Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:08:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh  (Đọc 29676 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:29:24 pm »

       
TRƯỚC NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979
CHUYỆN XƯA NAY MỚI KỂ

Đại tá Quách Hải Lượng                       
Nguyên Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng       

        Vào những năm 1978 - 1979, tôi được vinh dự làm Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng Phòng không. Nhiệm vụ nặng nề tôi lo lắm, cố gắng vận dụng các hiểu biết tác chiến của bộ đội phòng không được tích lũy trong những năm làm trợ lý tác chiến tên lửa và khoa học quân sự. Đồng thời dùng vốn hiểu biết Trung Quốc để “xuất kho” đóng góp vào nghiên cứu đối tượng tác chiến, lúc đó anh Hoàng Hiên, trưởng phòng Quân báo là người rất có kinh nghiệm nắm đối tượng tác chiến, rất hiểu biết, chúng tôi làm việc rất gắn bó với nhau. Có lúc anh Vũ Tư Trường - Trưởng phòng Khoa học quân sự cũng cho chúng tôi nhiều ý kiến hay.

        Mấy ngày trước 17-2-1979, Quân chủng triệu tập các lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn lên để phổ biến tình hình đối tượng tác chiến và phương án tác chiến. Ngày 16, khi hội nghị sắp kết thúc, Quân chủng được lệnh trên cho bộ đội về cấp 2. Tư lệnh Hoàng Văn Khánh và Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu yêu cầu trưởng phòng Tác chiến viết lệnh xuống các sư đoàn, chấp hành lệnh thủ trưởng Bộ, cho bộ đội về cấp 2. Trước lệnh trên phải chấp hành nghiêm, nhưng tôi phân vân quá, về cấp 2 thì có thể trở tay không kịp. Nghĩ trách nhiệm của một cán bộ tham mưu, tôi trình bày với Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu, không nên về cấp 2, máy bay địch bay đến Hà Nội chỉ khoảng 7 phút bay. Chính ủy Mậu bặm môi suy nghĩ nói, lệnh của trên, phải chấp hành. Tôi nhắc lại ý kiến của mình lần nữa. Sau khi trao đổi với Tư lệnh Hoàng Văn Khánh, chính ủy Nguyễn Xuân Mậu bảo, đồng chí phải hỏi và xin ý kiến của Cục Tác chiến. Tôi thấy phải lập tức gọi điện lên trực ban Cục Tác chiến. Rất mong gặp anh Nguyên là cán bộ tham mưu Không quân là người quen nhau từ Quân chủng, tôi trình bày ý kiến không nên về cấp 2. Vì thân nhau, anh Nguyên nói: “Mặc xác anh, không đánh được thì phải chịu trách nhiệm, đây là lệnh anh Văn Tiến Dũng”. Chẳng biết làm thế nào, trong lúc lung túng, tôi đánh bạo hỏi, anh Dũng có ở Bộ không. Các anh Cục Tác chiến cho biết, sau khi ký xong lệnh, anh Dũng đi kiểm tra tình hình ở Cam-pu-chia rồi.

        Không còn chỗ dựa nào, đầu óc tôi nóng nực, cứ nghĩ đến trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không. Anh Mậu dịu đàng hỏi: “Thế nào rồi?”. Tôi báo cáo lại nội dung của Cục Tác chiến. Anh Mậu hỏi tiếp: “Thế ý đồng chí thế nào?. Tôi vẫn đề nghị không nên về cấp 2, nếu bộ đội mệt mỏi thì được nghỉ, họp hành và học tập tại trận địa. Sau một lát suy nghĩ anh Mậu quyết định: “Đồng chí phổ biến miệng, không viết ra giấy”. Tôi mừng hết chỗ nói trước một quyết định rất khéo của Chính ủy. Nhưng vào lúc này, anh Phạm Hồng Liên - Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng túm lấy tôi và yêu cầu đồng chí phải viết lệnh cho bộ đội về cấp 2 thì chúng tôi mới cho bộ đội đi phép được chứ, bảo không quân anh Luyện cũng cho bộ đội về cấp 2 rồi. Tôi vẫn kiên trì ý kiến và nghiêm túc giãi bày ý kiến với anh Hồng Liên.

        Thật không ngờ sau hội nghị, các đồng chí chỉ huy lãnh đạo, sư đoàn trở về đơn vị thì sáng ngày 17-2-1979 bùng nổ chiến tranh, trên toàn tuyến biên giới Trung - Việt,

        Sau đó do công việc nhiều nên cũng chẳng nghĩ đến chuvện cũ. Nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi lại tự thấy sâu sắc 2 vấn đề. Đó là cán bộ tham mưu phải có tinh thần trách nhiệm thực sự và thực bụng, đồng thời cũng rất quý khi có chỉ huy sáng suốt. Bởi vậy bao giờ chỉ huy và tham mưu cũng gắn bó keo sơn với nhau.

        Đứng về mặt tinh thần, hồi đó chỉ huy lãnh đạo và chỉ huy Quân chủng và các sư đoàn thấy yên lòng về việc Quân chủng không về cấp 2 trong khi toàn quân về cấp 2.

        Trong nhiều năm, tôi đắn đo, không muốn nói chuyện này ra vì e đụng chạm đến nhiều người, mặt khác có thể bị dư luận cho là mình khoe khoang. Thời gian trôi qua đã lâu, đã trở thành chuyện lịch sử, nay mạnh dạn nói lên một kỷ niệm sâu sắc của mình trong thời phục vụ tác chiến của Quân chung. Chủ yếu là muốn nêu vấn đề mối quan hệ giữa tham mưu và chỉ huy.

        Chuyện kể với lòng thành thật. Mong được chút nào cảm thông của anh em đồng chí trong Quân chủng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:34:56 pm »

  
MỘT SỐ MẨU CHUYỆN

Đại tá Lê Cổ              
Nguyên sĩ quan Huấn luyện tên lửa
Bộ Tham mưu Quân chủng      

        1. Tình cảm của người Tư lệnh với sĩ quan tham mưu:

        Hồi công tác ở Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ), tôi thường được đi công tác với Phó tư lệnh Quân chủng - Thiếu tướng, giáo sư Đoàn Huyên. Ngày ấy, Bộ Tham mưu thường điều xe con - GAT 69 đít tròn (4-5 chỗ ngồi) cho cấp tư lệnh đi công tác. Riêng đồng chí đoàn Huyên yêu cầu cho xe đít vuông, đi được nhiều người hơn, như vậy có nhiều trợ lý tham mưu được đi cùng.

        Đầu tháng 10/1971, Quân chủng tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương, sở chỉ huy tiền phương đặt ở khu vực rừng núi nam Quảng Bình, ở sâu trong rừng. Để giữ bí mật, xe phải để ngoài bìa rừng, người xuống xe đi bộ khoảng 3 km vào sở chỉ huy. Các đồng chí khác có công vụ, y bác sĩ mang hộ đồ đạc, tư trang. Riêng đồng chí Đoàn Huyên vẫn mang ba lô trên lưng đi bộ, mồ hôi nhễ nhại, vừa đi vừa tranh thủ trao đổi công việc, có khi cánh trợ lý tham mưu chúng tôi có dịp thổ lộ tâm tư tình cảm với cấp trên. Có lần một đồng chí trợ lý mới cưới vợ ở Hà Nội mà chưa có nhà ở. Hết đợt công tác, đồng chí Phó tư lệnh đã chỉ thị cho cơ quan cán bộ sắp xếp cấp cho đồng chí này một căn hộ ở Hà Nội.

        2. Ai vào Rào Khế - Rào Trù (Địa danh nơí đặt SCH tiền phương Quân chủng):

        Sở chỉ huy tiền phương bố trí trong rừng nhiều cây cổ thụ, có nhiều loại phong lan, các loại lan rừng ở đây vừa đẹp, vừa vương vấn hương thơm dễ chịu bên cạnh chiếc võng dã chiến bên dòng suối trong xanh thật nên thơ sau những giờ công tác và chiến đấu căng thẳng.

        Cán bộ từ Hà Nội vào tiền phương công tác ai cũng tìm bằng được một giò phong lan. Đồng chí Tưởng - Một sĩ quan tham mưu mê chơi phong lan, đã có sáng kiến làm 2 vườn lan. Vườn lan trước sân là loại lan thường. Khách quý vào cố năn nỉ thì cũng chỉ tước đoạt 1 giò ở đó. Còn lan quý hơn được treo giấu ở vườn sau kín đáo hơn.

        Bởi vậy anh em mới có câu Ai vào Rào Khế, Rào Trù, mà xem Quân chủng lu bù phong lan. Sau đó ít lâu, nhân một đợt lực lượng PK ta thắng lớn, Tư lệnh Quân chủng mới sửa lại là: "Ai vào Rào Khế, Rào Trù, mà xem Quân chủng lu bù chiến công", để lại một kỷ niệm đến bây giờ.

        3. Ai mất vệ sinh hơn ai:

        Ở Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ trong những năm chiến tranh, công tác luôn luôn bận rộn, khẩn trưởng. Đồng chí Tô Ngội nghiện thuốc lá nặng nên 2 ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải lúc nào cũng bị nhựa thuốc lá bám thành màu nâu đen. Hồi đó không đủ thuốc điếu mà phải hút thuốc vấn. Do bận nên đồng chí thường mặc bộ quần áo cháo lòng. Có lần từ Hà Nội đi xe đến SCH tiền phương, xong việc trở ra Hà Nội, ngồi xe trên đường 15 làm gấp, bụi đất mù mịt, bụi bám khắp người chỉ chừa mắt, miệng vì đeo khẩu trang. Lần đó về cơ quan ở Hà Nội, một hôm chưa kịp giặt giũ lại có lệnh cùng với "gánh hát rong" của Bộ Tham mưu vào lại Quảng Binh. Bộ quần áo chiến trường lại được mặc tiếp lên đường.

        Đồng chí Lê Đức Khuê dáng người trắng trẻo, đẹp trai - trai Hà Nội mà! Trên tay lúc nào cũng cầm một quyển sách nghiên cứu, nên đã có câu "Tiền ông Bách, sách ông Khuê". Đồng chí Khuê thường chê đồng chí Ngội là mất vệ sinh. Tuy vậy, đồng chí Khuê lại hay cảm cúm, ho sụt sịt, nên Tô Ngội phản công ngay: Kẻ ở bẩn thế mà chẳng mấy khi đau ốm, còn anh chàng tự xưng sạch sẽ lại ốm đau luôn. Ai mất vệ sinh? và tặng luôn cho đồng chí Khuê một hộp dầu cao Sao vàng.

        4. Tào tháo đại náo Quách tiên sinh...

        Lần đó "gánh hát rong" chúng tôi vào công tác ở đất Lệ Thủy - Quảng Bình vào mùa cấy. Chúng tôi tạm trú trong nhà dân, thấy nhân dân bắt được nhiều ốc bươu. Tại Hà Nội mỗi lần la cà đến gánh bún ốc ở Cửa Nam ăn tô bún với vài con ốc thòm thèm, ở đây ốc bươu to béo ngậy, nhiều vô kể.

        Hôm ấy, chị chủ nhà xách về cho 1 giỏ ốc, cho vào ngâm nước gạo. Đáng lẽ ngâm kỹ vài bữa, nhưng hôm đó phải di chuyển đi nơi khác, nên tối đó hái lá bưởi trong vườn luộc hẳn một nồi ốc bươu.

        Đồng chí Quách Hải Lượng vừa ăn, vừa khen ngon, làm một hơi, 4 anh em ăn hết vèo nồi ốc. Đêm ấy Quách tiên sinh bị tào tháo đuổi, sáng ra người hốc hác. May nhờ mấy viên Sulfaganidan mang theo hóa giải được, nên mới có chuyện "Tào Tháo đại náo Quách tiên sinh".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:38:41 pm »


        5. Các chú bộ đội tài thật:

        Đêm 15 rạng 16/04/1972, sau khi tài liệu đánh B- 52 được hoàn chỉnh, 'gánh hát rong' chúng tôi đã đến huấn luyện cho các đơn vị Hà Nội - Hải Phòng. Bộ tư lệnh tổ chức diễn tập đánh B-52 cho Hải Phòng. Sở chỉ huy Quân chủng phát tình huống giả định theo đường vô tuyến mạng B2 để sở chỉ huy sư đoàn 363 thu và xử trí.

        Nhóm sĩ quan Tham mưu Quân chủng chúng tôi nghỉ ở nhà dân cạnh sở chỉ huy trung đoàn 238. Dự kiến 4h30 sáng 16/04/1972 tình huống diễn tập bắt đầu. Trước khi đi ngủ, chúng tôi mượn ông chủ nhà cái đồng hồ báo thức để chuông reo đánh thức chúng tôi 4 giờ dậy ra sở chỉ huy. Bất ngờ lúc 23h ngày 15/04/1972, Bộ Tổng tư lệnh thông báo có B-52 sẽ đánh Hải Phòng theo tin mật. Nghe còi báo động ở sở chỉ huy, chúng tôi choàng dậy, chạy ra sở chỉ huy thì nhận lệnh từ sở chỉ huy Quân chủng hoãn diễn tập và chuẩn bị chiến đấu. Lúc 3 giờ ngày 16/04/1972, có 270 chiếc máy bay Mỹ trong đó có 9 B-52 ném bom Hải Phòng. Do các đơn vị PK Hải Phòng không có kinh nghiệm bắn B-52 bằng phương pháp TT nên gần 100 quả tên lửa phóng lên mà không rơi chiếc nào.

        Sau đó ông chủ nhà hỏi chúng tôi, tình hình thế nào mà bom đạn nổ nhiều thế. Chúng tôi thưa với cụ là máy bay Mỹ đã ném bom thành phố. Ông cụ vừa rót nước chè mời chúng tôi uống vừa luôn mồm nói: "Các chú bộ đội tài thật, các chú đã biết trước địch vào ném bom từ hôm qua".

        6. Tên lửa CA-75M có thể bắn rơi B-52 tại chỗ?

        Tên lửa PK ta bắt đầu bắn B-52 từ ngày 19/9/1967 tại Vĩnh Linh, cho đến tháng 10/1972 ta đã đánh 110 trận được công nhận bắn rơi 23 chiếc, nhưng chưa có chiếc nào rơi tại chỗ.

        Nhớ lời Bác Hồ dặn "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua". Toàn Quân chủng Phòng không - Không quân nhất là tên lửa phòng không gấp rút chuẩn bị.

        Ngày 27/10/1972 Đảng ủy Quân chủng ra nghị quyết, trong đó có câu "kiên quyết bắn rơi B-52 tại chỗ”. Một đồng chí Phó tư lệnh nói với tôi "Tên lửa phòng không chưa bắn rơi B-52 tại chỗ, coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

        Lúc bấy giờ những kế hoạch tác chiến đánh B-52 bảo vệ Hà Nội đều được trao đổi và tham khảo ý kiến đoàn chuyên gia Liên Xô bên cạnh Bộ tư lệnh Quân chủng. Tôi đem vấn đề này trao đối với Bạn. Một số chuyên gia cho rằng B-52 với 8 động cơ phản lực, bay ở độ cao trên 10 km, đạn tên lửa ta diệt máy bay bằng mảnh nhỏ, không thể bắn rơi B-52 tại chỗ được, bởi vì B-52 không thể rơi thẳng đứng xuống đất mà có quán tính với tốc độ đang bay. Tôi biết tiếng Nga nên trao đổi trực tiếp tiếng Nga với Bạn. Khái niệm rơi tại chỗ của ta là: Máy bay rơi trên đất Việt Nam, ta thu được mảnh xác máy bay, tiêu diệt hoặc bắt sống được giặc lái..., các chuyên gia Liên Xô nhún vai có vẻ không tin.

        Trong trận Điện Biên Phủ trên không tên lửa PK đã bắn rơi 29/34 chiếc B-52 có 16 B-52 rơi tại chỗ.

        Trong phương án tác chiến bảo vệ Hà Nội, theo ý chuyên gia thì hướng công kích chủ yếu là Đông Nam, vì phía đó đồng trũng, hỏa lực ta mỏng. Ta đề nghị hướng chủ yếu là Tây Bắc và hướng phụ là Tây Nam. Sau nhiều ngày nghiên cứu, bạn có vẻ căng thẳng và nói: "Chúng tôi vì xương máu nhân dân Việt Nam mà phát biểu". Sau này trong buổi lễ mừng thắng lợi, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô trong lời chào mừng đã nói "Tên lửa của Liên Xô giúp đỡ cho Việt Nam trao đúng những bàn tay vàng của chiến sĩ tên lửa phòng không Việt Nam".

        7. Tình bạn chiến đấu máu lửa Việt - Xô:

        Ngày 19/08/1972, Tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 285 bảo vệ đường 1 Bắc đã xuất sắc bắn rơi tại chỗ chiếc RF-4C. Lúc 12 giờ 25 phút cùng ngày, máy bay địch đánh trúng trận địa tiểu đoàn. Chuyên gia Liên Xô Bun-đi-cốp Khi-ri-tô-nốp đang sửa chữa khí tài, bị thương nặng. Mặc dù đã kịp thời cấp cứu, kể cả anh em trong đơn vị tiếp truyền máu, nhưng vết thương quá nặng, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Sau này thư của mẹ đồng chí là bà Bu-di-cô-va Na-dê-rơ-va viết cho đơn vị rất xúc động, đau buồn trước cái chế của con trai yêu quý, nhưng cũng rất đỗi tự hào vì con bà đã cống hiến cuộc đời cho tương lai tươi sáng của Việt Nam.

        Trong cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã được Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Liên Xô và Trung Quốc hết lòng ủng hộ kịp thời và có hiệu quả cả vật chất, tinh thần và máu xương. Chúng ta không bao giờ quên tình hữu nghị quốc tế cao cả của các nước bạn đã dành cho chúng ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:42:26 pm »

       
MỸ SỬ DỤNG CTĐT ĐỂ ĐỐI PHÓ CÁC LỰC LƯỢNG PK-KQ TỪ NĂM 1964 - 1972

Trung tá La Văn Sàng                 
Nguyên cán bộ tham mưu Quân chủng       

        Cách đây hơn 40 năm, do thất bại trong cuộc Chiến tranh Cục bộ ở miền Nam, Mỹ đã sử dụng không quân từng bước leo thang đánh phá miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam, nhằm ngăn chặn chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

        Ngày 5-8-1964, đánh dấu ngày mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc.

        Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân, kể cả máy bay ném bom chiến lược B-52 tổ chức đánh phá liên tục ngày đêm và chúng đã tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

        Ý đồ của Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc làm cho nền kinh tế kiệt quệ, đồng thời ngăn chặn chi viện cho cách mạng miền Nam, ý đồ đó hoàn toàn bị phá sản.

        Ngược lại, không quân Mỹ bị lực lượng quân dân miền Bắc, nòng cốt là lực lượng PK-KQ đã gây cho chúng tổn thất nặng, buộc chúng xuống thang đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở vào từ 1-4-1968 đến 1-11-1968 (giai đoạn 1). Hàng ngàn máy bay các loại bị bắn rơi, bị thương, nhiều giặc lái bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh.

        Trong quá trình sử dụng không quân, từng bước Mỹ đã thực hiện CTĐT từ thấp đến cao để đối phó lại các lực lượng PK-KQ của ta. Tùy thuộc vào các mục tiêu đánh phá, lực lượng bảo vệ các mục tiêu, quy mô trận đánh để chung sử dụng CTĐT bảo vệ sao cho có hiệu quả lực lượng không quân vào đánh các mục tiêu của đối phương.

        - Tổ chức trinh sát điện tử.

        Trinh sát điện tử là một phần rất quan trọng của CTĐT, do đó không phải khi nào tổ chức trận đánh mới tổ chức cho trinh sát điện tử mà trước đó đã tổ chức trinh sát điện tử một cách toàn diện các mục tiêu của đối phương.

        Trước khi đánh phá miền Bắc bằng không quân, Mỹ đã tiến hành trinh sát điện tử ngày đêm suốt dọc bờ biển miền Bắc Việt Nam, từ trên không, các vùng biên giới, hải đảo, các hướng từ miền Nam - Lào - Thái Lan bằng EB-66, EC-121, hạm tàu, EB-66B, EK-A38, sau này dùng U2 tầng cao (TSQH), không người lái (KNL).

        - Tổ chức gây nhiễu điện tử.

        Sự phát triển của nhiễu điện tử từ ngày 5-8-1964 đến tháng 12-1972 là từ đơn giản tới phức tạp. Thời gian đầu sử dụng nhiễu tiêu cực, mục tiêu giả phục vụ hoạt động cho không quân thả biệt kích, nhằm đối phó rađa cảnh giới...

        Khi tên lửa phòng không của ta xuất hiện, ra quân trận đầu đánh thắng không quân Mỹ, thi không quân Mỹ được trang bị các loại máy gây nhiễu để đối phó lại lực lượng phòng không của ta như: Nhiễu xung trả lời, mục tiêu giả của hải quân, nhiễu tạp tích cực của không quân đối với rađa dẫn đường, cao xạ, tên lửa, rađa phòng không, nhiễu thông tin liên lạc, đối không...

        Từ cuối năm 1966 đến cuối năm 1972, xuất hiện máy gây nhiễu rãnh mục tiêu, nhiễu rãnh đạn dưới dạng nhiễu tạp, có cường độ nhiễu lớn, có ảnh hưởng rất lớn đến khí tài tên lửa khi phát sóng bắt mục tiêu, và đạn bị mất điều khiển... Máy gây nhiễu loại ALQ-71, ALQ- 87 có công suất lớn, dải tần số gây nhiễu rộng, bao trùm hết các dải tần số của khí tài được trang bị cho Quân chủng PK-KQ (tên lửa, rađa, cao xạ, không quân, dẫn đường, tiếp sức, đối không).

        Trong thời kỳ này các máy bay không quân chiến thuật Mỹ được trang bị máy gây nhiễu tích cực, lúc đầu là máy gây nhiễu QRC-160A và hình thành đội hình bay QRC, đội hình mật tập. Tiếp đến được trang bị máy gây nhiễu ALQ-71, ALQ-87 có công suất và dải tần đã nêu ở trên. So với đội hình bay QRC thì việc không quân chiến thuật được trang bị máy gây nhiễu ALQ-71, ALQ-87, đội hình trong một tốp được giãn rộng hơn. Máy bay hải quân được trang bị máy gây nhiễu xung trả lời, mục tiêu giả loại: AQL-41, AQL-51, AQL-100.

        Nhìn chung, không quân chiến thuật Mỹ được trang bị các máy gây nhiễu trong đội hình đã được cải tiến về cường độ nhiễu, dải tần số cũng được mở rộng, các loại nhiễu gây nhiều khó khăn cho lực lượng phòng không của ta.

        Việc sử dụng nhiễu tiêu cực cũng thay đổi (về thủ đoạn và mật độ sử dụng...)

        Theo lời khai của giặc lái từ tháng 8-1967, mỗi máy bay cường kích, tiêm kích được trang bị từ 2 - 3 máy gây nhiễu loại ALQ-71, ALQ-87.

        Đầu tháng 10-1968, tiểu đoàn tên lửa (Tiểu đoàn 88 trận địa Tó, Đông Anh) Trung đoàn 274 phát hiện nhiễu tạp có hiện tượng "sủi bọt nhiễu" ở cửa xung sóng chờ ở mạch bắt rãnh đạn. Từ tháng 12-1967 đến ngày 31-3-1968, các đơn vị tên lửa chính thức bị nhiễu rãnh đạn do máy gây nhiễu ALQ-71 gây ra. Loại máy này được trang bị trên máy bay cường kích không quân.

        Từ ngày 28-12-1967 đến ngày 2-1-1968, đội trinh sát nhiễu (Bộ Tham mưu) cũng thu được tần số fM = 3196 MC (tương ứng với tần số gây nhiễu rãnh đạn của địch), và độ rộng phổ nhiễu Delta = 94 - 130 MC.

        Qua theo dõi từ ngày 15-12-1964 đến ngày 19-12- 1967, Tiểu đoàn 88 tên lửa bị nhiễu rãnh đạn rất nặng, cùng thời gian này một số đơn vị khác cũng bị nhiễu tương tự.

        Trong những ngày này, Tiểu đoàn 88 có đánh một số trận trong điều kiện địch gây nhiễu tạp (ALQ-71) nhưng không đạt kết quả, vì rãnh đạn bị nhiễu rất nặng, mạch bắt không làm việc, đạn mất điều khiển rơi xuống đất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:44:16 pm »

        Cùng thời gian này Tiểu đoàn 44 ở trận địa Thanh Oai bắn 2 quả đạn bám vào dải nhiễu của EB-66 (đạn tự hủy). Vì lúc này ta chưa phân biệt được đâu là nhiễu trong đội hình và dải nhiễu ngoại đội hình.

        Trước tình hình địch sử dụng nhiễu dải có cường độ lớn, đầu tháng 6-1967, Quân chủng họp để rút kinh nghiêm, nghiên cứu đánh địch trong điều kiện có nhiễu dải và nhiễu xung trả lời và kết hợp cơ động.

        Trong giai đoạn này, do ảnh hưởng của nhiễu ALQ- 71, hiệu quả xạ kích tên lửa thấp, đạn rơi xuống đất nhiều, nên Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo, ngoài tìm và sử dụng phương pháp bắn 3 điểm khi có nhiễu tạp, Cục Kỹ thuật kết hợp với các chuyên gia Liên Xô nghiên cứu khắc phục nhiễu rãnh đạn làm mất điều khiển đạn rơi xuống đất.

        Qua nghiên cứu ta nhận thấy nhiễu ALQ-71 có dải tần số gây nhiễu rộng bao trùm cả tần số trả lời của đạn và mục tiêu của tên lửa CA-75 do Liên Xô chế tạo.

        Nhiễu ALQ-71 làm cho mạch bắt tên lửa không làm việc, cửa sóng chờ bám sát không bắt được tín hiệu đạn, hoặc bắt nhầm vào tín hiệu nhiễu của địch. Mạch bắt K72 hệ tọa độ không còn khả năng hoạt động khi mức điện áp APY-I của K56 tăng từ 4.8V - 5.2V nữa. Do đài không bắt được tín hiệu trả lời của đạn nên đạn mất điều khiển rơi xuống đất.

        Nhiễu ALQ-71 làm cho việc xác định tọa độ góc của tên lửa không ổn định dẫn đến không ổn định về lệnh điều khiển. Sự không ổn định của tọa độ rãnh đạn tăng lên rất nhanh khi có nhiễu ở trạng thái gần quá tải và quá tải máy thu rãnh đạn. Lúc này do lệnh điều khiển không ổn định, đưa đến xác suất tiêu diệt mục tiêu giảm rõ rệt gây ra đạn rơi xuống đất.

        Qua nghiên cứu nguyên nhân, hậu quả của nhiễu ALQ-71 đối với khí tài tên lửa CA-75, chúng ta đã có phương pháp khắc phục về kỹ thuật như sau: Thay đổi tần số của đài và đạn như: T, T1, T2 ngoài tần số TH của đài. Trong phạm vi dải tần của ăng ten. Khi thay đổi tần số T2 thì mức độ bị nhiễu của đài giảm một cách rõ rệt, điện áp mức APY-I của K56 của một số rãnh đã giảm từ -5.2V xuống còn -3.8V trong phạm vi bắt được của đài, và đài có khả năng bắt được tín hiệu đạn và có điều khiển.

        Điều chỉnh tần số của đạn từ TH đến T, T1, T2, theo từng bộ đài điều khiển.

        Điều chỉnh tăng công suất đạn tên lửa từ trên 20w đến 80w. Nâng cao tỷ số tín hiệu trên nhiễu tạp ở đầu vào máy thu tăng tính chất ổn định, thay một bộ phận (DP-15.

        Cho nối đất thiên áp K72 để tăng độ nhạy mạch bắt K72 khi đánh địch trong điều kiện có nhiễu dải AQL- 71 (AQL-87).

        Thu hẹp dải thông tần máy thu để hạn chế phổ nhiễu, nâng cao tỷ số tín hiệu trên nhiễu tạp ở đầu vào.

        Nghiên cứu mạch tự động khống chế tức thời hệ số khuyếch đại MAPY cho K56 để chống nhiễu tức thời.

        Nghiên cứu mắc mạch hạn chế và lọc nhiễu ở K56, nhằm hạn chế quá tải máy thu và giải quyết được bắt tín hiệu đạn của tên lửa.

        Nghiên cứu đưa điện áp APY ở K56 xe tính toán sang xe điều khiển để tiện kiểm tra cường độ nhiễu tạp. Khi chiến đấu tạo điều kiện cho SQĐK và tiểu đoàn trưởng hạ quyết tâm cho trận đánh nhanh chóng.

        Kết quả nghiên cứu đã giải quyết cơ bản chống nhiễu cho rãnh đạn và kịp thời đưa vào phục vụ chiến đấu trong tình hình địch tăng cường sử dụng nhiễu ALQ-71 và ALQ-87.

        Từ đây các trận đánh sau này, tên lửa đã không còn rơi xuống đất khi địch vẫn gây nhiễu tạp ALQ-71 và ALQ-87. Nên hiệu quả tên lửa đánh tiêu diệt mục tiêu trong nhiễu được nâng lên rõ rệt trong các đơn vị.

        Sau đợt tập huấn rút kinh nghiệm phương pháp bắn và cải tiến khí tài cho bộ đội tên lửa đánh máy bay không quân chiến thuật gây nhiễu trong đội hình thi từ ngày 12-8-1967, lần đầu tiên Tiểu đoàn 63 dùng phương pháp bắn 3 điểm bám sát vào dải nhiễu bắn rơi một chiếc RF4C trong một tốp 2 chiếc.

        Tiếp đến ngày 17-4-1967, Tiểu đoàn 46 bắn rơi một chiếc RF4C bằng phương pháp 3 điểm trong nhiễu dải dày đặc.

        Đầu tháng 10 và tháng 11-1967, trong các đợt đánh phá của địch, số máy bay bị bắn rơi bằng phương pháp 3  điểm đã tăng lên.

        Từ lúc không quân địch sử dụng nhiễu tạp trong đội hình (ALQ-71) cuối nãm 1966 đầu năm 1967 và đưa vào sử dụng rộng rãi trong tháng 5-1967 cho không quân chiến thuật, cho đến khi tên lửa ta nghiên cứu bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên ngày 12-8-1967 ở Tiểu đoàn 63 bằng phương pháp bắn 3 điểm phải mất thời gian là khoảng 3 tháng,

        Trong đợt tháng 8-1967, khi tên lửa bị nhiễu dải ALQ-71, chưa sử dụng cách đánh bằng phương pháp 3 điểm thì trung bình bắn 19 quả đạn tên lửa mới diệt được 1 máy bay. Nhưng đến tháng 10 và tháng 11-1967 đánh không quân địch bằng phương pháp 3 điểm, số đạn tiêu diệt mục tiêu đã giảm xuống còn 6.2 - 7.1 quả đạn tiêu diệt được 1 máy bay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:49:04 pm »

 
SỞ CHỈ HUY TRUNG ĐOÀN CAO XẠ TRONG CHIẾN DỊCH LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ

Đại tá Nguyễn Mạnh Đàn                 
Nguyên cán bộ Tham mưu Quân chủng       

        Chấp hành mệnh lệnh chiến dịch của Bộ Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ, toàn trung đoàn cao xạ 367 vượt bao gian khố hy sinh, với sự giúp đỡ của Đại đoàn 312, kéo pháo vào kéo pháo ra giấu quân ở khu vực tập kết an toàn. Cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 367 được tổ chức nghỉ ngơi lấy lại sức, ngày đêm tập trung kiểm tra hiệu chỉnh lại pháo, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

        Trong thời gian quý báu đó, để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, trung đoàn cử một tổ cán bộ tham mưu đi nghiên cứu địa hình, chuẩn bị chiến trường bao gồm:

       - Tìm trận địa ban đầu cho các đại đội của các Tiểu đoàn 383 và 394.

       - Tìm vị trí đặt sở chỉ huy trung đoàn.

       - Tìm đường để đưa bộ đội vào chiếm lĩnh bằng xe kéo khi có lệnh triển khai chiến đấu.

        Tôi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ trinh sát địa hình, đêm đêm lần mò từng mỏm đồi, bãi cây rậm rạp, tìm trận địa cho các đơn vị Tiểu đoàn 383 phía Đông Bắc và Tiểu đoàn 394 phía Bắc. Công việc tuy khó khăn vất vả, song cuối cùng cũng xác định được các vị trí của các đại đội và đường kéo pháo vào chiếm lĩnh.

        Việc quan trọng và khó khăn nhất là vị trí để đặt Sở chỉ huy trung đoàn.

        Yêu cầu của Sở chỉ huy trung đoàn cao xạ là tổ chức cho được mạng thông tin chỉ huy từ trung đoàn đến các tiểu đoàn, và từ sở chỉ huy trung đoàn đến sở chỉ huy Đại đoàn 351, sở chỉ huy trung đoàn phải quan sát được mọi hoạt động của các đại đội và mọi hành động xâm phạm của Không quân địch.

        Điện Biên Phủ là một lòng chảo, chung quanh đều là núi cao bao bọc, cây cối rậm rạp, rất khó khăn để đạt đủ các yêu cầu thỏa mãn cho sở chỉ huy trung đoàn cao xạ.

        Qua mấy ngày đêm leo núi vất vả, cuối cùng chúng tôi phát hiện một ngọn đồi không cao lắm, nằm trước dãy núi cao phía Bắc Điện Biên Phủ. Ngọn đồi này đã bị pháo bắn và bom phá tan hoang, cây cối đổ và cháy ngổn ngang. Chúng tôi leo lên đỉnh đồi thì bất ngờ thấy nó thỏa mãn mọi yêu cầu của sở chỉ huy mà chúng tôi mong muốn. Vừa mừng, song vừa lo vì đây là ngọn đồi trống trải, cháy trụi rất dễ lộ, chúng tôi phán đoán là địch đã trinh sát kỹ địa hình và phát hiện đây là ngọn núi nguy hiểm đối với chúng, cho nên chúng đã dùng pháo và bom phát quang để đối phương không thể sử dụng được.

        Tương kế tựu kế, chúng tôi thấy đây là nơi bất ngờ nhất mà ta phải lợi dụng để đặt sở chỉ huy trung đoàn, song điều quan trọng là phải có tổ chức thật nghiêm túc công tác giữ bí mật cả ngày lẫn đêm, không được để lộ một dấu hiệu gì thay đổi trên địa hình của quả đồi.

        Báo cáo với đồng chí chỉ huy trung đoàn Nguyễn Quang Bích, được đồng chí nhất trí đặt sở chỉ huy tại đây, cao điểm 630, và cho bộ đội xúc tiến triển khai hệ thống hầm hào. Đất đào lên phải tập trung đổ xuống hố bom và ngụy trang kỹ càng. Mọi hoạt động đều tổ chức dưới hầm được ngụy trang cẩn thận. Đêm đến, không được dùng đèn để khỏi lộ ánh sáng ra ngoài, phải tuyệt đối không dùng đèn pin.

        Từ sở chỉ huy trên cao điểm 630 này bảo đảm quan sát suốt cả chiều sâu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tính từ Bắc Him Lam đến Hồng Cúm, từ khu trung tâm sân bay Mường Thanh đến sân bay Hồng Cúm. Mọi hoạt động của Không quân địch đều được phát hiện kịp thời, do đó sở chỉ huy đã phục vụ tốt cho việc chỉ huy bộ đội.

        Từ sở chỉ huy còn có thể nắm được mọi hoạt động của các đại đoàn bộ binh, các khu vực trận địa của pháo binh ta, tạo điều kiện cho hiệp đồng chiến đấu. Từ đó cao xạ đã bảo vệ an toàn cho bộ binh và pháo binh trong cả chiến dịch. Cũng từ sở chỉ huy, chúng tôi theo dõi được mọi hành động chiến đấu, xạ kích của các đại đội cao xạ, kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm chấn chỉnh những thiếu sót và phổ biến cho các đơn vị nhanh chóng nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội cao xạ, táo bạo và bí mật, bất ngờ sử dụng cao điểm 630 làm sở chỉ huy Trung đoàn 367 trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ là một yếu tố quan trọng đã bảo đảm cho việc chỉ huy trung đoàn cao xạ lần đầu ra trận.

        Suốt cả thời gian chiến dịch không có một quả đại bác hay một quả bom nào rơi vào sở chỉ huy, bảo đảm sở chỉ huy tuyệt đối an toàn và liên tục chỉ huy chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2016, 08:18:56 am »

       
NHỚ LẠI HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG KHOA HỌC QUÂN SỰ QUÂN CHỦNG PK-KQ NHỮNG NĂM 1966 - 1968

Đại tá Nguyễn Văn Thụ                         
Nguyên trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân chủng       

        Tháng 10-1963 lực lượng Không quân hợp nhất với lực lượng phòng không thành Quân chủng Phòng không - Không quân.

        Tổ chức khoa học quân sự của Cục Không quân chuyển thằnh Phòng Khoa quân sự Quân chủng PK- KQ. Đồng chí Trần Hậu Tưởng giữ nguyên chức trưởng phòng. Phòng có 20 người được tổ chức biên chế theo 4 bộ phận:

        - Nghiên cứu chiến thuật có 4 cán bộ trung cấp.

        - Nghiên cứu kỹ thuật có 5 kỹ sư KQ.

        - Tổ thu hồi máy bay có 5 sĩ quan.

        - Văn thư, hành chính và kho có 5 người.

        Tháng 5/1966, Quân chủng điều tôi - về thay đống chí Tưởng đi công tác. Đồng chí Chính ủy Đặng Tính, đồng chí Tham mưu trưởng Hoàng Văn Khánh giao tiếp thêm những nhiệm vụ nặng nề cho phòng Khoa học quân sự, bao gồm:

        1. Nghiên cứu và rút ra bài học về không quân địch vào xâm phạm vùng trời và đánh các mục tiêu.

        2. Tìm hiểu kỹ và phân tích các loại mục tiêu mà kẻ địch đã trinh sát tới và tìm cách đánh phá. Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thực lực lực lượng phòng không chúng ta để đóng góp ý kiến cách sử dụng vào tác chiến.

        3. Thu hồi các máy bay địch bị bắn rơi, bao gồm tất cả trang thiết bị và vũ khí.

        4. Tổ chức trưng bày ở trong nhà các loại khối trang thiết bi và một bãi lớn trưng bày xác máy bay, ta thu được để các cán bộ, đơn vị về nghiên cứu hiện vật.

        Với bốn nhiệm vụ được giao, lực lượng của Phòng còn quá mỏng. Vì vậy, ngay sau đó đồng chí Chính ủy đã duyệt đề nghị của đồng chí Tham mưu trưởng tăng cường lực lượng cho Phòng Khoa học quân sự. Sau khi bổ sung, Phòng Khoa học quân sự có 66 đồng chí, gồm:

        - 5 cán bộ trung cấp về chiến thuật.

        - 21 kỹ sư, trong đó có Phó tiến sĩ Kiên.

        - Thành lập Đội thu hồi máy bay địch có 26 người do đồng chí Thắng làm đội trưởng, được trang bị 3 ôtô "Gat" 63.

        - 12 đồng chí văn thư, hành chính, bảo tàng, phiên dịch.

        - Đồng chí Đỗ Văn Phúc trung đoàn phó 275 được điều về làm phó phòng Khoa học quân sự.

        Tiểu đoàn 8 nhiễu, trinh sát trên không trực thuộc phòng Khoa học quân sự (trước đây trực thuộc Tham mưu trưởng) vẫn do đồng chí Lê Sĩ Học phụ trách. Đến 1967 Cục Tình báo điều đồng chí Học về Bộ Quốc phòng thì đồng chí Đại úy Phan Thu - Trợ lý nghiên cứu nhiễu về phu trách d8.

        Phòng Khoa học quân sự được phân chia thành nhiều tổ, nhóm phụ trách từng chuyên ngành:

        - Nhóm nghiên cứu về lực lượng PK-KQ của ta:

        + Lúc đó có 5 sư đoàn phòng không (361, 363, 365, 367, 377) + 8 trung đoàn tên lửa 236, 238, 274, 275, 278, 257, 268 tên lửa TQ, 1 sư đoàn không quân 371, trung đoàn 919 không quân cánh quạt, bố trí ở 15 sân bay: Vinh, Đồng Hới, Sao Vàng, Gia Lâm, Cát Bi, Kiến An, Kép, Nội Bài, Miếu Môn, Hòa Lạc, Yên Bái, Mường Thanh, Na Sản, Bạch Mai, Tông và một số sân bay cỏ.

        + Các mục tiêu địch hay trinh sát: Các công trình giao thông đường bộ, bến phà, đường sắt, bến cảng, kho tàng, khu vực quân sự, nơi đóng quân, các cơ sở văn hóa, các thành phố lớn, nhỏ cạnh mục tiêu giao thông, khu vực quan trọng cấp quốc gia, khu kinh tế, văn hóa, chính trị... Mỗi mục tiêu đều phải được phân tích đánh giá về tầm quan trọng và nguy cơ có thể bị địch xâm phạm, đánh phá, do lực lượng PK-KQ của ta có hạn nên không thể bố trí dàn trải, vi vậy phải dựa trên đánh giá phân tích mục tiêu để bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên hoặc lực lượng cơ động đến bảo vệ.

        - Nhóm nghiên cứu về không quân đế quốc Mỹ vào đánh phá Việt Nam.

        Máy bay địch có thể xuất hiện bất cứ thời gian nào, bất kể ngày hay đêm. Chứng có thể bay theo tốp nhỏ, đơn lẻ để trinh sát mục tiêu, trinh sát khí tượng bằng F- 105, F-4, SR-71, gây nhiễu bằng máy bay như EB-66. Địch có thể bay vào theo đội hình, có nghi binh, yểm trợ, có máy bay tấn công. Tùy theo mục tiêu lớn, nhỏ mà đội hình bay lớn nhỏ khác nhau. Mỗi loại máy bay làm nhiệm vụ gì thì trang bị vũ khí thích hợp, như không chiến thì trang bị tên lửa Sparrow, Sidewinder, và các loại súng pháo. Trên máy bay tiêm kích F-4, A-4, F-105, F-8 có kèm theo cả thiết bị gây nhiễu. Để đánh phá các mục tiêu mặt đất, máy bay được trang bị tên lửa Shrike đánh vào trận địa tên lửa, rađa của ta. Ngoài ra địch còn sử dụng các loại bom phá, bom xuyên, bom bi, bom dứa, bom từ trường, "rốckét", các loại dùng để đánh phá tất cả các loại mục tiêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2016, 08:20:43 am »

        Khi địch vào đánh mỗi loại- mục tiêu, thì thủ đoạn hành động của chúng cũng rất xảo quyệt, thể hiện ở hướng bay, bay cao, thấp, tốc độ bay, chiến thuật bay. Như ngày 3 - 4/4/1965, địch bất ngờ dùng lực lượng máy bay lớn, từ hạm đội ngoài biển các căn cứ sân bay miền Nam theo nhiều hướng vào đánh cầu Hàm Rồng, với đội hình bay có cường kích, đột kích, có máy bay yểm trợ, yểm hộ, có máy bay tiêm kích, trinh sát, có máy bay nghi binh, là đội hình bay hoàn chỉnh vào từ Ghép, Nam Ngạn đến vùng trời Hà Nam. Máy bay địch mang theo nhiều vũ khí hiện đại, hòng phát hiện mục tiêu, dùng thủ đoạn bay thấp từ xa để tránh sự phát hiện của rađa và các trạm quan sát của ta rồi đột nhiên vọt cao, hình thành đội hình vào tấn công mục tiêu.

        Với sự phán đoán đúng kẻ địch, Quân chủng đã kịp thời cơ động e228 đến bố trí sẵn cùng dân quân địa phương phục kích đánh địch khi còn cách xa mục tiêu, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay địch, làm rối loạn đội hình bay của địch. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Quân chủng ra lệnh 2 biên đội máy bay lần đầu xuất trận, xông vào không chiến, hạ rơi F-8, F-105 tại chỗ. Tiếp sang ngày thứ 2 (4/4/1965), thực hiện hiệp đồng quân dân, không chiến đánh rơi cả F-4 và làm một số loại máy bay khác bị thương, làm tan rã đội hình, địch phải rút chạy ra biển vào Nam. Trong cả 2 ngày, quân dân ta đã đánh rơi tại chỗ 8 máy bay Mỹ gồm có: F-8, F-105, F-4, AD-6, bảo vệ mục tiêu, quân dân ít thương vong, các biên đội của ta bay về hạ cánh an toàn. Được Bác Hồ khen Không quân ra quân đánh thắng trận đầu, quân dân ta rất phấn khởi, tin tưởng.

        Với các trạm rađa, các trạm quan sát, đã có khẩu hiệu cho binh chủng “Địch đến biết", không để sót lọt một mục tiêu nào. Kịp thời thông báo cho bộ đội ta vào cấp I , có thời gian chuẩn bị, sẵn sàng chủ động đánh địch, bảo đảm dẫn đường cho máy bay các loại của ta tiêu diệt địch.

        Cứ mỗi lần máy bay địch vào đánh phá mục tiêu hoặc xâm phạm vùng trời, ta đều đăng ký tỉ mỉ vào sổ, vẽ lên bản đồ, để đưa ra giao ban hàng ngày, nghiên cứu và kết luận về địch và cách tác chiến của ta, đánh giá những ưu, khuyết điểm và rút kinh nghiệm. Việc đăng ký được thực hiện liên tục, ngày ngày tháng tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần khi địch bay vào đánh một loại mục tiêu để rút ra quy luật hoạt động của chúng xâm phạm vùng trời của ta từ đó có chủ trương, chủ động sử dụng lực lượng đánh thắng, bảo vệ vững chắc những mục tiêu quan trọng của đất nước.

        - 3 ví dụ ta biết chắc địch, nắm chắc lực lượng của ta, sử dụng để đánh chắc thắng:

        + Tiểu đoàn 18 Trung đoàn pháo cao xạ 212 cơ động bố trí bảo vệ Đáp Cầu, chỉ huy trung đoàn nắm được đường bay của địch vào đánh mục tiêu, đã bố trí các đại đội pháo cao xạ 37mm và một số tiểu đội súng máy 12,7mm, phục kích đánh khi địch hạ thấp độ cao và thả bom mục tiêu thì nổ súng đúng chỗ hiểm, máy bay địch rơi tại chỗ: 4 F4 ở đồng ruộng Tiên Sơn, Bắc Ninh. Bom, súng vẫn còn trong thân máy bay, địch chưa kịp sử dụng. Đây là trận đánh rơi nhiều máy bay của pháo 37mm tiểu đoàn 18, nổi tiếng trong toàn quân, được cấp trên tuyên dương, trao cờ quyết chiến, quyết thắng.

        + Tiểu đoàn tên lửa, Trung đoàn 236 bố trí bảo vệ mục tiêu vòng ngoài Hà Nội, mở máy bắt và bám mục tiêu, ấn nút 2 quả tên lửa bay lên gặp mục tiêu nổ ngay khi địch đang vòng tránh bị áp suất và mảnh bắn vào, rơi tại chỗ F-105 ở vùng Văn Điển, Nam Hà Nội. Trong thân máy bay còn mang tên lửa Shrike và pháo chưa kịp sử dụng. Đây là trận đánh đặc sắc, bắn rơi máy bay mang tên lửa Shrike còn nguyên vẹn loại này chuyên dùng để đánh vào tên lửa ta. Ngay thời điểm đó, Bộ Tổng tham mưu đã cử cán bộ xuống nghiên cứu và đề nghị Bộ tuyên dương khen thưởng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2016, 08:22:08 am »

        + Khi chỉ huy phát hiện được địch bay từ cửa Đông Nam Ba Lạt và 1 tốp lớn bay theo hướng Đông Bắc Cát Bà, chỉ huy đoán địch sẽ đánh vào mục tiêu sân bay Kép nên ra lệnh cho 2 biên đội (có biên đội đồng chí Tịnh chỉ huy) xuất kích bay đến vùng hiệp đồng không chiến, biên đội MiG-17 của đồng chí Tịnh hướng vào tốp máy bay AD-4 cường kích của địch là loại máy bay có tính năng và tốc độ ưu việt hơn MiG-17. Khi gặp địch, Tịnh cho biên đội lượn vòng trong của AD-4, chiếm lợi thế và xạ kích. Khi AD-4 lướt qua thì biên đội nhanh chóng tăng tốc bám máy bay địch xạ kích vào nách lưng, máy bay địch bi bắn bất ngờ, rơi tại chỗ. Lần lượt cả 4 máy bay MiG-17 đánh rơi AD-4 của hải quân Mỹ ở vùng Chủ Lục Ngạn. Ta thu được máy bay, toàn bộ trang thiết bị và bắt được giặc lái nhảy dù xuống đất. Cả 2 biên đội xung kích và yểm trợ về hạ cánh ở Kép an toàn tuyệt đối. Đây là trận đánh thắng rất xuất sắc, vừa đánh tan đội hình lớn tấn công 2 hướng vào đánh mục tiêu, vừa đánh tan xác 4 máy bay AD-4 ở hạm bay vào. Sau trận đánh, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng Tư lệnh Phòng không Phùng Thế Tài dùng trực thăng bay lên Kép rút kinh nghiệm trận đánh không chiến, biểu dương, tuyên dương từ chỉ huy trưởng Đào Đình Luyện, 2 biên đội lái, cùng các cá nhân tham gia trận đánh.

        Các chiến công, chiến lệ đều được ghi vào lưu chiểu cho người sau noi gương.

        Việc nghiên cứu không quân địch và tìm hiểu về lực lượng của ta, phòng Khoa học quân sự tuy nghiên cứu còn ít ỏi, nhưng đã đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu của tập thể lớn Quân chủng, giúp cho Tư lệnh và Tham mưu trưởng phán đoán đúng kẻ địch, đề ra chủ trương, quyết sách sử dụng lực lượng PK đánh thắng địch.

        Nghiên cứu máy bay và các hiện vật thu hồi ỏ máy bay địch.

        1. Thu hồi máy bay địch.

        Địch dùng máy bay đánh lan tỏa ra miền Bắc thì bị ta bắn rơi cũng đến hàng trăm chiếc như trận Hàm Rồng ta chở về động cơ F-8, F-105, thu trận Đáp Cầu 2 máy bay AD-4, về lắp ráp được thành hình 1 chiếc AD-4. Vũ khí Spaưow, Sidewinder, pháo Vulcal, 30mm, nhiều mảnh bom và trang thiết bị. Thu F-105 gãy nhiều bộ phận nhưng tên lửa Shrike gần như còn nguyên vẹn. Thu động cơ máy bay AD-4 và trang thiết bị máy bay và thiết bị giặc lái ở trận không chiến ở Chũ, Lục Ngạn. Thu 1 máy bay không người lái gần như nguyên vẹn, dù vẫn còn mắc trong lưng máy bay ở bờ sông Hồng, làng Hải Bối. Thu ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh rất nhiều bom bi, bom dứa, bom từ trường, gồm cả vỏ bom, một số "lắc" vàng ghi số hiệu giặc lái, đèn, máy tín hiệu, và rất nhiều loại trang bị.

        Nhiều mảnh máy bay và động cơ máy bay ta thu về lắp ghép thành 20 chiếc máy bay như F-8, F-105, AD-4, F-4, không người lái... tất cả có 8 loại. Rất nhiều bảng khối điện tử tên lửa Shrike, máy bay không người lái, súng Vulcal 4 nòng, 1 khẩu 30mm, súng ngắn, dao, bản đồ, ống nhòm, máy tín hiệu, cờ xin ăn, ký hiệu máy bay, Plắc vàng, dù máy bay không người lái, dù giặc lái, mũ bay, trang phục bay của giặc lái...

        Những máy bay, trang thiết bị thu được, Quân chủng cho lập chỗ trưng bày cạnh Quân chủng ở gần "Hăng ga" sân bay Bạch Mai. Những động cơ, thiết bị nhỏ, trưng bày trong 1 nhà dài 70m rộng hơn l0 m. Lập 1   kho để những loại thiết bị nhỏ gần Quân chủng, 1 kho lớn ở gần chùa Trầm để các thiết bị, vũ khí còn tương đối nguyên vẹn. Việc trưng bày và lưu giữ hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu được thuận tiện và cho các đơn vị, cơ quan bạn khi cần đến nghiên cứu hiện vật có sẵn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2016, 08:24:04 am »


        2. Nghiên cứu các tài liệu, hiện vật có sẵn.

        Phòng đã lập 5 nhóm cán bộ kỹ sư:

        - Nhóm kỹ sư nghiên cứu cơ khí máy bay.

        - Nhóm nghiên cứu thiết bị máy bay.

        - Nhóm nghiên cứu đặc thiết, máy điện tử, máy gây nhiễu.

        - Nhóm nghiên cứu về trang bị giặc lái, gồm dù + thiết bị nhảy dù.

        - Nhóm nghiên cứu về các loại vũ khí trên máy bay.

        Nhiều hiện vật thu được, kết hợp đối chiếu với các tài liệu máy bay địch do Cục Tình báo cấp, với các tài liệu do các bạn Liên Xô, Hung-ga-ry, CuBa giúp cho ta mà nghiên cứu được: Tính năng, tác dụng, sức cơ động của các loại máy bay trinh sát, gây nhiễu như không người lái, Shrike, F-105, E-66, EB-66,... nghiên cứu được loại gì thì thông báo cho đơn vị để ứng dụng ngay vào tác chiến. Như cao xạ trung đoàn 280 bảo vệ ở Bến Thủy, một vùng cơ động trận địa rộng lớn vòng quanh mục tiêu. Từ vòng trong cạnh Bến Thủy đến vòng ngoài phía Nam, Tây Hồng Lĩnh, phía Bắc, Tây, Đông có đồi núi liền nhau từ Thanh Chương, Đại Huệ, Sông Cấm Cửa Lò, nhiều chỗ bố trí đón lõng đánh địch từ xa, đã đánh rơi tại chỗ và bắn bị thương nhiều máy bay địch. Có F105 thả bom từ trường lần đầu tiên vào vùng dân cư và trận địa pháo phía Tây Nam Hồng Lĩnh, trong đó có nhiều quả chưa nổ. Phòng Khoa học quân sự cử đồng chí Tài kỹ sư quân giới vào nghiên cứu. Đang bò vào gần tới quả bom nhỏ thì bom nổ đúng vào người, đồng chí Tài hy sinh. Có thể lúc đó đồng chí mang theo dao nhíp, chìa khóa, hoặc khóa thắt lưng có kim loại đến gần bom gây kích thích cho từ trường nổ. Đồng chí Chân bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu đã cử cán bộ vào lập bia chôn cất rất cẩn thận, ghi công liệt sĩ và tinh thần dũng cảm của đồng chí Tài. 

        Các bom bi, bom dứa, bom phá, bom xuyên đã được trưng bày ở bảo tàng, thu được nhiều băng, khối tên lửa Shrike tương đối nguyên vẹn, còn đang trong giá móc của F-105, do tên lửa trung đoàn 236 bắn rơi. Nhờ có nó, các kỹ sư lắp ráp các băng khối tên lửa Shriké đã thu được gần giống tên lửa Shrike mới thu về. Ta nghiên cứu được cách bắn của Shrike ở màn rađa tên lửa thì tự động quay lệch cánh sóng tên lửa của ta vào vùng không có dân, để Shrike nổ vào khoảng trống. Từ thành công này, một chuyên gia trẻ của Liên Xô đã làm luận án tiến sĩ chống Shrike của địch.

        Nghiên cứu được các luồng máy bay bay thấp, các máy bay gây nhiễu, tránh bắt mục tiêu của rađa ta, buộc địch phải bay cao qua những vùng núi khuất, cửa biển. Ta thả bóng khí tượng có độ cao tương ứng, địch buộc phải bay cao. Ngoài rađa trinh sát, ta còn nghiên cứu lập rất nhiều trạm quan sát bằng kính viễn vọng nên rađa phát hiện địch ở cự ly xa, kịp thời cho lực lượng phòng không vào cấp I. Địch dùng ARC-45 và anten gây nhiễu mành mành nặng cho tên lửa. Tên lửa nhờ có trạm quan sát viễn vọng, thông báo địch vào gần đến cự ly bắn của tên lửa, mở máy bắt mục tiêu và phóng đúng thời cơ, máy bay địch rơi và bị thương rất nhiều. Đến khi địch gây nhiễu toàn màn của tên lửa và không quân ta, ta đã có nhiều biện pháp đánh thắng chúng, như trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, tất cả dân quân, cao xạ, tên lửa không quần, đều đánh dập đầu, B-52, F-111, F-4, từng tốp giặc lái cúi đầu bước vào cư trú ở khách sạn Hintơn Hà Nội.

        Tiểu đoàn 8 nhiễu thu các tin máy bay địch trên không, thu tất cả bước sóng gây nhiễu của địch, so đồng chí Phan Thu - Đại úy, Tiểu đoàn trưởng là người chuyên nghiên cứu nhiễu về phụ trách đơn vị. D8 có đủ trang thiết bị, máy móc để nghiên cứu, phục vụ cho Phòng Tác chiến, Phòng Trinh sát, Phòng Thông tin, phục vụ cho Phòng Khoa học quân sự để nghiên cứu.

        Các hiện vật máy gây nhiễu ARC-45, anten LQ-71 của địch cũng như các khối bảng chương trình điện tử của máy bay không người lái, tên lửa Shrike, tên lửa Sparrow, Sidewinder, với các thiết bị điện tử trên máy bay địch được nghiên cứu phục vụ kịp thời cho tác chiến; những tài liệu ghi chép được lưu bảo mật, để sử dụng vẻ sau.

        Phòng Khoa học quân sự đã làm việc với Trường Đại học Bách khoa nhờ các thiết bị thí nghiệm để thí nghiệm ARC-45, lập trình của máy bay không người lái. Do phần nghiên cứu của ta còn hạn chế, được sự đồng ý của cấp trên, nhờ tùy viên quân sự Liên Xô mang hiện vật về nước nghiên cứu, kết quả được đến đâu thông báo kịp thời nhanh cho ta đến đấy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM