Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:18:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh đã bắt đầu như thế  (Đọc 79778 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:22:46 pm »

Pơ-tu-khin đi khỏi, tướng Puốc-ca-ép đặt lên bàn tư lệnh phương diện quân lệnh hướng dẫn của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng vừa mới nhận được. Quay sang phía Va-su-ghin, Kiếc-pô-nô-xơ đọc chậm rãi và rành rọt:

“Ngày 22 tháng Sáu năm 1941, hồi 4 giờ sáng, không quân Đức đã vô cớ tập kích và bắn phá các sân bay và thành phố của chúng ta ở dọc biên giới. Đồng thời, ở nhiều nơi, quân Đức đã bắn pháo và vượt sang biên giới ta.

Do phía Đức đã tiến công Liên Xô một cách trắng trợn chưa từng thấy, tôi ra lệnh:

1. Các đơn vị hãy dốc toàn lực lượng và phương tiện ra đánh trả và tiêu diệt chúng ở những vùng chúng xâm phạm biên giới Liên Xô. Khi chưa có lệnh đặc biệt, các đơn vị mặt đất không được vượt biên giới.

2. Máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu xác định điểm điểm tập trung của không quân và các cụm quân trên mặt đất của địch. Máy bay ném bom mở những cuộc đột kích mạnh, tiêu diệt máy bay địch tại các sân bay và oanh kích các cụm quân chủ yếu trên mặt đất của chúng. Không quân đột kích sâu vào trong lãnh thổ Đức từ 100 đến 150 ki-lô-mét. Oanh kích Cơ-ních-xbe và Mê-men. Khi chưa có chỉ thị đặc biệt, không được tập kích vào lãnh thổ Phần Lan và Ru-ma-ni”.

Những yêu cầu ghi trong lệnh hướng dẫn rất rõ ràng, được nhanh chóng gửi xuống các đơn vị, không phải giải thích gì thêm.

Đến 15 giờ, chúng tôi phải gửi báo cáo đầu tiên về Mát-xcơ-va. Tôi bắt tay vào việc. Có lẽ, đây là báo cáo khó khăn nhất trong suốt quá trình làm công tác tham mưu của tôi. Tình hình vẫn mở mịt như trước; tình thế thực sự của các tập đoàn quân ra sao, đòn đột kích chủ yếu của địch ở đâu, ý định của chúng thế nào – tất cả đều chỉ là phỏng đoán. Do đó, bản báo chiến đấu đầu tiên của chúng tôi gửi về Mát-xcơ-va hầu như chỉ là chung chung, không rõ ràng. Tôi và các đồng chí trợ lý tý tuy không có tội những vẫn cảm thấy mình có lỗi.

Chúng tôi nhanh chóng suy nghĩ và tìm ra những phương pháp linh hoạt và có hiệu quả hơn để thu thập và xử lý những báo cáo của các cơ quan tham mưu cấp dưới gửi lên. Đường dây điện thoại và điện tín thường bị đứt, điện đài làm việc lại không ổn định nên trước hết chỉ còn trông và các sĩ quan liên lạc được phái xuống trực tiếp ở các đơn vị bằng ô-tô, mô-tô và máy bay.

Qua phân tích những tài liệu gửi về trong đêm rạng ngày 23 tháng Sáu, chúng tôi mới hình dung được rõ hơn về mũi đột kích chủ yếu của địch là từ các vùng U-xti-luc và Xô-can trong dải của tập đoàn quân 5 và chỗ tiếp giáp với tập đoàn quân 6 trên các hướng đi Lút-xcơ và Đúp-nô. Đồng thời, các đơn vị phát-xít còn tiến công ở dải thuộc các tập đoàn quân 6 và 26. Những trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở các vùng Ra-va, Ru-xcai-a và Pê-rê-mư-xlơ.

Sau này, chúng tôi được biết bộ chỉ huy Hít-le đã triển khai 37 sư đoàn (25 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cơ giới, 3 sư đoàn cảnh vệ) để đánh vào các tập đoàn quân 5, 6 và 26 của Phương diện quân Tây – Nam, tại địa phận Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, Pê-rê-mư-slơ. Lực lượng chủ yếu của tập đoàn không quân 4 với 300 máy bay chi viện cho cuộc tiến công của chúng.

Chỉ riêng đối với tập đoàn quân 5, trong ngày đầu tiến công, thống chế Run-stết, tư lệnh cụm tập đoàn quân “Nam” đã đưa vào chiến đấu mười sư đoàn bộ binh cùng bốn sư đoàn xe tăng, và để chuẩn bị phát huy chiến quả, ý đã giữ ở đây ít nhất hai sư đoàn bộ binh, bốn sư đoàn cơ giới và một sư đoàn xe tăng. Hơn hai mươi sư đoàn thuộc tập đoàn quân dã chiến 6 của tướng Rây-khơ-nao và cụm xe tăng 1 của tướng Clai-xtơ đánh vào năm sư đoàn Liên Xô đang đóng ở biên giới!

Tướng Sti-un-na-ghen, tư lệnh tập đoàn quân dã chiến 11, sau khi triển khai các sư đoàn trên chính diện từ Tô-ma-súp đến Pê-rê-mư-slơ, đã đột kích chủ yếu qua Ra-va – Run-xcai-a đến Lơ-vốp và tiếp tục trên hướng chạy đến Tác-nô-pôn. Chúng mở nhiều mũi đột kích kiềm chế các lực lượng của ta đang phòng ngự Pê-rê-mư-slơ và các tuyến phía Nam thành phố.

Cánh quân phát-xít xâm phạm lãnh thổ U-cra-i-na trong dải của phương diện quân chúng tôi thực sự là như thế. Nhưng, tất nhiên, trong ngày đầu chiến tranh, chúng tôi chưa biết được tất cả những điều đó.

Vậy là chiến sự đã bắt đầu ở U-cra-i-na, trong những điều kiện cực kỳ bất lợi cho chúng ta. Tại Bê-lô-ru-xia và Pri-ban-tích, tình hình diễn ra cũng không kém phần nặng nề. Bộ chỉ huy Hít-le muốn lợi dụng nhanh chóng tất cả những ưu thế của cuộc tiến công bất ngờ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:23:30 pm »

ĐẾN VIÊN ĐẠN CUỐI CÙNG

Trận đột kích của các sư đoàn phát-xít ập xuống các đồn biên phòng và các đơn vị nhỏ đóng tại các khu vực cố thủ còn chưa xây dựng xong. Chiến sĩ và cán bộ chỉ huy thuộc những phân đội trên đã anh dũng thực hiện nghĩa vụ của mình, không một ai rời bỏ vị trí trước sức tiến công mãnh liệt của các lực lượng địch vượt trội hơn gấp bội. Các đồn biên phòng và các hỏa điểm cố định của những khu vực cố thủ lập tức trở thành những cù lao nhỏ, chơ vơ giữa bốn bề bão táp của địch. Các chiến sĩ xong vào trận đánh không cân sức trong tình thế đã bị bao vây hoàn toàn.

Chiến sĩ đoàn biên phòng 98 dưới quyền chỉ huy của trung tá G. G. Xua-gien-cô đã thể hiện lòng kiên định vô song. Đồn 9 của đoàn, do trung úy Ph. N. Gu-xép chỉ huy, đã nhiều lần chuyển sang phản xung phong và không rời biên giới một bước. Gần 600 tên lính và sĩ quan Hít-le đã tận số trong ngày chiến tranh đầu tiên trên đường tiếp cận vào đồn và tại các hỏa điểm lân cận ở các khu vực cố thủ.

Những đơn vị của tập đoàn quân 5 kịp tới biên giới, muốn đến giải vây cho nhóm dũng sĩ nhưng không thành công. Một ý nghĩ dằn vặt tất cả chúng tôi là có thể cứu thoát anh em được không? Vì đến tối họ sẽ hết đạn.

Đồn bên cạnh còn lâm vào tình thế khó khăn hơn nhiều. Đượt pháo kích bất ngờ đầu tiên của địch đã gây tổn thất không gì bù đắp nổi: toàn bộ nhà cửa bị phá hủy, nhiều chiến sĩ biên phòng bị hy sinh và vùi lấp. Nhưng những chiến sĩ còn sống sót, dưới sự chỉ huy của chính trị viên Ph. T. Bô-bên-cô, đã nhanh chóng chiếm tuyến phòng ngự và đánh địch. Ở phía Nam, gần thành phố Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, các chiến sĩ biên phòng đoàn 90 của thiếu tá M. X. Bu-tsơ-cốp-xki, nằm trong những hướng đột kích chủ yếu của địch, đã chiến đấu anh dũng. Chiến sĩ biên phòng đồn 13 thuộc đoàn này, do trung úy A. V. Lô-pa-tin chỉ huy, đã thể hiện lòng kiên định hết mức. Đến tối, chúng tôi được biết anh em cố thủ trong hầm tòa nhà đã bị sập và vẫn tiếp tục chiến đấu. Liệu những đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 87 có kịp tới ứng cứu họ không?

Theo giả định lạc quan nhất của chúng tôi thì các chiến sĩ biên phòng có thể đứng vững được nhiều nhất là hai ngày. Nhưng nhiều đồn đã chiến đấu lâu hơn hiều. Còn đồn của Lô-pa-tin đã đứng vững trong 11 ngày đêm! Những người anh hùng đã chiến đấu đến cùng. Họ hy sinh trong tòa nhà đổ nát, chứ không chịu hạ vũ khí.

Chiến sĩ biên phòng Pê-rê-mư-slơ, do trung tá I-a. I. Ta-ru-tin chỉ huy, chiến đấu rất dũng cảm. Tại khu vực đồn của trung úy P. X. Nê-tsa-ép có chiếc cầu bắc của sông Xan ở gần Pê-rê-mư-slơ. Bộ chỉ huy địch đã tung ra một đội biệt kích để chiếm cầu. chúng đột phá và chiếm được cầu, nhưng các chiến sĩ biên phòng đã tổ chức phản xung phong quyết liệt và đánh bật chúng ra. Bọn phát xít dội pháo và cuối xuống chiến sĩ ta. Được sự yểm hộ của pháo binh, chúng đã lội qua sông và đánh thọc sườn các chiến sĩ biên phòng. Trong trận đánh không cân sức này, đội ngũ những người anh hùng đã nhanh chóng giảm sút. Sau cùng chỉ còn lại một mình trung úy Nê-tsa-ép. Đồng chí chờ địch đến gần mới giật nổ trái lựu đạn cuối cùng.

Những chuyện tội kể trên dựa theo lời những người chứng kiến và những tin tức hiếm hoi ở ngoài biên giới gửi về. Và còn một bằng chứng nữa. Một thượng sĩ Đức tham gia tiến công đồn biên phòng 9 của trung úy N. X. Xli-u-xa-rép, bị bắt làm tù binh. Tại khu vực của đồn này có một chiếc cầu bắc qua sông Xan (phía đông Ra-đưm-nô). Đồng chí Vla-đi-mia Bê-li-a-ép, một phóng viên ngoài mặt trận, đã ghi lại lời khai của tên này. Tôi xin dẫn bản ghi chép đó:

“Cho đến lúc này, - tên thượng sĩ nói, - chúng tôi đóng gần biên giới Liên Xô và chỉ nghe thấy các chiến sĩ biên phòng Liên Xô ca hát. Chúng tôi không thể hình dung nổi những con người có giọng hát ấm áp, du dương và mơ mộng đó lại có thể bảo vệ đất nước mình oanh liệt đến như vậy. Hỏa lực của họ thật đáng sợ! Chúng tôi phải để lại nhiều xác chết trên cầu, mà vẫn không thể chiếm được cầu ngay. Lúc ấy, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi ra lệnh lội qua sông Xan từ hai cánh phải và trái để bao vây và chiếm nguyên vẹn chiếc cầu. Nhưng vừa mới nhảy xuống sông thì các chiến sĩ biên phòng Nga đã dội bão lửa ngay vào chúng tôi. Chúng tôi bị thiệt hại rất nặng. Chưa ở đâu, dù ở Ba Lan hay ở Pháp, tiểu đoàn chúng tôi lại phải nếm mùi thất bại như trong giây phút phải vượt qua sông Xan. Thấy không ăn thua gì, tiểu đoàn trưởng ra lệnh bắn cối 80 ly và cho đến lúc này, chúng tôi mới bắt đầu sang được bên phía bờ Liên Xô. Pháo hạng nặng của chúng tôi đã chuyển làn bắn sâu vào lãnh thổ Liên Xô, nơi nghe thấy những tiếng xe ầm ĩ của xe tăng. Tuy đã đứng được ở bên bờ phía Liên Xô, nhưng chúng tôi cũng vẫn không thể tiến nhanh như ý muốn của người chỉ huy. Một đôi nơi ở dọ bờ sông có những hỏa điểm của các ông. Lính Nga nấp trong đó và bắn đúng cho đến viên đạn cuối cùng. Chúng tô phải gọi công binh tới, họ bò đến hỏa điểm và dùng bộc phá, nhưng sau tiếng nổ ầm trời, các lĩnh biên phòng vẫn kháng cự đến người cuối cùng. Chưa ở đâu và chưa bao giờ chúng tô thấy ý chí kiên cường, bất khuất của người lính như vậy. Chúng tôi đã vòng qua được hỏa điểm, tiếp tục tiến, nhưng không sao khuất phục nổi mấy người lính biên phòng vẫn còn đứng vững trên trận địa của họ. Họ thày hy sinh chứ không chịu rút lui. Chỉ có thể bắt được các lính biên phòng Liên Xô với hai điều kiện: khi đã chết hoặc bị thương nặng bất tỉnh… Tiểu đoàn chúng tôi lúc đó có 900 người. Riêng số bị chết là 150. Hơn 100 bị thương. Nhiều người bị nước cuốn trôi và dõ hỗn loạn nên chúng tôi không thể kéo họ lên bờ…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:24:00 pm »

Tôi không có điều gì bàn thêm về lời thú nhận thành thực của tên thượng sĩ Đức. Các chiến sĩ biên phòng của chúng ta đã đón ngày đầu tiên của chiến tranh như thế.

Còn những gì đã xảy ra tại vị trí của các khu vực cố thủ ở biên giới trong những giờ phút đó?

Tôi xin lưu ý bạn đọc một lần nữa là, trước khi địch tiến công, phần lớn các khu vực cố thủ ở biên giới của quân khu chúng tôi chưa xây dựng xong, mới chỉ có một số hỏa điểm kiên cố. Các sư đoàn bộ binh làm nhiệm vụ phòng thủ biên giới cũng chưa chiếm lĩnh xong các trận địa phòng ngự dã chiến đã được chuẩn bị, khiến việc phòng vệ các khu vực cố thủ càng thêm khó khăn. Bọn Hít-le tiến công, có pháo binh mạnh yểm hộ, đã nhanh chóng bao vây phần lớn các hỏa điểm kiên cố của chúng tôi, nhưng chúng vẫn không thể bẻ gẫy ý chí kiên cường của các đội biên phòng ít người. Pháo và xe tăng phát-xít dùng đạn xuyên bê tông bằng thẳng vào các hỏa điểm. Công binh địch mang bộc phá đến. Các chiến sĩ xô-viết bắn rất chính xác và táo bạo xuất kích, lần lượt đánh bật địch. Từng tổ đã chiến đấu đến cùng. Những phân đội nhỏ bé ở các hỏa điểm kiên cố đã chiến đấu liên tục cho đến khi chỉ còn lại một chiến sĩ. Mãi cho đến khi phần lớn quân phát-xít đã vòng được qua hai bên sườn các khu vực cố thủ và tiến sâu vào phía sau, số chiến sĩ còn lại mới được lệnh rút lui. Anh em phá hủy các vũ khí hạng nặng rồi mở đường thoát qua vòng vây dày đặc của địch. Chiến công của các chiến sĩ đã thực sự trở thành thần thoại. Mỗi lần dọc báo cáo từ các khu vực cố thủ gửi về, chúng tôi lại thấy lòng mình xúc động khó tả.

Thiếu úy Đ. X. Cu-li-sơ, chỉ huy một hỏa điểm kiên cố thuộc khu vực cố thủ Xtơ-ru-ni-lốp. Hỏa điểm bị địch bao vây hoàn toàn ngay từ giờ phút đầu tiên của chiến tranh và bị đánh phá một cách có hệ thống. Bọn phát-xít bắn pháo lớn và dùng súng phun lửa rót vào. Dù hít phải khói độc, các chiến sĩ vẫn dũng cảm đánh trả quân địch. Không buộc được các chiến sĩ xô-viết hạ súng, bọn phát-xít đưa bộc phá tới, nhưng các dũng sĩ đã bất thần xuất kích, đánh giáp lá cà dữ dội và đã quật ngã bọn công binh địch. Trận đánh bừng lên một khí thế mới.

Các phân đội ở các hỏa điểm kiên cố thuộc khu vực cố thủ Pê-rê-mư-slơ, do các thiếu úy V. Đ. Đa-nin và P. I. Tsa-pơ-lin chỉ huy, đã đánh trả bọn phát-xít mấy ngày đêm. Để tiết kiệm dạn, Đa-nin chờ cho địch đến thật gần, rồi dẫn chiến sĩ xông lên đánh giáp lá cà. Nhưng rồi đạn cũng hết và hầu hết các chiến sĩ bảo vệ pháo đài nhỏ bé đã ngã xuống. Chỉ còn sống sót hai người là thiếu úy Đa-nin đã bị thương và thượng sĩ Méc-cu-lốp. Bọn phát-xít kêu gọi họ đầu hàng. Đáp lời chúng, Đa-nin và Méc-cu-lốp đã thu nhặt những trái lựu đạn cuối cùng, mở cửa và lao thẳng vào bọn Hít-le. Bị trúng một băng tiểu liên, Méc-cu-lốp ngã xuống. Bọn phát-xít chồm lên đồng chí. Thu hết sức tàn, thượng sĩ giật nụ xòe. Tiếng nổ vang lên… Còn Đa-nin mình mẩy đẫm máu lách được tới hỏa điểm bên cạnh.

Bọn phát-xít nã hàng trăm phát đạn xuyên bê tông vào hỏa điểm của đội cảnh giới của thiếu úy Tsa-pơ-lin. Các chiến sĩ điếc đặc vì tiếng súng, hầu hết bị thương vì các mảnh bê-tông ở tường bắn ra. Ngạt thở vì khói và bụi. Có lúc hỏa điểm im ắng khá lâu. Nhưng khi bọn Hít-le vừa nhổm dậy công kích thì cái pháo đài nhỏ bé kia như sống lại, làm cỏ địch bằng những loạt đạn chiến sĩ. Bọn phát-xít chiếm được chiếc cầu đường sắt bắc qua sông Xan. Nhưng chúng không sử dụng được vì các xạ thủ súng máy xô-viết vẫn kiểm soát được cầu. Cuộc chiến đấu cứ thế kéo dài một tuần cho đến khi những dũng sĩ hết đạn, Đến lúc ấy, bọn công binh Hít-le mới kéo được bộc phá đến hỏa điểm. Thiếu úy Tsa-pơ-lin và đồng đội đã hy snh, không rời vị trí chiến đấu của mình.

Nhiều phân đội ở những khu vực cố thủ khác cũng đã chiến đấu dũng cảm như vậy.

Những hỏa điểm ở biên giới Liên Xô với quân số không đông nhưng anh dũng ngoan cường đã là trở ngại đầu tiên cho đội quân phát-xít to lớn trên đường tiến sang phía Đông. Cuộc chiến đấu anh hùng của chiến sĩ biên phòng và chiến sĩ ở khu vực cố thủ ở sát biên giới có ý nghĩa rất lớn. Chính từ nơi đây, trên những cây số đầu tiên của Đất nước xô-viết, kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng của bộ chỉ huy Hít-le nghiên cứu tỉ mỉ đã bắt đầu rạn nứt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:24:38 pm »

TRUNG THÀNH VỚI NGHĨA VỤ

Khi các đoàn biên phòng và đội cảnh giới các khu vực cố thủ chiến đấu không cân sức trong vòng vây của nhiều đơn vị phát-xít lớn thì những sư đoàn đóng gần biên giới đang ra sức tiến đến những tuyến đã định. Cá chiến sĩ và sĩ quan xô-viết đã anh dũng thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ không ngừng phản kích lại các mũi tiến công của địch, mặc dù chúng đang có ưu thế lớn về quân đông.

Trong ngày 22 tháng Sáu, trong dải của tập đoàn quân 5, những đơn vị bước vào chiến đấu đầu tiên là sư đoàn bộ binh 45, 62 và 87, mỗi sư đoàn có hai trung đoàn (các trung đoàn thứ ba còn đang làm công tác xây dựng và không kịp đến địa điểm chiến đấu) và toàn bộ sư đoàn bộ binh 124. Được lệnh báo động, các đơn vị chỉ kịp mang theo số đạn rất có hạn (xe chở đạn đang nhận hàng ở kho nơi đóng quân) và chuyển sang phản kích ngay trong lúc đang hành quân. Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy chiến đấu một mất một còn.. Bọn phát-xít không thể bẻ gẫy được tinh thần dũng cảm của những con người còn chưa dày dạn trong khói lửa. Địch chặn được họ bằng hỏa lực dày đặc, nhưng không thể buộc họ rút lui.

Còn những binh đoàn đang ở sâu trong khu vực biên giới trước khi đến được các tuyến chiếm lĩnh của mình đã phải vượt qua một chặng đường dài. Bị máy bay địch tập kích liên tục, nhưng các đơn vị này vẫn tiến ra biên giới với tính tổ chức và ý chí kiên cường vốn có của những sư đoàn chính quy.

Trong khi các binh đoàn thê đội hai gấp rút tới chi viện cho bốn sư đoàn đang chiến đấu thì họ đang chống trả quyết liệt mũi đột kích của các lực lượng chủ yếu của địch.

Nhìn vào so sánh lực lượng giữa ta và quân Đức, lại càng thấy khâm phục ý chí bất khuất của người lính xô-viết.

Ngày đầu chiến tranh, trong dải của tập đoàn quân 5 ở địa đoạn dài 75 ki-lô-mét từ Uxti-lúc đến Crư-xtư-nô-pôn, là mũi đột kích của yếu của địch và thực tế là nơi quyết định số phận của toàn bộ chiến trận nơi biên giới, chỉ có hai sư đoàn bộ binh 87 và 124 đương đầu với địch, trong khi những đơn vị khác lại còn ở khá xa.

Địch tập trung tới tám sư đoàn bộ binh và ba – bốn sư đoàn xe tăng, được không quân mạnh yểm hộ, để tiến công hai binh đoàn này. Nhưng các chiến sĩ của ta không hề run sợ.

Nói chung, so sánh lực lượng hoàn toàn không có lợi cho ta. Trên hướng đột kích chủ yếu của địch, toàn bộ cánh quân của Phương diện quân Tây – Nam (ba sư đoàn bộ binh và hai quân đoàn cơ giới 15 và 22), chưa xây dựng xong đội hình tác chiến và còn phân tán trên một tung thâm lớn, với khoảng 100 nghìn người và gần hai nghìn khẩu pháo, cối đang bị tập đoàn quân 6 và cụm xe tăng 1 của phát-xít Đức được triển khai từ trước tiến công, với 300 nghìn binh lính, sĩ quan và gần 5,5 nghìn khẩu pháo, cối. Nghĩa là ở đây, bọn phát-xít có ưu thế gấp ba lần về sinh lực và gấp hơn hai lần về pháo. Hơn nữa, chúng còn khống chế được cả ở trên không.

Trên hướng đột kích chủ yếu của bọn Hít-le, có hai quân đoàn cơ giới 9 và 19 đóng cách biên giới 250 – 300 ki-lô-mét. Về tổng số xe tăng thì cả bốn quân đoàn cơ giới của ta không kém địch, nhưng chủ yếu lại là những xe chiến đấu – huấn luyện kiểu cũ. Còn tăng mới kiểu CV và T-34 là loại hoàn thiện nhất về mặt kỹ thuật thời bấy giờ thì cả bốn quân đoàn nói trên mới chỉ có 163 chiếc. Còn bọn địch có 700 tăng kiểu mới.

Cũng không nên quên sự việc này: nếu lực lượng chủ yếu của các quân đoàn cơ giới 15 và 22 chỉ có thể tham chiến sớm nhất vào ngày thứ hai của cuộc chiến tranh thì các binh đoàn thuộc quân đoàn cơ giới 9 và 19 trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ kiếp tiến ra biên giới sau bốn ngày đêm. Nếu nói thêm về thợ máy – lái xe chưa kịp nắm vững kỹ thuật của loại xe mới, thì chúng ta sẽ thấy ngay ưu thế về xe tăng đã thuộc về bên nào.

Trong dải của tập đoàn quân 6 và 26, năm sư đoàn bộ binh và một sư đoàn kỵ binh của ta đang phải chống cự với 12 - 14 sư đoàn bộ binh phát-xít. Mặc dầu chúng có ưu thế gấp hơn hai lần về sinh lực, song ở đây, quân Đức vẫn phải dẫm chân tại chỗ. Chúng chỉ có thể tiến lên được khi tình hình không thuận lợi khiến chúng ta tự rút các đơn vị của mình về phía sau.

Ở bên sườn phải của tập đoàn quân 5, nơi mà cụm tập đoàn quân “Nam” của phát-xít Đức đánh đòn đột kích chủ yếu được chuẩn bị chu đáo, địch đã bị chặn đứng ở phía Bắc Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki bằng những cuộc phản kích quyết liệt của quân đoàn bộ binh 15 do đại tá I. I. Phê-đi-u-nin-xki chỉ huy.

Thiếu tướng G. I. Séc-xti-úc, sư đoàn trưởng bộ binh 45, một người giàu kinh nghiệm và bình tĩnh, đã ra lệnh chờ cho quân phát-xít đến thật gần mới nổ súng để tiết kiệm đạn, rồi xông lên dùng lưỡi lê diệt địch. Địch bị tổn thất nặng nhưng vẫn không tiến được mấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:24:52 pm »

Các đơn vị thuộc sư đoàn 62 do đại tá M. P. Ti-mô-sen-cô trẻ tuổi chỉ huy đã tiến hành những trận đánh gay go. Khi trung đoàn bộ binh 44 của sư đoàn bị bao vây, Ti-mô-sn-cô đã tập hợp những lực lượng dự bị còn lại không lớn lắm và đích thân dẫn các chiến sĩ đi giải vây cho trung đoàn. Được tin đó, đơn vị bị bao vây, đứng đầu là trung tá G. I. Phê-xen-cô, trung đoàn trưởng và N. I. Bê-xô-nốp, trung đoàn phó phụ trách chính trị, cũng xông lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê rất quyết liệt. Những người chứng kiến kể lại rằng khi trung đoàn tiến lên đột phá, những người khỏe mạnh nhất đi hàng đầu. Khập khiễng theo sau là những chiến sĩ bị thương, kẻ cầm súng, người lăm lăm lựu đạn trong tay còn lành lặn, và sau nữa là những người chỉ còn bò được những vẫn không rời vũ khí. Khi đồng đội còn mạnh chân muốn cõng họ là anh em trả lời: “Không cần. Các đồng chí cứ tiến lên, chúng tôi sẽ bắn yểm hộ!”. Thiếu úy X. D. A-khơ-mét-xa-phin, trung đội trưởng, người Ba-ski-ri-a, bị thương ngất đi. Anh em xốc đồng chí dậy và khiêng đi. Nhưng vừa tỉnh, đồng chí đã bật dậy và lại dẫn đồng đội xông lên. Lòng dũng cảm và quyết tâm của họ đã chiến thắng: trung đoàn thoát khỏi vòng vây.

Các chiến sĩ cùng cán bộ chỉ huy và chính trị viên trung đoàn bộ binh 306 do thiếu tá P. X. Ga-vri-lốp-xki chỉ huy cũng chiến đấu quên mình như vậy. Trong lúc phản kích, đại đội bộ binh 1 đánh thọc sâu vào vị trí địch và bị cắt đứt với quân ta. Tình thế thật tuyệt vọng: đạn gần hết, súng máy im bặt. Lòng dũng cảm của chuẩn úy A. I. Rê-dơ-ni-tsen-cô đã cứu thoát đại đội. Tuy bị thương, đồng chí vẫn cùng một tổ chiến sĩ lọt vào chỗ anh em bị vây, tiếp tế đạn cho họ. Và toàn đại đội lại xông lên công kích.

Sau đó không lâu, địch lọt vào phía sau đại đội bộ binh 3. Trung úy N. Ph. Xcơ-li-a-ren-cô dẫn chiến sĩ tiến lên đột phá. Đại đội trưởng cầm súng trường đi đầu hàng quân. Trong trận đánh ác liệt này, đồng chí dùng lưỡi lê diệt bốn tên Hít-le. Tấm gương sáng của đồng chí đã cổ vũ chiến sĩ đánh trả quyết liệt và thoát khỏi vòng vây.

Tối đến, tiểu đoàn 1 đang tiến quân ở phía trước thì bị bọn phát-xít hợp vây ở làng Đam-lư-ni-ê. Địch không lọt nổi vài trận địa của các chiến sĩ xô-viết. Hết đạn, thượng úy L. X. Cô-ten-cô, tiểu đoàn trưởng, dẫn anh em xông lên tấn công bằng lưỡi lê, khiến bọn địch bị bất ngờ. Anh em đạp lên xác giặc mở đường về với chủ lực của trung đoàn.

Một trung đội thuộc đại đội bộ binh 4 dưới quyền chỉ huy của thiếu úy A. X. Mơ-crơ-tư-tsi-an làm nhiệm vụ bảo vệ nơi qua sông Xan ở làng Bư-xtra-ki. Hai đại đội phát-xít chọi với một trung đội của ta, nhưng mọi đợt công kích của chúng đều bị đập tan trước ý chí kiên cường của các chiến sĩ xô-viết. Khi bọn Hít-le vừa bám được vài bờ phía Đông thì Mơ-crơ-tư-tsi-an và đồng đội đã giáng những đòn táo bạo hất chúng xuống sông.

Và dưới đây là báo cáo về chiến công của xạ thủ trung liên I. I. A-pa-na-xen-cô. Trong một trận đánh khốc liệt, đồng chí đang bắn yểm hộ cho đại đội phản kích và không biết mình đang bị địch bao vây. Bọn lính Hít-le lách qua mọi phía hòng tiếp cận người dũng sĩ. Đồng chí vẫn điểm xạ chính xác đẩy lùi ba đợt công kích của chúng. Đạn gần cạn. Bọn Hít-le gầm lên: “Thằng Nga kia, hãy đầu hàng đi!”. Người chiến sĩ xô-viết im lặng. bọn phát-xít tưởng ngon ăn nhảy vài chiến hào. Xạ thủ súng máy bình tĩnh nhả đạn trúng những tên nhổm dậy, ném lựu đạn vào những tên đang bò, lại trở về với đồng đội.

Tôi nhớ trong báo cáo của trung đoàn 306 còn ghi gần một nửa số chiến sĩ và cán bộ chỉ huy tiểu đoàn 3 bị thương nhưng vẫn không chịu rời trận địa. Trong một trận đánh không cân sức, thiếu úy Đ. X. Xít-man nhận quyền chỉ huy đại đội 9. Bị thương hai lần, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu. chỉ sau khi bị thương đến lần thứ ba và bất tỉnh, anh em mới đưa được đồng chí về phía sau.

I. I. Phê-đi-u-nin-xki báo cáo lên bộ tham mưu phương diện quân về ý chí kiên cường, dũng cảm của các trung đoàn thuộc các sư đoàn bộ binh 87 và 124. Mới đầu, tôi hơi ngạc nhiên, vì theo kế hoạch phòng thủ biên giới, cả hai sư đoàn này đều thuộc quân đoàn 427. Nhưng, khi nhìn lên bản đồ, tôi mới đoán được tại sao lại như vậy. Vào lúc bọn Đức tiến công, hai sư đoàn này còn ở xa cơ quan tham mưu của quân đoàn. Khi đó, tư lệnh tập đoàn quân ra lệnh cho hai sư đoàn này tạm thời thuộc quyền I. I. Phê-đi-u-nin-xki mà quân đoàn bộ binh 15 của đồng chí đã bước vào chiến đấu rồi.

Căn cứ vài những dòng cứ báo cáo ngắn gọn thì khó mà hình dung nổi tất cả những chi tiết về bức tranh chiến đấu. Nhưng qua mỗi giờ, tình hình lại sáng tỏ thêm. Phê-đi-u-nin-xki nhận xét những binh đoàn mới của mình với lòng khâm phục.

Được tin bọn Hít-le tiến công, sư đoàn trưởng bộ binh 87 Ph. Ph. A-li-a-bu-sép đã nhanh chóng dẫn hai trung đoàn của mình cơ động từ Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki đến biên giới. Các binh đội của đồng chí vừa chiến đấu vừa tiến đến khu vực cố thủ sát biên giới, bất ngờ tập kích vào bọn chúng. Nhưng địch lại có ưu thế rất lớn về quân số. Lợi dụng ta chưa mở được chính diện liên tục, chúng đánh thọc sườn những trung đoàn đã tiến xa. Đồng thời, những binh đội thuộc sư đoàn xe tăng Đức 14 xông thẳng tới quãng trống giữa các sư đoàn bộ binh 87 và 62 của ta. Con đường rảnh rang đến Lút-xcơ đã hiện ra trước bầy xe tăng Đức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:25:12 pm »

Những trung đoàn nằm trong vòng vây đã chiến đấu kiên cường, thu hút nhiều lực lượng địch về phía mình. Địch không tiếc sức nhằm tiêu diệt sư đoàn xô-viết này. Chúng tiến công liên tục. Bọn Hít-le đã cắt rời được trung đoàn bộ binh 96. Nhưng trung tá Ê. I. Va-xi-len-cô, trung đoàn trưởng, đã nhanh chóng lập cụm xung kích và dẫn anh em xông lên phản kích. Trong đội hình phản kích, các chiến sĩ pháo binh của tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn pháo 197, đứng đầu là thượng úy M. D. Vôi-tơ-cô, người chỉ huy dũng cảm của họ, đã kéo pháo bằng tay và bắn thẳng vào bọn phát-xít. Địch không chịu nổi và phải giãn ra. Các binh đội của sư đoàn lại liên lạc được với nhau và chiến đấu hăng hơn nữa. Tôi xin nói trước rằng binh đoàn này đã anh dũng bám trụ ở sát biên giới cho đến tận cuối tháng Sáu, khi được lệnh phá vây trở về với đồng đội.

Những trận đánh đẫm máu cũng diễn ra ở phía Nam Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, trên hướng Xô-can. Trưa ngày 22 tháng Sáu, những trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 124 do tướng Ph. G. Xu-si chỉ huy đã kịp thời vận động đến đây. Đồng chí là bạn thân của tôi – cùng học tại Học viện quân sự mang tên M. V. Phun-dê. Các binh đội của đồng chí công kích địch trong hành tiến, đánh bạt chúng. Nhưng lực lượng hai bên thật không cân sức. Dưới sức ép của địch, sư đoàn buộc phải vừa đánh vừa rút, bám giữ từng tuyến.

Tối đến, bọn địch thọc vào trận địa hỏa lực của trung đoàn lựu pháo 341 thuộc sư đoàn. Các chiến sĩ pháo binh táo bạo đợi địch đến thật gần và bắn thẳng. Bị tổn thất nhiều, bọn Hít-le buộc phải rút lui. Được chi viện, chúng lại xông lên công kích, nhưng hỏa lực của pháo binh ta lại hất chúng ra. Đạn hết, thiếu tá Ph. K. Xê-tsen-cô, trung đoàn trưởng pháo binh, đã dẫn chiến sĩ pháo binh xông lên phản kích như bộ binh và một lần nữa lại đánh bại lũ phát xít.

Ở đây, địch cũng lợi dụng những chỗ trống trên chính diện của ta. Xe tăng của chúng xông qua những bên sườn bị hở và lao về Rát-dê-khúp. Để cứu vãn tình thế, tư lệnh phương diện quân quyết định điều động lực lượng chủ yếu của quân đoàn cơ giới 15 tới đây. Chúng tôi được biết sư đoàn xe tăng 10 phái đi trước của quân đoàn hiện đang ở cách Rát-dê-khúp 60 – 70 ki-lô-mét. Liệu nó có kịp vượt địch không? Chưa chắc. Nhưng nếu có vượt được thì quân đoàn cũng không tránh khỏi phải tham chiến từng phần với địch, và như vậy sẽ làm cho nhiệm vụ thêm phức tạp. Chúng tôi lo lắng chờ thiếu tướng I. I. Các-pê-dô, sư đoàn trưởng, gửi về những báo cáo đầu tiên.

Trong khi phải áp dụng những biện pháp đối phó với những đoàn xe tăng và cơ giới địch từ Xô-can thọc tới, thì từ phía Bắc, ở vùng Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, chúng tôi nhận được những tin tức yên lòng. Tại đây, những đơn vị xe tăng địch, sau khi vòng qua sư đoàn bộ binh 87 và lao về Lút-xcơ, đã không tiến sâu được như ở hướng Rát-dê-khúp. Chúng bị những phân đội phái đi trước của lữ đoàn pháo chống tăng 1, đụng độ địch ở vùng Vôi-ni-txa, phía Đông Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki 20 ki-lô-mét, chặn lại.

Sau khi nhận được báo cáo những đại đội pháo phái đi trước đã nhả đạn mãnh liệt vào xe tăng địch, thiếu tướng K. X. Mô-xca-len-cô, lữ đoàn trưởng, cùng với thiếu tướng X. M. Côn-đru-xép, quân đoàn trưởng quân đoàn cơ giới 22, và thiếu tướng V. X. Tam-ru-tsi, tham mưu trưởng quân đoàn, trèo lên điểm cao gần đấy quan sát tình hình. Trên mặt đường, các đồng chí nhìn thấy những chiếc xe tăng phủ khói đen. Quân đoàn trưởng quân đoàn cơ giới 22 giận dữ hỏi Mô-xca-len-cô:

- Pháo thủ các anh đang làm gì vậy? Toàn là xe của chúng ta cả!

Tướng Côn-đru-ép cho rằng đó là sư đoàn xe tăng 41 thuộc quân đoàn của đồng chí đang rút, vì lúc sắp nổ ra chiến tranh, nó đang đóng ở vùng Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki. Nhưng khi những chiếc xe tăng ấy tiến lại gần thì thấy rõ chúng mang dấu hiệu phát-xít. Hình dáng của chúng cũng khác hẳn với xe tăng Liên Xô. Lúc này, đạn bắt đầu trút xuống điểm cao. Tướng Côn-đru-xép bị thương nặng. K. X. Mô-xca-len-cô rời tới đài quan sát mới. Phần lớn lữ đoàn của đồng chí đã kịp triển khai sang hai bên đường nhựa. Đạn chống tăng có ít nên Mô-xca-len-cô lệnh cho pháo thỉ chủ được bắn ăn chắc: “Mỗi viên đạn – một xe tăng thù!”.

Đoàn xe tăng phát-xít lao tới gần. Chuông điện thoại réo lên ở đài quan sát của lữ đoàn trưởng. “Thưa thiếu tướng, đã được bắn chưa?” – các tiểu đoàn trưởng hỏi. Thiếu tướng trả lời: “Đợi một chút nữa”. Xe tăng địch tăng tốc độ, chỉ một lát nữa hôi, chúng sẽ xông vài giữa trận địa của các chiến sĩ pháo binh. Cuối cùng, Mô-xca-len-cô phát tín hiệu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:25:33 pm »

Hàng chục khẩu pháo hầu như cùng nhả đạn một lúc. Thêm mấy loạt nữa. Xe tăng địch như những con thiêu thân bốc cháy trên đường vài trận địa của các đại đội pháo. Mũi đột kích chủ yếu của địch hướng vài tiểu đoàn pháo của đại úy A. N. Phê-ốc-ti-xtốp. Đoàn tăng địch nối đuổi nhau lao tới. Càng đến gần, chúng càng bị bắn cháy nhiều. Khẩu đôi do các trung sĩ T. I. Mô-xcơ-vin và P. I. Tu-ghin chỉ huy bắn đặc biệt chính xác. Những chiếc bị cháy cản đường những chiếc sau. Chúng cố lách giữa những chiếc đã bị trúng đạn, càng làm mồi ngon cho các pháo thủ, đường đạn càng chính xác hơn. Thêm một số chiếc bị bốc cháy. Nhưng lẻ tẻ có mấy chiếc lọt được vài trận địa. Từng chùm lựu đạn đón chúng ở đây.

Lữ đoàn pháo chống tăng 1 bị thiệt hại đáng kể, nhưng đã chặn được địch. Trận đánh diễn ra ở gần thị trấn Coóc-tsin yên tĩnh của U-cra-i-na.

Chúng tôi chưa kịp vui mừng với thắng lợi này ở phía Bắc thì nhận được báo cáo của tướng Các-pê-dô. Đồng chí cho biết sư đoàn xe tăng 10 của mình đã sẵn sàng chiến đấu và đã cử đội tiền tiêu tới Rát-dê-khúp. Cả sư đoàn xe tăng 37 cũng xuất kích, nhưng thật ra chỉ có bốn tiểu đoàn, còn sư đoàn cơ giới 212 do thiếu xe nên phải hành quân bộ. Quân đoàn trưởng đề nghị gửi gấp cho xe vận tải, nếu không, sư đoàn sẽ không thể tổ chức việc chuyên chở đạn dược và đưa thương binh về tuyến sau. Tình hình ở trung đoàn mô-tô 25, tiểu đoàn thông tin liên lạc của quân đoàn và tiểu đoàn công binh còn tệ hơn: các đơn vị này nói chung không thể cơ động được vì thiếu phương tiện vận tải.

Chúng tôi đã biết quân đoàn cơ giới 15 còn yếu về trang bị kỹ thuật, nhưng đến bây giờ, chúng tôi mới nhận thức được hậu quả của tình hình này. Quân đoàn khó có thể chặn được đoàn xe tăng địch đang lao từ Xô-can về Tây – Nam.

Làm thế nào bây giờ? Tướng Kiếc-pô-nô-xơ đang bận nói chuyện với tư lệnh các tập đoàn quân, lướt qua bức điện của Các-pê-dô rồi đưa cho tham mưu trưởng:

- Đồng chí suy nghĩ xem, có thể làm gì?

Puốc-ca-ép cau mày, quay bút chì trong tay hồi lâu, sau đó viết vào bức điện: “Gửi trưởng phòng tác chiến. Sử dụng những phương tiện có tại chỗ. Yêu cầu Các-pê-dô chấp hành mệnh lệnh”.

Trước khi chuyển cho quân đoàn trưởng lệnh gấp rút tiến đánh địch, tôi tìm tướng Moóc-gu-nốp, chủ nhiệm cục ô-tô – xe tăng – cơ giới của phương diện quân. Đưa cho đồng chí xem báo cáo của Các-pê-dô, tôi đề nghị:

- Đồng chí cho Các-pê-dô một tiểu đoàn ô-tô thôi, có được không?

Moóc-gu-nốp dang tay. Hầu như toàn bộ phương tiện vận chuyển của phương diện quân đã được huy động để chở khí tài, vũ khí và vật liệu dự trữ cho các quân đoàn bộ binh đang ở sâu trong địa phận của quân khu tiến ra biên giới. Chỉ còn một ít xe dự trữ, nhưng lại nằm ở khu vực Sê-pê-tốp-ca. Muốn điều động, phải mất không ít thời gian.

Như vậy là không có gì chi viện cho quân đoàn. Và tướng Các-pê-dô nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Hãy chấp hành mệnh lệnh”. Điều đó có nghĩa là phải gấp rút đến Rát-dê-khúp và nhanh chóng phản kích bằng lực lượng và phương tiện sẵn có…

Một yêu cầu mới đáng lo ngại cho thiếu tướng N. Ph. Phê-cơ-len-cô, quân đoàn trưởng quân đoàn cơ giới 19, ở Gi-tô-mia. Cũng như quân đoàn cơ giới 9 của tướng C. C. Rô-cô-xốp-xki, quân đoàn này phải cấp tốc tới chi viện cho tập đoàn quân 5. Nhưng bộ binh cơ giới của quân đoàn lại đang phải cơ động bằng đôi chân, không có xe kéo và ô-tô để kéo pháo, chở đạn và thực phẩm. Tướng Phê-cơ-len-cô chỉ xin trong số dự trữ của quân khu 40 chiếc ô-tô cũng được.

Tướng Kiếc-pô-nô-xơ lo lắng cho gọi Moóc-gu-nốp:

- Đồng chí hãy chuyển ngay cho Phê-cơ-len-cô 40 ô-tô lấy ở Sê-pê-tốp-ca. Giao cho đồng chí ấy và Rô-cô-xốp-xki toàn bộ số phương tiện vận chuyển dự trữ ở chỗ đồng chí. Đồng chí hãy yêu cầu Ki-ép thúc đẩy việc cung cấp ô-tô và xe kéo cho các quân đoàn cơ giới lấy trong số xe đã được động viên.

Vâng, phải đặt mọi hy vọng vài việc động viên phương tiện vận tải của nền kinh tế quốc dân nước cộng hòa. Nhưng cũng lại cần phải có thời gian… Còn giờ đây làm thế nào mà chiến đấu được nếu không có ô-tô và xe kéo?

Trong dải của tập đoàn quân 5, tình hình vẫn rất nghiêm trọng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:25:55 pm »

Ở tập đoàn quân 6, những thử thách khó khăn nhất rơi vào các đơn vị bên sườn phải: sư đoàn bộ binh 41, sư đoàn kỵ binh 3 và các tiểu đoàn thuộc khu vực cố thủ Ra-va – Ru-xcai-a. Sư đoàn 41 đã kịp triển khai giữa các hỏa điểm cố định của khu vực cố thủ, phải chống trả với hai sư đoàn bộ binh phát-xít đã tiến công trên nhiều hướng, nhằm chia cắt đội hình chiến đấu của các đơn vị xô-viết. Nhiều lần, chúng thọc sâu được vào vị trí của ta. Trong giây phút nguy hiểm đó, tướng G. N. Mi-cu-sép, sư đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn A. M. An-tô-nốp, phó sư đoàn trưởng phụ trách chính trị và đại tá N. V. Ê-ri-ô-min, tham mưu trưởng, dẫn trung đoàn xông lên phải kích. Các chiến sĩ và cán bộ chiến đấu hết sức dũng cảm. Thương binh cũng không chịu rời đội ngũ. Trong số những người đặc biệt xuất sắc có đại đội trưởng thượng úy S. I. Ti-khô-rít-dê. Đồng chí bị thương trong lúc đánh giáp lá cà, và tiểu đoàn trưởng lệnh đưa đồng chí về phía sau. Nhưng giữa lúc đó, bọn Đức lại tấn công. Thượng úy được anh em dìu trở lại đại đội và tiếp tục chỉ huy trận đánh.

Địch vẫn không qua được đội hình chiến đấu của sư đoàn 41. Nhưng chúng đã phát hiện ra chỗ yếu ở chỗ tiếp giáp giữa các đơn vị tập đoàn quân 5 và 6, và giờ đây, chúng đang điều tới đó những lực lượng mạnh. Sau khi bẻ gẫy những phân đội biên phòng nhỏ, bọn phát-xít chiếm được nhà ga Pác-kha-tsơ trong hành tiến và lao về phía Đông. Trung đoàn kỵ binh 158 thuộc sư đoàn kỵ binh 3 đóng ở nhà ga. Được tin bọn Hít-le đang tiến quân, đại tá I-a. I. Brốp-tsen-cô, trung đoàn trưởng, ra lệnh báo động cho các chiến sĩ. Tướng M. Ph. Ma-lê-ép, sư đoàn trưởng, lệnh cho kỵ binh hiệp đồng với trung đoàn bộ binh 491 thuộc sư đoàn bộ binh 159 đánh bật bọn phát-xít ra khỏi nhà ga.

Đợt công kích của kỵ binh khiến bọn Đức bàng hoàng. Bộ binh địch bỏ chạy tán loạn. Kỵ binh và bộ binh ta truy kích chúng đến tận biên giới. Ngày tham chiến đầu tiên cũng là ngày tận số của hàng trăm tên lính phát-xít. Nhiều tên bị bắt làm tủ binh. Riêng hạ sĩ X. I. Khác-tsúc đã dẫn đến nộp cho đại đội trưởng kỵ binh năm tên phát-xít bị tước vũ khí. Thu thập số quân còn lại, bộ chỉ huy Đức lai ném chúng ra đối phó với kỵ binh xô-viết. trận đánh diễn ra rất ác liệt. Nhưng những binh đội còn lại của sư đoàn kỵ binh đã kịp thời đến cứu viện cho trung đoàn của Brốp-tsen-cô. Trung đoàn kỵ binh 99 dưới quyền chỉ huy của thiếu tá A. N. I-na-u-ri đã chiến đấu dũng cảm và chặn được bọn Hít-le.

Trong dải của tập đoàn quân 26, sư đoàn bộ binh 99 của tướng N. I. Đê-men-ti-ép đã phối hợp với bộ đội biên phòng và những tiểu đoàn thuộc khu vực cố thủ Pê-rê-mư-slơ giáng cho địch những tổn thất nặng. Do tiến công bất ngờ, những binh đội thuộc sư đoàn bộ binh Đức 101 đã đột nhập được vào thành phố biên giới Pê-rê-mư-slơ, nhưng chúng không thể phát huy được chiến quả. Bộ đội ta công kích địch, giành giật nhau từng ngôi nhà. Trong báo cáo của trung tướng Ph. I-a, Cô-xten-cô, tư lệnh tập đoàn quân, có nói tới trung đội của thiếu úy P. I. Gôn-tsa-rốp. Ba lần bị địch đánh bật nhưng cả ba lần, dù bị thương nhiều, các chiến sĩ xô-viết vẫn xông lên giành lại trận địa.

Dù chưa giải phóng được Pê-rê-mư-slơ, song ta vẫn kìm được chân địch, và tướng Đê-men-ti-ép cam đoan với bộ tư lệnh rằng đến sáng sẽ quét được bọn Hít-le ra khỏi thành phố.

Chủ nhiệm không quân của phương diện quân và cơ quan tham mưu của đồng chí trong lúc này đang cố gắng chấn chỉnh việc chỉ huy các đơn vị không quân. Công việc này thật không dễ dàng. Ngay từ những giờ phút tập kích bất ngờ đầu tiên từ trên không, địch đã gây thiệt hại nặng cho các máy bay của ta, cắt đứt liên lạc giữa bộ chỉ huy với các sân bay. Cán bộ chỉ huy các sư đoàn không quân phải hành động một cách độc lập. Nhìn lên trời, có thể thấy những tốp nhỏ máy bay của ta do nhưng chiến sĩ dũng cảm, táo bạo lái. Tuy ít hơn về số lượng, nhưng anh em vẫn dũng mãnh lao vào máy bay địch và chiến đấu quên mình.

Mãi đến tối, tướng Pơ-tu-khin, trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, mới khôi phục được việc điều khiển các đơn vị không quân và chuyển sang hoạt động có tổ chức. Chúng tôi được biết trong ngày hôm ấy, các chiến sĩ lái đã bắn rơi 46 máy bay phát-xít. Nhưng cũng không ít chiến sĩ ta đã hy sinh trong những trận không chiến không cân sức đó. Những cánh chim ưng xô-viết không tiếc thân mình để tạo nên chiến thắng, đã dũng cảm lao vào trận đánh với kẻ thù đang có ưu thế lớn. Ngay trong những giờ phút đầu tiên của chiến tranh, trên bầu trời thành phố biên giới Rô-vơ-nô của U-cra-i-na đã có một chiến sĩ đâm vào máy bay địch Đó là trung úy I. I. I-va-nốp, đoàn viên thanh niên cộng sản. Chính trị viên trưởng phi công C. X. Xéc-đi-út-xki cũng đã bắn rơi hai máy bay phát-xít. Đại úy X. P. Giu-cốp, phi đội trưởng trung đoàn máy bay ném bom 86, một mình chọi với ba máy bay tiêm kích phát-xít, đã bắn rơi được một chiếc, nhưng máy bay của đồng chí cũng bị trúng đạn. Đồng chí nhảy dù và vất vả lắm mới về được tới sân bay, nhưng vừa băng bó vết thương xong, đồng chí đã bay đi chiến đấu ngay. Đại úy I. I. Gây-bô cùng với một tốp vài chiếc, đã tiến công 18 máy bay ném bom phát-xít và buộc chúng phải tháo chạy. Chỉ ít lâu sau, trong lúc yểm hộ cho máy bay bị thương, đồng chí đã lái chiếc I-16 lao vào công kích hai chiếc “Mét-xơ-smít” và cứu được đồng đội. Có biết bao tấm gương đáng tự hào như vậy.

Cho đến cuối ngày, tình hình ở phương diện quân chúng tôi vẫn rất nghiêm trọng. Nhưng ở một số khu vực, địch đã bị chặn lại. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, cho phép chúng tôi hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:26:50 pm »

CHUẨN BỊ PHẢN ĐỘT KÍCH

Mỗi giờ một rõ, đây không phải là một cuộc xung đột biên giới, mà là bắt đầu một cuộc chiến tranh đã được chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, một chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của cuộc chiến tranh này, mà bộ chỉ huy Hít-le đặt nhiều hy vọng. Mệnh lệnh ban hành cho bộ đội phòng thủ biên giới quốc gia phải tiêu diệt quân địch đã xâm nhập Đất nước xô-viết và hất tàn quân của chúng về bên kia giới tuyến đã không được thực hiện. Không phải đơn thuần chỉ vì ở khu vực sát biên giới, lực lượng xô-viết ít hơn bọn xâm lược mà còn vì, mặc dù ngay trước chiến tranh, chúng tôi đã thi hành những biện pháp nghiêm ngặt nhằm tăng cường thành phần chiến đấu của bộ đội quân khu, nhưng cuộc tiến công vẫn là bất ngờ đối với chúng tôi, nên đã không kịp chuẩn bị để đối phó.

Có hai điểm chủ yếu trong tình hình phức tạp này. Trước hết, những lực lượng lớn của địch có tập đoàn xe tăng mạnh của tướng Clai-xtơ dẫn đầu đã thọc sâu vào địa phận chúng tôi ở dải do tập đoàn quân 5 bảo vệ. Hai là, các quân đoàn cơ giới và lực lượng dự bị khác của phương diện quân bố trí phân tán và tách xa khu vực địch xâm nhập. Do đó, buộc bộ đội ta trong thời kỳ đẩu chỉ có thể tiến hành phòng ngự. Cần phải chặn bằng được bước tiến quân của địch, tranh thủ thời gian tập trung mọi lực lượng và phương tiện cần thiết, rồi sau đó mới chuyển sang hành động tích cực hơn.

Đến tối ngày 22 tháng Sáu, không một ai trong bộ tư lệnh và cơ quan tham mưu phương diện quân chúng tôi nghĩ rằng có thể phản công được ngay. Chỉ mong sao đứng vững! Mọi người đều tin rằng những mệnh lệnh của Mát-xcơ-va cũng sẽ hướng chúng tôi vào hành động phòng ngự.

Vào khoảng mười một giờ đêm, Cơ-lô-tsơ-cốp, chủ nhiệm thông tin liên lạc đặc biệt, cho tôi biết là mệnh mệnh tác chiến của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng đang được chuyển tới. Tôi đọc ngay từng đoạn trong lúc đang tiếp nhận bức điện.

Bức điện mở đầu bằng việc đánh giá tình hình và chỉ ra rất đúng rằng đòn đột kích chủ yếu của địch đánh vào Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki và Rát-dê-khúp, vài chính giữa và sườn trái tập đoàn quân 5 chúng tôi. Song, việc đánh giá tổng kết ngày chiến tranh đầu tiên lại quá lạc quan. Bức điện chỉ ra rằng chỉ trên những hướng này, địch mới đạt được những kết quả không đáng kể với tổn thất lớn, còn ở tất cả những vùng biên giới khác tiếp giáp với Đức và Ru-ma-ni, các đợt công kích của chúng đều bị chặn lại và bị thiệt hại nặng. Đọc những dòng này mà thấy lòng nặng trĩu. Tự nhiên tôi nghĩ rằng việc đánh giá tình hình lạc quan trong văn bản này của trung ương phần lớn lá dựa vào những báo cáo cũng khá hay của chúng tôi.

Hồi 15 giờ, khi chưa có những tin tức đầy đủ, đúng là chúng tôi đã chau chuốt từng câu và không báo cáo về việc đột phá của hai tập đoàn xe tăng mạnh, bởi lẽ mãi đến cuối ngày, chúng tôi mới nhận được những tin tức chính xác. Trong khi cơ quan tham mưu các quân đoàn tập hợp những tin tức nhận được rồi chuyển về bộ tham mưu tập đoàn quân, rồi bộ tham mưu tập đoàn quân đánh giá toàn bộ những thông tin đó và gửi về bộ tham mưu phương diện quân, cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ, mà lúc đó, tình hình lại đang thay đổi nhanh chóng, thường hay xảy ra những bước ngoặt cơ bản trong các hoạt động chiến sự.

Giờ đây, khi ngồi đọc lại những thông báo trinh sát và tác chiến đầu tiên, tôi cay đắng nhận thấy rằng những văn kiện ấy không phản ánh được toàn bộ nguy cơ to lớn đang giáng vài các đơn vị ở sườn phía Bắc phương diện quân chúng tôi. Chẳng hạn, các trinh sát viên của phương diện quân chúng tôi đã thông báo những gì về địch đang tiến công tập đoàn quân 5 của ta? Anh em đã nhận định rằng: một sư đoàn bộ binh tiến công ở vùng Li-u-bôm-lơ, một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn xe tăng - ở hướng Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, còn ở phía Nam, nơi tiếp giáp với tập đoàn quân 6 – hai sư đoàn nữa của bộ binh Đức.

Như vậy là trên toàn dải của tập đoàn quân chỉ có cả thảy 5 sư đoàn bộ binh địch đang tiến công. Nếu tính chúng tôi có bốn sư đoàn bộ binh ở gần biên giới thì tình hình, tất nhiên, có lẽ sẽ không đáng lo lắm. Mệnh lệnh gửi cho chúng tôi chính là xuất phát từ tình hình đó. Bởi vì lúc này, cả bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng cũng vẫn chưa biết có một tập đoàn cơ giới Đức đang tiến mạnh từ Xô-can đến Rát-dê-khúp trong những vùng không có bộ đội Liên Xô đóng giữ, và một quân đoàn cơ giới khác cũng dang cố đột phá từ U-xti-lúc đến Lút-xcơ. Đến khi chúng tôi đánh giá đúng hơn nguy cơ đối với sườn phải cửa phương diện quân thì những báo cáo trước mà chúng tôi chưa phản ánh đúng tinh chất nghiêm trọng của toàn bộ nguy cơ đã ở Mát-xcơ-va rồi. Chắc rằng cơ quan tham mưu của các phương diện quân khác cũng có những sai lầm như vậy trong việc đánh giá lực lượng địch đã xâm nhập Đất nước xô-viết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 07:27:25 pm »

Căn cứ vào những báo cáo đó, bộ tư lệnh tối cao đã đề ra nhiệm vụ cho ngày 23 và 24 tháng Sáu. Bộ đội phương diện quân chúng tôi được lệnh: “Giữ vững biên giới quốc gia với Hung-ga-ri, sử dụng lực lượng của các tập đoàn quân 5 và 6, ít nhất là năm quân đoàn cơ giới và toàn bộ không quân của phương diện quân giáng những đòn đột kích đồng tâm vào hướng chung tới Li-u-blin, bao vây và diệt tan cánh quân địch đang tiến công trên chính diện Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki, Crư-xtư-nô-pôn, đến hết ngày 24 tháng Sáu, phải làm chủ vùng Li-u-blin…”.

Tôi thấy nghẹn thở. Đây là một nhiệm vụ không thể hoàn thành được!... Nhưng không còn thời gian để suy nghĩ nữa. Tôi cầm bức điện chạy đến chỗ tham mưu trưởng phương diện quân. Vừa đi, vừa nhẩm tính xem có thể đưa ra những đề nghị gì.

Khi tôi đọc cho tướng Puốc-ca-ép nghe bức điện, đồng chí nhìn tôi với vẻ rõ ràng không tin, giật lấy bức điện và đọc đi đọc lại mấy lần. Chúng tôi nhanh chóng trao đổi ý kiến và đều gặp nhau ở chỗ: chúng tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị để tiến công. Cầm lấy bản đề về diễn biến tình huống của tôi và tay nắm chặt bức điện, Puốc-ca-ép lặng lẽ ra hiệu cho tô đi theo đồng chí. Chúng tôi đến gặp tư lệnh phương diện quân.

- Chúng tôi phải làm gì bây giờ, đồng chí tư lệnh? – Puốc-ca-ép nói ngay từ ở ngưỡng cửa. – Chúng ta, lạy Chúa, chỉ mong sao chặn được địch ở biên giới và gây thiệt hại đáng kể cho chúng trong các trận đánh phòng ngự, thì người ta lại yêu cầu chúng ta ngày kia phải chiếm lại cho được Li-u-blin!

Tướng Kiếc-pô-nô-xơ, vẫn như thường ngày, không vội đưa ra những kết luận. Đồng chí chẳng nói chẳng rằng cầm lấy bức điện, chăm chú đọc, rồi nhắc ống điện thoại:

- Va-su-ghin, đồng chí đến chỗ tôi nhé.

Ủy viên Hội đồng quân sự vẫn tươi vui và đầy nghị lực, như mọi lúc. Tư lệnh đưa cho đồng chí xem mệnh lệnh. Lướt qua bức điện, Va-su-ghin ngả lưng xuống ghế và đưa mắt nhìn những người có mặt:

- Còn bàn gì nữa, các đồng chí, đã có lệnh thì phải chấp hành.

- Cũng có thể là như thế, đồng chí ạ, - Puốc-ca-ép thốt lên, - nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng. Chúng ta còn phải nghĩ đến phòng ngự, chứ chưa thể nghĩ đến tiến công.

Va-su-ghin nhổm phắt dậy. Tham mưu trưởng vẫn kiên quyết tiếp tục:

- Ta hãy xem xét tình hình một cách tỉnh táo. Chỉ riêng trên hướng Lút-xcơ, trong dải giữa Li-u-bôm-lơ và Xô-can, có mười sư đoàn bộ binh và xe tăng địch đang tiến công. Ta lấy gì chọi lại với chúng? Chúng ta biết rằng ở đây, ta mới triển khai các sư đoàn bộ binh 45, 62, 87 và 124, mỗi sư đoàn chỉ có hai trung đoàn. Còn trung đoàn thứ ba của họ đang trên đường hành quân. Ở khu vực này, may ra ngày mai ta mới có thêm sư đoàn bộ binh 135 và hai sư đoàn của quân đoàn cơ giới 22, nhưng sư đoàn xe tăng 41 thiện chiến nhất của quân đoàn ấy lại chưa chắc đã đến kịp.

Có sự thiếu phối hợp: sau khi mở phong bì công văn có đoạn trích nói về kế hoạch phòng thủ biên giới của tập đoàn quân, sư đoàn trưởng đã dẫn binh đoàn của mình ở ngay sát mũi bọn Đức rút khỏi vùng Vla-đi-mia – Vô-lưn-xki tiến về hướng Đông – Bắc, có lẽ, tới Cô-ven là nơi mà theo kế hoạch thì toàn bộ quân đoàn cơ giới 22 phải tập trung tại đây. Đến cuối ngày, cả tư lệnh tập đoàn quân lẫn tư lệnh quân đoàn đều không bắt được liên lạc với sư đoàn. Pô-ta-pốp cử các cán bộ tham mưu đi tìm kiếm, nhưng đến nay vẫn chưa rõ sư đoàn đang ở đâu và gặp chuyện gì.)

- Như vậy, - Puốc-ca-ép tiếp tục, - may lắm ngày mai ở hướng này chúng ta mới có thể tập hợp chưa được bảy sư đoàn để chống lại mười sư đoàn của địch. Thế thì làm sao có thể nói tới tiến công ngay được? – Không để cho Va-su-ghin muốn ngắt lời khi mình nói lên điều gì đó, Puốc-ca-ép tiếp tục: - Hơn nữa, còn phải tính là, hôm nay, địch mới đưa thê đội một của chúng vào chiến đấu, và những ngày tới, tất nhiên, chúng sẽ đổ thêm quân còn nhanh hơn cả chúng ta. Mời các đồng chí xem, - tham mưu trưởng chỉ bút chì lên bản đồ, - chỉ riêng ở đây, ở Tây – Bắc U-xti-lúc này thôi, mà hồi mười sáu giờ, trinh sát của ta đã phát hiện thấy hơn hai trăm xe tăng địch đang tập trung. Và cũng chưa phải chỉ có một vùng duy nhất phát hiện ra xe tăng dự bị của địch…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM