Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:46:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thanh kiếm bầu trời  (Đọc 29820 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:36:28 am »

        Thật háo hức, chờ đợi, mong ngóng từng ngày, từng giây, từng phút để được trở lại miền Nam, giải phóng miền Nam.

        “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước... ôi xương tan, máu rơi, lòng hận thù ngất trời...”. Những khúc ca hoành tráng đúng là những tiếng kèn xung trận thôi thúc bao thế hệ lên đường...

        Đại đội trinh sát đặc công của anh bước vào huấn luyện kỹ thuật đánh đặc công, kỹ thuật trinh sát, tập luyện các đòn đánh, các miếng võ hiểm, học cách sử dụng các loại vũ khí của Mỹ mới được đưa vào miền Nam trang bị cho quân đội Sài-gòn để sau này các anh về miền Nam chiến đấu có cơ hội sẵn sàng lấy vũ khí địch đánh địch.

        Trong đơn vị đã có một số người lên đường “đi B” rồi. Anh cũng chuẩn bị gấp gáp để chờ đến lượt mình: sắp xếp đồ dùng gọn ghẽ, nhẹ nhàng nhất. Đồ đạc cá nhân, anh gửi tặng lại cho các anh khác, số tiền phụ cấp ít ỏi hàng tháng, anh dành dụm để mua sách học tiếng Nga, tiếng Trung và mua các tiểu thuyết mà anh rất thích đọc, như “Đất nước đứng lên”, “Bất khuất”, “Vượt Côn Đảo”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “Những người khốn khổ”... Phải giải tán cái “tủ sách trong ba-lô” ấy của anh, anh tiếc lắm, nhưng hoàn cảnh bấy giờ không thể làm khác được, không thể giữ lại được. Các giấy tờ khác như Bằng khen, Giấy khen... của anh, anh gửi lại người bạn đồng hương giữ hộ.

        Chỉ một thời gian ngắn thôi, nhưng Đại đội trinh sát đặc công của các anh đã đi khắp mọi miền của quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh. Nào vượt sông Cấm, chiếm cảng Cửa Lò, đánh phá Cửa Rào... Không đâu không có dấu chân của các anh - những đôi chân vạn dặm - những đôi chân chuẩn bị cho cuộc vượt Trường Sơn.

        Kết thúc thời gian tập luyện, anh được chính trị viên Đại đội - anh Dương Tấn Bộ, người đồng hương với anh cho anh nghỉ phép 10 ngày để đi thăm thú các nơi trước khi “đi B”. Mừng lo xen trộn lẫn lộn. Mừng vì được nghỉ, được đi đó đây. Lo vì không có tiền để đi được các nơi. Anh em trong Tiểu đội của anh đã đóng góp mỗi người một ít, giúp cho anh có được chuyến đi như ý.

        Những ngày anh được nghỉ, khi ở Hà Nội, anh đi bộ dạo quanh các phố, lững thững hàng giờ quanh Bờ Hồ, nhà hàng Thủy Tạ để đợi Rùa Thiêng của Hồ Gươm xem có nổi lên không. Rồi anh vào đền Ngọc Sơn rút quẻ, tiếp tục đến trước cổng Phủ Chủ Tịch, đứng rất lâu, hy vọng được thấy hình bóng Bác, muốn thưa với Bác những lời Cha dặn trước khi anh lên đường tập kết Đợi mãi, đợi hoài không được, anh về thăm gia đình người anh đồng hương - anh Trịnh Hồng Kỳ và ngủ lại ở đó. Gia đình anh chị đông con, khó khăn thiếu thốn nhiều, nhưng với sự cố gắng vượt bậc của anh chị cùng với sự quan tâm của nhà nước đối với cán bộ miền Nam tập kết, các con của anh chị đều được đi học và trưởng thành cả. Sau ngày miền Nam giải phóng - gia đình anh chi về Quy Nhơn sinh sống, và lần nào có điều kiện, anh Nhị đều ghé thăm gia đình anh chị Kỳ.

        Thời gian nghỉ phép vẫn còn. Anh đáp chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng đến thăm những người bạn cùng đi tập kết. Bạn anh hiện làm bảo vệ ở khu Sáu Kho - cảng Hải Phòng. Anh đã ngủ lại một đêm với anh Được - người bạn cùng quê để hàn huyên suốt đêm, từ những kỷ niệm thời niên thiếu, cùng nhau dùng súng cao-su (ná cao-su) đi bắn chim. Anh Nhị từng nổi tiếng một thời về chuyện sử dụng súng cao-su đi bắn chim cút. Hầu như con chim nào bị anh phát hiện là đều dính dạn của anh hết.

        Rồi anh đến trường học sinh miền Nam số 4 ở Hải Phòng thăm má Thạch - người cùng quê. Má Thạch có hai cô con gái học ở trường này. Nhiều người quý mến hai cô, anh cũng vậy. Sau này khi học dự khóa bay ỏ sân bay Cát Bi, chủ nhật nào anh cũng đến nhà má chơi. Má có ý muốn ghép cho anh với một cô con gái của má, nhưng như anh nói: “Duyên số không gặp nhau với con gái má!”.

        Anh lên tàu về Hà Nội, khi ngắm những cánh đồng lúa chín vàng rực lướt nhanh trên đường qua cửa sổ của tàu hỏa, anh mơ màng nghĩ đến ngày đất nước thống nhất, anh cũng ngồi trên con tàu thế này, chạy băng băng về quê. Cái cảm giác ấy sao mà xao xuyến, bâng khuâng. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray tạo một âm điệu đều đều, gió thổi qua ô cửa sổ như giúp anh đi vào cõi mơ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:39:17 am »

        Con tàu rúc một hồi còi dài chuẩn bị qua cầu Long Biên làm anh bừng tỉnh. Tàu dừng ờ ga Hàng cỏ (nay là ga Hà Nội), anh xuống tàu, lững thững đi bộ ra khu tập thể của cán bộ miền Nam tập kết ở khu bờ sông, nhưng vì muộn giờ, cổng đã đóng, anh đành vào đồn công an trình bày và xin ngủ nhờ. Sáng hôm sau, anh công an còn lấy xe đạp chở anh ra tận bến xe Kim Liên. Cũng có thể, anh công an cũng làm động tác kiểm tra xem anh trình bày hôm trước có đúng hay không cũng nên.

        Trên chuyến xe khách đi Vinh, may mắn là anh gặp được anh Tân - người bạn đi cùng chuyến đã “bao trọn gói” cho anh về đến đơn vị (anh cũng chẳng còn đủ tiền tiêu khi lên xe).

        Về đến đơn vị, anh chưa kịp kể hết niềm vui của những ngày đi phép thì đơn vị đã triệu tập anh lên và thông báo là anh có tên trong danh sách đi học Trường sĩ quan Lục quân. Chính trị viên Dương Tấn Bộ nói:

        - Đi học cũng là nhiệm vụ Đảng giao. Phải tạm gác nguyện vọng “đi B” lại để yên tâm đi học sĩ quan, phục vụ quân đội lâu dài!

        Thôi, “quân lệnh như sơn!”. Anh đành phải phục tùng mặc dù chẳng vui vẻ, thoải mái tí nào. Anh cùng với 4 người nữa trong Đại đội về trường Lục quân khám sức khỏe, ôn văn hóa và dự kỳ thi tuyển học viên khóa 12 của nhà trường.

        Trường sĩ quan Lục quân trong kháng chiến chống Pháp có tên gọi là: “Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn”, sau khi hòa bình lập lại (sau năm 1954) được đổi tên là “Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam”. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều sĩ quan tài năng, đức độ... đua về các đơn vị tỏa đi khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam... được bộ đội và nhân dân tin yêu, mến phục.

        Khóa của anh là khóa 12. Ngày 14 tháng 4 năm 1960, Thiếu tướng Lê Quang Hòa phát biểu khai giảng khóa học, dặn dò anh và các anh - những học viên thuộc khoa đào tạo sĩ quan chính bị viên Đại đội của trường:

        - Đã là học viên sĩ quan là phải mẫu mực trước ba quân. Song, học viên chính trị lại càng phải mẫu mực gấp bội!

        Anh nhớ như in lời dặn dò ấy và suốt đời anh luôn mẫu mực, đúng như những gì Chính ủy đã dặn dò, đúng như những gì anh đã được học, được đào tạo.

        Khí hậu ở vùng Sơn Tây thay đổi đến mấy mùa trong một ngày. Buổi chiếu nóng bức, khi chơi thể thao có thể cởi trần mà mô hôi vẫn chảy nhễ nhại. Buổi sáng thì trời lại lạnh, phải mặc áo ấm. Sương mù bao phủ khắp vùng, phong cảnh mờ mờ ảo ảo hệt như trong bức tranh thủy mặc.

        Con gái vùng Sơn Tây rất chất phác, thật thà, hồn nhiên, dễ thương. Tiếng nói ở vùng Sơn Tây cũng líu lo như chim hót. Tất cả những từ có thanh huyền thì đều nói thành thanh sắc. Ví dụ: “con bò vàng trên núi Ba Vì” thì lại nói là “con bó váng trên núi Ba Ví”... Đấy cũng là những điều ấn tượng làm cho anh khó quên.

        Ngoài việc học trên giảng đường, các anh còn phải học đội ngũ, duyệt đội ngũ. Nắng ở vùng Sơn Tây như đổ lửa xuống hàng quân ở ngoài bãi tập, các anh vẫn phải trong tư thế đứng “nghiêm” cả tiếng đồng hồ. Anh kể:

        - Tiếng hô “Nghiêm” nghe ngắn gọn vậy thôi, nhưng khi tập đứng nghiêm hàng giờ đồng hồ, trên đầu thì nắng đổ xuống như đổ lửa, dưới chân thì như dẫm vào nồi nước sôi... Đấy, bấy giờ mới thấm thìa hết cái từ đứng “nghiêm”!

        Tháng 7 qua đi cũng là lúc kết thúc khoa mục tập đi đều, đi nghiêm. Gần một tháng trời tập luyện dưới nắng hè của vùng Sơn Tây, da các anh đều đen sạm, tựa như “cột nhà cháy”, nhưng thân hình thì trở nên săn chắc, rắn rỏi hơn nhiều.

        Bước sang tháng 8 là tháng hợp luyện đội hình. Mà cái nắng tháng 8 được ví là “Nắng tháng Tám rám trái bưởi”. Nắng nóng của nó chẳng thua kém gì cái nắng nóng của tháng 7, mà có phần còn oi nồng hơn nhiều, nhưng anh cố vượt qua, luôn nghĩ đến ngày được đi duyệt binh, đi nghiêm qua lễ đài Ba Đình, được thấy Bác Hồ đứng trên đó vẫy chào đoàn quân. Liệu Bác có biết được rằng trong đoàn quân diễu qua lễ đài ấy có những người con của đồng bào miền Nam đang chào Bác. Bác mà biết được thì chắc Bác vui lắm.

        Thực ra, khi đơn vị các anh ở Nghệ An thì các anh đã được Bác đến thăm, nhưng vì thời gian quá ngắn, anh thì lại ở vị trí rất xa Bác, phần vì xúc động, phần vì bất ngờ, không nghĩ rằng Bác lại đến thăm đơn vị nên rất lâu sau anh vẫn thấy bâng khuâng như người nằm mơ vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:24:00 pm »

        Đến lần này thì anh rất háo hức khi được chuẩn bị đi duyệt binh, rất háo hức khi nghĩ đến ngày mồng 2 tháng 9!

        Nhưng rồi anh từ đội hình chính thức lại phải chuyển xuống đội hình dự bị. Anh buồn lắm mà không biết làm thế nào, chỉ thầm mong làm sao vận may hãy đến với mình lấy một lần trong đời - một lần được đi duyệt binh này thôi!

        Thời gian trôi đi vùn vụt. Đã kết thúc một năm học! Rồi cái Tết cổ truyền của dân tộc đã đến. Những anh em quê ở miền Bắc thì được về nhà ăn Tết, còn anh em ở xa, không có gia đình thì nhà trường tổ chức cho đón Xuân tại trường với không khí chan hòa tình cảm Bắc Nam ấm cúng suốt những ngày Xuân.

        Ngày mồng hai Tết, anh diện bộ quần áo mới với bộ quân hàm học viên sĩ quan, đi thuê xe đạp để về Hà Nội thăm gia đình anh Ba Kỳ, sau khi xin phép và được sự đồng ý của nhà trường, ông chủ hiệu cho thuê xe đạp lại còn không lấy tiền thuê, nói rằng cho anh mượn không thôi, đấy coi như là món quà đầu Xuân tặng anh. Anh rất phấn khởi, vui phơi phới khi đạp xe về nhà anh Ba Kỳ... Cuộc gặp mặt của những người con miền Nam tập kết ra Bắc nhân dịp đầu Xuân mới được tổ chức tại khu tập thể mới đông vui làm sao, thân thiết làm sao, nhất là lại toàn bà con của xã Hoài Sơn nữa. Anh được anh Ba Kỳ giới thiệu và mọi người đến vây quanh anh chúc mừng, căn dặn anh phải học thật giỏi để xứng đáng với quê hương. Anh cảm động lắm và thưa rằng sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để thỏa lòng mong mỏi của bà con!

        Vậy là đã cái Tết thứ 5 anh ăn Tết trên đất Bắc rồi và cái Tết này cũng là cái Tết đầu tiên anh ăn Tết ở Hà Nội. Sẽ còn bao nhiêu cái Tết đón Xuân trên đất Bắc nữa? Tết nào sẽ được đón tại miền Nam? Mùa Xuân nào sẽ đón Xuân tại quê hương Hy Văn, Vũ Sơn? Nỗi nhớ nhà, nhớ quê lại ập đến, nặng trĩu lòng.

        Rồi một chuyện thật bất ngờ xảy ra đến với anh. Tổng cục chính trị lập danh sách đưa xuống cho nhà trường tên tuổi các học viên của trường để đi khám sức khỏe, tuyển đi nước ngoài học lái máy bay! Anh cũng có tên trong danh sách ấy! Lọt qua 15 vòng khám, anh đã trúng tuyển trong danh sách đi học lái máy bay.

        Vậy là đời anh chuyển hẳn sang một bước ngoặt mới, một bước ngoặt không ngờ - bước ngoặt trong nhiều bước ngoặt đáng nhớ của cuộc đời anh. Từ một cậu bé lam lũ của làng quê, anh trở thành anh lính Vệ quốc đoàn, rồi trở thành bộ đội chủ lực của Liên khu, rồi lên tàu tập kết ra miền Bắc, rồi lại chuẩn bị trở vào Nam chiến đấu, rồi thành học viên Trường sĩ quan Lục quân, rồi lại được tuyển đi học bay, sang tận nước ngoài... Tất cả diễn ra như trong một bộ phim quay nhanh, nhanh đến không ngờ. Chắc chính anh cũng không thể biết được rồi số phận sẽ còn trao, còn đem đến cho anh những điều gì bất ngờ ở phía trước nữa.

        Tạm biệt Trường Lục quân, Trung sĩ Nguyễn Hồng Nhị mang nặng những kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ - cuộc đời của người lính bộ binh làm hành trang để bước sang một cuộc đời mới - cuộc đời của người lính bay - người lính canh trời!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:28:14 pm »

       
TRỞ THÀNH NGƯỜI LÍNH CANH TRỜI

        Số học viên của Trường sĩ quan Lục quân đợt đó trúng tuyển chỉ hơn 10 người. Tất cả được về sân bay Cát Bi - Hải Phòng - về Tiểu đoàn dự khóa 95 tập trung. Đại úy Xê - Tiểu đoàn trưởng phụ trách lực lượng dự khóa này. Tất cả được chia thành các lớp học tiếng Nga, tiếng Trung, chia thành các Tiểu đội để học quân sự và lấy các anh ở Trường Lục quân làm cán bộ nòng. Anh Hồng Nhị dược phụ trách một Tiểu đội. Tiểu đội anh phụ trách gồm những thanh niên trẻ, đang học Đại học hoặc là học sinh cấp 3. Đấy là lực lượng trẻ, khỏe, thông minh. Sau này rất nhiều người thành đạt, trở thành các Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, ví dụ như các anh: Nguyễn Xuân Cương là Giáo sư - Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không, Nguyễn Xuân Anh là Giáo sư - Tiến sĩ Kỹ thuật

        Quân sự... Tất cả các anh em trong Tiểu đội đều quý mến anh Nhị, đều coi anh như người anh trai của mình vậy. Khi học ở Liên-xô, anh Nguyễn Quang Tấn (sau này từng giữ chức vụ Trung đoàn phó kỹ thuật của Trung đoàn Không quân 931) đã viết tặng anh Nhị bài thơ với những lời chan chứa tình cảm:

                                    “Gửi đến tay anh ngọn lửa vàng
                                    Đốt lên tong rét lúc Xuân sang
                                    Sưởi lòng người sống xa tình Mẹ
                                    Ấp ủ ngàn năm tình Bắc - Nam
                                    Giữ lấy anh ơi ngọn lứa vàng
                                    Đốt lên cho sáng lúc Xuân sang
                                    Chập chờn trong lửa hình ai đó
                                    Có phải Quê ta phá rào làng
                                    Cầm lấy anh ơi ngọn lửa vàng
                                    Sưởi lòng cho ấm lúc Xuân sang
                                    Bao giờ gió rét không còn nữa
                                    Anh bước lên thang trở về làng
                                    Giữ lấy anh ơi ngọn lửa vàng
                                    Hy vọng ngày mai lửa sáng loang
                                    Cháy bùng Quê Mẹ, thiêu đồn giặc
                                    Gặp lại anh thêm với một nàng
                                    Bao giờ trở lại với miền Nam
                                    Anh nhớ đừng quên ngọn lửa vàng!


        Miền Nam là máu thịt của dân tộc Việt Nam. Những người con của miền Nam tập kết ra Bắc luôn được coi như những người thân, ruột thịt của đồng bào miền Bắc!

        Tất cả các học viên của lớp dự khóa tích cực học ngoại ngữ. Tốp của anh Nhị học tiếng Nga, và khi phát âm các chữ cái còn chưa chuẩn, các anh đã nhận lệnh về Hà Nội để làm thủ tục xuất cảnh đi Liên-xô. Vui mừng thật đấy mà cũng lo lắng ghê gớm đấy. Vui mừng vì sẽ được sang đất nước Liên-xô vĩ đại - thành trì của Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, nơi mình sẽ được học bay, được cất cánh lên trời, được trở thành phi công... Lo lắng vì đi học mà chữ nghĩa, tiếng tăm của nước bạn chưa hề biết gì thì liệu có học được hay không? Làm sao mà học bằng cái kiểu chỉ “khua chân múa tay” được. Gay go thật chứ chẳng phải chơi.

        Niềm vui, nỗi lo đan xen lẫn lộn... Vào một ngày nắng trải vàng khắp phố phường Hà Nội với những ngọn gió se se lạnh làm cho ta gợi nhớ đến những hương vị của cốm làng Vòng, của những bưởi, những hồng, những chuối chín trứng cuốc... những hương vị đặc trưng của mùa Thu đất Bắc - các anh lên tàu liên vận để đi sang nước bạn. Ngày ấy là ngày 29 tháng 10 năm 1961. Chuyến tàu liên vận Hà Nội - Bằng Tường kéo một hồi còi dài, tạm biệt Hà Nội rồi từ từ chuyển bánh về phía biên giới phía Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:29:27 pm »

        22 giờ ngày hôm đó, tàu đã đến ga Bằng Tường, các anh làm thủ tục chuyển tàu, sang tàu của Trung Quốc để tiếp tục khởi hành đi Bắc Kinh.

        Những bánh sắt nghiến trên đường ray đều đều tạo nên âm thanh khác lạ, với sắc thái riêng mà chỉ tàu hỏa mới có. Con tàu lao vun vút, băng qua những khu vực núi, đồi, triền ruộng... giống như ở vùng Lạng Sơn. Khu vực vùng biên của hai quốc gia đều có những nét tương đồng về mặt địa lý lẫn phương pháp canh tác và lối sống...

        Ngày 30 tháng 10 là ngày các anh được ăn bữa “cơm Tàu” đầu tiên. “Cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhật” - vẫn nghe người ta nói vậy. Nhà Tây, vợ Nhật thì chả biết thế nào, nhưng cơm Tàu thì có rất nhiều món, mà món nào cũng nhiều mỡ và có vị ngọt của đường, mà người Trung Quốc cũng lại không ăn nước mắm, chỉ ăn xì-dầu thôi...

        Tàu đến ga Quê Lâm. Cô phát thanh viên trên tàu nói tiếng Việt với giọng thật ngọt ngào, giới thiệu về lịch sử, địa lý và những cảnh đẹp của vùng Quế Lâm. “Bác Hồ bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt và đã từng giải Bác qua đây đấy!” - giọng cô phát thanh viên trầm hẳn xuống, cảm động. Tất cả mọi người cũng nín lặng, nhìn phong cảnh bên ngoài mà nhớ, mà thương Bác quá!

        Rồi tàu qua Hoa Nam - quê hương của Mao Chủ Tịch là đây. Cô phát thanh viên tiếp tục giới thiệu về quê hương của Mao Chủ Tịch.

        Chẳng mấy chốc, tàu qua cầu Trường Giang, cầu Trường Giang là cây càu có hai tầng: tầng trên dành cho ô-tô, còn tầng dưới dành cho tàu hỏa. Trường Giang! Trường Giang!... Một trong những con sông hùng vĩ của đất nước Trung Hoa là đây! Anh ngồi nhìn qua cửa sổ và lại nhớ về miền sông nước của quê anh, nhớ lại những dòng sông trong suốt cuộc đời bộ binh anh đã trải qua...

        Gần 9 giờ sáng ngày mồng 1 tháng 11, tàu đến Bắc Kinh. Các anh được ra phố, được tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ, kỳ vĩ của thủ đô Bắc Kinh. Ai nấy đều hầm trồ: “Thủ đô to quá!”.

        Đại sứ quán của ta ở Bắc Kinh đón đoàn của các anh về khách sạn Bắc Vĩ và chiêu đãi bữa cơm trưa. Bữa cơm thật thịnh soạn diễn ra trong không khí thật đầm ấm. Không khí vui vẻ, ấm cúng của bữa ăn làm cho các anh quên đi cái lạnh ở ngoài trời, làm cho các anh vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ Quê hương, Đất nước. Các anh được đón tiếp như đón những người thân vừa đi xa về vậy.

        Các anh nghỉ lại Bắc Kinh 2 ngày, được đi tham quan Thiên An Môn, Cố Cung, đi Bách Hóa Đại Lầu... Anh không thể ngờ được rằng những điểm tham quan như vậy về sau này anh lại có dịp thăm lại không chỉ một lần.

        Chiều ngày mồng 4 tháng 11, các anh chị ở Đại sứ quán của ta tiễn các anh lên xe để các anh đi tiếp chuyến “hành binh xuất ngoại” xuyên từ ven bờ biển Thái Bình Dương đến tận Trung tâm Lục địa. Buổi tiễn đưa thật cảm động, bịn rịn làm sao! Các anh chị ở Đại sứ quán tiễn đoàn giống hệt như tiễn người nhà đi xa vậy. Quyến luyến, lưu luyến vô cùng!

        Vào cuối buổi chiều thì các anh đã lên tàu liên vận của Liên-xô đi tuyến Bắc Kinh - Mátx-cơ-va. Lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc với những người Nga, anh thấy các bác, các anh, các chị Liên-xô - người nào cũng to cao, nhưng rất hiền từ, đôn hậu. Anh thì cũng chỉ nhớ được duy nhất có một câu tiếng Nga, đó là “zờ-đờ rát-xờ tờ- vui-che!” (xin chào!). Biết các anh chưa thành thạo tiếng Nga, các bác, các anh các chị phục vụ trên tàu vừa nói vừa diễn tả bằng điệu bộ để các anh hiểu rằng phải giữ gìn vệ sinh ở trên tàu và không được mở cửa sổ vì ngoài trời rất lạnh.

        Tàu chạy về phía Mãn Châu Lí. Tuyết rơi trắng trời. Những “con ruồi trắng” bay khắp không gian, che phủ lên muôn vật. Cây cối, nhà cửa, vườn tược, đường xá... đều chìm trong màu trắng của tuyết. Lần đâu tiên nhìn thấy tuyết, ai cũng háo hức, ai cũng muốn được sờ được nắm bông hoa tuyết, muốn được cảm nhận cái cảm giác khi bông tuyết tan chảy trong lòng bàn tay mình thế nào, nhưng ngoài trời rét lắm, và con tàu thì cứ lao vun vút không dừng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2016, 08:43:14 am »

        Sáng ngày mồng 7 tháng 11, tàu đến ga Mãn Châu Lí. Sau bữa cơm sáng là các anh làm thủ tục nhập cảnh vào đất Liên-xô. 7 giờ 30 phút sáng, các anh ngồi nguyên trên tàu của Liên-xô, đợi Công an và Hải quan Liên-xô đến làm thủ tục nhập cảnh. Xong các thủ tục càn thiết, con tàu rùng mình, chuyển hướng chạy vê phía hồ Bai-can. Các anh được thưởng thức bữa “cơm Tây” lân đầu tiên trong đời. Súp bắp cải, bánh mì trắng, bánh mì đen, bơ, pho-mát, thịt bò, thịt cừu... đủ cả. Nhiều món đấy sao cứ bâng khuâng nhớ rau muống luộc chấm tương... ờ nhỉ, thảo nào mà có câu:

“Ta đi ta nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Ta đi ta nhớ quê hương
Nhớ canh rau muống, nhớ tương dầm cà!”.

        Nỗi nhớ đâu phải là thứ gì to tát đâu. Nó bắt đầu từ cái rất nhỏ, từ cái rất bình thường mà ngày ngày có thể ta ít chú ý đến. Chỉ đến khi ta đi xa, ta mới chợt nhận ra, mới nhớ đến da diết, đến cháy lòng. Tình yêu Quê hương Đất nước có lẽ cũng vậy, cũng từ những điều rất bình dị mà sâu nặng...

        Hồ Bai-can quả thực là to, rộng vô cùng. Đúng là hồ to nhất thế giới. Tàu chạy mãi, chạy hoài mà vẫn chẳng hết một phần hồ. Phía Bắc - Đông Bắc của hồ thì tuyết phủ trắng, mặt hồ nước cũng đóng băng lởm chởm, từng đống, từng đống như đồi núi nhấp nhô, trắng toát Phía Nam và Đông Nam của hồ thì nước lại trong veo, sâu thẳm. Các đàn chim đủ các chủng loại về đây săn bắt cá, bay lên hạ xuống tíu tít, rợp cả một góc trời, trông thật ngoạn mục.

        Ngày này cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tàu lao vút qua những đường phố trang trí cờ hoa rực rỡ chào mừng ngày kỷ niệm.

        Tuyết vẫn rơi dầy! Đám trẻ con nô đùa trong tuyết lạnh, má em nào em nấy đều đỏ ửng, vui cười hồn nhiên, đúng như cảnh trên tiên giới vậy.

        Tàu chạy xuyên qua rừng tai-ga. Chỉ loài cây lá nhọn với sức sống mãnh liệt mới trụ lại được, mới chống chọi lại được với cái lạnh, với cái gió, với bão tuyết ở vùng Xi-bê-ri này. Những cây thông cao vút như những ngọn giáo chĩa thẳng lên trời, phủ đầy tuyết. Thi thoảng có một đợt gió thổi qua, tuyết trên các nhành cây lại rơi xuống bay mù mịt.

        Rừng! Rừng mênh mang! Tuyết! Tuyết bạt ngàn, trắng đến lóa mắt! Lại nhớ đến bài trong sách học văn: “Bạn hãy đến quê tôi vào một mùa Xuân nào đó, khi hoa mơ nở trắng trên cành, đỉnh núi A-la-tau tuyết phủ long lanh dưới ánh mặt trời!...”. Đây, chúng tôi đang đến đây, đến thật sự đây, không phải vào mùa Xuân mà là vào mùa Đông, không có hoa mơ nở trắng, mà là hoa tuyết phủ khắp nơi, khắp vạn vật với một màu trắng ngập tràn và hắt ánh sáng chói lòa...

        Các anh ai cũng ngồi sát cửa sổ để được ngắm tuyết, đặc biệt là vào bữa ăn, nhiều anh không ăn được pho-mát, chỉ ăn bánh bích-quy, uống nước chè đường và ngồi... ngắm tuyết thôi!

        Vì tàu được thay đầu máy đi-ê-zen từ ga cuối của hồ Bai-can nên tàu chạy nhanh hơn và không có bụi than. Sang ngày 11 tháng 11 thì tàu đến Mátx-cơ-va. Anh Nhị bỗng thốt lên câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh: “Ôi, Mạc- tư-khoa - Ga vũ trụ đầu tiên!”. Đúng, các anh đã bước chân đến thủ đô Mạc-tư-khoa - thủ đô của nên văn minh Xã hội Chủ nghĩa, thủ đô gắn với bao kỳ tích của bao thời kỳ chiến tranh, thủ đô của niềm tin và hy vọng.

        Các anh ở Đại sứ quán ta ra đón đoàn. Đồ đạc được chất hết lên xe và đoàn học viên các anh được ngồi trên xe đi tham quan một vài nơi trước khi lên tàu để tiếp tục cuộc hành trình. Hồng Trường (Quảng trường Đỏ) là đây. Kia là lăng Lê-nin, trường Đại học Lô-mô-nô-xôp. Các anh đứng trên đồi Lê-nin chiêm ngưỡng gần như toàn cảnh của nửa thành phố Mátx-cơ-va. Rồi xe đưa các anh qua đại lộ Gor-ki.

        10 giờ 15 phút, các anh lại lên tàu, lấy hướng về phía Nam vùng sông Đông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2016, 08:46:31 am »

        Sáng ngày 12 tháng 11, con tàu đưa các anh đến miền “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Sô-lô-khôp. Đâu rồi nàng Ac-xi-nha? Đâu rồi chàng Gri-gô-ri? Đâu rồi những cô gái vạm vỡ, mập mạp gánh nước sông bằng những chiếc đòn gánh bằng gỗ được đẽo cong cong, vừa đi vừa nhún nhảy theo những làn điệu dân ca? Đâu rồi những chàng trai Cô-dăc để ria mép, đội mũ kê-pi lệch sang một bên để khoe mớ tóc đen lượn sóng và mặc áo choàng rộng, cưỡi ngựa chiến, huýt gió mộí cách ngang tàng?...

        Vùng đất thật rộng lớn, bằng phẳng, phì nhiêu, trù phú này được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người Nga. Đất mùn đen, tơi xốp, không cần dùng cuốc mà chỉ lấy tay thọc mạnh xuống cũng có thể sâu đên khuỷu tay. Đất xốp và tơi, màu mỡ như thê làm gì cây cối chẳng tốt tươi, hoa trái chẳng mỡ màng.

        Cày ruộng là phải cày bằng máy. Một xá cày (đường cày) đi đến mấy tiếng sau mới thấy quay lại. Gieo hạt lúa mì, rải phân, thuốc trừ sâu đều phải dùng máy bay (loại máy bay An-2). Khi thu hoạch lúa mì thì sử dụng máy gặt đập liên hợp. Con người được giải phóng tôi đa. Tất cả đêu dùng máy móc. Nêu không có máy móc thì với diện tích bạt ngàn như vậy, biết đến bao giờ mới gieo xong, mới gặt xong?

        Vào cuối buổi chiều thì tàu đến thành phô Rôx-tôp nằm ở bờ phía Bắc sông Đông. Sau khi xuống tầu, các anh được đón lên ô-tô, vượt qua cầu sông Đông, sang phía bờ Nam sông Đông, về thành phố Ba-tai-xcơ - về Trường Không quân Ba-tai-xcơ.

        Vậy là các anh đã kết thúc tốt đẹp chặng đường hành trình 12 ngày đêm bằng tàu hỏa, xuyên ngược từ Hà Nội lên biên giớ phía bắc, qua Đồng Đăng, sang Bằng Tường, ngược lên Bắc Kinh, qua Mãn Châu Lý, xuyên qua miền Xi-bê-ri hùng vĩ, về Mátx-cơ-va, xuôi xuống vùng sông Đông... Chuyến đi vòng từ Á sang Âu - chuyến đi đầu tiên dài nhất trong đời anh. Sau này, có thể anh còn có nhiều chuyến đi dài hơn, nhưng để khắc sâu trong ký ức của anh thì không chuyến nào bằng chuyến đi này được.

        Mà rồi cũng thật lạ, số phận còn bắt anh phải lặp đi lặp lại tuyến đường này đến tận mấy lần liền. Trong vòng 4 năm học tập ở Trường Không quân Liên-xô, thì có đến 3 lần anh tiếp tục đi, về theo chính tuyến đường ấy.

        Còn lúc này đây, các anh tạm nghỉ ngơi cốt hồi lại sức sau chuyến đi dài ngày để rồi còn làm quen đần với nơi đất khách quê người, để rồi thực hiện ước mơ cháy bỏng trong đời, biến nó thành hiện thực: trở thành phi công chiến đấu!

        Những gì đang chờ đón các anh ồ phía trước đây... Những khó khăn gian khổ sẽ dồn đến như thế nào đây... và các anh sẽ phải khắc phục, sẽ phải vượt qua nó thế nào đây?...

        Trường Không quân Ba-tai-xcơ nằm ở khu vực đồng bằng phía Nam sông Đông. Thành phô Rô-stôp cách trường hơn 30 km, thị trấn Ba-tai-xcơ ở ngay cạnh trường, chỉ cách 5 km thôi.

        Trong vòng khoảng hơn nửa tháng trời (từ ngày 13 đến ngày 29 tháng 11) các anh học điều lệnh, đội ngũ. Cũng vào thời gian ây, nhà trường đo may, phát đồng phục kiểu Liên-xô cho các anh: như quần áo mùa Đông, ủng da, áo khoác ngoài may bằng nỉ gọi là áo si-nhen với những hàng cúc đồng bóng loáng. Đội ngũ tập quay trái, quay phải theo điêu lệnh của Liên-xô. Buổi tối, trước khi đi ngủ phải đi đều khoảng vài trăm mét, vừa đi vừa hát những bài hành khúc. Đến giờ nghe kèn báo ngủ là phải đi ngủ.

        Sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân xong, phải chải đầu gọn gàng, cạo râu sạch sẽ, xức nước hoa (chủ yếu là loại nước thơm cô-lô-nhơ bôi vào chỗ cạo râu để chống viêm chân râu), rồi tập họp đội hình, đi ăn sáng. Chăn màn phải gấp gọn ghẽ, ngay ngắn... Có thực hiện kiểm tra, nhận xét, có khen, có phê bình...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2016, 08:49:04 am »

        Ngày 30 tháng 11, các anh chính thức lên lớp, học tiếng Nga.

        Trung tá Xô-cla-côp là người cao to, từng tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, trên trán có một cái bướu, dẫn các anh vào lớp, sắp xếp ngồi theo thứ tự và chờ giáo viên dạy tiếng Nga đến. Sau này, để phân biệt ông với các ông Trung tá khác, các anh đã gọi ông là ông “Trung tá bướu”.

        Giáo viên dạy tiếng Nga là cô Nhi-lô-va. Cô còn trẻ, có gia đình và có một cậu con trai. Cô rất quý mến học viên Việt Nam, dạy bảo rất tận tình, hướng dẫn các anh từng li từng tí, không hề quản ngày nghỉ, chỉ mong muốn các anh nhanh chóng làm quen và sử dụng thành thạo ngoại ngữ mới - ngoại ngữ tiếng Nga. Tiếng Nga là thứ tiếng được ví là thứ tiếng kết hợp giữa tiếng I-ta-lia và tiếng Tây-ban-nha. Đấy là ngôn ngữ của tình yêu và ngôn ngữ dành cho sự hùng biện. Đấy cũng là ngôn ngữ mà ngữ pháp cùa nó phức tạp nhất trong các ngôn ngữ. Chẳng thế mà đã có câu: “Mưa sa bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga!”.

        Để nhanh chóng nắm vững và nói giỏi tiếng Nga, “Trung tá bướu” thường xuyên khuyến khích và bắt các anh đi đến Câu lạc bộ. Đi đến để học nhảy, để làm quen với người Nga, nhất là với các cô gái Nga để được nói chuyện, được giao tiếp nhiều hơn, thì nói mới nhanh hơn, chuẩn hơn...

        Anh nhớ lại:

        - Đầu tiên là phải học phát âm chữ “A”. cả lớp phải đánh vần chữ “A”. Tất cả các nước trên thế giới dùng chữ la-tinh, chữ cái đầu tiên đều là chữ “A”. Chữ cái của tiếng Nga, chữ cái của tiếng Việt cũng là chữ “A”. Con người ta khi sinh ra, lúc cất tiếng khóc chào đời, âm thanh đâu tiên cũng là “A, a”.„ rồi khi nằm trong lòng Mẹ, nghe Mẹ ru cũng mấp máy “A, a”. Mọi khó khăn rồi cũng vượt qua được mà thôi!...

        Tháng đầu tiên là tháng học cách đặt câu, nói những câu đơn giản. Bước sang tháng thứ hai thì học câu phức tạp hơn, cô giáo “căn vặn” nhiều hơn. Rồi tiếp đến là giai đoạn vừa học tiếng Nga vừa học Toán. Giáo viên dạy môn Toán là Thiếu tá Ê-sôp. Thiếu tá hói đầu nên các anh gọi là “Thiếu tá hói”. Thày giảng dạy cũng rất nhiệt tình, có hôm giảng bài quên cả giờ nghỉ giải lao.

        Các ngày lễ, Tết - người Nga nghỉ không nhiều như bên mình. Tết dương lịch chỉ nghỉ 1 ngày. Ngày Tết cổ truyền của mình thì không được nghỉ, vẫn đi học bình thường. Các anh cũng cặm cụi học cả đêm cốt nhanh chóng nắm bắt kiến thức, đặc biệt là tiếng Nga để sang năm - năm 1962 sẽ được cất cánh lên trời.

        Vào tháng 3 dương lịch, tuyết bắt đầu tan. Chính lúc giai đoạn chuyển mùa này là lúc dễ bị cảm cúm, hắt hơi sổ mũi nhất. Cả lớp hầu như ai cũng bị, cũng phải bôi dầu “cù-là” liên tục. Mà cứ mỗi lần hắt hơi, theo phong tục của Nga là những người xung quanh phải nói: “Bút-che-zờ-đa- rôp!” - tức là: “Chúc sức khỏe!”. Thế là khi trò hắt hơi, cô giáo hắt hơi... các anh liên tục đồng thanh hô: “Bút-che- zờ-đa-rôp!” làm cho cô giáo cứ cười ngả cười nghiêng.

        Ba tháng học tiếng Nga trôi qua lúc nào không ai hay. Các anh phải chia tay với cô giáo Nhi-lô-va và thày Ê-sôp để bước vào học môn Lí thuyết bay.

        Phút chia tay với thày cô thật là lưu luyến, bịn rịn. Các anh vẫn mong muốn thày cô dạy các anh thật nhiều hơn nữa để các anh có thể học hỏi được nhiều hơn nữa, nhưng còn rất nhiều môn học chờ đợi các anh ở phía trước nên đành phải chia tay với môn học của thày cô.

        Giáo viên dạy môn Lí thuyết bay là Trung tá có cặp mắt nhỏ xíu, đục ngầu, đeo cặp kính trắng, trông rất dữ tướng. Ai cũng sợ ông khi ông kiểm tra bài. ông không chỉ hỏi một vấn đề mà xoáy hỏi nhiều vấn đề có liên quan, xung quanh câu hỏi ấy. Đặc biệt, trò nào mà đã bị điểm kém từ lần kiểm tra đầu tiên thì coi chừng, sẽ bị kiểm tra liên tục cho mà xem...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2016, 06:39:16 pm »

        Đến đây thì tôi lại nhớ đến hồi chúng tôi học ở trường Pri-môr-xcơ Akh-tar-xcơ, gọi vắn tắt là Akh-ta-ri, có thày dạy môn Động cơ máy bay tên là thày Ret-kin. Tôi đã bị thày “trù”, bị truy gọi liên tục. số là có một lần, sau khi gọi tôi lên bảng hỏi bài, tôi trả lời trôi chảy, được điểm giỏi đàng hoàng (thời đó bên Liên-xô, khi chúng tôi học, chỉ có thang điểm: giỏi, khá, trung bình - tương đương với thang điểm: 5,4,3. Khi nhận được điểm dưới trung bình là hỏng bét rồi!). Sau khi tôi trở về chỗ ngồi, tôi với anh Võ Xuân Quang có trêu chọc nhau tí tẹo, cúi mặt xuống để cười và chỉ về phía thày, ý nói là thày phát hiện ra chuyện trêu nhau thì thày sẽ kỉ luật Ai dè, chắc là thày cho rằng tôi xấc xược, hỗn láo nên ngay ngày hôm sau có môn của thày, thày bước vào lớp, giở sổ điểm ra, lấy đầu bút chì chậm rãi dò tên học trò. Cái động tác của thày càng chậm chạp, càng từ từ bao nhiêu thì các trò càng căng thẳng bấy nhiêu. Rồi thày đọc tên tôi và tuyên bố: “Mặc dù ngày hôm qua tôi đã kiểm tra anh, anh đã trả lời đạt điểm giỏi, nhưng không phải vì thế mà hôm nay tôi không kiểm tra anh nữa! Mời anh lên bảng!”. Tôi bước lên. Anh em ở dưới nghĩ rang phen này tôi chết là cái chắc vì vừa mới kiểm tra hôm qua rồi thì hôm nay chủ quan không học hoặc chỉ học qua loa mà thôi. Không ngờ lần này tôi trả lời lại được điểm giỏi. 3 ngày sau lại đến môn của thày. Mọi người trong lớp cứ đoán già đoán non xem hôm nay thày có gọi tôi nữa hay không. Thày lại giở sổ, lại dò tên học trò một cách chậm rãi như để tăng thêm uy lực của thày và sự sợ hãi của trò, rồi lại điềm nhiên gọi tên tôi. Tôi lại trả lời trôi chảy. Có lẽ cũng đã “quá tam ba bận”, quất tôi đủ ba roi rồi nên ĩân sau thày không gọi tôi nữa, nhưng thi thoảng trong khi giảng, mắt thày vẫn lừ lừ liếc về phía tôi xem thái độ tôi đã “biết sợ” hay chua, ngâm nói rằng: cứ liệu thần hồn!

        Về sau này, anh Hà Quang Hưng có viết bài “Thày Ret-kin trả đũa!” để nói về chuyện ấy. Thưa thày! Thày hãy bỏ qua cho các trò, hãy đại xá cho các trò giống như em hồi đó, chỉ tếu táo tí thôi chứ chúng em bao giờ cũng tôn trọng, quý mến thày vì không có thày dạy thì làm sao mà chúng em nên người được, nhất là lại ở trong nghề bay nữa, sơ xẩy một tí là tan xương nát thịt như chơi! “Không thày đố mày làm nên!”. Chúng em hiểu sâu sắc lắm, thày ạ!

        Với học viên bay, với nghề bay, rất nhiều môn quan trọng đòi hỏi phải nắm thật vững như các môn: Lí thuyết bay, Cấu tạo máy bay, cấu tạo động cơ, Dẫn đường, Trang thiết bị trên máy bay, Thông tin liên lạc, sử dụng vũ khí, Khí tượng..., nhiều lắm... nghĩa là không có môn nào được xem thường, kể cả môn thể dục thể thao - cái môn khi tổng kết thày không cho điểm mà chỉ ghi: aĐã kiểm tra!”.

        Nếu tính tổng hợp tất cả các câu hỏi của các môn phải thi thì có lẽ phải đến hàng trăm hàng ngàn câu. Học để trả lời bằng tiếng Việt đã khó, trả lời bằng tiếng Nga thì khó gấp bội phần. Các anh lao vào học thâu đêm suốt sáng. Ông “Trung tá bướu” rất lo lắng về việc các học viên Việt Nam thức khuya, lỡ ra bị ốm, không học được nữa thì gay go nên ông hay kiểm tra đột xuất lắm. Tuy nhiên, anh em cũng đã cắt cử người “gác” ông, thấy bóng dáng ông là báo động sớm nên ông không bắt được việc các anh vi phạm giờ ngủ lần nào.

        Kết quả, qua kiểm tra, thi cử các môn, tất cả các anh trong đoàn của anh Nhị không ai phải thi lại. Vậy là phần học lí thuyết đã xong!

        Với tất cả các đoàn học viên bay, nhất là với các đoàn học viên bay của Việt Nam, nhà trường thường tổ chức những buổi đi “dã ngoại” - tức là đi trẩy, hái hoa quả giúp các nông trường, như trẩy táo, lê, nho... rồi thu hoạch dưa hấu, dưa bồ, cà chua v. v... Những ngày ấy là những ngày rất vui vì được ra ngoài đồng, làm những công việc đồng áng, hít thở không khí trong lành, ăn thoải mái mọi loại hoa quả mà mình thích, thứ nào cũng tươi ngon và được mang về nhà bao nhiêu tùy thích. Các nông trường viên - các bà Mẹ Nga - những người đã từng tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ hai rất quý mến các học viên Việt Nam. Các Mẹ coi các học viên Việt Nam như các con của mình, nhất là khi biết được các học viên đó sẽ về nước tham gia chiến tranh thì các Mẹ càng yêu quý gấp bội phần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2016, 06:40:39 pm »

        Mùa hè đến cũng là mùa của những bài bay thực hành. Ở đất nước Liên-xô, tháng 3 tháng 4 dương lịch là tháng tuyết tan. Ngày mồng 1 tháng 5 là ngày Quốc tế lao động cũng là ngày mà các nhành cây bắt đầu đâm chồi nẩy lộc và chỉ qua ba bốn ngày thôi là cây cối đã xanh rờn lá, rồi các loại hoa đua nhau nò rực rỡ. Mùi thơm của hoa táo, hoa lê, hoa anh đào... cùng các loài hoa dại tạo nên cả một thế giới hương thơm ngất ngây làm cho con người ta như thăng hoa và tan biến trong cái đại dương ngát hương ấy. Sức sống của các loài cây thật kỳ lạ. Chúng ấp ủ, chất nén sức sống suốt cả mùa Đông băng giá để rồi đợi khi tuyết tan, khi những tia nắng ấm đầu tiên rọi xuống là chúng bật dậy mãnh liệt... cảnh sắc thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ... thay đổi đến không ngờ.

        Trước khi bước vào những khoa mục bay thực tế, tất cả các phi công đều phải sát hạch qua bộ môn nhảy dù. Sau những giờ học phương pháp tiếp đất (nhảy từ các bậc xuống đất từ bậc thấp rồi đến các bậc cao đần, cao dần... để làm quen) thì đến tiết mục tập lái dù, phóng ghế dù. Đâu đấy xong xuôi rồi thì đến lượt máy bay (thường là loại máy bay An-2) chở từng tốp 6 người hoặc 8 người một lên đến độ cao 600 m hoặc 800 m để thực hành nhảy dù. Dù chính được đeo ở lưng. Dù phụ thì ôm trước bụng. Dù chính có dây đấu nối, móc vào dây cáp trong máy bay đảm bảo cho dù sẽ mở sau khi học viên nhảy ra khỏi máy bay. Nếu vì một lí do bất khả kháng nào đó mà dù chính không mở được (thực ra thì chưa bao giờ xảy ra cả) thì phải giật dù phụ. Khi nhảy dù, hai tay phải ôm lấy dù phụ ở phía trước bụng, đồng thời nắm chặt vòng chốt giật dù. Khi cần giật dù phụ, chỉ cần giật vung hai tay ra ngang vai là dù phụ sẽ bung ra. Nhưng một khi dù chính đã mở rồi thì không được phép mở dù phụ nữa, vì nếu dù phụ cũng mở thì hai dù sẽ xoắn vào nhau, rất nguy hiểm, bấy giờ cần phải tỉnh táo, nhanh chóng lấy dao (loại dao đặc biệt) cắt đứt dù phụ đi. Giả dụ, hai dù không xoắn vào nhau thì với lực nâng của cả hai chiếc dù lớn như vậy, biết đến bao giờ mới xuống được đến mặt đất, nhất là khi lại có gió thổi nữa thì chẳng thể biết được những gì sẽ xảy ra. Vì vậy, tất cả mọi động tác nhất nhất phải thuần thục và phải làm theo trình tự đúng như những gì đã học dưới mặt đất, không được phép “sáng tạo theo kiểu ngẫu hứng”, dễ toi mạng lắm!

        Vào một buổi sáng tháng 5, đoàn bay của anh Nhị lần lượt được máy bay An-2 “cõng” lên trời để thực hành môn nhảy dù. Anh Nhị nhớ lại:

       - Chuyến thực hành nhảy dù của anh do một Thiếu tá - huấn luyện viên kỳ cựu, đã từng nhảy hàng ngàn lần kiểu nhảy thường và nhảy biểu diễn đều đảm bảo an toàn hướng dẫn trực tiếp.

        Máy bay lên đến độ cao 600 m, ông Thiếu tá hô: “Tất cả chuẩn bị! Lần lượt nhảy từng người một!”

        Quên cả động tác đã được tập hàng ngày (vì khi tập dưới mặt đất thì tâm trạng khác, nhưng khi lên trời, nhìn qua cửa sổ máy bay thấy cao vời vợi, nhìn xuống đất thì thấy sâu hun hút, gió lùa qua tai ù ù thì tâm trạng lại khác hoàn toàn, nhất lại là lần đầu tiên quăng người ra khoảng không nữa!). Lẽ ra phải bước lao ra ngang cửa máy bay thì anh lại ôm dù lao xuống phía dưới bụng máy bay. Rất may là anh được an toàn. Sau chừng 1 đến 2 giây gì đó, dù chính đã mở, anh thấy mình treo dưới tán dù, lơ lửng giữa trời xanh. Nhìn quanh, anh thấy dù của các anh khác cũng đã mở. Các tán dù trông chẳng khác gì những chiếc nấm trôi lung liêng giữa trời xanh. Anh ngó xuống dưới đất để tìm vị trí chữ T - đấy là vị trí quy định để tiếp đất, được căng bằng vải trắng hình chữ T. Phải cố gắng lái dù cho tiếp đất vào khu vực ấy. Dù rơi với tốc độ 4-5 m/s nên các động tác tiếp đất phải chuẩn bị cho thật chuẩn: hai chân phải để bằng nhau, đầu gối hơi chùng một chút để khi tiếp đất không bị bong gân chỗ mắt cá chân hoặc không bị gãy chân.

        Tất cả các học viên bay sau khi đã nhảy dù thực tế xong đều được tặng mỗi người một chiếc “huy hiệu dù”... Đấy là chiếc huy hiệu mô phỏng hình chiếc dù màu trắng, hình bán nguyệt với những múi dù căng gió trên nền trời xanh rất đẹp mắt. Đeo “huy hiệu dù” trước ngực, ai cũng thấy hãnh diện vì như thế là bước đầu đã được đặt chân vào đời bay rồi!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM