Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:28:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh  (Đọc 29681 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 09:52:54 pm »

        Từ những kinh nghiệm thu được cách đánh B-52 ờ các đơn vị. Phương châm chỉ đạo tác chiến của Quân ủy vận dụng vào tác chiến phòng không, bộ đội tên lửa thực hiện cách đánh tiêu diệt, đánh tập trung, từng bước hoàn chỉnh cách đánh, tận dụng mọi phương tiện, đánh bằng nhiều phương pháp đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất.

        Trước tình hình địch gây nhiễu tạp nặng phải sử dụng phương pháp bắn 3 điểm, và phải nghiên cứu thật tỉ mỉ để có cách đánh phù hợp.

        Tích cực vận dụng phương pháp đánh 3 điểm trong nhiễu tạp, song khi phát sóng thấy mục tiêu thì phải chuyển ngay phương pháp đánh bắn đón nửa góc, vì phương pháp này xác suất tiêu diệt mục tiêu cao.

        Ta đã chủ động bố trí đội hình chiến đấu cho các lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội nên khi B-52 vào đánh Hà Nội, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 không còn nữa. Cường độ nhiễu đã bị phân tán, có thể một hướng nào đó bị nhiễu nặng song các đơn vị tên lửa ở các hướng khác, 2 bên sườn, phía trước, phía sau có thể bắt được tín hiệu mục tiêu B-52 trên nền nhiễu...

        Trong thực tế B-52 đánh vào Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12-1972, hầu hết các đơn vị tên lửa đều bắt được mục tiêu trên nền nhiễu tạp ở cự ly 40km, phổ biến là từ 26 - 24km.

        Trắc thủ tên lửa đã phân biệt chính xác tín hiệu mục tiêu B-52 và tín hiệu mục tiêu của các loại sư đoàn đi bảo vệ B-52. Phân biệt được dải nhiễu B-52 và dải nhiễu giả B-52. Dựa vào độ cao của B-52 (từ 10 - 12km), đường bay ổn định, dải nhiễu ổn định, kết hợp với chỉ chuẩn HA00, CoH-9A.

        Ngay từ đêm đầu tiên tên lửa phòng không đã hạn chế được cường độ nhiễu tạp của địch gây ra, đánh thắng trận đầu bằng phương pháp bắn đón nửa góc, bắn rơi B-52 bắt sống giặc lái.

        Trong thời gian 12 ngày đêm B-52 đánh vào Hà Nội, hầu hết các tiểu đoàn tên lửa đều bắt được tín hiệu B-52 trên nhiễu tạp với tỷ lệ 12/13 tiểu đoàn trên màn hiện sóng tên lửa.

        Từ đó các đơn vị đều sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc, có trận còn bám sát được tự động, nên xác suất bắn tiêu diệt mục tiêu B-52 rơi tại chỗ rất cao.

        Trong chiến dịch 12 ngày đêm B-52 đánh vào Hà Nội, các đơn vị tên lửa đánh 53 trận bắt được mục tiêu B-52 ở cự ly 40km trở vào. Tiểu đoàn 94 ở Tam Sơn trung bình bắt được mục tiêu B-52 từ 27 - 18km. Tiểu đoàn 93 ở Phú Thụy có 1 lần bắt được mục tiêu B-52 ở cự ly từ 27 - 20km. Tiểu đoàn 77 ở Chèm đánh 9 trận và bắt được tín hiệu B-52 trên màn hình hiện sóng tên lửa ở cự ly từ 31 - 16km. Trung bình bắt được tín hiệu B-52 trên màn hình hiện sóng tên lửa ở cự ly từ 26 - 24km. Trong các trận đánh vì bắt được tín hiệu B-52, nên đa số là sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc, trong đó có 6 trận bám sát mục tiêu bằng tự động. Do bắt được tín hiệu mục tiêu B-52, lại sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc nên xác suất tiêu diệt mục tiêu của tên lửa càng lớn, bắn rơi B-52 tại chỗ, đã đánh tan sự ngông cuồng, ngạo mạn của địch từ chỗ sử dụng B-52 vào đánh phá Hà Nội như đi dạo chơi, nay đã trở thành đi vào nơi tử địa không có đường ra.

        Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, các lực lượng phòng không nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắn rơi được 81 chiếc máy bay các loại của không quân chiến lược, chiến thuật của Mỹ, phần lớn bị tên lửa bắn rơi tại chỗ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111 (cánh cụp, cánh xòe)... buộc Mỹ phải kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân một cách nhục nhã.

        Việc Mỹ sử dụng chiến tranh điện tử để bảo vệ lực lượng không quân chiến thuật, chiến lược đánh phá miền Bắc đã cho ta bài học: Chiến tranh càng phát triển, ngành khoa học kỹ thuật quân sự công nghệ cao càng phát triển, chiến tranh điện tử cũng phát triển, nên người chỉ huy các cấp ở các cương vị từ cấp chiến thuật, chiến dịch, nhất thiết phải hiểu biết chiến tranh điện tử và tìm hiểu mọi biện pháp đối phó lại đối phương có hiệu quả nhất.

        Trong chiến dịch 12 ngày đêm B-52 đánh vào Hà Nội, tuy khả năng kỹ thuật chiến tranh điện tử của ta có hạn, song chúng ta bằng sự thông minh đã hóa giải được mặt mạnh của kỹ thuật nhiễu điện tử tổng hợp của địch bằng chiến thuật kết hợp với kỹ thuật, bố trí đội hình chiến đấu tên lửa đánh bọc lót cho nhau, đã đánh tan âm mưu của địch sử dụng B-52 đánh vào Hà Nội trong tháng 12-1972.

        Đây là bài học được đúc kết qua chiến đấu, rút kinh nghiệm từ các trận đánh B-52 không thành công ở chiến trường Quân khu 4... Quảng Bình, cuối cùng Quân chủng PK-KQ chúng ta đã giành chiến thắng mà địch không sao hiểu nổi.

        Đã hơn 35 năm "Điện Biên Phủ trên không", nhưng còn âm vang mãi chiến dịch 12 ngày đêm (18/12/1972 - 30/12/1972) quân và dân ta đánh thắng B-52 đánh vào Hà Nội và bài học thất bại của không quân Mỹ sẽ còn mãi nhớ đời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 09:56:07 pm »

       
MỘT TRẬN NGHI BINH LỪA ĐỊCH

Đại tá Chu Thái                       
Nguyên cán bộ Tham mưu Quân chủng       

        Dưới cái nắng gay gắt giữa mùa hè năm 1965, mảnh đất Ba Vì Hà Tây như một chảo lửa hun nóng những bộ khí tài tên lửa đang ẩn nấp chờ địch tại bìa rừng Võ Khuy, Ngọc Nhĩ và Yên Kỳ để đón đánh một đường bay địch thường vào đánh Việt Trì và Lâm Thao - Phú Thọ.

        15 giờ 30 phút ngày 24 tháng 7, Tiểu đoàn 63 và 64, Trung đoàn tên lửa 236 đã phóng những quả tên lửa đầu tiên trên bầu trời miền Bắc bắn rơi 1 F4C bắt sống tên đại úy phi công Ri-Soóc Pôn-Cơn.

        Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân nhận định: 'Tên lửa phòng không ta xuất hiện là một hiểm họa và là mối đe dọa trực tiếp đối với bọn giặc lái Mỹ. Chúng sẽ cay cú và nhất định tìm cách đánh trả đũa đối với bộ đội tên lửa".

        Bộ tư lệnh đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tham mưu và Trường Sĩ quan Phòng không thực hiện ý định: "Nghi binh lừa địch, cài bẫy nhử địch" đến đánh hai trận địa tên lửa mới ra quân ở Võ Khuy, Ngọc Nhĩ và Yên Kỳ, Bất Bạt để lực lượng cao xạ bảo vệ tên lửa đánh một trận tiêu diệt lớn khi chúng đến đánh trả đũa.

        Bộ Tham mưu đã giao nhiệm vụ cho Phòng Khoa học quân sự do đại úy Lê Văn Vọng chỉ huy cùng một số cán bộ khác lên Trường Sĩ quan Phòng không cấp tốc chế tạo hai bộ khí tài và tên lửa giả làm bằng tre và cót, quét màu đúng như tên lửa thật (lúc đó gọi đùa là Ra-cót thay cho từ ra-két).

        Bộ tư lệnh cũng đã ra lệnh cho Tiểu đoàn 63, 64 Trung đoàn 236 bí mật rứt khỏi trận địa. Tiểu đoàn 63 về bảo vệ Hà Nội còn Tiểu đoàn 64 cơ động về sân bay Tông, trận địa Kim Đái - Tung Thiện để có thể đánh địch khi chúng vào đánh trả đũa hai trận địa cũ.

        Ngay sáng 25 tháng 7 hai bộ khí tài và tên lửa giả được chế tạo xong đã đưa vào thay thế hai bộ khí tài và tên lửa thật ở trận địa Võ Khuy, Ngọc Nhĩ và Yên Kỳ, Bất Bạt.

        Toàn bộ lực lượng pháo cao xạ đi bảo vệ tên lửa phòng không ra quân gồm Trung đoàn pháo phòng không 224 100 ly, Trung đoàn 234 pháo 57 ly, Trung đoàn 241 súng máy phòng không cơ giới AM - 14,5 ly loại 4 nòng cùng các tiểu đoàn pháo phòng không độc lập 37 ly của Quân chủng và Trường Sĩ quan Phòng không đã được bí mật nằm lại, ngụy trang kín đáo để sẵn sàng nổ súng đánh địch, khi địch vào đánh hai trận địa giả.

        Chiều ngày 26 tháng 7 địch liên tục cho máy bay trinh sát không người lái BQM-34A và máy bay trinh sát RF-101 từ phía Tây Nam bay khu vực Ba Vì lên Việt Trì, Phú Thọ. Cụm cao xạ do đồng chí Lê Văn Thiêm - Tham mưu phó Quân chủng trực tiếp chỉ huy ra lệnh không được bắn, chờ thời cơ đánh lớn. Tiểu đoàn tên lửa 64 ở trận địa mới Kim Đái, Tùng Thiện, Hà Tây chỉ trong vòng 16 phút đã bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái BQM-34A ở độ cao 18km và một chiếc RF-101 bay thấp. Bộ tư lệnh không quân ở khu vực Thái Bình Dương đã phán đoán, hai trận địa tên lửa phòng không của ta vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ.

        Đúng như dự đoán, chiều 27 tháng 7 năm 1965, không quân địch đã huy động hơn 50 máy bay các loại, đánh phá quyết liệt thành 4 đợt vào hai trận địa nRa Cót" của ta nhằm biến hai trận địa này trở thành những đống sắt vụn.

        Cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ của Trung đoàn 224, 234, 237 các tiểu đoàn pháo 37 ly của Quân chủng và Trường Sĩ quan Phòng không đã nằm phục kích mấy ngày trên các ngọn đồi trọc, nắng nóng như thiêu như đốt, lá ngụy trang ngày thay mấy lần mà vẫn khô ráo cũng không thấy địch vào đánh lớn.

        15 giờ 15 chiều 27-7 giữa lúc mặt trời từ hướng Tây chiếu thẳng vào các trận địa cao xạ, cũng là lúc địch lợi dụng hướng mặt trời bay rất thấp bổ nhào từ đỉnh Ba Vì, Lưỡi Hái đánh phá dữ dội vào hai trận địa "Ra Cót” của ta ở Chùa Ghề và Ngọc Nhĩ.

        Trúng kế của ta rồi! Thời cơ diệt địch đã đến, lệnh của đồng chí Lê Văn Thiêm từ sò chỉ huy tiền phương lệnh cho các trung đoàn tập trung hỏa lực đánh trên các hướng chủ yếu, Tây, Tây Bắc và Tây Nam. Cán bộ, chiến sĩ cao xạ hừng hực khí thế đánh địch.

        Trên một phạm vi không gian hẹp, hơn một trăm nòng pháo và súng máy phòng không của ta thi nhau nhả đạn. Lưới lửa tầng cao tầng thấp đan xen nhau dày đặc bủa vây hết tốp này đến tốp khác. Ngay 15 phút đầu tiên của trận đánh hai máy bay F105 của không quân địch đã bị bốc cháy.

        Bị bất ngờ và tổn thất nặng chúng nhanh chóng thay đổi thủ đoạn, bay thật thấp, tấn công từ nhiều hướng và phân công một số tốp vào đánh các trận địa phòng không 100 ly.

        Ta đã nhanh chóng điều chỉnh hỏa lực đánh địch tất cả các hướng và giành phần lớn hỏa lực súng máy phòng không 14,5 ly bảo vệ các trận địa pháo 100 ly. Sau khi điều chỉnh hỏa lực, địch bay vào hướng nào cũng bị đánh quyết liệt, bay thấp cũng bị diệt.

        Trận đánh kéo dài tới 40 phút, cao xạ đã bắn rơi 5 máy bay địch diệt. Bộ Tham mưu đã thực hiện đúng ý định của trên: "Nghi binh, cài bẫy, nhử địch, đánh một trận tiêu diệt, tiêu diệt lớn máy bay địch".

        Tuy bị thất bại nặng và rất cay cú với lực lượng phòng không của ta, nhưng ngay sáng hôm sau nhiều đài phát thanh của phương Tầy và Hoa Kỳ đã đưa tin: "Chiều 27-7-1965 không lực Hoa Kỳ đã tấn công phá hủy hoàn toàn 12 giàn phóng tên lửa của Bắc Việt Nam”.

        Còn về ta đợt hoạt động của bộ đội tên lửa và pháo cao xạ từ 24 đến 27-7 là một đợt hoạt động hiệp đồng tuyệt đẹp "đánh được địch, bảo vệ được ta”, Nghi binh lừa địch là một bài học sâu sắc về mặt nghệ thuật làm tiền đề cho các đợt hoạt động của bộ đội tên lửa trong suốt thời kỳ chống Mỹ và ngày càng được bổ sung phong phú hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2016, 09:58:35 pm »

     
ĐI ĐỐC CHIẾN TRONG CHIẾN TRANH

Đại tá Nguyễn Tâm Trinh                              
Nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bình chủng Rađa       

        Kiểm tra quán triệt quyết tâm tác chiến, nắm sát thực tế tìm các biện pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị là một nội dung quan trọng của cơ quan tham mưu. Là người sĩ quan tham mưu, suốt mấy năm chiến tranh tôi đã rất nhiều lần thực thi nhiệm vụ này. Chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ đang ngày càng quyết liệt. Chúng ngày đêm đánh phá các mục tiêu, hậu phương miền Bắc, hòng ngăn chặn nguồn chi viện người, của cho tiền tuyến miền Nam. Hệ thống các mục tiêu quân sự từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 đều bị đánh phá, trong đó có các trận địa phòng không, rađa, sân bay. Sáng ngày 17- 7-1966, theo lời kêu gọi quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Bác Hồ, tôi được lệnh vào Vĩnh Linh - Quảng Bình kiểm tra đốc chiến, với cương vị là phó tư lệnh - tham mưu trưởng binh chủng. Chiếc xe gát 69A mới toanh của chúng tôi gồm 5 người lên đường. Vượt phà Bến Thủy, xe chúng tôi bỏ đường 1, chạy theo đường 15. Đường xe ven sườn các đồi, chẳng còn cái cầu nào nguyên vẹn, xe vượt qua các bến ngầm, đôi lúc chạy vào các đường mới làm hoặc rẽ vào các đường tránh, xe cần mẫn theo các đường xế, đường tránh, bến ngầm. Chạy được 2 ngày 3 đêm, chúng tôi đến sở chỉ huy Trung đoàn rađa 290, trung đoàn ở tuyến đầu của đội hình chiến đấu của Quân chủng. Dưới hầm ngầm và địa đạo mới đào nằm bên đường 22, khu vực Kỳ Lâm, chúng tôi lần lượt nghe báo cáo tình hình của trung đoàn, hỏi kỹ hệ thống trận địa dự bị và các quy định được bắn và không được bắn địch của các trung đoàn rađa. Hỏi đến đâu, chúng tôi trao đổi lại những gì mới quy định của Quân chủng và một số kinh nghiệm của các đơn vị phía Bắc. Thật khó khăn khi có vấn đề gì của trung đoàn xin ý kiến đoàn mà phải thỉnh thị Tư lệnh Quân chủng vì phương tiện thông tin duy nhất là điện đài 15w. Mà mỗi bức điện đi về phải mất thời gian hàng ngày. Đó là cái bức xúc đầu tiên của cái nghề đi đốc chiến. Chúng tôi rời trung đoàn, đi sâu dần vào vùng đánh phá phía Nam của địch. Chiếc xe phải ngụy trang hàng ngày, vừa chạy vừa quan sát thăm dò diễn biến tình hình đường sá phía trước, lúc thì thấy pháo sáng treo lơ lửng, lúc thì thấy khách bộ hành dạt ra 2 bên đường, lúc lại thấy im ắng không người qua lại. Và quả nhiên, chúng tôi đã bị F4 ngó nghiêng quét pháo vào thùng xe, lốp bị bẹp và xe đổ lật sang đường, may mà người vô sự. Sống dã chiến 1 ngày dựa vào dân, vào bạn xe cùng đường, khắc phục xong xe lốp, con tuấn mã tiếp tục bò lên phía trước. Cái điều thứ hai của nghề đốc chiến là phải tự mình thu vén được càng nhiều càng tốt để tự giải quyết lấy mọi sự cố trên đường, chẳng còn ỷ lại vào ai được.

        Chúng tôi vào trận địa C12 rađa ở gần sân bay Đồng Hới lúc phiên ban trực đêm của đại đội kết thúc. Một lát sau chiếc xe gát của trung đoàn gồm đồng chỉ chính ủy và trung đoàn phó cùng đến. Đại đội rađa 12 bố trí ở khu vực Bắc thị xã Đồng Hới, từ ngày địch đánh phá miền Bắc đã nhiều lần bị đánh, lúc thì hỏng máy nổ, có trận bị thương vong, có lần địch đánh cả vào trận địa phân đội sung máy 14,5mm bảo vệ rađa. Đại đội ngụy trang kín đáo, nằm gọn giữa thôn Lộc Đại, hầm hào, giao thông dày đặc. Nhìn từ ngoài, chẳng ai biết là có trận địa rađa đang ngày đêm phát sóng cảnh giới vùng trời. Phối hợp với đoàn kiểm tra của trung đoàn, chúng tôi gặp trực tiếp các trắc thủ, điện công, tiêu đồ, nắm và quán triệt giúp đỡ chiến đấu cho cán bộ đại đội và các kíp chiến đấu ở sở chỉ huy cũng như ở trận địa sung máy. Điều ngại nhất của chúng tôi là ai cũng thấy lo nếu trận địa bị phát hiện, địch ném bom thì điều nguy hại nhất là nhân dân sẽ bị thương vong lớn, thiệt hại khó lường hết được. Chúng tôi hội ý với trung đoàn và trao đổi với Ban chỉ huy đại đội, với ý định là phải có kế hoạch đề phòng chu đáo. Chúng tôi chia nhau cùng đại đội đi kiểm tra gấp 2 trận địa dự bị trong số trận địa của trung đoàn đã quy định với ý định là sớm cơ động. Trung đoàn báo cáo là đại đội đã cùng thôn có kế hoạch hàng ngày sơ tán người già, phụ nữ, trẻ con và có kế hoạch ẩn nấp hầm hố chu đáo khi có máy bay địch. Tuy vậy, chúng tôi cũng chưa thật sự an tâm, kéo nhau ra kiểm tra trận địa 4 khẩu 14,5mm nằm cạnh, cách rađa 50m về phía cầu Lộc Đại, góc bắn về phía Nam bị cản bởi cây cối, chỉ bắn được các hướng khác. Chúng tôi cùng với các xạ thủ thay nhau thực hiện phương án xạ kích, phát hiện ra nhiều nhược điểm như góc cấm bắn và độ cao bắn, góp phần với từng xạ thủ, mới biết anh em mới vào lính, huấn luyện còn sơ đẳng, trong đó có đến gần nửa là lính tuyển ở làng mới vào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 07:49:36 am »

        Ở trọn với Đại đội 3 ngày đêm, hoàn thành xong nhiệm vụ kiểm tra, giúp đỡ chiến đấu, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị, kế hoạch giải quyết thương vong, kế hoạch hiệp đồng với địa phương, trận địa chính, dự bị... với cán bộ và chiến sĩ đại đội, thậm trí trực tiếp sửa chữa nhỏ các hệ hiện sóng, dây trời của đại đội. Chúng tôi báo cáo xin ý kiến Quân chủng và chuẩn bị đi tiếp vào Vĩnh Linh kiểm tra giúp đỡ Đại đội rađa 11. 16 giờ chiều ngày thứ tư ở đại đội, 1 tốp 2 chiếc A4D từ biển bay vào, ràn rạt sát trận địa, giữa lúc máy rađa P10 của đại đội đang trực. Đại đội ra lệnh báo động và lệnh cho phân đội 14,5mm phát hỏa. Khi 2 chiếc A4D vòng lại, các pháo thủ đồng loạt nhả đạn, chiếc A4D đi sau bốc khói trúng đạn và hạ thấp độ cao. Tiếng hô, tiếng gào của trận địa và dân quân trong làng: "Máy bay cháy rồi, rơi rồi...!".

        Chưa kịp ăn cơm tối, chúng tôi cùng Ban chỉ huy đại đội và đoàn kiểm tra trung đoàn nhanh chóng họp, biểu dương trung đội súng máy, rút kinh nghiệm đợt hoạt động của địch. Một vấn đề đặt ra khá gay cấn là: "trận địa đã lộ chưa? Có di chuyển trận địa không?". Có ý kiến đồng ý, có ý kiến không, có ý kiến ngày mai lại phục kích bắn tiếp máy bay! Đoàn đốc chiến chung tôi rút kinh nghiệm các lần đại đội rađa Tây Bắc và Thanh Hóa bắn máy bay bảo vệ trận địa, sau khi dân chủ trao đổi với đoàn kiểm tra, trung đoàn đưa ra quyết định khẩn trương thu hồi máy, di chuyển sang trận địa mới ở Chánh Hòa cách vị trí hiện nay l0 km, trong phạm vi giữ kín liên tục trường rađa của trung đoàn. Nói xong, mọi việc bắt đầu hành động, giao 1 máy tiếp tục duy trì lịch trực ban được phân công ở đại đội, để kíp chiến đấu gọn, còn lại thu quân cơ động về địa điểm mới. Cho đến 3 giờ sáng, trận địa rút xong, ngụy trang lại như cũ. Đồng chí chính ủy trung đoàn cùng tôi và đồng chí chính trị viên đại đội, thân hành đến nhà đồng chí thôn trưởng bàn bạc việc sơ tán toàn bộ dân, chỉ để lại 1 tốp dân quân giữ làng và chống cháy và phải hoàn thành xong trước sáng. Cả thôn Lộc Đại chuyển mình đi khỏi làng một cách triệt để. Riêng đại đội rađa cử một đồng chí máy nổ tên là Nguyễn Xuân Phong quê ở Thủy Nguyên ở lại để trông coi cái máy nổ hòng cùng toàn bộ quân tư trang và dụng cụ của anh em.

        Rời khỏi trận địa chính lúc tờ mờ sáng, sau khi đã tỉ mỉ cùng thôn trưởng kiểm tra người trong xóm ở lại trong các hầm trú ẩn kiên cố, bụng bảo dạ, đời người lính rađa thật là gian truân vất vả, nhân dân trong cuộc chiến tranh già trẻ, nam nữ đều thật khó khăn muôn phần.

        Đến đúng 10 giờ, 1 tốp mục tiêu xuất hiện do máy rađa P10 của đại đội phát hiện ở cự ly 90km hướng vào phương vị tọa độ của đại đội. Mấy phút sau, đài quan sát đỉnh đầu của đại đội báo cáo. Chúng tôi chia nhau ra trận địa pháo thủ 14,5mm để quan sát và nắm tình hình. Một đồng chí nữ dân quân hớt hải từ Lộc Đại chạy về báo cáo: Anh Phong máy nổ bị bom hy sinh rồi", Hỏi kỹ thêm, cô dân quân cho biết, bom thả chi chít cháy hết nhà, người không ai việc gì, bà con sơ tán, chưa ai về làng. Tôi hội ý chớp nhoáng và cử đoàn kiểm tra trung đoàn quay về Lộc Đại nắm tình hình và giải quyết hậu quả, ổn định tình hình tư tường của nhân dân, từng bước giải quyết sinh hoạt trở lại của dân. Đến chiều, thi hài của chiến sĩ Phong được chuyển về và được tổ chức an táng tại Chánh Hòa trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em và nhân dân.

        Ở lại thêm hai hôm nữa theo lệnh của Quân chủng và sau khi rút kinh nghiệm, đánh giá tình hình, củng cố thêm quyết tâm chiến đấu của anh em, chúng tôi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Điều thứ ba được rút ra từ việc đốc chiến là vai trò và trách nhiệm của người đốc chiến, đúng hay sai không những lệ thuộc vào thực tế tình hình, nhưng còn do trình độ và khả năng kinh nghiệm hoạt động độc lập của người sĩ quan trong chiến đấu. Làm sĩ quan tham mưu thì việc thay mặt cơ quan tổng hành dinh đi xuống đơn vị tiến hành đốc chiến là một nhiệm vụ tất yếu. Sĩ quan tham mưu trước hết và quan trọng nhất là đã trải qua thực tế, trực tiếp chiến đấu, có thắng, có thua, được tôi luyện, trở về làm tham mưu cho chỉ huy, mới góp phần hiệu quả đối với chiến đấu. Làm sĩ quan tham mưu quả thật không dễ chút nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 07:52:04 am »

         
ĐẢM BẢO THÔNG TIN CHO BỘ ĐỘI TÊN LỬA RA QUÂN
ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU

Đại tá Nguyễn Tài Hướng                       
Nguyên trưởng phòng Thông tin Quân chủng       

        Đầu năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó một cụm tác chiến phòng không mới được hình thành và triển khai chiến đấu ở khu vực Suối Hai tỉnh Hà Tây gồm có các trung đoàn pháo cao xạ 224, 234 và 220. Trung đoàn rađa 291 và Trung đoàn tên lửa phòng không 236 của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngoài ra còn có các lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ huyện Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện cùng tham gia.

        Nhiệm vụ của cụm phòng không này là thực hiện một trận hiệp đồng đánh theo phương thức tác chiến mới là: 'Tên lửa đánh trước, đánh xong bí mật cơ động sang vị trí khác và đưa dàn tên lửa giả làm bằng cót vào trận địa cũ để nhử địch vào đánh trả đũa, tạo cơ hội cho các cụm pháo phòng không với hỏa lực mạnh tập trung cùng với hỏa lực phòng không địa phương bảo vệ tên lửa đánh trận tiêu diệt lớn các loạt máy bay địch". Đảng ủy và Bộ tư lệnh hết sức quan tâm, bên cạnh Bộ tư lệnh và các cơ quan của Quân chủng còn có đại diện của Bộ Tổng tham mưu, đại diện chuyên gia Liên Xô, đại diện của Trung ương và UBND tỉnh Hà Tây tham dự. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập một SCH tiền phương Quân chủng bên cạnh SCH Trung đoàn tên lửa 236 để tiện cho việc chỉ huy trận đánh. Trung ương và ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây cũng quyết định thành lập một SCH tiền phương của tỉnh bên cạnh SCH tiền phương của Quân chủng Phòng không - Không quân để chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng phòng không bảo vệ bộ đội tên lửa, các lực lượng công an tỉnh và dân quân tự vệ làm nhiệm vụ an ninh, cấp cứu cứu thương tại chỗ.

        Từ những ngày đầu hình thành cụm tác chiến phòng không, Phòng Thông tin Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử cán bộ đi khảo sát trận địa, đội hình chiến đấu của các lực lượng, vị trí đặt SCH và triển khai hệ thống thông tin liên lạc đồng thời nắm tình hình thông tin của các đơn vị để xây dựng kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu của Quân chủng sát với thực tế hơn.

        Căn cứ vào ý định và quyết tâm tác chiến của Bộ tư lệnh Quân chủng, dựa vào thực lực biên chế trang bị quân số của mình và khả năng hỗ trợ của Bộ tư lệnh thông tin cũng như tận dụng mọi khả năng của các cơ quan đơn vị bạn có thể tận dụng được, Phòng Thông tin đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc cho trận đánh báo cáo Tham mưu trưởng Quân chủng phê duyệt và quyết đinh.

        Để triển khai kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc đã được phê chuẩn tại SCH tiền phương của Quân chủng. Quân chủng đã giao cho Trung đoàn 26 thông tin tổ chức một đại đội thông tin tổng hợp với dấy đủ trang bị, phương tiện và lực lượng dưới sự chỉ đạo của Phòng Thông tin khẩn trương tổ chức thực hiện. Đoàn cán bộ của Phòng Thông tin Quân chủng được cử đi làm nhiệm vụ trên gồm các đồng chí: Nguyễn Thành Lân - trợ lý thông tin VTĐ báo, đồng chí Nguyễn Đình Núi - trợ lý thông tin VTĐ tiếp sức và đồng chí Lương Văn Học - trợ lý thông tin HTĐ. Ngoài ra cơ quan thông tin Quân chủng cũng tiến hành một cuộc họp bàn về công tác tổ chức và triển khai thông tin hiệp đồng tác chiến với các đơn vị có liên quan.

        Vì vậy việc đảm bảo thông tin phục vụ trong suốt quá trình chiến đấu từ ngày 23/7/1965 - 27/7/1965 dưới mưa bom đạn lửa, trong điều kiện cơ động tác chiến khẩn trương phức tạp cũng có những lúc ở hưởng này, đơn vị có trục trặc khó khăn, nhưng đã xử lý linh hoạt khắc phục kịp thời không để mất liên lạc, lỡ thời cơ chiến đấu. Đặc biệt đối với những đơn vị chủ lực ở hướng chủ yếu. Vì vậy thông tin luôn luôn được đảm bảo thông suốt vững chắc kịp thời phục vụ cho Quân chủng chỉ huy trận đánh liên tục chiến thắng giòn giã, và đơn vị nào cũng bắn rơi máy bay địch. 8 máy bay các loại của không quân đế quốc Mỹ đã bị bắn rơi có nhiều chiếc rơi tại chỗ, đặc biệt tên lửa của Trung đoàn 236 ra quân trận đầu đã đánh giỏi giành thắng lợi lớn, tiêu diệt 3 máy bay địch, nên từ đây ngày 24-7 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa Phòng không Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 07:54:52 am »

       
MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ Ở NGHI KIỂU - NGHI VĂN - NGHỆ AN

Trung tá Lê Đình Duật                               
Nguyên cán bộ tham mưu Quân chủng       

        Bước sang năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã mở rộng ra toàn hậu phương miền Bắc. Địch tập trung đánh phá giao thông từ Khu 4 trở vào để ngấn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Các trọng điểm và các nút giao thông bị máy bay Mỹ đánh phá quyết liệt gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển lương thực và vũ khí của ta cho chiến trường.

        Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 61 tên lửa phòng không Đoàn Sông Đà được lệnh cơ động vào Khu 4 đánh địch bảo vệ giao thông. Đây là vinh dự lớn song cũng là một thử thách đối với tiểu đoàn. Với quyết tâm đánh địch bảo vệ giao thông và trả thù cho nhân dân Khu 4, đặc biệt là cho các em học sinh trường Hương Phúc - Hương Khê và Thạch Thanh, Thạch Hà - Hà Tĩnh bị máy bay Mỹ ném bom giết hại. Đêm 21-1-1966 (tức mùng 2 Tết năm At Tỵ), tiểu đoàn qua Hàm Rồng vào Nam Thanh Hóa. Sau một thời gian làm quen với địa bàn và nghiên cứu thủ đoạn hoạt động của địch tiểu đoàn đã hành quân cơ động và đánh địch liên tục; nhiều trận đánh thắng giòn giã làm cho không quân địch lo sợ phải thay đổi chiến thuật hoạt động; đêm ngày 9-2-1966, tại trận địa Phú Diễn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, tiểu đoàn đã phóng hai quả đạn diệt cả tốp 2 máy bay Mỹ.

        Điển hình là ngày 7-3-1966, tại trận địa Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An tiểu đoàn đã đánh một trận xuất sắc phóng một quả đạn tiêu diệt cả tốp 2 chiếc, trong đó có chiếc máy bay Mỹ thứ 900 và 901 bị bắn rơi trên miền Bắc.

        Sau những trận đánh này, máy bay địch thực sự bị bất ngờ, do bị tổn thất nặng nên hoạt động của chúng giảm đi nhiều, sau các trận đánh thắng của tiểu đoàn, có khi hai ba ngày sau trên cả khu vực không có máy bay địch hoạt động. Đấy là thời cơ tốt cho giao thông vận chuyển hoạt động. Trên đường hành quân chúng tôi gặp từng đoàn, từng đoàn xe tải phủ kín bạt và xanh rờn lá ngụy trang nối đuôi nhau chạy vào phía Nam. Nhiều đồng chí lái xe nói với chúng tôi: "Lâu lắm rồi nay mới có ngày hội giao thông như thế này đấy". Đó là lời nói thật lòng của những người tham gia vận tải. Song với chúng tôi đấy là một lời khen, một lời động viên để đơn vị chiến đấu tốt hơn.

         Tiểu đoàn tiếp tục hành quân sâu vào tuyến trong và liên tiếp đánh thắng nhiều trận khác. Sau trận thắng ngày 10-5-1966 tại nông trường 20 tháng 4 - Hà Tĩnh, tiểu đoàn được lệnh bàn giao địa bàn cho đơn vị bạn để hành quân cấp tốc ra Bắc bảo vệ Hà Nội.

        Ngày 24-5-1966, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đoàn xe kéo 3 rơ moóc ăng ten và một xe cần cẩu hành quân đi trước với chỉ thị ngắn gọn: 'Đi đường chú ý bảo đảm an toàn đề phòng bị địch đánh dọc đường! Khi qua sang đất Nghệ An đi tiếp đến ngã ba Nghi Kiều - Nghi Văn sẽ có người đón và dẫn vào trận địa mới”. Đoàn xe hành quân an toàn đến địa điểm hẹn. Chúng tôi dừng lại chờ người dẫn đường nhưng chờ lâu không thấy, tôi cử người đi theo hai đường rẽ đi tìm cũng không gặp người đón. Lúc đó đằng đông trời đã hửng sáng, không thể chần chừ ở đây được, tôi quyết định cho đoàn xe đi tiếp. Sau đó tôi khẳng định là đã bị lạc hướng. Trời ngày càng sáng dần, không thể hành quân tiếp nên tôi cho đoàn xe dừng nép vào một đoạn đường làng có lũy tre xanh, cách ngã ba gần l0 km.

        Chỉ sau ít phút một số đồng bào trong làng chạy ra động viên chúng tôi và yêu cầu phải ngụy trang vì ở đây máy bay địch bay liên tục và rất thấp. Khi phát hiện thấy gì khả nghi là chúng bắn phá ngay. Tình thế đã gấp gấp, đoàn xe lại toàn xe to mà lũy tre chỉ che khuất được một bên và một phần chiều dài của đoàn xe; bên kia là cả một cánh đồng trống trải bà con địa phương mới gặt lúa, rạ còn phơi từng đống, từng mô trên mặt ruộng và cả trên đường.

        Trước tình thế như vậy, tôi quyết định phải ngụy trang cả đoàn xe bằng rơm rạ thì mới an toàn. Tôi xin phép bà con trong làng cho sử dụng số rơm rạ ở gần để ngụy trang. Bằ con vui vẻ đồng tình. Tôi cho xe cần cẩu quay cần lại 180° và hạ thấp xuống đất rồi cho một số anh em xuống ruộng bốc rạ chuyền lên cho số anh em ở trên rải hết lên nóc xe ôtô, xe cần cẩu và cả rơ moóc, đổng thời rải lên mặt đường trước và sau đoàn xe kéo dài thêm 15m. Thấy chúng tôi ít người một số bà con cũng tham gia giúp chúng tôi ngụy trang. Nhờ vậy mà chúng tôi ngụy trang xong thì trời vừa sáng. Nhìn đoàn xe và cả đoạn đường đã biến thành khu vực phơi rơm, rạ sau ngày mùa. Tôi thấy yên tâm! Tôi yêu cầu các đồng chí lái xe nghỉ ngơi và trú ẩn gần đoàn xe để có tình huống cần thì xử lý cho kịp thời... Còn anh em sơ tán vào làng, đào hầm trú ẩn cá nhân ờ nơi thuận tiện quan sát và sẵn sàng hành động khi tình huống xấu xảy ra.

        Cả ngày hôm ấy tôi rất lo vì chỉ một sai sót nhỏ nào đó mà địch phát hiện được là chúng bắn phá thì hậu quả khó lường. Rất may là sau 4-5 lần máy bay trinh sát vũ trang của địch quần đảo săm soi bay qua đều không phát hiện ra đoàn xe. Nhờ vậy mà bảo đảm an toàn tuyệt đối.

        Tối ngày 25-5-1966, đơn vị cử người tìm và đón chúng tôi về khu vực trận địa mới.

        Trước khi đi chúng tôi chia tay với bà con trong lằng, mọi người ra tiễn chúng tôi rất ân tình và quyến luyến. Nhiều người khen "Các anh có một cách ngụy trang che mắt địch đơn giản mà hiệu quả! Thật sáng tạo! .

        Đã hơn 40 năm mà tôi không sao quên được kỷ niệm này.

        Nhớ mãi những người đồng đội cùng tôi hành quân năm ấy.

        Nhớ mãi tình cảm của bà con nơi ấy dành cho chúng tôi để cho Tiểu đoàn 61 có nhiều trận đánh thắng lợi giòn giã hơn sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 07:58:16 am »

      
HAI LẦN ĐI CÔNG TÁC BẰNG MÁY BAY QUÂN SỰ
       
Đại tá Phan Văn Toản                              
Nguyên trợ lý tác huấn cao xạ                          
Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân        

        Chiều 22/12/1972 sau bốn ngày đêm dùng B-52 đánh phá Hà Nội bi thất bại nặng nề (từ 18/12 đến 21/12 đã có 15 chiếc B-52 bị bắn rơi, trong đó có 10 chiếc rơi tại chỗ). Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhận định và chỉ đạo: Đánh vào Hà Nội địch đã bị thất bại nặng, B-52 rơi tại chỗ nhiều, giặc lái bị chết và bắt sống cũng nhiều. Đêm 22/12 địch có thể giãn ra chuyển hướng đánh Hải Phòng. Chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân chủng là phổ biến kinh nghiệm đánh B-52 cho Sư đoàn phòng không 363 và chỉ đạo Sư đoàn phòng không 363 cũng đánh rơi máy bay B-52 tại chỗ. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 22/12 điện của Bộ Tổng Tham mưu thông báo: Đêm 22/12 địch sẽ dùng máy bay B-52 đánh Hải Phòng, nhiều tin tức dồn dập khác chuyển đến Sư đoàn phòng không 363 làm cho không khí chuẩn bị đánh B-52 vừa khẩn trương vừa căng thẳng. Đứng lúc đó tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân - Tổng hành sinh đánh B-52 - đã quyết định cử đoàn cán bộ tham mưu tác huấn gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Minh - Phòng Tác huấn tên lửa, Phan Văn Toản - Phòng Tác huấn cao xạ, Nguyễn Đắc Thuần - Phòng Quân báo và đồng chí Chu Thái - Phòng Khoa học quân sự khẩn trương đáp máy bay xuống sở chỉ huy Sư đoàn phòng không 363 để truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh và phổ biến kinh nghiệm đánh B-52 của bộ đội phòng không Hà Nội cho các đơn vị tên lửa, cao xạ bảo vệ thành phố Hải Phòng.

        Lần đầu tiên trong đời lính và cũng là lần đầu tiên với tính chất quan trọng của chiến dịch, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sử dụng máy bay cho đoàn cán bộ tham mưu đi đốc chiến. Khi nhận nhiệm vụ chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng và tính chất khẩn trương của nó, nhanh chóng mang cặp tài liệu lên đường, không kịp ăn cơm chiều. Bốn anh em ngồi trên chiếc xe đít vuông GA3-69 đi qua các trọng điểm đánh phá: Đài phát thanh Mễ Trì, sân bay Bạch Mai, phà Khuyến Lương... xa xa hướng về phía Tây Bắc có nhiêu tiếng súng phòng không cùng với tiếng bom rền dội đến, liên tục giục giã chúng tôi tăng nhanh tốc độ. Đến đoạn đê Tư Đình chuẩn bị rẽ vào sân bay Gia Lâm thì hàng loạt đạn pháo phòng không các loại bủa vây trên vùng trời sân bay chặn đánh chiếc máy bay "không người lái” bay qua; thế nhưng khi đến sân bay thi anh em lái chiếc AN-2 đã có mặt đầy đủ sẵn sằng nổ máy cất cánh. Chiều về mùa đông, trên đường cái lớn lác đác vài người đi lại, đất đai khô cằn, cây lá trơ trụi... với độ cao máy bay khoảng 50 mét lảng vảng những làn khói lam chiểu từ những làng quê nóng bỏng chiến tranh, chúng tôi nhìn rất rõ các ụ súng, các trận địa phòng không san sát như thiên la địa võng... Họ dơ tay, phất cờ, họ ngắm bắn... biết rằng họ tranh thủ thời cơ có máy bay ta để luyện tập, nhưng trong chúng tôi vẫn lo "những tên bay đạn lạc" lỡ có điều gi thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà cấp trên đã giao.

        Đến sân bay Cát Bi khoảng 7 giờ tối, chúng tôi được đón về sở chỉ huy Sư đoàn 363 và do được thông báo trước nên cuộc họp phổ biến kinh nghiệm được tiến hành ngay. Chúng tôi đã trao đổi nhiều vấn đề như hợp đồng giữa Phòng không và Không quân, giữa lực lượng phòng không chủ lực với bộ đội phòng không địa phương, đặc biệt sử dụng pháo l00 mm đánh B-52 và giành riêng chuyên đề ưu tiên số 1 sử dụng bộ đội tên lửa đánh B-52, tập trung vào những động tác kỹ thuật giúp trắc thủ phát hiện và bắt được mục tiêu trong nhiễu, giúp người chỉ huy có cơ sở tin tưởng mạnh dạn đánh, đánh độc đáo sáng tạo mà chỉ có bộ đội Việt Nam lần đầu tiên sử dụng tên lửa SAM-2 đánh thắng B-52.

        Sau đó chúng tôi phân công người vào sở chỉ huy, người xuống các đơn vị hỏa lực tên lửa, cao xạ đem những kinh nghiệm xương máu - quý như vàng - đến với các đồng chí, đồng đội đang nóng lòng chờ đợi, quyết tâm cùng với Hà Nội đánh thắng B-52 trên bầu trời Hải Phòng thân yêu.

        Ngay đêm ấy - đúng như nhận định của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân từ 4 giờ 30 phút đến 5 giờ 25 phút địch đã sử dụng máy bay cường kích đánh vào nhà máy Xi măng, Sở dầu, cầu quay An Dương, sân bay Cát Bi. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng lại được kinh nghiệm quý báu đánh B-52 của các đơn vị bạn, mà trực tiếp là các sĩ quan tác huấn của Bộ Tham mưu ngồi bên cạnh đã giúp cho kíp chiến đấu của tên lửa động tác "Bắt mục tiêu", theo thứ tự mở máy thu nhiễu B-52, chọn giải nhiễu B-52, phối hợp với đài 2 để thống nhất giải, phân biệt tốp tiêm kích đi yểm hộ và tốp B-52 thật, tìm độ súng mục tiêu trong nhiễu, thống nhất các màn giữa các trắc thủ, chọn thòi cơ phát sóng thích hợp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:05:20 am »

        Trong các phân đội cao xạ, chúng tôi đã giúp tính được các phần tử bắn chặn (H = D.sin e) trên từng đường bay, thiết lập được đường dây thông tin chỉ huy bắn từ sở chỉ huy trung đoàn đến các phân đội pháo l00 mm (trước đó giao khoán cho từng phân đội đánh) và đã liên kết được mạng thông báo phần tử địch từ rađa, vọng quan sát, các đơn vị tên lửa... đã giúp cho các phân đội pháo l00 mm có cơ sở tin tưởng đánh, không còn ám ảnh coi thường thứ vũ khí cũ kỹ của Đại chiến lần thứ 2.

        Xong trận đánh, trời đã sáng, gió và mưa phùn rét đậm thấu xương, chúng tôi định quay lại sân bay Cát Bi, nhưng đường băng đã bị địch đánh hỏng, đành phải theo con đường 5 gian khổ trở về. Tuy phải thức trắng đêm, bom đạn ác liệt nhưng trong lòng mỗi chúng tôi phấn chấn lạ thường, vừa giúp đơn vị đánh thắng vừa suy ngẫm đến cuộc chiến đấu còn tiếp tục với lòng tin sắt đá nhất định sẽ đánh thắng không quân đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

        Lần đi công tác máy bay thứ II:

        Cuối quý II năm 1973 tôi lại có dịp theo đoàn cán bộ Quân chủng Phòng không do đồng chí Đại tá Dương Hán, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân dẫn đầu, chuẩn bị đề cương báo cáo Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về 12 ngày đêm chiến đấu chống cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng... Đây là lần thứ hai tôi được đi công tác bằng máy bay, nhưng không phải chiếc AN-2 ngụy trang bí mật lướt trên đường không lắm ổ gà, mà là chiếc chuyên cơ IAK.40 kiêu hãnh hiên ngang chở đại tướng và đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tổng Tham mưu, của Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân cũng cất cánh tại sân bay Gia Lâm và hạ cánh xuống sân bay Cát Bi trong một tư thế của những người góp phần làm nên chiến thắng đầy vinh quang bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

        Lần đi trước lo lắng đến phận sự người sĩ quan tham mưu vừa đốc chiến, vừa phổ biến kinh nghiêm, vừa tổ chức huấn luyện tại trận địa, uốn nắn từng khẩu lệnh, từng động tác để giúp đơn vị đánh thắng; thì lần này lo lắng hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, phạm vi ảnh hưởng của chiến thắng B-52 vượt ra ngoài tầm của Quân chủng Phòng không - Không quân, vẫn là người sĩ quan tham mưu ấy, nhưng với cái nhìn mới - tổng quát và toàn diện hơn - khoa học và thực tiễn - kinh nghiệm và bài học... làm cho đề tài đánh thắng B-52 có sức hấp dẫn kỳ lạ và những nét độc đáo về nghệ thuật quân sự của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

        Trong 2 ngày và 3 đêm làm việc không biết mệt mỏi, có đêm thức trắng, buồn ngủ... chúng tôi nghiêm túc khẩn trương dồn hết tâm lực để trả lời những câu hỏi, những gợi ý mà Đại tướng đặt ra cho đoàn cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân về cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ vào miền Bắc Việt Nam. Đó là một cuộc tập kích chiến lược bằng không quân hoặc như Đại tướng gợi ý: Các nhà quân sự Liên Xô thì nói: Đây là một cuộc tập kích chiến lược bằng không quân; các nhà quân sự phương Tây thì cho đây là cuộc oanh tạc chiến lược bằng không quân. Đại tướng giải thích tuy cách nói có khác nhau về từ ngữ quân sự, xong khái niệm về nội dung đểu giống nhau ở chỗ:

        - Tập kích chiến lược.

        - Tấn công chiến lược.

        - Oanh tạc chiến lược.

        Từ thực tiễn của cuộc tập kích chiến lược trong 11 ngày 12 đêm cuối tháng 12/1972, Đại tướng đã đặt câu hỏi trong tương lai nếu đế quốc Mỹ lại gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta thì hoạt động của không quân đế quốc Mỹ sẽ theo quy luật nào; Đại tướng lại gợi ý - Hoặc là đánh theo cách leo thang rồi kết thúc bằng tập kích chiến lược - Hoặc tập kích chiến lược ngay từ giờ phút đầu tiên ồ ạt, bất ngờ, chớp nhoáng nhằm giành ưu thế về chiến lược, tạo điều kiện kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn trên thế mạnh.

        Đại tướng đề cập đến nhiều vấn đề như chiến dịch phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân, rồi như sực nhớ đến những ngày huy hoàng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1953; Đại tướng suy nghĩ đến sự xuất hiện 1 kiểu chiến tranh bằng không quân; sự hình thành và phát triển nghệ thuật chiến dịch phòng không Việt Nam trong cuộc chiến tranh đất đối không của lực lượng phòng không ba thứ quân.

        Sau chiến dịch, cơ quan tham mưu căn cứ vào những tư tưởng chỉ đạo tác chiến trên của Đại tướng đã tiến hành tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho lớp lớp người kế tục sự nghiệp bảo vệ bầu trời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:06:15 am »

       
ĐÊM QUẢNG TRỊ

Trung tá La Văn Sàng                   
Nguyên cán bộ Tham mưu Quân chủng       

        Trung tuần tháng 4-1972, tôi được cử đi công tác với Cục Kỹ thuật tiền phương ở Quảng Bình.

        Nhiệm vụ là xuống Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236 tham gia chiến đấu, chụp ảnh, quay phim ghi lại các dạng nhiễu trên màn hình hiện sóng của sĩ quan điều khiển (SQĐK) và trắc thủ để cùng cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tìm biện pháp đối phó, hạn chế đến mức tối đa hiệu quả các loại nhiễu của địch đối với tên lửa, rađa và không quân ta.

        Sáng ngày 13-4-1972, lúc 6 giờ 45 xe xuất phát từ Hà Nội, không khí tết xuân Nhâm Tý vẫn còn, lúa xuân xanh tốt, hàng cây bên đường cũng đã xanh lại sau những lần đánh phá của không quân Mỹ vào giao thồng để ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chiều đến Thanh Hóa nghỉ lại.

        Do địch pháo kích từ hạm vào Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình nên xe phải đi vào ban đêm.

        Suốt mấy ngày ngồi xe, người rất mệt trong đó có nguyên nhân là đường 15B và 22 quá xấu, bộ đội ta thường gọi là đường bò lăn, vì ngồi trong xe không cẩn thận cũng dễ ngã lăn ra sàn xe...

        Tối 14-4-1972, đến tiền phương Cục Kỹ thuật ở Phú Hòa, nghỉ lại và chuẩn bị xuống đơn vị.

        Trước khi chiến dịch Trị - Thiên mở màn, lực lượng tên lửa phòng không đã bố trí thành 3 tuyến: Tuyến 1 là Trung đoàn 236, áp sát những bến vượt ở thượng lưu sông Bến Hải, phía sau Trung đoàn 236 là Trung đoàn 274, tiếp sau đó là Trung đoàn 267.

        Ngày 19-4-1972, tôi xuống Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, đơn vị được chọn làm mũi thọc sâu, vượt qua sông Bến Hải vào đất Quảng Trị. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là hiệp đồng chiến đấu bảo vệ các đơn vị bạn tiến công giải phóng Quảng Trị.

        Tôi còn nhớ, trên đường xuống đơn vị từ Phú Hòa đi Vĩnh Chấp, dọc đường máy bay địch thường xuyên trinh sát, bắn phá nên vừa đi vừa dừng lại để ẩn nấp, mãi gần 6 giờ chiều mới đến nơi tập kết đơn vị.

        Đối với Tiểu đoàn 64, đợt công tác này coi như tôi may mắn được gặp lại những người thân đã xa nhau lâu ngày. Vì ở Hà Nội, Tiểu đoàn 64 thường chiến đấu bảo vệ phía Tây Nam Hà Nội, cửa ngõ Thủ đô. Do tôi là trợ lý cơ quan ở Bộ Tham mưu, nên thường xuyên được xuống đơn vị tham gia chiến đấu và công tác. Cùng các đồng chí nghiên cứu đề xuất chọn phương pháp bám sát mục tiêu cho tên lửa trong điều kiện địch gây nhiễu.

        Người đầu tiên tôi gặp là đồng chí tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy và các đồng chí trong Ban chỉ huy, kíp trắc thủ, SQĐK. Mọi người đang rất phấn khởi và khẩn trương chuẩn bị hành quân vượt sông Bến Hải tham gia trận đánh sắp tới. Lúc này đơn vị tập kết tại nông trường Việt - Xô, cách sông Bến Hải không xa vì điểm vượt sông cạn là Bến Than do công binh chọn sẵn.

        Một đêm đáng ghi nhớ nhất trong đời bộ đội của tôi. Đêm đầu tháng, trăng lúc tỏ lúc mờ, ngồi trên xe xích vượt sông tim tôi hồi hộp sung sướng muốn trào nước mắt. Không vui sao được, sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh gian khổ nay mới được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng này.

        Xa xa nhìn về phía Đông Hà, thỉnh thoảng vang lên tiếng đại bác tầm xa, tiếng súng cầm canh của địch đang co cụm, cố thủ Thành cổ Quảng Trị. Pháo sáng địch bắn treo lơ lửng trên không, vụt sáng, vụt tắt như báo hiệu ngày tàn của quân Mỹ - ngụy.

        Cuộc vượt sông Bến Hải của đơn vị được an toàn, sau khi qua sông, cả đơn vị tiếp tục hành quân theo cọc tiêu chỉ đường của công binh. Đi chệch ra khỏi hàng cọc tiêu chỉ đường, có thể bị dính bom, mìn địch cài lại mà bộ đội công binh ta chưa phá hết. Có những đoạn đường khó đi phải có người cầm đèn pin đi trước dẫn đường. Càng đi sâu vùng đất Quảng Trị mới giải phóng, càng thấy sự tàn phá của chiến tranh hủy diệt. Không gian đầy chết chóc, không một tiếng gà gáy, không một tiếng chó sủa. Trong ánh trăng mờ tỏ chỉ thấy ngút ngàn cỏ tranh, lau lách; xa xa trong màn đêm chỉ nhìn thấy một vài khóm chuối, khóm tre. Xóm làng tan hoang, đổ nát, một vùng đất chết được mệnh danh là hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2016, 08:07:55 am »

        Song để bù lại cho sự điêu tàn hoang vắng đó, thỉnh thoảng xuất hiện một vài đội viên du kích vùng ven, đang tuần tra và chỉ đường cho đơn vị.

        Đến gần 3 giờ sáng, đơn vị đã chiếm lĩnh trận địa (Hải Thinh - Do An - Quảng Trị). Trong quá trình chiếm lĩnh trận địa có 1 xe xích vướng mìn nổ, một đồng chí bị thương nhẹ, không ai hy sinh. Trận địa này trước đây có lẽ là khu vườn của dân vì xung quanh còn những khóm tre, một số cây ăn quả còn sống sót đang bắt đầu nảy mầm, hồi sinh lại.

        Toàn đơn vị khẩn trương triển khai khí tài, kiểm tra chức năng sẵn sàng chiến đấu, củng cố trận địa, ngụy trang, phòng chống bom bi và kiểm tra phương án chiến đấu. Trận địa vừa chiếm lĩnh nhưng xung quanh vẫn còn có một số xác lính ngụy chưa kịp chôn, quân trang, quân dụng, gạo sấy khô, mỳ ăn liền còn vứt vương vãi đó đây.

        Mấy hôm đó, đài báo có gió mùa về, kéo theo mưa phùn và rét nhẹ, do đó việc đơn vị chiếm lĩnh trận địa, ngụy trang, chuẩn bị chiến đấu cho đến thời điểm này đều diễn ra thuận lợi.

        Từ ngày 24 và 25-4-1972, đơn vị tiếp tục củng cố công sự, hầm cá nhân, ngụy trang trận địa, nghiên cứu đường bay B-52, quy luật hoạt động của không quân địch trên khu vực Quảng Trị. Tổ chức trực ban sẵn sàng chiến đấu. Mở máy thu nhiễu, nghiên cứu các dạng nhiễu, xác định các loại F bảo vệ B-52 (trong đội hình), nhiễu của EB66, nhiễu hạm tàu (ngoài đội hình), phân biệt giữa nhiễu B-52, các loại F và của EB66, hạm tàu với nhiễu của R-52.

        Toàn đơn vị hạ quyết tâm đánh thắng ngay trận đầu, trên mảnh đất Quảng Trị vừa được giải phóng, bảo vệ các đơn vị bạn trong diễn biến chiến dịch.

        Chiều 27-4-1972, đơn vị được lệnh vào cấp 1, sẵn sàng chiến đấu. 15 giờ mở máy thu nhiễu bám sát các tốp B-52. Trong xe chỉ huy SQĐK cũng như các xe khác trong kíp chiến đấu khẩn trương báo cáo tất cả đã sẵn sàng, mọi người căng thẳng, hồi hộp, sẵn sàng chờ lệnh của người chỉ huy, quyết đánh thắng trận đầu để hỗ trợ cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

        Đến 16 giờ 57 phút được lệnh từ sở chỉ huy tiền phương, đánh vào tốp B-52 bằng phương pháp 3 điểm (phương pháp T.T) bám vào dải nhiễu và bắn 2 quả đạn tên lửa, đạn có điều khiển tốt. Sau đó SCH thông báo đã tiêu diệt được một chiếc B-52, đồng thời cho biết khi tên lửa bắn lên tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị đều reo hò phấn khởi, tạo khí thế chiến đấu cho bộ đội tham gia chiến dịch.

        Tiếp đến 19 giờ 57 phút, đơn vị lại được lệnh đánh tốp B-52 nữa, vừa đánh xong đơn vị được lệnh thu hồi khí tài, tiếp tục hành quân trong đêm di chuyển đến trận địa mới ở An Phú, Do An, Quảng Trị.

        Sau khi tên lửa ta đánh vào các tốp B-52, ngay sáng hôm sau (28-4-1972) địch tăng cường trinh sát trên không và đánh săm soi suốt ngày đêm, tạo cho tình hình chiến đấu rất căng thẳng và ác liệt. Song được sự chỉ huy chỉ đạo trực tiếp của Bộ tư lệnh tiền phương, đơn vị vẫn tiếp tục giữ vững tinh thần, ngụy trang trận địa và sẵn sàng chiến đấu cao.

        Trong 2 ngày 28 và 29-4-1972 vừa cơ động chiếm lĩnh trận đia, vừa triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu, mở máy thu nhiễu, nghiên cứu thủ đoạn gây nhiễu của địch. Sau khi bị tên lửa ta đánh, địch đã phản ứng điên cuồng, sử dụng các máy bay trinh sát, các loại F, đánh phá quần đảo suốt ngày đêm, song trận địa tên lửa vẫn không bị lộ.

        Chiều 30-4-1972, lệnh vào cấp 1, đến 16hl5' bắt mục tiêu một tốp B-52, ta phóng 2 quả đạn tên lửa nhưng đạn không điều khiển được vì phóng nhầm vào tốp F giả B-52.

        Ngày hôm sau địch lại cho máy bay trinh sát vũ trang đánh xăm và đánh trúng vào trận địa, gây tổn thất cho đơn vị. Khi bị địch phát hiện đánh vào trận địa, toàn đơn vị đã dũng cảm xông vào dập lửa, cứu các dồng chí bị thương, tổ chức kéo khí tài sơ tán. Anh em không ngại hy sinh, quên mình trước bom đạn của quân thù.

        Những ngày sau đó, đơn vị được lệnh rút về tuyến sau để củng cố, bổ sung quân số, sửa chữa khí tài, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới của Quân chủng.

        Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm trong những năm tháng sống chiến đấu bên những người bạn, người đồng chí trong Tiểu đoàn 64, đơn vị anh hùng còn sống mãi trong tôi. Đêm vượt sông Bến Hải trở về giải phóng quê hương, những đợt công tác xuống đơn vị, những chiến công của người lính và những mất mát trong chiến tranh, lúc nằm nghỉ tạm dưới gầm xe chờ lũ giặc trời đến để tiêu diệt...

        Dù cho năm tháng có qua đi, song những hình ảnh, những kỷ niệm về tình bạn, tình đồng chí, đồng đội vẫn ghi đậm trong tôi mãi mãi không phai mờ...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM