Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:35:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thanh kiếm bầu trời  (Đọc 29826 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 06:20:55 am »

        Đêm ngày 23 tháng 1 năm 1954, đơn vị của anh đã hành quân đến nơi tập kết cuối cùng, chờ lệnh nổ súng.

        23 giờ 30 phút, đơn vị chủ công bắt đầu khai hỏa, tấn công đồn Mang Đen. Lực lượng mở đột phá khẩu đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ đánh vào trận nội đã gặp phải hỏa lực địch dày đặc. Gần sáng thì đơn vị của anh Hồng Nhị được lệnh xuất kích. Đơn vị vượt cửa mở, tấn công vào thì địch đầu hàng. Trận đánh mở màn cho chiến dịch đã giành thắng lợi vẻ vang.

        Tiểu đoàn 365 của anh lại nhận lệnh hành quân cấp tốc lên Kon Tum tham gia trận chiến mới. Dọc đường hành quân, các anh đã bắt được tên quan Một của Pháp làm tù binh, số là, tên quan Một của Pháp này chỉ huy lũ lính người Thượng chặn đường của ta, phục kích ta phía ngoài đồn Mang Đen, nhưng vì ta đã giải quyết xong đồn Mang Đen rồi, bọn lính người Thượng hốt hoảng chạy hết vào rừng, còn lại trơ khấc tên quan một của Pháp đang ngơ ngác chưa biết nên xử trí thế nào thì bị ta tóm sống.

        Âm vang chiến thắng đồn Mang Đen chưa kịp lắng thì đơn vị đã gánh chịu tổn thất. Chiều ngày 28 tháng 1, khi Tiểu đoàn hành quân đi Kon Rẩy thì bị máy bay trinh sát của địch phát hiện. Liền sau đó, bốn chiếc máy bay khu trục Hen-cát lao đến thả bom na-pan và bắn phá xuống đội hình hành quân. Một số anh em đã hy sinh khi chưa xáp trận. Đấy là một sự tổn thất vô cùng đáng tiếc.

        Đơn vị đã vượt qua sông Đắc Nghé, qua cầu Kon Rẩy, tiến về thị xã Kon Tum và triển khai đội hình chiến đấu ở vị trí cách Kon Tum 10 km.

        Đêm 30 Tết Giáp Ngọ là một đêm đầy ắp nỗi nhớ trong đời bộ đội của anh. Anh kể lại:

        - Đêm ấy, đêm mồng 3 tháng 2 năm 1954, tức đêm giao thừa của Tết Giáp Ngọ, mỗi người được nhận một thanh kẹo sô-cô-la (kẹo chiến lợi phẩm ta thu được) bằng ngón tay, để đến khi giao thừa chuyền cho nhau biết và ăn kẹo. Gọi là ăn, nhưng thực chất là ngậm trong miệng để cho nó tan ở lưỡi, thời gian kẹo tan càng lâu thì cảm nhận càng thấy ngon. Các anh phải ngủ ở dưới hầm để đề phòng đạn pháo 105 li của địch bắn phá. Lúc ấy là lúc rộn lên nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ Cha Mẹ, anh chị em đến cồn cào, da diết. Liệu Tết này Mẹ có mua pháo để đón Tết hay không? Tập quán đón Tết cổ truyền ồ quê anh là phải đốt pháo, nhà nào dù nghèo mấy đi chăng nữa cũng phải có pháo đốt để cho tiếng pháo nổ xua đuổi lũ tà ma ra khỏi nhà, xua tan đi những nghèo khổ, khó khăn, vất vả, buồn phiền trong năm cũ để đón cái may mắn, cái phúc, cái lộc đến nhà trong năm mới.

        Cha thường dặn Mẹ phải mua 5 quả pháo tống (pháo đùng). Khi cúng tất niên đốt 1 quả để đuổi tà ma ra khỏi nhà, để đón tổ tiên về nhà ăn Tết. Sáng mồng 1 đốt 1 quả để rước phúc, rước lộc về nhà. Tối hôm đó đốt 1 quả nữa. Mồng 2 Tết đốt 1 quả đón con cháu về chúc Tết phía bên nội và bên ngoại. Tối mồng 3 Tết đốt 1 quả và đốt hết số pháo tép còn lại để đưa tiễn tổ tiên. Nhà nào nghèo khó thì đốt như vậy. Nhà nào khá giả, giàu có thì đốt nhiều hơn...

        Tiếng pháo nổ đì đùng, đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm... Trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới được cất giữ suốt cả năm bây giờ mới được diện trong mấy ngày Tết, vui hớn hở... Không khí Tết cứ rộn ràng qua các lời chúc tụng mộc mạc, chân tình của người dân quê. Thật ấm cúng, vui vẻ biết bao!

        Giao thừa năm nay anh lại đang ngồi dưới chiến hào, ôm súng đợi giờ xuất kích. Miền quê xa xăm thân yêu kia không khí đón Tết như thế nào nhỉ? Chắc Cha Mẹ và các anh chi đang nhắc tới anh - đứa con xa nhà, nên anh thấy tai mình cứ nóng rần rật

        Hẹn mùa Xuân tới, mùa Xuân chiến thắng con sẽ về bên Cha Mẹ, em sẽ về bên các anh chi để đón một cái Tết thật vui vẻ, tưng bừng, đầm ấm và xum vầy!

        Giai đoạn sau Tết là giai đoạn có gạo ăn do dân công tiếp tế từ dưới đồng bằng lên, nhưng lương khô lại thiếu vì một thời gian dài bộ đội ta thiếu thốn quá đành phải sử dụng đến nó. Có cơm, có đường, có nước, có muối, có đạn - đó là 5 điều có rất cần thiết cho cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ. Vậy mà có lúc đơn vị bị thiếu hụt đến tận “4 có” (thiếu cơm, thiếu muối, thiếu đường, thiếu nước). Tuy bị thiếu hụt như vậy nhưng tinh thần chiến đấu của đơn vị không hề bị suy giảm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 06:22:35 am »

        Sáng ngày mồng 7 tháng 2, đơn vị nhận lệnh hành quân hỏa tốc. Mặc cho máy bay địch đánh phá ác liệt, mặc đói khát, các chiến sĩ ta vừa đi, vừa chạy. Đến thị xã Kon Tum thì trời vừa xẩm tối. Tiểu đoàn tiếp tục nhận được lệnh hành quân đi An Khê, chuẩn bị đánh đồn Đắc Đoa.

        Đồn Đắc Đoa nằm trên trục đường 19 bis là vị trí quan trọng bậc nhất án ngữ bảo vệ hướng Đông Bắc thành phố Plây-cu và trục đường 19 - trục đường chiến lược Bình Định - Tây Nguyên. Đồn Đắc Đoa được 2 Đại đội lính Âu-Phi chốt giữ. Đồn xây dựng kiên cố, có lô- cốt, hầm ngầm cố thủ, nhiều tầng lớp hàng rào dây thép gai bao quanh. Phạm vi rào rất rộng, hình ngôi sao nên gầy nhiêu khó khăn cho ta khi sử dụng bộc phá đánh mở cửa đột phá khẩu. Đặc biêt, đồn Đắc Đoa còn được một Tiểu đoàn pháo 105 li ồ Biển Hồ yểm trợ. Trên sân bay Plây-cu thì luôn có một đội máy bay sẵn sàng cất cánh chi viện. Ta vây đánh đồn Đắc Đoa trong tình trạng không còn yếu tố bí mật, bất ngờ. Chính vì vậy khó khăn càng tăng gấp bội.

        Khi mở đột phá khẩu, các anh đã có sáng kiến dùng ống bộc phá dài gấp đôi ống thường, vửa mở nhanh hơn, thương vong cũng giảm hơn.

        Đại đội 212 phải tổ chức một Tiểu đội trinh sát thọc sâu lên hướng Biển Hồ để xác định vị trí trận địa pháo 105 li, tạo điều kiện để ta có thể tập kích về sau này.

        Tiểu đội trưởng trinh sát Thiện Tích dẫn đầu, anh Hồng Nhị đi sau cùng để cảnh giới phía sau. cả Tiểu đội luồn rừng, nghe theo tiếng nổ đề-pa (tiếng nổ đầu nòng) của súng ca-nông mà đi. Qua hai đêm luồn rừng mà vẫn không tìm ra được vị trí trận địa pháo. Tiểu đội nhận lệnh phải quay ngay về với đội hình của Đại đội 212 vì ngày đánh đồn Đắc Đoa đã đến rồi.

        Đêm 17 tháng 2 năm 1954. Đêm hôm đó là đêm Rằm tháng Giêng, trăng sáng vằng vặc. Lệnh tấn công đồn đã phát. Tiếng bộc phá mở đột phá khẩu nổ dồn dập. Các hàng rào dây kẽm gai lần lượt bị phá tan. 12 khẩu pháo 105 li ở buôn Plây cũng không bắn được phát nào vì chúng cũng bị ta tập kích. Trận đánh ban đầu như vậy là diễn ra thuận lợi, đúng theo kế hoạch, nhưng sau đó, bọn pháo 105 li ở Biển Hồ trở lại hoạt động, bắn cấp tập vào đội hình tấn công của ta. số lượng thương vong tăng vọt. Đại đội 211 chuyển hướng tấn công sang hướng của Đại đội 213 vì Đại đội 213 bị thương vong nhiều, sức đột kích giảm hẳn. Đại đội trưởng Đại đội 211 - anh Lê Công Khai mặc dù bị thương nát cả hai chân, anh vẫn dùng tay chống để bò lê theo đội hình tiếp tục chỉ huy mở đột phá khẩu, sau đó lại tiếp tục chỉ huy bộ đội đánh chiếm đàu cầu. Khi anh được đưa về Ban quân y dã chiến của đơn vị, anh đã trút hơi thở cuối cùng, anh dũng hy sinh, về sau, anh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang (Anh hùng Quân đội).

        Càng đánh vào trận nội, tình thế càng căng thẳng, cam go. Anh Hồng Nhị xách súng, ôm thêm một giỏ thủ pháo nữa lao thẳng vào tung thâm mặc cho đạn pháo bắn như mưa xung quanh người. Trong khói lửa ngút trời, qua ánh sáng của đạn vạch đường của địch bắn ra và nhờ ánh sáng trăng, anh đã phát hiện được các lỗ châu mai của lô-cốt. Anh rút chốt an toàn của quả thủ pháo để tống vào lỗ châu mai thì thấy địch thò cờ trắng ra đầu hàng. Anh báo to:

        - Địch đầu hàng rồi!

        Hơn 200 tên địch lúc nhúc từ các lô-cốt, các hầm ngầm cố thủ chui ra, hai tay giơ cao trên đầu, lần lượt đầu hàng.

        Mới chỉ cách đây ít phút thôi, đồn Đắc Đoa hệt như một con thú dữ lồng lộn trước lúc giãy chết. Đạn pháo 105 li, các loại hỏa lực trong đồn bắn ra như vãi trấu đã làm cho hơn 100 chiến sĩ ta bị thương vong, có 6 cán bộ Đại đội và 30 chiến sĩ hy sinh. Tổn thất thật lớn lao. Mối căm thù càng chất nặng. Đơn vị tổ chức mai táng cho các liệt sĩ rất cẩn thận, chu đáo và tổ chức lễ truy điệu rất nghiêm trang. Các anh đã không hề tiếc tuổi xanh, không hề tiếc cuộc sống của bản thân mình, vì sự nghiệp lớn mà coi cái chết nhẹ như lông hồng, chỉ mong muốn một điều là giải phóng cho đồng bào mình thoát khỏi ách áp bức, nô lệ. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Đắc Đoa này. Các thê hệ muôn đời sau luôn kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh. Sự hy sinh của các anh không phải là vô ích. Máu của các anh nhuộm thắm đất quê hương, giúp cho cuộc sống được thanh bình, yên ả, giúp cho cây trái bốn mùa đơm hoa kết quả, giúp cho tiếng cười trẻ thơ mãi trong trẻo, hồn nhiên. Các anh là BẤT TỬ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 06:24:28 am »

        Vĩnh biệt các anh - những đồng đội, những người bạn chiến đấu, người bạn cùng chiến hào! Chúng tôi sẽ đi tiếp chặng đường của các anh định đi, định đến. Lý tưởng của các anh, chúng tôi sẽ quyết thực hiện bằng được. Mong các anh phù hộ độ trì cho chúng tôi - những đông đội của các anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, hoàn tất được những ước nguyên của các anh...

        Địch còn điên cuồng cho máy bay khu trục Hen-cát đến ném bom na-pan và bắn phá khu vực quanh đồn, nhưng chằng giải quyết được vấn đề gì, trừ việc làm chết mấy con bò của sở chè Đắc Đoa.

        Sau chiến thắng Đắc Đoa, Tiểu đoàn 365 được điều xuống đồng bằng Phú Yên, bí mật vào phía Nam Tây Nguyên. Tiểu đoàn đã tách khỏi đội hình của Trung đoàn, lặng lẽ hành quân xuống Bình Định, vào Phú Yên tác chiến. Phú Yên - nơi ấy là nơi cội nguồn của Tiểu đoàn 365! Tuy không được nằm trong đội hình của Trung đoàn, nhưng khi biết được sẽ trở về nơi cội nguồn, ai cũng phấn khởi, háo hức chiến đấu để giải phóng quê hương Phú Yên.

        Sau 5 ngày 5 đêm liên tục lội suối trèo đèo, xuyên rừng vượt núi, đơn vị về đến Bình Khê rồi tiếp tục vượt sông Côn (Bình Định) vào đất Đồng Xuân (Phú Yên). Tiểu đoàn đóng quân ở xã Xuân Phước - Suối cối.

        Sáng ngày 22 tháng 3, trong khi các cán bộ Tiểu đoàn đang nghiên cứu trận địa thì nhận được tin: có một Tiểu đoàn địch đang đi về hướng Xuân Quang - Suối Cối. Đúng là xua dê vào miệng hổ! Đội hình chiến đấu được biển khai ngay lập tức. Đại đội 211 có nhiệm vụ đánh chặn đầu, Đại đội 213 có nhiệm vụ đánh chặn đuôi, còn Đại đội 212 đánh tạt sườn. Địch lọt vào đúng thế trận của ta đã bày sẵn. Đại đôi 213 và 211 đánh chặn đuôi, chặn đầu. Đại đội 212 đánh tạt sườn. Đội hình địch như rắn bị chặt ra từng khúc, rối loạn, không thể nào chỉ huy nổi, mạnh tên nào tên nấy chạy tháo thân.

        Tiểu đội của anh Hồng Nhị vừa vượt qua được mấy nương sắn và đám cỏ cao vút đầu người thì gặp ngay phải con suối. Địch đã phát hiện ra các anh. Từ phía bên kia, chúng bám vào bờ suối, cố thủ, bắn trả quyết liệt. Chúng càu cứu cả pháo 105 li ở La Hai bắn chi viện. Đơn vị đã có thương vong. Đại đội trưởng Nhạ, Chính trị viên Bá đã hy sinh. Tổ trưởng tổ “tam tam” của anh Nhị là Xuân cũng hy sinh. Máy bay địch thì quần đảo chỉ điểm để cho trận địa pháo ờ La Hai bắn chi viện. Bọn “Hổ xám” - biệt danh của Tiểu đoàn 2 của địch được động viên cố thủ để chờ viện binh.

        Nhiều lần kêu gọi địch đầu hàng, nhưng chúng rất ngoan cố, tìm mọi cách chống trả. Trời đã đần chuyển về chiều. Tối đến nơi rồi, không thể để tình trạng này dây dưa mãi được. Tiểu đoàn ra lệnh dùng đạn “phóng bom” nã vào khu vực cố thủ của địch. Các công sự của chúng bị phá vỡ tan hoang. Ta tổ chức xung phong đánh giáp lá cà. Số địch sống sót giơ tay quy hàng. Ta bắt sống hơn 100 tên. Gần 200 tên bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 2 ngụy lâm quân với biệt danh “Hổ xám” bị xóa sổ.

        Chiến thắng Suối Cối mang ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân Phú Yên - Bình Định. Nhân dân phấn khỏi, sống trong không khí hào sảng, tích cực đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích để tiêu hao sinh lực địch, kìm chân bọn chúng tại Phú Yên - Bình Định, làm cho chiến dịch Át- lăng của địch ở vào thế sa lầy và ta chớp thời cơ tiêu diệt.

        Tuy nhiên, khi đánh trận Suối cối - Xuân Phước này ta cũng chịu những tổn thất Tổn thất không nhiều nhưng đau đớn: 4 cán bộ Đại đội, 8 cán bộ Trung đội và Tiểu đội - nhũng đảng viên ưu tú đã ngã xuống vì sự thắng lợi của chiến trận. Trong trận chiến, khi chính trị viên Bá hy sinh, anh Nhị và anh Tích đã tìm chỗ đặt anh nằm. Sau trận chiến, anh Nhị cùng các anh trong Tiểu đội tìm đến nơi đó thì bà con Xuân Phước đã chuyển thi hài anh Bá vào nghĩa trang của xã Xuân Phước rồi. Chính trị viên Bá là người luôn đi sâu đi sát, động viên các chiến sĩ, rất quý mến anh Hồng Nhị, dự kiến còn đưa anh vào đối tượng kết nạp Đảng. Anh mất đi, cả đơn vị tiếc thương anh - người đồng chí, đồng đội sống chân tình, đối xử với tất cả anh em, quan tâm tới anh em hệt như người chị cả quan tâm đến các em vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 02:39:50 pm »

        Anh đã thành người con của Xuân Phước, vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Nhân dân Xuân Phước coi anh như người thân, ruột thịt của mình.

        Các anh trong Tiểu đội đến nghĩa trang, đứng bên nơi anh yên nghỉ, ngả mũ chào người chính bị viên yêu quý, chào tất cả những đồng đội đã ngã xuống vì sự thanh bình của mảnh đất này, Tổ quốc này.

        Cũng đến tận lúc ngả mũ chào vĩnh biệt người chính trị viên, anh Nhị mới phát hiện ra mũ của mình có 5 lỗ do đạn của địch bắn thủng. Thật may mắn làm sao chúng chỉ làm thủng mũ thôi, còn đầu thì vẫn nguyên vẹn, không mất một sợi tóc nào!

        Đánh xong trận Suối Cối, đơn vị anh lại tức tốc hành quân phục kích địch trên đoạn đường La Hai đi củng Sơn. Sau một tuần mai phục không có kết quả, đơn vị anh lại di chuyển về Nam Phú Yên, đánh căn cứ Bàn Nham - Bàn Thạch. Căn cứ này do Tiểu đoàn khinh quân ngụy số 506 chốt giữ. Chúng bảo vệ phía Nam thị xã Tuy Hòa và con đường số 1 chiến lược đoạn Nha Trang - Tuy Hòa. 1 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1954 phát lệnh tấn công. Hỏa lực vòng cầu dồn dập chế áp địch. Bộc phá mở đột phá khẩu nổ rền vang. Anh Hồng Nhị ở Tiểu đội xung kích thuộc Đại đội 212 đánh vào trận nội rồi sau đó lại cơ động sang chi viện cho đơn vị bạn. Rồi lại có lệnh thu hết thương binh, liệt sĩ vì trời sắp sáng. Kết quả trận đánh - ta tiêu diệt được gần 200 tên địch, giải phóng cho 60 đồng bào bị địch giam cầm. Phía ta hy sinh 30 đồng chí. Trận đánh không giải quyết được dứt điểm, không làm chủ được chiến trường vì ta chủ quan, chưa dự kiến hết các tình huống sẽ gặp phải.

        Toàn cảnh trên chiến trường Việt Nam rất có lợi cho ta. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đang giành thắng lợi lớn. Chiến dịch Át-lăng của địch ở Phú Yên - Quy Nhơn bị sa lầy...

        Tiểu đoàn nhận lệnh hành quân cấp tốc lên phía Tây Phú Yên, chuẩn bị đánh Tuy Bình. Giải phóng xong Tuy Bình, đơn vị tiếp tục hành quân lên phía Tây Phú Yên để đánh đôn Buôn A-ê-riêng. Địch bỏ đôn Buôn A-ê-riêng, chạy lên Cheo Reo. Tiểu đoàn nhận lệnh quay về đồng bằng Phú Yên hoạt động.

        Khi về đến Tây Tuy Hòa, đơn vị nhận được lệnh lập tức chuẩn bị đánh tập kích thị xã Tuy Hòa và tiêu diệt cứ điểm Núi Sầm.

        Núi Sầm không cao, đứng độc lập ở cánh đồng Hòa Trị. Nó án ngữ và bảo vệ phía Tây thị xã Tuy Hòa. Đại đội 211 sẽ tập kích địch trong thị xã Tuy Hòa. Đại đội 213 làm nhiệm vụ dự bị.

        Đêm 20 tháng 6 năm 1954, đơn vị đánh thị xã phát hỏa trước. Đơn vị đánh Núi sầm nổ súng sau. Đơn vị đánh thị xã giành thắng lợi ròn rã. Đại đội 212 của anh Hồng Nhị khi nổ súng thì không còn yếu tố bất ngờ, hơn nữa lại nằm ở thế bất lợi vì địch chốt ở trên cao, nã súng xuống như mưa, việc mở đột phá khẩu gặp muôn vàn khó khăn. Đến nước này là phải dùng phương pháp cường tập đánh bộc phá. Tiểu đội xung kích của anh nằm áp sát chờ mở đột phá khẩu. Tiểu đội trưởng Phú đã bị thương. Tổ trưởng tổ “tam tam” (tổ ba người) Bổn cũng bị thương. Tiếng anh Bổn hô rất to:

        - Hồ Chủ Tịch muôn năm!

        - Hồ Chủ Tịch muôn năm!

        Sau này anh Bổn mới tâm sự

        - Mình phải gọi Bác Hồ vì thấy trận đánh ác liệt quá, chắc gì đã “thoát” nổi!

        Hai anh được băng bó và được cõng ra ngoài vòng hỏa lực. Tay của anh Nhị cũng bị trúng đạn địch, máu ra nhiều lắm. Anh Toàn trong tổ “tam tam” băng bó cho anh Nhị và hai anh em quyết tâm nằm chờ cửa mở. Đột phá khẩu chưa mở xong thì trời sắp sáng. Chần chừ ở lại là bất lợi. Trên cho lệnh lui quân.

        Sau trận đánh, ba anh: anh Phú, anh Bổn và anh Nhị phải về Trạm xá dã chiến của đơn vị ở Hòa Phong (Tuy Hòa) để điều trị vết thương. Tuy điều trị vết thương nhưng các anh lúc nào cũng như ngồi trên tổ kiến lửa, lúc nào cũng nhấp nhổm muốn trở về đơn vị chiến đấu. Rồi cuối cùng các anh cũng được ra viện, tức tốc đuổi theo đơn vị đang hành quân về phía Cheo Reo, chuẩn bị cho việc đánh đồn Bà Lá.

        Rồi lại có lệnh của Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu - đồng chí Nguyễn Chánh: “Đình chiến đến nơi rồi. Lúc này không để đổ thêm một giọt máu nào của chiến sĩ nữa!...” Tất cả mọi người nghe xong vừa mừng rỡ nhưng cũng vừa tiếc nuối, bởi vì ai cũng muốn đánh giặc, đuổi chúng ra khỏi vùng đất Phú Yên. Sau khi nghe đồng chí cán bộ chính trị giải thích, phân tích có lí có tình, mọi người mới thông suốt với chỉ thị của cấp trên.

        Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định đình chiến được ký kết. Điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt sự đổ máu của đồng bào, của các chiến sĩ của ta trên khắp các chiến trường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 02:40:46 pm »

        Cũng sau ngày 20 tháng 7, đơn vị các anh hành quân về La Hai. Rồi tất cả các đơn vị của Tiểu đoàn từ Cheo Reo cũng kéo về. Tất cả gặp nhau tại La Hai. Thật là mừng vui khôn tả. Sau 7 - 8 tháng trời ròng rã hành quân, đánh giặc ở khắp nơi (từ Bắc Tây Nguyên đến Nam Tây Nguyên, rồi đến vùng đồng bằng Phú Yên...) bàn chân các chiến sĩ đã in dấu trên khắp nẻo đường, vượt qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao, núi rừng hiểm trử..., đã chịu đựng biết bao ngày đêm gian khổ, ác liệt, sống chết cận kề bên hòn tên mũi đạn, biết bao ngày đêm đói khát với những cơn sốt rét hành hạ... Đã có biết bao người ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại các chiến trường nơi các anh từng tham chiến... Nay về đây, gặp lại được nhau sau những ngày chiến đấu ác liệt, cam go... mọi người nhìn nhau, ai nấy đêu mừng mừng, tủi tủi. Mừng vì thấy nhau còn sống, còn khỏe. Bùi ngùi vì nhớ đến những đồng đội của mình đã không về. Thật xúc động, sâu lắng và đầy tình nghĩa...

        Vào những ngày cuối tháng 7 năm 1954, quân và dân tổ chức mít tinh chào mừng chiến thắng tại bãi cát cạnh sông La Hai. Ngày mít tinh chào mừng chiến thắng cũng là ngày phải chia tay với đồng bào Phú Yên. Tháng 5 năm 1954, tại Hòa Đa - Tuy An - Tiểu đoàn 365 đã được thành lập. Ngay từ những ngày đầu ra đời, Tiểu đoàn đã được bà con nhân dân quanh vùng che chở, đùm bọc. Nhân dân coi các chiến sĩ Tiểu đoàn như những người thân thương, ruột thịt của mình, đã chăm lo săn sóc, giúp đỡ tận tình, nhất là nhưng lúc khó khăn, gian nan. Tiểu đoàn lớn mạnh được như thế này là nhờ có công lao đóng góp thật to lớn của bà con nhân dân Hòa Đa - Tuy An - Phú Yên. Công lao ấy không phải chỉ ngày một ngày hai mà trả được, đặc biệt là nghĩa tình sâu nặng của bà con thì không thể nào trả nổi... Công ơn của đồng bào Phú Yên chúng tôi sẽ luôn mạng nặng, canh cánh bên lòng.

        Cũng theo điều khoản ký kết trong Hiệp định Giơ-ne- vơ, toàn bộ lực lượng vũ trang của ta phải tập kết ra miền Bắc trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày ký kết. Đấy là một sự xáo trộn lớn, nhất là về mặt tư tưởng, tình cảm của các chiến sĩ. Đơn vị đã tham chiến trên khắp các chiến trường Liên khu 5 với những chiến thắng vang dội, ròn rã, thắng “như chẻ tre”, giờ đây phải ngưng chiến, rồi lại phải xa rời mảnh đất Quê hương, xa những người thương yêu ruột thịt, xa đồng bào từng chở che, nuôi nấng mình suốt thời gian dài... Có điều gì đó như hụt hẫng, day dứt... Nhiều người không cầm được nước mắt. Gọi là tạm xa trong vòng 2 năm thôi. Nhưng 2 năm là tận hơn 700 ngày - lâu lắm, đằng đẵng lắm chứ. Mà rồi ai biết được những gì sẽ xảy ra trong vòng hơn 700 ngày ấy! Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà không tìm được câu trả lời.

        Về sau, tất cả anh em được sinh hoạt chính trị, được học tập, giải thích, được nghe lời kêu gọi của Bác Hồ gửi đồng bào miền Nam với nội dung: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào  cả nước nhất định sẽ được giải phóng! Tôi tin chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt”... thì anh em mới thông suốt trong tư tưởng và đi tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân thông suốt đường lối, chủ trương của Đảng và của Nhà nước.

        Rồi Tiểu đoàn hành quân ra Bình Định, về Mỹ Tài - Phú Mỹ chia tay bà con ở nơi đây - nơi Tiểu đoàn từng đóng quân, nơi thắm đậm tình quân dân cá nước. Sau đó Tiểu đoàn tiếp tục hành quân về Phù Cát, chuẩn bị tập luyện để tham gia diễu binh, diễu hành, biểu dương sức mạnh đoàn kết quân dân, chào mừng ngày Quốc khánh 2-9.

        Nằm trong đội hình của Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 365 có niệm vụ ở lại khu tập kết 300 ngày ờ Liên khu 5 để đảm bảo cho nhân dân và các lực lượng vũ trang lần lượt xuống tàu đi tập kết. Trong thời gian ở lại khu tập kết, Tiểu đoàn phải giúp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chống lại mọi luận điệu phản động của địch nói xấu cánh mạng, xuyên tạc Hiệp định Giơ-ne-vơ, chia rẽ mối đoàn kết quân dân...

        Sau lễ diễu binh ngày 2 - 9, Tiểu đoàn hành quân ra Quảng Ngãi, dừng chân ở Tam Quan Bắc một thời gian. Anh Hồng Nhị được phép vê thăm nhà. Thật không còn gì vui sướng bằng! Vậy là anh đã thực hiện đúng lời hứa với Cha Mẹ, với các anh chị trước lúc lên đường đi chiến dịch: “Con sẽ về thăm Cha Mẹ và các anh chị sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2016, 02:41:56 pm »

        Anh về tới nhà khi bóng chiều đã đổ, màn đêm nhẹ nhàng, lặng lẽ che phủ khắp xóm thôn. Gặp lại Cha Mẹ, gặp lại các anh các chị... bóng đêm bỗng như xua tan, trời như bừng sáng, cả nhà quây quần bên anh, sờ tay, nắn chân anh - người con, người em bằng xương bằng thịt đây rồi, không còn là trong mơ nữa, chính xác là anh đã trở về sau chiến dịch, sau bao nhiêu khói lửa đạn bom... thật rồi. Biết bao nhiêu hòn tên mũi đạn đã né tránh cho con, cho em mình để cho còn được nguyên vẹn trở về đây. Nhờ ơn Trời Phật, nhờ phúc ấm của Tổ tiên! Mẹ thắp nén nhang lên bàn thờ lầm ram khấn vái và cả nhà ngồi quay quần quanh bên anh nghe anh kể chuyện tham gia chiến dịch, đánh đấm như thê nào, nhất là nghe anh kể chuyện nhớ nhà nhớ Quê, nhớ tiếng pháo đầu Xuân năm mới ra làm sao. Rồi anh nói vê Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh nói anh sẽ phải tập kết ra miền Bắc, phải xa Cha Mẹ, xa gia đình, xa tất cả những người thân yêu ruột thịt và động viên lại những người phải ở lại trong thời gian anh đi tập kết. Thời gian xa cách cũng chỉ hai năm mà thôi. Có đáng là bao đâu! Sau hai năm, khi thực hiện Tổng tuyển cử, khi đất nước thống nhất, anh lại về!

        Cả nhà nín lặng. Rồi Cha cất tiếng:

        - Con ra ngoài Bắc, cố gắng công tác cho tốt để được gặp Bác Hồ. Khi nào con gặp Bác, con nhớ chuyển lời của

        Cha cầu chúc cho Bác luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu để đến ngày thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam được đón Bác vào thăm.

        - Cha ơi! Con sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để được gặp Bác, để gửi lời của Cha tới thăm Bác, Cha à! - anh hứa với Cha anh như vậy.

        Và đúng hơn 10 năm sau, vào năm 1966, anh đã thực hiện được lời. hứa với Cha anh, đã được gặp Bác Hồ sau khi anh bắn rơi máy bay của Mỹ, anh đã thưa với Bác lời nhắn nhủ của Cha anh đối với anh. Bác Hồ - vị lãnh tụ tối cao, kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, nhưng rất bình dị, lắng nghe và rất nhớ lời thưa của anh và quan tâm tới anh - người con của miền Nam tập kết cho tới mãi sau này.

        Tôi được biết, không chỉ Bác Hồ, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rất quan tâm đến những người con của miền Nam ruột thịt. Tận sau này, khi Đại tướng yếu mệt, đoàn phi công tiêm kích - Anh hùng lực lượng vũ trang do anh Lưu Huy Chao dẫn đầu đến thăm sức khỏe của Đại tướng, tôi có may mắn được đi theo, sau khi giới thiệu từng thành phần trong đoàn, Đại tướng có hỏi: “Vậy các phi công Anh hùng của miền Nam hôm nay ở đâu?”. Đúng thật! Hôm ấy vắng các anh: Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Bảy, Lê Hải, Nguyễn Văn Nghĩa và mấy anh khác nữa... thật! Thế mới biết, các vị lãnh tụ, các lãnh đạo nhà nước nhớ về miền Nam, quan tâm đến miền Nam tới mức nào.

        Sau mấy ngày về thăm nhà, anh Hồng Nhị trở về đơn vị, tiếp tục hành quân ra Quảng Ngãi, đóng quân ở Thi Phổ - Mộ Đức để bảo vệ khu tập kết 300 ngày. Những ngày đóng quân ở Thi Phổ là những ngày thật thanh bình và cũng là những ngày thật gian nan. Thanh bình bởi vì không còn tiếng súng, tiếng đạn, nhưng gian nan bởi vì bà con nơi đây biết bao năm đã phải sống dưới sự đàn áp, bóc lột dã man của kẻ thù, đến nay mới được tự do, sao một lần nữa lại phải trở lại sống trong cảnh kìm kẹp của kẻ thù?

        Liệu sau hai năm, tình hình có sáng sủa hơn không? Kẻ địch có chấp hành theo đúng thời hạn của Hiệp định hay không? Đấy là những câu hỏi rất khó trả lời cho chính xác. Các anh em trong Tiểu đoàn phải đứng ra giải đáp thắc mắc của bà con, tuyên truyền vận động bà con để bà con thực hiện đúng đường lối đấu tranh của Đảng.

        Ngày 15 tháng 5 năm 1955 là ngày cuối cùng chấm dứt với khu tập kết 300 ngày. Tiểu đoàn 365 - “Tiểu đoàn lá mít” anh hùng là đơn vị làm nhiệm vụ đến phút cuối cùng xuống tàu.

        Ngày hôm ấy là ngày cả thành phố Quy Nhơn - Bình Định sống trong không khí náo nhiệt. Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời. Trên khắp các đường phố, trên khắp các mái nhà đều cờ là cờ... Cờ trên tay các cụ, các mẹ, các em... Tất cả vẫy để tiễn đưa bộ đội đằng mình xuống tàu. Ai nấy đêu xòe, giơ hai ngón tay chỏ và giữa lên thành hình chữ V (biểu tượng của Vich-to-ria - chiến thắng và cũng là biểu trưng của thời gian xa cách chỉ hai năm mà thôi) “Những bàn tay vẫy những bàn tay”... vẫy đấy mà nước mắt lưng tròng, nước mắt chảy dài trên các gò má! Hẹn 2 năm! Hẹn 2 năm! Những đọt dừa quê Bình Định tựa như những ngọn bút, những ngọn giáo chĩa thẳng lên ừời cũng như thầm thì: “Hẹn hai năm!”... Ai đã từng chứng kiến cuộc chia tay lịch sử ấy trong đời hẳn mãi mãi không bao giờ quên. Nó như một dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm. Nó như một lời thề “dao chém đá”. Nó như một lời thề sắt son vĩnh viễn không bao giờ phai mờ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2016, 04:41:49 pm »

        Anh Hồng Nhị đâu có ngờ lần ấy là lần cuối cùng anh còn được gặp mặt đông đủ gia đình và đặc biệt là Cha Mẹ, anh Tuần và chú em út Nhơn.

        Sau khi các lực lượng vũ trang của ta tập kết ra Bắc, địch tráo trở, lật lọng, không chấp hành những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Mỹ đưa quân vào miền Nam. Bọn ngụy quân ngụy quyền quay ra đàn áp, khủng bố, trả thù những người theo kháng chiến. Gia đình anh chịu những tổn thất đau thương thật lớn lao. Chúng biết anh tập kết ra Bắc, biết anh được đưa sang Xô cộng (Liên-xô), chỉ có điều chúng không biết được là anh được đưa sang đó làm gì mà thôi. Cả nhà anh đều tham gia hoạt động cách mạng nên luôn có tên trong “sổ đen” của bọn chúng. Vào năm 1967, khi chúng ập đến nhà, anh Ba (anh Nguyễn Văn Tuần) xuống hầm bí mật được đào trong nhà để ẩn nấp. Chúng thả lựu đạn cay xuống, kêu gọi anh đầu hàng. Anh không lên, chịu chết ngạt dưới hầm. Sau này, anh được chôn ngay trong vườn nhà.

        Tiếp đến là năm 1968, Mẹ anh - bà Trần Thị Chi khi canh gác cho cuộc họp của cán bộ, thấy địch càn vào làng, bà đã lừa địch, chạy đánh lạc hướng, giải thoát cho các cán bộ đang họp rút lui an toàn. Bọn địch bắt được bà, tra tấn dã man. Chúng trói chặt chân tay bà, thả dìm xuống giếng ngay trước sân nhà, rồi lại lôi lên tra tấn tiếp, bắt bà khai nơi ẩn nấp của cán bộ. Bà không hé răng nửa lời. Chúng lại tiếp tục dìm bà xuống giếng rồi lại lôi lên tra khảo. Biết rằng không thể khuất phục được bà, chúng vứt luôn bà xuống giếng. Người Mẹ miền Nam đã tỏ rõ lòng kiên trung với cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của bà là tấm gương cho phong trào cách mạng của quê anh ừong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

        Anh nhận được tin nhà - những tin dữ như vậy - anh lặng người đi. Thôi, vĩnh viễn anh không bao giờ còn được gặp Mẹ, không bao giờ còn được gặp lại anh Ba nữa! Tổn thất lớn lao quá! Thương đau chất nặng quá! vẫn biết rằng tham gia cách mạng, kháng chiến là phải chịu hy sinh, mất mát nhưng không ngờ được những mất mát, tổn thất lớn lao như thế này lại liên tiếp giáng xuống đầu anh, gia đình anh.

        Anh không về viếng Mẹ, viếng anh được. Nỗi đau canh cánh bên lòng, chất nặng theo năm tháng. Sau này anh viết bài “Viếng Mẹ” với những lời bằng máu và nước mắt, như xé ruột xé gan. Tôi đọc bài của anh mà nước mắt cũng giàn giụa, không sao cằm nổi.

                                        “Con ra đi, hẹn hai năm trở lại
                                        Chân không dừng sao chẳng tới Hoài Nhơn
                                        Khắp mọi nẻo đường thấp cao dịu vợi
                                        Một niềm tin, sóng gió mãi không sờn...
                                        Tiễn con Mẹ xuống Bồng Sơn
                                        “Lụa vàng chữ ký”, đẫm sương năm nào (!)
                                        Mũ con vẫn giữ muôn màu
                                        Chộp chờn lấp lánh cánh sao đầu ghềnh
                                        Cầu như võng mắc im lìm
                                        Võng không đưa đẩy (con) cứ tìm tiếng ru
                                        Sững sờ ngọn núi “Vọng Phu”
                                        Đợi chồng xưa (đã) mỏi, bây giờ (Mẹ) chờ con
                                        Con đi sau trước vuông tròn
                                        Mang dòng sữa Mẹ lớn khôn từng ngày
                                        Mẹ rằng: Đời lắm chông gai
                                        Con nghe nhói tận đường bay lưng trời
                                        Mắt con nhằm địch không rời
                                        Vút trên đầu giặc, đẩy lùi bóng đen
                                        Ngày nắng ấm, trăng đêm lại sáng
                                        Chắc Mẹ đang bên võng trước sân
                                        Con đường cát trắng bâng khuâng
                                        Tìm theo lối cũ sạch trơn bóng thù
                                        Mong sao con được tạ từ
                                        Công ơn dưỡng dục nên người thành thân
                                        Mong sao con Mẹ được gần
                                        Bảy ngàn ngày mới một lần gặp nhau
                                        Nào ngờ đáy giếng thù  sâu
                                        Giêng sâu đã lấp  Mẹ  (tôi) đâu, (hỡi) đất dầy?
                                        Con quỳ viếng mộ chiều nay
                                        Nén hương con thắp, khói bay chết lòng
                                        Con đi vì nợ núi sông
                                        Con về lỡ muộnt Mẹ không kịp mừng
                                        Đêm nay nằm ở Gia Lâm
                                        Bỗng đâu bóng mẹ xa xăm đến gần
                                        Mẹ ôm con trọn vào lòng
                                        Giật mình, con gọi “Mẹ”. Vừng Hồng vừa lên!”


        Công lao sinh thành, dưỡng dục của Cha Mẹ thật lớn như Trời như Biển. "Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ta làm bao nhiêu cũng không thể trả nổi công ơn ấy Anh chưa được chăm Cha Mẹ ngày nào nên nỗi đau càng tăng thêm gấp bội phần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2016, 04:46:23 pm »


        Có một nhà thơ đau cùng nỗi đau của anh đã viết tặng cho anh bài “Thương Mẹ”.

                                        “2 giờ rồi con không ngủ được
                                        Người Mẹ già nua chịu tra khảo đòn roi
                                        Thân xơ xác, mắt mỏi mòn trông đợi
                                        Quyết không khai, chúng giết mất Mẹ rồi
                                        Chưa hả dạ, lũ sói lang thả Mẹ
                                        Nơi giếng sâu, đâu có đất Mẹ nằm
                                        Chồng của Mẹ bao năm không trỏ lại
                                        Con Mẹ thì: Nợ nước chưa xong
                                        Tang của Mẹ ai người mang khăn trở
                                        Ai là người thắp cho Mẹ nén những...?
                                        Bao câu hỏi ngổn ngang con không sao lý giải
                                        Chỉ biết rằng con đau lắm Mẹ ơi
                                        Đau như thẻ Mẹ đẻ con Mẹ ạ
                                        Thắt ruột gan con, cái chết quá đau lòng...!
                                        Cuộc sống giờ đây được sáng trong
                                        Ai biết được lòng anh, người con trai của Mẹ
                                        Đã phải chịu bao đắng cay và mất mát
                                        Chẳng có gì bù đắp được cho anh
                                        Bầu trời giờ đây mãi mãi một màu xcmh
                                        Chỉ có anh...
                                        Không bao giờ còn gặp Mẹ!”


        Rồi em út của anh - em Nguyễn Văn Nhơn cũng bị địch sát hại. Chúng tạo ra vụ tai nạn giao thông giả, thực chất là đẩy anh trên xe ô-tô xuống vì chúng nghi anh trà trộn vào đội ngũ của chúng để thu thập tình hình. Hết anh đến Mẹ rồi đến em bị bọn địch sát hại như vậy, còn nỗi đau nào hơn, còn sự căm thù nào hơn đối với bọn giặc dã man kia. Không thể đội trời chung với bọn chúng được. “Căm hờn lại giục căm hờn. Máu kêu trả máu, đâu van trả đầu”. Thù này phải trả!

        Mẹ anh được truy tặng liệt sĩ. Cha anh trong thời kỳ Mỹ và quân chư hầu Pắc Chung Hy chiếm đóng Bình Định, bọn chúng đã bắt cha anh về giam ở Quy Nhơn, mặc dù lúc này ông rất yếu, không ăn uống gì được. Ngày đêm ông chỉ mong ngóng con trai về! Tháng 2 năm 1972, ông qua đời.

        Trở lại những ngày tập kết. Các anh lên tàu, quay hướng ra Bắc. Tàu kéo một hồi còi dài, tạm biệt cảng Quy Nhơn.

        Trên tàu, các anh nhận được lệnh vứt bỏ một số loại vũ khí xuống biển để cho tàu nhẹ nhõm và bảo đảm an toàn.

        Cảng Quy Nhơn xa dần, xa dần, mờ chìm trong sương đêm. Tất cả mọi người trên tàu đều có chung một tâm trạng lưu luyến, nhớ nhung. Thế là phải xa Quê thật rồi...! Những gì trước kia còn vẩn vơ, mung lung thì nay đã là hiển nhiên... Con tàu nhằm thẳng hướng sao Bắc Đẩu, rẽ sóng lao đi... Nước mắt chảy dài trên gò má của mọi người...

        Sáng ngày 18 tháng 5 năm 1955 - tàu cập bến Sầm Sơn - Thanh Hóa.

        Các tầng lớp nhân dân Sầm Sơn - Thanh Hóa đủ mọi lứa tuổi cầm cờ, hoa đón tiếp những người con của miền

        Nam thành đồng. Khẩu hiệu, biểu ngữ, cờ, hoa... rợp trời, rợp cảng Sầm Sơn. Nhân dân miền Bắc đón tiếp các anh như đón tiếp những người con, người thân yêu, ruột thịt của mình vừa đi xa về làm cho các anh cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ Quê.

        Ngày hôm sau là ngày đơn vị tổ chức lễ trọng thể kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ. Tại buổi lễ long trọng này, mọi người trong đơn vị đồng tâm nhất trí hứa với Bác rằng: “Chúng cháu sẽ yên tâm công tác ở miền Bắc, ra sức xây dựng quân đội, làm hậu thuẫn cho đồng bào miền Nam đấu tranh...”.

        Rời Sầm Sơn, đơn vị các anh hành quân về Tĩnh Gia, vào ở chung với các nhà dân, làm công tác dân vận, giúp dân tăng gia sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt... Trâu bò thiếu, những anh em khỏe xung phong đi kéo cày để những người khác yếu hơn cầm cày...

        Tình cảm quân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân rất quý, rất thương bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2016, 04:48:48 pm »

        Từ năm 1956, quân đội ta đã có những bước thay đổi về tổ chức, đặc biệt là trang thiết bị. Đơn vị anh được trang bị các loại súng AK, CKC do Liên-xô sản xuất thay vào các loại vũ khí chiến lợi phẩm. Các loại súng mới được trang bị đường đạn đi rất căng, bắn rất chính xác. Trong phong tráo thi đua bắn giỏi, anh Hồng Nhị đã đoạt giải nhất khi bắn bia “lỗ châu mai” bằng súng AK Tổng số 15 viên đạn, bắn 3 loạt thì 14 viên trúng bia. Anh em trong đơn vị sáng tác kịp thời bài hát “Nguyễn Hồng Nhị bắn rất hay” để động viên phong trào thi đua. Tôi có hỏi anh:

        - Anh còn nhớ bài hát “Nguyễn Hồng Nhị bắn rất hay” không?

        - Lâu rồi không nhớ được cả bài nữa. Đấy là ở đợt thi đua bắn giỏi, anh em nó sáng tác kịp thời với các gương tiêu biểu trong phong trào thi đua để động viên tức thì mà. Chỉ còn nhớ mỗi câu là “Nguyễn Hồng Nhị bắn rất hay” thôi! - anh cười, trả lời.

        Ngoài việc thay đổi trang bị vũ khí, đơn vị còn được trang bị theo kiểu chính quy: từ quần áo, mũ, giày, chăn màn... đến tận cái bát ăn cơm, khăn rửa mặt. Tất cả đều thống nhất tăm tắp. Đội ngũ chỉnh tề, mọi thứ đều thống nhất nên trông đẹp mắt lắm, oai vệ lắm. Bộ đội cũng đã được thay đổi chế độ ăn ngày từ hai bữa thành ba bữa.

        Địa hình ở Thanh Hóa rất thuận lợi cho việc huấn luyện với các khoa mục chiến đấu tấn công, phòng ngự, phản công, vượt sông hồ, đầm lầy v. v.. nhưng thời tiết thì rất khắc nghiệt Nóng thì rất nóng, nhất là khi có gió Lào về. Gió thốc từng cơn nóng tựa như thổi lửa vào mặt. Trong nhà, ngoài trời... đều nóng gần như nhau. Ngột ngạt, nghẹt thở.... Mồ hôi lúc nào cũng ướt đằm đìa, nhễ nhại như tắm.

        Rét thì cũng lại rất rét. Cái lạnh buốt thấu đến tận xương, ở ngoài trời cũng rét, ở trong nhà cũng rét, nhất là khi có gió mùa về. Tường nhà khi ấy chẳng qua chỉ là những phên nứa, liếp nứa nên gió) lùa qua ù ù, tiếng rít lạnh buốt, nghe tiếng gió rít đã thấy sởn gai ốc lên rồi, rồi chân tay còn nứt nẻ nữa, khi nhúng vào nước lạnh thì đau buốt đến tận óc.

        Gian khổ, khó khăn như vậy nhưng đơn vị không hề nao núng. Các anh đã qua mùa huấn luyện, được cấp trên xuống kiểm tra đánh giá đạt kết quả giỏi toàn đơn vị.

        Thấm thoắt 2 năm đã trôi qua,, nhưng không hề thấy Hiệp thương giữa hai miên theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bè lũ Ngô Đình Diệm cự tuyệt Hiệp thương Tổng tuyển cử. Được sự hỗ trợ của quan thày Mỹ, cỉhũng hò hét “Lấp sông Bến Hải! Bắc tiến!”. Chúng kéo máy chém đi khắp nơi tàn sát những người chúng cho là “Việt cộng” hoặc thân với “Việt cộng”. Miền Nam ngập tràm trong bể máu. Đau thương! Sôi sục căm thù! Các anh mong muốn có ngày được trở về Nam chiến đấu để giải phóng miền Nam.

        Anh nhớ lại lời nói của Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 - đồng chí Nguyễn Chánh đã nói với các anh trước khi xuống tàu lên đường tập kết ra Bắc:

        - Chúng ta nhất định sẽ trở về miền Nam bằng con đường trương cờ hòa bình lên để về, hoặc đạp lên xác quân thù mà về!...

        Sau 2 năm sống trên đất Bắc, các anh đã thấy rằng: đứng, con đường trở về miền Nam ruột thịt là phải đạp lên xác thù mà về! Lời của Chính ủy Nguyễn Chánh là lời tiên đoán. Và thực sự đúng như vậy!

        Đơn vị các anh lại hành quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An để tham gia diễn tập khoa mục “Sư đoàn tác chiến trong quân binh chủng hợp thành”. Trong thời gian này ủy ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ gồm có thành phần đại diện của các nước Ân Độ, Ca-na-đa, Ba Lan... đóng ở thành phố Vinh thường xuyên đi kiểm tra, soi mói xem ta có trang bị vũ khí mới cho quân đội không. Những việc làm của họ đã gây không ít khó khăn cho chúng ta.

        Sau khi kết thúc diễn tập, tổng kết xong cũng là lúc bước sang năm mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2016, 08:33:08 am »

        Sang năm 1960, đơn vị có chủ trương xây dựng doanh trại chính quy, không ở sơ tán trong nhà dân nữa.

        Hành quân về Đô Lương, các anh tổ chức đi khai thác gỗ, làm gạch, ngói để xây dựng doanh trại.

        Bộ phận có nhiệm vụ khai thác gỗ là bộ phận nặng nhọc nhất và hiểm nguy nhất. Bởi phải vào tận trong rừng sâu chặt gỗ, phải tìm cách đưa, chuyển gỗ về doanh trại bằng các tuyến đường... Phải xuyên qua rừng, vượt qua thác ghềnh. Muốn đưa được gỗ ra sông Lam phải làm đường xuyên rừng, dùng voi kéo gỗ ra. Dòng sông Lam trông hiền hòa như vậy nhưng ở đầu nguồn nó có biết bao thác ghềnh hung dữ. Giai đoạn đầu, các anh chưa biết cách vượt thác, vượt ghềnh, cũng chưa biết, chưa thuộc vị trí các ghềnh thác nên một số bè đã bị vỡ. về sau, nhờ một số người dân sở tại giỏi nghề sông nước lại thuộc hết vi trí của mọi thác ghềnh đi cùng thì mọi chuyện mới suôn sẻ.

        Anh Hồng Nhị nằm trong tổ khai thác gỗ. Sau này nghĩ lại, anh vẫn giật mình vì mấy lần gặp may mắn thoát chết trong quá trình khai thác gỗ. Anh nói:

        - Có lẽ đấy là số may Trời cho và các đồng đội phù hộ thì mới được như vậy!

        Lần đi chặt gỗ là một ví dụ: khi chặt gỗ có hai tốp: tốp ở phia trên và tốp ở phía dưới. Tốp ở trên sau khi đốn cây xong, phải chặt thành từng đoạn, đẽo túm đầu gỗ của từng đoạn gỗ rồi báo cho tốp ở dưới biết, sau đó mới lao gỗ xuống. Nhưng lần ấy, khi chưa kịp đẽo túm đầu gỗ thì cả đoạn gỗ to tướng đã lạo thẳng xuống dưới. Không ai kịp hô hoán gì. Anh Nhị thuộc tốp đứng dưới, đoạn gỗ lao vùn vụt đúng chỗ anh đứng. Chẳng có cách gì để né tránh, nhưng may sao gần đến chỗ anh thì đoạn gỗ vấp vào tảng đá, cả đoạn gỗ nẩy lên cao, bay vù qua đầu anh. Ai cũng nghĩ chắc là anh “xong” rồi. Vậy mà lại thoát chết. Lại lần đi bè: vì chưa ai biết vị trí cụ thể của thác nên cứ thế lên bè là điềm nhiên cho xuôi dòng thôi. Nào ngờ tới gần thác, bè trôi như bay. Chắc mẩm phen này mọi người hết đường sống. Thế nhưng bè lại vấp vào tảng đá ngầm, hất tung anh Nhị lên ven bờ. Anh lại thoát chết lần nữa. Cho nên anh mới phát biểu như vậy. Tôi thì nói rằng: “Anh “cao số” thật đấy!”.

        Sau 3 tháng khai thác, số gỗ đã đủ để xây dựng doanh trại. Xưởng cưa hoạt động liên tục suốt ngày đêm, xẻ gỗ để cung cấp cho toàn đơn vị của Sư đoàn làm nhà.

        Vùng đồi trọc của khu vực Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành .. mới ngày nào còn trơ trọi dưới cái nắng chang chang của Khu Bốn, không bóng người qua lại, thoắt cái, bao nhiêu dãy nhà ngói mọc lên đứng chen sát bên nhau. Nắng chiếu xuống các mái ngói hắt lên những quầng sáng đỏ hồng, sáng rực cả khu vực. Đêm về, điện sáng lung linh... như những ngôi sao sa xuống vùng đồi núi này, tạo nên khung cảnh hệt như trong những bức tranh rực rỡ muôn màu.

        Nhân dân địa phương nô nức đến tham quan, thăm nhà ở, rồi thăm các vườn rau của bộ đội trồng, trầm trồ khen ngợi tài năng của bộ đội ta, và tổ chức học tập làm theo tấm gương của bộ đội.

        - Bộ đội đã biến đồi sỏi đá thành nhà ngói, thành được vườn rau, ao cá... Bầy tui cũng phải học theo gương của bộ đội, phải làm như bộ đội thôi!

        Buổi liên hoan chia tay nhân dân ra ở doanh trại thật là cảm động. Một thời gian dài ở nhà dân, gắn bó với nhân dân, từ lúc còn ngỡ ngàng với những phong tục khác nhau của từng miền quê, tới lúc hòa nhập như người của địa phương, từ lúc chia sẻ cho nhau từng cái kim, sợi chỉ, bát nước chè xanh đến lúc tăng gia sản xuất làm ra lúa ngô, khoai sắn... Quân đội nhân dân! Đúng là quân đội của dân, từ nhân dân mà ra! Tinh đoàn kết gắn bó keo sơn! Vì dân mà chiến đấu! Vì dân mà hy sinh!

        Những câu hát trong đêm liên hoan vang lên sao mà thiết tha: “... Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi. Xóm làng tôi còn nhớ mãi. Các anh đi biết bao giờ trở lại? Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong!”... Tình cảm quân dân thật thắm thiết, thật nghĩa tình làm sao!..

        Anh lại chuyển biên chế về Đại đội trinh sát đặc công của Sư đoàn. Đơn vị anh chuyển đến có nhiệm vụ chuẩn bị “đi B” (vào miền Nam chiến đấu, chiến trường miền Nam được gọi là chiến trường B; chiến trường Lào được gọi là chiến trường C).

        “Đi B”! - hai tiếng ngắn ngủi thế thôi sao mà thiêng liêng, sao mà có sức hút lạ kỳ, nhất là đối với những người con của miền Nam tập kết ra Bắc. “Đi B” tức là được trở lại quê hương, chiến đấu để giải phóng quê hương, để giải cứu đồng bào mình trong đó, cứu những người thân yêu của mình khỏi cảnh rên xiết lầm than, khỏi xiềng xích, khỏi nhà tù, máy chém... của bè lũ Mỹ Ngụy. “Đi B” - đấy là trách nhiệm nặng nề, cao cả mà bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành bằng được, hoàn thành xuất sắc nhất! “Đi B” - hai từ như hai hồi chuông reo làm náo nức bao tấm lòng, như hai hồi kèn thúc dục làm nhộn nhịp bao con tim đầy nhiệt huyết! Đồng bào miền Nam ơi! Chúng tôi - những đứa con xa nhà nay đã có dịp trở về góp phần giải phóng quê hương dù cho phải đổ máu xương, phải hy sinh cả bản thân mình, chúng tôi cũng sẵn sàng!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM