Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:14:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30178 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:34:55 am »

       
ĐI ĐÓN BÁC

Trung tá ĐẶNG ĐÌNH NINH             
Nguyên cán bộ kỹ thuật Đoàn 919       

        Chín giờ tối ngày 13 tháng 6 năm 1957, tôi được lệnh đến gặp anh Đặng Tính, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng để nhận nhiệm vụ quan trọng. Anh Tính hỏi tôi khá cặn kẽ về tình trạng của 6 máy bay, gồm 3 chiếc Li- 2 , 3 chiếc AERO - 45 .

        Sau khi nghe tôi báo cáo tình trạng máy bay, anh Tính nói: "Chúng ta có nhiệm vụ đưa một cán bộ cao cấp vào Vinh và Đồng Hới. Cục đồng ý chọn chiếc Li-2 số 203. Các đồng chí cho kiểm tra chiếc máy bay đó thật kỹ, thay hết xăng dầu cũ, bay thử rồi tổ chức canh gác cẩn mật, sẵn sàng cất cánh". Nhận nhiệm vụ, đội thợ máy chúng tôi đã làm việc hết mình với một tâm trạng rất phấn khởi. Bay thử xong, tôi lên báo cáo anh Tính và được chỉ thị: "Tới lúc cất cánh đi làm nhiệm vụ, các nhân viên tổ lái không được rời máy bay đi đâu nữa". Nghe được lệnh đó, tôi đoán già đoán non: Chỉ có máy bay chở Bác Hồ mới phải bảo đảm an toàn cao đến thế. Đêm ấy, một đêm trăng sáng lộng gió hè, chúng tôi trải bạt nằm dưới cánh máy bay chuyện trò đến sáng vì thao thức không sao ngủ được.

        Khác với lòng mong mỏi của chúng tôi, lúc máy bay cất cánh chỉ có anh Tính đi cùng tổ lái. Bởi lẽ "Bác đã đi Ô tô vào Vinh từ hôm trước. Chúng ta chỉ còn nhiệm vụ vào Vinh chờ sáng mai đón Bác vào Đồng Hới" – Bay qua vùng trời Phủ Lý, anh Tính nói với tôi như vậy.

        Sáng ngày 16, chúng tôi ra sân bay thật sớm, kiểm tra kỹ máy bay rồi bay thử một vòng. Còn hơn một tiếng đồng hồ nửa chờ đợi giờ phút được làm một nhiệm vụ đặc biệt, vinh dự trong đời. Cuối cùng giờ phút ấy đã đến. "Bác đến! Bác đến!" bỗng có ai reo to. Tôi chăm chú nhìn chiếc com-măng-ca mui trần từ từ tiến vào. Bác đội mũ cát-két, mặc áo ka-ki vàng đang mở cửa xe bước xuống. Ai cũng muốn chen đến đứng gần Bác. Trong nhà khách sân bay lúc này thật nhộn nhịp. Mấy phút sau đoàn xe du lịch gồm sáu chiếc pô-pê-đa mới nối đuôi nhau tiến vào sân bay.

        Đến giờ cất cánh. Cờ tín hiệu đã giơ cao, các nhân viên tổ lái đã ngồi vào vị trí, chỉ còn tôi đứng ở cửa máy bay. Bác đến gần tươi cười hỏi: "Các chú chuẩn bị xong rồi chứ?". Tôi lễ phép thưa: "Thưa Bác xong rồi ạ, mời Bác lên ạ". Tôi sung sướng được cầm tay Bác đỡ Bác.

        Đi theo Bác, trong đoàn còn có đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Bảo, một cán bộ bảo vệ người Tày, một chiến sĩ cần vụ và 2 nhà quay phim. Bác ngồi ở chiếc ghế hàng đầu, sau chiếc bàn nhỏ. Anh Tính ngồi ở ghế sau Bác. Tôi tìm cách đứng ngay cạnh Bác để được ngắm Bác thật lâu, thật rõ. Trời nóng, Bác đã cởi chiếc áo ka-ki bạc màu, chỉ mặc chiếc áo may ô trắng, lộ hai cánh tay gầy gò nhưng rắn chắc.

        Mười lăm phút sau, máy bay bay qua vùng biển Hà Tĩnh, quê hương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sáng mùa hè nắng chói chang, nhìn xuống biển thấy lấp lánh những làn sóng bạc, đây đó nhấp nhô những cánh buồm nâu. Đang lúc chuyện trò vui vẻ, Bác chỉ tay xuống biển chậm rãi đọc mấy câu Kiều:

"Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa... “
        Anh lính nhìn theo tay Bác, nghĩ một chút rồi tươi cười đọc tiếp:

“Bác về thăm lại quê nhà
Năm mươi năm ấy nay đà đổi thay”

        Phải, vừa đúng năm mươi năm đến hôm nay Bác mới về thăm quê, thăm lại mái nhà thân yêu đã gắn bó cả quãng đời niên thiếu, thăm lại những người thân mà nay đã người mất, người còn. Tôi hình dung cảnh Bác về quê nhân dân địa phương nồng nhiệt chào đón, đã nảy ra ý thơ và xin phép Bác đọc nối tiếp theo:

“Bác đi đen tối những ngày
Bác về cờ đỏ tung bay khắp làng...”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:36:20 am »


        Bác chỉ mỉm cười nhìn tôi mà tôi sung sướng tưởng như nhận được một lời khen của Bác. Máy bay Li-2 từ Vinh vào Đồng Hới mất 45 phút. Đến nơi, tôi để ý thấy Bác chỉ nhìn xuống phía dưới rất ít thời gian, những phút giây còn lại, đôi mắt đăm chiêu của Người nhìn thẳng xa xa, phía trước, nơi có những đám mây đen đang vẩn đục chân trời, đây là miền Nam, từ vị trí máy bay đang bay, vào đến vĩ tuyến 17 theo đường chim bay chỉ không đầy 30 cây số. Chiếc máy bay mang phù hiệu cờ đỏ sao vàng trên đôi cánh, giá như được bay thẳng thêm vài phút nữa để Bác nhìn rõ mảnh đất đau thương của Tổ quốc.

        Buổi chiều, Bác đến dự mít tinh ở sân vận động thị xã và nói chuyện với nhân dân. Buổi tối, Bác làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình và gặp một số cán bộ lão thành của tỉnh. Nói sao hết nỗi vui mừng xúc động của những cụ già đã có nhiều công lao với cách mạng từ những vùng hẻo lánh xa xôi mới về gặp Bác.

        Theo kế hoạch, 7 giờ sáng hôm sau máy bay sẽ đưa Bác về Hà Nội nhưng một sự việc bất thường đã làm kế hoạch phải thay đổi. Theo Nha khí tượng thông báo: Khoảng 8 giờ sáng hôm sau có cơn giông xuất hiện trên dọc đường bay từ Đồng Hới ra Hà Nội. Không còn cách nào khác, anh Tính điện xin phép Bác cho xuất phát về từ 5 giờ sáng.

        4 giờ 30 phút, chúng tôi vừa kiểm tra máy bay xong thì ô tô đưa Bác đến sân bay. Trời chưa sáng. Lúc chờ đợi, Bác vẫy tay bảo chúng tôi cùng ngồi xuống vạt cỏ còn ướt đẫm sương đêm ở gần máy bay trò chuyện. Bác hỏi tuổi, hỏi quê hương từng người rồi Bác khuyên: "Nước ta còn nghèo, chưa có nền khoa học hiện đại, các chú phải cố gắng học tập để nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho một ngành hàng không tiên tiến”.

        Đúng 5 giờ, trời vẫn chưa sáng rõ, đường băng còn bị phủ một lớp sương mờ, lái chính Trần Cẩn Trọng xin phép Bác cho thêm 5 phút để bay thử một vòng sau đó máy bay theo đường bay ra Hà Nội. Sau 1 giờ 40 phút, máy bay về đến Hà Nội. Được Bác cho phép, anh Tính bảo tổ lái cho máy bay lượn quanh thành phố 3 vòng. Lúc này chúng tôi vất vả với 2 nhà quay phim cứ như muốn thò đầu ra khỏi máy bay để quay quang cảnh thành phố. 6 giờ 50 phút máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Gia Lâm và từ từ lăn bánh vào sân đỗ.Người đón Bác đầu tiên khi Bác xuất hiện trước khung cửa máy bay là vợ đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Chị bước đến chân cầu thang chắp tay chào lễ phép: "Bác ạ". Các cán bộ đứng sau chị cũng chào theo: "Bác ạ! Bác đã về ạ!". Không có hoa, không nghi thức trịnh trọng, cuộc đón tiếp Bác về thật giản dị và cũng thật đầm ấm thân tình.

        Hai ngày sau. Một chiếc xe đón chúng tôi sang Phủ Chủ tịch. Bác đã dành ra đúng một giờ để tiếp chúng tôi Lúc phải chia tay, tôi bùi ngùi nhìn đôi mắt thâm quầng của Bác sau bao đêm thiếu ngủ và thưa: "Bác đi nghỉ ạ?". Bác cười đôn hậu nhìn tôi: "Bác phải đi làm việc chứ!". Thế đấy, Bác phải đi làm việc chứ.

        Hai mươi năm sau, khi vào lăng viếng Bác, nhìn lại nét mặt thanh thản của Người, tôi như thấy văng vẳng đâu đây vọng lại tiếng thơ xúc động: "Cả cuộc đời Bác có ngủ yên đâu, nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ. . ."

Hà Nội, tháng 4 năm 2001.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:40:38 am »

       
NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA NGÀNH THÔNG TIN KHÔNG QUÂN

NGUYỄN DẦN       

        Mới tiếp quản Thủ đô được hơn 1 tháng, tới ngày 3-12 - 1954, tôi được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng binh chủng mới: Binh chủng Không quân. Sáng hôm sau chúng tôi Long, Hạnh, Thạnh, tôi và 2 điện thoại viên Chi, Sáng đã ba lô lên đường.

         Tôi đã nhiều lần được biệt phái, phối thuộc các đơn vị chiến đấu nhưng sau khi kết thúc nhiệm vụ lại trở về C 101 là đại đội VTĐ duy nhất của Bộ tổng Tham mưu. Lần này ra đi sẽ không trở về nửa nên cũng quyến luyến khi chia tay đồng đội đang cùng gắn bó nhiều năm trong kháng chiến gian khổ, hào hùng.

        Chúng tôi cuốc bộ từ cột cờ qua cầu Long Biên, phố phường đông đúc, còn nhiều cờ hoa của ngày 10-10. Vừa đi vừa ngắm cảnh Hà Nội, chẳng mấy chốc đã tới sân bay.

        Trước mắt chúng tôi hồi ấy, sân bay Gia Lâm thật là rộng lớn, nhưng chỉ có nhà không. Chúng tôi trải chiếu ra nền chỉ một thoáng đã ổn định chỗ ở.

        Anh Lê Đức Thọ, cán bộ của Cục TTLL phụ trách nhiệm vụ là tiếp quản phần thông tin của sân bay do bọn Pháp bàn giao vào ngày 31-12-1954 và phải lập tức làm việc để từ ngày 1-1-1955 bảo đảm cho sân bay hoạt động bình thường dưới sự quản lý của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Chúng tôi chưa ai biết hệ thống thiết bị, mạng thông tin hàng không, nội dung, phương pháp làm việc nên phải tìm hiểu ở 1 công nhân lưu dung và ngay ở bọn Pháp. Nhờ biết tiếng Pháp và ít tiếng Anh nên tôi cũng có chút thuận lợi. Sáng thứ 2 và chiều thứ 7, 1 liên đội Pháp dẫn chúng tôi ra trạm phát ở góc ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ bây giờ để mở hay tắt máy rađiô phare (máy dẫn đường) lúc đó tín hiệu sân bay Gia Lâm là HYJ, 1 lần ra xem đài rađiô Marker "MO" ở rìa đê đầu Nam. Máy phát HE chỉ có 2 chiếc cũ kỹ song công suất lớn cỡ 500w. Tại một phòng dưới chân đài CH có 2 bộ thu phát thoại VHF ở BCR, có 4 - 5 máy thu HRO. Xem chúng làm việc, có thể thấy trình độ kỹ thuật thu phát bình thường, phương pháp liên lạc như kiểu đối thoại, người báo vụ phải biết luật Q hàng không quốc tế, những chữ tắt xen lẫn tiếng Anh hoặc Pháp. Cần phải có 1 tài liệu tối thiểu. Tài liệu này được ban điều phái trao cho mấy ngày sau đó. Thế là đủ chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ngày 31-12-1954 ta tiếp nhận sân bay vào lúc 0 giờ 1- 1- 1955 , có đông các chỉ huy, lãnh đạo chứng kiến, tôi tự tay phát đi bức điện đầu tiên bằng tiếng Pháp, thông báo cho thế giới "Sân bay Gia Lâm tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của ngành Hàng không nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".

        Trên mạng lục không khu vực ĐNA có các đài Hồng Kông, Băng Cốc, Sài Gòn, Viên Chăn. Mở máy, tôi bắt đài Hồng Kông và phát bức điện lịch sử đó, nhờ Hồng Kông tiếp chuyển cho khu vực và thế giới.

        Sáng ngày 1-1-1955, ta liên lạc tốt với Nam Ninh, Trung Quốc, tiếp nhận 1 máy bay Li-2 của Ba Lan hạ cánh an toàn.Trong ngày ta bắt liên lạc với sân bay Cát Bi còn do Pháp đóng trong khu vực 300 ngày. Tân Sơn Nhất và Viên Chăn (Lào) sẵn sàng bảo đảm hoạt động cho máy bay của ủy ban Quốc tế.

        Nhiệm vụ đã được hoàn thành tốt đẹp chúng tôi tự hào tuy là những chiến sĩ VTĐ bộ binh, mới đây chưa đầy 1 tháng vốn chỉ quen với máy 15w và Ragônô mà nay đã làm tốt công việc của người thông tin hàng không như những người chuyên nghiệp không thua kém gì bọn Pháp.

Gia Lâm, Hà Nội, 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:48:14 am »

       
ĐẠI ĐỘI 22 LÀM NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN

PHẠM QUANG CỰ       
Sóc Sơn Hà Nội         

        Tôi nghỉ hưu đã hai lăm năm. Cũng có nghĩa là đã hai lăm năm xa đơn vị. Nhưng, nhiều kỷ niệm đẹp còn lưu nhớ mãi trong tôi. Xin kể mẩu chuyện về kỷ niệm đẹp đầu tiên của đại đội chúng tôi. Đại đội chúng tôi làm nhiệm vụ tiếp quản hệ thống thông tin và phục vụ thông tin sân bay Nội Bài, mang phiên hiệu đơn vị là đại đội 22.

        Đại đội 22 được hình thành từ đầu năm 1964. Tôi nói từ hình thành là bởi lẽ về cơ cấu tổ chức cứ phát triển dần theo yêu cầu tiếp quản sân bay. Cuối 1963 đầu 1964 mới chỉ mươi lăm cán bộ kỹ thuật vô tuyến, hữu tuyến, Cục Không quân điều đến Nội Bài để tiếp cận, nắm bắt, học hỏi việc thi công lắp đặt máy móc trang thiết bị thông tin các đài trạm. Sau đó, bộ khung ban chỉ huy đại đội mới được điều về và quân số đơn vị lần lượt tăng nhanh theo yêu cầu.

        Cho đến tháng 6-1964 thì tổ chức đại đội 22 mới thực sự ổn định, có quân số 228 người. Tôi cũng được điều về trong dịp này.

        Về đại đội 22 tôi là người mới; thực ra thì tôi là cũ, là người lính thông tin đầu tiên của sân bay Nội Bài.

         Năm 1960, tôi là thành viên trong đoàn cán bộ kỹ thuật quân sự biệt phái sang Bộ GTVT làm ở "Ban thiết kế xây dựng sân bay Thủ đô" (tức là sân bay Nội Bài bây giờ).

        Nhờ có thời gian bốn năm công tác thiết kế và giám sát thi công các công trình T.T sân bay nên về đại đội 22 bước đầu tôi có nhiều thuận lợi. Có lẽ vì vậy, cấp trên quyết định tôi là đại đội phó phụ trách kỹ thuật đại đội 22 .

        Nhiệm vụ đầu tiên tôi được giao là: "Chuẩn bị thông tin tốt. Đón trung đoàn 921 về sân bay an toàn".

        Xác định đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi lẽ trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên về nước là mơ ước ngàn đời của dân tộc.       

        Từ xa xưa đã có truyền thống Thánh Gióng phi ngựa sắt dẹp giặc ân rồi bay thẳng lên trời.

        Đến nay ta mới có đàn chim sắt, đại bàng vươn cánh. Đúng vào thời điểm Tổ quốc đang cần lực lượng trên không canh giữ bầu trời diệt bầy quạ Mỹ thì trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện kịp thời. Có lẽ, đại đội 22 là đơn vị thông tin đầu tiên được phục vụ trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên trung đoàn 921.

        Nhận thức được nhiệm vụ nặng nề và rất vinh dự vẻ vang, cán bộ chiến sĩ đại đội 22 rất phấn chấn làm việc quên mệt mỏi ngày đêm.

        Chúng tôi có một tháng để chuẩn bị. Nếu là một sân bay đã và đang hoạt động thường xuyên và nếu là đơn vị đã từng phục vụ thông tin không quân từ trước thì một tháng chuẩn bị là quá dài. Song đối với đại đội 22 chúng tôi ở bối cảnh lúc đó lại thấy một tháng chuẩn bị để đón một trung đoàn bay về là quá ngắn.

         Nội Bài là sân bay cấp 1 đầu tiên vừa xây dựng xong. Máy móc, trang thiết bị thông tin phần lớn là của Trung Quốc. Đại đội có ba kỹ sư thì một học Bách Khoa Hà Nội, hai học ở Liên Xô và Ba Lan về đều mù chữ Hán.

        Cán bộ chiến sĩ hầu hết được lựa chọn đảng viên, đoàn viên thợ giỏi các đơn vị về. Nhưng đa số là lính bộ binh sang, lần đầu tiên về không quân không khỏi lạ lẫm bỡ ngỡ. Lạ từ tên gọi đến công việc. Trang thiết bị thông tin mới lần đầu được tiếp xúc. Cho nên nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra cho chúng tôi một cách giải khó mà bắt buộc phải giải bằng được và giải tốt nhất hay nhất.

        Thế là đợt thi đua một tháng làm chủ trang bị khí tài được phát động. Đại đội 22 lúc đó có bảy trung đội, 11 tiểu đội và 16 xe máy đài trạm . Nhiệm vụ của mỗi trung đội, tiểu đội đài trạm khác nhau hoàn toàn, không thể điều động đổi chỗ cho nhau được . Ví dụ như B1 là báo vụ tiêu đồ không thể điều sang B2 là dẫn đường hoặc sang B3 là tổng đài dây và cáp, hoặc sang B4 là đèn chiếu dạ hàng hoặc B5 là đối không, hoặc sang B6 là đài phát, B7 là ra đa... và ngược lại. Cho nên quân số biên chế cho từng vị trí đài trạm xe máy gần như cố định, ốm đau không thay thế chỗ cho nhau được. Việc bảo đảm sức khỏe bộ đội đặt lên hàng đầu.

        Một tháng nỗ lực thi đua làm cho toàn đơn vị hồ hởi phấn khởi hẳn lên. Tin tưởng vào trình độ khả năng được nâng lên, làm chủ được trang bị đài trạm và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ T.T đón trung đoàn 921 về nước.

        Ngày đó đã đến!

        Ngày 6-8-1964.

        Từ 3 giờ sáng, toàn bộ hệ thống trực thông tin đã bắt đầu làm việc. Các kíp trực ban ngày hôm ấy được tuyển chọn kỹ càng.

        Tôi gọi điện thoại đi khắp lượt các vị trí và nhận được báo cáo về tốt, rất tốt, đã sẵn sàng.

        Tôi yên tâm đáp xe ra đài chỉ huy HCC K5 làm vị trí trực chỉ huy thông tin.

        Thời tiết hôm ấy rất đẹp. Trời thu xanh trong phía Đông rạng hồng, mặt trời đang lên đỉnh núi đồi. Phía Bắc, phía Tây lởn vởn vài mảng mây tan dần trên núi Tam Đảo. Phía Nam thi thoảng có chớp. "Chớp đằng Nam vừa làm vừa chơi". Quang cảnh sân bay sáng nay trông thật tuyệt vời. Hơn 500 ngọn đèn đường băng đường lăn sân đỗ đủ các sắc màu đỏ tím, cam, vàng, bật sáng lung linh, rực rỡ.

        Bảng tiêu đồ SCH đã xuất hiện một mũi tên trên không phận nước Trung Hoa anh em. Rồi mũi tên dịch dần lướt trên dãy núi biên giới phía Bắc nước ta.

        Ra đa PCN-7 đã bắt được mục tiêu và làm nhiệm vụ hướng dẫn chỉnh sửa vào hành lang an toàn đã được lệnh cấm các lực lượng phòng không mặt đất hoạt động.

        (Thời kỳ này lực lượng phòng không mặt đất của ta như cao xạ tầm thấp tầm cao, đã khá mạnh và triển khai rộng khắp).

        Chỉ ít phút sau, toàn mạng đối không chỉ huy, đối không định hướng bắt liên lạc được với máy bay. Đài K5, chỉ huy hạ cánh phát lệnh liên tục.

        Biên đội đầu tiên vào vòng lượn từ từ hạ cánh. Chúng tôi vui sướng reo lên, máy bay của ta đẹp quá! Tuyệt vời quá.

        Người cờ hiệu, hai tay phất điệu nghệ thuần thục như múa, điều khiển từng chiếc máy bay vào đường lăn đến sân đỗ.

        Người phi đội trưởng biên đội đầu tiên chính là người trung đoàn trưởng không quân tiêm kích đầu tiên: Anh Đào Đình Luyện, sau khi hạ cánh an toàn và báo cáo cấp trên, anh bắt tay một lượt những người có mặt đón trung đoàn không quân - trung đoàn 921 về nước.

        Là người lính, phục vụ thông tin quân đội trên hai chục năm, lần đầu tiên được phục vụ trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên chuyển trường về nước an toàn, an toàn tuyệt đối. Với đại đội thông tin đại đội 22 chúng tôi đó là một phần thưởng cao quý, một kỷ niệm không thể nào quên!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:59:30 am »

       
KỶ NIỆM VỀ MỘT THỜI KỲ CÔNG TÁC

VŨ ĐÌNH                           
Nguyên Chủ nhiệm Thông tin - Ra đa       
Quân chủng Không quân               

        Năm 1958, khi đang công tác tại sân bay Đồng Hới, tôi được đơn vị cho đi đào tạo về chuyên ngành vô tuyến điện không quân tại Học viện Kỹ thuật quân sự Trung Quốc. Năm 1965, khi đơn vị bắt đầu trang bị MIG-21, tôi cùng các anh Trần Thanh, Nguyễn Đình Kiên, ... được phân công khai thác sử dụng thiết bị vô tuyến - ra đa trên MIG-21 để huấn luyện cho các đơn vị. Chúng tôi phấn khởi nghiên cứu, biên dịch và soạn giáo án các thiết bị mới để truyền đạt cho các cán bộ, nhân viên kỹ thuật của các đơn vị. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi được điều động về làm kỹ thuật thông tin sân bay Nội Bài.

        Công việc có nhiều mới mẻ đối với tôi, nhưng nhờ những ngày được nghiên cứu kỹ các thiết bị vô tuyến chỉ huy và dẫn đường trên máy bay, tôi đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ kỹ thuật hầu hết các thiết bị vô tuyến - ra đa trên sân bay. Đó là những trang thiết bị hiện đại của ngành Thông tin - Ra đa không quân.

        Công tác trong ngành thông tin không quân, do hiểu biết về thiết bị vô tuyến trên máy bay, tôi đã có những đề xuất mạnh dạn cải tiến thiết bị vô tuyến chỉ huy, phục vụ kịp thời cho yêu cầu chiến đấu của đơn vị. Việc đầu tiên là tận dụng các máy bay PCUY-3M, PCUY-4M... để lắp ráp thành bộ đối không cơ động, trang bị cho các sở chỉ huy cơ động và các tổ chỉ huy bổ trợ, đồng thời tổ chức lắp ráp các máy phát dẫn đường công suất nhỏ để các máy APK-5, APK- 10 trên máy bay có thể dẫn hướng cho máy bay đến khu vực hoạt động ở miền Trung và bên Lào. Tiếp theo là tiến hành tổ chức việc tự động chuyển tiếp bằng xe thu phát VHF công suất lớn, tăng cự ly chỉ huy máy bay ở khu vực rừng núi miền Trung. Với kinh nghiệm có được trong quá trình thực hiện một loạt các cải tiến kỹ thuật. Sau ngày miền Nam được giải phóng, với cương vị là chủ nhiệm thông tin - ra đa Quân chủng, tôi càng chú trọng hơn đến việc tận dụng các thiết bị vô tuyến điện trên các máy bay thu được của địch để trang bị cho các sở chỉ huy và các sân bay ở cả hai miền Nam - Bắc. Nhiều thiết bị đối không như: GRT-3, GRT-18, GRT-27..., các thiết bị trên máy bay hệ 2 như: 807A, AN/ARC-51, AN/ARC-34,... và các thiết bị liên lạc mặt đất như: KWM-2A, RT-524, BC-610, GRC-26... đều được duy trì sử dụng trong Quân chủng trong nhiều năm sau.

        Vào những năm 1982 - 1985, Quân chủng đã trang bị thêm nhiều loại máy bay mới, trang bị thông tin - ra đa - ánh sáng đảm bảo bay cũng đồng thời được bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại. Yêu cầu đối với thông tin chỉ huy phải cao hơn nhiều nhưng hệ thống thông tin chỉ huy mặt đất lại chưa có gì thay đổi, chủ yếu vẫn dựa vào vô tuyến điện báo, trình độ báo vụ lại kém hơn nhiều so với thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nên việc bảo đảm thông tin chỉ huy ngày càng gặp nhiều khó khăn. Phương thức thông tin VTĐ truyền chữ có chất lượng cao hơn, nhưng đòi hỏi có các loại trang bị phức tạp đắt tiền, hơn nửa yêu cầu phải có các nhân viên chuyên nghiệp mới có thể duy trì liên lạc được tốt.Phòng thông tin cân nhắc các phương án và đã quyết định chọn cách cải tiến tải báo TVT của Hungary để có thể ghép nối máy truyền chữ vào tất cả các loại kênh truyền: VTĐ sóng ngắn, sóng cực ngắn và hữu tuyến tải ba, ... để nâng cao chất lượng và tốc độ liên lạc. Các đồng chí kỹ sư Trần Trọng Thịnh, TS. Nguyễn Xuân Đóa đã kết hợp với phòng VT-ĐT Viện Kỹ thuật Không quân lắp ráp rơ le điện tử thay thế rơ le cơ khí trong máy tải báo nâng cao được chất lượng liên lạc truyền chữ trên kênh VTĐ sóng ngắn. Để có thể làm được liên lạc truyền chữ trên tất cả các kênh thông tin hiện có, KS Trần Thanh Bình phòng Thông tin đã thiết kế, lắp ráp một loại tải báo vi mạch thay cho tải báo TVT, sao cho trong lúc làm việc chỉ cần tắt mở máy mà không cần điều chỉnh gì cả, như vậy sẽ ghép nối truyền chữ vào tất cả các loại kênh liên lạc, việc sử dụng cũng sẽ đơn giản đi rất nhiều. Nhờ đó, chất lượng thông tin chỉ huy đã được nâng lên một bước.

        Việc sử dụng nhiều máy truyền chữ đã gây nhiều ồn ào trong SCH Không quân, nên năm 1986 Tư lệnh Quân chủng đã quyết định cho thông tin mua hai máy vi tính quả táo II, KS. Trần Thanh Bình đã dùng máy vi tính liên kết 3 mạng truyền chữ vào một máy vi tính dùng ở SCH thay cho 3 máy truyền chữ, biên chế nhân viên sử dụng cũng được giảm đi. Tiếp nữa, KS. Trần Thanh Bình lại kết hợp với Trung tâm Toán - Máy tính quân đội thiết kế lắp ráp tổng đài truyền chữ điện tử 8 kênh, dùng lại CPU 8085A, bộ nhớ RAM 8KB. Cho đến lúc này thì trong Quân chủng đã hình thành một tổ chức thông tin truyền chữ rộng khắp từ Bắc đến Nam sử dụng các kênh VTĐ sóng ngắn và sóng cực ngắn trên dải tần số 100 - 150MHZ, cải thiện được một bước chất lượng thông tin chỉ huy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 08:00:41 am »


        Tuy rằng tốc độ liên lạc truyền chữ đã nhanh hơn tốc độ liên lạc VTĐ báo nhiều lần, nhưng vẫn còn bị hạn chế bởi tốc độ 50 bit/s của máy truyền chữ. Muốn nâng cao tốc độ liên lạc, đồng thời nâng cao tính bảo mật và khả năng chống nhiễu, phòng Thông tin lại chủ trương thiết kế lắp ráp một thiết bị ghép nối chuyên dụng khác thay thế cho loại tải báo vi mạch. Vào giai đoạn này, tính năng của máy vì tính còn bị hạn chế, cho nên trong thiết bị ghép nối phải có bộ nhớ và thực hiện việc truyền tin từ bộ nhớ sang bộ nhớ của thiết bị ghép nối, do đó giải phóng cho máy vi tính trong thời gian truyền tin, để máy vi tính trung tâm có khả năng quản lý nhiều mạng truyền chữ cùng một lúc. KS. Trần Thanh Bình kết hợp với các cán bộ kỹ thuật Viện Kỹ thuật quân sự đã thiết kế lắp ráp thiết bị này. Thiết bị sẽ tự động thực hiện thủ tục bắt liên lạc, tự động truyền tin với tốc độ 300 bit/s, có chương trình kiểm tra và sửa lỗi, có khả năng tương thích với các loại kênh truyền có chất lượng khác nhau, có địa chỉ để tiện cho việc tổ chức hên lạc mạng. Thiết bị này còn được kết hợp để thiết lập một mạng báo động nhanh dùng hình thức hiện số và phát âm thanh. Thiết bị ghép nối này thực tế là một bộ xử lý chuyên dụng, dùng loại CPU 6800 có bộ nhớ RAM 4KB hoặc 8KB, ở đầu cuối, thiết bị này chuyển đổi mã ASCII thành mã truyền chữ và đưa số liệu từ bộ nhớ ra máy truyền chứ với tốc độ 50 bit/s. Khi dùng máy truyền chữ nạp số liệu vào máy tính trung tâm thì theo trình tự ngược lại. Cho đến lúc này thì tổ chức thông tin chỉ huy trong Quân chủng đã là hệ thống báo động nhanh, liên lạc thoại, truyền chữ và vi tính kết hợp.

        Do sử dụng nhiều máy truyền chữ, với loại mới như T-100 còn khá, các loại máy cũ như máy Đức T-51, máy Mỹ FGC-97 thì phụ tùng vật liệu thay thế ngày càng khó khăn. Vào lúc này, ở Việt Nam đã có máy vi tính xách tay, giá tiền cũng xấp xỉ giá máy truyền chữ T- 100, nên Quân chủng lại cho mua máy vi tính xách tay thay cho máy truyền chữ. KS. Trần Thanh Bình lại kết hợp với cán bộ kỹ thuật Viện Kỹ thuật quân sự II và Trung tâm Toán - Máy tính quân đội thiết kế lắp ráp thiết bị chuyên dụng dùng cho việc truyền số liệu giữa các máy vi tính thông qua các loại kênh thông tin. Thiết bị này vẫn được thiết kế để thực hiện truyền tin từ bộ nhớ sang bộ nhớ của thiết bị ghép nối để giảm nhẹ công việc cho máy tính trung tâm. Nếu đầu cuối dùng máy truyền chữ thì có lắp thêm thiết bị bổ trợ để chuyển đổi mã ASCII thành mã truyền chữ và đưa số liệu ra với tốc độ 50 bit/s. Nếu đầu cuối là nhân viên báo vụ thì lại lắp thêm thiết bị bổ trợ để chuyển mã ASCII thành mã móc và phát tín hiệu moóc cho báo vụ nhận điện. Khi nạp số liệu vào thì báo vụ gõ manip, thiết bị bổ trợ sẽ chuyển mã moóc thành mã ASCII và chuyển số liệu sang thiết bị ghép nối để phát đi. Đến đây thì thông tin không quân trở thành đơn vị đi đầu trong thông tin toàn quân thực hiện được việc truyền số liệu bằng máy tính qua các kênh truyền sóng ngắn và sóng cực ngắn.

        Tiếp đó, phòng Thông tin lại cho dùng máy vi tính để thiết kế tổng đài truyền số liệu đa kênh, có thể ghép nối với nhiều loại kênh truyền khác nhau và có thể làm việc với nhiều tốc độ truyền tin: 300, 600, 1200 bit/s. Đến lúc này thì hệ thống thông tin truyền số liệu đã trở thành hệ thống chủ yếu để bảo đảm thông tin chỉ huy cho quân đội trên phạm vi toàn quốc.

         Trên cơ sở hệ thống thông tin truyền số liệu của Quân chủng, năm 1990 Tư lệnh Quân chủng lại cho phòng Thông tin - Ra đa thực hiện đề tài: "Thu thập và xử lý tín hiệu ra đa của 6 đại đội ra đa dẫn đường bố trí trên các sân bay phía Bắc" , và đề tài đã được Cục Quản lý khoa học Bộ Quốc phòng tổ chức nghiệm thu vào năm 1992.

        Ngày nay khi hệ thống thông tin bưu điện và quân sự đã được hiện đại hóa, các máy vi tính cao cấp, các máy fax, các mô đem truyền số liệu tốc độ cao v.v... đã có nhiều trên thị trường, nhưng hệ thống thông tin truyền số liệu trên sóng VTĐ vẫn không hề giảm đi ý nghĩa và công dụng thiết thực của nó đối với thông tin quân sự, nhất là khi cần tổ chức thông tin cơ động và phân tán trên diện rộng.

         Từ đây có thể rút ra vấn đề: Cán bộ kỹ thuật của ta rất thông minh và sáng tạo, chỉ cần mở hướng và tạo điều kiện thuận lợi là anh em có thể sáng tạo ra nhiều kỳ tích để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng.

        Ngày nay, chúng ta đang sống trong thập kỷ kỹ thuật số - một thời kỳ lịch sử khi mà hầu hết tất cả những gì chúng ta làm đều có sự tác động của máy tính. Những tiến bộ vượt bậc về khoa học - kỹ thuật trong nhiều thập kỷ, đặc biệt thế kỷ XX vừa qua đã mang lại cho con người nhiều khả năng và giải pháp mới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhưng để tận dụng được khả năng đó, biến nó thành hiệu quả thực tế lại tùy thuộc vào từng con người, từng tổ chức, từng quốc gia. Điều quan trọng là ở người đứng đầu, phải là người có đủ sức quan sát xuất chúng, có thể nhìn rõ xu thế phát triển của sự việc để có thể đón đầu đi lên. Không có tầm nhìn thì không sử dụng được thời thế. Cơ hội mà thời thế cho mỗi người đương thời đều là công bằng, mấu chốt là ở chỗ có ai đó có thể nắm lấy nó. Không phải là thời thế chọn con người, mà là con người chọn thời thế.

Sân bay Bạch Mai, tháng 10 - 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:16:44 pm »

       
CON ĐƯỜNG TÔI ĐẾN VỚI KHÔNG QUÂN

Đại tá NGUYỄN VĂN BẢY             
Phi công MiG-17 Anh hùng LLVT       
(Đoàn Hoài Trung ghi)               

        Tôi tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, ở xã Hòa Thành, Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Ngày nhỏ tôi bị các anh em trêu tên là Hoa là tên con gái, xấu hổ quá, tôi bỏ tên Hoa lấy tên thứ Bảy là tên chính thức từ đó. Tháng 4 năm 1954, ba của tôi ép phải lấy vợ, tôi “hoảng quá”, vội ôm quần áo bỏ nhà theo người bạn tên Lê, đang là bộ đội địa phương. Nửa tháng theo bạn mới được đơn vị nhận chính thức nhờ có anh trai làm xã đội trưởng bảo lãnh. Đêm đầu tiên, được giao cây súng gác đơn vị, tôi sung sướng quá, ôm súng đi lại suốt đêm, gác luôn hộ bạn, mặc dù lúc đó tôi chưa biết bắn súng làm sao.

        Cuối năm 1954, tôi tập kết ra Bắc, được học bổ túc, được tham gia làm kinh tế cho đơn vị như đóng gạch, tăng gia chăn nuôi. Nhờ bản tánh cần cù chịu khó, tôi luôn được khen thưởng vì thành tích trong lao động sản xuất. Có lần đoàn khám tuyển phi công đến đơn vị, tôi trúng tuyển thế là được đi học Trường văn hóa Lạng Sơn. Lao động rất cừ, nhưng đi học là vấn đề hết sức khó khăn với tôi, những con chữ, những bài tính rối mù trong đầu, nhiều khi phải học vẹt trả bài thầy. Tháng 2 năm 1960, tôi được cùng anh em khóa 2 sang Trường Không quân số 2 Trung Quốc. Cùng đi học với tôi có các phi công Trần Mạnh (đoàn trưởng), Nguyễn Phúc Trạch, Đồng Văn Đe... Nơi nước bạn, việc học tập của tôi lại càng vất vả hơn, trước hết vì ngôn ngữ, sau nữa lý thuyết ngành Không quân đòi hỏi trình độ cao mới tiếp thu hết được. Nhưng tôi đã tìm cách vượt qua, chăm chỉ học tập rèn luyện, đặc biệt là trong thực hành, tôi rất có khả năng làm theo thầy, mọi động tác thầy dạy tôi thường luyện tập thành thục, đến mức nhắm mắt lại cũng có thể chỉ từng bảng đồng hồ độ cao, tốc độ... hoặc thực hiện quy trình mở máy bay thì làm thành thục chẳng kém ai. Hôm đầu tiên được thầy cho thử nổ máy, vừa để máy nổ pành pành, tôi sướng quá thả tay ra vỗ tay đôm đổp. Thầy nắm vội cần lái mắng cho một trận nên thân, thầy đâu hiểu được tâm lý trò, từ một anh nông dân xe đạp còn chưa đi rành nay trở thành một phi công làm sao không mừng khi mình được điều khiến máy bay. Những ngày luyện tập lái máy bay YAK-18 thật vất vả với tôi. Không biết tại sao cứ ngồi lên buồng lái là tôi buồn ói, mà tôi ói thật, ói khắp sàn máy bay, ói ra cả mật xanh mật vàng. Tôi cố gắng vượt qua cơn ói. Nhiều bạn trong đoàn cũng bị như tôi, có người không chịu được phải chuyển sang học phục vụ mặt đất. Còn tôi thì nhớ tới lần Bác Hồ gặp cả đoàn trước khi đi học đã hỏi:

        - Chú nào quê ở miền Nam đi học lái máy bay đợt này?

        Tôi cùng các anh em miền nam giơ tay. Bác Hồ động viên:

        - Các chú phải cố học thành tài, để sau này thông nhất nước thì lái máy bay chở Bác về thăm đồng bào miền Nam. Đồng bào thấy con em mình ra miền Bắc được ăn học thành phi công thì chắc sẽ vui mừng lắm.
   
        (Mất 2 trang)

...Niên xuống, thì tôi còn trực chiến ngoài đường băng, anh em cơ quan chính trị trung đoàn phải đưa cô ấy ra địa phương làm giấy đăng ký kết hôn giúp tôi. Tôi nhớ, lúc ấy tôi có đưa 10 đồng cho nhà bếp mua bánh, kẹo và 10 đồng mua 1 tút thuốc lá Thăng Long còn chè xanh xin của dân. Buổi chiều rút ban, tôi mới nói mọi ngưòi: “Tốì nay mình cưới vợ, các cậu qua chơi nghen!”. Vào buổi lễ, trung đoàn phó Đào Công Xưởng làm chủ hôn, đại diện cho nhà trai, còn tham mưu phó Chu Tất Bộ thì phải đóng đại diện nhà gái để tiện thưa gửi hai bên. Anh em ngồi quây quần với nhau bên nồi chè xanh nghi ngút khói. Chưa Kịp hút xong điếu thuốc, thì có điện của trên chuẩn bị một biên đội cơ động về Nội Bài. Thế là tiệc cưới giải tán, tất cả lại khẩn trương chuẩn bị lên đường.

        Sau bảy ngày cưới, ngày 26 tháng 4 năm 1966, biên đội của tôi gồm Chung, Tân, Bảy, Mẫn đang hoạt động ở vùng trời Võ Nhai (Bắc Thái), tôi phát hiện máy bay địch ở thế có lợi đang bám đuôi hai máy bay của Chiêm và Mẫn trong biên đội. Tôi và Tân đã nhanh chóng, bất ngờ lao thẳng vào giữa đội hình máy bay địch, làm chúng hoảng hốt tháo chạy. Tôi bình tĩnh bám chắc một chiếc, tới cự ly có hiệu quả đã nổ súng, máy bay địch lặn xuống tránh đạn. Tôi cho máy bay lật theo và bồi một loạt đạn nữa, máy bay địch bốc cháy rơi tại chỗ. Trong trận này biên đội bắn rơi hai máy bay F-4 của Mỹ, bắn bị thương một chiếc khác và về hạ cánh an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:18:26 pm »


        Trận đánh mà tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 5 tháng 9 năm 1966. Lúc này tôi đã bắn rơi được vài ba chiếc máy bay rồi, nên trong lễ 2 tháng 9, tôi nhường cho anh em phi công khác trực để lập thành tích kỷ niệm Quốc khánh, nhưng thời gian ấy địch không vào. Hôm ấy tôi cùng phi công Võ Văn Mẫn, quê ở Ba Tri, Bến Tre được phân công trực chiến sân bay Gia Lâm. Khoảng 4 giờ chiều, địch cho máy bay hải quân vào cầu Rẽ, hai máy bay ta được lệnh cất cánh. Nhưng khi bay vào khu vực thì địch đã rút. Lúc này mặt đất phát hiện một tốp máy bay địch khác vào Phủ Lý, Nam Hà, lập tức sở chỉ huy dẫn hai máy bay ta vào không chiến. Cách địch 15km, tôi đã phát hiện mục tiêu như hai chấm đen trước mặt. Còn cách 5km, tôi ra lệnh cho số hai thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu máy bay địch. Thấy khí thế hùng dũng của ta, hai máy bay địch hoảng loạn vòng phải, lợi dụng đám mây chạy trốn. Tôi thấy vậy thầm tính toán, nếu bám đuôi địch thì khó đuổi kịp được, vì tốc độ địch nhanh hơn, tôi quyết định bay cắt đón đương. Tôi hô lớn: Số 2 theo tôi. Quả nhiên qua đám mây thì nhìn thấy hai chiếc máy bay địch, bọn chúng thần hồn nát thần tính, vừa bay vừa làm động tác uốn éo để tránh đạn của ta, chính vì thế mà bị hạn chế tốc độ. Tôi bám chiếc thứ hai cách khoảng 250 mét xả súng vào buồng lái địch, tên phi công trúng đạn chết tại chỗ, mảnh mê ca văng ra, nhiều mảnh chui vào luồng gió hút cả vào động cơ máy bay Mẫn. Tôi lách ra, ra lệnh cho số 2 vào công kích. Phi công Võ Văn Mẫn bám ngay chiếc máy bay số 1 của địch và nổ súng tấn công. Chiếc máy bay trúng đạn, phi công địch nhảy dù. Tôi ra lệnh cho số 2: “Số 2 theo tôi về hạ cánh”. Chúng tôi sung sướng quá bay trở về. sở chỉ huy nhắc chú ý địch bám đằng sau. Tôi nói vào micrô: “Địch chỉ có hai thằng bắn ráo trọi rồi còn đâu nữa”. Tối ấy, Quân chủng báo cáo lên Bộ Quốc phòng, Bộ báo cáo với Bác Hồ. Bác có hỏi xem hai đồng chí phi công tên gì? Quê ở đâu? Biết là cả hai cùng phi công người miền Nam, Bác vui lắm và gửi tặng ngay hai huy hiệu của Người cho chúng tôi.

        Ngày 16 tháng 9 năm 1966, 16 chiếc máy bay địch gồm F-4 và F-105 xâm phạm vùng tròi Chí Linh, chúng đã phát hiện một biên đội 4 chiếc máy bay của ta nên chia thành nhiều tốp, bay ở nhiều tầng, nhiều hướng, giành thế có lợi nhằm kéo ta ra xa, buộc ta phải bị động phân tán để chúng bao vây tiêu diệt ta. Tôi cùng biên đội chủ động, linh hoạt, cơ động, giữ vững đội hình, yểm trợ cho nhau giành thế chủ động, buộc địch chiến đấu ở khu vực ta đã chọn. Toàn biên đội đã chủ động lúc đối đầu, lúc bám đuôi địch, nổ súng kịp thời chính xác, bắn rơi 3 máy bay F-4 và trở về hạ cánh an toàn, riêng tôi bắn rơi 1 chiếc.

        Trận đánh ngày 24 tháng 4 năm 1967 cũng là trận đánh đáng nhớ của tôi. Trước đó 2 ngày, địch đã đánh nát sân bay Kiến An, nhằm chuẩn bị cho một đợt đánh phá Hải Phòng. Chỉ trong vòng một đêm, nhân dân và bộ đội ta đã vá kịp thời hàng chục lỗ bom trên sân bay. Chiều ngày 23 tháng 4 Bảy, Bôn, Hôn, Địch chuyển hướng từ Gia Lâm xuống sân bay Kiến An. Sáng hôm sau, biên đội cất cánh lên, vừa lên tới độ cao 1500m đã nhìn thấy máy bay địch như ruồi bay từng bầy trước mặt. Tôi quyết định cho biên đội lao vào giữa đội hình địch. Tôi hô lớn: “Tất cả theo tôi” rồi tôi vào trận. Máy bay địch thấy MiG-17 của ta thì hoảng sợ, vì chúng cứ yên trí không quân đã bị tiêu diệt hết rồi. Những chiếc cưòng kích của địch thì ném bom lung tung tháo chạy, còn bọn tiêm kích thì tìm cách bắn tên lửa. Tôi nhìn ra thấy tên lửa địch bắn như mạng nhện trên trời vậy. Tôi có kinh nghiệm khi nhìn thấy máy bay địch trước mặt đeo tên lửa, tôi không hoảng hốt mà quan sát, thấy tên lửa địch rơi ra khỏi cánh xịt khói là tôi biết nó bắn, lập tức tôi ngoặt gấp tránh để tên lửa địch sượt sau lưng, vì thằng địch bám đuôi là ta dễ bị tiêu diệt. Máy bay của địch to xác hơn máy bay ta, tốc độ lớn hơn, nên độ cơ động không linh hoạt bằng. Nếu địch chấp nhận không chiến là máy bay MiG-17 rất có lợi thế cơ động, bán kính vòng lại nhỏ hơn, nhanh hơn so với máy bay địch. Trận này tuy tôi không bắn rơi được chiếc nào, nhưng biên đội bắn rơi hai chiếc máy bay của địch, phá tan ý đồ đánh Hải Phòng của chúng. Bí thư Thành ủy Hải Phòng gửi tặng cho biên đội 1 chiếc rađio hiệu “Mẫu Đơn”.

        Năm 1967, tôi được bầu vào Quổc hội khóa III và được vào đoàn Chủ tịch trong các kỳ họp Quốc hội. Đây cũng là niềm vinh dự cho tôi và nhờ đó tôi rất nhiều lần được gặp Bác Hồ, ấy là những lần chuẩn bị họp Quốc hội, bao giờ đoàn Chủ tịch có hội ý trước, Bác Hồ thường đến tham dự cùng. Tôi có một câu chuyện muốn kể cho Bác nghe, chẳng là trước khi tập kết ra Bắc, tôi có cùng anh chị em đi làm cỏ, sửa sang lại mộ cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Lãnh. Ngày ấy, mọi người đã nói với nhau sau này ra miền Bắc sẽ kể tỉ mỉ việc ấy cho Bác nghe, nhưng thật không ngờ cơ hội ấy mãi mãi không còn. Bác Hồ đã ra đi vào ngày 3 tháng 9 năm 1969, đứng túc trực bên anh linh của Người cùng các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Đàm Quang Trung mà tôi không kìm được nước mắt vì ân hận còn chưa làm tròn lời hứa đồng đội gửi gắm, nói cho Bác tấm lòng của bà con miền Nam với cụ Phó bảng và với Bác.

        Tôi tham gia tất cả 13 trận đánh, bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa một lần nào bị địch bắn cháy máy bay phải nhảy dù. Tôi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được 7 huy hiệu của Bác Hồ và 1 đồng hồ đeo tay do Bác Hồ tặng. Tôi đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trong Quân chủng Phòng không - Không quân như: Trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Phó tư lệnh sư đoàn không quân 372, sư đoàn trưởng sư đoàn không quân 376, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Tôi nghỉ hưu tháng 12 năm 1989, tham gia vào Ban chấp hành Hội cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay tôi vẫn là Trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Không quân tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:23:58 pm »

       
CẢM TUỞNG NHỮNG LẦN GẶP VÀ LÁI MÁY BAY CHỞ BÁC

Đại tá phi công PHẠM ĐÌNH CƯỜNG                 
Nguyên Tổng cục phó Tổng cục HKDD Việt Nam       

        Toàn dân tộc Việt Nam đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn thế giới đều ca ngợi công đức của Người nhà văn hóa vĩ đại của thế giới.        Tôi vinh dự được gặp nhiều lần và trực tiếp lái máy bay chở Bác Hồ đi thăm đồng bào ở nhiều khu vực trong nước.

        Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động và tự hào được giao trách nhiệm phục vụ Bác Hồ.

        Hồi tưởng lần đầu được gặp Bác Hồ. Đó là ngày 20-12-1959 nhân dịp đại hội thi đua của Cục Không quân. Được tin Bác Hồ đến thăm, đồng chí Đặng Tính - Cục trưởng Cục Không quân và đồng chí Hoàng Thế Thiện - Chính ủy Cục Không quân đón và đưa Bác vào hội trường đại hội, với tác phong nhanh nhẹn, vầng trán cao, anh minh Bác vẫy tay chào mọi người, mọi người rất vui mừng phấn khởi. Bác chỉ nói ngắn gọn: Chúc các cô các chú thi đua làm nhiều việc tốt, xây dựng không quân ngày càng trưởng thành. Sau đó Bác đến thăm khu nghỉ của anh em phi công. Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo Cục Không quân phải hết sức chăm sóc các cháu phi công như "chăm các con nít" vì đây là vốn quý của Tổ quốc, nhân dân ta nhờ Liên xô đào tạo huấn luyện được các cháu phi công đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Sau lần gặp đó, tôi vinh dự được chở Bác bằng máy bay đi đến nhiều nơi để làm việc và thăm đồng bào.

        Ngày 15-5-1960, tổ bay chúng tôi chở Bác đi đến tỉnh Móng Cái. Lần đầu tiên được chở Bác Hồ tôi vô cùng sung sướng và cảm động, nên mọi mặt công tác chuẩn bị máy bay và các số liệu bay rất chu đáo. Sau khi hạ cánh an toàn, Bác vào làm việc với các đồng chí Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Móng Cái. Sau khi làm xong việc các đồng chí tỉnh Móng Cái có mời Bác Hồ và tổ bay chúng tôi cùng ăn cơm. Thật sung sướng, tôi có cảm tưởng được ngồi ăn cơm cùng với Bác như người cháu ngồi ăn với "ông nội", phong thái cừ chỉ của Người thật hài hòa, thân mật, gần gũi. Thế rồi tôi liên tiếp được phục vụ các chuyến bay đưa Bác đến các vùng Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Ba Vì, bãi biển Vịnh Hạ Long. Đặc biệt ghi nhớ ngày 15-11-1961 tôi chở Bác bằng máy bay trực thăng cùng đồng chí phi công vũ trụ Ti-tốp đến bãi biển Vịnh Hạ Long. Sau khi hạ cánh, các đồng chí hải quân có chở Bác cùng đồng chí Ti-tốp và tổ bay chúng tôi bằng tàu thủy đi quanh Vịnh Hạ Long. Trên đường đi tàu thủy có dừng lại tại một bãi biển, cảnh vật rất đẹp, đồng chí Ti-tốp có đề nghị với Bác cho đồng chí tắm tại bãi biển. Bác đồng ý cho dừng tại đây và Bác nói: Chú Ti-tốp tắm thì cho Bác cùng tắm cho vui. Lúc này thời tiết hơi giá lạnh nên các đồng chí bảo vệ nói: Trời lạnh Bác không tắm được để bảo đảm sức khỏe cho Bác. Tuy vậy Bác vẫn xuống bãi biển và vén quần lội xuống nước. Sau này nhân dân tại đây đặt cho hòn đảo gần đó là "Hòn Ti-tốp".

        Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi được quân đội giao các cương vị công tác: Trung đoàn trưởng, phó tư lệnh lữ đoàn không quân vận tải 919, các nhiệm vụ chiến đấu, các nhiệm vụ bay chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội; nên mỗi lần Bác đi công tác trong nước và nước ngoài bằng các loại máy bay tôi đều được tin cậy trực tiếp chuẩn bị và đưa đón.

        Tháng 12-1968 ngày gặp Bác Hồ tại hội trường Quân chủng Phòng không - Không quân, lúc đó Bác đã già yếu nhiều. Được nghe những lời nói ân cần kính mến, lúc đó tập họp nhiều anh em đủ các lứa tuổi, Bác có hỏi "Chú nào bắn rơi nhiều máy bay nhất". Khi đó đồng chí phi công Nguyễn Văn Cốc có lên gặp Bác. Bác Hồ nói: "Chúc các cháu bắn được nhiều máy bay như Cốc”. Đó là lần gặp Bác cuối cùng của tôi trước lúc Bác đi xa.

        Thế rồi ngày 22-7-1969, tôi được Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân trực tiếp giao nhiệm vụ làm đội trưởng một đội gồm các đồng chí phi công trẻ tuổi tổ chức luyện tập để chuẩn bị tham gia duyệt binh cho ngày 2-9.

        Chúng tôi được tập trung tại thị xã Hà Đông và hàng ngày ra bãi đá bóng để luyện tập các môn điều lệnh đội ngũ, mọi người ai nấy đều hăng hái luyện tập.

        Nhưng đến ngày 2-9-1969, không thấy hình ảnh và tiếng nói của Bác Hồ trên quảng trường Ba Đình, chúng tôi đã ngỡ ngàng.

        Đến ngày 3-9-1969 được tin Bác Hồ đã qua đời. Chúng tôi vô cùng xúc động và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và lúc đó mới nghĩ ra không phải luyện tập để duyệt binh mà là để tiễn đưa Bác Hồ về nơi vĩnh hằng.

        Đến ngày tang lễ của Người đoàn chúng tôi lại được vinh dự đến linh cữu của Người để kính chào tiễn đưa Bác Hồ về nơi an nghỉ cuối cùng.

        36 năm đã trôi qua, Bác Hồ đã đi xa, nhưng vẫn còn dư âm trong trái tim tôi mỗi lần xem ti vi qua hình ảnh của Bác Hồ tôi cứ ngỡ rằng Bác vẫn còn sống và luôn gần gũi với nhân dân trên khắp các miền của Tổ quốc.

        Ôi Bác Hồ ơi! Cháu luôn ghi nhớ lời Bác dạy và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, kiên định theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại soi sáng mãi không bao giờ tắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2016, 11:28:40 pm »

        
MÁY BAY AN2 PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU (1959 – 1962)

Đại tá LÊ NĂNG                  
Phi công máy bay An-2             
Trung đoàn không quân 918        

        MỞ ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG TIẾP TẾ VÍ THU LU

        Tháng 3- 1959 hai bộ phận An-2 học ở Liên Xô và Trung Quốc về nước .

        Bộ phận Liên Xô gồm: Lái chính: Phan Như Cẩn, Lê Văn Quyền, Nguyễn Xuân Lịch.
        Dẫn đường: Phạm Thanh Tâm, Minh Khôi.
        Thông tin: Trần Sỹ Tiêu.
        Cơ giới trên không: Phạm Khoa, Trần Văn Nam, Lê Quốc Dũng.

        Bộ phận Trung Quốc: Lái chính: Lê Năng, Nguyễn Xuân Tình.
        Biên chế thành đội bay An-2 do đồng chí Phan Như Cẩn phụ trách.

        Thực hành ngày bay phục hồi và bổ túc kỹ thuật tập hạ cất cánh tất cả các sân bay ngắn hẹp trên miền Bắc do chuyên gia Trung Quốc làm giáo viên.

        Tháng 6-1959 trên chủ trương rút gọn tổ bay cử ra 2 giáo viên Lê Văn Quyền và Lê Năng huấn luyện 2 lái phụ cho 2 dẫn đường học ở Liên Xô, Trung Quốc về là Phạm Thanh Tâm và Lê Thế Hưng.

        Tháng 10-1959 tiếp thu thêm 4 học viên tốt nghiệp ở trường Cát Bi là Nguyễn Tôn, Lê Khắc Minh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Ngọc Bật, khóa này đào tạo 6 lái phụ chia thành 2 tổ huấn luyện.

        Trong lúc các tổ bay học ở nước ngoài về đang trong giai đoạn củng cố và nâng cao kỹ thuật thì nhận được lệnh của trên mở đường hàng không tiếp tế Vít Thu Lu cho lực lượng mở đường Trường Sơn đang gặp khó khăn về phương tiện, lương thực, thực phẩm sau trận lũ lớn.

        Trung đoàn 919 tổ chức bay trinh sát địa hình mục tiêu và phương pháp bay tiếp tế, sau trinh sát xác định Vít Thu Lu là vị trí nằm sâu trong thung lũng bốn bề núi cao bao bọc, bãi thả chỉ nhỏ bằng sân bóng chuyền, trung đoàn sử dụng máy bay IL-14 có tốc độ lớn thả thử bằng dù ở độ cao 800m do khí tượng vùng núi đối lưu mạnh, hướng gió và tốc độ gió ở các tầng độ cao khác nhau, nhiều khi thay đổi đột biến do đó thả bằng dù ở độ cao cao tất cả dù đều bay ra xa không trúng đích.        Trung đoàn quyết định sừ dụng máy bay An-2 loại máy bay có tính năng bay thấp và cơ động rất tốt theo phương pháp thả vo, không dù, hàng hóa được bọc nhiều lần vỏ bọc.

        15-9-1959 trung đoàn tổ chức đưa 3 tổ bay và 2 máy bay vào trực tại căn cứ sân bay Đồng Hới, 3 tổ bay gồm:

        Tổ 1 : Lê Văn Quyền - Lái chính.
        Nguyễn Xuân Lịch - Lái chính ngồi ghế lái phụ.
        Đinh Huy Cận - Dẫn đường. Trần Sỹ Tiêu - Thông tin.
        Phạm Khoa - Cơ giới trên không.

        Tổ 2: Lê Năng - Lái chính.
        Lê Thế Hưng - Dẫn đường kiêm lái phụ.
        Hồ A - Thông tin.
        Lê Quốc Dũng - Cơ giới trên không.

        Tổ 3: Nguyễn Xuân Tình - Lái chính.
        Phạm Thanh Tâm - Dẫn đường kiêm lái phụ.
        Ngô Hồng Nhung - Thông tin.
        Trần Văn Nam - Cơ giới trên không.

        Đồng chí Phan Như Cẩn lái chính bay thử chuyến đầu tiên, chỉ huy chung và thay thế các lái chính khi cần thiết.

        Trên giao nhiệm vụ chở 60 tấn hàng từ sân bay Đồng Hới thả xuống bãi Vít Thu Lu, các gói hàng được đóng từ 50kg đến 100kg bọc nhiều lần vỏ bọc bằng bao tải gồm các dụng cụ phương tiện máy móc, lương thực, thực phẩm có cả rau xanh và thực phẩm tươi.

        - Ngày 16-9-1959 tổ An-2 đồng chí Cẩn bay thử xác định phương pháp thả như sau: Máy bay qua đỉnh núi chỗ thấp nhất khoảng 500m thu hết ga bổ nhào xuống đến độ cao l00 m thấp nhất 50m, đúng cự ly thả, bấm còi 2 đồng chí cơ giới và thông tin trên không buộc dây bảo hiểm đứng ở cửa bốc hàng vứt ra ngoài, phải 3 đến 4 vòng bay mới thả hết hàng, sau cải tiến bàn thả bốc hàng sẵn lên bàn, khi còi thả, chỉ rút chốt là hàng thả hết rất nhanh chóng, trong quá trình bay luôn cải tiến, do cự ly gần nên máy bay đổ ít xăng để tăng lượng chở hàng mỗi chuyến được trên một tấn. Phương pháp bay này rất mạo hiểm vì máy bay tốc độ nhỏ, chở nặng, bay ở độ cao cực thấp sát núi, khí tượng mùa hè vùng núi luôn thay đổi đột biến, đối lưu mạnh máy bay tròng trành nhỏ điều khiển đặc biệt khi lao xuống thấp thả hàng, động cơ làm việc ở ga nhỏ nhất, thời gian dài, lại là máy bay một động cơ nên rất nguy hiểm, tổ bay lại phải trực tiếp bốc hàng thả tuy đã buộc dây bảo hiểm nhưng máy bay bị lắc mạnh dễ văng người ra ngoài nhưng với lòng dũng cảm hăng say của tuổi trẻ mới vào nghề, ý chí và quyết tâm rất cao thực hiện nhiệm vụ các tổ bay thi đua nhau bay liên tục trời sáng lúc nào là bay lúc ấy không kể giờ giấc, có chuyến bay đến nơi mây che mất bãi phải bay ra khu chờ hoặc phải về tại sân bay hạ cánh, nhưng các tổ bay vẫn không nản chí hết lòng phục vụ hoàn thành đợt nhiệm vụ này, đội bay An-2 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba do Bác Hồ ký.

-------------
        Ghi chú: (Đã đưa các đồng chí bộ binh lên thả  hàng nhưng máy bay xóc, đột ngột lên xuống các đồng chí nôn mửa, không thể thả được nên tổ bay phải tự thả).
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM