Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:30:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh  (Đọc 29682 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:03:59 am »

        Tôi được phân công giới thiệu máy ra đa cho Đại tướng. Sau phần nói về tính năng chiến kỹ thuật của ra đa RZ-2, tôi định nói tiếp về nguyên lý làm việc thì đồng chí Tạ Quang Bửu đã giải thích luôn rất trôi chảy về nguyên lý làm việc của ra đa, những điểm khác nhau của ra đa và các loại máy thu phát thông tin thông thường; đồng chí Tạ Quang Bưu đúng là một nhà khoa học uyên bác, chúng tôi nhìn đồng chí đó với con mắt rất thán phục. Cuối cùng, tôi có trình bày với Đại tướng về tình hình ảnh hưởng của khí hậu nước ta đến chế độ làm việc của ra đa. Đại tướng nhắc nhở chúng tôi: "Phải chịu khó học tập để làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại, biết cách sử dụng phù hợp với con người và điều kiện khí hậu nước ta; rồi đây, chúng ta còn sẽ được trang bị nhiều thứ hiện đại hơn thế này". Lời nói đó của Đại tướng đã thành hiện thực, chỉ vài năm sau Binh chủng Ra đa ra đời, một binh chủng kỹ thuật rất quan trọng của Quân chủng Phòng không - Không quân làm nhiệm vụ canh giữ rừng chắc bầu trời của Tổ quốc.
       
        4 - Chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày Quốc khánh nước ta, bộ đội kẻo về sân bay Bạch Mai rất đông để luyện tập duyệt binh. Việc giữ bí mật và che chắn ra đa càng khó khăn, nhưng sân bay lại trở nên nhộn nhịp làm lính ra đa chúng tôi đỡ buồn vì chúng tôi rất ít được ra ngoài, tuy phố phường Hà Nội sau ngày giải phóng vô cùng tấp nập, luôn hấp dẫn chúng tôi. Ngày 2/9/1955 đến, một việc mà bây giờ nghĩ lại, chúng tôi cảm thấy ấu trĩ, nhưng hồi đó chúng tôi rất tự hào, với 3 chiếc ra đa RZ-2, chúng tôi được giao nhiệm vụ mở máy cảnh giới bầu trời bảo vệ cho cuộc mít tinh và duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình, tuy loại ra đa này chỉ quan sát được phạm vi 42km. Nhưng dù sao, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng ta cũng chưa có một phương tiện nào để cảnh giới trên không một cự ly xa như vậy.
       
        Thời gian đó, chúng tôi chưa hiểu thế nào là nhiễu điện tử đối với ra đa và khi chúng tôi luyện tập bắt mục tiêu thường rất dễ dàng, tín hiệu phản xạ của máy bay được nổi lên màn hình "Trong xanh củ lạc", không một gợn nhiễu nào, chỉ có nhiễu tiêu cực của phản xạ địa vật mà thôi.
       
        Một thời đã qua, cái thời mà ra đa RZ-2, loại ra đa đầu tiên của Quân đội ta, chỉ có khả năng bám sát mục tiêu bằng tay qua phương pháp bán tự động, nhưng chính phương pháp bám sát này đã là nguồn khêu gợi chúng tôi có những đề tài cải tiến cho các loại ra đa hiện đại hơn sau này như ra đa COH-9A, COH-4 do Liên Xô chế tạo để bắt mục tiêu bay thấp và chống nhiễu xung trả lời cho ra đa, đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Việc đó nhắc nhở chúng ta một điều là không nên coi thường cái thô sơ, cái mà kẻ địch không ngờ tới, có thể là cái có khả năng đối phó có hiệu quả cái hiện đại hơn của địch. Ngày nay, được tiếp cận với các loại ra đa, pháo Phòng không, tên lửa phòng không hiện đại hơn nhiều, chúng tôi không bao giờ quên cái buổi ban đầu làm chủ loại ra đa RZ-2, cũng như làm chủ loại pháo phòng không tầm trung 88mm, bước quá độ của lịch sử trang bị cho Quân đội ta. Các cán bộ chiến sĩ của ra đa RZ-2 có tổng cộng đến gần 100 người, sau này được điều động tham gia xây dựng nhiều chủng loại ra đa khác hoặc trở thành cán bộ chỉ huy, cán bộ quản lý các cấp từ cấp trung đoàn, sư đoàn, quân chủng, Bộ Quốc phòng. Tôi không bao giờ quên các đồng chí như đồng chí Nguyễn Việt Hải làm tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn trưởng tên lửa; đồng chí Nguyễn Cường Sơn làm đại đội trưởng, rồi trung đoàn trưởng ra đa; đồng chí Vũ Ngọc Diệp làm tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng rồi phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng; đồng chí Bùi Biếng - Trung đoàn trưởng pháo phòng không rồi Cục trưởng Cục Hậu cần; các đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Đào Khánh làm trung đoàn trưởng rồi Phó tư lệnh Binh chủng ra đa... Nhiều đồng chí khác được quân đội bố trí lâu dài đi sâu vào kỹ thuật ra đa như các đồng chí Nguyễn Ngọc Linh, Hoàng Thế Kỳ, Hoàng Văn Khoa, Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Thanh Loan, Phạm Văn Viễn v.v... đã trở thành những chuyên gia ra đa giỏi của Quân chủng Phòng không - Không quân đứng vững ở các vị trí làm giáo viên Trường Phòng không, cán bộ nghiên cứu khoa học ở viện phòng không, cán bộ kỹ thuật của các trung đoàn, sư đoàn phòng không.
       
        Tất cả họ đều đã xứng đáng và không hổ thẹn là những người đầu tiên góp phần đặt nền móng cho ngành Ra đa của Quân chủng và là những người có đóng góp quan trọng cho việc xây dựng và phát triển của Quân chủng.
       
        Hôm nay, khi đã cập kè ở tuổi 80, được ôn lại một chặng đường của sự nghiệp quân sự của mình, bồi hồi nhớ lại các bạn bè đồng chí đã đi cùng mình trong chặng đường đó, hiện nay có người còn, có người đã mất mà lòng tôi cảm nhận niềm vui xen lẫn nỗi buồn trong muôn vàn kỷ niệm không bao giờ quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:31:57 pm »

       
NHỮNG NGÀY Ở SỞ CHỈ HUY TIỀN PHƯƠNG
QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
TRONG CHIẾN DỊCH TRỊ - THIÊN NĂM 1972
       
Thiếu tướng Lê Huy Vinh                   
Nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng       
Quân chủng Phòng không - Không quân       
       
        Vào khoảng tháng 12 năm 1971, tôi đang công tác ở Sư đoàn phòng không 361 thì nhận được điện của Cục Chính trị, bảo đến 7 giờ tối lên gặp Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ, đúng giờ trên tôi có mặt, gặp anh Cao Xuân Việt Trưởng phòng Cán bộ, người Hương Khê, nói giọng Nghi Lộc đưa tôi sang gặp anh Nguyễn Xuân Mậu - Phó Chính ủy Quân chủng. Sau khi làm thủ tục nghi lễ xong anh bảo tôi ngồi cạnh, chậm rãi nói đại ý về tầm quan trọng của nhiệm vụ và Bộ Tư lệnh Quân chủng giao cho tôi làm phó giúp anh Dương Hán - Tham mưu trưởng, rồi anh lại hỏi tôi hơi chút hài hước: "Thế nào có đi được không?" Tôi đáp "Tôi đi được, đề nghị Bộ Tư lệnh cho tôi đi". Anh bảo "Ừ, thế về mà chuẩn bị rồi đi". Đi chiến dịch lần này tôi thấy cũng có nhiều thuận lợi, bởi tôi vốn xuất xứ từ bộ binh ở các đơn vị chủ công Trung đoàn 48 Thăng Long, Trung đoàn 42 trung dũng, sau hòa bình làm trưởng Ban Tác chiến sư đoàn, cùng anh Lương Hữu Sắt trưởng ban Pháo binh cắp cặp đi làm kế hoạch, vẽ bản đồ cho Tư lệnh và chính ủy hạ quyết tâm trong chiến đấu tiến công và phòng ngự, trường anh Hoàng Minh Thảo và trường tập huấn ở Sơn Tây của anh Lê Ngọc Han tham quan diễn tập thực binh cấp trung đoàn nên ít nhiều cũng còn cơ sở để tiếp thu cái mới trong chiến dịch Trị Thiên. Tôi phấn khởi lên đường trong chuyến đi này, tôi lại có dịp qua thành phố Vinh - Bến Thủy, Hồng Lệnh, nơi tôi đã từng sống những ngày gian khổ, đã để lại trong tôi những tình cảm đồng chí, đồng bào, chia sẻ củ khoai luộc, bát nước chè xanh, chúng tôi lại qua Hà tĩnh vượt lên đỉnh đèo ngang tranh thủ ngắm cảnh thiên nhiên, biển trời mênh mông, núi non hùng vĩ. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường sang bên này là đất Quảng bình một thời đạn bom, quê hương của mẹ Suốt anh hùng, xe qua Đồng Hới, Long Đại, lên đường 10, đi vài cây số nữa tạt vào trạm đỗ xe. Chúng tôi đi bộ qua 1 con suối nhỏ, nước chảy róc rách, đi vài trăm thước nữa lại gặp mộ 2 chiến sĩ bộ binh bị sốt rét ác tính cướp đi sinh mạng phải tạm nằm lại đây, tiếp tục đi khoảng năm trăm mét mới tới nơi. Sở chỉ huy tiền phương nằm trong rừng cây che phủ kín đáo, các cơ quan ở xung quanh, còn tôi cũng ở một lán nhỏ có công sự bảo vệ, cách mấy chục mét là lán của đồng chí Tâm Trinh. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, tôi liền lên báo cáo trình diện Bộ tư lệnh tiền phương. Sau đó trở về cơ quan gặp anh Dương Hán, anh Hán với tôi đã ở độ Tư lệnh Phòng không - Không quân Hà Nội trong năm 1966, giữa Tư lệnh và Tham mưu trưởng đã quen việc nên tôi bắt tay vào công tác ngay.
       
        Thời gian này đang trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, nhưng các lực lượng Phòng không - Không quân đã phải hoạt động tác chiến sớm hơn, nên cơ quan tham mưu cũng rất bận rộn, khẩn trương, các phương tiện thông tin lại bị hạn chế cần sử dụng trước giờ "G" của chiến dịch. Nên việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, và bảo đảm tác chiến cũng có khó khăn.
       
        Trước hết trên đường Trường Sơn, con đường vận chuyển chiến lược, máy bay địch đang đánh phá ác liệt, kể cả máy bay B-52 tập trung đánh phá vào các trọng điểm trên tuyến đường 12. Đặc biệt AC-130 được cải tiến trang bị có thêm pháo 40mm, có thiết bị hệ thống quan sát hồng ngoại, nên ban đêm địch phát hiện rõ các mục tiêu di động, điều khiển pháo bắn rất chính xác, nên xe của ta trên tuyến vận chuyển bị bắn cháy, thương vong nhiều, làm ách tắc giao thông, có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị chiến dịch của ta. Trước tình hình đó Bộ Tư lệnh đã cho triển khai Trung đoàn tên lửa 275 thuộc sư đoàn 377 vào bảo vệ các tuyến đường trên, nhưng do địa hình hiểm trở, máy bay địch đánh suốt ngày đêm trên mỗi tuyến đường chỉ hành quân được 1 tiểu đoàn tên lửa, nhưng cũng bị địch đánh nhiều lần, lúc địch đánh trúng xe khí tài, lúc địch đánh trúng xe đạn, xe A càng kéo bị hỏng luôn. Nên tổ chức được 1 trận đánh phải mất hơn 1 tháng. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Quân chủng cũng đề xuất để sử dụng không quân vào đánh AC-130 trong các tuyến đường trên. Binh chủng Ra đa cũng điều đại đội 45, đại đội 31 vào dẫn đường cho MiG-21 đánh, nhưng địch nó cũng tổ chức cảnh giới bảo vệ cho AC-130 hoạt động, nên khi MiG-21 của ta đã tiếp cận máy bay địch, nhưng chúng đã phát hiện được máy bay ta, AC-130 liền hạ độ cao nên ta cũng chưa đánh được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:33:45 pm »

        Lúc này cơ quan Tham mưu còn giúp cho Bộ Tư lệnh tiền phương triển khai sư đoàn 365 và sư đoàn 363B để bảo vệ các lực tượng của chiến dịch ở khu vực tập kết, lần này đi xuống Trung đoàn 274 có tôi và đồng chí Phạm Sơn trưởng phòng Huấn luyện, Trần Ngọc Lân, chúng tôi xuống trung đoàn bộ làm việc ít ngày sau đó đi xuống các tiểu đoàn hỏa lực, lúc này Phòng Khoa học quân sự xuống đưa K8-60 (ra đa pháo có bước sóng 3cm) để thử nghiệm chống nhiễu, sau đó đồng chí Phạm Sơn về, chúng tôi lại ra sở chỉ huy Sư đoàn 363B gặp anh Trần Nhẫn và Đinh Phúc Hải để nắm tình hình, xong báo về sở chỉ huy. Ngày 25/01/1972 đồng chí Văn Tiến Dũng đại diện Quân ủy trung ương ra lệnh cho Bộ tư lệnh tiền phương "Các lực lượng phòng không được phép tác chiến trong khuôn khổ chiến dịch", đây là một thuận lợi cho Tư lệnh tiền phương được quyền chủ động xử trí trong tình huống có nguy cơ không quân địch phát hiện đánh phá vào khu vực tập kết chiến dịch. Lúc này các sư đoàn 365 và sư đoàn 363B cũng đã ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 17/2, địch cho một số tốp máy bay ra hoạt động trên đường 10 và khu vực Nam sông Gianh, các lực lượng phòng không đã bắn rơi nhiều máy bay. E247 và E267 bắn rơi 5 chiếc, có 3 rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Chiến thắng này đã cổ vũ các lực lượng chiến dịch và nhân dân. Nhưng cũng rất tiếc là trước đó tiểu đoàn 88 đã bị đánh, cán bộ, chiến sĩ, một số thương vong, khí tài bị hỏng, đêm đó anh Hán bảo tôi xuống xem anh em giải quyết hậu quả, tôi xuống gặp Hà Sĩ Loan lúc đó là tham mưu phó trung đoàn ở đó, anh cho biết mọi việc đã giải quyết gọn, đến 10 giờ đêm chúng tôi về đến sở chỉ huy, nguyên nhân là do xử lý chậm. Sự việc trên lại một lần nữa nhắc những người chỉ huy Phòng không - Không quân, khi xử lý tình huống chỉ cho phép tính bằng giây. Ngày 27/2 một tin vui, tại trận địa máy Húc 2 d67 đã bắn rơi được AC-130, tuy không rơi tại chỗ nhưng đó cũng là 1 thắng lợi trong giao thông vận chuyển và đã giải tỏa được hàng trăm xe vận chuyển, chuẩn bị cho các chiến trường miền Nam.
       
        Để chuẩn bị cho các đơn vị phòng không hành quân vào khu vực tập kết, tôi, đồng chí Sĩ và một số đồng chí nữa đi xuống Sư đoàn 367, lúc đó sư đoàn 367 đóng tại Hoa Thủy, đến đây tôi lại gặp anh Đinh Đình Sành Tư lệnh, Hoàng Khoát - Chính ủy Sư đoàn, các anh vốn là những người bạn đã sống, chiến đấu với nhau ở sư đoàn 361 nên gặp lại nhau ở đây tình cảm, đầm ấm, không mất thời gian thủ tục hôm nay đoàn của anh Hoàng Ngọc Diêu, đại diện Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân bên cạnh Tư lệnh chiến dịch cũng xuống làm việc với sư đoàn. Sau khi làm việc xong anh Diêu kể câu chuyện vui, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là câu chuyện "ông chủ tịch xã hỏi cung cô gái Vân Kiều". Anh kể xong mọi người cười vỡ bụng, sau khỉ làm việc với sư đoàn xong chúng tôi tiếp tục xuống các Trung đoàn pháo PK. Trước khi xuống các đơn vị pháo phòng không, tôi cũng đã biết Bộ Tham mưu đã rút kinh nghiệm, việc đưa đón các đơn vị vào A2 làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông, bảo vệ vận chuyển, do không được chuẩn bị rút kinh nghiệm huấn luyện cách đánh nên nhiều đơn vị lúng túng, có đơn vị tổn thất, thương vong. Lần này chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành, chỉ có Trung đoàn 241 đã chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào, còn lại các đơn vị lần đầu tiên tham gia chiến dịch nên Bộ Tham mưu đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, hướng dẫn cho các đơn vị huấn luyện bộ đội: Cách đánh các loại máy bay khác nhau, xử lý linh hoạt trong các tình huống chiến thuật và nắm vững nguyên tắc chỉ huy, hiệp đồng với binh chủng, chúng tôi xuống khu vực Lê Ninh gặp đồng chí Cù, Trung đoàn trưởng 282 và đồng chí Bảo - Trung đoàn trưởng 280, sau đó ra Trung đoàn 230 đóng ở Cầm Ly gặp đồng chí Trân, Trung đoàn trưởng. Nhìn chung các đơn vị phòng không đã được chuẩn bị tốt, nhưng lần đầu mới tham gia chiến dịch nên còn chưa lường hết khó khăn, sau khi làm việc, đồng chí Trân đã mời đoàn ở lại liên hoan. Truyền thống ẩm thực của Phòng không - Không quân là "RTC", chúng tôi đã vui vẻ nhận lời. Sau chuyến đi này về sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi lại được tin ngày 29/3 tiểu đoàn 67 tại trận địa máy Húc đã bắn rơi tại chỗ 1 AC-130, đây là một thắng lợi lớn trên đường Trường Sơn, giải phóng hàng trăm xe lên đường đi đến các chiến trường miền Nam.
 
        Ngày 30 tháng 3, Chiến dịch Trị - Thiên mở màn, còn tôi lại trên đường đi ra Bắc, sau cuộc diễn tập ở sở chỉ huy Sư đoàn 363 ít ngày mới trở lại sở chỉ huy tiền phương. Cùng đi còn có các anh Vũ Ý, Đinh Phúc Hải vào tăng cường cho sư đoàn 365, lần này chúng tôi theo đường 15, do máy bay địch hoạt động 24/24giờ, nên các phương tiện cơ giới chuyển sang chạy vào ban đêm. Anh em lái xe nắm rất vững quy luật hoạt động của máy bay địch trên tuyến đường này, ban ngày quân ta tranh thủ nghỉ ngơi, cuối chiều lúc mặt trời vừa lặn là xe ta lăn trên đường, tranh thủ còn nhìn thấy đường chạy nhanh hơn là đêm đi theo đèn gầm. Khi chạy qua nông trường Việt Trung, pháo hạm của địch bắn qua đầu sáng như pháo hoa, anh em chúng tôi nói đùa "Việc của mày mày bắn, việc của tao, tao đi" chả mấy chốc chúng tôi đã có mặt ở sở chỉ huy tiền phương, lúc này sở chỉ huy tiền phương đã chuyển ra thôn Văn Xá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:35:25 pm »

        Vào đến nơi tôi được biết, đợt 1 diễn ra từ 30/3 đến 9/4. Quân ta thắng lớn, giải phóng 2 huyện Do Linh và Cam Lộ, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, lực lượng phòng không toàn mặt trận bắn 86 máy bay trong đó có 2 B-52, được Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận xét hoàn thành nhiệm vụ, Sư đoàn 367 bắn rơi 23 chiếc, Sư đoàn 365 bắn rơi 15 chiếc, súng máy và A-72 đánh tốt chỉ 1 ngày bắn rơi 5 chiếc có 3 chiếc rơi tại chỗ, số còn lại là của phòng không mặt trận.
       
        Bước sang đợt 2, lúc này địch hoạt động mạnh hơn, có ngày chúng sử dụng gần 200 B-52 tập trung vào đánh ngăn chặn các mũi tiến công của quân ta và đánh vào phía sau để cắt chi viện của hậu phương chiến dịch.

        Các mũi tiến công của ta đã thọc sâu vào vùng mới giải phóng, còn lực lượng tên lửa do địa hình vùng mới giải phóng bom mìn nhiều, trận địa chưa được chuẩn bị nên đợt 2 chỉ có tiểu đoàn 64 cơ động được sang trận địa An Thinh cách Đông Hà 7km, lúc này chủ yếu các lực lượng pháo phòng không của trung đoàn 230, 241, 280, 284 súng máy, A-72 bám sát các sư đoàn bộ binh, cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt, bảo vệ cầu Quảng Trị của 1 khẩu đội của trung đoàn 280. Cả đại đội trưởng và anh em đã hy sinh bảo vệ được cầu cho các lực lượng phát triển vào bên trong giải phóng Đông Hà - Quảng Trị vào ngày 2/5/1972.
       
        Cơ quan tham mưu lúc này, trừ những đồng chí ở sở chỉ huy còn đâu đã xuống bám sát các đơn vị như Trưởng phòng Công binh nguyên liệu và anh em công binh xuống tiểu đoàn 64 hướng dẫn làm trận địa, rà phá bom mìn ở trận địa vùng mới giải phóng, đồng chí Phạm Sơn - Trưởng phòng Huấn luyện chuyển sang Tác chiến xuống các đơn vị tên lửa bàn cách chống nhiễu, các đồng chí La Văn Sàng, Thuận đều có mặt ở đơn vị. Lúc này địch cũng đánh vào hậu phương chiến dịch, và tăng cường chế áp các đơn vị tên lửa, lúc này tôi cùng một số đồng chí trong đó có cả đồng chí Thanh - Trợ lý công binh đi xuống các đơn vị pháo phòng không để bàn cách hiệp đồng chi viện hỏa lực, khi máy bay địch chế áp các lực lượng phòng không. Chúng tôi lúc này phải cuốc bộ mới đến được các đơn vị. Chúng tôi xuống Trung đoàn 218 đang triển khai ở nông trường Quyết Thắng để bảo vệ cơ quan chiến dịch, Trung đoàn vốn là 1 trong 4 trung đoàn pháo trung cao của Quân chủng điều vào Quân khu 4, đồng chí Sương - Trung đoàn trưởng, đồng chí An chính ủy, vốn biết nhau nên sau mấy ngày ở đây tôi thấy đơn vị ở lâu trong chiến trường nên rất có kinh nghiệm nằm vùng, quy luật hoạt động đánh phá của địch, nên tổ chức chiến đấu rất có nền nếp. Có cách đánh thích hợp, có trận địch đánh trận địa tiểu đoàn tên lửa, các đơn vị của trung đoàn đã bắn chi viện cho tiểu đoàn 86, buộc địch phải tán loạn bay đi, sau đó chúng tôi lại xuống tiểu đoàn pháo phòng không bảo vệ cầu Mỹ Đức của đồng chí Trần Hưng, vốn là cán bộ hóa học, chúng tôi đã ở đây hai ngày. Cũng thấy tổ chức chiến đấu của các đơn vị ở đây cũng rất tốt, kết hợp giữa chiến đấu với huấn luyện. Sau chuyến đi này, chúng tôi lại trở về sở chỉ huy tiền phương, ở đây cũng đã xảy ra một tình huống bất ngờ đó là: Tiểu đoàn 62 bắn rơi 1 máy bay, nhưng chưa bắt được giặc lái, địch đang tìm cách cứu nhau, trước hết chúng cho máy bay rải mìn vướng xung quanh khu vực tên giặc lái, nhưng mìn vướng lại rơi vào sở chỉ huy tiền phương của ta. Ta phải cho công binh thăm dò phá dỡ, nhưng mấy đêm sau, do chưa cứu được nhau, địch lại cho máy bay thả hơi ngạt nhẹ vào ban đêm. Lúc đó ở sở chỉ huy có đồng chí lấy cả nước tiểu để dấp khăn che mũi, còn chỗ tôi ở, đồng chí Chu Thái đã nhanh ý lấy bi đông nước đổ vào khăn mặt để che mũi chống ngạt. Mấy ngày sau đó, lệnh sở chỉ huy tiền phương trở ra để tập trung bảo vệ miền Bắc. Bộ Tham mưu còn để lại đồng chí Nguyễn Hữu Ích mới bổ nhiệm Tham mưu phó làm đại diện, những ngày ở sở chỉ huy tiền phương tôi đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm quý về cách chỉ đạo, chỉ huy của Quân chủng về 3 nhiệm vụ chiến lược.
       
        Những vấn đề mà tôi nhận thức được là đặc điểm công tác tham mưu trong tác chiến binh chủng hợp thành có những đặc điểm khác với bảo vệ yếu địa vì không gian chiến dịch rộng, thời gian dài. Nhiệm vụ của lực lượng phòng không lại phải tác chiến sớm hơn trên tuyến giao thông chiến lược, chiến dịch và bảo vệ khu vực tập kết chiến dịch, lại ở xa hậu phương, giao thông không thuận lợi, tình huống chiến dịch lại diễn ra mau lẹ, đòi hỏi phải xử trí kịp thời, các phương tiện thông tin của ta đã thiếu thốn lại phải hạn chế sử dụng trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch. Bởi vậy công tác tham mưu chuẩn bị chiến dịch phải bao quát được mọi nhiệm vụ của Quân chủng, dự kiến được những tình huống cơ bản, có biện pháp đối phó, có lực lượng sử dụng, tổ chức hiệp đồng phải chặt chẽ cả phía trước lẫn phía sau về chỉ đạo các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ ba thứ quân và nhân dân ở khu vực tác chiến mới tạo được sức mạnh đánh thắng địch để giúp cho Bộ Tư lệnh nắm được tình hình xử lý được kịp thời. Các trợ lý, cán bộ tham mưu đã có mặt ở các đơn vị như một chuyên gia đại diện cho cơ quan tham mưu cùng đơn vị nghiên cứu giải quyết tức thời những khó khăn cho đơn vị. Nhưng có những vấn đề lớn còn phải kết hợp giữa sở chỉ huy cơ bản và sở chỉ huy tiền phương mới giải quyết được, như vấn đề nghiên cứu B-52, vấn đề sử dụng lực lượng phòng không, nhất là tên lửa trong chiến dịch như thế nào cho hợp lý và nhiều vấn đề khác nữa. Nhờ bám sát thực tiễn, sơ kết, rút kinh nghiệm kịp thời làm đúng chức năng của mình, cơ quan Bộ Tham mưu đã giúp cho Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ đạo chỉ huy các đơn vị giành thắng lợi trong chiến dịch Trị - Thiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:38:38 pm »

         
CÙNG CÁC ĐƠN VỊ NGHIÊN CỨU BIỆN PHÁP
ĐỐI PHÓ VỚI TÊN LỬA TỰ DẪN " SƠ RAI"  (SHRIKE) ĐỊCH
       
Thiếu tướng Hoàng Bát               
Nguyên Tiểu đoàn trưởng tên lửa       
       
        Tháng 3 năm 1968  tôi đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62 Trung đoàn 236 nhận được lệnh bàn giao cho đồng chí Tô Ngồi để về Quân chủng làm trợ lý phòng Tác chiến Quân chủng. Đang ở đơn vị lên cơ quan công tác, lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các thủ trưởng phòng và anh em cán bộ trong phòng, tôi dần dần đã làm quen với công tác được giao.
       
        Tháng 6 năm 1968 tôi được giao nhiệm vụ vào tiền phương Quân chủng ở A2 (Quân khu 4) tham gia chiến đấu với các đơn vị ở đây. Tôi ở tổ tên lửa do đồng chí Nguyễn Tiến Thu - Phó phòng Huấn luyện phụ trách. Lúc đầu tổ có các đồng chí Thu, Bắc, Bát, Viễn, Bút. Qua một thời gian nghiên cứu, theo dõi nắm tình hình, thời gian này tên lửa của ta chủ yếu hoạt động ban đêm. Thủ đoạn hoạt động của máy bay địch đối với tên lửa ta là khi phát hiện được, chúng tập trung lực lượng đánh phá ác liệt vào trận địa hoặc nơi giấu quân. Mặt khác, chúng rất hay dùng thủ đoạn phóng "sơ rai". Nhiều tiểu đoàn đã bị "sơ rai" làm hỏng khí tài, thương vong người. Tiểu đoàn 73 Trung đoàn 285 là tiểu đoàn có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở Hải Phòng, vào chiến trường A7 trận đầu tiên đã bị "sơ rai", đánh hỏng khí tài và thương vong.
       
        Biện pháp đối phó với "sơ rai" lúc này là: Khi phát hiện được "sơ rai", quay ăng ten một góc phương vị rồi hạ cao thế. Tâm tư cán bộ và chiến sĩ khi vào trận đánh rất lo lắng với việc đối phó với "sơ rai" địch, nhất là khi đã phóng đạn lên rồi xử trí như thế nào? Các tiểu đoàn thường động viên anh em "bình tĩnh" nhưng biện pháp cụ thể thì không đề ra được. Có đồng chí cán bộ tiểu đoàn đã chân thành tâm sự với tôi: "Tớ thà hy sinh chứ quyết không để mang tiếng dao động". Tham dự chiến đấu với anh em, tôi rất hiểu tâm tư của anh em. Tôi suy nghĩ: Phải có những biện pháp đối phó cụ thể, để giúp cho anh em xử trí kịp thời. Trong trường hợp ta đã phóng đạn lên, khi cần thiết phải bỏ đạn để đảm bảo an toàn cho người và khí tài để tiếp tục chiến đấu trận sau, chứ để hỏng khí tài, thương vong người phải một thời gian lâu mới ra chiến đấu được. Tôi gặp đồng chí Đoàn Huyên - Phó Tư lệnh Quân chủng đặt vấn đề: "Trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng có đồng ý cho anh em bỏ đạn để đảm bảo an toàn cho người và khí tài không?". Đồng chí Huyên trả lời: "Các cậu nghiên cứu cụ thể các trường hợp rồi báo cáo". Tôi về báo cáo với đồng chí Thu và tổ tên lửa xin được phép nghiên cứu. Đồng chí Thu đã dành thời gian cho tôi nghiên cứu viết tài liệu. Tôi tập trung tinh thần, tư tưởng để làm việc. Ban ngày thuận lợi, còn ban đêm tôi dùng chiếc đèn con Hoa Kỳ che bớt ánh sáng để viết (tránh máy bay địch hoạt động đêm).
       
        Xác định các loại máy bay địch phóng "sơ rai":

        Trong thời kỳ này ở chiến trường Quân khu 4 thường do máy bay hải quân Mỹ đánh phá. Các loại máy bay địch thường phóng "sơ rai"u là: A-4E, F-4, A-6. Nếu phóng loại "sơ rai" cũ AGM-45A (đường kính 203mm), chúng có thể phóng 1 - 2 quả. Nếu phóng loại "sơ rai" mới AGM-78 (đường kính 350mm) chúng thường phóng 1 quả.
       
        Thủ đoạn phóng "sơ rai" của địch.

        Thông thường địch dùng các thủ đoạn sau:

        - Các loại máy bay phóng "sơ rai" thông thường bay một hoặc hai chiếc, đường bay không ổn định, hay lượn vòng, bay cao khoảng 3 - 5km, không có nhiều. Sau khi phóng sơ rai xong mới phát nhiều sâu, phóng xong có nhiều lúc bay thẳng vào, nhưng cũng có lúc phóng sơ rai xong chúng lượn vòng ra xa.
       
        - Địch phóng nhanh với thời gian ngắn sau khi ta phát sóng (độ 5 - 10 giây).
       
        - Qua các trận chiến đấu thấy rằng loại A-4E và F-4 phóng tương đối nhanh hơn, còn loại A-6 phóng chậm hơn.
       
        - Thông thường địch phóng thẳng, nhưng cũng có trường hợp địch phóng cầu vồng. Địch phóng cầu vồng gây cho ta khó quan sát, phải hết sức chú ý trường hợp này. Thông thường loại sơ rai AGM-78 hay phóng theo kiểu cầu vồng.
         
       
        Sau khi xác định các loại máy bay và thủ đạn phóng sơ rai của chúng, tôi suy nghĩ phải tính toán được khoảng cách thời gian ∆t và khoảng cách cự ly ∆D của sơ rai địch cách đài điều khiển tên lửa ta là bao nhiêu, ở thời điểm tên lửa ta gặp mục tiêu, có đảm bảo an toàn hay không trong các trường hợp:
       
        a)   Địch phóng sơ rai xong bay thẳng vào.

        - Ta và địch cùng phóng.

        - Ta phóng trước địch 3", 5", 8", 10".

        b)   Địch phóng sơ rai xong lượn vòng bay ra.

        - Ta và địch cùng phóng.

        - Ta phóng trước địch 3", 5", 8", 10".
       
        Dựa vào tốc độ máy bay địch, tốc độ sơ rai cự ly tên lửa của ta, bán kính lượn vòng bay ra của máy bay địch và cự ly an toàn cho đài điều khiển tôi tính toán cụ thể từng cự ly phóng, lập thành bảng, rồi từ đó rút ra 8 trường hợp xử trí cụ thể: Trường hợp nào bám sát đến cùng, trường hợp nào phải nâng đạn, rồi quay một góc phương vị và hạ cao thế.
       
        Sau khi hoàn thành tài liệu, thông qua tổ tên lửa (tổ tên lửa lúc này chỉ còn 3 đồng chí: Thu, Viễn và tôi. Đồng chí Bắc bị thương phải đi điều trị, đồng chí Bút có lệnh đi nhận công tác ở đơn vị) và lấy ý kiến các đơn vị, các đơn vị rất hoan nghênh. Tôi báo cáo đồng chí Đoàn Huyên - Phó Tư lệnh Quân chủng. Đồng chí Đoàn Huyên đồng ý cho phổ biến để các đơn vị thực hiện.
       
        Kết quả cụ thể:

        Tiểu đoàn 67 đêm 29-8 phóng quả 1 ở cự ly 21km, quả 2 cự ly 20km. Địch phóng "sơ rai" ở cự ly 19km. Ta phóng trước nên trắc thủ bình tĩnh bám sát đến cùng, 2 quả nổ tốt diệt 1 máy bay A-6 rơi tại chỗ. Sĩ quan điều khiển quay ăng ten, hạ cao thế, sơ rai nổ cách trận địa hơn 1km.
       
        - Tiểu đoàn 74 đêm 26-9 phóng 1 quả ở D=21,5km. Máy bay bay được 2km thì phóng sơ rai, trắc thủ bình tĩnh bám sát mục tiêu, đạn nổ tốt. Sau khi đạn nổ, quay ăng ten tương đương, "sơ rai" nổ cách xa.
       
        Các trường hợp khác, địch đã 6 lần phóng sơ rai vào các Tiểu đoàn 71, 74, 92, 94 nhưng các đơn vị đã phát hiện được sơ rai bằng tín hiệu ở trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và trắc thủ, hoặc phát hiện được bằng trạm quan sát mắt, chúng ta vẫn đánh được địch, gạt được "sơ rai" và đảm bảo được an toàn cho đơn vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:41:41 pm »

        
BỘ THAM MƯU PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC
       
Đại tá Nguyễn Tâm Trinh                    
Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng        
       
        I. Ra đời và trưởng thành lớn mạnh trong chiến tranh.

        Ngày 01 tháng 4 năm 1953, Đoàn pháo cao xạ 367 ra đời, cơ quan tham mưu được tổ chức, đã góp phần vào việc chỉ huy chỉ đạo tiêu diệt máy bay thực dân Pháp, đánh thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Ngày 3 tháng 3 năm 1955, Ban Nghiên cứu sân bay thành lập, tiếp đó đến tháng 1 năm 1959, chuyển thành Cục Không quân, cơ quan tham mưu không quân từng bước được hình thành, góp phần vào việc tổ chức chỉ huy, tiếp quản các sân bay, quản lý bay các máy bay các tổ giám sát quốc tế, xây dựng cơ sở bước đầu của không quân.
        
        Ngày 22 tháng 10  năm 1963, Quân chủng PK-KQ được thành lập. Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân được tổ chức. Trước âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ - ngụy, Bộ Tham mưu đã góp phần vào việc chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, xây dựng thế trận phòng không, sẵn sàng chiến đấu. Chiến thắng đánh trả cuộc tập kích bất ngờ của không quân Mỹ ngày 5 tháng 8 năm 1964 đánh dấu hiệu quả công tác tham mưu thời gian hòa bình chuẩn bị.
        
        Từ năm 1965 đến 1975, trước yêu cầu phát triển của chiến tranh, cơ cấu tổ chức của Quân chủng ngày càng mở rộng, từ Binh chủng Cao xạ phát triển thêm các Binh chủng Ra đa, Tên lửa, Không quân, Hàng không dân dụng; từ các trung đoàn phát triển thành các bộ tư lệnh phòng không các khu vực, các lực lượng cao xạ quân khu, quân đoàn, quân chủng, địa phương, các chiến trường, Bộ Tham mưu Quân chủng đã từng bước nhanh chóng tăng cường về cơ cấu tổ chức, về phạm vi hoạt động và về chức năng nhiệm vụ.
        
        Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân trong chiến tranh trưởng thành lớn mạnh, là cơ quan quan trọng của Quân chủng có đủ các ngành kế hoạch, tác chiến, quân báo, quân lực, quân huấn, thông tin, khoa học quân sự, cao xạ chiến trường, khí tượng, dẫn đường hàng không dân dụng, công trình, cơ yếu, đối ngoại, các ngành bảo đảm hành chính, quân y, bảo mật, cảnh vệ và cơ quan Đảng - công tác chính trị.
        
        Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân giúp Đảng ủy, Bộ tư lệnh lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng của Quân chủng, làm tham mưu phòng không đối với Bộ, chỉ đạo các lực lượng phòng không ba thứ quân, làm nhiệm vụ quốc tế đối với Lào, Cam-pu-chia và liên minh quốc tế với Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô.
        
        Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, được sự chỉ đạo chặt chẽ của bộ Tổng tham mưu và các cơ quan của Bộ, được sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị, của địa phương, của nhân dân, luôn luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ để làm tròn chức trách tham mưu của mình. Trong hoạt động, Bộ Tham mưu đã luôn luôn xoay quanh chỉ thị của Bác Hồ khi Người chỉ thị nhân ngày thành lập Bộ Tổng tham mưu ngày 7-9-1945, đó là: "Tổ chức huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thông suất, bí mật, nhanh chóng kịp thời chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù bảo vệ thành quả cách mạng".
        
        Quán triệt chức năng tham mưu, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, của Bộ tư lệnh Quân chủng, Bộ Tham mưu đã nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác. Bộ Tham mưu nêu cao khẩu hiệu hướng xuống đơn vị hướng vào chiến trường tất cả cho mỗi trận đánh thắng lợi, tất cả để bảo vệ an toàn mục tiêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cán bộ tham mưu luôn luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng, ở các trọng điểm đánh phá của địch, cùng đơn vị, cùng địa phương xử lý các tình huống chiến đấu. Cùng hành quân, cùng đứng trên trận địa, ở trong nước cũng như ở các nước anh em, trợ lý tham mưu góp phần hết sức mình cho mọi thắng lợi của trận đánh.

        Từ Ban tham mưu của pháo cao xạ trở thành Bộ Tham mưu Quân chủng gồm nhiều binh chủng, nhiều ngành nghiệp vụ, công tác tham mưu đã nâng lên tầm chiến dịch, chiến lược, nhằm hoàn thành cả ba nhiệm vụ chiến lược của Quân chủng: Bảo vệ mục tiêu yếu địa, bảo vệ giao thông vận chuyển và bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành chiến đấu.
       
        Từ cuộc chiến tranh ác liệt, bộ Tham mưu đã từng bước trưởng thành lớn mạnh, xây dựng nên truyền thống "Trung thành vô hạn, hy sinh dũng cảm, tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể" góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đánh thắng không quân đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:44:28 pm »

       
        II. Cống hiến to lớn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
       
        Trong lịch sử đánh giặc chống ngoại xâm của dân tộc ta từ trước đến nay, cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không chống không quân địch là một loại chiến tranh mới chưa từng có bao giờ. Cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc đã diễn ra trên diện rộng, không tiền tuyến, không hậu phương, không thời gian, từ phạm vi chiến lược đến phạm vi chiến thuật, bao gồm mọi mục tiêu kinh tế, quân sự, chính trị của cả nước. Hơn nữa, cuộc đọ sức lại diễn ra giữa một bên là lực lượng không quân đế quốc hùng hậu, trang bị kỹ thuật hiện đại và một bên là đất nước với một nền kinh tế thấp chưa có đủ trang bị cơ sở vật chất để chống lại chúng. Để đối phó với cuộc chiến tranh, Đảng ta, nhân dân ta với đường lối chiến tranh đúng đắn, với trí thông minh tuyệt vời, với lòng dũng cảm vô song, đã đánh bại hết mọi thủ đoạn của địch, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược. Trong sự nghiệp đánh thắng mặt trận đối không của nhân dân ta, Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân đã làm trợ thủ đắc lực cho Đảng ủy độ tư lệnh Quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược được giao.
       
        Trải qua 20 năm chiến tranh, Bộ Tham mưu đã đóng góp phần cống hiến của mình vào những hoạt động chiến đấu của Quân chủng, Quân đội và nhân dân ta. Trong phạm vi chức trách và nghiệp vụ của mình, Bộ Tham mưu có một số thành tích nổi bật sau đây:
       
        1. Bộ Tham mưu Quân chủng đã thường xuyên quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, nắm vững mối quan hệ khăng khít giữa hai miền Nam - Bắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
       
        Về nhận thức, luôn hiểu rõ vai trò và vị trí của miền Bắc là hậu phương lớn có ý nghĩa quyết định của sự nghiệp giải phóng miền Nam, về tư tưởng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên các chiến trường khi có lệnh.
       
        Giúp Đảng ủy Bộ Tư lệnh chỉ đạo chiến đấu và xây dựng để làm tròn vai trò nòng cốt của Quân chủng trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không.
       
        Sớm kiến nghị kế hoạch toàn diện bảo vệ đất nước, xác định các mục tiêu trọng điểm cần bảo vệ, kế hoạch chuyển từ thời bình sang thời chiến, chủ động đề xuất kế hoạch chuyển lực lượng phòng không vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, giành chủ động, không để bị bất ngờ ngay từ trận đầu: Trận ngày 5-8-1964, đánh thắng ngay đợt đầu tiên khi không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc 7-8/2 - 11/2/1965.
       
        Theo dõi và bám sát diễn biến trên các chiến trường kịp thời phát hiện âm mưu của địch, chủ động xây dựng kế hoạch phòng thủ, triển khai lực lượng phương tiện, tạo nên thế trận phòng không, đánh thắng địch bảo vệ mục tiêu, cảng, giao thông, chân hàng các đợt vận chuyển chiến lược.
       
        Đã tổ chức các sở chỉ huy tiền phương trên các hướng, tham gia chỉ đạo phòng không các chiến dịch đường 7, cánh đồng Chum, đường 9 Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, các hoạt động phục kích đánh AC-130 đường 559.
       
        Nắm vững và bám sát sư phát triển các điên chiến tranh trên hai miền đất nước, góp phần chuẩn bị và thực hành thắng lơi trân Điên Biên Phủ trên không - 12 ngày đêm tiêu diệt B-52 của địch; góp phần trực tiếp và chỉ đạo các lực lượng phòng không chiến trường hoàn thành thắng lợi tổng tấn công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
       
        Quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng trong nhận thức, tư tưởng và hành động xuyên suốt trong cả cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã giúp Đảng ủy Bộ tư lệnh chỉ đạo và chỉ huy có hiệu quả thực hiện vai trò nòng cốt của mình trong chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:45:31 pm »

       
        2. Bộ Tham mưu Quân chủng: Nắm vững chức năng nhiệm vụ tham mưu cấp chiến lược và chiến dịch, không ngừng nâng cao trình độ quán triệt đường lối và nghệ thuật của chiến tranh nhân dân.
       
        Đã đề xuất phương thức tác chiến phòng không đúng đắn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, phát huy vai trò nòng cất của Quân chủng, đồng thời phát huy hết sức mạnh của lực lượng phòng không ba thứ quân, kết hợp chặt chẽ tác chiến phòng không tại chỗ rộng khắp với tác chiến cơ động phòng không vừa có bề rộng, vừa có trọng điểm, hình thành thế trận vững chắc đối phó với không quân địch.
       
        Luôn luôn phân tích đúng đắn các yếu tố khách quan, chủ quan, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh chiến trường Việt Nam, kiến nghị với Đảng ủy, Bộ tư lệnh chỉ đạo các đợt tác chiến (chiến dịch) phòng không thắng lợi chỉ đạo các binh chủng ra quân đánh thắng trận đầu ( 13-1-1959 của ra đa), (3 - 4/4/1965 của không quân), (24/7/1965 của tên lửa).
       
        Đề xuất với Đảng ủy - Bộ tư lệnh chỉ đạo linh hoạt chiến thuật của các binh chủng, đối phó kịp thời và hiệu quả với các thủ đoạn của địch, sáng tạo nhiều hình thức tác chiến phòng không (chốt, cơ động, đánh chặn, tìm diệt...), lập trận địa giả nhử địch để diệt địch (giây trời giả, trận địa giả, phát sóng giả...).
       
        Đặc biệt đối với những thay đổi về vũ khí và phương tiện công nghệ hiện đại của không quân địch, Bộ Tham mưu đã tập trung nghiên cứu, đề xuất kịp thời các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật đối phó hiệu quả, tiêu diệt địch, giảm tổn thất của ta (chống nhiễu các loại chống tên lửa, chống bom walley, chống lược...).
       
        Đối với công tác phòng không nhân dân, cơ quan tham mưu đã kiến nghị chỉ đạo hệ thống báo động phòng tránh, sơ tán, cứu hộ, triển khai lưới lửa tầng thấp của dân quân tự vệ.
       
        Từ kinh nghiệm thực tế trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không Bộ Tham mưu đã phát triển một bước nghệ thuật tác chiến phòng không của chiến tranh nhân dân, xây dựng hình thành nghệ thuật chiến dịch phòng không Việt Nam, xây dựng nên nghệ thuật về bảo vệ vùng trời cả về lý luận, về tư tưởng chỉ đạo, về tổ chức thực hiện.
       
        3. Bộ Tham mưu Quân chủng đã tích cực chủ động thu thập, tổng hợp, phân tích tình hình để tìm ra những kế sách đúng đắn chống lại chiến tranh phá hoại của không quân đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
       
        Không quân đế quốc Mỹ với lực lượng hùng hậu và hiện đại về số lượng và trang bị kỹ thuật có hệ thống tàu sân bay, lại huy động các căn cứ của các nước chư hầu với nhiều thủ đoạn kỹ chiến thuật khác nhau đã ngày đêm đánh phá miền Bắc suốt 20 năm ròng rã. Bộ Tham mưu bằng phương pháp khách quan khoa học, phát huy trí tuệ tập thể nhạy bén phát hiện từ âm mưu chiến lược đến các thủ đoạn kỹ chiến thuật, từng giờ từng phút kiến nghị đề ra các kế sách đối phó lại chúng.
       
        Đã tìm mọi cách triển khai kế hoạch nắm địch, kiến nghị bố trí và triển khai các mạng ra đa, mạng quan sát, thường xuyên bám sát tin tức chiến trường, dựa vào địa phương, vào đơn vị, truy hỏi nghiên cứu tin tức giặc lái, trực tiếp có mặt ở các điểm nóng, các trọng điểm nghiên cứu các quy luật hoạt động của địch, kịp thời báo cáo Đảng ủy - Bộ tư lệnh có quyết tâm đúng đối phó với địch.
       
        Cán bộ tham mưu đã tích cực nghiên cứu để xác minh các phần tử về các thủ đoạn của địch từ triệu chứng đến đội hình bay (gián cách, cự ly, đội hình, tốc độ... góc bổ nhào, điểm ném bom, độ cao bay...) tìm ra nhược điểm của địch, kiến nghị cách đánh hiệu quả của các binh chủng (Cao xạ, Ra đa, Tên lửa, Không quân). Sau bất cứ một hoạt động lớn nhỏ nào của địch, Bộ Tham mưu đã nhạy bén tổng kết, đánh giá kịp thời, có phán đoán và hướng phát triển mới của địch, báo cáo Đảng ủy, Bộ tư lệnh.
       
        Đặc biệt, việc tổng kết tình hình gây nhiễu của địch và việc chống nhiễu hiệu quả, việc nghiên cứu hoạt động B-52 của địch trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 mà đỉnh cao là chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", Bộ Tham mưu đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996.
       
        Với trí thông minh và lòng dũng cảm, các thế hệ cán bộ của Bộ Tham mưu đã tiến hành một cuộc đấu trí đầy mưu lược, kiên trì với mọi thủ đoạn gian xảo của địch khi có một thủ đoạn mới, một quy luật mới của địch kịp thời, tìm ra những chỗ yếu của địch, phát huy sáng tạo, đối phó lại chúng đã góp phần cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh chỉ huy, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 07:16:44 am »

       
        4. Bộ Tham mưu tuôn nắm vững quy luật phát triển của chiến tranh vào việc tổ chức xây dựng, huấn luyện và phát triển lực lượng, đáp ứng kịp thời ngày càng có hiệu suất cao cho chiến đấu.
       
        Với sự đánh phá ác liệt của địch, để kịp thời bảo đảm nhiệm vụ, Bộ Tham mưu chấp hành chỉ thị của trên đã có kế hoạch chủ động tổ chức, xây dựng và phát triển không ngừng lực lượng của Quân chủng. Từ 6 tiểu đoàn cao xạ trong chiến tranh chống Pháp, trải qua các thời điểm khác nhau, đã xây dựng Quân chủng gồm 3 Binh chủng Ra đa, Tên lửa, Không quân, các sư đoàn phòng không các khu vực, các trung đoàn, lữ đoàn phòng không cho các quân khu, quân đoàn, Bộ tư lệnh 559, hải quân, chiến trường miền Nam. Thế trận phòng không từ chỗ chỉ gồm một vài khu vực đã được tổ chức hoàn chỉnh ra cả nước, bảo vệ vững chắc các mục tiêu, bảo vệ hoàn chỉnh vùng trời của miền Bắc, chống lại mọi sự đánh phá của không quân địch.
         
        Về huấn luyện, đã góp phần chỉ đạo củng cố và mở rộng các trường, các đội huấn luyện, bảo đảm đào tạo, bổ túc kịp thời cho sĩ quan, hạ sĩ quan, kíp chiến đấu, người lái, nhân viên kỹ thuật các loại đáp ứng cho chiến đấu Trong huấn luyện, đã kết hợp chặt chẽ cơ bản với ứng dụng, thực sự thực tế, sát chiến trường, không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao kỹ thuật và chiến thuật bảo đảm cho bộ đội đánh trả hiệu quả mọi cuộc tập kích của địch. Bộ đội cao xạ 7 ngày đã ra quân chiến đấu, ra đa 1 tháng, tên lửa 3 tháng khẩn trương và kịp thời đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh.
       
        Đã thường xuyên tiến hành tổng kết, sơ kết các hoạt động chiến đấu, từ đó đã xây dựng hệ thống tài liệu các loại làm cơ sở cần thiết cho việc huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bộ đội.
       
        Qua tổng kết về cuộc chiến tranh nhân dân và chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1968) và lần thứ hai (1973), kiến nghị phương án tổ chức lực lượng phòng không trong biên chế các quân đoàn chủ lực, tổng kết thủ đoạn gây nhiễu trong hai cuộc chiến tranh, biên soạn điều lệnh, điều lệ tác chiến phòng không, các tài liệu về các cách đánh của tên lửa chống shrike, cách đánh B-52 là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tài liệu huấn luyện đánh B-52 của Quân chủng.
       
        5. Bộ Tham mưu Quân chủng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, thắt chặt và củng cố mối quan hệ liên minh chiến đấu với các nước anh em.
       
        Bản thân Quân chủng đòi hỏi cơ quan tham mưu luôn luôn chủ động kiến nghị kế hoạch hiệp đồng để phát huy hết mọi khả năng các lực lượng, các binh chủng, hiệp đồng tác chiến trong các đợt hoạt động đánh phá của địch. Nhiều trận đánh tạo nên hiệu quả tiêu diệt địch của cả 4 binh chủng và lực lượng phòng không địa phương.
       
        Thường xuyên tăng cường cán bộ xuống đơn vị tham gia các chiến dịch binh chủng hợp thành (Cánh đồng Chum, đường 9 Nam Lào, Quảng Trị, đường 559) góp phần cùng đơn vị phát huy hết sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch, tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu.
       
        Đoàn kết tôn trọng chính quyền, gần gũi đoàn kết với nhân dân khu vực chiến đấu, sẵn sàng chia lửa với nhân dân, nhường cơm sẻ áo, cùng nhân dân đào núi, sửa đường, phá bom, vá đường băng, đào công sự, kéo xe, kéo máy, cứu thương, cứu sập, ngụy trang, bắt giặc lái. Nhớ một lần Bác Hồ vào sở chỉ huy Quân chủng, Người thấy khoảng đường bị ngăn gác cả hai đầu, dân đi làm phải lội theo đường mòn ruộng. Người đã nhắc nhở phải tôn trọng nhân dân, tạo đường mới thuận tiện cho dân, Bộ Tham mưu Quân chủng đã thấm thía thêm bài học về mối quan hệ quân dân sâu sắc.
       
        Trong mối quan hệ liên minh chiến đấu với các nước anh em Lào, Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô, Bộ Tham mưu đã luôn luôn là cầu nối tích cực chủ động giữa bạn với Đảng ủy, Bộ tư lệnh, nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa quốc tế chân chính cùng chung một chiến hào chống Mỹ, Bộ Tham mưu đã tranh thủ tối đa sự giúp đỡ và đóng góp của bạn; phát huy được hiệu quả chiến đấu của bạn, đồng thời cũng đã cùng bạn trao đổi kinh nghiệm qua các đọt hoạt động. Nhiều cán bộ tham mưu đã sẵn sàng hy sinh đảm bảo an toàn cho bạn, đã làm hết sức mình giúp bạn khi ở trận địa, xuống các trọng điểm. Bộ Tham mưu cũng đã góp phần giúp Bộ tư lệnh giới thiệu các kinh nghiệm chiến đấu phòng không cho Quân đội anh em sang tham gia học tập (các bạn xã hội chủ nghĩa, châu Phi, châu Mỹ La tinh) được anh em bạn bè hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 07:18:28 am »

       
        6. Bộ Tham mưu Quân chủng đã chăm lo xây dựng cơ quan trưởng thành về mọi mặt, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ nhằm làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh.
       
        Bộ Tham mưu Quân chủng là một tập thể cán bộ, chiến sĩ đoàn kết một lòng, được rèn luyện trưởng thành, đã phát huy cao độ trách nhiệm và khả năng của mình trong chiến tranh. Bộ Tham mưu luôn xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và đã là lá cờ đầu thi đua của các cơ quan trong Quân chủng, thường xuyên được học tập tu dưỡng về quan điểm lập trường, về ý chí chiến đấu và năng lực nghiệp vụ.
       
        Bộ Tham mưu qua thực tiễn chiến tranh đã xây dựng nề nếp chế độ, tác phong công tác tham mưu giúp Đảng ủy Bộ tư lệnh nắm vững đích, nắm vững đơn vị, kịp thời hạ và điều chỉnh quyết tâm, giành thắng lợi. Mỗi cán bộ tham mưu đều thành thạo nghiệp vụ chuyên môn ngành mình và biết tiến hành các bước công tác tham mưu cụ thể như phát hiện, hiến kế, thực hành, rút kinh nghiệm, đề ra định hướng phát triển, làm báo cáo, tác phong sâu sát, chủ động, mưu trí, sáng tạo, đoàn kết là những phẩm chất được xây dựng trong cả quá trình chiến tranh. Bám theo xe pháo hành quân, lặn lội tháng trời hết đèo cao suối sâu tìm và bố trí trận địa, đứng trên đầu cầu, giữa trận địa, đi theo thuyền dân để tìm hiểu hoạt động của địch, cán bộ trợ lý tham mưu nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí đã trở thành thương binh, Bộ Tham mưu đã biểu lộ lòng trung thành vô hạn đối với đất nước, một lòng một dạ vì sự nghiệp công tác tham mưu.
       
        Nói về những cán bộ tham mưu, trong những năm chiến tranh, đồng chí Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã nêu: "Thần thiêng nhờ "bộ hạ", không có "bộ hạ" giỏi thì hỏng việc, thì thua, thần mất thiêng.". Đồng chí cố chính ủy, đại tá Đặng Tính trong một lần tổng kết đã nói: "Chính vì các đồng chí tham mưu đã có lòng yêu nước nồng nàn, đã có tinh thần hy sinh dũng cảm mà chiến thuật và công tác của chúng ta nở hoa kết trái, trận đánh của chúng ta đã giành thắng lợi!". Trong tựa đề cuốn lịch sử Bộ Tham mưu phòng không, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Bộ Tham mưu đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển lớn mạnh và những chiến thắng vẻ vang của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược". Những lời đánh giá của các đồng chí lãnh đạo trên đây đã khẳng định vị trí và sự đóng góp của Bộ Tham mưu đối với Quân chủng.
       
        Nhìn lại chặng đường 55 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành tính từ ngày Quân đội ta có pháo cao xạ đến nay, Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Bên cạnh những thành tựu tổng quát đã nêu ở trên, trong phạm vi các lĩnh vực hoạt động cũng không tránh khỏi những thiếu sót ở các thời kỳ và ở các mức độ khác nhau, mà nổi lên là còn những tồn tại sau đây:
       
        - Việc quán triệt đường lối quân sự, tư tưởng chỉ đạo tác chiến có lúc có nơi chưa đầy đủ, tư tưởng kiên quyết tấn công tiêu diệt mục tiêu địch còn thiếu, còn chủ quan, khinh địch, đánh giá thấp thủ đoạn xảo quyệt và khả năng chúng đã dẫn đến bị động sai lầm phải chịu tổn thất.
       
        - Trình độ nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch phòng không về cách đánh của các binh chủng trong Quân chủng còn hạn chế, chưa thật thành thục, phát huy và sử dụng các loại binh khí kỹ thuật, hiểu biết về khoa học quân sự, cách đánh hiệp đồng binh chủng còn kém. Cuộc đấu trí giữa ta và địch còn có gặp nhiều thử thách cam go. Chưa thật phát huy hết tiềm năng binh khí kỹ thuật và tinh thần để chiến thắng quân địch.
       
        - Phương pháp và tác phong công tác tham mưu chưa thành thạo, còn thiếu thực sự cầu thị, sát thực tiễn, có lúc lại máy móc bảo thủ, có trường hợp lại dao động, sợ địch dẫn đến tổn thất. Công tác sơ kết, tổng kết trong chiến tranh tiến hành chưa thật thường xuyên, kịp thời, để bổ sung cho chiến đấu.
       
        Trong cả chặng đường dài của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Bộ Tham mưu đã được thử thách từ những cái gì đã làm được và cả rất nhiều vấn đề còn tồn tại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự chỉ huy của Bộ tư lệnh, sự chỉ đạo của Bộ, công tác hiệp đồng với bạn, sự giúp đỡ của nhân dân, Bộ Tham mưu đã làm tròn sứ mệnh của mình, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Các cán bộ của Bộ Tham mưu trong chiến tranh đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho thế hệ lớp cán bộ kế theo ngày thêm dày dạn, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình "Cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời Tổ quốc thân yêu".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM