Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:53:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thanh kiếm bầu trời  (Đọc 29812 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 08:38:23 am »

        Khi bay vào đánh phá ở không phận miền Bắc Việt Nam, bọn Mỹ thường bay với đội hình lớn và rất lớn: 12, 24,36 chiếc và nhiều hơn. Ngược lại, các phi công của ta lên đối chọi với bọn chúng nhiều nhất là 4 chiếc, còn thường xuyên chỉ là 2 chiếc, thậm chí có khi chỉ 1 chiếc. Mỗi máy bay của bọn chúng, ví như trên máy bay F-4 (mang tên “Con Ma”) bao giờ cũng có 2 giặc lái. Còn máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 của ta thì chỉ có 1 phi công thôi. Vậy là với đội hình bay của chúng, ví dụ 36 chiếc là có 72 tên giặc lái. Phía chúng ta: đội hình 2 chiếc MiG - chỉ có 2 phi công. Hãy làm một phép so sánh giản đơn: 2 chọi với 72 để xem lợi thế như thế nào? Ngạn ngữ có câu “lấy thịt đè người” thì chính là bọn Mỹ muốn như vậy. Nhưng đâu có dễ thế! Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông ta đã đúc rút rằng: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa!” - nghĩa là quân ít nhưng là quân tinh nhuệ, tinh binh thì còn quý hơn quân nhiều mà ô hợp. Đoàn của các anh với số lượng ít ỏi, đã đánh thắng địch với số lượng nhiều gấp bội, theo đúng truyền thống của cha ông, giành thắng lợi liên tục, đã là tấm gương sáng cho chúng tôi, lớp đàn em đi sau noi theo. Học tập kinh nghiệm của các thế hệ trước, anh Ngô Văn Phú - người trong đoàn bay của tôi, với tổng số giờ bay chỉ có 300 giờ, nhưng đã “một phát ăn ngay” - nói như ngôn từ của chúng tôi - bắn rơi tên Đại tá Kit- ting-giơ, chuyên viên không chiến của Lầu Năm Góc, hắn từng tích lũy được 7300 giờ bay. Có nghĩa là số giờ bay của anh Ngô Văn Phú chỉ bằng đúng số lẻ của phi công Kit-ting-giơ thôi! “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhưng không thể không có sự so sánh. Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến một vế đối, vế đối ấy viết rằng: “Mi sinh tiên, tu sinh hậu. Tiên sinh bất nhược, hậu sinh trường!”, có nghĩa là lông mi có trước, râu có sau, nhưng lông mi cũng chỉ dài được đến thế thôi, còn râu thì có sau, nhưng dài hơn lông mi nhiều lắm! Tôi không dám đụng chạm đến các vấn đề khác, các vấn đề tê nhị qua vê đối này, chỉ dám nói rằng ở thế hệ các anh, ở thế hệ chúng tôi - những phi công tiêm kích phản lực chiến đấu không hề lấy giờ bay tích lũy ra để “khoe khoang”. Hãy chiến đấu! Hãy vì sự nghiệp chung! Không so đo, tính đếm! Bản thân mình không có nghĩa gì khi Tổ quốc cần, mình sẵn sàng hy sinh, “vui vẻ như cày xong thửa ruộng, ngả đầu trên liếp cỏ ngủ ngon lành!”. Vậy thôi!

        Sau trận anh bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, một niềm vui bất ngờ và thật lớn lao đến với anh. Anh cùng với các anh phi công khác từng bắn rơi máy bay Mỹ được đến gặp Bác Hồ. Đây là lần thứ hai anh được gặp Người. Làn thứ nhất khi anh còn ở Sư đoàn bộ binh, đóng quân ở Nghệ An. Đấy là vào năm 1961, Bác đến thăm Sư đoàn, nói chuyện với bộ đội của Sư đoàn, nhưng lần ấy, anh ở xa, không được gần Bác. Còn lần này, anh cùng các anh: Nguyễn Nhật Chiêu, Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Ngô Đức Mai, Phan Như Cẩn trực tiếp được ngồi cạnh Bác, nói chuyện với Bác, nghe Bác hỏi han, dặn dò. Anh đã làm được điều Cha anh đã căn dặn anh trước khi anh lên đường đi tập kết. Anh đã thưa với Bác lời chúc của Cha anh và lời dặn của Cha anh đối với anh. Ngắm nhìn Bác trong bộ bà ba nâu gụ cùng mái tóc, chòm râu bạc trắng và phong thái ung dung, thanh thản, ngồi cùng các anh tựa như một tiên ông ngồi cùng con cháu bình thơ, anh thấy lòng yên ả lạ thường. Vị Tổng tư lệnh tối cao của một dân tộc đang đối đâu với tên đế quốc khổng lồ, hung nô của thời đại đang ân cằn thăm hỏi, động viên các anh tựa như người Cha dặn dò các con của mình. Chính tò sự ung dung, thanh thản của Bác mà anh lao vào chiến trận không chút mảy may run sợ. Anh cùng các anh, cùng các đồng đội của các anh đĩnh đạc bước vào trận chiến, tự tin điều khiển những chiếc máy bay bé nhỏ, phóng những quả tên lủa trúng vào những “Thần sấm”, “Con Ma”... mặc cho số lượng chúng đông hơn gấp bội.

        Trong không chiến, có thể ta bắn rơi được địch, mà địch không làm gì được ta, nhưng cũng có thể ta bị địch bắn rơi mà ta lại không bắn rơi địch. Vì vậy cần phải có sự đánh giá về thắng, thua. Việc xác định trận đánh “thắng”, “thua” như sau: trận đánh mà ta bắn rơi địch, ta an toàn gọi là “trận đánh thắng”. Trận đánh mà ta không bắn rơi máy bay địch, lại để địch bắn rơi thì gọi là “trận đánh thua”. Nếu trong trận đánh mà cả hai bên đều bị bắn rơi thì tùy theo tính chất của trận đánh, tùy theo mức độ ác liệt để bảo vệ mục tiêu mà xác định “thắng” hay “thua”. Anh Nhị đã vấp phải trận đánh “thua” vào ngày 26 tháng 4 năm 1966 là như vậy: địch không rơi mà ta lại bị rơi, phải nhảy dù. Anh kể: “Trận đánh ngày hôm ấy với mục tiêu là tiêu diệt loại máy bay EB-66 (máy bay gây nhiễu ra-đar, tên lửa, cao xạ...).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 08:40:38 am »

        Hôm đó bầu trời trong xanh, không có mây. Tôi tiếp thu và kiểm tra máy bay xong, đứng trên sân đỗ nhìn quanh bầu trời, tôi nghĩ: “Phải chuẩn bị đánh nhau!”. Đi vào nhà trực, tôi gọi Vũ Ngọc Đỉnh (bay số 2 - về sau anh Vũ Ngọc Đỉnh cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang) ngồi vào bàn ăn sáng (hôm nay nhà ăn cho ăn bánh cuốn), vừa ăn vừa hiệp đồng biên đội với nhau khi gặp địch. Ăn sáng xong thì SCH gọi điện gặp tôi và giao nhiệm vụ: “Hôm nay biên đội chuẩn bị đi đánh máy bay gây nhiễu EB-66, có máy bay F-4 bảo vệ EB!”. Tôi nói lại cho Đỉnh, quán triệt nhiệm vụ trên giao và chuẩn bị có thể phải “đối chọi” với tiêm kích địch.

        Sau khi ăn cơm trưa xong thì Đồng Văn Song ra thay trực cho Đỉnh để Đỉnh đi bay huấn luyện. Tôi với Song đã cùng một biên đội trực ban chiến đấu với nhau nhiều rồi. Hai anh em đang trao đổi về việc đánh máy bay EB-66 thì nhận được tín hiệu báo động: “2 chiếc trung không cấp 1!”. Chúng tôi chạy rất nhanh leo lên máy bay. Đồng chí tổ trưởng máy bay đã cho xe điện “APA” khởi động cung cấp đủ điện để khởi động động cơ (27,5 von). Tôi bật công tắc Vô tuyến điện (VTĐ) liên lạc với SCH và nhận được lệnh mở máy: “Ấp Bắc!”. Đồng chí tổ trưởng thợ máy giúp tôi mở máy và bật tất cả các công tắc cần thiết cho chuyến bay chiến đấu, đặc biệt chú ý công tắc “vũ khí” phải để ở chế độ “tự động”.

        Tôi và Song lăn ra đường băng và cất cánh bay về hướng Bắc theo số liệu của SCH chỉ dẫn. Bay qua Tuyên Quang, đi về hướng Cao Bằng thì SCH thông báo địch phía trước 30 km, độ cao 6000 mét. Đó là độ cao EB-66 thường bay. SCH báo tăng cường quan sát. Tôi và Song cùng phát hiện địch bên trái. Tôi báo cáo về SCH:

        - 513 phát hiện địch nhưng không phải EB!

        - Cho công kích! - SCH trả lời.

        Lúc này địch cũng đã phát hiện có MiG và bắt đầu lượn “vòng thúng” nối đuôi nhau để chống lại MiG. số 2 báo cáo:

        - Không nhìn thấy. “Số 1 ở đâu?”.

        Sở chỉ huy cho số 2 quay về, còn lại mình tôi rơi vào

        Cái “vòng thúng” của tiêm kích địch. Tình thế trở nên khó khăn và ác liệt! Song, cái tính cay cú của tôi, “cố đấm ăn xôi”, tìm xem “thăng EB” ở đâu? Hồi ấy mà bắn rơi được EB thì có giá trị lớn về tính thần cũng như về chiến thuật (cách đánh của MiG-21). Song tôi đâu có ngờ khi phát hiện có MiG đuổi đánh thì bọn tiêm kích vòng lại áp dụng chiến thuật “vòng thúng” và “đan chéo” để chống với MiG, tạo điều kiện cho thằng EB” chạy ừốn..

        Máy bay EB-66 là loại máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử của Không quân Mỹ, nó có một số tính năng như sau:

        - Thân dài: 22m85 m
        - Sải cánh 22,04 m
        - Chiều cao: 7,17 m
        - Động cơ: 2 động cơ phản lực
        - Tốc độ lớn nhất: 1050 km/h
        - Tốc độ trung bình: 700 đên 800 km/h
        - Độ cao lớn nhất: 13.700 m
        - Độ cao trung bình: 5.200 đến 8.000 m
        - Tầm bay xa nhất: 5280 km
        - Bán kính hoạt động: 2080 km.

        Vì khả năng cơ động và tự vệ của thằng EB-66 kém nên nó không dại gì mà không “cao chạy xa bay” khi bọn F-4 thông báo có MiG và nó cũng phải nhờ đến lực lượng tiêm kích F-4 bảo vệ.

        Máy bay của tôi bị địch bắn bị thương không điều khiển được. Hệ thống dầu đỏ (dầu tạo áp lực) không còn giọt nào (kim đồng hồ chỉ số “0”). Độ cao đồng hồ chỉ còn hơn 1000 mét (nhưng độ cao thật tới mặt đất chỉ độ mấy trăm mét, nhìn thấy cây và những hòn đá to, rõ lắm rồi). Không thể chần chừ được nữa! Tôi quyết định nhảy dù! ở đây là vùng đồi núi đá với cây lúp xúp, không có bãi bằng để có thể hạ cánh bụng được. Vô cùng tiếc chiếc máy bay! Ruột tôi đau như đứt từng khúc trước khi hai tay nắm vào vòng dây kéo để bắn ghế. Một tiếng nổ đẩy tôi cùng với ghế ngồi rời khỏi máy bay, đồng thời nắp buồng lái cũng chụp vào ghế che kín người để không bị dòng không khí và lửa cháy của máy bay táp vào phi công.(MiG-21 được sản suất đầu tiên thiết kế ghế - nắp buồng lái... rất chú trọng bảo vệ an toàn cho phi công khi bắt buộc phải nhảy dù. Nhưng sau này bạn đã cử chuyên gia sang Việt Nam nghiên cứu mấy trường hợp nắp buồng lái bị biến dạng và kẹt cứng làm cho ghế không rời phi công, có nghĩa là dù cũng không tự mở được, phi công đành chịu hy sinh. Bạn đã lập tức đổi ngay sang thiết kế mới: khi bắn ghế, nắp buồng lái không đậy vào người nữa, có nghĩa là khi kéo vòng bắn ghế thì nắp buồng lái tự động bay đi trước khi ghế phóng ra).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 09:15:43 pm »

        Tôi chạm đất, người bị ngã làm cho lưng chạm vào đá, đau ê ẩm! Không thể đi được nhưng các bà dân quân người dân tộc, mặt hầm hầm bước tới chỗ tôi nằm, tay cầm con dao phát rẫy, lưỡi dao trắng phớ. Tôi thoáng nghĩ, nếu mình không gắng sức để đi thì các bà sẽ chém thật. Người dân tộc nói là làm! Họ đang cơn căm phẫn vì bom của máy bay Mỹ vừa ném xuống bản. Họ xem cái chứng minh thư của tôi ghi “quê Bình Định”... Họ tưởng tôi là phi công của Mỹ-Ngụy từ miền Nam bay ra đánh phá miền Bắc. Tôi nhờ một anh dân quân nam dìu tôi đi nhưng anh cũng chỉ nắm vào khuỷu tay tôi dựa vào để đi, còn tay kia anh vẫn cầm khẩu súng “kíp” lăm lăm nhả đạn bất cứ lúc nào! Hai tay tôi bị bẻ ra sau lưng kiểu trói cánh gà, còn 2 chân trói riêng từng chân, dây trói chùng đúng chỉ một bước đi chứ không thể chạy được. Lê bước gần một giờ thì đến bản. họ đua tôi vào một cái nhà sàn to để nằm nghỉ và bắt đầu tra hỏi: “Khẩu súng giấu ở đâu?” - vì khi họ lục trong túi áo da của tôi có cái dây và móc đeo súng ngắn (tôi mặc chiếc áo da bay của Liên-xô). Hôm ấy thật xúi quẩy là tôi không mang theo súng. Cái bệnh chủ quan của tôi bây giờ đành chịu trận... Khát nước quá, cổ họng khô khốc không nói được nữa nhưng tôi không dám xin nước, vì sợ họ cho uống nước “lá ngón” (nghe đâu người dân tộc thù ghét nhau hay dùng nước “lá ngón” để hãm hại). Tôi nghĩ bây giờ họ đang cơn căm thù giặc Mỹ mà họ tưởng mình là Không quân Mỹ-Ngụy, cho nên phải đề phòng.

        Trời tối không còn nhìn thấy rõ mặt. Nhiều người đòi đốt đuốc lên cho sáng, nhưng cũng có nhiều người ngăn lại vì sợ máy bay Mỹ đến. Vừa đói, vừa khát, tôi thiếp ngủ đi thì thấy giấc mơ cũng tràn đến còn in dấu “Đơn vị đã báo cho địa phương biết rồi! Và động viên tôi: “Cô gắng chịu khát một chặp nữa sẽ có nước uống!”. Tôi mừng quá, tỉnh dậy ngay. Tôi mở mắt ra thì thấy có nhiều người ngồi xung quanh, người quạt, người xoa bóp chân tay, lưng... Dây trói không còn nữa. Như vậy là bà con du kích đã biết tôi là phi công của ta rồi! Tôi mừng quá, cảm thấy lưng như hết đau, tôi xin ngồi dậy nhưng bà con không cho, bắt phải nằm.

        Nằm trên chiếc giường tre đau lưng quá tôi xin xuống nằm dưới đất. Bà con đem nước và cháo đến nhưng tôi không thể ngồi được. Tôi nằm và bà con bón cho tôi từng thìa cháo.

        Có tí nước vào bụng, người tỉnh dần lên. Xe trên tỉnh về đua tôi về nằm ở nhà Giao tế của Tỉnh, chờ xe của đơn vị lên đón về bệnh viện 108. Nhưng phải nằm chờ ở đó mất mấy ngày vì xe bị tắc đường chưa lên được. Những ngày đó địch tập trung đánh phá, cầu Gia Bảy bị hỏng. Tôi nằm bất động ở nhà Giao tế của Tình được anh chị em chăm sóc tận tình, đặc biệt là anh y sỹ Lãnh Hải Toàn, đêm đêm anh ngồi xoa bóp chỗ lưng đau bằng mật gấu, nhờ vậy mà không bị tụ máu. Ngày nào bà con trong bản cũng mang trứng, mật ong đến thăm tôi. Thật cảm động, nhưng tôi không nói được tiếng Mường, còn bà con cũng không nói được tiếng Kinh, chỉ nhìn nhau thương rơi nước mắt! 

        Nhà Giao tế của Tỉnh sơ tán ở tận trong một khu rừng già có nhiều cây to rậm rạp. Mỗi ngày được nghe 3 lần ve sầu kêu (9 giờ, 12 giờ và khoảng 17 giờ). Khởi đầu có một con kêu, tiếp theo thì hàng trăm hàng ngàn con kêu hoặc có khi còn đông hơn. Âm thanh, tần số véo von, trong đục, rè rè... hòa quyện vào nhau thành một thứ âm thanh nghe réo rắt trong tai gợi nhớ buồn vô tận.

        Tôi vô cùng nhớ đơn vị, nhớ đồng đội, nhớ chiếc máy bay MiG thân yêu. Tôi với nó đã cùng gắn bó trong trận không chiến vừa qua, nhưng không may đã phải vĩnh biệt nó. Thật buồn nhớ làm sao! Mỗi lần cơn buồn nổi lên, tôi lại đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để làm vui phần nào: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần!”... Đúng vậy! Trận thua ngày 26 tháng 4 là do cái “dại” của mình dẫn đến, do cái tính “cố đấm ăn xôi” đã mắc phải từ bé, từ cái thuở còn đi đánh nhau với bạn bè cùng chăn bò trên cánh đồng Trang. Đã thừa hiểu là MiG-21 không nên không chiến kiểu “vòng thúng” với “Phan tôm”... nhưng vẫn theo. Một lần dại đã để lại một bài học sâu sắc cho những trận không chiến sau không một lần lặp lại...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 09:16:23 pm »

        Quân chủng cho một chiếc trực thăng lên để đón anh về, nhưng thật rủi ro, chiếc trực thăng Mi-4 chưa đi đến Cao Bằng, mới bay tới Bắc Cạn thì đã bị các hỏa lực ở mặt đất bắn rơi. Thời ấy, trong lúc hỗn loạn, thật khó phân biệt được máy bay ta hay địch. Rất ít người nghĩ rằng ta có máy bay nên chuyện bắn nhầm xảy ra không chỉ một lần. Rất may là tổ bay và các bác sĩ đi theo đều an toàn.

        Đợi gần một tuần lễ sau, khi cầu Gia Bảy sửa xong thì đơn vị lên đón anh về bệnh viện 108. Về đến nơi, sau khi khám và chụp xương sống cho anh, mới phát hiện là anh đã bị xẹp 3 đốt sống. Việc chữa được cho lành lặn đã là khó khăn rồi chứ còn nói gì đến bay nữa. Các bác sĩ băn khoăn, lo lắng, còn anh Nhị thì bi quan vô cùng.

        Anh nghĩ, có lẽ thế là hết! Thế là phải chấm dứt đời bay, phải ôm hận vĩnh biệt bầu trời! Mà rồi mình có được lành lặn để đi lại được như người bình thường hay sẽ trở thành tàn phế?... Mồm miệng tự dưng thấy đắng ngắt! Buồn quá!

        Cuối cùng, bác sĩ Địch - trưởng khoa Không quân ở bệnh viện 108 đưa ra một phương án chữa trị. Bác sĩ nói với anh:

        - Ba đốt sống sẽ liền lại như cũ và có thể bay được, nhưng muốn vậy phải kiên trì chịu đựng trong vòng 3 tháng. Liệu anh có chịu được không?

        - Nếu bác sĩ chữa cho tôi bay được thì khổ cực đến đâu tôi cũng chịu được! - anh trả lời.

        Và anh đã phải nằm bất động trong một thời gian dài. Mọi cử động đều ảnh hưởng đến cột sống. Anh phải nằm trên chiếc giường có độ dốc đến 30 độ, hai vai buộc dây treo hai hòn gạch để giữ cho người không bị tụt xuống, hai chân cũng buộc hai cục gạch để kéo giãn đốt sống theo độ dốc của giường nằm.

        Anh kể lại:

        - Nằm bất động như vậy đúng là một cực hình. Một tuần trôi qua thấy dài lắm! Rồi nửa tháng. Rồi một tháng... Trời thì nóng bức, điện lúc có lúc không, chiếc quạt “tai voi” chạy mãi rồi cũng như không muốn làm việc nữa vì quá mệt, có lúc nó uể oải, quay lờ đờ trông đến thảm hại.

        Nghĩ đến chuyện có thể được bay trở lại, anh lại thấy mình như được tiếp thêm nghị lực, lại tiếp tục chịu đựng cảnh “tra tấn” kia.

        Bác sĩ Địch kiểm tra 3 đốt sống thấy có tiến triển tốt, bắt đầu cho anh tập đi trong nhà cho quen dần, hướng dẫn cho anh tập cúi xuống, ngửng lên nhẹ nhàng để chống bị xơ cứng về sau này.

        Anh tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ Địch, sau gần một tháng kiên trì ngày qua ngày liên tục với các động tác quy định... chỉ cốt sao nhanh chóng được trở lại bầu trời, sau đó anh phải qua vòng “khám tuyển phi công”. Sau vòng khám tuyển, Hội đồng Giám định đã ghi: “Đủ điều kiện bay!”, cầm quyển sổ sức khỏe với dòng chữ “đủ điều kiện bay!”, anh vui sướng đến trào nước mắt! Vậy là con đường trở lại bầu trời vẫn còn rộng mở đối với anh. Anh lại được vẫy vùng trong không trung, lại được sát cánh cùng đồng đội, lại được chiến đấu để quét sạch lũ giặc trời, trả lại cho bầu trời sự yên bình, trả lại cho mặt đất sự yên lành, để rồi một mai - tất cả những ánh mắt của các Mẹ, các chị, các em... nhìn lên bầu trời đày chan chứa yêu thương.

        Duyên phận với bầu trời vẫn chua từ bỏ anh, còn bắt anh gắn kết với bầu trời nhiều nữa.

        Ngày 20 tháng 7 năm 1966, cầm tờ giấy xuất viện với dòng chữ ghi trong đó là: “Về đơn vị tiếp tục bay...” mà anh như có đôi cánh mọc sau lưng, mỗi bước đi thấy sao thật nhẹ lâng lâng. Lòng vui sướng không tả sao cho hết. Cám ơn bác sĩ Địch. Cám ơn chị Gái - người chị mà cả khoa Không quân ai cũng coi chị như người chị cả. Cám ơn các bác sĩ của khoa... Công ơn của các bác sĩ anh luôn ghi nhớ trong lòng. Anh sẽ mang theo trong từng chuyến cất cánh, từng trận không chiến... để lấy đó như nguồn lực, nguồn động viên lớn lao khi vào trận chiến. Mỗi chiếc máy bay do anh bắn hạ đều có công lao của các y bác sĩ ở trong đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 09:18:37 pm »

        Anh về đơn vị đúng vào thời điểm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Không quân Mỹ tăng cường đánh phá các vùng ngoại vi Hà Nội như kho xăng Đức Giang, các nhà ga...

        Ở miền Nam thì Mỹ ồ ạt đổ thêm quân Mỹ và quân chư hầu...

        Lời kêu gọi của Bác: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” như hồi kèn xung trận, thôi thúc trong tim từng người.

        Lực lượng của Không quân ta được phát biển mạnh.

        Toàn bộ MiG-17 chuyển giao hết cho Trung đoàn 923. Liên-xô viện trợ thêm cho ta loại MiG-21 F13, tuy cũ hơn loại PF, nhưng nó được trang bị một khẩu 30 li, 2 tên lửa “không đối không” và tính năng không chiến “đánh quần” không kém gì loại F-4 (Phan-tôm). Các chuyên gia bay, đội kỹ thuật lắp ráp máy bay của Liên-xô ở ngay gần Trung đoàn để giúp đỡ về mặt kỹ thuật rất kịp thời.

        Trung đoàn bay MiG-17 có một tổ chuyên gia Cu-ba huấn luyện cho chúng ta cách đánh mục tiêu ngoài biển - cách ném bom thia lia...

        Chúng tôi thân với các bạn Cu-ba từ hồi còn cùng học bay ở trường Cu-sôp-xca-ia. Các bạn Cu-ba với ta hệt như hai anh em ruột thịt trong một nhà, tuy hai đất nước ở hai bán cầu cách nhau nửa vòng Trái đất, nhưng gắn bó với nhau mật thiết vô cùng. Sự giúp đỡ, sự chi viện của các bạn Cu-ba đối với ta lớn lao vô cùng, quý giá vô cùng.

        Những khi gặp các bạn Cu-ba, nghe giới thiệu xong là bỗng dưng như thấy đã quen nhau từ rất lâu rồi, và nói chuyện với nhau rất tự nhiên, thoải mái mặc dù nhiều khi cứ phải khua chân múa tay vì ngôn ngữ bất đồng. Hai dân tộc cách xa nhau vậy mà sao lại thấu hiểu, đồng cảm với nhau đến vậy!

        Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đề nghị được cử những phi công tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu. Chính phủ ta chấp nhận và một lực lượng phi công lái MiG-17, MiG-21 cùng các bộ phận đảm bảo, chỉ huy, tham mưu, dẫn đường, kỹ thuật... đã sang tham gia huấn luyện và chiến đấu.

        Thật đáng trân trọng sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của các bạn Triều Tiên. Tinh thần giúp đỡ thật trong sáng. Tinh thần quốc tế của các bạn thật quý giá. Các bạn đóng quân ở sân bay Kép là chính. Tôi cũng có dịp cùng được trực vớí các bạn. Tuy ngôn ngữ bất đồng, không nói được tiếng của nhau nhưng rất hiểu nhau. Phi công bao giờ cũng hiểu nhau dễ hơn, thông hiểu nhau nhanh hơn. Các bạn đã chiến đấu hăng hái, hy sinh quên mình, sát cánh cùng các phi công Việt Nam chống lại lực lượng không quân Mỹ. Các bạn đã lập được nhiều chiến công, nhưng không phải là không có tổn thất. Tổn thất nào cũng đáng tiếc, cũng đau thương, nhưng với các bạn thì sự thương tiếc, thương đau hơn nhiều. Các bạn - những con người ở tận đẩu tận đâu vì nghĩa cả, dám chấp nhận hy sinh để giành giật lấy chiến thắng, giành lại cho bầu trời Việt Nam thanh bình thì còn gì cao quý bằng. Sự mất mát của các bạn còn gì tiếc thương bằng.

        Cũng trong giai đoạn này, lực lượng của ta phát triển khá mạnh, nhưng với lực lượng bay trên MiG-21 thì vẫn chưa có cách đánh cụ thể để đạt hiệu suất cao. Các phi công MiG-21 vẫn vào quần “vòng thúng” với địch và nhiều trận ta bị tổn thất.

        Khi anh Nhị được ra viện, bác sĩ cho anh về đơn vị nhưng bắt phải đi nghỉ an dưỡng 1 tháng. Anh bứt rứt vì tình hình đơn vị, muốn nhanh chóng được tham gia chiến đấu nên nài nỉ xin chỉ đi an dưỡng nửa tháng thôi! Cuối cùng, ý kiến của anh cũng được chấp nhận.

        Anh cùng với một số anh em khác được lên nghỉ ở khu nghỉ mát Tam Đảo, nhưng trước khi đi nghỉ, Trung đoàn trưởng Trần Mạnh căn dặn anh:

        - Cậu lên Tam Đảo nghỉ để lấy lại sức sau trận nhảy dù, song hãy cố gắng nghiên cứu đề xuất cách đánh của MiG-21, để sau khi đi nghỉ, về lại đơn vị, sẽ tổ chức “Quân sự dân chủ” thảo luận tìm cách đánh cho MiG-21!

        Vậy là tuy anh đi nghỉ, nhưng phải làm việc căng thẳng, nghiêm túc để tìm cho bằng được cách đánh phù hợp, hiệu quả cho MiG-21.

        Suốt thời gian nghỉ, mấy anh em thảo luận liên tục nhưng vẫn không “thoát” được khỏi những cách đánh cũ, vẫn cứ luẩn quẩn..

        Hết những ngày nghỉ, anh về đơn vị nhanh chóng hồi phục để tham gia trực chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 07:25:19 am »

        Giai đoạn này là giai đoạn địch tích cực bay trinh sát tầng cao để chụp ảnh các mục tiêu xung quanh Hà Nội. Đấy cũng là dấu hiệu địch sẽ đánh lớn.

        Anh lại được lệnh xuất kích đi đánh KNL. Trận thứ hai này là trận nhầm mục tiêu (kể cả từ SCH). Anh phải hạ cánh xuống sân bay Bình Viễn của Trung Quốc vì hết dầu và mấy ngày sau khi đoàn của Trung đoàn phó Trần Hanh cùng với các tổ trưởng bộ môn (như thợ máy, đặc thiết...) sang Bình Viễn làm việc với bạn, kiểm tra chuẩn bị máy bay xong, anh mới lại cất cánh bay về căn cứ Đa Phúc.

        Ngày anh về đến Đa Phúc là ngày trời rất xấu: mây thấp, tầm nhìn kém - mọi tiêu chuẩn khí tượng đều không đảm bảo cho việc hạ cánh, nhưng không còn cách nào khác, anh vẫn phải xuống. Bình tĩnh, các động tác chuẩn xác... anh đã đưa máy bay về hạ cánh an toàn.

        Trung đoàn trưởng ra tận máy bay đón anh, ôm hôn thắm thiết. Suốt chặng đường chiến đấu của mình, anh luôn nhớ tới lời của Trung đoàn trưởng:

        - Cậu đã bình tĩnh, quả cảm, xử lí chính xác, cho nên người còn, máy bay còn về đây. Vậy phải giữ vững tinh thần, khí phách người lái máy bay chiến đấu để tiếp tục chiến đấu nhé!

        Lời nói ấy cũng là lời động viên, lời nhắc nhở của cấp trên đối với anh. Những lúc gian nan, những lúc gặp những tình huống khó khăn, bất trắc... anh lại nhớ lại lời nói ấy của Trung đoàn trưởng. Lời động viên, nhắc nhở ấy như tiếp thêm sức mạnh cho anh để anh vượt qua mọi trở ngại, gian truân.

        Thời kỳ này cũng là thời kỳ ta áp dụng cách đánh với biên đội lớn. MiG-21 sử dụng biên đội 2 chiếc xen kẽ với biên đội 4 chiếc.


Biên đội chiến đấu: Nguyễn Hồng Nhị (số 1), Nguyễn Đăng Kính (số 2)
(Nguyễn Hồng Nhị ngồi trong buồng lái)

        Trận đánh ngày 19 tháng 12 năm 1966 là trận sử dụng biên đội 4 chiếc với MiG-21, Biên đội gồm: số 1 - Nguyễn Hồng Nhị, số 2 - Nguyễn Đăng Kính, số 3 - Vũ Ngọc Đỉnh, số 4 - Nghiêm Đình Hiếu. Biên đội cất cánh đến khu vực Vĩnh Yên thì gặp địch ở thế đối đầu. Biên đội vòng gấp bên trái bám theo địch. Biên đội của địch gồm hơn 20 chiếc gồm cả tiêm kích bom và tiêm kích đi yểm hộ. Khi phát hiện được máy bay MiG, chúng vứt bom và quần theo chiến thuật lượn “vòng thúng” để không chiến với MiG. Anh Vũ Ngọc Đỉnh nhanh chóng bắn rơi 1 chiếc F-105, anh Nguyễn Hồng Nhị bắn bị thương 1 chiếc khác (thằng F-105 bị anh bắn, bay lảo đảo như thằng say, lết về đến Thái Lan thì phải nhảy dù. Sau này, báo chí phương Tây đăng tin thì ta mới biết). Đấy cũng là trận đánh kết thúc năm 1966 với MiG-21 vì những ngày cuối tháng 12 là những ngày trời rất xấu, không thể bay, không thể xuất kích được. Tất cả đều ngồi “Quân sự dân chủ” bàn cách đánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 07:27:40 am »

        Giai đoạn đầu năm 1967 là giai đoạn ta chịu nhiều tổn thất. Qua những trận đánh ta chịu tổn thất này, ta đã “đoạn tuyệt” với cách đánh quần, với lối “vòng thúng” theo địch.

        Quyết định đánh theo lối đánh mới cho MiG-21 là quyết định táo bạo - đánh theo lối đánh chặn, thọc sườn, tạo đà, tạo thế, thọc sâu, đánh nhanh, rút nhanh. chọn đúng mục tiêu...

        Quyết định sáng suốt của Trung đoàn trưởng, trí tuệ của tập thể, sự hiệp đồng chặt chẽ của các thành phần, sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên .... Tất cả những cái đó tạo nên s ức mạnh giành thắng lợi.

        Tìm được cách đánh đúng - hiệu suất chiến đấu tăng hẳn. Trong Trung đoàn đã xuất hiện nhiều phi công đánh giỏi, nhiều “sát thủ” ở trên không như các anh Nguyễn Ngọc Độ, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Mai Văn Cương, Vũ Ngọc Đỉnh, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Nhật Chiêu, Đồng Văn Song, Nguyễn Hồng Nhị...

        Bọn địch từ lúc xem thường Không quân ta, coi các máy bay MiG chỉ như “những con muỗi mắt”, tiếp đến phải “xóa sổ các máy bay MiG”, nhưng đều gặp phải những thất bại cay đắng. Chúng thực hiện những âm mưu xảo quyệt, hèn hạ, trong đó có việc tìm mọi cách sát hại phi công ta, các lực lượng, trang bị của ta ở dưới mặt đất và cả ở trên trời...

        Ví như trường hợp của anh Hoàng Đức Lộc, khi anh tham chiến trên vùng trời Thái Nguyên, máy bay của anh trúng đạn, anh phải nhảy dù. Biên đội 2 chiếc F-4 đã đuổi theo dù, dùng súng 20 li bắn theo. Một viên đạn đã sượt qua xương sọ của anh, bay đi mất một mảng, may là không chạm vào não nên anh còn sống. Anh được đưa về bệnh viện 108 điều trị, được các bác sĩ “vá” bằng một miếng mi-ca. Anh vẫn còn tiếp tục bay chiến đấu một thời gian nữa, mãi sau này mới thôi bay xuống công tác dưới mặt đất.

        Nói vậy để thấy đủ mức độ dã man, tàn bạo và hèn hạ của lũ Không quân Mỹ - một lũ không thể đội trời chung!

        Vào giữa năm 1967, Liên-xô viện trợ cho ta loại MiG- 21 mới với tính năng vượt trội hơn, vũ khí cũng nhiều hơn, đa dạng hơn. Lực lượng phi công cũng được bổ sung nhiều hơn. Vậy là sức chiến đấu của Trung đoàn đã lớn mạnh hơn.

        Cho đến giai đoạn này thì đã có nhiều phi công bắn rơi được 4 đến 5 chiếc máy bay địch rồi.

        Cuối tháng 6 năm 1967, những anh em bắn rơi 4 máy bay Mỹ được đơn vị phân công cho đi nghỉ mát, an dưỡng ở Tam Đảo, trong số đó có các anh Nguyễn Nhật Chiêu, Mai Văn Cương, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Ngọc Xíu, Lê Trọng Huyên... nghĩa là đi đợt này khá đông, khá vui vẻ, hồ hồi, phấn khởi (khác hẳn với đợt đi nghỉ trước là đi nghỉ mà cứ vò đầu bứt tai tìm mãi không ra cách đánh).

        Chính trong đợt nghỉ này, anh đã gặp “cô sơn nữ” mà rồi sau này trỏ thành người đồng chí, người bạn đời của anh. Tôi sẽ kể sau.

        Thành tích chiến đấu của các anh cứ tăng dần theo năm tháng, theo những lần xuất kích. Cuối tháng 8 năm 1967, anh cùng với anh Nguyễn Đăng Kính xuất kích đi đánh bọn trinh sát RF-4. Các anh bay đến vùng trời Nghĩa Lộ thì gặp bọn chúng trên đường quay ra. Bọn địch cũng phát hiện được các anh. Chúng cơ động gấp hết sang trái lại sang phải, vẫn thấy các anh bám chặt phía sau. Chúng liền cắm xuống với góc bổ nhào lớn. Anh Hồng Nhị phán đoán kiểu gì chúng cũng phải kéo lên, chứ không thể cắm đần cắm cổ lao xuống mãi được. Anh lẩm bẩm ; “Tao không dại gì mà lao theo mày để đâm vào núi!”. Quả vậy, nó đã kéo lên. Chờ cho thằng địch ngóc lên, anh bình tính đua nó vào vòng ngắm và ấn nút phóng tên lửa, hạ thằng trinh sát chiến thuật RF-4 ngay tại chỗ. Tháng 9 năm 1967, biên đội Nguyễn Hồng Nhị, Đồng Văn Song đã bắn rơi RF và F-4. Tháng 10 năm 1967, anh tiếp tục hạ 1 chiếc RF khi bay cùng số 2 là Nguyễn Đăng Kính. Cho đến tháng 11 năm 1967 thì anh Hồng Nhị đã bắn rơi 7 máy bay địch. Trận đánh vào ngày mồng 7 tháng 11, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga cũng là trận đánh đáng nhớ. Biên đội của anh: Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Đăng Kính đã không chiến với 6 tốp địch. Các anh đã áp dụng chiến thuật đánh nhanh, thọc sâu vào đội hình kéo dài của địch có lực lượng tiêm kích F-4 đi bảo vệ hai bên sườn đội hình. Anh xông thẳng vào biên đội của chúng, bắn dọc theo đội hình làm bọn F-4 bay dạt ra. Chớp thời cơ, anh lao ngay vào tốp thứ hai, hạ gục tại chỗ thằng F105, bắt sống giặc lái và anh Nguyễn Đăng Kính cũng tiêu diệt một thằng F- 4. Toàn bộ trận đánh ngày hôm ấy, anh ghi lại trong sổ nhật ký như sau:

        “Từ sân bay Gia Lâm về, trên đường đi, tổ lái máy bay trực thăng cố tình bay thật thấp, băng qua các nhà máy, xóm làng, các trận địa cao xạ, tên lửa và đến những cánh đồng lúa vừa chín tới, như cố tình trêu chọc chúng tôi: Đấy, những máy bay cường kích của Mỹ lọt vào ném bom phá và bom bi lỗ chỗ khắp nơi đấy. Các ông lái “vỉ ruồi” đã thấy chua?

        Cái nghề lái máy bay của chúng tôi nhạy cảm với việc trêu nhau lắm!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 07:30:55 am »

        Thật vậy, riêng lòng tôi cũng cảm thấy hổ thẹn vì những ngày tháng qua, bọn “vỉ ruồi” mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Sân bay để địch đánh phá hỏng nặng, phải chạy đến nhờ sân bay bạn để chiến đấu, nhưng “đánh đấm” cũng chưa tốt lắm. Anh em phục vụ mặt đất thì gian nan vất vả lắm, họ làm việc với tinh thần là tất cả để chiến thắng, nhưng mình đi đánh thì lại chưa thắng. Bà con  xung quanh căn cứ thì bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Tính mạng nhân dân cũng có tổn thất. Nhưng họ có nề hà gì đâu, tiếng bom chưa ngừng là họ đã đổ xô ra ngõ chờ tiếng loa gọi là “đi sửa chữa sân bay cho bộ đội quần xanh”. Đặc biệt hôm nay về lại sân bay tôi lại càng thấy thấm thía điều đó hơn “thế nào là sức mạnh của quần chúng”. Càng thôi thúc lòng tôi, biên đội tôi là hôm nay phải cất cánh nhanh đi chiến đấu ngay bây giờ để rửa thù cho nhân dân, đền đáp lại công ơn của bà con làng xóm.

        Trả thù cho Thủ đô yêu quý!

        Chưa có máy bay để tiếp thu, chúng tôi đi dạo một lần qua đường lăn và đấy cũng là đường cất cánh chiến đấu chiều nay. Những mảng bê-tông còn mới nguyên, còn nồng mùi vôi vữa vừa đổ lấp những hố bom đêm qua. Đấy là mồ hôi, là xương máu của bà con xung quanh căn cứ, của đồng đội để lại ở mảng bê-tông này. “Hôm nay ta phải quyết giữ cho được!” - tôi nói với số 2 như thế.

        Ở căn hầm của SCH, mọi người làm việc hết sức điềm tĩnh. Bình tĩnh mà khẩn trương lạ. Đồng chí Chính ủy có cằm hơi nhọn, miệng hơi rộng, mắt sâu, cộng với những ngày cơ động ác liệt vừa qua trông đồng chí sút hẳn đi, lại bị căn bệnh dạ dày, kém ăn nữa. Lẽ ra đồng chí phải đi chữa bệnh, nhưng đồng chí nói:

        - Tao mà xa chiến đấu một ngày thì bệnh chỉ có thể nặng thêm lên mà thôi!

        Thế đấy! Đồng chí lấy việc lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu vượt lên tất cả, mà khỏe ra, mà thông minh sáng suốt. Đúng vậy, cứ nhìn vào đồng chí Chính ủy là như mình được chuyển thêm quyết tâm, khó khăn mấy cũng vượt qua. Tác phong lãnh đạo của đồng chí còn có một sự thuyết phục, gương mẫu cao nữa. Tôi mà gặp đồng chí Chính ủy thì không có ưu điểm gì mà không nói ra và cũng không có sai lầm, thiếu sót gì mà lại không bộc lộ...

        Bên cạnh đồng chí Chính ủy là đồng chí Trung đoàn trưởng có khuôn mặt hiền hậu nhưng nghiêm túc, có tác phong chỉ huy điềm đạm mà thẳng thắn. Lúc nào đồng chí cũng nhìn sâu vào bản chất quân thù mà đánh giá hành động của chúng để chỉ huy bộ đội mình chiến đấu.

        Trước tập thể thì hết sức dân chủ, chín chắn, nhưng trước cá nhân thì hết sức thẳng thắn, cương trực.

        - Yêu cầu hôm nay đánh một trận thắng tốt! Đó là yêu cầu cấp bách của đơn vị! - đồng chí nói ngắn gọn như thế rồi hạ lệnh cho chúng tôi đi tiếp thu máy bay.

        Đồng chí còn nắm chắc tính nết từng người lái trong đoàn nữa. Nếu như biên đội nào khác thì đồng chí còn nói nhiều hơn, nhưng đối với tôi cục mịch nói là làm, cũng có lúc nóng như Trương Phi, như rừng dừa Tam Quan nổi gió, mà cũng có lúc yên lành, mát mẻ như đầm ô Loan phẳng lặng.

        Mọi việc chuẩn bị xong, đang ngồi tán với ông bạn đồng hương trực ban sân bay thì được lệnh cất cánh. Vì đường lăn rộng chỉ có 16 mét nên không thể cất cánh đôi được, vì thế phải có động tác tập họp biên đội, nhưng Kính - số 2 hôm nay cũng có vẻ lanh lẹ hơn, chỉ trong khoảnh khắc là biên đội chỉnh tề trên đường đi gặp địch.

        Chúng tôi đi, đầy lòng tin tưởng quyết đánh quyết thắng, vì hôm nay là ngày tập trung sự chỉ đạo cao nhất từ trước đến nay.

        Ở SCH thường xuyên có đồng chí Chính ủy và Trung đoàn trưởng, có các cán bộ chính trị, tham mưu...

        Ở Bộ tư lệnh có sự chỉ đạo chặt chẽ nữa thì nhất định mình sẽ thắng.

        Trên đường đi chặn địch, lướt qua bao làng bản quê hương ruộng nương san sát, núi đồi nhấp nhô, những con sông như những sợi chỉ trắng ngoằn ngoèo trên thảm cỏ xanh. Tất cả những bức tranh tuyệt đẹp đó, tôi đã được ngắm nhiều lần, không bao giờ biết chán nó, nhưng nó cũng không thể nào làm cho tôi mất cảnh giác được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 08:28:17 pm »

        Tiếng Trung đoàn trưởng trầm tràm cất lên trong tai nghe của tôi:

        - “Ruồi xanh” phía trước... độ,...km. Biên đội chuẩn bị chiến đấu!

        - Rõ! - tôi trả lời cũng dõng dạc để đáp lại tiếng nói điềm đạm của đồng chí Trung đoàn trưởng..

        - Phía trước, bên trái... km có 3 tốp, 5 tốp!... - tiếng số 2 phát hiện địch báo cáo.

        Và toàn bộ bọn chúng là 6 tốp. Chúng tôi chuẩn bị vào chiến đấu, đánh phủ đầu ngay từ đầu.

        Bọn chúng cũng phát hiện, tìm cách đối phó lại, nhưng muộn rồi! Chúng tôi đã bám sát đuôi chúng và bắn một quả tên lửa vào tốp tiêm kích đi hộ tống làm cho đội hình địch rối loạn, thằng nào cũng lo ngoặt gấp để tránh tên lửa. Chớp thời cơ, tôi tăng tốc độ xông thẳng lên đội hình địch, thực hiện chiến thuật “đánh nhanh, thọc sâu”, bắn rơi tại chỗ 1 F-105 (Thần sấm). Thằng giặc lái nhảy dù, bị bắt sống, số còn lại vội vàng quăng bom ngoài mục tiêu, tháo chạy.

        Tiếng Trung đoàn trưởng lại vang lên trong tai tôi:

        - Tất cả “Thắng lợi!” (Thoát ly, quay về!).

        Như thế là âm mưu của địch hôm đó định đánh vào sân bay chúng tôi một lần nữa lại phá sản hoàn toàn. Chúng tôi quay về an toàn. Người sung sướng đầu tiên bắt tay chúng tôi là anh em cơ vụ. Đó là thành tích của họ, thành tích to lớn thuộc về họ, rồi đến SCH Trung đoàn và cả căn cứ này. Bà con xung quanh thấy máy bay ta về, trên đài truyền thanh thông báo tin bắn rơi địch thì họ cũng nghĩ trong thành tích đó có sự đóng góp của bà con. Những thành tích đó là của tất cả chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu!”.

        Cuối năm 1967, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, anh đã được Bác Hồ kính yêu tặng cho anh chiếc đồng hồ nữ khi biết anh đã lập gia đình. Đồng chí Chính ủy Trung đoàn nhận từ tay Bác đem về trao lại cho anh Nhị và nhắc lại lời Bác: “Bác gửi tặng chú Nguyễn Hồng Nhị chiếc đồng hồ này. Mong chú Nhị cố gắng hơn nữa, luôn xứng đáng là chiến sĩ của Thành đồng Tổ quốc!”. Chính ủy cũng nói thêm là Bác đã biết tin anh đã lập gia đình nên tặng chiếc đồng hồ nữ và Bác đồng ý cho cô Dậu được đeo chiếc đồng hồ này. Bác nói: “Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của chú Nhị là có công của cô ấy!”.

        Quá xúc động, anh Nhị đứng lặng đi rồi đưa hai tay đỡ lấy chiếc đồng hồ, tưởng như đang nhận tặng vật quý giá này từ tay Bác. Không còn sự cảm động nào hơn. Bác đã quan tâm đến anh như người Cha quan tâm đến con vậy. Công việc của Bác nhiều như vậy mà Bác vẫn nhớ đến những chi tiết rất nhỏ. Anh lại nhớ lại những giây phút được gặp Bác, nhớ lại những lời nói ôn tồn, âu yếm của Bác:

        - Cuộc chiến đấu của quân và dân ta còn lâu dài. Say sưa và quyết tâm chiến đấu là đúng. Nhưng các chú say sưa chiến đấu vẫn không được quên đến việc chăm lo cho hậu phương, cho hạnh phúc riêng của mình. Riêng chuyện này, các chú đừng học Bác.

        Rồi Bác nói tiếp:

        - Bác nghèo, Bác chả có gì cho các chú. Bác tặng mỗi chú một chiếc huy hiệu của Bác và Bác mời các chú ăn chuối, ăn kẹo. Chú nào ăn được bao nhiêu cứ ăn, ăn không hết được thì mang về! Các chú cứ đánh Mỹ cho giỏi, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe, Bác vui!”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi gặp gỡ với các phi công đã từng bắn rơi máy bay Mỹ
(Anh Nguyễn Hồng Nhị ngồi hàng đầu ngoài cùng bên phải)

        Anh thầm hứa là phải sống sao cho xứng đáng với sự quan tâm của Bác, phải chiến đấu thật dũng cảm, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ, làm cho Mỹ chóng thua để nhanh chóng giải phóng miền Nam, để đón Bác vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt trong đó có gia đình anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2016, 08:32:39 pm »

        Anh lại được cử đi bay đề cao một thời gian ngắn. Anh rất muốn ở lại đơn vị để được tiếp tục chiến đấu, nhưng nhiệm vụ đã giao là phải chấp hành. Anh tâm sự với vẻ luyến tiếc:

        - Đang ở giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến tranh ác liệt mà mình lại phải xa anh em thì thật tiếc vô cùng, lúc nào anh cũng muốn đồng cam cộng khổ với anh em nhất là vào thời điểm này khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân của Mỹ đang ở đỉnh điểm thì dù có phải hy sinh cũng không sợ. Mặt khác, anh muốn được chiến đấu để bắn rơi thêm một số máy bay Mỹ để kính dâng Bác Hồ, thực hiện trọn lời hứa với Bác.

        Cứ mỗi lần bắn rơi một máy bay của Mỹ thì Bác lại gửi tặng cho phi công một chiếc huy hiệu của Bác. Đấy là món quà của Bác và cũng là niềm tự hào của phi công. Nhìn lên ngực áo của phi công là có thể biết được thành tích của phi công đó rồi.

        Mùa khô năm 1968, ta tăng cường lực lượng vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Địch cũng ra sức đánh phá các tuyến đường của ta đặc biệt là từ khu Bốn trở vào, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Anh Nhị cùng một số phi công cơ động vào sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa (sân bay Thọ Xuân trong giai đoạn chiến tranh mang mật danh B-l).

        Kẻ địch thay đổi chiến thuật, thay đổi cách đánh liên tục. Ta cũng phải tìm ra những cách đánh mới, sáng tạo, linh hoạt... trong từng trận chiến. Một trong những số đó là cách thay đổi đội hình chiến đấu. Với MiG-21, đội hình chiến đấu quen thuộc thường là 2 chiếc, 4 chiếc. Đội hình đó có nhiều ưu điểm, nhưng có cái gì đó vẫn bị gò bó ở vị trí số 2. Sau những lần “Quân sự dân chủ” tìm cách đánh, đã đưa ra đội hình chiến đấu mới - đội hình 3 chiếc. Với đội hình này, số 2 vẫn là người yểm hộ cho số 1, số 3 ngoài việc cảnh giới cho cả biên đội còn là người hoạt động tự do hơn cả, được ví như vị trí “trung vệ thòng” trong bóng đá. Số 3 có thể bay cao hơn hoặc thấp hơn biên đội, có thể bay phía cánh trái hoặc cánh phải của biên đội, ờ cự li tùy ý - tức là ở khoảng cách hợp lý nhất. Khi gặp địch, cả số 1 và số 2 có thể đồng thời công kích và số 3 làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ cho toàn biên đội. Nhưng cũng có thể chính số 3 lại là người công kích vì sẽ gây bất ngờ cho địch bởi chúng bao giờ cũng nghĩ ta chỉ đi biên đội 2 chiếc, chỉ chăm chú đối phó với biên đội 2 chiếc thôi. Anh Nhị được giao nhiệm vụ bay ở vị trí số 3 đi đánh thử nghiệm đội hình 3 chiếc.

        Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1968, biên đội 3 chiếc của các anh: Nguyễn Đăng Kính (số 1), Phạm Văn Mạo (số 2) và Nguyễn Hồng Nhị (số 3) xuất kích từ sân bay Thọ Xuân bay vào vùng trời Thanh Chương - Nghệ An. Hôm ấy trời đầy mây, khi SCH thông báo tình hình địch, số 1 và số 2 không phát hiện được địch. Anh Nhị phát hiện một biên đội máy bay F-8, báo cáo và xin phép vào công lách. Được phép công kích, anh từ trên cao lao xuống đánh, bắn rơi ngay 1 chiếc F-8. Loại máy bay F-8 là máy bay tiêm kích của Hải quân Mỹ. Nó có những tính năng như sau:

        - Thân dài: 16,61 m
        - Sải cánh: 10,87 m
        - Chiều cao: 4,80 m
        - Động cơ: 1 động cơ phản lực
        - Tốc độ lớn nhất: 1860 km/h
        - Tốc độ trung bình: 750 đến 800 km/h
        - Độ cao lớn nhất: 18.000 m
        - Độ cao trung bình: 1.500 đến 4.000 m
        - Tầm bay xa nhất: 2.000 km
        - Bán kính hoạt động: 640 km
        - Khả năng mang vũ khí: 2 đến 4 tên lửa “Không đối Không”, 4 khẩu 20 li, rốc-két

        Tính năng cơ động theo mặt phẳng ngang của F-8 rất tốt. Một thời gian khá dài lực lượng MiG-21 rất chật vật khi vào trận không chiến với F-8 và cũng đã từng bị chúng bắn rơi.

        Sau khi anh Nhị bắn cháy thằng F-8, anh kéo cao thoát li thì bị bọn khác đuổi theo. Máy bay của anh bị trúng đạn, anh phải nhảy dù xuống vùng rừng núi của huyện Thanh Chương. Tiếp đất, đi được một đoạn thì anh gặp một chú gấu chắc ăn nhiều mật ong, bị “say” mật, lăn kềnh dưới gốc cây, còn một con nữa đang bám ữên cây tiếp tục ăn mật. Anh rút súng ngắn, định “xử lí” chú gấu đó để lấy mật gấu xoa vết thương cho mình, nhưng sợ bắn nó không chết ngay thì còn nhiều hiểm họa hơn. Vì vậy, anh lại cất súng đi, mặc cho chú gấu nằm lại đó, anh xuôi dốc, lần theo dòng suối để ra bìa rừng. Đi được vài trăm mét thì anh gặp các đồng chí dân quân, du kích đến đón. Trời lúc bấy giờ u ám, mây vần vũ sắp mưa đến nơi, anh lại đang bị thương, đi dốc rừng rất khó khăn nên các anh du kích đã thay nhau cõng anh để thoát ra khỏi rừng cho nhanh. Về tới nhà dân, anh được mọi người lấy mật gấu xoa bóp vết thương và nấu cháo với mật ong cho anh ăn nên anh hồi sức khá nhanh.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM