Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:16:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30177 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2016, 09:06:52 am »

        
        - Tác giả: Nhiều tác giả
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2005
        - Số hóa bởi: rongxanh, ptlinh, Giangtvx

    
    

Lời giới thiệu
       
        “Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam" (Hồi ký 50 năm KQNDVN) ra mắt với bạn đọc vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Ban nghiên cứu sân bay (3/3/1955-3/3/2005)-tiền thân của Không quân nhân dân Việt Nam.

        50 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng là một chặng đường lịch sử vẻ vang đầu tiên của KQND Việt Nam anh hùng vào nửa cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.
        
        Hồi ký đã hội tụ được những mẩu chuyện tự viết, tự kể lần đầu mang tính sử thi về việc thật, người thật đã thể hiện được hào khí, tâm tình, chân thật của đông đảo bạn chiến đấu Không quân. Với một tấm lòng mong nhớ và trận trọng Hồi ký đã ghi lại những việc làm tốt, chiến công, sự kiện, sự tích anh hùng trong chiến đấu trên không của KQNDVN với máy bay Mỹ; nêu rõ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tài thao lược của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng với KQNDVN; sự mưu trí, dũng cảm của bao thế hệ lãnh đạo chỉ huy, phi công; sự tận tuỵ sáng tạo của bao người làm nhiệm vụ trên sân bay để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi chuyến bay và mang chiến thắng trở về sau mỗi lần xuất kích chiến đấu.
        
        Đọc Hồi ký, CCB KQNDVN nhớ lại và tự hào những trận không chiến, diễn biến ác liệt, vượt qua khó khăn, dám nghĩ dám làm để bắn rơi máy bay, tàu chiến, hậu cứ sân bay Mỹ-nguỵ Sài Gòn…, rồi chạnh lòng ao ước gặp lại nhau, thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, nhớ về một thời trai trẻ của bản thân cùng bao chiến hữu trên sân bay dưới nắng nóng, trong giá lạnh giữa đêm đông, không quản nguy nan, không hề suy tính, chỉ có mong sao máy bay làm tròn nhiệm vụ an toàn trở lại với sân bay.
        
        Hồi ký là những minh chứng vừa làm phong phú thêm lịch sử Quân chủng Phòng không-Không quân, vừa để lại cho thế hệ cán bộ chiến sĩ lớp sau những điều xảy ra và xử lý trong chiến tranh; động viên nhau tiếp tục xây dựng, giữ gìn và tô đậm truyền thống chiến đấu của KQNDVN: “Trung thành vô hạn, tính chất kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” để giữ yên bầu trời Tổ quốc.
        
        Ban liên lạc bạn chiến đấu Không quân Hà Nội bày tỏ sự cảm ơn với các tác giả đã viết bài Hồi ký, xin trân trọng cảm ơn Bộ Tư lệnh và Đảng uỷ Quân chủng Phòng không-Không quân cùng các cơ quan liên quan đã giúp đỡ để Hồi ký được xuất bản.
        
        Những chiến công trên không, trên đất, trên biển để giữ được bầu trời trong xanh của Tổ quốc Việt Nam suốt 50 năm đầu tiên của KQND Việt Nam vẫn mãi mãi là lời thề nguyện của Cựu chiến binh Không quân và cũng là của thế hệ tiếp theo trong Quân chủng Phòng không-Không quân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
        
        Do còn nhiều hạn chế trong tổng hợp, biên tập Hồi ký, rất mong bạn đọc gần xa lượng thứ, góp ý phê bình và rất mong nhận tiếp những bài Hồi ký của bạn chiến đấu Không quân cho Hồi ký tập tiếp theo (Xem thông báo viết Hồi ký ở cuối sách).

BAN LIÊN LẠC CHIẾN ĐẤU KHÔNG QUÂN HÀ NỘI        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 07:42:44 am »

        
SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG VÀ SÁNG TẠO CỦA QUẦN CHÚNG LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI CỦA KHÔNG QUÂN TA.
       
Trung tướng HOÀNG NGỌC DIÊU                          
Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng PK- KQ        
       
        Cuối năm 1954 miền Bắc được giải phóng, Tổng Quân ủy đã ra nghị quyết xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy, hiện đại có các binh, quân chủng.
        
        Tháng 3- 1955 Tổng Quân ủy - Tổng tư lệnh đã ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay (đồng chí Trần Quý Hai - Trưởng ban nghiên cứu sân bay đề nghị đổi là Ban nghiên cứu Không quân, nhưng Bộ Tổng tham mưu trả lời không được gọi Không quân, phải giữ bí mật).
        
        Năm 1956 để hoạt động công khai, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Cục Hàng không dân dụng, đồng chí Đặng Tính - Trưởng ban nghiên cứu sân bay thay đồng chí Trần Quý Hai được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng. Năm 1959 đã chuyển Ban nghiên cứu sân bay thành Cục Không quân, về mặt nhân sự, tổ chức vẫn giữ nguyên như cũ, đồng chí Đặng Tính Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng - Cục trưởng Không quân.
        
        Từ tháng 10-1954 lực lượng vào tiếp quản sân bay Gia Lâm do đồng chí Nguyễn Tiến làm trưởng đoàn cho đến năm 1959 Ban nghiên cứu sân bay chuyển thành Cục Không quân, lực lượng không quân của chúng ta hoàn toàn bí mật thân phận của mình, gia đình vợ con hỏi đến đều nói chuyển ngành ra ngoài quân đội bận bộ áo quần ka ki xanh công nhân.
        
        Không ít người thắc mắc, công tác tư tưởng rất phức tạp làm thế nào giữ bí mật, động viên anh em thấy được điều về xây dựng không quân là vinh dự được Đảng tin cậy, yên tâm học tập, công tác.
        
        Năm 1963 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy ở miền Nam sẽ bị thất bại, Mỹ thế nào cũng sử dụng không quân đánh ra miền Bắc để hạn chế chi viện miền Bắc đối với miền Nam, đã chủ trương tăng cường lực lượng phòng không cho 3 thứ quân. Xây dựng lực lượng PK-KQ mạnh để làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không, đánh bại chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ đánh ra miền Bắc.
        
        Tháng 10-1963 Quân ủy Trung ương đã ra quyết định hợp nhất 2 lực lượng PK-KQ thành Quân chủng PK-KQ, nhanh chóng ổn định tổ chức, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao. Vấn đề hợp nhất 2 lực lượng PK-KQ tư tưởng nhận thức của cán bộ cũng nhiều ý kiến. Lực lượng phòng không lúc đó có 6 trung đoàn pháo cao xạ, lực lượng không quân lúc đó chỉ có 1 trung đoàn vận tải 919 và trung đoàn 910 (trường huấn luyện) cơ sở vật chất kỹ thuật còn rất thấp, hai đoàn bay tiêm kích 921 - 923 còn ở nước ngoài, đoàn 921 mới nhận trang bị máy bay MIG-17, đoàn 923 chưa có trang bị, do đó nhiều ý kiến cho bên trọng bên khinh. Lúc đầu Bộ Tổng tham mưu ra quyết định tên là Quân chủng PK-KQ, có tờ báo viết về Quân chủng Phòng không và Không quân đưa Bác Hồ xem, Bác lấy bút chì đỏ gạch chữ "và" sửa lại gạch ngang giữa 2 chữ PK-KQ.
        
        Đảng ủy Quân chủng PK-KQ đã lãnh đạo đoàn kết thống nhất, xây dựng quân chủng thành sức mạnh tổng hợp sẵn sàng chiến đấu cao, đánh thắng trận đầu bắn rơi máy bay, bắt sống giặc lái bảo vệ an toàn mục tiêu.
        
        Ngày 6-8-1964, trung đoàn tiêm kích 921 về nước, hạ cánh ở sân bay Nội Bài, lực lượng không quân thêm một trung đoàn tiêm kích được trang bị máy bay Mig - 17, Quân chủng PK-KQ thêm một lực lượng chiến đấu có sức cơ động cao.
        
        Quá trình chuẩn bị chuyển trung đoàn 921 về nước cũng không đơn giản trong việc bảo đảm vật chất kỹ thuật mặt đất, bảo đảm sân bay, vì lúc đó ta chỉ có sân bay Nội Bài, sân bay Kép, Yên Bái xây dựng chưa xong.
        
        Nhận thức mỗi người một khác, có đồng chí nói không quân địch quá mạnh, số lượng đông, trang bị hiện đại, phi công giờ bay cao có kinh nghiệm chiến đấu. Ta chỉ có 1 trung đoàn trang bị MIG- 17, người lái giờ bay thấp chưa chiến đấu, liệu đánh được bao nhiêu trận, gây thêm phức tạp cho lực lượng phòng không mặt đất. Họ không thấy hết sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chỉ nhìn vào lực lượng một trung đoàn tiêm kích. Đảng ủy Quân chủng PK-KQ đã hạ quyết tâm đề nghị trên cho trung đoàn 921 về nước sẽ có cách đánh thắng địch và lực lượng không quân càng đánh càng phát triển. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng nhất trí với Đảng ủy Quân chủng PK-KQ, phải cho trung đoàn 921 về nước chiến đấu, đó là thời cơ để xây dựng và rèn luyện không quân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 07:44:28 am »

        Đảng ủy Quân chủng đã làm công tác tư tưởng, tập trung mọi khả năng để hoàn thành công tác chuẩn bị kỹ thuật vật chất, cơ sở sân bay tạo điều kiện để 921 về nước xây dựng chiến đấu thắng lợi.
       
        Với chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Quân chủng trung đoàn 921 là đơn vị tiêm kích đầu tiên của không quân đã chiến đấu và trưởng thành, lực lượng không quân từ 1 trung đoàn 921 đã phát triển thành 4 trung đoàn tiêm kích (921, 923, 925, 927) đã góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng PK-KQ.
       
        Về mặt tác chiến Đảng ủy Quân chủng PK-KQ trực tiếp lãnh đạo BTL Quân chủng trực tiếp chỉ huy đến từng trung đoàn không quân. Năm 1967 thành lập Binh chủng Không quân Đảng ủy và BTL Binh chủng Không quân trực tiếp lãnh đạo chỉ huy toàn diện cả mặt tác chiến, chỉ huy sở Binh chủng nằm trong chỉ huy sở Quân chủng để hiệp đồng với lực lượng phòng không chặt chẽ. Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho Binh chủng.
       
        Để chuẩn bị cho trung đoàn 921 đánh trận đầu thắng lợi Đảng ủy Quân chủng và BTL cơ quan Quân chủng trực tiếp xuống trung đoàn 921 giúp đỡ mà khó khăn nhất là cách đánh, cán bộ lãnh đạo chỉ huy của ta đều học ở Trung Quốc do đó cũng ảnh hưởng về chiến thuật không quân Trung Quốc.
       
        Trận ngày 3 và 4-4-1965 của trung đoàn 921 chúng ta đã sử dụng liên đội 4 chiếc trực tiếp chiến đấu, 4 chiếc chiếm tầng cao yểm hộ. Ngày 3-4-1965, địch đánh cầu Hàm Rồng, đối tượng là không quân của hải quân Mỹ. Biên đội 4 chiếc đồng chí Phạm Ngọc Lan làm đội trưởng xuất kích, biên đội đồng chí Trần Hanh yểm hộ ở tầng cao.
       
        Biên đội đồng chí Phạm Ngọc Lan đã bắn rơi 2 chiếc F8U, đồng chí Phạm Ngọc Lan bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, đồng chí Phan Văn Túc bắn rơi chiếc thứ 2 .
       
        Ngày 4-4, địch tiếp tục đánh Hàm Rồng, đối tượng lực lượng không quân Mỹ, lực lượng không quân thiện chiến hơn, trang bị hiện đại hơn toàn máy bay F-105D. Biên đội đồng chí Trần Hanh xuất kích, biên đội đồng chí Lê Trọng Long thu hút địch và yểm hộ tầng cao. Biên đội đồng chí Trần Hanh bắn rơi 2 chiếc F-105D, đồng chí Trần Hanh bắn rơi 1 chiếc. Địch đã chủ động đối phó, trận không chiến diễn ra ác liệt, tên lửa không đối không phóng từ nhiều phía đồng chí Phạm Giấy, đồng chí Lê Minh Huân, đồng chí Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh, đồng chí Trần Hanh đã vượt ra ngoài và hạ cánh bắt buộc ở bản Kẻ Tằm, phía Tây Nghệ An. Sau trận đánh này cũng nhiều ý kiến cho không quân đánh được không quân Mỹ, bắn rơi được máy bay, có người bi quan cho ta hy sinh nhiều một biên đội 4 chiếc, 3 đồng chí hy sinh, 1 đồng chí hạ cánh bắt buộc. Không biết có đánh được lâu dài không.
       
        Ngày 5-4-1965, Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe BTL Quân chủng báo cáo, đồng chí đã nhận xét: Trận thứ nhất địch bất ngờ, đối tượng không quân của hải quân, ta chủ động hoàn toàn bắn rơi được máy bay, nhưng không quân ta chưa được thử thách ác liệt; trận thứ 2, không quân ta gặp không quân Mỹ là đối tượng mạnh hơn ta nhiều, số lượng đông, trang bị hiện đại, phi công được huấn luyện tốt, giờ bay cao, yếu tố bất ngờ không còn, địch đã có chuẩn bị đối phó với tiêm kích của ta, ta đã bắn rơi 2 F- 105 đó là thắng lợi lớn.
        Và kết luận: Không quân ta có thể đánh thắng được không quân Mỹ, qua trận đánh này các đồng chí cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị đánh trận sau tốt hơn.
       
        Cũng trong ngày 5-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen không quân chiến đấu dũng cảm. Sau khi được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp rút kinh nghiệm trận đánh, đã đánh giá: Không quân ta tuy có tổn thất nhưng đã dũng cảm dám đánh, bắn rơi được máy bay Mỹ đó là thắng lợi; bước đầu chúng ta thấy được mạnh yếu của địch đồng thời đánh giá ta đúng đắn hơn, về yếu tố tinh thần dũng cảm dám đánh, nhưng về mặt kỹ thuật, chiến thuật phải tiếp tục nghiên cứu - chuẩn bị trận đánh sau giành thắng lợi cao hơn và ta ít hy sinh. Thường vụ Đảng ủy có kết luận và chỉ thị Bộ tham mưu nghiên cứu cách đánh. Kết luận của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng: "Đánh với đối tượng mạnh hơn ta, có số lượng đông, trang bị kỹ thuật hiện đại, người lái được huấn luyện giờ bay cao, phải có cách đánh độc đáo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Không quân Việt Nam luôn luôn tạo thế bất ngờ chủ động tấn công phải mưu trí linh hoạt sáng tạo trong cách đánh". Quá trình chiến đấu của không quân Đảng ủy BTL Quân chủng theo dõi phát hiện, chỉ đạo những nguyên tắc và phương châm tác chiến, phát huy sáng tạo của cán bộ chỉ huy, dẫn đường, người lái, nghiên cứu cách đánh phải tìm ra cái mới có chuẩn bị mới đánh. Chỉ thị của đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng: Không quân không có cái mới, không tìm ra bất ngờ cho địch thì không được xuất kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 07:46:08 am »

       
        Cách đánh của từng loại máy bay cũng có những cách đánh khác nhau, như MIG-17 đánh ở độ cao trung bình dùng lối đánh gần, đánh quần, trên khu vực có lợi, để phát huy tính năng cơ động mặt bằng của MIG-17, nhiều động tác chiến thuật được áp dụng như cơ động cắt bán kính để hạn chế tốc độ lớn của địch, cơ động gấp tránh tên lửa tiếp cận gần công kích nhanh.

        Đối với MIG-21 lúc mới chuyển loại hiệu suất chiến đấu thấp vì cách đánh không thích hợp, thời gian đầu còn vận dụng cách đánh của MIG-17, đánh gần, đánh quần; sau một số trận đánh không thành công, ta đã rút kinh nghiệm tìm cách đánh phù hợp với tính năng của máy bay MIG-21. Do có lợi thế tốc độ nhanh, tính cơ động tốt nhất ở độ cao 4000m trở lên, tính năng cơ động hơn hẳn F-4, F-105 nên cách đánh của MIG-21 đã được hình thành; sử dụng tốc độ lớn, cơ động ở độ cao cao, đánh từ xa, đánh thọc sâu vào đội hình địch đánh nhanh rút nhanh, MIG-21 có cách đánh mới đã nâng hiệu suất rõ rệt.
       
        Qua thực tế chiến đấu với không quân địch từ 1965 – 1966, ta đã hình thành dần cách đánh và rút ra tư tưởng chỉ đạo tác chiến đối với không quân là: Sử dụng lực lượng nhỏ (2-4c) và vừa (8-12c) đánh linh hoạt lúc xa lúc gần, lúc cao lúc thấp, đánh nhanh rút nhanh. Năm 1967, địch đã thay đổi thủ đoạn dùng đội hình lớn, tăng lực lượng tiêm kích yểm hộ trực tiếp đội hình cường kích kết hợp cơ động bảo vệ từ xa. Ta đã dùng lực lượng nhỏ đánh vào đội hình cường kích bằng chiến thuật thọc sâu, chia cắt từng đoạn đường bay của địch, đánh vào sườn của đội hình địch, dùng tốc độ và cơ động bổ nhào từ trên cao đánh xuống (chiến thuật chim cắt). Với cách đánh này máy bay MIG-21 phát huy được tính  năng và giành được thế công kích có lợi. Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ủy và BTL Quân chủng, Binh chủng và sáng tạo của Quân chủng, không chỉ lực lượng tiêm kích có cách đánh hay mà lực lượng không quân vận tải (trung đoàn 919) ngoài nhiệm vụ vận tải chi viện cho các chiến trường còn làm nhiệm vụ chuyên cơ bảo đảm hàng nghìn chuyến bay chở lãnh tụ an toàn tuyệt đối, cũng có những sáng tạo trong chiến đấu, cải tiến máy bay An-2 thành máy bay chiến đấu đánh tàu biệt kích ven biển, đánh tập kích tiêu diệt trung tâm ra đa dẫn đường của Mỹ ở Pa Thí (Lào) .
       
        Đồng chí Ba, đồng chí Phước đã dùng T-28 máy bay của Hoàng gia Lào bay sang hàng để đánh rơi máy bay C123 chở biệt kích ngụy Sài gòn khi chúng bay ra miền Bắc.
       
        Trận ngày 28-4-1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã sử dụng máy bay A-37 lấy của địch để tập kích táo bạo, bất ngờ sân bay Tân Sơn Nhất, trận đánh có ý nghĩa lịch sử và là trận đánh cuối của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
       
        Tóm lại trong 50 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và sáng tạo của Quân chủng, Không quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và xây dựng không ngừng phát triển lớn mạnh đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ: Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ 4 trung đoàn tiêm kích, 1 trung đoàn vận tải ngày nay đã có 3 sư đoàn không quân ở trên 3 vùng chiến lược Bắc, Trung, Nam, cùng lực lượng phòng không quản lý và bảo vệ vùng trời, sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
       
        Điểm lại lịch sử của không quân, chúng ta không thể nói hết chỉ nhớ những gì thì nói lại, mỗi người một câu chuyện để ôn lại những ngày sống chiến đấu bên nhau, và tự hào với lực lượng không quân ta, tiếp tục phát huy truyền thống của không quân cho thế hệ mai sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 08:07:38 am »

          
BỨC ẢNH KỶ NIỆM VỀ BÁC HỒ

Thiếu tướng PHAN KHẮC HY                          
Nguyên Chính ủy Binh chủng Không quân                
Nguyên Phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn                  

        Đúng 6 giờ sáng ngày mồng một Tết Đinh Mùi (9-2-1967) tôi và đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên xe đi sân bay Nội Bài để chuẩn bị đón Hồ Chủ tịch đến thăm và chúc Tết bộ đội trung đoàn không quân tiêm kích 921, đơn vị có nhiều thành tích chiến đấu trong năm 1966. Cùng đi có đồng chí Xuân Mai phóng viên báo Phòng không - Không quân.

        Trên đường đi, đồng chí Phùng Thế Tài trách đồng chí Xuân Mai chưa chụp được ảnh nào của đồng chí với Hồ Chủ tịch cho thật đẹp. Đó là nguyện vọng của nhiều cán bộ được làm việc với Hồ Chủ tịch muốn có một bức ảnh kỷ niệm về Bác. Tôi góp thêm ý kiến: “anh yên trí, đầu xuân năm mới nhất định "phó nháy" Xuân Mai sẽ chụp ảnh chúng ta với Bác thật đẹp".

        Chúng tôi quay sang trao đổi những công việc cần kiểm tra trong việc tổ chức đón Bác, tránh những sơ suất mà Bác đã phê bình mấy lần đến Phòng không - Không quân trước đây như sính dùng từ nước ngoài, chỗ ăn ở của bộ đội kém vệ sinh v.v...

        Sáng mồng một Tết này trời ấm áp, không mưa. Dọc đường từng tốp đồng bào gái trai, già trẻ trong những bộ quần áo đẹp đi chơi xuân và chúc Tết nhau. Nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân toàn miền Bắcbình tĩnh, lạc quan đón Tết cổ truyền của dân tộc trong hoàn cảnh chiến tranh và lòng hướng về miền Nam ruột thịt.

        Trong niềm vui năm mới của mọi người, bộ đội Không quân có hạnh phúc lớn là được sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chủ tịch. Ngày 9-11-1964, ngày sau khi trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên về nước, Hồ Chủ tịch đã đến thăm và căn dặn: "Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, biển như Bạch Đằng, Hàm Tử. . . , trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú” .

        Chấp hành chỉ thị của Bác, trong hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, biên đội của đồng chí Phạm Ngọc Lan và biên đội của đồng chí Trần Hanh trong lần xuất kích đầu tiên đã hạ 4 máy bay hiện đại của hải quân và không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa.

        Ngày 5 tháng 4 năm 1965, Hồ Chủ tịch gửi thư khen:

        “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thục hiện khẩu hiệu "đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta.

        Bác gửi lời khen ngợi các chú và nhắc các chú luôn luôn phải:

        - Nâng cao tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thắng không kiêu, khó không nản.

        - Ra sức rèn luyện để tiên bộ mãi mãi.

        - Đoàn kết chặt chẽ với các đơn vị bạn và với nhân dân.


Chúc các chú lập nhiều chiến công hơn nữa        
Chào thân ái và quyết thắng                
Bác Hồ"                              

        Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong năm 1966 bộ đội Không quân đã phấn đấu trưởng thành về mọi mặt và lập công xuất sắc, bắn rơi 54 máy bay Mỹ, có 45 chiếc rơi tại chỗ.

        Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 12 năm 1966 bộ đội Không quân có đại đội 1 trung đoàn 921, đại đội 2 trung đoàn 92 3 và ba phi công Trần Hanh, Nguyễn Văn Bảy, Lâm Văn Lích được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đại hội, đoàn đại biểu Không quân được vinh dự đến Phủ Chủ tịch báo cáo với Bác, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng dự.

        Sự quan tâm đặc biệt và những lời dạy bảo ân cần của Bác trở thành nguồn sức mạnh thiêng liêng của bộ đội Không quân trong suốt những năm tháng khó khăn thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

        Xe đến đầu cổng sân bay, cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Chúng tôi đến khu vực sân đỗ. Toàn trung đoàn đã đội ngũ chỉnh tề, đồng chí trung đoàn trưởng báo cáo với Tư lệnh Quân chủng tình hình sẵn sàng chiến đấu và công việc tổ chức đón Bác.

        Đúng 7 giờ 30 phút, đoàn xe của Hồ Chủ tịch đến. Bác xuống xe, đi cùng có đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng.

        Đồng chí Tư lệnh báo cáo với Hồ Chủ tịch. Bác vẫy chào bộ đội, mọi người phấn khởi đồng thanh hô to "Hồ Chủ tịch muôn năm !" .

        Bác đi duyệt hàng quân. Dừng lại trước một chiến sĩ trẻ, sờ vào áo trấn thủ của anh, Bác hỏi: "Cháu mặc có ấm không?". Chiến sĩ trẻ xúc động trả lời "Dạ có ạ".

        Đi hết lượt hàng quân Bác đến trước chiếc bàn đã để sẵn quà của Bác tặng bộ đội. Bác nói:

        - Bác cùng các chú Văn Tiến Dũng, Tố Hữu thay mặt Đảng và Chính phủ đến chúc tết các chú. Trước hết, chú Tố Hữu sẽ đọc thơ Xuân mừng các chú.

        Đồng chí Tố Hữu đọc cho bộ đội nghe bài thơ "Chào Xuân 1967" của đồng chí vừa sáng tác. Đoạn cuối lời thơ như thúc dục mọi người xung trận:

                      "Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc
                      Rạo rực làng ta, trống trận Quang Trung
                      Tổ quốc giục cả hai miền Nam, Bắc
                      Hãy xung phong! Hỡi mùa quân 1967 anh hùng!”


        Tiếng vỗ tay của bộ đội hoan hô đồng chí Tố Hữu vừa dứt, Bác chỉ tay vào các gói quà giữa bàn và nói:

        - Bác có cái này, ngọt hơn thơ của chú Tố Hữu, tặng các chú.Mọi người cười vui và vỗ tay ran.

        Bác biểu dương thành tích chiến đấu và xây dựng của bộ đội Không quân trong năm qua và căn dặn:

        - Các chú phải chăm học tập, rèn luyện hơn nữa. Càng học tập, càng tiến bộ; càng tiến bộ thì đánh địch càng giành nhiều thắng lợi mới!

        Nói xong, Bác chào từ biệt mọi người để đi chúc tết các địa phương và đơn vị khác . Tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm !" cùng với tiếng vỗ tay vang dội của bộ đội chào tiễn Bác.

        Sau buổi đón Bác đến chúc tết, chúng tôi trở về cơ quan và vùi đầu với công việc, quên mất việc đồng chí Xuân Mai chụp ảnh.

        Đến năm 1971 tôi được điều vào công tác tại Bộ tư lệnh 559, bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường, Cục Chính trị Quân chủng tổ chức họp mặt chia tay tôi. Lúc này phòng Tuyên huấn mới đưa bức ảnh đồng chí Xuân Mai chụp tôi cùng đồng chí Phùng Thế Tài với Bác Hồ ngày mồng một tết Đinh Mùi tại trung đoàn 921 . Ảnh được phóng to, lồng khung kính, rất đẹp. Đồng chí Xuân Mai đã giữ lời hứa và với sự nhạy bén nghề nghiệp, đồng chí đã ghi được hình ảnh lúc Bác chỉ tay vào gói quà và nói: "Bác có cái này ngọt hơn thơ chú Tố Hữu, tặng các chú”.

        Bức ảnh này đã trở thành vật kỷ niệm quí giá của tôi và gia đình tôi.
  
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 08:12:30 am »

        
TRANG NHẬT KÝ CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

PHAN KHẮC HY        

        Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của bộ đội Không quân (3/31955 - 3/3/2005), tôi xem lại trang bút ký công tác chính trị ghi tháng 10-1964, thời kỳ chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với không quân của đế quốc Mỹ.

        Nội dung bút ký là sự tổng kết có ý nghĩa thực tiễn của công tác chính trị trong buổi đầu ra quân mở mặt trận trên không của Không quân ta.

        Tháng 8-1964, trung đoàn không quân tiêm kích 921 đầu tiên về nước từ hậu phương rất xa và hòa bình khá lâu, lại phải gấp rút chuẩn bị bước vào chiến đấu ngay. Công tác chính trị trong một thời gian ngắn đã biết rút ra nguyên nhân thắng lợi trên chiến trường.

        Trang bút ký ghi lại 3 tổng kết chủ yếu, chứng minh sức sống của công tác chính trị.

        1. Làm cho mọi người nhận rõ vị trí của mình trong cuộc chiến đấu tới.

        - Sân bay là chiến trường: Sân bay là căn cứ của không quân, nơi chuẩn bị và tạo mọi điều kiện để huấn luyện, xây dựng và chiến đấu của không quân, nơi tập trung sinh lực chủ yếu và trung tâm chỉ huy của không quân.

        Địch sẽ tập trung đánh phá ác liệt căn cứ sân bay để tiêu diệt không quân ta từ mặt đất. Mọi người ở sân bay phải chuẩn bị trận địa xuất phát tấn công thắng lợi và bảo vệ an toàn cho lực lượng không quân chiến đấu lâu dài, phải dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, phòng tránh, sửa chửa gấp sân bay, làm thất bại mọi cuộc tập kích của không quân Mỹ.

        - Máy bay là vũ khí: Phải bảo đảm cho máy bay, vũ khí, khí tài trên máy bay luôn luôn ở trạng thái tốt. Bất cứ một hỏng hóc hay thiếu sót nào trên máy bay đều không thể chiến đấu thắng lợi mà còn gây tổn thất nghiêm trọng.

        - Người bay là đồng chí thay ta diệt thù: Người thực hiện nhiệm vụ của hàng trăm, hàng ngàn người trong không quân trực tiếp diệt địch là người lái. Người lái khi chiến đấu trên không là mang sức mạnh và ý chí của cả tập thể. Mọi người có trách nhiệm bảo đảm cho người lái có đủ thể lực, kỹ thuật và ý chí quyết chiến quyết thắng cao, tự giác hoàn thành nhiệm vụ của tập thể giao phó, dù phải một mình đương đầu với địch.

        2. Phải động viên mọi người biến quyết tâm thành hành động nâng cao sức mạnh chiến đấu.

        - Xây dựng lập trường tư tưởng vững, không dao động.

        - Rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, một yêu cầu rất cao trong chiến đấu của không quân.

        - Trau dồi kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu.

        3. Thường xuyên động viên lòng yêu nước, vinh dự tự hào và trách nhiệm đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh chiến đấu giành thắng lợi.

        Tôi đã làm bài thơ động viên anh em lái:

                               Tặng anh em bay
                               Cờ quyết thắng đỏ tươi dòng máu
                               Đảng của ta sữa mẹ ngọt ngào
                               Nuôi anh sức sống dạt dào
                               Tung anh bay bổng trời cao chín tầng
                               Lúa hớn hở như mừng được nước
                               Nhà máy cao tưởng được thêm trời
                               Tiếng chim vang dậy núi đồi
                               Ngày xưa tiếng quạ nay trời phượng bay
                               Muôn. người góp một bàn tay .
                               Chim ơi! Chim quyết phanh thây quân thù
                               - Mẹ ơi con mẹ xin thề
                               Một đi quyết thắng, một về chiến công.

        Bài thơ không hay, nhưng lúc đó gợi cho người trong cuộc những tình cảm rất đẹp.

        Xưa ta chưa có không quân, chưa có mặt trận trên không. Máy bay quân thù làm chủ bầu trời, chúng là những bầy quạ đen báo hiệu chết chóc. Nay nhờ có Đảng, có dân nuôi dưỡng, ta có không quân, có phượng hoàng bảo vệ bầu trời. Dân quê phấn khởi làm ăn, nhìn lên trời như lúa mừng được nước, nhà máy nhả khói vươn cao như tưởng được thêm trời.

        Với sự yêu mến, nuôi dưỡng và tin tưởng của Đảng, của dân, chim phượng hoàng phải quyết phanh thây quân thù, và không quân dã hứa: Một đi quyết thắng, một về chiến công.

        Tôi ghi lại trang nhật ký này để nhớ về một thời đã cùng xây dựng và chiến đấu trong hàng ngũ Không quân anh hùng của chúng ta.

TP Hồ Chí Minh, 12-2004.        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 08:23:27 am »

       
TÔI ĐUỢC CHỤP ẢNH BÁC HỒ

TRẦN DUY HỢI       

         Cách đây 20 năm, một người bạn đến chơi nói: "Tôi chưa thấy một tấm ảnh nào to trên 20m2 như vậy, . . . mà lại là tấm ảnh ông chụp".

        Tôi đến Bảo tàng Không quân, sửng sờ bởi tấm ảnh tôi chụp Bác Hồ, đồng chí Lê Quẩn, đồng chí Trường Chinh đến thăm Đoàn không quân Sao Đỏ được phóng to treo trang trọng ở tiền sảnh bảo tàng.

        Sáng 9-11-1964, tôi đang biên tập bài của một cộng tác viên, thì đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng PK-KQ đến gọi tôi "Có công tác đột xuất, đồng chí mang máy ảnh ra xe đi với tôi ngay".

        Tôi lên xe, Chính ủy xiết chặt tay tôi và nói: "Lên sân bay Nội Bài viết bài và chụp ảnh Bác Hồ".

        Tôi sung sướng, hồi hộp, lo âu. Sung sướng vì được đứng gần ngắm bác. Cũng như năm 1960, Bác lên thăm đồng bào Lạng Sơn, buổi chiều cùng ngày Bác đến sân bay Mai Pha để trở về Hà Nội. Tôi đứng nghiêm báo cáo và mời Bác lên máy bay. Được đi bên Bác, Bác hỏi:

        - Các chú có khỏe không?

        - Các chú tăng gia được nhiều không?

        Đối với đời tôi lần này thật bất ngờ và vinh dự.

        Tôi lo nhiều, vì tôi không phải là phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chiếc máy ảnh Exa cũ kỹ, hay hỏng hóc, làm sao chụp được tấm ảnh đẹp trong sự kiện lịch sử hiếm có này. Đây là lần Bác Hồ đến thăm Đoàn không quân Sao Đỏ mới ở Trung Quốc về nước sau ngày 5-8-1964 - ngày đế quốc Mỹ mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Làm sao hoàn thành trách nhiệm mà Chính ủy Quân chủng giao cho.

        Tôi cố bình tĩnh, mở máy ra, lắp phim, thử đi thử lại xem có tuột không. Vặn phim thấy nặng tay, hai trục quay đều, máy chạy tốt, song lòng tôi vẫn nôn nao lo lắng - xen lẫn niềm vui.

        Tôi phòng giao ban của đoàn bay, tất cả cán bộ đã có mặt đông đủ. Đồng chí Đặng Tính nói: “Hôm nay, một vinh dự rất to lớn đối với chúng ta, được Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ lên thăm đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta. . .". Mọi người im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Nét mặt mọi cán bộ rạng rỡ, sung sướng, một không khí náo nức lạ thường.

        12 giờ 30 phút đồng chí Vinh - Chủ nhiệm chính trị đưa tôi ra tuyến trực chiến mà bộ đội đang chấn chỉnh hàng ngũ.

        13 giờ một đoàn xe từ cuối đường băng chạy lại, dừng bánh trước hàng quân. Bác Hồ ung dung bước xuống. Cả đoàn người lay động. Tiếng hô "Bác Hồ muôn năm" vang một góc trời.

        Đồng chí Đặng Tính mời Bác và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vào căn nhà rộng nhưng đơn sơ bằng cót tre nứa lá được gọi là xưởng bảo dưỡng định kỳ, nơi sửa chửa máy bay MIG-17 ở sân bay Nội Bài lúc bấy giờ.

        Tôi đứng ngắm, tìm góc độ, nhưng không được, vì trong nhà thiếu ánh sáng, máy lại không có đèn.

        Với giọng nói ấm áp, Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ thăm hỏi và khen ngợi đơn vị trong công tác huấn luyện và xây dựng. Bác kể: "Vừa qua quân dân miền Nam đã mưu trí dũng cảm phá hủy 29 máy bay ở sân bay Biên Hòa và làm chết 40 tên xâm lược Mỹ và 72 tên khác bị thương". Bác nhấn mạnh: "Các chú phải học tập quân giải phóng miền Nam, phát huy lối đánh gần, bám thắt lưng địch mà đánh"; sau đó Bác vui vẻ nói: "Các chú phải làm thế nào chứ không anh em trong kia đánh hết máy bay địch thì không còn máy bay nữa mà đánh". Cả khối bộ đội cười vang, đồng thanh hô: "Quyết tâm, quyết tâm".

        Lời dạy của Bác đã trở thành phương châm tư tưởng tác chiến của Không quân nhân dân Việt Nam sau này.

        Sau khi đồng chí Lê Quẩn nói chuyện, đồng chí Đặng Tính đáp lễ: "Thưa Bác, bộ đội ở nước ngoài mới về mong được nhìn thấy Bác thật gần". Bác gật đầu cười vui Bác hồng hào, khỏe mạnh, nhanh nhẹn bước ra đến sát đàn con cháu. Ôi Bác giản dị quá, với bộ ka ki bạc màu, bên trong là áo sơ mi màu gụ với chiếc thắt lưng da bộ đội. Từng lớp từng lớp người chuyển động. Ai cũng muốn được gần bác nhưng cả đơn vị vẫn giữ nghiêm hàng ngũ, hàng trước ngồi xuống nền xi măng, hàng sau đứng lom khom, hàng sau nữa đứng thẳng. Bác bước đến đâu, tiếng vỗ tay, tiếng hô " Bác Hồ muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm" vang lên ở đó, có đồng chí còn sung sướng nhảy lên vỗ tay.

        Tôi chạy lên phía trước. Bầu trời mùa thu trong veo nắng nhẹ. Có những áng mây trắng lơ lửng trôi.

        Bác như một ông Tiên trong truyện thần thoại, đi đến đâu mang lại điền tốt lành tới đó. Phải chụp hất lên để lấy cả một khoảng trời xanh . . . Chưa đủ, Bác phải có quần chúng đông đảo vây quanh.

        Tôi chỉnh lại góc độ, đưa cả khối bộ đội vào ống kính, khoảng cách quá gần, bởi Bác bước nhanh, tay phải Bác cầm chiếc mũ bộ đội giơ cao vẫy vẫy đáp lại những tiếng hô vang của bộ đội. Tôi cứ để góc độ máy mà lùi từng bước. Một điều gay go là khi giật lùi rất dễ đổ khuôn hình. Bác vẫn nhanh nhẹn bước đi sau là đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Đặng Tính, cự ly còn độ 2m, tôi vội bấm liền 2 kiểu.

        Tối hôm đó, tôi vào buồng tối pha thuốc tráng phim, tính thời gian cẩn thận, song vẫn lo lắng. Tôi nín thở lấy cuốn phim ra. Không tin vào mắt mình, nỗi lo tan biến. Phim đẹp, vượt quá điều mong ước của người cầm máy ảnh chưa chắc như tôi.

        Đợi phim khô, tôi cặm cụi phóng một số ảnh, mà lòng tôi trào lên niềm sung sướng. Sáng hôm sau, tôi mang mấy tấm ảnh lên báo cáo Chính ủy Đặng Tính. Đồng chí ngắm mãi tấm ảnh Bác đứng trước khối quần chúng nổi bật trên nền trời xanh, hai tay ôm chặt lấy tôi: "Hình ảnh Bác cao lồng lộng, nét mặt đôn hậu, vui tươi, gần gũi, Bác ung dung thư thái, tiến bước, phía sau có đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh đang bước theo... tấm ảnh này thật là vô giá" .

        Đồng chí rút luôn chiếc bút máy Paker đang gài ở túi ra tặng tôi. Tôi sướng quá vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ và cảm động nhận món quà đầy ý nghĩa của Anh Cả lượng lượng Phòng không - Không quân.

Hà Nội 6-2004.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 08:28:46 am »

          
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG KHÔNG QUÂN Ở VIỆT NAM

TRẦN VINH KHÂM                        
Chánh văn phòng Cụm cảng HK Miền Nam        

        Không quân nhân dân Việt Nam là một bộ phận cấu thành của Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và sáng lập trong những điều kiện đặc thù của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu của cách mạng và quy luật của cuộc đấu tranh vũ trang hiện đại.

        Sự trưởng thành của bộ dội Không quân trong chiến đấu và xây dựng luôn gắn liền với vai trò giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo và dìu dắt trực tiếp của Người, bộ đội Không quân đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn tương ứng với quá trình đi lên của cách mạng. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng  Không quân nhân dân Việt Nam là một nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đồng thời là quá trình Người đi đến với học thuyết quân sự Mác-xít và trở thành người Việt Nam đầu tiên tiếp thu học thuyết quân sự của giai cấp vô sản. Cuối năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) theo quyết định của Quốc tế cộng sản nhẰm chuẩn bị các mặt để tiến tới thành lập một Đảng cộng sản ở Đông Dương: Ngày 11 tháng 11 năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Quảng Châu với tên mới: Lý Thụy. Tại đây, nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong kế hoạch hoạt động của mình là đào tạo những thanh niên Việt Nam xuất dương thành những cán bộ chính trị, quân sự cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên liên hệ và chỉ đạo việc giáo dục đối với các học viên Việt Nam đang theo học ở trường quân chính Hoàng Phố. Đồng thời, Người còn mời những giảng viên Liên Xô đang công tác ở trường, trong số đó có các tướng lĩnh nổi tiếng, các anh hùng thời nội chiến như: V.C. Liu Khin, P.A Pháp Lốp, M.V Cui bư sép đến giảng bài cho những học viên theo học các khóa huấn luyện chính trị do Người tổ chức.

        Có thể nói, tư tưởng xây dựng một quân đội cách mạng theo mô hình hồng quân Liên Xô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ và chuẩn bị từ những năm tháng hoạt động này. Đồng chí Lê Thiết Hùng - một trong những học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ này, nhớ lại: "Trong quá trình bồi dưỡng huấn luyện chúng tôi, đồng chí Lý Thụy đã cân nhắc tình hình, sở trường, sở đoản của từng người để bồi dưỡng, giáo dục, giao việc . . . Có đồng chí được cử về nước hoạt động ngay. Có đồng chí như anh Lê Hồng Phong sau khi tốt nghiệp ở Hoàng Phố được gửi đi Liên Xô tiếp”. [Lê Thiết Hùng: Tôi được làm nguời học trò nhỏ của Bác, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 7.1986, tr.77]

        Được chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu và bố trí, đồng chí Lê Hồng Phong đã vào học tại Trường huấn luyện Không quân Bô-rít-xơ Glép-xeai-a. Tháng 7 năm 1929 - đúng ngày hội truyền thống của Không quân nước Nga, Lê Hồng Phong được chuyển về Trường đại học Phương Đông và trở thành người chiến sĩ Không quân Việt Nam đầu tiên[Chu Trọng Huyến: Người chiến sĩ Không quân đầu tiên, Báo QDND số8504 ngày 3-2-1985]. Tuy đất nước chưa có điều kiện để Lê Hồng Phong thực hiện công việc của một sĩ quan không quân nhưng việc đào tạo anh đã chứng tỏ một quyết tâm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị để xây dựng một quân đội cách mạng ở Việt Nam có đủ các thành phần như quân đội Xô-viết.

        Đường lối tổ chức lực lượng vũ trang theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa trên cơ sở phát triển lực lượng vũ trang quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp để xây dựng quân đội nhân dân đủ các thành phần quân, binh chủng và tiến dần lên chính quy hiện đại. Vì lẽ đó, bên cạnh lục quân, chúng ta đã khẩn trương xây dựng, thành lập các đơn vị kỹ thuật như công binh, pháo binh. . . và đến ngày 9-3- 1949, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định thành lập Ban nghiên cứu Không quân, đồng chí Hà Đổng được chỉ định làm Trưởng ban.

        Gần 100 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị về tập trung nghiên cứu lý thuyết cơ bản của ngành Hàng không. Cơ sở để học tập là hai chiếc máy bay ta tịch thu của chính quyền bù nhìn Bảo Đại ngày cách mạng tháng Tám thành công. Một chiếc kiểu Morane, một chiếc kiểu Tiger Moth. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, hai chiếc máy bay này đã được công phu đưa từ Huế ra và tiếp đó được đưa lên Việt Bắc cùng với chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Ủng hộ chủ trương xây dựng lực lượng không quân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp các chiến trường lúc đó, từ Việt Bắc đến Nam Bộ mỗi khi bắn rơi máy bay địch hay thu thập được những tài liệu có liên quan đến ngành Hàng không, các địa phương, các đơn vị đã gửi về cho lớp học. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Ban nghiên cứu Không quân đã mở đầu thắng lợi cuộc tấn công lên bầu trời. Một buổi chiều cuối năm 1949 từ bãi Soi Đúng, bên bờ sông Gâm, phía dưới Chiêm Hóa chừng 3.000 m, chiếc máy bay Tiger Moth sơn phù hiệu nền tròn đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh - hình cờ của Tổ quốc, đã vút lên bầu trời như một chiến công thần thoại.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2016, 05:57:29 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:07:19 pm »


        Ban nghiên cứu Không quân ra đời, đã đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình xây dựng Quân chủng Không quân chính quy hiện đại của Quân đội nhân dân ta sau này.

        Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, một bộ phận của quân đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bao gồm cả sân bay Gia Lâm.

        Trong đoàn cán bộ tiếp quản sân bay Gia Lâm, mới đầu chỉ có 3 người chuyên về ngành Hàng không, bộ phận này có nhiệm vụ tiếp quản, giữ gìn sân bay và bảo đảm điều kiện cho ủy ban quốc tế tiếp tục hoạt động. Dẫu bận trăm công nghìn việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, động viên các cán bộ tiếp quản và cho những chỉ thị quý báu. Một buổi chiều của tháng 12 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mời một số cán bộ tiếp quản và các chuyên gia lên gặp Người ở Phủ Chủ tịch. Trong không khí thân mật, đầm ấm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và căn dặn mọi người phải cố gắng nhanh chóng đảm nhiệm công việc để sớm thay thế các chuyên gia.

        Được sự cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-1-1955 ta đã hoàn thành làm chủ sân bay Gia lâm – đúng ngày nhân dân Hà Nội tưng bừng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ ñoâ

        Trong buổi nói chuyện với các đơn vị tham gia duyệt binh ở Hà Nội ngày 1 -1-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. . . Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội lên chính quy. Với cố gắng của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ tổng Tư lệnh và của các cô các chú, bộ đội ta nhất định đi tốt đến chính quy" [Hồ Chí Minh: Chiến tranh... Sđd, tr.352]

        Quán triệt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ sau 3 tháng chính thức tiếp quản sân bay Gia Lâm, tháng 3- 1955 Tổng Quân ủy đã ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu sân bay với nhiệm vụ: Điều hành hoạt động các sân bay, quản lý không phận, tổ chức chỉ huy các máy bay quốc tế cất hạ cánh an toàn, chuẩn bị cơ sở vật chất, tuyển chọn đào tạo cán bộ ở cả trong và ngoài nước, làm cơ sở ban đầu để xây dựng lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.

        - Ngày 21-4-1958, Đại hội đại biểu Đảng bộ Ban nghiên cứu sân bay lần thứ nhất ở sân bay Gia Lâm.

        - Ngày 24-1- 1959 Bộ Quốc phòng nghị định số 319/ND thành lập Cục Không quân, do đồng chí Đặng Tính làm Cục trưởng, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy. Sự thành lập Cục Không quân đã đánh dấu bước phát triển mới của Không quân Việt Nam.

        - Ngày 1-5-1959, tại sân bay Gia Lâm, trung đoàn không quân vận tải đầu tiên của ta đã ra đời. [Trung đoàn không quân vận tải đầu tiên chính là trung đoàn 919 - Đoàn bay 919 hiện nay của HKVN]

        - Ngày 31-5-1959 tại sân bay Cát Bi, lớp huấn luyện phi công trong nước đầu tiên đã khai giảng có 30 học viên.

        Tháng 10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Đại hội tổng kết thi đua lần thứ nhất của Cục Không quân, sau đó, tháng 12-1960, Người đến thăm và chụp ảnh chung với cán bộ, chiến sĩ của Cục trên sân bay Gia Lâm.

         Mùa xuân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tự tay viết thư khen cán bộ, chiến sĩ của Cục Không quân. Thay mặt Trung ương, Người biểu dương bộ đội Không quân có nhiều tiến bộ trên các mặt: "Phát triển và củng cố chi bộ Đảng, công tác dân vận; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học chính trị và kỹ thuật". [Tập ảnh: Không quân nhân dân Việt Nam, Quân chủng Không quân, H.1980, tr,25]

        Trước âm mưu và hành động khiêu khích của đế quốc Mỹ, để tăng cường khả năng bảo vệ miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ tư lệnh cũng chú trọng sớm xây dựng lực lượng không quân tiêm kích. Ngay từ năm 1956, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Cục Không quân đã cử nhiều đoàn học viên ra nước ngoài học tập để tiến tới xây dựng lực lượng riêng. Sau 8 năm trời gian khổ, phấn đấu, ngày 3-2- 1964, trung đoàn không quân phản lực đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được thành lập. Sự kiện này đã đánh dấu một bước trưởng thành trong lịch sử xây dựng bộ đội Không quân nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung, tạo nên bước nhảy vọt về sức chiến đấu của quân đội.

        Sự xuất hiện của các tổ chức và các đơn vị không quân bao gồm các loại vận tải, tiêm kích, nhà trường huấn luyện, các cơ sở sân bay, kho, xưởng... cùng với việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ, từ các đơn vị chiến đấu về xây dựng các cơ quan, đơn vị không quân ở trong nước và gửi đi đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh .

        Từ chỗ sớm nhìn thấy vai trò của không quân, có ý định xây dựng không quân đến quyết tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng không quân một cách hoàn chỉnh, cân đối và đồng bộ - đó là những mắt/ khâu quan trọng, nhất quán trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của công cuộc bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và giúp đỡ cách mạng các nước anh em trên báo đảo Đông Dương.

        Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể mà tư tưởng xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được khẳng định, củng cố thành một quyết tâm lớn xuyên suốt trong quá trình hoạt động quân sự của Người. Và tư tưởng đó cũng sớm được Đảng, nhân dân, Quân đội ta từng bước thực hiện, biến thành hiện thực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2016, 10:12:08 pm »

       
NGƯỜI PHI CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

        Lê Hồng Phong (1902 - 1942), là người con của đất Hưng Nguyên - Nghệ An. ông là một trong những người thuộc thế hệ các nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên được đào tạo có hệ thống tại Trường đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va của Quốc tế Cộng sản, là người tham gia soạn thảo bản Chương trình hành động Đảng Cộng sản Đông Dương khi cách mạng thoái trào và một trong những lãnh tụ kiệt xuất của Đảng Cộng sản Đông Dương.

        Tuy nhiên, chúng ta còn ít được biết đến sự nghiệp quân sự của Lê Hồng Phong, mà mới chỉ biết ông đã từng học ở Trường quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc) và sau đó được Nguyễn ái Quốc giới thiệu sang Liên Xô học lái máy bay và trở thành chiến sĩ không quân đầu tiên người Việt Nam tham gia lực lượng vũ trang Xô-viết. . : Câu chuyện trở thành người phi công cách mạng Việt Nam đầu tiên của ông đầy hấp dẫn.

        Năm 1985, nhà sử học trẻ Xô-viết Cô bê lép, tác giả cuốn "Đồng chí Hồ Chí Minh" quen thuộc với bạn đọc Việt Nam đã công bố một số tư liệu mới về Lê Hồng Phong, trong bài viết Lê Hồng Phong- gió đỏ, tác giả cho ta biết thêm những chi tiết thú vị. Khi vào học Trường Hàng không Bôritxgolepxco ở Lêningrat (nay là Xanhpêtécbua), Lê Hồng Phong được hướng dẫn làm lại lý lịch. ông mang tên Litvinốp, gốc người Trung á, con một gia đình nông dân nghèo và đã tốt nghiệp Trường Hàng không với cái tên ấy.Điều kiện tư liệu ngày nay đã cho phép chúng ta phục hiện lại những trang đời đẹp đẽ đó của Lê Hồng Phong. Tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, thuộc lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những tư liệu rất quý về đoạn đời này của ông.

        Trong tập hồ sơ mang ký hiệu 495-201-46 của lưu trữ Quốc tế Cộng sản, tài liệu cá nhân về Lê Hồng Phong có nhiều điểm cụ thể hơn. Trong tập hồ sơ này, có tiểu sử (tự khai) của Lê Hồng Phong bằng tiếng Nga, 2 trang khổ lớn, phía trên trang đầu có tên Lít-vi-nốp, cả chữ ký rõ ràng đề ngày 25-7-1929. Xin dịch từ nguyên bản đoạn quan trọng dưới đây:

        " Sau khi tốt nghiệp Trường Hoàng Phô, tôi đã thi vào Trường Hàng không ở Quảng Châu vì tôi cũng đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (10-2-1926). Tháng 10-1926, tôi đến Liên Xô theo quyết đinh công tác của chính quyền Quảng Châu và của ủy ban Quân sự Cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi đã chuyển quyết định đó cho đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Mát-xcơ-va. Tôi đã thi vào Trường Hàng không quân sự B.B. C ở Lêningrat. Người ta đã chuyển ngay tôi vào năm thứ II Trường đào tạo quân sự ở thành phố nhỏ Bôritxgolepxco. Nhưng tôi chưa thể tốt nghiệp trường này thì có quyết định chuyển về Trường đại học Phương Đông...
Ngày 25- 7- 1929       
Lít-vi-nốp "             

        Những dòng chữ quý báu này cho chúng ta thấy rõ hơn, chính xác hơn về sự nghiệp quân sự của Lê HồngPhong. ở trường đào tạo phi công, ông là một người thông minh, có năng khiếu quân sự. ông đã học kỹ về lý thuyết và thực hiện tốt đẹp nhiều chuyến bay tập trên bầu trời nước Nga Xô-viết (có tài liệu đã ghi ông được mang quân hàm trung tá không quân Liên Xô) .

        Lê Hồng Phong ngay từ lúc ở Quảng Châu đã là một trong những nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam đầu tiên được trang bị khoa học quân sự cách mạng có hệ thống nhất. Rất tiếc, do yêu cầu của cách mạng, Lê Hồng Phong phải "bỏ nghề” phi công. Và nữa, Lê Hồng Phong không kịp thực hiện được ước mơ của mình khi còn là học viên của Trường Không quân là lướt trên bầu trời quê hương tự do. Nhưng Lê Hồng Phong vẫn xứng đáng là chiến sĩ Không quân Việt Nam đầu tiên và cũng là chiến sĩ quốc tế của Việt Nam đầu tiên có mặt trong hàng ngũ quân đội Xô-viết trước khi thành Nhà Cách mạng Quốc tế chuyên nghiệp. Lê Hồng Phong cũng xứng đáng là người anh cả của Không quân Việt Nam.

        (Trích theo: Lê Hồng Phong Người Cộng sản kiên cường).
Bài viết trích theo Đoàn bay 919 - 45 năm xây dựng và trưởng thành.

Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM