Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:58:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thanh kiếm bầu trời  (Đọc 29909 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2016, 06:59:54 pm »

        Sau này, ta tổ chức những Trạm quan sát bằng mắt (những tổ quan sát bằng mắt) ở ngay tại sân bay, ở hai đầu cất hạ cánh, cảnh giới giúp phi công, thông báo kịp thời mọi tình huống cho phi công biết thì chúng không còn làm gì được nữa!

        Thời đó, Đại sứ quán thường xuyên gửi các bản tin xuống cho các anh để giúp các anh cập nhật thông tin kịp thời, đặc biệt là tình hình Mỹ đầu tư cho không quân Ngụy Sài Gòn. Các anh chỉ nghĩ rằng chắc nay mai về nước, lực lượng đụng độ đầu tiên sẽ là đối đàu với không quân Ngụy Sài Gòn. Ai ngờ, thực tế các anh lại đương đầu với ngay lực lượng của thằng thày của Ngụy Sài Gòn - lực lượng không quân Mỹ.

        Tháng 7 ở Cusôp-xca-ia là tháng nóng vô cùng. Càng về trưa chiều, trời càng nóng bức, oi nồng. Giai đoạn này là giai đoạn các anh đang tập đánh mục tiêu mặt đất với các bài bay bắn đạn thật và ném bom thật trên trường bắn.

        Khi tiết trời càng nóng bức, ngột ngạt bao nhiêu thì không khí càng loãng bấy nhiêu, càng xuất hiện lắm “ổ gà trên không” bấy nhiêu, làm cho máy bay khi bay qua những “ổ gà” ấy bị thụt mạnh xuống, bị rung lắc, chao đảo.. Việc ngắm bắn khi máy bay bị chao lắc như vậy gặp rất nhiều khó khăn. Điểm ngắm dao động, chạy nhảy lung tung theo nhịp độ rung, độ lắc của máy bay, không ổn định tí nào. Mà “sai một li thì đi một dặm”! Điểm ngắm không ổn định thì khi bắn hoặc ném bom, đạn bom sẽ rơi chệch khỏi mục tiêu đến cả cây số! Các thày dạy bay đã truyền cho các anh những kinh nghiệm để khắc phục những khó khăn ấy. Kết thúc khoa mục ngắm bắn, ném bom trong điều kiện không khí nhiễu động mạnh vào ngày 20 tháng 7, tất cả các anh đều đạt loại khá, giỏi. Riêng anh Nguyễn Hồng Nhị là người bắn giỏi nhất với số lượng 16 viên đạn trúng bia.

        Khoa mục bay bắn, công kích mục tiêu mặt đất hôm ấy được tiến hành như sau: Vũ khí trên máy bay MiG-17 có 3   khẩu súng: 1 khẩu 37 li và 2 khẩu 23 li. Bốn viên đạn xuyên phá lắp cho khẩu 37 li, 12 viên đạn phá cháy lắp cho 2 khẩu 23 li (mỗi khẩu 6 viên). Độ cao bay đến mục tiêu (mục tiêu là một chiếc máy bay giả đỗ ở trường bắn) là 1500 mét. Góc bổ nhào không lớn hơn 40 độ, tốc độ vào bổ nhào không lớn hơn 800 km/h. Độ cao tối thiểu khi thoát li xong không thấp hơn 400 mét. số lần bổ nhào để bắn không quá 3 lần. Chỉ càn trúng mục tiêu 1 viên 37 li hay 1 viên 23 li là đạt yêu cầu. Anh Nhị vào bổ nhào công kích 2 lần, bắn 2 loạt! cả 16 viên đạn đều trúng mục tiêu!

        Tôi lại nhớ lại thuở nhỏ anh đã có biệt tài sử dụng súng cao-su (ná cao-su) đi bắn chim cút, dẽ giun... Hễ cứ con nào anh phát hiện được là con ấy dính đạn súng cao-su của anh. Rồi khi anh ở Tiểu đoàn 365 - Tiểu đoàn lá mít Anh hùng, khi tham gia Hội thao bắn giỏi - anh cũng đoạt giải nhất, được đưa vào bài hát: “Nguyễn Hồng Nhị bắn rất hay...”. Có lẽ anh đã có năng khiếu xạ kích chăng? Với tài năng như vậy, sau này mấy thằng phi công địch khi xáp trận với anh thì cứ “liệu thần hồn”!

        Sáng ngày hôm sau - ngày 21 tháng 7 năm 1964, trên trang báo “Tờ Chiến đấu” (“Bô-e-vôi lix-tôk”) - tương tự như một loại báo tường, phát nhanh các thông tin, sự kiện nóng hổi xảy ra trong ngày có dòng chữ màu đỏ với tít rất lớn:

       
“Hoan hô Nguyễn Hông Nhi - học viên bắn giỏi nhất!”

        Đọc những dòng chữ ấy, anh vui như mở cờ trong bụng. Các thày dạy bay liên tiếp đến bắt tay chúc mừng anh, khen ngợi anh. Đặc biệt, thày giáo của anh - thày A-mô-xôp thì rạng ngời niềm vui, rất tự hào với học viên của mình.

        Trong đời dạy bay của mình, thày đã từng dạy nhiều học viên bay người nước ngoài như: Hung-ga-ri, Cu-ba... nhưng chưa có người nào được như anh, được đăng tên trên “Tờ Chiến đấu” cả. Thày tự hào lắm chứ! Tự hào với các học viên và tự hào với các giáo viên khác nữa.

        Sang tháng 7 các anh luôn có cảm giác là thời gian đi quá nhanh và ngày kết thúc khóa học cũng ập đến quá nhanh. Chẳng lẽ cái giờ phút chia tay với sân bay Cu-sôp- xca-ia lại nhanh đến thế ư? Nhưng có ai níu kéo được thời gian đâu! Cái gì phải đến rồi sẽ đến! Anh nhớ lại:

        - Ngày kết thúc bay: chuyến bay chót của học viên Việt Nam hạ cánh nhẹ nhàng trên đường băng đất (trong không quân tất cả đều kiêng kị không nói “chuyến bay cuối cùng” mà chỉ nói là “chuyến bay chót”). Máy bay chạy xả đà để lại đằng sau một luồng khói bụi màu hồng. Tất cả các thành phần có mặt ngoài sân bay đều vỗ tay và nhất loạt hò reo phấn khởi: Hoan hô! Hoan...h...hô... !

        Ngày bay đã kết thúc trọn vẹn. Khóa bay đã kết thúc trọn vẹn. Đây là khóa bay đầu tiên của Liên-xô đào tạo cho Việt Nam các phi công tiêm kích phản lực chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2016, 07:01:46 pm »

        Từ Đài chỉ huy, một chiếc pháo hiệu màu xanh bay vút lên không trung báo hiệu kết thúc ngày bay. (Theo nguyên tắc của ban bay: khi triển khai bay, bắt đầu bay là bắn một phát pháo hiệu màu đỏ, khi nào kết thúc bay là bắn một phát pháo hiệu màu xanh).

        Trên sân đỗ, các loại máy bay MiG-15, MiG-17 xếp thẳng hàng, vươn người về phía trước. Tất cả các thành phần trên sân bay: phi công, thợ máy, các thành phần phục vụ khác cũng xếp hàng thẳng tắp.

        Ông Trung đoàn trưởng - Hiệu trưởng trường bay đứng trước hàng quân phát biểu ngắn gọn, vừa chúc mừng sự thành công của khóa huấn luyện bay đã kết thúc tốt đẹp, vừa cám ơn tinh thần lao động tích cực của mọi thành phần đã đóng góp cho sự thành công ấy và nhắn nhủ với các anh - những học viên Việt Nam nay đã là các phi công Việt Nam khi về nước hãy nhớ Trường Cu-sôp-xca-ia.

        Ông lần lượt cài lên ngực áo bay của các anh mỗi người một chiếc huy hiệu bay của Liên-xô. Chiếc huy hiệu bay hình cánh én mạ màu vàng với một khoảng không màu xanh (tượng trưng cho trời xanh) ở giữa đôi cánh én. Các anh mới tốt nghiệp bay, mới là phi công thường, chưa được phân cấp nên chỉ được đeo huy hiệu bay không có số.

        Việc phân biệt cấp bậc bay của đội ngũ phi công như sau: nếu là phi công cấp 1 thì phi công ấy bay được trong thời tiết giản đơn, thời tiết phức tạp ban ngày và cả ban đêm (tức là 4 khí tượng), phi công cấp 2 là phi công bay được trong thời tiết giản đơn, thời tiết phức tạp ban ngày và thời tiết giản đơn ban đêm (tức là 3 khí tượng), phi công cấp 3 là phi công chỉ bay được ở thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp ban ngày (tức là 2 khí tượng). Còn các phi công chỉ mới bay trong thời tiết giản đơn ban ngày thôi giống như các anh khi đó thì là phi công không cấp.

        Ông Trung đoàn trưởng làm thủ tục kết thúc ngày bay cũng là kết thúc khóa bay thật đơn giản, ngắn gọn. Tất cả có vậy thôi! Tổ chức ngay tại sân đỗ máy bay, ngay sau khi ban bay kết thúc!

        Rồi ông đi bắt tay tạm biệt từng người một!

        Suốt hai năm trời ròng rã, ông là một người chỉ huy mẫu mực, luôn sâu sát giúp đỡ các học viên bay. Hình ảnh của ông đã in đậm trong tâm trí các anh. Dù các anh có đi đâu, có ở phương trời nào đi chăng nữa, dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm nữa thì các anh cũng vẫn luôn nhớ đến ông - đến người thày đã đem hết sức mình dạy dỗ các anh để các anh trở thành những phi công chiến đấu thực thụ.

        Trước khi lên xe rời sân bay, các anh tranh thủ mỗi người uống một ca nước cơ-vát uống cho đỡ khát, uống để nhớ hương vị của nước cơ-vát, nhớ đất Nga, nhớ những ngày sống trên đất Nga, mảnh đất thân thương như mảnh đất quê hương mình.

        Ngồi trên xe từ sân bay về nhà, các anh ngắm lại khu bay, đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay với những hàng máy bay xếp thẳng tắp khuất xa dần trong ráng chiều vàng. Bầu trời xanh trong chuyển dần sang màu sẫm. Bóng tối nhẹ nhàng buông. Ai cũng bâng khuâng, chìm trong nỗi nhớ đến nao lòng... Nhớ những cánh bay từng gắn bó với các anh trong suốt hai năm trời, nhớ tất cả các thành phần phục vụ từng đem hết sức lực, nhiệt tình phục vụ chu đáo cho từng chuyến bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối..., nhớ đến cả mùi cỏ tươi hăng hăng, nhớ mùi dầu thải nồng nồng sau đuôi máy bay khi lăn về sân đỗ, tắt máy... Tất cả những gì ở ngày thường không để ý mấy thì sao bây giờ lại hiện lên rõ rệt, sắc nét đến thế...

        Các anh đồng thanh hát bài “Chuyến bay” để tạm biệt sân bay, tạm biệt những ngày bay trên bầu trời Cu- sôp-xca-ia.

        Vào những ngày đâu tháng 8, các anh tập trung ôn thi lí thuyết để qua kỳ thi sát hạch Quốc gia. Tất cả các anh thi đều tốt, đạt điểm cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2016, 07:03:45 pm »

        Cũng vào những ngày đầu tháng 8 này, đã có một sự kiện xảy ra làm cho các anh sửng sốt. Đó là ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, không quân Mỹ đã tấn công, đánh phá một số mục tiêu dọc bờ biển Việt Nam. Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã bắn hạ nhiều máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái của Hoa Kỳ là tên Trung úy An-va-ret.

        Nhà trường đã tổ chức mit-tinh phản đối Hoa Kỳ, đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt ngay hành động ăn cướp đó. Rất nhiều giáo viên bay đến gặp các học viên Việt Nam để chia sẻ tình cảm của mình và động viên mọi người học tập cho thật tốt để nhanh chóng về tham chiến, trả thù cho quê hương.

        Nhà trường tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho các anh nhân dip ngày Quốc khánh 2 tháng 9. Các anh được nhận bằng tốt nghiệp lái máy bay và mỗi người đều được trao tặng một chiếc huy hiệu có chữ v.u. ở giữa (đấy là hai chữ viết tắt của “Trường không quân quân sự” của Liên bang Xô-Viết).

        Thật vui sướng khi nhận được bằng tốt nghiệp! Thật vui vẻ khi tổ chức liên hoan chia tay với những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Những bài hát Nga, những bài hát Việt, những điệu nhảy... làm cho không khí càng thêm náo nhiệt, tưng bừng, thấm đẫm tình hữu nghị...

        Mấy ngày nghỉ để chờ tàu liên vận cho chuyến lên đường về nước là mấy ngày mọi người đi tìm mua quà lưu niệm cho người thân. Thời đó, những món quà có giá trị cao là quạt “tai voi”, đài bán dẫn, bóng bán dẫn, mai-xo cho bếp điện, đồng hồ báo thức...

        Các anh lên ô-tô về thành phố Rôx-tôp, từ đó đi tàu về Matx-cơ-va. Nhà trường cử một đồng chí Đại úy đi theo đoàn lên tận Mat-xcơ-va giúp cho đoàn làm các thủ tục lên tàu liên vận.

        Đến Mat-xcơ-va, vẫn còn thời gian, sáng ngày 24 tháng 9, các anh được dẫn đi tham quan mấy nơi, đặc biệt là được vào lăng Lê-nin để viếng Lê-nin - vị lãnh tụ thiên tài của thế giới.

        Dòng người bước chầm chậm vào viếng Lê-nin. Vị lãnh tụ vĩ đại đang nằm đó như thiêm thiếp ngủ, như đang nghe “thánh thót Crup-xcaia đọc trong sách “Tình yêu và cuộc sống”!

        Các anh lần lượt đi vòng quanh thi hài của người lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, của Cách mạng tháng Mười vĩ đại... lòng tràn ngập niềm tin vào sự thắng lợi của phe Xã hội Chủ nghĩa. Tiếng nói của Người như vẫn còn vang đâu đây khi Người đứng diễn thuyết trên Quảng trường Đỏ.

        Ra khỏi lăng, các anh đều có tâm trạng bần thần giống nhau. Đấy là không biết đến bao giờ mới lại được đến viếng Người lần nữa?

        Ngày 25 tháng 9, chuyến tàu liên vận chuyển bánh, chở các anh theo tuyến đường Mat-xcơ-va - Bắc Kinh - Hà Nội. Tuyến đường với những ga, trạm, với những cảnh vật vẫn như vậy, nhưng các anh thấy hình như tàu chạy nhanh hơn những lần trước. “Nước mã hồi” bao giờ cũng vậy thì phải!

        Khi tàu về đến Đồng Đăng và từ Đông Đăng về đến Hà Nội là các anh cảm nhận được ngay không khí sẵn sàng chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ. Khẩu hiệu chăng đầy đường. Dân quân hăng say luyện tập bắn máy bay... Tất cả những điều đó làm tăng thêm trách nhiệm của các anh - những phi công chiến đấu!

        Về đến Trạm 93 - Tổng cục chỉ thị cho các anh được nghỉ phép 15 ngày. Vậy là tình hình căng thẳng rồi. Mặc dù trời mua to nhưng tất cả các anh vẫn hối hả tranh thủ lên đường. Anh Nhị thì vẫn ở lại Trạm 93, thường xuyên về nhà anh Ba Kỳ để được biết tình hình ở quê nhà, được biết tình hình cách mạng diễn biến có nhiêu thuận lợi, nhưng bọn Mỹ-Ngụy đàn áp đồng bào miền Nam dữ dội, tàn bạo, dã man lắm.

        Tháng 11 năm 1964, tất cả các phi công và thợ máy đều tập trung về sân bay Gia Lâm để học chính trị.

        Ngày 16 tháng 12 năm 1964, tất cả các đoàn phi công và thợ máy học ở Liên-xô về được bổ sung vào biên chế của Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) đóng quân ở Đa Phúc (nay là Nội Bài). Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của nước ta. Cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn rất vinh dự, nhưng cũng thấy trách nhiệm rất lớn lao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 08:11:29 am »

        Suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải qua 4000 năm, cho đến nay mới có lực lượng Không quân. Bác Hồ từng giao nhiệm vụ: “Ngày xưa cha ông ta đã đánh thắng địch ở trên mặt đất, mặt nước. Bây giờ Bác giao cho các chú phải đánh thắng địch ở trên trời...”.

        Nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Mở mặt trận trên không như thế nào? Làm thế nào để đánh thắng địch ở trên trời? Đấy là những câu hỏi rất hóc búa. Dưới mặt đất, mặt nước, ta đã kế tục, kế thừa những kinh nghiệm của cha ông để lại, đã phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật đánh giặc xâm lăng - đó là trận Điện Biên Phủ. Đấy là địch dưới mặt đất. Còn địch ở trên trời thì sao? Chúng ta chưa hề có kinh nghiệm, đặc biệt lại là đối đầu với lực lượng Không quân Mỹ - một bọn ngang ngược, sừng sỏ, nhiều giờ bay, nhiều kinh nghiệm bay, trang bị vũ khí lại tối tân. Kinh nghiệm của các cuộc chiến với bọn Không quân Mỹ thì chỉ có ở chiến trường Triều Tiên ở những thập kỷ 50, khi đó vũ khí khác, tính năng khác và cũng chỉ các phi công Liên- xô mới đúc rút được chút kinh nghiệm mà thôi. Còn chúng ta?

        Không thể khoanh tay chờ đợi được. Đất của ta, trời của ta. Làm sao mà ta có thể để cho chúng ngang nhiên, ngông nghênh đến ra oai tác quái, tàn phá đất nước của chúng ta được. Cuộc đụng đầu lịch sử - mở mặt trận trên không là câu hỏi lớn, hóc búa, bắt mọi cấp, mọi người phải suy nghĩ ngày đêm.

        Tất cả các thành phần trong Trung đoàn từ phi công, thợ máy và mọi thành phần phục vụ đều sống trong phong trào thi đua sôi nổi, sục sôi khí thế: “phải bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu”, “bắn rơi tại chỗ”, “không để lỡ thời cơ cất cánh”, “không mang hỏng hóc lên không trung”... và nhiều, rất nhiều mục tiêu phấn đấu lắm.

        Tết cổ truyền của dân tộc - cái Tết Bính Ngọ đã tới. Các đơn vị phải trực ở vị trí sẵn sàng cao nhất. 100% quân số ở lại doanh trại. Có lẽ đây cũng là một cái Tết cổ truyền các anh được đón khi bầu trời miền Bắc còn thanh bình. Các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân liên tục đến thăm đơn vị, đến thăm lực lượng phi công của ta, thăm các thành phần bảo đảm của ta, xem máy bay...

        Đơn vị của của anh Đào Đình Luyện từ Trung Quốc đã về sân bay Đa Phúc trước. Đấy là đơn vị có các phi công có thời gian bay nhiều hơn, kinh nghiệm bay nhiều hơn.

        Đơn vị của anh Nguyễn Hồng Nhị từ Liên-xô về sau, bay ít hơn nên các anh về trước thường trao đổi, giúp đỡ các anh ở đoàn anh Nhị để cùng trưởng thành, cùng chung sức hoàn thành nhiệm vụ mở mặt trận trên không giành thắng lợi.

        Anh Nhị kể: Anh nhớ mãi đoàn văn công Quân khu Tây Bắc với những diễn viên nữ trong trang phục dân tộc Thái, vừa trẻ vừa xinh đẹp đến với hai Đại đội, cùng đón giao thừa và đón Xuân - mồng 1 Tết.

        Những câu hát trong bài “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng như những lời nhắn nhủ, gửi trao cho các anh, thúc giục các anh phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...” Xuân về... mừng anh bộ đội thêm một tuổi đời. Mừng anh thêm một tuổi quân, lập nhiều chiến công toàn dân đang mong!...”.

        Đúng! Các anh phải lập được nhiều chiến công, chiến công thật vang dội làm nức lòng nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của Bác Hồ.

        Tuy phải sẵn sàng chiến đấu, phải trực chiến nhưng lúc nào thời tiết tốt và tình hình đảm bảo có thể bay được là phải tổ chức bay ngay - bay để chống giãn cách, bay để nâng cao kỹ thuật bay.

        Với người bay, không phải là cứ bay xong một chuyến là có thể nghỉ mấy tháng sau hoặc năm sau rồi lại tiếp tục bay cũng được. Tùy theo số lượng giờ bay tích lũy của từng phi công, tùy thuộc vào cấp bay của từng phi công mà có quy định cụ thể phi công ấy được giãn cách bao nhiêu ngày bay. Quá ngày giãn cách quy định là phải bay hồi phục, phải bay kèm, bất luận anh ở cương vị nào, cấp bậc nào - nghĩa là phải ngồi vào buồng lái của học viên để cho người khác có đủ tiêu chuẩn ngồi ở buồng lái của giáo viên bay kèm. Không phải kèm như học viên mới vào bay, nhưng phải ngồi kèm vì hết thời gian quy định với các phi công -   trạng thái sinh hoạt trên không sẽ bị ảnh hưởng, các động tác, thao tác cũng không được nhuần nhuyễn như khi bay thường xuyên. Đặc biệt là động tác hạ cánh - có thể kéo bằng cao, kéo bằng thấp, hạ cánh thô, nhảy cóc... Nghĩa là không an toàn!

        Vì vậy, kể cả sau này, khi chiến tranh ác liệt xảy ra, chớp thời cơ có thể huấn luyện được (có khi chỉ trong vòng một tiếng, hơn một tiếng đồng hồ thôi) là cũng tổ chức bay lấy một vài lần chuyến cho phi công vững vàng hơn, kỹ thuật bay được thuần thục, nhuần nhuyễn hơn...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 08:13:50 am »

        Vào tháng 3 năm 1965, anh Hồng Nhị đã có được chuyến bay đầu tiên trên bầu trời miền Bắc thanh bình. Từ trên cao nhìn xuống quê hương miền Bắc lại nhớ về quê hương miền Nam, khao khát được sải cánh bay vút về miền quê thân yêu từng bao ngày mong ngóng. Nhìn thấy dòng sông Hồng chảy uốn lượn ồ dưới cánh bay lại nhớ đến dòng sông Đông êm đềm...

        Giai đoạn này là giai đoạn địch tăng cường cho máy bay trinh sát bay trinh sát các khu vực của ta từ Thanh Hóa trở vào đến khu vực Vĩnh Linh. Rõ ràng đây là triệu chứng địch sẽ đánh ta nay mai rồi.

        Đơn vị ngày nào cũng có báo động chiến đấu, xuất kích chiến đấu. Các phi công ở tuyến Trực ban chiến đấu ngày càng dạn dĩ, càng hăng hái muốn được tham chiến sớm.

        Và ngày mồng 3 tháng 4 năm 1965 đã đi vào lịch sử. Lực lượng không quân non trẻ đã viết tiếp những dòng oai hùng trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc. Không quân nhân dân Việt Nam đã mở mặt trận trên không thắng lợi. Biên đội Lan, Túc, Quỳ, Phương (Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương) đã bắn hạ 2 máy bay Mỹ. Ngày mồng 3 tháng 4 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.

        Ngay ngày hôm sau, ngày mồng 4 tháng 4, biên đội Hanh, Giấy, Huân, Năm (Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm) đã phát huy chiến quả của ngày hôm trước, bắn rơi tiếp 2 chiếc F-105 được mệnh danh là “Thần sấm” của Không quân Mỹ.

        Chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam đã làm rung chuyển Lầu Năm Góc, làm nức lòng nhân dân cả nước và quốc tế. Chính phủ Liên-xô thông báo là sẽ viện trợ cho Việt Nam 1 phi đội máy bay MiG-21 (loại máy bay tiêm kích vượt tiếng động) đầu tiên cho Việt Nam.

        Anh Nhị được lựa chọn, được cử làm trưởng đoàn sang Liên-xô chuyển loại từ MiG-17 lên MiG-21. Đoàn gồm 16 người, đều là những người đã từng bay và tốt nghiệp ở trường Cu-sôp-xca-ia.

        Thời gian chuẩn bị rất gấp. Ngày mồng 8 tháng 4 nhận lệnh. Ngày mồng 10 tháng 4 khăn gói lên đường.

        2 giờ 30 phút sáng ngày 12 tháng 4 năm 1965, đoàn tàu liên vận số hiệu M-l chuyển bánh theo hành trình Hà Nội - Bằng Tường.

        Ngày 14 tháng 4 đến Bắc Kinh và ngày 24 tháng 4 thì đến Mat-xcơ-va.

        Ngày 26 tháng 4, chuyến tàu hỏa từ Mat-xcơ-va đưa các anh về đến thành phố Cras-nô-đar.

        Nghỉ ngơi một ngày, ngày hôm sau, toàn đoàn của các anh lên gặp ban Giám hiệu nhà trường. Hiệu trưởng Rô-ma-nhen-cô và các hiệu phó bắt tay từng người một, hỏi thăm tình hình và động viên các anh phải cố gắng học. Tuy đã là phi công của loại máy bay MiG-17 rồi, nhưng khi chuyển loại lên loại máy bay MiG-21 là cả một vấn đề lớn vì đấy là loại máy bay vượt tiếng động, từ cấu tạo đến kỹ thuật điều khiển đều khác xa MiG-17. Thời gian học tập không nhiều, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều.

        Các anh phải ôn lại lí thuyết và thực hành bay trên loại máy bay MiG-17 mất gần 3 tháng. Từ tháng 8 năm 1965,   các anh học lí thuyết bay của máy bay MiG-21. Bước sang tháng 9 là tháng thực hành bay.

        Thày giáo bay - Thiếu tá Za-đe-ri-khin là người điềm đạm, ít nói nhưng rất tận tình chỉ bảo cho các học viên từng li từng tí một nên anh và các anh trong tổ bay tiếp thu rất nhanh. Anh cũng là người được thả bay đơn đầu tiên.

        Ngày 15 tháng 9 là ngày bay đầu tiên của các anh. Bước sang ngày 16, Phi đội phó - Thiếu tá Grie-vôi sau khi bay chuyến kiểm tra với anh xong, ông hài lòng và đề nghị Trung đoàn xuống bay kiểm tra.

        Ngày 21 tháng 9, Trung đoàn trưởng - Trung tá Va-xi- li-ep bay chuyến bay kiểm tra anh. Anh đã thực hiện tốt bài bay kiểm tra và ông hài lòng, phê chuẩn cho anh bay đơn trên loại máy bay MiG-21PFL..

        Ngày mồng 7 tháng 10 là ngày anh thực hiện bài bay với tốc độ lớn nhất và độ cao lớn nhất của MiG-21. Tốc độ = 2150 km/h (trị số Mách - M=2,05) và trần bay là 18.000 mét ở độ cao 18.000 mét, máy bay MiG-21 có thể cơ động chiến đấu được. Tuy nhiên, nó có thể lên đến độ cao hơn 20.000 mét, nhưng ở độ cao đó, tính năng cơ động rất kém, rất khó điều khiển và không thể tham chiến ở độ cao ấy được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 08:16:55 am »

        Ngày 20 tháng 10, đoàn học kỹ thuật chuyển loại MiG-21 do anh Phạm Tâm phụ trách đã tốt nghiệp và lên đường về nước trước. Đoàn bay của anh Nguyễn Hồng Nhị đi đến sân bay Axtra-khan để tiến hành bắn thử loại tên lửa “Không đối không” điều khiển bằng tia hồng ngoại và loại tên lửa điều khiển bằng ra-đar.

        Tất cả các phi công bay trên loại máy bay MiG-21 ở Liên-xô, ai cũng được bắn thử tên lửa loại tự điều khiển bằng tia hồng ngoại và tên lửa điều khiển bằng ra-đar tại trường bắn Axtra-khan, bởi đấy là những loại vũ khí mà sau này phải sử dụng trong chiến đấu. Mục tiêu là chiếc máy bay không người lái - loại La-7.

        Sau khi tất cả đã thực hành xong bài bắn tên lửa ở trường bắn Axtra-khan, ngày 16 tháng 11 các anh bay trở lại Cras-nô-đar.

        Ngày 20 tháng 11, nhà trường tổ chức làm lễ tốt nghiệp cho đoàn của các anh. Các anh được nhận bằng tốt nghiệp, nhận huy hiệu phi công. Thay mặt đoàn bay, anh Hồng Nhị đứng lên cảm ơn các thày giáo bay, cám ơn tất cả các thành phần phục vụ đã đảm bảo cho những chuyến bay an toàn. Đoàn trở về Việt Nam nay mai sẽ lao vào cuộc chiến một mất một còn với lực lượng Không quân Mỹ. Đấy sẽ là cuộc chiến đầy thử thách, cam go nhưng hình ảnh đất nước Xô-Vỉết vĩ đại không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của những phi công đã được nhà trường đào tạo. Nhờ có Chủ nghĩa Xã hội, nhờ có các thày giáo dạy bay mà các anh đã trở thành các phi công. Sẽ luôn nhớ tới các thày giáo bay: Thiếu tá Rô-pa-ep, Thiếu tá A- mô-xôp, Thiếu tá Za-đe-ri-khin, Trung tá Xam-bô-rôp, Trung tá Va-xi-li-ep, Trung tá Cô-lô-men-xki, Trung tá Rê- đin, Thiếu tá Đub-rôp, Đại tá Von-côp, Đại tá Rô-ma-nhen- cô.„ và các thày khác nữa.

        Kính chúc các thày và gia đình luôn mạnh khỏe, luôn nhớ đến các học viên Việt Nam!

        Hy vọng sẽ có ngày trở lại trường để được gặp lại các thày, để được báo cáo thành tích chiến đấu trước các thày, trước nhà trường, để các thày và nhà trường tự hào về những phi công Việt Nam do các thày, do nhà trường đào tạo.

        Ngày 23 tháng 11 năm 1965, các anh lên đường về nước.

        Đoàn của các anh khi sang chuyển loại bay MiG-21 có 16 người thì chỉ có 12 người đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp bay trên loại máy bay MiG-21. Đó là các anh:

        Nguyễn Hồng Nhị
        Nguyễn Đăng Kính
        Hoàng Biểu
        Đồng Văn Song
        Bùi Đức Nhu
        Nguyễn Văn Thuận
        Nguyễn Văn Lý
        Nguyễn Văn Thọ
        Tạ Văn Thành
        Phan Thanh Tịnh
        Nguyễn Văn Lung
        Vũ Ngọc Đỉnh

        Bốn anh: Nguyễn Kim Tu, Lưu Đức Sỹ, Hoàng Văn Kỷ và Trương Văn Cung vì lí do kỹ thuật không đáp ứng nên vẫn bay ở loại máy bay MiG-17.

        Vào lúc 8 giờ sáng, chiếc máy bay An-10 mang số hiệu 11120 chở các anh cất cánh từ Crax-nô-đar qua Mat-xcơ-va, lấy hướng về Xi-bê-ri.

        12 giờ trưa, máy bay hạ cánh xuống sân bay Ôm-xcơ để nạp nhiên liệu và các anh cũng ăn bữa trưa tại đó. Rồi máy bay tiếp tục cất cánh bay về Iêc-cut. 16 giờ, máy bay hạ cánh ở Iêc-cut và các anh nghỉ lại đấy một ngày.

        Ngày 25 tháng 11, máy bay cất cánh đến Bắc Kinh và hạ cánh ở Bắc Kinh lúc 5 giờ (theo giờ Bắc Kinh), và 9 giờ thì cất cánh về Việt Nam. Vì có máy bay Mỹ hoạt động ở khu vực phía Bắc của nước ta nên máy bay không bay tiếp mà phải hạ cánh xuống sân bay Trường Sa của Trung Quốc. Các anh được chiêu đãi bữa cơm trưa tại sân bay, sau đó máy bay cất cánh lấy hướng về sân bay Đa Phúc. Vào lúc 16 giờ 30, máy bay tiếp đất ở Đa Phúc, kết thúc cuộc hành trình bay dài chưa từng có.

        Các anh được chính phủ Liên-xô tạo điều kiện chuyên chở bằng máy bay, mang theo tất cả mọi “đồ nghề” bay (như quần áo bay, mũ bay, quần áo trung không, quần áo cao không..., mặc dù ở thời điểm đó, danh mục quần áo bay cao không, mũ bay cao không còn nằm trong danh sách bảo mật) để về nước là có thể bước vào trực chiến được ngay, chiến đấu được ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 04:05:16 pm »

        Có lực lượng phi công MiG-21 về, sức chiến đấu tăng lên bội phần. Bây giờ, Không quân ta không chỉ đánh địch ở tầng thấp, tầng trung, mà đã có thể đánh địch ở tầng cao.

        Ta đã có vũ khí hiện đại. Ta đã có ý chí chiến đấu. Không thể không giành thắng lợi!

        Các anh được bổ sung về Trung đoàn 921, thành lập Đại đội 2 (về sau này thì tất cả những từ Đại đội được chuyển thành Phi đội) - Đại đội bay loại máy bay MiG-21 đầu tiên của Không quân ta.

        Cơ cấu tổ chức của Trung đoàn 921 hồi đó là: Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, Chính ủy Chu Duy Kính.

        Anh Nguyễn Hồng Nhị được giữ chức Đại đội phó. Anh Nguyễn Duy Đài giữ chức Chính trị viên Đại đội.

        Ngày 26 tháng 11 năm 1965, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đến thăm đoàn phi công vừa đi học vê và giao nhiệm vụ chiến đấu cho đoàn ngay.

        Các máy bay được chuyên chở về, được lắp ráp và bay thử ngay tại sân bay Đa Phúc, sau đó là các chuyên gia Liên-xô bàn giao lại cho ta. Chưa có máy bay UMiG-21 (loại máy bay có 2 buồng lái) để huấn luyện, hồi phục kỹ thuật bay, các anh đã mạnh dạn đề nghị với Trung đoàn trưởng cho bay hồi phục, kèm nhau trên loại máy bay UMiG-15, sau đó bay đơn trên MiG-21. Trung đoàn trưởng đồng ý với phương án ấy. Kế hoạch bay hồi phục nhanh chóng được triển khai và chỉ trong vòng 5 ngày, tất cả 12 anh em phi công MiG-21 không ai còn giãn cách nữa, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao.

        Thời kỳ này là thời kỳ địch thường sử dụng máy bay trinh sát bay ở độ cao từ 18.000 đến 20,000 mét. Bay ở độ cao đó, hỏa lực Phòng không của ta không thể với tới được, máy bay MiG-21 cũng bị hạn chế về tính năng cơ động. Vì vậy, muốn đánh được Không người lái, phải tính toán, phải hiệp đồng thật chặt chẽ giữa các thành phần, đặc biệt là phi công - dẫn đường (dẫn đường tiêu đồ ở sở chỉ huy và dẫn đường màn hình ở Trạm ra-đar).

        Chắc chắn anh Nguyễn Hồng Nhị không thể quên được cái ngày mang đậm dấu ấn trong đời bay của anh - ngày 25 tháng 1 năm 1966, anh là người đầu tiên Trực ban chiến đấu trên loại máy bay MiG-21, bấy giờ là chiếc máy bay số 04, loại MiG-21 PFL.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 04:08:22 pm »

 
NHỮNG TRẬN KHÔNG CHIẾN
VÀ NHỮNG KỶ NIỆM
KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

        Để trinh sát các mục tiêu của ta, địch dùng các loại máy bay có người lái và không người lái, bay ở độ cao 18.000 đến 20.000 mét. Máy bay có người lái là loại máy bay trinh sát U-2.Khi ta có tên lửa Phòng không “Sam-2” và có MiG-21 thì loại máy bay trinh sát U-2 chỉ bay đến biên giới rồi vòng ra. Địch chủ yếu sử dụng loại máy bay trinh sát không người lái BQM.

        Để bạn đọc hiểu được hơn về hai loại máy bay này, xin được cung cấp các tính năng của hai loại máy bay đó.

        Máy bay U-2 là loại máy bay trinh sát chiến lược, có người lái của Mỹ, nó có những tính năng như sau:

        - Thân dài: 15,20 m
        - Sải cánh: 24,30 m
        - Chiều cao: 3,90 m
        - Động cơ: 1 động cơ phản lực
        - Tốc độ lớn nhất: 900 đến 1000 km/h
        - Tốc độ trung bình: 720 đến 800 km/h
        - Độ cao lớn nhất: 22.780 m
        - Độ cao trung bình: 20.000 đến 21.000 m
        - Tầm bay xa nhất: 6000 km.
        - Bán kính hoạt động: 2800 km.

        Máy bay BQM-34 là loại máy bay trinh sát không người lái của Không quân Mỹ, sau này nó còn được cải tiến làm máy bay gây nhiễu, thả nhiễu. Nó có một số tính năng như sau:

        - Thân dài: 6,98 m
        - Sải cánh: 3,92 m
        - Chiều cao: 2,04 m
        - Tốc độ lớn nhất: 1138 km/h
        - Tốc độ trung bình: 700 đến 760 km/h
        - Độ cao lớn nhất: 21.000 m
        - Tầm bay xa nhất: 3000 km
        - Bán kính hoạt động: 1100 km.

        Từ ngày 25 tháng 1 đến ngày mồng 7 tháng 2, anh Hồng Nhị được cắt cử Trực ban chiến đấu liên tục để “phục đánh” máy bay trinh sát. Anh làm nhiệm vụ trực số 1, các số 2 thì thay tua nhau như anh Nguyễn Đăng Kính, anh Vũ Ngọc Đỉnh, anh Đông Vãn Song, anh Nguyễn Văn Thọ... (anh Nguyên Văn Thọ về sau đã hy sinh khi bay huấn luyện với động tác xuyên mây về hạ cánh. Máy bay của anh rơi gần thị xã Vĩnh Yên. Mgày ấy là ngày mồng 7 tháng 2. cả đơn vị tiếc thương anh vô cùng - một phi công trẻ của đoàn có rát nhiều triển vọng phát triển, rất nhiều hứa hẹn ở tương lai... Vậy mà đã phải từ bỏ đội ngũ quá sớm vì tai nạn bay!).

        Thường bao giờ vào thời điểm tháng 2, tháng 3 dương lịch là thời tiết diễn biến rất xấu, rất phức tạp. Mây dày đặc, độ ẩm lớn, mù đặc; tầm nhìn kém...Với phi công thì “sợ mù hơn là “sợ” mây bởi mây thì bao giờ cũng vẫn có chân mây - có cự li, khoảng cách cách mặt đất (dù là nhỏ), nhưng mù thì kéo sát từ mặt đất lên. Vì vậy, bay trong mù nguy hiem hơn bay trong mây nhiều.

        Hôm đoàn Anh hùng, Dũng sĩ của miên Nam ra thăm miền Bắc thì trời lại hửng. Đoàn đến thăm sân bay và anh Hồng Nhị đã được lệnh cất cánh, bay một chuyến chào mừng đoàn. Trong số Anh hùng, Dũng sĩ ấy có chị Tạ Thị Kiều và một số anh em khác nữa đã đến bắt tay, chúc mừng anh. Nghe các anh, các chị kể chuyện đánh Mỹ ở quê anh, có nhắc đến từ “bám thắt lưng địch mà đánh”, anh nghĩ ngay đến việc phải học tập các anh, các chị về cách đánh địch - đó là phải bắn gần, chắc ăn mới bắn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2016, 04:13:00 pm »

        Ngày mồng 4 tháng 3 năm 1966 là ngày đi vào lịch sử truyền thống của Không quân cũng là ngày đáng nhớ nhất trong đời anh. Ngày ấy, anh đã bắn rơi chiếc máỵ bay không người lái (KNL) trên độ cao 18000 mét.


Phi công tiêm kích MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị

        Xin được trích lại nguyên văn những dòng nhật ký chiến đấu trong sổ nhật ký của anh:

        “Ngày mồng 4 tháng 3 năm 1966. Buổi sáng, trời nhiều mây thấp, nhưng đến trưa chiều quang mây, thuận lợi cho máy bay chụp ảnh tầng cao hoạt động. Đồng chí Trung đoàn trưởng trực tiếp gọi điện cho tôi và thông báo:

        - Hôm nay có tin tình báo cho biết sẽ có 1 U-2 và 1 KNL trinh sát chụp ảnh bay ra miền Bắc (từ miền Nam bay ra) nhưng chua biết sẽ chụp ảnh mục tiêu nào. Vậy cậu phải chuẩn bị tất cả các phương án đánh địch nghe!

        Đặt ống nghe vào máy, tôi giở bản đồ xem lại các phương án. Nếu U-2 vào thì chỉ có 1 phương án. Đó là biên giới Việt - Lào. Còn nếu là máy bay KNL thì nhiều phương án hơn. Đánh máy bay KNL dễ thì ít, nhưng khó thì nhiều. Dễ là máy bay KNL bay theo chương trình lập sẵn, không có đối kháng gì, nhưng cái khó nhất là thân hình nó nhỏ, khó phát hiện sớm. Khi phát hiện muộn, tốc độ tiếp cận lớn (hơn 1000 km/h) ta không kịp phóng tên lửa, dễ bị đâm vào nó hoặc xông lên trước nó. Bởi vậy chiến thuật của MiG-21 lúc đó là từng chiếc một nối nhau công kích một mục tiêu! Nếu chiếc đi đầu bị trượt thì đã có chiếc nối đuôi tiếp theo...

        Từ trong sở chỉ huy (SCH), đồng chí Chính ủy Trung đoàn gọi điện gặp tôi động viên:

        - Hôm nay gặp thời cơ, cậu bình tĩnh bắn cho chuẩn xác nhé!

        Tôi xác định lúc nào cũng phải bình tĩnh, lại được đồng chí Chính ủy động viên làm cho mình càng bình tình hơn. Tôi nhớ lại bài học hôm đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng xuống sân bay có ra lệnh báo động diễn tập cất cánh. Tôi lăn máy bay từ sân đỗ ra đường băng bị trượt ra ngoài cỏ, chính là do tôi hôi hộp, mất bình tĩnh. Đấy là bài học nhớ đời!

        Đồng chí Mại trực ban tác chiến SCH nhắc người lái (phi công) ăn trưa sớm để sẵn sàng cấp 1 vì hôm nay trời tốt sớm. Sau bữa ăn trưa, tôi ra đứng trước thềm nhà trực ban nhìn bóng mặt trời đã quấn tròn trong chân, đó là thời gian chụp ảnh có lợi: Tấm ảnh sáng đều, không bị bóng che bên nào. Tôi đang nhẩm lại phương án thì nghe tiếng hô “Cấp 1!” rất to của đồng chí Mại. Đồng chí nói giọng Nghệ An vừa to, vừa dõng dạc rất dễ nghe:

        - Một chiếc cao không cấp 1!

        Cái từ “Cao không” để cho tổ “mũ cao không” và thợ máy biết là phương án đánh “cao không”, mặc quần áo và đội mũ cao không.

        Mọi người trong phiên trực rất hối hả, răm rắp làm nhiệm vụ của mình. Tôi ngồi im trên ghế để đồng chí Ngãi - tổ trưởng mũ cao không đội cho tôi. Đồng chí báo:

        “Xong!”. Tôi chạy thật nhanh trèo lên buồng lái, trước tiên phải cài khóa dù, thứ đến là bật công tắc vô tuyến, ấn nút liên lạc với SCH. Tên mật (mật khẩu) mở máy lăn ra đường băng và cất cánh thời đó gọi là “Ấp Bắc”. Trong tai mũ bay của tôi vang lên tiếng “Âp Bắc” của đồng chí sĩ quan dẫn đường. Tôi lập tức vừa trả lời: “Rõ!”, vừa ấn nút khởi động động cơ. Tiếng động cơ kêu to dần, đồng thời vòng quay của rô-to cũng tăng lên tò 0 đến 60 % trong thời gian chưa đầy 45 giây. Tôi giơ tay trái lên ngang đầu để báo cho đồng chí tổ trưởng tổ thợ máy biết “rút chèn bánh”, cho máy bay lăn ra đường băng cất cánh! Máy bay cất cánh lấy độ cao đến 300 mét thì chỉ huy cho tôi hướng bay 270 độ và độ cao 5000 mét. Bay được 5 phút thì SCH cho hướng bay 210 độ và độ cao 8000 mét. Tôi bay được 5 phút, SCH lại cho hướng bay 90 độ và cho mở tăng lực lên độ cao 16.000 mét. Lúc này SCH cho hướng bay 150 độ rồi sửa lại 130 độ. Tiếp đó là khẩu lệnh “Bình Minh!” (đấy là lệnh cho mở ra-đar trên máy bay để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu). Tôi báo cáo: “Đã phát hiện mục tiêu! Xin công kích!”. SCH trả lời: “Cho phép!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2016, 08:37:29 am »

        Lúc này máu trong người như dồn hết về tim để cho tôi một sức mạnh kỳ diệu là bình tĩnh, chính xác và đưa mục tiêu vào tâm vòng ngắm - giữa chữ thập của máy ngắm PKI nhanh nhất, đồng thời ấn nút “bám sát mục tiêu” của ra-đar để xác định cự li bắn, còn động tác cuối cùng là ấn nút phóng tên lửa!

        Quả tên lửa hồng ngoại “K-13” vọt ra khỏi cánh máy bay và bay về phía trước tới mục tiêu! Tôi nhớ lại, nó giống như cái lần tôi bắn bia ồ trường bắn Axtra-khan!

        Trong mũ bay, tai hãy còn nghe tiếng kêu 0...0... của quả tên lửa thứ hai bắt được nhiệt của mục tiêu. Tôi lập tức ấn nút phóng quả thứ hai để đảm bảo chắc chắn là mục tiêu đã bị tiêu hủy. Tôi báo cáo về SCH:

        - Đã “uống bia” xong!

        Đó là tiếng lóng bí mật (mật khẩu) là đã phóng tên lửa. Đồng thời, SCH cũng thông báo là trên màn hình mục tiêu đã mất và cho tôi hướng bay về sân bay hạ cánh.

        Từ trên vùng ữời cao Quảng Ninh, tôi bay về sân bay Đa Phúc thật là nhẹ nhõm trong người bởi đã hoàn thành được công việc mà cả tập thể Trung đoàn giao phó, thực hiện được nguyện vọng khát khao của từ người chiến sĩ gác đường băng cho đến người chỉ huy lãnh đạo cao nhất của Trung đoàn, đó là: “Từ trận đầu, MiG-21 phải bắn rơi máy bay Mỹ!”. Hôm nay, tôi đã thực hiện được trọn vẹn mong ước đó!

        Mọi người biết tin, ra tận sân đỗ, tận chân cầu thang máy bay đón và chúc mừng!

        Tôi vô cùng cảm động! Đây là chiến công chung của Trung đoàn, tôi chỉ có công nhỏ bé đó là “ấn nút phóng quả đạn bay đi tiêu diệt mục tiêu” đem về trận đánh nhớ đời, đầu tiên của tôi trên bầu trời miền Bắc yêu thương!”.

        Sau trận đánh thắng lợi ngày mồng 4 tháng 3 năm 1966 Trung đoàn quyết định đưa loại MiG-21 vào chiến đấu, đánh địch ở tất cả các độ cao khác nhau, không phân biệt “cao không” hay “trung không”. Trong quá bình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, sử dụng lực lượng MiG-21 với đội hình 2 chiếc là chủ yếu.

        Lực lượng phi công của MiG-21 bước sang giai đoạn trong cuộc đụng đầu lịch sử với Không quân và Không quân - Hải quân Mỹ đầy khó khăn, ác liệt. Về phía không quân Mỹ - đấy là một bọn giặc lái đầy tham vọng, hống hách, ngạo mạn. Chúng có thời gian bay tích lũy hàng ngàn giờ bay, được trang bị những kiến thức bay cơ bản với trang thiết bị, kỹ thuật, vũ khí tối tân, với số lượng áp đảo... nghĩa là: chúng chẳng gờm ai trên thế giới này! Chúng như lũ chó sói ở trên trời! Còn các phi công việt nam, chúng coi như những con cừu non, muốn “xơi tái” lúc nào cũng được! Đấy là chúng đã có phần nào gờm gờm, coi trọng Không quân ta đấy, chứ như thời anh Phạm Ngọc Lan đi đánh nhau, chúng chì coi những chiếc máy bay MiG-17 là “bầy muỗi mắt” mà thôi! Nhưng lịch sử luôn công bằng - “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!”. Chúng ví chúng như cỗ xe vững chãi, nhưng cỗ xe của chúng không những nghiêng mà còn bị lật nhào!

        Thời các anh, tổng số giờ bay trên loại máy bay MiG- 21 chỉ có vài chục giờ thôi! Nói đến danh hiệu phi công, tôi phải diễn giải hơi dài dòng một chút là: số giờ bay tích lũy của từng phi công đánh giá đến “đẳng cấp” của phi công đó. Mới có tí giờ bay mà dám cả gan đối chọi với địch thủ có hàng trăm hàng ngàn giờ bay thì đúng là liều, và địch thủ coi cái số mới có tí giờ bay kia chẳng ra gì, coi như một trò đi dạo chơi bắn chim se sẻ. Bọn Không quân Mỹ đánh giá như vậy. Nhưng chũng đã lầm to! Vô cùng lầm! Chúng không đánh giá đúng đối thủ, bởi vậy chúng phải nhận lấy thất bại thảm hại là điều tất yếu!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM