Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:44:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh  (Đọc 29816 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:51:41 pm »

        
KỶ NIỆM VỀ TÊN LỬA CHIẾN ĐẤU
TÂY TRƯỜNG SƠN
       
Trung tướng Vũ Xuân Vinh                 
Nguyên Phó Tham mưu trưởng              
Quân chủng Phòng không - Không quân        
       
        Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, buộc Tổng thống Mỹ Giôn Sơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
        
        Tuy vậy, không quân Mỹ chưa từ bỏ âm mưu ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam Việt Nam. Chúng vẫn sử dụng lực lượng B-52 và AC-130 tập trung đánh phá ác liệt ra Nam Quân khu 4 và trên toàn tuyến cửa khẩu 559, nhất là ở khu vực Quảng Bình - Vĩnh Linh.
        
        Bước vào mùa khô 1970 - 1971, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận định: "Không quân địch sẽ tập trung đánh phá hành lang của cửa khẩu 559 đối diện với Trung, Hạ Lào và có thể dùng bộ binh kết hợp đánh phá chia cắt, triệt đường tiếp tế của ta cho miền Nam ở sát vùng giới tuyến".
        
        Quyết tâm của ta là phải bảo vệ bằng được tuyến vận tải chiến lược, đường Hồ Chí Minh. Theo chỉ đạo của bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ quyết tâm sử dụng Sư đoàn PK 367 làm lực lượng cơ động của Quân chủng ở Nam Quân khu 4. Sư 367 với 5 trung đoàn pháo cao xạ 224, 230, 280, 281, 284 và 2 trung đoàn tên lửa 237, 238, được giao nhiệm vụ: Phối hợp với lực lượng PK Quân khu 4 và lực lượng 559, kiên quyết bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch và chuẩn bị sẵn sàng, tham gia tác chiến bảo vệ binh chủng hợp thành ở giới tuyến.
        
        Tôi nhớ lại trước đó vào năm 1967, chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn tên lửa 238 đã được đưa vào Nam Quân khu 4 để rút kinh nghiệm đánh B-52. Bác đã nói: "Có vào hang cọp mới bắt được cọp". Nay với tinh thần cách mạng tiến công, ta quyết tâm, mạnh dạn đưa tên lửa băng qua đỉnh Trường Sơn, vượt sang đất bạn Lào để chiến đấu. Đó thật là một kỳ tích. Đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng tham mưu trưởng đã phát biểu: "Chiến tranh ở miền Nam sẽ sớm kết thúc, nếu tên lửa không vượt Trường Sơn lúc này, thì không còn dịp nào nữa. Lịch sử sẽ phán xét chúng ta".
        
        Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng chủ trương sử dụng Trung đoàn tên lửa 238 có một số kinh nghiệm đánh B-52 vào chiến đấu trên đường 20, sẵn sàng vượt cửa khẩu sang đường 128 tỉnh Kham Muộn của bạn Lào, để đánh địch. Ta cần phải biết ơn Chính phủ Lào với tinh thần quốc tế cao cả sẵn sàng cho ta mượn đất đai, đường đi để đánh địch vì lợi ích cách mạng chung của 2 dân tộc. Còn Trung đoàn tên lửa 237 cơ động chiến đấu trên đường 15 mở đến sát tuyến đường 9, Sê-pôn (Lào).
        
        Bộ Tham mưu Quân chủng đã tổ chức 2 đoàn đi chuẩn bị chiến trường theo hướng trên.
        
        Đoàn thứ 1: Do tôi Vũ Xuân Vinh - Tham mưu phó Quân chủng phụ trách, gồm một số cán bộ tham mưu, kỹ thuật, hậu cần, bổ sung thêm đồng chí Bùi Quang Thận - Trung đoàn phó Trung đoàn 238 và đồng chí Trần Xuân Thu sĩ quan tham mưu của Đoàn 559 là hướng dẫn viên, có nhiệm vụ khảo sát chiến trường trên đường 20 và 128.
        
        Đoàn thứ 2: Do đồng chí Nguyễn Văn Hội - Phó tư lệnh Sư đoàn 367 phụ trách khảo sát thực địa hướng đường 15, 18 sang cả đường 9 đến Sê-pôn.
        
        Chúng tôi rất háo hức, phấn khởi được khảo sát con đường Trường Sơn hùng vĩ, mang tên Bác trên cả phía Tây và phía Đông, con đường lịch sử mà nhà thơ Tố Hữu đã mô tả:
        
"Trường Sơn, xẻ dọc, dọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng"
       
        Đó thật là cả một hệ thống đường vận chuyển cơ giới mới khai phá vượt núi cao trùng điệp, mà đỉnh có chỗ mây mù che phủ quanh năm, ẩn mình trong rừng rậm nhiệt đới bạt ngàn màu xanh.
        
        Đường sá cheo leo, men theo sườn núi, một bên là vách đá vôi cao vút, một bên là khe vực sâu thẳm rợn người, thỉnh thoảng cắt ngang bởi những dòng suối cạn trơ nền đá nhưng vào mùa mưa thì nước dâng cao và chảy như thác.
        
        Hệ thống đường Trường Sơn dài hàng nghìn cây số, ngoài các trục chính chạy dọc Bắc Nam như đường 15, đường 14 ở bên phía Đông, bên kia phía Tây là đường 128, 129 chạy theo chiều dọc tỉnh Kham Muộn và Sa-van-na-khét của bạn Lào. Ngoài ra còn có các trục ngang nối liền Đông Tây qua các cửa khẩu của đường 10, 12, 16, 18, 20 và một hệ thống đường nhánh dày như màng nhện.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:58:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:59:48 pm »

        Đường Trường Sơn đa số là đường đất đỏ thuộc loại đường quân sự làm gấp. Thời tiết Tây Trường Sơn chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 . Vì vậy khi Đông Trường Sơn mưa thì Tây Trường Sơn khô và ngược lại.
       
        Đường mùa khô, khi vận chuyển đất đỏ tung bụi mù, nhưng vào mùa mưa thì lầy lội, tạo thành những ổ trâu, ổ voi, vũng ao nhỏ, rất khó khăn cho việc cơ động bằng cơ giới, nhất là khí tài tên lửa cồng kềnh. Mùa khô vận chuyển, các đoạn đường trống trải địch dùng B-52 - AC-130 đánh phá ngăn chặn ác liệt các nút giao thông vào giờ cao điểm. Ngoài ra địch còn dùng loại máy bay cường kích và máy bay trinh sát khống chế, săm soi ngày đêm trên toàn tuyến, khá căng thẳng.
       
        Đoàn khảo sát I chúng tôi có hơn 10 người phải đi bộ dài ngày, được nếm trải bao nỗi thử thách, gian khổ. Mỗi người mang một ba lô con cóc trên vai, một gậy Trường Sơn trong tay, một đôi giày vải vạn dặm dưới chân. Cứ thế mà trèo đèo, vượt suối, để khảo sát đường hành quân và chọn trận địa cho tên lửa. Vừa đi vừa nghiên cứu nên chỉ đi được ngót 20 cây số/ ngày. Thật là ấn tượng, khi đi trên đường 128 của nước bạn Lào, chúng tôi vượt qua những khu rừng săng lẻ bạt ngàn, bằng phẳng, cây cao tỏa bóng, thỉnh thoảng bị chia cắt bởi những dòng suối từ phía Tây đổ xuống. Bên bờ trên những cành cây cao, tua tủa những giàn phong lan rừng già, nhiều màu sắc tươi đẹp. Có lúc chúng tôi phải vượt qua một trọng điểm mà không quân địch mới đánh phá, ở đó hiện ra khúc rừng trơ trọi những thân cây đen cháy sém, còn khét lẹt mùi khói bom, dưới đất ngổn ngang những cành cây đổ gục, cạnh những đống tro tàn.
       
        Qua những bãi trống này, chúng tôi giục nhau vượt nhanh để tránh những chiếc máy bay trinh sát OV-10 thường bay dai như đỉa đói, dọc đường, soi mói mặt đất, hễ thấy mục tiêu là nó phóng ngay pháo khói, để gọi chỉ điểm cho máy bay cường kích đến thả bom, bắn phá.
       
        Có một đêm chúng tôi nghỉ tại binh trạm cửa khẩu Lao Bảo trên đường 9, biên giới giữa ta và Lào. Nơi đây thời kỳ Pháp thuộc là nơi giam giữ tù đầy các chiến sĩ cách mạng của ta. Khí hậu rất độc, anh em gọi là "Tọa độ sốt rét" vì có nhiều muỗi vằn gây sốt. Nơi đây còn là trọng điểm KQ địch hay đánh phá. Chúng tôi ở qua một đêm khá căng thẳng. Vì sự đe dọa thường xuyên của không quân địch, căng thẳng vì nhìn thấy cảnh bộ đội, thanh niên xung phong ốm nằm la liệt, vì bệnh sốt rét ác tính, đang hành hạ họ. Được binh trạm dành cho các hầm sâu kiên cố có tiện nghi, chúng tôi ngoài việc phải chống muỗi vằn công kích, còn phải đối phó với lũ chuột đói, liều lĩnh ban đêm chui cả vào màn, tấn công những ba lô mà chúng tôi gối đầu, hoặc kê chân, để cố lôi ra những bánh lương khô nhãn Trung Quốc rất hấp dẫn với chúng. Ban ngày, chúng tôi đi liên tục trên các đường có nhiều suối ngầm, nước xanh dục, nhiễm đầy chất lá han rừng độc hại, mà đôi chân không được dời đôi giầy vải, nên da chân chúng tôi dễ bị loét lở viêm nhiễm. Thường buổi tối ở các nơi nghỉ trong hầm, chúng tôi phải đốt lửa, hong khô giầy, rửa chân bằng nước sạch rồi dùng giẻ rách đốt, hun chân trong khói, cho khô da se vàng lại, thì mai mới đi tiếp được. Thế mà trong đoàn cũng có đồng chí Tôn, cán bộ hậu cần, khi về đôi chân cũng vẫn bị loét lở nhiễm trùng, chữa trị đến hàng tháng mới khỏi.
       
        Một đêm, chúng tôi trú chân ngủ ở hang Lùm Bùm, một hang độc lập trong dãy núi đá vôi trên đường từ 128 rẽ về đường 20. Hang to có 2 tầng, kín đáo, có lỗ thông hơi lên khoảng trời cao thoáng mát, với nhiều thạch nhũ có các hình thù khác nhau, có các lùm cây si xanh mọc lưng chừng rất tươi mát. Hang rộng đủ chứa được một đại đội. Nhiều đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong vãng lai, đã từng' trú an toàn ở đây. Trước khi vào hang chúng tôi phải bước men theo bờ của các hố bom B-52 ngập nước trong vắt, tiện cho chúng tôi rửa sạch chân trước khi vào hang. Ở đây chúng tôi được hưởng một bữa cơm nóng ngon lành và đêm nay được thư giãn chút ít mặc dầu về khuya vẫn vang rền tiếng các loạt bom B-52 từ xa vọng về làm rung động cửa hang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 09:02:41 pm »

              Sáng hôm sau, chúng tôi phải rời hang Lùm Bùm từ sớm để kịp vượt ngầm Tà Lê mà theo quy luật độ 9 - 10h sáng, B-52 hay đến ném bom khu trọng điểm gọi là ATP (tức là khu vực cua chữ A, cây số 78, ngầm Tà Lê và đèo Phu la nhích ở cây số 68, cuối đường 20. Không may là gần về sáng có cơn mưa to đầu nguồn, lũ kéo về dữ dội tại ngầm Tà Lê, làm đứt và trôi mảng tre gỗ, nên không còn phương tiện qua ngầm. Tình thế buộc chúng tôi phải quyết tâm bơi qua ngầm trong nước lũ. Mọi người đều mặc quần áo lót, mở tấm ni lông to của cá nhân, bọc kín ba lô, vũ khí cá nhân rồi buộc chặt, tự tạo thành phao bơi, để vượt ngầm. Vì nước trôi nhanh, nên nơi xuất phát bơi phải lên phía đầu nguồn cách bến chính hơn 300m. Nước chảy xuôi về bến nhưng cách 200m có nhiều tảng đá ngầm đang gợn sóng, rất nguy hiểm. Đoàn cử đồng chí cán bộ công binh phụ trách bến ngầm, bơi sang trước để thăm dò và vừa làm mẫu, rồi đến đồng chí Thu cán bộ liên lạc 559 xung phong bơi tiếp sang bên kia và đón ở cuối dòng, sẵn sàng cứu những người bị trôi.
       
        Tôi động viên anh em bình tĩnh, dũng cảm, nhanh chóng lần lượt bơi sang hết.
       
        Cuối cùng chỉ còn đồng chí công vụ của tôi không biết bơi, rất lúng túng và lo lắng, phải nhờ 2 đồng chí công binh 559 ở bên phà, bơi kèm, dìu sang an toàn.

        May quá sang bên kia, cách bến ngầm vài trăm mét có một hang nhỏ, tôi động viên tất cả đoàn để nguyên quần áo lót, mang phao, ba lô nhanh chóng vào hang trú ẩn, tránh đợt bom B-52 có thể sắp xảy ra, vừa để nghỉ ngơi an toàn, tẩm bổ viên sâm, cho lại người. Sau đó ít lâu, đúng như dự kiến, một đợt bom B-52 đến đánh phá khu vực Lùm Bùm - Tà Lê, tiếng bom nổ rung động cửa hang làm mọi người đinh tai nhức óc.
       
        Bộ Tư lệnh 559 theo dõi sát sao chuyến đi của chúng tôi, sau khi nhận được báo cáo đoàn chúng tôi đã qua Tà Lê an toàn, mới yên tâm.
       
        Chúng tôi đi khảo sát tiếp hơn 80km dọc đường 20, từ đèo Phu la nhích (km 68 đường 20) qua ngầm Cà Roòn đến đèo Ba Thang, rồi qua Xuân Sơn xuôi về chỉ huy sở 559 tại khu vực Bến Quan.
       
        Đoàn của đồng chí Hội đi khảo sát đường 15 về cũng đã có mặt. Chúng tôi hội ý và báo cáo kết quả khảo sát tình hình đường sá và dự kiến trận địa tên lửa với Bộ tư lệnh Đoàn 559, nêu những khó khăn thực tế và xác định quyết tâm đưa tên lửa vào trận để đánh B-52 và AC-130, bảo đảm giao thông vận tải chiến lược. Tư lệnh 559 đồng chí Đồng Sĩ Nguyên biểu dương và hoan nghênh quyết tâm của bộ đội tên lửa và tích cực giải quyết một số đề nghị của chúng tôi, như cho công binh của đoàn giúp xây dựng một số trận địa, cải tạo đường cơ động cho tên lửa, chỉ thị cho các lực lượng 559, các binh trạm có liên quan, hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ chúng tôi trên một số mặt cần thiết.
       
        Sau đó, chúng tôi còn làm việc cụ thể với các cơ quan của 559, để Sư đoàn 367 có cơ sở hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trên khu vực cửa khẩu mùa khô 70 - 71, báo cáo ra Bộ tư lệnh Quân chủng phê chuẩn, rồi thông báo lại cho Bộ tư lệnh 559. Đích thân anh Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng đã vào kiểm tra và bổ sung tại chỗ, phương án đánh B-52 tại Binh trạm 14 ở cuối đường 20, có mặt anh Trá - binh trạm trưởng, tôi và anh Hội cũng dự.
       
        Ở đây cần phải nói là quan điểm tác chiến phòng không của bộ tư lệnh 559 và Quân chủng có khác nhau.
       
        Quan điểm của Quân chủng là muốn bảo vệ mục tiêu được hiệu quả phải bắn rơi máy bay địch. Còn 559 không yêu cầu, nhất thiết lực lượng phòng không phải bắn rơi máy bay địch, cần chủ động tích cực đánh thế nào, để uy hiếp máy bay địch, bảo đảm vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, là đạt yêu cầu.

        Vì vậy lực lượng tên lửa phòng không phải vận dụng, xử lý khéo léo, tế nhị thế nào cho đạt các yêu cầu trên.
       
        Xong các công tác chuẩn bị trước mắt, tôi trở về chỉ huy sở tiền phương. Thực chất chỉ là một bộ phận cán bộ cơ quan Quân chủng, bên cạnh chỉ huy sở 559, rất gọn nhẹ, để nắm tình hình báo cáo và nhận lệnh của cấp trên, truyền đạt xuống dưới. Tôi rất thú vị là giữa rừng Trường Sơn, dưới bóng của lùm cây cao kín đáo nhưng thoáng mát, có một tòa nhà 3 tầng. Tầng trên cùng là nhà trên mặt đất, bằng tranh, tre, nứa, lá phục vụ cho làm việc bình thường, tầng 2 sâu dưới mặt đất đến gần 2m có bố trí hầm trú ẩn, là nơi làm việc, khi báo động có máy bay trinh sát hay cường kích địch hoạt động, tầng cuối cùng sâu hơn nữa, có hệ thống hầm chữ A kiên cố liên kết với giao thông hào, để làm việc khi có máy bay B-52 uy hiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 09:04:36 pm »

        Chính ở nơi đây đồng chí chính ủy Đặng Tính đã từng dành thời gian đến thăm để động viên anh em.

        Tôi không quên thực hiện chức trách của Bộ Tham mưu đến thăm đội trinh sát nhiễu, đại đội 25 tại Vìn Cà Roòng, ở km 54 đường 20. Trạm này bố trí trên một quả núi cao, trèo lên cũng khá mệt, do anh Phan Huy Thuần làm đội trưởng. Nhiệm vụ của đội là phát hiện nghiên cứu quy luật gây nhiễu của địch, để phục vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng, Bộ tư lệnh 559, các đơn vị trên tuyến hàng lang, các binh trạm, các sư đoàn phòng không nắm địch tại chỗ. Chủ yếu là thông báo thời gian xuất hiện và hoạt động của B-52 và AC-130. Tôi giao nhiệm vụ cho đại đội trinh sát nhiễu, hiệp đồng chặt chẽ với Sư đoàn 367 nhất là với chỉ huy sở trung đoàn 238 và trung đoàn 237, khi cần đến tiểu đoàn tên lửa gần, để phục vụ cho nhiệm vụ đánh B-52 và AC-130. Anh em rất phấn khởi với nhiệm vụ mới và không quên chiêu đãi tôi những bát sâm rừng pha đường, rất bổ và mát, làm cho tôi nhanh chóng quên đi nỗi mệt nhọc khi leo núi cao để đến với anh em.
       
        Bộ tư lệnh 559 và các binh trạm đánh giá cao tác dụng của đội trinh sát nhiễu, trong việc báo động chính xác kịp thời việc xuất hiện B-52 và AC-130 để các đơn vị chủ động phòng tránh, vận chuyển và đánh địch hiệu quả.
       
        Bước vào mùa khô năm 1970-1971, vào tháng 10-11 - 1970 không quân địch hoạt động khá mạnh trên các cửa khẩu 559. Trên các trọng điểm đường 20, máy bay địch trinh sát ngày đêm, dùng B-52 ném bom ác liệt vào đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, Lùm Bùm, trên đường 128 và đường 9. Trung đoàn 238 nhận lệnh triển khai các tiểu đoàn 56, 81, 84 áp sát các trọng điểm trên đường 20, tại các trân địa km 10 - 15, km 68 và 74 chuẩn bị sẵn sàng vượt qua đường 128 đến đường Coong-le vào trân địa máy húc. Trung đoàn 237 gồm 3 tiểu đoàn 69, 82 và 83 cơ động theo trục đường 15 từ đầu đường 12 Quảng Bình đến Vĩnh Linh sẵn sàng cơ động thọc sâu theo đường 12 và đường 10, vượt sang Bắc Bản Đông trên đường số 9.
       
        Trong các tháng 11-12-1970 và tháng 1-1971 các tiểu đoàn tên lửa đã sẵn sàng chiến đấu, tích cực tìm cách đánh B-52 và AC-130. Nhưng anh em gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, trận địa phần lớn chỉ đánh được 2 bệ, có nơi độ chênh của bệ và đài lớn, đạn phóng lên không rơi vào cánh sóng, mất điều khiển. Các tiểu đoàn phải cơ động nhiều, khí tài quăng quật trên đường quân sự làm gấp, làm cho các đồng hồ đo của các xe mất chính xác, mà không có phương tiện để hiệu chỉnh lại. Thường phải chiến đấu trong điều kiện tiểu đoàn đơn lẻ, không tập trung được nên hạn chế xác xuất tiêu diệt địch, dễ dàng bị tên lửa "Sơ rai", phản ra đa của địch, đánh phá chính xác. Ta phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, nhưng anh em vẫn kiên cường bám trụ, tích cực đánh địch và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy chưa có những trận thắng giòn giã, đánh rơi tại chỗ, nhưng đã từng bước uy hiếp và hạn chế được việc đánh phá của B-52 và AC-130, đẩy lùi từng bước hoạt động của chúng xuống phía Nam tuyến vận chuyển, tạo điều kiện cho các đợt vận chuyển đầu mùa khô vượt khẩu, đưa hàng vào Bắc – Nam đường 9 thêm thuận lợi. Bộ tư lệnh 559 đánh giá tốt và biểu dương khen thưởng thích đáng các đơn vị tên lửa.
       
        Sang tháng 1-1971 không quân địch tăng cường trinh sát đường 9 từ Khe Sanh đến Sê-pôn, B-52 hoạt động mạnh ở Nam, Bắc đường 9. Triệu chứng địch tấn công ra đường 9 Nam Lào ngày càng rõ rệt, Sư đoàn phòng không 367 được Bộ tư lệnh mặt trận đường 9 Nam Lào giao nhiệm vụ bảo vệ hậu phương chiến lược, trực tiếp với chiến dịch. Trung đoàn tên lửa 237, 238 được lệnh tiếp tục thọc sâu theo đường 12, 20 và đường 10 vượt sang Tây Trường Sơn để đánh B-52, AC-130, vừa đảm bảo giao thông vận chuyển vừa sẵn sàng bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành.
       
        Kết quả ngày 18-3-1971, tlều đoàn 69 thuộc Trung đoàn 237 tại trận địa Tà Păng phía Bắc đường 9 và Bản Đông đã giữ được bí mật, bất ngờ, kịp thời bắn rơi một chiếc B-52, yểm hộ đắc lực cho bộ binh, vào thời cơ then chốt của chiến dịch đường 9 Nam Lào, giải phóng Bản Đông.
       
        Sau này, vào tháng 3-1972, cũng trên tuyến vận chuyển chiến lược cửa khẩu 559, Tiểu đoàn 67 Trung đoàn 275 tên lửa của Sư đoàn 377 tại trận địa Máy húc 2, do nghiên cứu và chuẩn bị khá tốt, nên đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc AC-130, bảo đảm cho chiến dịch vận chuyển thực hành đợt "Tổng công kích" được thuận lợi, phục vụ cho chiến dịch Trị Thiên mở màn thắng lợi. Trên cửa khẩu các đơn vị tên lửa đã trả được món nợ với cấp trên là đã bắn rơi được 2 con "Át chủ bài" của không quân địch là B-52 và AC-130 vào thời cơ quyết định, góp phần của mình vào thắng lợi của các chiến dịch và vào trang lịch sử oai hùng của đường Trường Sơn huyền thoại. Hơn nữa, từ những kinh nghiệm thành công và thất bại của mình, cộng với kinh nghiệm chiến đấu của tên lửa trong chiến dịch Trị Thiên (3- 1972) đã rút ra được những bài học quý báu cho sự phát triển và trưởng thành của bộ đội tên lửa, nhất là góp phần nhất định vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch 12 ngày đêm mang tên "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:34:28 am »

       
NHỮNG NĂM THÁNG TÔI LÀM CÔNG TÁC THAM MƯU
       
Thiếu tướng Phan Thái                       
Nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật       
       
        Tôi về làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 396, tổ chức huấn luyện chuyển binh chủng xong thì chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu... Tôi lại có quyết định chuyển về làm trưởng ban tác huấn Đoàn 367. Đây là lần đầu tiên tôi làm công tác tham mưu.
       
        Từ một anh lính bộ binh chuyển sang Binh chủng Cao xạ đã là một sự bỡ ngỡ khó khăn, nhưng tôi đã vượt qua, nắm bắt được kỹ thuật của thứ vũ khí mới này và tôi tin tưởng rằng với thứ vũ khí này, sẽ làm cho không quân của Pháp mất ưu thế. Vì từ trước tới lúc này, không quân Pháp có ưu thế tuyệt đối trên không. Bây giờ ta có cao xa pháo để trị máy bay đích, tinh thần bộ đôi sẽ lên rất cao... Và các sư đoàn bô binh của ta có thể chiến đấu ban ngày mở chiến dịch dài ngày hơn. Nhưng cái khó đối với tôi là chuyển về cơ quan tham mưu, một công tác mà trong 7 - 8 năm kháng chiến, tôi chưa hề đảm trách, nhất là công tác tham mưu ở binh chủng kỹ thuật chắc càng khó khăn hơn.
       
        Tôi bàn giao Tiểu đoàn 396 yêu quý của tôi cho anh Ngô Huy Biên làm tiểu đoàn trưởng mà trong lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò... và bỡ ngỡ

        Chưa kịp học hỏi tìm hiểu đối với công tác tham mưu, tham mẹo ra sao thì công tác chuẩn bị cho các đơn vị hành quân về tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ đã cuốn hút cơ quan tham mưu lao theo, bản thân tôi cũng cùng anh em cơ quan tham mưu cuốn hút vào công việc, làm kế hoạch rồi tổ chức thực hiện, đôn đốc, theo dõi, phân công nắm tình hình, cứ như thế, hết đơn vị này hành quân rồi lại đến đơn vị khác hành quân trở về nước an toàn sau chặng đường 1.000km, kéo pháo vào rồi kéo pháo ra... thật là gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng.
       
        Công tác tham mưu là như vậy! Chẳng ai dạy ai nhưng công việc cứ cuốn hút theo: Kế hoạch rồi lại tổ chức thực hiện. Qua đợt hành quân, tổ chức kéo pháo và chuẩn bị chiến đấu trước khi chiến dịch bắt đầu, cơ quan và cán bộ trong cơ quan trưởng thành lên rất nhiều, bản thân tôi hòa nhập với cơ quan rất nhanh và tự thấy mình trưởng thành cùng cơ quan, không cảm thấy bỡ ngỡ xa lạ như khi mới về.
       
        Theo phương châm mới: "Đánh chắc, tiến chắc", toàn mặt trận bước vào giai đoạn chuẩn bị với một quyết tâm mới, đảm bảo chắc thắng cho một chiến dịch dài ngày quy mô lớn!
       
        Theo kế hoạch này bộ phận tác chiến của chúng tôi phải chọn trận địa pháo cao xạ bố trí trên hai hướng: Hướng Đông Bắc, bố trí Tiểu đoàn 383 ở cánh đồng Na Lời, Quang Tum. Hướng Bắc bố trí Tiểu đoàn 394 ở cánh đồng Bản Tấu, Nà Hi. Sở chỉ huy Đoàn 367 đặt trên cao điểm 630, gần phía trận địa của Tiểu đoàn 383.
       
        Công tác tham mưu lúc này rất vất vả trong việc tìm trận địa, vì ở Điện Biên Phủ bốn bề là núi cao, nên tìm mãi mà không có trận địa nào phù hợp với những điều kiện như lý thuyết  đã được học: Trận địa pháo cao xạ phải tương đối bằng phẳng, không có góc che khuất v.v thực tế là phải căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu và đặc điểm địa hình để chọn trận địa cho phù hợp với thực tiễn... Cuối cùng trước ngày chiến dịch nổ súng, hệ thống trận địa của hai tiểu đoàn cao xạ đã được bố trí xong, cùng với chỉ huy sở Đoàn 367 và đài quan sát.

        Các cán bộ tham mưu tác chiến được phân công bố trí trực ban 24/24 giờ trong chỉ huy sở, một số được phân công trực tiếp xuống trận địa đại đội để kiểm tra công tác chuẩn bị xạ - kích, ngụy trang và sẵn sàng chiến đấu.
       
        Sau này, trong quá trình chiến dịch diễn ra tôi và anh em tham mưu tuy số người chỉ có mấy người, ngoài tôi còn có anh Mạnh Đàn, Trần Liên, Sơn, La Hiên, Hùng, Tế v.v... đã làm rất tốt công tác tham mưu chiến dịch, giúp đỡ đắc lực cho công tác chỉ huy của Đoàn... ai cũng cảm thấy mình trưởng thành nhanh chóng cùng với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, thắng lợi hoàn toàn, tôi lại được phân công làm trưởng ban Tổng kết chiến dịch đối với tác chiến của cao xạ pháo. Bản tổng kết này đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi còn tìm thấy một bản duy nhất đánh máy bằng máy Remington không có dấu và in bằng thứ giấy bản mua ở chợ Nước Hai Cao Bằng lưu trữ ở thư viện Quân đội mang số: 22998, tôi xin phép thư viện Quân đội được phô tô một bản để tặng lại Quân chủng Phòng không - Không quân, vì tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm nó ở Quân chủng mà chẳng bao giờ tìm thấy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:36:01 am »

        Ban tổng kết gồm có tôi và một số các đồng chí tham mưu trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như Trần Liên, Hoàng Hiên, Ng Sơn, Hùng... Ban Tổng kết có thuận lợi là đã cùng nhau tham dự chiến dịch, những tài liệu là do anh em tự lưu lại nhật ký tại chỉ huy sở nên rất cụ thể và chính xác. Hai tiểu đoàn 383, 394 trực tiếp chiến đấu cũng đã có bản sơ kết gửi lên, nên chúng tôi phân công nhau, ngày đêm đọc và viết nên chỉ sau 1 tháng là Ban báo cáo tổng kết đã có hơn 100 trang báo cáo với Ban chỉ huy Đoàn 367. Theo chỉ đạo của đồng chí Đoàn Phụng báo cáo phải nói cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, nhất là vấn đề tư tưởng... dao động sợ chết... khi phải đối đầu trực tiếp với không quân địch và phải nêu những gương chiến đấu dũng cảm. Đồng chí Lê Văn Tri thì nói cần bổ sung về vấn đề vận dụng chiến thuật, những ấu trĩ lúc đầu và những trưởng thành trong quá trình chiến dịch. Vì lúc này chiến tranh chưa kết thúc cần phải làm tổng kết gấp, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm ngay để sau đó phối thuộc một số các tiểu đoàn vào các sư đoàn bộ binh 304, 308, 312, 320 chuẩn bị cho các chiến dịch tiếp theo... nhưng sau đó thì chiến tranh kết thúc, một nửa đất nước được giải phóng...
       
        Những năm kháng chiến chống Pháp làm cán bộ đại đội rồi làm cán bộ tiểu đoàn, tôi không nghĩ mình sẽ là cán bộ tham mưu, một công tác mà tôi không quen và cũng không mấy ưa thích, cảm giác lúc đầu, nhưng từ khi về Đoàn 367 được giao nhiệm vu này và cho đến khi tôi nghỉ hưu có tới 40 năm liên tục tôi đảm nhận công tác tham mưu tai cơ quan chiến thuật, chiến dịch rồi đến cơ quan tham mưu chiến lược là Tổng cục Kỹ thuật tôi vẫn làm với nhiệt tình cháy bỏng và có hiệu lực. Quả thức công tác tham mưu là công tác rất hấp dẫn, đã làm quen rồi thì chẳng khác gì như nghiện thuốc lào... Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Có lẽ ở đây tôi đã gặp những người thầy và những người bạn đáng kính, đáng mến như anh Nguyễn Quang Bích, tôi và ông cũng có những kỷ niệm nho nhỏ.
       
        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 khi lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội ta phất cao trên hầm Đờ-cát-tơ-ri, ngay chiều hôm đó, đồng chí Đoàn Phụng, Nguyễn Quang Bích, tôi và đồng chí Tân Thông tin tổ chức thâm nhập trung tâm Điện Biên Phủ; khi vào hầm Đờ-cát-tơ-ri thấy có 2 khẩu súng ngắn đẹp quá, tôi và anh Bích liền bỏ 2 khẩu ra đổi làm kỷ niệm, chúng tôi đã cất vào bao súng của mình rồi nhưng nghĩ thế nào ông lại trả lại và đương nhiên tôi cũng phải làm theo! Ông là một người như vậy đó! Và sau này suốt thời gian công tác ở Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân ông là người động viên giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác, không phải riêng tôi mà hình như tất cả các anh em khác cũng đều nhận được sự chăm sóc của ông như vậy, có thể nói ông là người mẫu mực để chúng tôi noi theo và kính mến ông!
       
        Cơ quan tham mưu do ông trực tiếp xây dựng đã trở thành một cơ quan nền nếp có tác phong khẩn trương luôn đáp ứng với tình hình tác chiến nóng bỏng trên không, vì đối tượng tác chiến là không quân địch, có tốc độ rất nhanh, nhất là những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sai một ly đi một dặm nên bộ đội Phòng không - Không quân nói chung và cán bộ tham mưu trong chỉ huy sở nói riêng luôn phải trực ban nghiêm túc... trong thời bình rồi cũng vậy, giữa Thủ đô náo nhiệt, nhưng bộ đội Phòng không vẫn phải luôn trực chiến ngày đêm, như vậy là hy sinh tình cảm lớn lắm đấy! Anh em thường an ủi nhau, bộ đội Phòng không mà lại!
       
        Sau anh Nguyễn Quang Bích là vị tham mưu trưởng đáng kính ra, còn có anh Lê Huy Vinh làm tham mưu trưởng được anh em cảm phục và quý trọng, anh Vinh có tác phong sâu sát đơn vị, sâu sát anh em trong cơ quan nhất là bộ phận trực ban tác chiến.
       
        Anh Nguyễn Quang Bích là sáng lập viên Ban lien lạc bạn chiến đấu Đoàn B67 và đến hiện nay anh vẫn làm trưởng ban và vừa rồi thành lập Ban liên lạc pháo phòng không, anh Bích được tôn vinh làm trưởng ban. Dạo này sức khỏe anh Bích có giảm sút nhưng anh vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ này. Anh Lê Huy Vinh cũng vậy anh đã nhiều năm làm trưởng ban bạn chiến đấu Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân. Có thể nói rằng do có các anh chủ trì nên Ban liên lạc có uy tín, anh em về họp đông vui, tình nghĩa, những người lính cao xạ từ 50 năm về trước khi gặp nhau sao mà thắm thiết... anh em cán bộ tham mưu qua chiến tranh ác liệt gian khổ vẫn rất tự hào vì cơ quan tham mưu có thâm niên lịch sử hào hùng.
       
        Riêng tôi tuy đã xa Quân chủng lâu rồi nhưng chẳng năm nào tôi bỏ qua các buổi họp mặt Ban chiến đấu Đoàn 367 và Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân, những người đã cùng tôi chiến đấu thực sự trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:45:44 am »

       
MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐÁNH MÁY BAY MỸ
BẢO VỆ HÀ NỘI TRONG CHIẾN TRANH
PHÁ HOẠI MIỀN BẮC NĂM 1967
       
Thiếu tướng Ngô Huy Biên                   
Nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng       
       
        Từ ngày 5-8-1964 tôi được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 218 Quân chủng Phòng không - Không quân kiêm cụm trưởng cụm phòng không bảo vệ sân bay Nội Bài gồm: Trung đoàn 218 pháo 85; trung đoàn 228 pháo 57; 4 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 và 1 đại đội pháo tự hành 57.
       
        Đến tháng 5-1965, tôi được Bộ tư lệnh Quân chủng điều về làm trưởng phòng Tác chiến trong Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân.
       
        Thời gian này chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã mở rộng ra toàn miền Bắc (trừ Thủ đô Hà Nội). Nhiệm vụ của Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân rất nặng nề, vừa phải tham mưu cho Bộ tư lệnh Quân chủng xây dựng lực lượng nhất là lực lượng tên lửa phòng không và không quân mới phát triển, vừa phải nghiên cứu nắm rộng quy luật hoạt động của không quân địch, chỉ đạo tác chiến bảo vệ các tuyến giao thông đường 1 Bắc; đường số 5; đường 1 Nam và hoàn chỉnh kế hoạch bảo vệ Hà Nội khi chúng xâm phạm.
       
        Đến đầu năm 1967, đế quốc Mỹ đã leo đến nấc thang cao nhất là mở các đợt hoạt động trực tiếp ném bom đánh phá vào các mục tiêu quan trọng trong Hà Nội như sân bay Nội Bài, kho xăng Đức Giang, cầu Long Biên, nhà ga, nhà máy điện Hà Nội v.v...
       
        Để đánh bại các đợt đánh phá vào Hà Nội của không quân địch, Bộ Tham mưu Phòng không – Không quân mà trực tiếp là phòng Tác chiến, phòng Quân báo, phòng Thông tin, phòng Ra đa phải liên kết với nhau đề xuất các phương án bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Hà Nội. Đất nước ta dài mà hẹp, từ hướng biển Đông hoặc hướng Tây chỉ cần vài phút là máy bay địch đã có thể bay tới Hà Nội. Để không bị bất ngờ khi không quân địch xâm phạm Hà Nội, vấn đề trước tiên là phải nắm vững các đường bay bay tới của địch, phòng Tác chiến đã phải kết hợp rất chặt chẽ với phòng Quân báo, Thông tin, Ra đa để bố trí một hệ thống trinh sát từ xa và đặt các đài quan sát mắt ở những địa điểm mà máy bay địch thường lấy làm địa tiêu để bay vào Hà Nội. Máy bay địch bay trên không tưởng chừng chúng muốn bay đường nào cũng được, nhưng không, chúng vẫn phải dựa theo những địa hình địa vật ở dưới đất làm địa tiêu và để hạn chế lực lượng bố trí của ta và phát hiện chúng.
       
        Sau một thời gian nghiên cứu đã xác định được những đường bay có tính quy luật của địch. Nếu từ hướng biển Đông đột nhập, chúng thường bay vào Thanh Hóa, qua dãy Tam Điệp đến Tuyên Quang, Việt Trì bay dọc theo đỉnh dãy Tam Đảo từ hướng Bắc đánh vào Hà Nội, hoặc qua cửa sông Đáy hay cửa Bà Lạt bay vào Hà Nội. Có lúc chúng bay tới vịnh Hạ Long, rồi theo đường 18 bay trên đỉnh dãy núi Yên Tử qua Bắc Giang, Bắc Ninh vào Hà Nội.
       
        Nếu từ hướng Thái Lan sang, chúng thường bay qua vùng Thượng Lào, qua miền Tây Thanh Hóa vào Hòa Bình, vượt qua dãy núi Ba Vì vào hướng Tây Hà Nội.
       
        Trên cơ sở nghiên cứu quy luật đột nhập của địch, ta đã bố trí hệ thống ra đa bắt mục tiêu từ xa trên các hướng và một hệ thống đài quan sát mắt và nghe tiếng động cơ tại các địa điểm mà máy bay địch thường bay qua, kịp thời báo cáo bằng vô tuyến điện về sở chỉ huy để ta chủ động vào cấp một.
       
        Trên từng mục tiêu cụ thể, cũng phải nghiên cứu thật cụ thể hướng bay vào đánh phá mục tiêu của địch để bố trí lực lượng cho phù hợp, nhất là lực lượng cao xạ pháo thường phải ôm sát mục tiêu bảo vệ. Ví như để bảo vệ Nhà máy điện Hà Nội, ta đã nghiên cứu và tìm ra được hướng đột nhập và đánh phá của địch nên ta đã bố trí lực lượng pháo cao xạ trực tiếp ôm sát mục tiêu kết hợp với lực lượng không quân và TLPK đánh địch từ xa rất sát hợp nên đã vừa bắn rơi được máy bay địch, vừa bảo vệ được mục tiêu. Căn cứ theo địa hình địa vật quanh Nhà máy điện Hà Nội, cơ quan tham mưu đã đề nghị BTL Quân chủng cho máy bay ta bay thử trên các hướng để có thể phát hiện được nhà máy từ xa. Nếu từ hướng Đông bay tới với độ cao bay là 4000m thì phát hiện mục tiêu rất khó vì bị hàng cây trên đường Yên Phụ che khuất. Nếu từ hướng Tây bay tới thì sau khi bay vượt qua dãy núi Ba Vì là đã có thể phát hiện được Nhà máy điện Yên Phụ từ xa vì hướng Tây là cả mặt nước Hồ Tây rộng lớn không có gì che khuất. Trên cơ sở đó ta đã bố trí lực lượng pháo cao xạ nhiều về hướng Tây như trận địa Nhật Tân; trận địa nổi pháo 37 trên Hồ Tây, đặc biệt là trận địa chốt pháo 57 trên khu nhà Bát Giác (phá đi, nay là trạm khách số 1 Trấn Vũ) bắn rất có hiệu quả.
       
        Cách nghiên cứu và bố trí như vậy nên đã có lần, khi có báo động ta đã chủ động lên đài quan sát xem quân ta bắn hạ máy bay địch khi chúng vào đánh Nhà máy điện Hà Nội v.v...
       
        Không quân Mỹ nhiều và mạnh. Chúng tưởng chừng có thể làm mưa làm gió trên vùng trời miền Bắc nước ta, đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, nhưng cả hai lần dùng không quân đánh phá miền Bắc chúng đã thảm hại do vấp phải sức chống trả quyết hệt của quân dân ta, với trí thông minh và lòng dũng cảm, ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ lực lượng 3 thứ quân với các binh chủng của Phòng không - Không quân và có một Bộ Tham mưu rất sáng suoost và cần mẫn giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng lãnh đạo chỉ huy các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc đánh bại một lực lượng không quân nhà nghề của đế quốc Mỹ mà chúng cho là hùng mạnh nhất thế giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:47:21 am »

        
NHỮNG THÁNG NGÀY NHỚ MÃI
       
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh        
Nguyên cục phó Cục Tác chiến         
       
        Tháng 8 năm 1967  tôi được đề bạt từ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 64 Trung đoàn 236 lên làm phó phòng Tác chiến - Bộ Tham mưu Quân chủng. Theo ý kiến cấp trên, anh Ngô Huy Biên, trưởng phòng phân công tôi theo dõi về hoạt động tác chiến của bộ đội tên lửa. Các anh thủ trưởng phòng Tâm Trinh, Trần Bưởi, Đặng Trình, Hà Chấp, Trần Liên và các cán bộ Bách, Đỉnh, Hùng, Phong... hết lòng giúp đỡ tôi. Sớm ngày đến tận khuya cả phòng vào làm việc tại sở chỉ huy ở trong hang Trầm, đêm về xóm núi ngủ nhờ ở nhà bà Rô. Thỉnh thoảng được về họp ở sở chỉ huy cơ bản Bạch Mai, hoặc xuống đơn vị.
        
        Bộ Tham mưu là một tập thể mạnh, làm việc hết mình, sống vui chan hòa. Tôi đã được nghe bài vè:
        
        "Tiền ông Bách
        Sách ông Khuê..."

        
        Tôi đã được gặp các ông Bách, Khuê thì quả đúng vậy làm việc rất hiệu quả.
        
        Vào những tháng cuối năm 1967, toàn phòng bận tíu tít vừa giúp Bộ tư lệnh xử trí tình huống phức tạp hàng giờ hàng phút, vừa dự thảo, đề đạt cấp trên cách đánh "tiêu diệt lớn" của bộ đội Phòng không – Không quân. Một số vấn đề thuộc phạm trù "chiến dịch phòng không", rất mới rất khó, đã được hình thành từ đây, làm tiền đề cho lý luận và thực tiễn chiến dịch phòng không cuối 1972.
        
        Một lần tôi được theo anh Tâm Trinh leo lên đỉnh cao của dãy núi Tam Đảo (đỉnh cao nhất 1.592m) thăm và làm việc với trạm ra đa - quan sát mắt ở đây. Cả đơn vị chịu ăn thiếu, mặc rét, xuyên rừng lên dốc xuống khe giữ máy, giữ gạo và thực phẩm khô, giữ nước sinh hoạt, để suốt ngày đêm theo dõi máy bay địch, báo cáo về tổng trạm nhanh, xa, chuẩn, đủ, không hề sai, sót, lọt, chậm. Tôi thật sự khâm phục thành tích thầm lặng của đơn vị ra đa trên đỉnh Tam Đảo.
        
        Khi tôi đến nhận công tác ở Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (sau 4 tháng là quân số của phòng Tác chiến Quân chủng), tôi và các anh em khác đều luôn được sự ủng hộ, phối hợp nhịp nhàng của Bộ Tham mưu Quân chủng mà điển hình tuyệt đẹp là trận quyết chiến chiến lược đánh thắng B-52 cuối năm 1972. Tôi xin nhắc lại một sự kiện: Để tổ chức thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị là phải xác minh ngay tin B-52 đã bị bắn rơi tại chỗ, Cục Tác chiến phối hợp với Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân ngay trong đêm 18 tháng 12 năm 1972 thống nhất một kế hoạch được Bộ và Quân chủng duyệt. Tờ mờ sáng ngày 19 tháng 12 một máy bay lên thẳng Mi-8 chờ sẵn ở Bạch Mai chở 4 người: Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Lê Văn Tri, trợ lý Cục Tác chiến Nguyễn Văn Ninh, trưởng phòng Quân báo Quân chủng Lê Tư, bay đến Phủ Lỗ, Đông Anh... đậu xuống đám ruộng có xác chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi. Trong chốc lát máy bay cất cánh trở về kịp cho đồng chí Phùng Thế Tài bước vào phòng làm việc của Quân ủy Trung ương. Nơi đây Bộ Chính trị họp chờ nghe báo cáo.
        
        Tấm ảnh do Xưởng phim Quân đội ta ghi được này thật là một tư liệu lịch sử quý giá, đặc biệt đối với tham mưu chiến lược và chiến dịch.
        
        Năm tháng qua đi, xóa nhòa nhiều sự việc, nhưng với tôi những tháng ngày thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân không bao giờ quên mà nhớ mãi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:01:24 am »

       
NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY ĐẦU VỀ
BỘ THAM MƯU QUÂN CHỦNG
PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
       
Trung tướng Phan Thu                     
Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Quân chủng       
       
        Trong kháng chiến chống Pháp tôi ở Binh chủng Pháo binh, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được điều về Phòng không, được làm việc và tham gia chiến đấu ở đó cho đến năm 1979. Tôi được về nghỉ hưu năm 1997; trong 47 năm binh nghiệp thì 25 năm tôi ở bộ đội PK và Quân chủng Phòng không - Không quân, trong đó tôi đã có 18 năm phục vụ tại Bộ Tham mưu của Quân chủng. Những năm tháng ở Bộ Tham mưu Quân chủng dưới sự chỉ của các Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Văn Khánh... đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Phòng Huấn luyện, Phòng Khoa học quân sự rồi sau đó là Phòng Quân báo là những nơi mà tôi được trưởng thành qua nhiều đời trưởng phòng như các đồng chí Dương Hán, Quốc Dương, Trịnh Duy Hậu, Lê Tư, Đỗ Phúc... đã để lại trong tôi nhiều điều khó quên. Chức vụ đầu tiên tôi được giao ở Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân là trợ lý ra đa thuộc Ban Huấn luyện, sau đó là Phòng Huấn luyện. Nhiệm vụ của tôi là tổ chức và quản lý công tác huấn luyện ra đa trong toàn Quân chủng. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu của chiến đấu, chúng tôi phải nghiên cứu các thủ đoạn chiến, kỹ thuật của Mỹ và cách đối phó lại các thủ đoạn đó, mà trong đó trọng điểm là các thủ đoạn gây nhiễu ra đa và sử dụng tên lửa Shrike (loại tên lửa bám theo cánh song ra đa ta của Mỹ). Để thực hiện được nhiệm vụ này, chúng tôi phải bám sát chiến đấu tại các đài ra đa và đài điều khiển tên lửa PK, chụp ảnh và nghiên cứu bản chất các dạng nhiễu cùng cách đối phó của ta để chống nhiễu, cũng như nghiên cứu những đề tài cải tiến ra đa góp phần chống nhiễu cho ra đa, tên lửa.
       
        Nhớ lại những ngày đầu về với Quân chủng Phòng không mở ra từ việc tham dự lớp chuyển binh chủng pháo Phòng không cỡ trung 88mm mà trực tiếp là loại ra đa pháo RZ-2, tôi muốn kể lại những ngày lịch sử đáng nhớ đó:
       
        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Trung đoàn 367 với 6 tiểu đoàn cao xạ 37mm bất ngờ xuất hiện, đã gây kinh hoàng cho lực lượng không quân của thực dân Pháp, phối hợp với hỏa lực của pháo binh khống chế sân bay, khiến máy bay của Pháp vô cùng hoảng sợ và góp phần tích cực vào thắng lợi của chiến dịch quan trọng này, quyết định sự cáo chung chiến tranh xâm lược nước ta của thực dân Pháp.
       
        Toàn miền Bắc được giải phóng, đòi hỏi phải bảo vệ không phận của Tổ quốc ở nhiều tầng cao khác nhau, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... Bộ Tổng tư lệnh đã sớm thấy yêu cầu này nên ngay từ khi chưa tiếp quản Hà Nội, Bộ đã có kế hoạch xây dựng lực lượng Phòng không quốc gia.
       
        Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự giúp đỡ của Liên Xô, chúng ta được tiếp nhận một loại pháo Phòng không tầm trung cỡ 88mm. Số vũ khí này, do Đức quốc xã sản xuất, là chiến lợi phẩm chiến tranh mà Liên Xô đã thu được khi tiến quân vào giải phóng Berlin. Liên Xô đã giao cho ta loại vũ khí đó qua đường Trung Quốc, kể cả việc đào tạo đội ngũ cán bộ. Lớp học đào tạo cán bộ được tổ chức tại Trường Pháo binh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Thành phố Thẩm Dương.
       
        Vào mùa thu năm 1954, hàng trăm cán bộ từ cấp trung đoàn đến cấp trung đội được tuyển chọn trong toàn quân để đi học. Tôi và nhiều đồng chí khác cũng được vinh dự điều động từ Pháo binh, từ trường Lục quân về để được chuyển loại binh chủng. Chính số cán bộ này cùng với cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn cao xạ 367 đã từng lập công tại chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này đã trở thành lực lượng nòng cốt góp phần cho sự phát triển của Quân chủng Phòng không - Không quân.
       
        Tôi nhớ rất rõ nhiều cán bộ trung đoàn bộ binh, pháo binh... với bộ quân phục còn chưa rũ hết khói bụi từ Chiến trường Điện Biên Phủ và từ nhiều chiến trường khác đã được điều động về để tham gia xây dựng bộ đội Phòng không quốc gia, như đồng chí Nguyễn Quang Tuyển sau này là trung đoàn trưởng đầu tiên của bộ đội tên lửa; đồng chí Đào Sơn Tây là trưởng phòng cao xạ đầu tiên của bộ đội Phòng không; đồng chí Dương Hán sau này là sư đoàn trưởng Sư đoàn PK 367, rồi là Tham mưu phó quân chủng Phòng không - Không quân; đồng chí Nguyễn Cận sau này là trung đoàn trưởng Trung đoàn phòng không 250 (thời kỳ mà Trung đoàn 250 được trang bị pháo phòng không 88mm) v.v...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:02:42 am »

        Để chuẩn bị cho lớp học, tôi được cử hướng dẫn ôn tập một số kiến thức văn hóa để cán bộ có điều kiện tiếp thu các bài giảng về kỹ thuật của phòng không. Nhìn các đồng chí đã luống tuổi cặm cụi học, mồ hôi nhễ nhại, tìm hiểu các công thức lượng giác, các định luật của điện học... tôi vô cùng thán phục các đồng chí đó; trước đánh giặc đã giỏi nay được Quân đội giao cho học tập để làm chủ các phương tiện chiến tranh hiện đại vì sự nghiệp mới của đất nước, các đồng chí đó đã không quản vất vả, gian nan vượt qua vô vàn khó khăn để hiểu được các bài giảng.
       
        Pháo phòng không cỡ 88mm là loại pháo phòng không có trang bị khí tài điều khiển bắn, gồm máy chỉ huy và ra đa. Tổ chức học tập được chia làm 2 lớp: Lớp học về chỉ huy, về pháo và kỹ thuật bắn có hàng trăm cán bộ và lớp học về khí tài có 36 cán bộ. Riêng lớp học về khí tài, được chọn từ các đồng chí có trình độ văn hóa tương đối hơn, trong đó có 18 đồng chí học ra đa và 18 đồng chí học máy chỉ huy. Tôi được phân công học về ra đa và trực tiếp phụ trách chung lớp học về khí tài.
       
        Loại ra đa mà chúng tôi được đào tạo có tên là ra đa RZ-2 là loại ra đa pháo cao xạ mà quân đội Đức đã sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ 2 và cũng đã phát huy góp phần bắn rơi nhiều máy bay của quân đồng minh, bảo vệ bầu trời Berlin. Mười tám cán bộ được phân công học ra đa đều là những cán bộ sơ cấp, những người đầu tiên trong Quân đội ta được tiếp xúc với kỹ thuật ra đa. Chuyên gia Liên Xô của trường Pháo binh Thẩm Dương là người truyền đạt những kiến thức ra đa cho chúng tôi, thông qua 2 thầy người Trung Quốc là thầy Quách Bác Từ và thầy Lưu Hoa Huân. Lớp học được tổ chức khoảng 6 - 7 tháng (9/1954 - 3/1955).
       
        Sau khi kết thúc lớp học tại Thẩm Dương, tất cả chúng tôi cả pháo vả khí tài đều về nước, tiếp nhận vũ khí và được cấp trên điều động thêm quân số về đủ cho 3 trung đoàn phòng không để tổ chức chuyển binh chủng tại Vai Cày thuộc tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Văn Tri là người chỉ huy chung. Riêng lớp chuyển binh chủng ra đa phải tổ chức tại sân bay Bạch Mai thành phố Hà Nội để lợi dụng mạng điện thành phố và có máy bay để luyện tập. Nhóm cán bộ người Việt Nam được đi học ở Trung Quốc phải làm giáo viên cho lớp học chuyển binh chủng do tôi được phân công làm tổ trưởng giáo viên. Thầy Lưu Hoa Huân, người Trung Quốc được cử sang làm chuyên gia cho lớp học. Đồng chí Cao Phong và đồng chí Hoàng Văn Ngữ được điều về lãnh đạo lớp học. Học sinh lớp ra đa này gồm các cán bộ chiến sĩ lấy các sư đoàn bộ binh 304, 308 và từ nhiều đơn vị khác trong toàn quân, có trình độ văn hóa cao của Quân đội lúc bấy giờ, chọn mãi được 63 đồng chí. Đây là lớp ra đa đầu tiên của lực lượng phòng không và cũng là lớp ra đa đầu tiên của Quân đội ta được tổ chức tại Việt Nam. Lớp học khai giảng ngày 5/5/1955 và kết thúc ngày 15/9/1955.
       
        Trong lớp chuyển binh chủng này, có mấy sự việc mà chúng tôi nhớ mãi:
       
        1 - Do phải giữ bí mật về vũ khí trang bị và thành phố Hà Nội mới được giải phóng, chúng tôi chưa hề được cấp kinh phí cho việc chuẩn bị huấn luyện nên đã phải tự đi thu các dây điện bao quanh tường sân bay Bạch Mai, chôn cột điện, kẻo đường điện 3 pha vào 3 chiếc ra đa được đặt tại 3 vị trí khác nhau bên cạnh đường băng sân bay. Ra đa sau khi triển khai, đã được che kín xung quanh cho từng ra đa bằng cót như các vựa thóc khổng lồ, mọc lên giữa bãi rộng. Những công việc trên, chúng tôi không thuê ai và tốn rất ít tiền.
       
        2 - Do khí hậu nước ta nóng ẩm, các bộ phận chỉnh dòng của ra đa RZ-2 hầu hết đều dùng bán dẫn và đặt rất khít nhau trong các khối máy nên thường bị đánh lửa, dẫn đến điện bị chập mạch, nhất là các mạch điện cao thế, nên các ra đa đều không làm việc được. Thầy Lưu Hoa Huân đang rất lúng túng để xử lý tình hình này thì chúng tôi đã tìm cách tháo rời, kê đệm các bộ phận chỉnh dòng cao thế ra ngoài khối máy mới bảo đảm máy làm việc ổn định, bình thường. Trong thời gian này, đây quả thật là một công việc khó khăn khi mà kỹ thuật ra đa, siêu cao tần còn rất mới mẻ đối với nước ta.
       
        3 - Tôi không nhớ thời gian cụ thể, nhưng khoảng vào tháng 7/1955, lớp học chúng tôi được vinh dự đón Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm. Cùng đi với Đại tướng có đồng chí Tạ Quang Bửu và còn có một cô con gái của Đại tướng tên là Võ Hồng Anh hồi đó còn rất nhỏ đi theo bám tay Đại tướng. Sau này tôi được biết Võ Hồng Anh là một trong hai người phụ nữ Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM