Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:08:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ tham mưu PK-KQ trong chiến tranh  (Đọc 29679 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 05:12:32 am »



        - Tên sách: Bộ tham mưu Phòng không-Không quân trong chiến tranh
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2008
        - Số hoá: ptlinh, Triumf
        - Hiệu đính: Giangtvx
        
        Chỉ đạo nội dung:
        
        - BỘ THAM MƯU QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
        Thiếu tướng VÕ VĂN TUẤN Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân
        
        - BAN LIÊN LẠC BẠN CHIẾN ĐẤU BỘ THAM MUU
        Thiếu tướng LÊ HUY VINH Nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân
        
        Ban biên tập:
        
        Chủ biên: Đại tá NGUYỄN TÂM TRINH
        Các ủy viên:
        - Đại tá giáo sư TRẦN BƯỞI
        - Đại tá HÀ VĂN CHẤP
        - Đại tá TRẦN LIÊN
        - Đại tá NGUYỄN BẮC


        
LỜI GIỚI THIỆU
       
        Hồi ký Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân trong chiến tranh ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân (22/10/1963 - 22/10/2008).
        
        45 năm xây dựng, chiến đâu và chiến thắng đánh dấu một chặng đường lịch sử vẻ vang đầy hào hùng của Bộ Tham mưu trong nửa cuối thế kỷ XX. Chiến tranh thấm thoắt đã lùi vào quá khứ, những người hiện còn sống không khỏi bồi hồi nhớ lại và tiếc thương bao đồng đội, đồng chí và bạn bè thân thiết đã ngã xuống và qua đời. Với tâm lòng tràn đầy nhiệt huyết, và trách nhiệm, lớp lớp cựu chiến binh tham mưu còn lại tuy tuổi cao, sức yêu, vẫn cố gắng ghi lại những ký ức, sâu sắc xúc động về một thời kỳ trận mạc đã qua, để cho ra đời tập hồi ký chiến tranh.
        
        Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, một mặt trận đánh địch trên không đã được mở ra và giành được thắng lợi to lớn mang đầy ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đọc hồi ký, chúng ta tự hào ôn lại những hành động anh hùng trong chiến tranh, lòng quả cảm và sự mưu trí, tinh thần tận tụy và sáng tạo của lớp lớp sĩ quan tham mưu Phòng không - Không quân đối với sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
        
        Hồi ký Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân trong chiến tranh mong góp một phần nhỏ bé bổ sung vào lịch sử xây dựng chiến đấu và chiến thắng của Quân chủng và Quân đội ta, để lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm bổ ích, vô cùng quý báu, góp phần củng cố và phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, động viên cổ vũ, giữ gìn và tô đậm thêm truyền thống của Bộ Tham mưu: "Trung thành vô hạn, mưu trí sáng tạo, tiên công kiên quyết, đoàn kết, hiệp đồng, hoàn thành nhiệm vụ".
        
        Ban liên lạc cựu chiến binh tham mưu xin bày tỏ lòng cảm ơn đối với các tác giả đã dành thời gian quý báu và tâm huyết viết bài cho cuốn hồi ký này, trân trọng cảm ơn Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cùng các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện và giúp đỡ để hồi ký được xuất bản.
        
        Do điều kiện thời gian và trình độ có hạn, việc biên tập hồi ký không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong bạn đọc xa gần lượng thứ và đóng góp ý kiến phê bình.
        
BAN BIÊN SOẠN        
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Sáu, 2020, 03:44:58 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 06:57:05 am »

        
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA
CƠ QUAN THAM MƯU QUÂN CHỦNG
PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
       
Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu                            
Nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ        
       
        1. Cơ quan tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân ra đời từ hai lực lượng Phòng không - Không quân hợp nhất ngày 22-10-1963.
        
        Sự ra đời của Quân chủng Phòng không - Không quân đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, gồm các binh chủng Cao xạ, Không quân, Tên lửa, Ra đa được trang bị hiện đại có trình độ khoa học kỹ thuật cao.
        
        Cơ quan tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu từ cơ quan tham mưu của Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân hợp nhất lại, về tổ chức là hai cơ quan ghép lại, chức trách nhiệm vụ chưa rõ nhất là cơ quan tham mưu cấp Quân chủng, vì thời kỳ đầu Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng trực tiếp lãnh đạo chỉ huy trực tiếp đến cấp trung đoàn "chỉ là đơn vị chiến thuật", nhưng Quân chủng có nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược: Là bảo vệ và quản lý vùng trời giúp Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không nhân dân và lực lượng phòng không ba thứ quân, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu chiến lược - yêu cầu cơ quan Tham mưu Quân chủng phải có tầm chiến dịch - chiến lược để giúp Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng làm tham mưu cho Bộ.
        
        - Trình độ cán bộ Tham mưu lúc đầu đa số từ bộ binh chuyển qua, bản lĩnh chính trị rất tốt, qua chiến đấu được rèn luyện, nhưng chưa đi sâu vào binh chủng, trình độ nghiệp vụ còn rất thấp; có một số ít học ở Liên Xô, Trung Quốc nhưng chưa qua chiến đấu phòng không - chỉ có một số đã trực tiếp chiến đấu pháo cao xạ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chỉ ở cấp tiểu đoàn, công tác tham mưu phòng không đơn vị lớn chưa có kinh nghiệm.
        
        - Phải đấu trí với một đối tượng tác chiến là không quân đế quốc Mỹ, một lực lượng mạnh và hiện đại nhất thế giới đã qua chiến đấu, âm mưu thủ đoạn hết sức thâm độc và xảo quyệt.
        
        2. Quá trình hình thành và phát triển.
        
        Quá trình hình thành và phát triển của ngành Tham mưu nói chung và Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng là một quá trình vừa chiến đấu, vừa xây dựng khẩn trương có những bước nhảy vọt, từ thực tiễn trong chiến đấu mà trưởng thành lên, ngay tổ chức cũng từng bước hình thành phát triển đi đến hoàn chỉnh.
        
        - Lúc đầu ta chỉ có lực lượng pháo cao xạ, chưa có Không quân tiêm kích và chưa có tên lửa, các trận chiến đấu chỉ có lực lượng cao xạ cao nhất là cấp trung đoàn. Cấp sư đoàn, binh chủng chưa hình thành, đến năm 1965 - 1966 đã có đủ các binh chủng Cao xạ, Tên lửa, Không quân tiêm kích, đây là bước nhảy vọt về lượng và chất của lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân; cơ quan tham mưu của Quân chủng không thể giúp Bộ tư lệnh Quân chủng đi sâu lãnh đạo chỉ huy các binh chủng, yêu cầu phải có cơ quan Tham mưu đi sâu vào từng binh chủng để chỉ đạo về mặt tác chiến - huấn luyện binh chủng, đã hình thành tổ chức, Bộ Tham mưu chung có tham mưu trưởng Quân chủng và cơ quan Tham mưu các binh chủng: Không quân, Tên lửa, Ra đa có Tham mưu trưởng Không quân, Tham mưu trưởng tên lửa và chủ nhiệm ra đa.
        
        - Cuối năm 1967, lực lượng tên lửa, lực lượng không quân tiêm kích đã phát triển nhiều trung đoàn, yêu cầu đánh lớn, tác chiến phòng không hiệp đồng binh chủng đã xuất hiện nhất là bảo vệ các yếu địa lớn, các trục giao thông chiến lược - Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân chủng không thể trực tiếp lãnh đạo chỉ huy đến cấp trung đoàn, Bộ Tham mưu cũng không thể một lúc nắm hàng chục đầu mối được do đó phải hình thành cấp sư đoàn và binh chủng.
        
        - 3 Bộ tư lệnh Binh chủng: Không quân, Tên lửa, Ra đa.
        
        - 4 Sư đoàn: Sư 361 (Hà Nội), Sư 363 (Hải Phòng), Sư 367 (cơ động), Sư 365 (đường 1 Bắc)
        
        Bộ Tư lệnh Quân chủng đã giải thể cơ quan Tham mưu binh chủng để tăng cường cán bộ cho cơ quan Tham mưu sư đoàn và Bộ Tư lệnh Bộ Tham mưu tổ chức hợp lại thành cơ quan giúp Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng lãnh đạo chỉ huy chỉ đạo trở thành là cơ quan Tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược. Thời gian này Bộ Tham mưu Quân chủng được bổ sung nhiều cán bộ đã qua chiến đấu và đã đi sâu vào binh chủng, tổ chức được kiện toàn, chức trách nhiệm vụ rõ hơn các cơ quan binh chủng và sư đoàn đã hình thành và có sự phân cấp về lãnh đạo chỉ huy, có thể nói hệ thống Tham mưu của Quân chủng Phòng không - Không quân đã trưởng thành và lớn mạnh.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:28:49 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 06:58:00 am »

        Năm 1967 tác chiến Phòng không đã có bước phát triển lớn, từ những trận đánh nhỏ, vừa vươn lên đánh những trận lớn, hiệp đồng binh chủng. Những đợt đánh trả địch tập kích Hà Nội, Hải Phòng đã có kế hoạch tác chiến thống nhất chỉ huy thống nhất trên một khu vực rộng lớn có nhiều mục tiêu bảo vệ, liên tục dài ngày và có những trận then chốt quyết định, đã xuất hiện những yếu tố có tính chất chiến dịch Phòng không. Đây là một sự tiến bộ toàn diện mà nổi bật là sự tiến bộ về trình độ tổ chức chỉ huy nói riêng và công tác tham mưu nói chung.
       
        Cuối năm 1967  đầu năm 1968  do yêu cầu đánh lớn để bảo vệ các yếu địa chiến lược và các trục đường giao thông chiến lược, chuẩn bị lực lượng tham gia tác chiến trong quân binh chủng hợp thành đều do Bộ Tham mưu trực tiếp tổ chức, yêu cầu phải sử dụng lực lượng lớn, hiệp đồng chiến dấu binh chủng cao, lực lượng tên lửa đã trưởng thành có nhiều trung đoàn đã qua chiến đấu, cán bộ tên lửa, cao xạ số lượng đủ, năng lực chỉ huy tốt, qua rèn luyện có kinh nghiệm chiến đấu, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã giải thể Bộ Tư lệnh Tên lửa, tổ chức của sư đoàn phòng không hỗn hợp tên lửa - cao xạ để giải quyết hiệp đồng giữa hai Binh chủng Cao xạ - Tên lửa, lực lượng chủ yếu của thế trận phòng không đất đối không, hai lực lượng vừa hiệp đồng tác chiến vừa yểm hộ cho nhau, còn Binh chủng Không quân đến năm 1967, tổ chức Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân chiến đấu và Lữ đoàn Không quân vận tải 919 đều trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, để tập trung lãnh đạo chỉ huy lực lượng Không quân tiêm kích, làm nhiệm vụ tác chiến phòng không là lực lượng cơ động và lực lượng chủ yếu không đối không.
       
        Hệ thống tham mưu Quân chủng lúc này lại có sự thay đổi tuy không lớn nhưng rất cơ bản là phải kiện toàn các cơ quan tham mưu của sư đoàn Phòng không hỗn hợp Tên lửa - Cao xạ để đủ sức giúp Đảng ủy và bộ Tư lệnh sư đoàn lãnh đạo chỉ huy thống nhất hai lực lượng, mỗi binh chủng có đặc thù riêng nhưng ở trong một cơ chế tổ chức sư đoàn đòi hỏi phải có những mặt thống nhất.
       
        Công tác tham mưu tổ chức hiệp đồng tác chiến chủ yếu hai lực lượng:
       
        Lực lượng đất đối không với lực lượng không đối không. Hình thức hiệp đồng chủ yếu là đánh ngoài khu vực. Tên lửa - Cao xạ đánh thì Không quân tiêm kích không đánh, Không quân tiêm kích đánh thì tên lửa - cao xạ không đánh và hiệp đồng theo thời gian đã phát huy cao độ tính năng của từng loại vũ khí và không hạn chế lẫn nhau.
       
        Trong chỉ huy sở Quân chủng có 2 bộ phận, bộ phận chỉ huy lực lượng Phòng không do Quân chủng trực tiếp chỉ huy, bộ phận chỉ huy không quân do Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân chỉ huy, Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ và hiệp đồng chiến đấu. Sở chỉ huy Không quân ở bên cạnh sở chỉ huy Quân chủng có thể xem là một bộ phận của sở chỉ huy Quân chủng thông báo hiệp đồng rất chặt chẽ.
       
        Ngành tham mưu của Quân chủng nói chung và Bộ Tham mưu Quân chủng nói riêng đã trưởng thành và hoàn chỉnh, Bộ Tham mưu Quân chủng là cơ quan Tham mưu cấp chiến dịch - chiến lược đã giúp Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lãnh đạo chỉ huy các lực lượng trực thuộc Quân chủng và làm tham mưu cho Bộ xây dựng thế trận phòng không nhân dân, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, tổ chức hiệp đồng tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đất đối không, đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân đế quốc Mỹ, đỉnh cao là chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12 - 1972 trên bầu trời Hà Nội, đã đánh bại lực lượng B-52 không quân chiến lược của Hoa Kỳ, về mặt bảo vệ giao thông chiến lược và tham gia tác chiến phòng không trong Quân binh chủng hợp thành cũng có những bước tiến lớn, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mà hướng chủ yếu là chiến trường Quảng Trị và tổng tiến công nổi dậy xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.
       
        Chúng ta là những cán bộ tham mưu của ngành Tham mưu Phòng không - Không quân nói chung và Bộ Tham mưu nói riêng, rất tự hào và phấn khởi nhìn lại quá trình hình thành và phát triển đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Những thành tích to lớn đó đều do có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo chỉ huy của cấp trên, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng qua các thời kỳ, của tập thể cán bộ, chiến sĩ Bộ Tham mưu, đã đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, mưu trí với nghiệp vụ tinh thông, đã đưa ngành Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân từ một cơ quan tham mưu chỉ biết bộ binh đã đi sâu vào các binh chủng hiện đại, giúp Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng phát huy được sức mạnh từng binh chủng và sức mạnh tổng hợp của thế trận Phòng không - nhân dân và sức mạnh Phòng không nhân dân, đã chiến thắng không quân đế quốc Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:05:49 am »

        
ĐÔI DÒNG TÂM SỰ
       
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích              
Nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng        
Quân chủng Phòng không - Không quân        
       
        Nhớ và ghi lại những ký ức về công tác tham mưu trong chiến tranh, tôi thực sự xúc động và thấy đây là một việc làm rất cần thiết, rất đáng trân trọng. Với tôi, gần trọn cuộc đời binh nghiệp phần lớn lại làm công tác đó nên bao nhiêu là sự kiện sâu sắc, đáng nhớ. Nhưng tuổi đời đã cao, trí nhớ đã giảm, sức khỏe không còn như cũ, nên chắc chắn không viết được nhiều, được dài nữa. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp bóng thực dân Anh đã khởi hấn gây chiến tranh ở Nam Bộ, thì ngày 24-9-1945 tôi đã lên đường cùng đội quân Nam tiến, bỏ lại đằng sau bao điều thương nhớ đối với người thân yêu ruột thịt.
        
        Tiếp đó, năm 1953, tôi lại được điều ra miền Bắc và bắt đầu xây dựng lực lượng cao xạ pháo binh của quân đội, học tập rèn luyện xây dựng và đưa pháo vào chiến trường thử lửa. Làm tham mưu cao xạ, lăn lộn với chiến trường Điện Biên Phủ cho đến ngày kết thúc chiến dịch, năm 1954 tôi mới về thăm bố, thì bố đã qua đời. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi, công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc chưa thực hiện được bao nhiêu, thì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày càng bức xúc. Sau những ngày tháng cùng độ Tư lệnh phòng không xây dựng và tiến hành đánh trả thắng lợi cuộc tập kích 5-8-1964 của không quân Mỹ - ngụy vào miền Bắc, tôi lại khăn gói ba lô lên đường.
        
        Tháng 10-1964, theo con đường mòn trên biển, sau 2 tháng ròng trở lại miền Nam. Xa miền Bắc, đằng đẵng 2 năm trời cùng Bộ chỉ huy miền nghiên cứu để chuyển pháo binh cơ giới cho chiến trường miền Nam, ngày 26-4-1966 trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, địch ném bom kho xăng Đức Giang, tôi lại được lệnh trở ra miền Bắc. Trong muôn vàn khó khăn của chiến tranh, vừa phải hết sức khẩn trương lại vừa phải tuyệt đối an toàn. Chuyến ra miền Bắc lần này thực hiện bằng con đường hợp pháp được đi bằng các loại xe sang trọng của Pháp sang Phnôm-pênh rồi bằng máy bay của hãng "Air France" của Pháp sang Quảng Châu từ Quảng Châu về Nam Ninh xuống sân bay Gia Lâm.
        
        Anh Phùng Thế Tài đem xe đến đón tôi và giao luôn nhiệm vụ làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Thế là ở cương vị này, cuộc đấu trí, đấu lực giữa 2 cơ quan Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân miền Bắc và cơ quan chiến tranh của liên quân Mỹ - ngụy diễn ra từng ngày từng giờ hết cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đến thứ hai.
        
        Ngày 1-11-1968 và sau đó cuộc hội đàm bốn bên tại Pa-ri bắt đầu, không quân Mỹ - ngụy tạm ngừng đánh phá miền Bắc, chuyển hướng đánh phá tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh. Trên lại điều động tôi vào làm phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn cho đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, cùng với Cục Phòng không do các anh Vũ Thành, Trần Trung Tín, Ngô Huy Biên phụ trách. Có thể nói cuộc chiến đấu giữa một bên là Mỹ sử dụng hết mọi lực lượng không quân các loại, chiến thuật chiến lược tung ra hết mọi thủ đoạn kỹ thuật công nghệ cao, tìm cách cắt đứt sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Còn bên ta là dùng mọi mưu trí và biện pháp đánh lại, duy trì và tăng cường không ngừng lực lượng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chiến trường miền Nam đánh thắng.
        
        Nếu như ở miền Bắc, hoạt động công tác tham mưu chủ yếu là mở mặt trận đối không đánh thắng mọi hoạt động tiến công đường không của Mỹ thì ở chiến trường 559 và chiến trường miền Nam, hoạt động tham mưu diễn ra toàn diện cả trên bộ, trên biển, trên không, vô cùng phức tạp. Trong khoảng thời gian này ta với địch đã diễn ra rất nhiều chiến dịch như chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20-1 đến 15-7-1968 ), chiến dịch Đường 9 Nam Lào (30-1 đến 23-3-1971), chiến dịch Trị - Thiên (30-3 đến 27-6-1972). Tháng 5- 1972, khi đang chỉ đạo công binh mở tuyến đường 16 xuống An Lão, Bình Định, chuẩn bị cho công việc chuyển pháo phòng không 37mm vào sâu cùng với các pháo cơ giới hạng nặng, xe tăng, tôi được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về lại Quân chủng Phòng không - Không quân. Thế là sau ba lần vào miền Nam, tôi lại trở lại miền Bắc và trên cương vị Tham mưu trưởng, cùng với đội ngũ anh em tham mưu dày dạn kinh nghiệm canh trời, giữ nước. Cuộc tập kích của máy bay chiến lược B-52 của không quân Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng tháng 12-1972, và tiếp đó sau ngày ký kết hiệp định Pa-ri tháng 1-1973 cuộc tấn công lịch sử cuối cùng của Mỹ - ngụy tháng 4-1975 là những chặng đường hoạt động cuối cùng của tham mưu chiến tranh.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:29:09 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:06:48 am »

        60 năm quân ngũ, 60 năm chiến đấu không mệt mỏi, 60 năm công tác tham mưu, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, cùng chiến đấu với tôi, bao đồng đội, đồng chí đã ngã xuống, không còn nữa. Để bù lại những mất mát đó và cả những mất mát to lớn của dân tộc ta, việc chúng ta nhớ và ghi lại những kinh nghiệm chiến tranh là một điều rất đáng trân trọng. Trên các chặng đường làm công tác tham mưu mà tôi sơ lược kể qua trên đây, có khá nhiều điều kỷ niệm sâu sắc. Có một điều mà tôi tâm nguyện nhất trong công tác tham mưu là phải biết lắng nghe, phải coi trọng ý kiến của mọi người, là đừng bao giờ cho cái gì của mình cũng đúng cả. Binh pháp Tôn Tử có câu: 'Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng" Bác Hồ đã dạy ta "Do bất biến ứng vạn biến".
       
        Tôi nhớ lại ngày 13-4-1966, máy bay địch bổ nhào đánh trực tiếp vào ga Yên Viên, khi đoàn tàu chở các xi téc xăng đang vào ga, tôi và đồng chí Vũ Khắc Long đứng giữa trận địa thấy đạn bắn lên toàn vuốt đuôi. Tìm ra mới biết đội hình bố trí của mình vẫn máy móc theo kiểu đánh máy bay ném bom bay bằng. Đánh xong và giải quyết thương binh tử sĩ xong, chúng tôi cùng trung đoàn quyết định co đội hình lại, tiểu cao bắn bổ nhào trực tiếp, trung cao đánh giai đoạn máy bay chuẩn bị bổ nhào, và hiệu quả ngày hôm sau, máy bay Mỹ đền tội ngay khi đánh vào cầu Đuống.
       
        Tháng 7-1970, địch ra sức bắn phá, khống chế các chân hàng vùng "cán xoong" Khu IV. Nó bắn vào cầu phao Bến Thủy, cầu phao hỏng, nó đánh cầu Cấm, cầu gẫy. Nó đánh một loạt vào các cầu Om, Truông Bồn. Đoàn cán bộ tham mưu thấy nó vào trong hỏa lực cao xạ mà chẳng sợ gì cả, cũng chẳng phải nó mạnh hơn mình. Cuối cùng lại do ta, do không ai lo bảo vệ cho cái lưng của chiến sĩ cả. Cùng đơn vị đoàn cán bộ tham mưu đề xuất ý kiến cứ mỗi đại đội dành riêng 1 khẩu bảo vệ cho 3 khẩu bắn, cả tiểu đoàn tập trung 2 đại đội đánh còn 1 đại đội bảo vệ anh em. Chính ủy quân chủng không đồng tình.
       
        Chúng tôi bảo các đồng chí theo tư lệnh chiến trường cứ thế mà làm. Kết quả máy bay không vào trong hỏa lực được và rơi liên tục. Tôi nói với trung đoàn trưởng Đoàn Minh, thực hiện rất sáng tạo, linh hoạt. Lúc này anh phải bắn rơi, còn mục tiêu tư lệnh phải chịu trách nhiệm. Trận đó, đoàn bắn rơi 2 chiếc tại chỗ, bắt sống giặc lái. Tôi mượn 1 chiếc xe đạp cùng mấy anh em trợ lý đi khảo sát vùng cầu Om, Truông Bồn, nghiên cứu cụ thể đường bay đánh của địch, bố trí lại đội hình của Trung đoàn 224 do đồng chí Mạnh Hùng và Hữu Tiệp chỉ huy, đánh liên tục mấy ngày, địch không vào nữa, giải phóng việc vận chuyển, chân hàng thông suốt.
       
        Ở Nam Bộ, nhiều lần B-52 ném bom rải thảm, cơ quan tham mưu theo dõi nắm chắc quy luật, thu thập đủ mọi triệu chứng tình hình, tránh các giờ địch đánh mỗi lần thực hành hành quân, vận chuyển, tiến hành ẩn nấp chu đáo. Một lần, đang hành quân tiếp nhận hàng của miền Bắc chuyển vào qua ừng cao su, trong đoàn bỗng có một người bỏ hàng chạy biến đi đâu không biết, lập tức sơ tán ngừng vận chuyển. Địch phán đoán phải hành quân nhiều ngày, mình rút xuống 2 ngày, nên đợt vận chuyển hàng an toàn tuyệt đối.
       
        Vào những năm 1967 - 1972, trên khu vực Vĩnh Linh, các tiểu đoàn tên lửa gặp khó khăn. Có lần Tư lệnh đã có lệnh hoãn không cho tên lửa đánh ban ngày. Cán bộ, chiến sĩ càng thêm ngại. Bộ Tham mưu cùng đơn vị nghiên cứu tập trung chọn khu vực địch bay vào, bố trí cả 2 tiểu đoàn tên lửa và mấy trung đoàn cao xạ, cả 23mm đánh, kết quả rơi 2 chiếc tại chỗ. Từ đó địch giãn cường độ đánh phá.
       
        Năm 1968, để chuẩn bị đánh lại miền Bắc lần thứ 2, địch liên tục phóng không người lái vào trinh sát, đoàn cán bộ tham mưu cùng đồng chí Trần Xanh, trung đoàn trưởng 236 đến từng người dân ở các khu vực đánh dấu cụ thể điểm nó bay qua, hình thành đường bay quy luật trên thực địa. Sau đó điều chỉnh đội hình đánh, cả tuần bắn rơi 7 chiếc, trong đó có 4 chiếc do tên lửa tiêu diệt.
       
        Tháng 12-1972, để đánh thắng trận tập kích chiến lược của địch bằng B-52 vào Hà Nội - Hải Phòng, vấn đề đặt ra của Bô Tham mưu là phải bảo đảm phát hiện chính xác B-52 trên nền nhiễu của chúng gây ra. Cử người xuống các đại đội ra đa quan sát nhiễu, xác định rõ cường độ, đường bay của chúng ở các trận địa bố trí ra đa khác nhau. Những vị trí bố trí chếch trên 45 độ so Với trực bay chính của B-52 là những trân địa phát hiện tốt. Việc kiến nghi điều chỉnh đội hình ra đa của Bô Tham mưu đã góp phần lớn vào việc phát hiện xa và chính xác các đợt đánh phá vào Hà Nội cuối tháng 12-1972.
       
        Tôi điểm ra đây một số ví dụ thực tiễn trong chiến tranh của cơ quan tham mưu. Biết địch đã là rất khó vì nó là khách quan. Nhưng biết ta lại bao gồm cả 2 mặt khách quan và chủ quan, càng khó hơn. Đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ cán bộ tham mưu có phẩm chất cao, có bản lĩnh chiến đấu vững vàng có tri thức khoa học dồi dào lại có đầy đủ tác phong công tác sâu sắc, thực tiễn mưu trí chịu khó học hỏi là bài học rất quý báu. Chiến tranh là thử thách cao nhất, là Tham mưu trưởng lâu đời trong Quân chủng Phòng không – Không quân, nhưng điều đã làm được hoàn toàn nhờ dựa vào một đội ngũ sĩ quan như vậy trong chiến tranh. Tôi thật sự cảm ơn và hy vọng tương lai, Quân chủng cũng cố gắng xây dựng được một đội ngũ cán bộ tham mưu đầy tin cậy như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:16:12 am »

NHỚ LẠI CÔNG TÁC THAM MƯU
PHÒNG KHÔNG TRONG CHIẾN TRANH
       
Thiếu tướng Dương Hán                    
Nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng        
       
        Quá trình tham gia cách mạng của tôi gắn bó máu thịt với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vào quân đội, tôi chiến đấu và trưởng thành lên từ Đại đoàn bộ binh 308. Tôi bị thương trong chiến dịch Biên giới năm 1950 và được về làm trưởng phòng tác chiến đại đoàn.
        
        Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại. Về đóng quân tại Thái Nguyên, tôi được cử đi Trung quốc học pháo cao xạ. Học xong về nước tôi được phụ trách xây dựng Sư đoàn phòng không 367 gồm hỗn hợp pháo cỡ 88mm, 37mm và 57mm.
        
        Sau sự kiện vịnh Bác Bộ ngày 5-8-1964 do đế quốc Mỹ gây ra và tiếp đó là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ xâm lược đối với miền Bắc, địch đã không từ một thủ đoạn nào tiến hành leo thang đánh phá, hòng ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường, ra sức phá hoại hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa. Tôi cùng cơ quan tham mưu Quân chủng lao vào nghiên cứu địch, tìm mọi biện pháp để bảo vệ miền Bắc. Lúc này tôi được bổ nhiệm về làm tư lệnh Sư đoàn phòng không 361 Hà Nội. Trước ngày xuống đơn vị, đồng chí Phùng Thế Tài gặp tôi và bảo: "Hãy nán lại, giúp tư lệnh làm phái viên đốc chiến các đơn vị cơ động đội hình mới ra quân, và bảo tôi: "Chừng nào lấy được đuôi máy bay Mỹ về nộp xong mới đi!". Tôi thật sự cảm động và phấn khởi.
        
        Làm xong nhiệm vụ đốc chiến một thời gian tôi về sư đoàn cùng các anh Văn Giang, Hoàng Văn Thiệm... củng cố sở chỉ huy, cơ quan tham mưu, và đặc biệt công tác nghiên cứu thủ đoạn đánh phá vừa qua của địch. Trên đội hình chiến đấu đã được bố trí sẵn, tôi gặp một khó khăn là Tư lệnh Quân chủng không cho phép Sư đoàn quyền được xê dịch bất cứ một đại đội pháo nào? Tôi thật sự băn khoăn với cơ quan tham mưu, thế này thì nó đánh hỏng mất cầu, mất yếu địa bảo vệ. Đội hình bố trí của cao xạ Hà Nội trước mắt chưa kết hợp được thế trận của pháo trung cao bắn máy bay bổ nhào với thế trận của pháo trung cao bắn máy bay bay bằng từ xa bay vào, mà pháo tiểu cao lại không ôm sát mục tiêu.
        
        Và thực tế đã diễn ra, ngày 29-6-1966. Từ 12 giờ 08 phút đến 12 giờ 30 phút, 24 F-105 của không quân chiến thuật Mỹ từ Thái Lan sang đến Yên Bái chúng hạ thấp độ cao bay xuống Việt Trì dọc sông Lô đến Tam Đảo nâng lên bổ nhào ném bom kho xăng Đức Giang, Hà Nội. Bị bất ngờ không đại đội nào bắn được. Trên bàn đánh dấu, ra đa chỉ bắt được địch từ Thái Lan đến Yên Bái sau đó mất mục tiêu. Còn một tình tiết nữa của công tác tham mưu là trước đó, Cục Tác chiến đã có gợi ý cho Tư lệnh về việc địch sẽ đánh 2 kho xăng Hà Nội và Thượng Lý Hải Phòng, Tư lệnh nhiều việc quên không nói với đơn vị. Gần 10 giờ sáng 29-6-1966, đồng chí trợ lý tác chiến Ninh Hữu Trác được phái xuống phổ biến cho Sư đoàn thì 12 giờ địch đã vào đánh. Bộ tư lệnh Hà Nội hoàn toàn bị bất ngờ, tôi lệnh điều một tiểu đoàn pháo 37mm sang bổ sung nhưng không kịp. Sau thất bại này, trên dưới trong nội bộ Bộ Tham mưu đều kiểm điểm rút kinh nghiệm, Bộ cử một phái đoàn do đồng chí Vương Thừa Vũ chủ trì xuống kiểm điểm với Quân chủng. Trong cuộc họp, tôi nhận trách nhiệm đã không hoàn thành nhiệm vụ, tội là về tôi, tôi không từ chối. Tôi xin có ý kiến, một cuộc tập kích của địch đã được Bộ nhận định trước mà phía Quân chủng không thực sự coi đó là một hoạt động chiến dịch, địch đánh ta bằng cường kích ở độ cao cao, tốc độ lớn, đường bay theo kiểu "nhảy cừu", bổ nhào trực tiếp, máy bay và khói bom lấp cả kính ngắm pháo thủ, mà ta không thay đổi bố trí ôm sát yếu địa bảo vệ, đánh bổ nhào như kiểu miền Nam bám thắt lưng địch mà đánh, nên không tiêu diệt được địch. Bộ tổng Tham mưu cũng nhất trí như ý kiến đóng góp của cơ quan tham mưu.
        
        Sau trận này, tôi thật sự ân hận, có tin tôi bị cách chức, nhưng đồng chí Tư lệnh lại giao cho tôi mở lớp tập huấn cho các đại đội pháo tiểu cao về kinh nghiệm chiến đấu. Kết thúc lớp học, tôi được đồng chí Tư lệnh gặp và đón về giao tôi làm sư trưởng Sư đoàn 367 cùng với Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội.
        
        Địch tăng cường leo thang đánh phá, đặc biệt đối với các nhà máy công nghiệp như các nhà máy điện. Bằng thủ đoạn "nhảy cừu", mấy lần địch vào ném bom làm hỏng nhẹ Nhà máy điện Yên Phụ. Sau nhiều lần bị trên phê bình nặng, cơ quan tham mưu cùng Sư đoàn xây dựng một trận địa mới pháo tiểu cao bằng các hòm tên lửa trên Hồ Tây. Sau mấy lần tập kích bị bắn, địch bị thương và cuối cùng phải đền tội, tên giặc lái Giôn Mác Kên nhảy dù bị tóm gọn ở hồ Trúc Bạch.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:29:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:16:49 am »

        Bước sang mùa hè năm 1972, để phối hợp với chiến trường miền Nam, ta mở chiến dịch Trị - Thiên (từ 30-3-1972 đến 27-6-1972). Bộ cử các đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo, Cao Văn Khánh chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu được cử làm tham mưu phòng không cho Bộ tư lệnh chiến dịch. Cùng lúc đó, Quân chủng thành lập sở chỉ huy tiền phương, tôi và đồng chí Nguyễn Xuân Mậu phụ trách có đủ các cơ quan tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần và Binh chủng Ra đa. Các đơn vị của Quân chủng tham gia chiến dịch gồm các sư đoàn 365, 367, 377. Nhiệm vụ Bộ giao là phải hợp đồng chiến đấu bảo vệ đội hình tấn công và phòng ngự của chiến dịch. Bộ cũng chỉ thị phải hết sức đề phòng Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom vào đội hình.
       
        Chiến dịch Trị - Thiên kết thúc, tôi được lệnh về Quân chủng, quan sát từng vệt bom rải thảm của B-52 trên đường 15, tôi hình thành một ý tưởng về một trận quyết chiến chiến lược giữa không quân Mỹ xâm lược với ta sẽ diễn ra ngoài vĩ tuyến 20, mà mục tiêu là các yếu địa trên miền Bắc. Về đến sở chỉ huy Quân chủng ở chùa Trầm, được nghiên cứu tài liệu cung tù binh bị bắn rơi ở Gia Lâm của Bộ, hiểu rõ hơn âm mưu sử dụng B-52 của Mỹ đánh vào Hà Nội. Sau khi trao đổi với cơ quan Bộ Tham mưu đề nghị Quân chủng họp, sớm ra nghị quyết của Đảng ủy về chuẩn bị kế hoạch đối phó với âm mưu tập kích của địch. Lúc này Bộ Tham mưu họp có các đồng chí Vũ Xuân Vinh, Đỗ Văn Loan, Lê Văn Thiêm. Cùng các đồng chí trong 3 Bộ tư lệnh Tên lửa, Không quân, Ra đa và các sư đoàn phòng không Hà Nội - Hải Phòng. Sau báo cáo của Bộ Tham mưu, các đơn vị tham gia ý kiến. Đồng chí Tư lệnh Lê Văn Tri hỏi: "B-52 sẽ đánh vào yếu địa nào?". Tất cả đều thống nhất Hà Nội là chủ yếu. Một vấn đề nổi cộm nhất là đối phó với nhiễu của B-52 với ra đa và tên lửa. Từ sau cuộc họp, cơ quan tham mưu các cấp đều tập trung tìm tòi và sau đó soạn thảo quy tắc bắn trong nhiễu của tên lửa, tiến hành huấn luyện rộng rãi cho các kíp chiến đấu.
       
        Cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam chiến dịch phòng không đánh bại trận tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ ký kết hiệp định Paris 1-1973, rút khỏi miền Nam, lập lại hòa bình. Nó minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối quân sự của Đảng ta. Đối với Quân chủng, trên lĩnh vực quân sự nó ghi lại một bước trưởng thành của công tác tham mưu phòng không.
       
        Bước sang năm 1973, tôi được nhận nhiệm vụ thành lập Tiểu đoàn 100 để tổng kết các nhiệm vụ quân sự của Quân chủng và kiến nghị ý kiến tham gia chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam. Đánh giá kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ quân sự lớn của Quân chủng, 2 nhiệm vụ tác chiến bảo vệ các yếu địa miền Bắc và nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam được hoàn thành xuất sắc. Còn nhiệm vụ thứ ba, tham gia quân binh chủng hợp thành, giải phóng miền Nam này được đặt ra cực kỳ cấp bách.
       
        Mở rộng dân chủ, tranh thủ ý kiến đề xuất rộng rãi của gần 100 cán bộ đã qua thử thách, có rất nhiều ý kiến phương án sử dụng lực lượng, biện pháp tác chiến khác nhau. Cuối cùng Bộ Tham mưu kiến nghị Bộ Tư lệnh và Đảng ủy: Một là tăng cường lực lượng phòng không cho miền Nam, chủ yếu là tên lửa vác vai để phối hợp đánh bại chiến thuật trực thăng vận và chiến xa vận của Mỹ - ngụy, hai là tổ chức xây dựng cho 4 quân đoàn bộ binh mỗi quân đoàn một sư đoàn phòng không gồm các trung đoàn tên lửa, trung đoàn pháo phòng không các loại, và đưa bộ đội ra đa tiến sâu vào phía Nam để bảo đảm chiến đấu. Đồng chí Nguyễn Văn Pháp - Chánh văn phòng đã chấp bút ghi lai báo cáo Bộ tổng Tham mưu và đã được Bộ đồng ý.
       
        Tôi là một trong các đồng chí tham mưu về pháo của Quân chủng qua các thời kỳ với các đồng chí Lê Văn Tri, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Ngọc Diêu, Hoàng Văn Khánh. Chặng đường công tác tham mưu đè năng lên vai và để lại trong tôi khá nhiều sự kiện, nhiều ký ức đáng nhớ. Trong cuộc đụng đầu, đấu trí giữa một bên là Bộ chỉ huy quân sư Mỹ - ngụy, còn một bên là Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân, tôi nghiệm ra rằng: Làm công tác tham mưu phải biết phát huy và tận dụng cơ quan tham mưu một cách tối đa thì mới đạt được hiệu quả cao, ngược lai nếu không phát huy và phát huy tết là sẽ gặp khó khăn. Dễ hay khó về tham mưu tùy thuộc vào tình huống của chiến tranh xảy ra, nhưng xét đến cùng là lấy kết quả đạt được làm thước đo để phân định khó dễ. Một mình đơn thương độc mã không làm nổi, cùng với tôi có bao nhiêu đồng sự, đồng chí, đồng đội, nhân dân, và đặc biệt là một đội ngũ sĩ quan, nhân viên tham mưu đầy phẩm chất cách mạng, trang bị đủ kiến thức quân sự hiện đại luôn đáp ứng, dày dạn, mưu trí sáng tạo sâu sát, thực tiễn. Có như thế mới bớt phải ăn tiệc khan hàng ngày như trong chiến tranh phá hoại.
       
        Tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm, lại bị thương tật, tôi khó nêu hết những kỷ niệm thực tiễn của tôi để gửi lại cho thế hệ tham mưu tiếp theo. Chỉ hy vọng cùng với các câu chuyện của bao đồng chí trong hồi ký phần nào góp ích với chúng ta. Tôi thực sự cảm động và vui mừng khi thấy các đồng chí Ban liên lạc cựu chiến binh tham mưu cho ra tập hồi ký này mà tôi nghĩ có lẽ hiếm có cơ hội nào ngoài chúng ta có được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:22:25 am »

        
MỘT KỶ NIỆM VỀ TÌNH HỮU NGHỊ
VIỆT - TRUNG TRONG KHÁNG CHIẾN
       
Đại tá Lê Văn Thiêm                        
Nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng        
       
        Cuối năm 1965, đầu năm 1966, ta và bạn thỏa thuận Trung Quốc đưa các lực lượng pháo cao xạ vào Việt Nam "kháng Mỹ viện Việt". Đối với bạn, đây là dịp để lực lượng pháo cao xạ rèn luyện trong thực tế chiến đấu. Đội hình bố trí chiến đấu của các lực lượng pháo cao xạ Trung Quốc chủ yếu trên tuyến đường 1 Bắc, từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn (sau rút lại từ Bắc Giang đến Lạng Sơn) và trên tuyến từ Lào Cai đến Phú Thọ (sau rút lại từ Lào Cai đến Yên Bái). Tiếp sau đó lại triển khai thêm tuyến đường từ Thái Nguyên đến Kép. Hình thức và qui mô tổ chức lực lượng là chi đội, mỗi chi đội gồm 3, 5, 7 trung đoàn pháo cao xạ hỗn hợp chủ yếu là pháo cao xạ 57mm. Về thời gian cứ 6 tháng thay phiên một lần, mọi hoạt động chiến đấu của bạn đều được giữ bí mật, không đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bạn tự lo liệu toàn bộ công tác hậu cần kỹ thuật và chịu sự chỉ đạo chiến đấu của Quân chủng PK-KQ về việc xác định các mục tiêu cần bảo vệ, thông báo tình hình chiến đấu chung, tình hình dịch, nhất là các âm mưu thủ đoạn chiến đấu mới của địch. Tôi lúc này là tham mưu phó, được giao nhiệm vụ giúp Bộ tư lệnh Quân chủng chỉ dạo hoạt động chiến đấu của bạn. Ta tổ chức tổ sĩ quan liên lạc cạnh cơ quan chỉ huy chi đội của bạn để giữ quan hệ thường xuyên. Khoảng năm 1967, trong Bộ tư lệnh chi đội Yên Bái có ông Lô Khang Dân làm phó tư lệnh.
        
        Ông Lô Khang Dân có nhiều quan hệ với lực lượng phòng không Việt Nam. Thế hệ cán bộ học trường pháo cao xạ Thẩm Dương ở Đông Bắc Trung Quốc, và thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đầu tiên của Đại đoàn 367 ít nhiều đều biết ông Lô Khang Dân. Lô Khang Dân có trình độ văn hóa sơ trung (tương đương như trung học phổ thông của ta) đã sang chiến đấu ở Triều Tiên. Lúc cán bộ ta học ở trường pháo cao xạ Thẩm Dương năm 1953, ông Lô Khang Dân là phó chủ nhiệm hệ chiến thuật, sau đó lên chủ nhiệm hệ chiến thuật rồi phó bộ trưởng bộ huấn luyện (phó phòng huấn luyện). Ở Thẩm Dương, hàng tuần cán bộ trung cấp của ta được ông Lô Khang Dân giới thiệu về kinh nghiệm tác chiến phòng không ở Triều Tiên. Năm 1954 - 1955, ông Lô Khang Dân sang Việt Nam làm trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc giúp ta xây dựng Đại đoàn 367. Năm 1956 khi tham gia đoàn đại biểu quân sự Việt Nam sang Trung Quốc tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng quân đội chính qui, hiện đại, tôi gặp lại ông Lô Khang Dân ở Bắc Kinh, mang quân hàm trung hiệu (tức trưởng phòng cao xạ dã chiến). Ông đã giúp đỡ ta nhiều trong việc nghiên cứu các điều lệnh, giáo trình giáo lệnh chiến đấu, giới thiệu kỹ tài liệu nguyên tắc sử dụng pháo cao xạ trong chiến dịch chống đổ bộ (kháng đăng lục). Tài liệu này tôi đã sử dụng trong cuộc diễn tập chống đổ bộ đường biển lên đồng bằng Bắc Bộ năm 1962. Cuộc diễn tập qui mô lớn của Quân khu Tả ngạn do đồng chí Lê Trọng Tấn - Tổng Tham mưu phó làm đạo diễn, đồng chí Nam Long, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn làm Tư lệnh chiến dịch. Tôi lúc ấy đang làm trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ 224 được Bộ tư lệnh pháo binh điều động làm chủ nhiệm phòng không chiến dịch trong diễn tập.
        
        Thường lệ, hết nhiệm kỳ 6 tháng, ta tổ chức họp mặt tổng kết, khen thưởng Ở Hà Nội. Ta mời tư lệnh, chính ủy các chi đội về họp với Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Lần này tôi đề nghị với đồng chí Phùng Thế Tài và đồng chí Đặng Tính, ngoài tư lệnh và chính ủy chi đội Yên Bái mời thêm phó tư lệnh Lô Khang Dân. Buổi sáng họp tổng kết ở cơ quan ngoại vụ Bộ Quốc phòng, phố Lý Nam Đế, lúc ấy ở Trung Quốc đang có cao trào cách mạng văn hóa vô sản.
        
        Mở đầu cuộc họp, tôi đứng dậy nói: "Xin phép Bộ tư lệnh Quân chủng, cho tôi được giới thiệu một vị khách đặc biệt trong cuộc hội nghị hôm nay. Đó là đồng chí Lô Khang Dân, phó tư lệnh chi đội Yên Bái, năm 1953, đồng chí Lô Khang Dân là thầy dạy chúng tôi ở Trường pháo cao xạ Thẩm Dương. Năm 1954 - 1955 là trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc giúp ta xây dựng Đại đoàn 367". ông Lô Khang Dân đứng dậy khiêm tốn nói: "Trước đây chúng ta là bạn học, nay chúng ta là bạn chiến đấu".
        
        Buổi tối, mời chiêu đãi ở nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão, có đồng chí Nguyễn Quang Bích ở Sư đoàn 361, đồng chí Hoàng Khải Tiến ỏ Sư đoàn 367 cùng dự. Ông Lô Khang Dân vui vẻ ôn lại kỷ niệm xưa, đưa ảnh gia đình tặng cho các bạn để lưu niệm.
        
        Ông Lô Khang Dân nay nếu còn sống thì tuổi cũng đã ngoài 90, là một chuyên gia về xây dựng, huấn luyện phòng không, có hiểu biết rộng, có kinh nghiệm thực tế có phương pháp lên lớp trình bày vấn đề khúc triết, mạch lạc, đầy sức thuyết phục. Chúng ta rất cảm ơn tình hữu nghị Việt Trung, đã góp phần vào việc xây dựng các lực lượng phòng không của ta trong chiến tranh.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:29:49 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:24:24 pm »

        
SỰ KIỆN ĐÊM 16 THÁNG 4 NĂM 1972
       
Thiếu tướng Lê Huy Vinh                        
Nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng        
       
        Là thành viên trong đoàn cán bộ Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân trong cuộc diễn tập tại Sư đoàn 363 phòng không. Đêm 16-4-1972 đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về sự kiện trên. Tuy thời gian đã 36 năm trôi qua, nhưng với cách nhìn khách quan sẽ làm giàu thêm nghệ thuật tác chiến và công tác tham mưu phòng không - không quân, góp phần bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
        
        Đôi nét về tình hình chiến sự đầu năm 1972.
        
        Lúc ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta đang bắt đầu bước vào giai đoạn cuối, trên chiến trường miền Nam, quân ta ào ạt mở những đợt tấn công mới. Ngày 30/3/1972, chiến dịch Trị - Thiên bắt đầu. Các lực lượng binh chủng hợp thành đã tấn công địch dữ dội và đánh chiếm được hàng loạt những vị trí then chốt, quan trọng phía bắc Quảng Trị, theo chỉ thị của cấp trên, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa gần 4 sư đoàn phòng không, 50% lực lượng tên lửa phòng không tham gia chiến dịch 1972 (kể cả bảo vệ giao thông trên địa bàn cửa khẩu). Phòng không bảo vệ yếu địa Hà Nội và Hải Phòng cũng đã cử không ít lực lượng tham gia chiến dịch này. Trên mặt trận Trị - Thiên, lực lượng phòng không đã chiến đấu rất quyết liệt với máy bay địch, nhất là B-52 tích cực yểm trợ cho các đơn vị bộ binh, pháo binh tiến công tiêu diệt địch. Đợt 1 phòng không đã bắn rơi 86 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52.
        
        Trước tình thế nguy ngập của quân nguỵ, đế quốc mỹ buộc phải chủ trương Mỹ trở lại chiến tranh bằng không quân và hải quân. Để yểm trợ cho quân nguỵ hàng ngày Mỹ huy động bằng hàng trăm lượt máy bay B-52 đánh phá, ngăn chặn các mũi tiến công và pháo hạm của địch để bắn phá ven biển Quảng Bình, Vĩnh Linh. Vào thời điểm ấy, không quân Mỹ chưa đánh phá lại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
        
        Thế nhưng, vào lúc 3 giờ 00 đêm 10/14/1972 Mỹ bất ngờ sử dụng 50 máy bay, trong đó có 12 B-52 đánh phá khu vực Bến Thủy (thành phố Vinh). Ra đa của ta không phát hiện được B-52. Lúng túng trước thủ đoạn mới của địch, các đơn vị tên lửa chiến đấu không hiệu quả.
        
        Tiếp đến, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 13/4/1972, địch lại sử dụng 70 lần chiếc máy bay (có 6 B-52) đánh phá sân bay Thọ Xuân, Hàm Rồng (Thanh Hóa). Trung đoàn 236 tên lửa phát hiện được tín hiệu máy bay B-52, đã chuyển cấp sớm nhưng do vận dụng cách đánh không phù hợp nên cũng chưa bắn rơi được B-52.
        
        Tình hình lúc bấy giờ rất cấp bách. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã nhận định: Địch sẽ tăng cường máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh phá rộng ra miền Bắc nên đã ra lệnh cho Bộ Tham mưu tổ chức một đợt "Diễn tập chống tập kích đường không bằng máy bay B-52 vào thành phố Hải Phòng" để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của miền Bắc Quân chủng cử đoàn cán bộ xuống chỉ đạo diễn tập tại Hải Phòng. Tôi ở sở chỉ huy tiền phương vừa ra được cử tham gia, đoàn gồm có các sĩ quan, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm chiến đấu. Sáng 15/4/1972, Đoàn chúng tôi khẩn trương lên đường.
        
        Hôm ấy, xuất phát từ sở chỉ huy dự bị của Quân chủng ở ngoại thành, Đoàn chúng tôi nhanh chóng xuyên qua trung tâm thành phố, vượt sông Hồng trên cầu phao. Dọc đường, chúng tôi thấy không ít phố phường, trường học, nhà máy còn những vết tích bom, đạn của giặc nhưng Thủ đô ta vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính và thơ mộng. Mọi hoạt động của đời sống thường nhật diễn ra bình thường. Người Hà Nội vẫn bình tĩnh, tự tin và rất cảnh giác.
        
        Sự kiện 16-4-1972 tại Hải Phòng.
        
        Theo kế hoạch diễn tập đã quy định: Đúng giờ "G" (01 giờ sáng) lệnh báo động diễn tập đã phát ra. Các đơn vị của Sư đoàn 363 đã nhanh chóng chuyển cấp xong và sẵn sàng nhận lệnh. Nhưng sau đó ít phút, đột nhiên có lệnh từ sở chỉ huy Quân chủng phát xuống: Hoãn diễn tập và chuyển sang sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch. Đoàn chúng tôi cũng chuyển ngay sang làm nhiệm vụ đốc chiến.
        
        15 phút sau, 20 máy bay địch xuất hiện ở hướng Đông Nam thành phố và lao xuống đánh phá các trận địa phòng không Hải Phòng. Nhưng không nghe thấy tiếng bom nổ như mọi trận đánh trước đây. Các đơn vị báo cáo về sở chỉ huy Sư đoàn: Địch chỉ dùng tên lửa Shrike bắn phá các trận địa. Nhiều đồng chí trong đoàn chúng tôi có kinh nghiệm đối phó với B-52 trên chiến trường đều có chung một nhận định: Thật rõ ràng, đây là triệu chứng địch sẽ dùng B-52 đánh vào Hải Phòng đêm nay! Ý kiến đó lập tức được thông báo cho Sư đoàn để kịp thời chuẩn bị chiến đấu với B-52. Chỉ khoảng 15 - 20 phút sau, 60 lần chiếc máy bay (trong đó có 12 B-52) đã vào đánh phá khu vực An Dương và một số nơi khác ở Hải Phòng 1.000 đồng bào ta đã bị thương vong. Sáng ngày 16/4/1972 địch còn sử dụng hơn 100 lần chiếc máy bay chiến thuật vào tiếp tục đánh phá thành phố. Lúc này, Đoàn chúng tôi đã tổ chức đi xuống các đơn vị để theo dõi chiến đấu. Đến 16 giờ 00, chúng tôi được lệnh quay về sở chỉ huy Quân chủng. Đồng chí Trần Quốc Dương ở lại rút kinh nghiệm với Sư đoàn 363. Trên đường trở về, trong tâm trí của chúng tôi nặng trĩu bao suy tư, thế là, cuộc diễn tập không thành. Diễn tập đánh địch giả thì địch thật không hẹn lại đến. Thật hài hước? Về đến sở chỉ huy Quân chủng, chúng tôi nhận được thông tin: Vào lúc 10 giờ 16/4/1972 địch cũng đã cho 60 lần chiếc máy bay chiến thuật bay ở độ cao 10km, giả làm B-52, vào đánh kho xăng Đức Giang. Các lực lượng phòng không Hà Nội mắc lừa, chiến đấu không hiệu quả. Mục tiêu không bảo vệ được toàn vẹn.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:30:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 08:28:03 pm »

        Không chỉ có vậy. Hậu quả của sự kiện đêm 16/4/1972 còn dẫn đến những "diễn biến trái chiều" khác. Sau khi đưa B-52 bất ngờ ra đánh phá các mục tiêu trên miền Bắc vào 3 đêm: 10, 13, 16/4/1972 với mục đích thăm dò, phản ứng và đã gây ra cho bộ đội và nhân dân ta những tổn thất, thương vong không nhỏ, các máy bay B-52 của địch đã bay trở về căn cứ.

        Chính vì vậy, các tướng lĩnh lầu Năm góc đã tỏ ra rất lạc quan và huênh hoang tuyên bố "bằng kỹ thuật điện tử tối tân, không lực Hoa Kỳ có thể "bịt mắt" toàn bộ hệ thống ra đa của Bác Việt. Có thể "vô hiệu hóa toàn bộ lực lượng phòng không đối phương" và "giờ đây, không lực Hoa Kỳ có thể ném bom bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt Nam như đi dạo chơi vào chỗ trống!"...
       
        Chúng ta chẳng xa lạ gì với kiểu phát ngôn như vậy của các nhà quân sự phương Tây. Họ quen đánh giá đối phương bằng cái nhìn quá sùng bái kỹ thuật. Họ không thể và không bao giờ đánh giá được tài năng, trí tuệ và tinh thần dũng cảm của lực lượng phòng không – không quân Việt Nam. Cũng chính vì quan điểm trên mà Mỹ lại mắc phải sai lầm nghiêm trọng là đã đưa vào trận không tập đêm 16/4/1972 ở Hải Phòng. Làm căn cứ để lập kế hoạch cho cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc nước ta, tháng 12-1972, với mục đích giành thắng lợi lớn trong ván bài cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hậu quả là họ đã chuốc lấy thất bại vô cùng nặng nề và lịch sử nước Mỹ đã phải ghi những trang đen tối!
       
        Vì sao các đơn vị chưa đánh thắng?

        Để bổ sung thêm nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến trận đánh trên chưa thành công. Trước hết các đơn vị trên đây bước vào trận chiến đấu, trong một tình huống rất bất ngờ, trước đó họ không nhận được một thông tin nào về dự báo sẽ có B-52 vào đánh phá mục tiêu bảo vệ. Thậm trí cả trên mạng tình báo trên không cũng không có thông báo, chỉ khi B-52 đã xuất hiện trong khu vực chiến đấu, các đơn vị mới phát hiện ra B-52 nên họ đã lâm vào thế bị động. Mặt khác đây là lần đầu tiên họ đối mặt với một đối tượng chiến lược có sức mạnh nhiều lần so với các loại máy bay mà họ đã từng chiến đấu sức mạnh của nó có nhiều nhưng tập trung nhất là: Gây nhiễu điện tử các loại cực mạnh và tên lửa Shrike tự dẫn chúng đã luôn cải tiến thay đổi kỹ thuật, chiến thuật, gây cho ta không ít khó khăn. Ngay như những ngày đầu của chiến dịch Trị - Thiên các đơn vị tên lửa của ta cũng chưa tìm ra cách đánh B-52 hiệu quả. Hơn nữa tính chất các trận đánh trên của địch là những đòn phản ứng chiến lược nên quy mô và đối tượng của địch có ưu thế hơn ta, còn các đơn vị của ta là những đơn vị chiến thuật. Trong tình huống trên để đánh bại kẻ địch giành thắng lợi chúng ta phải sử dụng sức mạnh của Quân chủng Phòng không - Không quân được chuẩn bị tốt hiệp đồng chặt chẽ, với lực lượng phòng không 3 thứ quân trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không nhất định chúng ta sẽ đánh thắng địch.
       
        Tiếng chuông cảnh báo.

        Khi ấy tình hình đã rất khẩn trương, lúc này Quân chủng Phòng không - Không quân cùng một lúc phải đảm nhiệm 3 nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng như: Bảo vệ các tuyến giao thông, vận tải ra tiền tuyến, yểm trợ cho các đơn vị binh chủng hợp thành chiến đấu trên mặt trận Trị - Thiên, bảo vệ hậu phương miền Bắc.
       
        Quân chủng đã chuyển hóa thế trận điều động các đơn vị 365, 363, sở chỉ huy tiền phương Quân chủng và sau này, cả Trung đoàn 274 tên lửa ra bảo vệ miền Bắc. Ngoài ra còn tổ chức thêm Sư đoàn 375 phòng không, một số trung đoàn cao xạ, tên lửa, điều chỉnh bố trí mạng lưới ra đa, cảnh giới của Binh chủng Ra đa... để phát hiện từ xa và đối phó kịp thời và các cuộc tập kích của B-52.
       
        Chuẩn bị cho cuộc quyết chiến, chiến lược trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng, Quân chủng đã nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu với B-52 và phát động các đơn vị tích cực tìm đánh B-52. Vì vậy, kế hoạch phương án đối phó với cuộc tập kích B-52 từng bước được bổ sung hoàn chỉnh nên ta đã tạo được thế chủ động, giành thắng lợi trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 lập nên chiến công Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972  làm đảo lộn cả tư duy quân sự của đế quốc Mỹ. Và đây cũng là bài học về sự lựa chọn đúng đắn nhiệm vụ chiến lược của Quân chủng Phòng không Không quân.
       
        Đoàn cán bộ tham mưu.
       
        Trong chuyến đi xuống Sư đoàn 363 phòng không, tuy chưa tổ chức được cuộc diễn tập nhưng cũng đã thu được những vấn đề quan trọng, hiểu được hoạt động của máy bay B-52, khả năng đối phó của các đơn vị và công tác đảm bảo chiến đấu của cơ quan tham mưu nhất là vấn đề nghiên cứu, phát hiện, dự báo, thông báo địch lúc này còn nhiều khó khăn ta chưa đi trước địch một bước được, đây là một yêu cầu rất cao, nhưng không thể khác được trong thực tế chiến đấu chúng ta cũng đã thành công trong công tác nghiên cứu phát hiện các thủ đoạn kỹ thuật nhiễu của địch như: QRC-160, nhiễu rãnh đạn, tên lửa của địch ALQ-71 WALLEY và các thủ đoạn chiến thuật, ngày nhảy cừu, bay thấp, đánh đêm, cơ động do đó ta đã bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống giặc lái và đã đánh thắng cả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Đó là lãnh đạo đã biết phát huy trí tuệ của cơ quan và đơn vị.
       
        Tuy nhiên công tác nghiên cứu địch của ta còn nhiều nhược điểm: Thường các sự kiện đã xảy ra ta mới bắt đầu nghiên cứu, khi nghiên cứu ta chưa tập trung đầu tư, thời gian nghiên cứu kéo dài vì thế công tác nghiên cứu địch cần được tổ chức chặt chẽ từ nội bộ cơ quan tham mưu và bao gồm các cục có liên quan, viện kỹ thuật, học viện, nhà trường và các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu xác định rõ chức năng nhiệm vụ, có cơ chế hoạt động, cải tiến phương pháp làm việc khoa học, đầu tư một cách thích đáng, có phương tiện và tư liệu để nghiên cứu, các cán bộ trợ lý được đào tạo bồi dưỡng trở thành các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao mới đáp ứng được yêu cầu của đơn vị có vị trí chiến dịch - chiến lược.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM