Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 03:25:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người tìm chìa khóa vàng  (Đọc 19799 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 12:31:20 am »


        Tôi rất cám ơn ông về điều đó. Sau này, khi tôi lên cán bộ Sư đoàn phụ trách công tác huấn luyện, tôi đã tổ chức được cuộc chuyển sân (có lẽ là duy nhất thời đó và hình như cả bây giờ) cho các Trung đoàn của Sư đoàn cơ động đến các sân bay căn cứ của nhau đầy đủ trong vòng một ngày: Cùng lúc khi Trung đoàn ở Đa Phúc cất cánh lên Kép thì Trung đoàn ở Kép cất cánh lên Yên Bái và Yên Bái thì cất cánh về Đa Phúc. Sau khi tra nạp dầu liệu xong thì đồng loạt cất cánh tiếp, theo vòng xoay: Trung đoàn từ Đa Phúc lên Kép thì cất cánh đi Yên bái, Trung đoàn ở Kép lên Yên Bái thì cất cánh về Đa Phúc, Trung đoàn của Yên Bái về Đa Phúc thì cất cánh đi Kép. Rồi hạ cánh xong lại tra nạp dầu liệu và lại cất cánh, lần này thì nơi nào về đúng căn cứ nơi ấy: Trung đoàn căn cứ ở Kép hiện đang ở Đa Phúc thì cất cánh về Kép, Trung đoàn căn cứ ở Yên Bái hiện đang cơ động đến Kép thì cất cánh về Yên Bái và Trung đoàn căn cứ ở Đa Phúc hiện vừa hạ cánh ở Yên Bái xong thì cất cánh về Đa Phúc.

        Sau chuyến chuyển sân trong vòng một ngày ấy, các phi công của các Trung đoàn phấn chấn hẳn. Ngoài việc đến được các căn cứ chính của bạn, được tiếp đón nồng nhiệt, chân tình thì trình độ bay qua lần chuyển sân này nâng lên hẳn một bậc, “chắc tay lái” hơn hẳn. Giả dụ, sau này lỡ có việc gì phải chuyển đi các sân bay dự bị thì cũng yên tâm hơn nhiều.

        Tôi cũng là người “cưỡi” trên máy bay chiến đấu, bay đến các Trung đoàn, rồi lên máy bay huấn luyện UMiG (hai buồng lái) bay phê chuẩn các giáo viên bay cho các Trung đoàn theo các khoa mục bay nhào lộn biên đội với động tác kỹ thuật cao cấp, nhào lộn với các động tác kỹ thuật phức tạp ở độ cao thấp, phê chuẩn các giáo viên không chiến...

        Tất cả các chuyến bay ấy đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, chính là nhờ cái “xê-xê” của ông từng dành cho tôi. Nó luôn như một lời nhắc nhở, lời cảnh tỉnh trong mọi hành động bay của tôi.

        Một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của ông.

        Gần đây, tôi lại có cơ hội vào Thành phố Hồ Chí Minh, đi cùng anh Từ Đễ đến thăm anh Lê Hải và lại nghe anh ấy giục:

        - Thế nào, thằng em? Viết cho bác Trần Mạnh đến đâu rồi?

        - Em đang viết! Vừa viết vừa tìm thêm tư liệu, anh ạ!

        - Ừ, thế là được rồi! Nhưng phải nhanh lên. Mà này, anh kể cho em nghe chuyện này nhé! Lần đầu tiên anh kể đấy! Có thể nó sẽ giúp thêm em đấy!

        - Anh kể luôn đi! - Tôi háo hức.

        - Uống nước đi đã, em!

        Vẫn bằng cái giọng sôi nổi, hào hứng khi nhắc đến chuyện bay bò, anh kể:

        - Trước khi biên đội của anh Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Bảy B đánh tàu chiến Mỹ một thời gian khá dài thì bác Mạnh đã giao nhiệm vụ cho biên đội 4 chiếc gồm Phan Văn Na, Lê Hải, Lưu

        Huy Chao, Hoàng Văn Kỷ với nhiệm vụ đánh bom cảm tử vào tàu sân bay Mỹ. Em biết không, hồi ấy phương án là MiG-17 đeo một thùng dầu phụ và một quả bom phá 250kg, bay sát mặt nước, tính toán đến thẳng tàu sân bay và...

        - Như đội quân “Thần Phong” của Nhật! - Anh Từ Đễ ngồi cạnh tôi nói chen vào.

        - Đúng như vậy! Nhưng phải bay huấn luyện đã. Bọn anh lợi dụng mùa nước lớn của sông Hồng và nhằm những ngày gió to to để bay trên mặt sông, lấy cảm giác về bay biển, sóng biển. Anh Đào Công Xưởng là giáo viên bay kiểm tra và bác Trần Mạnh trực tiếp chỉ đạo chuyện này. Nhiệm vụ rất bí mật, chỉ có mấy người biết mà thôi. Mấy tháng sau, khi có chuyên gia Cu Ba sang giúp ta huấn luyện kỹ thuật bay biển và kỹ thuật ném bom thia lia thì một loạt phi công MiG-17 đã tiến hành bay biển và nắm vững kỹ thuật ném bom thia lia. Rồi bác Mạnh tìm sân bay dã chiến, chọn sân bay Gát... và biên đội Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Bảy B đã lập nên chiến công lịch sử - đánh tàu chiến Mỹ! Bác Mạnh là người không trực tiếp chiến đấu thế mà mọi suy nghĩ của bác giông hệt như phi công đang trực tiếp chiến đấu, nhưng với mức độ cao hơn nhiều. Bác luôn sáng tạo trong mọi nếp nghĩ. Đấy chính là hòn đá tảng của chiến thuật Không quân. Đó là tư tưởng luôn phải chủ động tấn công. Bác Mạnh cũng là người đào tạo ra các thế hệ chỉ huy đầy sáng tạo. Bác Mạnh thường nói với anh là: “Khỏe thì hay dùng sức, yếu thì phải dùng mưu!” Đúng thế thật! Không quân ta so với Không quân Mỹ thì không thể so sánh được vì xuất phát điểm của ta quá thấp, như ta chiến thắng được chúng vì ta dùng mưu mẹo, dùng trí tuệ của Việt Nam, cách đánh của Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 12:33:40 am »


        Mà thêm chuyện này nữa anh kể cho em nghe: Khi anh mắc phải cái chuyện “lùng nhùng” là tự động giải quyết đi nghỉ phép ấy, người ta định đè anh ra để kỷ luật, thì chính bác Mạnh đặt câu hỏi: “Có ai biết người phi công cảm tử, đã từng đeo bom trên máy bay, chuẩn bị sẵn sàng lao thẳng vào tàu sân bay của địch là người nào không? Đây, chính là người phi công này đây!” - Vừa nói, bác Mạnh vừa lấy tay chỉ vào anh. Rồi sau đó không thấy ai kỷ luật anh nữa. Bác Mạnh là người cứu anh trong cú ấy. Anh nhó mãi câu nói của bác khi anh với bác ấy đi dọc khu Long Bình: “Hồng nhan bạc phận. Anh hùng thì lận đận” mày ơi!

        Anh Từ Đễ tiếp lời:

        - Khi ta đánh Phan Rang, bắt sống Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang - Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân Việt Nam Cộng hòa thì ta đưa Phạm Ngọc Sang ra Đà Nẵng hỏi cung. Lần “cụ” Trần Mạnh hỏi cung tướng Sang ngày 23 tháng 4, tôi có được “cụ” cho phép dự. Tôi mang theo tấm bản đồ địa hình và sân bay Tân Sơn Nhất đút vào cái kẹp bay kẹp đùi, cầm trong tay. Thấy tôi cầm kẹp đùi bay và đeo khẩu súng ngắn K-59 bên hông, đứng chắn ngay sau “cụ” như một chiến sĩ bảo vệ thì Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang có vẻ đã đoán ra đang giáp mặt những người cùng nghề. Sau khi nghe cán bộ quân báo giới thiệu “cụ” Trần Mạnh thì Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang đứng bật ngay dậy, cúi chào lễ phép: “Thưa tướng quân! Tôi được nghe về ông từ lâu, bây giờ mới được gặp. Xin ông cho phép tôi được kính chào vị Tướng số một của Không quân miền Bắc!” Bấy giờ “cụ” mới cấp bậc Thượng tá. Các anh biết “cụ” nói thế nào không? “Cụ” Trần Mạnh vẫy tay, nói bằng một câu tiếng Pháp, cho phép ngồi, đưa mắt cho tôi lấy bản đồ ra trải lên bàn và chậm rãi: “Tôi không phải số một! Cậu Pilot này mới là đại diện cho các số một của tôi!” Chuẩn tướng Sang bối rối: ‘Tôi không có ý đó! Tôi chỉ là phi công cánh quạt! Tôi kính nể các ông lái phi cơ MiG-21 siêu thanh dám đương đầu với Không quân và đặc biệt là mấy ông Hải quân Hoa Kỳ. Họ vốn là cơn ác mộng với các phi công trên thế giới này, mà cuối cùng cũng phải cúi đầu không dám tiếp tục chống mấy ông!” “Cụ” Trần Mạnh vẫn giọng chậm rãi: “Thôi, đủ rồi! Bây giờ tôi hỏi anh đây: Tình hình Sài Gòn thế nào, Tân Sơn Nhất ra sao? Chỗ nào là chỗ yếu nhất, quan trọng nhất? Nếu đánh sân bay Tân Sơn Nhất thì nên đánh vào đâu?’ Qua cách trả lòi của Chuẩn tướng Sang, “cụ” đã xác định chính xác thêm những quyết định của mình từ trước đó là phải đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất vì đấy là bộ mặt, là niềm kiêu hãnh của Không quân Sài Gòn, là nơi tập trung máy bay nhiều nhất, là cầu Hàng không duy nhất cho cuộc di tản vội vã. Sau khi đánh vào đó, ta sẽ tiêu diệt được phần lớn máy bay của Không quân Sài Gòn đang tập trung ở đó, ta sẽ làm chủ bầu trời, sẽ tạo ra sự hoảng loạn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, đánh sập biểu tượng của Không quân Sài Gòn. “Cụ” xác định ngay cách đánh là phải đánh vào sân đỗ phía quân sự, nơi các máy bay quân sự đang đỗ dày đặc ở đó, phải đánh từ cửa ngõ đánh vào để bít lối không cho chúng chạy đỉ đâu được...

        Khi ra khỏi phòng thẩm vấn, “cụ” giao nhiệm vụ ngay cho tôi: “Họ nghiên cứu đối phương kỹ lưỡng cho đến từng sĩ quan chỉ huy Không quân đấy. Tớ mới đọc những tư liệu về tay này ngày hôm qua. Thế là rõ rồi. Cậu về cùng vối cậu Lục chuẩn bị đánh như tớ đã bảo!”

        “Cụ” là người kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết của vũ khí Liên Xô với cách đánh thực tiễn trên chiến trường Việt Nam. “Cụ” là người đưa ra cách đánh hạm tàu, tàu chiến, đưa ra cách đánh cho MiG-17, MiG-21, đặc biệt là đánh B-52 và đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Hầu như mọi chiến thắng đều gắn vói “cụ”. “Cụ” là kiến trúc sư tất cả các thắng lợi của Không quân: Từ sử dụng MiG-21 hiệu quả đến mức MiG-21 được coi là súng AK-47 trên không, rồi bắn rơi B-52, đánh tàu chiến Mỹ, chỉ đạo đánh Tân Sơn Nhất, rồi lại là người đặt nền móng xây dựng ngành Hàng không dân dụng...

        Tôi nhớ nhất và kỷ niệm sâu sắc nhất với “cụ” là vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 khi tôi vừa mới xuống máy bay trên sân bay Đà Nẵng, đến gặp “cụ” thì “cụ” xòe bàn tay, giơ 5 ngón tay ra và nói: ‘Tớ cho cậu đúng 5 ngày! Không hỏi lại lôi thôi! Đánh Tân Sơn Nhất! Xe kia đi ra chỗ lắp ráp máy bay!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:25:58 pm »


        "Đi 5 ngày" đấy không phải là 5 ngày được nghỉ để về thăm nhà đâu mà là 5 ngày để nghiên cứu, chuẩn bị làm chủ loại máy bay chiến lợi phẩm A- 37. Lúc đó tôi nghĩ: “Máy bay đâu? Ai sẽ huấn luyện chuyển loại cho bọn tôi? Rồi bản đồ bay đâu? Nhiều thứ lắm chứ!” Nhưng một khi “cụ” đã nói thế thì chắc là mọi chuyện sẽ ổn. Vậy là tôi phải bắt tay ngay vào công việc. Ngày thứ nhất là ngày 21 tháng 4, tôi cặm cụi đọc và nghiên cứu tài liệu. Ngày thứ hai là ngày 22 tháng 4 thì mở máy, tập lăn trên đường lăn, tập cất cánh thử. Sang ngày 24 tháng 4 thì bay thử chuyến đầu tiên. Đến ngày 25 tháng 4 thì Đại tướng Văn Tiến Dũng vào sở chỉ huy ở Tà Thiết, giao nhiệm vụ cho Quân chủng và rồi thì ngày 28 tháng 4, như mọi người biết đấy... Riêng việc làm công tác tư tưởng trước trận đánh một cách nhạy bén, sắc sảo như thế nào thì qua chuyện chiếc đồng hồ tôi đã kể rồi...

        “Cụ” là người rất tôn trọng người đang nói chuyện với mình, hầu như “cụ” đều chăm chú lắng nghe, không bao giò ngắt lời với những suy nghĩ rất sâu sắc. Mà “cụ” là người thường xuyên đỉ tiên phong, xông xáo, gần như “cụ” đều có mặt ở tất cả các Sở chỉ huy tiền phương. Tính khiêm tốn của “cụ” thì ai cũng phải học hỏi. Chẳng bao giờ “cụ” nhận công lao về mình cả mặc dù ai cũng biết đấy chính là của “cụ”. Khi ta tổng tấn công, “cụ” đã ngồi sẵn ở Sở chỉ huy tiền phương, chỉ chờ đánh Phan Rang xong là ‘lên dây cót” thôi.

        Đại tá Trần Thanh, người từng ở “Đoàn Hồ Nam”, sau này từng là Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Không quân kể với tôi sau khi giục tôi uống nước nấu bằng cây “diệp hạ châu”:

        - Ông Mạnh đúng là người tuyệt vời! Tôi vẫn nhớ như in ngày 19 tháng 3, ta giải phóng Đà Nẵng thì ngày 1 tháng 4 có 3 chiếc máy bay bay vào Đà Nắng: chiếc Il-18 chở một Tiểu đoàn tên lửa vác vai A-72, chiếc Mi-6 chở hơn 20 người của Bộ Nội vụ, chiếc Iak-40 chở người của Cục Hậu cần. Tôi đi theo đoàn của Cục Hậu cần vào thì đã thấy ông Mạnh ỏ Đà Nẵng rồi. Không biết ông vào tự bao giò. Ông giao nhiệm vụ cho tôi phải đi khảo sát các huyện xung quanh để nắm tình hình xem chúng (lực lượng của Việt Nam Cộng hòa) có còn cơ hội đánh lại hay không và mình phải có phương án chuẩn bị giáng trả... Ông là người sống rất tình nghĩa, tính tình thật điềm đạm, chan hòa...

        - Ông không tỏ ra chút ngại ngần gì cả. Thấy ở đâu đông đông là ông sà đến. Khi chúng tôi thấy ông đến, chính chúng tôi lại ngại thì ông cười bảo: ‘Thi công với kỹ thuật là một chứ có cái gì mà ngại!” Đúng là ông sống chân tình, sâu sắc thật đấy! - Ông Nguyễn Giao, người cùng nhập ngũ, cùng đoàn đi học kỹ thuật với ông Thanh, ngồi cạnh ông Thanh lên tiếng.

        Lần tôi đến gặp anh Trần Đức Tụ - một trong những sĩ quan dẫn đường kỳ cựu của Quân chủng Phòng không - Không quân thì được nghe anh tâm sự:

        - Năm 1966, khi học xong thì 6 anh em chúng tôi gồm tôi, anh Tạ Quốc Hưng, anh Lưu Lộc, anh Hoàng Minh Nam, anh Thủy, anh Thiện về với Quân chủng. Anh Lộc và anh Nam được phân công trực ngoài K-5, anh Thủy và anh Thiện thì trực ở trạm ra-đa, tôi và anh Hưng thì trực trong sở chỉ huy. Trận tôi dẫn đánh đầu tiên và dẫn đánh cuối cùng đều trực với bác Mạnh cả. Trận đầu tiên tôi dẫn chính là trận ngày 23 tháng 8. Ngày ấy tôi trực phụ cho anh Thành, nhưng anh Thành báo cáo với bác Mạnh là hãy cho phép tôi dẫn chính, bác Mạnh nhìn tôi và gật đầu. Vậy là tôi chính thức được dẫn chính. Không biết lần đầu tiên anh xuất kích đi đánh nhau như thế nào chứ lần đầu tiên tôi cầm ống nói dẫn chính, tôi run lắm, cứ phải bám chắc vào bàn. Bác Mạnh tinh ý lắm, bác thấy vậy thì ghé tai tôi nói nhỏ: “Cứ chủ động mà dẫn!” Bấy giờ tôi bình tĩnh hẳn lại và dẫn đâu ra đấy. Trận ấy, biên đội của hai anh Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 3 máy bay địch. Phải nói, bác Mạnh nắm tâm lý cấp dưới giỏi thật. Đến gần tối thì tôi được cho gọi đi rút kinh nghiệm trận đánh ở Quân chủng. Tôi bấy giờ mói là Thượng sĩ, bác Mạnh đã là Trung tá rồi. Trong thời gian đợi máy bay trực thăng đến, bác Mạnh đem suất cơm của bác ra chia làm 3 phần, bác với Chính ủy Chu Duy Kính thì ăn bát nhỏ, còn chia suất vào bát to thì bác Mạnh nói: “Cậu này trẻ để cậu ấy ăn bát to!” Một cử chỉ, một câu nói với thái độ ân cần của người chỉ huy đối vối “lính tráng” như tôi làm tôi cảm động mãi. Rất ít khi có được tình cảm “cán, binh” như thế! Còn trận cuối là trận đêm 28 tháng 12 khi tôi dẫn cho anh Vũ Xuân Thiều. Hôm đó, bác Mạnh trực ở sở chỉ huy B-l Thọ Xuân. Tôi với nhiệm vụ dẫn bổ trợ, nhưng khi ta cách địch 50 km, sở chỉ huy dẫn chính bị nhiễu, dẫn khó khăn còn chỗ tôi thì lại thấy rất rõ. Bác Mạnh bảo: “Ta dẫn đi!” Vậy là tôi dẫn cho tới lúc anh Thiều phát hiện được mục tiêu và sau đó thế nào thì anh biết rồi đấy. Được trực với bác Mạnh, tôi rất yên tâm vì bác rất quyết đoán. Sau khi đánh giá tình hình, phán đoán nên đánh tốp nào là ông quyết ngay, không do dự. Tôi từng trực với một vài thủ trưởng khác, sợ lắm vì đang cho đánh tốp này lại bảo thôi, quay sang đánh tốp khác... Vậy thì dẫn đường làm sao mà tính cho kịp? Bác Mạnh thì dứt khoát lắm, tính tình lại điềm tĩnh nữa nên được trực với bác ấy là yên tâm lắm. Bác là người có công lớn trong việc tìm ra cách đánh hiệu quả cho MiG-21 đấy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:28:23 pm »


        - Vậy tôi nghe bác Mạnh còn có trò tắm khô trong Sở chỉ huy thì là thế nào?

        - À, là ở trong các sở chỉ huy tiền phương, sỏ chỉ huy dã chiến ấy. Anh tính ở khu Bốn nóng thế nào thì anh biết rồi đấy, vào sở chỉ huy có khác gì vào nhà tắm hơi đâu. Chỉ mặc áo may ô thôi, mà có lúc phải cởi trần cơ. Bác Mạnh thì vừa theo dõi trên bàn tiêu đồ, xem xét các đường bay của địch, đánh giá để quyết định xem ta xuất kích vào lúc nào, đánh tốp nào... tay thì vừa xoa xoa ở cổ rồi ở ngực, ở sườn... để tẩy ghét ra. Chúng tôi gọi “tắm khô” là thế đấy!

        - Các cấp chỉ huy của bọn Mỹ thì ngồi trong nhà có máy lạnh để điều hành, còn các chỉ huy của ta thì thế!

        - Ừ, thế Mỹ nó mới không hiểu được mình, nó mới thua mình! Nó mà lại kham khổ như mình thì chắc nó chẳng đánh nhau làm quái gì!

        - Chắc thế thật!

        Ngoài thành phần dẫn đường thì quân báo cũng là một trong những nhân tố quan trọng ở sở chỉ huy. Tôi lần tìm đến nhà anh Lại Văn Hiện - một trong những sĩ quan kỳ cựu của ngành Quân báo vào đúng ngày mưa tầm tã. Hai anh em ngồi hàn huyên và tôi hỏi anh về ông Trần Mạnh. Sau khi “bắn” một điếu thuốc lào, anh Lại Văn Hiện chậm rãi nói:

        - Tớ trực trong sở chỉ huy với ông Mạnh không được nhiều, nhưng tớ rất quý phục ông ấy về phong cách quyết đoán, ông rất tôn trọng đội ngũ cấp dưới, tôn trọng các trợ lý, chăm chú lắng nghe những đề xuất của họ, chấp nhận những điều hợp lý và phán đoán rồi đưa ra quyết định. Ông là người ít nói nhưng nói rất chắc chắn, chắc “như dinh đóng cột”. Đặc biệt ở ông là vấn đề nghiên cứu các trận đánh. Trận đánh nào ông cũng nghiên cứu rất tỉ mỉ, trận đánh thắng cũng vậy mà trận đánh không thắng thì ông càng nghiền ngẫm, suy đi tính lại, rồi lại trao đổi với các thành phần để tìm ra cách hóa giải những vấn đề gay cấn. Ông cũng là người rất quần chúng, không câu nệ mình là chỉ huy còn anh em là chiến sĩ. Ông sống thực sự chan hòa. Những khi di săn, có “chiến lợi phẩm” mang về là ông cùng ngồi đánh chén với tất cả anh em, cùng đùa vui với anh em. Tớ quý phục ông ấy lắm!

        - Anh có lần nào cùng đi với ông Mạnh vào trong khu Bốn nghiên cứu về B-52 không?

        - Tớ đi theo tốp khác để nghiên cứu, nắm quy luật hoạt động của thằng B-52 chứ chưa lần nào đi cùng ông Mạnh cả. Ông ấy thực sự là người giỏi, người có tài!

        Sau khi “bắn” tiếp một điếu thuốc lào nữa, ngửa mặt lên trần nhà, từ từ nhả khói thì anh lại chậm rãi:

        - Mà thật tiếc cho ông Mạnh! Tớ cứ tưởng đợt vừa rồi thế nào ông Mạnh cũng được phong Anh hùng cùng với ông Đào Đình Luyện, ông Lê Văn Tri cơ, vậy mà không thấy... Liệu những đợt tới, Nhà nước có phong tặng, à, truy tặng cho ông ấy danh hiệu Anh hùng không?

        - Công lao của ông ấy chắc sẽ được đánh giá đúng mức, đúng không anh?

        - Đúng như thế, cậu ạ! ông ấy hoàn toàn xứng đáng vói danh hiệu cao quý ấy!

        Anh Nguyễn Văn Quang - cựu phi công MiG- 21, nguyên Chánh văn phòng Quân chủng Phòng không - Không quân của nhiều đời Tư lệnh thì kể cho tôi nghe những điều tâm huyết:

        - Vào cuối tháng 4 năm 1968, khi “Đoàn bay MiG-21 khóa 3” tốt nghiệp về nước, về Trung đoàn Không quân Sao Đỏ thì Trung đoàn trưởng Trần Mạnh đến gặp. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Trung đoàn trưởng không có dáng vẻ gì là phi công cả, người không to cao mà mồm lại “móm mém”, nhưng khi tiếp xúc làm việc với ông, càng ngày tôi càng thấy ông là người tài năng với những tư duy đi trước thời đại. ông còn là người rất cảm thông vối cấp dưới. Trong thời gian chiến tranh, khi tôi trực ở B5 (biệt danh của sân bay Đồng Hới) thì ông trực ở Sở chỉ huy tiền phương B8 (Lệ Thủy), trên đường ông vào B8, ông có ghé qua chỗ tôi trực. Ông hỏi tôi: “Cậu vào đây lâu chưa? Có hay nhận được thư nhà không? Tình hình ở nhà ra sao?’ Tôi trả lời: “Báo cáo thủ trưởng! Tôi vào đây trực cũng lâu rồi, thi thoảng có viết thư về nhà và lâu lâu tôi mới nhận được thư nhà. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con thôi nên tôi chắc mẹ tôi vẫn bình thường ạ!” Ông nói: “Nhà chỉ có một mẹ một con thì lại càng cần phải thường xuyên viết thư về, cậu ạ!” Đấy, chỉ qua việc cỏn con thế thôi mà tôi cảm nhận được ngay là ngoài những công việc bộn bề của người chỉ huy nơi “đầu sóng ngọn gió”, ông vẫn quan tâm đến đòi sống của cấp dưới như thế, tôi cảm động lắm. Rồi tôi lại có “duyên” là cấp dưới của ông, được công tác cùng ông một thời gian dài. Năm 1978, ông cùng sinh hoạt Chi bộ Quân huấn với chúng tôi. Ông hay qua chỗ chúng tôi và hay đặt những câu hỏi cho chúng tôi suy nghĩ sao cho đảm bảo bay vững chắc, an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 02:30:11 pm »


        Ví như, ông hỏi: “Liệu các nhà sản xuất máy bay có sản xuất các phương tiện kiểm tra khách quan hiện đại hơn loại SARPP-12 hay không?” (Loại SARPP- 12 là loại máy kiểm tra khách quan ghi lại 12 tham số khác nhau trong chuyến bay. Nó chính là loại “Hộp đen” mà ta vẫn gọi về sau này). Rồi khi thấy chúng tôi đang kẻ các bảng biểu theo dõi tiến độ bay của các Trung đoàn bay, các phi công thì ông hỏi ngay: “Thứ đó giúp những gì cho người chỉ huy?”... Thế đấy! Tư duy của ông bao giờ cũng đi trước mọi thứ một bước. Ông là người chỉ đạo có tầm vĩ mô nhưng không quên những vấn đề nhỏ nhặt, đặc biệt là hiệu quả của công việc. Càng ỏ gần ông nhiều thì tôi càng kính trọng ông...

        Lần tôi ngồi tâm sự với anh Nguyễn Tam Khoa - nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, khi nhắc tới ông Trần Mạnh, anh Tam Khoa nói:

        - Bác Mạnh là người rất mạnh dạn trong việc chuyển đổi nhận thức, trong công tác cán bộ cũng vậy. Bác là người đưa ra ý kiến và tổ chức thực hiện việc đặt cán bộ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ vào đúng vị trí để thay thế cho một số cán bộ già không có chuyên môn. Có lẽ việc ấy cũng gây ra những phản ứng tiêu cực ngay trong nội bộ. Những cán bộ bị thay thế đương nhiên là không ủng hộ chủ trương này rồi mặc dù đấy là chủ trương đúng. Nhiều việc khác nữa, bác Mạnh đưa ra thực hiện đến bây giờ xét lại thì đều thấy đúng cả nhưng vào thời điểm đó, có lẽ hơi sớm, hơi vội nên sự ủng hộ bác không nhiều, kể cả cấp trên...

        Còn anh Nguyễn Công Kính - nguyên Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, cùng với Vụ của anh Nguyễn Tam Khoa, cho biết:

        - Ý định tách Hàng không ra khỏi Bộ Quốc phòng, tách dịch vụ riêng, sân bay riêng... giống như bây giờ của bác Trần Mạnh đã làm cho một số người phản ứng ghê lắm. Họ cho là bác có tư tưởng trở thành một “sứ quân”, muốn một mình một lĩnh vực riêng, một khoảng trời riêng, không để ai quản lý. Có lẽ đấy là việc bác bị định kiến nhất. Rồi đến việc bác có chủ trương hội nhập là phải “đi bằng hai chân” tức là quan hệ với cả xã hội chủ nghĩa lẫn tư bản chủ nghĩa cũng lại gây ra những tranh cãi. Chuyện đào tạo, thay đổi vị trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ vào đúng các vị trí cần thiết cũng tạo ra những mâu thuẫn, phản ứng trong bản thân nội bộ ngành... nhưng bác Mạnh là người dám làm dám chịu trách nhiệm, kiên quyết bảo vệ cái đúng. Có điều, những bước đi ấy chưa phù hợp với thời điểm nên người ta không hiểu bác và đánh giá bác không đúng. Vậy bác mới vất vả...

        Anh Bùi Đăng Hiệp - Chánh văn phòng Công đoàn Cục Hàng không nói:

        - Tôi không được hiểu nhiều về bác Trần Mạnh, nhưng chỉ biết rằng bác là người tốt. Rất tốt!

        Anh Lê Văn Hằng - một phi công từng bay trên nhiều loại máy bay cả quân sự lẫn dân sự, từng giữ chức Đoàn phó Đoàn bay 919 thì nói:

        - Ông Mạnh muôn tìm hiểu, muốn nắm rất chắc tính năng tất cả các loại máy bay mà Quân chủng có. Tôi nhớ, đã có lần ông hỏi tôi rất chi tiết về loại máy bay L-29 và còn có ý định bay trên loại máy bay ấy nữa. Người chỉ huy muốn biết hết các máy bay, muốn bay được trên tất cả các loại máy bay mà mình có thì đúng là hiếm có thật!

        Trong một buổi gặp với anh Đỗ Văn Vòng - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Hàng không Việt Nam, khi nhắc đến ông Trần Mạnh thì anh Vòng có kể với tôi:

        - Ông Trần Mạnh là người luôn trăn trở về tiềm năng của ngành Hàng không và suy nghĩ tìm cách hội nhập với Hàng không thế giới. Ông là người có tư duy nhạy bén, đi trước mọi người. Từ năm 1980, ông đã ra quyết định QĐ/373 rồi...

        - Quyết định 373 ấy nói về vấn đề gì vậy? - Tôi hỏi.

        - Đấy là về “Kế hoạch Tam phần” với nội dung: Một phần thực hiện theo kế hoạch Nhà nước giao, một phần theo kế hoạch của Tổng cục giao, một phần tự sản xuất để nuôi nhau. Hồi ấy bay bò còn ít, có sân bay cả tuần chi bay có một chuyến nên thời gian rảnh rỗi rất nhiều. Nếu không tận dụng thòi gian ấy để sản xuất, để tăng thêm, tạo thêm các cơ sở vật chất cho đơn vị thì vô cùng lãng phí. Vậy là quy hoạch theo từng miền, từng vùng cho phù hợp với đặc thù của mình, phát huy được sức mạnh của từng vùng miền ấy, ví dụ như sân bay Rạch Giá thì cấy lúa, sân bay Plâycu thì nuôi bò, sân bay Buôn Ma Thuột thì trồng cà phê, sân bay Phú Quốc thì trồng tiêu và làm nước mắm... Các đơn vị hoạt động sôi nổi lắm. Ông Trần Mạnh là người có tư duy về kinh tê nhưng khổ nỗi không gặp thời... Về tính cách của ông thì ông sống rất giản dị, hòa đồng. Ông hay đến bộ phận làm báo của bọn tôi, nếu muốn ở lại ăn cơm là ông đề nghị chúng tôi nấu cơm cho ông ăn cùng chúng tôi. Mà sở thích của ông chỉ là ăn canh rau cải. Chúng tôi thường đi bắt cá rô về nấu canh rau cải. Thứ canh ấy ông Mạnh thích lắm. Ông là người ít nói, không nói to, không quát tháo nhưng lại là người hùng biện. Khi ông trình bày một vấn đề nào đó thì rất khúc triết, lý luận rất chặt chẽ, đầy sức thuyết phục. Đúng là “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra”! Mà ông rất hay gãi đầu. Tôi để ý, những người thường hay gãi đầu là những người thường có tâm trạng bức bối không giải tỏa được. Họ lúc nào cũng phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết về một vấn đề nào đó... Ông Trần Mạnh là thế. Ông liêm khiết, đức độ... mà thật tiếc là không gặp thời!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:28:47 pm »

        Anh Trần Văn Khuyên là người chuyển từ Quân chủng Phòng không - Không quân sang Hàng không tương đối sớm. Năm 1989 anh đã sang giữ chức Trưởng phòng Tuyên huấn rồi qua khá nhiều chức vụ, trước khi về hưu, anh là Chủ tịch Công đoàn ngành Hàng không thì tâm sự với tôi:

        - Ông Mạnh là người có tư duy táo bạo, nhưng không được một số vị cấp trên ủng hộ, đặc biệt là trong vụ chuyển Hàng không ra khỏi Bộ Quốc phòng.

        - Tôi thấy ngành Hàng không của các nước trên thế giới cũng có ở trong Bộ Quốc phòng đâu. Bác Mạnh, theo tôi, là người dẫn ngành Hàng không của mình bước những bước đầu tiên vào công cuộc hội nhập... - Tôi nói chen ngang.

        - Cậu nói đúng đấy và cũng nên viết như thế. Ngành Hàng không bao giờ cũng tiếp xúc với thế giới sớm và va chạm với các lĩnh vực khác nhau cũng sớm nên cần phải có người lãnh đạo có tư duy thật nhanh nhạy và thật mạnh dạn, cậu ạ... Bác Mạnh chính là người như vậy. Mà bác sống chan hòa, tình cảm đối xử vối cấp dưới chân tình lắm...

        Anh Nguyễn Quang Minh từng viết về bác Trần Mạnh trong hồi ký:

        Tôi rất ngại gặp cấp trên. Với “các cụ”, lúc nào tôi cũng chỉ xin “kính nhi viễn chi”. Thế nhưng, ông là người có sức hấp dẫn rất lạ đôi với tôi, đứng xa tôi vẫn lặng ngắm ông, nghe ông nói, nghe mọi người phẩm bình ông. Tôi kính phục ông!

        Có lẽ thế đã là đủ!

        Người ta ví ông như con tằm, thương ông như thương thân phận con tằm, cứ lặng lẽ nhả tơ cho đời, lặng lẽ cho “đến lúc chết vẫn nằm trong tơ”, nhưng tôi lại nghĩ, biết đâu, thâm tâm ông lại cho rằng mình cần phải làm cho đời thật nhiều, thật nhiều điều có ích hơn nữa, nếu mình không làm được vậy thì mình sẽ mang nợ với đời. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ tôi từng viết:

Rút tơ, ai bảo tằm đau?
Kén dầy, nhộng trả nợ dâu, nợ đời!

        Và ông đã trả hết nợ, thanh thản ra đi, nhẹ nhàng lướt vào cõi thinh không, lặng lẽ tỏa sáng như “tinh cầu bay trong đêm trăng”...


Nghĩa trang Thủ Đức - nơi yên nghỉ cuối cùng của ông Trần Mạnh

          
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:41:32 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:28:59 pm »


        THAY CHO LỜI KẾT

        Sau cái Tết âm lịch Nhâm Thân - 1992, ông cảm nhận được những chuyển biến trong bản thân mình. Một lần, ông chậm rãi nói:

        - Năm nay tôi chắc chẳng giúp gì cho vợ con được nữa. Tôi biết rõ sức khỏe trong người của tôi mà!

        - Anh đừng lo! Ai cũng có giai đoạn chuyển biến về sức khỏe nhưng rồi sẽ qua thôi! - Bà Triều Thu nhẹ nhàng trả lòi.

        - Thì là tôi nói vậy! - Ông ôn tồn và ánh mắt cùng với nét mặt của ông bỗng tươi hẳn lên trong niềm hy vọng...

        Nói vậy nhưng chắc không vậy. ông vẫn thấy có gì đó áy náy, không yên lòng, ông vẫn lo lắng cho Hàng không. Ông bỗng trở nên ít nói hơn, ít đi thăm thú hơn, hầu như hay ỏ nhà, thi thoảng có đến chùa, vãng cảnh chùa và trầm ngâm rất lâu trước sân chùa.

        Ông không đi thì vẫn có nhiều tập thể, cơ quan và các cá nhân đến với ông, cần đến ông, cần sự tư vấn, giúp đỡ của ông trong nhiều lĩnh vực và ông cũng giúp họ bằng tất cả sự nhiệt tình cùng tâm huyết của mình. Mọi người cần nhiều ở ông, luôn mong ông khỏe, sông lâu để giúp được nhiều cho đời bởi những kinh nghiệm và trí tuệ của ông là tài sản vô giá...

        Nhưng, chừng như con người vẫn không bao giờ thoát khỏi số phận, định mệnh của mình.

        Ông “ra đi” rất nhanh. Một buổi sáng, ông còn ngồi làm việc với ban lãnh đạo của Pacific Airlines, bàn định những vấn đề gì đó hình như về dự án thành lập Air Sài Gòn, chắc cũng rất quan trọng vì nghe chừng không khí căng thẳng lắm. Ăn trưa xong, ông ngồi tựa lưng vào ghế xem bóng đá cùng cậu con trai Mai Tuấn Tú của mình. Bỗng đầu ông gật sang một bên. Nhìn sắc thái của bố không bình thường, Tú chạy lên tầng gọi mẹ:

        - Mẹ xuống ngay đi, bố con có gì đó bất ổn!

        Bà Triều Thu hối hả chạy xuống thì ông đã không còn nói được câu nào nữa.

        Xe cứu thương của bệnh xá khi ấy đi làm nhiệm vụ chưa kịp về, đành phải lấy chiếc xe 4 chỗ, đặt ông nằm ngang ở hàng ghế phía sau, mở các cánh cửa ra, chạy đến Bệnh viện 175 cấp cứu. Ông hoàn toàn không nhận biết gì, như người đang nằm ngủ rất say. Mấy ngày sau thì ông “đi”.

        Tôi nhớ đến những câu thơ trong bài "Phiêu linh”:

                            Cuộc đời ta sẽ có ngày
                            Ngủ quên, theo giấc mơ bay về trời
                            Chẳng bận bịu đến chuyện đời
                            Mặc dâu bể, mặc khóc cười thế gian
                            Mặc cho thiên hạ luận bàn
                            Mặc trầm luân, mặc giàu sang, nghèo hèn
                            Nhân sinh chìm nổi bao phen
                            Tự mình chuốc vạ bon chen,... tự mình
                            Sống cho trọn nghĩa, vẹn tình
                            Để thanh thản chốn phiêu linh ngày ngày
                            Rồi ta sẽ ngủ mê say
                            Không dậy nữa, giấc mơ bay trắng trời....


        Đúng! Ông đã thật thanh thản ở chốn phiêu linh. Giấc mơ của ông cũng vẫn còn “bay trắng tròi”. Đó là những cánh bay sáng lấp loáng của những cánh “én bạc” của những máy bay chiến đấu: những “MiG”, những “Su” với nhiều chủng loại, đó là những cánh bay của máy bay Hàng không dân dụng với những loại Boeing, Airbus... với tần suất bay ngày càng cao.


"Nhà" của cựu phi công tiêm kích - tướng Trần Mạnh
       
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:44:49 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 11:49:33 pm »


        Tôi và Mai Tuấn Anh - con trai ông đến nghĩa trang của Thành phố ở quận Thủ Đức viếng ông. Ông nằm bình lặng giữa những bậc đàn anh, giữa những đồng đội, anh em, nằm gần người từng giới thiệu, kết nạp ông vào Đảng...

        Suốt dọc đường đi, tôi cứ nhớ tới ông Kim Ngọc -    người đột phá trong chuyện “Khoán 10" rồi lại liên tưỏng tới ông - người đột phá trong việc xóa bỏ chuyện bao cấp trong ngành Hàng không để tự hạch toán kinh doanh. Chừng như, tất cả những người mở “đột phá khẩu” bao giờ cũng gặp những trắc trở, những mũi nhọn chĩa vào mình, không chút đồng cảm. Chỉ mãi thật nhiều, thật nhiều thời gian sau đó, tất cả mới hiểu, mới đánh giá đúng mức, mới cảm phục, mới thấy họ là vĩ đại, là dũng cảm thì những con người vĩ đại và dũng cảm ấy đã về với hư vô từ lâu rồi...

        Khi tôi viết những dòng này thì nhận tin ông đã được đưa vào danh sách đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông.

        “Thật muộn mằn!” - Tôi nghĩ, nhưng rồi lại nhớ đến câu ngạn ngữ: “Thà muộn còn hơn không!” Công lao của ông dầu sao cũng đã được đánh giá, được nhìn nhận một cách đúng đắn...

        Nơi sâu thẳm ấy chắc ông cũng ngậm cười bằng an...

        Tôi lặng lẽ đứng bên mộ ông, ngắm nhìn những hàng chữ khắc trên bia mộ, đặc biệt là hàng chữ: “Phi công tiêm kích” khắc ngay ngắn, sắc nét, rồi ngắm làn khói nhang lan tỏa cùng mùi hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết với những suy nghĩ mung lung. Từ lâu lắm rồi, ông vẫn nhắc các con ông rằng: “Nay mai nếu bố “ra đi” thì trên bia mộ của bố chi cần khắc dòng chữ “Phi công tiêm kích!” thôi.

        Tôi hiểu, chỉ cần 4 từ ngắn gọn nhưng đấy là danh hiệu thật cao quý mà không phải trên đời này ai cũng có được. Trong đầu tôi văng vẳng câu hát “Ôi phi công danh tiếng muôn đời...” Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt... Tôi lẳng lặng ngước lên nhìn trời. Cao xanh ơi! Ở nơi ấy ông thế nào? Một con người luôn bắt mình phải suy nghĩ, luôn có những tư duy di trước, luôn có những bước đột phá... chắc chẳng ngồi yên một chỗ đâu. Mà cũng có thể, ông đang dạo chơi một cách thư thái, nhàn tản... như người xưa vẫn dùng câu “Giá hạc vân du” nơi bồng lai tiên cảnh cũng chưa biết chừng... Ừ, biết thế nào được!...


Mai Anh Tuấn bên mộ bố

        Bỗng giọng của Mai Tuấn Anh nhắc khẽ bên tai tôi:

        - Ta về thôi chú?

        - Ừ, ta về thôi! Bô" cháu là một phi công tiêm kích, một người chỉ huy thật tuyệt vời. Cháu hoàn toàn có quyền tự hào về bố cháu! Chú cũng tự hào vì mình từng có một người chỉ huy như vậy! Bố cháu là một vị tướng có TÂM, có TÂM và có TÀI - Tôi trả lời.

        - Vâng ạ! Cháu còn nghĩ, bố cháu là một ngưòi “tiên tri”, dũng cảm, kiên cường và rất nhân hậu...

        - Đúng đấy!...

        Một chiếc máy bay dân hàng đang trên đường tiếp cận xuống hạ cánh trên sân bay Tân Sơn Nhất lướt qua khu ông nằm, cánh lắc lắc như động thái chào hỏi, thăm viếng. Không chỉ riêng chiếc máy bay ấy mà tất cả các chuyến bay đều lướt qua như vậy vì đường bay được ấn định như thế. Mai Tuấn Anh từng kể cho tôi nghe rằng khi nào bay từ Bắc vào, Mai Tuấn Anh cũng đều cố gắng đặt chỗ để làm sao được ngồi cạnh cửa sổ, để được nhìn thấy mộ bố mình khi máy bay xuống hạ cánh, giả dụ như không được như thế thì khi máy bay bay qua khu vực mộ của ông, Mai Tuấn Anh vẫn cảm nhận được và chắc chắn là chính xác...

        Ông không bao giờ lẻ loi...

        Chúng tôi chậm rãi bước lên xe...

        Nắng tỏa thật dịu dàng. Gió mơn man vuốt nhẹ các tán lá cây và muôn vàn chiếc lá tựa như những bàn tay bé tí xíu đang vẫy vẫy...

        Bầu tròi rộng mông mênh, xanh thẳm, không một gợn mây trông hệt như viên ngọc bích khổng lồ...

HẾT


Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM