Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:00:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30343 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:19:19 pm »

     
NHỮNG NĂM TRUỞNG THÀNH CỦA CƠ QUAN CHỈ HUY - THAM MƯU KHÔNG QUÂN

Đại tá HÀ VĂN CHẤP                                     
Nguyên phó TMT, Bí thư Đảng ủy BTM         
Quân chủng Phòng không - Không quân       

        Ôn lại những năm tháng không thể nào quên nhân ngày kỷ niệm 50 năm truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam.

        Ngày 3-3-1955 Ban nghiên cứu sân bay ra đời, sau đó là thành lập Cục Không quân, trực thuộc Bộ tổng Tham mưu. Anh Trần Quí Hai, sau đó anh Đặng Tính, anh Hoàng Thế Thiện là Cục trưởng và Chính ủy. Cơ quan tham mưu không quân ra đời từ đó, do anh Hoàng Ngọc Diêu, anh Nguyễn Văn Tiên phụ trách; cán bộ tham mưu lần lượt được điều từ cán đơn vị lục quân về xây dựng không quân: Lê Văn Thọ, Hà Văn Chấp, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Phúc Ninh, Nguyễn Đức Thịnh, Trần Thanh Minh, Lê Quang Lung, Lê Kỳ Mỹ, Nguyễn ý, Bùi Nghĩa... ; cán bộ làm công trình không quân có Đào Hữu Liêu, Nguyễn Đức Khuông, Nguyễn Chí, Khắc Nhu, Kim Sinh, Quý Râu... ; đoàn tiếp quản sân bay Gia Lâm có anh Phan Giao, Vũ Thế Châu, Trần Hậu Tưởng, Hà Đổng, Hà Cân, Lưu Văn Hối, Đỗ Vĩnh Tình, Đinh Khắc Phách, Xuân Quỳ, Vểnh, Dy, Dỵ, Tâm là sĩ quan điều hành bay.

        Ngành nghề chỉ huy tham mưu lúc đó bố trí đủ: Tác chiến, huấn luyện, quân báo, quân lực, dẫn đường,thông tin, khí tượng, điều phái, cơ yếu, công trình sân bay; có nhiệm vụ vừa nghiên cứu tổ chức xây dựng không quân, vừa tổ chức chỉ đạo điều hành bay của máy bay Pháp, phục vụ kiểm soát quốc tế, theo hiệp định Giơ-ne-vơ. Có chuyên gia Trung Quốc giúp huấn luyện tri thức không quân về điều hành bay. Mặc dù trình độ hiểu biết về không quân hạn chế, nhưng công việc chỉ đạo điều hành bay trôi chảy, tâm lý chung của lớp sĩ quan tham mưu mới về rất phấn khởi, nhiệt tình, đoàn kết học hỏi dìu dắt nhau làm việc; được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, tin tưởng; đặc biệt tổ chức các chuyến bay chuyên cơ nước ngoài và Bác Hồ đi công việc trong và ngoài nước. Từ 1954 đến năm 1964, cơ quan tham mưu Cục Không quân được phát triển, số cán bộ về tiếp có Đỗ Hữu Nghĩa, Lê Liên, Khiếu Anh Lân, Phan Tài Truyền, Phúc Tuy, Hào Hiệp, Hồ Bạch Đào, Thạch Quang Nhung... Các lớp đào tạo phi công vận tải học ở Trung Quốc tốt nghiệp về nước, nên nhanh chóng thành lập các trung đoàn bay 919, 910. Trung đoàn 910 là trung tâm đào tạo phi công, các ngành nghề kỹ thuật; tiếp đó các lớp đào tạo phi công chiến đấu loại MIG- 17 tốt nghiệp, thành lập trung đoàn không quân chiến đấu 921 rồi đến 923. Cán bộ bổ nhiệm trung đoàn trưởng lúc đó có anh Nguyễn Văn Giáo trung đoàn 919, anh Đào Đình Luyện trung đoàn 921, anh Phạm Dưng trung đoàn 910, anh Nguyễn Phúc Trạch trung đoàn 923 sau đó anh Trần Mạnh.

        Số sĩ quan được đào tạo chỉ huy tham mưu ở Học viện Không quân Trung Quốc .

         Lớp 1 có anh Nguyễn Văn Tiên, anh Khúc Đình Bỉnh, Trần Mạnh Đàn, Phan Dương.

        Lớp 2 có anh Hoàng Ngọc Diêu, Lê Văn Thọ, Nguyễn Đức Nguyên, Hào Hiệp, Lê Văn Nhã và Nguyễn Văn Định.

         Lớp 3 có anh Đặng Tính, Hoàng Thế Thiện, Hà Văn Chấp, Đỗ Hữu Nghĩa, Phan Tương, Trần Trọng Thuyết, Hà Cân, Tạ Hồng, Đặng Thọ ấm, Nguyễn Phúc Ninh, Dũng, Tảo, Hợi, Hoa, Trần Thẩm.

        Các tham mưu trưởng các trung đoàn lúc đó có: Khiếu Anh Lân trung đoàn 919, Lê Văn Thọ và Hà Văn Chấp trung đoàn 921, Trần Trọng Thuyết và Vũ Thế Châu trung đoàn 923; sĩ quan tham mưu các trung đoàn được bổ sung đầy đủ, đã được đào tạo cơ bản nên công việc tổ chức chiến đấu, tổ chức chỉ huy, công tác tham mưu không quân thực hành có hiệu quả, đắc lực.

        Giai đoạn này hoạt động của cơ quan chỉ huy tham mưu rất sôi nổi, vừa tổ chức chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu vừa lập kế hoạch tác chiến chuẩn bị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; tổ chức trực ban chặt chẽ chỉ đạo và điều hành bay đặc biệt tổ chức điều hành bay vận chuyển quân sự cho chiến dịch Nậm Thà ở Lào. Lúc này Liên Xô viện trợ nhiều máy bay vận tải IL- 14, Li-2 khả năng vận chuyển đường không dồi dào; cơ quan chỉ huy tham mưu bước đầu có kinh nghiệm về tổ chức huy, cơ quan tham mưu không quân còn chuẩn bị kế hoạch để tổ chức chuyển trung đoàn không quân 921 về nước tham gia chiến đấu.

        Tháng 10-1963, hai lực lượng Không quân sát nhập với BTL Phòng không thành Quân chủng Phòng không - Không quân, cơ quan tham mưu Không quân cùng cơ quan Tham mưu phòng không thành Cục Tham mưu sau đó thành Bộ tham mưu Quân chủng PK-KQ tiến hành chỉ đạo, điều hành lực lượng phòng không và không quân sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mặt trận chiến đấu trên không diễn ra ác hệt ngay từ đầu giữa lực lượng Không quân Việt Nam và không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ. Từ năm 1964 cho đến năm 1975 (12 năm). Cơ quan chỉ huy tham mưu không quân đã phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ, làm tham mưu giúp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, sau đó là Bộ tư lệnh Không quân (năm 1967). Chỉ huy hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng không quân và lực lượng phòng không, cơ quan chỉ huy tham mưu không quân triển khai nhiều công việc về tổ chức chiến đấu, về xây dựng phát triển lực lượng, từ 4 trung đoàn chiến đấu thành 10 trung đoàn không quân chiến đấu trong thời gian ngắn 1966 đến 1970.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:21:09 pm »


        Bộ tư lệnh Không quân được thành lập tháng 3 năm 1967, anh Nguyễn Văn Tiên làm Tư lệnh, anh Phan Khắc Hy - Chính ủy, anh Đào Đình Luyện - Phó tư lệnh, anh Hoàng Ngọc Diêu - Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng.

       Các tham mưu phó có anh Trần Mạnh, Phúc Trạch, Lê Oanh, Lê Văn Thọ, Hà Văn Chấp.

        Ban tác chiến có Trần Trọng Thuyết sau đó Nguyễn Đức Thịnh phụ trách. Ban huấn luyện có Phan Tương,Vũ Thế Châu phụ trách. Ban quân báo Lê Kỳ Mỹ phụ trách. Dẫn đường do Lê Liên phụ trách, ban điều phái do Ngô Thế Dong, Lưu Văn Hối; Ban thông tin do Lê Quang Lung sau đó là Bùi Như Thường. Các sĩ quan các ngành tác chiến huấn luyện, quân báo đầy đủ; sĩ quan dẫn đường lúc đó có Trần Quang Kính, Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư, Phạm Văn Cậy, Bùi Quang Liên, Hưng, Chơn... Lại Văn Hiện là tiêu đồ thành thạo dẫn đường máy bay ta gặp máy bay địch trong chiến đấu trên không.

        Các kíp sĩ quan trực ban tác chiến ở sở chỉ huy Quân chủng, sở chỉ huy sư đoàn không quân rất nghiêm túc 24/24 giờ .

        Cơ quan chỉ huy tham mưu không quân trưởng thành nhiều mặt qua chiến tranh chống Mỹ. Nổi bật vừa tổ chức điều hành bộ đội chiến đấu vừa làm kế hoạch tác chiến chiếc lược, chiến dịch, kế hoạch hợp đồng tác chiến phòng không; kế hoạch tác chiến trong binh chủng hợp thành; công tác tổ chức xây dựng lực lượng, bổ sung quân số, trang bị đáp ứng yêu cầu chiến đấu khẩn trương. Một trong những việc nổi bật nữa là cơ quan chỉ huy tham mưu đã triển khai tổ chức hệ thống sở chỉ huy, sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy phía trước, sở chỉ huy cơ động từ Hà Nội vào Thanh Hóa, vào Quảng Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Nghệ An; vào Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; vào Vĩnh Linh, tuyến hành lang 559; các tổ đại diện bên cạnh sở chỉ huy mặt trận trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Khe Sanh Quảng Trị, cánh đồng Chum đến chiến dịch tổng tiến công 1975.

        Những cán bộ thường cơ động vào các sở chỉ huy phía Nam là: Hà Văn Chấp, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Chuyên, Tưởng Phi Đằng, Nguyễn Đức Thịnh, Trần Trọng Thuyết, Lê Kỳ Mỹ, Lại Văn Hiện, Phạm Thế Viễn, Lộc, Vu, Quảng, Tạo, Đức, Bá Linh, Nhượng. . . Đặc biệt là tổ chức thông tin vào chiến trường, nhiều xe đặc chủng, Lê Quang Lung, Vũ Đình Hộ, Mai Can và số sĩ quan thông tin có nhiều kinh nghiệm bảo đảm thông tin chiến đấu ở cự ly xa như thọc sâu đánh B-52 phía trong giới tuyến; đánh tàu chiến địch ngoài biển Quảng Bình; oanh tạc đánh vào Sầm Thông, Long Chẹng. Công tác nghiên cứu địch đối với sĩ quan quân báo không quân có những đặc điểm vừa nghiên cứu tình hình chung, vừa theo dõi hoạt động không quân Mỹ ở nhiều chiến trường, nhiều hướng, nhiều thủ đoạn của những loại máy bay của không quân, hải quân Mỹ, phán đoán đề xuất chính xác nhiều lần những mục tiêu sẽ đánh phá của không quân, hải quân Mỹ.        Công tác theo dõi khí tượng phục vụ cho không quân chiến đấu ở khu vực khác nhau, sĩ quan khí tượng phần lớn là kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm nghiên cứu dự báo thời tiết các mùa tương đối chính xác, như đồng chí Mỹ, Sanh, Sơn, Quảng, Lúa, Thịnh...

        Các sĩ quan cơ yếu từ sở chỉ huy cơ bản đến các sở chỉ huy cơ động hoạt động tích cực, bảo đảm truyền đạt nhiều mệnh lệnh chiến đấu chính xác, bí mật, các đồng chí Nghĩa, Xa, Thanh, Thắng là những cơ yếu có kinh nghiệm.

        12 năm chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ,Không quân Việt Nam trở thành lực lượng quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với lực lượng phòng không chiến đấu kiên cường, ác liệt bắn rơi nhiều máy bay Mỹ bắt sống nhiều giặc lái Mỹ; đánh phá nhiều mục tiêu mật đất, tàu chiến, tàu biệt kích địch. Vận chuyển quân sự đường không phục vụ bộ đội hợp thành cơ động trong các chiến dịch lục quân, hải quân, đã trở thành Quân chủng Không quân anh hùng.

        Cơ quan chỉ huy tham mưu không quân rất tự hào, lớp lớp sĩ quan chỉ huy tham mưu không quân trưởng thành, lớn mạnh với binh nghiệp trong Quân chủng Không quân hiện đại.

        Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Không quân nhân dân, chúng ta không quên những cán bộ chỉ huy tham mưu đã qua đời như các anh Đặng Tính, Nguyễn Văn Tiên, Đào Đình Luyện, Nguyễn Phúc Trạch, Trần Mạnh, Lê Oanh, Lê Văn Thọ, Trần Mạnh Đàn, Nguyễn Phúc Ninh, Lê Quang Lung, Phan Huyền, Nguyễn ái Đồng . . . Chúng ta nhớ đến hàng ngàn sĩ quan chỉ huy tham mưu không quân đã hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu ở khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc.

        Với niềm tự hào, tin tưởng, chúc các chiến hữu sức khỏe, hạnh phúc.       
Ngày 19 tháng 5 năm 2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:26:30 pm »

       
CHIẾN SĨ TIÊU ĐỒ GẦN

        Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Không quân Việt Nam đã chiến đấu với không quân Mỹ diễn ra rất ác liệt, không quân ta rất dũng cảm, ngoan cường lập nên chiến công rạng rỡ, trong đó có đóng góp công lao của cán bộ, chiến sĩ trong hệ thống sở chỉ huy không quân. Tuy vậy trong tổng kết và lịch sử của các trung đoàn, sư đoàn, Quân chủng Không quân, ít thấy ai nhắc đến công việc và vai trò các sĩ quan, hạ sĩ quan, trực ban chiến đấu suốt ngày đêm 24/24 giờ nhất là các chiến sĩ tiêu đồ gần.

        Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam, ôn lại những sự kiện và con người làm tiêu đồ gần trong sở chỉ huy không quân mà chúng tôi cho là rất quan trọng, vì thiếu những tiêu đồ gần hoặc tiêu đồ không giỏi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trận đánh của không quân ta.       

        Chiến sĩ tiêu đồ gần được chọn những hạ sĩ quan có trình độ văn hóa, cơ sở chính trị tốt, được đào tạo ngành nghề cơ bản; thu nghe tình báo chính xác để vẽ đường bay của máy bay địch, ta liên tục trên bàn tiêu đồ, tạo điều kiện để sĩ quan dẫn đường tính toán tạo thế để không quân ta chiến đấu, làm cơ sở để người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu chính xác.

        Kíp trực ban chiến đấu ở sở chỉ huy không quân gồm có người chỉ huy, trực ban trưởng, các sĩ quan tác chiến, quân báo, dẫn đường, thông tin, điều phái, khí tượng và hạ sĩ tiêu đồ gần; kíp trực ban chiến đấu ở sở chỉ huy là trung tâm hoạt động của trung đoàn, sư đoàn, Quân chủng Không quân. Xin nói lớp tiêu đồ gần tiêu biểu - Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ lúc mới sáp nhập năm 1963 có 3 tiêu đồ gần là đồng chí Đặc, đồng chí Chuyên, đồng chí Lượng, có 3 sĩ quan dẫn đường là Trần Quang Kính, Nguyễn Văn Chuyên, Đào Ngọc Ngư là trực ban chiến đấu đầu tiên ở sở chỉ huy Quân chủng.       

        Đã dẫn máy bay trong đó đồng chí Nguyễn Văn Ba và đồng chí Phước lái bắn rơi 1 máy bay C-123 ở Hồi Xuân, Thanh Hóa.

        Trận đánh diễn ra đêm 15 rạng ngày 16-2-1964 - trận chiến đấu trên không đầu tiên của không quân ta; nay trở thành ngày truyền thống của ngành dẫn đường không quân.

        Trung đoàn không quân 921 ra đời ngày 3-2-1964, được chuyển trường về nước. Mặt trận chiến đấu trên không bắt đầu.

        Trung đoàn không quân 921 là trung đoàn chiến đấu đầu tiên của không quân ra trận suốt 12 năm đánh với không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ. Kíp trực ban chiến đấu ở sở chỉ huy trung đoàn liên tục tổ chức điều hành chiến đấu, góp phần đánh thắng không quân Mỹ; ngoài các sĩ quan trực ban chiến đấu, chúng tôi muốn nêu đồng chí Lại Văn Hiện là một tiêu đồ gần suốt từ năm 1964 đến 1976. Trải qua 6 đời trung đoàn trưởng trung đoàn 921 mà anh Lại Văn Hiện vẫn là chuẩn úy tiêu đồ gần, đã từng dẫn dắt hàng trăm trận đánh trên không giữa không quân ta với không quân Mỹ, đồng chí là điển hình tiêu đồ lâu năm ở sở chỉ huy trung đoàn, có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu địch, từ đó đồng chí Hiện trở thành sĩ quan quân báo không quân suốt cuộc Chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đã qua chức vụ trưởng ban quân báo sư đoàn, phó phòng quân báo Quân chủng Không quân, đến tuổi nghỉ hưu. Truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam chúng ta không quên những con người suốt cuộc đời binh nghiệp từ những ngành nghề thường cho là "nhỏ bé". Thế nhưng thiếu thành phần tiêu đồ gần trong sở chỉ huy không quân không thể gọi là kíp trực ban hoàn chỉnh. Đặc biệt là suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước chỉ huy không quân chủ yếu là dựa vào sở chỉ huy mặt đất, lấy việc dẫn dắt máy bay ta chiến đấu với không quân Mỹ. Chúng tôi thường nhắc đến mối quan hệ anh em chiến hữu trong kíp trực an chiến đấu của không quân là quan hệ gắn bó lập nên những chiến công góp phần đánh thắng không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ. Không quân nhân dân Việt Nam trở thành anh hùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:38:47 pm »

        
TỪ CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG ĐẾN BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN

PHAN PHÁC                  
Nguyên Tổng tham mưu phó        
Cục trưởng Cục Quân huấn        

        Cách đây năm mươi lăm, ngày 9-3-1949 Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam thời bấy giờ ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân Việt Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đánh dấu một bước phát triển mới về chiến cuộc chống thực dân xâm lược Pháp cũng như về xây dựng lực lượng vũ trang. Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chủ tịch và Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh đã có ý định xây dựng ngành Hàng không từ mùa thu năm 1945 khi chấp nhận đề nghị của Bảo Đại đưa 2 chiếc máy bay của ông và đội dịch vụ kỹ thuật ra Hà Nội. Sau khi kiểm tra thấy: Chiếc Tiger Moth, 2 tầng cánh, 2 chỗ ngồi, 1 động cơ, tốc độ chậm có thể hạ cánh trên sân bay ngắn, hẹp, trong chiến tranh thế giới thứ II không quân Anh quốc đã dùng để tập lái, quan sát, liên lạc và chiếc Morane do Pháp chế tạo, 1 tầng cánh, 1 động cơ, 2 chỗ ngồi là loại máy bay thể thao, có thể nhào lộn được, Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh giao cho Cục Quân huấn nhiệm vụ tổ chức một câu lạc bộ Hàng không vừa để thỏa mãn yêu cầu của Bảo Đại, vừa để thanh niên ta có phương tiện tập luyện làm quen dần với việc sử dụng máy bay và việc xây dựng ngành Hàngkhông sau này của nước ta như nhiều nước trên thế giới đã làm.

        Bước sang năm 1946, trong lúc Cục Quân huấn chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ Hàng không dầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì thực dân Pháp không những gây chiến ở Nam Bộ mà đã chạy chọt được Chính phủ Tưởng Giới Thạch cho quân đội Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa tiếp tục giải giáp quân nhân. Thế là Cục Quân huấn nhận được chỉ thị đình chỉ việc thành lập Câu lạc bộ Hàng không, tổ chức bảo quản, bảo dưỡng toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật và đội dịch vụ. Thực dân Pháp lộ rõ âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Từ tháng 1 đến tháng 2 năm 1946, hơn 3.300 binh sĩ quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương chạy sang Vân Nam (Trung Quốc) được tổ chức và trang bị thành một binh đoàn ùn ùn kéo về chiếm đóng Phong Thổ, Lai Châu, Sơn La và Thượng Lào. Tiếp đến sau Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), 15.000 quân Pháp đổ bộ vào Hải Phòng chiếm đóng ở nhiều thành phố, thị xã quan trọng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng. Đất nước ta chuyển vào trạng thái chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, Cục Quân huấn chuyển toàn bộ đội dịch vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật đã chuẩn bị để tổ chức Câu lạc bộ Hàng không, sang thành lập đội huấn luyện không quân. Trụ sở của đội đặt tận sân bay Kim Đái (Sơn Tây). Đội dịch vụ gồm có ông Nguyễn Văn Đống là thợ sửa chữa máy bay ở Pháp và là người chọn làm kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay, ông Trịnh Văn Chất, lái xe, ông Nguyễn Văn Mai và các ông Hội, Khánh, Nghệ. Cục Quân huấn cử đồng chí Lê Thạch Liên nguyên trạm trưởng trạm khí tượng thuỷ văn vừa là đội trưởng, vừa tổ chức theo dõi thời tiết vừa phục vụ các chuyến bay nếu có và 2 vệ binh đi bảo vệ đội và sân bay. Tuy đội ở xa Cục nhưng với tinh thần yêu nước, yêu nghề đội hoạt động rất tốt, thường xuyên giữ vững 2 máy bay và sân bay ở trạng thái sẵn sàng.

        Tối 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sáng 20/12/1946 qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Hồi Chủ tịch kêu gọi: “...Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhuợng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng  quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ: Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái dân tộc, hễ là ngươời Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước”.

        Một tuần lễ sau, được tin quân đội thực dân Pháp đang bị quân dân ta vây hãm ở thị xã Nam Định, chúng rất hoảng sợ nhưng quan ta chỉ có súng trường nên không làm sao bắn được vào trong doanh trại của chúng được do đó chúng không chịu đầu hàng. Cục Quân huấn sẵn có “đội huấn luyện không quân lại có người đã từng lái máy bay Potez 25 của Pháp, có ý kiến đề nghị sử dụng chiếc Morane bay ném đạn cối vào doanh trại quân đội Pháp ở Nam Định để buộc chúng phải đầu hàng quân tân ta. Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chủ tịch và cấp trên không chấp nhận, chỉ thị cho Cục phải bí mật chuyển 2 máy bay và đội dịch vụ Bảo Đại lên Tuyên Quang tìm nơi cất giấu bảo quản đợi khi nào có điều kiện tổ chức huấn luyện chuyên môn. Đội huấn luyện không quân phải tháo rời 2 máy bay ra nhiều bộ phận, chuyển xuống thuyền chở ngược dòng sông Hồng, sông Lô, sông Gâm lên Soi Trinh, tả ngạn sông Gâm, phía Nam huyện lỵ Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 10 km. Công việc di chuyển này cực kỳ khó khăn vất vả. Đội huấn luyện đã phát huy sáng kiến nên bảo đảm được an toàn. Cuối cùng, máy bay được cất giấu trong lán, cạnh một bản nhỏ, dân tộc Mán. Trong năm 1947 đội huấn luyện không quân ngoài nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng từng phần 2 chiếc máy bay, hòa nhập với bà con bản tổ chức phòng gian bảo mật, làm công tác dân vận, xóa nạn mù chứ, tăng gia sản xuất, ổn định sinh hoạt đời sống. Vì vậy, trong cuộc tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947, tàu chiến chở đầy thủy quân lục chiến Pháp chạy dọc sông Gâm chỉ cách nơi cất giấu máy bay không đầy 100m vẫn không phát hiện được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:39:40 pm »


        Bước sang năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc, hội nghị quân huấn toàn quốc lần thứ I nhận định quân đội thực dân Pháp ở Đông Dương chuyển hướng xâm lược của chúng về vùng đồng bằng sông đồng, ít có khả năng tiến công ồ ạt lên Việt Bắc như trong năm 1947. Cục Quân huấn chỉ thị cho đội huấn luyện không quân tiến hành sửa chữa lắp ráp lại thật hoàn chỉnh chiếc Tiger Moth, tổ chức theo dõi khí tượng thủy văn và làm một sân bay dã chiến kích thước 400m x 25m, bổ sung xăng dầu, mỡ chuyên dùng với ý định dùng làm máy bay liên lạc khi có điều kiện bảo đảm an toàn cần thiết.

        Bước sang năm 1949 một cục diện mới đã mở ra. Quân giải phóng Trung Hoa đã giành được những thắng lợi lớn ở Trung Hoa đang tiến nhanh xuống Hoa Nam. Trong nước quân dân ta hưởng ứng phong trào "Thi đua yêu nước" do Hồ Chủ tịch phát động, phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, mở một số chiến dịch trong vùng địch kiểm soát, biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng. Lực lượng vũ trang cũng được phát triển. Ngoài bộ binh ra đã xây dựng được một số đơn vị pháo binh, công binh và thông tin liên lạc . Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 họp từ 14 đến 18-1-1949 nhận định: Cuộc kháng chiến đã bước sang giai đoạn mới "tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công" nhằm mở rộng lực lượng chủ lực, Bộ Tổng tham mưu kiến nghị với Bộ tổng tư lệnh thành lập tổ chức ban đầu của không quân, hải quân và một số binh chủng khác để đào tạo cán bộ chuyên nghiệp và các binh chủng này. Đại tướng Tổng Tư lệnh cho ý kiến phải báo cáo và xin chỉ thị của Bác trước khi quyết định: Thế là đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng đồng chí Tổng tham mưu phó Phan Phác, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn đến báo cáo xin chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Sau khi nghe báo cáo tình hình cụ thể của đội huấn luyện không quân ở Soi Trinh (Chiêm Hóa) Hồ Chủ tịch hỏi rất cặn kẽ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng người trong đội huấn luyện, về hiện trạng của từng máy bay, từng loại nhiên liệu, phụ tùng dự trừ... rồi chỉ thị đại ý như sau: Lúc này tận dụng tất cả những cơ sở vật chất kỹ thuật ta có thể xây dựng tổ chức ban đầu cho không quân là phù hợp với cục diện cuộc kháng chiến của ta đang trên đà giành những thắng lợi để chuyển sang tổng phản công, cũng kịp thời đối với cách mạng Trung Quốc sắp thành công, nhưng phải theo khả năng thực tế và nhu cầu thiết yếu từng thời điểm. Do đó, bây giờ chỉ thành lập Ban nghiên cứu Không quân để tìm hiểu tổ chức và hoạt động của không quân Pháp, nghiên cứu cách phòng chống lại chúng, tìm kiếm cán bộ, giáo viên bổ sung trang thiết bị chuyên dùng, xây dựng cơ sở nghiên cứu ban đầu, khi nào có tương đối đủ cán bộ giáo viên mới được mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ về hàng không, phòng không, không quân để phối hợp tham gia nghiên cứu vừa học vừa làm.

        Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, ngày 9-3-1949, Đại tướng Tổng tư lệnh ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân và bảo phải kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có trên cơ sở đó lập phương án xây dựng cơ sở nghiên cứu như Hồ Chủ tịch chỉ thị: Chú ý Bác chỉ cho phép thành lập Ban nghiên cứu và chỉ khi nào có tương đối đủ giáo viên và trang thiết bị tối cần thiết mới được mở lớp để phối hợp tham gia nghiên cứu, do đó về giáo viên cần chọn những người có trình độ chuyên môn đã tham gia cách mạng ít nhất từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể cả người nước ngoài, về học viên thì phải có trình độ văn hóa trung học và đã tham gia công tác hoặc chiến đấu từ ngày toàn quốc kháng chiến.

        Thực hiện chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh, đồng chí Phó tổng tham mưu trưởng Phan Phác lên Soi Trinh kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của đội huấnluyện không quân. Nhận thấy hai máy bay đã được lắp ráp lại hoàn chỉnh, được bảo dưỡng tốt, sân bay làm đúng quy cách, có đài khí tượng thủy văn, nhiên liệu, phụ tùng đầy đủ, một số cán bộ ở đội, ở Cục Quân huấn, ở Bộ tổng Tham mưu, ở Văn phòng Bộ Quốc phòng có thể đảm đương được nhiệm vụ phụ trách và huấn luyện chuyên môn, Bộ tổng Tham mưu thực thi quyết định của Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh. Đồng chí Hà Đổng tốt nghiệp khóa 1 Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, đang là cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng, được bổ nhiệm làm Trưởng ban, đồng chí Đoàn Mạnh Nghi đang là cán bộ Bộ tổng Tham mưu, được giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị, đồng chí Lê Văn Nho cán bộ của Cục Quân huấn phụ trách tiểu ban nghiên cứu sân bay, đồng chí Lê Thạch Liên, đội trưởng đội huấn luyện không quân cũ phụ trách tiểu ban nghiên cứu khí tượng, đồng chí Nguyễn Văn Đống, đội trưởng đội dịch vụ cũ phụ trách tổ bảo dưỡng máy bay. . . Trong số người ban đầu có mặt đồng chí Nguyễn Đức Việt - hàng binh người Đức trong Quân đội Pháp cũ, đã theo ta từ đầu ngày kháng chiến ở Trung Bộ, vốn là phi công lái máy bay liên lạc và đã được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương.

        Sau khi thành lập, mối quan tâm chung là kiểm tra xem xét lại thực trạng chất lượng của 2 chiếc máy bay. Tháng 8- 1949 đồng chí Hà Đổng dẫn đồng chí Việt đến Soi Trinh để cùng đồng chí Liên và tổ chức bảo dưỡng kiểm tra kỹ thuật và tổ chức bay thử chiếc Tiger moth. Đồng chí Việt lái, ông Đống ngồi ghế sau cùng bay. Máy bay cất cánh tốt lượn một vòng vẫn tốt, nhưng khi quay về chuẩn bị hạ cánh thì bộ phận điều khiển có sự cố máy bay tiếp đất lệch dốc theo bờ sông Gâm được an toàn. Đây là chiếc máy bay đầu tiên mang cờ đỏ sao vàng Việt Nam bay trên vùng trời căn cứ địa Việt Bắc trong cuộc chiến tranh chững thực dân Pháp xâm lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:22:13 am »


        Thế là đồng chí Việt trở thành giáo viên lái máy bay. Sau khi tổ chức được xưởng cơ khí và thu nhận được các linh kiện từ các động cơ và xác máy bay cũ về làm học cụ, Ban nghiên cứu Không quân mở một lớp lái máy bay gồm 28 học viên học tập trong 4 tháng. Lớp này kết thúc vào đúng lúc Bộ tổng Tham mưu bắt đầu chuẩn bị chiến dịch biên giới. Để bảo vệ vùng trời Thủy Khẩu - cửa ngõ ra vào duy nhất thời bấy giờ giữa ta và nước CHND Trung Hoa, Bộ tổng Tham mưu điều số học viên vừa tốt nghiệp các lớp lái máy bay sang Thủy Khẩu (biên giới Quảng Tây - Cao Bằng) phiên hiệu C612. Được giải phóng quân Trung Quốc tận tình huấn luyện, chuyển sang pháo phòng không, sau 3 tháng học tập đại đội 612 lập được chiến công đầu tiên, bắn rơi chiếc máy bay phóng pháo Bearcát của Pháp xâm phạm vùng trời Thủy Khẩu.

        Tiếp theo lớp hoa tiêu ấy, Ban nghiên cứu Không quân mở đồng thời 3 lớp chuyên ngành: Lớp hoa tiêu 2 gồm 28 học viên, lớp khí tượng 31 học viên, lớp thợ máy 28 học viên. Thời gian học tập 6 tháng.

        Thực hiện vừa học vừa làm, vừa nghiên cứu, cán bộ, giáo viên, học viên Ban nghiên cứu Không quân đã tìm hiểu ngành Hàng không và lực lượng không quân Pháp hoạt động trên chiến trường Đông Dương đã nghiên cứu bắn máy bay địch bằng súng trường, súng máy, đã chế tạo ra các máy ngắm, bắn máy bay theo kiểu Stadia đã làm giá ghép 2 trung liên để bắn mục tiêu trên không, đã mở 2 lớp tập huấn dùng súng bộ binh các loại bắn máy bay.

        Bước sang năm 1951, biên giới Việt Trung được hoàn toàn giải phóng, nước ta được nối liền với phe XHCN. Được Chính phủ CHND Trung Hoa viện trợ, Chính phủ ta chủ trương chuyển việc đào tạo cán bộ chuyên nghiệp về pháo cao xạ, về lái máy bay, về thủy quân sang Trung Quốc để học viên có đủ điều kiện để tập luyện tốt hơn và an toàn hơn. Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị tuyển chọn trong toàn quân được 33 đồng chí cán bộ đủ tiêu chuẩn đi học lái máy bay. Bộ Quốc phòng chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Tâm Trinh, nguyên là đội trưởng đội huấn luyện của Ban nghiên cứu Không quân dẫn sang Trung Quốc để học lái máy bay, nhưng khi đến Nam Ninh (Trung Quốc) thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm TCCT lúc bấy giờ giao nhiệm vụ sáp nhập vào đoàn cán bộ đi học pháo cao xạ 37mm ở Thẩm Dương. Cũng là lúc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh tập trung lực lượng để xây dựng bộ đội chủ lực thành những đại đoàn mạnh, đặc biệt là thành lập đại đoàn công binh và pháo binh gọi tắt là Đại đoàn Công pháo 351. Cũng như đối với Ban nghiên cứu Thủy quân, Bộ quyết định giải thể Ban nghiên cứu Không quân, chuyển đại bộ phận cán bộ công nhân viên về sư đoàn 351 . Số còn lại thì biên chế vào các cơ quan cũ, Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục cung cấp. Những giáo viên và học viên đã tham gia nghiên cứu về phòng chống máy bay thì chuyển về đơn vị bộ binh để đẩy mạnh phong trào bắn máy bay bằng súng trường và súng máy.

        Ban nghiên cứu Không quân chỉ tồn tại và hoạt động trong 3 năm. Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn, lại ở xa cơ quan chủ quản, Ban nghiên cứu Không quân đã và phát huy tinh thần đoàn kết, thực tiễn, dũng cảm, sáng tạo, vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu nên bước đầu trở thành một đội ngũ cán bộ có kiến thức, văn hóa khoa học, được trang bị bước đầu về kỹ thuật và nghiệp vụ chuyên môn về hàng không, về phòng không và không quân. Chính đội ngũ cán bộ này, sau khi được tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại và học tập ở những trường chính quy ở Trung Quốc và Liên Xô tiếp thu và trưởng thành rất nhanh về mọi mặt, do đó đến chiến dịch Điện Biên Phủ, một số đã trở thành lực lượng nòng cốt về không quân nhất là về cao xạ pháo 37mm, góp phần xứng đáng của mình vào chiến thắng lịch sử này. Đến năm 1955, quân đội ta tiếp quản các sân bay, thu được một số máy bay và cơ sở hạ tầng của lực lượng không quân Pháp. Để quản lý điều hành các cơ sở này, ngày 3-3-1955 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu Sân bay - tiền thân của Tổng cục Hàng không dân dụng và Quân chủng Không quân. Phần đông cán bộ cũ Ban nghiên cứu Không quân cũ được điều động về tham gia xây dựng các ngành và các binh chủng hiện đại này. Có thể nói được rằng Ban nghiên cứu Không quân là một vườn ươm đã tạo ra được những cây giống tốt trồng vào đất nào cũng phát triển nhanh mạnh, dù gặp phải sỏi đá, hạn hán, bão lũ và bão táp.

Ngày 9-3-1999.         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:25:31 am »

               
VÀI ĐIỀU NHỚ LẠI SAU HƠN NỬA THẾ KỶ VỀ BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN       
(9 – 3 - 1949)

HÀ ĐỔNG                               
Nguyên Trưởng ban nghiên cứu Không quân       

        Hơn nữa thế kỷ về trước, khi còn là một cậu học sinh trường Quốc học Huế, thỉnh thoảng tôi thấy 2 chiếc máy bay của vua Bảo Đại bay trên thành phố Huế, tôi rất thèm muốn được ngồi trên những máy bay ấy, chỉ "ngồi" chứ không dám mơ đến việc lái chúng. Thực dân Pháp không cho người "An Nam" học lái máy bay, chỉ được làm thợ bảo dưỡng máy bay cho Pháp. Muốn được làm phi công, phải vào "làng Tây" và đi lính cho Pháp, như Đỗ Hữu Vị - đại úy trong không lực Pháp đã bị Đức bắn hạ trong thế chiến 1914 - 1918.

        Không ngờ, nhờ có cách mạng, sau này tôi lại được quản lý 2 máy bay đó!

        Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, và được mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ ta, trong tài sản mà ông ta chuyển giao cho chính quyền cách mạng có 2 chiếc máy bay nói trên, 1 chiếc Tiger Moth (tạm dịch là con Mối chúa) và 1 chiếc Morane Saulier (Morane là một hãng chế tạo máy bay của Pháp).

        Chiếc Tiger Moth là máy bay của Anh quốc sản xuất từ năm 1931 đến 1944, tổng số 9.000 chiếc, nó bay an toàn, dễ lái, nên được không lực Hoàng gia Anh dùng để tập lái rất có kết quả.

        Vài đặc điểm của Tiger Moth.

        Trọng lượng: 544kg (không chở người, hàng).
        Động cơ: 1 x 142 HP.
        Bán kính hoạt động: 442km.
        Tốc độ tối đa: 172km/h.
        Trần (cao nhất): 4.444m.

         Ngoài công dụng cho tập lái, nó còn được dùng để chở người, ra mệnh lệnh, quan sát. . . có thể hạ cất cánh ở bãi cỏ, trên đường ô tô v. v. . .

        Chiếc Morane có dáng khí động học hơn, bay nhanh hơn, được Bảo Đại dùng khi đã lái thạo chiếc Tiger Moth (có 1 huấn luyện viên Pháp luôn luôn kèm).

        Ông cố vấn (Bảo Đại) đề nghị đưa 2 máy bay ra Hà Nội để thành lập 1 câu lạc bộ hàng không và được Chính phủ chấp thuận. Hai máy bay được tháo cánh, chở bằng xe hỏa, và cất giấu ở sân bay Tông vì hai sân bay Bạch Mai và Gia Lâm đang bị quân Tàu Tưởng đóng giữ lúc này. Cùng đi theo có 1 tổ thợ bảo dưỡng gồm các ông Đống (tổ trưởng), Mai, Khánh, Nghệ, Chất. Sau ngày 19-12-1946 tháng 1 năm 1947, lại đưa 2 máy bay lên Soi Đúng (Chiêm Hóa) cất giấu và bảo quản, bãi ngô ven sông được san phẳng, gia cố để làm sân bay thử.

        Hai lần di chuyển từ Tông lên Bình Ca và từ Bình Ca bằng phương tiện thô sơ trong điều kiện rất nguy hiểm, máy bay địch thường xuyên lùng sục, phải đi đêm, ngược dòng, ban ngày phải chặt cây lá ngụy trang rất gian khổ. Thế mà các anh Lê Văn Nho, Lê Thạch Liên với sự giúp đỡ của nhân dân hai bên sông, đã đưa được máy bay đến đích an toàn. Chỉ bị máy bay địch bắn phá 1 lần, khi tạm dừng ở sân bay Bình Ca (có tên là Hang Hùm) thiệt hại không đáng kể: Chiếc Tiger Moth bị đạn làm thủng vài chỗ, anh em trong tổ bảo dưỡng đã về Hà Đông mua lụa và vá lại bằng sơn ta (thân và cánh của Tiger Moth được bọc bằng vải bạt, còn thân, cánh Morane toàn bằng nhôm)...

        Cuối năm 1947 sau khi địch bị quân và dân ta đánh cho tơi bời phải rút quân khỏi Việt Bắc, tôi được lệnh của đồng chí Tạ Quang Bửu, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lên Soi Trinh nắm tình hình (đồng chí Tạ Quang Bửu là Thứ trưởng, riêng giai đoạn từ 8-1947 đến 8-1948 là Bộ trưởng. Sau đó lại giữ chức Thứ trưởng) . Cùng đi có anh Đức Việt lúc đó còn là nhân viên của Nha Nghiên cứu kỹ thuật quân giới. Anh Đức Việt tên thật là Verner Schultze, là phi công Đức ra hàng ta từ năm 1945.

        Đầu năm 1948, tôi và Đức Việt được lệnh đi vào Nghệ An làm một sân bay dã chiến để đón một máy bay từ Xiêm đến, hàng chở là linh kiện và máy móc thông tin do một cán bộ đài phát thanh đi mua bên Xiêm (Thái Lan) tôi và anh Việt đi bộ mất nửa tháng mới đến miền Tây Nghệ An, vì phải đi vòng vèo tránh đồn địch, chúng tôi nói với nhau: Đoạn đường hơn 500km, máy bay Pháp bay mất có 1 giờ mà mình phải đi nửa tháng, tức thật. Cái sân bay dã chiến làm xong thì bà chủ Thái Lan không cho thuê máy bay nửa. Chúng tôi lại lóc cóc đi bộ về. Chỉ được một điều là trong một tháng cùng đi tôi tranh thủ học ở anh Đức Việt nhiều điều bổ ích về hàng không, từ yêu cầu kỹ thuật của một sân bay đến các thiết bị trên máy bay. Tuy học lối truyền khẩu như vậy nhưng nhờ trước đã đọc sách, tạp chí của Pháp, Mỹ, Anh về máy bay và chơi mô hình máy bay nên tiếp thu cũng nhanh...

        Trong số tài liệu anh Tạ Quang Bửu mang về khi đi Hội nghị Phongtennơbờlô có 3 cuốn có lợi cho Trường cán bộ Không quân sau này:

        1 Aircraft recognition (nhận dạng máy bay) chủ yếu của Anh và Mỹ, có hình vẽ rõ ràng và tính năng của máy bay Mỹ mà Pháp dùng đánh ta.

        2. Kỹ thuật lái máy bay của một tác giả Pháp.

        3. Sách huấn luyện bắn máy bay bằng súng bộ binh tập trung của Đức, tôi nhờ anh Đức Việt dịch ra từ tiếng Đức và tận dụng cuốn nhận dạng máy bay để viết cuốn: Bắn máy bay bằng súng trường tập trung, được Bộ Tổng tham mưu in và phổ biến rộng rãi vào năm 1948.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:27:06 am »


        Không rõ có nhiều đơn vị áp dụng cách bắn này không, riêng tôi và anh Tôn Thất Hiền có thấy một chiếc Junker 52 ba động cơ bị hạ ở Phú Lương (Bờ Đậu, Thái Nguyên) bởi 1 đại đội súng trường, chúng tôi có hỏi cung 3 tên còn chưa chết và biết rằng 1 động cơ trúng đạn và bốc cháy, rồi cả 3 đều cháy to, máy bay rơi, chúng nó bị chết cháy ngay 3 tên, còn 3 tên ngắc ngoải.

        Có điều chắc là từ khoảng 1949 trở đi, máy bay Pháp không dám ngang nhiên bay thật thấp nữa.

         Đầu năm 1949 đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Phan Phác đi đến báo cáo và xin ý kiến Bác Hồ về việc thành lập một cơ sở ban đầu của không quân gọi là Đội huấn luyện Không quân. Bác cho ý kiến đại ý là: Chỉ nên là Ban nghiên cứu thôi, chỉ tổ chức một lớp gọi là lớp không quân để phối hợp tham gia nghiên cứu vừa học vừa làm.

        Ngày 9-3-1949 đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam đã ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân. Gần như cùng một lúc Ban nghiên cứu Thủy quân cũng ra đời. Chúng ta có thể khó khăn nhưng các bạn bên thủy quân còn khó khăn hơn: Ta có máy bay để tập, họ chỉ có thuyền nan!

        Ngày 14-9- 1949 xảy ra một sự kiện đáng buồn, làm ảnh hưởng đến tương lai của ban và trường đó là chiếc máy bay Tiger Moth gặp nạn khi hạ cánh sau khi bay kiểm tra ở Soi Trinh chuẩn bị cho lớp lái bay tập.

        Đáng mừng là máy bay vẫn nguyên vẹn, mặc dù quân Pháp đi ca nô dưới sông chỉ cách chỗ dấu 2 máy bay vài trăm mét.

        Hai máy bay được bảo quản, chờ lệnh phục vụ cho công tác huấn luyện.

        Chiếc Tiger Moth được đưa về Trường Không quân Việt Nam ở Ngòi Liễm làm học cụ. Thật đáng tiếc vì nó là loại máy bay dễ lái, rất thích hợp cho việc học lái sơ đẳng. Theo tài liệu tôi mới nhận được từ một bạn định cư ở Mỹ (lấy từ Internet) loại máy bay này hiện còn được trưng bày ở các bảo tàng không quân ở Anh, Mỹ, Tân Tây Lan. Anh Tôn Thất Hiền, khi thăm bảo tàng Không quân ở Đức có chụp được ảnh của nó. Mặc dù không còn khả năng bay tập cho học viên khóa 1 (28 học viên lái) Bộ Tổng tham mưu vẫn chỉ thị khai giảng khóa 2 (87 học viên gồm: Học lái: 28, khí tượng 31, máy: 28) có lẽ vì cấp trên thấy cục diện chiến tranh đã chuyển biến có lợi cho ta, có thể ta lấy được máy bay địch (hoặc được viện trợ từ các nước bạn) các lớp học của khóa 1,khóa 2 đạt kết quả tốt, đặc biệt là 2 lớp khí tượng và máy, không bị ảnh hưởng gì của "sự kiện Tiger Moth" tham gia giảng dạy có các giáo viên của ta và một số giáo viên nước ngoài do Bộ Tổng tham mưu cử về, ngoài anh Đức Việt đã có từ trước còn có:

        1 Trần Hà (tên Việt Nam) phi công Nhật đã tham gia chiến tranh ở Singapo.
        2. Nguyễn Ba, thợ máy Nhật.
        3. Malenbach, thợ máy Đức.
        4. Lubrish, gấp dù và nhảy dù (Đức).
        5. Schertaner, thợ máy áo.

        Đó là những nhân viên kỹ thuật đã tham gia trong việc huấn luyện học viên các lớp lái và máy, đồng thời góp một số ý kiến cho các tiểu ban "sân bay" v.v . . .

        Trước tình hình ngày càng có lợi cho ta, cả về quân sự lẫn chính trị, bạn viện trợ cho ta pháo mặt đất và pháo phòng không. Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh quyết định giải thể Ban nghiên cứu Không quân, chuyển đa số anh em sang pháo binh và phòng không. Tôi được cử đi học nước ngoài, đi bộ từ Tuyên Quang sang Côn Minh, học bộ binh, tại Lục quân Học viện Minh Hồ được 1 năm, sau đó lại được giữ lại nước bạn 1 năm học lớp pháo binh. Về nước thì chiến dịch Điện Biên đã kết thúc, tôi rất tiếc là không được bắn phát đại bác nào vào tập đoàn cứ điểm của địch!

        Một hôm, đang đi với 1 đoàn giảm tô thì được thư của anh Hoàng Văn Thái (Tổng Tham mưu phó) bảo về ngay, bổ sung vào Đoàn tiếp quản Hà Nội của anh Hà Văn Lâu. Chúng tôi vào Hà Nội trước ngày tiếp quản 10- 10-1954 độ 1 tuần, đấu tranh kịch liệt với phía Pháp về vấn đề tiếp quản sân bay Gia Lâm. Nhờ vốn kiến thức thu nhận được trong 3 năm ở Ban nghiên cứu Không quân, tôi đã giúp cho anh Hà Văn Lâu bắt phía Pháp chấp nhận, phải giao đủ các trang thiết bị (chúng nó định mang đi và phá hủy những thứ không mang đi được chỉ giao cho ta cái đường hạ cất cánh và cái xác nhà ga!).

        Để kết thúc, tôi xin trích một đoạn trong cuốn "Hàng không dân dụng Việt Nam, những chặng đường lịch sử” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995 và các cuốn lịch sử Quân chủng Không quân:

        "Nhìn lại chặng đường 9 năm, sau khi nước nhà giành độc lập, mặc dù cả dân tộc ta phải tập trung sức lực và trí tuệ vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để đánh đuổi bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, bảo vệ nền độc lập, Đảng và Bác Hồ vẫn tiến hành những công cuộc chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết đất nước sau này trong đó có việc tổ chức đào tạo cán bộ hàng không.

         ... Ban nghiên cứu Không quân tồn tại trong thời gian không lâu, những lớp học tổ chức trong điều kiện dã chiến, cơ sở vật chất kỹ thuật của ta còn thiếu, lại chưa hình dung hết tính phức tạp và khó khăn của 1 binh chủng kỹ thuật hiện đại, nhưng những gì mà Ban đã làm được thật hết sức có ý nghĩa, nhiều cán bộ chiến sĩ được đào tạo qua hai khóa học đầu tiên của trường đã trở thành những hạt nhân để xây dựng ngành Hàng không dân dụng và Không quân nhân dân Việt Nam sau này".

        Viết những trang này, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ban nghiên cứu Không quân, tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày gian khổ trên chiến khu Việt Bắc, gian khổ nhưng ấm áp tình đồng đội trong sáng, cán bộ, chiến sĩ, học viên thực sự đoàn kết, nhân dân các dân tộc vùng bản đóng quân hết lòng giúp đỡ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:29:13 am »

       
CHUYẾN BAY ĐẦU TIÊN CỦA KHÔNG QUÂN VIỆT NAM
(14-9-1949)

LÊ THẠCH LIÊN                               
Nguyên Trưởng tiểu ban khí tượng của Ban NCKQ       

        Tháng 3-1947 (khoảng giữa tháng) sau khi bị 4 phi cơ chiến đấu của Pháp King-cô-bra bắn phá tại chùa Hang xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, chiếc máy bay Tiger Moth (đã lắp cánh để ở hang Ga nhưng chưa đổ xăng) bị bắn phá, toạc cánh, cánh quạt bị toác v.v... nhưng may mắn là động cơ không bị trúng đạn và chiếc Tiger Moth còn một cánh quạt dự trữ.

        Đầu tháng 4- 1947, Cục Quân huấn (bí danh thời đó là tiểu đội 240) thành lập một đơn vị gọi là Không đoàn lấy bí danh dân sự là Nhà 440 và sau đó vào năm 1948 lại đổi bí danh là trung đội Anh Lâm.

        Đơn vị được lệnh tháo rời 2 máy bay (Chiếc Tiger Moth bị bắn phá và chiếc Morane của Pháp do Bảo Đại khi thoái vị tặng Chính phủ ta) cho lên 3 thuyền lớn cùng với 7 anh em thợ máy sửa chửa máy bay và tôi phụ trách đơn vị chở lên theo sông Gâm đến Soi Đúng thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa cách dưới huyện ly l0km.

        Đây là một bãi rộng trồng ngô tương đối bằng phẳng rộng khoảng 80m dài khoảng 500m có thể dễ dàng thiết lập một sân bay nhỏ cho 2 chiếc Tiger Moth và Morane hoạt động. Nhiệm vụ Cục Quân huấn giao cho đơn vị là:

        1 Tiến hành sửa chửa lại chiếc Tiger Moth bị bắn phá và bảo dưỡng chiếc Morane.

        2. Lập một sân bay nhỏ dài 440m, rộng 25m trên bãi ngô ven sông Gâm.

        3. Nghiên cứu tình hình khí tượng để phục vụ cho chuyến bay trong tương lai.

        4. Chuẩn bị điều kiện để khi nào tiến hành sửa chữa xong chiếc Tiger Moth thì cho bay thử. ..

        Trong hai năm 1948 và 1949 đơn vị đã khắc phục khó khăn để sửa chữa, tìm các nguyên vật liệu thay thế và sau khi mở máy thử động cơ nhiều lần, kết quả động cơ chạy tốt, hệ thống điện bảo đảm, duy chỉ có 3 đồng hồ chỉ độ cao, xăng và dầu không tháo và sửa chữa được vì không có người chuyên môn biết sửa chữa chúng. .

        Về sân bay cho tuyển 12 vệ binh ở địa phương và Cục chuyển thêm một số anh em bộ đội cho đơn vị, đã tự sửa chữa, san bằng đảm bảo cho việc bay thử.

        Sau khi xong việc, tôi đã báo cáo về Cục Quân huấn và đề nghị Cục xem xét, cử phi công sang thị sát và nếu được thì cho bay thử.

        Ngày 13-9-1949 Bộ Quốc phòng cử anh Hà Đổng và anh Nguyễn Đức Việt (phi công hàng binh Đức) mang thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi đó là Tạ Quang Bửu, đề nghị tôi phối hợp với anh Đổng và anh Việt cho tiến hành bay thử chiếc máy bay Tiger Moth.

        Sau khi đi xem xét lại phi cơ, cho thử động cơ chúng tôi quyết định ngày hôm sau 14-9-1949 sẽ cho bay thử, thời gian bay khoảng độ 15 phút vào buổi chiều, vì vào buổi chiều phi cơ địch ít hoạt động. Hôm 14-9-1949, vào khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi kéo máy bay ra qua một quả đồi nhỏ và qua một mảnh ruộng của dân chưa cày cấy ra sân bay đã được canh gác cẩn thận.

        Anh Việt cùng bay với cụ Nguyễn Văn Đống, trưởng ban cơ khí của đơn vị, hai người chỉ mang theo có 2 cặp kính che mắt và không mang theo dù.

        Máy bay chạy trên sân khoảng 250m thì bắt đầu lên cao khoảng l00m lượn về phía Nam, sau đó hạ thấp độ cao, anh Việt có ý định là theo dòng sông Gâm trở về sân bay, nhưng vì máy bay xuống quá thấp, cánh bên trái chạm phải mặt nước nên phi cơ đâm xuống sông.

        Hôm sau 15-9-1949 anh em trong đơn vị lội ra sông tháo từng bộ phận của máy bay đem về cất giữ.

        Việc này theo nhận định chung của anh em trong đơn vị cũng như của Cục Quân huấn và Bộ Quốc phòng là đơn vị đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn sửa chữa máy bay được, nhưng kết quả chưa được mỹ mãn do máy bay xuống quá thấp, cánh trái chạm phải nước nên máy bay bị rơi xuống sông Gâm.

        Sau đó, bộ phận bay thử và phần máy bay còn lại chuyển về Ban nghiên cứu Không quân do anh Hà Đổng làm trưởng ban, anh Trần Hiếu Tâm làm chính trị viên mở được hai lớp hoa tiêu, 1 lớp khí tượng và 1 lớp cơ khí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2016, 08:30:59 am »

       
SỰ RA ĐỜI CỦA BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN
(1949 - 1952)

NGUYỄN TÂM TRINH       

        Viết lại lịch sử ra đời, phát triển và hoạt động của Ban nghiên cứu Không quân thật trung thực và đầy đủ là một việc khó khăn, nhưng rất cần thiết, để góp tư liệu cho việc biên soạn lịch sử xây dựng các ngành Hàng không, Không quân, Pháo binh trong quân đội.

        Ban nghiên cứu Không quân thành lập ngày 9-3-1949 theo quyết định do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, tuy ý định xây dựng các binh chủng Không quân, Hải quân đã hình thành từ lâu. Ngày nay, sau một thời gian dài, những hồ sơ, tài liệu lưu trữ đã bị thất lạc do những năm tháng chiến tranh. Dựa vào những tư liệu còn lại và sự cung cấp tư liệu của các đồng chí có liên quan hiện còn, đang công tác hoặc nghỉ hưu như:

        1. Đồng chí đại tá Phan Phác, nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn, và Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam hồi đó, chuyển ngành làm Cục trưởng Bộ Nông Lâm đã nghỉ hưu.

        2. Đồng chí Hà Đổng, nguyên Trưởng ban NCKQ, sau chuyển ngành làm Vụ trưởng Bộ Nông Lâm đã nghỉ hưu.

        3. Đồng chí Trần Hiếu Tâm, nguyên Chính trị viên Ban nghiên cứu Không quân, Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu Thủ đô, đã về nghỉ hưu.

        4. Đồng chí Đoàn Mạnh Nghi, nguyên Trưởng tiểu ban chính trị, đại tá Cục trưởng Cục vận chuyển Tổng cục Hàng không dân dụng, đã nghỉ hưu.

        5. Đồng chí Lê Thạch Liên, nguyên Trưởng tiểu ban khí tượng, sau chuyển sang Nha khí tượng Việt Nam, đã nghỉ hưu.

        6. Đồng chí Nguyễn Tâm Trinh, nguyên đại đội trưởng học sinh, đại tá Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không, đã nghỉ hưu, cùng các đồng chí khác, chúng tôi thu thập và mạnh dạn biên soạn lịch sử giai đoạn ban đầu xây dựng ngành Hàng không Việt Nam .

        I - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TIẾN TỚI THÀNH LẬP BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN.

        1. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại được mời ra Hà Nội nhận chức cố vấn cho Chính phủ ta, Bảo Đại có hai chiếc máy bay riêng, 1 chiếc Tiger Moth 2 tầng cánh, 2 chỗ ngồi, thân bọc vải, 1 động cơ do hãng DC Havilland ở Anh chế tạo, máy bay khá an toàn, tốc độ chậm, có thể hạ cánh trên sân bay ngắn và hẹp, thậm chí cả trên đồng cỏ. Trong chiến tranh thế giới thứ II không quân Anh dùng nó để tập lái, quan sát liên tục. Một chiếc Morane Sunier do Pháp chế tạo, thân kim loại, 1 động cơ, 1 tầng cánh, 2 chỗ ngồi. Đây là loại máy bay thể thao, bay nhanh hơn chiếc Tiger Moth, có thể nhào lộn được.

        Cuối năm 1945 Bảo Đại đề nghị Chính phủ ta đưa 2 máy bay này ra Hà Nội, vì ông ta cũng không đủ điều kiện dùng riêng các máy bay đó. Cấp lãnh đạo của ta chấp nhận đề nghị này của Bảo Đại với ý định là kết hợp yêu cầu của ông ta để thành lập Câu lạc bộ Hàng không cho thanh niên ta quen dần với việc sử dụng máy bay, điều này sẽ có lợi cho việc xây dựng ngành Hàng không nước ta như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới. Đồng chí Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tổ chức đưa ra và giao cho đồng chí Phan Phác lúc này là Cục trưởng Cục Quân huấn, đồng chí là một trong những người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết chút ít về lái máy bay khi đồng chí ở trong quân đội Pháp, tổ chức thực hiện. Hai máy bay được tháo cánh, bí mật được chở bằng tàu hỏa ra Bắc và tạm cất ở sân bay Kim Đái (Tông) tỉnh Sơn Tây. Lúc này các sân bay Bạnh Mai, Gia Lâm đều còn do quân đội Tàu đóng giữ. Hai máy bay đến Sơn Tây an toàn vào tháng 1-1946, có thợ bảo dưỡng gồm bác Đống, tổ trưởng, bác Nguyễn Đình Mai (đã mất tại Soi Đúng, Tuyên Quang khi máy bay Pháp ném bom), và các bác Khánh, Nghệ, Hội, Chất. Khi chuẩn bị để lắp lại thì quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, tiếp đến sau Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), thực dân Pháp lộ rõ âm mưu trở lại xâm lược nước ta, Bảo Đại tìm cách chuồn ra nước ngoài. Đất nước ta chuyển vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh, tiếp đến ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

         Trong những ngày đầu kháng chiến, có ý kiến dùng chiếc Morane bay ném đạn cối vào quân Pháp đang bị vây hãm ở thị xã Nam Định. Bác Hồ và cấp trên không đồng ý và chỉ thị phải bí mật đem cất giấu 2 máy bay trên lên an toàn khu Việt Bắc. Tháng 1-1947, đồng chí Lê Thạch Liên theo lệnh Cục Quân huấn tổ chức đưa 2 máy bay đường sông lên Tuyên Quang, để ở sân bay Bình Ca, nhưng tháng 3- 1947 sân bay bị máy bay Pháp đánh phá, máy bay ta bị hỏng nhẹ. Để đề phòng quân Pháp tấn công lên Việt Bắc, ta đã tháo rời 2 máy bay chuyển xuống thuyền chở ngược lên Chiêm Hóa. Công việc di chuyển được bảo đảm an toàn tuy cực kỳ vất vả khó khăn. Đến địa điểm, máy bay được cất giấu trong lán, tại vùng Soi Đúng (còn gọi là Soi Trinh) Tả ngạn sông Gâm, phía Nam huyện lỵ Chiêm Hóa 10km. Bãi cát trồng ngô trên Soi được sửa sang làm bãi hạ cất cánh, kích thước 400m x 25m. Xăng dầu được chuyển bằng lăn từng thùng fuy một về từ các nơi xa như Cao Bằng v.v...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM