Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:09:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thanh kiếm bầu trời  (Đọc 29814 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 03:37:37 pm »

    
        - Tên sách: Thanh kiếm bầu trời
        - Tác giả: Nguyễn Công Huy
        - Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn học
        - Số hóa: Giangtvx

        - Thông tin thêm: Là  một đồng đội của Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Công Huy kể lại những năm tháng của người anh hùng trong cuộc đọ sức với không lực Mỹ .

        Nguyễn Công Huy cũng là thành viên trong diễn đàn, có nickname là Phicôngtiêmkích. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong các topic mà ông thành lập và chủ trì. Có thể trao đổi trực tiếp với tác giả ở: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=29092.0

        MỤC LỤC

        Lời nói đầu

        Miền quê nơi sinh ra người anh hùng   
        Tuổi ấu thơ   
        Bước vào chặng đường chiến đấu   
        Trở thành người lính canh trời   
        Những trận không chiến và những kỷ niệm không thể nào quên   
        Bước ngoặt mới. Chiến trường mới. Thành công mới   
        Đường băng dịu êm   

        Thay cho lời kết   




Phi công tiêm kích - Anh hùng lực lượng vũ trang Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Sáu, 2020, 03:49:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 09:19:26 pm »

         
LỜI NÓI ĐẨU

        Quân chủng Phòng Không - Không Quân - một Quân chủng không thể thiếu được trong hệ  thống Quân Binh chủng hợp thành: Hải - Lục - Không quân - một Quân chủng còn non trẻ nhưng đã biết kế thừa và phát huy, phát triển đến trình độ cao những tinh hoa quân sự truyền thống của cha ông. Đảng, Nhà nước, Bác Hồ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dàn Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng non trẻ này. Các tầng lớp nhân dân củng đã giành hết sự yêu thương của mình để giúp cho Quân chủng ngày càng trường thành, lớn mạnh.

        Và đội ngũ phi công - được ví như thành phần làm nên tiếng sét giữa trời của đám mây tích điện là lực lượng Phòng Không - Không Quân đã lập nên những kỳ tích, chiến tích phi thường. Họ xuất thân từ những người “chân  lấm tay bùn”, từ những người lính bộ binh, từ công nhân, học sinh, sinh viên... là những người rất bình thường của xã hội, nhưng đã tham gia mở “mặt trận trên không”, đã chiến đấu, đã là những “hiệp sĩ trên không”, bảo vệ cho bầu trời mãi thanh bình và mặt đất yên lành, đã làm được những điều không bình thường.

        Nói đến thành tích của các phi công của Quân chủng Phòng Không - Không Quân, không ai là không biết đến phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Cốc - người đã bắn rơi 9 máy bay của lực lượng Không quân Mỹ khi chúng mở cuộc chiến tranh đánh phá miến Bắc Việt Nam với ý đồ đưa đất nước Việt Nam chuyển về “thời kỳ đồ đá”. Nguyễn Văn Cốc đã từng được gặp Bác Hồ kính yêu và câu nói của Bác còn lưu truyền mãi cho tất cả các thế hệ phi công: “Bác mong Quân chủng Phòng Không - Không Quân có nhiều Cốc hơn nữa!”...

        Sau thành tích của phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 máy bay Mỹ là đến các anh Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Mai Văn Cương - đều bắn hạ 8 máy bay Mỹ. Tiếp đó là đến các anh Nguyễn Văn Bảy, Đặng Ngọc Ngự - bắn hạ 7 chiếc. Các anh Lưu Huy Chao, Lê Hải, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát - bắn hạ 6 chiếc. Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Văn Nghĩa... bắn hạ 5 chiếc và còn nhiều các phi công khác bắn hạ 4 chiếc, 3 chiếc, 2 chiếc...

        Riêng phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Hồng Nhị còn có một chi tiết khá thú vị là khi anh chuyền sang đơn vị làm kinh tế (sau này là Hàng không dân dụng) có lần khi sang Mỹ hội đàm về việc phát triển, mở rộng những đường bay của Hàng không dân dụng thì đã gặp một nhân vật từng tham dự cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người cựu phi công Mỹ từng một thời là đối thủ của người Anh hùng đã “thú nhộn” từng bị anh bắn nhưng không rơi vì lí do nào đó mà quả tên lửa giắt vào máy bay của người phi công Mỹ, nhưng không nổ. Cựu phi công Mỹ ấy phải thốt lên: “ông bắn rơi 8 máy bay rưỡi chứ không phải là 8 chiếc đâu. Cái máy bay “rưỡi” kia chính là số phận giành sự may mắn cho tôi. Nếu không, chắc tôi củng đã chịu chưng số phận của 8 chiến hữu của tôi rồi!”.

        Từng giữ chức vụ cao trong Quân chủng Phòng Không - Không Quân và rồi lại giữ chức vụ đứng đầu ngành Hàng không dân dụng từ năm 1988 - sự chuyển đổi cuộc đời binh nghiệp sang cuộc đời làm doanh nghiệp với biết bao thứ thách đầy gian khó, quyết liệt. Thương trường là chiến trường! Nhưng với bản lĩnh của người Anh hùng, người phi công từng xông pha trận mạc, anh đã vượt qua mọi sức cản của tư tưởng bao cấp trì trệ, tạo được những bước quyết định trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ỏ lĩnh vực chiến trường mới, đưa ngành Hàng không dân dụng có những bước tiến dài cả vê kinh doanh lẫn thanh thế trong làng Hàng không Quốc tế.

        Là một người rất kiệm lời trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại là người có tâm hồn phóng khoáng đượm chất nghệ sĩ, nhân hậu, vị tha... chỉ những người từng sống với anh, hiểu hết anh mới thực sự quý mến anh. Điều đó ngày càng đúng khi anh không còn đảm nhận một cương vị lãnh đạo nào nữa, trở về với đời thường, trở thành “thường dân” thì mọi người từng biết anh lại càng quý anh, càng đến với anh nhiều hơn, thường xuyên hơn, kính nể hơn, yêu mến hơn. Không phải ai cũng được như vậy.

        Tác giả muốn chia sẻ với các bạn đọc về một trong những người phi công Anh hùng như vậy để các bạn đọc hiểu thêm về đội ngủ những người một thời từng được mệnh danh, là “Thanh kiếm bầu trời”!

        Tác giả củng biết ơn gia đình anh Nguyễn Hồng Nhị, các bạn hữu và đồng đội đã nhiệt tình cưng cấp cho tác giả các tư liệu và thường xuyên động viên, khích lệ tác giả trong quá hình thực hiện cuốn sách này.

        Cuốn sách có thể còn có nhiều khiếm khuyết. Rất mong được các bạn góp ỷ, phê bình.

        Xin trân trọng cảm ơn!


TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 09:22:50 pm »

       
MIỀN QUÊ NƠI SINH RA NGƯỜI ANH HÙNG

        Tôi gặp và biết anh có lẽ đã hơn 40 năm nay. Lần đầu tiên, tôi gặp anh khi chúng tôi chuẩn bị tốt nghiệp Trường không quân mang tên Sê-rôp ở Crax-nô-đar. Anh được cử sang để bay đề cao và xem chúng tôi “bay bò” thế nào, đánh giá trình độ từng người một để sau này có kế hoạch sắp xếp, bồi dưỡng ra làm sao khi chúng tôi tốt nghiệp về nước.

        Sau khi kết thúc một ngày bay huấn luyện của bọn tôi, anh gặp từng người, trong đó có tôi. Anh hỏi thủng thẳng, ngắn gọn:

        - Bay thế nào?

        - Cũng tạm ổn ạ! - tôi cũng trả lời ngắn gọn vì chưa biết đấy là ai.

        - Có nắm vững tính năng của MiG-21 không?

        - Cũng được ạ! - tôi bắt đầu dè dặt.

        - Nay mai vê chiến đấu có gì lo lắng không?

        - Không ạ!

        Chúng tôi - những học viên bay đã trải qua thời kỳ bay huấn luyện đầu tiên trên máy bay phản lực L-29, sau lại được “tuyển” thẳng lên máy bay MiG-21, đã qua những bài bay ứng dụng cho chiến đấu, đã sống trong không khí náo nức, háo hức muốn về nước để tham chiến, để đem tất cả những gì mình được học áp dụng vào cuộc chiến, đem hết bầu máu nóng của tuổi trẻ giành giật lại sự thanh bình cho bầu trời thì có gì mà phải lo lắng chứ! Tuổi trẻ thì hăng hái, bồng bột như vậy, tất cả đều thấy giản đơn, chỉ nghĩ rằng mình có sự hăng hái là sẽ vượt được hết, không gì ngăn cản được bước chân của mình hết. Sau này, khi về đơn vị chiến đấu rồi, chúng tôi mới thấy hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng thời gian đó chúng tôi còn đang ở bên trường, đang huấn luyện nên suy nghĩ về mọi chuyện đều đơn giản cũng là đúng thôi.

        Mãi cho đến tối, khi đoàn bay của tôi tập trung sinh hoạt, giới thiệu anh là Chủ nhiệm bay kỹ thuật của Trung đoàn, từng tham gia nhiều trận không chiến, bắn rơi nhiều máy bay của lực lượng Không quân Hoa Kỳ, chúng tôi mới thấy “gờm”. A, nay mai mình về nước là phải chịu sự quản lí và được những người như thế này díu dắt đây! Tôi bắt đầu nhìn anh với con mắt khang khác một chút. Cũng chẳng hiểu thế nào, có thể là số phận đã sắp đặt cho tôi cũng nên, khá nhiều năm tôi từng là lính của anh, khi trực tiếp, khi gián tiếp. Càng qua thời gian thì tôi càng hiểu anh, càng quý anh, và tôi cứ tự nhủ, thế nào đi chăng nữa tôi cũng phải đến được quê anh - đến cái miền quê mà “con gái cũng biết cầm roi, đi quyền” ấy, miền quê của vùng đất võ Tây Sơn để hiểu thêm nữa về anh.

        Từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh với lời sấm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân!”, quê anh đã thuộc về đất “Đàng trong”. Đấy cũng là vùng “địa linh, nhân kiệt”. Anh nhớ lại: quê anh ở cực Bắc tỉnh Bình Định, xưa kia gọi là xứ Vũ Sơn, Bình Đê, nay là làng Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Xứ Vũ Sơn từng nổi danh một thời giống như xứ Đồng Nai ở Nam Bộ vậy. Giao thông thủy, bộ rất thuận tiện. Đường thủy có cửa biển Tam Quan. Đường bộ là tuyến đường liên vận Bắc-Nam (đường 1 và tuyến đường sắt). “Núi Chúa”, “Suối Vàng” là những địa danh “địa linh” của xứ Vũ Sơn. Trên đỉnh Núi Chúa có một tảng đá rất to trông tựa như con gà trống đang vỗ cánh, cất tiếng gáy. Tảng đá đó đứng từ xa đã thấy được rồi. Nó được đặt tên là hòn “Gà cồ”. Án ngữ phía Đông xứ Vũ Sơn là một tảng đá to cao nữa được mang tên là hòn “Bò Cạp”. Hai hòn “Gà cồ” và “Bò Cạp” được ví như hai vị Hộ Pháp bảo vệ cho xứ Vũ Sơn linh thiêng vậy. Từ đâu xuất hiện hai hòn “Gà cồ” và “Bò Cạp”, và chúng có tự bao giờ thì không ai biết được, chỉ biết rằng chúng “xưa như Trái Đất” rồi. Dân trong xứ ai cũng tự hào bởi hai công trình kiến trúc nghệ thuật của Tạo Hóa ấy. Đấy chính là các vị Thần bảo vệ sự bình yên cho xứ Vũ Sơn.

        Cánh đồng Trang của quê anh đất màu mỡ, lắm cua nhiều cá... cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho những người dân quê hiền hậu, chất phác.

        Vậy mà đến năm 1966, khi Ngô Đình Diệm rước các quan thày Mỹ cùng quân Mỹ vào miền Nam, chúng đã đặt hàng tấn thuốc nổ cho nổ tung hai hòn “Gà cồ” và “Bò Cạp”, san bằng hai “công trình nghệ thuật của Tạo Hóa”. Chúng lo sợ khi còn hai hòn “Gà cồ” và “Bọ Cạp” thì xứ Vũ Sơn còn là nơi “địa linh”, còn có “nhân kiệt” để nổi dậy chống lại chúng. Những thế hệ sau này không còn được ngắm những tuyệt tác của thiên nhiên nữa. Nó chỉ còn trong tó ức của những người lớn tuổi, những người đã từng được may mắn chiêm ngưỡng nó một thời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 09:25:45 pm »

        Nhưng chính quyền Diệm cũng đã lầm, rất lầm. Đâu chỉ phá đi những “án ngữ” linh thiêng là chúng có thể yên tâm cai trị, bóc lột, hoành hành theo ý bọn chúng. Ý chí của người dân đâu có khuất phục sắt thép, đạn bom của lũ hung tàn, của lũ lòng lang dạ sói. Nơi đây từng là nơi dây quân khởi nghĩa của quân Tây Sơn. Nơi đây là nơi đất võ, nơi có bề dầy truyền thông không hề biết khuất phục sự cai trị... Nơi đây từng sản sinh biết bao người Anh hùng qua biết bao thế hệ. Anh đã viết về quê anh như sau:

                          Có một quê hương bốn mùa dậy sóng
                          Sóng vỗ về bờ cát trắng, sớm trưa
                          Có một quê hương đêm ngày gió lộng
                          Gió bay trong bát ngát hương dừa...
                          Quê tôi Bình Định ngàn xưa
                          Quanh năm hạt nắng, hạt mưa dãi dầu
                          Lại giang khúc cạn, khúc sâu
                          Bên bồi, bên lở biết đâu mà lần
                          Núi và mây lợp mấy tầng
                          Nhỏn cao, nhón thấp thấy gần, đi xa
                          Đẹp sao cánh én la đà
                          Gọi niềm vui tới Đông qua, Xuân về
                          Bông dừa thơm phức bờ tre
                          Đâu đây khúc nhạc đồng quê nên lời
                          Tiếng ru Mẹ cất à ơi...
                          Bay từ cánh võng đụng trời mênh mông
                          Chuông chùa ai gõ cuối sông
                          Nắng vàng ươm cả chuỗi bông lúa vàng...
                          Quê tôi dừa ngọt Tam Quan
                          Mắm ngon Mỹ Á, cá tràm Quy Nhơn
                          Cờ đào áo vải Tây Sơn
                          Nghĩa tình còn đọng xanh rờn nước non
                          Nhớ ngày đuổi giặc từng không
                          Mây đen sôi sục, cõi lòng nấu nung
                          Nghĩ rrành con cháu Quang Trưng
                          Cánh luôn đọ cánh trời không chung trời
                          Hiềm nguy nhớ Mẹ con cười
                          Đường bay mắt Mẹ chẳng rời bóng con
                          Mẹ cho con nhũng chiến công
                          Từ khi còn ẵm còn bồng trên tay
                          Mẹ mơ, Mẹ ước tháng ngày
                          Chắp cho đôi cánh con bay vào đời...
                          Ai về Bình Định quê tôi
                          Mà coi con gái bỏ roi đi quyền
                          Quê tôi Bình Định khí thiêng
                          Thủy chung nghĩa cả, tình riêng vẹn toàn.


        Tôi càng ngày càng hiểu ra vì sao anh lại kiệm lời, lại bình tĩnh, quả cảm, quyết đoán... trong mọi chuyện, mọi tình huống đến như vậy. Bởi anh đã thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của đất võ Bình Định, bởi hào khí của nghĩa quân Tây Sơn và những đức tính cao cả của “anh bộ đội Cụ Hồ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 09:07:49 am »

       
TUỔI ẤU THƠ

        Anh sinh vào năm 1936. Gia đình anh là gia đình đông con, nhưng bị mất mấy “đốt” nên chỉ còn 6 anh em: anh Nguyễn Văn Tuần (anh Ba), chị Nguyễn Thị Phòng (chị Năm), chị Nguyễn Thị Hoa (chị Sáu), anh - Nguyễn Hồng Nhị (anh Bảy), chị Nguyễn Thị Khê (chị Tám) và em út là Nguyễn Văn Nhơn.

        Bố anh là người được ông bà cho ăn học, có bằng cấp và giỏi chữ nho. ông thường viết giúp dân làng những khi cần có đơn kiện tụng. Chính quyền phong kiến muốn lợi dụng ông, vời ông ra làm việc cho bọn chúng, nhưng ông không hợp tác, kiên quyết chối từ. Chính vì vậy, chúng tìm cách để hãm hại ông. Chúng vu cho ông tội khai man, trốn thuế và bắt trói ông dẫn đi đồng thời bắt phạt vạ, mặc cho vợ con ông khóc lóc van xin. Vậy là trong nhà có cái gì có thể bán được, có thể cầm cố được là phải cho “đội nón ra đi” để có đủ tiền nộp vạ, cốt để cho ông được tha. Anh Hồng Nhị còn bé, thương cha lắm, mà không biết làm thế nào, chỉ biết khóc ròng và vô cùng căm giận lũ quan lại phong kiến. Cha của anh thường nói:

        - Các con lớn lên, đời phải khác, đừng lặp lại như đời của Cha, Mẹ - vừa khổ cực, vừa bị người ta ức hiếp...

        Chạy đủ tiền nộp vạ, đưa được ông về rồi nhưng làng vẫn bắt ông phải ra điếm canh, canh gác trong vòng một tháng. Thời đó, làng quê Việt Nam làng nào cũng có điếm canh để canh chừng sự yên tình cho làng quê. Hễ có bất cứ động tình gì là phải khua mõ để báo động cho dân làng biết. Mà đã ra ngoài điếm canh để canh thì đêm không được ngủ, phải thức trắng để theo dõi mọi động tĩnh, để còn báo động, ví như có người lạ lẻn vào làng hoặc có trộm cướp đến chẳng hạn... là phải khua mõ ngay tức thì.

        Vào giai đoạn đó cũng từng có một số tù cộng sản ở nhà tù Kon-tum vượt ngục, theo đường đi Quảng Ngãi để lên chiến khu Ba-Tơ nhập vào đội quân du kích. Các điếm canh được tăng thêm người để canh chừng tù cộng sản vượt ngục.

        Anh Nguyễn Hồng Nhị khi ấy chưa đầy 10 tuổi, nhưng anh đã được giao nhiệm vụ cùng với tất cả các chị làm tất cả mọi việc nhà để giúp cho anh Ba (anh Tuần) được đi học. Anh là con trưởng trong gia đình, ngày anh đi học chữ, đêm về lại dạy lại cho các em những gì mình từng học được trong ngày. Anh Nhị biết chữ cũng là nhờ sự dạy dỗ của anh Tuân.

        Thấy Cha đi làm quần quật suốt ngày, vừa mệt, vừa đói, vừa không được nghỉ ngơi, tối mịt mới về đến nhà, chẳng kịp ăn uống gì, lại phải ra điếm canh thì anh thương Cha lắm. Anh nói với Cha:

        - Cha để cho con ra điếm canh thay cho Cha để Cha ở nhà nghỉ nhé. Con thấy Cha mệt lắm rồi!

        - Con chỉ ra điếm ngủ với các bác thôi, đừng tham gia đánh mõ, con ạ! Cha gật đầu đồng ý và căn dặn anh.

        Anh nghe lời Cha. Có những đêm các người gác ở điếm canh khua mõ ầm ỹ, nhưng anh giả vờ ngủ say. Đấy là những đêm có tù cộng sản vượt ngục tìm đường lên chiến khu.

        Tình hình kinh tê gia đình ngày một khó khăn. Thiên tai, địch họa hoành hành liên tục. Hết hạn hán lại đến lũ lụt. Hết thực dân Pháp lại đến phát xít Nhật đè nén, áp bức, bóc lột. Nghèo đói càng thêm nghèo đói. Quẫn bách đến cùng cực. Không biết tìm đâu ra lối thoát!

        Trong lúc khốn quẫn ấy, Cha anh tính cách bỏ quê đi vào Đồng Nai để làm phu đồn điền cao su với hy vọng may ra kiếm được chút tiền gửi về cho vợ con ở nhà. Vậy là Cha đi biền biệt, không tin tức, tiền ở nhà cũng chẳng nhận được một xu, một cắc nào. Biết bao nhiêu nỗi lo âu ập đến.

“Cao su đi dễ, khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo!”

        Câu ca ấy đã tổng kết về nỗi khổ, nỗi cực nhọc, bị ngược đãi của những người phu đồn điền cao su như vậy. Khi Cha đi, Cha đâu có được béo tốt, khỏe mạnh, mà đã ốm yếu, loẻo khoẻo lắm rồi. Liệu có còn giữ được mạng sống cho mình hay là “thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng” rồi?

        Cả nhà khắc khoải mong chờ từng ngày từng giờ hình bóng của Cha. Rồi ơn Trời! Cha cũng đã về! Cha về với bộ quần áo rách bươm như tổ đỉa...

        Dầu sao thì Cha cũng đã về rồi! Thật mừng mừng, tủi tủi...

        Cha kể:

        - Không thể nào chịu đựng nổi cái cảnh người công nhân cao su bị bóc lột đến tận xương tận tủy, bị đánh đập dã man, bị ức hiếp đủ kiểu, bị ăn quỵt cả tiền công... Bọn chủ đồn điền là bọn thú đội lốt người!

        - Thôi, Cha bọn bay dẫn được xác về đến đây là tui mừng , tui quý hơn bắt được bạc, được vàng rồi! Không phải bỏ lại xác ở gốc cao su là may mắn lắm rồi! - Mẹ nói.

        Mấy anh chị em thương Cha quá. Cha gày yếu đi rất nhiều. Không ai bảo ai, anh chị em đều tích cực đi làm thêm đủ mọi việc, cốt để san sẻ bớt được phần nào khó nhọc, cực khổ cho Cha.

        Bên ngoại anh rất thương gia đình anh, nhưng thực ra ngoại cũng gặp khó khăn chẳng kém, chỉ có thể nuôi giúp được một trong số mấy chị em mà thôi.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Sáu, 2016, 09:15:03 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 09:09:34 am »

        Cha Mẹ anh chọn lựa và gửi anh sang cho ông bà ngoại nuôi và cho anh học thêm nghề mộc. Nghề mộc đúng là cần có đức tính kiên trì, tỉ mỉ, khéo tay. Tôi cũng đã từng đi học nghề mộc nên tôi biết chút ít, cũng đã từng phải đứng, chân đặt lên bàn xẻ đến cứng đờ để xẻ gỗ - kiểu xẻ lao. Việc cưa xẻ phải kéo đều tay, đẩy đều tay, không được chệch vết mực (mà người ta vẫn nói đùa với nhau là không để “chó liếm mực”!), rồi học đục, học bào, đặc biệt cách bào khi đến mắt gỗ lại phải đổi chiều ra làm sao. Rồi còn chuyện mài đục, mài bào, rửa cưa... nhất là mài lưỡi bào làm sao không được mòn tù ở hai cạnh lưỡi bào, mà phải sắc cạo râu được thì mới đạt yêu càu. Khó lắm! Không thể ẩu được! Lại càng không thể “sáng mài cưa, trưa mài đục, chiều giục ăn”... Kiểu ấy mất nghề là cái chắc!

        Nghề mộc bây giờ từ cưa, bào, cắt mộng... tất cả đều có máy hết, nhàn hơn ngày xưa nhiều.

        Anh đã được ông ngoại và các cậu hướng dẫn rất tỉ mỉ, chu đáo. Cũng trong thời gian anh ở bên ngoại, anh đã được tiếp xúc với nhiều người, nhiều thành phần và bước đầu đã tiếp xúc với cách mạng. Anh được nghe nhiều điều mới lạ, thú vị với những cụm từ cũng rất mới lạ như: cách mạng, khởi nghĩa, độc lập, bình đẳng... Các cậu của anh và anh thích nhất từ cách mạng. Cách mạng sẽ được đổi đời, người cày sẽ có ruộng, sẽ không bị bóc lột, áp bức, sẽ được tự do...

        Ban ngày thì các cậu đi làm, nhưng ban đêm thì không biết các cậu đi đâu, làm gì... Anh đòi đi theo, các cậu không cho đi. Mãi sau này mới biết là các cậu đi họp đoàn thể để chuẩn bị tham gia khởi nghĩa.

        Nghe tin bà nội bị bệnh, anh Nhị xin phép ông bà ngoại rồi chạy một mạch về nhà thăm bà. Thăm bà xong, anh cùng các chị đi đăng tên để gia nhập Đội thiếu nhi, để được tham gia biểu tình. Vậy là cách mạng sắp về rồi, sắp được đổi đời rồi!

        Cách mạng về như một luồng gió mới mang đến luồng sinh khí mới. Vạn vật như được rũ bỏ tất cả những gì bẩn thỉu, bụi bậm bám trên mình. Tất cả trở nên tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Chính quyền phong kiến, thực dân từng cai trị xứ Vũ Sơn - Bình Đê hàng chục thập kỷ nay đã bị đổ sập tan tành. Tiếng trống, tiếng reo hò của dòng người biểu tình vang dội khắp đất trời. Cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ khắp xóm thôn, cả nhà anh, cả làng thôn Hy Văn nhộn nhịp, tưng bừng suốt ngày đêm. Cậu bé Hồng Nhị chạy nhảy tung tăng khắp xóm thôn. Chưa bao giờ cậu được vui như thế. Một niềm vui khôn tả.

        Rồi gia đình được chia ruộng. Trước cách mạng, gia đình không có lấy một “tấc đất cắm dùi”, nay được chia 5 sào ruộng. Đấy là niềm vui vô bờ mà trước kia dù có trong mơ cũng không thể nào nghĩ đến. Cách mạng về đã cứu sống gia đình, cứu sống bao người dân xứ Vũ Sơn.

        Vốn ông ngoại làm nghề mộc, ông đóng cho cày, bừa và tậu hẳn cho một con bò (bằng tiền tiết kiệm, chắt chiu bao nhiêu năm của ông) để gia đình anh cày cấy. Còn niềm vui nào hơn! Còn niềm hạnh phúc nào hơn! cả mấy anh em đồng loạt đi hoạt động cách mạng: anh Ba làm chính trị viên xã đội dân quân, chị Năm đi làm giao thông, chị Sáu là thư ký hội phụ nữ xã, anh Hồng Nhị làm phân đoàn trưởng thiếu nhi...

        Lời ca tiếng hát luôn vang khắp thôn xóm, như “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”, “Anh em ta trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào...” rồi “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...” khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, rèn ý chí cách mạng kiên cường... đến tận bây giờ anh vẫn nhớ như in, như mọi việc vừa xảy ra ngày hôm qua vậy.

        Điều kiện kinh tế gia đình khấm khá lên nhiều, nhưng Cha Mẹ vẫn luôn nghiêm khắc răn dạy các con phải đi làm cách mạng cho giỏi và làm việc nhà cũng phải giỏi. Anh chị em đều nhìn nhau tự động sắp xếp công việc, răm rắp đâu vào đấy. Mọi người trong làng trong xứ đều nể trọng hai ông bà, coi ông bà là tấm gương sáng để mọi người noi theo, cả gia đình bên nội và bên ngoại của anh rất có uy tín trong xứ. Ông là người Cha nghiêm khắc nhưng độ lượng, bao dung. Bà là người Mẹ hiền từ, nhân hậu, chăm lo cho chồng con hết mình, không hề kêu ca phàn nàn khi gặp khó khăn, không quát mắng con cái bao giờ. Sự mẫu mực của người Cha, sự nhân từ của người Mẹ đã giúp cho các anh chị em của anh phương trưởng, đứng vũng trong cuộc sống.

        Niềm vui đến với xóm thôn chưa được bao lâu thì những khó khăn, gian khổ lại ập đến. Một lần nữa, Pháp lại trở lại gây hấn, xâm lược nước ta. Chiến sự xảy ra khắp nơi, súng đạn ì ầm, nổ chát chúa suốt ngày. Làng mạc ven biển bị đốt cháy, chiếc đầu máy xe lửa trong hầm xe lửa ở đèo Bình Đô cũng bị chúng thiêu cháy...

        Toàn dân lại đứng dậy kháng chiến theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch: “ Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ...”. Tiếng bom cảm tử của Ngô Mây chặn địch trên đường 19 từ Tây Nguyên xuống Bình Định đã dấy lên khí thế sục sôi của tuổi trẻ tham gia chiến đấu trả thù cho Ngô Mây.

        Anh đã xin phép gia đình và đoàn thể để được gia nhập Vệ Quốc Đoàn.

        Vậy là cuộc đời của cậu bé Hồng Nhị đã bước sang bước ngoặt mới, sang một trang mới. Cuộc sống xa gia đình và ở lứa tuổi 16 -17, không biết những gì sẽ chờ đón ở phía trước, và rồi anh có vượt được qua hay không.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 09:16:42 am »


BƯỚC VÀO CHẶNG ĐƯỜNG CHIẾN ĐẤU

   Ngày 25 tháng 5 năm 1952 là ngày đánh dấu bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời anh. Đội thiếu niên của anh lựa ra được 10 người có chiều cao kha khá (trong đó có anh) để đi khám tuyển. Anh láu cá, về mượn đôi dép lốp của dượng Điều để đi vào cho tăng thêm chiều cao và không quên bọc thêm cục đá cho vào túi quần để tăng thêm cân nặng, nhưng tất cả những trò ấy của anh đã bị đội khám tuyển phát hiện. Anh làm sao “qua mắt” được họ, nhưng anh không bị trách cớ mà lại được trúng tuyển, trước tiên chính vì cái tinh thần hăng hái, quyết tâm tham gia chiến đấu của anh. Trúng tuyển xong là theo đơn vị ngay. Anh chỉ kịp viết mấy chữ để báo cho gia đình rồi gửi cho mấy người không trúng tuyển đợt này đem về cho gia đình và theo đơn vị lên đường luôn. Gia tài mang theo là một chiếc bát làm bằng sọ dừa già xin của dân và một đôi đũa tre tự vót. Anh được phát một bộ quần áo màu xám tro, được biên chế theo tiểu đội, trung đội... Và bắt đầu hành quân!

        Bài học đầu tiên sau khi nhập ngũ là học thuộc 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật của Quân đội. Tới bây giờ anh vẫn nhớ như in. Anh nói:

        - Điều 1 của 10 lời thề mãi mãi in đậm trong anh, không bao giờ phai mờ. Đó là: “Hy sinh tất cả vì Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, sau này mới đổi lại là: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.

        Đã là người lính thì không sợ hy sinh, sẵn sàng hy sinh tất cả, không sợ chết. Có vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ. Ý nghĩa sâu sắc của lời thề danh dự là như vậy!

        Các anh cựu binh còn phổ biến thêm kinh nghiệm cho các tân binh: khi nào ra trận, trước giờ nổ súng, lúc nào thấy run sợ thì cứ đọc lời thề danh dự thứ nhất là sẽ bình tĩnh liền, hết run sợ liền!

        Chặng đường hành quần đầu tiên của anh là đi từ Hoài Nhơn vào Phù Mỹ. Chặng đường chưa dài nhưng đây là thử thách đầu tiên đến với anh vì anh chưa hề đi bộ chân đất với đoạn đường dài như thế này bao giờ. Đêm đi, ngày nghỉ. Đến đêm thứ hai của cuộc hành quân thì chân anh đã mỏi nhừ, không muốn bước nữa. Đêm thứ ba đến Phù Mỹ, các anh vào ở nhờ nhà dân. Tiểu đội phân công, cắt cử nhau thay tua làm “đầu bếp”. Đến lượt anh, anh rất lo không hiểu phải làm thế nào để cho cơm không bị khê, bị sống, rồi nấu nướng thức ăn thế nào, tuy thức ăn chỉ là rau muống rồi cá kho mà thôi. Má Khương (các anh ở nhờ nhà má) chắc để ý thấy anh loay hoay từ lúc vo gạo, nhặt sạn, nghe chừng không ổn lắm. Má bảo:

        - Thôi con để đó, má giúp cho!

        Anh mừng quá. Má Khương chỉ làm một loáng là xong, cơm canh đã sẵn sằng, đâu vào đấy. Đúng lúc đó, tiểu đội cũng vừa tan học về. Cơm dẻo, canh ngọt., ai cũng khen. Anh không dám nói đấy là do má Khương nấu giúp, nhưng từ đấy anh đã học được cách nấu nướng và cũng trở thành một “đầu bếp” được xếp vào loại khá nhờ công chỉ bảo của thày giáo là má Khương.

        Hăm hở tòng quân là vậy, sự háo hức được làm anh lính Vệ quốc đoàn là vậy, nhưng chỉ qua thời gian ngắn đã thấy khí thế “cạn dần”. Tiếp theo là chuỗi ngày nhớ nhà, nhớ Cha Mẹ, nhớ các anh các chị... ập đến. Anh cũng mới chỉ là một trang thiếu niên, lần đầu tiên xa nhà. Làm sao mà tránh khỏi cái cảm giác lẻ loi, làm sao mà không nhớ quê, nhớ nhà cồn cào, da diết được chứ? Anh nhớ từng ngày đi hái chà là cùng các bạn khi có tiếng chim Tu hú báo hiệu. “Tu hú kêu là chà là chín. Tu hú nín là chà là xanh”. Mùa Tu hú kêu rồi, chà là trên núi chín nhiều lắm đây. Cứ nhớ có lần anh mải hái, hái được nhiều quá, không thể gánh nổi, phải đổ bớt đi để gánh cho vừa sức mà vừa gánh vừa tiếc rẻ. Phải chi mình gánh được nhiều hơn... Rồi lại nhớ đến những khúc mương nào có nhiều cá, nhiều lươn, nhiều ếch để đi câu, đi bắt, nhớ những thửa ruộng nào hay có đàn rẽ giun đến để đặt cạm, đặt bẫy, nhớ cả từng vạt cỏ ngon để dắt bò đến chăn..., nhớ từng chi tiết rất nhỏ mà thường ngày chẳng bao giờ để ý. Vậy mà bây giờ nó cứ ùa về, tràn ngập, sôi động... ôi, cái nỗi nhớ khi xa nhà!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 11:01:14 pm »

        Anh cùng mấy anh em khác nữa hay ra ngồi dưới gốc dừa nói chuyện với nhau để cho bớt nỗi nhớ nhà. Đồng chí Tiểu đội trưởng - người đã từng trải qua giai đoạn ấy, có kinh nghiệm rồi, rất hiểu tâm tư của các tân binh nên tổ chức ra các trò vui chơi giải trí để các tân binh vơi đi nỗi nhớ nhà. Một trong những trò ấy là thi hát. Bài hát “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi. Là có mong chi đâu ngày trở về! Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui!...” ai cũng thuộc và ai cũng phải đứng lên hát đơn ca trước Tiểu đội để thi chấm điểm.

        Nỗi nhớ nhà được xua tan và phong trào ca hát văn nghệ của bộ đội đã lôi kéo, cuốn hút các tầng lớp thanh thiếu niên trong thôn tham gia. Những buổi biểu diễn văn nghệ với những chương trình có sự tham gia của thanh thiếu niên trong thôn bao giờ cũng đạt hiệu quả cao và khi tranh giải bao giờ cũng chiếm giải cao.

        Thời gian thấm thoắt trôi. Đã kết thúc việc huấn luyện tân binh. Các cán bộ nhận quân của các Trung đoàn chủ lực: 108, 803... đã về tổ chức nhận quân. Đại đội trưởng Bát, Chính trị viên Kim quý mến anh muốn giữ anh ở lại đơn vị khung lâu dài, nhưng anh nằng nặc đòi đi chiến đấu. Chính trị viên Kim hỏi:

        - Vê đơn vị chiến đấu, em không sợ chết sao?

        - “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi. Là có mong chi đâu ngày trở về! Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui!”... anh trả lời Chính trị viên bằng cách hát bài “Đoàn Vệ quốc quân”, còn Chính trị viên Kim thì ngồi nghe và lau nước mắt.

        Trước khi bổ sung về đơn vị mới, anh được về thăm nhà 5 ngày, thực ra chỉ được ở nhà có 3 ngày. Chính trị viên cho anh mượn đôi dép lốp để đi cho đỡ đau chân, cầm trên tay tờ giấy nghỉ phép có chữ ký của Đại đội trưởng Trần Bát mà anh mừng rỡ khôn tả. Anh cuốc bộ, đúng hơn là chạy bộ một mạch về nhà. Vê đến nhà thì trời vừa xẩm tối, cả nhà đang chuẩn bị ăn bữa tối, thấy anh về thì mừng vui khôn xiết Những lời thăm hỏi cứ ríu rít, tíu tít.. Mẹ thương anh định đi thổi cho anh nồi cơm khác có nhiều gạo hơn khoai vì nồi cơm của nhà đang dọn ra thì khoai là chủ đạo, còn gạo thì chỉ loáng thoáng vài hạt để cho khoai “cõng” thôi. Anh ngăn lại, bảo đời bộ đội chịu khó khăn gian khổ quen rồi.

        Cái sự khốn khó không phải chỉ xảy ra hồi bấy giờ mà nó đeo đẳng dân mình cho đến tận những năm 70, 80 sau này. Tôi còn nhớ có gia đình cũng có trường hợp xảy ra tương tự gia đình anh lúc bấy giờ, thương người đi xa về, Mẹ nấu một nồi cơm không độn ngô, khoai. Và cái câu mách Mẹ trong bữa cơm cứ làm tôi day dứt cho mãi đến tận bây giờ:

        - Mẹ ơi! Thằng cu Tí từ nãy tới giờ toàn ăn vã cơm thôi, Mẹ ạ!

        Cái sự đói kém nó khổ sở đến như vậy!

        Ba ngày ở nhà trôi qua rất nhanh. Anh trở lại đơn vị để chuẩn bị về đơn vị mới. Anh cùng gần 20 anh em tân binh khác được bổ sung cho Đại đội 104 thuộc Phòng Tham mưu Liên khu 5. Đơn vị đóng quân ở Nghĩa Hành - Quảng Nam.

        Vậy là tạm biệt mảnh đất Châu Trúc, mảnh đất in dấu ấn đầu tiên của cuộc đời các tân binh, mảnh đất thấm đậm tình nghĩa quân dân.

“Khi ta đến, đất chỉ là nơi ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn!”

        Đúng như vậy! Có biết bao điều tưởng như bình thường ta không nhận ra nhưng đến lúc chia ly mới thấy nó thiêng liêng đến nhường nào. Nghĩa tình với những người dân nơi đây khi lần đầu tiên anh thoát li gia đình, bà con nơi đây coi anh như người thân, ruột thịt của họ. Nghĩa tình của bà má Khương - người giúp đỡ anh, dạy anh trở thành một “đầu bếp” thực thụ. Rồi các cán bộ khung huấn luyện tân binh nữa: Đại đội trưởng Bát, Chính trị viên Kim, Tiểu đội trưởng Kính... những người từng chỉ bảo tận tình cho anh từng li từng tí một trong đời quân ngũ, coi anh như là người em ruột của mình. Làm sao anh có thể quên được? Anh không bao giờ quên được dù chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều gian nan... Sẽ còn có nhiều má Khương, nhiều anh Bát, anh Kim, anh Kính... nhưng mảnh đất Châu Trúc đã để lại cho anh ký ức không bao giờ phai mờ!

        Đơn vị các anh hành quân đến ga Phú Mỹ và lên tàu hỏa về Bình Định - Quảng Ngãi, về nơi đóng quân ở Nghĩa Hành, huấn luyện chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 52 - 53, chuẩn bị đi chiến dịch Bắc Tây Nguyên 52 - 53.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 11:04:44 pm »

        Cuối tháng 12 năm 1952, đơn vị các anh rời Nghĩa Thắng vào đêm không trăng sao, trời tối đen như mực, người nọ phải bám lưng người kia để vượt qua Truông Ổi, rồi qua Mộ Đức, Đức Phổ, băng qua núi vào Hoài Nhơn quê anh. Khi đóng quân ở Hoài Châu, biết là anh đang ồ gần quê, Đại đội cho anh ghé về thăm nhà ở Hoài Sơn mấy tiếng đồng hồ. Lại được gặp lại Cha Mẹ, lại được gặp lại những người thân trong gia đình. Mới từng ấy thời gian thôi mà Cha Mẹ đã gày đi, già đi nhiều. Thương Cha Mẹ, thương các anh chị vô hạn mà không dám nói ra, chỉ đành nén lại trong lòng. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này xảy ra rất nhanh, ào một cái là lại phải trở về đơn vị. Ra đi mà lòng anh trĩu nặng với bao điều trăn trở, vấn vương.

Mẹ Cha ngày một héo hon
Ra đi bỗng thấy mất con cay xè!

        Thương Cha quá, thương Mẹ quá mà không nói được nên lời!

        Từ Hoài Nhơn, đơn vị hành quân vào Phù Cát, qua đèo Bồ Bồ, lên Bình Khê. Trung đoàn 108 đánh đồn Cửu An nổ súng trước, Trung đoàn 803 đánh đồn Tú Thủy nổ súng sau. Chiến dịch mở màn thắng lợi giòn giã. Phát huy thắng lợi ban đầu, đơn vị tiếp tục tấn công tiêu diệt đồn Thượng An, khai thông đường 19 đi An Khê, đánh viện đường Hoàng Hoa Thám, đèo Mang Giang. Địch lo sợ, hoang mang không dám hành quân chiếm lại Tú Thủy, Cửu An nữa.

        Kết thúc chiến dịch, bộ đội ta đưa quân về Quảng Ngãi, mồ Hội nghị thi đua mừng công. Hội nghị tổ chức ở núi Dầu Rái - Đức Phổ. Các đơn vị nhanh chóng làm lán trại. Cũng tại đây, anh đã mắc căn bệnh sốt rét. Căn bệnh quái ác hành hạ anh cả ngày lẫn đêm, anh không thể làm gì được. Đồng đội thì đi vào rừng đốn cây, cắt lá về làm lán trại. Anh thì phải nằm lại một mình, chân tay run lập cập vì những cơn sốt rét ập đến. Có hôm, hổ còn lần mò đến rình ở đầu lán, để lại một đống nước dãi to tướng. Chắc không dám vào nhà, ông Ba Mươi đói khát thèm thức ăn quá, ngồi nhỏ dãi ra rồi cũng đành bỏ đi. Về sau, anh em rút kinh nghiệm, khi đi làm là đốt một đống lửa ở đầu lán cho yên tâm. Hổ vốn sợ lửa mà!

        Hội nghị mừng công kết thúc. Anh bị bệnh sốt rét hành hạ nên rất gày yếu nhưng vẫn bám theo đơn vị về đóng quân ở Phổ Phong.

        Đến Phổ Phong thì các anh nhận được tin Đại nguyên soái Xta-lin vừa qua đời. Nhớ đến mấy câu thơ của Tố Hữu:

        “Việt Nam có Bác Hồ
        Thếgiới có Xta-lin
        Việt Nam phải Tự do
        Thế giới phải Hòa bình
        Chúng con chiến đấu hy sinh
        Tấm lòng son sắt đinh ninh lời thề... ”

        Vậy là Thế giới mất đi một Đại nguyên soái. Nước Nga Xô-viết mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất... Đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu. Phút mặc niệm tưởng nhớ Đại nguyên soái đã bắn 5 phát súng SKZ.

        Chiến dịch đã kết thúc, số anh em gày yếu của đơn vị được cho đi bồi dưỡng sức khỏe. Anh Nhị cũng nằm trong số đó. Tất cả được đưa về an dưỡng ở Tiểu đoàn 45 đóng ở Phù Mỹ - Bình Định. Không hẹn mà gặp lại - các anh lại về lại nơi cửa biển Châu Trúc năm xưa, lại gặp lại các má, các em từ hồi anh mới khoác bộ quần áo của Vệ quốc đoàn. Các má già đi, mà ôi chao! các em gái đến tuổi dậy thì sao em nào cũng xinh tươi, mơn mởn, căng đầy sức sống. Ngày trước các anh dạy các em hát, các em hồn nhiên thế, mà bây giờ gặp lại, các em lại e lệ, đỏ mặt, thẹn thùng.

        Tuổi dậy thì biến đổi con người ta như có phép thân thông. Má đào ửng đỏ, ánh mắt long lanh như loáng nước, như sâu thẳm với những điều bí ẩn của Đại dương. Đôi môi mọng như trái bồ quân chín. Các cử chỉ bỗng dưng nhẹ nhàng, bước đi thấy uyển chuyển, mềm mại, giọng nói bỗng sâu lắng, thiết tha. Nhiều chàng trai Vệ quốc đoàn năm xưa bỗng dưng cũng thấy lúng túng, bỗng dưng cũng có những nỗi nhớ mơ hồ....

        Sức khỏe được hồi phục nhanh qua thời gian an dưỡng ngắn ngủi. Lại có những biên chế mới. Anh Hồng Nhị được bổ sung về Tiểu đoàn 365 (Tiểu đoàn lá mít) anh hùng thuộc Trung đoàn 803 chủ lực của Liên khu 5.

        Tôi hơi tò mò vì cái từ “Tiểu đoàn lá mít” của anh liền hỏi:

        - Anh Bảy à, sao lại gọi Tiểu đoàn 365 là Tiểu đoàn lá mít?

        - Cái tên đó là do nhân dân đặt cho. Bởi vì đội mũ lưới phải lấy lá mít giắt lên để ngụy trang. Lá mít khi khô, nó vẫn giữ được màu xanh. Nhân dân không biết phiên hiệu của Tiểu đoàn, chỉ thấy bộ đội đội mũ ngụy trang bằng lá mít thì gọi là “Tiểu đoàn lá mít” để phân biệt với các Tiểu đoàn khác. Tiểu đoàn đánh giặc thì giỏi, nhưng công tác dân vận thì chưa giỏi. Nhân dân gọi vậy cũng là vừa khen, vừa phê bình đó.

        - À, thì ra là vậy!

        Tiểu đoàn 365 được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1949 tại Hòn Đa - Tuy Hòa, Phú Yên. Đấy là một trong những Tiểu đoàn chủ lực mạnh của bộ đội Liên khu 5. sở trường chiến đấu của Tiểu đoàn là giỏi đánh công kiên, giỏi đánh vận động chiến, giỏi đánh bao vây, đánh chặn đầu, khóa đuôi, thọc sườn, tiêu diệt gọn từng bộ phận địch, bắt sống tù binh, thu vũ khí chiến lợi phẩm...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2016, 11:07:00 pm »

        Anh Hồng Nhị được bổ sung về Tiểu đoàn 365 đúng vào dịp Tiểu đoàn đang gấp rút hoàn thành các bài tập đánh công đồn để chuẩn bị cho chiến dịch. Chua kịp thuộc hết tên anh em trong Tiểu đội, anh đã cùng mọi người ra ngay bãi tập. Anh được bổ sung vào tổ xung kích, được giao khẩu súng trường MAS có lưỡi lê.

        Bài tập đầu tiên cũng là bài tập rất quan trọng: vượt chiến hào địch bằng cầu “giả thiết”. “Giả thiết” là chiếc cầu được đan bằng tre, bắc ngang qua chiến hào. Chiến hào rộng khoảng 4-5 mét, sâu vài mét, có cắm chông và chằng dây thép gai ở dưới.

        Vượt cầu “giả thiết” là phải chạy thật nhanh để chiếm giữ đầu cầu. Có vậy mới hạn chế thương vong. Nếu không vượt cầu thật nhanh thì hoặc bị rơi xuống chiến hào, hoặc bị địch bắn ngay ở trên cầu. Vì vậy, lính xung kích phải vượt cầu “giả thiết” thật giỏi, sau đó phải biết đánh hầm ngầm bằng thủ pháo, lựu đạn, đánh địch phản xung phong, đánh giáp lá cà. Nghĩa là phải nhanh nhẹn, giỏi giang, quả cảm, kiên cường.

        Hồi đó trong quá trình huấn luyện đã có phương châm: một chiến sĩ phải biết sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí để rồi sau này có thể vận dụng vào thực tế chiến đấu.

        Để tập luyện đánh đêm, anh em đã có sáng kiến lấy đom đóm gắn lên đầu ruồi súng để ngắm bắn cho dễ.

        Tuy về Tiểu đoàn muộn màng, nhưng do sự cố gắng vượt bực, khi tổng kết huấn luyện, anh Hồng Nhị đã được tặng giấy khen.

        Ngày lên đường đi chiến dịch đã xáp gần. Tinh thần bộ đội rất phấn chấn. Âm vang của những câu hát hào hùng: “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...” rồi “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi...” đã khích lệ quân sĩ. Ai nấy đều cảm thấy máu đang chạy lần rật trong huyết quản.

        Những ngày cuối tháng 12 năm 1953 là những ngày tiết trời se lạnh. Đêm thì tối đen như mực. Các anh được lệnh hành quân vào lúc nửa đêm, đi từ Mỹ Tài vào Phù Cát, lên phía Tây quốc lộ 1, vòng lại đi ra Hoài Nhơn. Đến Hoài Nhơn thì trời vừa sáng, đơn vị tạm nghỉ. Hoài Sơn là quê của anh rồi. Xứ Vũ Sơn - Bình Đê, nơi anh sinh ra và lớn lên đây rồi. Làng Căn Hội - nơi các anh tạm nghỉ lại ở ngay sát làng Hy Van của anh. Anh muốn xin phép chạy đáo qua nhà mấy phút thôi mà rồi lại không dám. Không thể để lộ việc đơn vị hành quân được. Anh đành phải nán lại, ghìm lại. Anh thầm nhủ: thôi, hẹn khi chiến dịch kết thúc bấy giờ sẽ xin đơn vị cho về thăm Cha Mẹ, thăm các anh chị. Cha Mẹ hãy thứ lỗi cho con, các anh chị hãy thông cảm cho em nhé!

        Khi trời tối sẫm, đơn vị lại tiếp tục hành quân. Tất cả vượt đèo An sang Đức Phổ - Quảng Ngãi, về hướng Ba-Tơ. Núi rừng Ba-Tơ trùng trùng điệp điệp. Căn cứ của đội du kích Ba-Tơ - cội nguồn của lực lượng vũ trang Liên khu 5 là đây. Như vẫn còn nghe được âm vang khúc quân hành của bài “Du kích Ba-Tơ”: “Ngày đêm mài sắt thành gươm súng. Ngày đêm rèn chí lớn vang vang chiến khu”... Ằm hưởng của bài hát tựa như tiếng kèn đồng giục giã, thôi thúc mọi người. Có cái gì đó rất thiêng liêng xảy ra ngay trong tâm hồn của từng người giúp mọi người quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mục tiêu của chiến dịch là “Tập trung bộ đội chủ lực cho nhiệm vụ tấn công lên Tây Nguyên. Phải chiến thắng và thắng ngay từ trận đầu, kiên quyết đạt cho được mục tiêu đã đề ra”.

        Từ Ba-Tơ đến Mang Đen, đơn vị hành quân vào ban ngày, đi trong núi rừng âm u, qua các buôn làng của đồng bào dân tộc Ê-Đê. Đồng bào đã rời bồ vùng địch tạm chiếm, vào ở sâu trong rừng. Khó khăn, thiếu thốn nhiều vô kể. Thiếu muối thì bà con đốt cỏ tranh lên lấy tro ăn thay muối. Thiếu vải thì lấy vỏ cây che thân... Đói khát, khó khăn, khốn khổ như vậy, nhưng khi nghe tin bộ đội Cụ Hồ hành quân qua buôn làng là lập tức bà con đi bắt gà, hái bí đem cho “cái bộ đội ăn cho no cái bụng, cho mạnh cái chân, để lấy sức đánh tan giặc Pha-lăng (giặc Pháp)”. Tấm lòng của bà con đối với cách mạng, đối với Cụ Hồ thật thủy chung, son sắt làm sao!

        Đồn Mang Đen là tiền đồn của tuyến phòng thủ của địch ở phía Đông Bắc thành phố Kon Tum. Địch xây dựng đồn Mang Đen rất kiên cố: có lô-cốt, hầm ngầm, các tuyến giao thông hào và hàng rào dây thép gai. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 365 là phải tiêu diệt bằng được đồn Mang Đen. Đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch, phải đảm bảo chắc thắng.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM