Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:42:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến mã trên không  (Đọc 18664 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 09:45:24 pm »

 
        - Tên sách: Chiến mã trên không
        - Tác giả: Nguyễn Công Huy
        - Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn học
        - Số hóa: Giangtvx

        - Thông tin thêm: Là  một đồng đội của Đỗ Văn Lanh, Nguyễn Công Huy kể lại những năm tháng của người anh hùng trong cuộc đọ sức với không lực Mỹ .

        Nguyễn Công Huy cũng là thành viên trong diễn đàn, có nickname là Phicôngtiêmkích. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong các topic mà ông thành lập và chủ trì. Có thể trao đổi trực tiếp với tác giả ở: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=29092.0


« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2020, 06:40:13 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 08:31:03 am »

       
Lời nói đầu

        Với loại máy bay MiG-21, khi đã bị tắt máy ở ở trên không và không còn khả năng mở máy lại được nữa thì phải nhảy dù. Trong “Sổ tay phi công MiG-21” đã có quy định như vậy. Nhưng đã có một trường hợp thật hy hữu là một phi công làm ngược lại cái điều quy định kia, nhất quyết đưa máy bay về hạ cánh. Phi công ấy là Đỗ Văn Lanh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong một trận không chiến khi đã sử dụng đến giọt dầu cuối cùng, máy bay bị tắt máy, sở chỉ huy lệnh cho anh nhảy dù đến 3 lần nhưng Đỗ Văn Lanh không muốn rời bỏ “con chiến mã” đã từng gắn bó với anh qua bao gian nan, vất vả trong cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Anh đã đưa được chiếc máy bay bị tắt máy ấy về hạ cánh an toàn trên sân bay Đa Phúc. Anh đã lập được kỳ tích trong đời bay. Có lẽ, cho đến tận bây giờ vẫn chưa hề có người thứ hai trên thế giới này lập lại chiến công ấy.

        Xin được kể lại với các độc giả về người Phi công Anh hùng này.

        Xin được kể lại với các độc giả về người Phi công Anh hùng này.

        Xin được cám ơn gia đinh, người thân và bạn hữu cùng đồng đội của anh Đỗ Văn Lanh đã cưng cấp cho tôi những tư liệu, những thông tin quý giá và động viên tôi hoàn thành cuốn sách!

        Trong quá trình biên soạn có thể còn có những sai sót. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và chia sẻ cùng tác giả.

        Trân trọng cám ơn!.


TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 08:33:38 am »

           
1

        Phải nói rằng từ lâu lắm rồi, từ năm nảo năm nào khi mà anh Tạ Quốc Hưng - một trong những người dẫn đường kỳ cựu trong Quân chủng Phòng không Không quân từng rất gắn bó với anh em chúng tôi chuyển nhà xuống phố Tân Mai thì mãi vừa rồi tôi mới đến thăm anh được.

        Anh em tôi gặp nhau, “tay bắt mặt mừng”, ngồi hàn huyên một thôi một hồi thì bỗng anh nói:

        - Mày bây giờ còn khả năng viết được thì hãy viết về “thằng Quất” Lanh đi. Nó đáng để viết lắm!

        - Vâng! Em cũng đã dự định rồi. Có kế hoạch cả rồi, anh ạ. Anh cho em thư thư một chút! - tôi trả lời.

        - Thư thư cái gì nữa? Bắt tay vào mà viết ngay đi! Thời gian nó trôi như chó chạy ấy! Thử ngó lại xem “họ hàng nhà Quất” còn được mấy ai?

        Tôi thần mặt ra. Cái “họ hàng nhà Quất” mà anh vừa nhắc tới gồm có anh Lại Văn Hiện, anh Nguyễn Viết Thân (tục gọi là Thân “xồm”), anh Tạ Quốc Hưng, anh Vũ Trọng Tân (tục gọi là Tân “sì”), anh Đỗ Văn Lanh và tôi.

        Anh Vũ Trọng Tân và anh Lại Văn Hiện đều là sĩ quan Trinh sát - Quân báo của Trung đoàn. Riêng anh Lại Văn Hiện có biệt tài là bắt được tất cả các loại rắn và đã từng cứu sống được nhiều người bị rắn độc cắn nhưng mà bài thuốc quý ấy anh chẳng bày lại cho ai cả.

        Anh Nguyễn Viết Thân là sĩ quan tác chiến của Không quân, nhưng trước đấy anh đã là lính đặc công, đã từng đi tiễu phỉ ở vùng núi phía Bắc.

        Anh Đỗ Văn Lanh đã hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện sau chiến tranh ở vùng trời Thái Nguyên. Anh Nguyễn Văn Thân thì cũng đã bị bệnh tật “cướp” đi rồi. Vậy là “họ hàng nhà Quất” còn lại có 4 người. Anh Vũ Trọng Tân bị tai biến đi tai biến lại, đến giờ đi lại đã khó khăn, ăn nói còn khó khăn hơn nữa, suốt ngày chỉ loanh quanh trong phòng mà thôi. Anh Hiện, anh Hưng thì đã vượt cái tuổi “cổ lai hy”, tôi thì cũng chẳng mấy chốc là chạm vào cái ngưỡng ấy. Đúng là phải xúc tiến viết cho sớm một khi còn có thể viết được, không thì muộn mất thật Thời gian thì cứ trôi vù vù. Thế gian thì vội vã, người nào người nấy đều tất bật, hối hả đến nỗi mọi ý nghĩ cũng hối hả, vội vã nốt, nhưng rồi tôi lại thấy rằng sao ta lại cứ lao vào cái guồng quay tít mù ấy mà không chầm chậm lại một chút để còn có thể nhớ được những cái gì đáng nhớ, cần nhớ nhỉ?...

        Cái sự tích về “họ hàng nhà Quất” mà anh Hưng nhắc đến ấy, có xuất xứ của nó. Ấy là khi chúng tôi cơ động, sơ tán về Gia Lâm - về Đa Tốn thì anh Hưng có đem theo một chú cún con để nuôi. Thời đó, Đa Tốn cấm chó triệt để nên có lẽ chú cún này là chú tồn tại duy nhất vào lúc bấy giờ. Chú được chúng tôi đặt tên là “Quất”! Cũng vì cái tính của chú nhắng nhít, gặp ai cũng mừng rỡ, quấn quýt, cái đuôi ngắn cũn cỡn cứ ngoáy loạn xạ cả lên, mấy anh em bảo trông giống như tôi nên gọi tôi là “Quất” luôn thể. Rồi chú lại hay chạy chơi lang thang, mỗi nơi mỗi tí giống như tính cách của Lanh nên Lanh cũng được mang tên “Quất” kèm theo cái tên của mình... Dân dà, cả nhóm gọi nhau là “Quất” hết và từ đó, “họ hàng nhà Quất” ra đời. Khi gặp nhau, chúng tôi toàn gọi nhau là “Quất” thôi. Chúng tôi quen với cái từ ấy rồi nên không sao, nhưng Trung đoàn trưởng thì ngạc nhiên:

        - Các cậu gọi nhau theo cái kiểu gì mà khi nghe đến “Quất ơi” là đến mấy cậu đều thưa cả. Thế là thế nào?

        - Có thế nào đâu ạ! Chúng tôi chỉ đùa nhau rồi thành quen miệng thôi!

        - Lạ nhỉ? - Trung đoàn trưởng vẫn băn khoăn vì nghe chừng lời giải thích ấy không được thuyết phục cho lắm.

        Chuyện tếu táo của mấy anh em chúng tôi là thế. Vậy mà nó tồn tại mãi cho tới tận bây giờ. Nếu không giải thích thì cũng chẳng ai hiểu nổi.

        Tôi cũng muốn nói thêm một chút về cách xưng hô. Chuyện chúng tôi gọi nhau, xưng với nhau bằng những từ “cậu, tớ” hoặc “mày, tao” thì đấy là chuyện rất bình thường, thân mật là đằng khác, nhưng đến khi chuyển sang “anh anh, tôi tôi” thì tình hình đã đến lúc căng thẳng rồi và khi gọi “đồng chí” là bắt đầu nghiêm trọng: phê bình, kiểm điểm hoặc là tẩn nhau đến nơi!... Tôi chẳng thể giải thích được nó là thế nào. Chỉ thấy vậy, biết vậy!

        Nhưng viết về Lanh đâu có phải dễ. Lanh là người có cá tính, khác người khác nhiều lắm: khác từ vẻ diện mạo bên ngoài đến tính cách bên trong, như anh Phạm Tuân nhận xét là “có cá tính ở mọi lĩnh vực”. Lanh lại chẳng để lại những bút tích như các phi công khác. Vào thời đó, cánh phi công chúng tôi có trào lưu viết nhật ký. Trong túi áo bay thường có quyển sổ nhỏ để lúc nào rảnh rỗi là hí hoáy ghi ghi, chép chép... Lanh thì không, vì tính thích đi lang thang, thích tự do phiêu du như gió trời, chẳng muốn vướng vào những chuyện ấy làm gì. Đến ngay cả ảnh của Lanh sưu tầm cũng còn khó. Người khác thì có khá nhiều ảnh, chụp ở khá nhiều nơi với khá nhiều người. Lanh cũng ngược lại luôn, không hề muốn xuất hiện trước ống kính tí nào hết...

        Vậy là tôi “gãi đầu gãi tai” nghĩ xem mình phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu. Khá khó khăn đấy, nhưng phải làm!
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2016, 08:14:54 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 08:40:00 am »


2

        Tôi nhớ lại cái đận sân bay Sao Vàng ở Thọ Xuân  - Thanh Hóa (hồi chiến tranh mang mật danh Bl) bị máy bay Mỹ đánh bom. Gần như toàn bộ đường cất hạ cánh và đường lăn bị hỏng hết, đặc biệt là đường cất hạ cánh. Các tấm ghi thì cong veo, vặn ngược lên, hố bom chi chít, đất đá ngổn ngang vương vãi tứ tung... Để đưa được vào hoạt động trở lại thì phải mất thời gian khá dài. Tất cả số anh em chúng tôi cơ động vào trực ở trong đó đành phải rút ra căn cứ chính là sân bay Đa Phúc. Chúng tôi hành quân bằng ô tô. Con đường hành quân từ Thọ Xuân ra Đa Phúc gian nan lắm. Đường không được to, rộng như bây giờ đã đành, nó lại gồ ghề với những “ổ trâu, ổ voi” và các hồ bom nằm quanh hai bên đường. Chiếc xe tải ậm ạch, khó nhọc bò trên tuyến đường ấy. Chúng tôi đành chịu những cú xóc nảy theo nhịp xe. Khoảng chập tối, khi đến Ninh Bình thì Lanh đề xuất:

        - Này, tất cả vào thăm nhà tao một tí nhé, rồi lát nữa qua nhà thằng Huy. Sau đó ta hãy ra Đa Phúc?

        - Nghe hợp lí đấy! - các ý kiến phụ họa.

        - Cứ thế nhé!

        Đang thời buổi chiến tranh thế này mà lại được ghé qua nhà dù chỉ là mấy phút thôi cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

        Chiếc xe tải đỗ nép vào bên lề đường ở vị trí an toàn. Bọn chúng tôi lục tục xuống xe. Lanh đi trước dẫn đường. Trời tối, đường thì nhỏ, lại lồi lõm... Lanh đi nhanh nên anh em chúng tôi chạy gằn đằng sau để kịp đội hình. Qua cổng, vào trong nhà thì thấy mấy cô em gái của Lanh cùng với mấy cô bạn hàng xóm đang ngồi khâu nón. Nhác thấy một đám sừng sừng xông vào nhà, các cô thôn nữ liền ngừng tay khâu nón, ngửng lên.

        - Ơ kìa! Anh Lanh! - cô em gái reo lên.

        - Bố, mẹ đâu? - Lanh hỏi ngay.

        - Bố chưa về. Mẹ vừa chạy đi đâu đó! Các anh vào nhà đi!

        - Thôi! Nói với bố mẹ là tao khỏe! Chúng tao đi đây!

        - Các anh uống nước đã!

        - Nước nôi gì! Đi nhá!

        Dứt lời, Lanh dẫn anh em tôi “đằng sau quay”. Ngang qua bể nước mưa, Lanh lấy gáo vục một gáo, uống ừng ực, xong lại múc một gáo nữa, đưa tôi:

        - Này, “Quất”!

        - Nào, đưa đây!

        Tôi cũng làm một hơi hết gáo nước rồi mấy anh em chúng tôi lại ra xe, tiếp tục cuộc hành trình. Các cô em  gái của Lanh thì còn chưa hết ngơ ngác vì các vị khách ào đến quá nhanh và đi cũng quá nhanh, cứ như cơn lốc vậy.

        Xe chạy được một đoạn, tôi với Lanh đứng trên thùng xe. Tôi huých Lanh:

        - Mày nói chuyện với mấy đứa em gái mà cứ như là hỏi cung ấy! Chúng nó không sợ à?

        - Kệ chúng nó! Quen rồi!

        - Mà này, mày có đến mấy đứa em gái, đứa nào đứa ấy đều xinh, vậy mà sao mày giữ kín thế? Cùng “họ hàng nhà Quất” với nhau mà bây giờ tao mới biết đấy!

        - Ôi dào! Nói làm gì! Mà mày có hỏi đâu mà khai!

        Lanh trả lời nhát gừng rồi im lặng, không nói gì nữa.

        Tôi cũng không hỏi thêm. Chắc ý nghĩ của Lanh đang bồng bềnh trôi ngược lại phía quê nhà và suy nghĩ về câu hỏi của tôi cũng chưa biết chừng.

        Theo đúng kế hoạch đã được thống nhất, đến gần lối vào nhà tôi thì tôi đập đập vào mui xe. Chiếc xe dừng lại ngoài quốc lộ số 1, anh em chúng tôi cuốc bộ vào nhà. Đường vào nhà tôi rộng hơn và dễ đi hơn lối vào nhà Lanh nên anh em đi với “đội hình mật tập” chứ không phải đi theo hàng dọc như khi vào nhà Lanh, cả đám vừa đi vừa nói cười ầm ỹ, đến đâu chó má sủa râm ran tới đó. Đến sân thấy trong nhà có ánh sáng của ngọn đèn dầu vặn nhỏ, tôi lên tiếng:

        - Bố ơi! Mẹ ơi!

        - Ông ơi! Thằng Huy nó về ông ạ! - tiếng mẹ tôi gọi bố tôi.

        Bấc đèn lập tức được vặn lên, ánh sáng đã nhìn rõ trong nhà. cửa mở, chúng tôi theo nhau tiến vào nhà.

        - Con chào bố mẹ!

        - Cháu chào cô chú!...

        - Không dám! Chào các anh! Làm sao mà lại về lúc tối tăm thế này?

        Tiếng chào hỏi thật ríu rít.

        - Các anh đã ăn cơm chưa? Để tôi đi thổi nhé?

        - Thôi, mẹ ạ! Chúng con chỉ qua nhà mấy phút thôi. Chúng con phải đi ngay bây giờ đây! - tôi trả lời mẹ.

        - Thì làm cái gì mà gấp gáp thế?

        - Thời chiến mà! Thôi, chúng con đi đây! Bố mẹ giữ sức nhé! Các em cố học nhé!

        Chúng tôi chào cả nhà rồi quay ra cửa. Trên chiếc chõng tre là rổ khoai lang luộc. Mỗi người chúng tôi nhặt một củ rồi bước ra sân. Bố mẹ tôi tiễn ra tận cổng, ái ngại:

        - Chả ở lại mà ăn cơm, lại ăn khoai luộc thế kia cho nó nóng ruột ra!

        - Không sao đâu ạ! Chúng con quen rồi! Chúng con đi đây!

        - Ừ!...

        Bố mẹ tôi nhìn theo chúng tôi trân trân. Chỉ mới kịp nghe giới thiệu từng người thôi, chưa kịp hỏi han gì thì tất cả đã như cơn gió lốc, ào đến lại ào đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 07:37:55 pm »

        Dọc đường, tôi bảo:

        - Tối thế này, tao chẳng bóc được khoai đâu!

        - Vẽ chuyện! Tao giải quyết gần xong rồi!

        - Mày ăn theo kiểu thuồng luồng à?

        Bọn tôi cười ầm cả lên và lũ chó trong thôn lại được dịp sủa ầm ỹ.

        - Này, tạt qua Hợp tác xã thêu một tí nhá! Con gái thợ thêu ở xã tao xinh lắm đấy!

        - Vậy thì vào thăm thôi!

        Tất cả hưởng ứng ngay. Nói là làm. Tôi dẫn đầu tốp, “ập” ngay vào nhà thêu tập thể của Hợp tác xã thêu (sau này vị trí ấy nhường cho Trường Tiểu học) hệt như cái kiểu biệt kích nhảy dù, tập lách vậy.

        Chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, mở rộng hai cánh cửa và hùng dũng bước vào. Các cô thợ thêu ngừng tay kim, ngửng lên. Một cô nhận ra tôi.

        - Ơ, anh Huy! Em chào các anh ạ!

        - Em chào các anh!... tiếng các cô khác chào theo.

        - Chào! Chào! Mấy chị em cứ làm đi! Bọn anh đi nhé!

        - Ơ, các anh vội thế?

        - Thôi, đi nhé!

        Mồm nói, chân bước... Thoắt cái, chúng tôi đã mất hút Rồi chúng tôi nghe thấy những tiếng cười khúc khích phía sau. Chắc chắn là các cô trêu nhau và có những nhận xét về đám chúng tôi.
 
        - Này, chúng mày thấy gái thợ thêu có xinh không?

        - Xinh!

        - Nghiên cứu mà về làm rể xã tao nhé!

        - Được đấy!

        - Thôi, lên xe!

        Thế là chiếc xe lại “cõng” anh em chúng tôi lao đi trong đêm. Trên xe lúc này im ắng lắm, chắc mỗi người mỗi tâm trạng nên chẳng ai nói với ai câu nào nữa.

        Lanh hầu như không bao giờ tâm sự về gia đình mình. Sau chuyến đi ấy, một thời gian, khi có dịp trực cùng Lanh, tôi nói:

        - Bà mẹ vợ tương lai của tao cũng quê ỏ Ninh Bình đấy!

        - Ở đâu của Ninh Bình?

        - Cam Giá!

        - Thế thì là làng tao rồi còn gì nữa!

        - Cái làng mà đêm hôm mình vào ấy à?

        - Chứ còn gì nữa!

        Hỏi han thêm một lúc thì Lanh nói bà ở xóm trong, thuộc xóm 2, nhà Lanh thì thuộc xóm 3. Vậy là tôi đồng hương với Lanh về đằng ngoại...

        Phải đến hơn bốn chục năm sau tôi mới có dịp quay trở lại nhà Lanh. Tôi chẳng thể nào nhận ra lối vào xóm nữa. Đường làng bây giờ đã “bê tông hóa” từ lâu rồi. Chiều rộng thì hai xe ô tô tránh nhau thoải mái. Cô em gái của Lanh - cô Đỗ Thị Thu dẫn tôi đi, vừa đi vừa nói như một hướng dẫn viên du lịch:

        - Anh thấy bây giờ đường sá có khang trang hơn xưa không?

        - Khang trang hơn nhiều lắm! Ngày xua lối đi thì nhỏ, cỏ rậm rịt, đất đá lổn nhổn, mấp ma mấp mô... Bây giờ thì như là phố ấy!

        - Là phố rồi mà anh! Xóm 3 nhà em năm xưa bây giờ tên là phố Hợp Thành, còn xóm nhà bà mẹ vợ anh - cái xóm 2 ấy bây giờ là phố Trung Thành!

        - Ra là vậy! Thế còn chỗ ông bà đang ở bây giờ?

        - Chỗ bố mẹ em đang ỏ trước là xóm 5, bây giờ là phố Mía, thuộc phường Ninh Khánh rồi, anh ạ!

        - Đây, ngôi miếu cổ đây, trước lối rẽ vào nhà đây, anh còn nhớ không?

        - Ngôi miếu thì anh nhớ! Nhà thì không!

        Thu cười:

        - Ngôi nhà ngày xưa của bố mẹ em thì bây giờ vợ chồng em về ở. Chúng em xây lên hai tầng rồi, anh không nhận ra là phải. Chỉ có cái bể nước là em vẫn giữ nguyên như cũ thôi!

        Tôi ngắm nhìn hai bên đường. Tuy làng có những biến chuyển, đường lát bê tông, nhà tầng mọc lên san sát, các cửa hàng cửa hiệu với những đèn nhấp nháy ra dáng kiểu sống ở phố nhưng những bức tường cổ vẫn còn lại, vẫn giữ những nét phong rêu của một thời... Tôi chợt nhớ đến câu: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...” mà lòng buồn buồn, nhớ đến cái đêm hôm nào cùng Lanh về thăm nhà trong chốc lát giữa cái thời chiến tranh. Không biết tôi có thuộc loại người hoài cổ hay không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 07:40:56 pm »

        Thu bước thoăn thoắt, dẫn tôi vào nhà và xóa tan ý nghĩ của tôi chợt đến như một làn sương mỏng:

        - Đây, bể nước đây, anh nhận ra không?

        - Nhận ra rồi, nhưng chẳng còn chiếc gáo dừa để anh vục lấy một gáo mà uống!

        - Gáo dừa thì anh Lanh bỏ đi, anh thay vào đó bằng chiếc ca anh tự gò lấy. Vừa rồi, Bảo tàng về để sưu tằm các kỷ vật, gia đình đã đem tặng lại rồi, anh ạ!

        - Cũng là điều tốt! Mình có giữ thì chỉ mình nhà mình biết thôi. Khi đưa vào Bảo tàng thì nhiều người sẽ được biết, tính giáo dục sẽ cao hơn, rộng hơn...

        - Anh nói cứ như là Chính ủy ấy!

        - Thôi đi! Tôi xin cô!

        Anh em tôi cùng cười và quay trở lại ngôi nhà bố mẹ Lanh đang ở. Mẹ Lanh đã mất hơn năm nay, chỉ còn lại bố anh. Cô em gái Lanh - cô Đỗ Thị Thảnh về đấy ở để chăm bố.

        Tôi ngồi hỏi chuyện ông bố của Lanh về những kỷ niệm với Lanh, ông trầm ngâm trong giây lát, vuốt nhẹ chòm rầu bạc rồi chậm rãi trả lời:

        “Thực ra tôi chẳng ở nhà mấy. Tôi làm công tác về xây dựng mà. Mọi công việc ở nhà từ đồng áng đến chăm con, nuôi dạy con cái, tôi đều nhờ cậy vào tay bà ấy cả. Tiếc là bà ấy mất rồi chứ nếu còn thì bà ấy kể được cho anh nghe nhiều điều lắm!... Hồi nhỏ, Lanh ở nhà nghịch thuộc loại nhất nhì ở làng này. Lại còn cầm đầu lũ trẻ tung hoành khắp cả. ở đâu ầm ỹ là có nó ở đấy. Nhà thì đông con, anh Đỗ Văn Hanh là cả, rồi đến Lanh, sau Lanh là còn 7 đứa em nữa - Đỗ Thị Ảnh, Đỗ Thị Thảnh, Đỗ Thị Thơi, Đỗ Thị Thu, Đỗ Thị Nga, Đỗ Văn Trường và cậu út là Đỗ Văn Nguyên.

        Lanh học sáng dạ lắm. Tôi cũng chỉ biết khuyên anh em chúng nó cố gắng học thôi chứ cũng chẳng biết cách dạy anh em nó học đâu! Mà cũng lạ, chẳng thấy Lanh học
gì ở nhà, đi học về là vứt sách vở vào một góc, có hỏi thì nó bảo học thuộc rồi. Tôi hỏi anh nó - anh Hanh ấy:

        - Thế mày học thuộc chưa?

        - Con chưa thuộc, bố ạ!

        Tôi nghĩ: “Lạ nhỉ? Thằng anh học bài còn chua thuộc, sao thằng em lại nói đã thuộc rồi nhỉ. Hay nó nói dối mình?”. Tôi bảo:

        - Nếu thuộc thì mày thử đọc xuôi rồi đọc ngược cho bố nghe xem sao?

        Vậy mà nó đọc được, anh ạ! Nó đọc xuôi rồi lại đọc ngược đàng hoàng, cả cái bản cửu chương cũng thế, anh của nó không đọc được vậy mà nó đọc vanh vách. Tôi biết thế là nó đã thuộc bài rồi nên không hỏi nữa.

        Nó hay lấy cánh cửa gác lên cành cây nhãn trước nhà, để nằm ngủ. Khoản ăn thì khỏe lắm. Khoai lang luộc là chén được hết nồi. Bắt cá bắt cua đều giỏi. Mà lạ là nó chỉ ước mơ trở thành sĩ quan trong quân đội thôi!”.

        Cô em gái Đỗ Thị Thảnh ngân ngấn nước mắt:

        - Cái khoản ăn thì anh Lanh thích nhất là khoai lang sống và lạc sống. Ngày xưa, thời kinh tế khó khăn, cả khoai, cả lạc là đều phải chia theo suất cho từng anh em. Có được ăn thoải mái, no nê đâu. Anh Lanh cứ nói với chúng em là: “Suất của chúng mày, chúng mày muốn luộc hay rang thì tùy, còn suất của tao cứ để mặc tao, tao nhai sống cho khoái!”. Và rồi, anh ấy nhai sống thật, ăn một cách rất ngon lành. Anh là người thương các em lắm. Bề ngoài trông cục cằn, hay gắt gỏng thế thôi nhưng chẳng ai thương các em bằng anh ấy đâu. Khi anh ấy ở Trung Quốc về, cho mỗi đứa em gái một chiếc áo khoác. Khi đi bên Lào về, anh ấy cũng mua cho chúng em mỗi đứa một chiếc áo thun, một đôi dép tông. Mà hồi ấy, anh biết đấy, những thứ ấy là có giá lắm chứ!. Em hồi anh ấy: “Anh làm gì có tiền mà mua cho chúng em nhiều thế?”. Anh biết anh ấy trả lời thế nào không?. Anh ấy bảo là: “Không có tiền thì tao xin chứ sao nữa! Có thích, có lấy hay không?”. Đương nhiên là chúng em thích rồi. Anh thừa biết vào thời đó, áo thun và dép tông là những thứ sang như thế nào rồi. Rồi anh ấy còn gò cho mỗi đứa em gái một chiếc ca nhôm, cho mỗi đứa một chiếc lược làm bằng đuya-ra. Anh ấy không bộc lộ tình cảm của mình ra bên ngoài đầu. Anh ấy sống theo chiều sâu của nội tâm! Anh ấy thương các em lắm!

        Cậu em út Đỗ Văn Nguyên cũng xen vào:

        - Ngày anh Lanh đi bộ đội thì em chưa ra đời. Chỉ nghe mẹ kể lại: Khi anh ấy về thăm nhà, thấy một thằng bé mới được vài tuổi đang chơi lê la ỏ nhà thì hỏi:

        - Con cái nhà nào thế này? Sao lại cứ bò lê bò càng ra thế?

        - Em mày đấy! - mẹ trả lời.

        - Thế à? Này, thế thì ra đây anh cho kẹo này!

        Tinh Lanh vốn thế, thường hay nói ngắn, cụt lủn, cộc lốc, nghe nhiều lúc cứ như “đấm vào tai” ấy. Tôi ở với Lanh cũng lâu nên biết được điều ấy. Ví như muốn đưa gì đó cho tôi thì chỉ gọi: “Ê! Quất!”. Thế là hiểu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2016, 07:43:17 pm »

        Cô em Đỗ Thị Thu thì hào hứng:

        - Lần nào anh ấy về phép cũng đều cởi trần ra gánh nước đổ vào bể. Mà là phải đi mượn thêm thùng, một lúc quẩy bốn thùng luôn. Hồi ở nhà, anh ấy còn có tên là “phó Vại” đấy!

        - Sao lại gọi là “phó Vại”?.

        - Thì là dạo ấy ở thôn có một ông to béo, phốp pháp... dân làng vẫn gọi ông là “ông phó Vại”. Anh Lanh trông cũng giống như thế nên được gọi theo như thế luôn.

        - Ừ, đúng đấy! Khi Lanh mặc quần áo thì ít người biết nó mập mạp như thế nào đâu. Anh vẫn gọi đùa nó là cái thằng “mặt cố nông, mông địa chủ” mà! - tôi nói.

        - Da anh ấy trắng trẻo lắm! Trắng hơn cả con gái cơ!

        - Đúng thế! Con gái cũng phải ghen tị với nước da của Lanh, ở đơn vị anh, hắn thường cởi trần, áo vắt vai, đi khắp đó đây dưới nắng, đầu chẳng mũ nón gì. Vậy mà da chỉ đỏ ửng lên rồi sang ngày hôm sau lại trắng mịn màng như cũ, còn anh thì ngược lại, thoạt đầu nắng làm cho đỏ rực lên, hôm sau thì chuyển sang màu tím ngắt rồi là đen sạm... chẳng giống ai hết!.

        Thảnh tiếp lời:

        - Anh Lanh ít khi mặc áo dài lắm. Từ ngày anh ấy đi bộ đội, khi về nghỉ phép, chẳng bao giờ em thấy anh ấy mặc quần áo quân phục cả. Từ bến xe về là đã mặc áo may-ô hoặc cởi trần rồi. Ở nhà thì chủ yếu là trần trùng trục. Mà đặc biệt, những lần về đến nhà mà còn sớm là anh ấy không vào nhà đâu vì sợ mất giấc ngủ của cả nhà. Mùa Hè thì anh ấy ngồi hoặc nằm ngay trên tảng đá ở ngoài sân, mùa Đông thì vào bếp, nằm trong “chuồng trấu”. Có hôm, em dậy vào bếp nhóm lửa thì thấy anh ấy lù lù ở đó làm em giật bắn cả người. Hỏi anh ấy: “Sao anh lại nằm đây mà không vào nhà?” thì nhận được câu trả lời: “Thì sao? Tao không muốn cả nhà thức giấc!”.

        Tồi phải giải thích một chút về cái “chuồng trấu” bởi có thể có những bạn đọc không hiểu về nó. Thuở xua, khi mà chất đốt dùng cho bếp núc chủ yếu là bằng rơm, rạ, lá cây khô..., còn những cành củi, gốc cây hoặc gộc tre thì được để dành đến Tết cho việc nấu bành chưng thì trong bếp người ta hay làm một cái tựa như cái cũi ỏ một góc gian bếp, cạnh chỗ đun nấu, hai phía thì là hai bức vách của gian bếp, hai phía kia thì thưng, đan với độ cao chừng 70 cm, độ to nhỏ, dài rộng thì tùy từng gia đình. Người ta gọi đấy là cái “chuồng trấu” vì nó đựng trấu và rơm, rạ dùng để đun nấu. Những ngày rét, nhiều người lợi dụng đó làm chỗ nằm ấm cúng vì vừa gần bếp lửa lại có rơm rạ như một tấm nệm vậy. Mấy anh em tôi cũng thường hay vào đó nằm. Có câu: “No cơm tấm, ấm ổ rơm!” thì cái sự “ấm ổ rơm” ấy có một phần liên quan đến cái “chuồng trấu”!

        Nhắc đến “chuồng trấu” thì tôi lại nhớ đến một chuyện cười ra nước mắt. Ấy là, vào những ngày rét mướt thì mấy anh em chúng tôi rồi cả mấy anh bên hàng xóm nữa đều hay chui vào “chuồng trấu” để ngủ cho ấm. Vào một đêm, đang ngủ ngon giấc thì tôi thấy một anh cứ khạc nhổ phì phì. Tôi thức giấc, lấy làm lạ liền hỏi:

        - Anh bị làm sao mà nhổ ghê thế?

        - Tao ăn phải cứt gà!

        - Sao lại ăn cứt gà lúc nửa đêm? - tôi ngạc nhiên thực sự.

        - Thì bỗng dưng tao thấy có cái gì đó cộm ở dưới lưng, tao nghĩ đấy là hạt ngô nụ mình ăn lúc tối bị rơi xuống đấy, tiếc rẻ, tao lấy cho vào mồm nhai, ai ngờ đấy lại là cục cứt gà khô, kinh quá!

        Tôi cười sặc sụa vì nơi “chuồng trấu” thường là nơi đám gà con hay vào bới nhặt thức ăn rồi tiện thể “bĩnh” luôn ra đó, mấy ngày sau thì “cái đầu ra” của lũ gà con ấy cứng ngay lại, việc lầm tưởng là hạt ngô nụ cũng dễ hiểu thôi, nhưng mà vào lúc nửa đêm lại để xảy ra chuyện ấy thì có lẽ cả thế giới chắc chỉ đấy là duy nhất Anh ấy vừa bực, vừa tức, vừa ngượng, vừa buồn cười... Đúng thật khó tả tâm trạng vào thời điểm ấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 08:54:28 am »

        Trở lại chuyện của Lanh. Lanh là thế! Tôi “hợp” với Lanh từ những ngày đi cơ động, trực chiến ở sân bay Sao Vàng - Thọ Xuân - Thanh Hóa. Sau này, khi biết tôi có bên ngoại cùng làng thì thân nhau hơn. Rồi những buổi trưa không ngủ, hai anh em đều cởi trần, áo vắt vai, chống gậy lục cục đi khắp nơi thì lại càng thấy thân thiết hơn nữa.

        Lanh thích sống đơn giản, không cầu kỳ, không câu nệ. Được cái ham học hỏi, không giấu dốt, thích khám phá, tìm tòi... Tính tình dễ dãi đấy nhưng có lúc cũng cục tính ra trò, chủỉ bạt mạng.

        Thảnh kể tiếp:

        - Hồi ở nhà, anh tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Một hôm, chúng em bứt được một ít sung, đem về giã để nấu cháo. Tới lúc giục nhau đi nhóm bếp thì rơm, củi đều ướt cả, nhóm mãi chẳng cháy, cứ khói um lên. Anh Lanh thấy vậy, chẳng nói chẳng rằng, ra múc ngay một gáo nước vào vừa giội nước xuống bếp vừa nói: “Này! Này!”. Thế là tắt ngấm cả.

        - Giời đất! Thế thì còn nhóm làm sao được nữa? - Em ngạc nhiên hỏi

        - Củi với kiếc! Nhóm thế nào được! Thôi vứt! - Anh trả lời nhấm nhắn rồi thủng thẳng bỏ đi.

        Rồi lại còn cái đận anh ấy làm cho mấy đứa em sợ chết khiếp lên được. Đấy là cái lần anh ngồi tỉ mẩn lau khẩu súng trường rồi lên đạn cứ loạch soạch. Chúng em thì thường tụ tập chơi ờ một xó nhà. Bỗng dưng nghe “Đoàng” một tiếng! Viên đạn xuyên thủng miếng gỗ gần nơi chúng em đang ngồi. Mặt mũi chúng em tái xanh tái xám. Bấy giờ chỉ cần chệch một chút thôi thì chắc chắn trong lũ bọn em đã có đứa dính đạn rồi mà có khi còn “xuyên táo” đến mấy đứa chứ chẳng chơi.

        - Tao lau súng bị cướp cò thôi, không được đứa nào mách lẻo đấy, nghe chua? - anh Lanh trợn mắt răn đe chúng em.

        Chúng em không đứa nào dám hé răng nên mẹ cũng không biết chuyện ấy.

        Cô em Thu tiếp lời:

        - Mà anh ấy cũng lạ lắm. Luôn bảo: “Tao không thèm đi lính bộ binh đâu! Tao muốn là lính bay trên giời cơ!”. Anh không đi khám bộ binh thật, vẫn tiếp tục cắp sách đi học. Có người trong thôn thấy vậy, nói với anh kiểu nửa trêu chọc, nửa chê bai:

        - Nhà thì đông con, lại nghèo nữa. Không đi khám nghĩa vụ mà đi bộ đội, cứ đi học. Học mãi để làm ông giời chắc?

        - Không làm ông giời nhưng sẽ làm con giời! - anh Lanh thủng thẳng trả lời.

        Thế rồi khi anh đang học phổ thông thì được khám tuyển vào phi công thật. Hôm Lanh đi khám về, mẹ hỏi:

        - Con khám thế nào? Có được không? Bây giờ có đói không?

        - Chắc là được, mẹ ạ! Có chín vòng con qua được cả chín. Đợt này chắc trúng tuyển đấy. Cũng chẳng thấy đói đâu, con ăn khoai rồi!.

        Lanh trúng tuyển phi công thật! Vậy là cái câu anh trả lời cái ông trong làng hỏi cạnh khóe kia chẳng có gì sai: Anh sẽ là con giời!

        Ngày ấy, ngày anh trúng tuyển khi Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức về tất cả các trường học để tuyển lựa, chuẩn bị đưa đi đào tạo có những người trúng tuyển thành những phi công tiêm kích tương lai, không ai nghĩ rằng anh Đỗ Văn Lanh sau này sẽ trở thành người phi công Anh hùng, người sẽ lập được kỳ tích trong đời bay!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 08:56:45 am »


3

        Vậy là tạm biệt làng quê, Đỗ Văn Lanh lên đường nhập ngũ. Tính ra, cùng đợt đi khám tuyển với anh có 9 người cùng quê cả thảy nhưng chỉ mỗi mình anh trúng tuyển thôi. Ngày anh lên đường nhập ngũ, bố mẹ anh bàn nhau định tổ chức một bữa ăn tươm tất hơn mọi ngày một tí gọi là để tiễn anh. Biết chuyện, anh gạt phắt:

        - Ôi dào, nhà thì nghèo, bố mẹ bày vẽ làm gì cho tốn kém. Không cần phải tổ chức ăn uống gì đâu. Rồi người ta lại cười cho!

        Vậy là chẳng có thủ tục lễ nghi gì hết. Nhưng mà chẳng lẽ lại không đi tiễn anh. Anh lại can ngăn:

        - Có chân thì đi! Con khắc đi được!

        Quân chủng Phòng không - Không quân đón tiếp anh cùng với các anh khác đã trúng tuyển trong đợt khám tuyển phi công vừa rồi.

        Sau khi tập họp ở Quân y viện 108, cả đoàn được đưa về Cát Bi - Hải Phòng. Hầu như vào giai đoạn đó, đoàn nào trước khi đi đào tạo cũng đều tập kết ở Cát Bi rồi về thôn Xâm Bồ để học chính trị, học các quy định... rồi tiếp tục chọn lọc, phân chia theo đoàn đi đợt 1, đợt 2,

        Một số đoàn trước đã lên đường, chuẩn bị đến lượt đoàn của Đỗ Văn Lanh thì lại có sự chọn lọc nữa. Hiệu trưởng trường Không quân Phạm Dưng đích thân bắt tất cả cởi trần, xếp thành hàng ngang để Hiệu trưởng tuyển lựa. Những ai được Hiệu trưởng vỗ vai là được nhận vào trường.

        Đoàn của Đỗ Van Lanh đi vào tháng 9 năm 1965 gồm có 40 người. Đó là các anh:

        Lê Văn Bàng
        Lương Quốc Bảo
        Bùi Đình Đoàn
        Nguyễn Trọng Đức
        Vũ Xuân Được
        Võ Sĩ Giáp
        Nguyễn Hồng Hải
        Nguyễn Văn Hảo
        Tồn Văn Hiện
        Đặng Trần Hùng
        Trịnh Văn Hức
        Hoàng ích
        Cao Sơn Khảo
        Nguyễn Văn Khuê
        Hà Trung Kiên
        Nguyễn Đức Kỳ
        Đỗ Văn Lanh
        Nguyễn Đình Lâm
        Nguyễn Văn Lục
        Đinh Trọng Lực
        Lưu Đức Ngân
        Trằn Quang Ngự
        Nguyễn Sĩ Nhiếp
        Nguyễn Văn Nhượng
        Cao Văn Phúc
        Dương Văn Phương
        Nguyễn Văn Quý
        Nguyễn Xuân Quyên
        Huỳnh Đình Tài -Trằn Thanh
        Phạm Tất Thắng
        Bùi Đình Toại
        Nguyễn Văn Trình
        Lương Đức Trường
        Hán Vĩnh Tưởng
        Tồn Văn Việt
        Tống Văn Vĩnh
        Tạ Văn Vượng
        Hoàng Kim xảo
        Đào Công Y


        Đoàn rời nơi tập kết, lên chuyến tàu hỏa - đúng ra là chuyến tàu hàng để đi Yên Bái. Lý do tại sao đoàn của Lanh lại đi bằng tàu hàng thì không ai biết cụ thể, nhưng tôi đồ chừng, mấy đoàn trước đã đi tàu liên vận, có thể thông tin về chuyện ta đưa một lực lượng đi đào tạo thành các phi công đã bị “rò rì”, nếu lần này lại đi bằng tàu khách thì sẽ không giữ được bí mật lực lượng đi học bay nên đi bằng tàu hàng thì sẽ an toàn hơn, giữ được bí mật hơn chăng?

        Chuyến tàu đưa các anh đến Yên Bái thì chuyển sang phương tiện bằng ô-tô tải (có mui che) đi ngược về Đoan Hùng rồi từ đó theo đường lên Tuyên Quang rồi đi Hà Giang. Suốt dọc đường, Lanh nhìn ngắm những cánh đồng lúa, cánh đồng ngô mà nhớ quê đến cồn cào ruột gan. Lanh cứ tự hỏi: bây giờ mình đã đi rồi, công việc ở nhà ai sẽ giúp mẹ đây? Mấy đứa em thì còn nhỏ, lại nhắt nhắt toàn con gái, làm sao mà gánh vác được những công việc nặng nhọc. Bố mẹ, nhất là mẹ chắc vất vả lắm. Xa nhà thế này mới nhận ra những điều tưởng chừng như vặt vãnh hàng ngày mình chẳng để ý nhưng nó thật lớn lao và có khi còn thiêng liêng nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2016, 08:58:56 am »

        Xe chạy xuyên rừng với những đoạn đường vừa nhỏ vừa gồ ghề, khúc khuỷu. Lanh như ngơ ngác trước cảnh rừng rú. cả đời đã bao giờ lên rừng đâu. Đây mới là lần đàu. Lạ lẫm đủ thứ: Lạ từ những bạn cùng nhập ngũ, lạ từ những loại cây, con suối... lạ từng đoạn đường với những khúc cua, với những cú xóc... Nghĩa là chẳng có tí gì quen thuộc hết!

        Lại nhớ đến những bài học về chiến khu Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang). Bây giờ thì chính mình đang đi đến An toàn khu (ATK) đây. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thật! Lanh cứ ngọ nguậy hết nhìn trái lại nhìn phải cố mường tượng xem có nét gì giống với quê mình không. Giống làm sao được khi một đằng là rừng núi, một đằng là đồng bằng!

        Đêm đến, cả đoàn chia nhau vào ngủ ở các nhà sàn của đồng bào miền núi. Mệt mỏi cả một ngày đi đường nhưng Lanh cứ thao thức khi nằm trên sàn nhà sàn. Những con trâu con bò buộc ở dưới nhà cọ người vào cột cho đỡ ngứa rồi tiếng sừng va vào nhau, mùi phân trâu phân bò bốc lên... làm Lanh lại mường tượng đến cảnh quê... Làng quê có những cái mùi rất đặc trưng: đấy là mùi thơm của lúa đang thì con gái, rồi mùi lúc lúa trỗ đòng, rồi mùi lúa chín, mùi của rơm rạ, mùi tanh tanh của bùn đất, mùi của phân chuồng, phân trâu phân bò... Không làng quê nào là không có những cái mùi ấy.

        Ở đây, Lanh cũng bắt gặp được mùi quê qua mùi phân trâu bò dưới nhà sàn. Lại nao nao nhớ quê, nhớ những cánh đồng làng, nhớ đàn trâu bò lững thững về làng vào lúc hoàng hôn... Nỗi nhớ cớ đeo bám da diết... Khuya lắm rồi mà Lanh vẫn trằn trọc... Rồi như tỉnh, như mơ... Lanh thấy mình đang cưỡi trâu trên cánh đồng làng... Bỗng thấy người nhẹ bẫng, tự dưng mình nhấc bổng khỏi lưng trâu nhẹ nhàng bay lên trời cao, vượt qua những đám mây đủ mọi hình thù, mọi màu sắc... Lanh chìm vào giấc ngủ.

        Rồi Lanh lại chợt thức giấc. Tiếng chày giã gạo ven bờ suối tạo những nhịp giã đều đặn gõ vọng giũa rừng. Những tiếng chim rừng gọi bạn, tiếng thú săn mồi... vang trong đêm tĩnh mịch. Rừng không còn im ắng nữa, nó có cuộc sống riêng của nó khi đêm về. Lanh căng tai lắng nghe mọi tiếng động của rừng với sự hồi hộp, lo âu... Những tiếng sột soạt của lá khô khi có bước chân của con vật ăn đêm nào bước qua, những tiếng rào rạo của đàn rết rừng với những đám chân khua khoắng rối rít. Truyền thuyết cho rằng ai mà lấy được viên ngọc rết giữ trong người thì sẽ tránh được hòn tên mũi đạn. Làm sao mà rết có ngọc được? Có lẽ, khi con rết đầu đàn bò đi trước, nó đùn bọt ra và qua ánh sáng lân tính của những lá cây cành cây mục trông nó óng ánh, sáng rực như viên kim cương đội trên đầu nên lầm tưởng đấy là ngọc chăng. Mà cái “anh” rết to như thế bắt được đem ngâm rượu thì là bài thuốc chữa tan mụn nhọt hiệu nghiệm lắm... Rồi những tiếng chim “thủ thi thù thì”, tiếng đôi “gầm ghì” cất lên như hù dọa, thi thoảng một tiếng cú rúc nghe rợn người...

        Gió rừng chốc chốc lại ào về. Tiếng gió giữa đêm làm cây rừng rung lên rào rạt. Mây sà thấp hẳn xuống, phả hơi nước vào từng nhà tạo thêm sự lạnh lẽo, cô tịch...

        Lanh cứ chập chờn, chập chờn nửa tỉnh nửa mơ... Rồi tiếng gà rừng lại cất lên lảnh lói... Lại nhớ quê, nhớ nhà cồn cào... Ôi, cái tiếng gà! Nó báo thức cho nông phu. Nó gáy đề mọi người biết canh một, canh hai, canh ba... để mọi người sắp xếp công việc của một ngày mới và gọi mặt trời thức dậy. Mình cũng đến lúc phải dậy thôi...

        Sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành bình. Lại những khu rừng... Lại những cây là cây... Lại những điều lạ lẫm ập đến... Lanh vừa nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường vừa nhủ thầm: Bây giờ mà quăng mình xuống đây thì sẽ chẳng biết đường nào mà lần. Đúng là:

“Vào rừng chẳng biết lối ra
Thấy cây núc nấc ngỡ là vàng tâm!”

        Mà cây núc nác là cây nào và cây vàng tâm là cây nào nhỉ? Lanh nghệt mặt ra khi qua rừng. Đúng là chịu thôi!

        Xe cứ đi như vậy. Ngày đi, đêm nghỉ. Mấy ngày sau thì đến Hà Giang. Hết rừng cây thì đến núi đá. Đá tai mèo sao mà lắm! Thứ này mà làm hòn non bộ thì tuyệt! Thiên nhiên tạo ra thật biết bao điều kỳ thú!. Lanh biết làm sao được về sau này, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ là di sản văn hóa của đất nước và là “Công viên đá của Thế giới”.

        Từ Hà Giang cả đoàn qua cửa khẩu Thanh Thủy sang đất Trung Quốc thì đi bằng xe của bạn. Đường sá khá hơn đường rừng của ta nhiều. Xe chất lượng cũng khá hơn. Tốc độ đi cũng nhanh hơn. Cũng vẫn cái điệp khúc ngày đi đêm nghỉ nhưng bây giờ là nghỉ trong doanh trại của bộ đội Trung Quốc. Hành quân bằng ô tô đến Khai Viễn thì được chuyển lên tàu hỏa đi về Côn Minh, rồi từ Côn Minh về Tường Vân lại đi bằng ô tô.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM