Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:50:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hà giang ký ức của chúng tôi cùng đồng đội {phần 27 }  (Đọc 123591 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
pb47vp
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1890


« Trả lời #160 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2016, 04:21:19 pm »

Chào các bác, tôi lại hành quân tiếp phần trên cùng các bác đây.
.....
-Em chào các chị, những người này thì em biết rồi, anh chí cứ gọi thế cho nó vui chứ em ít tuổi hơn các anh ấy nhiều, nhưng đây có phải các chị ngày trước em gặp trên HG đâu?
Câu " Chọc ngoáy" này của tôi chắc các bà chị nghe quen rồi lên không có tác dụng
- Gớm, chỉ sợ các anh không có sức, các anh chỉ giỏi đánh giặc thôi, chứ chị em chúng tôi tha cho là phúc lắm rồi, ngày ấy mỗi lần về phép người cứ xanh như tàu lá, héo như rau muống luộc, nước non gì !
Tôi vội nịnh: Anh em chúng em thật hạnh phúc khi có những người vợ đảm đang chăm lo cho gia đình ở hậu phương, vì thế bọn em mới yên tâm công tác được, em mà là Chủ Tịch Nước phải tặng thưởng Huân chương cho các chi.
Đang trò chuyện thì bác Khánh chủ nhà giục: Thôi, mời tất cả các bác, các anh em ta lên nhà, vừa ăn ta vừa nói chuyện tiếp.
Mấy căn nhà sàn kiểu dân tộc bác Khánh mua từ trên HG về được dựng trong trang trại, cái này thì bác Thai60 nhà ta quá rõ rồi. Lục tục bỏ dép mọi người bước lên cầu thang, lão Tuyên "mo" và bác Ngọc nghé vào tai tôi nói nhỏ: Bọn tôi chẳng biết ai trong số này cả, biết mỗi bác Khánh hồi anh em mình về HN dự hội đồng ngũ chỗ bác Thai60 thôi!
Lúc này tôi mới sực nhớ ra, đúng vậy vì đây toàn các bác trên cơ quan sư bộ cả, mải vui tôi quên không giới thiệu, nên đành lấp liếm:
- Cũng toàn người cùng sư cả, trước không quen, bây giờ sẽ quen, lính chiến cả mà.
Theo sự sắp xếp của chủ nhà, các bác đã vào vị trí "chiến dấu", tôi lựa mân có bác Chí để sẵn sàng "pháo kích" thì bác Khánh xua tay: Ấy không được, chú PB 47 phải sang đây ngồi cạnh thủ trưởng Tầu để còn châm tửu chứ.
-Em ngồi mâm này cũng được để tiện tâm sự cùng các bác mâm này.
- Không được, dứt khoát không được, chú phải sang đây, ngày trước chú là người gần các thủ trưởng nhất, bây giờ phải làm nhiệm vụ này chứ.
Rõ khổ, đến Khi nào mâm rồi vẫn còn bị " lãnh đạo" thế này, thôi sang đấy thì có sao, sau vài câu giới thiệu chủ khách, rồi cụng li. Mới chỉ được vài tuần là bắt đầu có sự dịch chuyển đội hình, tôi nói vui với bác Tầu và bác Khánh: Hai bác giỏi thật, làm thế nào mà tự nhiên lại tụ tập đến một mâm " thầy dùi" thế này? mà toàn thầy dùi có " số má" hẳn hoi thế?
 Bác Khánh nhà ta thật thà: Thì cũng vô tình thôi, Khi đoàn bác Tầu lên VT, thì đúng lúc anh về quê thăm ông già thế là anh mời các anh ấy về đây, trước khi xuất kích anh điện cho các chú ở d25f triển khai trước.
-Em phải sang các mâm kia giao lưu tí
Mới sang đến mâm bác Chí chưa kịp nói thì đã bị kéo tay xuống: Vào đây, vào ngồi xuống đây.
Cầm chén rượu trên tay cụng li các bác tôi nói:Bao giờ em hô " nhất Chí, nhì Trì " hai ba thì anh em mình bắc cạn nhé!
Đang cầm chén rượu trên tay, bác Chí nhà ta vội bỏ xuống lấy tay bịt mồm tôi lại: Nói khẽ chứ, có thủ trưởng ở đây!
Tôi bảo: sợ gì, quá khứ rồi, ngày trước chả có câu này là gì
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2016, 04:28:10 pm gửi bởi pb47vp » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #161 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 07:35:33 pm »


                                        Chào các bác và anh em .

    Mấy hôm nay em bận nên ít vào mạng , thấy bác 47 vài lần điểm danh tên mình cũng sốt ruột lắm , chả hiểu bác ấy có để phần cho món gì không để còn mang về cho "cánh ngựa thồ nhà chị Dậu" nhà em chia nhau , hay là bác ấy cũng chỉ thấy hơi nhơ nhớ một tý ty thôi , rồi khi lâm trận là lại quên tiệt hết .

    Các bác ạ . Hôm nay tại thị trấn Phù minh huyện Phú xuyên đã diễn ra một cuộc gặp gỡ giao lưu nhân dịp 33 năm ngày nhập ngũ của lớp lính tháng 9/1983 của anh em cựu lính Phú xuyên . Thành phần tham dự ngoài cánh chủ nhà sống rải rác trên 27 xã của Phú xuyên , còn có đại diện của các huyện Thanh oai , Thường tín , Ứng hòa , Hà đông v.v..., đặc biệt còn có đoàn đại biểu của hội CCB F313 Hải phòng .

     Cuộc gặp gỡ đã diễn ra rất vui , thân tình , cảm động ,bởi đã lâu lắm rồi nhiều anh em một thời gắn bó nay mới được gặp lại nhau . Hơn nữa , ngoài cánh lính thuộc F313 còn có những anh em thuộc các F và các đơn vị khác như 316, 356...nữa . Bọn em còn vui hơn nữa khi D tr D9 là thủ trưởng Toát quê ở Ứng hòa của bọn em cũng có mặt tham dự .

     Đối với lính VT Thai60 em , hôm nay thực sự là một ngày vô cùng hạnh phúc khi em được gặp lại rất nhiều đồng đội cũ , từ những người cùng A,B,C đến những anh em ở các D , E ...khác . Trên trang HG , em đã từng kể một câu chuyện liên quan tới một thằng Dũng "ba toác" chuyến 2 thằng đi xe ca từ Hà nội lên Hà giang , và cái "chuyện tình" ngắn ngủi với một hành khách nữ bụng mang dạ chửa là vợ lính đi tìm chồng , và em đã từng than phiến là mãi không tìm được Dũng . Vui quá , hôm nay chúng em đã gặp lại được nhau . Ngoài Dũng , còn có Đông , Lượng là cùng A với em nữa . Cùng nhập ngũ tháng 9/83 , nhưng Dũng và Đông thì bị thương và xa đơn vị từ trước , còn Lượng thì ra quân cùng em hồi tháng 4/1987 .

    Rất nhiều kỷ niệm , ký ức đã được anh em khơi gợi lại , lính VT60 em xin hẹn hôm khác sẽ tiếp tục kể cùng các bác , còn hôm nay thì em xin phép về hầm nghỉ sớm , vì hôm nay em "bắn" kinh quá . Mệt . Nhưng mà cực vui . Chào các bác nhé .
Logged
NguyenHuuHung
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #162 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 03:04:10 pm »

he he sao lại vắng tanh vắng ngắt thế này lão phó cối đầu rùi keng keng keng tất cả báo động kiểm tra quân số đề
Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #163 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 08:08:13 pm »


  Hế...hế lão hữu hùng cuối cùng cũng tìm lại được mật khẩu .Mà lão cũng bỏ làng đi bụi ở đâu mãi bây giờ
  mới về , lão gõ kẻng có ba tiếng thì ai mà về ? lão phải gõ liên hồi nếu không thấy ai ra thì lão gọi về trận
  địa cho bọn D30 đơn vị bác thúc đít cho một mẻ là các lão nhà ta phải tòi ra ,cộng thêm mấy vụ mang kính
  ngắm ra vực 304 ngắm các thím C26 tắm tiên là diễn đàn lại rộn ràng đông vui thôi ?lão làm đi nhé
Logged
NguyenHuuHung
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #164 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 09:38:25 pm »

hí hí cái mật khẩu của mình nó bị đem ngâm ốc hôm nay mày lấy lên được lão coi cụ ạ
Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #165 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2016, 10:17:56 pm »


  Chắc là ngâm ở vực suối 304 à thế phải được vài nồi ốc ấy nhỉ có được con diếc con rô nào không  nếu được
  đem nấu mẻ gọi lão pháo xuống uống rượu cho nó hoành tá tràng
Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2016, 07:00:11 pm »

              
                            Chào các bác và anh em .

    Lớp linh nhập ngũ tháng 9/1983 bọn em được tập trung về huấn luyện tân binh ở C10/D9/E14/F313 . Về đơn vị , số anh em lớn  tuổi đi từ các cơ quan (trong đó có em) và một số anh em trẻ từ mấy làng nghề ven thị như làng rèn Đa sỹ , làng lụa Vạn phúc ... được bố trí về A Hỏa lực , còn đa số anh em được chia về các B . Trong đám anh em Hà đông , số đã có vợ rồi ít lắm , chỉ có vài ba anh . Ở A em thì có anh Yên đi từ nhà máy nhuộm In hoa và chú em Thủy đi từ Đa sỹ , còn ở dưới B thì có thêm anh Vĩnh . Anh Vĩnh không nhập ngũ cùng đợt bọn em , mà anh là lính thu dung được chuyển  từ Sư đoàn về cũng vào dịp đó , nên bọn em cũng coi anh như đồng lứa , đồng bọn luôn .

    Trên trang HG này , em đã từng kể câu chuyện về anh Yên và chú em Thủy , liên quan tới vấn đề tình yêu và phụ nữ , với những chiếc quần lót con gái hồng vàng xanh tím sặc sỡ ngát hương giấu trong Ba lô lính như một thứ hành trang ra trận của chú em Thủy . Do không cùng ăn ở , sinh hoạt với anh Vĩnh , nên em không được thưởng thức các chương trình "kể chuyện đêm khuya" hay ho của anh Vĩnh , dù vẫn nghe anh em kháo nhau ty tỷ các thứ chuyện sặc mùi tiếu lâm đầy chất lính tráng nhăng nhố hấp dẫn mà anh ấy luôn là kẻ đầu trò .

    Anh Vĩnh sinh năm 1957 hay 1958 gì đó , ngày ấy có dáng dấp của một anh chàng cao to , trắng hồng , lãng tử , rất vui tính , tếu táo và rất "lắm mồm" . Trên bãi tập ở cái xó rừng bên dưới đường tăng gần trạm thủy điện 302 thuộc xã Phương độ , cứ đến giờ giải lao là lính tráng bọn em lại được nghe cái giọng choang choác rổn rảng tán phét và kể chuyện đời của anh Vĩnh . Mà những câu chuyện của anh Vĩnh thì nhiều và hấp dẫn lắm .

    Nghe chuyện anh Vĩnh kể , mới biết anh đã ...3 lần nhập ngũ . Lần thứ nhất là năm 1976 , đơn vị ở Ninh bình , chỉ vì tình mà sau một năm , mới được lên Binh nhất , đã "tuột xích" . Lần thứ 2 là vào tháng 3/1979 , theo khí thế  Tổng động viên , anh xung phong "tái ngũ" , đơn vị đi làm nhiệm vụ ở hướng Hoàng liên sơn gần 1 năm , rồi sau đó rút về Hà bắc chuyên đi đào đất lập phòng tuyến . Sau gần 2 năm lính , đã đeo quân hàm Hạ sỹ , nhưng ... , vẫn do vì tình , anh lại "tuột xích" phát nữa .

    Năm 1981 , sau một lần tẩn nhau với một tên tình địch , gây thương tích cho hắn , anh Vĩnh bị Công an xã bắt giữ . Trong mấy ngày nằm "an dưỡng" ở trụ sở xã chờ công an điều tra lập án , đứng trước cái tương lai ít nhất là một năm bóc lịch nhưng anh Vĩnh không lo không buồn mà vẫn "lạc quan" vui tươi và suốt ngày nghêu ngao hát hỏng hay tán chuyện tiếu lâm với ... các chú công an . May cho anh Vĩnh đận ấy , do phía tình địch không kiện cáo , và xét tình tiết sự việc , anh Vĩnh không có lỗi , nên anh chỉ phải chịu tội "gây mất trật tự công cộng" , chỉ phải nộp phạt hành chính rồi được  tha .

    Cái sự cố ấy tuy chỉ khoác cho anh Vĩnh một cái áo "tiền sự" , nhưng nó lại là khởi đầu của một "biến cố" khác . Số là trong thời gian "an dưỡng" ngắn ngủi ở trụ sở xã , có một hôm anh Vĩnh đã tình cờ nghe lỏm được câu chuyện giữa một tay cán bộ xã và một anh bộ đội trong nhóm sỹ quan về địa phương nhận quân của đợt tuyển quân năm ấy . Đại khái đó là một cuộc mặc cả mà nội dung là tay cán bộ xã sẽ cho thằng con trai đang lêu lổng của hắn xung phong nhập ngũ đợt này , cho về đơn vị , rồi vài tháng sau anh sỹ quan kia sẽ tìm cách "trả nó về địa phương vì không đủ sức khỏe" ... Đại khái thế .

    Câu chuyện sẽ không làm anh Vĩnh để ý , nếu như vài tháng sau anh không thấy cái thằng thanh niên kia được "xuất ngũ" , đúng y xì cái kịch bản mà bố nó đã dày công dàn dựng . Từ quân ngũ trở về quê hương sau những tháng ngày "tình nguyện nhập ngũ" oanh liệt , tự nhiên nó được xã bố trí công việc ở xã đội . Suốt ngày mặc bộ quân phục xanh mướt thẳng thớm ,  thằng nhãi ranh kia hùng hục đạp xe đi mọi nhà hô hào động  viên thanh niên nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự , và lùa các lão Cựu lính bỏ việc nhà  ra đồng tập quân sự để "sẵn sàng chiến đấu" . Những chuyện ấy cũng chỉ làm cho anh Vĩnh thấy khôi hài và khinh bỉ , chứ chả  mảy may làm cho anh rụng cái lông chân nào . Anh vẫn vô tư thanh thản hỳ hụp lặn ngụp trong cái biển tình đầu đời đầy nước mắt đắng cay mà vô cùng say đắm của mình .

    Nhưng sự đời đâu có thể bình yên như thế ... Và anh Vĩnh nhà ta cũng không thể vui vẻ thảnh thơi rung đùi vuốt tóc mà tận hưởng mối tình đầu của mình mãi được . Cái thằng nhãi kia nó không chỉ cam tâm khoác bộ quân phục còn mới coóng để đi làm một anh nhân viên xã đội , mà tự nhiên nó lại còn trở thành một anh phó bí thư đoàn xã thỉnh thoảng đóng bộ quần ốt-pho vàng áo ka-tê trắng đi lùng sục khắp xã  hết hô hào động viên lại nắm cổ thúc đít lôi các em nam thanh nữ tú có tài năng và nhan sắc tập trung về sân kho hợp tác để thành lập đội văn nghệ xung kích . Trong cái đám nữ tú ấy lại có cả người yêu của anh Vĩnh .

    Lại nói về người yêu của anh Vĩnh . Anh Vĩnh yêu cô ấy từ hồi anh học lớp 10 , còn cô ấy mới học lớp...6 . Không phải chỉ có anh yêu mãnh liệt , mà cô ấy cũng yêu anh thiết tha nồng nhiệt không kém . Nhưng ...bực một nỗi ... , và vô cùng nguy hiểm , ấy là cô ấy rất xinh . và bên cạnh cô ấy luôn có một lũ thanh niên trai tráng vo ve tán tỉnh . Yêu cô ấy , được cô ấy yêu lại rồi , nhưng anh Vĩnh luôn lo lắng sợ bị thằng khác mạnh cơ hơn nó phỗng mất . Yêu lắm thì rồ , lo lắm thì cùn , 2 cái lần "tuột xích" trước đây của anh chính là 2 cái đận mà anh phải bỏ cả sự nghiêp"xây dựng phòng tuyến" chặn giặc bên ngoài chạy vội về quê để đánh nhau với lũ thù trong đang âm mưu cướp phá .

    Qua những lần đánh cướp quyết liệt ấy , anh Vĩnh đã chiến thắng , một chiến thắng vô cùng nhọc nhằn đắt đỏ đã phải đổi cả bằng những tổn hại rất lớn cả về danh dự , tinh thần , sự nghiệp v.v...

    Ấy vậy mà giờ đây không khéo công lao trời bể oánh giặc giữ vợ của anh sẽ trở nên công cốc mất thôi ...

    Cái thằng nhãi ranh bẻm mép đỏm dáng nọ đang âm mưu đánh chiếm cái đồn mà anh đã dày sức tấn công và đang công khai làm chủ thì có lộn tiết và ngứa mắt không cơ chứ . Vẫn biết mình lép vế , nhưng đời nào anh chịu như thế .

    Không chịu thì phải chống . Nhưng chống bằng cách nào . Óanh nó thì anh Vĩnh thắng tốt , con cua bấy ấy anh mà thò tay ra xé thì xác nó sẽ tan tành ngay . Nhưng cách này không được , bởi nó là cua bấy nhưng bố nó thì ngang hổ báo , có chức quyền , mạnh mẽ và gian hùng lắm , đừng đùa . Nhớ lại cái lần lên xã an dưỡng , anh thấy lành lạnh . Nhớ về cái chữ "tiền sự" , liên tưởng nó với chữ "tiền án" , anh thấy kinh kinh . Nhớ tới cái lúc bị trói tay diễu phố , anh thấy mình ơn ớn ... Thôi , chả chơi cách này nữa , lợi bất cập hại . Nhỡ đâu lúc đó nó mà lại đang khoác bộ quần áo lính thì còn chết nữa , cái tội "chống người đang thi hành công vụ "cũng to ra phết ...

    Nghĩ đến bộ quần áo lính đang còn thẳng  thớm mướt xanh của thằng tình địch cướp ngày , anh Vĩnh đã nghĩ ra một kế , anh sẽ chơi thằng kia một vố . Nhưng anh không thèm gặp nó , mà gặp hẳn bố nó cơ .

    Một buổi tối thứ Bẩy , biết chắc ông bố thằng nhãi ranh đang nằm khểnh ở nhà nghe đài , anh Vĩnh vào hàng nước ven đường mua bao Ba số , lạng chè mạn , gói kẹo lạc to , mò đến . Đang mải nghe dở chương trình "Câu chuyện cảnh giác" đầy kịch tính , lão bố khoát tay bảo anh Vĩnh pha chè rồi ngồi ghế cùng theo dõi .

    Hết chương trình , lão bố vỗ đùi suýt soa hể hả , rồi ân cần tiếp chuyện anh Vĩnh . Nghe anh con cà con kê về những ân hận nuối tiếc về lầm lỗi ngày xưa , những áy náy băn khoăn hiện tại về những nghĩa cử cống hiến hy sinh của thanh niên thời đại mới , lão bố ngẩn tò te chẳng hiểu mô tê gì cả . Ngồi nhẩn nha rít thuốc thơm , chiêu trà đậm , kiên nhẫn nghe anh Vĩnh tỷ tê lải nhải mãi , sốt hết cả ruột , lão đành hỏi thẳng : Thế thực ra mày muốn nói cái gì ?

    Anh Vĩnh ngỏn ngoẻn cười : Dạ , cháu muốn đi bộ đội ạ...
    
    Lão bố cười phì : Muốn đi thì cứ đi chứ ai cấm , ơ nhưng mà mày đi đến mấy lần rồi mà toàn trốn về , đi làm gì nữa ?

    Anh Vĩnh mới gãi tai : Dạ , hồi trước cháu phải trốn về là vì tình , hồi ấy còn trẻ con non dạ thì mới làm thế thôi ạ . Bây giờ lớn rồi , cháu biết như thế là sai , là hèn , khi mình là thanh niên mà không dám quên đi lợi ích cá nhân để làm tròn nghĩa vụ  với Tổ quốc .

    Lão bố cười xòa : Ơ ... thằng này khá nhỉ , tiến bộ ra phết , ai mà cũng suy nghĩ xác định được như mày thế này thì đất nước mình còn sợ đếch gì thằng xâm lược kẻ cướp nào ...

    Anh Vĩnh buồn rầu : Nhưng cháu vẫn lo...

    Lão bố ân cần : Mày lo cái gì ?

    Anh Vĩnh nhăn nhó : Ngày xưa cháu bỏ ngũ về vì sợ mất người yêu , sợ lúc mình vắng nhà thằng khác nó cưa mất .

    Lão bố cười khà : Ừ có thế thật ...Thế sao mày không cưới béng nó đi rồi hãy nhập ngũ .

    Anh Vĩnh gãi tai : Dạ ... nhưng cháu sợ bố mẹ nó không cho cưới , họ chê cháu nghèo , công ăn việc làm chả ra sao , lại còn gọi cháu là thằng đầu gấu đào ngũ ...

    Lão bố nghiêm mặt : Họ nói vậy về mày thì cũng chả sai , mà con bé kia nó cũng vừa mới học xong phổ thông , còn phải học hành chả đại học thì cũng phải nghề nghiệp gì nữa chứ ... Thôi , yêu thì cứ yêu , đi lính thì cứ đi lính , bao giờ về nếu nó còn đợi thì cưới , không đợi thì thôi , kiếm đưa khác , thiếu quái gì , chả đứa này thì đứa khác , là thằng đàn ông thì phải biết hy sinh hạnh phúc riêng tư mà hoàn thành nghĩa vụ của mình con ạ .

    Anh Vĩnh nhẩn nha : Da..., cháu cũng nghĩ thế , nhưng cháu vừa muốn được việc này , lại được luôn cả việc kia cơ ạ...

    Lão bố phì cười : Mày giỏi đấy , thế mày định làm thế nào mà được tất vậy?

    Anh Vĩnh mới khẽ khàng : Dạ...về việc đi bộ đội , cháu định làm theo cái cách hồi trước bác đã làm cho em nhà mình , còn việc thuyết phục nhà người ta cho cưới , cháu định nhờ bác...

    Lão bố chồm dậy như ngồi phải ổ kiến lửa , gằn giọng rít lên : Cái gì , mày nói cái gì ...

    Anh Vĩnh đứng dậy nắm tay đè vai lão bố ấn ngồi trở lại xuống ghế , tíu tít nâng chén , dâng thuốc : Ấy kìa bác ... bình tĩnh bình tĩnh ... uống nước uống nước... Nghe cháu kể lại cho rõ đã ...

    Lão bố hằm hè : Kể đi .

    Đến lúc này , anh Vĩnh mới rủ rỉ kể lại những gì đã nghe thấy ngày xưa về cái kịch bản của lão bố . Anh kể thật nhỏ , kể thật thì thào . Lão bố thò tay tắt xoạch cái đài đang nỉ non một vở chèo cổ trong chương trình " Sân khấu truyền thanh" .

    Không gian yên lặng . Khói thuốc bay mịt mờ . Anh Vĩnh nhón tay cầm cái chuyên trà đi đổ bã để pha ấm mới ...

    Khi anh Vĩnh khúm núm cất tiếng chào rồi khép nép đi ra , lão bố vẫn ngồi ủ rũ trên ghế , chả nói gì ...

    Khi anh Vĩnh loẹt xoẹt dép lê ra gần cổng , lão bố mới hỏi vóng ra : Thế con bé ấy trông nó thế nào ?

    Anh Vĩnh cười cười ngượng nghịu : Dạ...Cũng xinh ạ , à mà em nhà ta cũng thích nó lắm đấy bác ạ .

    Lão bố quát lên : Láo .

    Anh Vĩnh giật nảy người , choáng choàng lao vội ra ngõ chuồn thẳng . Chạy đến gần sân kho  anh Vĩnh mới hoàn hồn đi chậm lại . Nghe tiếng hát chèo véo von , tiếng sáo nhị ỉ eo rỉ rách không phải phát ra từ trong đài radio mà là từ đám nam thanh nữ tú đang say mê tập luyện , anh dừng lại , nép mình bên gốc duối , ngó vào ...
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Chín, 2016, 12:10:11 pm gửi bởi thai60 » Logged
thai60
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 833


« Trả lời #167 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2016, 07:03:10 pm »

( Tiếp theo)

    Dưới ánh đèn điện vàng vàng hòa cùng ánh trăng mơ ảo chập chờn như ánh nến , anh Vĩnh nhìn thấy thằng nhãi ranh kẻ cướp đang cầm tay hướng dẫn người yêu mình một điệu dân vũ , bóng cái áo sơ mi trắng muốt của nó cứ chập chờn như một bóng mây ma mị đang uốn éo rập rình quanh thân hình cô thôn nữ yêu dấu của anh ...

    Mắt anh Vĩnh như mờ đi , tim anh nện thình thình trong lồng ngực , tiếng đập của nó dội cả lên 2 mang tai nóng rực của anh . Trong cái mớ âm thanh ríu ran ỉ eo ầm ù hỗn tạp ấy , anh như lại nghe thấy cả cái tiếng quát ngắn ngủn cộc lốc của lão bố .

    Xiết chặt hai nắm tay , đi giật lùi ra phía đường cái , anh Vĩnh cứ băn khoăn tự hỏi : Chả biết lão ấy mắng mình hay là thằng con lão là "láo" ấy nhỉ ?...

    Hai tháng sau , trước sự ủng hộ chi viện và tấn công quyết liệt của lão bố cán bộ xã , gia đình người yêu anh Vĩnh đã phải đầu hàng . Anh Vĩnh tổ chức đám cưới .

    Trong đám cưới của anh , khi đại diện cho đội văn nghệ xung kích xã trao quà , anh thanh niên phó bí thư đoàn xã kiêm đội trưởng của cái đội văn nghệ mà người yêu - à quên... bây giờ đã là vợ anh Vĩnh - cũng là một thành viên , đã nắm hai tay anh rất chặt , thân tình ghé sát miệng nói nhỏ vào tai anh : "Mày cũng chỉ là một thằng hèn , đéo hơn gì tao" .

    Dạo ấy đang là mùa thu của năm 1981 .

    Mùa xuân năm 1982 , anh Vĩnh lên đường . Anh nhập ngũ lần thứ 3 . Trong lá đơn tình nguyện anh chỉ ghi lý do là muốn làm một người lính bảo vệ Tổ quốc .

    Mùa xuân năm 1983 , anh Vĩnh đã đeo lon hạ sỹ , đã gần 1 năm anh không được về phép thăm nhà , vì đơn vị anh đang nằm chốt ở một vùng rừng biên giới xa lắc . Sau Tết âm lịch , vợ anh đã tìm đến tận đơn vị để thăm anh . Đơn vị cho anh đưa vợ xuống cứ , 1 ngày đi , ở đó 3 ngày , thêm 1 ngày về chốt , tổng cộng là 5 ngày . Mãi 8 ngày sau anh Vĩnh mới có mặt ở đơn vị . Ngay buổi tối hôm đó anh đã bị triệu lên ban chỉ huy đại đội . Nói về lý do lên chốt muộn , anh Vĩnh trình bày là do vợ chồng anh muốn có một đứa con , mà vợ anh thì vừa mới qua một kỳ kinh nguyệt của phụ nữ , thương vợ đường xa vất vả , nên anh nấn ná , may ra . Nghe anh trình bầy thế , ông C tr đã quát anh : "Mày phải biết thế nào là kỷ luật quân đội chứ , đến chúng tao đây già mõ cả đời xa vợ mà còn phải chịu đựng hy sinh , nếu ai cũng đơn giản dễ dãi vô kỷ luật như mày thì còn gì là quân đội nữa . Con người chứ có phải con chó đâu mà cứ thích gì thì làm thế . Biết thế này thì hôm trước khi vợ mày vừa lên đây tao đã đuổi thẳng cổ về rồi , chứ đừng nói chuyện cho mày đưa về dưới cứ " .

    Nghe ông chỉ huy nói động đến vợ mình anh Vĩnh đã tức điên lên , vặc lại : " Ông bảo con người hơn con chó ở chỗ biết làm chủ mình , nhưng ông mà đuổi vợ lính hay chửi lính vì chuyện đó như thế này thì cũng khác gì con chó , cái loại người vô cảm máy móc như ông , sẽ có ngày lính nó bắn nát dái " .

    Chuyện cãi vã chửi bới  vỡ lở , anh Vĩnh bị tống trả về tiểu đoàn , trung đoàn , rồi sư đoàn . Rồi anh bị kỷ luật phạt giam . May mà không bị ra tòa án binh . Cái lon hạ sỹ bị tước mất , anh lại trở thành một chú binh nhì . Rồi mùa thu năm 1983 anh bị chuyển về C10/D9/E14/F313 , cùng ở một đơn vị huấn luyện tân binh với lũ lính Hà đông , Phú xuyên , đồng hương Hà sơn bình với anh .

    Ngoài những phút tiếu lâm tán phét nổ trời , trong suốt mấy tháng huấn luyện anh Vĩnh cũng chăm chỉ lắm . Dù đã mấy lần "được" làm chú lính tân binh , đã trở thành một anh lính quá cũ rồi , nhưng anh Vĩnh vẫn lăn lộn với cánh lính mới chúng em  bất kể lăn lê bò toài yếu lĩnh xạ kích báo động hành quân trồng rau kiếm củi v.v... Và trừ lúc ngủ thì thôi , gần như cứ chỗ nào có anh thì lại thấy lính tráng chỗ ấy tán chuyện râm ran , cười lăn cười lóc .

    Mùa xuân năm 1984 , kết thúc khóa huấn luyện tân binh , cùng với đa số trong đám lính Hà đông , anh Vĩnh được điều về  C14 hỏa lực trực thuộc trung đoàn nằm mãi trong Lao chải (Thai60 em không còn nhớ là C14 hay là C15 nữa) .

    Cuối tháng 4/1984 , đang ở trên chốt ngang lưng dãy Tây côn lĩnh , đang trong thời gian báo động chiến đấu căng thẳng , anh Vĩnh nhận được tin vợ đến thăm . Bằng mọi cách hỏi đường , bám xe lính , bám chân lính vận tải , chị đã mò vào tới tận Cầu khỉ trong Lao chải , nơi cách Ngã Ba Thanh thủy  về phía Tây tới gần 20 cây số , bất kể pháo địch dội xuống ùng oàng suốt ngày .

    Đơn vị lại giải quyết cho anh Vĩnh đưa vợ ra TX Hà giang nghỉ ngơi , vì C anh không có cứ ở phía sau , còn các cứ của các tiểu đoàn và Trung đoàn bộ thì đều nằm trong tầm pháo và đã bị bắn phá xơ xác .

    Ở cùng vợ dưới TX mới được có 2 ngày đêm , đến sáng ngày 28/4/1984 , khi chiến sự nổ ra , quân địch tấn công xâm chiếm vào đất mình , sáng ra , nghe tiếng nổ và thấy bà con dân tộc từ hướng đường biên sơ tán về qua kể lại , anh Vĩnh đã bắt vợ phải theo xe ca về xuôi . Trưa hôm đó , anh cuốc bộ dọc QL2 gần 40 cây số dưới làn đạn pháo quân thù để về đơn vị trong Lao chải .

    Khoảng tháng 6 / 1984 , đơn vị C14 của anh Vĩnh chuyển từ Lao chải xuống Nà sát , nằm bên Đông sông Lô , đoạn gần ngang KM16 QL2 (khoảng giữa Làng Pinh và Nà cáy) . Sang đó , đơn vị anh đã bỏ cối 120 chuyển sang bắn DKB , DKU , DKZ , H12 ...

    Do trận địa ở cách sông , không có đường oto tới nơi , nên việc tiếp đạn và lương thực thực phẩm cho bên ấy toàn phải bằng sức lính . Thường thì lính VT bọn 60 em phải làm việc đó , nhưng nhiều khi chính anh em đơn vị đó cũng phải đi tải hàng về cho mình . Mỗi khi sang bên C14 , hoặc mỗi khi cánh bên ấy sang Nà cáy lấy hàng , lính tráng đồng hương  mà gặp nhau là lại vui như Tết , và vẫn cảnh cứ chỗ nào mà có anh Vĩnh thì chỗ đó lính tráng lại cười lăn cười lóc vì những câu chuyện tiếu lâm hay tán dóc ba lăng nhăng xí xộ của anh .

    Lần nào gặp Thai60 , anh Vĩnh cũng trêu chọc : Thằng này lớn tướng  rồi , chim to thế này mà vẫn chưa biết mùi phụ nữ , khổ thân thằng cu tý , thôi cố gắng đánh thắng chiến dịch này , lúc nào ra quân thì anh dạy cho cách tán gái  lấy vợ ...

    Đầu năm 1985 , gần Tết âm lịch , trong một lần vượt cầu treo sang QL2 lấy hàng , cánh lính C14 của anh Vĩnh bị trúng pháo địch , nhiều anh em bị thương vong , trong đó có anh Vĩnh . Anh bị mảnh pháo trúng đầu , nằm ngất lịm như đã bị chết . Đơn vị túi bụi băng bó cứu chữa cho anh em thương binh , tìm cách khiêng cõng số bị thương vào Làng Pinh và Nà cáy để cấp cứu . Trong khi số anh em còn lành lặn tỏa đi khiêng vác thì anh Vĩnh vẫn đang nằm cùng vài anh em khác bên cạnh đống xác của các tử sỹ . Tình cờ có một chiếc xe tải chở thương binh và tử sỹ từ Nà cáy xuống , gặp đám anh em nằm bên đường , họ đã dừng xe chuyển hết đám ấy lên xe chở luôn về phía sau .

    Do vết thương rất nặng , anh Vĩnh được chuyển thẳng về các viện tuyến sau . Ở viện 9 , anh Vĩnh đã tỉnh , vết thương đã ổn định , nhưng anh bị mất hoàn toàn trí nhớ . Các bệnh viện khi tiếp nhận anh hay khi chuyển anh đi viện kế tiếp đều không biết anh tên là gì , thuộc đơn vị nào , chỉ ghi chung chung là thương binh từ Vị xuyên .

    Về phía đơn vị , chắc mẩm là anh Vĩnh đã được chuyển về phía sau nên không quan tâm nữa . Còn lũ anh em đồng hương Hà đông cũng chẳng còn ai nghe được tin tức gì về anh . Cứ như thế suốt mấy chục năm trời . Mỗi lần anh em có dịp gặp nhau , trong câu chuyện ký ức lần nào cũng có những giai thoại , kỷ niệm về anh .

    Sáng hôm 11/9/2016 , tức là chủ nhật tuần trước , lính tráng Hà đông tụ tập ở cổng bảo vệ một khu đô thị ngay cạnh Tổ dân phố số 6 phường La khê . Cứ mỗi khi có một ai mới đến trình diện thì lại được anh em chỉ vào một người da trắng hồng cao to , đầu trọc lốc với vết sẹo to tướng đang ngồi cười ngơ ngẩn , rồi hỏi : Có nhớ ra là ai đây không ? Anh Vĩnh đấy , mới khai quật được đấy .

    Thai60 và anh Vĩnh cũng chả nhận ra được nhau , nhưng khi được anh em nhắc lại anh này trước ở Tuyên huấn E , sau về C25 VT , anh Vĩnh cứ nắm chặt tay Thai60 , lắc lắc rồi hỏi : Mày còn nhớ mấy lần bọn anh bơi qua sông Lô sang bên Nà cáy chỗ mày để xin thuốc lào không ? Mày vẫn còn nợ bọn anh một bữa cơm hôm thằng Tuấn Bẩn bị trúng đạn trong hầm mày đấy nhé .

    Nhìn thấy anh Vĩnh còn sống , vẫn vui cười hài hước , lính tráng thằng nào cũng vui , nhưng ai cũng ngậm ngùi xa xót khi thấy anh không còn được tỉnh táo , mạnh khỏe và hào sảng như ngày trước nữa .

    Chiều hôm đó khi chiếc xe ca chở đoàn theo đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân về đến Hà nội , lúc xe đến cổng trường Học viện Công nghệ BCVT , nơi Thai60 đang công tác , em tạm biệt anh em và xuống xe . Nối ngay sau em là anh Vĩnh .

    Hóa ra nhà anh Vĩnh ở khu đô thị Mỗ lao , cách nhà 60 em chưa đầy 1km . Hai anh em ghé vào một cái hàng nước ven đường trên hè phố gần dãy Ki ốt làm chén nước chè và trò chuyện .

    Trong câu chuyện , anh Vĩnh vẫn cứ nhớ nhớ quên quên , nhưng cái chất hài hước hào sảng trong anh vẫn lấp lánh trong nét cười , ánh mắt .

    Anh Vĩnh kể anh nằm viện 9 như một kẻ vô danh suốt mấy năm trời , bệnh tình lúc nặng lúc nhẹ , nhưng thời gian ấy anh đã mất hoàn toàn trí nhớ , chả ai biết anh là ai , quê quán ở đâu , trước khi bị thương thuộc đơn vị nào . Mãi sau này khi vợ anh lần mò tìm được thì mọi người mới biết .

    Tìm lại được anh , mặc cho bệnh viện khuyên rằng cứ để anh ở lại đó , bệnh viện sẽ tìm cách liên hệ với đơn vị giải quyết chính sách và làm chế độ cho anh , nhưng thấy anh thân tàn ma dại , chị đã nhất quyết đón anh về để tự tay chị thuốc thang chăm sóc . Và chị đã cứu được anh , tuy trí nhớ của không khôi phục được hoàn toàn , nhưng nếu có người khơi gợi lại thì anh sẽ nhớ ra dần .

    Hỏi anh sao suốt mấy chục năm trời anh không tìm cách để làm chế độ , anh bảo anh thì chả biết chả nhớ cái gì , còn chị thì cứ nghe nói đến chuyện phải đi lại liên hệ tốn phí là chị lại gạt đi . Chị bảo chị không cần gì hết , chỉ cần anh sống vui vẻ thanh thản là chị mãn nguyện lắm rồi .

    Hỏi anh về cuộc sống kinh tế , anh nói chị đảm đang lắm , cuộc sống ổn , các cháu đã lớn . Nói tới chị , anh rơm rớm nước mắt : Thái ơi , anh đã không uổng công khi ngay từ hồi còn trẻ đã quyết tâm đến cùng để cưới cho bằng được chị . Cả cuộc đời của chị là một chuỗi ngày tháng hy sinh cho tình yêu đấy em ạ . Suốt đời này anh mang ơn vợ anh , anh chẳng có gì để bù đắp cho cô ấy cả , anh ân hận lắm .

    Ngồi nghe anh xa xót ngậm ngùi , nhớ về những câu chuyện đời mà anh kể ngày trước , tự nhiên 60 em buột mồm : "Thực ra anh đã cho chị , cho tình yêu của mình rất nhiều thứ , trong đó cái điều lớn lao nhất mà anh đã làm được chính là hình ảnh một người chồng , một người yêu không hèn , anh ạ " .

    Vừa nói ngớt mồm , tự nhiên thấy mình có vẻ văn hoa một cách thô thiển sống sượng như thế , lại sợ anh liên tưởng tới những lần bị "tuột xích" , 60 em ngại quá , cứ dõi mắt nhìn mông lung qua đầu dòng người trên đường phố , chỉ mong anh không để ý hoặc quên béng đi cái câu bộp chộp mà mình vừa buông ra .

    Hình như anh đã nghe rõ . Hình như anh đã  không quên . Thai60 thấy anh cứ lẩm bẩm "Không hèn ...Không hèn...".

    Ngồi thêm một lúc nữa , bắn thêm mấy bi thuốc lào , lẩm nhẩm mấy câu ấy như đang ngỡ ngàng vỡ vạc từng câu từng chữ , chợt anh như bừng tỉnh : Thái nói hay quá , ừ , anh nghiệm ra rồi , vợ anh cũng đã từng nói gần giống như thế , nhưng anh không tin , bây giờ em nói thế này thì anh tin rồi , anh vui quá , vui quá ... Thôi , anh về đây , lúc nào sang thăm anh nhé .

    Sợ anh đầu óc lẫn lộn lại có tý hơi men , chắc gì đã nhớ đường về nhà , Thai60 bảo anh : Để em đưa về ... , nhưng anh Vĩnh bảo không cần đâu , mọi ngày anh vẫn đi bộ lang thang ra tận đầu phố chỗ siêu thị Trần Anh kia kìa .

    Nhìn gương mặt anh tươi tắn hồng hào trở lại , cái đầu trọc với vết sẹo to tướng ánh lên dưới ánh hoàng hôn của buổi chiều mùa thu , Thai60 ôm anh ,hỏi nhỏ : Anh có còn gì lăn tăn hay nuối tiếc nữa không ?

    Anh Vĩnh cười : Có chứ , anh tiếc là cho đến tận bây giờ anh vẫn chỉ là một người lính vô danh ...

    Trong ánh lam chiều nhập nhoạng , dưới sắc hồng của những tia hoàng hôn cuối cùng đang phủ rực rỡ trên những bức tường của những tòa cao ốc đứng ngạo nghễ bên đường hắt xuống , anh Vĩnh thong thả dạo bước . Nhìn dáng đi an nhiên của anh , ngó cái nét cười hóm hỉnh và hào sảng của anh , mọi nỗi lo trong lòng 60 em như bay đi hết theo làn gió thu rười rượi . Anh Vĩnh đang về nhà , anh Vĩnh sẽ không lạc đường đâu . Bởi ngôi nhà ấm áp mà anh chị góp sức dựng xây đã khắc dấu trong trái tim của họ .

    Đêm đó , trằn trọc vì bao nhiêu xúc cảm của một ngày hạnh phúc khi được gặp lại bao nhiêu gương mặt đồng đội lính thân quen  sau mấy chục năm xa cách , hình ảnh đó cứ trở đi trở lại mãi trong đầu Thai60 em . Đã soạn một tin nhắn : " Anh không phải là người lính vô danh " , đã mấy lần giơ ngón tay định nhấn phím để gửi cho anh Vĩnh , nhưng 60 em lại thôi không gửi nữa . Bởi với những người có trái tim như anh , như chị , điều đó là thừa .

    Ôi... Trên mảnh đất hình chữ S này có biết bao nhiêu những trái tim vô danh mà vô cùng nồng hậu như thế ...

    Thân ái chào các bác và anh em .
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2016, 10:43:13 pm gửi bởi thai60 » Logged
Phó cối
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 717


« Trả lời #168 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2016, 10:35:57 pm »


                       Chào các cụ

  Hôm vừa rồi có việc đi hà nội hai bố con tôi đến chỗ bác dạp xích lô tôi có điện cho bác thái 60 ra chỗ khách
  sạn bảo sơn chỗ bác xích lô chơi nhưng vào giờ hành chính bác ấy không đến được cuối cùng có hai anh em
  nói chuyện với nhau .đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mãi đến năm giờ chiều mới về trên cổ nhuế để hôm
  sau ngược rất tiếc là không gặp được các bác khác
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #169 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2016, 01:21:43 am »

Chào các bác cựu, chào bác thai60!

Bác Thái viết hay quá, tôi đọc chuyện bác không sót 1 chữ, thật đúng là bác có tài văn chương đấy!

Chính sách đãi ngộ của mình còn nhiều chuyện cần bàn lắm. Hôm trước tôi có đọc lại bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân. Tôi xin chia xẻ với các bác đôi dòng, cũng là nhân có cảm xúc qua bài của bác Thái.

Bài thơ viết về D16 , đơn vị trong ngày 31/1/1968 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, D16 bị địch chia cắt đội hình, mũi đi đầu khoảng 200 cán bộ chiến sỹ do Đại úy chính trị viên Tiểu đoàn 16, Phân khu 2, Long An Nguyễn Văn Sáu chỉ huy anh dũng chủ động đánh địch. Đơn vị bị địch dùng lực lượng mạnh gồm xe tăng, thiết giáp và trực thăng yểm chợ bao vây, chia cắt đội hình. Giặp ra sức gọi hàng nhưng CTV Sáu lệnh cho toàn đơn vị tiếp tục đánh địch đến người lính cuối cùng. Đơn vị chỉ được dùng súng chống tăng để bắn tăng và xe bọc thép. Đối với lũ lính bảo vệ sân bay và các toán lính tăng cường, D16 chỉ tiến đánh bằng súng BB. CTV Sáu bị thương và hy sinh sau đó cùng hầu như toàn bộ nhóm đã vào sân bay. Nhưng hình ảnh anh, hay một người lính nào đó của D16 đã hy sinh nhưng vẫn trong tư thế tiến công mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã bắt gặp.

Xin nhường lời cho những vần thơ của LS Lê Anh Xuân.

 “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng/Giặc thấy anh hốt hoảng xin hàng/Có thằng quỳ xuống chân anh tránh đạn/ Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đoàng hoàng nổ súng tiến công”.

Anh dũng là vậy, oai hùng là vậy, dáng đứng của anh đã thành dáng đứng VN! vậy mà bao nhiêu năm những người lính của D16 và đặc biệt CTV Sáu vừa rồi sau mấy chục năm mới qua đủ mọi "hủ tục" giấy tờ để được xét phong Anh hùng.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Chín, 2016, 01:06:08 pm gửi bởi longtrec » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM