Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:39:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30190 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:34:15 am »


        Tháng 9-1948, Cục Quân huấn cử một hàng binh người Nhật tên là Lan đến chuẩn bị bay thử nhưng không bay được vì anh ta chỉ là lính bắn súng trên máy bay chứ không phải là người lái.

        Các máy bay được bảo dưỡng, bảo quản sửa chữa, chờ lệnh chuẩn bị phục vụ cho việc học tập và sử dụng.

         Sau những thắng lợi quan trọng của quân dân ta trên chiến trường trong năm 1948, bước sang năm 1949, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc phát triển mạnh. Trên thế giới hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng, quân giải phóng Trung Quốc đang tiến xuống Hoa Nam vào các vùng sát biên giới Việt Trung, tạo cho ta những thuận lợi và thời cơ mới.

        Theo chỉ thị của Bác và Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bộ tổng Tư lệnh quân đội ta ra sức nghiên cứu và tìm tòi mọi biện pháp để từng bước chuyển từ chủ động chiến dịch sang chủ động về chiến lược. Hưởng ứng khẩu hiệu "Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công", trong lực lượng vũ trang cả 3 thứ quân đều phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong bộ đội chủ lực, ngoài bộ binh ra, đã bắt đầu quan tâm xây dựng các binh chủng kỹ thuật, Bộ tổng Tham mưu kiến nghị với Tổng Tư lệnh tình hình tổ chức ban đầu của không quân, thủy quân và một số binh chủng khác.

        Đồng chí Phan Phác nhớ sau lần đi theo đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái đến báo cáo xin chỉ thị của Bác về việc thành lập đơn vị ban đầu của không quân, gọi là "Đội huấn luyện Không quân". Sau khi nghe báo cáo, Bác hỏi cặn kẽ tình hình và chỉ thị đại ý như sau: Ta đã làm cái gì thì phải làm cho được, phải kiểm tra cơ sở thực tế các mặt xem có thực hiện được không. Còn hướng đi về mặt chiến lược để đón trước thời cơ là như thế.

        Bác dặn bước đầu chỉ nên là ban nghiên cứu thôi, chỉ tổ chức một lớp gọi là lớp không quân hay lớp phòng không, chưa phải là trường. Ban nghiên cứu có lớp để phối hợp tham gia nghiên cứu, vừa học vừa làm.

        Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 9-3-1949, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân. Để giữ bí mật, Ban lấy tên là Nông trường thí nghiệm, địa điểm đóng quân ở Ngòi Liễm, xã Hữu Lộc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, tả ngạn sông Lô, cạnh Nha nghiên cứu kỹ thuật quân giới ở thôn Đĩa.

        Nhiệm vụ của Ban nghiên cứu Không quân: Tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp, tìm cách phòng chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu, huấn luyện đào tạo cán bộ, hình thành dần từng bước các điều kiện để tiếp thu, đón thời cơ triển khai hoạt động. Phương châm là từ nhỏ đến lớn, cụ thể, thiết thực, bí mật, phù hợp với tình hình.

        Đồng chí Hà Đổng, lúc này là cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng giúp việc đồng chí Tạ Quang Bửu, được giao nhiệm vụ theo dõi số máy bay này trước đây, tuy chưa biết gì nhiều về không quân nhưng có trình độ văn hóa và ham mê nghiên cứu, được bổ nhiệm làm trưởng ban, đồng chí Đoàn Mạnh Nghi, cán bộ Bộ Tổng tham mưu là nhân viên khí tượng cũ, được giao phụ trách công tác đảng công tác chính trị. Đầu năm 1950, đồng chí Trần Hiếu Tâm công tác ở bộ đội Hà Giang, đang dự lớp bổ túc của Bộ, trước đây là học sinh Trường kỹ thuật có học về sửa chữa máy bay được giao nhiệm vụ làm chính trị viên của Ban.

        Trong số người ban đầu có mặt, đặc biệt có đồng chí Nguyễn Đức Việt, (hàng binh người Đức trong hàng ngũ quân đội Pháp đã theo ta từ ngày đầu kháng chiến ở Trung Bộ), vốn là phi công lái máy bay liên lạc, đang công tác tại Nha nghiên cứu kỹ thuật quân giới được về. Đồng chí rất nhiệt tình, có kiến thức khoa học kỹ thuật không quân đã đóng góp nhiều cho Ban, và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Hòa bình lập lại, đồng chí trở về Cộng hòa dân chủ Đức công tác và đã mất sau một vụ tai nạn.

       Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, Ban được tổ chức như sau: Ban chỉ huy: Đồng chí Hà Đổng, Trưởng ban.

        Đồng chí Trần Hiếu Tâm, chính trị viên.

        Tiểu ban hành chính: Đồng chí Phan Văn Diên, Trưởng tiểu ban.

        Tiểu ban chính trị: Đồng chí Đoàn Mạnh Nghi.

        Tiểu ban nghiên cứu Sân bay: Đồng chí Lê Văn Nho.

        Tiểu ban nghiên cứu phòng không: Đồng chí Nguyễn Hải Hạc.

        Tiểu ban khí tượng: Đồng chí Lê Thạch Liên.

        Xưởng cơ khí: Đồng chí Đàm Hải, Lê Minh Tâm.

        Tổ bảo dưỡng máy bay: Đồng chí Nguyễn Văn Đống.

        Đội vệ binh: Đồng chí Ma Văn Thưởng.

        Đội huấn luyện: Đồng chí Nguyễn Tâm Trinh (đội trưởng); Đồng chí Trần Quốc Thái (đội phó) .

        Lúc ban đầu Ban trực thuộc Bộ Quốc phòng, một thời gian sau trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.

        Về Đảng, lúc mới thành lập, đảng viên ít nên một phân chi thuộc chi bộ Bộ Tổng tham mưu, có Ban cán sự do đồng chí Nghi làm Bí thư. Sau khi số lượng đảng viên được tăng lên, được tổ chức thành 1 chi bộ, chi ủy gồm đồng chí Tâm (bí thư), đồng chí Nghi, đồng chí Trình. Chi bộ này nằm trong Liên chi Quốc phòng Tổng tư lệnh gọi tắt là Liên chi TQP thuộc Bộ Quốc phòng sau thuộc Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tổng tham mưu, tổng số gồm 18 đồng chí đảng viên, đại bộ phận cán bộ, công nhân viên và học viên là quần chúng cảm tình Đảng. Chi bộ có đồng chí Việt là đảng viên nước ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:35:55 am »


        II - HOẠT ĐỘNG CỦA BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN

        Trong không khí sôi sục của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mọi thành viên của Ban nghiên cứu Không quân đều hăng hái nhiệt tình góp sức vào việc xây dựng cơ quan, xây dựng đơn vị.

        1.   Sau khi thành lập, mối quan tâm chung là kiểm tra xem xét lại thực trạng chất lượng của 2 chiếc máy bay, cái vốn quí đầu tiên. Đồng chí Hà Đổng cùng đồng chí Việt lên Chiêm Hóa để cùng đồng chí Liên và tổ bảo dưỡng kiểm tra kỹ thuật và tổ chức bay thử. Chiếc Tiger Moth được chuẩn bị khẩn trương để bay. Đồng chí Việt lái, bác Đống thợ máy cùng bay. Máy bay cất cánh tốt, sau lượn một vòng, máy bay vẫn hoạt động tốt, nhưng khi quay về chuẩn bị hạ cánh thì bộ phận điều khiển có sự cố máy bay đã chủ động hạ tiếp đất lệch dốc theo bờ sông Gâm để bảo đảm an toàn. Sau khi hạ cánh xuống, người an toàn, máy bay bị hỏng vài bộ phận, không bảo đảm tiếp tục cất cánh được nửa. Lần đầu tiên, chiếc máy bay mang cờ Việt Nam bay trên vùng trời Tổ quốc, đánh dấu một sự kiện lịch sử của dân tộc ta. Ngày 14-9-1949, sau lần bay thử, hai máy bay đã được cất giấu và bảo dưỡng chuẩn bị phục vụ cho các lớp huấn luyện sau đó.

        2.   Thôn Ngòi Liễm thuộc xã Hữu Lộc, huyện Sơn Duơng, tả ngạn sông Gâm được chọn làm địa điểm đóng quân. Ở đây gần đường bộ, đường thuỷ, tương đối kín đáo, thuận tiện cho việc liên lạc với trên và bãi Chiêm Hoá, lại gần Nha NCKT quân giới, và Ban nghiên cứu Thuỷ quân, tiện việc hiệp đồng giúp nhau nghiên cứu. Ban đã xây dựng lấy chỗ ăn, ở, học tập, giảng đuờng, kho, xưởng cho cơ quan, trường học và xưởng sửa chữa cơ khí. Xưởng cơ khí được trang bị một số máy động lực, máy cắt gọt, rèn, gò, hàn, sản xuất gia công cơ khí, phục vụ mô hình học tập, sửa chữa máy móc và phục vụ cho sinh hoạt. Đặc biệt là đã cử 1 đồng chí tốt nghiệp khoá hoa tiêu 1 đến các nơi máy bay Pháp bị rơi, thu nhặt các linh kiện từ các động cơ và xác của máy bay về làm học cụ giảng dạy, nghiên cứu và chế tạo ra các máy ngắm máy bay cho súng trường, súng máy, cung cấp cho một số súng máy trực chiến của bộ binh chiến đấu.

        3.   Để chuẩn bị cho công tác nghiên cứu và cơ sở của ngành chuyên môn, Ban đã lựa chọn và đào tạo 2 khoá học.

        -   Khoá 1 có 28 nguời gồm 1 trung đội, 3 tiểu đội học viên ngành lái 9 hoa tiêu) trong thời gian 4 tháng.

        -   Khoá 2 gồm 87 nguời 3 trung đội, mỗi trung đội 1 lớp:

        Lớp hoa tiêu 2: 28 người
        Lớp Khí tượng: 31 người
        Lớp thợ máy: 28 người
        Thời gian học là 6 tháng.

        Đội ngũ cán bộ phụ trách lấy trong số cán bô tốt nghiệp khóa 1 . Đội ngũ giáo viên gồm số cán bộ cũ của Ban và một số nhân viên chuyên môn hàng không chọn trong số hàng binh quân đội Pháp là người Đức và Nhật.

        Tuyệt đại bộ phận giáo trình giảng dạy là tiếng Việt nhưng có những phần phải bằng tiếng Pháp, như ở khóa hoa tiêu 1, do đồng chí Nguyễn Đức Việt (người Đức) giảng vì đồng chí chưa thạo tiếng Việt. Việc giảng dạy đường lối kháng chiến và các tài liệu chính trị có lúc được các cán bộ của Bộ xuống giới thiệu. Việc học lý thuyết có chú ý kết hợp với thực hành. Học xong lý thuyết, học viên được hành quân về Chiêm Hóa để thực hành mở máy, kiểm tra và điều khiển lăn trên đường băng cỏ.

        4. Tiến hành thu thập các tài liệu sử dụng của cơ quan Bộ, đi khai thác ở các nơi, từ trong vùng địch chiếm đóng, nghiên cứu tìm hiểu hàng không nói chung và lực lượng không quân Pháp sử dụng trên chiến trường Đông Dương. Nghiên cứu bắn máy bay địch bằng các loại súng máy, súng trường bộ binh, đã làm giá thép 2 trung liên, chế tạo ra máy ngắm mục tiêu trên không.

        Cùng trong thời gian này, trước yêu cầu của việc tiêu diệt máy bay Pháp, mở hai lớp tập huấn cho các đơn vị về dùng súng bộ binh các loại bắn máy bay. Ban đã tự tổ chức đội bắn thực nghiệm bằng súng máy và máy ngắm cải tiến để rút kinh nghiệm, đã đi phục kích dọc bờ sông Lô và trên đoạn đường bộ từ Đoan Hùngđến Tuyên Quang.

        Tháng 5 năm 1951 theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Ban đã cử 20 đồng chí có trình độ bổ sung cho đơn vị sơn pháo 75mm đưa sang Thủy Khẩu (Biên giới Quảng Tây - Cao Bằng) để nhận và chuyển loại pháo cao xạ 37mm phòng không, thành lập đơn vị pháo cao xạ đầu tiên, bảo vệ vùng trời cửa ngõ ra vào giữa ta và Trung Quốc. Đơn vị lấy tên là đại đội 612. Thành tích đầu tiên của đại đội là bắn rơi chiếc máy bay phóng pháo F8F Bear Cat (Gấu mèo) của Pháp xâm phạm vùng trời Thủy Khẩu, chấp hành đúng lời căn dặn của Bác Hồ trước đó 3 tháng khi Bác đến thăm đại đội. Cuối năm 1951, khi mở chiến dịch Hòa Bình, trên có ý định sử dụng bí mật, bất ngờ đại đội cao xạ này tham gia chiến dịch, nhưng vì hoạt động máy bay của địch hạn chế, lại sợ lộ nên Bộ hoãn sử dụng vào chiến dịch.

        Ban đã tổ chức những tổ đi nghiên cứu một số khu vực có thể hạ cất cánh được, nhưng do điều kiện bị hạn chế nên không triển khai được .

        Suốt cả thời kỳ xây dựng, Bộ Quốc phòng rất coi trọng đến kiểm tra, chỉ thị, cử cán bộ tác chiến xuống giúp đỡ, lên lớp về những nội dung cần thiết. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, ngoài nhiều lần kiểm tra thăm hỏi nơi đóng quân Ngòi Liễm, đã trực tiếp dự lễ bế mạc khóa hoa tiêu 1.

        Trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển, Ban nghiên cứu Không quân hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị, xây dựng tư tưởng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, trong những lần giặc Pháp lấn chiếm đánh ra các vùng tự do Đoan Hùng, Tuyên Quang, dọc sông Lô, cán bộ,chiến sĩ, công nhân viên đã thực hiện phân sơ tán kho xưởng, cơ quan bố trí chiến đấu, đánh chặn quân địch, cùng đồng bào địa phương bắn máy bay địch, bảo vệ cơ quan, bảo vệ làng bản. Một nhiệm vụ rất quan trọng nửa là mặc dầu xa cơ quan Bộ, cán bộ và chiến sĩ, công nhân viên luôn luôn nêu cao tinh thần cách mạng, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm, cải thiện đời sống, có thời kỳ 2, 3 tháng thiếu sự cung cấp của trên vẫn giữ vững được cuộc sống tập thể tuy thiếu thốn nhưng đầy ấm cúng. Nhiều đồng chí đã có gia đình cùng chung sống và công tác .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 07:14:46 pm »


        III - CHUYỂN HƯỚNG NHIỆM VỤ, SỰ RA ĐỜI CỦA BAN NGHIÊN CỨU SÂN BAY.

        Trong những năm 1950 - 1951, Ban nghiên cứu Không quân đã tạo được đội ngũ cán bộ nhân viên nghiệp vụ chuyên môn hàng không. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang trên đà phát triển thắng lợi. Cách mạng Trung Quốc thành công (1-10-1949). Nước ta đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô (18-1-1950). Biên giới phía Bắc nước ta đã khai thông và nối liền với hậu phương lớn các nước xã hội chủ nghĩa. Nước ta được sự chi viện nhiều mặt của các nước anh em.

        Đảng ta và Bác Hồ đã đề ra những chủ trương chiến lược mở rộng lực lượng, chuyển từ thế chủ động chiến dịch sang thế chủ động chiến lược, sẵn sàng tranh thủ thời cơ để phát triển thắng lợi cục diện của cuộc kháng chiến. Cả 3 thứ quân đều được phát triển. Với sự giúp đỡ của các nước anh em, một số trường lớp đặt trong nước được chuyển sang biên giới Trung Quốc.

        Trước tình hình mới, việc duy trì và mở rộng công tác của Ban nghiên cứu Không quân cũng có những khó khăn và hạn chế mới. Sau nhiều lần xem xét cân nhắc và tham khảo ý kiến của cố vấn Trung Quốc, Bộ quyết định tạm ngừng việc xây dựng và phát triển cơ sở nghiên cứu không quân trong nước, chuyển một số cán bộ sang nước bạn để tiếp tục học tập, thu hẹp cơ sở nghiên cứu trong nước lại, chuyển đại bộ phận cán bộ, công nhân viên, học viên sang xây dựng lực lượng phòng không, lực lượng pháo binh và các đơn vị mới. Đồng chí Tâm Trinh dẫn 33 đồng chí sang Trung Quốc để học lái. Khi đến Nam Ninh do nhu cầu xây dựng lực lượng phòng không, đoàn đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ, sáp nhập cùng đoàn cán bộ đi học pháo cao xạ 37mm ở Thẩm Dương trở thành một bộ phận của lực lượng tiền thân của Quân chủng Phòng không anh hùng. Một số lớn cán bộ khác được chuyển sang Đại đoàn công pháo 351 xây dựng pháo binh và công binh. Các đồng chí phụ trách của Ban về Bộ nhận nhiệm vụ mới.

        Trước tình hình mới, vào giai đoạn cuối của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã tạm thời ngừng xây dựng Ban nghiên cứu Không quân, Thủy quân, tập trung vào việc xây dựng các lực lượng mới như pháo binh, phòng không. Các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Ban nghiên cứu Không quân được phân phối về các lực lượng mới góp phần xây dựng cho các lực lượng đó, đặc biệt là lực lượng phòng không của 3 thứ quân. Nhiều đồng chí đã góp phần đánh thắng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và trên các chiến trường của cả nước.

        Cơ sở vật chất kỹ thuật của Ban kể cả 2 máy bay được chuyển giao và cất giấu.

        Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Quân đội ta đã cử các đồng chí biết ít nhiều về hàng không và các đồng chí ở Ban nghiên cứu Không quân trước đây tiếp quản các sân bay và tiếp thu cơ sở hạ tầng của lực lượng không quân quân đội Pháp và bù nhìn. Trước nhu cầu cấp bách lúc đó ngày 3-3-1955 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay, tiền thân của Quân chủng Không quân và Tổng cục Hàng không dân dụng ngày nay của nhân dân và quân đội ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 07:16:57 pm »

        
NHỚ LẠI NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN Ở KHÔNG QUÂN

Đại tá NGUYỄN VĂN THỤ                     
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Phòng không
Nguyên Trưởng ban Quân lực                  

        Tháng 2-1955, tôi trình giấy giới thiệu điều động với đồng chí Hoàng Ngọc Diêu. Đồng chí nhận và hỏi về quê quán, tuổi, ở đơn vị nào về, đã biết về nhận nhiệm vụ gì chưa. Tôi gọn lỏn trả lời câu cuối cùng: "Dạ chưa!". Đồng chí Diêu tự giới thiệu: "Tôi về đây chưa đầy tháng, được trên giao phụ trách Trưởng phòng Tham mưu. Trên điều động về đây mới 30 - 40 người và đang tiếp tục điều về Tôi giao cho anh phụ trách công tác quân lực - quân sự của Hàng không (tức là Không quân)". Vừa nói xong, đồng chí đưa tôi qua phòng đồng chí Trần Quý Hai để báo cáo đã giao cho tôi 2 nhiệm vụ: Quân lực, quân sự, và giữ chức Trưởng ban. Nhìn tôi đồng chí Hai hỏi: "Đồng chí Thụ đã rõ nhiệm vụ chưa?" - "Thưa đồng chí, quân lực - quân sự tôi chưa hề làm" - "Đồng chí ở đơn vị nào về?" - "Thưa đồng chí, tôi là lính chiến ở trung đoàn 66 đã tác chiến ở chiến trường D".

        Cuối chiến dịch cấp trên đã đề bạt tôi lên cấp tiểu đoàn trưởng, giữ chức tham mưu phó trung đoàn 66. Tôi đang xây dựng doanh trại cho đơn vị thì có lệnh điều tôi về Hàng không. Về tới nơi làm việc, đồng chí Diêu đưa cho tôi một bản danh sách 10 đồng chí trợ lý: Đồng chí Xương, đồng chí Hoàng, đồng chí An, đồng chí Cường, đồng chí Cẩn, đồng chí Đào, đồng chí Tám, đồng chí Thịnh, đồng chí Hậu, đồng chí Hóa. Đồng chí Diêu dẫn tôi về nơi ở và làm việc của Ban Quân lực - Quân sự, giới thiệu tôi là trưởng ban, anh em vui mừng hoan hô, tưởng rằng tôi là cán bộ của Không quân, là chỗ dựa cho anh em hoạt động, không ngờ rằng tôi là cán bộ quân sự ở bộ binh về.

        Qua tìm hiểu tình hình, tôi được biết cơ quan đang trong quá trình hình thành, đơn vị có duy nhất sân bay Gia Lâm mới tiếp quản Khu 100 ngày (10-10-1954). Các đồng chí vào tiếp quản là Nguyễn Văn Giáo, Hà Đổng, Hà Cân, Đức Việt (người Đức), Đoàn Mạnh Nghi, Trần Sự đồng chí Tình. Bộ mới bổ sung thêm tổ thông tin gồm 40 - 50 người và tiểu đoàn Trấn Ninh do đồng chí Văn, tiểu đoàn trưởng bảo vệ canh gác sân bay Gia Lâm.

        Trong thời gian này, cố vấn không quân Liên Xô Maliôp sắp về nước và đoàn cố vấn không quân Trung Quốc gồm 30 người do đồng chí Chu Mai Đình phụ trách đã có mặt.

        Trước tình hình như vậy, tôi nghĩ cần phải dựa vào tập thể 10 trợ lý để phân công công tác, đăng ký đi nắm tình hình ở từng cơ quan, đơn vị. Cứ đến 16h30 chiều, toàn Ban hội báo, phân công, bổ sung công tác cho hôm sau. Hàng ngày 7 giờ sáng các trưởng ban lên hội báo tình hình công tác với trưởng phòng tham mưu. Trong một thời gian ngắn nề nếp công tác của các ban Phòng đã được xây dựng.

        Ngày 3-3-1955, Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 220 QĐ/QP thành lập Ban nghiên cứu Sân bay, phiên hiệu C47 được hình thành từ 4 phòng: Tham mưu - Chính trị - Hậu cần - Kiến trúc, cơ sở tại sân bay Gia Lâm, do đồng chí Trần Quý Hai phụ trách. Ngày 3-31- 1955 đã trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam .

        Bộ Quốc phòng tiếp tục bổ sung về rất nhiều cán bộ cho Ban nghiên cứu Sân bay và giao nhiệm vụ tổ chức một bộ phận cán bộ đủ thành phần để Bộ đưa về tiếp quản sân bay Cát Bi (Khu 300 ngày). Sau khi tiếp quản sân bay Cát Bi, bộ cho phép tổ chức 4 sân bay có sẵn: Mường Thanh, Nà Sản, Vinh, Đồng Hới và một số bãi hạ cánh phục vụ máy bay quốc tế, như Tiên Yên, Đông Triều , Mai Pha (Lạng Sơn) . . . .

        Tháng 5-1955, đồng chí Đặng Tính về thay đồng chí Trần Quý Hai lên Tổng tham mưu phó. Tuy vậy, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất để xây dựng lực lượng không quân vẫn chưa có: Người lái, người kỹ thuật và máy bay. Bộ Tổng tham mưu thấy trước việc này, đã chỉ thị cho toàn quân tuyển chọn người có trình độ văn hóa (tốt nghiệp tiểu học - Primerơ trở lên) , sức khỏe loại A đặc biệt, lý lịch rõ ràng, trong sạch và có đạo đức tốt. Các đơn vị tuyển chọn được bao nhiêu người thì giới thiệu về tạm trú tại Liễu Giai, Quần Ngựa. Bộ giao cho Cục Quân lực và Cục Bảo vệ phụ trách, lấy cán bộ quân lực, cán bộ tổ chức và tổ y bác sĩ của Ban nghiên cứu sân bay lập thành đoàn cùng đi từng địa điểm trên để tuyển chọn, xác minh. Cuối cùng 140 người đã được chọn đi học lái máy bay toàn bộ hồ sơ, lập danh sách đưa về Bộ duyệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 07:18:55 pm »


        Tôi được Chính ủy Đặng Tính giao cho lên Cục Quân lực xin giấy giới thiệu ra Bộ Ngoại giao làm hộ chiếu cho đoàn đi học, việc lạ tôi chưa thấy bao giờ: Là lính dép cao su, qua vọng gác Bộ Ngoại giao vào đến nơi tiếp giấy có thảm nhung đỏ trải trên đường vào, tôi toan thò tay tháo dép thì đồng chí dẫn đường bảo không cần, cứ đi theo đồng chí lên thẳng vào phòng ở tầng 2. Tôi được giới thiệu là cán bộ ở Bộ Quốc phòng sang xin làm thủ tục ngoại giao cho một lớp đi học lái máy bay. Đồng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bắt tay tôi hỏi công việc, đồng chí vui lắm vì nay ta có máy bay (tôi nghĩ bụng mới chỉ chọn được người mà chưa có máy bay đâu). Đồng chí đã mời đồng chí Vụ trưởng Châu Á đến. Sau khi nhận bản danh sách trích ngang kèm theo 280 ảnh 3 x 4 và 140 bộ hồ sơ, đối chiếu từng bản một, hồ sơ đủ tốt, đồng chí hẹn 3 ngày đến nhận hộ chiếu. Từ thảm đỏ ra, tôi lại cuốc bộ về Gia Lâm, trong lòng phấn khởi vì công việc thuận lợi và rất ấn tượng khi lần đầu đến Bộ Ngoại giao. Đến hẹn, tôi lên Bộ Ngoại giao nhận quyển hộ chiếu tập thể và 1 hộ chiếu ngoại giao cho đồng chí trưởng đoàn Đào Đình Luyện. Để đảm bảo an toàn hồ sơ, tôi đã gọi xích lô về Gia Lâm. Về đến nơi, người tôi cảm thấy mệt lả dần, cảnh vệ vọng gác bế tôi xuống dìu về cơ quan khi 2 tay vẫn ghì chặt cặp tài liệu và hộ chiếu vào ngực.

        Bộ Quốc phòng đã phát trực tiếp đủ trang phục cho 140 học viên. Ngày 12-2-1956, đồng chí Đào Đình Luyện dẫn 3 đội 140 người lên tàu liên vận ở ga Hàng Cỏ. Cán bộ, cơ quan Bộ, thủ trưởng các cơ quan Ban nghiên cứu Sân bay ra tiễn chân đến lúc tàu chuyển bánh. Sau đoàn này, Bộ có gửi một tốp đi học trực thăng ở Liên xô do anh Phạm Đình Cường phụ trách.

        Cục Quân lực cùng Ban Quân lực Ban nghiên cứu Sân bay tuyển tiếp được 200 người tập trung bồi dưỡng văn hóa vài tháng. Tháng 8-1957, đồng chí Võ Duy Cư, đồng chí Dưỡng dẫn đoàn 200 người sang Đông Bắc, Trường Xuân, Trung Quốc học kỹ thuật máy bay, anh em đặt tên đoàn này là đoàn Hồ Nam. Thời điểm này, Bộ thông báo Bác Hồ đã gửi thư sang Liên Xô xin viện trợ tàu bay. Được Liên Xô đáp ứng sẽ viện trợ, đoàn đồng chí Đào Đình Luyện chia ra học 2 loại: Máy bay cánh quạt và máy bay phản lực. Khi chính thức Liên Xô thông báo viện trợ cho ta 40 tàu bay MIG- 17, trong đó có 4 chiếc UMIG là máy bay huấn luyện, cũng là lúc đoàn Hồ Nam cùng nhập về với đoàn đồng chí Luyện.

        Trung Quốc rất hữu nghị cho phép ta tổ chức đoàn bay cả trên không và mặt đất tại sân bay Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Đồng chí Đào Đình Luyện - Đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Long - Chính ủy, đồng chí Lê Văn Thọ - Tham mưu trưởng đóng quân ở đó được phía Trung Quốc cử giáo viên luyện và thực tập thành thạo.

        Tình hình trong nước đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại lấn sâu ra miền Bắc. Được sự đồng ý của phía Trung Quốc, đoàn đã chuyển về sân bay Mông Tự giáp biên giới Việt Nam để bay về nước. Ngay trận ra quân đầu tiên (3-4-1965), Không quân Việt Nam đã đánh thắng không quân đế quốc Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng - Thanh Hóa.

        Đồng thời với các đoàn cử đi học lái máy bay và kỹ thuật ở trên, từ đồng chí Cục trưởng Đặng Tính đến các cán bộ ở cơ quan chỉ huy và đơn vị luân phiên từng đoàn qua đào tạo ở Liên Xô và 4 đoàn qua đào tạo ở Học viện Không quân nhân dân Trung Quốc để đồng bộ với nhiệm vụ chỉ huy và xây dựng lực lượng Không quân Việt Nam phát triển mạnh như ngày nay.

        Là cán bộ bộ binh về Không quân từ lúc ban đầu mới hình thành với một số ít người và rất nhanh chóng trở thành một lực lượng lớn mạnh, hiện đại, cùng tham gia đánh thắng không lực Hoa Kỳ trên đất nước ta, tôi có đóng góp chút ít hoạt động và xây dựng, nay ghi lại vài sự việc với tình cảm của mình với lực lượng không quân để cùng bạn đọc nhớ lại "Cái mới hiện tại trên cái gốc ban đầu”.

        Năm 1985, nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Không quân nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên ở khu vực Hà Nội mong muốn gặp nhau thành tổ chức, cùng ôn nghiệp cũ. Tôi tự nguyện nhận nhiệm vụ đi động viên và thu nạp về 50 hội viên. Ban liên lạc được cử ra gồm 8 người (các đồng chí: Thanh Quân, Mai Quân, Lê Minh, Tô Minh, Văn Đức, Đoàn Mạnh Nghi, Trần Sự và tôi Nguyễn Văn Thụ) do anh Thanh Quân làm trưởng ban, tôi làm thường trực phụ trách tổ chức. Cứ ngày 3 tháng 3 hàng năm, Hội lại họp mặt sinh hoạt tại Bảo tàng Quân đội. Hội đã phát triển nhanh chóng lên đến hàng trăm người. Năm 1990, đồng chí Hoàng Ngọc Diêu, trưởng phòng tham mưu đầu tiên, nguyên Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng về nghỉ hưu, Ban liên lạc đã mời đồng chí làm trưởng ban. Các thành viên Ban liên lạc trước đó lần lượt ra đi và các thành viên mới được tiếp tục bổ sung. Đến hôm nay, 3-3-2004 Ban liên lạc có 25 ủy viên với hơn 1000 hội viên ở khu vực Hà Nội. Cũng năm 1990, Ban liên lạc Không quân Hà Nội được Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Không quân (đồng chí Phạm Thanh Ngân) chấp nhận. Từ đó đến nay, cứ ngày 3-3 hàng năm, ngày truyền thống của Không quân Việt Nam, Ban liên lạc lại tổ chức để các hội viên về họp mặt sinh hoạt tại Quân chủng Không quân.

Ngày 2 tháng 9 năm 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 07:31:43 pm »

        
SÂN BAY GIA LÂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ

VŨ THÀNH        

        Ngày 10-10-1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô, kế hoạch tiếp quản sân bay Gia Lâm cũng đã được vạch ra và chia làm hai bước. Sau khi bộ đội ta tiến vào chiếm lĩnh sân bay, ta phải tiến tới quản lý, điều hành sân bay về chuyên môn kỹ thuật và nắm toàn quyền chỉ huy cho phép máy bay lên xuống. Tạm thời một số sĩ quan, nhân viên và một đội bay người Pháp được ở lại sân bay làm các công việc kỹ thuật, chuyên môn phục vụ việc đi lại của ủy ban Quốc tế bằng đường không. Đứng đầu là viên quan tư Phiama. Ta bắt họ phải báo cáo kế hoạch bay hằng ngày, họ phản ứng gay gắt. Họ kiện lên của ủy ban Quốc tế (UBQT) giám sát và kiểm soát hiệp định đình chiến ở Việt Nam rằng, phía Quân đội nhân dân Việt Nam gây trở ngại cho họ bay phục vụ UBQT, do đó họ phải đình các chuyến bay v. v. . .

        Ta kiên quyết bác lại: Đây là vấn đề bảo vệ chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ta chứng minh rõ là không hề gây trở ngại đến việc đi lại của UBQT.

        Trưởng đoàn Nguyễn Văn Tiến đã được thông báo trước một số chuyến bay họ vi phạm hành lang không phận: Lợi dụng danh nghĩa phục vụ UBQT, họ tự tiện tổ chức những chuyến bay lên Tây Bắc bắt liên lạc và tiếp tế cho bọn phỉ và gián điệp Pháp còn lại. Anh không đợi Phiama nói hết, bác luôn: "Không phải do yếu tố khách quan nào hết, mà là các ông cố tình không muốn báo cáo kế hoạch bay. Tôi lưu ý các ông đội bay Pháp đã lén lút tổ chức những chuyến bay vượt quá hành lang cho phép. Nên nhớ rằng, bầu trời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không dung thứ bất cứ máy bay nào ra vào mà không được phép".

        Ngoan cố là bệnh cố hữu của những tên thực dân. Họ vẫn dây dưa không chịu báo cáo đầy đủ kế hoạch bay. Một đơn vị pháo cao xạ đã được điều lên lập trận địa ở hai đầu lên xuống sân bay. Không quân Pháp từng hiểu rất rõ uy lực của pháo cao xạ Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Cuối cùng họ buộc phải chấp nhận quy định bay của ta.

        Tại hội nghị phái đoàn liên lạc quân sự hai bên ở Phủ Lỗ, một trong những điều cam kết của phía quân đội Liên hiệp Pháp là bàn giao lại cho ta mọi phương tiện, máy móc thuộc ngành Hàng không dân dụng để đảm bảo hoạt động bình thường cho sân bay trung tâm Gia lâm.

        Hôm bàn giao, tên quan hai Ácnu, mắt suốt ngày không rời cặp kính râm, mời Đổng và Thọ, hai cán bộ của ta đến chỗ nhận. Trong đống máy của chúng bàn giao có một máy vô tuyến điện sóng cực ngắn rất cũ kỹ, một khẩu súng bắn pháo hiệu gỉ, một ống nhòm kiểu cổ không có bộ phận điều chỉnh xa gần. Ngoài ra còn có một số máy như vừa bới ở đống sắt vụn ra.

        Ácnu nhếch mép cười chỉ vào đống máy móc nói:

         - Đây là tất cả những máy móc bên Hàng không dân dụng Pháp giao lại trước khi họ đi Sài Gòn. Máy móc hiện đang dùng thuộc nhà binh chúng tôi, dĩ nhiên là nay mai nó phải đi theo chúng tôi.

        Thọ dõng dạc nói:

        - Chúng tôi có đủ chứng cứ để bắt buộc các anh phải trả lại những máy móc của ngành Hàng không dân dụng mà các anh đã bí mật đánh cắp mang đi.

        Nói rồi, Thọ chìa cho hắn xem bản liệt kê các máy móc trước đã đặt ở vị trí nào trong sân bay và tháo dỡ đi từ lúc nào. Ác nu vội cầm lấy xem. Tay hắn run lên. Hắn câm lặng một lúc lâu rồi mới bật ra được lời chống chế: "Biết làm thế nào khác được khi tôi chỉ là một người thừa hành mệnh lệnh cấp trên".

        Đoàn cán bộ tiếp quản sân bay từ ba người ban đầu sau dần dần được điều động thêm. Tới cuối tháng 11-1954, đơn vị bảo đảm sân bay bắt đầu hình thành, gồm các ban: Điều phái (cơ quan phụ trách và quản lý các đường bay), khí tượng, thông tin, sân đường và các cơ quan chính trị, hậu cần. Tuy vậy đây cũng chỉ là cái khung và hầu hết cán bộ đều chứa được học gì về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật hàng không. Trong tâm tư mỗi người một câu hỏi được đặt ra cấp bách: Làm thế nào nhanh chóng nắm được kỹ thuật để đuổi cổ bọn sĩ quan, nhân viên kỹ thuật Pháp...
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:09:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 07:34:49 pm »

        Chi bộ sân bay, chi bộ đầu tiên của bộ đội Không quân được thành lập với ba mươi đảng viên. Trong hội nghị đầu tiên, chi bộ bàn ngay một vấn đề nóng bỏng nhất, rất đúng với nguyện vọng của toàn thể cán bộ chiến sĩ lúc đó: Lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản sân bay, làm chủ sân bay về mọi mặt.

         Một lớp học ngắn ngày về chỉ huy bay được tổ chức, giáo viên là Hà Đổng. Học viên gồm 8 đồng chí ở các đại đoàn bộ binh mới được điều về. Về tài liệu giảng dạy, ta tham khảo một ít sách về hàng không của Pháp mà ta thu thập được.

        Bọn sĩ quan nhân viên Pháp ngạc nhiên thấy ngày ngày, một tốp mười quân áo xanh cứ ra đứng ở giữa sân bay chỉ trỏ, nhất là khi có máy bay lướt xuống hạ cánh thì tốp người đó chăm chú một cách kỳ lạ. Từ ngạc nhiên, chúng chuyển sang thái độ hằn học ra mặt khi thấy tốp người tụ tập ngay ở chân đài chỉ huy máy bay. Hai, ba người theo sau người mà chúng vẫn gọi là "thiếu tá” Đổng, đàng hoàng leo lên đài chỉ huy. Mặc dù dưới chân cầu thang chúng đã treo một cái bảng với những chữ thật đậm: "Chú ý, những người không phận sự cấm không được lên đài chỉ huy, nguy hiểm". .

        Một tên trông có vẻ lịch thiệp, cười xã giao ra đứng chắn ở đầu cầu thang.

        - Thưa ông thiếu tá, chúng tôi được lệnh của ngài quan tư Phiama, không được phép cho những người ngoài phận sự lên đài.

        Đổng đanh nét mặt lại nhìn thẳng vào mặt hắn:

        - Tôi hỏi các anh, ai làm chủ ở đây?

         Hắn không ngờ bị hỏi một câu đột ngột như vậy nên rất khó trả lời thẳng vào vấn đề, đành phải giở cái lý do chuyên môn của chúng ra:

        - Thưa ông thiếu tá, các ông lên đây sẽ làm cản trở đến việc chỉ huy máy bay của chúng tôi.

        Đổng vừa nghe hết câu nói của hắn đã cười lên một cách hài hước:

        - Tôi nói cho các anh biết, khi các anh muốn thì dù cho đàn bà đĩ điếm có lên đây, các anh vẫn cứ dang rộng đôi tay đón tiếp. Chúng tôi là người chủ của sân bay này, chúng tôi có đầy đủ quyền hạn lên nghiên cứu tình hình trước. Các anh cứ bình tĩnh làm công việc của các anh .

        Nói xong, Đổng giơ tay đón 3 đồng chí học viên ta lên và dẫn họ ra ngoài lan can phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh sân bay.

        Vừa lúc đó có chiếc máy bay đacôta đang bay vào, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay. Bọn chúng tíu tít với công việc tiếp thu và chỉ huy bay. Những động tác làm việc của chúng không lọt khỏi tầm mắt của cán bộ ta. Đổng vẫn giả đò hút thuốc lá nhưng tai thì hết sức lắng nghe cuộc đối thoại giữa chúng và máy bay. Tay anh thọc vào túi áo va-rơi không phải vì rét, mà trong đó tay anh đang ghi lại những con số, những từ ngữ trao đổi giữa máy bay và bọn trên đài chỉ huy bằng một mẩu bút chì với cuốn sổ tay mỏng.

        Vừa nghiên cứu sách vở vừa quan sát thực tế như vậy lớp họe đã khắc phục khó khăn thiếu thốn về tài liệu và cả về kiến thức ít ỏi của giáo viên nửa. Chỉ qua ít ngày học tập, mọi người đã nắm được những bài học về công tác chỉ huy bay.

         Bộ phận thông tin ngoài việc sửa chữa lại các máy hiện có, còn phải nghiên cứu, tìm hiểu cách làm việc, hệ thống tần số liên lạc với trên không, học cách sử dụng các thiết bị máy móc dẫn đường, định hướng cho bay. Nhưng ta lại còn thiếu nhiều máy móc đó. Cán bộ và chiến sĩ phòng thông tin họp với nhau bàn cách khôn khéo khám phá những "bí mật nhà nghề ' của bọn Pháp.

        Sau nhiều lần quan sát và tiếp xúc với địch, trưởng ban thông tin Thọ thấy có thể bắt chuyện được với một viên cai ở xưởng sửa chữa thông tin. Y thường nhận thuốc lá mời của Thọ, khen thuốc lá Bắc Sơn ngon. Đôi khi qua trò chuyện, y thường than vắn thở dài về thời hạn quân dịch đã quá lâu ở Đông Dương. Y tỏ vẻ rất nhớ người vợ trẻ ở quê hương bên bờ biển Địa Trung Hải. Y mong cho chóng được xuống tàu trở về nước.

        Hôm thì Thọ đến mượn y cờ lê, tua vít, hôm thì đến mượn mỏ hàn. Điều đó đã trở thành nếp quen với viên cai và những nhân viên khác. Một hôm, Thọ đến nói với y rất tự nhiên:

         - Phiền anh bạn đồng nghiệp quá, chúng tôi đang cần thử lại cái máy thu vừa chữa xong thì ắc quy lại vừa hết điện.

        Y sốt sắng dẫn anh ngay sang phòng thu phát trung tâm bên cạnh mượn bình ắc quy. Hai người lúng túng mãi mới xỏ được đòn khênh. Trong lúc tìm cách khênh bình ắc quy, Thọ và Dần đã tranh thủ quan sát kỹ hệ thống máy móc của chúng.

        Một lần khác, Dần phát hiện trong căn nhà gỗ dựng trên bãi cỏ trước cửa ga, có thể bọn Pháp đặt một loại máy móc vô tuyến điện gì đó rất mới và bí mật. Chúng ra vào thường khóa cửa rất kỹ. Mọi người bàn cách khám phá điều bí mật đó, và phán đoán đây có thể là một loại máy định hướng cho máy bay.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:09:05 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:12:12 pm »


        Một buổi sáng trời hơi mù, Thọ đảo qua chỗ xưởng sửa chữa máy móc thông tin của bọn Pháp, anh thấy viên cai nọ đứng tựa trước cửa, hai tay khoanh trước ngực, đôi mắt lim dim, vẻ buồn bã đứng nhìn những làn sương đang bay. Thọ đến bắt chuyện:

        - Anh có thấy sương mù ở đây giống như quê hương anh không?

        - Sắp đến Noen rồi, ông bạn già của tôi ạ?

        - Vui lắm chứ, anh nghĩ thế nào?

        - Vui cái quái gì - rồi y phẫn nộ nói liền một mạch - không hiểu bọn Phiama còn giam hãm chúng tôi ở cái đất này đến bao giờ. Tôi thì tôi cứ muốn giao quách cho các ông để vù cho sớm.

        Thọ liền đưa tay lên chỉ căn nhà gỗ trước mặt một cách vô tư:

        - Nghe nói trong căn nhà kia, các anh có đặt một cái máy lý thú lắm thì phải? Người thợ yêu nghề bao giờ cũng thích được xem cái máy mới.

        Viên cai đánh chiếc xe Jeep đưa họ đến tận nơi. Trước mắt những người khách lạ hắn càng trổ tài, vừa làm vừa nói một cách khoe khoang.

        Hôm sau, Thọ và mấy đồng chí khác lại đến. Lần này hắn lạnh lùng ra mặt:

        - Các anh có giấy phép của ngài quan tư Phiama chưa?

        Hôm trước, hắn bị Phiama sạc cho một trận về tội tự tiện cho các đồng chí của ta vào xem máy nên hắn đâm nhụt.

        Gần 30 ngày chạy đua với thời gian, cán bộ, chiến sĩ ta đã hoàn thành về cơ bản các động tác chuẩn bị để có thể quản lý điều hành sân bay Gia Lâm.

        Mặt khác, trong hơn hai tháng đó, phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhiều lần đấu tranh vạch trần những hành động vi phạm những điều đã ký kết của phía quân đội Liên hiệp Pháp, đòi phải giao lại toàn bộ thiết bị máy móc của ngành Hàng không dân dụng đặt ở sân bay Gia Lâm. Chúng chối quanh chối quẩn rằng máy móc chỉ có thế thôi. Về thời hạn rút hết bộ phận nhân viên kỹ thuật còn lại thì chúng cứ khất lần. Chúng bí mật vận động UBQT tăng sức ép buộc ta phải để cho chuyên gia Pháp ở lại giúp đỡ việc chỉ huy, điều hành bay, với cái chiêu bài là để bảo đảm an toàn đi lại và tính mạng cho UBQT.

        Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết đòi hỏi UBQT phải triệu tập hội nghị bàn việc trao trả hoàn toàn quyền quản lý chỉ huy sân bay Gia Lâm cho Việt Nam.

         Tại cuộc họp UBQT đã lên tiếng, chất vấn về trình độ quản lý, khả năng chỉ huy sân bay của ta. Đồng chí trưởng đoàn đại biểu của ta khoan thai, tự tin nói:

        - Trước đây, đã có nhiều người không tin rằng chúng tôi có thể kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, càng không thể nghĩ được rằng chúng tôi giành được chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng điều đó hiện nay đã rõ như ban ngày, không ai có thể phủ nhận được. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là chúng tôi có khả năng, điều kiện hay không mà là quân đội Liên hiệp Pháp phải rút hết bộ phận sĩ quan, nhân viên kỹ thuật còn lại ra khỏi sân bay.

        Trước những lời lẽ đanh thép và chứng cớ hùng hồn đó, bọn thực dân ngoan cố và những kẻ đồng lõa buộc phải câm như hến.

        Ngày 1-1- 1955, nhân dân Hà Nội tổ chức mít tinh trọng thể đón mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch về Thủ đô. Bộ Tổng tư lệnh quyết định phải hoàn thành xong nhiệm vụ tiếp quản sân bay Gia Lâm trước giờ đầu của ngày hội lịch sử đó. Mọi người đều hiểu đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị quan trọng, phấn khởi quyết tâm thực hiện.

        23 giờ 45 phút, cán bộ và chiến sĩ đơn vị sân bay tập hợp chỉnh tề trước nhà ga. Sau đó, theo nghiệp vụ và cương vị của từng người tỏa ra nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí công tác, chững chạc, khẩn trương bắt tay vào việc.

        Bức điện báo được phóng lên không trung báo đi toàn thế giới: "Kể từ 0 giờ ngày 1-1-1955, theo giờ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế Đông Dương nữa (trước đây, các sân bay Gia Lâm, Viên Chăn, Nông Pênh đều nằm trong khu vực quản chế Đông Dương do cơ quan điều phái trung tâm của Pháp đặt ở Sài Gòn chỉ huy) .

        Tất cả các máy bay muốn ra vào miền Bắc Việt Nam đều phải xin phép cơ quan điều phải của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm”. Và thay bộ chữ F2.Y (tín hiệu của Pháp, bằng bộ chữ tín hiệu mới HN (phụ âm HN là đầu chữ Hà Nội).

         Trưa hôm đó, một chiếc máy bay đacôta của Pháp phục vụ UBQT bay từ Sài Gòn ra được phép xuống sân bay Gia Lâm. Các cán bộ, chiến sĩ không khỏi hồi hộp vì đây là lần đầu tiên ta đảm nhiệm việc chỉ huy. Vải chứ T, nơi quy định máy bay xuống được đặt nhanh chóng và trải đúng hướng gió. Bên đài chỉ huy cao ngất cạnh đường băng chính, các cán bộ điều phái phát lên máy bay những số liệu rõ ràng và chính xác. Máy bay từ từ hạ cánh, chiếc xe con từ trước nhà ga bon bon chạy ra, một chiến sĩ cao lớn đứng trên xe hai tay sử dụng cờ tín hiệu một cách khá thành thạo. Chiếc máy bay răm rắp theo cờ lệnh lăn vào sân đậu an toàn. Người chiến sĩ đó tên là Hùng, nhân viên điều phái đầu tiên của sân bay. Anh bước xuống xe dẫn viên sĩ quan lái máy bay Pháp vào làm thủ tục. Anh thấp hơn y nhưng tư thế rất hiên ngang, rắn rỏi, đôi mắt sáng và nghiêm đầy vẻ tự tin.

Hà Nội ngày 12-10-2000.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:23:02 pm »

         
BÁC HỒ DẶN TÔI

Đại tá HOÀNG BẢO                               
Nguyên Chủ nhiệm sân đường bay Quân chủng PK-KQ,       
cán bộ tham mưu tác chiến bộ đội Tên lửa               
Chuyên viên tác chiến BTTM                       

        Công trường mấy hôm nay đang vào nước rút để gấp rút hoàn thành vào cuối tháng 6 năm 1957 kịp phục vụ cho ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến đi lại, kiểm tra từ vĩ tuyến 17 trở ra Đồng Hới - Vinh. Đơn vị tôi xuất thân là đại đội cảnh vệ của Bộ Tổng tham mưu sau khi phục vụ xong lớp tập huấn cán bộ Bộ Tổng tham mưu toàn quân (tiểu đoàn 155 - Bạch Mai) đã kết thúc đầu tháng 3 năm 1955, được điều thẳng về Cục Không quân làm nhiệm vụ "Trường vụ”, tức là đảm bảo duy tu sửa chữa sân, đường bay cho bộ đội không quân sau này. Trước mắt là xây dựng bảo quản các công trình phụ trợ trên tất cả các sân bay dã chiến từ vĩ tuyến 17 trở ra để phục vụ cho các chuyến bay của ủy ban Quốc tế đi lại làm nhiệm vụ thanh sát, giám sát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ trên khắp miền Bắc. Lúc này không quân ta mới chỉ có loại máy bay "AERO-45" chở được rất ít người thường hoạt động qua lại từ Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng - Cát Bi - Gia Lâm ~ Vinh - Đồng Hới . . .

        Công trường chúng tôi gồm đại bộ phận đại đội công trình có nhiệm vụ phải gấp rút hoàn thành hệ thống tín hiệu trên sân bay Vinh. Hôm nay vô cùng bận rộn để tiếp đón phái đoàn từ Cục Hàng không vào giao nhiệm vụ mới. Nhìn cánh hàng vụ (bộ phận làm nhiệm vụ dẫn đường, chỉ huy) - khí tượng tất cả chạy đi chạy về, anh em chúng tôi đoán chắc là sắp có chuyện. Lúc sau đồng chí Dụng, cán bộ phụ trách sân bay Vinh gặp tôi thông báo: "Lát nữa khoảng 11 giờ sẽ có chuyến bay hạ cánh, anh Đặng Tính hẹn sẽ vào làm việc với chúng ta đấy". Đồng chí Đặng Tính lúc này vừa được điều về phụ trách không quân thay anh Trần Quý Hai, gặp chúng tôi anh cười rất tươi rồi vào đề ngay, không rào đón dài dòng: Có khách Trung ương vào các đồng chí phải chuẩn bị mọi mặt thật tốt từ khâu bảo vệ, kỹ thuật sân đường... Bây giờ tôi phải vào Đồng Hới chuẩn bị tiếp, tình hình có gì các cậu báo cáo cho mình vào phiên 17 giờ chiều nay nhé!".

        Khoảng 30 phút sau, hàng đoàn xe ô tô từ phía Quán Hành tiến về sân bay, nhìn từ xa đoàn hình thành ba nhóm: Nhóm đầu có 2 xe Jeep và 3 mô tô thùng Sidka - nhóm giữa khoảng năm đến sáu chiếc xe du lịch màu sữa và đen, loại sang thịnh hành thời đó là xe Phô-bê-đa. Ai cũng phỏng đoán có lẽ đồng chí cán bộ cao cấp đang đi trên chiếc xe nằm trong nhóm này, còn nhóm thứ ba có mấy chiếc xe GAZ-63 và xe vận tải. . . Ai nấy cứ chăm chăm tập trung chú ý xem mấy chiếc xe du lịch kia vào đến đâu thì ba-ri-e cổng gác đã mở; đi đầu là chiếc mô tô si-dơ-ca tiếp liền sau là chiếc xe Jeep cua gấp đỗ xịch ngay trước hàng rào đón khách của chúng tôi và từ trên xe đột ngột bước xuống là Bác Hồ; người mặc áo lụa, quần nâu đầu đội mũ cát, cằm quấn chiếc khăn mặt dài che kín chòm râu. Tất cả chúng tôi còn đương bàng hoàng xúc động, đứng ngây ra ngắm Bác, anh Dụng vừa định hô: "Hồ Chủ tịch..." thì Bác đã giơ tay ngăn lại. . . "Thôi thôi trả lời Bác đây, chú mô phụ trách ở đây? Tôi bước lên một bước - thưa Bác cháu ạ! - Chú bao nhiêu tuổi? - Quê ở mô? Bác vừa hỏi dồn dập, vừa kéo tay tôi dắt vào trong nhà ga. . . Thấy chúng tôi trang phục quần áo xanh công nhân đồng bộ, Bác hỏi lương các chú mỗi tháng được bao nhiêu? Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi cùng, ghé tai Bác nói nhỏ: "Các cậu ấy là bộ đội ta cả đó" (hồi đó để tiện hoạt động và tránh dư luận xuyên tạc cho ta tăng cường lực lượng chiến tranh phát triển không quân nên chúng tôi được trang bị như công nhân). Bác gật đầu khen tốt và vẫy gọi, mời cả hai tiểu đội công trình đang xếp hàng đón Bác ngoài sân vào cả trong ga hàng không cùng ngồi quây quần quanh chiếc bàn lớn, xung quanh ghế ngồi toàn bằng những tấm gỗ bắp...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2016, 07:27:17 am »


        Tôi hô anh em: Nghiêm! 'Báo cáo vắn tắt để Bác nắm được: "Báo cáo Bác và Trung ương, máy bay đón Bác đã có mặt, hiện còn tiếp tục chuẩn bị kỹ thuật và lấy thêm dầu, thời tiết tốt, sân đường đang được kiểm tra, chờ lệnh Bác". Bác nói luôn đại ý: Sau mấy chục năm đi xa, nay lần đầu Bác được Trung ương cho phép về thăm quê, Bác rất vui, các chú cứ chuẩn bị kỹ mọi mặt rồi Bác quay ra hỏi chuyện chúng tôi: ở đây có nóng không? Tất cả đồng thanh, thưa Bác có ạ - Bác kể cho các chú nghe: Ngày xưa đã có lần Bác đến một sân bay ở Iran, các chú có biết Iran ở mô không? Thấy anh em ngơ ngác tôi vội đỡ lời thưa Bác ở bên bờ Hồng Hải ạ. Tôi có hỏi chú đâu, tôi hỏi anh em kia mà. Nói rồi Bác tiến ra sảnh phía trước nhà ga (nơi đây chỉ là một bãi đất nện) Bác cầm một que nứa vạch xuống đất vị trí kênh đào Suy-ê, Hồng Hải, Bác vừa giải thích lại vừa dịch sang tiếng Trung Quốc cho đồng chí phi công nghe, đồng chí phi công Trung Quốc dường như rất cảm động, cứ đứng ngây người ra nghe không dám nói gì. Bác kể rằng: "ở Iran nhiệt độ trên sân bay thường trên 40 độ, không có lấy một bóng cây, người ta phải vẽ, kẻ rồi sơn xanh hình cây cối lên các tấm tôn rồi dựng lên trên sân bay để lấy bóng mát. (chi tiết này nói đến thời gian Bác hoạt động ở Iran, sau đó có nhà sử học biết tin đã tìm gặp tôi để hỏi xem cụ thể thời gian vào năm nào). Bác mở hộp thuốc lá Trung Hoa bài loại 50 điếu mời mọi người hút. Tôi vốn nghiện và rất thích thuốc lá thơm nhưng không thấy ai dám lấy hút nên cũng ngại không dám tự nhiên; nhân lúc Bác bỏ điếu thuốc hút hút dở ra bàn để nói chuyện. Tôi bèn cầm điếu thuốc dở đó định hút tiếp thì Bác chặn tay tôi nói: "Gái một con - thuốc ngon nửa điếu, thuốc thiếu gì trong hộp, sao chú không hút, lại hút thuốc của Bác?" nói đoạn Bác hỏi luôn tôi: "Chú đã có vợ chưa?" thưa Bác chưa ạ. Bác lại khuyên tôi bây giờ nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, ít năm nửa thống nhất, độc lập đời sống khá giả lên sẽ lấy vợ. . . Bác cũng thế? Tôi và mọi người đều thật sự bất ngờ, cười vui; Bác còn dặn tôi rất kỹ là khi nào lấy vợ phải cho Bác biết đấy nhé.

        Đồng chí trưởng cơ chạy vào báo cáo máy bay đã chuẩn bị xong! Mời đoàn lên đường, Bác nhanh nhẹn đứng dậy, rít một hơi thuốc lá dài, xong vứt đầu mẩu vào góc nhà rồi lấy chân di di cho thật tắt hẳn, sau đó lại súc miệng nhổ nước vào chỗ đó cho yên tâm, Bác còn nhắc: "Mùa này nắng nóng dễ hỏa hoạn lắm, các chú còn nhớ năm vừa rồi cháy chợ Vinh chứ?". Nói xong, bằng động tác quân sự rất thành thạo Bác hô to tập hợp một hàng dọc "điểm danh - một". Sau Bác là đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang mải dặn tôi: "Khi máy bay cất cánh thì báo điện về ngay cho Trung ương" Bác lấy khuỷu tay hích về sau "Chú Thanh - hai đi!". Đoàn 5 người của Bác lần lượt lên máy bay còn quay lại vẫy vẫy...

        Sáu năm sau, khi tôi xây dựng gia đình, cứ băn khoăn mãi là có nên báo cáo với Bác không. Tôi báo cáo lại với anh Đặng Tính và gửi anh cái thiếp mời Bác, nghĩ là để khỏi thất lễ thôi chứ Bác trăm công ngàn việc đại sự làm sao mà nhớ được câu chuyện rất nhỏ mà đã quá xa xưa cũ kỹ ấy. . . Thế nhưng thực sự điều không thể ngờ được là đúng lúc đón dâu về nhà tôi ở 43 Hàng Bài đêm 29 tháng 11 năm 1963 ấy, cả hai họ đang mừng vui lại càng vui hơn khi xuất hiện thêm cụ già râu dài với bộ bà ba lụa nâu đến dự. Cụ tự giới thiệu là Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ được cử đến, tiếng cụ sang sảng: "Thưa bà con hai họ! Sáu năm về trước trong chuyến về thăm quê lần đầu tiên của Bác, Bác có nói vui khi nào dân ta hết khổ, đất nước ta đỡ nghèo, Bác cháu ta cùng lấy vợ. . . Hôm nay nhận được thiếp mời của cháu Bảo, Bác rất tiếc vì công việc không thể đến chia vui với cháu và gia đình, gọi là có chút quà kỷ niệm Bác gửi chai rượu mừng, mong các cháu thật nhiều hạnh phúc. Cả đám tiệc bỗng lặng đi, ông cậu tôi, đại diện gia đình nhà trai không nói được câu nào, lặng đi vì quá xúc động cứ chắp tay vái, miệng lắp bắp: "Quý hóa quá! Cám ơn cụ Chủ tịch - Cám ơn Bác Hồ!!!".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM