Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:40:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử  (Đọc 22617 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 05:02:01 am »

        Với loại nhiễu tiêu cực - loại nhiễu dùng hàng triệu triệu sợi kim loại màu trắng bạc cực mỏng, cực nhẹ- nhẹ như tơ, bay ra từ những quả bom do các máy bay F-4 bay trong đội bình phía trước và ngay cả từ bụng B-52 thả xuống, bay lơ lửng, giăng kín bầu trời tạo thành một hành lang nhiễu dày đặc, tựa như một bức tường khổng lồ cao từ 5 đến 7 km vắt qua thung lũng sông Hồng, chắn ngang mọi cánh sóng ra-đa của ta. Đặc biệt, trong những đêm tháng 12 năm 1972, bầu trời Hà Nội yên bình bỗng đầy máy bay và đầy nhiễu loạn.

        Khi bị gây nhiễu, màn hiện sóng của các trắc thủ, của sĩ quan điều khiển giống như màn hình máy vi tính mỗi khi bị nhiễu điện tử bỗng nhiên rối loạn hoàn toàn. Nhiễu trắng xóa màn hiện sóng, che lấp mọi tín hiệu phản xạ khiến cho việc phát hiện tín hiệu mục tiêu không thể thực hiện được.

        Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn giả B-52 - đấy là những tốp máy bay F-4, F-111 bay với tốc độ ổn định bằng tốc độ của B-52 và cũng bay ở độ cao 9000 đến 10.000 m như máy bay B-52. Khi chúng bay thàrih từng tốp 4 chiếc một và bay thật sát nhau (đội hình mật tập) và cũng phát nhiễu thì trên màn hiện sóng cũng xuất hiện một dải nhiễu to hệt như nhiễu của B-52, rất dễ lầm tưởng tốp máy bay tiêm kích ấy là B-52.

        Nhưng, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Ta đã tổ chức nghiên cứu cách đánh của B-52 để từ đó tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của nó, rồi qua những cuộc "Quân sự dân chủ" bàn bạc cách đánh, qua những lần rút kinh nghiệm các trận đánh... đã xây dựng được phương án cụ thể để đánh loại: "siêu pháo đài bay" này.

        Các phi công bắt đầu say mê bước vào tập luyện từng giai đoạn: phát hiện thế nào, có cần mở ra-đa hay không, mở ở cự li bao nhiêu là vừa, bay tránh lực lượng tiêm kích yểm hộ ra làm sao, tiếp cận thế nào là có hiệu quả nhất, ngắm bắn thế nào, cự li nào thì phóng tên lửa, phóng 1 quả hay 2 quả, (riêng việc phóng 1 quả hay 2 quả cùng một lúc cũng có rất nhiều ý kiến phân tích, tranh luận là phóng 1 quả liệu có rơi tại chỗ hay không, phóng 2 quả có chắc ăn hơn không, bởi theo lí thuyết thì phóng 2 quả cùng một lúc xác suất chưa chắc đã cao hơn phóng từng quả môt, vì quả sau có khi lao ngay vào quả trước, theo nhiệt của quả trước...) Rồi thoát li ra làm sao, về hạ cánh thế nào khi trận chiến ác liệt với cường độ nhiễu nặng như vậy không thể chỉ huy được và sân bay bị đánh phá, đường băng, đường lăn đều bị hư hỏng nặng...về sau, đã ra nghị quyết đánh B-52. Tất cả thống nhất chấp hành theo đúng tình thần của nghị quyết.

        Bước sang năm 1971, Đại đội liên tục tổ chức huấn luyện và Trực ban Chiến đấu ban ngày, ban đêm cho cả 3 Trung đội tại sân bay Đa Phúc. Đồng thời, để nhanh chóng phát triển lực lượng, một số phi công từ các Đại đội khác được bổ sung cho Đại đội bay đêm để gấp rút lập kế hoạch huấn luyện đêm. Số phi công đó gồm:
      
        Phạm Tuân
        Nguyên Ngọc Thiên
        Vũ Như Ngữ
        Bùi Doãn Độ
        Nguyễn Khánh Duy
        Đặng Vân Đình
        Nguyễn Đức Chiến
        Lưu Văn Hinh
        Trần Anh Mỹ
        Trần Văn Năm

        Các phi công bay đêm của Đại đội 5 đã được bổ sung lực lượng, đồng thời cũng được bổ sung nhiệm vụ. Đó là phải tham gia chiến đấu bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh, rồi tham gia chiến dịch đánh Quảng Tri và nhiệm vụ đánh B-52 bằng được.

        Vào trung tuần tháng 4, Đại đội trưởng Đinh Tôn cơ động vào sân bay Anh Sơn (bấy giờ mang mật danh B-4) và chiều 13 tháng 4 xuất kích từ sân bay Anh Sơn lên khu vực Hương Khê - Hà Tĩnh đánh chặn máy bay trinh sát ov -10. Loại máy bay trinh sát này là loại máy bay nhỏ, có tốc độ bay nhỏ và có tính năng cơ động rất tốt. Đôi khi, chúng có động tác nhào lộn rơi như chiếc lá để đánh lừa đối phương, để đối phương tưởng đã bắn roi được chúng rồi, để chúng có cơ hội thoát ra khỏi cuộc chiến. Vậy nhưng, trong cuộc  không chiến vào lúc hoàng hôn này, chúng đã không lừa được Đinh Tôn, chúng đã bị anh hạ gục trên đất Hương Khê - Hà Tình. Trận này được đánh dấu như trận mở màn cho lực lượng đánh đêm trên loại máy bay MiG-21.

        Trong năm 1971 này, lực lượng phi công đánh đêm của Đại đội 5 đã có cơ hội tiếp xúc, giáp mặt với B-52. Đầu tiên phải nói đến chuyến xuất kích của Đại đội trưởng Đinh Tôn từ sân bay Đồng Hới - Quảng Bình (hồi đó mang mật danh B-5).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 08:50:32 pm »

        Việc chuẩn bị đón nhận máy bay vào trực ở sân bay Đồng Hới diễn ra rất kỳ công. Đồng Hới là sân bay nằm ngay sát biển. Địch trinh sát liên tục và đánh phá liên tục vì có lẽ chúng đã "đánh hơi" thấy việc ta sẽ cơ động vào đó để vươn đánh xa hơn, và một khi đã có MiG cơ động vào đó thì các hoạt động của B- 52 cũng sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Địch cứ đánh, ta lại sửa gấp, cứ liên tục như vậy diễn ra ngày ngày. Đoàn của anh Phạm ngọc Lan vào để triển khai, thực hiện quyết tâm của ta: phải cơ động được vào Đồng Hới, phải xuất kích chiến đấu từ sân bay Đồng Hới. Thời kỳ đó là thời kỳ mưa nhiều, sân bay thì lầy lội, địch thì rải các loại bom phá, bom bi nên mặt đường băng lở lói tựa như người bị rỗ mặt vậy. Sở Chỉ Huy tiền phương rất sốt ruột, anh Trần Hanh trực ở đó gọi điện kiểm tra liên tục:

        - Tình hình sức khỏe của cháu độ này thế nào?

        - Mấy ngày nay cháu bị sốt, bị thủy đậu, mặt bị rỗ nhiều quá. Nó quấy khóc suốt thôi.

        (Nội dung trao đổi có nghĩa là: tình hình sân bay thế nào?/ Sân bay bị địch đánh phá, đường băng bị nhiều hố bom./ Trời lại mưa liên tục)

        Vài ngày sau lại có điện:

        - Tình hình mặt mũi cháu thế nào rồi?

        - Cũng khô ráo rồi!

        - Cậu chuẩn bị đón mấy cô em gái mình nhé!

        - Các cô ấy bao nhiêu tuổi?

        - 17,18 gì đó!

        - Để làm gì thế?

        - Chúng lớn rồi thì phải tạo điều kiện cho chúng đi lấy chồng chứ!

        - Vâng, sẵn sàng, 17,18, 19, 20, 21 đều được cả. Càng vui!

        (Nội dung có nghĩa là: đường băng khô ráo rồi thì chuẩn bị tiếp thu các loại máy bay MiG-17, MiG- 21 để chuẩn bị cho chiến đấu)

        Và Đại đội trưởng Đại đội 5 Đinh Tôn đã chuyển sân từ sân bay Đa Phúc cơ động vào sân bay Đồng Hới.

        Tất cả các máy bay chuyển sân vào khu vực phía trong thuộc khu Bốn đều phải giữ bí mật qua vô tuyến, không được phép liên lạc suốt từ lúc cất cánh đến tận lúc hạ cánh. Dọc đường hành trình, qua các điểm kiểm tra được xác định trước, chỉ được phép bấm vào nút phát của vô tuyến 1 tiếng "cạch", hoặc 2 tiếng "cạch" theo đúng hiệp đồng.

        Chuyến ấy, anh Đinh Tôn bay vào bị lệch sang phía Tây đường bay, nghe tiếng "cạch" rồi mà anh Phạm Ngọc Lan đứng trên Đài chỉ huy không nhìn thấy máy bay đâu. Sợ Đinh Tôn đi lệch quá xa, anh Lan đành "liều" hỏi qua đối không:

        -  Ai vừa bấm nút đấy?

        - 216!

        Biết đấy là anh Đinh Tôn, anh Lan lệnh cho tất cả các thành phần ở trên đài chỉ huy phải quan sát xem máy bay ta đang ở đâu. Phút sau, đã phát hiện được máy bay ta, anh Lan lệnh cho bật đèn đường băng và chỉ huy cho anh Tôn quay lại, vào hạ cánh.

        Sau chuyến hạ cánh của anh Đinh Tôn, trời lại tiếp tục mưa tầm tã. Kiểu mưa này là kiểu mưa không thể tạnh ngay được. Phải tính đến việc sơ tán máy bay thôi. Và 3 Trung đội dân quân đã được huy động, vừa làm đường vừa kéo máy bay vào khu vực đường sắt cũ của Đồng Hới. Ở đó, nền đường tương đối cứng, hơn nữa lại có thành ta-luy ngay bên cạnh, nên lực lượng công binh chăng, kéo lưới ngụy trang cũng thuận tiện hơn.

        Máy bay vào nơi sơ tán, ngụy trang xong xuôi thì xuất hiện chiếc máy bay không người lái bay dọc đường băng. Chiều đến, lại xuất hiện tiếp một chiếc máy bay trinh sát RF quần đảo trên khu vực sân bay, nhưng chúng không hề phát hiện được nơi ta cất giấu máy bay. Sự phối hợp khéo léo, ăn ý giữa các thành phần quân dân và lực lượng công binh đã tạo nên kết quả bất ngờ, thật tuyệt vời.

        Mưa vẫn tiếp tục kéo dài thêm 2 ngày nữa, tới ngày thứ 3 mới tạnh ráo, trời mới thấy hửng nắng. Ngoài Sở chỉ huy, anh Trần Hanh sốt ruột lại điện hỏi:
 
        - Mấy ngày nay em gái mình ở đâu mà không thấy ca hát gì cả?

        - Cô ấy nhớ nhà, khóc nhiều lắm, vừa rồi động viên mãi nên mặt mới tươi tỉnh lên được một chút. Đêm nay nếu anh đồng ý thì cho tham gia 1 tiết mục văn nghệ.

        - Vậy cậu gửi em gái mình ở đâu thế?

        - Ở Sơ manh-ĐỜ phe!

        - Ừ, nếu tươi tỉnh thì đồng ý cho hát!

        (Nội dung cuộc trao đổi là: mấy ngày nay tình hình ra làm sao mà không tổ chức trực?/ Vì mưa nhiều, bây giờ trời mới hửng/ Có thể tổ chức trực đêm nay được nếu cấp trên đồng ý./ Máy bay được giấu ở đâu?/ Ở đường sắt (tiếng Pháp - Sơ manh Đờ phe là đường sắt - anh Trần Hanh và anh Phạm Ngọc Lan đều biết tiếng Pháp)/ Vậy đêm nay có thể xuất kích đấy!)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 08:54:08 pm »

        Đến chiều tối ngày 4 tháng 10, máy bay được kéo ra sân bay chuẩn bị cho trực chiến. Trước đó, vào khoảng 2-3 giờ chiều, một biên đội 4 chiếc F-4 bay dọc sân bay Đồng Hới, ném 8 quả bom xuống sân bay, 4 quả nổ ngay, còn 4 quả rơi gần ngay Đài chỉ huy thì nằm chờ nổ.
Tất cả kíp trực đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng chờ lệnh. Vào lúc 19 giờ, có lệnh cho anh Đinh Tôn vào cấp 1 và sau đó là khẩu lệnh:

        - Ấp Bắc! Cờ Hồng! (mở máy, cất cánh)

        19 giờ 13 phút, máy bay rời đất và anh Đinh Tôn được dẫn vào khu vực chiến đấu, phát hiện được 2 chiếc B-52 ở thế đối đầu nên không thể đánh được, phải quay về sân bay Thọ Xuân hạ cánh.

        Tuy chưa bắn được B-52 nhưng trận xuất kích vừa rồi đã gieo được niềm tin vào khả năng dẫn đường sẽ dẫn được MiG bắn rơi B-52. Sau trận ngay 4 tháng 10, sân bay Đồng Hới bị địch trinh sát và đánh phá dữ dội. Trạm ra-đa C-41 cũng bị địch phóng tên lửa gây hỏng hóc. Các lực lượng của ta lại tập trung sửa gấp sân bay, sửa ra-đa tiếp tục chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu tiếp diễn nay mai.

        Suốt giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 11, sau trận đánh của anh Đinh Tôn, sân bay Đồng Hới đã bị lộ, phương án đánh B-52 phải nghiên cứu, tính toán lại rất công phu và rất chặt chẽ. Phải chọn sân bay cơ động có đủ điều kiện giữ bí mật cho việc cất giấu máy bay, bí mật cất cánh, cự li đến khu chiến không được quá xa. Phải tổ chúc chỉ huy bổ trợ được trang bị đầy đủ để chỉ huy bổ trợ khi máy bay ta bay thấp vào khu chờ trong điều kiện bay thấp ban đêm. Phải đảm bảo chế độ giữ bí mật nghiêm ngặt trước khi lên đường đến đài bổ trợ. Mọi liên lạc giữa các đài trạm với Sở chi huy tiền phương Binh chủng chỉ được phép dùng theo mật ngữ mới đặt ra.

        Và sân bay Anh Sơn (mang mật danh B-4) được chọn làm sân cơ động để đánh B-52. Khi máy bay cất cánh, giai đoạn đầu từ sân bay Anh Sơn đến khu chờ Tân Ấp, đường bay ở gần núi cao (dãy Trường Sơn phía Tây và núi Đại Huệ - Hồng Lĩnh phía Đông), phi công phải tự bay thấp theo số liệu đã tính toán trước, không được phép liên lạc để đảm bảo bí mật.

        Chuyến bay rất dễ mất an toàn, rất khó khăn đối với phi công bay đêm ở khu vực núi non hiểm trở như thế này, nhưng với quyết tâm đánh B-52, tất cả đều chấp nhận sự mạo hiểm.

        Nếu như chi cần bay cao một chút, tuy đảm bảo an toàn, nhưng địch sẽ phát hiện được máy bay ta ngay, chúng sẽ gây nhiễu đối không và tổ chức đối phó, ta không thể đánh được địch mà còn bị tổn thất nữa là đằng khác. Kinh nghiệm của một số trận đánh ngày đã cho chúng ta áp dụng vào những trận đánh đêm.

        Vũ Đình Rạng đã cơ động đến sân bay Anh Sơn.

        Sân bay Anh Sơn là sân bay ngắn hẹp, với cự li 1.800 m chiều dài và 27 m chiều rộng, có được trang bị đèn dạ hàng và đèn chiếu phục vụ cho bay đêm.

        Vào đêm 20 tháng 11, có 2 chiếc MiG-21 Trực ban chiến đấu ở 2 sân bay. Đại đội phó Hoàng Biểu trực ở sân bay Vinh và Vũ Đình Rạng trực ở sân bay Anh Sơn.

        19 giờ 30 phút, phát hiện có B-52 vào. Sở Chỉ Huy B-3 (đóng tại Đô Lương) lệnh cho Hoàng Biểu xuất kích, lấy độ cao lên 8.000 m đến 10.000 m, bay vào khu vực Tân Ấp, đèo Mụ Giạ, giữ độ cao 10.000 m. Địch phát hiện, trận đánh không thành, anh Hoàng Biểu bay về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa.

        Mục đích chuyến bay này nhằm đánh lạc hướng địch, cốt để cho địch vẫn tưởng như mọi đêm trước đó, khi ta không đánh được thì máy bay ta quay về sân bay căn cứ Đa Phúc hạ cánh và không xuất kích lần thứ hai nữa.

        Điều này tạo yếu tố bất ngờ cho lần xuất kích tiếp theo.

        20 giờ 30 phút, sau khi nhận được tin tình báo và phán đoán địch sẽ đánh đường 20, Sở Chỉ Huy đã cho Vũ Đình Rạng đang trực ở sân bay Anh Sơn vào cấp 1.

        20 giờ 41 phút, máy bay xuất kích vào khu chờ Tân Ấp đúng theo phương án đã được duyệt.

        Sau 8 phút cất cánh và im lặng tự bay, dẫn đường chính trên bàn tiêu đồ Nguyên Văn Chuyên bắt đầu phát tín hiệu liên lạc và dẫn Vũ Đình Rạng tiếp cận B-52. Khi mục tiêu còn cách 18 km ở phía trước, Vũ Đình Rạng nhận được lệnh mở ra-đa trên máy bay. Sau đó Vũ Đình Rạng báo cáo đã phát hiên được mục tiêu ở phía trước, cách 11 km. Tất cả Sở chỉ huy nín lặng chờ đợi, hồi hộp và xúc động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 08:56:51 pm »

        Khi máy bay B-52 nằm trong khoảng cách 2,5 km và máy bay ta đạt tốc độ tối ưu, Vũ Đình Rạng ấn nút phóng tên lửa vào chiếc B-52 đi đầu rồi kéo cao, thoát li. Khi quan sát thấy một chiếc B-52 khác, Vũ Đình Rạng đưa máy bay mình tiếp cận mục tiêu, bám sát đến cự li cho phép, phóng nốt quả tên lửa thứ hai rồi thoát li về sân bay Anh Sơn, hạ cánh an toàn.

        Trận đánh của Vũ Đình Rạng tuy không bắn rơi được B-52 tai chỗ, nhưng sau này địch phải thừa nhận có một B-52 bị bắn trọng thương, phải về hạ cánh bắt buộc ở sân bay U-đon (Thái Lan) mà không về được U-ta-pao.

        Sau đêm 20 tháng 11 năm 1971, máy bay B-52 chỉ dám hoạt động từ nam đường 9 trở vào. Từ khu vực đường 9 trở ra đến khu Lùm- Bùm, Ta-lê-phu- nhich, đèo Mụ-Giạ... chúng không dám mò ra nữa. Ban ngày chỉ có loại máy bay F-4 hoạt động, ban đêm có thêm loại AC-130 đánh phá chốt Bản Đôn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho ta vận chuyển tiếp tế cho chiến dịch trên cung đường từ đường 12, 20 cho đến đường 9.

        Trận đánh này cũng là chiến công đầu tiên của Không quân ta đánh đối tượng B-52. Nó khẳng định: Không quân ta hoàn toàn có thể tiêu diệt được thần tượng "pháo đài bay bất khả xâm phạm".

        Nhiều phi công bay đêm của Đại đội 5 đã liên tục mai phục, xuất kích để tiêu diệt B-52 như các anh Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, nhưng chưa lần nào "săn" được chúng. Chừng như chúng sợ "vía" các anh nên lần nào các anh xuất kích là chúng chạy từ sớm, hoặc khi các anh cơ động vào trực chiến trong các sân bay Vinh, Anh Sơn... không hề thấy bóng dáng B-52 bén mảng cả trong thời gian dài. Thời gian ấy, trong Đại đội đã có câu: "Biểu "Xê-Pôn", Tôn "đường 9"... nghĩa là, các anh hoạt động chiến đấu ở các khu vực ấy quá nhiều. Có thể, kẻ địch không tường tận dung mạo các anh, nhưng dò qua sóng đối không, nghe giọng nói của các anh Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây... là chúng có thể phán đoán được đấy là những con người như thế nào rồi và chúng cũng đã gờm lắm rồi! Biết đâu (mà cũng có thể lắm chứ) các   anh cũng nằm trong trường hợp tương tự như Anh hùng Liên Xô – phi công huyền thoại Pô-cơ-rư-skin trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc Vĩ Đại, mỗi khi người Anh hùng ấy cất cánh là bọn Đức lại thông báo: "Chú ý! Chú ý! Có Pô-cơ-rư-skin ở trên trời!".

        Số phi công của Đại đội 5 đi cơ động làm nhiêm vụ mai phục để săn B-52 nhiều nhất có Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Hoàng Biểu, các anh Đặng Xây, Vũ Đình Rạng, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính, Trần Thông Hào... rồi Trần Cung, Vũ Xuân Thiều, sau này thì các anh Phạm Tuân, Nguyễn Ngọc Thiên, Bùi Doãn Đô, Nguyên Khánh Duy, Nguyên Đức Chiến, Đặng Vân Đình...

        Thực ra, tổng số các phi công đánh đêm không có nhiều. Lực lượng tham gia trực chiến và tham chiến trong những giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Mỹ
sử dụng Không quân đánh phá ra miền Bắc chỉ có khoảng chục phi công đánh đêm mà thôi.

        Lực lượng mỏng, nhiệm vụ lại rất nặng nề, nhưng trách nhiệm trước Đảng, trước Bác Hồ, trước nhân dân đã giúp cho các phi công Đại đội 5 không hề chùn bước trước khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        Năm 1972 thực sự là một năm khó khăn, gian khổ. Sự ác liệt, khốc liệt của cuộc chiến tranh tăng từng ngày một.

        Ngay từ những tháng đầu năm, Đại đội đã cùng Trung đoàn cơ động vào sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa đóng quân, làm nhiệm vụ tác chiến ở vùng trời khu Bốn, đồng thời sẵn sàng chi viện cho Trung đoàn Không quân 927 ở sân bay Đa Phúc.

        Cũng ngay từ đầu năm năm 1972, một Trung đoàn Không quân tiêm kích nữa đã ra đời. Đó là Trung đoàn Không quân 927. Lực lượng của Trung đoàn Không quân 921 được san sẻ sang Trung đoàn Không quân 927 kể cả số phi công bay ngày và phi công bay đêm. Trong số phi công bay đêm chuyển sang Trung đoàn Không quân 927 có Vũ Xuân Thiều, Nguyên Ngọc Thiên...
 
        Tuy biên chế là người của 927, nhưng đặc biệt là những giai đoạn cuối của năm 1972, các phi công bay đêm, đánh đêm vẫn sinh hoạt chung, vẫn như người của Đại đội 5.

        Số lần xuất kích chiến đấu ngày càng dày hơn, những trận không chiến cũng xảy ra thường xuyên hơn, cuộc chiến đấu ngày càng phức tạp hơn. Mỹ dựa vào vật chất kỹ thuật, vào tiềm lực kinh tế, quốc phòng, dùng trăm phương ngàn kế tạo yếu tố bất ngờ trong từng trận, từng đợt chiến đấu hòng đánh vào ý chí, quyết tâm chiến đấu của ta, gây nên những tổn thất lớn cho ta. Mỗi trận đánh, mỗi trận không chiến - thủ đoạn của chúng đều thay đổi. Chúng đã từng cử "Chuyên viên không chiến" của Lầu Năm Góc sang tham chiến nhiều trận không chiến để nghiên cứu, phân tích cách đánh của các lực lượng tiêm kích của ta, phân tích cách đánh của lực lượng Không quân của chúng để rồi tìm cách đối phó. Nhưng rồi, cũng chính "Chuyên viên không chiến" ấy đã bị anh Ngô Văn Phú bắn hạ trong một trận không chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 07:39:00 am »

        Cuộc sống, nề nếp sinh hoạt của đội ngũ phi công cũng bị xáo trộn theo những cuộc cơ động hết sân bay này đến sân bay khác. Bom đạn Mỹ không để cho bất kỳ sân bay nào của ta được yên ổn quá lâu. Chúng đánh liên tục, ban ngày đánh rồi, ban đêm lại đánh tiếp, đánh không theo quy luật nào. Chuyên phải cất cánh ở đường băng ngắn hẹp, cất hạ cánh ở cả đường lăn, xung quanh còn đầy hố bom, hố đạn... đều là chuyên bình thường đối với tất cả các lực lượng phi công.

        Cứ mỗi mùa Xuân đến, tâm hồn ai cũng thấy rạo rực, vạn vật cũng cựa mình, đổi sắc... cho dù bom đạn vẫn nổ, cuộc chiến vẫn ngày càng cam go. Đất trời vẫn rực sắc khi Tết đến, Xuân về. Những cây, những cành bị mảnh bom, mảnh đạn phạt cụt vẫn đâm chồi, nẩy lộc, vẫn đơm hoa, hé nụ. Nắng vẫn mơn man và mưa Xuân vẫn lất phất bay lẫn trong những làn khói bom lởn vởn. Nhà nhà vẫn gói bánh chưng, tiếng lợn vẫn kêu eng-éc trong ngõ xóm và đâu đó vẫn vang lên những tiếng pháo nổ đì đùng. Cứ đánh giặc, cứ đón Xuân, phong thái người Việt vẫn cứ đĩnh đạc, ung dung.

        Từng ấy năm sống cuộc đời học viên bay là từng ấy năm đón cái Tết xa nhà. Khi trở về nước là bước vào cuộc chiến ngay, lứa phi công đoàn bay MiG-21 khóa 3 hầu như cũng chẳng ai được về đón Tết với gia đình. Biết bao nhiêu xúc cảm xáo trộn trong những ngày Xuân. Ai đó trực ở căn cứ chính, ai đó trực ở sân bay cơ động, ai đó sẽ xuất kích chiến đấu, và rồi biết đâu cũng có ai đó không về ... trong mùa Xuân này.

            Những ngày Tết là những ngày xum vầy của tất cả các người thân trong gia đình, nhưng chiến tranh đã làm gián đoạn, đã ngăn cách những cuộc vui gặp gỡ ấy. Biết bao người thân ở hậu phương lo lắng, chờ đợi, ngóng trông...

        Nhưng rồi ta vẫn tin rằng sẽ có mùa Xuân gần đây thôi, rất gần đấy thôi sẽ là mùa Xuân đoàn tụ, mùa Xuân ngập tràn niềm vui...

        Công Huy đã viết bài "Mồng một, em ơi! Đừng so thêm đũa nữa!" vào đúng dịp mùa Xuân năm 1972 này:

                Bữa cỗ đầu năm
                Em ngồi vào mâm
                Lẳng lặng so thêm đôi đũa
                Ngóng nhìn ra cửa
                Tiếng bước chân đâu cũng ngỡ anh về!
                Em chạy ra hè
                Mắt đăm đắm ngó phương trời xa vợi
                Năm nào cũng đợi
                Năm nào cũng trông Mà không!

                Em ơi, đừng khóc nữa!
                Anh hẹn em Xuân mai
                Khi đào nở tưrì
                Anh sẽ về cùng Xuân đoàn tụ
                Anh sẽ về trong thương yêu ấp ủ
                Anh sẽ về, mãi chẳng cách xa
                Xuân năm nay
                Thêm năm nữa xa nhà
                Thêm năm nữa, miền Nam đổ máu
                Thêm năm nữa
                Anh còn chiến đấu
                Thêm năm nữa
                Em còn so thêm đũa đợi chờ
                Em ơi! Tin yêu anh cứ đợi
                Năm sau sẽ tàn lửa khói
                Năm ấy cỗ mừng Xuân mới
                Hẳn có anh cầm đôi đũa em so
                Nâng lên
                Như nâng trái cam mới bói đầu mùa
                Nâng lên
                Như nâng tay em ngày cưới
                Nhớ không em?
                Ngày ấy - cũng mùa Xuân!


        Cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, lan khắp miền Bắc, ngày càng có nhiều mục tiêu bị đánh phá. Các sân bay hầu như không sân nào còn nguyên vẹn - từ sân căn cứ chính đến tất cả các sân bay cơ động. Đường băng, đường lăn đều bị đánh liên tục, đánh đi đánh lại cả ngày lẫn đêm. Bê tông vỡ nát, các tấm ghi thì dựng ngược, cong vênh hết. Các phi công ta phải cất hạ cánh với đường băng ngắn hẹp, cất hạ cánh ở ngay trên đường lăn và phải sử dụng tên lửa bổ trợ khi cất cánh (loại K-99). Đeo hai quả phía sau máy bay, khi lăn ra vị trí cất cánh, sau khi bật tăng lực, máy bay đã có đà thì ấn nút khởi động tên lửa bổ trợ. Lực đẩy của hai quả tên lửa bổ trợ cùng với lực đẩy của tăng lực cộng lại sẽ lớn hơn cả trọng lượng máy bay nên máy bay gần như được "nhấc bổng" lên ngay tắp lự. Phi công bay ngày còn dễ xác định chiều rộng, chiều dài đường cất hạ cánh, nhưng điều ấy đối với phi công bay đêm thì thật khó xác định vì rất nhiều chuyến sau khi xuất kích về, sân bay tối om, không đèn đóm, chỉ huy cũng lại không nốt, hạ cánh lắm lúc phụ thuộc vào may rủi, hố bom hố đạn chi chít xung quanh, biết đâu mà né tránh. Rồi lại còn tình hình thời tiết có ủng hộ hay không nữa. Không phải chuyến xuất kích nào thời tiết cũng đảm bảo cho tiêu chuẩn bay phù hợp với trình độ của phi công. Nhưng không thể không xuất kích chiến đấu. Phải chấp nhận sự mạo hiểm, phải đối mặt với hiểm nguy để cất cánh và để về hạ cánh. Có những giai đoạn, có những chuyến xuất kích biết rằng chỉ có thể cất cánh mà không thể về hạ cánh được vì thời tiết rất xấu, nhưng không thể từ chối nhiệm vụ được giao mà bằng cách nào cũng phải hoàn thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 07:40:36 am »

        Cuộc sống vất vả như vậy không phải chỉ đối với mỗi thành phần phi công mà đối với mọi thành phần khác sự vất vả cũng chẳng kém. Những vấn đề cần thiết thì rất nhiều, nhưng cần lắm là nước. Trực căng thẳng, vất vả, sau mỗi chuyến xuất kích là mồ hôi mồ kê nhễ nhại, việc tắm rửa đâu có thoải mái như bây giờ. Nước phải chia nhau từng chậu, thậm chí từng ca một. Nước giếng cạn thì gạn nước ruộng, nước hố bom và "tiêu chuẩn" của mỗi người cũng chỉ được lấy một chậu là cùng, muốn tắm giặt thế nào thì tùy, chỉ có ngần ấy thôi. Vậy là thời ấy mới có cái sáng kiến là tắm khô: lấy tay xoa xoa, vo ghét thành từng viên rồi búng đi. Khăn nhúng nước lau qua một lần thế là sạch rồi. May mắn làm sao mà suốt cả giai đoạn chiến tranh không ai bị mắc bệnh ngoài da.

        Các phi công bay đêm, đánh đêm đã trực chiến nhiều, xuất kích chiến đấu cũng nhiều, nhưng chưa ai bắn rơi được máy bay địch. Không phải không có tư tưởng muốn được trực chiến ban ngày để được xuất kích chiến đấu ban ngày, cùng các phi công bay ngày, đánh ngày để lập công. Nhưng lực lượng bay đêm vẫn được giữ gìn vì nhiệm vụ trọng đại hơn: nhiệm vụ đánh B-52.

        Khi cơ động vào các sân bay dã chiến trong khu Bốn (các sân dã chiến cơ động trong đó có Vinh, Đồng Hới, Anh Sơn, Gát... nhưng Trực ban Chiến đấu ở sân bay Vinh là nhiều hơn cả, sau đó là đến Anh Sơn) đã được giao nhiệm vụ đánh B-52 ở Nam khu Bốn, khu vực Đường 9, Nam Lào... chi viện cho chiến trường. Nhiệm vụ giao cho các phi công trực chiến: phải bay vào đến chiến trường, nếu hết dầu ở đâu thì nhảy dù ở đó.

        Cuối tháng 2 năm 1972, Đại đội phó Hoàng Biểu đã có chuyến bay cảm tử. Anh cơ động vào sân bay Vinh. Sân bay Vinh bấy giờ là sân bay đất với kích thước chiều dài 2.000 m và chiều rộng là 30 m được lu nền, được trang bị hệ thống đèn dạ hàng dã chiến ở hai bên đường băng rất thưa và có khi chỉ sáng được có một bên đường băng. Thời gian đó trực ở Sở Chỉ Huy tiền phương là Phó tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Mạnh và Trần Hanh, trực Sở chỉ huy ở Vinh là anh Phạm Ngọc Lan, dẫn đường chính là anh Tạ Quốc Hưng. Tư lệnh Binh chủng Không quân Đào Đình Luyện và Chính ủy Hoàng Phương bay vào giao nhiệm vụ cho trực chỉ huy ở Vinh. Khi đi kiểm tra đường băng, Chính ủy Hoàng Phương nói với Phạm Ngọc Lan rằng: "Hôm nay ta mở mặt trận Quảng Trị. Không quân ta phải bay vào đó. Đây là chuyến bay cảm tử. Bằng cách nào cũng phải cất cánh!"

        Vì hai anh Phạm Ngọc Lan và Hoàng Biểu đều từng là những phi công bay đêm với nhau, từng hiểu nhau, nên hiệp đồng giữa người trực chỉ huy và người trực chiến rất chóng vánh và chặt chẽ.

        Anh Phạm Ngọc Lan thông báo cho anh Hoàng Biểu biết các sân bay đã triển khai sẵn sàng đón tiếp khi về hạ cánh. Sân bay Vinh vẫn là sân bay chính thức, sân bay Anh Sơn là sân bay dự bị (trực ở sân bay Anh Sơn là anh Nguyên Nhật Chiêu).

        Anh Hoàng Biểu nắm vững mọi tình hình và tiếp thu trực chiến.

        Chế độ trực sẵn sàng chiến đấu tại sân bay Vinh là trực ngay dưới cánh máy bay, thời gian chưa có lệnh báo động chuyển cấp thì có thể nằm nghỉ ngay trên chiếc cáng cứu thương đặt cạnh máy bay. Khoảng gần 1 giờ sáng thì có lệnh chuyển cấp. Máy bay của anh Hoàng Biểu được đeo hai thùng dầu phụ, đường băng thì lại ngắn, cất cánh là một vấn đề nan giải, phải rất cố gắng và liều nhấc máy bay cho tách đất ở tốc độ nhỏ mới được. Hôm ấy trời rất xấu, tầm nhìn kém và mây xệ xuống rất thấp. Máy bay tách đất một cách khó nhọc, khi bay chưa đến độ cao thu càng thì đã chui vào mây. Sở Chỉ Huy lệnh cho Hoàng Biểu lấy độ cao lên 8.000 m (thông thường, theo phương án là phải đi rất thấp và phải giữ bí mật liên lạc qua đối không, nhưng lần này lại khác, Sở Chỉ Huy dẫn ngay từ đầu bằng các khẩu lệnh qua đối không và cho lấy độ cao luôn). Tính toán theo thời gian thì đã gần đến Đường 9 Hoàng Biểu nhận được lệnh:
 
        "Bật tăng lực, lấy độ cao lên 14.000m và vòng 2 vòng ở độ cao này vẫn giữ nguyên chế độ tăng lực, sau xuống độ cao 6.000 m vòng tiếp rồi xuống độ cao 2.000 m vòng tiếp một vòng nữa và lấy độ cao bay ra".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 07:43:23 am »

        Sau khi lấy độ cao đến 14.000 m vòng hai vòng xong, xuống các độ cao 6.000 m và 2.000 m vòng tiếp theo như mệnh lệnh đã giao, anh được dẫn về, nhưng theo những hướng bay rất zich-zăc. Anh biết mình đã bị máy bay tiêm kích F-4 của địch đuổi theo và đã được Sở chỉ huy dẫn tránh F-4. Anh được dẫn về đến khu vực Hồng Lĩnh thì cho xuyên xuống, hạ cánh trực tiếp tại sân bay Vinh. Ở sân bay Vinh, đèn chiếu được triển khai ở cả hai đầu Nam và Bắc nhưng vì thời tiết quá xấu, anh Hoàng Biểu chỉ thấy được ánh sáng ở phía trên mây thôi, xuyên đến hai lần mà không thấy đường băng nên không cách gì hạ cánh được đành phải quay về sân bay Anh Sơn để hạ cánh. Khu vực sân bay Anh Sơn cũng không có gì khả quan hơn sân bay Vinh cả. Anh xuyên đến lần thứ hai cũng vẫn không hạ cánh được. Dầu liệu đã cạn. Anh nhận được lệnh của Sở chỉ huy kéo lên đến độ cao 3.500 m, bay về phía Yên Thành - Nghệ An để nhảy dù. Anh đã phải rời bỏ chiếc máy bay đã hết dầu, nhảy dù xuống đất Yên Thành, tiếp đất trên ruộng khoai rồi lần mò đến được sân của Hợp tác xã. Tại đây, anh được đón tiếp (sau khi đã trình bày và đưa các giấy tờ liên quan đến phi công) và được đưa về Sở Chi Huy ở Đại Huệ. Đến Sở Chỉ Huy, anh được Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương gặp gỡ, động viên. Anh vẫn nhớ lời của các thủ trưởng khi gặp gỡ anh:

        - Đây là chuyến bay cảm tử mà đồng chí đã được giao và đã được thực hiện. Ngày nay ta đã mở mặt trận Quảng Trị. Đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mới!

        Hoàng Biểu đã hiểu rõ nhiêm vụ và tầm quan trọng của nó hơn ai hết. Những lần xuất kích đi vào tuyến trong, từ trên nhìn xuống có lúc thấy lửa rực cháy suốt cả một cung đường thì biết rằng cả đoàn xe vận tải của mình đã bị địch bắn chay rồi. Tiền tuyến đang rất cần sự vận chuyển chi viện. Bọn B-52 và C-130 lại hoạt động rất ngang nhiên vì chúng biết chúng ! đang làm chủ bầu trời mà. Lực lượng phòng không của ta không hề có, nên chúng "ra oai tác quái" ghê lắm. Chính vì vậy mà bằng bất kỳ giá nào Không quân ta cũng phải xuất kích. Và y như rằng, mỗi lần máy bay ta xuất kích, bọn C-130 và B-52 lại chạy dạt ra, không dám hoạt động, quấy nhiễu đến cả tuần lễ liền. Địch chỉ dám dùng pháo kích bắn phá các tuyến đường vận chuyển của ta mà thôi.

        Anh Phạm Ngọc Lan nhớ lại, sau chuyến xuất kích của Hoàng Biểu, Bộ tư lệnh mặt trận Quảng trị đã gửi điện cám ơn với nội dung: nhờ có sự có mặt của bộ đội Không quân trong ngày mở chiến dịch mà không quân địch trong vòng gần một tuần lễ không dám hoạt động, tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho chiến dịch.

        Nhiệm vụ đánh B-52 đối với các phi công bay đêm ngày càng cấp bách, phải bằng mọi cánh đánh bằng được B-52 của Mỹ, không thể để chúng ném bom vào miền Bắc, nhất là Hà Nội. Đấy là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, trong bất kỳ điều kiện khí tượng nào, hoàn cảnh khó khăn nào lực lượng Không quân cũng phải có mặt cùng với các lực lượng Phòng không khác tham chiến, phải tiêu diệt chúng, chí ít thì cũng ngăn cản được các cuộc tiến công, các trận đánh phá của chúng.

        Để đánh B-52, ta đã áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Trong quá trình tham chiến với các trận không chiến ban ngày, chiến thuật "bay thấp, kéo cao" và sử dụng lực lượng nghi binh hấp dẫn để tạo yếu lố bí mật, bất ngờ cho tốp đánh chính đã đạt được những hiệu quả nhất định. Ta cũng đã thử áp dụng chiến thuật ấy cho một số trận đánh đêm, nhưng hiệu suất không cao, có trận còn không có hiệu quả.

        Đầu tháng 3, Phạm Tuân và Đặng Vân Đình cùng tham gia kíp trực đêm. Đặng Vân Đình có nhiệm vụ thu hút địch để tạo điều kiện cho mũi đánh chính của Phạm Tuân. Vào lúc 20 giờ 47 phút, Đặng Vân Đình được lệnh vào cấp 1, mở máy, cất cánh bay vào khu vực Quan Hóa - Thanh Hóa. Sau khi lấy độ cao lên đến 6.000 m, Vân Đình vòng tại chỗ để đánh lạc hướng địch, giúp cho Phạm Tuân bay ở độ cao 1.500 m đến 2.000 m bất ngờ vọt lên diệt tốp chính (là B-52). Đình vòng ở khu vực đó gần 10 phút, sau đó được dẫn về hạ cánh. Khi máy bay đã đối chuẩn đài để về sân bay đi được gần 2 phút, Sở chỉ huy lại dẫn Đình quay lại, tiếp tục vòng ở độ cao 6.000 m. Đình phát hiện thấy những chớp lửa ở phía trước nhưng không nghĩ rằng bọn tiêm kích địch sử dụng tên lửa đối đầu. Khi vòng đến vòng thứ hai thì bọn chúng đã bám được vào phía sau Đình và bắn tiếp. Vân Đình nghe thấy cái "Rầm", biết rằng máy bay mình đã trúng đạn. Máy bay quay lộn. cần phải nhảy dù ngay. Đình đẩy vào nắp buồng lái để ấn người xuống sau đó giật cần phóng ghế dù.

Trong trời đêm, cái cảm giác rơi từ độ cao 6.000 m xuống cho đến lúc dù mở mới thấy thật căng thẳng, thời gian mới thấy sao mà lâu. Dù chính đã mở, rồi người và dù mắc trên cành cây cao. Vân Đình tháo túi NAZ-7 (túi cấp cứu đặt toong ghế dù trang bị những thứ cần thiết để đảm bảo cho phi công sau khi nhảy dù có thể tự ứng cứu được), thả xuống và bám theo dây của NAZ-7, tụt xuống đất. Trong ánh sáng trăng mờ ảo, Đình lần theo dòng suối để tìm đường ra bìa rừng. Khi leo lên nằm trên các cành cây của khóm luồng (các cành cây dày tạo ra một tấm đệm dày có thể nằm ữên đó được) trong rừng, Đình nghe như có tiếng động như của đoàn tàu hỏa, nghĩ rằng tuyến đường sắt chắc ở gần đâu đây, nhưng không phải vậy - đấy chính là tiếng của thú rừng kêu.

        Tới sáng thì Vân Đình lần được tới đường mòn, tìm gặp được dân, được dẫn về nhà Trưởng Bản, rồi lực lượng tìm kiếm cũng đến đón Đình về.

        Suốt thời gian tìm gặp được dân, đến lúc được dẫn về nhà Trưởng bản đợi gặp lực lượng tìm kiếm là cả một câu chuyên dài mà lúc nào đó thuận tiện, tác giả xin được kể lại, chi tiết hơn.
         
        Chỉ biết rằng, những lần gặp nguy nan là những lần được trải nghiệm về tình cảm quân dân, để được thấu hiểu sự đùm bọc, che chở của nhân dân đối với bộ đội lớn lao đến nhường nào, để rồi càng hiểu cái nghĩa vụ, trách nhiệm của mình phải chiến đấu ra sao để đáp lại tình cảm ấy của nhân dân, để rồi hiểu rằng mình phải sẵn sàng hy sinh cả cuộc sống của mình để giành giật lại tất cả chỉ cốt cho những người dân vô tội có được cuộc sống yên bình. Thấu hiểu được điều đó, mình thấy mình càng cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Và, sự tôi luyện trong chiến đấu ngày càng làm cho bản lĩnh mình vững vàng hơn và càng sáng danh "anh bộ đội Cụ Hồ" hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:52:37 pm »

       
THAM CHIẾN TRONG “CHIẾN DỊCH 12 NGÀY ĐÊM”

        Đến đầu tháng 10 năm 1972, cục diện chiến tranh Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, quân và dân ta tiếp tục gi¬ành thắng lợi lớn. Mỹ vừa phải triệt thoái các đơn vị bộ binh, vừa phải "Mỹ hóa" trở lại bằng Không quân và Hải quân để thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Cuộc chiến tranh phá hoại nhằm ngăn chặn và phong tỏa lần thứ hai đối với miền Bắc không đạt được mục tiêu mà giới cầm quyền Mỹ mong muốn. Chiến tranh tiếp tục kéo dài, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Viêt Nam. Cuộc bầu cử Mỹ sắp đến gần. Cuộc đàm phán ở Pa-ri kéo dài gần bốn năm vẫn chưa có hồi kết... Tất cả những điều đó buộc Ních- xơn phải cử Kít-xinh-giơ đến Pa-ri để nối lại cuộc thương lượng và chấp nhận bản dự thảo "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" do phái đoàn ta đưa ra. Hai đoàn đàm phán đã thống nhất lộ trình "thời gian biểu" đi đến kết thúc chiến tranh ở Việt Nam là ngày 22 tháng 10 năm 1972 sẽ ký tắt bản Hiệp định tại Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1972 sẽ ký chính thức ở Pa-ri và cuối tháng 3 năm 1973 Mỹ sẽ phải rút quân về nước.

        Ngày 12 tháng 10 năm 1972, Kít-xinh-giơ từ Pa-ri về Mỹ. Nhờ có bản dự thảo Hiệp định và những giải pháp cụ thể trong tay, Ních-Xơn và Kít-xinh-giơ đã tung tin lừa bịp dư luận "hòa bình đã ở trong tầm tay", "chiến tranh sắp vãn hồi" để lôi kéo, tranh thủ cử tri Mỹ ữong bầu cử.

        Ngày 7 tháng 11 năm 1972, Ních-Xơn được tái cử Tổng thống nhiệm kỳ lần thứ 2. sau khi thắng cử, Ních-xơn tiếp tục dây dưa không ký tắt và ký chính thức vào bản Hiệp định mà các bên đã thỏa thuận, muốn kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh bom đạn.

        Thực hiện mứu đồ đen tối của Ních-Xơn, Lầu Năm góc đã chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc. Cuộc tập kích chiến lược này mang tên Lai-nơ-bêch-cơ 2 (tạm dịch là "Tiền vệ" hay "Cứu bóng trước khung thành") nhằm đánh hủy diệt, khủng bố, làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Pa-ri.

        Và, 20 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, Ních-Xơn đã ra lệnh mở cuộc tấn công lớn bằng pháo đài bay B- 52 vào miền Bắc nước ta, khởi đầu "Chiến dịch Lai-nơ- bêch-cơ 2" - một chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử. Mỹ đã dùng Không quân chiến lược làm lực lượng chủ yếu của cuộc tiến công theo hình thức một cuộc tập kích chiến lược, chớp nhoáng, mục tiêu chính là đánh vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.

        Có thể lấy các số liệu tổng hợp trong vòng 12 ngày đêm cuối năm 1972 để thấy được sự ác liệt thế nào trong những ngày đêm ấy:

        Đêm 18  rạng ngày 19 tháng 12:

        90 lần máy bay B-52, 163 lần máy bay chiến thuật của Mỹ tổ chức tập kích liên tiếp 3 đợt vào Hà Nội và các vùng phụ cận.

        Ngày và đêm 19  tháng 12;

        Ban ngày: 98 lần chiếc máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ đánh phá Gia Lâm, Bạch Mai, Mễ Trì, Yên Bái...

        Ban đêm: 87 lần chiếc B-52,172 lần chiếc máy bay chiến thuật (có 22 chiếc F-lll) đánh 3 đợt vào Đông Anh, Yên Viên, Mễ Trì và Bắc Giang...

        Ngày và đêm 20  tháng 12:

        Ban ngày: 66 lần chiếc máy bay chiến thuật của Mỹ đánh phá cẩm Phả, Đông Anh, Yên Viên và các sân bay Yên Bái, Hòa Lạc..

        Ban đêm: 93 lần chiếc B-52,164 lần chiếc máy bay chiến thuật (có 26 chiếc F-lll) đánh phá Yên Viên, Gia Lâm, nhà máy điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), thị xã Bắc Giang, Tân Lạc (Hòa Bình), Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

        Máy bay F-4, F-105 lùng sục, đánh phá các trận địa tên lửa.

        Ngày và đêm 21  tháng 12:

        Ban ngày: 180 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá ga Hàng cỏ, Sở Công an Hà Nội, cầu Phủ Lý và đánh 6 đợt vào khu vực thị xã Thanh Hóa.

        Ban đêm: 24 lần chiếc B-52 đánh 1 đợt vào Bệnh viện Bạch Mai, An Dương, các ga Giáp Bát, Văn Điển, Hàng Cỏ.

        30 lần chiếc F-4, F105 và F-lll đánh Bắc Giang, ga Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi, An Lão (Kiến An).

        Ngày và đêm 22 tháng 12:

        Ban ngày: 56 lần chiếc máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ đánh phá các mục tiêu: ga Kép, thị xã Bắc Giang, thành phố Việt Trì, thị xã Vĩnh Yên.

        Ban đêm: 24 lần chiếc B-52, có 30 chiếc máy bay chiến thuật hộ tống tập trung đánh khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:55:41 pm »


        Ngày và đêm 23 tháng 12:

        Ban ngày: 50 lần chiếc máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ đánh Hà Nội, Hà Tây.

        Ban đêm: 33 lần chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ và Bắc Giang, 30 lần chiếc F-4 và F-105,11 chiếc F-lll đánh Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc, Sơn Đồng, Hà Nội và các sân bay Đa Phúc, Yên Bái.
 
        Hướng biển có 7 máy bay chiến thuật của Hải quân đánh Hải Phòng.

        Ngày và đêm 24 tháng 12:

        Ban ngày: 44 lần chiếc máy bay chiến thuật Không quân Mỹ đánh phá Thái Nguyên, Hà Bắc.

        Ban đêm: 33 lần chiếc B-52 đánh khu gang thép Thái Nguyên và ga Kép, Bắc Giang.

        39 lần chiếc Không quân chiến thuật yểm hộ đánh sân bay Kép, Vĩnh Tuy, Hà Nội.

        Ngày và đêm 26 tháng 12:

        Ban ngày: 52 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ vào đánh phá Đông Anh và các trận địa tên lửa.

        Ban đêm: từ 22 giờ 5 phút - 105 lần chiếc B-52, 120 lần chiếc máy bay chiến thuật tập trung đánh Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên, trong đó 66 lần chiếc B-52 đánh Hà Nội, 18 lần chiếc B-52 đánh Hải Phòng và 21 lần chiếc B-52 đánh Thái Nguyên.

        Ngày và đêm 27 tháng 12:

        Ban ngày: 104 lần chiếc máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ đánh phá Mễ Trì, Văn Điển, Đông Anh, Thường Tín, Đan Phượng, Hoài Đức, Đồ Sơn, cầu Thượng Lý.

 
Ban đêm: 54 lần chiếc B-52 đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm và Đồng Mỏ, 72 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh xen kẽ vào Hà Nội, Vĩnh Phú, Yên Bái, Hà Bắc, Quảng Yên, Hải Phòng.

        Ngày và đêm 28 tháng 12:

        Ban ngày: 139 lần chiếc máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ đánh phá ngoại vi Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Thường Tín, Xuân Mai, Mỹ Đức. Đặc biệt, có 12 lần chiếc B-52 đánh lại khu vực Quảng Bình và nhiều máy bay chiến thuật đánh vào Quân khu Bốn.

        Ban đêm: 48 lần chiếc B-52 đánh Gia Lâm, Đông Anh, 12 lần chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ, 50 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh sân bay Kép, Yên Bái, Gia Lâm và nhà máy điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), thành phố Hải Phòng.

        Ngày và đêm 29 tháng 12:

        Ban ngày: 36 lần chiếc máy bay chiến thuật Mỹ đánh phá nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và cây số 4 Bắc Thái Nguyên.

        Ban đêm: 60 lần chiếc B-52 đánh 3 khu vực: gang thép và Trại Cau, Đồng Mỏ, Kim Anh, 70 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh các khu vực khác.

        Trong chiến dịch này, Mỹ đã trút ồ ạt trên 8 vạn tấn bom xuống 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh; 17 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Thái, Lạng Sơn, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và khu vực Vĩnh Linh gồm trên 300 xã, 14 thị trấn và 11 thị xã. Nhưng, địa bàn chủ yếu địch đánh phá trong chiến dịch ném bom này là Hà Nội và Hải Phòng.

        Riêng Hà Nội, trong 12 ngày đêm, chúng đã huy động 1000 lần chiếc máy bay, trong đó có gần 500 lần chiếc B-52. Chúng đã trút 4 vạn tấn bom phá hủy nhiều khu dân cư như: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, bệnh viện Bạch Mai, khu vực xã Yên viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài phát thanh Mễ Trì... 353 điểm dân cư, kinh tế, văn hóa, y tế... bị đánh phá làm cho 2380 người chết và 1355 người bị thương. Ở 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành, nhiều điểm đã bị đánh đi đánh lại hàng chục lần như cầu Long Biên, cầu Đuống, khu vực xã Yên Viên, nhà máy điện Yên Phụ, xã Uy Nỗ...

        Bom đạn của Mỹ không làm lung lay được ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Sức mạnh của chúng ta được nhân lên gấp trăm lần khi chúng đụng đến nhân phẩm, danh dự của chúng ta - đánh vào Thủ đô Hà Nội. Cả nước sục sôi, bừng bừng khí thế quyết đánh và quyết thắng cuộc tập khích chiến lược của đế quốc Mỹ.

        Bầu trời miền Bắc Việt Nam đã trở thành một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều hướng, đánh địch mọi lúc mọi nơi, gây cho Không quân Mỹ những nỗi kinh hoàng, khiếp sợ.

        Trong bài "Thảm kịch của cuộc hành quân Lai- nơ-bêch-cơ 2" được đăng trên tạp chí "Không quân", Đa-na Đren-cô-xki viết:

        "Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ 2" hầu như hoàn toàn do Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Hoa Kỳ đảm nhiệm, là một thảm họa cho phi công và là một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Hậu quả của cuộc hành quân này là một số lớn B-52 bị bắn hạ một cách không thương tiếc, và nhiều phi công bị thương tật, chết hoặc bị bắt sống".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2016, 08:57:13 pm »

        Các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh đều được đưa đến trại giam mà chúng gọi là "Khách sạn Hin- tơn". Tất cả đều có tâm trạng giống nhau. Và ta hãy nghe nhũng lời của một số phi công trong rất nhiều các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh khi tham gia "chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ 2":

        Trung tá Giôn-Ha-ri ĩ-u-nin, lái chính, bị bắt tại Hải Hưng:

        "Ở sân bay U-Ta-Pao, không khí bao trùm là lo lắng và sợ hãi. Bởi vì chúng tôi phải đi vào những nơi nguy hiểm nhất. Bởi vì nhiều máy bay B-52 hàng ngày không trở về. Bởi vì cứ như thế này thì ai cũng sẽ đến lượt phải chết. Chết trong đêm tối. Chết bi thảm. Chết vì mục đích không thể hiểu nổi".

        Thiếu tá Giêm Con-đân, bị bắt ngày 27 tháng 12:

        "Trước hôm tôi tham gia chuyến bay cuối cùng, trên báo Quân đội Mỹ "Sao và Vạch" có đưa tên một số B-52 bị bắn hạ từ 18 đến 24 tháng 12. Chuyến bay nào cũng có máy bay không trở về. Thật là đáng sợ! Không khí bao trùm căn cứ An-đec-xơn là không khí căng thẳng. Không cười, không đùa, không nói to... Ai nấy đều lo lắng. Không khí căng thẳng này tăng lên từng ngày một".

        Đại úy R.Tô-mat Sim-xơn, bị bắn hạ đêm 28 tháng 12:

        "Máy bay chúng tôi trúng tên lửa SAM. Chỉ huy chẳng ra lệnh gì cả. Tôi nghe thấy hai tiếng "búp", "búp", biết rằng hai thằng ngồi trên ca-bin nhảy dù rồi. Tôi liền nhảy dù theo, chẳng kịp gọi thằng ngồi sau. Vừa luống cuống cởi dù thì tôi bị bắt. Lạy chúa! Tất cả diễn ra chừng 15 phút, - 15 phút kinh hoàng nhất đời tôi!".

        Quân chủng Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm chiến dịch ấy đã thực sự làm nòng cốt đánh bại cuộc tiến công đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.

        Suốt trong thời gian chiến dịch ấy, các phi công bay đêm giống như các phi công cảm tử của Đội bay cảm tử, bằng bất kỳ giá nào cũng phải cất cánh, bằng bất kỳ giá nào cũng phải tiêu được bằng được B-52. Trình độ kỹ thuật bay của các phi công bay đêm bấy giờ chưa được cao, tiêu chuẩn bay còn rộng, hầu hết là 300 / 3000, một số còn 400 / 4000 (tức là tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ được phép hoạt động khi đáy mây thấp nhất là 300 mét, tầm nhìn thấp nhất là 3000 mét, hoặc đáy mây thấp nhất là 400 mét, tầm nhìn thấp nhất là 400 mét mới được bay) nhưng không hề ai để ý, quan tâm lớn đến chuyên ấy. Có nhiều chuyến xuất kích chiến đấu, khi cất cánh lên, thời tiết đã xấu lắm rồi, biết rằng khi về sẽ không thể hạ cánh nổi, phải bỏ máy bay, nhảy dù, nhưng không một ai chùn bước trước khó khăn, vẫn đưa được máy bay lên trời, vẫn đi chiến đấu. Ví dụ như trận của phi công Vũ Đình Rạng xuất kích vào đêm mưa phùn, gió bấc, vừa thu càng xong thì máy bay chui luôn vào mây. Anh được dẫn vào khu vực Mộc Châu - Sơn La để đánh chặn B-52. Không gặp địch, anh quay về hạ cánh, xuyên xuống đến lần thứ tư vẫn không thể hạ cánh được, bởi mây quá thấp, tầm nhìn quá kém, xuyên qua vị trí đài gần rồi, đồng hồ chỉ độ cao trên máy bay chỉ về con số 0 rồi mà vẫn không phát hiện thấy đường băng ở đâu cả. Dầu liệu chỉ còn có 200 lít. Sở Chỉ Huy cho lấy hướng bay về Hòa Lạc, kéo lên độ cao 3500 m để nhảy dù. Đình Rạng nhảy dù trong màn mưa. Mưa làm ướt hết dù, Rạng tiếp đất xong, lấy dù phủ lên người, nằm ở ngoài ruộng cả đêm cho đến lúc sáng sớm khi có người đi chợ phát hiện được anh, anh mới được đón về bệnh viện Hoài Đức rồi được đưa về đơn vị chiến đấu.

        Không chỉ có Vũ Đình Rạng mà Nguyên Đức Chiến - một phi công mới bước vào bay đêm năm 1971 cũng có chuyến xuất kích tương tự. Chiến cất cánh đi săn B-52 nhưng không gặp địch, khi quay về sân bay hạ cánh thì thời tiết quá xấu, xuyên đi xuyên lại mãi ở giữa khu vực của hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì vẫn không thấy được địa tiêu. Tới lần phát hiện được khu vực sông Đà, thấy được dòng sông Đà thì dầu liệu cũng vừa cạn. Đức Chiến phải kéo lên lấy độ cao và nhảy dù.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM