Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:16:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79648 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:10:16 am »

ĐÃ ĐẾN LÚC CHUYỂN SANG PHÒNG NGỰ

Trận giao chiến ác liệt chưa từng thấy diễn ra ở khu vực sát biên giới đã được năm ngày đêm. Dù có ưu thế lớn về sinh lực và những lợi thế do tiến công bất ngờ, bọn Hít-le vẫn không thể bẻ gẫy được các đơn vị xô-viết. Trên hướng đột kích chủ yếu, kẻ địch không thể biến thắng lợi chiến thuật đã thu được thành thắng lợi có ý nghĩa chiến dịch, tức là không thể chọc thủng chính diện các đơn vị xô-viết và tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Nhưng bộ chỉ huy phát-xít có được cái lợi thế quyết định là những lực lượng dự bị mạnh sẵn sàng tham chiến. Và kẻ địch đã điên cuồng ném chúng vào chiến đấu. Hít-le và bọn cận thần, như những con bạc khát nước, dốc cạn túi vào canh bạc hòng đánh thắng trên đất U-cra-i-na.

Trong những ngày căng thẳng đó, có sự thay đổi trong ban lãnh đạo quân chủng không quân chúng tôi. E. X. Pơ-tu-khin được triệu tập về Mát-xcơ-va. Trung tướng không quân Ph. A. A-xta-khốp tới thay thế. Tướng I-a. X. Scu-rin làm tham mưu trưởng các lực lượng không quân thay tướng La-xkin.

Ph. A. A-xta-khốp là một trong những tay lái máy bay xô-viết kỳ cựu nhất. Xuất thân trong một gia đình công nhân, năm 1915, đồng chí tốt nghiệp vào loại khá trường phó úy, và một năm sau lại tốt nghiệp trường hàng không Ca-tsa. Đồng chí toàn tâm toàn ý đón chào cách mạng. Trong nội chiến, đồng chí làm chủ nhiệm không quân trong tập đoàn quân 5, rồi sau đó chỉ huy các lực lượng không quân ở Xi-bia, đã đánh nhiều trận xuất sắc chống bọn bạch về. Năm 1934, đồng chí làm chủ nhiệm không quân của tập đoàn quân Cáp-ca-dơ độc lập. Hồi làm trung đoàn trưởng kỵ binh của tập đoàn quân này, ngay lúc đó, tôi đã được nghe nhiều điều tốt đẹp về phi công A-xta-khốp. Ít lâu sau, đồng chí trở thành phụ tá cho chủ nhiệm các lực lượng không quân của Hồng quân, rồi chủ nhiệm không quân của quân khu Ki-ép. Mùa xuân 1941, Pơ-tu-khin thay thế cương vị của đồng chí. Và giờ đây, trong ngày chiến tranh thứ năm này, A-xta-khốp lại về với chúng tôi. Lúc này thật khó khăn, không quân địch đang khống chế chúng ta. Và trong hoàn cảnh như vậy, người chủ nhiệm mới đã gánh vác nhiệm vụ khó khăn lãnh đạo không quân và nhanh chóng nắm được tình hình. Đồng chí biết rõ những đơn vị không quân của phương diện quân và những con người ở đây; các chiến sĩ lái kính trọng và yêu mến đồng chí. Những cố gắng của Ph. A. A-xta-khốp sớm đem lại kết quả. Cụ thể là đồng chí đã nhanh chóng cải tiến công tác trinh sát trên không. Những tài liệu trinh sát không quân thu được làm sáng tỏ nhiều tình hình.

Tối 26 tháng Sáu, tôi báo cáo tình hình tác chiến lên Hội đồng quân sự phương diện quân. Căn cứ vào những tài liệu mới của trinh sát trên không, tôi rút ra kết luận: những tin tức về đoàn xe tăng mạnh của địch đang cơ động từ hướng Brét – Li-tốp-xcơ tới Cô-ven trong những ngày gần đây khiến chúng tôi lo lắng là không phù hợp với thực tiễn. Sườn phải tập đoàn quân 5 không bị đe dọa. Nhưng lại nổi lên nguy cơ hai tập đoàn xe tăng lớn của tướng Clai-xtơ sẽ thọc sâu vào trên các hướng Lút-xcơ – Rô-vơ-nô và Rát-dê-khúp – Brô-đư. Chúng được những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân không quân 4 của Đức yểm hộ. Những binh đoàn xe tăng địch tiến quân có hiệp đồng chặt chẽ với các sư đoàn bộ binh thuộc tập đoàn quân dã chiến 6.

Bộ đội ta với sức chịu đựng lớn vẫn kìm được địch ở những vùng cửa ngõ tới Cô-ven, Lút-xcơ, Đúp-nô và Brô-đư, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng. Nhưng chúng ta không đủ sức chống chọi lâu. Các binh đoàn cơ giới bước vào chiến đấu ngay khi mới đến, thường chưa được tổ chức thích đáng cho phản đột kích. Những đợt công kích táo bạo, nhưng rời rạc này tạo điều kiện cho chúng ta kìm được chân địch, thậm chí có thể đánh lui chúng ở từng nơi, trong khi ở những hướng khác, chúng vẫn tiếp tục tiến quân.

Lúc này, các quân đoàn bộ binh thuộc thê đội hai được điều động từ trong ra bắt đầu đến khu vực giao chiến. Do đó, có điều kiện hạ quyết tâm tác chiến đáp ứng được tình hình đã biến đổi, nhằm đánh tan tập đoàn quân phát-xít chủ yếu đang tiếp tục tiến công trong dải hoạt động của tập đoàn quân 5 chúng ta.

Tham mưu trưởng phương diện quân phát biểu ý kiến. Đồng chí cho rằng cần phải cố gắng dùng lực lượng của các quân đoàn bộ binh chiếm lĩnh vững chắc tuyến phòng ngự có lợi theo điều kiện địa hình. Nếu không, các tập đoàn quân xe tăng địch có thể thọc vào phía sau các tập đoàn quân 6 và 26 của ta. Các quân đoàn bộ binh 31, 36 và 37 mới ở bên trong ra cần bố trí tuyến các sông Xtô-khốt, Xtưa và các điểm dân cư Đúp-nô, Crê-mê-nét, Dô-lô-tsép có nhiệm vụ phòng ngự kiên cường để kìm địch. Sẽ rút các quân đoàn cơ giới về sau tuyến đó và tại đây chuẩn bị cho các đơn vị tiến tới tổng phản công.

Đề nghị của tham mưu trưởng không phải là bất ngờ đối với tư lệnh phương diện quân. Bản thân Kiếc-pô-nô-xơ cũng dần dần ngả sang kết luận là không thể tránh khỏi phải tạm thời chuyển sang phòng ngự: cần tập trung các binh đoàn cơ giới, tổ chức những cánh quân xung kích mạnh lấy ở các đơn vị đang trải dài ra trên một khoảng cách rất rộng. Khi các quân đoàn bộ binh đến thì khả năng đó trở thành hoàn toàn hiện thực.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:14:43 am »

Tư lệnh phương diện quân hạ quyết tâm dứt khoát: các quân đoàn bộ binh tạm thời phòng ngự theo tuyến sông Xtô-khốt, Xtưa và các điểm dân cư Crê-mê-nét, Dô-lô-tsép, rút những quân đoàn cơ giới về sau tuyến đó; trong vòng ba bốn ngày chuẩn bị cuộc phản đột kích mãnh liệt nhằm diệt tan những đơn vị địch đã thọc vào các hướng Lút-xcơ và Đúp-nô.

Không còn thời gian thảo mệnh lệnh chiến đấu chung, và Kiếc-pô-nô-xơ phái các đại diện có trách nhiệm xuống các đơn vị.

Cũng trong ngày hôm ấy, có lệnh chỉnh đốn trang bị ở những khu vực cố thủ cũ: Ki ép, Sê-pê-tốp-ca, I-di-a-xláp, Xta-rô-côn-xtan-ti-nốp, Ô-xtơ-rô-pôn và thành lập thêm những tiểu đoàn súng máy độc lập cho các khu vực này.

Biết rõ các chỉ lệnh đã gửi xuống các đơn vị và quyết tâm mới của hội đồng quân sự phương diện quân cũng đã báo cáo về Mát-xcơ-va, tôi ngả lưng lên chiếc giường dùng khi hành quân, rồi thiếp đi, như bị ngất. Tôi thức giấc vì có người lay mạnh vào vai:

- Đồng chí đại tá! Đồng chí đại tá! – tiếng đồng chí trực ban tác chiến. – Mát-xcơ-va gọi!

Tôi chạy tới phòng đàm thoại. Trông thấy tôi, cô điện báo viên gọi về Mát-xcơ-va: “Đại tá Ba-gra-mi-an bên máy”. Tôi cầm băng và đọc: “Tướng Ma-lan-đi bên máy. Chào đồng chí. Đồng chí báo ngay với tư lệnh là Đại bản doanh cấm rút lui và yêu cầu tiếp tục phản đột kích. Không cho bọn xâm lược yên ổn lấy một ngày. Hết”.

Tôi vội tới gặp Kiếc-pô-nô-xơ. Nghe tôi báo cáo xong, đồng chí chửi đổng và yêu cầu liên lạc với Bộ Tổng tham mưu. Tôi gọi điện cho trực ban thông tin liên lạc. Thong thả mặc xong quân phục, tư lệnh tới phòng đàm thoại, bảo tôi báo cáo sự việc này với tham mưu trưởng và cùng đồng chí chuẩn bị các mệnh lệnh ngừng rút lui gửi xuống các đơn vị. Trong khi tôi và Puốc-ca-ép đang viết gấp dự thảo những mệnh lệnh mới thì Kiếc-pô-nô-xơ đã ở phòng đàm thoại trở về. Không bảo vệ được quyết tâm đã hạ, đồng chí lặng lẽ kỹ các mệnh lệnh.

Buổi sáng của ngày chiến tranh thứ sáu. Mặt trời chói chang. Bầu trời không một gợn mây.

Chúng tôi chưa kịp nhận báo cáo của các quân đoàn cơ giới 8 và 15 là đã trở về các tuyến cũ và sẵn sàng công kích thì khắp bộ tham mưu lan đi cái tin: xe tăng phát-xít đã tràn đến Đúp-nô và đang tiến mạnh về Ô-xtơ-iốc. Nỗi lo lắng bao trùm bộ tham mưu. Tư lệnh phương diện quân yêu cầu cung cấp tin tức cụ thể về tình hình đã xảy ra. Đại tá Bôn-đa-rép giọng xúc động báo cáo rạng sáng nay, sư đoàn xe tăng Đức 11 tiến mạnh và đã vượt qua vùng Đúp-nô. Chúng đã đánh bật các binh đội thuộc sư đoàn cánh phải của quân đoàn bộ binh 36 còn đang trên đường hành quân xuống phía Nam và lúc này đang tiếp về Ô-xtơ-rốc hầu như không gặp trở ngại gì.

- Phải chặn đứng và diệt tan chúng bằng bất kỳ giá nào – Kiếc-pô-nô-xơ bình tĩnh nói. – Nếu không, địch chẳng những cắt đứt cánh phải của phương diện quân ta, mà còn sẽ tiến đến tận Ki-ép. – Tư lệnh quay sang Puốc-ca-ép: - Ta có thể đưa lực lượng nào ra chặn đánh các đoàn xe tăng?

- Ở vùng Sê-pê-tốp-ca còn mấy binh đội thuộc tập đoàn quân 16 của tướng Lu-kin. Nhưng theo mệnh lệnh của Đại bản doanh, các binh đội này đang được điều động sang Phương diện quân Tây tới vùng Xmô-len-xcơ và đang gấp rút lên tàu.

- Ta sẽ yêu cầu Lu-kin điều một đơn vị chặn địch. Vì nếu địch tới Sê-pê-tốp-ca thì thế nào đồng chí ấy cũng phải ngừng việc điều quân và bước vào chiến đấu. Tốt nhất là không chờ bọn phát-xít đến. Ta liên lạc với Lu-kin được không? - Kiếc-pô-nô-xơ hỏi tôi.

Tôi trả lời rằng không có liên lạc trực tiếp với Lu-kin nhưng có thể liên lạc qua sĩ quan quân vụ ở nhà ga Sê-pê-tốp-ca hoặc qua Ki-ép. Tư lệnh ra lệnh cho các chiến sĩ thông tin liên lạc, và để chắc chắn hơn nữa, đồng chí yêu cầu phái một cán bộ tham mưu trực tiếp tới thuật lại tình hình cho Lu-kin. N. X. Khơ-rút-sốp hứa sẽ liên lạc với Đại bản doanh và cố được phép tạm thời giữ những binh đội còn lại của tập đoàn quân 16 ở lại Sê-pê-tốp-ca.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:15:03 am »

Kiếc-pô-nô-xơ lại cúi xem bản đồ.

- Hãy giao nhiệm vụ mới cho các quân đoàn cơ giới của ta, - đồng chí nói với Puốc-ca-ép, - Đưa quân đoàn 8 quay lên Đông – Bắc tiến thẳng vào Đúp-nô, còn toàn bộ lực lượng quân đoàn 15 sẽ đột kích vào Bê-rê-xtét-cô. Nếu Ri-a-bư-sép hội quân được với những quân đoàn của Rô-cô-xốp-xki và Phê-cơ-len-cô ở vùng Đúp-nô thì những đơn vị địch đã đột nhập sẽ rơi vào bẫy.

Chính ủy lữ đoàn A. I. Mi-khai-lốp và lữ đoàn trưởng N. X. Pê-tu-khốp mang mệnh lệnh về các quân đoàn cơ giới 8 và 15. Ít lâu sau, N. N. Va-su-ghin còn tới đây.

Lại những giờ chờ đợi đau lòng. Cơ quan tham mưu tập đoàn quân 5 dường như mất tăm: không có một báo cáo nào gửi về. Cơ quan tham mưu của các quân đoàn cơ giới cũng im tiếng. Chuyện gì đang xảy ra ở chỗ họ? Họ đã bắt đầu tiến công chưa? Tiến công phát triển ra sao? Tôi không thể trả lời tham mưu trưởng phương diện quân về bất kỳ câu hỏi nào trên đây. Những cán bộ có năng lực nhất của phòng tác chiến được phái xuống đơn vị. Nhưng khi nào họ mới trở về… Lúc này, chỉ tướng A-xta-khốp là có một vài tin cho chúng tôi: chiến sĩ lái của đồng chí trông thấy những trận chiến đấu ác liệt đang diễn ra ở đâu. Nhưng từ trên cao, họ phân tích rắt khó khăn: ranh giới chiến tuyến không rõ, ở một số nơi, các binh đội của ta và địch cài răng lược với nhau.

Không cần nói gì hơn nữa là trong những điều kiện như thế, việc chỉ huy các đơn vị tản mát trên một khoảng cách rất rộng khó khăn biết nhường nào. Song bộ tham mưu phương diện quân không hề bồi rối. Đặc biệt là địch cũng nhận ra điều đó. Ngày 27 tháng Sáu, Han-đe, tổng tham mưu trưởng lục quân Đức, khi tổng kết năm ngày chiến tranh đã ghi trong nhật ký:

“Đối phương đang chiến đấu với cụm tập đoàn quân “Nam” được chỉ huy chặt chẽ và kiên quyết. Đối phương luôn luôn kéo từ phía Nam lên những lực lượng mới để đối phó với mũi xe tăng thọc sâu của ta”.

Và đây là những gì tướng Gốt, nguyên tư lệnh cụm xe tăng Đức 3, viết trong hồi ký của y:

“Cụm “Nam” chật vật nhất. Các đơn vị đối phương phòng ngự ở phía trước các binh đoàn thuộc cánh Bắc, bị đánh bật ra khỏi biên giới, nhưng họ đã nhanh chóng hồi phục sau đòn đột kích bất ngờ, và phản đột kích bằng những lực lượng dự bị và các đơn vị xe tăng đóng sâu ở bên trong, họ đã chặn được các đơn vị Đức tiến quân. Cụm xe tăng 1 được phối thuộc vào tập đoàn quân 6 cho đến ngày 28 tháng Sáu vẫn không thực hiện được đột phá có ý nghĩa chiến dịch. Trở ngại lớn trên đường tiến quân của các đơn vị Đức là những đòn phản đột kích mạnh của đối phương”.

Như chúng ta thấy, ngay các tướng lĩnh phát-xít cũng buộc phải thú nhận là các đơn vị Phương diện quân Tây – Nam đã hành động quân sự tích cực nên kế hoạch của Hít-le định dùng những lực lượng chủ yếu của cụm tập đoàn quân “Nam” đột phá mãnh liệt tới Ki-ép đã bị phá vỡ ngay trong những ngày đầu chiến tranh. Địch bị thiệt hại nặng đến mức muốn tiếp tục tiến công trên hướng Ki-ép, bọn chỉ huy Đức buộc phải lấy trong lực lượng dự bị chiến lược một số lớn binh đoàn, điều thêm hàng trăm xe tăng cùng các tổ lái cho các sư đoàn xe tăng của tướng Clai-xtơ.

Bộ tham mưu phương diện quân, cá phòng tác chiến và trinh sát áp dụng mọi biện pháp để nắm được tình hình. Kiếc-pô-nô-xơ thường ghé vào trung tâm thông tin liên lạc. Puốc-ca-ép cũng không rời khỏi đây. Chỉ có N. X. Khơ-rút-sốp là vẫn ngồi nguyên trong văn phòng. Các phái viên từ Ki-ép và từ các tỉnh lỵ trong nước cộng hòa không ngớt tới đây để giải quyết những vấn đề tiếp tục động viên toàn dân đánh trả quân xâm lược.

Mãi chiều ngày 27 tháng Sáu, chúng tôi mới nắm rõ hơn một chút về tình hình ở sườn phía Nam tập đoàn quân 5. Những phái viên được cử tới các quân đoàn cơ giới 8 và 15 đã trở về. Anh em cho biết những chỉ lệnh luôn thay đổi của chúng ta làm các đơn vị bận túi bụi. Hồi đêm, sau khi nhận được mệnh lệnh rút lui, một số sư đoàn nhổ trại và được các đội cảnh giới yểm hộ, đã bắt đầu chuyển về phía đông. Sau đó, lại có lệnh phải quay lại và tiếp tục công kích ở những hướng đã quy định trước đây. Ri-a-bư-sép và Éc-mô-la-ép vừa mới giữ được các đơn vị đang rút lui thì nhận được lệnh mới, phải đổi hướng công kích. Các quân đoàn trưởng lại bắt đầu chuyển ngay các sư đoàn sang hướng mới, mà làm được việc đó quả là không dễ dàng. Khi Va-su-ghin đến sở chỉ huy gặp tướng Ri-a-bư-sép, đồng chí đang ngợp trong nhiệm vụ đó. Vốn nhiệt tình và cương quyết, Va-su-ghin đã gay gắt chỉnh quân đoàn trưởng về sự chậm trễ và yêu cầu gấp rút thành lập cụm cơ động. Cụm này gồm sư đoàn xe tăng 34 của đại tá I. V. Va-xi-li-ép và trung đoàn mô-tô của quân đoàn. Chính ủy lữ đoàn N. C. Pô-pen được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm này đã nhanh chóng điều cụm cơ động dọc theo đường nhựa Brô-đư – Đúp-nô. Khởi đầu có nhiều hứa hẹn, trung đoàn xe tăng của trung tá P. I. Vôn-cốp trong một trận đánh ác liệt nhưng ngắn gọn, đã thanh toán được tiểu đoàn bộ binh cơ giới và một đại đội xe tăng của bọn Đức ở gần làng Gra-nốp-ca rồi lao về thị trấn Véc-ba, điểm tựa cuối cùng của bọn phát-xít ở cửa ngõ đi Đúp-nô.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:15:26 am »

Chính ủy quân đoàn Va-su-ghin, sau khi biết là quân đoàn cơ giới của Ri-a-bư-sép đã tiến công, lại lên xe. Vấp phải bao nỗi khó khăn, lại có nguy cơ đụng độ với toán lĩnh Đức nào đó đã lọt vào sau lưng ta, đồng chí tới được quân đoàn cơ giới 15. Nhưng ở đây, ngay cả tính kiên trì của đồng chí cũng không đem lại kết quả. Quân đoàn bị các đợt công kích liên tục của địch kiềm chế chặt, không thể lao lên tiến công được. Va-su-ghin trở về Tác-nô-pôn lòng nặng trĩu. Chúng tôi cũng không giúp được đồng chí bớt nỗi lo âu. Tình hình ở cánh phải phương diện quân vẫn mù mịt. Chúng tôi không nắm được kết quả tiến công của các quân đoàn cơ giới của Rô-cô-xốp-ki và Phê-cơ-len-cô. Liên lạc với Ri-a-bư-sép bị đứt, và không rõ đồng chí có chiếm lại được Đúp-nô không. Tư lệnh tập đoàn quân 16 cũng không cho biết đồng chí có thành lập được lá chắn đáng tin cậy để đối phó với cụm quân địch đã lọt vào Ô-xtơ-rốc hay không.

Liên lạc không ổn định nên buộc bộ tư lệnh phải phái đi khắp nơi những đại biểu có trách nhiệm: A. I. Mi-khai-lốp, M. A. Pác-xê-gốp, C. P. Pốt-la-xơ, A. Ph. I-lin – Mi-tơ-kê-vích. Nhiều cán bộ tham mưu phương diện quân, và trước hết, dĩ nhiên, là các cán bộ ở phòng tác chiến và trinh sát, luôn luôn trên đường công tác. Phòng chúng tôi thường chỉ còn lại năm sáu người, phải gánh trên vai toàn bộ một khối lượng công tác lớn liên quan đến việc thu thập tin tức và bảo đảm chỉ huy bộ đội. Được biên chế theo thời chiến, phòng có mở rộng, nhưng chỉ được lấy những người tình cờ. Vì vậy mà thời kỳ đầu, khi những đồng chí mới đang còn làm quen với công việc thì những cán bộ có kinh nghiệm phải làm việc bằng hai. Tướng Pa-ni-u-khốp đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Đồng chí cho tôi một số cán bộ ở phòng huấn luyện chiến đấu của đồng chí. Anh em chưa có kinh nghiệm làm công tác tác chiến, nhưng nắm được tình hình các đơn vị. Những cán bộ xuất sắc hơn cả là những đồng chí đã đứng tuổi, các thiếu tá Pri-bư-xki, Xáp-tsúc, các đại úy Mai-ô-rốp, Ma-xi-úc.

Tôi rất vui mừng khi trong hoàn cảnh này, sáng sớm ngày 28 tháng Sáu, N. Đ. Da-khơ-va-ta-ép, người bạn cũ của tôi, đã đến với mình.

- Chào đồng chí đại tá! – đồng chí mở đầu trang trọng. – Tôi đến công tác, làm nhiệm vụ phó phòng của đồng chí. – Rồi, nụ cười rộng mở: - Chào I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích! Thế là chúng ta lại cùng bên nhau.

Vì bất ngờ, tôi không thốt lên lời và chỉ ôm chặt đồng chí. Trong lúc khó khăn lại có được người phụ tá tuyệt với, thế này thật là hạnh phúc.

Đường đời chúng tôi thật giống nhau. Tuổi tác gần như nhau, trong chiến tranh thế giới thứ nhất, đều là sĩ quan quân đội Nga, gần như gia nhập Hồng quân cùng một lúc. Tôi tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-dê năm 1934, còn Da-khơ-va-ta-ép thì sau một năm. Năm 1938, tôi học xong ở Học viện Bộ Tổng tham mưu và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm sau, Da-khơ-va-ta-ép cùng công tác với tôi. Năm 1940, tôi về đặc khu Ki-ép. Chưa đầy một năm sau, đồng chí cũng lại tới đó.

Da-khơ-va-ta-ép là một người dễ mến, vẻ ngoài đặc Nga. Tôi luôn luôn tin và khả năng của đồng chí, và tôi đã không lầm. Về sau, đồng chí nổi tiếng với cương vị tư lệnh tập đoàn quân xung kích 1 là đơn vị đã ghi vào lịch sử các Lực lượng vũ trang Liên Xô những trang anh hùng.

Ngày 28 tháng Sáu, phó phòng của tôi được cử tới gặp Pô-ta-pốp. Đồng chí phải tìm hiểu tình hình tại chỗ và giúp đỡ trong điều kiện có thể việc giải quyết nhiệm vụ chung của các đơn vị cánh phải phương diện quân chúng tôi.

Do vẫn chưa nắm được tình hình ở vùng Ô-xtơ-rốc, tư lệnh phương diện quân quyết định đưa các lực lượng dự bị của mình tới tuyến phòng ngự chéo đã chuẩn bị theo đường Xta-rô-côn-xtan-ti-xốp, Ba-da-li-a, Nô-vưi Vi-snê-vét, đề phòng các đơn vị phát-xít từ khu vực Ô-xtơ-rốc quay về phía Nam, đánh vào sau lưng lực lượng chủ yếu của phương diện quân. Lực lượng dự bị gồm có quân đoàn cơ giới 24, sư đoàn bộ binh 199 và ba lữ đoàn pháo chống tăng lúc đó đã được tổ chức xong.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:15:44 am »

Chỉ huy các binh đoàn dự bị được gọi gấp về bộ tham mưu. Trong có thiếu tướng V. I. Tsi-xti-a-cốp, bạn tôi, một kỵ sĩ cũ, bạn chiến đấu của anh hùng Cô-tốp-xki. Chúng tôi biết nhau từ năm 1924, hồi cùng học ở Trường cao đẳng kỵ binh. Lúc này, Tsi-xti-a-cốp đang chỉ huy quân đoàn cơ giới 24. Tới Tác-nô-pôn, đồng chí lập tức tìm tôi và hỏi về những tin mới nhất ở chiến trường. Khi nói tới nhiệm vụ của quân đoàn, Tsi-xti-a-cốp tỏ ý lo lắng về sườn phải của mình. Giúp bạn yên lòng, tôi cho đồng chí biết là bên phải quân đoàn của đồng chí – tại khu vực cố thủ Ô-xtơ-rô-pôn, sẽ có lữ đoàn đổ bộ đường không 1. Chính lữ đoàn này sẽ yểm hộ cho sườn phải của đồng chí.

- Vấn đề không chỉ như vậy, - Tsi-xti-a-cốp thở mạnh. – Quân đoàn của mình chưa được như mong muốn. Chúng tôi mới bắt tay vào thành lập. Chúng mình chưa kịp nhận xe tăng mới, ô-tô không có, trang bị lại kém… Do vậy, anh bạn ạ, nếu thấy bọn mình đánh chưa tốt thì cũng dừng phán xét khe khắt đấy. Cậu nhớ rằng bọn mình sẽ làm hết sức.

Lúc chia tay, tôi sực nhớ là ở quân đoàn của Tsi-xti-a-cốp, có đồng chí Xác-ki-xi-an, sư đoàn trưởng sư đoàn cơ giới 216, là bạn đồng ngũ với tôi hồi cùng ở trung đoàn kỵ binh Lê-ni-na-can. Tôi hỏi thăm đồng chí ấy. Tsi-xti-a-cốp say sưa nói về đại tá Xác-ki-xi-an. Một chỉ huy xuất sắc, được chiến sĩ yêu mến.

Thật phấn khởi khi được nghe những ý kiến như vậy nói về đồng chí. Những nhận xét của tôi về Xác-ki-xi-an khi đồng chí còn là đại đội trưởng kỵ binh trong trung đoàn tôi quả rất đúng. Là một kỵ sĩ gan dạ và một con người có tâm hồn, đồng chí có trí tuệ linh lợi và sắc sảo như nắm bắt mọi điều rất nhanh, sử dụng thành thạo mọi loại vũ khí và rất am hiểu về chiến thuật. Chiến sĩ say mê, sẵn sàng nghe đồng chí kể những câu chuyện sâu sắc, giàu hình ảnh, hấp dẫn hàng giờ liền.

- Anh ấy có khả năng dùng lời lẽ kích động lòng người, - Tsi-xti-a-cốp nói, - Mà lúc này điều đó lại rất cần.

Tôi rất muốn gặp lại Xác-ki-xi-an. Nhưng không còn dịp nữa. Ngời bạn can trường của tôi đã anh dũng hy sinh trong những trận chiến đấu ác liệt hồi tháng Bảy.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Tsi-xti-a-cốp và chỉ huy các binh đoàn khác được điều ra tuyến chéo đã lên đường. Sau này mới rõ là chúng tôi sớm vội tung lực lượng dự bị lớn cuối cùng của mình tới đây. Trong những ngày đó, bộ chỉ huy phát-xít không có ý định đưa cánh quân xung kích chủ yếu của chúng xuống phía Nam. Địch lao thẳng về Ki-ép. Tinh thần chủ động và nghị lực của tư lệnh tập đoàn quân M. Ph. Lu-kin đã cứu giúp chúng tôi. Một sĩ quan phòng tác chiến hồi đêm từ tập đoàn quân 16 trở về đã kể cho chúng tôi nghe điều đó.

Tướng Lu-kin thấy rõ ngay hậu quả tai hại của việc bọn Đức đột phá tới Ô-xtơ-rốc. Đồng chí lập tức báo động cho trung đoàn bộ binh cơ giới 381 của trung tá A. I. Pô-đô-pin-gô-ra lúc này đang chuẩn bị lên tàu và điều nó đi đón địch. Sau đó, tư lệnh tập đoàn quân bắt đầu điều về Ô-xtơ-rốc cả những binh đội khác của sư đoàn cơ giới 109 thuộc quân đoàn cơ giới 5 đã lên tàu. Dù sao thì vẫn chưa đủ lực lượng. Nhưng Lu-kin, một con người kiên quyết và thật nghiêm khắc, đã nắm chắc mọi lực lượng đóng quân ở gần đây. Công việc còn phức tạp ở chỗ tư lệnh tập đoàn quân không có cơ quan tham mưu giúp việc vì cơ quan đã chuyển sang Phương diện quân Tây. Nhưng điều đó cũng không làm cho Lu-kin lúng túng. Với những cán bộ chỉ huy có trong tay, đồng chí lập ra một cơ quan chỉ huy nhỏ. Phương tiện liên lạc chỉ còn lại một vài chiếc xe con và mô-tô. Nhưng không sao. Những phụ tá của tư lệnh tập đoàn quân là những người tháo vát và xông xáo của các phân đội sau những trận chiến đấu ác liệt với xe tăng địch, để tập hợp và cỗ vũ anh em. Thì ra ở đây cũng có những chiến sĩ pháo binh đã mang theo được cả súng nòng dài, có thể nói là ngay trước mũi xe tăng địch. Các khẩu đội được bổ sung bằng các chiến sĩ bộ binh, chiến sĩ thông tin liên lạc, tìm ra những khẩu đội trưởng và trung đội trưởng pháo binh còn thiếu. Thành lập được ba tiểu đoàn pháo binh. Tư lệnh tập đoàn quân đã gửi toàn bộ lực lượng thu thập được bằng cách này về gần Ô-xtơ-rốc. Như vậy là ngay trong tiến trình triển khai chiến đấu, chúng ta thấy xuất hiện một liên binh đoàn mới mà trong các bản thông báo và báo cáo gọi là cụm tác chiến của Lu-kin. Ít lâu sau, cụm có thêm sư đoàn bộ binh cơ giới 213 vừa rúi lui về đây. Toàn bộ đòn đột kích của các đơn vị xe tăng và cơ giới phát-xít đột phá trên hướng Ô-xtơ-rốc – Sê-pê-tốp-ca đã chĩa vào cụm của Lu-kin, nhưng đều bị chặn lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:18:20 am »

Đây chưa phải là tin vui mừng duy nhất của chúng tôi. Cuối ngày, tướng Ri-a-bư-sép báo cáo rằng những binh đội tiền tiêu của quân đoàn đồng chí đã đánh tan địch và vừa chiến đấu vừa tiến vào Đúp-nô. Nhưng đồng chí không thông báo gì về các quân đoàn cơ giới 9 và 19. Không hiểu tại sao các quân đoàn này không tới được thành phố.

Thắng lợi của quân đoàn cơ giới 8 phần nào đã gây được khí thế cho chúng tôi. N. N. Va-su-ghin tươi tỉnh. Không chờ những tin tức về tình hình các đơn vị của tập đoàn quân 5, Kiếc-pô-nô-xơ ra lệnh ngày 28 tháng Sáu lại tiếp tục cuộc tổng tiến công nhằm đánh tan tập đoàn xe tăng địch đang hoạt động ở hướng Đúp-nô – Ô-xtơ-rốc. Những binh đoàn còn dồi dào sinh lực mới từ phía trong ra được phái tới chi viện cho những đơn vị đang chiến đấu. Địch sẽ bị công kích từ ba hướng: các quân đoàn cơ giới 9 và 19 đánh từ hướng Đông – Bắc; các lực lượng của quân đoàn cơ giới 8 và 15, quân đoàn bộ binh 36 và 37 cùng quân đoàn kỵ binh 5 (sư đoàn kỵ binh 14) đánh từ hướng Tây – Nam; cụm của tướng Lu-kin đánh từ hướng Đông.

Mệnh lệnh chiến đấu ký hồi 4 giờ sáng đã được gửi xuống các đơn vị. Đã có thể vững lòng là tới đây sẽ đạt được một bước ngoặt. Nhưng bức tranh thuận lợi trên bản đồ tham mưu lại khác xa so với thực tế.

Quá báo cáo của Pô-ta-pốp, chúng tôi biết là cơ quan tham mưu tập đoàn quân 5 cho đến giờ vẫn chưa thể khôi phục được liên lạc bị cắt đứt với các đơn vị. Do đó vẫn chưa nắm được tình hình các quân đoàn bi 15, 27 và quân đoàn cơ giới 22.

Tướng Rô-cô-xốp-xki cho biết quân đoàn cơ giới 9 của đồng chí trong trận chiến đấu với tập đoàn xe tăng địch đã bị thiệt hại đáng kể, nhất là vì những trận tập kích ồ ạt của không quân địch, và buộc phải lui về phía Rô-vơ-nô. Sư đoàn xe tăng 20 của quân đoàn tiến quân ở phía trước mới thoát vây khỏi quân phát-xít nhờ tinh thần tự chủ của đại tá M. V. Tséc-ni-a-ép, quyền sư đoàn trưởng, và các trung đoàn trưởng.

Quân đoàn cơ giới 19 cũng gặp khó khăn. Bị các lực lượng xe tăng lớn tiến công, quân đoàn vừa chiến đấu ác liệt vừa rút từ Đúp-nô về Rô-vơ-nô.

Hóa ra, chúng tôi vui mừng quá sớm với tin quân đoàn cơ giới 8 tiến được về Đúp-nô. Quân đoàn đã lao vào nơi đang là “tử địa” và giờ đây bị khóa chặt ở đấy như bị mắc bẫy. Sĩ quan liên lạc của chúng tôi không thể lọt vào Đúp-nô được – chỗ nào cũng vấp phải đội cảnh giới của địch. Chúng tôi đã phái một cán bộ chỉ huy thuộc bộ tham mưu đáp máy bay tới. Không thấy đồng chí trở về…

Mọi việc đều bất lợi cho chúng tôi. Bị cuốn hút vào việc tổ chức phản đột kích, chúng tôi đã dốc toàn bộ lực lượng vào đó, nên như trước kia, tuyến các khu vực cố thủ cũ vẫn không có bộ đội.

Đại bản doanh cũng nắm được tình thế nguy hiểm đó. Không hy vọng vào việc chúng tôi có thể kìm được dòng thác xe tăng địch, Mát-xcơ-va bắt đầu áp dụng những biện pháp cấp bách, ra lệnh đặt khu vực cố thủ Ki-ép thuộc quyền chỉ huy của tướng I. X. Cô-nép, tư lệnh tập đoàn quân 19. Đồng chí được chỉ thị phải gấp rút tập trung bộ đội tại những cửa ngõ thủ đô U-cra-i-na theo tuyến Goóc-nô-xtai-pôn, Ma-ca-rốp, Pha-xtốp, Bê-lai-a Txéc-cốp, Tơ-ri-pô-li-e và tổ chức phòng ngự ở đây trong những ngày 29 và 30 tháng Sáu.

Có lẽ, Đại bản doanh cho rằng chúng tôi không đủ lực lượng để đánh bại cánh quân xung kích của cụm tập đoàn quân “Nam” và tiến được ra biên giới. Chứng minh cho điều này là bức điện yêu cầu chuyển cho các sư đoàn trưởng bộ binh 87 và 124 vẫn tiếp tục chiến đấu ở biên giới mệnh lệnh “Để các khí tài lại, đem chôn chúng và mang vũ khí xách tay, băng rừng tới Cô-ven”.

Kiếc-pô-nô-xơ cho gọi tướng A-xta-khốp, đại tá Bôn-đa-rép và ra lệnh bằng mọi cách – bằng máy bay và qua các chiến sĩ trinh sát – chuyển bằng được mệnh lệnh đó tới các sư đoàn đang bị bao vây. Lòng tôi nặng trĩu, bởi dẫu có chuyển được lệnh thì liệu các binh đoàn có vượt qua nổi hàng rào các đơn vị phát-xít dày đặc kia không?

Suốt đêm rạng ngày 29 tháng Sáu, chúng tôi cố gắng tìm hiểu tình hình và động thái của các đơn vị ở cánh phải phương diện quân. Cuối cùng, đại tá Da-khơ-va-ta-ép ở tập đoàn quân 5 trở về. Chuyến di công tác của đồng chí gặp nhiều gian truân: tư lệnh tập đoàn quân Pô-ta-pốp hiện ở cách chúng tôi một dải đất rộng đã bị tập đoàn xe tăng địch thọc sâu chiếm đóng. Trên đường về, máy bay của Da-khơ-va-ta-ép bị trúng đạn, phải hạ cánh bắt buộc. Đồng chí phải dùng ô-tô đi vòng qua Sê-pê-tốp-ca.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:18:38 am »

Dơ-khơ-va-ta-ép không mang về tin vui. Quân đoàn bộ binh 15 và các binh đội thuộc quân đoàn cơ giới 22 đã phải bỏ Cô-ven rút ra qua sông Xtô-khốt. Tôi sực nhớ: các sư đoàn bộ binh 87 và 124 đang phòng ngự anh dũng ở biên giới lại được lệnh phá vây tiến đến chính Cô-ven!

Theo báo cáo của Da-khơ-va-ta-ép, sư đoàn bộ binh 135 thuộc quân đoàn bộ binh 27, quân đoàn bộ binh 31 và quân đoàn cơ giới 9 chiến đấu rất ác liệt và khó khăn lắm mới kìm được cánh quân địch đang tiến mạnh từ phía Nam tới đường cái Lút-xcơ – Rô-vơ-nô, quân đoàn cơ giới 19 phải chống chọi với địch ngay ở ngoại vi Rô-vơ-nô.

Da-khơ-va-ta-ép cũng đến cả chỗ Lu-kin. Trước nguy cơ địch đột phá vào Sê-pê-tốp-ca, tư lệnh tập đoàn quân vội cho các binh đoàn thuộc quân đoàn cơ giới 5 lên tàu và đến Phương diện quân Tây. Chỉ có sư đoàn cơ giới 109 của quân đoàn này với những phân đội đã vội vã tập hợp được đang chiến đấu ở gần Ô-xtơ-rốc. Thật ra, các đơn vị chiến đấu rất kiên cường, nhưng Lu-kin kêu rằng lực lượng thuộc cụm đồng chí ngày một giảm sút và khó nói rằng các đơn vị có thể đứng vững được hai ba ngày nữa. Chỗ dựa chính của đồng chí là sư đoàn cơ giới 109, ngay trong đợt phản kích đầu tiên đã bị tổn thất lớn. Đại tá N. P. Cra-xnô-rét-xki, một sư đoàn trưởng dũng cảm, bị thương nặng. Tuy bị thiệt hại lớn nhưng tinh thần và ý chí của anh em vẫn vững vàng. Họ vẫn lao vào chiến đấu, hết trận này đến trận khác. Các trung đoàn trưởng đi trong hàng những chiến sĩ xung kích, đã cổ vũ được cấp dưới bằng tấm gương dũng cảm của chính mình. Vấp phải sức kháng cự quyết liệt, các đơn vị phát-xít buộc phải dừng lại ở đây. Nhưng chúng cũng phát hiện được ngay chỗ trận tuyến bị đứt giữa cụm tác chiến của Lu-kin và quân đoàn bộ binh 36, mà sườn phải của quân đoàn chấm dứt ở phía Đông – Nam Đúp-nô, dựa vào con sông Ích-va. Bọn phát-xít đã lao vào lỗ hổng đó.

Chặn địch như thế nào đây? Tư lệnh, Hội đồng quân sự và bộ tham mưu phương diện quân nóng lòng tìm lối thoát. Lực lượng để tổng tiến công rõ ràng không có. Chuyển sang phòng ngự trên toàn tuyến vào lúc này cũng vẫn không cứu vãn được tình thế. Đề nghị Đại bản doanh cho phép rút bộ đội về tuyến những khu vực cố thủ cũ ư? Điều đó e chừng quá sớm.

Tướng Kiếc-pô-nô-xơ hạ quyết tâm vừa tiếp tục hành động tích cực để kiềm chế những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân Đức 6, vừa tăng cường đột kích vào những binh đoàn xe tăng của Clai-xtơ đã thọc vào vùng Ô-xtơ-rốc, và như vậy, buộc chúng phải ngừng tiến công.

Mệnh lệnh chiến đấu mới đã chuẩn bị xong thì đại tá E. Đ. Ne-xtê-rốp, phó sư đoàn trưởng sư đoàn xe tăng 12, và chính ủy trung đoàn V. V. Vôn-cốp, chính ủy binh đoàn này, lao tới sở chỉ huy của phương diện quân. Cả hai đều buồn bã. Các đồng chí báo cáo quân đoàn cơ giới 8 đang lâm vào tình thế cực kỳ nghiêm trọng. Một bộ phận lớn do chính ủy lữ đoàn Pô-pen chỉ huy đang chiến đấu trong vòng vây. Quân đoàn bị tổn thất nặng, những người còn lại bị kiệt sức vì chiến đấu liên miên.

Trong lúc đang nói chuyện, có mặt Puốc-ca ép và tôi, thì Va-su-ghin bước vào. Chúng tôi thấy đồng chí trở nên xanh xao, nhưng không coi điều đó có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi cho rằng đồng chí đang buồn phiền vì thất bại mà bản thân mình có lỗi một phần trong đó. Không ai có thể ước đoán nỗi đau ấy của đồng chí mạnh đến mức nào. Không đợi hết câu chuyện, Va-su-ghi ra về.

Còn chúng tôi phải xem xét lại tất cả. Rõ ràng không thể dựa vào quân đoàn cơ giới 8 được nữa. Tư lệnh cho lệnh rút những binh đội còn lại của quân đoàn ra khỏi trận chiến đấu. nếu thế thì cuộc tiến công của quân đoàn cơ giới 15 lúc này thấm mệt cũng sẽ mất ý nghĩa. Toàn bộ tập đoàn xung kích của ta bị yếu hẳn đi vì thiếu hai quân đoàn đó. Bây giờ có thể giao cho các đơn vị nào nhiệm vụ đánh tan các đơn vị xe tăng địch đã đột nhập Ô-xtơ-rốc? Mọi hy vọng đều trong đợi ở tập đoàn quân của Pô-ta-pốp. Có thể chi viện hợp sức cho tập đoàn quân của Pô-ta-pốp lúc này thì ngoài không quân của phương diện quân ra, chỉ còn quân đoàn bộ binh 36 và cụm tác chiến của tướng Lu-kin. Tư lệnh ấn định ngày 1 tháng Bảy, những lực lượng này bắt đầu chuyển sang tổng tiến công.

Tướng Kiếc-pô-nô-xơ giao cho tôi báo cáo quyết tâm của đồng chí cho các ủy viên Hội đồng quân sự. Cầm bản đồ công tác và những ghi chép của mình, tôi đến chỗ N. X. Khơ-rút-sốp. Đồng chí đang rất buồn. Nghe tôi báo cáo xong, đồng chí không chút do dự nhất trí với những biện pháp đã định. Biết tôi sẽ đến chỗ Va-su-ghin, Khơ-rút-sốp buồn rầu bảo:

- Đừng đến. Bây giờ không phải báo cáo với đồng chí ấy nữa. đồng chí đã chiến đấu xong…

Va-su-ghin đã tự sát. Đồng chí là một người trung thực, có nghị lực, không thỏa hiệp, nhưng đa cảm và dễ bị xúc động mạnh. Những thất bại nặng nề đã đè bẹp đồng chí…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:19:00 am »

Trong lúc chúng tôi đang vắt óc nghĩ tìm cách tập trung sao cho được nhiều lực lượng để tiếp tục cuộc phản đột kích vào ngày 1 tháng Bảy thì Mát-xcơ-va luôn luôn chất vấn và gọi đến máy đàm thoại. Chúng tôi cảm thấy Đại bản doanh đang lo lắng về tình hình ở phương diện quân chúng tôi.

Tướng M. N. Sa-rô-khin, phó cục trưởng cục tác chiến, gọi tôi tới máy điện báo. Trong vòng mấy phút, máy điện báo đã vang lên các câu hỏi: “Những gì đang xảy ra ở vùng Đúp-nô, Lút-xcơ, Rô-vơ-nô? Xe tăng địch ở vùng này đã vào đến đâu? Pô-ta-pốp đang ở đâu? Quân đoàn bộ binh 15 của đồng chí ấy ở đâu? Kết quả phản đột kích của các quân đoàn cơ giới 8 và 15 ra sao?”.

Tất nhiên, tôi không thể trả lời đầy đủ hết những câu hỏi đó. Tôi báo cáo quân đoàn bộ binh 15 đã bỏ Cô-ven và đang rút lui tới sông Xtơ-khốt. Hiện còn đang chưa rõ quân đoàn đã tới được sông hay chưa. Các quân đoàn cơ giới 8 và 15 phản đột kích đã thu hút một lực lượng đáng kể của tập đoàn địch đang đột phá tới Rô-vơ-nô và Ô-xtơ-rốc, nhưng đã bị thiệt hại nặng trong chiến đấu. Một bộ phận lực lượng của quân đoàn cơ giới 8 bị hợp vây ở vùng Đúp-nô. Những quân đoàn này đã được quyết định rút về làm lực lượng dự bị.

Tướng Sa-rô-khin gạn hỏi tôi khá lâu. Có lẽ, những câu trả lời của tôi không làm Bộ Tổng tham mưu hài lòng. Một lát sau, trên băng điện báo lại xuất hiện: “Giu-cốp đang ở bên máy. Mời Kiếc-pô-nô-xơ đến máy gấp”.

Kiếc-pô-nô-xơ cũng báo cáo những tin tức như tôi. Đồng chí chỉ nói thêm là quân đoàn bộ binh 36 đang chuyển sang phòng ngự bên bờ Đông sông Ích-va trên chính diện Dơ-bư-tưn, Xu-dô-vi-tse, còn sư đoàn kỵ binh 14 chiếm lĩnh tuyến Crê-mê-nét, Đu-na-i-úp. Giu-cốp hỏi bộ tư lệnh phương diện quân có định đưa cả quân đoàn cơ giới 24 vào vùng Crê-mê-nét không và giải thích: “Đồng chí bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng lệnh cho tôi chuyển cho đồng chí là cần chú ý bảo đảm các đường giao thông của mình ở phía Nam tuyến Xla-vu-ta, Crê-mê-nét, vì địch có thể ngoặt sang Tây - Nam và tiến vào phía sau các quân đoàn bộ binh 36 và 37”.

Kiếc-pô-nô-xơ liếc nhìn tôi:

- Tôi đã nói như thế rồi!

(Trước đây ít lâu, M. P. Kiếc-pô-nô-xơ và M. A. Puốc-ca-ép không nhất trí về vấn đề này. Kiếc-pô-nô-xơ cho rằng bộ chỉ huy phát-xít nhất định sẽ say sưa với triển vọng tiến tới đường giao thông của các tập đoàn quân 6 và 26 của chúng ta nhằm cắt họ tách khỏi các khu vực cố thủ ở trên đường biên giới. Còn Puốc-ca-ép đã phủ nhận khả năng đó và cho rằng bộ chỉ huy phát-xít sẽ làm tấp cả để đột nhập vào Ki-ép. Song tư lệnh vẫn giữ ý kiến của mình và điều quân đoàn cơ giới 24, sư đoàn bộ binh 199 và ba lữ đoàn pháo chống tăng tới tuyến Xta-rô-côn-xtan-ti-nốp, Nô-vưi Vi-snê-vét).

Máy điện báo vẫn tiếp tục truyền lệnh của Tổng tham mưu trưởng: “Do Hung-ga-ri vi phạm biên giới nên cần tổ chức quan sát chặt chẽ và trinh sát hướng Mu-ca-tse-vô. Đồng chí bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng đặc biệt yêu cầu phải bịt chặt cửa mở ở khu vực Lút-xcơ, Xta-ni-xláp-tsích để cô lập tập đoàn cơ giới địch đã đột phá. Đồng thời phải đánh bại chúng ở vùng Ô-xtơ-rốc, Đúp-nô, Rô-vơ-nô. Do đó, cần điều tất cả những binh đội xe tăng của Lu-kin về các hướng Dơ-đôn-bu-nốp và Mi-dô-tsơ. Buộc Ri-a-bư-sép phải tiến công thực sự, nhất là bằng xe tăng CV và T-34”.

Kiếc-pô-nô-xơ trả lời rằng Lu-kin hầu như đã điều toàn bộ các binh đội xe tăng của mình về Phương diện quân Tây, còn quân đoàn cơ giới của Ri-a-bư-sép đã bị kiệt quệ hẳn.

Nhưng Giu-cốp nhấn mạnh Đại bản doanh yêu cầu phải hết sức chú ý tới sự phát triển của những sự kiện trên hướng Sê-pê-tốp-ca, tức là ở khu vực ở cụm Lu-kin, và “phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan khả năng tiêu diệt cánh quân địch đã đột phá”. Kết thúc cuộc nói chuyện, Giu-cốp thông báo cho Kiếc-pô-nô-xơ về tình hình ở các phương diện quân bạn. Sự đánh giá của đồng chí khá lạc quan: “Đơn vị bạn bên phải (Phương diện quân Tây), tình hình đang tốt lên. Các binh đội đã vào nền nếp: đã nắm được và đưa về đường biên giới cũ. Địch chưa đột phá khu vực cố thủ Min-xcơ. Min-xcơ vẫn ở trong tay chúng ta… Các binh đội cơ giới của Páp-lốp(1) gồm bốn quân đoàn cơ giới hiện đang chuẩn bị đánh bại các quân đoàn cơ giới địch ở vùng Xlút-xcơ. Đồng chí Xta-lin đặc biệt yêu cầu và đòi hỏi tiến đánh các quân đoàn địch từ phái sau, cắt đường vận chuyển của chúng. Các đồng chí cũng có cơ hội như thế, và chúng ta có thể cho quân địch đang dương dương tự đắc một bài học đích đáng”

Một kế hoạch thật hấp dẫn, nhưng chúng tôi không có khả năng thực hiện. Ngay từ ngày đầu chiến tranh, các đơn vị chúng tôi đã phải gánh chịu quá sức, không thể gượng đứng lên được.


(1) Tư lệnh Phương diện quân Tây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2016, 08:20:17 am »

Máy điện báo lại vang lên tín hiệu. Giu-cốp thông báo “Phê-đô-ren-cô(1) đã gửi cho các đơn vị phụ tùng của xe tăng. Hay theo dõi chúng đang trên đường đi”.

Tin này làm Kiếc-pô-nô-xơ vui lòng, bởi phần lớn những xe tăng cũ dùng để huấn luyện – chiến đấu hiện không sử dụng được do thiếu phụ tùng.

Nhiệm vụ hôm đó Mát-xcơ-va giao cho bộ đội cánh phải phương diện quân chúng tôi nói chung đáp ứng được tình hình, nhưng thực hiện được quả là rất khó. Lúc ấy, tập đoàn quân 5 phải trả giá bằng những nỗ lực rất lớn mới kiềm chế được cuộc tiến công của địch. Tập đoàn quân không còn khả năng hành động tích cực nữa. Việc đánh giá quá cao khả năng của cụm Lu-kin cũng là không có cơ sở. Những đơn vị với quân số ít hỏi và được tổ chức vội vã của đồng chí lại nằm ở mũi nhọn đột kích chủ yếu của quân phát-xít, buộc chúng tôi phải kinh ngạc là làm thế nào mà các đơn vị ấy vẫn còn trụ bám được. Có lẽ, Bộ Tổng tham mưu cho rằng Lu-kin sẽ tung các sư đoàn xe tăng của mình vào tiến công. Nhưng các binh đoàn xe tăng ấy lại đã được điều về Phương diện quân Tây. Dưới quyền Lu-kin chỉ cón lại một trung đoàn xe tăng. Với lực lượng ít ỏi như vậy, đồng chí đã làm thế nào để kiềm chế được cuộc tiến công của dòng thác xe tăng địch trong suốt một tuần lễ Điều đó đòi hỏi ở những cán bộ chỉ huy biết bao nghị lực và quyết tâm! Chiến sĩ đã biểu lộ biết bao ý chí kiên cường và tinh thần hy sinh quên mình cao cả!

Tư lệnh phương diện quân lệnh cho tôi mang bản ghi cuộc nói chuyện của đồng chí với Giu-cốp. Lúc này, trong phòng làm việc của đồng chí có Khơ-rút-sốp và Puốc-ca-ép. Kiếc-pô-nô-xơ bảo tôi đọc băng điện báo. Sau khi trao đổi ý kiến, tất cả đi đến nhất trí rằng quyết tâm của ngày hôm nay – ngày 1 tháng Bảy lại tiếp tục phản đột kích ở cánh phải phương diện quân – là hoàn toàn phù hợp với những chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng.

Trong mệnh lệnh chiến đấu định kỳ giao nhiệm vụ cho tập đoàn quân 5 trong ngày 1 tháng Bảy phải đột kích từ vùng Tsu-man, Xtáp-xcơ, Clê-van (ở phía Tây – Bắc Rô-nơ-vô) nhằm chia cắt tập đoàn cơ giới địch đã đột nhập ở Rô-vơ-nô và thanh toán chỗ cửa mở giữa tập đoàn quân 5 và 6.

Mệnh lệnh yêu cầu tướng Mu-dư-tsen-cô sử dụng những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân trụ bám trên tuyến các điểm dân cư Đúp-nô (ở phía Đông – Nam Đúp-nô), Crê-mê-nét, Dô-lô-tsép, Bô-brơ-ca.

Các tập đoàn quân 26 và 12 vẫn còn chiến đấu ở gần biên giới nên bị tách khỏi những lực lượng chủ yếu của phương diện quân, được lệnh rút về phía Đông để bám trụ ở tuyến Boóc-sốp, Giu-ráp-nô (đối với tập đoàn quân của tướng Cô-sten-cô), Vi-sni-úp, Ca-lu-sơ (đối với tập đoàn quân của tướng Pô-nê-đê-lin). Để tránh mọi bất nờ có thể xảy ra, chúng tôi đã điều cho tư lệnh các tập đoàn quân một lực lượng dự bị không lớn lắm: hai sư đoàn bộ binh cho tập đoàn quân 26, một sư đoàn bộ binh cho tập đoàn quân 12.

Quân đoàn cơ giới 24 của tướng Tsi-xti-a-cốp hiệp đồng chặt chẽ với sư đoàn bộ binh 199 và ba lữ đoàn pháo chống tăng có nhiệm vụ tiếp tục chuẩn bị tuyến chống tăng chéo trên đường Ô-xtơ-rô-pôn, Cra-xi-lốp, Ba-da-li-a, La-nô-stxư, Vi-snê-vét.

Trước tình hình căng thẳng vào không rõ ràng như vậy, bộ tư lệnh phương diện quân không thể không có lực lượng dự bị mạnh, nên chúng tôi đang cố gắng xây dựng. Các quân đoàn cơ giới 4, 8 và 15 vừa rút khỏi chiến đấu, và cả hai sư đoàn bộ binh thuộc quân đoàn bộ binh 49 đang ở bên trong tiến ra mặt trận được quyết định sử dụng làm lực lượng dự bị. Song, chúng tôi không thể đặt nhiều hy vọng vào những quân đoàn cơ giới bởi chúng đã hoàn toàn kiệt sức.

Không quân của phương diện quân được sử dụng để nhằm giải quyết ba nhiệm vụ chủ yếu: tập kích vào tập đoàn địch đang phát triển tiến công từ Đúp-nô tới Rô-vơ-nô và Ô-xtơ-rốc; chi viện cho các tập đoàn quân đánh trả các cuộc tiến công của xe tăng địch trong quá trình rút về các tuyến mới và cả khi đang bám trụ trên các tuyến ấy; yểm hộ các khu vực tập trung các quân đoàn cơ giới của ta chống máy bay địch bắn phá.

Như vậy là trong mệnh lệnh chiến đấu mới, chúng tôi buộc phải công nhận bộ đội của phương diện quân không còn khả năng tiến công nữa. Và dù mệnh lệnh có nói tới cuộc phản đột kích bằng lực lượng của tập đoàn quân 5, nhưng trên thực tế, vẫn đượm tinh thần phòng ngự.

Các trận chiến đấu diễn ra không còn xa Tác-nô-pôn bao nhiêu. Đã đến lúc chúng tôi phải chuyển sở chỉ huy phương diện quân, nếu không sẽ có nguy cơ rối loạn trong việc chỉ huy bộ đội. Đại tướng Giu-cốp đã báo cho biết trước chính về điều này. Chúng tôi đã quyết định đêm rạng ngày 30 tháng Sáu sẽ chuyển sở chỉ huy về Prô-xcu-rốp. Một buổi tối đầy tất bật: mọi người chuẩn bị tài liệu và những vật dụng cần thiết mang theo để xếp lên ô-tô.

Tôi và một tổ sĩ quan được lệnh ở lại Tác-nô-pôn cho đến khi bộ tham mưu tới địa điểm mới để duy trì liên lạc với các đơn vị. Cho đến gần sáng, khi nhận được thông báo là bộ tham mưu đã tới Prô-xcu-rốp, tổ chúng tôi mới lên đường. Trung tá M. G. Xô-lô-vi-ốp, một phó trưởng phòng của tôi, ở lại sở chỉ huy cũ cho đến khi cơ quan tham mưu tập đoàn quân 6 tới tiếp nhận địa điểm này.


(1) Cục trưởng Cục ô-tô - xe tăng - thiết giáp Hồng quân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2016, 05:33:01 pm »

NHỮNG NGƯỜI DŨNG CẢM NHẤT, KIÊN ĐỊNH NHẤT

Mưa dai dẳng từ tối. Đường đất lầy lội. Rất may là chúng tôi đã tới được con đường rải đá, dù có nhiều ổ gà, vẫn còn có thể đi được. Nhưng đến cửa ngõ Prô-xcu-rốp thì đôi chỗ đường bị lở. Tôi nhớ đoạn đường này đến suốt đời. Đường lượn theo sườn một ngọn đồi cao dọc theo một hẻm sâu, vách đá dựng đứng. Lái xe lấy đà đưa chiếc ZIS-101 lên dốc. Chiếc xe nặng nhọc rú máy, lượn sang hai bên và quăng bùn thật xa. Đến chỗ ngoặt, gần như ngay trên đỉnh đồi, động cơ rú mạnh rồi tắt ngấm. Xe trượt lùi, tuột khỏi mặt đường, vừa tăng tốc độ vừa nhích lên sườn dốc. Đồng chí lái xe mặt tái xanh, ngoảnh lại phái sau, quay tít vô-lăng. Tôi nhớ tới những văn kiện tác chiến quan trọng mang theo. Xách chiếc va-li đựng tài liệu, tôi đã hé cửa định nhảy xuống. Nhưng đôi tay thành thạo đã lái chiếc xe trườn tới chỗ bằng phẳng rồi đứng im. Lái xe chậm rãi đưa tay run run lau khôn mặt ướt đẫm mồ hôi:

- Có lẽ thoát nạn rồi…

Bảo trung úy tùy tùng Bô-khô-rốp kéo chiếc ZIS ra khỏi hẻm, tôi xách chiếc va-li quý giá và khó khăn lắm mới trèo được lên mặt đường rồi đi nhờ chiếc xe gặp đầu tiên. Một lát sau, xe chúng tôi xuống tới đồng bằng và đã lăn bánh trên các phố phường Prô-xcu-rốp (nay là thành phố Khơ-men-nít-xki).

Nằm trên bờ sông Nam Búc, Prô-xcu-rốp là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng. Những con đường uốn khúc chảy về các hướng Tác-nô-pôn, Sê-pê-tốp-ca, Vin-ni-txa, Ca-mê-nét – Pô-đôn-xki. Do đó, tôi có cảm giác là địa điểm mới cho sở chỉ huy không thích hợp lắm. Không quân phát-xít sẽ không bao giờ để yên cho những đầu mối giao thông lớn. Nhưng ở đây, dựa vào những đường dây liên lạc cố định và những nhánh giao thông rộng rãi, việc chỉ huy bộ đội sẽ dễ dàng hơn.

Các đồng chí của tôi đang làm việc căng thẳng. Liên lạc với các tập đoàn quân đã ổn định. Phái viên của chúng tôi ở các đơn vị về báo cáo rằng đã trao mệnh lệnh chiến đấu và các tư lệnh đã bắt tay vào thực hiện.

Lần đầu tiên trong những ngày chiến tranh, chúng tôi đã nám được tình hình ở sườn phía Bắc một cách rõ ràng. Quân đoàn của Phê-đi-u-nin-xki, sau khi rút lui có tổ chức khỏi vùng Cô-ven, đã bám trụ bên gờ phải sông Xtô-khốt và đang đánh lui có kết quả các đợt công kích của địch. Quân đoàn bộ binh 31 đang phòng ngự ở bên trái quân đoàn, trên bờ sông Xtưa. Kiếc-pô-nô-xơ đã lệnh đưa sư đoàn bộ binh 195 của quân đoàn về vùng Tsác-tô-rưi-xcơ, làm lực lượng dự bị của bộ tư lệnh.

Dọc theo đường cái Lút-xcơ – Rô-vơ-nô trên một chính diện dài khoảng 50 ki-lô-mét, các sư đoàn xe tăng thuộc quân đoàn cơ giới 9 vất vả lắm mới đánh lui được địch. Tướng C. C. Rôp-cô-xốp-xki không có khả năng tổ chức tuyến phòng ngự liên tục, nên đã đưa sư đoàn cơ giới của mình về làm thê đội hai để đánh lui những cụm cơ động của địch đột nhập lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Những binh đoàn thuộc quân đoàn cơ giới 19 của tướng N. V. Phê-cơ-len-cô đã chặn được địch trên sông Gô-rưn ở phía Đông Rô-vơ-nô và, sau khi bám trụ trên đường cái Rô-vơ-nô – Nô-vô-grát – Vô-lưn-xki, đã kiên trì đánh lui những đợt công kích của các đơn vị xe tăng và cơ giới phát-xít. Ở phía nam quân đoàn của Phê-cơ-len-cô, những đơn vị của cụm tướng Lu-kin vẫn anh dũng chiến đấu. Thành phố U-ca-i-na cổ kính Ô-xtơ-rốc đã chuyển từ tay quân ta sang tay quân địch mấy lần, và giờ đây, những đơn vị của ta mới bị đánh bật ra khỏi thành phố hôm trước, nay lại đang phản kích địch, cố giành lại những vị trí cũ. Giữa sườn trái của cụm Lu-kin và sườn phải của tập đoàn quân 6 chỉ kéo đến nơi nào ở phía Đông – Nam Đúp-nô, có một cửa mở lớn chỉ do các phân đội trinh sát kiểm soát.

Trong những điều kiện khó khăn ấy, Pô-ta-pốp, tư lệnh tập đoàn quân, cố gắng tổ chức lấy một cụm xung kích cho đòn phản đột kích mới: đồng chí đã rút những binh đội thuộc quân đoàn cơ giới 22 về làm nhiệm vụ thê đội hai và tập trung ở phía Đông – Bắc cách Lút-xcơ 40 ki-lô-mét. Đồng chí cũng rút cả quân đoàn bộ binh 27 mà thực tế chỉ còn một sư đoàn bộ binh 135 và một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 87 (Chúng tôi vẫn chưa có tin về những trung đoàn khác của sư đoàn 87 và các binh đội của sư đoàn bộ binh 123 còn đang chiến đấu ở sau lưng địch. Mọi cố gắng nhằm bắt liên lạc với các đơn vị trên đều không thành).

Chấp hành mệnh lệnh của tư lệnh phương diện quân, các tập đoàn quân 6, 26 và 12 đang rút lui để bám trụ ở tuyến Dô-lô-tsép, Boóc-xốp, Bô-brơ-ca, Ca-lu-sơ, Nát-vô-rơ-na.

Các đơn vị từ từ rút lui, vừa rút vừa chiến đấu ngoan cường. Các chiến sĩ vẫn đánh địch quyết liệt như trước và ngày càng đứng vững trước mũi xe tăng địch. Thiếu pháo, anh em dùng lựu đạn chùm. Tiếc rằng ngay đến lựu đạn không phải lúc nào cũng có đủ. Lúc này, anh em lại nhớ tới kinh nghiệm của các chiến sĩ Cộng hòa Tây Ban Nha: mọi người thu nhặt vỏ chai, đổ đầy xăng vào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM