Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:22:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến mã trên không  (Đọc 18668 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 06:55:59 pm »

        Chuyến đi dài ngày ấy cũng có những kỷ niệm khó quên. Ấy là khi ngồi đánh tú-lơ-khơ trên xe, những lúc xe vòng vào khúc cua, tất cả lại xô dạt vào nhau, đổ ngang đổ ngửa, rồi ăn gian khi chơi bài, rồi cãi cọ om sòm... nhưng mà vui. Rồi khi đến nhà nghỉ, lúc vào tắm, chẳng biết sử dụng vòi tắm nóng lạnh thế nào, có anh suýt bị bỏng vì không biết cách điều chỉnh... Lắm chuyện lắm.

        Kể từ ngày xuất phát tới khi đến được trường ở Tường Vân thì cũng phải mất đến cả tuần lễ.

        Sân bay Tường Vân - một sân bay bằng bê tông xi măng ở vị trí cao hơn mặt biển gần 2000 mét (chính xác thì là 1997 mét) với chiều dài là 2800 mét và chiều rộng là 45 mét Hồi đó, trong phe Xã hội chủ nghĩa, ta có khái niệm Liên-xô là “anh cả”, Trung Quốc là “anh Hai”. “Anh Hai” đã cho ta “mượn” địa điểm Tường Vân làm trường huấn luyện bay, đào tạo phi công trên các loại máy bay Iak-18 và MiG-17.

        Địa điểm, tên trường đều phải giữ bí mật. Các học viên bay, thày dạy bay của ta đều được trang bị quân phục của bộ đội Trung Quốc: không quân hàm, trên ve áo chỉ có miếng “tiết đỏ”, sĩ quan thì áo bốn túi, chiến sĩ thì áo không có túi. Mũ lưỡi trai gắn ngôi sao đỏ... Nếu không nói tiếng Việt thì không ai biết đấy là người “đằng mình”. Năm 1969 - 1970, khi chúng tôi có dịp sang đấy, dù đã được thông báo trước rồi nhưng trong nhóm của tôi vẫn có anh nhầm. Lúc hạ cánh xong, lăn về sân đỗ, mở nắp buồng lái ra, thấy một anh mũ lưỡi trai đeo sao đỏ, qùần áo như chiến sĩ Giải phóng quân thì chào ngay:

        - Ní hảo! (Chào anh!)

        - Anh bay có mệt không? - người thợ máy hỏi.

        - Pú tủng! (Không biết!) - chàng phi công ta trả lời.

        Tới lúc này thì anh thợ máy phải hét lên:

        - Tôi là người Việt Nam cơ mà!

        - Ôi trời đất ơi! Tôi cứ ngỡ anh là người Trung Quốc!

        Chính vì vậy, chuyến đi của đoàn anh Đỗ Văn Lanh mới phải “ngụy trang” bằng cách đi tàu hàng và xe tải cũng nên.

        Thời tiết ở sân bay Tường Vân thì thật khắc nghiệt: hanh khô kinh khủng, lạnh cũng ghê gớm. Mũi rất hay bị chảy máu cam vì hanh khô quá, các mao mạch ở mũi dễ bị vỡ. Để hạn chế chuyện này, phía dưới các đàu giường ngủ thường để một chậu nước cho tăng thêm độ ẩm. Thế nhưng khi trời rét thì chậu nước ấy cũng sẵn sàng đóng băng luôn.

        Gió cạnh ở sân Tường Vân thì mạnh hơn tất cả các sân bay mà tôi được biết. Ngay sân bay ở Ax-tra-khan, nơi chứng tôi đến để thực hiện những bài bắn tên lửa không đối không trước khi tốt nghiệp khóa bay MiG-21, gió cạnh đã là to nhưng vẫn không bằng ở Tường Vân. Mà cứ gió nổi lên là cát bụi bay mịt mù chẳng thể mở mắt được mà cũng chẳng thể thở được. Sân bay lại hiếm nước. Một tuần thày trò mới ra khu vực Tiền sở - nơi có nhà tắm nước nóng - nước khoáng tự nhiên ấy tắm một lần. Cự li từ nhà ở ra đến đó cũng phải đến 4 - 5 cây số chứ chẳng ít. Tắm xong trên đường về mồ hôi ra thì lại bẩn như khi chưa tắm.

        Nói đến chợ Tiền sở thì phải nói đến cơm rang. Hầu như khắp chợ chỗ nào cũng có quán cơm rang. Mì sợi thì phơi trên những chiếc sào và những chú lợn thì chạy lông nhông khắp nơi, vì dân ở đây không nhốt lợn trong chuồng mà thả rông như lợn rừng, lợn mán vậy nên thi thoảng chúng lại xông vào ngoạm trộm một miếng mì đang gác trên sào rồi vừa chạy vừa nhai, hai túm mì xòe ra hai bên mép trông đến tức cười. Các trái lê, trái lựu... thì chất đống ngoài các cửa hàng để cả ngày cả đêm như vậy không cần cất vào nhà vì không có kẻ trộm.

        Rau xanh thì hiếm. Vì thế, sau chuyến bay, các trò đi lau máy bay còn các thầy thì đi hái rau muối - loại rau khá sẵn ở đó để về nấu canh ăn thêm cho đỡ “xót ruột”. Chim sẻ ở ngoài sân bay nhiều vô kể. Mỗi lần cất cánh hay hạ cánh là chúng lại bay lên hàng đàn và va vào máy bay rơi xuống không phải là ít. Các thày đi hái rau và cũng nhặt chim sẻ về thịt luôn thể. “Nhất cử lưỡng tiện” mà!

        Cũng không thể nào hiểu được cái phong tục của người dân ở đây. Nếu tôi không nhầm thì họ thuộc dân tộc gọi là “Xi Xoang Bản Na” thì phải. Trẻ em dưới 1 tuổi mà bị chết thì họ coi đó chưa phải là con người nên hay cho vào trong sọt treo lên cành cây hoặc vứt xuống suối chứ không đem chôn. Cứ ở đâu thấy có nhiều tiếng quạ kêu la om sòm hoặc những tiếng chó sủa ầm ỹ thì y như rằng nơi đó có xác trẻ con.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 06:59:42 pm »

        Phụ nữ lớn tuổi thì vẫn theo tục “bó chân”: bàn chân của họ bé tí như cái búp sen, đi cứ lậc khậc... lậc khậc... không thể chạy nhanh được.

        Quần áo, trang phục của họ trông gần giống với trang phục của người dân tộc Nùng bên mình.

        Sức kéo, sức chở cho từng gia đình thì là những chú la. Nó nhỏ hơn lừa nhưng khỏe không kém lừa là bao. Người ta nói nó là sản phẩm của lừa và ngựa và nó không thể “sinh nở” được. La được dùng vào việc thồ hàng hóa, dùng để kéo xe, dùng để kéo nước từ giếng lên...

        Đám cưới ở đây cũng khác những nơi khác. Ấy là trên đường cô dâu về nhà chồng thì cô phải đeo một chiếc gương to trước ngực và không được nhìn đường, nhìn xung quanh... mà phải nhìn vào gương để bước theo chân chú rể đi ở phía trước. Họ quan niệm như thế mới giữ được sự chung thủy. Các cô phù dâu đi hai bên cạnh. Đồ đạc, của “hồi môn” của cô dâu được cho vào những chiếc thùng vuông dán giấy đỏ, gánh theo tiếng nhạc réo rắt suốt dọc đường làm ta liên tưởng đến cảnh ừong phim “Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài”...

        Thức ăn chính của người dân vùng này là loại đậu “răng ngựa”. Kinh tế khó khăn lắm!

        Người ở đây lại còn có thói quen bón rau bằng phân tươi. Đứng ở ngoài cánh đồng thì không thể nào quen được với cái mùi sú uế ấy. Đổi lại, rau củ tốt khủng khiếp. Những ai đã từng ở đấy đều biết những cây củ cải tôi gọi là “vĩ đại”, nói thật không ngoa, củ của nó to đúng như cái phích hai lít rưỡi ấy!

        Cây cối, hoa quả nhiều nhất là lê, đúng ra là cây mắc coọc, quả nhiều vô kể, táo cũng nhiều và quả lựu cũng lắm!

        Được cái, ngoài sân bay bạt ngàn hoa bướm. Mùa hè, khi hoa bướm nở, những cánh hoa đủ màu sắc sặc sỡ như một tấm thảm màu trải khắp các khu vực. Những trận gió ào qua như những bàn tay khổng lồ vô hình đùa rỡn gạt những thảm hoa tạo thành những làn sóng rực rỡ chạy suốt từ đầu này sân bay đến tận đầu kia sân bay.

        Đoàn 40 học viên bay của Lanh được mang phiên hiệu Đại đội 6 do anh Lê Công Uẩn làm Đại đội trưởng và 3 anh Đại đội phó là Cấn Đỗ Kết, Trần Bơn và Đàm Cảnh Thống.

        Thày dạy bay của Lanh là anh Nguyễn Hữu Khoán. Tổ bay của Đỗ Văn Lanh khi học lí thuyết gồm có 7 người. Đó là:

        Bùi Đình Toại
        Hán Vĩnh Tưởng 
        Lương Đức Trường
        Hoàng Kim Xảo
        Đỗ Văn Lanh
        Nguyễn Trọng Đức
        Nguyễn Văn Nhượng

        Khi học xong phần lí thuyết thì các anh Hoàng Kim Xảo và Nguyễn Trọng Đức chuyển sang tổ khác để bay trên loại máy bay Iak-18 “ba bánh sau”, còn lại 5 anh em bay trên loại máy bay Iak-18 “ba bánh trước”. Loại “ba bánh sau” là loại máy bay có hai bánh chính và một bánh đằng phía đuôi. Loại “ba bánh trước” là loại có hai bánh chính và một bánh phía đằng mũi máy bay.

        Thoạt đầu, nhiều người nghĩ rằng Lanh không thể bay được. Ngay đến Chủ nhiệm chính trị Năng cũng nói với anh Nguyễn Hữu Khoán:

        - Anh nên đánh giá lại khả năng của cậu Lanh. Tôi nghĩ chắc cậu ta không thể trở thành phi công được đâu. Cứ để bay thì tôi e tốn kém lắm!.

        - Tôi thì lại thấy cậu ta rất có khả năng, mà có khi lại còn bay giỏi nữa cơ đấy! - anh Khoán trả lời.

        - Vậy cứ thử xem sao?

        Có lẽ, khi nhìn diện mạo của Lanh với chiếc miệng “méo méo”, mắt lại “xênh xếch” khác người thường, nhất là hôm xem biểu diễn văn nghệ, Lanh ngồi phía sau cố dướn người lên nhìn cho rõ thì độ “méo méo”, “xênh xếch” càng tăng. Chính vì vậy mà mới có cuộc trao đổi giữa Chủ nhiệm chính trị và thày dạy bay của Lanh kể trên.

        Thày dạy bay của Lanh - anh Nguyễn Hữu Khoán kể:

        - Lanh học lí thuyết thuộc loại khá, nhưng khi thực hành bay thì thuộc loại giỏi. Trong tổ bay, Lanh là người bay đơn đầu tiên. Mức độ theo dõi giờ bay tích lũy để đánh giá khi bay đơn đạt 15 giờ là tối thiểu, 16 giờ 30 là trung bình, 18 giờ là chậm. Lanh mới bay 14 giờ 30 phút - tức là chưa đến 15 giờ đã bay đơn rồi. số lượng chuyến bay thì đủ nhưng số giờ bay thì ít hơn quy định. Lanh không chỉ bay đơn sớm mà tất cả các động tác trong không vực cũng tiếp thu rất nhanh. Các khoa mục chỉ cần kèm ờ mức độ tối thiểu thôi.

        Thường thì bay đạt khoảng 80 đến 95 giờ bay tích lũy và qua tất cả các khoa mục là học viên sẽ tốt nghiệp. Với Lanh thì tốt nghiệp khi đạt 80 giờ bay, sớm trước các học viên khác đến 2-3 tuần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 07:02:48 pm »

        Tôi nhớ nhất chuyến bay đơn đường dài đầu tiên của Đỗ Văn Lanh. Hôm ấy, sau khi bay trinh sát thời tiết về, tình hình khí tượng vẫn đảm bảo cho bay bình thường, nhưng một lúc sau thì mây xuất hiện. Tôi bàn bạc với các giáo viên và quyết định cho các anh Tưởng và Toại bay trước, để Lanh bay vào cuối giờ. Khi Lanh cất cánh lên bắt đầu bay chuyến hành trình 3 cạnh thì mây kéo đến che kín sân bay. Thày Hiệu trưởng Mai Quân chạy ngay lên Đài chỉ huy, lo lắng hỏi tôi:

        - Tinh hình thế này liệu cậu Lanh có xử lí được không?

        - Báo cáo Hiệu trưởng! Tôi nghĩ Lanh sẽ bay về được!

        Tuy biết rằng Lanh bay giỏi, nhưng đây là chuyến bay đơn đường dài đầu tiên, hơn nữa lại chưa hề xuyên mây bao giờ cho dù phần lí thuyết xuyên mây thì Lanh đã nắm được. Tôi báo cáo mạnh dạn thế thôi chứ cũng lo lắm chứ.

        Lanh vẫn tiếp tục bay cạnh hai rồi cạnh ba của hành trình và cuối cùng thì về hạ cánh an toàn. Tôi thấy Lanh tiếp đất xong mới thở phào nhẹ nhõm.

        Tôi gặp Lanh:

        - Chuyến bay gặp nhiều mây không?

        - Em xuyên mây cả 3 cạnh luôn! Theo đúng lí thuyết ạ!

        Tôi ngắm nhìn Lanh, thấy yêu thấy quý cậu ta quá. Có được một trò giỏi như thế, tự hào lắm chứ! Người thày nào mà chẳng vậy!

        Đấy là chuyến bay đơn của Lanh. Chuyến bay tôi kèm Lanh từ không vực về khi vào hạ cánh thì mới kinh khủng, không sao tôi quên được. Hôm ấy, hai thày trò đang trên đường lao xuống hạ cánh thì gió cạnh nổi lên rất to, bụi cát mù mịt. Thày trò tôi chống gió, máy bay gần như lao xuống thẳng đường lăn thế mà gió thổi vào đúng đường cất hạ cánh. Máy bay tiếp đất rồi mà gió vẫn lắc cánh nghiêng hết bên nọ sang bên kia. Thày trò tôi phải tắt máy, sợ nếu lăn tiếp là máy bay sẽ bị lật. Bao nhiêu người chạy ra xem chúng tôi có bị sao không. Đúng là chưa bao giờ có chuyến bay như thế thật!.

        Một chuyến bay có thể nói là đặc biệt nữa của Lanh. Đó là bài bay giả thiết máy bay bị chết máy trên không, không thể mở máy được, phải hạ cánh bắt buộc. Bay bài này thì phải thu hết cửa dầu để giống như máy bay bị chết máy. Với các học viên khác thì thường sau khi đối chuẩn đường băng xong là từ từ tăng vòng quay lên và hạ cánh với động cơ làm việc bình thường. Động tác kia chỉ là giả định thôi. Nhưng với Lanh thì cậu ta không tăng vòng quay mà cứ thế xuống hạ cánh sau khi lấy tâm từ không vực về, làm đúng như máy bay bị chết máy thật. Cậu ta hạ cánh lại đẹp và lại chuẩn nữa chứ!. Tôi hỏi:

        - Có lẽ đấy cũng là chuyến tiền lệ để rồi sau này Lanh có chuyến hạ như vậy trên MiG-21 chăng?

        - Cũng có thể lắm chứ! - anh Nguyễn Hữu Khoán đáp.

        Sau khi tốt nghiệp khóa bay trên loại máy bay Iak-18 thì Lanh chuyển sang bay trên loại máy bay MiG-17 thuộc Đại đội của giáo viên bay là Đại đội trưởng Trần Phương.

        Khi bay loại máy bay MiG-17, các giáo viên bay gồm cả người của ta và của Trung Quốc. Có tổ bay thì giáo viên bay người Trung Quốc phụ trách toàn bộ, có tổ bay thì ta phụ trách toàn bộ, lại có tổ bay thì cả giáo viên của ta và giáo viên người Trung Quốc cùng phụ trách.

        Từ loại máy bay cánh quạt Iak-18 với tốc độ chậm chạp chuyển sang loại máy bay phản lực chiến đấu MiG- 17 có tốc độ lớn, xấp xỉ với tốc độ tiếng động không phải là chuyện đơn giản. Đó là bước ngoặt lớn trong đời bay của một phi công. Khi sang học bay, đoàn có 40 người thì qua các khóa huấn luyện cứ “rơi rụng” dần, tới lúc tốt nghiệp bay trên MiG-17 chỉ còn có 17 anh em mà thôi.

        Tổ bay của Lanh khi bay trên loại máy bay MiG-17 gồm 3 anh em là Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Nhượng và Đỗ Văn Lanh.

        Giáo viên bay của tổ là thày Nguyễn Trọng Hòa cùng với thầy Đông là giáo viên bay người Trung Quốc nữa.

        Trung đội trưởng Trung đội bay là thày Trần Hùng.

        Trong quá trình thực hành bay, Lanh đã bộc lộ được những phẩm chất của một phi công tiêm kích chiến đấu. Đã có giáo viên bay người Trung Quốc nhận xét về Lanh sau khi bay với Lanh như sau:

        - Cậu này là người không biết sợ là gì. Sẽ là phi công gan dạ, chiến đấu rất tốt đấy!

        Khi bay gần hết chương trình trên loại máy bay MiG- 17 thì bên nhà cử các anh Phan Văn Na, Mai Đức Toại, Lê Quang Trung... sang bay cùng để bồi dưỡng cho đoàn trước khi về nước những bài bay với động tác kỹ thuật cao cấp và những bài bay không chiến để kiểm tra chất lượng, đánh giá phân loại các học viên bay sau đó sẽ lập danh sách theo từng đợt về nước, về Trung đoàn chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 08:46:40 am »

        Đoàn bay của Lanh ngay từ đầu đã có 4 anh ở lại trường làm giáo viên bay trên loại máy bay Iak-18 là:

        Lê Văn Bằng
        Nguyễn Văn Khuê
        Nguyễn Văn Trình
        Tống Văn Vĩnh

        Trong số 17 người tốt nghiệp bay trên loại máy bay MiG-17 thì có 3 người ở lại trường làm giáo viên bay là các anh:
       
        Hà Trung Kiên
        Trần Quang Ngự
        Trịnh Văn Hức


        Vậy là còn 14 phi công sau khi tốt nghiệp được chia thành 2 đợt trở về nước. Đợt đầu có 8 người và đợt sau có 6 người. Đợt đầu gồm:

        Nguyễn Văn Lục
        Lương Quốc Bảo
        Hoàng ích
        Đỗ Văn Lanh
        Võ Sĩ Giáp
        Lương Đức Trường
        Đinh Trọng Lực
        Bùi Đình Đoàn


        Đợt sau gồm có 6 người là:

        Nguyễn Văn Đang
        Cao Sơn Khảo
        Nguyễn Văn Nhượng
        Phạm Tất Thắng
        Hán Vĩnh Tưởng
        Cao Văn Phúc


        Đợt của Lanh khi về nước được máy bay vận tải I1-14 sang chở về theo hành bình: Tường Vân - Mông Tự - Nam Ninh - Gia Lâm.

        Vậy là sau 3 năm học tập bên đất bạn với sự giảng dạy, huấn luyện của các giáo viên bay của ta và của Trung Quốc, Lanh đã trở thành phi công tiêm kích chiến đấu. Chặng đường phía trước đang chờ đón chàng phi công trẻ Đỗ Văn Lanh với những thử thách cam go, gian truân và là bước ngoặt để đến với những chiến công rạng ngời...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 08:51:20 am »

       
4

        Năm 1968, khi tốt nghiệp bay về nước, Lanh được biên chế vào Đại đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. (Thực ra, theo các giấy tờ sổ sách thì là Đại đội 2 vì cách đánh số thứ tự của ta hồi đó là số lẻ thì dành cho các Đại đội của MiG-21, các số chẵn dành cho các Đại đội của MiG-17).

        Lanh đã được các bậc đàn anh dạy dỗ, kèm cặp cho phù hợp với tính chất của Trung đoàn Không quân chiến đấu. Anh Lê Hải - cựu phi công chiến đấu trên MiG-17, sau này trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là thày bay kèm cho Đỗ Văn Lanh những ngày Lanh ở Trung đoàn 923. Anh Lê Hải muốn truyền hết những kinh nghiệm chiến đấu của những người đi trước cho lớp đàn em thuộc các thế hệ sau. Những điều anh Lê Hải dạy dỗ, dặn dò trong những chuyến bay và trong cuộc sống hàng ngày tưởng chừng như đơn giản nhưng đấy chính lại là sự tổng kết qua các trận đánh khốc liệt, qua những ngày gian khổ, cơ cực trong chiến tranh. Để có được những lời ấy đã phải trả giá bằng bao sức lực, trí tuệ và cả máu xương của không biết bao nhiêu phi công.

        Anh Lê Hải phân tích về nguyên nhân hy sinh của phi công trong không chiến. Một trong những nguyên nhân chính đó là sự cay cú, ham bám đuổi địch dẫn đến sự mất cảnh giác, không để ý đến tình thế diễn biến xung quanh đang có những thay đổi bất lợi cho mình.

        Muốn làm chủ được chiến trận, - anh Lê Hải thường nói, là phải tạo được sự bất ngờ đối với kẻ địch. Đó là phải tiếp cận địch từ những hướng, những độ cao có lợi cho mình mà địch không tính đến. Nếu địch không bất ngờ thì hãy tạo ra sự bất ngờ làm cho chúng hốt hoảng, ví như lao thẳng vào đội hình của chúng, bắn những loạt đạn mang tính chiến thuật bắt chúng phải cơ động, bắt chúng phải phá tan đội hình... để ta chớp thời cơ tóm ngay lấy thằng nào lúng túng nhất, ở vị trí “ngon” nhất.

        Ngay khi phát hiện được địch, ta phải đánh giá thật nhanh xem trận này sẽ đánh được hay không đánh được. Luôn phải cẩn thận với thủ đoạn “mồi chài” của chúng, nghĩa là có thằng cứ bay tưởng chừng như vật vờ, lượn qua ta kiểu như không thấy ta để nhử ta đuổi theo. Đấy chính là cái động tác “rắc thính” - nói theo ngôn từ của người đi câu. Nếu ta bám theo nó là dứt khoát ta đã bị vào tròng, kiểu gì cũng có bọn ở phía sau “đập” ta ngay.

        Ta cũng phải biết cách lựa thời cơ để ghìm địch xuống độ cao có lợi nhất cho mình, ở độ cao ấy, tính năng máy bay mình được phát huy tối đa và sẽ vượt trội hơn địch. Đã đánh là phải quyết liệt, dứt khoát Kể cả khi thoát li cũng vậy. Trong quá trình thoát li khỏi cuộc chiến phải biết tận dụng địa tiêu, địa hình địa vật, phải cơ động máy bay cho khéo léo, cho chuẩn xác. Nếu bị địch bám đuổi thì việc quay lại hay không quay lại để phản kích cũng phải tính toán sao cho thật hợp lí, nên hay không nên, ví như số lượng dầu liệu còn nhiều hay ít, lực lượng của địch bám theo mình có đông hay không, cự li đến căn cứ sân bay của ta xa hay gần, cự li đến vùng hỏa lực pháo phòng không của ta còn bao xa... Nghĩa là tối kỵ việc hành động không tính toán cụ thể.

        Khi đã về đến sân bay, việc rút ngắn thời gian vào hạ cánh là rất quan trọng. Cần phải bay ở độ cao thấp với tốc độ lớn, lập hàng tuyến hẹp, bằng mọi cách cho máy bay nhanh chóng tiếp đất, bởi sau trận không chiến, khi đã thoát li về rồi thì càng ở trên không thời gian dài bao nhiêu càng bất lợi bấy nhiêu.

        Anh Lê Hải từng nói: “Không chiến là một cuộc đấu cả trí và lực. Đã là phi công chiến đấu thì luôn phải nhớ một điều là bất kể lúc nào cũng có một chiếc máy bay địch bám ở phía sau. Phải nắm chắc được tính năng máy bay địch, hiểu tâm lí đối phương. Việc tạo được bất ngờ chính là đánh vào tâm lí đối phương.

        Một điều cốt lõi nữa đối với ta là vào trận đánh phải thật thanh thản. Nếu vào trận mà đầu óc không tỉnh táo, không thanh thoát, cứ bị mụ mị thì khó mà phán đoán được tình hình chiến trận và như vậy làm sao có thể hành động quyết đoán được!... Cứ phải coi cái chết nhẹ tựa lông hồng!”

        Chàng phi công trẻ Đỗ Văn Lanh đã thuộc lòng ngay những bài học ấy và thầm nhủ sẽ quyết tâm theo kịp các bậc đàn anh.

        Qua những ngày trực ban chiến đấu, những lần xuất kích cùng các phi công kỳ cựu của Trung đoàn, tuy chưa gặp địch, chưa tham chiến nhưng trình độ kỹ thuật của Lanh đã nâng cao lên nhiều và đặc biệt là tính thần chiến đấu, bản lĩnh chiến đấu đã hình thành và được hun đúc, tôi luyện.

        Đến năm 1970 thì Lanh và một số phi công khác của Trung đoàn 923 được chọn lựa để chuyển loại lên bay trên loại máy bay MiG-21.

        Số phi công chuyển loại từMiG-17 lên MiG-21 trong đợt ấy gồm có:

        Đỗ Văn Lanh
        Võ Sĩ Giáp
        Cao Sơn Khảo
        Lê Khương
        Trần Sang
        Hạ Vĩnh Thành
        Nguyễn Duy Tường
        Ngô Duy Thư
        Lê Minh Dương


        Anh Phạm Tuân cũng nằm trong danh sách chuyển loại đợt này, nhưng vì Trung đoàn còn giữ anh rồi tiếp đến là anh ở trong đội tuyển bóng chuyền, phải đi thi đấu nên khi hết đợt Hội thao thì Tuân về chuyển loại một mình một đợt.

        Tính năng của MiG-17 và MiG-21 khác nhau rất nhiều, từ hình dáng đến tính năng kỹ chiến thuật, cách thức điều khiển, phương thức không chiến, cách đánh chặn, cách sử dụng vũ khí... rồi cách cất hạ cánh... Nếu kể ra thì rất dài dòng, tốn giấy mực lắm.

        Chỉ trong một thời gian ngắn, Lanh đã “thuần phục” được “con chiến mã” MiG-21, làm chủ được nó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trực ban chiến đấu, xuất kích chiến đấu.

        Trong những số phi công chuyển loại từ MiG-17 lên MiG-21 đợt ấy đã có 3 phi công sau này lập được những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là Phạm Tuân, Đỗ Văn Lanh và Lê Khương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 08:56:22 am »

        
5

        Từ ngày sau cái đận Cao Sơn Khảo hy sinh, tôi hay cắt trọc đầu, rồi Lanh cũng cắt trọc nữa.

        Hồi ấy, bộ quần áo lót được may bằng loại tơ tằm màu vàng. Tôi và Lanh thường mặc hàng ngày để đỡ thấm mồ hôi ra bộ quần áo bay, bởi bộ đồ bay thì dày, giặt lâu khô lắm, đằng này chỉ cằn giũ giũ, căng lên phơi một lúc là khô liền, lại sử dụng được luôn. Hai thằng tôi cứ nhênh nhang với bộ cánh màu vàng, đầu thì trọc lốc... trông chẳng khác gì hai vị hòa thượng ở trên chùa. Mấy cô chị nuôi gọi chúng tôi là: “Hai ông sư”. Khi gặp mình tôi hoặc mình Lanh thôi thì gọi: “ông sư ơi!”. Cái biệt danh “ông sư” ấy đến tận bây giờ khi gặp nhau vẫn sử dụng giống hệt như những ngày xưa.

        Chúng tôi, chúng tôi cũng đặt cho mỗi cô một biệt danh. Thuở ấy có mấy cô chị nuôi người Hải Dương là được chúng tôi gắn cho “tên húy” hết lượt: cô Hòa với dáng đi lạch bạch thì gọi là “Vịt Hòa”, cô Toan người tròn như hạt mít, như con ốc bươu ấy thì được đặt là “ốc Toan”, cô Trinh thì chỏm mũi lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi, cô hay lấy tay áo chùi thì được gọi ngay là “Mèo Trinh”...

        Mới năm vừa rồi, khi tôi với anh Nguyễn Văn Quang đi lên nghĩa trang Phổ Yên thắp nhang viếng các liệt sĩ phi công ở đó, khi quay về, dự định sẽ tạt qua nhà cô “Hòa vịt”, thăm vợ chồng cô ấy. Xe đến gần nhà, đang chạy chậm chậm thì thấy đứa cháu lai cô Hòa bằng xe máy từ sân phi vù ra đường. Tôi vội hạ kính xe xuống, hét lên: “Vịt ơi!”. Lập tức, chiếc xe phanh lại và vòng về nhà. Vừa xuống xe xong là Hòa ta la lên:

        - Ối “ông sư” ơi là “ông sư”! Bao nhiêu năm nay ông ở đâu mà sao hôm nay ông lại tìm được đến nhà tôi thế này?

        - Nam mô a di đà Phật! Sư về rừng núi tu nhưng chẳng thành chính quả, đói quá, đang đi khất thực đây! - Tôi trả lời.

        - “Ông sư” ơi là “Ông sư”! - Hòa vừa nói vừa lôi chúng tôi vào nhà.

        Chồng của “Hòa vịt” cũng là phi công bay MiG-21 cùng Trung đoàn với tôi đang ở trong nhà thấy phía ngoài sân nhộn nhạo, ầm ỹ cả lên thì chạy vội ra:

        - Ôi, “ông sư” Huy! ông với anh Quang đi đâu thế này? Vào nhà đi, vào nhà đi! - Anh rối rít giục.

        Chúng tôi vào nhà. Câu chuyện thật rôm rả và toàn xoay quanh chuyện của những năm tháng chiến tranh, những năm tháng khi mà mấy anh em chúng tôi còn ở cùng đơn vị với nhau... Rồi lại nhắc đến “ông sư Lanh”... ừ, bây giờ thì “ông” đã ở cõi Niết Bàn rồi!...

        Thuở ấy, anh em phi công và các anh chị nuôi thân nhau lắm. Trong nhóm các cô chị nuôi thì có hai cô “kết” chặt với phi công và đã thành vợ chồng. Đó là Hòa “vịt” lấy Phú “lươn”. Nói về cái biệt danh Phú “lươn” thì trong đơn vị có đến mấy người tên Phú: nào là Phú “lỉnh”, Phú “thể thao”...rồi phi công thì có Phú “rắn”... nên để đỡ lẫn, Phú - Hòa được gọi là Phú “lươn”!

        Rồi Toan “ốc” thì lấy Lê Văn Kiền cũng là phi công của Trung đoàn. Về Toan “ốc”, tôi biết dạo ấy cũng có đến mấy anh phi công “để mắt” đến vì cô nàng tươi tắn, nhỏ nhắn lại mũm mĩm. Lanh hay nói với tôi: “Đứa nào mà lấy được “con ốc” về làm vợ là có phúc đấy. Nó đảm đang lắm!”. Tôi và Lanh chơi với nhóm ấy khá thân thiết, coi các cô như những đứa em gái của mình. Chúng tôi đã có người yêu cả rồi và các cô ấy cũng thường xuyên hỏi thăm người yêu của chúng tôi. Tôi từng làm hai câu thơ để trêu đùa Toan:

Nếu mà  yêu được “ốc” Toan
Thì ta làm chục cái “khoan”giữa trời!

        “Cái khoan” đây chính là động tác kỹ thuật bay phức tạp: cho máy bay xoay quanh trục dọc của nó 360 độ theo chiều mặt phẳng ngang hay theo các chiều mặt phẳng khác nhau... gọi là “khoan ngang hay khoan lên, khoan xuống”...

        “Lão” Phạm Phú Thái biết chuyện, thi thoảng lại nói: “Làm chục cái “khoan” giũa trời đi!”. Nhiều người chẳng hiểu thế là thế nào cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 10:15:52 pm »

        Một hôm, Lanh gặp tôi:

        - Này, thằng Kiền làm “chục cái khoan” rồi!

        - Chúng yêu nhau thật à? - tôi hỏi.

        - Lại chẳng thật!

        Thế cũng là mừng cho họ. Tôi nhớ lần xuống Hải Phòng công tác ghé vào nhà “ốc” Toan. Khi đến cổng nhà, tôi gọi to:

        -“Ốc” ơi “Ốc”! Có nhà không?

        - Ối! “Ông sư”! Làm sao mà “ông sư” lại biết đường đến đây, lại tìm được nhà? - Toan nghe tiếng réo “tên húy” của mình vội chạy ra, hỏi tíu tát.

        Đúng là hai cái “Con vịt” với “Con ốc” này là hai chị em có khác, cách nói giống nhau y chang.

        - Đường ở mồm ấy! - tôi cười, trả lời.

        Hai cô con gái của Toan cứ há hốc mồm ra vì ngạc nhiên, rồi hết hỏi tôi lại quay sang hỏi mẹ chúng:

        - Bác ơi! Sao bác lại gọi mẹ cháu là “ốc” vậy bác?

        - Mẹ ơi! Sao mẹ lại gọi bác ấy là “ông sư”?

        Nghe tôi giải thích theo kiểu hài hước, hai cô cháu cứ cười ré lên.

        Trong đám mấy cô chị nuôi và y sĩ dinh dưỡng thì chắc Lanh ghét cô y sĩ dinh dưỡng nhất. Chẳng là cô hay cấm Lanh ăn rau sống. Mà kiểu ăn rau sống của Lanh cũng khác người lắm cơ. Khi đi qua ngang luống rau thơm là Lanh vặt lấy một nắm nào là húng, nào là mùi... các loại rồi tráng qua vòi nước, vẩy vẩy mấy cái sau đó là đặt lên đĩa, chén luôn. Một lần, cô y sĩ dinh dưỡng - cô Thuyền mà chúng tôi vẫn gọi là Điêu Thuyền thấy Lanh làm vậy thì ào ra thu ngay đĩa rau một cách thẳng thừng, không khoan nhượng như các lần trước nữa. Lanh bước theo, ghé sát vào tai Thuyền chửi một câu rồ tục rồi quay lại bưng bát cơm, đủng đỉnh ra ngồi ngay cạnh luống rau thơm, vặt rau đặt thẳng vào bát, ăn ngay chẳng cần rửa ráy gì hết. Nàng Thuyền ta thấy vậy, chẳng dám ra vì vừa bị Lanh chửi mắng xong nên chỉ còn nước là đứng vào góc nhà, khóc nức nở...

        Lần cô chị nuôi tên là Thơm không biết đi đứng thế nào mà ngã gãy sứt một chiếc răng. Cô đi bịt chiếc răng gãy ấy: bịt vàng!. Thời đó cũng hay có trào lưu bằng răng vàng. Chẳng biết đấy là vàng thật hay vàng giả nhưng mà sau khi cô bịt răng vàng về thì hay bị trêu chòng. Một trong những lần trêu chòng mà sau đó hễ cứ thấy bóng dáng Lanh đâu là cô lập tức chạy... “mất dép”!.

        Ấy là lần cô chị nuôi Thơm xuống bếp đánh răng. Lanh ta đi đâu không biết nhưng ngang qua đó, thấy thế liền tạt ngay vào trong bếp, lấy ra chiếc rá vo gạo, hứng nước đánh răng của Thơm rồi chao qua chao lại. Lấy làm lạ, Thơm ngừng đánh răng, hỏi:

        - Anh làm cái trò gì thế?

        - Mày lãng phí ghê quá. Ai lại đi đánh răng vàng bao giờ. Tao hứng nước đãi may ra nhặt được chút mạt vàng nào chăng?

        Tức thì, Thơm quăng cả bàn chải đánh răng, cả ca nước... chạy biến vào nhà vừa cười, rồi... vừa khóc!

        Chưa hết chuyện. Hồi ấy bọn tôi hay được ăn loại kẹo Hải Châu, Hải Hà gì đó, mỗi chiếc kẹo đều được bọc một miếng giấy thiếc hoặc màu trắng hoặc màu vàng. Lanh lấy ngay giấy thiếc màu vàng, lẩn mẩn bọc vào chiếc răng cửa của mình rồi lẳng lặng đi xuống bếp. Gặp Thơm, Lanh nhe răng ra cốt khoe một chiếc răng của mình cũng được “bọc vàng”, chẳng kém cạnh gì. Mọi người được bữa cười đau bụng, còn Thơm thì chạy mất hút!

        Tuy trêu chọc, nghịch ngợm thế nhưng Lanh không có chút gì ác ý cả. Cốt chỉ để gây cười thôi. Mọi người đều biết vậy nên cũng không ai “thù” Lanh làm gì.

        Lanh hay xuống bếp giúp mọi người hoặc đơn giản chỉ xuống để tán gẫu. Lắm khi cũng xào xào, nấu nấu... ra dáng lắm.

        Tôi nhớ, có íàn mua to, mối cánh bay ra nhiều. Tôi và Lanh lấy chậu nước đặt dưới bóng đèn điện, mối sa xuống đó với số lượng kha khá. Tôi và Lanh vớt ra, mang xuống bếp xin hành, tỏi, mỡ để phi lên xào. Mấy cô chị nuôi người Hải Dương chưa thấy loại mối ấy bao giờ và không biết chúng tôi sẽ làm gì nên cứ gặng hỏi. Lanh thủng thẳng đáp:

        - Thấy có người bán mớ “nhộng Bắc Kinh” này rẻ quá, bọn tao mua về xào ăn thôi! Nào, cho xin ít mỡ, ít hành, ít mắm để trộn cho thơm!...

        - Trông ghê thế này mà ăn được á? - Mấy cô hỏi.

        - Ăn sống còn được nữa là! - Lanh đáp và tóm lấy một con cho ngay vào miệng nhai.

        - Eo ôi! - Mấy cô kêu ré lên.

        - Nào, có lấy các thứ hay không, kẻo tao nhai sống hết bây giờ? - Lanh hỏi.

        - Có ngay! Có ngay!...

        Chúng tôi xào mối lên rồi lấy bánh phở (bếp bay chuyên tự tráng bánh phở cho các bữa ăn sáng chứ không mua ở ngoài) loại chưa thái sợi, vẫn to như chiếc bánh đa ấy, trải ra rồi đổ mối vừa xào vào và cuộn lại chia cho mỗi người thưởng thức một tí. Về sau, mấy cô chị nuôi hỏi cặn kẽ mới biết đấy là loại thức ăn gì vừa ăn thì kêu la om sòm:

        - Ối hai “ông sư” ơi là hai “ông sư”! Ai lại đi ăn mối cánh bao giờ? Lại còn nói là “nhộng Bắc Kinh” nữa chứ! Khiếp quá đi mất!

        - Vậy ăn có ngon không để lần sau bọn tao còn làm tiếp?

        - Thôi, thôi đi các “ông sư” ơi!

        Rồi các cô đấm nhau cười rúc rích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 10:19:08 pm »

        Mới gần đây thôi, khi tôi có số điện thoại di động của cô Trần Thị Toan - “ốc Toan” ấy, tôi bấm máy. Chuông kêu một lúc rồi nghe thấy tiếng Toan:

        - A lô! Ai gọi đấy ạ?

        - “Ốc” ơi! Dạo này “ốc” có khỏe không?

        - Giời ơi! “Ông sư”! ông đang ở đâu thế?

        Anh em tôi hàn huyên qua điện thoại một lúc rồi tôi hỏi:

        - “Ốc” còn nhớ “sư Lanh” không?

        - Làm sao mà quên được cái “ông sư” ăn sống mối cánh ấy! - rồi tiếng Toan cười ròn tan - cả “ông sư” Huy nữa trong cái vụ ấy! Chúng em nhớ chứ, chẳng bao giờ quên được đâu!

        Lanh và tôi hay đi với nhau. Lanh nghĩ ra được “chiêu” gì thì tôi hưởng ứng, ngược lại, tôi có “trò” gì hay thì Lanh lại phụ họa... rồi “tự biên tự diễn”. Cuộc sống trong thời chiến căng thẳng, gian nan vất vả vậy nhưng cũng có những thời điểm yên ắng. Và chúng tôi tự tìm lấy cách thư giãn cho mình. Có đêm, trời sáng trăng suông, tôi, Lanh cùng mấy anh em khác nữa lấy chiếc xe cải tiến kéo dọc đường. Một người cầm càng xe, một người đẩy đằng sau, còn mấy người ngồi trên xe làm hành khách. Cứ kéo một đoạn thì lại đổi nhau xem cảnh phu xe có vất vả không. Vừa kéo vừa trêu chòng nhau, nói cười ròn rã, om sòm cả một đoạn đường. Bất chợt, chiếc ô-tô chỗ Trung đoàn trưởng đi vụt qua. ông ngờ ngợ rồi thấy xe chạy chậm hẳn lại... Ông nhận ra đúng là đám lính của mình. Lúc ấy chắc ông ngạc nhiên lắm. Hôm sau, khi xuống ăn sáng, gặp chúng tôi, ông nhìn với ánh mắt là lạ, nửa như muốn dò hỏi, nửa lại không. Bọn tôi tất cả cứ tảng lờ, vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra cả...

        Lanh thuộc dạng người khéo tay. Hồi cơ động vào sân bay Sao Vàng - Thọ Xuân, Lanh lần mần đi học rua, học móc - nào móc “quả núi”, nào móc “hoa dâu”... Rồi Lanh móc hoàn chỉnh hằn một chiếc áo gối hẳn hoi. Tôi lấy làm phục lắm. Tới khi nói chuyện với mấy cô em của Lanh mới biết thêm chi tiết là ngày ở nhà, Lanh biết dàn, biết sàng gạo còn giỏi nữa là đằng khác. Cái sự “khéo tay” ấy của Lanh đã có lần làm cho Trung đoàn trưởng phải làu bàu, bực mình. Ấy là khi chúng tôi “diện” chiếc áo lót cao không bằng tơ màu vàng nhưng phần phía hai cổ tay và cổ áo lại dệt bằng sợi vải trắng. Cái phần sợi trắng ấy nhanh rão và nhanh bẩn. Thế là, hai chúng tôi lấy kéo làm cho cái “xoẹt” để đỡ áy náy. Tôi thì lấy chỉ mạng theo kiểu vắt sổ vào mép vải ờ những chỗ vừa cắt cốt cho vải đỡ bị bung ra, còn Lanh thì lại lấy kim móc, hì hục móc theo kiểu móc “quả núi” quanh mép vải. Thực ra, nếu đấy mà là áo của con gái thì có thêm cái nét giêm giúa ấy càng thêm điệu đà, nhưng khốn nỗi, đây lại là một “đức ông” đầu trọc, diện vào, hai tay vừa đi vừa vung vẩy, tung tẩy... thì trông cũng “khó coi” thật!

        Khi gặp chúng tôi ở nhà ăn, Trung đoàn trưồng nhìn gườm gườm, chắc là “ngứa mắt’ lắm nhưng ông không quát tháo gì, chỉ lẩm bẩm:

        - Thật chẳng ra làm sao cả!

        Tôi chờ sự phản ứng tiếp theo của ông nhưng không thấy “tiến biển” gì thêm ngoài cái câu “Thật chẳng ra làm sao cả!”. Chẳng ra làm sao tức là chẳng làm sao và “hai ông sư” thì vẫn cứ đủng đỉnh trong cái bộ trang phục nửa sư nửa sãi với cách tạo mẫu ấn tượng ấy!.

        Cách ngủ của Lanh cũng thật khác người. Khi đi trực chiến ở các sân bay, Lanh chẳng bao giờ sử dụng đến gối khi nằm ngủ. Gối đầu lên gối là quá cao, ngay trải chiếc khăn mùi xoa để gối lên cũng đã là cao rồi! Lanh thường bẻ bớt một vài thanh giát giường và nằm gối đầu vào đúng cái chỗ lõm giữa mấy thanh vừa bị bẻ ấy mà ngủ. tức là khi ngủ, đầu phải dốc xuống. Rồi có bận lại còn xoay ngang người, đẩy mông sát vào tường, đưa hai chân dựng ngược lên tường kiểu như “tư thê hoa sen” trong Y-ô-ga. Chẳng biết “lão” ta nằm như vậy có ngủ được hay không, có ngủ ngon hay không, nhưng trông khó chịu lắm!

        Ở tất cả các nhà trực ngoài sân bay, cứ thấy giường nào bị bẻ vài thanh giát giường phía đầu giường thì chắc chắn Lanh đã ngủ ỏ đó!.

        Những ngày cơ động vào trực ở sân bay Sao Vàng - Thọ Xuân là những ngày chúng tôi bày ra lắm trò nghịch ngợm, trêu chòng nhau. Còn nhớ, khi biên đội của anh Đặng Ngọc Ngự vào, cùng ngủ ở khu nhà lá ở Đồi Luồng với chúng tôi. Đêm ngủ anh ngáy rất to làm cho bọn tôi không ai ngủ được. Hôm sau, Lanh bàn với tôi phải tìm cách làm cho anh Ngự ngủ ít đi để anh bớt ngáy thì may ra chúng tôi mới “yên thân”. Tôi và Lanh tìm cách bắt mấy con dế than và mấy con sạch sành. Dế than thì cho vào trong giày của anh, lấy tất chặn phía trên, còn sạch sành thì cho bám vào thành màn và đình màn của anh Ngự. Hai cái giống này có đặc điểm là khi có ánh sáng là chúng nằm im, nhưng khi tắt điện, có bóng tối là chúng bắt đầu rên ri, nỉ non... càng ngày độ réo rắt càng tăng. Tiếng dế than thì réo rắt, tiếng sạch sành thì lạch sạch, loạch quạch... khi mà hai cành chúng cọ vào nhau rung rung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2016, 10:22:06 pm »

        Bật đèn lên thì tất cả im thít, tắt điện đi thì lại bắt đầu dở chứng. Thoạt đầu chỉ có một con kêu nho nhỏ, ti tỉ thôi như kiểu thăm dò, sau đó thì tất cả òa lên như một giàn đồng ca. Tôi nằm nghe những âm thanh ấy, nghĩ bụng thế nào “bố” Ngự cũng phải dậy. Y như rằng, anh ngồi bật lên:

        - Những cái con gì kêu khó chịu thế nhỉ?

        Bọn tôi nằm im, giả vờ ngủ, không ai trả lời anh. Anh ấm ức:

        - Quái nhỉ? Lạ thật nhỉ? Hôm qua có thấy gì đâu!

        Anh bật đèn lên. Lập tức mọi tiếng kêu im bặt. Cứ tắt điện thì lên tiếng, bật điện thì im! Đúng là lũ frêu ngươi! Anh cáu tiết lắm! Lừa lúc chúng kêu vào giai đoạn cao trào nhất, anh bật ngay điện và nhảy ra khỏi giường, tay càm đèn pin sục sạo. Theo ánh đèn pin, anh phát hiện ngay được một chú sạch sành đang bám ờ thành màn. Anh tóm lấy cu cậu và lẩm bẩm:

        - Thằng thủ phạm đây rồi! Mà làm sao mày lại bám được vào đây nhỉ?

        Anh tiếp tục lia đèn pin, kiếm tìm. Thấy tiếp một chú đang nằm ung dung trên đình màn, anh tóm ngay và tới lúc này thì anh bắt đầu đặt dấu hỏi nghi ngờ:

        - Không thể nào mà cùng lúc lại có đến mấy con mà chỉ bám vào đúng màn của mình. Đúng là trò của thằng cha nào đây rồi!

        Chúng tôi vẫn nằm im mặc cho anh độc thoại. Anh lia đèn pin sang các giường khác để kiểm tra. Không thấy ai phản ứng gì nghe chừng tất cả đã ngủ say. Anh tắt đèn, lên giường. Chỉ chua đầy phút sau, một chú dế than bắt đầu rên khe khẽ, sau rồi to dần, to đàn. Rồi tiếp đến là tiếng mấy con khác cất lên. Bản hòa tấu cất vang. Đến lúc này thì anh Ngự không thể chịu đựng thêm nũa. Anh khua tất cả chúng tôi dậy:

        - Tớ dám chắc đây là trò đùa của mấy cậu! Nào, cậu nào trêu tớ thì nhanh chóng dẹp cái trò này đi để còn ngủ, mai còn trực! Hại thần kinh lắm! Bực người ghê thật ấy!

        Bọn tôi lục tục dậy, vờ vịt tay dụi mắt như cố xua đi cơn ngái ngủ. Anh tuyên bố thẳng với tôi:

        - Cậu là thủ phạm của cái trò đùa này, phải không? Tớ nghĩ rồi, chỉ có cậu thôi, đúng không?

        - Ơ! Sao anh lại đổ cho em? Bọn em có sao đâu, có bị con nào bám đâu! Chắc anh mới vào, lạ hơi nên chúng mới đến đấy chứ!

        - Đừng có mà lí sự cùn! Đi tìm ngay xem chúng đang ở đâu đi!

        - Theo em, không thể để điện sáng được. Phải tắt điện đi rồi càm đèn pin sẵn sàng, nghe tiếng kêu ồ đâu là lập tức rọi ngay vào khu vực đó tìm thì may ra mới thấy!

        - Ừ, cậu nói có vẻ có lí đấy!

        Rồi đèn được tắt, các đèn pin sẵn sàng rọi. Phút sau, tiếng dế đàn dàn vang lên. Anh Ngự bật ngay đèn, phát hiện một chú vừa chui ra khỏi giày vừa rung cánh vừa gáy ngay dưới cuối giường của mình. Anh chộp lấy và bóp nát chú ta trong cơn tức giận. Anh bắt đầu lục tiếp chiếc giày bên cạnh, tóm tiếp một chú khác. Giải quyết xong hai chú dế than, anh gọi tôi giật giọng:

        - Huy! Có phải cậu làm cái trò này không?

        - Ngay từ đàu em đã nói là không rồi mà! Sao anh cứ xoáy vào em mãi thế nhỉ?

        - Không cậu thì thằng Lanh! Mà cũng có thể là cả hai thằng cùng làm việc này!

        - Thôi, anh ơi! Anh đừng ngờ vực nữa! Ngủ đi để mai còn đi trực! Việc đó điều tra sau!

        ...

        Sáng hôm sau ở ngoài nhà trực, anh vẫn nhìn chúng tôi với cái nhìn dò xét để phán đoán xem thằng nào là thủ phạm chính, thằng nào là tòng phạm, hay cả lũ đều đầu têu như nhau... Rồi lệnh báo động vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ của anh...

        Viết đến đây, tôi thành thật kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn anh, xin anh sự tha thứ vì những trò đùa trẻ con ấy. Lanh thì cũng đã thành “người thiên cổ” rồi! Chắc ở cái “thế giới bên kia” ấy, Lanh đã gặp anh và nói về kỷ niệm của một thời xa xưa ấy. Tôi đoán, chắc thế nào anh cũng mỉm cười với nụ cười độ lượng:

        - Tớ chẳng thèm chấp ba cái thứ lặt vặt ấy đâu!

        Xin anh cho hai chữ Đại Xá!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2016, 08:40:15 am »

        Lanh hay đi lang thang, thích đi lang thang...

        Những ngày không phải phiên mình trực là y như rằng không mấy khi Lanh ở nhà. Lanh hay đi đó đi đây. Cứ vào nhà này một tí xong lại sang nhà khác ngồi một tẹo, chẳng ngôi ở đâu lâu. Thế mà nắm được khối chuyện. Một lần, Lanh đi đâu không biết, nhưng khi về thì bảo tôi:

        - Này, “Quất”! Tuần này có thích ăn thịt chó không?

        - Thịt chó ở đâu mà ăn? Mà ai sẽ làm? - Tôi hỏi lại.

        - Thì bếp trưởng Hải sẽ làm!

        - Đợi đấy! Có mà còn khuya!

        - Mày “cú đỉn” bỏ mẹ! Đúng là chẳng biết gì! Chỉ cần khen vợ lão ấy trắng... như “chiếc chậu men” là lão ấy sướng lắm, gì cũng chiều hết sảy!

        - Có mà ăn đòn thì có! Ai mà lại sướng khi nghe khen “trắng như cái chậu men” bao giờ!

        - Mày cứ thử mà xem!

        - Thử thì thử, sợ gì!

        Nói là làm! Tôi lững thững đi xuống bếp, gặp cô chị nuôi Thiết liền đứng nói chuyện tào lao, cốt để thăm dò và tìm cớ làm sao để anh bếp trưởng phải mời mình vào uống nước. Một lúc sau thì thấy tiếng anh vọng từ trong nhà ra thật:

        - Hôm nay anh không phải trực à? Vào tôi uống nước đi, anh Huy ơi!

        - Tôi vừa trực hôm qua. Mai mới đến phiên cơ. Hôm nay anh cũng ở nhà à?

        Tôi vừa nói, vừa hỏi, vừa bước vào phòng anh. Anh tráng ấm, pha trà rồi chúng tôi ngồi hàn huyên hết chuyện nọ đến chuyện kia. Tôi thì cớ lựa đàn các câu chuyện để xoay sang cái việc cần hỏi là “trắng như cái chậu men”. Từ xưa tới giờ tôi chỉ nghe thấy câu “trắng như trứng gà bóc” chứ chua nghe thấy câu “trắng như cái chậu men” bao giờ. Mới nghe Lanh thuật lại là lần đàu. Tôi thăm dò:

        - Từ ngày anh vào đây thì chị có vào thăm anh lần nào không?

        - Có chứ! Mấy tháng trước đây có vào ở với tôi mấy ngày đấy!

        - Nghe mấy người kháo nhau là chị ấy xinh lắm và trắng trẻo lắm!

        - Đúng vậy đấy! Vợ mình xinh và da trắng như chậu men ấy!

        - Thế thì hơn đứt mấy cô ở đây rồi! Đúng là nhất anh!

        - Ừ, hơn là cái chắc! Mấy cô cứ gọi là chạy dài!...

        Vậy là thằng cha Lanh nói đúng. Tôi thì cứ lo, nhỡ mà ví vợ anh ấy “trắng như chậu men”, anh ấy cho là mình chê bai, miệt thị thì có mà ăn đòn, đằng này tự anh ấy nói ra nên tôi thấy sướng rơn cả người. Mà có lẽ, hồi đó cái chậu sắt tráng men thì đúng là nó trắng thật!

        Chuyện loanh quanh một lúc rồi tôi đặt vấn đề:

        - Lâu quá không có món *Vitamin gâu gâu”, anh nhỉ?

        - Cuối tuần này ta làm thôi! - Anh trả lời gọn lỏn. - Để tôi tìm xem có chú vện hoặc chú vàng nào vừa vừa tầm thì ta sẽ “làm” thôi!

        - Thế thì còn gì bằng! “Nhất vện, nhì vàng...” mà! Đúng không anh?

        - Đúng thế!

        Và đúng thế thật. Vào cuối tuần ấy, một “chú vện” đã bị “xử".

        Lanh huých tôi:

        - Thấy đúng không “Quất”?

        - Đúng thật! Mà cũng lạ thật! - tôi trả lời.

        - Lạ cái gì?

        - Lạ về cái việc “trắng như chậu men” ấy!

        - Ừ, không biết sao, cứ khen thế là lão ấy sướng lắm!

        Mà đúng là anh Hải sướng. Sướng một cách thật sự!

        Rồi khi trở về sân bay Đa Phúc, tôi nhớ Lanh còn làm một cú giật gân nữa. Đấy là hồi ấy, anh Tạ Quốc Hưng nuôi một đàn gà con nhưng không hiểu thế nào mà chuột vào “chén” chỉ còn độc có một con. Cái con thoát chết ấy cũng không được lành lặn, nó bị đám chuột gặm mất một chân và moi ruột lòng thòng ra ngoài bụng. Anh Hưng xót xa, lấy chỉ khâu bụng nó lại và băng bó chân cho nó. Chẳng ai nghĩ là nó có thể sống sót. Vậy mà nó lại vượt qua được cái “cửa tử” mới lạ. Nó cứ nhảy lò cò một chân trông vừa thương vừa thấy ngộ nghĩnh. Mà cũng lạ, anh Hưng đi đâu là nó theo tiếng huýt sáo của anh lóc cóc theo sau. Một hôm, chàng Lanh ta tóm trộm nó đem ra để “khoe” giống gà lạ: không phải là chín cựa như vật sính lễ của Sơn Tinh, Thủy Tinh đi ăn hỏi Mỵ Nương mà là gà một cẳng biết nhảy theo tiếng huýt sáo. Bất ngờ lệnh báo động chuyển cấp vang lên rồi sau đó là xuất kích chiến đấu. Lanh ta đã cho gà vào túi áo bay, bay về sân bay Kép, cuối chiều mới trở lại căn cứ chính Đa Phúc.

        Trong thời gian ấy thì anh Hưng nháo nhác tìm gà, hỏi ra mới biết “Quất” Lanh ôm gà đi trực. Anh Hưng lo quá, chẳng hiểu rồi những gì sẽ xảy ra với Lanh nữa. Tới lúc Lanh ôm gà về trả, cười cười với cái miệng “meo méo” thì anh Hưng muốn chửi lấy một câu cho bõ tức cũng chẳng được nữa. Thật là hết trò! ở cái tuổi ngoài hai mươi lại trong chiến tranh bom rơi đạn nổ như vậy mà Lanh vẫn nghịch được như trẻ con hồi còn ở quê mới lạ.

        Trong thời gian ấy thì anh Hưng nháo nhác tìm gà, hỏi ra mới biết “Quất” Lanh ôm gà đi trực. Anh Hưng lo quá, chẳng hiểu rồi những gì sẽ xảy ra với Lanh nữa. Tới lúc Lanh ôm gà về trả, cười cười với cái miệng “meo méo” thì anh Hưng muốn chửi lấy một câu cho bõ tức cũng chẳng được nữa. Thật là hết trò! ở cái tuổi ngoài hai mươi lại trong chiến tranh bom rơi đạn nổ như vậy mà Lanh vẫn nghịch được như trẻ con hồi còn ở quê mới lạ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM