Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:28:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79658 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #150 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:40:43 pm »

Tôi thở dài nhẹ nhõm. Đã le lói tia hy vọng không phải là tất cả đã mất hết.

Sau khi ra chỉ thị về trình tự rút quân và tổ chức chỉ huy bộ đội trong điều kiện phá vây, tổng tư lệnh nói để chia tay:

- Phải thật khẩn trương lên, đồng chí Ba-gra-mi-an ạ. Đừng để Kiếc-pô-nô-xơ chậm trễ! Tướng Pha-la-lê-ép sẽ bảo đảm cho đồng chí đáp máy bay từ Pôn-ta-va tới khu vực Pi-ri-a-tin.

Không để mất thời gian, tôi tới ngay chỗ tư lệnh không quân của hướng. Ph. I-a. Pha-la-lê-ép cho biết, đồng chí đã dành cho tôi một máy bay ném bom có tốc độ cao với một tổ lái dày kinh nghiệm.

Mọi việc hình như đều trôi chảy. Nhưng có một điều làm tôi lo lắng: Hội đồng quân sự hướng Tây – Nam giao cho tôi quyền hành quan trọng như thế, mà không có văn bản. Thật ra còn phải tính đến chuyện máy bay có thể bị bắn rơi, và không nên để một tài liệu như thế lọt vào tay địch.

Do thời tiết xấu, nên hôm sau, chúng tôi mới có thể bay được. Anh em bố trí tôi ngồi ở trong tháp trong suốt của xạ thủ kiêm nhân viên điện đài. Ngồi đây có thể phóng tầm nhìn rộng ra xung quanh. Hai máy bay tiêm kích hộ tống chúng tôi. Vượt qua tuyến mặt trận thì chúng quay lại. Lúc ấy, chân trời bỗng xuất hiện những chấm đen. Chiến sĩ lái không rẽ ngoặt và cứ với tốc độ cao nhất điều khiển máy bay về phía Tây. Chúng tôi gặp may, thoát khỏi đội máy bay tiêm kích địch. Đã đến sân bay Grê-bi-ôn-ca là địa điểm hạ cánh quy định. Chúng tôi được tiếp đón không lấy gì làm niềm nở. Cao xạ bắn lên. Hỏa lực chỉ ngừng sau khi chúng tôi bắn một loạt pháo hiệu chứng tỏ “tôi là người mình”. Tổ lái hạ cánh an toàn. Chúng tôi bước ra khỏi buồng lái. Một người vội vã chạy về phía chúng tôi:

- Các anh làm gì vậy! – đồng chí kêu lên từ xa.

Chạy đến nơi, viên đại úy với phù hiệu màu xanh da trời cố nén thở.

- Các anh làm gì vậy?! Sân bay đã gài mìn rồi!

Chúng tôi chỉ có thể vui mừng vì việc gài mìn chưa tốt.

Đại úy là phi công Ác-tê-mi-ép, đại diện của bộ tư lệnh không quân phương diện quân tại sân bay Grê-bi-ôn-ca. Tôi đề nghị đồng chí cho xe đưa tới bộ tham mưu phương diện quân. Cán bộ và chiến sĩ vây quanh chúng tôi. Những khuôn mặt trẻ trung, dầu dãi gió sương lộ vẻ ngạc nhiên cao độ: một vị tướng từ đâu lại đến sân bay họ để làm gì? (Đây là một trong vô số những cuộc gặp gỡ ngoài mặt trận, và tất nhiên, tôi không nhớ tên một đồng chí nào trong số những người nói chuyện với tôi ở sân bay. Nhưng sau khi xuất bản cuốn sách “Thành phố chiến đấu trên sông Đni-ép-rơ” của tôi, thì trong số bạn đọc viết thư cho tôi, có một người được thưởng nhiều huân chương chiến đấu là thượng úy dự bị A. Ph. Mai-cốp. Trong thư, đồng chí có nhắc tới cuộc gặp gỡ đó).

Anh em xôn xao hỏi tôi:

- Thưa đồng chí thiếu tướng, có đúng là chúng ta đã bị bao vây không?

- Chúng ta làm gì bây giờ: rút lui hay chiến đấu?

Tôi cảm thấy anh em bị dằn vặt vì không rõ tình hình chứ không phải vì khiếp sợ. Mọi người vẫn bình tĩnh, sôi nổi trêu chọc nhau, nói đùa câu đạt, câu không, tóm lại, họ vẫn xử sự như một lớp trẻ lúc tập hợp đông người.

Tôi cố gắng trả lời ngắn gọn, giải thích rằng bộ tư lệnh tối cao ta biết rõ tình hình của phương diện quân và đang tập trung mọi biện pháp để chi viện cho chúng ta.

Lát sau, ô-tô tới. Tôi thân mật chia tay anh em.

Vất vả lắm, tôi mới tìm được bộ tham mưu phương diện quân đóng ở làng Véc-khô-i-a-rốp-ca, phía Bắc Pi-ri-a-rốp-tin. Tướng Tu-pi-cốp ôm chặt tôi:

- A! Thế là đứa con đi hoang của chúng ta đã về!

Nhìn khuôn mặt hốc hác, đôi mắt sâu hoắm, nhưng vẫn sinh động như xưa của đồng chí, tôi nghĩ rằng được kết bạn với con người thông minh và đôn hậu đó thật là hạnh phúc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #151 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:41:38 pm »

Tu-pi-cốp cho biết tai họa của đồng chí. Khi Đại bản doanh cấm rút quân, đồng chí quyết định gửi một báo cáo tỉ mỉ về tình hình của phương diện quân, trong đó có kết luận rằng không thể tiếp tục giữ nổi Ki-ép. Kiếc-pô-nô-xơ từ chối không ký bức điện đó. Nó được gửi về Mát-xcơ-va, nhưng chỉ có chữ ký của tham mưu trưởng phương diện quân. Hôm sau, có điện trả lời của Bộ tổng tham mưu. Tu-pi-cốp bị buộc là hoang mang, đánh giá các sự kiện không khách quan. Đồng chí vẫn còn buồn phiền nhiều về việc này. Khi tôi trình bày với đồng chí mệnh lệnh mới của tổng tư lệnh, Tu-pi-cốp tươi tỉnh hẳn lên:

- Như thế nghĩa là tôi đúng! – Và đồng chí giục: - Đến gặp tư lệnh ngay! Phải nhanh lên mới được. Nếu chúng ta lề mề thì vòng vây sẽ khép chặt, khó mà phá nổi.

Bộ tư lệnh phương diện quân đóng ở trong cánh rừng cách bộ tham mưu vài ki-lô-mét. Chúng tôi đi ô-tô tới đó. Dọc đường, Tu-pi-cốp kể cho tôi nghe tại sao không thể chuyển sở chỉ huy phương diện quân đến Ki-ép. Những binh đoàn địch lọt vào chỗ tiếp giáp giữa tập đoàn quân 5 và tập đoàn quân 37 ở đoạn Cô-bư-giơ-tsơ, đã cắt mất đường. Những phân đội tiền tiêu của trung đoàn thông tin liên lạc đã hy sinh, chúng tôi buộc phải chuyển sở chỉ huy tới đây, tới Pi-ri-a-tin.

Chúng tôi đi rất lâu. Dọc đường đầy ô-tô, đoàn xe vận tải, các đơn vị và cơ quan hậu cần.

Ở chỗ Kiếc-pô-nô-xơ, chúng tôi gặp Buốc-mi-sten-cô và Rư-cốp. Tôi báo cáo về mệnh lệnh của tổng tư lệnh hướng. Kiếc-pô-nô-xơ trầm ngâm suy nghĩ khá lâu.

- Đồng chí Kiếc-pô-nô-xơ, - Tu-pi-cốp không trầm tĩnh được nữa, - mệnh lệnh này rất phù hợp với tình hình, không việc gì phải do dự nữa. Đồng chí cho phép chuẩn bị chỉ lệnh gửi các đơn vị?

- Đồng chí có mang theo mệnh lệnh bằng văn bản về việc rút quân đấy chữ? – tư lệnh không trả lời, quay sang hỏi tôi.

- Không, Nguyên soái lệnh truyền đạt miệng.

Kiếc-pô-nô-xơ cau đôi mày rậm, đi đi lại lại trong phòng rồi nói:

- Tôi không thể làm gì khi chưa nhận được văn bản. Vấn đề rất quan trọng – Rồi đồng chí đập tay xuống bản: - Hết! Chúng ta dừng ở đây.

Yên lặng. Tu-pi-cốp! Đồng chí muốn nói điều gì đó, nhưng Kiếc-pô-nô-xơ ngắt lời đồng chí:

- Đồng chí Tu-pi-cốp! Đồng chí hãy chuẩn bị bức điện báo gửi Đại bản doanh. Đồng chí báo cáo về mệnh lệnh của tổng tư lệnh hướng và hỏi xem chúng ta phải làm gì.

Tối 17 tháng Chín, bức điện báo với nội dung sau đây được gửi về Mát-xcơ-va:

“Tổng tư lệnh Ti-mô-xen-cô thông qua phó tham mưu phương diện quân đã truyền đạt chỉ thị miệng: nhiệm vụ chủ yếu là rút các tập đoàn quân thuộc phương diện quân về sông Pxi-ôn, đồng thời đánh bại những cụm quân cơ động của địch ở các hướng Rôm-nư, Lúp-nư. Chỉ để lại một lực lượng tối thiểu để yểm hộ Đni-ép-rơ và Ki-ép.

Chỉ thị bằng văn bản của tổng tư lệnh hoàn toàn không có lệnh rút quân về sông Pxi-ôn và chỉ cho phép lấy của khu vực cố thủ Ki-ép một phần lực lượng. thật là mâu thuẫn. Chúng tôi phải làm gì? Tôi cho rằng việc rút bộ đội phương diện quân về sông Pxi-ôn là đúng. Đồng thời cần bỏ toàn bộ khu vực cố thủ Ki-ép, thành phố Ki-ép và sông Đni-ép-rơ. Đề nghị các đồng chí cho chỉ thị ngay”.

Vất vả truyền xong bức điện báo đó, tôi cùng tướng Tu-pi-cốp trầm ngâm suy nghĩ trước tấm bản đồ với những số liệu cuối cùng về tình hình. Đối với tôi, một cán bộ tác chiến, đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm, tấm bản đồ nói lên nhiều điều. Các đơn vị chúng ta chiến đấu bên trong một hình bầu dục kéo dài từ Bắc xuống Nam. Không có tuyến mặt trận liên tục. Chỗ nào cũng thấy những lỗ trống, như những vết thương trên cơ thể con người, chứng minh là ở những khu vực đó, ta không có lực lượng nào để cản địch. Còn ở những nơi vẫn còn tuyến đỏ của quân ta thì sao? Những bản báo cáo chiến đấu cuối cùng cho biết: ở đó đang diễn ra những trận chiến đấu một mất một còn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #152 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:42:02 pm »

- Tôi không thể hiểu tại sao Đại bản doanh cứ khăng khăng như vậy, - Tu-pi-cốp thốt lên. – Song… - Đồng chí dừng bút chỉ lên bản đồ. – Thậm chí đến chúng ta cũng khó phán đoán những gì đang xảy ra ở nơi này, nơi khác. Qua bản đồ, ở dấy là cả một tập đoàn quân với đầy đủ các quân đoàn, sư đoàn – lực lượng thì nhiều! Trên thực tế, một số sư đoàn chỉ còn có phiên hiệu… Nhưng chung ta vẫn coi chúng là những sư đoàn và giao cho chúng những nhiệm vụ nhất định. Còn trước mắt Tổng tham mưu trưởng lại là tấm bản đồ mặt trận lớn hai nghìn ki-lô-mét, với những ký hiệu không chỉ có hàng chục sư đoàn, như ở chỗ chúng ta, mà là hàng trăm sư đoàn. Ở Mát-xcơ-va, việc xác định lực lượng thực sự ở các khu vực còn khó hơn nhiều. Có thể, Mát-xcơ-va biết hết, nhưng vì những lý do quan trọng nào đó mà Mát-xcơ-va yêu cầu phương diện quân chúng tôi thực hiện đều không thể thực hiện được…

Đúng, có những nguyên nhân rất quan trọng như vậy. Khi ấy, chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán chứ không hình dung được tất cả tầm vóc của chúng. Nguyên nhân của những quyết định này là tình hình quân sự - chính trị chung của nước ta lúc đó. Chúng ta vẫn phải đơn phương đánh trả quân xâm lược. Lúc này, bọn Hít-le đã phong tỏa Lê-nin-grát. Chúng đã đến gần Mát-xcơ-va. Mà bộ tư lệnh tối cao của ta không còn lực lượng dự bị chiến dịch lớn sẵn sàng bước vào chiến đấu. Chúng ta phải giữ một bộ phận đáng kể bộ đội ở Cáp-ca-dơ – Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động rất đáng ngờ, - ở Viễn Đông, nơi mà bọn quân phiệt Nhật chỉ chờ bật tín hiệu là chúng nhảy vào. Trong tình hình đó, Phương diện quân Tây – Nam phòng ngự kiên cường ở tuyến sông Đni-ép-rơ đã làm dịu được phần nào hình thái trên những hướng chiến lược khác của mặt trận Xô – Đức, nhất là ở hướng Mát-xcơ-va, thu hút được những lực lượng lớn của đich, trong đó có cả hai tập đoàn xe tăng Đức. Giam chân được hai tập đoàn xe tăng này ở hướng Tây – Nam trong một thời gian càng dài càng tốt là điều rất quan trọng.

Bầu không khí chính trị quốc tế phức tạp cũng có ảnh hưởng. Khối đồng minh các cường quốc chống phát-xít mới chỉ thành lập bước đầu. Có nước mới gần đây còn đẩy Hít-le chống Liên Xô, thì nay phải chiến đấu chống nước Đức phát-xít và ngày một tin tưởng rằng chỉ có Liên Xô mới là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc đấu tranh này. Nhưng lúc này, toàn bộ sức mạnh của bộ máy quân sự phát-xít được huy động để chống Liên Xô. Liệu Liên Xô có đứng vững trước đòn đột kích khủng khiếp này không? Ở Mỹ, người ta còn đang tranh luận xem có nên giúp vũ khí cho nước Nga xô-viết không. Có những giới nhất định khẳng định rằng gửi vũ khí và phương tiện kỹ thuật sẽ không có ý nghĩa gì: đến mùa Đông, nước Nga sẽ sụp đổ và chiến tranh sẽ chấm dứt, nước Đức phát-xít sẽ chiến thắng.

Muốn tin chắc rằng vũ khí gửi cho Liên Xô sẽ không rơi vào tay bọn phát-xít, tháng Tám năm 1941, Ru-dơ-ven phái cố vấn thân cận nhất của ông là H. Hốp-kin tới thăm dò. Đại diện của tổng thống nghiên cứu tỉ mỉ tình hình trong nước và trên mặt trận Xô – Đức. Trước khi về Mỹ, trong buổi nói chuyện chia tay với I. V. Xta-lin, Hốp-kin đặt vấn đề dứt khoát: đến mùa đông năm 1941-1942, tuyến mặt trận sẽ tới đâu? Hốp-kin phải mang câu trả lời ấy về cho Ru-dơ-ven.

Xta-lin trả lời: đến cuối năm 1941, tuyến mặt trận sẽ dời về phía Tây Lê-nin-grát, Mát-xcơ-va và Ki-ép.

Hốp-kin đã mang câu trả lời đó về Mỹ.

Bắt đầu từ nửa cuối tháng Tám, bộ tư lệnh xô-viết áp dụng mọi biện pháp để chi viện cho những chiến sĩ bảo vệ Ki-ép. Biện pháp chính là thành lập một phương diện quân mới, Phương diện quân Bri-an-xcơ, với nhiệm vụ: phải đánh bại những đơn vị của Gu-đê-ri-an, không cho chúng vòng xuống phía Nam, tiến vào sau lưng Phương diện quân Tây – Nam. Đại bản doanh không tiếc lực lượng dự bị cho việc này. Phương diện quân chúng tôi cũng được bổ sung phần nào.

Nhưng Hốp-kin lên đường về nước chưa được hai tuần – có lẽ chưa về đến Oa-sinh-tơn- thì bỗng nhiên, bộ tư lệnh Phương diện quân Tây – Nam lại đề nghị Đại bản doanh cho phép rút quân khỏi tuyến Đni-ép-rơ.

Dễ dàng hình dung được là tin Ki-ép thất thủ sẽ gây tiếng vang lớn như thế nào ở Mỹ, thậm chí trên toàn thế giới, và sự kiện đó sẽ làm cho Ru-dơ-ven bị yếu thế trong cuộc tranh cãi với những người phản đối giúp đỡ Liên Xô về chính trị và vật chất.

Hội đồng quốc phòng Nhà nước hiểu rõ, khối đồng minh chống Hít-le cần những nước châu Âu với sự tham gia của Mỹ sẽ được thành lập, phụ thuộc nhiều vào hoạt động có kết quả của Hồng quân trong thời kỳ chiến tranh này.

Chính vị vậy, Đại bản doanh yêu cầu giữ vững Ki-ép bằng bất kỳ giá nào. Hơn nữa, Đại bản doanh lại cho rằng chúng tôi có đủ lực lượng, và với những lực lượng đó, dù có bị vây cũng không đáng sợ: có thể chọc thủng vòng vây của địch được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #153 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:42:25 pm »

Chính trong những ngày ấy, Ủy ban trung ương Đảng cộng sản và Chính phủ U-cra-i-na ra hiệu triệu nêu rõ toàn bộ sự thật về những thử thách nặng nề đặt ra trước nhân dân U-cra-i-na và khẩn thiết kêu gọi chiến đấu không khoan nhượng chống bọn phát-xít xâm lược:

“Bọn phát-xít xảo quyệt tiến công vào đất nước ta, tạm thời chiếm được một vài vùng thuộc U-cra-i-a yêu dấu của chúng ta. Mảnh đất đó đang rên siết dưới gót giầy của bọn phát-xít hung ác. Bọn dã thú Hít-le định ăn mừng trong cuộc tắm máu. Không ngày nào chúng không gây ra những tội ác tày trời ở khắp nơi trong vùng tạm bị chiếm, gieo nên cảnh dã man khủng khiếp chưa từng có đối với loài người.

… Tại những làng mạc và thành phố bị chúng chiếm đóng, bộ chỉ huy phát-xít ra những thông cáo trong dân chúng đe dọa sẽ xử bắn và trừng phạt nặng nề, nhằm buộc mọi người phải chấp hành mệnh lệnh của chúng. Các đồng chí, chúng muốn bắt các đồng chí tự tay rèn xích nô lệ đẫm máu cho bản thân và cho con cháu mình.

Nhân dân Liên Xô vĩ đại chúng đấu tranh cho tự do không phải để bây giờ lại trở thành nô lệ cho bọn phát-xít tàn bạo.

Mỗi người dân U-cra-i-na, mỗi công dân nước ta thà chết, chứ quyết không chịu sống trong cảnh tôi đòi nhục nhã.

Các đồng chí! Không chấp hành bất cứ một mệnh lệnh nào của bộ chỉ huy phát-xít.

… Phá hoại ngầm, làm hỏng tất cả và bấy kỳ một việc gì là nghĩa vụ thiêng liên của mỗi người con trai và con gái của nhân dân chúng ta. Không thực hiện chế độ lao dịch do bọn phát-xít đề ra! Bàng mọi lực lượng, mọi phương tiện, hãy phá hoại mọi tài sản, vũ khí, trang bị và đạn dược của quân Đức! Hãy nhớ rằng, không có thông tin liên lạc thì bầy lũ phát-xít không thể chiến đấu được. Hãy phá hủy các công trình và phương tiện thông tin liên lạc, dây điện thoại, điện tín và đài phát thanh! Hãy nổ cầu, phá đường. Không để lại cho bọn phát-xít bất cứ một vật liệu nào, không thực hiện mệnh lệnh sửa chữa đường sá. Hãy phá hủy các tuyến đường sắt.

Hỡi bà con nông dân! Bọn kẻ cướp phát-xít muốn dùng sức mạnh bắt nông dân ta gặt hái và đưa toàn bộ số lúa mì về Đức. Hãy không tuân theo lệnh của bọn phát-xít. Chỉ đập đủ số lúa mì cho gia đình. Không cho địch một mẩu bánh, một miếng thịt. Hãy để cho bọn cướp phát-xít dám đặt chân lên mảnh đất của chúng ta phải mòn mỏi vì chết đói.

… Toàn thể nhân dân U-cra-i-na, tất cả các dân tộc ở Liên Xô đã đứng lên chiến đấu chống chủ nghĩa phát-xít. Hàng nghìn du kích đỏ - những công nhân và nông dân – đang sát cánh cùng Hồng quân chiến đấu chống bọn lang sói Hít-le. Hãy gia nhập du kích, thẳng tay trừng trị bọn phát-xít.

Hồng quân tập kích địch ngày một mạnh, kế hoạch chiến thắng Liên Xô vĩ đại trong chớp nhoáng của bọn phát-xít đã sụp đổ. Bọn phát-xít đã phải đào mồ chôn những sư đoàn tinh nhuệ nhất của chúng trên đất nước ta. Hít-le đã định ra hết thời hạn này đến thời hạn khác để chiếm Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát và Ki-ép, nhưng cho đến hôm nay, lá Cờ đỏ của nhân dân Liên Xô vẫn phấp phới trên những thành phố đó.

Giờ chiến thắng bọn kẻ cướp Hít-le sắp tới. Giáng cho địch những đòn mạnh mẽ hơn nữa!

…. Không ai có thể đứng ngoài cuộc. Mỗi người hãy làm những gì có thể làm tùy theo sức và khả năng. Mỗi người hãy góp phần mình vào chiến thắng chủ nghĩa phát-xít.

Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa, thắng lợi thuộc về chúng ta, quân thù sẽ bị đánh tan. Hãy tiêu diệt hết lang sói Hít-le uống máu người! Nước U-cra-i-na xô-viết tự do muốn năm!”.

Nhân dân U-cra-i-na anh hùng nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi thiết tha của Đảng cộng sản. Với lòng căm thù dâng cao hơn nữa, nhân dân đã giáng cái vồ chiến tranh du kích lên người bọn phát-xít. Đất đai thực sự bốc lửa dưới chân bọn chúng. Thời gian đó, ở sau lưng địch đã có tới 583 đội du kích và hơn 1.700 nhóm biệt động và nhóm phá hoại. Hàng nghìn, hàng nghìn chiến sĩ báo thù mới của nhân dân gia nhập cuộc đấu tranh thiêng liêng chống quân thù. Những người con ưu tú của Đảng đi hàng đầu trong đội ngũ những người anh hùng ấy.

Nhưng kẻ địch còn rất mạnh. Tại Phương diện quân Tây – Nam chúng tôi, chúng có đủ mọi lợi thế. Tôi và tham mưu trưởng phương diện quân lại một lần nữa suy nghĩ trước tấm bản đồ, tính toán khả năng của chúng tôi và đi đến kết luận: nếu sắp tới không có lệnh rút quân thì các đơn vị sẽ lâm vào tình thế tuyệt vọng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #154 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:42:48 pm »

Cuối cùng, đêm rạng ngày 18 tháng Chín, Mát-xcơ-va trả lời bức điện của chúng tôi. Tổng tham mưu trưởng thông báo tóm tắt: Đại bản doanh cho phép rút bỏ khu vực cố thủ Ki-ép và điều tập đoàn quân 37 sang tả ngạn sông Đni-ép-rơ.

Thông báo không nói một lời nào về việc rút những lực lượng chủ yếu của phương diện quân về tuyến sau. Nhưng ở đây, bản thân lô-gích của những sự kiện đã nói lên giải pháp. Nếu bỏ Ki-ép và khu vực cố thủ Ki-ép với những công trình phòng ngự mạnh, thì không thể hy vọng bộ đội ta sẽ cố thủ được ở những tuyến chưa được trang bị ở phía Đông thành phố. Ngay Buốc-mi-xten-cô, vốn trước đây không hề nghĩ đến chuyện bỏ Ki-ép, cũng phải phát biểu ý kiến tại cuộc họp ở chỗ tư lệnh phương diện quân:

- Tôi nghĩ rằng trong tình hình này, ta không còn gì khác hơn là chấp hành lệnh của tổng tư lệnh.

Sau khi có lệnh sơ tán Ki-ép, bộ tư lệnh phương diện quân chỉ còn quan tâm làm thế nào để cứu được càng nhiều càng tốt những lực lượng đang nằm trong vòng vây khỏi bị đánh tan. Lần này, tướng Kiếc-pô-nô-xơ không do dự. Đồng chí yêu cầu mang ngay tấm bản đồ ghi những số liệu mới nhất về tình hình các đơn vị. Bản đồ có nhiều “điểm trắng”, vì trong hai ngày gần đây, chúng tôi không nhận được báo cáo về nhiều khu vực. Tấm bản đồ trải trước mặt Kiếc-pô-nô-xơ, chỉ rõ tập đoàn quân 40 đang chiến đấu ở nơi nào đó giữa Pu-ti-xlơ và Rôm-nư, hai bên sườn đều bị hở và địch đang vòng qua. Tập đoàn quân 21 đang đánh lui những đợt công kích của địch ở vùng Pri-lu-ki. Giữa hai tập đoàn quân này là một cửa mở rộng 80 ki-lô-mét đang bị quân của Gu-đê-ri-an lấn vào. Bên trái tập đoàn quân 21, về phía Tây – Bắc Pi-ri-a-tin 25 – 35 ki-lô-mét, những đơn vị đã bị tiêu hao nặng của tập đoàn quân 5 vẫn còn đang cố thủ. Tập đoàn quân 37 đang giữ vững Ki-ép. Giữa tập đoàn quân 37 và những đơn vị còn lại của phương diện quân là những lực lượng lớn của tập đoàn 6 Đức mà cánh quân chủ yếu của chúng đã tập trung tại khu vực I-a-gô-tin. Bên sườn trái của mình, ở giữa hai con sông Đni-ép-rơ và Xu-la, tập đoàn quân 26 được những lực lượng nhỏ yểm hộ từ phía Lúp-na, đang đánh lại những đợt công kích của các binh đoàn thuộc tập đoàn quân dã chiến 17 Đức và cụm xe tăng 1 của Clai-xtơ. Địch phát triển tiến công cả từ phía Tây lẫn phía Đông. Khu vực Pi-ri-a-tin, nơi bộ tham mưu phương diện quân đóng, chỉ được những binh đội của sư đoàn bộ binh 289 bảo vệ.

Rốt cuộc, tất cả những điều nói trên chứng minh rằng việc rút các tập đoàn quân của ta về tuyến phòng ngự sông Pxi-ôn là cực kỳ khó khăn. Nhưng không có lối thoát nào khác.

Chưa bao giờ tướng Kiếc-pô-nô-xơ phải giải quyết nhiệm vụ tác chiến trong tình hình phức tạp như lúc này. Song, khi hạ quyết tâm đột phá, tư lệnh và tất cả chúng tôi ở bộ tham mưu phương diện quân đặt hy vọng vào ý chí kiên định, dũng cảm đã được thử thách trong chiến đấu của các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy của ta.

Sau khi hội ý với Tu-pi-cốp, Buốc-mi-xten-cô và Rư-cốp, tư lệnh ra mệnh lệnh giao cho các tập đoàn quân những nhiệm vụ sau: tập đoàn quân 21 – sáng 18 tháng chín, tập trung tại tuyến Bra-ghin-txư, Gơ-nê-đin-txư (ở phía Đông – Nam Pri-lu-ki) và dùng những lực lượng chủ yếu đột kích vào Rôm-nư, đón quân đoàn kỵ binh 2; tập đoàn quân 5 – dùng một phần lực lượng yểm hộ mặt phía Tây cho tập đoàn quân 21 rút lui, những lực lượng còn lại đột kích vào Lô-khơ-vi-txa; tập đoàn quân 26 – sau khi tổ chức một lực lượng xung kích gồm hai sư đoàn, sẽ tiến công vào Lúp-nư; tập đoàn quân 37 – rút bộ đội ra khỏi khu vực cố thủ Ki-ép sang tả ngạn sông Đni-ép-rơ; lập ra một cụm xung kích và đột phá tới Pi-ri-a-tin và xa hơn nữa về phía Đông, hợp thành đội hậu vệ của phương diện quân; các tập đoàn quân 40 và 38 – đột kích từ phía Đông đón những lực lượng chủ yếu của phương diện quân về hướng Rôm-nư và Lúp-nư.

Tướng Kiếc-pô-nô-xơ phác thảo kế hoạch rút quân trên bản đồ và lệnh cho tôi ghi những thay đổi cần thiết vào chỉ lệnh chiến đấu gửi các tập đoàn quân do bộ tham mưu đã chuẩn bị từ trước. Nhưng gửi được những văn kiện đó xuống tới các đơn vị cũng không phải chuyện dễ. Vất vả lắm, chúng tôi cũng chỉ mới chuyển được các văn kiện trên tới tư lệnh các tập đoàn quân 5, 26 và 40. Còn bộ tham mưu các tập đoàn quân 21 và 37 thì thậm chí dùng vô tuyến điện cũng không liên lạc được. Chúng tôi cử hai sĩ quan cấp tá đi xe về Ki-ép. Nhưng họ không tới được Ki-ép, và có lẽ đã hy sinh trên đường. Mãi sau, thông qua bộ tham mưu của tổng tư lệnh, chúng tôi mới thông báo được cho tập đoàn quân 37 là phải phá vây rút về phía Đông.

Đại tá Da-khơ-va-ta-ép, phó phòng của tôi, được cử tới tập đoàn quân 21. Đồng chí phải trao mệnh lệnh cho trung tướng V. I. Cu-dơ-nê-txốp và rút lui cùng với cơ quan tham mưu của trung tướng.

Rất may cho chúng tôi là hầu như toàn bộ không quân của phương diện quân và bộ phận chủ yếu của hậu cần phương diện quân đã kịp thời chuyển căn cứ sang bên kia sông Pxi-ôn và trong lúc khó khăn này, chúng tôi không phải lo tổ chức cho họ thoát khỏi vòng vây.

Như vậy, đêm rạng ngày 18 tháng Chín, hầu như tất cả các tập đoàn quân đều nắm được trình tự rút quân. Tất nhiên, vì buộc phải xác định trong tình hình rất phức tạp và không rõ ràng, nên quyết tâm đó khó mà hoàn hảo được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #155 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:43:32 pm »

HỌ KHÔNG CHỊU HẠ VŨ KHÍ

Sau này, đại tá Da-khơ-va-ta-ép cho tôi biết là đồng chí tìm ra cơ quan tham mưu tập đoàn quân 21 tương đối nhanh và chính đồng chí trao mệnh lệnh của bộ tương lệnh phương diện quân cho trung tướng V. I. Cu-dơ-nê-txốp. Tư lệnh tập đoàn quân nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các quân đoàn của đồng chí. Sau khi vượt sông U-đai ở phía Bắc Pi-ri-a-tin, các quân đoàn phải tiến về phía Đông, về hướng giữa Rôm-nư và Lô-khơ-vi-txa. Cu-dơ-nê-txốp cùng cơ quan tham mưu tập đoàn quân quyết định hành quân bằng ngựa theo sau quân đoàn bộ binh 46.

Sáng sớm 18 tháng Chín, đoàn xe của cơ quan chỉ đạo tập đoàn quân đứng đầu là tướng Cu-dơ-nê-txốp, Gô-rơ-đốp và chính ủy sư đoàn X. E. Cô-lô-nin được những đơn vị bộ binh yểm hộ đã bẻ gãy sự kháng cự của bộ binh cơ giới thuộc một sư đoàn xe tăng của Gu-đê-ri-an, và sau khi vượt sông, tiến về Ô-dê-ri-a-nư. Ban ngày, ở khu vực Bê-lô-txéc-cốp-txư, địch lại cản đường ở gần những hẻm sâu, nên các đơn vị buộc phải tổ chức phòng ngự vòng tròn. Tối đến, tư lệnh tập đoàn quân đã dẫn các phân đội xông lên đột phá. Pháo sáng biến đêm thành ngày. Súng máy, súng cối và pháo của địch thi nhau nhả đạn, nhưng cả lần này, anh em vẫn đột phá được.

Trong trận đánh này, Da-khơ-va-ta-ép bị đạn cối hất ngã ngựa. Tỉnh dậy, đồng chí thấy mình đang nằm giữa đống xác người và ngựa. Nghe rõ tiếng chân của binh lính Đức trên cánh đồng. Thỉnh thoảng vang lên những loạt tiểu liên và tiếng người thét: bọn phát-xít bắn chết những chiến sĩ bị thương. Chúng tưởng đại tá đã chết, nhờ vậy đồng chí đã thoát được. Khi bọn địch bỏ đi, đồng chí thu hết sức mình, khập khiễng đi về phía Đông và chẳng bao lâu gặp được thượng úy Tsa-ép, tiểu đoàn trưởng cao xạ, và một chiến sĩ thuộc đại đội kỵ binh bảo vệ cơ quan tham mưu tập đoàn quân. Trải qua nhiều nỗi gian truân, họ mới về được với đồng đội.

Khắc phục mọi khó khăn, trung tướng Cu-dơ-nê-txốp đưa được cụm bộ đội của đồng chí thoát khỏi vòng vây. Đòn đột kích của quân đoàn kỵ binh 2 của tướng P. A. Bê-lốp được tăng cường thêm những lữ đoàn xe tăng lấy trong lực lượng dự bị của Đại bản doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thoát vây đó. Các chiến sĩ kỵ binh và xe tăng công kích quyết liệt vào Rôm-nư, nơi bộ tham mưu của Gu-đê-ri-an đóng. Gu-đê-ri-an nhớ lại rằng lúc ấy, hắn đứng trên tầng thượng của tòa nhà cao nhất thành phố, tận mắt thấy các chiến sĩ công kích, họ chỉ cách hắn có 800 mét. Viên tướng Đức yếu bóng vía đã cùng bộ tham mưu của hắn bỏ chạy về Cô-nô-tốp.

Tập đoàn quân 5 bị kiệt sức, khi thoát vây gặp khó khăn hơn nhiều. Tướng Pô-ta-pốp không tổ chức được việc rút các đơn vị của tập đoàn quân trên hướng Lô-khơ-vi-txa: địch đánh nống ra quá mạnh. Những binh đội thuộc quân đoàn bộ binh 15 đã bị đẩy lui xuống phía Nam và dưới sự chỉ huy của tướng k. X. Mô-xca-len-cô buộc phải tự lực phá vây. Những binh đội thuộc quân đoàn bộ binh 31 của tướng N. V. Ca-li-nin cố gắng mở đường cho Hội đồng quân sự và cơ quan tham mưu, nhưng họ không thể vượt qua được tuyến phòng ngự mạnh của sư đoàn xe tăng 4 Đức ở gần sông U-đai. Bộ tư lệnh tập đoàn quân buộc phải sáp nhập với thê đội hai của bộ tham mưu phương diện quân lúc ấy đang đóng quân trong khu vực này, rồi cùng đi vòng xuống phía Nam, tới Pi-ri-a-tin.

Rạng sáng 18 tháng chín, khi nhận được lệnh thoát vây, trung tướng Ph. I-a, Cô-xten-cô, tư lệnh tập đoàn quân 26, đã mời các ủy viên Hội đồng quân sự Đ. E. Cô-lê-xni-cốp và V. X. Bu-tư-rin (nguyên bí thư tỉnh ủy Ni-cô-lai-ép Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) U-cra-i-na), đại tá I. X. Va-ren-ni-cốp, tham mưu trưởng, đại tá P. X. Xê-mi-ô-nốp, chủ nhiệm pháo binh, chính ủy trung đoàn I. V. Đa-cô-vô-rốt-ni, trưởng phòng chính trị, và trưởng phòng đặc biệt P. V. Va-ti-xơ đến gặp. Sau khi trao đổi ngắn gọn tình hình, Cô-xten-cô hạ quyết tâm; được sự yểm hộ của các đội hậu vệ, bộ đội sẽ rút về sông Oóc-gi-txa và từ tuyến đó tổ chức đột phá tới Lúp-nư, đón quân đoàn kỵ binh 5 của tướng Cam-cốp và lữ đoàn xe tăng thuộc tập đoàn quân 38 đang tiến công từ phía Đông. Ra mệnh lệnh cho các sư đoàn xong, tư lệnh tập đoàn quân cùng với cơ quan tham mưu tiến đến thành phố Oóc-gi-txa, nơi tất cả các đơn vị đang kéo tới. Thị trấn U-cra-i-na bé nhỏ này tràn ngập ô-tô và xe ngựa. Lệnh cho một đội nhỏ của I. I. A-lếch-vây-ép bảo vệ thị trấn, tư lệnh bắt tay vào thành lập cụm quân xung kích. Thiếu phương tiện thông tin liên lạc nên làm việc này rất khó khăn. Hơn nữa, còn phải thường xuyên quan tâm tới những sườn bị hở của tập đoàn quân: từ phía Bắc là các đơn vị của Gu-đê-ri-an đang tiến công, còn từ phía Nam là các binh đội của tập đoàn quân 17 Đức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #156 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:43:57 pm »

Ngày 21 tháng Chín, Cô-xten-cô bắt đầu thực hiện ý định đột phá chính diện cụm xe tăng 1 của Clai-xtơ. Sau khi pháo bắn chuẩn bị, các sư đoàn bắt đầu vượt sông Oóc-gi-txa. Địch chống cự quyết liệt. Bộ chỉ huy phát-xít điều các đơn vị xe tăng tới những nơi các phân đội tiền tiêu đã bám trụ được ở bên tả ngạn. Chiến sĩ ta đón xe tăng địch bằng hỏa lực pháo binh, chai cháy và lựu đạn. Anh em công kích địch hết đợt này đến đợt khác.

Sau này, một chiến sĩ đã tích cực tham gia những trận chiến đấu đó kể lại những tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 69 của sư đoàn bộ binh 97 (trước kia nằm trong tập đoàn quân 38) đã mấy lần xông tới trận địa địch, nhưng vấp phải hỏa lực mạnh của những xe tăng phát-xít chôn lưng chúng ở mặt đất, nên buộc phải rút lui. Những trận đánh ác liệt như vậy diễn ra trên mọi khu vực.

Trong những cố gắng không đạt được lúc vượt sông, các sư đoàn đã bắn gần hết dạn. Vì không liên lạc được với bộ tham mưu phương diện quân, tướng Cô-xten-cô đã liên lạc với Đại bản doanh và gửi Nguyên soái Sa-pô-sni-cốp bức điện: “Chúng tôi tiếp tục chiến đấu trong vòng vây ở sông Oóc-gi-xta. Mọi cố gắng vượt sông đều không thành. Hết đạn. Đề nghị cho không quân chi viện”.

Nguyên soái Sa-pô-sni-cốp ra lệnh thả đạn xuống khu vực hoạt động của tập đoàn quân Cô-xten-cô. Thấy tập đoàn quân không tới được Lúp-nư, ngày 22 tháng Chín, Sa-pô-sni-cốp thông báo cho tư lệnh tập đoàn quân biết là Kiếc-pô-nô-xơ, Pô-ta-pốp và Cu-dơ-nê-txốp đang tiến quân đón quân đoàn kỵ binh của Bê-lốp trên hướng đi Lô-khơ-vi-txa, nên yêu cầu tư lệnh cũng quay về Đông – Bắc và tiến theo các đơn vị nói trên.

Ngày 22 tháng Chí, hồi 9 giờ tối, Cô-xten-cô quyết định thử vượt sông một lần nữa. Nhưng không kịp: thiếu tá A. C. Bla-giây, phó trưởng phòng tác chiến tập đoàn quân, báo cáo bọn Đức đã đột nhập ngoại vi phía Đông Oóc-gi-txa và đốt cháy thị trấn. tiếp tục chờ đợi thì chẳng khác gì tự sát. Cô-xten-cô cho gọi lữ đoàn trưởng A. B. Bô-ri-xốp. Cụm kỵ binh của đồng chí đóng ở gần đấy, hiện thuộc biên chế của tập đoàn quân 26.

Bô-ri-xốp được lệnh tập kích vào quân địch đã đột phá. Khi kỵ binh của Bô-ri-xốp tiến lên công kích địch thì trận đánh đã phát triển tới gần cơ quan tham mưu tập đoàn quân.

Xách khẩu tiểu liên, gài lựu đạn vào các túi, Cô-xten-cô nói với các sĩ quan tham mưu của mình:

- Đi thôi, các đồng chí!

Các sĩ quan tiến theo kỵ binh tới đập nước, rồi chuyển sang bờ bên kia. Bô-ri-xốp đã để ngựa chờ sẵn tại đây. Cơ quan tham mưu của Cô-xten-cô vốn trước là cơ quan tham mưu của binh đoàn kỵ binh nên chủ yếu gồm những kỵ sĩ giàu kinh nghiệm. Sau khi lên ngựa, ai nấy tươi tỉnh hẳn lên. Kỵ mã trên mình con tuấn mã – đó là một sức mạnh! Cùng với các chiến sĩ kỵ binh của Bô-ri-xốp và những đơn vị khác, cơ quan tham mưu tập đoàn quân vừa chiến đấu liên tục, vừa tiến về phía trước. Họ buộc phải vượt sông mấy lần. Ban đêm, tại bờ Đông sông Xu-la, anh em vấp phải trận địa hỏa lực của khẩu đội súng cối Đức được các phân đội bộ binh yểm hộ. Trận đánh nổ ra. Hai lần kỵ binh xô-viết công kích không có kết quả. Lần thứ ba. Thắng lợi!

Đến tháng Mười, tư lệnh tập đoàn quân 26 cùng các chiến sĩ còn lại chiến đấu thoát vây trong dải hành động của quân đoàn kỵ binh 5. Một thời gian sau đó, các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy rớt lại sau của tập đoàn quân vẫn tiếp tục lọt qua chiến tuyến theo từng nhóm nhỏ, thậm chí từng người. Ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân là chính ủy lữ đoàn Đ. E. Cô-lê-xni-cốp, trưởng phòng chính trị là chính ủy trung đoàn I. V. Da-cô-vô-rốt-ni cùng nhiều cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị khác cũng thoát khỏi vòng vây một cách an toàn. Một số chiến sĩ và sĩ quan trước khi trở về với đồng đội đã phải đi bộ hàng trăm ki-lô-mét ở sau lưng địch. Một nhóm như thế đứng đầu là chính trị viên M. t. Ta-ran đã vượt chặng đường 600 ki-lô-mét về với đồng đội, mang theo đầy đủ vũ khí, tài liệu và huân chương. Trong nhóm có cả nữ quân y sĩ thuộc trung đoàn bộ binh 169 là A. A. Mát-vi-en-cô. Chị dũng cảm chịu đựng mọi nỗi khó nhọc khi hành quân không kém gì nam giới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #157 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:44:16 pm »

Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy tập đoàn quân 37 – những người trực tiếp bảo vệ Ki-ép phải chịu những thử thách nặng nề. Qua nghiên cứu những văn kiện hồi đó và nói chuyện với những người đã từng tham gia chiến đấu, tôi có thể theo dõi khái quát những gì đã xảy ra ở tập đoàn quân 37 sau khi nhận được mệnh lệnh bỏ Ki-ép với một tình thế khó khăn.

Đầu trung tuần tháng Chín, những binh đoàn sườn phải của tập đoàn quân 37 bị địch đánh vu hồi từ phía Đông – Bắc, phải giành giật từng ki-lô-mét ở phía Bắc thị trấn Xê-mi-pôn-ca và từ phía Nam thị trấn êm đềm Ô-xti-ô-rơ. Trong trận đánh chiếm Cô-dê-lét, sư đoàn bộ binh 41 đã hai lần đánh bật những đơn vị phát-xít ra khỏi thị trấn. Khi địch đột nhập thị trấn lần thứ ba thì sư đoàn trưởng Gh. N. Mi-cu-sép, người mà bạn đọc đã biết qua những trận chiến đấu ở biên giới, đã chỉ huy đơn vị tiến lên phản kích. Đồng chí bị hy sinh. Các đơn vị lại bị địch tập kích mạnh và, có lẽ, sẽ không đứng vững nổi nếu sư đoàn của đại tá X. C. Pô-tê-khin từ Ki-ép không đến kịp. Nhờ những đợt phản kích quyết liệt của hai binh đoàn, địch đã bị kìm chân hai ngày đêm.

Nhưng đến ngày 16 tháng Chín, chiến tuyến lại bị dao động. Cánh quân xung kích của tập đoàn quân dã chiến 6 Đức ra sức đột phá tới Ki-ép từ phía Đông – Bắc và chiếm các bến vượt sông Đni-ép-rơ. Ban lãnh đạo bộ tham mưu bảo vệ thành phố đề nghị tư lệnh tập đoàn quân 37 tăng cường cho các đơn vị yểm hộ hướng quan trọng nhất này, nhưng tư lệnh cho biết là đồng chí không còn lực lượng dự bị. Tinh thần chủ động của ban lãnh đạo bộ tham mưu bảo vệ thành phố đã cứu vãn được tình thế. Các đồng chí điều tới đây một bộ phận lực lượng của sư đoàn 4 thuộc Bộ dân ủy nội vụ, một đội dân quân của nhà máy “Ác-xê-nan” và 300 thủy binh của giang đội Đni-ép-rơ thuộc giang đoàn Pin-xcơ, với nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng ngự ở các cửa ngõ dẫn tới các cầu của Ki-ép. Nhưng binh đội bên sườn phải của tập đoàn quân 37 bị địch đẩy lui nhưng được sự chi viện kịp thời của những lực lượng do ủy ban bảo vệ thành phố điều tới, nên ngày 16 tháng Chín đã bám trụ được tuyến này và chặn đứng quân địch

Những phân đội thuộc trung đoàn 227 của sư đoàn thuộc Bộ dân ủy nội vụ dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Va-ghin đã chiến đấu rất dũng cảm trong ngày hôm ấy. Các đồng chí tổ chức phản kích quyết liệt, không những đã đánh lui được trung đoàn địch, mà còn thu được lá cờ hiệu của chúng.

Bọn Hít-le nã pháo và dội bom đạn xuống các đơn vị ta, ném bộ binh và xe tăng vào tiến công. Chúng đã mấy lần giở trò tâm lý trên toàn chính diện, ưỡn thẳng người, giọng say mềm, la hét om sòm. Chiến sĩ ta đợi chúng đến gần chiến hào rồi mới xông lên đánh bằng lưỡi lê. Bọn phát-xít không chịu nổi trận đánh giáp lá cà. Số sống sót tháo chạy tán loạn.

Tại địa đoạn của một trung đoàn ta, bọn Hít-le lọt được vào trận địa hỏa lực của pháo binh. Anh em dùng đạn chứa bi bắn thẳng. Ở một địa đoạn khác, bọn phát-xít tiến tới hào chống tăng. Hạ sĩ Ê-phi-mô-tsơ-kin bắn súng máy, đã kéo súng ra khỏi ụ súng bị phá sập một nửa, đặt ngay trên bờ hào để bắn. Đồng chí không ngừng nhả đạn ngay khi bị một khẩu cối địch đang câu tới. Chính trị viên đại đội Xlê-xa-rép, đoàn viên thanh niên cộng sản – hạ sĩ A-ri-xtác-khốp, các binh nhì Bô-ca-nốp, Dơ-vê-rép, Cơ-ni-a-dép và nhiều anh em khác đã chiến đấu xuất sắc trong trận này.

Chừng nào bọn phát-xít chưa bị đánh bật thì anh em thương binh vẫn không rời trận địa. Trung úy Xi-in trong trận đánh giáp lá cà bị thương hai lần, nhưng vẫn không rời đại đội. Sau đợt công kích tiếp theo của địch bị bẻ gẫy, anh em mới buộc được đại đội trưởng về trạm quân y.

Các chiến sĩ phòng ngự thiếu pháo chống tăng và đạn xuyên thép. Trong trận đánh ở gần Cra-xi-lốp-ca, các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy đại đội 3 của trung đoàn 227, lấy thân mình chặn xe bọc thép địch.

Các chiến sĩ xô-viết đã chiến đấu như thế đó. Những con người bảo vệ Ki-ép không hề có ý nghĩ là họ phải bỏ lại thành phố. Khi các đơn vị phát-xít đã vượt xa về phía Đông thành phố rồi, tờ “Pra-vđa U-cra-i-na” ngày 17 tháng Chín tả lại khí thế của họ, đã viết: “Ki-ép đã và mãi mãi sẽ là của Đất nước xô-viết!”.

Thậm chí trong tình hình nghiêm trọng đó, thủ đô U-cra-i-na vẫn sống cuộc sống bình thường của một thành phố ngoài mặt trận. Không thấy một dấu hiệu hoảng loạn, dù là rất nhỏ. Các xí nghiệp không sơ tán vẫn tiếp tục hoạt động. Nhân dân làm việc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến!”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #158 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:44:44 pm »

Bộ đội nhận được lệnh bỏ Ki-ép qua điện đài ngày 18 tháng Chín. Bộ tư lệnh tập đoàn quân được chỉ rõ hướng chung để rút bộ đội tập đoàn quân và được thông báo hết sức ngắn gọn về hành động của những tập đoàn quân bạn. Khi đó, chấp hành mệnh lệnh này còn khó hơn là phòng ngự thành phố. Phải vượt qua hàng trăm ki-lô-mét qua vùng địch chiếm. Hơn nữa, do rút quân vội vã, nên tư lệnh tập đoàn quân khó tránh khỏi nhiều sai sót. Thí dụ, đồng chí đã quyết định cho tập đoàn quân đi dọc theo những tuyến đường bộ và đường sắt chính từ Ki-ép đến Pi-r-a-tin. Bộ chỉ huy cụm các tập đoàn quân “Nam” của phát-xít Đức đã nhằm chính vào đó và cố cắt trước những con đường nói trên ở khu vực I-a-gô-tin, nhà ga Bê-rê-đan. Đáng tiếc là cơ quan tham mưu tập đoàn quân không biết rằng ở đấy đang có một cánh quân địch rất lớn.

Những sư đoàn bộ binh phòng ngự bên hữu ngạn sông Đni-ép-rơ, ở khu vực cố thủ Ki-ép, phải rút trước nhất. khi trận địa sau cùng là những tiểu đoàn súng máy của các đơn vị đồn trú ở đây. Sau khi những đơn vị phòng ngự khu vực cố thủ Ki-ép rút qua Bô-rít-pôn thì những đơn vị chiến đấu ở cửa ngõ các cầu qua sông Đni-ép-rơ sẽ rút theo.

Đội hậu vệ gồm sư đoàn bộ binh 87 do đại tá N. I. Va-xi-li-ép chỉ huy và sư đoàn 4 của Bộ dân ủy nội vụ do đại tá Ph. M. Ma-gi-rin chỉ huy.

Đêm rạng ngày 19 tháng Chín, bộ đội lên đường. Đội cảnh giới đầu tiên của địch ở khu vực Bô-rít-pôn bị đánh bại. Đoàn quân tiến về phía Đông.

Còn các sĩ quan trong cơ quan tham mưu và phòng chính trị của khu vực cố thủ lúc này đến khắp các hỏa điểm cố định. Mỗi người chịnh trách nhiệm về một địa đoạn nhất đinh. Các đội bảo vệ hỏa điểm rút lui bí mật. Khi trên trận địa không còn một bóng người thì vang lên những tiếng nổ: công binh đã phá hủy những công trình phòng ngự.

Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy đi trên đường phố Ki-ép, cúi đầu và bất giác dừng chân. Thật đau xót khi phải rời thành phố mà mọi người đã chiến đấu quên mình hơn hai tháng nay.

Không thể chê trách những chiến sĩ bảo vệ Ki-ép một điều gì. Họ đã hoàn thành nghĩa vụ. Ki-ép không hề bị khuất phục. Kẻ địch không thể chiếm được Ki-ép bằng những trận đánh công khai. Chỉ do tình hình không thuận lợi đối với bộ đội phương diện quân Tây – Nam, theo mệnh lệnh của Đại bản doanh, các chiến sĩ chúng ta mới rời bỏ thành phố với bao thân thương và vững tin nhất định sẽ trở về. Ki-ép đã và mãi mãi sẽ là của Đất nước xô-viết!

Nhiệm vụ phá các cầu qua sông Đni-ép-rơ được trao cho sư đoàn trưởng sư đoàn 4 của Bộ dân ủy nội vụ Ph. M. Ma-gi-rin, theo cách nói của bộ trưởng Bộ dân ủy nội vụ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết U-cra-i-na V. I. Xéc-ghi-en-cô thì đồng chí là “chỉ huy trưởng cuối cùng của Ki-ép”.

Ngày 19 tháng Chín, bầu trời u ám. Từng đụn khói cuộn trên nền trời Ki-ép. Các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị cùng những đại diện các tổ chức của thành phố đến khắp các cửa hiệu và nhà kho. Các cửa ra vào được mở toang để dân chúng có thể lấy đi những hàng dự trữ cần thiết.

Khoảng 11 giờ trưa, bọn Đức mới biết bộ đội ta rút quân. Chúng bắn phá dã man các vùng ngoại vi Tây – Nam thành phố và sau đó mới dám tiến lên. Những binh đội hậu vệ của tập đoàn quân cầm cự với cuộc tiến công của địch rất vất vả. Địch nã pháo dữ dội vào cầu. Những đơn vị ta bảo vệ các bến vượt sông tuy bị tổn thất nhưng vẫn dũng cảm tiếp tục làm nghĩa vụ của mình cho những đơn vị rút lui đi qua.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất nhằm tổ chức sơ tán Ki-ép là kịp thời cho phá sập các cầu qua sông Đni-ép-rơ. Công binh tập đoàn quân 37, với sự tham gia trực tiếp của bộ tư lệnh sư đoàn 4 Bộ dân ủy nội vụ, đã chuẩn bị xong việc phá cầu ngay từ những ngày đầu tháng Chín.

Đến chiều, khi bến hữu ngạn xuất hiện những đơn vị tiền tiêu của địch thì tín hiệu được phát. Tướng Ma-gi-rin kể lại là đồng chí đứng trên đài quan sát của mình tháy rõ một cột lửa và khói trùm lên chiếc cầu mang tên G. I. Pê-tơ-rốp-xki có đường sắt chạy qua. Những giàn cầu ở giữa gục xuống lòng sông. Chiếc cầu mang tên E. Bô-sơ cũng nổ tung. Chiếc cầu gỗ Na-vốt-nít-xki là một chiếc cầu giữ vị trí trung tâm, và những lực lượng chủ yếu của các đơn vị hậu vệ rút qua đó. Kỹ sư quân sự bậc 3 A. A. Phin-ken-stai-nơ, chịu trách nhiệm phá hủy chiếc cầu này, đã đợi đến giây phút cuối cùng, cho đến lúc nhóm chiến sĩ bị tụt lại sau cùng qua khỏi cầu. Tới khi lính mô-tô địch lao tới bờ sông và điên cuồng xả súng máy, kỹ sư mới phát tín hiệu. Chiếc cầu gỗ được tưới đẫm hắc in và xăng bùng lên. Các chiến sĩ bảo vệ bên hữu ngạn mới rút qua những tấm ván gỗ lát mặt cầu đã bốc cháy. Bọn lính tiểu liên phát-xít đuổi theo. Anh em công binh đợi đúng lúc các chiếc sĩ ta qua hết mới cho nổ mìn đã đặt sẵn vào chân cầu. Chiếc cầu ngùn ngụt lửa sụp xuống dòng Đni-ép-rơ, chôn vùi theo binh lính địch. Hầu như cùng lúc đó vang lên tiếng nổi ở chiếc cầu phía cực Nam, cầu Đa-rơ-nít-xa. Bọn phát-xít điên cuồng cố vượt sông trong hành tiến. Hỏa lực súng máy chính xác từ bên tả ngạn bắn ra hất chúng lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #159 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2016, 02:45:06 pm »

Ma-gi-rin liên lạc với sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 87 để phối hợp các hành động tiếp theo. Những đơn vị hậu vệ được lệnh cố thủ cho đến tối, sau đó sẽ rút về hướng đi Bô-rít-pôn.

Sáng sớm 20 tháng Chín, cả binh đoàn đều tới phía Đông khu rừng Đa-rơ-nít-xa. Từ phía chân trời, mặt trời nhô lên chọc thủng màn sương, rọi chiếu thành phố nổi lên màu thẫm ở phía xa. Đó là Bô-rít-pôn. Trên đường tới thành phố, từng đoàn không ngớt ô-tô, xe ngựa, người tản cư đeo bị, đẩy xe cút-kít chất đầy đồ đạc. Ma-gi-rin phái đến Bô-rít-pôn một đội nhỏ, với một đài vô tuyến điện, do thiếu tá Đê-đốp phụ trách. Đồng chí được lệnh tìm cơ quan tham mưu tập đoàn quân ở phía sau Bô-rít-pôn và xác định hướng hành quân tiếp theo. Khoảng một nửa tiếng sau, Đê-đốp cho biết là xe tăng địch đã đột nhập thành phố và đồng chí đã bước vào chiến đấu với chúng. Thế là con đường chạy qua Bô-rít-pôn đã bị cắt.

Chúng tôi được biết những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 37 ở khu vực Ba-rư-sép-ca bị cắt làm hai bộ phận. Bộ phận lớn bị cụm quân địch ở I-a-gô-tin chặn lại trên sông Xư-pôi, những binh đoàn còn lại - ở phía Tây Ba-rư-sép-ca, bên sông Tơ-ru-bê-giơ. Các đơn vị của ta đang công kích địch. Nhưng ở bên bờ Đông cả hai con sông, bọn Hít-le đều đã bố trí xe tăng chôn lưng chừng ở mặt đất. Đột phá tuyến phòng ngự như vậy mà không có lực lượng pháo lớn, quả không phải là chuyện dễ. Bộ đội ta công kích hết đợt này đến dợt khác. Sau những trận chiến đấu ác liệt, một bộ phận thuộc tập đoàn quân 37 đã vượt được sông Tơ-ru-bê-giơ vào đêm rạng ngày 22 tháng Chín và chọc thủng vòng vây. Cuộc công kích quyết liệt đó do thứ trưởng Bộ dân ủy nội vụ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết U-cra-i-na T. A. Xtơ-rô-cát lãnh đạo. Đồng chí cùng với một số tướng lĩnh và sĩ quan trong giờ phút quyết định đã đi ở hàng đầu. Các đại tá Xô-cô-lốp, Cô-xa-rép và nhiều cán bộ chỉ huy khác đã ngã xuống như những người anh hùng. Nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Đội cảnh giới của địch bị diệt tan. Phần lớn bộ đội của cụm này đã trở về với đồng đội. Trung đoàn trưởng trung đoàn 56 thuộc sư đoàn 4 Bộ dân ủy nội vụ là đại tá Ma-du-ren-cô cùng các chiến sĩ của mình nhập vào đội du kích của Cốp-pắc.

Còn những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân bị vây ở khu vực ga Bê-rê-đan và khu rừng phía Nam nhà ga vẫn tiếp tục chiến đấu ác liệt. Tướng C. I. Đô-brô-xéc-đốp, tham mưu trưởng tập đoàn quân, nhận quyền chỉ huy. Bọn phát-xít yêu cầu số người vây hạ vũ khí. Các chiến sĩ và chỉ huy của chúng ta đáp lại bằng những đợt công kích mới.

Sau khi tập hợp những đơn vị có khả năng chiến đấu nhất, đại tá M. Ph. Oóc-lốp, thiếu tá V. X. Bla-gi-ép-xki và những cán bộ chỉ huy khác vào rạng ngày 23 tháng Chín đã tập kích bất ngờ chọc thủng vòng vây và không tiến về phía Đông như kẻ địch mong đợi mà chuyển xuống phía Nam. Một số nhóm khác cũng thoát vây. Song, một bộ phận đáng kể lực lượng của ta, sau những trận công kích quyết liệt đã gần hết đạn, phải ẩn sâu trong rừng. Bọn Hít-le cố mò tới đó mấy lần, nhưng đều bị đánh bật ra và thiệt hại lớn.

Đến cuối tháng Chín, trên bản đồ bộ tổng tham mưu Đức không còn ghi dấu khu vực bao vây những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 37 nữa: chắc chúng cho rằng anh em ta ở đó đã bị chết đói hết. Phần lớn lực lượng địch phong tỏa khu rừng được điều sang tiến công về phía Đông. Anh em bị vây lợi dụng vòng vây của địch đã thưa thớt nhiều và từng nhóm lẻ bắt đầu thoát ra, người đi sang phía Đông, qua tuyến mặt trận, người đi về các khu rừng ngoại vi, rồi trở thành hạt nhân của vô vàn đội du kích sau này.

Đội hậu vệ của tập đoàn quân bị cắt khỏi những lực lượng chủ yếu ở khu vực Bô-rít-pôn, đã kiên trì đánh mở đường. Ngày 24 tháng Chín, cả hai sư đoàn đều tới khu vực Rô-gô-dốp. Trận đánh với bọn Hít-le ẩn nấp ở đó bắt đầu. Những trận công kích đầu tiên của ta không đạt kết quả. Khi mặt trời khuất bóng, trinh sát ta phát hiện thấy những lực lượng lớn của địch từ Pê-rê-i-a-xláp tiếp cận tới. Các đơn vị ta bị kẹp giữa hai gọng kìm hỏa lực, cấp tốc chuyển sang phòng ngự, đào hào và bố trí hệ thống hỏa lực. Trận chiến đấu nổ ra vào ban đêm. Bọn Hít-le ném bộ binh có xe tăng yểm hộ vào công kích. Nhằm tiết kiệm đạn, các chiến sĩ không vội bắn. Thỉnh thoảng mới có tiếng nổ của pháo từ phía họ. Mỗi viên đạn đều được tín toán cẩn thận, và pháo binh chỉ bắn thật chắc, không phát nào trượt. Xe tăng địch bốc cháy sáng rực cả một vùng xung quanh. Khi địch tới gần chiến hào, chính ủy sư đoàn 4 Bộ dân ủy nội vụ Cô-nô-va-lốp xông lên trước, hô to “Vì Tổ quốc!”. Bên cạnh đồng chí là chinh trị viên Lê-li-úc. Như có một luồng điện chạy qua chiến hào. Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy theo sát chính ủy, lao nhanh như con lốc. Đợt tiến công diễn ra ác liệt. Bọn phát-xít phải tháo chạy.

Địch cho rằng các đơn vị của ta sẽ đột phá về hướng Đông. Nhưng bộ chỉ huy đội hậu vệ của tập đoàn quân, theo đề nghị của đại tá Ma-gi-rin, quyết định bí mật rút bộ đội sang phía Tây, đến những khu rừng gần sông Đni-ép-rơ để chấn chỉnh lại và chuẩn bị đón những trận chiến đấu ác liệt mới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM