Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:22:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam  (Đọc 30186 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:23:09 pm »


        Đột phá đã mở. Các chiếc sau theo sự chỉ dẫn của Mua, từ trên cao nối nhau lần lượt hạ cánh. Cả đại đội tinh nhuệ của ta được đổ xuống toả ra an toàn và cũng tới lúc này những làn đạn của địch nhằm vào tốp máy bay của Mua thưa dần rồi tắt hẳn.        Một giờ sau khi Mua đã dẫn cả tốp 5 chiếc máy bay quay về, gần tới sân bay với đôi cánh và tâm hồn lâng lâng thì ở đây các chiến sĩ tinh nhuệ đã gặp được hết những đồng đội bị bao vây. Họ ôm chầm lấy nhau giàn giụa nước mắt cùng hướng cả về phương trời, nơi những chiếc trực thăng vừa bay đi.

         Nguyễn Thanh Mua cùng các đồng chí phi công trong tốp trực thăng chiến đấu của anh hôm ấy không thể thấy được những giọt nước mắt xúc động và sung sướng của các chiến sĩ bộ binh ta khi ấy. Cũng như lúc này, các anh không có may mắn được ngồi ở đây để nghe những lời ngợi khen chân thành của đồng chí Tư lệnh Mặt trận về các anh. Tình cảm nồng nhiệt cùng với những lời khen chân thành ấy như nâng cánh thêm cho chúng tôi từ Stungtreng bay về vùng trời Xiêm Riệp -Nơi có bản doanh của Mặt trận 479.

        Ở Mặt trận 479 này, các đồng chí lãnh đạo chỉ huy đang chia nhau đi kiểm tra các đơn vị nên chúng tôi không được gặp mặt, tiếp kiến. Nhưng chỉ một giờ sau, đồng chí Thiếu tướng Lê Chí Thuận - Phó tư lệnh mặt trận đã ra tận nhà ga sân bay Xiêm Riệp - Nơi ở của đơn vị căn cứ không quân do Trần Quốc Bình và Nguyễn Đăng Hiên phụ trách trực tiếp làm việc với đoàn chúng tôi.

        Cũng như các đồng chí ở Mặt trận 579, Thiếu tướng Lê Chí Thuận đã tỏ ra rất vui mừng được gặp toàn đại diện của không quân để chuyển lời cảm ơn của cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận về Bộ Tư lệnh Quân chủng và cũng chân tình khen ngợi các chiến sĩ không quân ta, trong 10 năm qua đã hiệp đồng chặt chẽ, nhiều lần cứu nguy cho các đơn vị của Mặt trận, góp phần quan trọngvào các chiến công của Mặt trận trên đất nước Chùa Tháp anh em. Còn mọi việc hiệp đồng giữa mặt trận với không quân trong đợt cuối cùng rút quân cũng đã diễn ra rất nhanh gọn thân tình qua Thiếu tướng Phó Tư lệnh với đại tá Đinh Văn Bồng.

        Khi chúng tôi vừa tiễn đồng chí Phó Tư lệnh ra về thì đồng chí Thiếu tướng Tư lệnh Khiếu Anh Lân lại gọi điện đến. Anh Khiếu Anh Lân vốn là một trong những cán bộ đầu tiên của không quân ta cho nên anh đã tỏ ra rất tiếc không gặp mặt được những người anh em, đồng đội mà với anh đã một thời cùng nhau hợp sức xây dựng, chiến đấu trên những cánh bay. Và biết rằng tất cả mọi việc kể cả chuyển lời cảm ơn của mặt trận đến với bộ đội không quân ta, đồng chí phó tư lệnh của mình đã xử sự chu tất, anh vẫn nhắc lại. Nhắc lại không chỉ với cương vị Tư lệnh Mặt trận mà cả với niềm tự hào của một cựu chiến sĩ không quân đối với Quân chủng Không quân về những chiến công và hành động quên mình của "Không quân nhà mình" ở trên đất bạn Cam-pu-chia...

        Buông ống nghe xuống, gương mặt đại tá Bồng vẫn chưa hết xúc động khi anh kể lại với tôi về tình cảm nồng nhiệt đó của Tư lệnh Khiếu Anh Lân. Lúc này hai chúng tôi càng hiểu rằng vì sao đồng chí Tư lệnh Mặt trận 479 vốn là cựu hiệu trưởng của Trường Không quân ta lại dốc bầu tâm huyết như vậy. Bởi cán bộ, chiến sĩ trong Mặt trận 479 của anh đã không ít những kỷ niệm sâu sắc về sự gắn bó, thân thương với các chiến sĩ không quân ta. Đã có tới gần 1 ngàn thương binh khó sống nổi nếu không được có cánh bay của ta đi để được cứu chữa kịp thời. Và như tướng Lân đã nói với đại tá Bồng là đã không thể kể hết được những chuyện "suốt đời không quên" về những trận đánh được "không quân nhà ta" yểm trợ, những lần được tiếp tế, giải vây trong các tình thế rất nguy nan, ngàn cân treo sợi tóc.

        Ở sân bay Xiêm Riệp, khi mọi việc kiểm tra của phó sư đoàn trưởng đã hoàn tất, chiếc trực thăng do tổ lái của Nguyễn Minh Tuấn điều khiển lại nâng mình lên ở đường băng tiếp tục cuộc hành trình để lại dưới tầm mắt chúng tôi là một bức tranh phong cảnh trầm mặc, cổ kính, thơ mộng, bao la mà tuyệt trần hơn cả là hai đền ăngcothom, ăngcovát, nơi vừa ghi dấu ấn trong tôi về một nền văn hoá ăngco huy hoàng, nơi mà chắc chắn không lâu nữa sẽ thu hút, hội tụ mỗi năm tới hàng ngàn du khách từ bốn phương trời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:24:25 pm »


        Trên đường trở về Phnômpênh, chúng tôi dừng lại ở doanh trại của bộ đội Phòng không - Không quân Cam-pu-chia để chào, chia tay các bạn Khơ-me cùng nhiệm vụ bảo vệ bầu trời.

        Đồng chí Phan Nguôn, Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân của bạn là một phi công to cao, tráng kiện, phong cách đĩnh đạc, cởi mở và còn rất trẻ. Anh nói chuyện bằng tiếng Việt rất thạo, và trò chuyện tiếp chúng tôi vui vẻ, thân tình, đúng như anh em trong nhà. Ở anh, cụm từ "nhờ có các bạn Việt Nam" gần như đã là chủ ngữ mỗi khi nhắc đến các chuyện, các sự kiện của đất nước Chùa Tháp và của các đơn vị thuộc các đơn vị bộ đội Phòng không - Không quân của mình. Phan Nguôn đã thoát khỏi bị những nhát cuốc của bọn PônPốt bổ vào đầu bởi anh đã nhanh trí tìm cách trốn thoát khi chúng đưa anh cùng một số người trong buôn mà chúng gọi là tư sản, tiểu tư sản, trí thức, là phần tử chống đối, "tay chân" của hoàng tộc... đi hành hình, bên một hố chôn người tập thể đã đào sẵn rất sơ sài, nhưng lại nói dối trá là "đi lao động".

        Cũng như anh, hầu hết các phi công trong trungđoàn không quân tiêm kích thuộc quyền anh mà chúng tôi đang gặp gỡ lúc này ngày ấy đều đã tinh khôn, tỉnh táo tìm cách trốn thoát được như anh, hoặc được bộ độiViệt Nam kịp thời cứu sống. Trong họ, theo như Phan Nguôn nói: "Không một ai không có những người thân bị bọn diệt chủng Pôn Pốt giết chết rất thảm thương, man rợ bằng dao, bằng cuốc, bằng vồ. Nhiều anh em hiện giờ chỉ còn độc thân sống sót. Cha mẹ, anh chị em ruột thịt của các bạn đó chỉ còn trong hình ảnh tưởng tượng, còn hài cốt đều đang ẩn lẫn trong các kênh mương, kho xương người Khơ-me được moi lên từ các hố chôn người tập thể, các ao, hồ để làm chứng tích cho tội ác diệt chủng cực kỳ ghê tởm của bọn Pôn Pốt".

        Tôi xiết chặt tay lời nói chân thành rất tri ân này của anh và tôi định nói thêm: "Đâu phải Pôn Pốt chỉ có tội ác diệt chủng với đồng bào của y mà cùng thời điểm đó, chúng đã khơi lên hận thù, bất ngờ tiến công trên toàn tuyến biên giới hai nước, giết hại và bắt bớ đưa đi thủ tiêu hết sức dã man hơn 30 ngàn người cùng hàng ngàn trường học, bệnh viện, chùa chiền... của Việt Nam do chúng tàn phá mà mãi mãi còn để lại thảm cảnh như thảm cảnh làng Samát. Tội ác đời đời còn nguyền rủa của bọn Pôn Pốt chắc bạn cũng không quên?". Nhưng tôi đã kịp dừng lại, bởi nghĩ rằng, với một người Cam-pu-chia chân chính, như Át xa rông này, tôi không cần phải nói, anh cũng thấm hiểu sâu sắc.

        Đoán định ấy đã được thể hiện rõ ngay khi các đồng đội của anh trong đoàn phi công tiêm kích lưu luyến chia tay chúng tôi. Đã cảm động trước nghĩa tình cùng làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời của hai nước hai anh em khi ấy, chúng tôi lại làm xúc động và trào lên nồng nàn hơn trong buổi nhân dân Phnômpênh và các chiến sĩ không quân Cam-pu-chia chia tay, tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 901 của không quân ta trở về Tổ quốc. Những vòng hoa thắm sắc tấm lòng Cam-pu-chia quàng kín lên người Nguyễn Văn Đức, Phạm Mạnh Phương và cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã hoà cùng vào  với nước mắt xúc động, lưu luyến của những bà mẹ,cô gái và những chiến sĩ phòng không - không quân Cam-pu-chia.

        Đồng chí Phan Nguôn đã bao lần nói về tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng của nhân dân, quân đội, đặc biệt là của lực lượng phòng không - không quân của mình đối với Quân tình nguyện Việt Nam, với riêng bộ đội Không quân Việt Nam, nhưng chưa lần nào xúc động như lần này.

Phnômpênh và Hà Nội, tháng 9-1989.       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:25:52 pm »

          
VÀI Ý NGHĨ VỀ ĐOÀN YÊN THẾ

Đại tá LƯU HUY CHAO                                      
Anh hùng LLVTND - Nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn không quân 923

Yên Thế, địa danh từ lâu,
Cụ Hoàng Hoa Thám, dẫn đầu đánh Tây.   
Chúng ta, về vùng đất này,
Lấy tên lịch sử, dựng xây trung đoàn.
Qua bao vất vả gian nan,   
Giờ ngồi nghĩ lại, hai hàng lệ rơi.
Cả dưới đất, lẫn trên trời,
Cùng nhau sống chết, tại nơi phi trường.
Lời nào, nói hết tình thương,
Nhường hầm cho bạn, coi thường hiểm nguy.
Người lái chưa cất cánh đi,
Bao người vẫn đứng, sợ gì bom rơi.
Mũ bạn, che nắng cho tôi
Cơm dẻo canh nóng, xin mời ăn đi.   
Các cô, đứng đó làm chi,
Vào hầm để chúng tôi đi bây giờ.
Câu nói, thốt ra bất ngờ,
Mọi người vẫn đứng, đợi chờ chúng tôi.
Các anh, chưa bay lên trời,
Chúng em đâu dám về nơi an toàn.
Thật là quả cảm, hiên ngang,
Qua thử lửa mới biết vàng hay thau.
Có được, những trận thắng đầu,
Công lao dưới đất, biển đâu sánh bằng.
Bay lên, chúng tôi nghĩ rằng,
Có đi vào cõi vĩnh hằng đương nhiên.
Để lại, bao nỗi ưu phiền,
Tiếng loa khắc khoải, triền miên buồn rầu.
Mọi người, đứng lặng nhìn nhau,
Cùng một ý nghĩ, còn đâu mà tìm.
Dù cho tăm cá, bóng chim,
Ngồi đây chẳng lẽ, không tìm hay sao?
Người người, ruột xót như bào,
Cơm nguội, canh lạnh, nuốt vào làm chi.
Thẫn thờ, từng bước lê đi,
Chung một ý nghĩ, còn gì nữa đâu.
Cảnh ấy tuy qua đã lâu,
Những người đang sống, dám đâu quên nào
Tan mây, trời lại đầy sao,
Qua cơn bi thảm, bước vào ngày vui.
Còn non, còn nước, còn người
Chỗ bạn để trống, chúng tôi thay vào.
Ai ai, cũng thấy tự hào,
Cùng đem trí sức bước vào dựng xây.
Đất nước, đã bao đổi thay,
Bóng hình các bạn, tim này giữ nguyên. 
Yên nghỉ, ở dưới cửu tuyền,
Xin đừng suy nghĩ, buồn phiền làm chi.
Chúng tôi, đang sống cần gì,
Xin bạn chỉ bảo, sẽ đi làm tròn.
Gan vàng, dạ sắt lòng son,
Đem đi đổi lấy, nước non quê nhà
Tô thắm, truyền thống đoàn ta,
Anh hùng hai chữ nghĩ mà vui thay.
Vẹn tròn, đất nước hôm nay,
Công lao Đảng Bác, trời mây nào bằng.
Tối trời, phải nhớ đến trăng,
No cơm ấm áo, hỡi rằng ở đâu.
Người người, nhớ kỹ trong đầu,
Nghĩa nhãn trung hiếu, là câu cổ truyền.
Vua Hùng, dựng nước thiên niên,
Con cháu giữ nước, lưu truyền đời sau.
Lúc sống, Bác dặn vài câu,
Vua Hùng dựng nước, đời sau giữ gìn.
Dựng nước, vất vả bách niên,
Giữ nước gian khổ mấy nghìn năm sau.
Lớp già, tóc bạc trên đầu,
Mắt mờ chân chậm, làm đâu được gì?
Con người sinh tử bất kỳ,
uTử’ từ già trẻ, ra đi nhẹ nhàng.
Được nhìn, đất nước vinh quang,
Cuộc sống giờ đã dễ dàng hơn xưa. 
Nhớ lúc, sớm nắng chiều mưa,
Bom rơi đạn nổ, như mưa trên đầu.
Ai ngờ, còn gặp lại nhau,
Vui mà để lại, vài câu tâm tình.
Ghi lòng, tạc dạ đinh ninh,
Trung đoàn Yên Thế, chúng mình còn đây.
Khắp cả Nam, Bắc, Đông, Tây
Dù người còn ở, hay nay đã về.
Cùng nhau, giữ trọn lời thề,
Lính đoàn Yên Thế không hề đổi thay.
Góp phần giữ nước non này,
Ngàn năm sau vẫn còn bay trên trời.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:32:17 pm »

                
VÙNG TRỜI NỖI NHỚ

DƯƠNG BÁ KHÁNG        
87 Trần Quốc Toản Q3 TP HCM

                                        Khi đất nước yên tiếng súng,
                                        Giã biệt nghề bay,
                                        Tôi khoác áo dân thường.
                                        Ra Bắc vào Nam,
                                        Bốn phương xuôi ngược.
                                        Đa Phúc - Nội Bài
                                        Gợi nhớ chiều nay.

                                        Đường băng cũ kia rồi!
                                        Đâu đài chỉ dẫn!
                                        Khu “E” xa 1
                                        Thấp thoáng áng mây chiều.

                                        Nhà trực chiến đây ư!
                                        Vui buồn bao kỷ niệm,
                                        Thắng bại đêm ngày,
                                        Lịch sử vẫn còn ghi.
                                        Những “Chú én”,
                                        Hiền lành bên ụ.
                                        Còn nhớ ta chăng,
                                        Người lính cũ năm nào.

                                        Chiều nay đẹp,
                                        “Chim ưng” nào trực hiến,
                                        Có rút ban2
                                        Bay chuyến đường dài.
                                        Hay không vực3,
                                        Giản đơn tại đỉnh.
                                        Rồi trở về,
                                        Hạ cánh trước hoàng hôn.

                                        Ôi! kỷ niệm.
                                        Những vùng trời quen thuộc. Những xóm làng,   ,
                                        Song núi đã nuôi tôi.
                                        Vất vả gian nan,
                                        Chiến đấu làm người!

                                        Vẫn thầm nhớ.
                                        Lần đầu xuất kích.
                                        Ngơ ngác nhìn trời,
                                        Lạc đội tìm nhau.
                                        Và những nỗi đau.
                                        Nghe bom rền Hà Nội.
                                        Cất cánh lệ trào,
                                        Tổ quốc không nguôi!
                                        Tiếng máy nổ,   
                                        Âm vang xao động.
                                        Ánh bạc vút lên.
                                        Trong sáng oai hùng,
                                        Năm tháng qua đi,
                                        Đâu dễ gì quên được!
                                        Đồng đội thân yêu,
                                        Vòng lượn - Cuộc đời!

                                        Chiều dần xuống,
                                        Sóc Sơn nhẹ khói.
                                        Vùng trời quen
                                        Đa Phúc sống trong tôi.


------------------
1. Khu “E”: Nơi phi công đoàn Sao Đỏ trú quân.
2. Rút ban: Bay hết giờ trực chiến buổi chiều.
3. Không vực: Là bay trên một khu vực quy định.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:43:23 pm »

                  
HÈ PHAN RANG 1975

KS. NGUYỄN VĂN SOẠN      
Cục Kỹ thuật Không quân        

Nhớ ngày hai tám tháng tư
Phan Rang trời nắng giữa trưa mùa hè
Đường không đường bộ ta về
Công việc chuẩn bị mọi bề đã xong
Sài Gòn cả nước đang mong
Vẫn còn chờ hướng trên không trận này.
Thời cơ sứ mệnh là đây
Năm “A ba bẩy” rẽ mây trên đường
Vẫy chào đồng đội quê hương
 Én bay vào tới chiến trường miền Đông
Sài Gòn chiều mới mưa xong
Kìa Tân Sơn Nhất đã trông rõ ràng.
Cắt bom làm giặc kinh hoàng
Trừ đi cái lũ bạo tàn hại dân
Đẹp sao chiến thắng không quản
Góp vào đại thắng mùa xuân huy hoàng
Chiều hè lại nhớ Phan Rang
Thắm tình đồng đội chứa chan ngọt bùi.

Cổ Loa 1999        



CÁNH BẠC

TRẦN ĐỨC ĐỆ        

                                 Thánh Gióng đánh thắng về trời
                                 Tấm gương lẫm liệt sáng ngòi non sông!
                                 Không quân Việt Nam anh hùng   
                                 Cưỡi đôi cánh bạc vẫy vùng dọc ngang
                                 Bảo vệ bờ cõi xóm làng
                                 Mài sắc ý chí sẵn sàng lập công
                                 Mỗi khi có giặc ngoại xâm
                                 Những đôi cánh bạc lửa lòng lên cao
                                 Bay lên lượn xuống bổ nhào
                                 Con ma, thần sấm “B”... nào cũng rơi
                                 Trên cao lửa đỏ rực tròi   
                                 Khói đen mặt đất mùi hôi xác thù!   
                                 Lửa lòng còn nóng mùa thu,   
                                 Lửa lòng hun đúc hận thù chiến tranh,
                                 Lửa lòng bốc cháy càng nhanh
                                 Khi Mỹ mở rộng chiến tranh bạo tàn.
                                 Đánh phá miền Bắc Việt Nam
                                 Trở về “đồ đá" của trang sử đầu.   
                                 Căm thù giặc Mỹ càng sâu   
                                 Ngọn cờ dân tộc giương cao trong lòng
                                 Việt Nam dân tộc anh hùng!
                                 Hậu phương tiền tuyến đã cùng đứng lên
                                 Chiến dịch mười hai ngày đêm
                                 Đánh không lực Mỹ một phen hãi hùng!
                                 Bê năm hai rụng như sung
                                 Một lũ giặc lái cùng vào “hotel”
                                 Vít đầu giặc xuống bùn đen
                                 Kết thúc chiến dịch “Điện Biên” trên trời!
                                 Vinh quang thay! Tổ quốc tôi.
                                 Nước Việt Nam lại sáng ngời năm châu!
                                 Tấm gương dám đánh giương cao
                                 Thắng Mỹ mạnh nhất năm châu biển, trời1
                                 Không quân anh dũng tuyệt vời!
                                 Góp vào đêm lửa sáng ngời chiến công!
                                 Không quân tuổi trẻ anh hùng!
                                 Dựng đài chiến thắng chín tầng trời mây
                                 Đền thờ Sóc Sơn đó,
                                 Tượng đài không quân đây
                                 Con ngựa sắt phun lửa
                                 Cánh bạc bay xé trời!

Ngày 5 tháng 7 năm 2002        

---------------
1, Lục, thuỷ, không quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2016, 10:49:10 pm »

 
“HỒI KÝ 50 NĂM KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM”

        *   Hồi ký gồm 62 nội dung (58 bài văn, 4 bài thơ) được xếp theo dòng lịch sử của KQNDVN:

        + Ban nghiên cứu Không quân (1949 - 1952) có 6 bài.
        + Tiếp quản sân bay Gia Lâm (1954 - 1955) có 6 bài.
        + Hoạt động không quân vận tải (1959 - 1964) có 10 bài.
        + Hoạt động không quân chiến đấu (1965 -1972) có 26 bài.
        + Hoạt động máy bay hệ II (chiến lợi phẩm 1975 - 1989) có 10 bài.
        + Và bài thơ về KQNDVN có 4 bài.

        Người viết:

        + 100% đã hoạt động trong KQNDVN.
        + 40% là phi công và kỹ thuật trên không.
        + 60% là đội ngũ phục vụ bay của các ngành.

        Nội dung viết theo các ngành nghề nghiệp vụ chủ yêu trong KQNDVN:

        + Bay, chiếm 50%,
        + Chỉ huy tham mưu, chiếm 25%.
        + Kỹ thuật, Hậu cần, chiếm 15%.
        + Các thành phần khác, chiếm 10%.

        Hồi ký đã nói về việc thật, người thật đang sống hoặc đã mất, trung thực, cảm xúc, tự hào đầy tình nghĩa gắn bó cùng đồng đội về một quá khứ đã phục vụ trong KQNDVN. Nhiều hồi ký cá nhân đã gắn những sự kiện xảy ra với những kết quả đạt được để khái quát thành những đường nét đặc trưng về: Nghệ thuật không chiên, cách phòng tránh, cách sử dụng trang bị kỹ thuật vũ khí hàng không, chứng minh những truyền thông bộ binh, như “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Lấy ít thắng nhiều”, “Lấy vũ khí địch đánh địch” được áp dụng vào chiến đấu của KQNDVN bằng những cách đánh của máy bay MiG-17, MiG-21, AN-2, UH-1...; cùng bao sáng tạo trong lắp ráp, sửa chữa máy bay, sửa gấp sân bay ngày đêm dưới bom đạn địch. Hồi ký được quy nạp từ nhiều việc thật, nhiều người thật, nhiều công tích của mọi ngành nghề vốn có suốt 50 năm tồn tại và phát triên KQNDVN trong chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới, mà hầu hết các bạn chiến đấu Không quân đã trực tiếp tham gia hoặc là nhân chứng của những sự kiện đó.

TỔNG HỢP VÀ BIÊN TẬP HỒI KÝ         
PGS. TS Kỹ thuật Hàng không      
Thiếu tướng Hồ Thanh Minh            

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM