền chuyển sang bay Li-2, đồng chí Lịch chuyển sang bay Mi- 1 còn lại 3 lái chính biên chế được 3 tổ bay, ngày nào cũng sử dụng hết tổ lái.

        Do được tiếp tế lực lượng và phương tiện kịp thời mạnh mẽ nên cuộc chiến tranh được mở rộng ra khắp nước Lào, từ cuối năm 1960 đến năm 1965 máy bay An-2 hạ cánh tất cả 14 sân bay ở Thượng Lào như: Sầm Nưa, Hứa Nường, Sầm Tơ, Vang Viêng, Bản Ban, Cánh Đồng Chum, Nậm Bắc, Mường Sài, Mường Hai, Bun Nưa, Phông Sa Lì, Nậm Thà, Mường Sing, Pắc Xế, Nhom Ma Rát. Do các sân bay ngắn hẹp lại nằm sâu trong thung lũng, các loại máy bay có tốc độ lớn không hạ cánh, IL- 14 chỉ thả dù, Li-2 thường hạ 3 sân bay Sầm Nưa, Mận Bắc, Mường Sài, cho nên An-2 là lực lượng chủ yếu hoạt động trên chiến trường Lào, anh em trung đoàn bay 919 tặng cho An-2 cái tên là "Mũi tiêm đao" .

        Địa hình thượng Lào là vùng núi non hiểm trở, núi cao nối tiếp nhau, rừng sâu đại ngàn, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, sáng thường có mù, trưa chiều mây CB hình thành và phát triển mạnh khắp nơi, đỉnh rất cao, đáy rất rộng, các sân bay thực chất không phải là sân bay mà là các bãi đất, có bãi thì bằng, có bãi thì mấp mô, lại rất ngắn, hẹp, nhiều bãi chiều dài chỉ được 400m, rộng 20m - 30m không có người quản lý bị thời gian mưa lũ tàn phá, nằm sâu trong thung lũng bốn bề núi cao bao bọc, tất cả các bãi khi hạ cánh không có người và máy chỉ huy, ta địch lại xen kẽ, tổ bay không biết tiếng Lào, chỉ nhận nhiệm vụ trên bản đồ mang hàng và vũ khí chở đến tự do hạ cánh, quân ở mặt đất thì trang phục nhốn nháo không biết là ta hay địch, hạ cánh xong là phải quay ngay đầu máy bay lại, không tắt máy để có tình huống xấu thì cất cánh chạy được ngay.

        Trong thực hiện nhiệm vụ tôi thấy đây là những hành động dũng cảm của các tổ bay như:

        Hạ cánh xuống sân bay Hứa Mường có độ dài 400m chia thành 2 bậc, rộng 30m nằm trên đỉnh núi cao, hai bên là vực sâu, thường xuyên có gió cạnh lớn, máy bay phải chở súng đạn, muối lên tiếp tế, máy bay An-2 rất kỵ hạ cánh gió cạnh lớn, quá giới hạn máy bay sẽ quay trên mặt đất đâm ra ngoài, tính mạng tổ bay luôn bị đe dọa. Cấp trên lúc đó chỉ biết giao nhiệm vụ theo yêu cầu, tổ bay thì lo lắng vì lý do tế nhị nên không ai dám đề nghị không hạ cánh, sau khi thực hành 4 chuyến bay do 3 lái chính Phan Như Cẩn, Lê Năng, Nguyễn Xuân Tình cùng tổ bay thực hiện an toàn, chỉ khi đồng chí đại tá trưởng đoàn bay Liên Xô bay qua sân bay Hứa Mường thấy vô cùng nguy hiểm mới đề nghị chỉ huy của ta cho dừng bay.

        Các tổ bay An-2 được lệnh hạ cánh xuống Vang Viêng tiếp tế súng đạn, xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho tiểu đoàn dù của đại úy Coong Le và trung úy Đươn, lúc này Cánh Đồng Chum chưa giải phóng trên thông báo có máy bay chiến đấu T-28 hoạt động, máy bay ta phải bay vòng tránh qua Tha Thom mới tới Vang Viêng, do cự ly ngoài tầm bán kính hoạt động của An-2 máy bay phải mang theo phuy xăng 200 lít hạ cánh xong đổ xăng vào bình của máy bay mới đủ để về Gia Lâm hạ cánh, nếu trời xấu không hạ cánh được xuống Vang Viêng thì máy bay sẽ bị rơi trên đường bay, uy hiếp đến tính mạng. Nhiệm vụ trên giao, biết khó khăn nhưng do yêu cầu khẩn cấp tổ bay kiên quyết chấp hành ngày nào cũng 2 máy bay tiếp tế cho Vang Viêng trong một đợt dài ngày. Có lần 2 máy bay nối đuôi nhau hạ cánh, chiếc sau của đồng chí Nguyễn Xuân Tình bị máy bay chiến đấu không biết của phái hữu Lào hay Thái Lan chặn đầu uy hiếp đồng chí phải xử lý khẩn cấp tránh địch, hạ cánh an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:37:04 pm »

       
        CHIẾN DỊCH NẬM THÀ (1962)

        Tháng 4-1962 trên chuẩn bị mở chiến dịch Nậm Thà lực lượng không quân vận tải được huy động tiếp tế cho chiến dịch:

        IL- 14 chở hàng từ Gia Lâm lên Điện Biên.

        Li-2 chở lên Mường Sài của Lào.

        An-2 tập trung làm nhiệm vụ chở từ 2 sân bay trên vào các sân bay tiền duyên như: Mường Hai, Bun Nưa, Nậm Thà, Mường Sing.

        Chiến dịch Nậm Thà từ lúc chuẩn bị đến khi thực hành và kết thúc chiến dịch thời gian dài ngày mà An-2 chỉ sử dụng 2 tổ bay còn các tổ khác phải để huấn luyện lớp học viên lái khóa 2 ở sân bay Cát Bi. Hai tổ lái gồm:

        Tổ 1: Lê Năng Lái chính (đại đội trưởng đại đội 7A Cát Bi).
        Lê Thế Hưng Dẫn đường kiêm lái phụ.
        Ngô Hồng Nhung Thông tin.
        Lê Quốc Dũng Cơ giới trên không

        Tổ 2: Nguyễn Xuân Tình Lái chính (đại đội phó đại đội 7B Cát Bi).
        Phạm Thanh Tâm Dẫn đường kiêm lái phụ.
        Hồ A Thông tin.
        Đinh Văn Đươi Cơ giới trên không

        Có một số nhân viên sử dụng thay đổi trong quá trình làm nhiệm vụ như dẫn đường Đinh Huy Cận. Thông tin: Nguyễn Văn Thức, Trần Đông.

        Cơ giới trên không: Loan Thế Linh, Nguyễn Văn Bừng, Phạm Khoa.

        Chiến dịch Nậm Thà ở một địa hình rất phức tạp núi cao, sông suối nhiều, đường bộ thường bị gián đoạn bởi sự tàn phá của mưa lũ, từ Mường Sài vào Mường Hai chỉ vài chục cây số nhưng dân công vác bộ phải mất hàng tuần không bảo đảm kịp thời yêu cầu của chiến trường, các đơn vị chiến đấu lực lượng đông cần rất nhiều vũ khí, đạn dược, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Do đó tiếp tế đường không là rất quan trọng, 2 tổ bay An- 2 hoạt động liên tục để bảo đảm năng suất vận chuyển, tổ bay đề nghị được trên chấp nhận chở các phuy xăng dự bị đến các sân bay trung gian, mỗi chuyến bay đổ ít xăng để chở được nhiều hàng mỗi chuyến trên một tấn, hai chuyến liên tục mới đổ xăng một lần, mỗi máy bay một ngày chở được từ 3 – 4 chuyến vượt yêu cầu, bãi Mường Hai là nơi tập trung hàng lại ở một địa hình rất hẹp, rất khó khăn, cho máy bay cất cánh, chỉ lên xuống được một hướng do nằm sâu trong thung lũng hai đầu bãi bị núi chắn, khi vào phải bay qua mỏm núi mới thu hết ga lao xuống hạ cánh, mỗi chuyến bay hạ cánh tổ bay phải mất rất nhiều tinh lực căng thẳng vã mồ hôi, nhỡ đà thì không thể bay lại được chỉ còn cách là đâm vào núi mà hàng ngày phải hạ cánh con thoi 4 - 5 lần đã mệt lại phải tự dỡ hàng xuống cho nhanh để bay được nhiều chuyến, bữa ăn thì thất thường, thời gian chiến dịch dài, 2 tổ bay An-2 chở được trên 200 chuyến hơn 200 tấn hàng.

        Chiến dịch Nậm Thà phải vượt qua sự mạo hiểm mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ như ngày 11-5-1962 hai tổ bay được lệnh cất cánh từ Điện Biên đến thẳng Nậm Thà.

        Tổ đồng chí Năng chở nhóm không quân tiếp thu sân bay Nậm Thà do đồng chí thiếu úy Đinh Công Trái chỉ huy, sau này đồng chí là trung đoàn trưởng căn cứ sân bay Pô Chen Tông, Nông Pênh, Campuchia. Tổ đồng chí Tình chở phương tiện máy móc cất cánh sau, do không có liên lạc với mặt đất 2 tổ bay cứ tiến vào sân bay, tổ đi đầu vào hạ cánh hai bên còn đang đánh nhau, ta vừa chiếm được sân bay đuổi địch chạy vào phố Nậm Thà sát đầu sân bay đang giành giật từng vị trí với địch, bộ phận đồng chí Trái xuống máy bay phải triển khai ngay chiến đấu tự vệ và bảo vệ máy bay, nghe tiếng súng trong phố từng đợt một vẫn nổ rộ tổ đồng chí Tình đi sau vào đến dãy núi cạnh sân bay bị một máy bay chiến đấu cỡ nhỏ của địch đuổi đánh đồng chí Tình đã đi sát lẩn vào khe núi, đồng chí Đinh Văn Đươi cơ giới trên không người dân tộc Tây Nguyên lầm lì dũng cảm đã dùng súng AK mở cửa bắn máy bay địch, tổ bay vào hạ cánh an toàn.

        Thời tiết mùa hè vùng núi thật là khắc nghiệt thay đổi đột biến, buổi chiều CB giăng kín đường về có hôm phải hạ cánh khẩn cấp xuống Mường Sài trời mưa như trút nước máy bay hạ cánh như thủy phi cơ phải ngủ lại qua đêm gây cho bộ phận quản lý sân bay phải rất vất vả trong công tác bảo vệ .

        Ngày 21-5-1962 do yêu cầu tăng thêm chuyến bay vận chuyển từ Mường Sài vào Nậm Thà, 2 tổ bay khi trởvề sân bay Điện Biên trời đã sẩm tối lại sương mù hạn chế tầm nhìn, sân bay phải huy động toàn bộ đèn bão bày làm đèn dạ hàng cho 2 máy bay vào hạ cánh an toàn.

        Do quy mô của chiến dịch Nậm Thà lớn lại cách xa trung tâm Cục Không quân đã cử đồng chí Nguyễn Hào Hiệp, đại úy lên đặc trách chỉ huy căn cứ Điện Biên, hàng ngày đồng chí nhận lệnh trên và giao nhiệm vụ cho tổ bay theo dõi chặt chẽ và giúp đỡ các tổ bay hoàn chỉnh nhiệm vụ, đồng chí là một cán bộ có kinh nghiệm tổ chức chỉ huy và rất sáng tạo như ngày 21-5-1962 đồng chí đã dự liệu tình huống sớm huy động đèn bão bày làm đèn dạ hàng cho 2 máy bay An-2 hạ cánh an toàn góp công sức của mình trong thắng lợi chung.

        Tổng kết chiến dịch Nậm Thà đồng chí Thượng tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đánh giá phần kết quả vận chuyển của không quân và gửi thư khen (trang 65 lịch sử Không quân xuất bản 1993, lịch sử Sư đoàn bay 919 xuất bản 1999) . Chuyển lời khen của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đến Cục Không quân.

        Không quân vận tải của quân đội ta tuy mới ra đời, lực lượng còn non trẻ nhưng rất mưu trí dũng cảm đã góp phần nhiều khi có tác dụng như quyết định đối với chiến trường về mặt vận tải góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi chung của chiến dịch.        Ngoài ra An-2 còn làm nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác như:

        1. Báo bão ngoài biển khơi, thả phao cứu ngư dân.

        2. Thăm dò địa chất.

        3. Bay phun thuốc trừ sâu cứu 70ha rừng thông tỉnh Nghệ An.

        4. Ngày 10-9-1962 thực hiện chuyến bay chuyên cơ A đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản - Tổng bí thư Đảng Lào từ Sầm Nưa về Hà Nội an toàn.

        5. Huấn luyện 3 lớp phi công Lào tại sân bay Gia Lâm trong chiến tranh chống Mỹ.

        6. Bắn đắm 3 tàu biệt kích ở vùng bờ biển Thanh Hóa.

        7. Đánh trận địa ra đa Pha Thí, Lào.

        Khi nói đến loại máy bay An-2 và công tích của nó chúng tôi luôn nhớ tới công trạng của anh hùng Phan Như Cẩn người anh cả và là con chim đầu đàn của chúng tôi, người luôn đi đầu trong mọi khó khăn đầy tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm vô song.

        Mọi thành tích của An-2 đều gắn liền với công lao và tên tuổi của đồng chí.

        Trung đoàn 919 tổng kết bay tiếp tế chiến trường Lào trong 6 năm từ 1960 - 1965.

        Bộ phận An-2 đồng chí Lê Năng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, do Bác Hồ ký tặng.

Ngày 10-12-2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:47:51 pm »

       
CHIẾN CÔNG OANH LIỆT CỦA LỰC LƯỢNG MÁY BAY AN2 TIÊU DIỆT TÀU BIỆT KÍCH ĐỊCH TAI VÙNG BIỂN SẦM SƠN THANH HÓA VÀ TIÊU DIỆT TRẠM RADA PATHÍ TẠI LÀO

Đại tá PHẠM ĐÌNH CƯỜNG                   
Nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn KQVT       

        Mọi người dân Việt Nam còn ghi nhớ ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, bọn giặc Mỹ ngang nhiên đem máy bay vào bắn phá các khu vực: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa v. v... Sau đó dần dần dùng các loại máy bay ném bom bắn phá toàn miền Bắc nước ta. Bọn chúng dùng tàu chiến và tàu biệt kích bắn phá các vùng bờ biển từ Thanh Hóa trở vào, ban đêm liên tục tàu biệt kích chạy sát bờ biển để bắn phá uy hiếp đồng bào ta.

        Trước tình hình đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn không quân vận tải 919, dùng máy bay An-2 để tiêu diệt tàu biệt kích của địch.

        Tôi còn nhớ mãi ngày 20-10-1965 đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam xuống gặp ban chỉ huy trung đoàn 919 giao nhiệm vụ:

        Nhân dân miền Nam cầm gậy tầm vông đánh giặc. Nay ta có máy bay An-2 cải tiến lắp ráp rốc-két, đạn cối để đánh giặc và phải tiêu diệt bằng được tàu biệt kích của địch để bảo vệ bờ biển, bảo vệ an ninh cho nhân dân.

        Nhiệm vụ được giao, Đảng ủy 919 họp bàn và ra nghị quyết: "Bằng mọi cách và hạ quyết tâm chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng".

        Nhiệm vụ đã rõ ràng, nhưng thực hiện gặp muôn vàn khó khăn. Điều gay go nhất là các phi công của loại máy bay An-2 chưa được huấn luyện bay biển và đặc biệt nhất là bay ban đêm xa bờ biển. Sau khi bàn bạc thảo luận dân chủ, mọi người đều hạ quyết tâm: "Tìm kim đáy biển, quyết đánh và quyết thắng".

        Sử dụng một số tổ bay khá, giỏi có quyết tâm cao như các đồng chí phi công: Phan Như Cẩn, Đào Hữu Ngoan, Nguyễn Ngọc Huân, Phạm Thanh Tâm, Trần Sĩ Tiêu v.v...

        Liên hệ hiệp đồng với Quân chủng Hải quân để sử dụng tàu biển làm mục tiêu.

        Huấn luyện từ giản đơn đến phức tạp bay ban ngày ở độ cao từ 1000m đến 50m, bay đêm sáng trăng và tối.

        Tất cả một số cán bộ cơ quan của trung đoàn và các tổ bay, thợ máy, bộ phận nuôi quân xuống sân bay Kiến An thường xuyên.

        Sau khi kiểm tra kết quả huấn luyện 3 tháng liên tục báo cáo lên Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tổng tư lệnh quyết định triển khai chiến đấu.

        Ngày 15-2-1966, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức sở chỉ huy tiền phương phối hợp với các lực lượng: Pháo bờ biển, pháo phòng không, Quân chủng Hải quân và các lực lượng dân quân tại các căn cứ các huyện: Quảng Nạp, Quảng Đức, Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

        Sau khi triển khai xong, báo cáo về sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ.

        Đêm ngày 2-8-1966 lệnh báo động chiến đấu. Ra đa của Quân chủng PK-KQ theo dõi máy bay địch và hướng dẫn máy bay của ta. Ra đa của hải quân theo dõi sự chuyển động của tàu biệt kích địch xuất phát từ vĩ tuyến 17 trở ra.

        Đúng 0 giờ 00 ngày 8-3-1966, hai máy bay An-2 số hiệu 670 và 671 (ký hiệu gọi tắt là T12), mỗi máy bay được lắp 2 thùng rốc-két 32 quả loại cực mạnh và 1 giàn đạn cối 12 quả 120mm, cất cánh từ sân bay Gia Lâm, bay theo đường bay: Gia Lâm - Phủ Lý - Thanh Hóa. Khi đã phát hiện rõ đường chuyển động của tàu biệt kích địch. Lúc này trời sáng trăng, pháo binh bờ biển của ta định bắn, nhưng tầm pháo không bắn tới, vì tàu biệt kích cách bờ biển trên 50km, chỉ có máy bay mới tiêu diệt được. Nếu để pháo bắn thì tàu địch sẽ chạy mất. Vì vậy tôi đã ra lệnh cho máy bay An-2 của ta hạ thấp độ cao xuống 200m. Tổ bay đồng chí: Phan Như Cẩn - phi công lái chính, Phạm Thanh Tâm - hoa tiêu, Trần Sỹ Tiêu - lái phụ, Loan Thế Linh - cơ giới trên không.

        Đã phát hiện mục tiêu, từ độ cao 200m xuống 50m - 30m, bắn 2 thùng rốc-két 32 quả và 12 quả đạn cối 120mm, bắn trúng 1 tàu địch chìm tại chỗ. Sau đó tổ bay bay vào bờ biển nhưng chẳng may bị lực lượng dân quân của ta bắn súng trung liên trúng nhẹ vào máy bay, đồng chí Cẩn bị thương phải hạ cánh bắt buộc xuống bờ biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Sau đó được ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng đưa tổ bay về Hà Nội để cứu chữa.

        Còn tổ bay đồng chí Đào Hữu Ngoan do thời tiết quá xấu và chiếc tàu địch còn lại đã hoảng hốt quay vào phía trong vĩ tuyến 17. Tổ bay đồng chí Ngoan bay về hạ cánh sân bay Gia Lâm an toàn. Trận đánh kết thúc vào lúc 3 giờ 24 phút ngày 8-3-1966.

        Sáng sớm hôm sau, lúc 9 giờ 00 ngày 9-3-1966 chiếc tàu biệt kích bị bắn vỡ thành 2 mảnh và một số xác chết trôi dạt vào bờ biển Sầm Sơn - Thanh Hóa.

        Sau đánh thắng trận đầu oanh liệt, giòn giã, trung đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm. Tổ bay đồng chí Phan Như Cẩn vinh dự lên gặp Bác Hồ và được Bác nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương thành tích.

        Sau khi địch bị thất bại, tàu địch không dám hoạt động đêm trăng mà chuyển sang hoạt động đêm tối trời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:18:15 am »


        Phát huy chiến thắng, trung đoàn lại cùng các tổ bay nghiên cứu huấn luyện bay ban đêm tối trời trên biển và thả pháo sáng để đánh tàu biệt kích. Sau trận thắng này, tôi lại trở về đơn vị và tổ chức xuống sân bay Kiến An để huấn luyện. Sau khi đã huấn luyện thành thạo khoa mục bay ban đêm trên biển thả pháo sáng. Tôi được ủy nhiệm sở chỉ huy tiền phương tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phối hợp với các lực lượng phòng không, hải quân, pháo binh bờ biển để tiếp tục tiêu diệt tàu biệt kích.

        Đêm 13 tháng 6 năm 1966, quân địch lại dùng tàu biệt kích đêm tối trời từ vĩ tuyến 17 ra vùng biển Sầm Sơn.

        Trận đánh này sử dụng 2 tổ bay.

        - Huân, Dần, Giao, Hồng.

        - Tấu, Quỳ, Khoa, Linh.

        22 giờ 15 phút ngày 13-6-1966, hai máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay đến vùng Sầm Sơn - Thanh Hóa. Khi phát hiện mục tiêu, tổ bay đồng chí Tấu bay phía trước ở độ cao 600m, thả pháo sáng. Tổ đồng chí Huân bay sau ở độ cao 300m và tổ bay của đồng chí Huân bay lao xuống bắn 2 chùm rốc-két 32 quả và 12 quả đạn cối 120mm đánh trúng mục tiêu, tàu địch bốc cháy và chìm tại chỗ.

        Sau chiến thắng trận này, quân địch không dám ngang nhiên dùng tàu biệt kích vào các vùng biển nữa.

        Chiến công đó đã góp phần bảo vệ vùng biển và bảo vệ an ninh cho nhân dân, đã tạo thế và phát huy kết quả trong việc chiếm đánh các mục tiêu mặt đất.

        Bọn Mỹ đã đặt trạm ra đa tại vùng Pa Thí Lào ở độ cao hơn 1000m để vươn xa cánh sóng giúp cho các máy bay của chúng cất cánh từ Thái Lan bay sang đánh phá ở Việt Nam .

        Theo lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã ra lệnh cho trung đoàn 919 sử dụng máy bay An-2 tiêu diệt trạm ra đa đó.

        Sau khi nghiên cứu kỹ các phương án tác chiến, để tạo cơ hội bất ngờ, lúc máy bay của Mỹ không hoạt động nên đúng 11 giờ 45 phút ngày 12-1-1968 đã sử dụng 4 chiếc máy bay An-2 gồm 4 tổ bay:

        1 Cẩn - Tâm - Tiêu.

        2. Quý - Phán - Kịch.

        3. Ngộ - Hùng - Kiểu - Chinh.

        4. Giểng - Niêm - Hùng.

        Cất cánh từ sân bay Gia Lâm - Hòa Bình - Pa Thí, mỗi máy bay mang theo 32 quả rốc-két và 12 quả đạn cối 120mm, đã đánh trúng mục tiêu, lần lượt thay nhau và công kích. Kết quả là toàn bộ trang bị đài chỉ huy và doanh trại của trạm ra đa này bị phá hủy hoàn toàn, hai máy bay trực thăng của địch bị bốc cháy, hàng trăm tên địch bị chết và bị thương nặng.

        Trận thắng lợi giòn giã này đã ghi vào lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện cho các lực lượng không quân đánh thắng mục tiêu trên mặt đất và đã đóng góp một phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước .

        Thương tiếc thay một tai nạn rủi ro; sau khi chiến thắng giòn giã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm ra đa của địch, trên đường bay trở về căn cứ xuất phát, 2 tổ bay của các đồng chí: Cẩn - Tâm - Tiêu - Quý - Phán - Kịch đã xảy ra tai nạn bất ngờ làm 2 máy bay bị đâm vào núi do địa hình hiểm trở và 2 tổ bay đã hy sinh anh dũng.

        Sau chiến thắng, để ghi công ơn và thành tích, Nhà nước và quân đội đã khen thưởng 4 tổ bay một cách xứng đáng với chiến công rực rỡ. Riêng các đồng chí Cẩn - Tâm - Tiêu - Quý - Phán - Kịch truy tặng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc . Và đặc biệt đồng chí Phan Như Cẩn với chiến công đặc biệt đã anh dũng trong các nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt biệt kích địch trên biển và tiêu diệt trạm ra đa Pa Thí. Là một cán bộ,đảng viên tiên phong, quả cảm, anh dũng trong chiến đấu nên đã được Nhà nước phong truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Những tấm gương cao đẹp đó đã tô thắm, là mốc son chói lọi của lực lượng không quân vận tải Việt Nam và đã thể hiện những công tích cao đẹp của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.

        Chúng tôi những người đồng chí, đồng đội, luôn luôn ghi nhớ công ơn của các đồng chí đã vì nước quên mình, in sâu mãi mãi trong tâm trí không bao giờ quên.

        Lực lượng không quân vận tải Việt Nam là một thành viên của Không quân nhân dân Việt Nam. Là một trung đoàn đầu tiên của không quân được thành lập "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua".

        Riêng lực lượng máy bay An-2 mệnh danh là lắm cánh nhiều càng, thông thường chỉ làm các nhiệm vụ: Chở khách, phục vụ cho nông nghiệp: Rắc thuốc trừ sâu, bay thăm dỏ địa chất v. v...

        Trong công cuộc chiến tranh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đã phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân Mỹ xâm lược, làm nên chiến thắng thần kỳ - đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:21:45 am »

       
TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI LIỆT SỸ PHAN NHƯ CẨN – PHI CÔNG ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Đại tá PHẠM ĐÌNH CƯỜNG                     
Nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn KQVT       

        Nói đến Phan Như Cẩn, một phi công vô cùng anh dũng trong chiến đấu, trong học tập luôn thông minh về lý thuyết và thực hành. Trong cuộc sống luôn khiêm tốn giản dị, trong lĩnh vực lãnh đạo chỉ huy luôn tỏ ra năng động, gương mẫu. Bất cứ ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

        Anh sớm được giác ngộ cách mạng tham gia vào quân đội, rồi được thử thách tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh được Đảng, Nhà nước và quân đội cho đi học bồi dưỡng văn hóa và ngoại ngữ Trung Quốc. Sau năm, tháng học tập được cử chọn đi học lái máy bay tại Liên Xô. Từ năm 1956 đến 1959.

        Trong những năm học tại Liên Xô gặp muôn vàn khó khăn: Thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ rét dưới -300, ngôn ngữ không biết vì trước lúc đi Liên Xô, lúc ở Việt Nam, học tiếng Trung Quốc. Thế rồi được sự lãnh đạo của chi bộ, sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam, mọi người ai nấy đều gắng sức, chăm chỉ rèn luyện, Phan Như Cẩn là một trong những thành viên xuất sắc tiêu biểu về mọi mặt và học giỏi toàn diện.

        Phan Như Cẩn sau khi tốt nghiệp tại Liên Xô trở về Tổ quốc , đúng lúc quân đội ta thành lập trung đoàn không quân vận tải 919, ngày 1-5-1959, trung đoàn không quân đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Trung đoàn 919, mới được thành lập, đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: Dùng máy bay An-2 để chở hàng cho bộ đội tại Vít Thu Lu đường Trường Sơn 559. Trong hoàn cảnh địa hình phức tạp, hiểm trở, Phan Như Cẩn đã xung phong gương mẫu đi đầu bay đến địa điểm thả hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        Chiến công đó đã mở đầu cho việc hoàn thành các nhiệm vụ của lực lượng máy bay An-2.

        Tiếp đó lại được giao các nhiệm vụ: Trong điều kiện Nhà nước phương tiện thông tin còn rất hạn chế, những năm 1960 - 1965, mùa mưa bão ập đến vùng biển Đông và các vùng lân cận. Để kịp thời thông báo cho các ngư dân đồng bào biết, tàu thuyền trên biển vùng xa. Đã sử dụng máy bay An-2 bay trên biển, bắc loa kêu gọi, thông báo đồng bào biết có bão lớn sắp tràn đến để thoát khỏi lâm nguy.

        Lúc này Phan Như Cẩn lại xung phong cất cánh bay ra xa bờ biển để kịp thời thông báo cho nhân dân, tàu thuyền biết nhanh chóng quay vào đất liền và tìm nơi an toàn.

        Tiếp đó là nhiệm vụ "rắc thuốc trừ sâu' giúp nông dân khỏi bị thảm họa các châu chấu, côn trùng. Phan Như Cẩn lại xung phong gương mẫu bay trên bầu trời ở độ cao cực thấp 30 - 50m. Kết quả là đã góp phần giúp cho nông dân diệt được nạn côn trùng làm hại lúa, tạo điều kiện cho nhân dân được mùa bội thu.

        Một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, theo yêu cầu của ngành địa chất, sử dụng máy bay An-2 để bay các khu vực trung du và rừng núi để thăm dò địa chất, để giúp các nhà chuyên môn tìm và phát hiện các mỏ quặng, đá quý nằm sâu dưới mặt đất. Nhiệm vụ này rất khó khăn vì phải bay bằng độ cao cực thấp, cách mặt đất 5m đến 10m, anh em trong đơn vị và các nhà chuyên môn thường gọi là bay "cạo mặt" các phi công trong đơn vị e ngại không dám bay. Thế là phi công Phan Như Cẩn lại xung phong dũng cảm bay: Có chuyến bay năm 1961, khi bay ở vùng miền Trung, bay ở độ cao cực thấp, máy bay đã bay sát vào rừng cây và máy bay đã mang theo cả một cành cây về hạ cánh tại sân bay Vinh an toàn.

        Ngày mồng 1 tháng 5 năm 1964, trong buổi diễu binh dùng máy bay An-2 bay biên đội để chào mừng ngày Quốc tế lao động, tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Trong lúc đang bay, một chiếc máy bay bay sau với cự ly quá gần đã bay lao vào máy bay của đồng chí Cẩn, làm cho máy bay đi sau lâm nạn lớn, máy bay và tổ bay đi sau hy sinh, còn tổ bay của đồng chí Cẩn đã linh hoạt hạ cánh xuống sân bay Cát Bi an toàn.

        Ngày 5-8- 1964, máy bay Mỹ vào ném bom bắn phá miền Bắc nước ta và dùng các loại tàu chiến, tàu biệt kích quấy rối các vùng ven biển từ vĩ tuyến 17 trở ra đến các khu vực Sầm Sơn - Thanh Hóa ...

        Trung đoàn 919, được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: Sử dụng máy bay An-2 cải tiến lắp rốc-két, đạn cối để tiêu diệt tàu biệt kích địch tại vùng biển Sầm Sơn - Thanh Hóa.

        Nhiệm vụ được giao thật vô cùng khó khăn, phức tạp. Sau khi nghiên cứu, quán triệt nhiệm vụ, bàn bạc trong Đảng ủy trung đoàn và bàn bạc dân chủ trong lực lượng máy bay An-2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:23:45 am »


        Lúc này Phan Như Cẩn, với cương vị tiểu đoàn trưởng, với quyết tâm và lòng dũng cảm. Anh đã cùng đồng đội nghiên cứu tổ chức bay huấn luyện trên biển, phối hợp hiệp đồng với các lực lượng hải quân, không quân, phòng không đạt kết quả tốt đẹp.

        Trung đoàn đã tổ chức chỉ huy sở tiền phương tại các khu vực huyện: Quảng Nạp, Quảng Xương, Quảng Đức tỉnh Thanh Hóa để tiến hành tổ chức đánh biệt kích địch.

        Đêm ngày 8-3-1966 Phan Như Cẩn lái máy bay An-2 dẫn đầu cùng đồng đội tổ bay gồm: Cẩn lái chính - Tiêu lái phụ, Tâm dẫn đường (hoa tiêu), Linh cơ giới. Bay trong đêm trăng, lợi dụng ánh trăng chiếu dọi và hướng dẫn của ra đa của Quân chủng PK-KQ và Quân chủng Hải quân đã phát hiện tàu biệt kích địch tại vùng biển Sầm Sơn, đã kịp thời hướng dẫn máy bay An-2 tiếp cận tàu địch với tinh thần dũng cảm phi thường, Phan Như Cẩn đã lái máy bay hạ thấp độ cao xuống 200m cách mặt biển và đã linh hoạt dũng cảm bắn trúng, bắn chìm 1 tàu biệt kích địch tại chỗ.

        Sau trận thắng phi công Cẩn đã hạ thấp độ cao bay vào bờ biển Sầm Sơn, thì bất ngờ bị dân quân bờ biển tưởng là máy bay địch nên đã bắn trung liên trúng máy bay của ta, phi công Cẩn bị thương nhẹ, phải hạ cánh bắt buộc tại bờ biển Sầm Sơn.

        Với chiến công oanh liệt đó, Phan Như Cẩn được vinh dự lên gặp Bác Hồ tại Hà Nội và được Bác Hồ khen ngợi.

        Chiến công đó nói lên lần đầu tiên không quân vận tải Việt Nam đánh thắng đánh chìm tàu địch trên biển.

        Trước thất bại đó của địch, quân Mỹ, ngụy chưa cam chịu, lại chuyển sang hoạt động quấy rối ở bờ biển ban đêm tối trời.

        Phát huy chiến thắng đã đạt được trung đoàn 919, cùng lực lượng máy bay An-2 lại nghiên cứu tổ chức huấn luyện bay đêm tối trời trên biển và đạt kết quả tốt đẹp

        Thế rồi phi công Phan Như Cẩn lại liên tiếp bay và tiêu diệt tàu biệt kích địch trong đêm tối trời bằng cách "thả pháo sáng".

        Với thất bại liên tiếp đó bọn giặc Mỹ ngụy đã kinh hoàng không dám dùng tàu biệt kích để quấy rối nhân dân từ vĩ tuyến 1 7 trở r a nửa .

        Với khí thế quyết thắng, quyết tâm tiêu diệt địch. Trong những năm 1968, bọn Mỹ đã đặt trạm ra đa tại vùng Pa Thí Lào ở trên vùng núi cao hơn 1000m để hướng dẫn máy bay của Mỹ cất cánh từ Thái Lan bay ra bắn phá miền Bắc nước ta.

        Sau khi nghiên cứu kỹ hướng, phối hợp với lực lượng mặt đất của bạn Lào. Trung đoàn 919 đã sử dụng 4 chiếc máy bay An-2 mỗi máy bay lắp 2 thùng rốc-két 32 quả và 12 quả đạn cối 120 ly lợi dụng lúc máy bay địch không hoạt động bắn phá miền Bắc.

        Đúng 11 giờ 45 phút ngày 12 tháng 1 năm 1968, 4 chiếc máy bay An-2 đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm gồm các tổ bay: Cẩn - Tâm - Tiêu - Quý - Phán - Kịch - Ngộ - Hùng - Kiểu - Trinh - Giếng - Niêm - Hùng.        Do đại úy tiểu đoàn trưởng phi công Phan Như Cẩn dẫn đầu đã bay đến đúng mục tiêu, tất cả 4 máy bay đều bắn trúng mục tiêu, tiêu diệt toàn bộ trạm ra đa Pa Thí và 2 chiếc trực thăng đậu tại chỗ bốc cháy và hàng trăm xác địch bị chết tại chỗ phải đền mạng.

        Trên đường bay về căn cứ xuất phát (Gia Lâm) do địa hình hiểm trở nên 2 máy bay do các đồng chí: Cẩn - Tâm - Tiêu - Quý - Phán - Kịch bị tai nạn đâm vào núi, 2 tổ bay hy sinh anh dũng.

        Sau chiến thắng giòn giã đó các tổ bay được Nhà nước, Chính phủ Việt Nam khen thưởng với phần thưởng cao quý.

        Các đồng chí: Cẩn - Tâm - Tiêu - Quý - Phán - Kịch được truy tặng liệt sĩ. Riêng đồng chí Phan Như Cẩn do có công tích to lớn nên được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Các chiến công oanh liệt đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam và đã góp phần vào công cuộc kháng chiến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

        Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.

        Chúng tôi rất biết ơn các đồng chí đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc và rất tự hào với những người bạn chiến đấu vô cùng anh dũng, tấm gương sáng ngời .

        Đặc biệt tấm gương oanh liệt, mốc son chói lọi của Anh hùng liệt sĩ phi công Phan Như Cẩn đã ghi sâu vào lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam cho muôn đời sau mãi không bao giờ quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:26:44 am »

        
NỔ SÚNG CHỌI MÁY BAY ĐỊCH KHIÊU KHÍCH TRÊN KHÔNG

Đại tá TRẦN VĂN NAM                                  
Nguyên Chủ nhiệm kỹ thuật thợ máy trên không máy bay Li-2        

        Trong lịch sử chiến đấu và công tác của trung đoàn không quân vận tải 919 anh hùng có đoạn ghi nhận chiến tích của một tổ bay Li-2 thuộc tiểu đoàn Li-2 trung đoàn 919 trong khi đang làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên vùng trời Thượng Lào đã gặp máy bay địch khiêu khích. Tổ bay đã quyết định đối đầu và sau đó nổ súng đánh đuổi máy bay địch hoàn thành nhiệm vụ về căn cứ hạ cánh an toàn.

        Đó là chuyến bay vận tải trong chiến dịch giúp bạn Lào giải phóng vùng Thượng Lào đầu năm 1962.

        Tổ bay Li-2 số 61327 do Đinh Tôn lái chính. Một người con của miền Nam tập kết ra Bắc được vinh dự chọn đi học lái máy bay thể thao ở Tiệp Khắc vào đầu năm 1957. Sau một năm học tập tốt nghiệp bay sơ cấp về nước làm giáo viên bay của Câu lạc bộ Hàng không Cát Bi (đơn vị tiền thân của Trường Không quân 910).

        Đến giữa năm 1961 do tình hình nhiệm vụ đòi hỏi, các lực lượng bay phát triển, không quân ta chuẩn bị tiếp nhận số máy bay Li-2 và IL-14 của đoàn không quân vận tải Liên Xô giúp Lào về nước ... Các đồng chí Tôn, Liên, Thuận đều là giáo viên bay đào tạo ở Tiệp Khắc về, được chuyển loại sang bay máy bay Li-2. Với tinh thần hăng say học tập lý thuyết, quyết tâm cao, khẩn trương chất lượng trong thực hành bay, được các chuyên gia bay Liên Xô kèm cặp chỉ sau một thời gian rất ngắn với tổng thời gian bay trên 20 giờ cả ba đồng chí đã kết thúc khóa huấn luyện chuyển loại tốt đẹp từ sân bay Cát Bi - về Gia Lâm cùng với các lực lượng học tập ở Trung Quốc và đào tạo trong nước hình thành tiểu đoàn máy bay Li-2 (d2) với hai đại đội bay c2, c3 và một c thợ máy thuộc trung đoàn 919.

        Hồi đó, nhiệm vụ chính của tiểu đoàn Li-2 chúng tôi liên tục hoạt động phục vụ vận tải cơ động cho quân đội bạn Lào và quân tình nguyện Việt Nam ở Lào từ các căn cứ thuộc Quân khu Tây Bắc sang các căn cứ sân bay vùng Thượng Lào như Mường Xinh, Mường Xài ... Máy bay ta bay đi bay về như con thoi, hầu như ngày nào cũng có 4 đến 6 máy bay Li-2 hoạt động - Thời gian đầu địch chưa có phản ứng gì lắm, nhưng đến khi chiến dịch bắt đầu thì đã có xuất hiện máy bay địch.

        Nắm bắt được thông tin trên, Cục trưởng Cục Không quân lúc bấy giờ là đồng chí đại tá Đặng Tính đã trực tiếp xuống chỉ thị cho trung đoàn 919 nhanh chóng nghiên cứu thiết kế làm giá để lắp súng đại liên Kô-li- nốp ở cửa sổ hai phía thân máy bay Li-2. Tổ cơ khí của xưởng kề sân bay Gia Lâm đã khẩn trương hoàn thành và ngay sau đó Cục trưởng đã cùng tổ bay chúng tôi mang theo phao bằng săm Ô tô bơm căng hơi bay ra vùng biển Hải Hậu thả phao xuống biển làm mục tiêu và đồng chí Đặng Tính trực tiếp bắn thử, sau đó hướng dẫn cho anh em thợ máy thông tin trên không lần lượt tập bắn thử... . và trước tình hình nhiệm vụ khẩn trương .Chúng tôi không có nhiều thời gian để tập luyện, hôm sau phải đi làm nhiệm vụ ngay.

        Thế là, đã có ba máy bay Li-2 được lắp súng đại liên Kô-li-nốp mỗi máy bay hai khẩu với cơ số đạn cần thiết anh em tổ bay phấn khởi, tự tin hơn liên tục hoàn thành nhiệm vụ, nhưng từ sau ngày máy bay ta có vũ khí tự vệ lại không thấy máy bay nào của địch xuất hiện... và rồi trong một chuyến bay từ Điện Biên đi Mường Xing tổ bay Li-2 số 61327 do anh Đinh Tôn lái chính thợ máy trên không Phan Thanh Liêm học viên, tôi chủ nhiệm giáo viên bay kèm cùng với tổ bay đang bay bình thường phát hiện một máy bay lạ phía trước đang bay đúng hướng ngược, nắm bắt thông tin xác định không phải máy bay ta, Đinh Tôn hội ý chớp nhoáng và nhận định nhiều khả năng máy bay địch khiêu khích... quyết định đối đầu và chọn thời cơ nổ súng uy hiếp ... Tôi được phân công phụ trách khẩu súng bên trái sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.

        Các nhân viên khác theo nhiệm vụ của mình sẵn sàng: Máy bay địch vẫn bay thẳng hướng. Đinh Tôn quyết định giữ nguyên hướng bay đối đầu thể hiện ý chí quyết thắng, kẻ nào run sợ sẽ phải bay ngoặt đi... đúng như nhận định, máy bay địch phải ngoặt sang phải về hướng Lào, Thái Lan... Nổ súng bên trái, tôi lập tức đưa vòng ngắm vào máy bay địch đang nằm ngang tầm nhả đạn: Tằng, tằng, tằng... Rất tiếc mới chỉ được 18 viên thì súng bị hóc đạn nhưng tin tưởng thế nào cũng trúng được một số viên. Máy bay chúng tôi tiếp tục hành trình hạ cánh an toàn xuống sân bay Mường Xinh, Nậm Thà. Có tin máy bay địch có bị trúng đạn và đã phải hạ cánh xuống sân bay gần biên giới Lào - Thái đó là loại máy bay B-26 của Mỹ.

        Rút kinh nghiệm cho các chuyến bay tiếp theo, đội ngũ phi công chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm tạo điều kiện kịp thời giúp đỡ động viên của Đảng ủy, thủ trưởng các cơ quan Cục Không quân, của lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn 919 chúng tôi đã xác định quyết tâm cao hơn, khắc phục nhiều khó khăn hoàn thành xuất sắc đợt vận chuyển cơ động chiến đấu giúp bạn góp phần đáng kể vào chiến thắng của chiến dịch giải phóng Thượng Lào năm 1962.

        Nhiều cá nhân, tập thể của tiểu đoàn bay Li-2 đã được thưởng Huân chương Chiến công và các hình thức khen thưởng khác. Riêng tổ bay của chúng tôi có một kỷ niệm nhỏ đó là chúng tôi được đồng chí Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tướng Bằng Giang tặng mỗi người một khẩu các-bin chiến lợi phẩm làm kỷ niệm. Sau đó chúng  tôi đã tặng lại nhà truyền thống của trung đoàn 919 cuối năm 1962.

        Nhớ thương anh Đinh Tôn, anh Phan Thanh Liêm không còn nữa, tôi nhớ và ghi lại mẩu chuyện này, có gì sai sót mong được sự góp ý chân thành.

Hà Nội, 22- 12-2004.        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:32:34 am »

       
ĐỜI TÔI CÓ ĐẢNG CHẮP CÁNH BAY

Đại tá TRẦN VĂN THIẾU                     
Phi công trực thăng                       
Nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 916       

        Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình, tôi cũng như bao bạn đồng trang lứa cùng chăn trâu, ngày ngày mải mê theo những cánh diều; nhưng ước mơ được bay giữa bầu trời cao xanh thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới vì hoàn cảnh nhà nghèo lại đông anh em.

        Đến tháng 3-1959, 18 tuổi, tôi vinh dự được mang trên mình bộ quân phục anh bộ đội Cụ Hồ, lại được đóng quân ở Thủ đô nơi có Bác Hồ kính yêu và bao cảnh đẹp như Hồ Gươm, Tháp Rùa... Nhưng điều làm tôi hãnh diện hơn cả là tôi được Đảng, Quân đội tin tưởng cho học lái máy bay tại trường hàng không số 1 (trung đoàn 910). Đầu tiên, tôi học bay loại máy bay YAK-18. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ba năm, tôi được chọn, chuyển về bay máy bay trực thăng tại tiểu đoàn 94, trung đoàn 919 , trung đoàn 916 . Gần 40 năm gắn bó với bầu trời, tuy không được thả sức lướt trên chín tầng mây cùng "én bạc" như những đồng đội bay phản lực, nhưng tôi cũng đã có biết bao kỷ niệm vui buồn cùng chú "chuồn chuồn" sắt thân yêu.

        Sẽ là sơ xuất nếu không nhắc tới chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên của tôi. Tháng 2 - 1962 , lúc đó tổ bay chúng tôi gồm lái chính đồng chí Trần Ngọc Bích, tôi lái phụ, đồng chí Hưng dẫn đường, đồng chí Nguyễn VănĐương là cơ giới, nhận nhiệm vụ bay cấp cứu tuyến Cát Bi - Gia Lâm - Hòa Lạc - Điện Biên - Lai Châu - Mường Tè. Tới nơi, do bộ đội biên phòng địa phương nhận thông báo chậm, lại là thời chiến, nên khi máy bay hạ cánh thì bị cả đại đội biên phòng bắn chặn, may mà cả tổ lái và máy bay vẫn an toàn.

        Một chuyến bay khác mà tôi vẫn còn nhớ mãi là vào tháng 8-1967, khi tổ bay chúng tôi đang trực ở sân bay Gia Lâm. Khoảng 20 giờ chúng tôi hạ cánh giao máy bay cho thợ máy về doanh trại. Nghĩ rằng công tác về muộn, thời tiết lại xấu, địch không vào, lại không có nhiệm vụ nên chúng tôi đã bảo nhau ăn uống, nghỉ ngơi dưỡng sức sau một buổi trực. Thế nhưng, lúc 21 giờ, khi tôi đang tắm, đồng chí Lự thì đang ngâm chân (vì bị echzima), thì có chuông điện thoại, đồng chí Ngư nghe điện và gọi tôi ra gấp. (Còn nhớ, vì nghĩ là đồng chí Ngư đùa nên tôi ra chậm nên bị trực ban tác chiến phê bình).

        Nhiệm vụ của chúng tôi là cất cánh lúc 21 giờ 30 phút để đón thương binh từ bãi ngoài, cách ga Yên Viên 2km về phía Đông Nam. Tín hiệu bãi đáp chỉ là một đống lửa. Cẩn thận, tôi hỏi lại về kích thước độ cao của chướng ngại vật trên bãi nhưng trực ban tác chiến cũng chỉ trả lời là hình như bãi đó trực thăng đã từng hạ rồi.

        Bỏ ống nghe, tôi nói với đồng chí Ngư cho thợ máy triển khai để đảm bảo thời gian nhưng trong thâm tâm thì tôi thấy nhiệm vụ đường như quá sức vì chúng tôi mới được huấn luyện hạ cánh đêm ở sân bay có dạ hàng, có đèn chiếu còn hạ cánh ở bãi ngoài không có chỉ huy, không được chuẩn bị trước, tín hiệu duy nhất là một đống lửa thì chưa ai hạ bao giờ và cũng chưa từng được huấn luyện. Phân vân, tôi điện thoại gọi về sở chỉ huy tiểu đoàn xin ý kiến thì tiểu đoàn trưởng trả lời ngắn gọn "Các đồng chí tự thấy sức làm được thì nhận, đã nhận thì phải hoàn thành". Lúc bấy giờ tôi nghĩ rất mung lung, nhìn đồng đội trong tổ bay đứng bên cạnh chờ đợi, tôi xác định đây là mệnh lệnh phải tìm mọi cách để hoàn thành. Tổ bay khẩn trương trao đổi, phân công quan sát mục tiêu, chướng ngại vật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 08:37:26 am »


        Đúng 22h 10 phút chúng tôi cất cánh lấy cầu Đuống làm khởi điểm, khi vòng về hướng mục tiêu chúng tôi đã nhìn thấy tín hiệu, tôi cho máy bay hướng về bãi, độ cao 50m, bay bằng, tất cả tổ bay đều tập trung tinh lực quan sát, phán đoán. Vào gần bãi tôi cho bật đèn pha, khi pha vừa thả 15 độ thì cả tổ bay không ai bảo ai đều reo lên "tốt rồi". Chúng tôi đã nhìn rất rõ chướng ngại vật và cho đến lúc này mới tin tưởng chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi bay kiểm tra bãi 2 vòng, lặp vòng lượn, chúng tôi hạ cánh một cách chính xác xuống bãi. Tắt máy xong, tôi phân công đồng chí Ngư phụ trách khâu chuyển thương binh lên máy bay. Thương binh nặng được chuyển ra bằng những chiếc cáng làm bằng phên tre, còn chúng tôi phải lấy bạt phủ máy bay trải cho thương binh nằm trực tiếp xuống sàn. Các đồng chí thương binh chịu đựng đau đớn không một tiếng rên la. Chúng tôi cũng như nhân dân địa phương khi ấy đều nghẹn ngào trước xương máu của đồng chí đồng đội, con em mình và căm thù giặc Mỹ dã man. Thương binh lần lượt được chuyển lên máy bay, tôi và đồng chí Lự kiểm tra một lần nữaquanh bãi để chọn hướng cho máy bay cất cánh. Sau khi đưa thương binh về sân bay Bạch Mai chúng tôi trở về hạ cánh an toàn ở sân bay Gia Lâm lúc trời hửng sáng.

        Sau lần đó, xuất phát từ yêu cầu thực tế nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã giao cho tiểu đoàn chúng tôi lập kế hoạch huấn luyện ứng dụng sát với thực tế chiến đấu. Mục tiêu của không quân trực thăng là tất cả các tổ bay đều phải có trình độ bay đồng đều, chấp hành được tất cả nhiệm vụ trên giao. Quyết tâm thì có nhưng lại thiếu giáo viên có kinh nghiệm, ngay cả các đồng chí đi học ở Trung Quốc và Liên Xô về cũng chỉ được đào tạo hạ cánh bãi ngoài đơn giản. Trong huấn luyện ứng dụng tôi còn nhớ khó nhất là khoa mục bay hạ cánh bằng đèn gầm, bãi hạ cánh được đánh dấu bằng 2 - 3 chiếc đèn bão hoặc 1 xô cát đổ dầu thải đốt lên, còn máy bay chỉ được dùng đèn lăn để vào hạ cánh. (Tôi còn nhớ trong khi tập hoàn thiện khoa mục này không quân trực thăng cũng từng bị rơi một chiếc máy bay ở ngay đầu Đông sân bay Gia Lâm với tổ bay Tích, Tứ, Minh). Nhưng có sự chỉ đạo của cấp trên, với quyết tâm, trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể, tinh thần khắc phục khó khăn ví dụ như cho 2 lái chính ngồi với nhau, tập bay từ dễ đến khó...), sau một thời gian rất ngắn, không quân trực thăng đã có một lực lượng bay rất hùng hậu với một trình độ đồng đều đáp ứng cho nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trình độ khi đó của chúng tôi được nâng lên rất nhanh, tổ nào trực có nhiệm vụ là hoàn thành, không còn tình trạng mỗi khi có nhiệm vụ khó lại phải huy động tổ không trực.

        Riêng với 36 năm bay máy bay trực thăng (tôi nhận quyết định thôi bay năm 1997), tuy ít có dịp trực tiếp chiến đấu nhưng trong quá trình bay phục vụ chiến đấu, huấn luyện, điều tôi cảm thấy vui nhất đó là tôi và tổ bay đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tôi rất tâm đắc với một câu nói của một vị tướng không quân Xô Viết trong chiến tranh chống phát xít Đức: "Với chiến sĩ ,phi công, mỗi lần trở về hạ cánh an toàn cũng đã là một chiến công!"..

        Giờ đây, đã nghỉ hưu, nhưng mỗi lần gặp lại nhau, chúng tôi đều cùng nhau hàn huyên ôn lại những ngày tháng hào hùng ấy. Và điều quan trọng là mỗi người trong chúng tôi đều có thể tự tin để nói rằng chúng tôi đã bay và bay giỏi. Thế mới hay rằng:

                                  Cuộc đời ngẫm nghĩ cũng thấy hay
                                  Buồn vui lẫn lộn với cánh bay
                                  Lướt gió xuyên mây đời vi vút
                                  Cất lên hạ xuống mấy tầng mây
                                  Hôm nay nhớ Lại từng chuyên bay
                                  Mỗi lần cất cánh bao kỷ niệm
                                  Bạn kể tôi nghe nghe lại nhớ
                                  Có gì đáng kể kể gì đây
                                  Đồng đội xa gần từng sát cánh
                                  Đời tôi có Đảng chắp cánh bay.

Bạch Mai 22-12-2004       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2016, 09:28:35 pm »

       
NHỮNG CHUYẾN BAY CHUYÊN CƠ

VÕ QUANG BỐN                 
Nguyên lái chính bay chuyên cơ       
Giáo viên máy bay IL 18           

        Tôi, Võ Quang Bốn, sinh năm 1934 - Quê quán: Xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.Tham gia cách mạng tháng 1 năm 1947, vào quân độitháng 2 năm 1953.

        Năm 1956 được Đảng, Chính phủ, Quân đội cho đi học phi công tại Liên Xô cũ. Một vinh dự lớn lao cũng là trách nhiệm nặng nề đối với tôi trước Tổ quốc và nhân dân - Trong thời gian học tập tại trường võ bị không quân, chúng tôi gặp không ít khó khăn như ngôn ngữ  bất đồng, thời tiết khắc nghiệt, lúc lạnh thì quá lạnh -350c, lúc nắng cũng xám da, trình độ văn hóa lại có hạn, cơ sở để tiếp thu khóa học kỹ thuật tiên tiến còn ngơ ngác, bỡ ngỡ.

        Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sự động viên khích lệ của đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cũ, chúng tôi đã ổn định tư tưởng, xác định trách nhiệm học giỏi lý thuyết, chấp hành kỷ luật quân đội, rèn luyện chính quy v v...

        Đã qua hai mùa Đông ngồi trong giảng đường, ngày tổng kiểm tra lý thuyết cũng đã đến, mỗi chúng tôi ai nấy miệt mài đèn sách cố nhồi nhét thật nhiều kiến thức mà các thầy đã trang bị cho trong hai năm qua. Rồi kết quả khả quan cũng đã đem lại cho toàn đoàn, đó là 75% khá giỏi, số còn lại đạt trung bình.

         Rồi mùa xuân hè lại đến, tuyết đã tan hết, cây cỏ, hoa lá đến nở rộ. Những sinh viên không quân nhân dân Việt Nam bắt đầu những ngày mới - đó là những ngày, tháng năm thực hành bay.

        Đây, con chim sắt đây rồi! Đã sờ thấy nó, nhưng làm sao để làm chủ nó được đây? Lại một lần nữa lo lắng. Các thầy giáo bay Panômarốp, Usacốp... hướng dẫn tỉ mỉ từng đồng hồ chỉ tham số kỹ thuật, cần điều khiển máy bay, tập mang dù rồi ngồi vào buồng lái...ôi! một cảm giác sung sướng đến khó tải Chúng ta sắp trở thành phi công rồi! Các đồng chí ơi! Hãy cố lên. Máy đã nổ giòn, qua bộ đàm, đồng chí giáo viên nói: Xin phép lăn ra đường cất cánh. Máy bay đã tăng hết công suất của máy, nhả phanh, máy bay chạy đà rồi nhẹ nhàng rời khỏi mặt đất - đồng chí giáo viên điều khiển máy bay bảo tôi quan sát các đồng hồ, quan sát buồng lái rồi quan sát ra ngoài v.v... Rồi ngày lại ngày, những con chim sắt bé nhỏ cứ cất lên rồi lại hạ xuống làm cho chúng tôi quen dần với trời cao, với mây, vớigió. Với quyết tâm vươn lên nắm vững khoa học kỹ thuật, từ đồng chí Phạm Đình Cường - Đoàn trưởng cho đến anh em chúng tôi ai nấy đều tự nhủ mình thi đua bay tốt để được bay đơn - Rồi ngày sung sướng ấy đã đến, từ anh Nhâm, Cường, Bốn, Oanh, Đàm, Cẩn cứ lần lượt bay đơn. Một cảm xúc thật khó tả, chúng ta đã tự mình làm chủ được các máy bay, Tổ quốc đang đợi những đứa con vững vàng tay lái để một ngày gần đây về bảo vệ vùng trời, phục vụ Tổ quốc.

        Ngày hôm nay, Nhà trường tổ chức thật long trọng, có cờ, hoa, băng cờ, khẩu hiệu, các tướng lĩnh, sĩ quan đều ăn mặc lễ phục.

        Trên lễ đài có Thiếu tướng Ôphônhin - Hiệu trưởng, các sĩ quan cao cấp Bộ Quốc phòng Liên Xô cũ, đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cũ...

        Ở trung tâm lễ đường là đoàn sinh viên không quân Việt Nam mặc lễ phục nghiêm chỉnh - Trong lòng của chúng tôi vô cùng xúc động, sung sướng, 4 năm đèn sách, khổ luyện và giờ phút vinh quang sắp đến.

         Lễ tuyên bố tốt nghiệp cho đoàn sinh viên không quân nhân dân Việt Nam bắt đầu, trong không khí vui buồn khó tả, thầy nắm tay trò, trò cảm ơn công sức của thầy đã đào tạo, đã gắn bó, khó khăn có nhau, thuận lợi có nhau.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM