Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:04:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79673 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #210 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:17:40 am »

Đại bản doanh không phản đối quyết tâm của tổng tư lệnh cho những lực lượng chủ yếu của bộ đội tiến công quay về Rô-xtốp. Lệnh hướng dẫn được chuyển bằng điện báo viết: “Nhiệm vụ trước mắt của Phương diện quân Nam là diệt tan cụm quân của Clai-xtơ và chiếm Rô-xtốp, Ta-gan-rốc, tiến ra tuyến Nô-vô-páp-lốp-ca, Mát-vê-ép Cuốc-gan, sông Mi-u-xơ”. Như vậy, có nghĩa là không đợi cho đến khi Clai-xtơ phải bỏ chạy, mà sẽ tiến công quyết liệt giải phóng Rô-xtốp.

Cũng hôm đó có tin là Clai-xtơ được lực lượng dự bị tới chi viện: ở chỗ tiếp giáp giữa các tập đoàn quân 18 và 37 của ta thấy xuất hiện sư đoàn cơ giới 1 của địch.

Từ ngày 25 tháng Mười một, trên toàn dải của Phương diện quân Nam tương đối yên tĩnh. Cả hai bên đều đang chuẩn bị tiếp tục trận giao tranh. Tướng Tsê-rê-vi-tsen-cô bố trí lại các tập đoàn quân 9 và 37 về phía Rô-xtốp, còn địch điều một bộ phận các sư đoàn trong thành phố ra đón đánh và lấy lực lượng dự bị mới ra củng cố sườn trái của Clai-xtơ là nơi yếu nhất: chẳng bao lâu, theo sau sư đoàn cơ giới là một sư đoàn xe tăng và trên hai sư đoàn bộ binh cũng được điều tới đây.

Dễ dàng hiểu rằng trong tình hình như thế, yếu tố thời gian có ý nghĩa thật đặc biệt: chúng tôi bố trí lại lực lượng để đột kích Rô-xtốp càng nhanh, thì Clai-xtơ càng thêm nguy ngập. Như thường xảy ra trong những trường hợp như thế, tổng tư lệnh cho rằng Tsê-rê-vi-tsen-cô thực hiện việc bố trí lại chưa thật kiên quyết. Nếu như chỗ tiếp giáp với Phương diện quân Tây không gặp khó khăn, thì Nguyên soái đã có mặt ở gần Rô-xtốp để đích thân kiểm tra việc hoàn thành đánh bại quân địch.

Thế là hôm nay, đồng chí lại cũng không thể bay tới bộ tham mưu Phương diện quân Nam. Đến trưa, tướng Cô-xten-cô báo cáo là bọn phát-xít lại đột kích mạnh vào các tập đoàn quân 3 và 13 có số quân ít nhất của chúng tôi. Bộ đội đánh trả quyết liệt, ngoan cường bảo vệ từng cây số. Nhưng địch có ưu thế rất lớn về lực lượng, và các đơn vị ta bị tiêu hao. Sau khi nghe báo cáo tỉ mỉ về tiến trình đánh trả cuộc tiến công mới của Đức, tổng tư lệnh đập tay xuống bàn:

- Chúng ta chống đỡ như thế là đủ rồi! Cả ở đây chúng ta cũng thử cho bọn phát-xít một bài học. – Quay về phía Bô-đin đang ngồi cạnh, Nguyên soái ra lệnh: - Trong lúc tôi đang bận thanh toán Clai-xtơ, đồng chí và Cô-xten-cô hãy cuẩn bị một chiến dịch tiến công mới. Mục đích là nhằm diệt tan cánh quân của địch ở vùng Líp-nư.

Để mở mũi đột kích chủ yếu từ phía Nam, tổng tư lệnh ra lệnh tập trung ở khu vực Bô-rơ-ki, Téc-bu-nư, U-rít-xcôi-e (tất cả các điểm ở phía Tây – Nam Ê-lê-txơ) quân đoàn kỵ binh 5, sư đoàn bộ binh 129. Cụm xung kích của tập đoàn quân 34 và lữ đoàn xe tăng 129. Cụm xung kích của tập đoàn quân 13 với quân số chiến đấu ít, do tướng C. X. Mô-xca-len-cô chỉ huy, sẽ đột kích hỗ trợ ở phía Bắc Ê-lê-txơ. Quyền lãnh đạo toàn bộ bộ đội tham gia tiến công được trao cho tướng A. M. Gô-rốt-ni-an-xki, tư lệnh tập đoàn quân 13, còn lãnh đạo chung cả chiến dịch là tướng Ph. I-a. Cô-xten-cô.

Sau khi làm sáng tỏ với Bô-đin mọi chi tiết kế hoạch tiến công sắp tới, tổng tư lệnh yêu cầu bố trí cho đồng chí nói chuyện với Tổng tư lệnh tối cao. Mát-xcơ-va trả lời: “Mời đồng chí đợi bên máy”. Trong suốt hai tiếng đồng hồ vẫn câu trả lời như vậy. Rõ ràng là Đại bản doanh đang rất bận vào việc tổ chức đánh trả cuộc tiến công thứ ba vào thủ đô, vì tình hình ở đó hết sức căng thẳng. Khi Mát-xcơ-va cho biết Xta-lin đang đứng bên máy, tổng tư lệnh báo cáo tình hình hướng Tây – Nam. Đồng chí báo cáo rằng tại chỗ tiếp giáp giữa Phương diện quân Tây – Nam và Phương diện quân Tây, các tập đoàn quân của tướng Cô-rô-tê-ép và Ma-li-nốp-xki không những chỉ chặn đứng cuộc tiến công của cụm quân của tướng Svét-le, mà còn đẩy lui địch 12 – 15 ki-lô-mét; rằng chủ lực của tập đoàn quân của Clai-xtơ vẫn ở lì Rô-xtốp như trước, và Clai-xtơ mới chỉ bắt đầu điều bộ binh cơ giới về phía Tây – Bắc Rô-xtốp, tới sông Tu-dơ-lốp.

Tổng tư lệnh báo cáo tiếp là cánh quân xung kích của Phương diện quân Nam, sau khi đánh bật các đơn vị của Clai-xtơ ra khỏi bờ Bắc sông Tu-dơ-lốp, đã bắt đầu điều động lực lượng của mình tới cửa ngõ phía Bắc Rô-xtốp, để từ đó sẽ đột kích thẳng vào Rô-xtốp. Nguyên soái nói thêm, do sai lầm của Hội đồng quân sự, việc bố trí lại lực lượng Phương diện quân Nam bị chậm, nên phải đến ngày 27 tháng Mười một mới tiếp tục được cuộc tiến công. Dĩ nhiên, tổng tư lệnh nói điều đó ra trong lúc nóng nảy, do ấn tượng của cuộc nói chuyện vừa qua với Tsê-rê-vi-tsen-cô, vì đồng chí ấy cứ khăng khăng chứng minh rằng mình không kịp chuẩn bị đột kích trong một thời gian ngắn. Nhưng khi từ trên nhìn xuống, thường thường các hoạt động diễn ra với nhịp độ chậm hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #211 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:18:31 am »

Nhiệm vụ của Tsê-rê-vi-tsen-cô và cơ quan tham mưu của đồng chí thật khó khăn, vì không chỉ cơ động hai tập đoàn quân 40 – 50 cây số, mà lại còn phải tập trung những sư đoàn đang trải dài theo chính diện thành một quả đấm, kéo các cơ quan hậu cần tới bổ sung xăng dầu, đạn dược, tổ chức cuộc tiến công mới. Hơn nữa, bộ tư lệnh phương diện quân còn làm cho nhiệm vụ của mình thêm phức tạp vì đã định chuyển một số sư đoàn từ tập đoàn quân này sang tập đoàn quân khác: sư đoàn bộ binh 216 cùng các lữ đoàn xe tăng 2 và 132 được chuyển sang tập đoàn quân 9, còn sư đoàn bộ binh 150 được chuyển sang tập đoàn quân 37.

Khi than phiền về sự chậm chạp của Tsê-rê-vi-tsen-cô, tổng tư lệnh còn chưa biết hết những chi tiết đó. Tiếc rằng trí nhớ của tôi cũng như các văn kiện đều không ghi lại được câu Xta-lin trả lời tổng tư lệnh chúng tôi lúc đó, nhưng thực chất những chỉ thị của Tổng tư lệnh tối cao chung quy chỉ là một: phải giải phóng Rô-xtốp bằng bất kỳ giá nào.

Tối ngày 26 tháng mười một, Nguyên soái Ti-mô-sen-cô cùng nhóm tướng tá và các sĩ quan Phương diện quân Tây – Nam đáp máy bay tới sở chỉ huy của Tsê-rê-vi-tsen-cô.

- Ôi, đồng chí Tsê-rê-vi-tsen-cô, - tổng tư lệnh thốt lên vào lúc chào tư lệnh Phương diện quân Nam, - nếu cứ chậm chạp như thế này thì Clai-xtơ tuột khỏi tay chúng ta mất! Thời gian tạm ngừng tiến công kéo dài quá, mà trong chiến tranh thì lại phải trả giá cho sự chậm chạp bằng xương máu… Các đồng chí đã phát hiện những lực lượng nào đối đầu với cánh quân xung kích của đồng chí? – Nguyên soái hỏi và tiến lại bên tấm bản đồ trải trên bàn.

Tsê-rê-vi-tsen-cô đưa bút chì dọc đường kẻ ngoằn ngoèo màu xanh da trời là con sông Tu-dơ-lốp và cho biết bọn tù binh khẳng định ở đây có sư đoàn cơ giới SS “Vi-kinh” và sư đoàn xe tăng 16 đã bị bộ đội ta đánh cho tan tác trong những trận chiến đấu vừa qua. Trong số những binh đoàn mới có sư đoàn cơ giới 1 của Đức giữ tuyến phòng ngự đối diện với sườn phải tập đoàn quân 37 của ta. Có thể là Clai-xtơ đã đưa thêm những lực lượng khác từ Rô-xtốp tới, nhưng trinh sát ta chưa phát hiện được.

Tsê-rê-vi-tsen-cô báo cáo: vào 8 giờ sáng mai, tập đoàn quân 37 và tập đoàn quân 9 sẽ chuyển sang tiến công và tập trung những nỗ lực chủ yếu trên tuyến Xtô-i-a-nốp, Ghê-nê-ran-xcôi-e - Bu-đi-ôn-nưi. Hướng chung là Tsan-tư, nơi cụm quân thuộc tập đoàn quân 56 do tướng Đ. T. Cô-dơ-lốp chỉ huy sẽ tiến công từ tả ngạn sông Đôn. Tập đoàn quân 37 giáng đòn đột kích chủ yếu của Ghê-nê-ran-xcôi-e tới Xun-tan Xa-lư ở phía Tây Rô-xtốp, còn tập đoàn quân 9 đột kích qua Bôn-sưi-e Xa-lư tới ngoại vi phía Bắc thành phố.

- Đòn đột kích phải mãnh liệt, tư lệnh phương diện quân nói, - do đó, đến cuối ngày tiến công đầu tiên, bộ đội phải chiếm được Crưm, Xun-tan Xa-lư, Bôn-sưi-e Xa-lư và Ra-cốp-ca. Chiếm được tuyến này sẽ bảo đảm hợp vây được quân địch đang đóng ở Rô-xtốp. Những ngày tiếp theo, lực lượng chủ yếu của Clai-xtơ sẽ bị chia cắt và tiêu diệt bởi những đòn đột kích trên một số hướng. Trong khi các tập đoàn quân giải quyết nhiệm vụ đó thì quân đoàn kỵ binh của tướng Khô-run sẽ đột kích từ Bôn-sê-crê-pin-xcai-a về phía Nam, tới vịnh Ta-gan-rốc, và sau khi chiếm được khu vực ở tam giác các điểm dân cư Xê-vi-ô-lưi, Xi-ni-áp-ca và Nết-vi-gốp-ca, sẽ bảo đảm cho các tập đoàn quân tiến công không bị địch tập kích từ phía Tây. Nhiệm vụ chủ yếu của không quân ta là ngăn cách lực lượng chủ yếu của Clai-xtơ với lực lượng dự bị của chúng đang kéo tới chi viện… Thưa đồng chí tổng tư lệnh, ý định cuối cùng của chúng tôi là như vậy.

Nhưng chúng tôi hiểu rõ, từ ý định đi đến hiện thực là cả một khoảng cách lớn. Ngày mai, tình hình sẽ ra sao? Vì tập đoàn quân của Clai-xtơ là một trong những cánh quân xung kích mạnh nhất của quân Đức, và tất nhiên, nó sẽ chống đỡ quyết liệt. Chúng tôi lo lắng đón đợi những sự kiện sau này.

Sang ngày 27 tháng Mười một, trời u ám. Cỏ héo mùa thu đôi chỗ phủ bụi tuyết trắng lấp lánh như muối trên thảo nguyên đất mặn. 9 giờ sáng, đợt công kích bắt đầu. Trời lạnh, tầm nhìn xa khá tốt. Từ xa đã thấy rõ những hàng quân đang tiến công trên địa hình trống trải.

Kẻ địch ngoan cố chống cự. Từng loạt đạn pháo và súng cói bắn dồn dập, trút xuống bộ đội đang công kích. Tiếng nổ của pháo và cối bị át đi trong tiếng rú của máy bay ném bom bổ nhào. Địch ném xe tăng và bộ binh cơ giới ra phản kích. Nhưng bộ đội ta vẫn tiến lên phía trước, dù có bị chậm nhiều so với kế hoạch. Bọn phát-xít chống cự điên cuồng như những kẻ đã bị dồn đến bước đường cùng.

Cuộc tiến công diễn ra trên tất cả các hướng như kế hoạch đã định. Từ phía Đông, các đơn vị tập đoàn quân 56 vượt qua lớp băng mỏng trên sông Đôn tới Rô-xtốp hội quân với các tập đoàn quân 9 và 37. Đột nhập đầu tiên vào các phố là trung đoàn 230 thuộc Bộ dân ủy nội vụ do trung tá Đi-ô-min chỉ huy và trung đoàn dân quân Rô-xtốp do Vác-phô-lô-mê-ép, một giám đốc nhà máy lãnh đạo. Từ các hướng khác tiến vào thành phố là những tiểu đoàn tiền tiêu của các sư đoàn bộ binh 343 và 347. Những trận chiến đấu ác liệt diễn ra trên đường phố. Đêm xuống, rồi sáng hôm sau, những trận đánh vẫn tiếp diễn. Đến cuối ngày tiến công thứ hai, các sư đoàn của Clai-xtơ bắt đầu tháo chạy hỗn loạn khỏi Rô-xtốp. Bộ đội ta chuyển sang truy kích như vũ bão.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #212 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:18:55 am »

… Giữa thảo nguyên có thể phóng tầm nhìn rộng khắp. Đài quan sát của tướng Lô-pa-tin, tư lệnh tập đoàn quân 37, đặt trên một ngôi mộ cổ. Con người dũng cảm và điềm tĩnh, dường như thiếu đa cảm đó, bỗng rời kính ngắm lập thể, dõi đôi mắt vui sướng vào tất cả những người có mặt trên dài quan sát và mừng rõ thốt lên:

- Chuồn cả rồi! Cả bầy quỷ chuồn rồi! Tôi đã tin và luôn luôn tin rằng bọn phát-xít sẽ tháo chạy, nhưng cứ sợ là nhắm mắt rồi mà không được nhìn thấy cảnh đó.

Một sĩ quan trẻ đứng bên vị tướng, vui vẻ châm vào:

- Đây là bọn chúng mới tập chạy thôi, đồng chí tư lệnh ạ, còn khi ta luyện cho chúng đến nơi đến chốn thì chắc chúng sẽ cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về đất mẹ cho mà xem!

Cuộc tháo chạy nổi tiếng của Clai-xtơ “bất khả chiến thắng” bắt đầu như thế. Ngày 29 tháng Mười một, khi Ti-mô-sen-cô được báo cáo là phải giải phóng Rô-xtốp, đồng chí vội báo ngay tin vui đó cho Xta-lin. Tổng tư lệnh tối cao gửi ngay bức điện cho tổng tư lệnh và tư lệnh Phương diện quân Nam:

“Tôi chúc mừng các đồng chí nhân dịp chiến thắng địch và đã giải phóng Rô-xtốp khỏi ách phát-xít Đức xâm lược. Tôi hoan nghênh bộ đội tập đoàn quân 9 và 56 anh dũng dưới quyền chỉ huy của các tướng Kha-ri-tô-nốp và Rê-mê-dốp đã cắm Lá cờ Liên Xô quang vinh của chúng ta lên thành phố Rô-xtốp”.

Tổng tư lệnh ra lệnh truyền thay nội dung bức điện về các đơn vị. Tiếp theo là mệnh lệnh do Ti-mô-sen-cô, Khơ-rút-sốp và tác giả những dòng này – thay tham mưu trưởng – ký.

Mệnh lệnh miêu tả tóm tắt quá trình chiến đấu giành Rô-xtốp, mà kết quả là bộ đội ta đã tiêu diệt những trung đoàn và sư đoàn ưu tú của Clai-xtơ và buộc tàn quân của chúng phải tháo chạy. Cả cánh quân mạnh của tướng Svét-le cố giúp Clai-xtơ cũng bị thất bại. Trước đòn đột kích của Phương diện quân Nam, các sư đoàn xe tăng 14 và 16, sư đoàn cơ giới 60 và sư đoàn SS “Vi-kinh” của Đức đã tìm thấy nấm mồ chôn chúng trên thảo nguyên Đô-ne-txơ bao la và tại các cửa ngõ dẫn tới cửa sông Đôn. Ngoài ra, sư đoàn xe tăng 13, sư đoàn SS “A-đôn-phơ Hít-le” và các sư đoàn bộ binh 76, 94, 97 cũng bị đánh bại.

“Các trung đoàn và sư đoàn xô-viết chiến thắng vẻ vang, sáng ngày 29 tháng Mười một đã tiến vào Rô-xtốp và tiếp tục truy kích mãnh liệt quân địch đang tháo chạy về phía Tây”, mệnh lệnh viết tiếp.

Trong phần kết luận, Hội đồng quân sự hướng Tây – Nam chúc mừng các chiến sĩ, cán bộ chỉ huy và chính trị các binh đoàn và binh đôi đã chiến thắng oanh liệt bọn phát-xít xâm lược, và tỏ ý tin tưởng rằng bộ đội Phương diện quân Nam vinh quang sẽ tiêu diệt hết tàn quân địch và cùng toàn thể Hồng quân giải phóng bờ cõi xô-viết khỏi bè lũ phát-xít.

Điện mừng của Tổng tư lệnh tối cao và mệnh lệnh của tổng tư lệnh hướng Tây – Nam đã cổ vũ bộ đội rất nhiều. Nhưng cũng có những đơn vị bị bỏ sót không được nhắc đến trong hai văn kiện này. Các chiến sĩ và cán bộ tập đoàn quân 37 đã bị rơi vào trường hợp như vậy. Trước hết, chính là những hành động dũng cảm của họ đã buộc quân của Clai-xtơ phải tháo chạy. Nhưng trong điện mừng của Tổng tư lệnh tối cao chỉ ghi nhận công lao của các tập đoàn quân 9 và 56. Tổng tư lệnh thừa nhận như thế quả là không công bằng. Đồng chí đọc ngay một bức điện gửi Xta-lin, nêu rõ công lao đặc biệt của bộ đội tập đoàn quân 37 trong việc đánh tan Clai-xtơ và giải phóng Rô-xtốp và đề nghị ghi nhận công lao của tập đoàn quân. Thiếu sót được sửa chữa ngay.

Trong quá trình phản công, Phương diện quân Nam đã gây cho địch tổn thất nghiêm trọng. Bộ đội ta thu được 154 xe tăng, 8 xe bọc thép, 244 pháo, 93 súng cối, 1.455 xe ô-tô và nhiều khí tài chiến đấu khác.

Cuộc phản công của bộ đội Phương diện quân Nam kết thúc không chỉ làm thất bại nặng nề tập đoàn quân xe tăng 1 của Đức và các đơn vị khác thuộc cụm các tập đoàn quân “Nam”, mà còn kìm chân ở gần Rô-xtốp hầu như toàn bộ lực lượng cụm các tập đoàn quân này và không cho phép bộ chỉ huy Đức sử dụng chúng để tăng cường cho các đơn vị đang hoạt động ở gần Mát-xcơ-va.

Tin chiến thắng của bộ đội ta ở Rô-xtốp đem lại niềm vui lớn cho cả nước. Nhân dân lao động tất cả các nước cộng hòa cũng như chiến sĩ các tập đoàn quân khác tới tấp gửi thư chúc mừng những người chiến thắng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #213 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:19:51 am »

Béc-lin vô cùng đau đớn đón nhận tin thất trận của quân đội Đức ở Rô-xtốp. Ngoài ý nghĩa lớn lao về quân sự (những kế hoạch của bọn phát-xít ở miền Nam bị sụp đổ), nó còn mang lại cho bọn Hít-le một tổn thất nặng về tinh thần. Vì sự việc xảy ra vào đúng lúc bọn phát-xít đang dốc sức tiến về Mát-xcơ-va với hy vọng là chiến thắng đã nằm trong tầm tay. Nhưng bỗng lại bị thất bại ở vùng Rô-xtốp. Sự kiện này, tất nhiên, hoàn toàn không thể động viên được những đơn vị đang tiếp tục tiến công Mát-xcơ-va. Tập đoàn quân xe tăng 1 của tướng Clai-xtơ – niềm tự hào của guồng máy chiến tranh Đức đã thất trận. Như một chiếc vòi rồng khổ lồ, tập đoàn quân này đã tung hoành trên khắp đồng ruộng Ba Lan, Bỉ, Pháp, và sau đó, trên các nẻo đường Ban-căng. Nó tràn vào đất nước U-cra-i-na xô-viết dưới ánh hào quang của những chiến công và sự hùng mạnh, mở đầu từ chặng đường ở Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, rồi băng qua U-cra-i-na, để lại đằng sau máu lửa và tro tàn. Bộ đội Phương diện quân Tây – Nam và Phương diện quân Nam đã gây cho nó không ít thương tích, nhưng khi tới gần Rô-xtốp, nó vẫn còn sung sức và nguy hiểm. Vậy là lần đầu tiên trong suốt lịch sử tồn tại của mình, tập đoàn quân này đã bị một quân đội “không còn tồn tại” theo như thông báo của bộ máy tuyên truyền phát-xít, đánh cho tơi tả.

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến tranh, kẻ địch tỏ ra chán nản. Ngày 30 tháng Mười một, Han-đe ghi nhật ký: “Tập đoàn quân xe tăng 1 rút lui khiến Hít-le xúc động mạnh. Quốc trưởng cấm tập đoàn quân rút về sông Mi-u-xơ, nhưng điều đó không còn phụ thuộc vào ông ta. Hít-le mắng té tát tổng tư lệnh lục quân. Sau đó, tổng tư lệnh lục quân ra lệnh cho Run-stết không được rút lui, nhưng Run-stết trả lời là không thể chấp hành mệnh lệnh trên. Hít-le được báo cáo, đã gọi Run-stết…”.

Chúng ta dễ dàng hình dung thấy Hít-le đã nổi điên như thế nào khi vấp phải việc công khai không tuân lệnh của các tướng lĩnh. Nhà văn Tây Đức Van-te Ghê-lít, chuyên viết về chiến tranh, mô tả cảnh cãi nhau nổ ra trong bộ chỉ huy tối cao phát-xít như sau: “Sau một tuần phải bỏ Rô-xtốp, Run-stết yêu cầu rút toàn bộ cụm các tập đoàn quân về Mi-u-xơ để chiếm lĩnh trận địa phòng ngự mùa đông. Nhưng Hít-le cấm mọi cuộc rút lui. Trái với lệ thường, đích thân Hít-le có Bra-u-kích(1) và Han-đe đi theo, tới hành dinh của Run-stết ở Pôn-ta-va. Khi quốc trưởng cố buộc tội Run-stết vì thất bại ở Rô-xtốp, thì viên thống chế già với bộ dạng quý tộc Phổ lâu đời đã lạnh lùng trả lời là chính người ra lệnh thực hiện những chiến dịch này phải chịu trách nhiệm về thất bại đó, - nói cách khác – là chính Hít-le. Quốc trưởng nhảy bổ vào Run-stết và giật chiếc huân chương chữ thập hiệp sĩ của ông ta. Bra-u-kích nổi cơn đau tim. Hít-le cách chức một loạt tướng nổi tiếng của cụm các tập đoàn quân “Nam”, trước tiên là tư lệnh tập đoàn quân 17, tướng bộ binh Phôn Sti-un-na-ghen. Hít-le  đặc biệt nổi khùng với viên tướng này…”.

Kẻ giơ đầu chịu báng cũng là một trong những viên tướng kỳ cựu nhất của quân đội Đức – thống chế Run-stết, tổng tư lệnh cụm các tập đoàn quân “Nam”. Thay hắn là con cáo già Phôn Rây-khơ-nao, tư lệnh tập đoàn quân 6.

Bộ máy tuyên truyền phát-xít lâm vào tình trạng rất khó xử. Vì từ ngày 21 tháng Mười một, nó đã làm rùm beng trước châu Âu là đã chiếm được Rô-xtốp và tiêu diệt “các tập đoàn quân của Ti-mô-sen-cô”. Giờ đây lại phải giải thích rằng những tập đoàn quân “đã bị tiêu diệt” đã giành lại Rô-xtốp và đánh cho tơi tả viên tướng xe tăng Clai-xtơ đã được tâng bốc lên tận mây xanh.

Và thế là bọn địch tung ra cái luận điệu không phải bội đội Liên Xô đã chiếm lại được Rô-xtốp, mà do… cư dân thành phố. “Bọn bôn-sê-vích đã kích động cư dân Rô-xtốp đấu tranh ở sau lưng quân đội Đức, do vấp phải những phương thức đấu tranh trái với những quy tắc quốc tế, nên quân Đức, sau khi chiếm được Rô-xtốp, đã nhận được lệnh từ giã nội thành Rô-xtốp” (Thế mà trước đó vài ngày, bọn khoác lác Gơ-ben còn khẳng định là cư dân Rô-xtốp đón chào quân Đức… với khóe mắt đẫm lệ vui mừng!). Bản thông cáo kết thúc bằng lời kẽ: “Có thể bọn bôn-sê-vích sẽ ra thông cáo là chúng đã chiếm lại được Rô-xtốp. Nhưng điều đó là hoàn toàn không thể có”.

Song, bọn con cháu phát-xít của nam tước Mun-khao-den không thể làm dư luận xã hội nhầm lẫn. Báo chí thế giới ghi nhận ý nghĩa to lớn về chiến thắng của quân đội Liên Xô ở vùng Rô-xtốp trên sông Đôn. Xim-xôn, bình luận viên của hãng thông tấn AP, viết: “Việc rút khỏi Rô-xtốp chắc chắn là thất bại nặng nề nhất của quân Đức trong suốt cuộc chiến tranh”. Báo “Đây-li Ni-út” nói với bạn đọc là “chỉ riêng việc rút khỏi Rô-xtốp đã là chiến bại lớn nhất mà Hít-le phải chịu dựng trên tất cả các mặt trận trong suốt thời gian chiến tranh”. Còn tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ “U-lút” băn khoăn hỏi: Làm sao có thể xảy ra trường hợp hai tháng sau khi bộ chỉ huy tối cao Hít-le thông báo đã tiêu diệt Hồng quân thì đội quân đó lại đã giành lại Rô-xtốp?...


(1) Thống chế, tổng tư lệnh lục quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #214 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:20:10 am »

Cho rằng số phận của Clai-xtơ đã bị kết liễu về cơ bản, tổng tư lệnh chuyển sang cuộc tiến công đang được chuẩn bị ở cánh Bắc bộ đội của mình. Đồng chi lệnh cho tôi mời tướng Bô-đin tới đường dây nói chuyện trực tiếp. Bô-đin báo cáo là việc chuẩn bị cho cuộc tiến công đang được tiến hành rất tích cực, nhưng đồng chí không tin lắm ở lực lượng tập đoàn quân 13 vì cả tập đoàn quân chỉ vẻn vẹn 21 khẩu pháo. Tổng tư lệnh ra lệnh cấp cho A. M. Gô-rốt-ni-an-xki- luôn trung đoàn pháo 200 chống tăng. Do tập đoàn quân 56 được chuyển thuộc Phương diện quân Nam, nên tổng tư lệnh quyết định đến chỗ Rê-mê-dốp và nhân tiện xem Rô-xtốp bị thiệt hại ra sao. Ngày 1 tháng Mười hai, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay gần Ba-tai-xcơ. Các đồng chí Đvin-xki, bí thư tỉnh ủy Rô-xtốp, tướng Rê-mê-dốp và A-ru-sa-ni-an, tham mưu trưởng của đồng chí, người bạn cũ và thủ trưởng cũ của tôi, đã chờ sẵn tại đây. Cách đây không lâu, chúng tôi mới gặp nhau tại Phương diện quân Tây – Nam, nơi đồng chí làm chủ nhiệm hậu cần của phương diện quân. A-ru-sa-ni-an kiên trì yêu cầu, như đồng chí nói, một công việc có tính chiến đấu hơn. Và đồng chí đã được thỏa mãn: ngay trước lúc xảy ra những sự kiện ở Rô-xtốp, đồng chí được bổ nhiệm lãnh đạo bộ tham mưu tập đoàn quân độc lập 56. Tôi rất vui mừng gặp lại người bạn cũ vẫn còn sống và bình yên.

Lúc chúng tôi vào thành phố, dòng chữ kẻ sơn đen chiêm hết bức tường bên cửa ngôi nhà nhiều tầng đập ngay vào mắt tôi: “Rô-xtốp vẫn trên sông Đôn, còn Clai-xtơ thì nướng quân trên ngọn lửa đỏ!”. Những chữ cái rất to, viết nghiêng ngả xiêu vẹo như bầy trẻ nhỏ đang nhảy múa trước niềm vui. Cái lối chơ chữ hóm hỉnh của con nhà lính đó chẳng bao lâu đã bay khắp các đơn vị Phương diện quân Nam.

Chúng tôi chưa kịp làm quen với các cán bộ, chiến sĩ tập đoàn quân 56 và tìm hiểu tình hình ở dải tiến công của bộ đội tập đoàn quân thì nhận được bức điện từ Vô-rô-ne-giơ gửi tới. Tướng Bô-đin cho biết các đơn vị phát-xít tiếp tục gây sức ép với các tập đoàn quân 3 và 13, do đó tình hình ở hướng Ê-lê-txơ vẫn còn nguy ngập. Bô-đin đề nghị tổng tư lệnh sớm trở về lãnh đạo cuộc tiến công mới.

Sau bản báo cáo của tướng Rê-mê-dốp, đồng chí bí thư tỉnh ủy kể lại những trận đánh ác liệt trên đường phố khi xe tăng phát-xít đột nhập thành phố. Tuy bọn Hít-le làm chủ thành phố không được bao lâu, nhưng chúng đã để lại dấu vết ở khắp nơi. Gần một trăm tòa nhà lớn nhất và đẹp nhất bị sập đổ. Các vùng ngoại vi Rô-xtốp hầu như bị phá hủy hoàn toàn.

Hôm sau, chúng tôi tới các đơn vị tập đoàn quân 56 vẫn đang tiếp tục tiến công sang phía Tây. Mãi khuya, chúng tôi mới về tới Rô-xtốp. Mọi người đều mệt nhừ. Tôi đang kiếm một chỗ nào yên tĩnh hơn để có thể ngả lưng trong chốc lát, thì sĩ quan tùy tùng của tổng tư lệnh chạy tới:

- Nguyên soái gọi đồng chí!

Tôi vội tới phòng Nguyên soái:

- Thế nào Ba-gra-mi-an, - Nguyên soái hỏi, - cậu không muốn tổ chức liên hoan sinh nhật của mình à?

Tôi đâm lúng túng: trong hoàn cảnh chiến đấu bận rộn, quả thật tôi quên bẵng ngày hôm nay mình bước sang tuổi 44. Nguyên soái mỉm cười siết tay tôi:

- I-va Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích, xin nồng nhiệt chúc mừng. Chúc cậu sống cho đến ngày chiến thắng, còn sau đó thì theo phong tục Cáp-ca-dơ, cậu khỏe khoắn đón mừng ngày sinh thứ một trăm của mình.

Những đồng chí khác có mặt trong phòng cũng lao tới, bắt tay và ôm hôn tôi.

Từ sáng hôm sau lại những việc bận rộn mới. Tổng tư lệnh yêu cầu đẩy mạnh việc tiến quân sang phía Tây. Tướng Tsê-rê-vi-tsen-cô báo cáo là các tập đoàn quân tiến công được giao nhiệm vụ tiến tới sông Mi-u-xơ, vượt sông trong hành tiến và chiếm lấy bàn đạn để tiếp tục tiến công.

Mãi đến ngày 4 tháng Mười hai, sau khi tin chắc là các sự kiện ở Phương diện quân Nam đang phát triển có kết quả, Tổng tư lệnh mới quyết định bay về Vô-rô-ne-giơ để bắt đầu một chiến dịch tiến công mới, nhưng lúc này là ở cánh Bắc của bộ đội ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #215 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:26:57 am »

THAM MƯU TRƯỞNG CỦA BỘ THAM MƯU CHƯA RA ĐỜI

Tối ngày 4 tháng Mười hai, máy bay chúng tôi hạ cánh xuống một sân bay gần Vô-rô-ne-giơ. Trong số người ra đón có Bô-đin. Tổng tư lệnh hỏi ngay tham mưu trưởng về tình hình ở Phương diện quân Tây – Nam.

Bô-đin báo cáo là cuộc tiến công của địch bắt đầu từ ngày 25 tháng Mười một, vẫn đang tiếp tục. Chúng đang ép thật mạnh ở dải tập đoàn quân 13, trên hướng Ê-lê-txơ. Tập đoàn quân 3 cũng không dễ chịu gì hơn: các đơn vị của Gu-đê-ri-an, sau khi đột phá trên hướng Ri-a-giơ-xcơ, đang vu hồi ở sườn phải của tập đoàn quân. Những lực lượng mới kéo từ hậu phương ra để chi viện cho ba sư đoàn bộ binh của Đức đang tiến công trên hướng Ê-lê-txơ. Địch cố chia cắt tập đoàn quân 13 và đột phá tới Da-đôn-xcơ. Riêng ở hướng đi Ca-xtoóc-nôi-e, sư đoàn xe tăng 9 và sư đoàn cơ giới 16 của địch không thể tiến nổi. Do đó, khoảng trống giữa hai cánh quân xung kích của bọn Đức đang tiến công tới Ê-lê-txơ và Ca-xtoóc-nôi-e ngày một lớn, khiến địch phải dàn mỏng lực lượng. Tình hình đó rất có lợi cho chúng ta để tổ chức đột kích vào bên sườn và sau lưng tập đoàn Ê-lê-txơ của chúng. Nhưng chúng tôi bắt buộc phải mở chiến dịch trong điều kiện vẫn bị địch tiến công.

Cụm xung kích của ta phải tập kết xong vào cuối ngày 5 tháng Mười hai. Các sư đoàn kỵ binh 3 và 14 thuộc quân đoàn kỵ binh 5 bắt đầu tiến ra khu vực tập kết từ ngày 1 tháng Mười hai. Lữ đoàn bộ binh 32 mà sau này sẽ thuộc biên chế của quân đoàn kỵ binh, đã tập kết xong vào ngày 3 tháng Mười hai. Lữ đoàn bộ binh cơ giới 34 và sư đoàn bộ binh cận vệ 1 còn đang hành quân. Lữ đoàn xe tăng 129 mới được thành lập và bắt đầu được điều tới khu vực xuất phát.

Lúc này vẫn chưa quyết định làm thế nào để sử dụng được tốt nhất những lực lượng này. Trao chúng về tập đoàn quân 13 cho tướng A. M. Gô-rốt-ni-an-xki ư? Nhưng hiện giờ đồng chí còn phải đối phó với địch, và những đơn vị này có thể bị trói chặt trong các trận chiến đấu phòng ngự. Tốt hơn hết là để lại ở dưới quyền phương diện quân, giao cho tướng Cô-xten-cô lãnh đạo. Còn về cơ quan chỉ đạo tác chiến thì sẽ điều cho đồng chí một nhóm cán bộ tác chiến lấy trong bộ tham mưu Phương diện quân Tây – Nam và tăng cường thêm những sĩ quan của Phương diện quân Bri-an-xcơ trước kia.

- Chúng ta cần đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến dịch, - Bôn-đin nói. - Ở gần Mát-xcơ-va đang chuẩn bị một cái gì đó hết sức quan trọng. Căn cứ vào những biện pháp mà Đại bản doanh áp dụng ở đó, có thể phán đoán là kẻ địch sẽ bị giáng một đòn nên thân. Nguyên soái Sa-pô-sni-cốp truyền đạt là bằng bất kỳ giá nào chúng tôi cũng phải ngừng việc rút tập đoàn quân 3 và 13 và bảo đảm thật vững chắc chỗ tiếp giáp với Phương diện quân Tây. Do các đồng chí đến chậm, chúng tôi buộc phải tự sơ thảo quyết tâm tiến công, vì không còn thời gian chuẩn bị nữa. Vì thế, hôm nay, chúng tôi đã giao cho bộ đội những nhiệm vụ cụ thể trong chiến dịch sắp tới. Chúng tôi không cho rằng quyết tâm của mình không có gì sai. Nếu các đồng chí thấy chỗ nào cần sửa đổi thì chúng ta vẫn kịp làm…

- Điều chủ yếu đã rõ, - tổng tư lệnh ngắt lời, - đến Vô-rô-ne-giơ, đồng chí sẽ báo cáo tiếp… Lên xe thôi!... – đồng chí ra lênh, rồi rảo bước tới chiếc xe hòm, nhưng vừa mở cửa xe, đồng chí bỗng dừng lại và gọi tôi tới: - Thế này nhé, đồng chí Ba-gra-mi-an ạ, đồng chí chuẩn bị và tới ngay khu vực tập kết cụm xung kích, tôi cử đồng chí làm tham mưu trưởng cụm, còn tư lệnh sẽ là đồng chí Cô-xten-cô; trong thời gian tiến hành chiến dịch, đồng chí đó phải lãnh đạo cả hoạt động chiến đấu của bộ đội tập đoàn quân 3 và 13. Từ giờ cho đến lúc bắt đầu cuộc tiến công, thời gian còn rất ít, đồng chí khẩn trương lên.

- Có tham mưu trưởng, nhưng lại chưa có cả bộ tham mưu! – tôi không kìm được.

- Sẽ lấy số người cần thiết ở bộ tham mưu của ta. Đồng chí sẽ nhận được cả những phương tiện thông tin liên lạc. Hết. Vào việc ngay đi!

Tôi tần ngần hồi lâu nhìn theo xe của tổng tư lệnh đang xa dần, vừa nghĩ đến công việc bất ngờ đổ lên đầu mình, cho đến khi nghe tiếng Bô-đin gọi:

- I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích! Lên xe nhanh lên, rồi về bộ tham mưu.

Tới Vô-rô-ne-giơ, chúng tôi bắt tay ngay vào việc thành lập bộ tham mưu lâm thời. Như bạn đọc đã rõ, bộ tham mưu Phương diện quân Tây – Nam, đồng thời cũng là cơ quan chỉ đạo tác chiến của tổng tư lệnh trên hướng Tây – Nam, do đó, chúng tôi không đủ người. Điều động sĩ quan cho nhóm tôi cũng không dễ dàng. Phải giành giật từng người. Chỉ có ở phòng tác chiến của mình, tôi mới chọn được những cán bộ chỉ huy cần thiết mà không gặp trở ngại. Đại tá I. N. Ru-khơ-lê, phó phòng mới của tôi – thay đại tá Da-khơ-va-ta-ép, đã rất khẩn trương và cố gắng giúp tôi nhanh chóng lựa chọn số người đó.

Mãi tới khuya, chúng tôi mới chọn xong số cán bộ sẽ cùng với tôi lãnh đạo cuộc tiến công của bộ đội cụm cơ động mới được thành lập, mà từ nay về sau, tất cả các văn kiện chính thức đều được gọi theo tên vị tư lệnh của mình, là cụm quân của tướng Cô-xten-cô.

Bộ tham mưu của tôi gồm một số sĩ quan phòng tác chiến, trong đó có đại tá I-a-cô-vlép, trung tá Xê-bô-lép, các thiếu tá Gri-gô-ri-ép, Ma-xi-úc và Tsê-rê-vi-tsen-cô. Tôi rất mừng vì lãnh đạo nhóm cán bộ của phòng trinh sát là đại tá Ca-min-xki, người bạn cũ. Tướng Đô-bư-kin, chủ nhiệm thông tin liên lạc phương diện quân, điều cho tôi ba sĩ quan của đồng chí. Với thành phần cơ quan tham mưu nhỏ bé đó mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, tôi phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tác chiến với số quân và thành phần chiến đấu hầu như không kém tập đoàn quân 13 bạn.

Đọc danh sách các cán bộ trợ lý, tôi để ý là trong đó không có một cán bộ hậu cần nào. Ai sẽ giúp tôi dù chỉ là tổ chức kiểm tra việc bảo đảm vật chất cho bộ đội? Tôi vội tới gặp Bô-đin. Đồng chí nói để tôi yên tâm là cục hậu cần của nguyên Phương diện quân Bri-an-xcơ đã được lệnh điều người cho tướng Ph. I.-a. Cô-xten-cô.

Sau khi mọi vấn đề về tổ chức đã được giải quyết, tôi đi vào việc quân trang của anh em. Thời tiết lúc này rất lạnh, ban đêm nhiệt độ xuống tới 30 độ âm. Chủ nhiệm hành chính – kinh tế của bộ tham mưu là một người hà tiện hiếm có như một số cán bộ quản trị hành chính. Dù tôi có đề nghị thế nào đi nữa, đồng chí cũng không bao giờ thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của chúng tôi về quần áo ấm, với lý do là chúng tôi sẽ nhận được toàn bộ quân trang màu đông ở Ca-xtoóc-nôi-e. Còn trung tá quân nhu V. N. Đu-tốp, người phụ trách tài vụ mới, là người dễ tính hơn. Lúc tôi tới, đồng chí đã ngủ. Tôi buộc phải đánh thức. Đồng chí vừa vươn vai, vừa càu nhàu:

- Quỷ sứ nào đây? – Nhưng nhận ra tôi, đồng chí chào hỏi lễ phép, chú ý nghe và trả lời ngay:

- Thưa thiếu tướng, chúng tôi sẽ lo ngay việc này!

Đồng chí gọi điện cho ai đó, và chưa đến mười phút sau, mọi yêu cầu của tôi đều được thỏa mãn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #216 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:27:21 am »

Ngay đêm hôm đó, chúng tôi đáp chuyến tàu phục vụ công nhân chạy trên đường Vô-rô-ne-giơ – Ca-xtoóc-nôi-e. Rạng sáng, chúng tôi đã tới nơi, đi tìm tướng Cô-xten-cô. Ở Ca-xtoóc-nôi-e, sở chỉ huy cụm cơ động của đồng chí đang được xây dựng. Tại đây, lúc này chỉ có Cô-xten-cô và hai sĩ quan đi cùng. Dễ thấy ngay là tư lệnh đang sốt ruột chờ bộ tham mưu của mình như thế nào, vì sáng mai đã bắt đầu cuộc tiến công rồi. Cô-xten-cô trách chúng tôi đến muộn. Tôi biết, ngó bộ đe dọa vậy và giọng nói có vẻ gay gắt, nhưng Cô-xten-cô là con người rất hiền lành. Làm việc với đồng chí thoải mái. Từ những ngày đầu chiến tranh, chúng tôi đã chân thành quý mến nhau. Và cả lần này, Cô-xten-cô cũng nguôi ngay.

Tham mưu trưởng tập đoàn quân 13 là đại tá Pê-tơ-ru-sép-xki được Bô-đin giao cho nhiệm vụ khởi thảo chiến dịch sắp tới, đã đến. Đồng chí giới thiệu tỉ mỉ với tôi tiến trình chuẩn bị cuộc tiến công.

- Thế nào thế nào? – tôi ngạc nhiên. Ngày mai, tập đoàn quân của đồng chí đã phải tiến công rồi.

- Nhưng có lẽ, không thể đột kích cùng một lúc được…

Tôi thích A. V. Pê-tơ-ru-sép-xki ở dáng dấp trí thức của đồng chí. Bộ quân phục đã cũ, nhưng trong điều kiện chiến đấu, đồng chí vẫn ăn mặc tươm tất, trông thật trang nhã. Pê-tơ-ru-sép-xki nói chuyện với thái độ bình tĩnh, nhã nhặn của người sĩ quan tham mưu lâu năm. Lời lẽ rõ ràng và ngắn gọn. Nhưng nội dung đồng chí vừa nói làm cho tôi không vui. Tôi hiểu, thực ra, việc lập kế hoạch chiến dịch chưa bắt đầu. Mới chỉ làm được một điều duy nhất: gửi mệnh lệnh chiên đấu về mở cuộc tiến công xuống các đơn vị. Nhưng tất cả những công việc mà bộ tham mưu cần phải làm khi chuẩn bị chiến dịch tiến công, như kế hoạch hiệp đồng, kế hoạch bảo đảm chiến đấu, bảo đảm vật chất, kỹ thuật, bảng tín hiệu vô tuyến, những bản đồ mã hóa thì đều chưa được xây dựng. Lý do là bộ tham mưu phương diện quân chỉ thị chuẩn bị chiến dịch quá muộn. Trong khi chờ tổng tư lệnh từ Rô-xtốp trở về, có lẽ, Bô-đin đã do dự trước khi hạ quyết tâm, và đồng chí hạ quyết tâm khi Nguyên soái đã về tới Vô-rô-ne-giơ.

Một vài trợ lý của tôi có ý nghĩ: nên chăng, tốt nhất hoãn cuộc tiến công lại vài ngày? Nhưng không thể được. Phải chú ý là sau khi chiếm được các thành phố Pa-vê-lét, Xcô-pin, Tséc-na-va, địch có thể tiến sâu vào sau lưng các tập đoàn quân cánh Bắc của ta. Địch vẫn tiếp tục tiến công cả ở hướng Ê-lê-txơ. Hôm qua, Ê-lê-txơ thất thủ, bọn phát-xít đang tiến mạnh tới Da-đôn-xcơ. Riêng ở hướng Ca-xtoóc-nôi-e, địch mới buộc phải chống trả những đợt phản kích quyết liệt của bộ đội ta. Các sư đoàn Đức vẫn tiếp tục tiến trên hướng Ê-lê-txơ, nên chính diện của chúng bị trải khá dài, có những đoạn được bảo vệ yếu. Điều đó cho phép chúng tôi mở mũi đột kích bất ngờ vào đây. Chính cụm cơ động của tướng Cô-xten-cô hiệp đồng với tập đoàn quân 13 cần phải đột kích càng nhanh càng tốt.

Pê-tơ-ru-sép-xki đưa cho tôi bảng kê thành phần quân số và vũ khí chiến đấu. Cụm cơ động có gần 20 nghìn người, 82 đại liên và 360 trung liên, 80 súng cối các cỡ, 126 pháo (kể cả pháo chống tăng). Hiện chưa có một chiếc xe tăng nào tới. Tập đoàn quân 13 mà chúng tôi có nhiệm vụ hiệp đồng chặt chẽ, có sáu sư đoàn bộ binh không đủ quân số, một sư đoàn kỵ binh và một lữ đoàn xe tăng không có chiếc xe tăng nào (toàn bộ gồm 19 nghìn người, 60 đại liên, 95 trung liên, 21 pháo và 5 súng cối).

So sánh lực lượng ta và địch (trong tiến trình chiến dịch, những số liệu được khẳng định là gần đúng hoàn toàn) thì kết quả không có gì đáng vui. Nếu như về sinh lực, chúng tôi nhiều hơn 8 nghìn người, thì về súng máy, địch lại hơn rất nhiều (địch có hơn hai nghìn, còn chúng tôi chưa đến một nghìn), đối phó với 470 pháo và súng cối của địch, chúng tôi chỉ có 245, địch có 40 – 50 xe tăng, trong khi chúng tôi không có một chiếc nào.

Theo lý thuyết của nghệ thuật quân sự thì với tương quan lực lượng như vậy sẽ không thể tiến công được. Nhưng mùa thu năm 1941, Hồng quân ngày càng bác bỏ những quy tắc cũ. Dẫn chứng là chiến dịch tiến công của chúng tôi vừa tiến hành ở gần Rô-xtốp.

Những tướng lĩnh của chúng ta thường hay nhắc lại câu châm ngôn thân thiết của Xu-vô-rốp: “Trong chiến tranh hãy làm những gì mà đối phương cho là không thể làm được”.

Đọc nội dung bản mệnh lệnh chiến đấu tiến công gửi cho bộ đội cụm cơ động, tôi hết sức ngạc nhiên thấy nó khác xa với chỉ lệnh chiến đấu của bộ tham mưu phương diện quân. Bô-đin ra lệnh cho cụm cơ động của chúng tôi giáng đòn đột kích chủ yếu vào Líp-nư, còn tướng Cô-xten-cô lại hướng chệch sang bên phải khá nhiều, về phía Ê-lê-txơ.

- Cô-xten-cô cho rằng làm như thế tốt hơn, Pê-tơ-ru-sép-xki giải thích ngắn gọn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #217 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:27:42 am »

Tôi đọc lại một lần nữa chỉ lệnh chiến đấu của bộ tham mưu phương diện quân. Nhiệm vụ được xác định rõ ràng:

Tập đoàn quân 3 phải giữ tuyến phòng ngự đã chiếm lĩnh và hành động tích cực trên hướng đi Ê-phrê-mốp, Ác-khan-ghen-xcôi-e để kìm chân bọn phát-xít ở khu vực này (hành động tích cực có nghĩa là tiến công);

Tập đoàn quân 13 phải dùng một phần lực lượng tiến công ở phía Bắc Ê-lê-txơ để đón cụm quân cơ động, không cho địch chiếm thành phố Ê-lê-txơ;

Cụm quân cơ động phải tiến công từ khu vực cách Ê-lê-txơ 60 ki-lô-mét về phía Tây – Nam, trên hướng chung đi Tây – Bắc, tới thành phố Líp-nư, đột kích vào sườn về phía sau để diệt tan cánh quân Ê-lê-txơ của địch(Bô-đin cố gắng mô tả chi tiết hoạt động của từng binh đoàn thuộc cụm quân cơ động).

Tập đoàn quân 40 ở phía Nam cụm quân cơ động phải hành động tích cực không cho địch tiến vào sườn và sau lưng bộ đội đang tiến công.

Trong văn kiện mọi việc đều được quy định rất tỉ mỉ. Đó cũng là phong cách của tướng Bô-đin: đồng chí thích tự cân nhắc mọi chi tiết các chiến dịch đã định và, trên thực tế, tự quyết định lấy tất cả mọi việc thay cho người chấp hành. Hồi bấy giờ, đó là một căn bệnh khá phổ biến. Tôi không hề thích phong cách lãnh đạo như vậy – nó làm cho cấp dưới không tin vào sức mình, kìm hãm sự phát huy khả năng sáng tạo, làm cho họ trông đợi vào chỉ thị của cấp trên.

Cô-xten-cô cũng có thể chép lại văn kiện nhận được của bộ tham mưu phương diện quân, rồi phân phát tới các đơn vị để nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng đồng chí đã hành động khác.

Tướng Bô-đin muốn đưa lực lượng chủ yếu của cụm quân cơ động tới các đường giao thông của cánh quân E-lê-txơ nằm sâu sau lưng địch, tới khu vực Li-vơ-nư, vì cho rằng bọn phát-xít thấy nguy cơ bị uy hiếp sẽ tự bỏ chạy sang phía Tây và rơi vào đòn đột kích của các binh đoàn ta. Nhưng Cô-xten-cô không hy vọng địch tự tháo chạy nên quyết tâm giáng đòn đột kích chủ yếu trực tiếp vào các sườn và sau lưng cánh quân địch đang tiến công.

Có thể dễ dàng hiểu được nguyên nhân bất đồng ý kiến của của hai vị tướng lĩnh dày dạn kinh nghiêm. Khi Bô-đin chọn hướng đột kích, thì cánh quân địch tiến công còn đang ở cửa ngõ Ê-lê-txơ, nên lực lượng chủ yếu của chúng không tránh khỏi đòn đột kích của bộ đội ta. Nhưng khi chỉ lệnh chiến đấu về tới tướng Cô-xten-cô, thì tình hình đã thay đổi: địch đã chiếm được Ê-lê-txơ và thọc sâu sang phía Đông và Đông – Nam Trong tình huống như vậy, hướng đột kích chủ yếu do bộ tham mưu phương diện quân chỉ ra có thể làm cho lực lượng chủ yếu của cụm cơ động đi chệch hướng cánh quân địch rất xa, nên sẽ khó tiêu diệt chúng.

Nắm được thực chất của sự bất đồng đó, tôi không do dự ủng hộ tướng Cô-xten-cô. Nhưng lúc đó, chúng tôi nhận được mệnh lệnh tiến công có chữ ký của tổng tư lệnh. Đồng chí cho biết chỉ lệnh ban đầu do tham mưu trưởng phương diện quân ký vẫn còn hiệu lực.

Tướng Cô-xten-cô với tính kiên trì vốn có đã bảo vệ quyết tâm của mình. Bô-đin cố gắng thuyết phục đồng chí, nói rằng tư lệnh cụm phạm sai lầm khi thay đổi hướng tiến công của lực lượng chủ yếu của mình.

- Thế thì địch sẽ thoạt khỏi tay đồng chí, quả là đồng chí đẩy địch ra khỏi vòng vây.

Nhưng tướng Cô-xten-cô vẫn giữ ý kiến của mình, đề nghị báo cáo lên Ti-mô-sen-cô. Mãi tới khuya, chúng tôi mới nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Tổng tư lệnh không phản đối”. Vậy là, chúng tôi đã bảo vệ được ý kiến của mình, nhưng làm thế nào để thực hiện đây? Trong chiến tranh, quyết tâm lý tưởng nhất vẫn chính là quyết tâm dẫn đến thắng lợi.

Buổi sáng ngày 6 tháng Mười hai. Những tia nắng đầu tiên của vầng trời đông lạnh đến chỉ có thể chiếu xuống cánh đồng phủ trắng tuyết những vệt sáng màu hồng, chứ không thể sưởi ấm anh em chiến sĩ cóng lạnh đang hành quân tới khu vực công kích địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #218 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:28:01 am »

Chiểu theo mệnh lệnh của tổng tư lệnh thì cuộc tiến công đã phải bắt đầu. Nhưng nỗi lo ngại của tướng Cô-xten-cô là có căn cứ: các sư đoàn chỉ mới bắt đầu chiếm lĩnh được tuyến xuất phát, trong lúc các cơ quan tham mưu vẫn còn trên đường đi.

Trung tá B. I. Cô-sê-ép, tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh cận vệ 1, phái sĩ quan liên lạc tới, cho biết các trung đoàn đã tới các điểm dân cư Téc-bu-nư, Bô-rơ-ki, Ma-lưi-e Bô-rơ-ki, A-lếch-xan-đrốp-ca. Các chi đội tiến sâu và các phân đội trinh sát định tiến lên phía Bắc đã bị hỏa lực mạnh của địch chặn lại. Trước khi các chiến sĩ cận vệ tới đây, khu vực này không có các đơn vị của chúng ta, nên chúng tôi không có tin tức về các đơn vị phát-xít đang cố thủ ở đó. Không nắm được những tin tức này mà cứ bắt đầu công kích thì quá ư mạo hiểm. Rồi người đứng ra tổ chức công kích cũng không rõ: chỉ có tham mưu trưởng sư đoàn cũng đến với các đơn vị tiền tiêu, còn tướng Ru-xi-a-nốp thì vẫn còn ở dọc đường, kéo các đơn vị và bộ phận hậu cần tụt lại phía sau.

Quân đoàn kỵ binh với các đơn vị tiền tiêu của nó đã chiếm lĩnh các làng A-lếch-xan-đrốp-ca, Ca-đa-cô-vô, Bốc-đa-nô-vô, Ni-giơ-nhe, Bôn-sôi-e Va-xi-li-ép-ca, cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ở đây, ý định tiếp tục tiến lên phía Bắc cũng không thu được kết quả.

Sau khi nghe tô báo cáo tình hình thực tế của các binh đoàn và binh đội cụm cơ động, tướng Cô-xten-cô cho rằng chúng tôi không thể bắt đầu tiến công trước sáng hôm sau. Buổi trưa, Cô-xten-cô liên lạc với tư lệnh tập đoàn quân 13. Cụm xung kích của tập đoàn quân này, do tướng C. X. Mô-xca-len-cô chỉ huy, đã chuyển sang tiến công. Tướng A. M. Gô-rốt-ni-an-xki trách cụm cơ động của chúng tôi, hôm nay không yểm hộ cho đợt công kích của các đơn vị thiếu quân số của đồng chi, và các chiến sĩ đã phải chiến đấu đơn độc. Cô-xten-cô hứa đến sáng sẽ sửa chữa. Đồng chí không che giấu nỗi lo của mình là mọi việc không đạt được như vậy. Nhưng sau này mới hay rằng việc trì hoãn cuộc tiến công đã tiếp sức cho chúng tôi.

Tưởng rằng cuộc công kích của cụm xung kích thuộc tập đoàn quân 13 là cuộc tiến công của những lực lượng chủ yếu của chúng tôi, bộ chỉ huy phát-xít vội kéo toàn bộ lực lượng dự bị của chúng tới khu vực Ê-lê-txơ, làm yếu hẳn tuyến những đơn vị đang đối phó với cụm quân cơ động của tướng Cô-xten-cô. Vậy là trường hợp ngẫu nhiên đã giúp chúng tôi giải quyết nhiệm vụ khó khăn được dễ dàng.

Hai giờ sau, tôi xin liên lạc với tướng Bô-đin, báo cáo tỉ mỉ hướng hành động và tình hình cụm quân cơ động của chúng tôi. Tôi báo cáo cả quân đoàn kỵ binh 5 của Cri-u-tsen-kin lẫn sư đoàn bộ binh cận vệ 1 của Ru-xi-a-nốp đều chưa kịp tập kết đầy đủ ở khu vực xuất phát và không thể bắt đầu tiến công vào sáng hôm sau. Tôi cũng tỏ ý rất lo ngại về việc bảo đảm hậu cần. Hiện chúng tôi hoàn toàn chưa hình dung được sẽ tổ chức đưa thương binh về phía sau ra sao, cung cấp vật chất – kỹ thuật cho bộ đội tiến công như thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ những công việc đó.

Tôi lưu ý Bô-đin một lần nữa rằng chúng tôi chỉ có vẻn vẹn một đài vô tuyến điện và chưa nhận được phương tiện thông tin liên lạc của bộ tham mưu nguyên Phương diện quân Bri-an-xcơ và cũng chưa biết có nhận được không. Do đó, cần yêu cầu tướng Dô-bư-kin giải quyết ngay cho chúng tôi một đài vô tuyến điện. Cuối cùng, tôi đề nghị gửi gấp cho chúng tôi một số bản đồ địa hình cần thiết, vài chiếc ô-tô và một bếp nấu dã chiến. Tham mưu trưởng hứa sẽ gọi ngay đại tá Đ. T. Ga-vri-lốp, trưởng phòng tổ chức – kế hoạch hậu cần của phương diện quân tới và giao cho đồng chí đó sẽ đích thân trả lời tôi tất cả những vấn đề liên quan đến việc bảo đảm hậu cần mà tôi quan tâm. Đồng chí hứa sẽ gửi những bản đồ địa hình trước sáng ngày 7 tháng Mười hai.

Bô-đin im lặng trước vấn đề cung cấp phương tiện thông tin liên lạc. Tôi nhắc lại là chúng tôi lo không chỉ đạo tác chiến được trong quá trình tiến công, vì hiện nay, chúng tôi chỉ có liên lạc bằng điện thoại, và mỗi khi chúng tôi chuyển quân, đường dây dễ bị đứt ngay. Nói chung, chúng tôi không có phương tiện thông tin dã chiến này, chủ yếu là không có đài vô tuyến điện. Tôi khẩn thiết đề nghị tham mưu trưởng buộc tướng Đô-bư-kin trang bị cho chúng tôi càng sớm càng tốt tổng trạm thông tin cơ động ở ga Téc-bu-nư.

Trước những lý lẽ của tôi, Bô-đin trả lời: “Được. Tôi sẽ áp dụng ngay mọi biện pháp”.

Kết quả đầu tiên của buổi nói chuyện là đại tá Ga-vri-lốp, người chịu trách nhiệm bảo đảm hậu cần cho cụm quân của chúng tôi, mời tôi tới dây nói. Đồng chí cho tôi biết toàn bộ việc cung cấp vật chất – kỹ thuật cho cụm quân của Cô-xten-cô từ sáng ngày 6 tháng Mười hai được giao cho chủ nhiệm hậu cần tập đoàn quân 13. Đồng chí ấy phải triển khai trạm cung cấp ở ga Téc-bu-nư; mọi phương tiện vật chất theo yêu cầu của cơ quan tham mưu cụm cơ động sẽ được gửi tới đây. Qua nói chuyện với Ga-vri-lốp, tôi được biết là các đơn vị thuộc cụm quân của chúng tôi phải dự trữ ít nhất hai cơ số đạn cho xe tăng, ba cơ số đạn cho các đơn vị bộ binh và cơ giới, ít nhất ba cơ số xăng cho tất cả các loại xe và khẩu phần lương thực trong năm ngày đêm cùng thực ăn cho ngựa. Tóm lại, việc cung cấp cho bộ đội của cụm chúng tôi mới chỉ ổn định bước đầu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #219 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 10:28:19 am »

Biết các cán bộ của cục hậu cần nguyên Phương diện quân Bri-an-xơ vẫn chưa tới, Ga-vri-lốp hứa sẽ áp dụng mọi biện pháp.

Khi tôi báo cáo với tướng Cô-xten-cô về kết quả cuộc nói chuyện với đại diện cục hậu cần của phương diện quân, đồng chí nhiếc móc rất khéo léo kiểu kỵ binh.

Hơn ba giờ chiều, tổng tư lệnh gọi chúng tôi tới đường dây trực tiếp. Trên đường đi tới phòng nói chuyện, Cô-xten-cô nói khẽ:

- Chắc là tổng tư lệnh sẽ cho ta một trận đây! Nguyên soái không tha tội cho chúng ta đã thay đổi quyết tâm của đồng chí.

Song, thật vui đối với chúng tôi, điều lo ngại của Cô-xten-cô không thành sự thật. Ngay từ những câu đầu, cuộc nói chuyện đã mang sắc thái rất hòa nhã và thiết thực.

- Công việc các đồng chí cần phải bắt đầu đã sẵn sàng chưa? – Ti-mô-sen-cô quan tâm hỏi. – Hai là, chúng tôi không hoàn toàn đồng ý việc các đồng chí dịch sang bên phải, vì phải duy trì hướng Tây – Bắc dù chỉ trong ngày tiến công thứ nhất và thứ hai, và sườn phải không được vượt qua sông Ô-lưm…

- Có lẽ đã tai qua nạn khỏi, - Cô-xten-cô thì thầm với tôi.

Vuốt phẳng tấm bản đồ trải trước mặt, thoạt tiên Cô-xten-cô đọc cho nhân viên điện báo những tin tức về tình hình các đơn vị của quân đoàn kỵ binh và sư đoàn bộ binh cận vệ, rồi sau đó mới bắt đầu lý giải những ý kiến khác với quyết tâm của tổng tư lệnh. Đồng chí nói:

- Do cánh quân chủ yếu của địch đóng ở khu vực Ê-lê-txơ và phía Nam Ê-lê-txơ có ý định tiếp tục tiến sang phía Đông – Nam, tôi đề nghị cho phép dùng lực lượng của sư đoàn cận vệ 1 tiến công dọc bờ sông Ô-lưm, còn quân đoàn kỵ binh của Cri-u-tsen-kin sẽ cơ động theo bờ Tây con sông có nhiệm vụ tiến ra khu vực Ni-kít-xcôi-e, cắt đường giao thông của địch đi về phía Tây và Tây – Nam Ê-lê-txơ… Tất cả các đơn vị đều được hướng vào nhiệm vụ này. Tôi đề nghị phê chuẩn. – Suy nghĩ một lát, Cô-xten-cô nói thêm: - Tôi xin lưu ý rằng mục đích trước mắt cụm quân của tôi là hiệp đồng với tập đoàn quân 13 diệt tan cánh quân Ê-lê-txơ của địch…

Khi nhân viên điện báo tiếp nhận điện trả lời của Nguyên soái, Cô-xten-cô sốt ruột giật ngay băng điện không chờ dán. Liếc nhanh nội dung, đồng chí thở dài nhẹ nhõm và chuyển băng điện cho tôi. Tổng tư lệnh trả lời:

“Được. Chỉ lệnh thực hiện nhiệm vụ trước mắt cho các đồng chí còn có hiệu lực. Nhưng tôi báo trước rằng khi mới tiếp xúc với địch, hoàn toàn không được triển khai các đơn vị sang bên phải và đột kích vỗ mặt thay thế cho đột kích ở bên sườn. Tôi yêu cầu sư đoàn bộ binh cân vệ 1 phải tiến quân táo bạo tới tuyến Rốc, Pi-át-nít-xcôi-e, còn kỵ binh phải kiên quyết tiến lên phía Bắc, có đội bảo vệ sườn mạnh ở hướng đi Li-vơ-nư. Không được dừng lại ở những điểm tựa của địch, mà sẽ đi vòng qua chúng”

- Rõ. Xin chấp hành.

Đồng chí mừng vì tổng tư lệnh không bắt xem lại quyết tâm, đến nỗi quên không phàn nàn về việc chúng tôi thiếu phương tiện kỹ thuật.

Chưa nói chuyện xong với tổng tư lệnh thì tướng I. N. Ru-xi-a-nốp mặt đỏ ửng vì lạnh và chính ủy lữ đoàn X. Ph. Ga-lát-giép bước tới cơ quan tham mưu. Chào hỏi xong, Ga-lát-giép gặp ngay Cô-xten-cô, còn tôi thì giữ Ru-xi-a-nốp lại vì từ tháng Mười tới nay chưa có dịp gặp nhau.

Nhìn dáng Ru-xi-a-nốp đã được nghỉ ngơi tốt, khỏe khoắn và sảng khoái. Cặp mắt xanh long lanh dường như muốn hỏi: “Thế nào, cần phải nện bọn nào nữa đây?”. Sư đoàn cận vệ của đồng chí đã nhiều lần đánh bọn phát-xít tơi bời và cũng không phải một lần vượt qua những cảnh ngộ khó khăn một cách xuất sắc, nên người chỉ huy hoàn toàn tin tưởng: sư đoàn sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào. Vả cả lần này, đồng chí cũng nói ngay với tôi ý định ngày mai sẽ đánh tan địch như thế nào. Ru-xi-a-nốp không hề than phiền rằng không có đủ thời gian chuẩn bị tiến công, hoặc mọi người đã mệt nhoài khi hành quân, hoặc các phân đội hậu cần chưa kịp chở đủ đạn tới, nhưng đồng chí kiên quyết yêu cầu một điều là tăng cường cho đồng chí phương tiện sơ tán thương binh về phía sau. Tôi trả lời là chúng tôi không có gì hết. Nhưng đồng chí vẫn kiên trì nhắc lại:

- Phải tìm, phải tìm được, I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích ạ. – Rồi đồng chí nói tiếp: - Khi tiến về phía trước, tôi cần được yên tâm là không một chiến sĩ nào của mình bị thương mà không được cứu chữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM