Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:10:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử  (Đọc 22615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 08:08:47 am »

        Bay đêm! Hoạt động đêm có nghĩa là ngày nghỉ, đêm bay, và các phi công của Đại đội 3 đã có tên gọi đùa vui là "họ hàng nhà vạc"!

        Bay ngày và bay đêm có rất nhiều đặc điểm khác nhau. Cũng là cất cánh, bay lên bầu trời rồi về hạ cánh, nhưng chuyến bay đêm so với chuyến bay ngày khác xa nhiều lắm. Đầu tiên là công tác tổ chức bay. Để triển khai cho ban bay đêm, ngoài việc triển khai các đài, trạm, lực lượng phục vụ như ban ngày ra, còn phải triển khai hệ thống đèn (đèn chiếu, đèn đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ...). Nếu bay ngày có thể tổ chức được đến dăm chục, một trăm hoặc hơn trăm lần chuyến thì bay đêm chỉ được mấy chục lần chuyến mà thôi. Bay ngày có thể bay được với biên đội 2 chiếc, 4 chiếc, 6 chiếc, 12 chiếc, 36 chiếc... nhưng bay đêm thì chỉ "thũng thẵng" từng chiếc một là chính. Các phi công bay ngày nhìn thấy nhau bằng mắt thường, có thể bay biên đội "mật tập" -   cánh sát cánh, cùng nhau bay nhào lộn với các động tác phức tạp... thì bay đêm không thể làm thế được.. Biên đội bay đêm phải giữ cách xa nhau hàng trăm, hàng ngàn mét. Không thể nhìn thấy nhau bằng mắt thường được mà phải giữ đội qua màn hình ra-đa trên máy bay. Biên đội giữ nhau qua sự hiển thị bằng "vạch trên", "vạch dưới" ở màn hình. Qua những vạch ấy, số 2 có thể biết được số 1 của mình cách mình bao nhiêu, ở cao hơn mình, thấp hơn mình hay ở cùng độ cao với mình. Mà thực ra, không mấy khi xuất kích biên đội đi chiến đấu, hầu như chỉ bay một mình mà thôi. Khi bay ngày, các phi công có thể điều khiển máy bay nhào lộn với các động tác phức tạp theo mặt phẳng ngang, mặt phẳng đứng hay mặt phẳng nghiêng với gia trọng lớn, còn bay đêm, các động tác không thể cơ động mãnh liệt như thế được, không thể bay theo các bài bay với các động tác "thắt vòng đứng", "thắt vòng nghiêng", "lộn xuống", "khoan lên"... như bay ban ngày được. Bay ngày, có thể bay ở độ cao cực thấp (mà anh em phi công vẫn quen gọi là "mò cua bắt ốc") tức là bay sát trên địa hình, cách địa hình chỉ khoảng mươi mét thôi, nhưng ban đêm thì không. Phi công bay ngày có thể bay thấp, bay theo vật chuẩn, tự "lần" về sân bay để hạ cánh, thì phi công bay đêm không thể bay thấp và "lần mò" như vậy được vì không thấy rõ mặt đất. Phi công bay đêm phải bay theo đồng hồ là chính, hầu như tất cả đều lấy đồng hồ làm chủ đạo. Mà rồi, không phải là không có những trường hợp bị "cảm giác sai" để rồi dẫn đến tai nạn bay đâu. Không quân thế giới cũng từng xảy ra những vụ việc như vậy. Này nhé, khi bạn đang bay trên biển, trên đầu bạn là cả trời sao lung linh, và dưới cánh bay của bạn - mặt biển bằng lặng, không gợn sóng, phản chiếu cả bầu trời sao lung linh ấy. Chỉ bay một lúc thôi, nếu không tình táo, không kiểm tra mọi tham số qua các đồng hồ, không tin vào đồng hồ (đặc biệt là "đồng hồ chân trời", đồng hồ độ cao...) thì bạn sẽ không biết đâu là trời, đâu là biển nữa, lạ kỳ là tất cả những trường hợp rơi vào trạng thái "cảm giác sai" hầu như không ai tin vào đồng hồ cả, ai cũng cho là đồng hồ chỉ sai chứ không phải là mình đang ở trạng thái sai. Và... vậy là... lẽ ra bạn phải kéo cần lái để đưa máy bay lên trời thì bạn lại làm ngược lại - ấn cần lái đưa máy bay... xuống biển!

        Con chim bói cá có thể lao xuống nước bắt cá, sau đó lại bay vọt lên khỏi mặt nước, lao vào không trung được. Còn máy bay của bạn nếu như đã lao xuống nước rồi thì thôi... "thịt với xương tim óc dính liền" và mãi mãi yên nghỉ dưới đáy Đại dương, đầu quân vào đội ngũ của Long Vương!

        Trở lại với chuyện bay đêm. Bay trên trời đêm đã phức tạp. Cất hạ cánh, nhất là hạ cánh vào ban đêm còn phức tạp hơn nhiều. Nếu như bạn cất cánh vào ban ngày, bạn hoàn toàn quan sát thấy giới hạn (ngang, dọc) của đường cất hạ cánh, thấy được đường chân trời, thấy được máy bay bay lên với góc độ bao nhiêu, thấy được đường xuống của máy bay cao hay thấp, điểm tiếp đất xa hay gần thì những điều ấy thực sự là khó khăn và phi thực tế đối với bay đêm.

        Cất cánh vào ban đêm ư? Tất cả phải lấy chuẩn hướng theo giới hạn của hàng đèn dọc hai bên đường cất hạ cánh, theo đồng hồ lên xuống, theo đồng hồ chân trời... Chỉ đồng hồ mà thôi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 08:11:20 am »

        Hạ cánh cũng gần như vậy. Giới hạn ngang, giới hạn dọc của đường cất hạ cánh là những hàng đèn. Khu vực ở độ cao kéo bằng và điểm tiếp đất của máy bay thì được trợ giúp bằng các đèn chiếu dưới mặt đất (có 3 chiếc đèn chiếu bố trí dọc theo lề đường cất hạ cánh, ở các cự ly khác nhau và góc chiếu sáng cũng khác nhau). Hệ thống đèn pha trên máy bay, nhất là máy bay MiG-21 thì không giúp được bao nhiêu. Nhưng đấy là với điều kiện bay hoàn toàn bình thường, yên ổn, không bị địch đánh phá, không vướng víu gì... Bạn có thể ung dung đưa máy bay lướt vào vùng đèn chiếu (lao vào vùng sáng thì đúng hơn) để hạ cánh, ung dung lăn máy bay về sân đỗ theo hàng đèn chạy dọc theo đường lăn...

        Về sau này, có một thời gian dài, khi chuẩn bị cho những chuyến bay đêm, để hỗ trợ cho phi công xác định giới hạn của đường cất hạ cánh - dọc theo hai bên đường cất hạ cánh được chôn các đuôi bom, đổ cát vào trong đó xong đổ dầu vào, đốt lên thành những đuốc lửa. và các phi công bay đêm đã bay ở sân bay Kép như vậy đấy.

        Có khá nhiều trường hợp khi về hạ cánh cũng bị "cảm giác sai". Ví dụ như khi bạn lao xuống sau vòng 4 về hạ cánh, bạn thấy hàng đèn cứ bị lệch, càng nghiêng để sửa thì càng thấy lệch hơn. Bạn tăng cửa dầu, bay lại vòng hai thì cái cảm giác kia mất hẳn, về hạ cánh bình thường. Và chuyện ấy đương nhiên chẳng phải chỉ có mình bạn bị. vấn đề là ở chỗ nếu không xử lí một cách tỉnh táo thì sai lầm càng về sau càng lớn hơn và rồi không thể sửa chữa nổi nữa.

        Dù bay đêm gặp nhiều khó khăn, trắc trở hơn bay ngày, nhưng có lắm khi có những cảnh tượng nên thơ mà phi công bay ngày không thể nào gặp được và có lẽ cũng không tưởng tượng ra được. Đấy là những chuyến bay cất cánh vào đúng lúc trăng lên, vào những đêm trăng tròn. Mặt trăng thật dịu dàng, tròn như một chiếc đĩa ngọc khổng lồ, nhè nhẹ tỏa sáng - thứ ánh sáng thật mềm mại, dịu êm... chuyển động thướt tha. Trong đêm trăng, bầu trời như chiếc áo gấm khổng lồ được gắn ngàn vạn viên ngọc kim cương lấp lánh, nhấp nháy...

        Trăng lên, bạn bắt gặp những tầng mây nguyên thủy ngàn vạn năm vẫn còn ngơ ngẩn giữa không trung và vạt mây mỏng manh, bay lơ lửng trong tầng không tựa như tấm khán voan của ai đó đánh rơi giữa trời còn vấn vương mùi hương, chập chờn trong gió...

        Dưới mặt đất, ánh trăng loang đến đâu, vạn vật sáng bừng lên đến đó tựa như được dát bạc, từng mảng sáng, tối với những gam màu tương phản tạo nên bức tranh huyền ảo, thần diệu...

        Trên mặt nước, ánh trăng như rắc bột kim loại quý lên đó làm cho mặt sông, mặt hồ, mặt biển ngời rực lên, làm tăng thêm độ rộng, độ mông mênh, mung lung... Các đợt sóng gợn lăn tăn như có ngàn vạn con rắn màu vàng, màu bạc đang đùa rỡn nhau trên mặt nước vậy.

        Ngắm nhìn những cảnh ấy, không thể không thêm yêu quê hương, đất nước. Trong lòng bỗng dưng thấy ngân vang bản tình ca không lời...

        Làng xóm, quê hương, cỏ cây vạn vật của đất nước mình sao mà yêu, mà quý, mà thân thương đến thế. Càng hận thù những kẻ muốn phá vỡ, tiêu hủy những tuyệt tác của thiên nhiên kia. Và quyết phải bảo vệ, quyết phải giữ gìn từng tấc đất, tấc trời, không thể để cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào xâm phạm, tàn phá nó được.

        Những đêm không trăng sao khi bay vào trời đêm thì u ám hơn, buồn tẻ hơn, nhất là khi bay làm nhiệm vụ phải giữ bí mật, hạn chế liên lạc qua vô tuyến. Bầu trời mịt mùng rộng lớn đến khôn cùng và con người cũng cảm thấy bé nhỏ vô cùng. Mình bỗng dưng thấy mình không là gì cả so với vũ trụ bao la kia. Nhớ lại lần phi công vũ trụ Gor-bat-cô (sau này ông đã cùng bay với Phạm Tuân) trong buổi gặp gỡ với các học viên Việt Nam, sau khi ông kể nhiều chuyên về chuyến bay vào vũ trụ, ông dừng lại và hỏi xem ai có ý kiến gì không. Một học viên đã hỏi:

        - Thưa đồng chí, khi bay vào vũ trụ, đồng chí thấy ngại điều gì nhất?

        - Sự cô đơn! - Ông trả lời ngay. Ở trên đó cả ngày và cả đêm luôn thấy thiếu hụt và lẻ loi, ngay cả việc liên lạc với mặt đất cũng phải tiết kiệm từng lời. Ở đó, nói nhiều sẽ trở thành xa xỉ.

        Có lẽ cũng vì vậy mà sau này trên tàu vũ trụ đã được thiết kế thêm chỗ để có thêm người bay, người bạn đồng hành để cho đỡ cô quạnh chăng? Nhưng với phi công MiG-21 và với loại máy bay MiG-21 thì dù muốn hay không cũng chỉ có một thân một mình mà thôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 08:57:36 pm »

        Trong trời đêm tối tăm, mênh mang ấy tiềm ẩn biết bao nhiêu là rủi ro, bao nhiêu là hiểm họa. Sẽ xử lý ra sao đây khi máy bay có trục trặc, xử lý ra sao đây khi xuất hiện những hiện tượng bất thường của thời tiết, của bao điều bất ngờ khác nữa... Một mình ngồi trong buồng lái với ánh sáng màu đỏ phản chiếu ra từ các bảng đồng hồ, các công tắc... với tiếng động cơ lọt thỏm, mất hút giữa thinh không thì đúng, cũng thấy mình cô đơn thật. Ai đó đã tàng thốt lên "Một mình trong vũ trụ. Với hành trình cô đơn" thì có lẽ cũng không sai là mấy. Gặp khi thời tiết "trở trời" - những đám mây giông đùn lên, chớp sáng lóa, nhằng nhịt, bầu trời bị tan vụn ra thành muôn vàn mảnh khác nhau với các hình thù kỳ quái khác nhau. Với các đám mây đó, muốn bay cạnh chúng thì ít nhất cũng phải ở cự li hơn 10 km, và muốn bay qua giữa hai đám mây như vậy thì khoảng cách tối thiểu giữa hai đám mây cũng phải lớn hơn 20 km may ra mới đảm bảo được an toàn. Nhưng, khi ở những cự li đó, máy bay đã “cảm nhận" được hơi lạnh thấm vào thân mình đã run rẩy với những độ rung lắc bất thường rồi. và khi những tia chớp xuất hiện, trong tai nghe lấp tức thấy những tiếng "lẹt xẹt". Bạn hãy cứ tưởng tượng một mình bạn đang ở giữa trời đêm, bạn thấy quanh bạn là những tia chớp sáng lóa, nhằng nhit. Bầu trời lúc thì sáng đến lòa mắt, lúc lại tối om, máy bay thì rung lắc theo nhiều hướng khác nhau, run rẩy trong hơi lạnh thì những cảnh trong phim kinh dị cũng còn kém xa. Vậy nhưng, các phi công bay đêm đánh đêm vẫn phải đương đầu với những hiểm họa ấy khi bay đi làm nhiệm vụ.

        Còn nhớ, khi bay ngày, lúc đi chiến đấu về, biên đội của Anh hùng Nguyễn Nhật Chiêu đã vô tình lao vào đám mây giông, máy bay của các anh bị chao đảo, lắc giật hầu như không điều khiển được nữa (vì những dòng nhiễu động không khí quá lớn). Máy bay rơi xưống mấy ngàn mét độ cao. May mà thoát ra được an toàn. Rồi trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Ngòi khi "chui" qua đám mây tương tự như vậy trở về hạ cánh. Hạ cánh xong mới thấy máy bay mình bị tróc hết sơn, vỡ cả đèn trên nách cánh, trông hệt như con cá lóc bị đánh vẩy. Cho nên không thể xem thường trời mây được.

        Trình độ kỹ thuật của phi công không phải ai cũng như ai, mà rất khác nhau. Trình độ kỹ thuật ấy được phân chia theo cấp. cấp ấy được thể hiện trên huy hiệu bay mang hình cánh én (mạ màu vàng) đeo trên ngực. Khuông màu xanh ở giữa cánh én màu vàng ấy tượng trưng cho khoảng trời xanh, ở giữa khoảng trời xanh ấy có thể không có con số nào, hoặc có số 1, số 2 hay số 3. Đấy là cấp bậc của phi công. Nếu số 1 thì người đeo huy hiệu bay ấy là phi công cấp 1 - người bay được trong điều kiện 4 khí tượng (tức là bay ban ngày ở thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp, bay được cả ban đêm với thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp). Phi công cấp 2 là người bay dược ở thời tiết giản đơn và phức tạp ban ngày, đồng thời bay được ở thời tiết giản đơn ban đêm. Phi công cấp 3 là người bay được ở thời tiết giản đơn và thời tiết phức tạp ban ngày. Còn chưa có cấp hiệu nghĩa là phi công đó chỉ mới bay được ở thời tiết giản đơn ban ngày mà thôi.

        Việc phong cấp bậc kỹ thuật phi công phải qua những đợt sát hạch, kiểm tra với những bài bay tương xứng và theo trình tự. Nếu không đủ các điều kiện xứng đáng với danh hiệu phi công cấp 1 thì hạ xuống thành danh hiệu phi công cấp 2. Qua một thời gian phấn đấu bay đủ các hạng mục bài bay, kiểm tra đạt tiêu chuẩn thì lại được nâng lên thành danh hiệu phi công cấp 1. Việc nâng cấp, chuyển cấp đối với các danh hiệu kỹ thuật phi công khác cũng xảy ra tương tự như vậy.

        Nước ta chưa có danh hiệu "Phi công Công Huân", nhưng ở một số nước khác đã có danh hiệu này. Đương nhiên, các tiêu chuẩn để đạt được danh hiệu ấy phải cao hơn, khắt khe hơn, và huy hiệu Phi công Công Huân cũng khác hơn để dễ nhận biết hơn.

        Lịch sinh hoạt của phi công bay đêm khác với lịch sinh hoạt của phi công bay ngày, bởi thời gian bị đảo ngược nhau: lúc anh ngủ thì tôi đi bay, lúc anh bay thì tôi lại ngủ. Các phi công bay ngày luyện tập thể thao vào buổi chiều, còn với các phi công bay đêm thì lịch ấy lại vào buổi sáng. Thảng hoặc, vào thời gian không có ban bay ngày và ban bay đêm nào thì hai lực lượng này cùng giao lưu thể thao, chủ yếu là trên sân bóng chuyền và bóng rổ. Đội ngũ phi công không được chơi bóng đá. Các môn thể thao rèn luyện chính là: đu quay, đu vòng, bóng chuyền, bóng rổ, xà, tạ, bóng bàn... (lớp phi công trẻ sau này có điều kiện hơn thì chơi ten-nit).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 09:00:01 pm »

        Các cây cầu công của bóng chuyền trong đội ngũ phi công bay đêm có Đinh Tôn, Phạm Tuân, Đặng Xây, Vũ Như Ngữ, Trần Thông Hào, Hoàng Biểu, Nguyễn Ngọc Thiên...

        Cây chuyền hai xuất sắc có Vũ Đình Rạng. Đình Rạng không chi là cây chuyền hai của Đại đội mà còn là của Trung đoàn, về sau này từng được giao nhiệm vụ phụ trách đội bóng chuyền của Quân chủng nữa.

        Phạm Tuân về sau nổi trội với sức bật cao và những cú đập mạnh như trái phá. Anh từng được gọi nhập vào đội tuyển quốc gia đi thi đấu ở các nước bạn.

        Xuân Thiều thì chẳng nằm trong tốp công, cũng chẳng trong tốp chuyền hai hay Li-be-rô ở bóng chuyền hiện đại, chỉ tham gia cho "nhúc nhắc chân tay" thôi, nhưng nhiệt tình lắm, mà một khi hai tay đã lên gân với 10 ngón tay xòe ra như ôm gọn cả quả bóng chuyền để "truy" sang bên đối phương, mồm nói: "Này! Này!" thì quả bóng ấy chỉ có phi ra ngoài vạch vì lực quá mạnh.

        Các trận bóng chuyền với đội ngũ bay ngày hay với đội ngũ bay đêm cũng vậy, khi đã vào sân thì cho dù ít người hay nhiều người tham gia vẫn cứ cay cú, ăn gian như nhau.

        Phần thưởng cho trận thi đấu thì có gì đâu: nếu đội thắng sau khi kết thúc trận đấu, cười hể hả, tung tẩy ra về để tắm giặt rồi lững thững đến nhà ăn, nghênh ngang ngồi đợi đội thua đến thì trong khi đó đội thua phải cởi lưới, rửa bóng cho sạch (nếu như thi đấu vào trời mưa hoặc bóng bị bẩn chẳng hạn) đem cất đi. Khi đến nhà ăn phải múc nước vào từng ca (thường là nước chè xanh), cho đủ lượng đường vào nước theo đúng yêu cầu của từng người bên thắng, bê nước đến cho từng người trong đội thắng và phải lễ phép nói: "Vì trình độ chúng em kém cỏi, chúng em thua, xin mời các anh thắng uống nước ạ!". Chỉ thế thôi nhưng mà cay cú lắm. Trận sau thế nào cũng phải tìm mọi cách để thắng lại, hoặc không thì bên thua bắt phải chia sẻ, sắp xếp lại lực lượng kỳ cho tương xứng rồi mới chơi.

        Sau này thì còn nhiều trò biến tấu mà bên đội thắng bày ra để "hành hạ" bên đội thua như: bắt phải chui qua lưới, chui qua ghế... thì cái sự cay cú kia còn tăng hơn nhiều!,

        Trong đội ngũ phi công của đoàn bay MiG-21 khóa 3, nếu đã nói đến cay cú thì lập tức, ai cũng nghĩ đến anh Trần Việt. Bên anh mà đã bị thua thì anh tìm mọi cách bắt đánh đến kỳ thắng mới thôi. Còn nhắc đến "ăn gian" ngoài sân bóng thì không ai vượt được anh Lê Thanh Đạo. Chỉ cần sao nhãng một tí không để ý đến tỉ số trận đấu là anh có thể "ăn gian" vài quả có lợi về phía bên anh luôn. Mà anh lại còn rất "điềm tĩnh" khiêu khích bên đối phương bằng cái kiểu đọc tỉ số của anh nữa mới ghê. Chẳng thế mà anh đã được "phác thảo" thế này:

Đừng tin cái miệng ông cười
Ông "ăn gian" dễ gấp mười thằng ngay
Ông Huyên còn phải ném giày
Ông Ngự xé bóng, là tay chẳng vừa

        (Anh Lê Trọng Huyên và anh Đặng Ngọc Ngự là hai cán bộ của Trung đoàn và của Đại đội, nhưng khi vào sân bóng thì cũng vẫn "bằng vai" như các cầu thủ trong sân, "ức" về cái chuyện "ăn gian" quá nên có những phản ứng để phản đối như vậy).

        Được cái, dù "ăn gian", dù cay cú đến mấy đi chăng nữa, tức bực đến mấy đi chăng nữa, nhưng khi đi tắm (các phi công thời đó cùng tắm ở bể nước chung) là lại nhận hết khuyết điểm, lại cười xòa với nhau, xí xóa hết!

        Tất cả đều sống hết mình như vậy. về sau này, khi đã rời khỏi đời bay, về hưu với đời thường rồi, các phi công ngày xưa vẫn "lôi" các chuyên ấy ra trêu nhau để cười cho thoải mái. Sống được như vậy kể cũng hiếm mà cũng khó.

        3 Trung đội của Đại đội 3 được tổ chức vào bay đêm theo kiểu "cuốn chiếu": Trung đội 1 của anh Hoàng Biểu (các Trung đội viên gồm Phạm Văn Mạo, Đặng Xây và Nguyễn Văn Quang) vào bay trước, sau đó đến Trung đội 3 của anh Nguyễn Văn Thuận (các Trung đội viên gồm Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Cát A, Nguyễn Công Huy và Trần Ngọc Nhuận) rồi mới tiếp đến Trung đội 2 của anh Nguyễn Văn Minh (các Trung đội viên gồm Trần Cung, Trần Thông Hào, Vũ Đình Rạng và Nguyễn Hồng Mỹ). Lí do không bay theo thứ tự Trung đội 1 đến Trung đội 2 rồi Trung đội 3 bởi vì anh Hoàng Biểu và anh Nguyễn Văn Thuận đã từng là phi công bay đêm, có kinh nghiệm bay đêm nên dẫn dắt Trung đội sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

        Giáo viên bay đêm của Trung đoàn hồi ấy có anh Phạm Ngọc Lan, anh Hoàng Biểu và các đồng chí chuyên gia Liên Xô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 09:02:15 pm »

        Vậy là, tính từ tháng 8 năm 1964, Mỹ đã sử dụng lực lượng Không quân ném bom miền Bắc Việt Nam và liên tục tiến hành những bước leo thang chiến tranh.

        Đến ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố xuống thang và ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Bộ đội Không quân cùng các lực lượng dân quân và nhân dân đã nhanh chóng sửa chữa gấp sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Cuối tháng 6 năm 1968 ta đã đưa một lực lượng MIG- 17 và MIG-21 vào đó làm nhiệm vụ Trực ban Chiến đấu, tổ chức đánh địch trên vùng trời Nghệ An - Hà Tình, phối hợp cùng với các lực lượng phòng không mặt đất bảo vệ tuyến giao thông của Quân khu Bốn.

        Tranh thủ những thời gian yên ắng, ta tranh thủ huấn luyện nâng cao kỹ thuật cho các thành phần chỉ huy, đảm bảo cho bay, sẵn sàng đối phó với những tình huống căng thẳng, phức tạp diễn ra trong thời gian tới.

        Cũng trong những giai đoạn này, Không quân Mỹ tích cực sử dụng máy bay không người lái để bay trinh sát các cơ sở, các tuyến đường vận chuyển của ta và nhiệm vụ đánh không người lái cũng là nhiệm vụ quan trọng.

        Tuy là Đại đội bay đêm, nhưng lực lượng phi công của Đại đội vẫn có nhiệm vụ tham gia Trực ban Chiến đấu và xuất kích chiến đấu ban ngày cùng với các lực lượng của các Đại đội khác trong Trung đoàn.

        Ngày 1 tháng 8, biên đội 3 chiêc gồm Nguyên Đăng Kinh, Phạm Văn Mạo và Nguyễn Hồng Nhị xuất kích từ sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa (hồi đó sân bay Thọ Xuân mang mật danh Bl) vào khu vực Đô Lương - Nam Đàn của tỉnh Nghệ An. Đây là trận đánh đầu tiên của Đại đội ở chiến trường khu Bốn. Biên đội của ta đã không chiến với biên đội F-8 của địch. Anh Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi 1 chiếc F-8, nhưng sau đó máy bay của anh cũng bị trúng đạn, anh đã phải nhảy dù.

        Hơn 2 tuần sau, biên đội Đinh Tôn, Nguyễn Văn Minh cũng xuất kích chiến đấu từ sân bay Thọ Xuân, được dẫn dắt vào khu vực Đô Lương không chiến với biên đội F-4 của địch và anh Nguyễn Văn Minh đã bắn rơi 1 chiếc máy bay F-4.

        Sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa là sân bay cơ động được đón tiếp nhiều biên đội Trực ban Chiến đấu nhất và cũng là căn cứ để xuất kích chiến đấu vào hoạt động ở các khu vực thuộc khu Bốn nhiều nhất. Giai đoạn ấy, hầu như địch làm chủ bầu trời từ khu Bốn trở vào. Các sân bay ta ở Vinh, Anh Sơn, Đồng Hới... thường xuyên bị đánh phá. Máy bay của ta bay vào trong đó chỉ cần bay với độ cao hơi cao một chút là bị phát hiện và tên lửa đối không Ta-los của địch từ Hạm đội ngoài biển Đông bắn lên liền Cũng đã có mấy trường hợp máy bay ta bị trúng tên lửa Ta-los, phi công phải nhảy dù rồi. Ta gặp rất nhiều khó khăn khi cơ động đến các sân bay ở phía trong đó. Cũng vì vậy, hầu hết những chuyến xuất kích chiến đấu đều được tổ chức từ Thọ Xuân.

        Sang tháng 9 (19 tháng 9), biên đội Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng xuất kích từ sân bay Thọ Xuân bay vào khu vực Đô Lương - Nghệ An để không chiến với biên đội 4 chiếc F-8 của địch. Trong trận này, Vũ Đình Rạng đã bị bắn rơi, phải nhảy dù.

        Vài ngày sau, biên đội Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Cát A xuất kích từ sân bay Đa Phúc lên đánh chặn máy bay không ngứời lái và Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái ấy trên bầu trời Thanh Hóa.

        Cũng ở tháng 9 này, sau một thời gian gấp rút bay huấn luyện ban đêm, Đại đội 3 đã tổ chức Trực ban Chiến đấu ban đêm. Phiên Trực ban Chiến đấu ban đêm được tổ chức trực ở sân bay Đa Phúc, và phi công Trực ban Chiến đấu ban đêm ở phiên trực đầu tiên này là Đặng Xây.

        Tuy đã tổ chức Trực ban Chiến đấu ban đêm, nhưng không phải vì vậy mà các phi công Đại đội 5 không tham gia trực chiến ban ngày, họ vẫn tiếp tục làm nhiệm, vụ tham gia cùng các phi công của các Đại đội bay ngày khác cùng xuất kích chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2016, 08:31:52 am »

        Ngày 26 tháng 10, biên đội Nguyên Đăng Kính, Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa được dẫn vào khu vực Đô Lương - Nghệ An. Sở chỉ huy thông báo có 2 chiếc F-4 bay thấp theo hướng từ Cửa Lò vào. Lúc ấy, trạm chỉ huy bằng mắt ở trên núi Đại Huệ thông báo tiếp rằng chúng từ Cửa Lò vào, đến cầu cấm đã lấy hướng bay về phía Nam. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội lấy hướng 150 độ, nhưng vì nghe thông báo của trạm chỉ huy ữên núi Đại Huệ về hướng bay của địch nên số 1 Nguyễn đăng Kính chủ động bay hướng 180 độ và tăng tốc độ bay. Hôm ấy mây Cu khoảng 6-7 phần (mây Cu là loại mầy đống và nếu chia bầu trời ra làm 10 phần thì hôm ấy lượng mây Cu chiếm 6-7 phần), đáy mây là 800 m, đỉnh mây là 4000 m, sau khi lấy hướng 180 độ thì phát hiện thấy 2 chiếc F-4 bay từ phía trái qua phải, ở cự li chừng 4-5 km. Biên đội bật tăng lực để tiếp cận. Khi bay vào mây, Xuân Thiều đã lạc mất đội, Sở chỉ huy dẫn cho Thiều về trước. Nguyên Đăng Kính tiếp tục bám theo biên đội F-4. Khi đang ngắm bắn tên bay số 2 thì bỗng nó đảo chiều, chuyến cánh sang phía bên kia. Nguyễn Đăng Kính ngắm luôn thằng bay số 1 và ấn nút phóng tên lửa. Thằng bay số 1 cháy bùng, lao thẳng xuống, rơi ở địa phận Hương Khê - HàTĩnh. Thằng F-4 bay số 2 cắm đầu cắm cổ chạy mất hút.

        Sau khi hạ cánh về, rút kinh nghiêm. Thiều rất áy náy vì chuyện lạc mất đội vừa rồi. Thực ra, với lượng mây như vậy và sau khi lao qua các đám mây, khi bay ra cũng khá khó khăn khi tìm đội. Trong các trận không chiến, việc giữ được đội hình từ đầu đến cuối trận cũng rất khó khăn và hầu như khi điểm lại, số lượng mất đội cũng khá nhiều. Sau này, anh Nguyên Đăng Kinh nhớ lại: Thiều rất hăng hái mong được tham chiến, rút kinh nghiệm rất nghiêm túc và có tiến bộ nhiều.

        Sau khi Trung đội 1 đã huấn luyện bay đêm xong, đã vào trực chiến ban đêm được thì vào tháng 12 năm 1968, Đại đội tổ chức bay huấn luyện ban đêm cho Trung đội 3 của anh Nguyễn Văn Thuận với các Trung đội viên là Nguyên Cát A, Vũ Xuân Thiều và Nguyễn Công Huy.

        Trung đội 3 có 4 Trung đội viên thì anh Trần Ngọc Nhuận sớm rời bỏ đời bay để về tiếp tục học Đại học vì lí do sức khỏe. Anh bị bệnh viêm hành tá tràng rồi chảy máu dạ dày (tức là cả một hệ thống đường tiêu hóa như hệ thống đường bộ của Cục đường bộ - Bộ giao thông vận tải ấy) đều có vấn đề. Còn lại có 3 Trung đội viên. Trung đội trưởng Thuận là người chơi vi-ô-lông khá hay. Khi còn học bay ở bên Nga, anh đã từng lên sân khấu biểu diễn. Anh muốn tất cả các Trung đội viên của anh cũng phải biết chơi loại nhạc cụ này - cái nhạc cụ mà anh em vẫn gọi đùa là "nhị Tây" ấy. Trong đoàn bay MiG-21 khóa 3 thì anh Trần Cung là người kéo nhị rất giỏi, hình như hồi ở nhà, anh đã từng ở trong đội văn nghệ của xã thì phải. Vậy là Đại đội bay đêm có cả người chơi "nhị Tây", người chơi "nhị Ta". Công Huy thì tay chân cứng quèo vì chơi xà chơi tạ nhiều nên tìm cách "phá bĩnh", không học. Xuân Thiều thì nói sẽ chơi ghi-ta. Và Xuân Thiều vác ghi-ta ra chơi thật, cứ "phập phừng... phập phừng..." với những giai điệu chẳng giống ai và tiếng "phập phừng" cũng chẳng giống ai, Còn lại anh Nguyễn Cát A thì lúc ngắm bàn tay Cát A, anh Thuận chi còn nước... lắc đầu! Anh Cát A từng được mệnh danh là người có "ngón tay thần". Anh kể, từ hồi nhỏ, khi cùng một số người nữa đi khiêng giúp tấm gỗ lim cho ai đó, khi hạ tấm gỗ xuống, vì hiệp đồng với nhau không chuẩn, người buông tay trước, người buông tay sau nên anh Cát A bị gỗ đè ngay vào ngón tay trỏ của bàn tay trái. Ngón tay tòe ra, máu chảy lênh láng. Sau khi được cầm máu bằng những sợi thuốc lào, tuy khỏi, nhưng ngón tay không còn tròn trịa nữa mà đầu ngón tay lại bẹp giống như đầu con rắn. Khi anh giơ ngón tay ra giả vờ mổ mổ vào đứa cháu thì nó sợ quá, khóc thét lên. Từ đó, anh hay giấu ngón tay ấy đi. Một lần, nhân lúc anh ngủ, Công Huy ngắm nghía "ngón tay thần" của anh rồi lẳng lặng lấy bút mực vẽ theo đường rãnh sẹo, rồi vẽ mồm, vẽ mắt trông thật không khác gì đầu rắn. Khoái chí về thành quả của mình, Huy gọi mấy anh khác đến để chiêm ngưỡng cái tác phẩm ấy. Tất cả các anh trông thấy vậy đều cười phá lên. Có lẽ, cái biệt danh "ngón tay thần" xuất xứ từ đấy. Anh Cát A tỉnh dậy, thấy vậy thì bực lắm, nhưng khi nhìn vào ngón tay mình, chính anh cũng phải phì cười rồi nói: "Cái thằng!". Vậy là Công Huy không bị mắng nữa. Mà riêng anh Nguyễn Cát A thì cũng có đến lắm giai thoại lắm cơ! Ví dụ như chuyện ngáy chẳng hạn. Anh được cái là ngủ rất nhanh và ngáy cũng không giống ai, kể cả về tần suất, về biên độ dao động và về âm lượng. Nói chung, khi anh đã "cất tiếng" là tất cả ba người - từ Trung đội trưởng đến các Trung đội viên còn lại ở trong phòng phải thức giấc hết. Thế là dép, giày và tất cả những thứ gì có thể ném được sang phía giường của Cát A là được huy động để ném hết. Anh cũng chi "giữ im lặng" trong vài giây thôi rồi đâu lại vào đấy. Một lần, Trung đội trưởng Thuận khua Thiều và Huy dậy:

        - Các cậu dậy họp Trung đội!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2016, 08:35:01 am »

        Xuân Thiều và Công Huy lồm cồm chui ra khỏi màn, chưa hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra làm sao thì Trung đội trưởng nói luôn:

        - Tớ nghĩ ra rồi! Ta ném giày dép chẳng qua chỉ thức tình nó được tí thôi. Gốc gác là nó bị viêm họng. Có viêm họng thì mới gây ra ngáy. Bây giờ là phải chữa tận gốc! Huy đâu?

        - Có ạ!

        - Cậu xuống bếp ăn, xin lấy ca muối!

        - Nhưng khuya thế này, chắc bếp ăn khóa cửa mất rồi!

        - Thì tìm cách vào mà lấy!

        Công Huy cầm ca uống nước, đi xuống nhà bếp. Quả nhiên, nhà bếp đã khóa thật. Lần mò một lúc thì Huy cũng chui được vào trong bếp, xúc được lưng ca muối mang về. Anh Thuận bốc ngay lấy một nắm, thả vào miệng anh Cát A, nói:
 
        - Thế này mới chữa được viêm họng!

        Anh vừa nói xong thì Cát A lại cất tiếng ngáy đến "khực" một cái. Bao nhiêu muối trong miệng anh bắn hết ra xung quanh. Trung đội trưởng Thuận ngao ngán lắc đầu:

        - Vậy là y học bó tay! Bây giờ chỉ còn nước khiêng "cụ" ra ngoài sân bóng chuyền mà thôi!

        Sân bóng chuyền thì ngay cạnh đấy. Ba anh em khiêng Cát A ra đặt giữa sân bóng chuyền thật. Suốt cả quá trình khiêng "cụ" đi, tiếng ngáy vẫn vang lên đều đặn, không hề ngớt tí nào. Khoảng chừng nửa đêm, trời mưa to, giường chiếu của anh Cát A ướt hết cả, bấy giờ anh mới tỉnh dậy, thấy mình ở ngoài sân bóng chuyền thì anh phi vào nhà, la hét, quát tháo ngậu xị lên. Nhưng cũng từ hôm đó, anh đâm ra rất "ý tứ". Đến giờ đi ngủ, anh vẫn lảng vảng ngoài hành lang hoặc ra phòng họp ngồi đọc báo chán chê, cốt để cho mấy anh em trong phòng ngủ trước đã. Nghĩ cũng thương anh thật, nhưng rồi khi anh về, cho dù chúng tôi đã ngủ cả rồi, tới lúc anh "cất tiếng" thì chúng tôi cũng vẫn phải dậy như thường. Chúng tôi đành chịu đựng, mãi rồi cũng quen. Đôi lúc vắng anh, vắng tiếng ngáy của anh lại thấy... nhơ nhớ. Đấy chỉ là một chi tiết nhỏ thôi, chứ kể về anh thì còn nhiều lắm, dài lắm...
 
        Vậy là ý định của Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thuận muốn cho các Trung đội viên của mình chuyển sang lĩnh vực khai thác "nhị Tây" đã không thành. Công Huy thì vẫn cứ ra bãi xà, bãi tạ chơi, Xuân Thiều thì thi thoảng vác ghi-ta ra "phập phừng", và Cát A thì chẳng chơi bộ môn nào hết, lâu lâu lại lấy "ngón tay thần" ngoáy mũi một cái!.

        Khoảng chừng tháng 2 - tháng 3 năm 1969, Đại đội đã tổ chức cho Trung đội 1 làm nhiệm vụ Trực ban Chiến đấu ban đêm tại sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa.

        Đa phần các thành viên của Đại đội đi cơ động vào Thọ Xuân, số còn lại ở nhà (tức là ở căn cứ chính ở Đa Phúc) vẫn tham gia bay ngày, Trực ban Chiến đấu ngày. Mọi liên hệ với các thành viên đi cơ động đều qua điện báo ở Sở chỉ huy hoặc gọi qua đường tiếp sức. Thư từ của các thành viên đi cơ động thì những người ở nhà chịu trách nhiệm gói ghém cẩn thận và hễ có ai chuyển sân ra, chuyến máy bay vào thì phải gửi vào cho anh em ở trong đó. Những việc quan trọng, gấp gáp thì ra bưu điện, "đánh dây thép" vào. Còn nhớ, vào hồi tháng 5 năm 1969, khi gia đình anh Trần Cung báo tin là anh đã có con trai thì anh em cũng mừng cho anh lắm vì anh chị xây dựng gia đình với nhau đã lâu mà chưa hề "có tin vui". Bao nhiêu năm mong ngóng chẳng thấy gì, anh em vẫn trêu đùa, gán cho anh cái tên "phó mài"! Nay nhận được tin vui đặc biệt thế này mà anh lại đang ở trong sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa thì phải tìm mọi cách để anh biết mà mừng, mà khao. Và Công Huy cùng với Xuân Thiều từ sân bay Đa Phúc đã đạp xe ra bưu điện (bấy giờ sơ tán tận ngoài Thá) đánh bức điện vào Thọ Xuân cho anh Trần Cung với nội dung như sau:

"Vợ Cung đã đẻ con trai
Và Cung hết chức "phó mài" từ đây!"

        Nhận được điện báo, anh Cung vừa mừng, vừa buồn cười, vừa cả bực mình, vừa thấy thương cả mấy đồng đội đã "lọ mọ" đánh điện cho mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2016, 08:38:29 am »

        Đến chuyện của Đại đội trưởng Đinh Tôn cũng vậy, khi anh ở Thọ Xuân, thì vợ anh lại lần đến Đa Phúc thăm anh. Chẳng gặp được nhau và ngày hôm sau chị đành phải ra về. Cũng trong ngày ấy, anh Đinh Tôn nhận được bức điện:

Anh Tôn yêu quý của em ơi!
Đuờng băng em đã quét sạch rồi
Anh về hạ cánh đi anh nhé
Chớ có thả càng, hạ bụng thôi!

        Nhận điện xong, anh Đinh Tôn cứ dẫm chân, nhể phù phù, miệng than: "Ôi trời! Mấy cái thằng quậy quá trời!". Cuộc sống thời chiến cũng có những cái thi vị riêng của nó đấy chứ!

        Đầu tháng 7, biên đội Nguyễn Văn Minh, Trần Cung xuất kích từ sân bay Đa Phúc lên đánh chặn máy bay không người lái. Chiếc máy bay không người lái này bay từ hướng Đông Nam vào, trinh sát dọc tuyến đường 5, khu vực cầu Đuống, cầu Long Biên, khu vực Bạch Mai và dọc tuyến đường 1 Nam. Sở chi huy dẫn biên đội vào lần thứ nhất không phát hiện được mục tiêu. Loại máy bay không người lái là loại máy bay có kích thước nhỏ, lại bay thấp (thường chỉ 200 m trên địa hình) nên rất khó phát hiện. Lần thứ 2, sau khi được dẫn với góc độ có lợi hơn, biên đội đã phát hiện được mục tiêu. Số 1 Nguyễn Văn Minh vào công kích nhưng bắn không trúng liền lệnh cho số 2 vào công kích tiếp, số 2 Trần Cung đã bắn hạ mục tiêu. Chiếc máy bay không người lái này rơi ở khu vực Tô Hiệu - Thường Tín.. Đấy là chiếc máy bay thứ 3.300 của Không quân Mỹ bị quân và dân ta bắn hạ.

        Đến trung tuần tháng 7, biên đội Hoàng Biểu, Phạm văn Mạo xuất kích từ sân bay Đa Phúc lên đánh chặn máy bay không người lái và Đại đội phó Hoàng Biểu đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái trên vùng trời Nghĩa Đàn - Nghệ An.

        Và cũng trong năm 1969 này, Đại đội 3 được đổi phiên hiệu thành Đại đội 5.

        Có những đêm mùa hè, dù đang là thời kỳ chiến tranh nhưng không gian bỗng dưng rất tĩnh lặng, thanh bình. Ba phi công bay đêm của Đại đội 5 ôm phao ra tắm ở hồ nước đằng sau hầm sơ tán (nói là phao cho oai chứ thực ra đấy chỉ là chiếc xăm của bánh sau máy bay MiG-21, bơm căng lên, có thể nằm lênh đênh trên mặt hồ được. Gọi là hồ mà thực chất cũng chẳng phải là hồ, tương truyền đấy là vết chân ngựa của Thánh Gióng trước khi Người bay về trời sau khi đã hoàn thành sứ mạng đánh đuổi giặc Ân, giữ yên bờ cõi) để vừa tắm vừa hàn huyên . Cũng ở hồ này, đã có lần, ba anh em chui vào trong cống thoát nước của hồ để bắt cá, nhưng càng chui vào sâu, cống thoát nước càng hẹp dần, kiểu này nếu cứ cố chui tiếp thì chắc là tắc tị, người mắc kẹt ở đó không thể ra nổi chứ chẳng chơi. Cá với mú! Thế là lại đành bò giật lùi, người nọ nối theo người kia chui ra. Ra đến nơi mới thở phào, nhẹ nhõm. Công Huy là người ít tuổi hơn, nhưng lại hay "chọc" các bậc đàn anh. Khi nằm trên hồ, Huy hỏi các ông anh Thông Hào và Xuân Thiều:

        - Các ông nghĩ gì khi nằm trên mặt nước thế này mà ngước nhìn lên trời xanh trong cái khung cảnh chiến tranh này?

        - Hãy hỏi "dây đồng" ấy! - Hào nhỏ nhẹ.

        Xuân Thiều trầm ngâm trong giây lát rồi lên tiếng:

        - Làm trai đứng ở trong trời đất!...

        Câu nói bỏ lửng thế thôi, nhưng thế là đã hiểu rồi. Chàng "hiệp sĩ dây đồng" này muốn mượn ý của người xưa để nói về chí khí của mình đây.

"Mang thân đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông..."

        hoặc:

"Làm trai không lập nên công trạng
Cũng thẹn khi nghe chuyện Võ Hầu..."

        Một vài đêm thanh bình như vậy giữa cuộc chiến tranh mà Mỹ dùng Không quân đánh phá ra miền Bắc để biến miền Bắc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trở về "thời kỳ đồ đá" quả thật là hiếm hoi. Sau này, và mãi mãi về sau này không bao giờ còn có những đêm thanh bình, yên ả với ba chàng phi công bay đêm như vậy nữa. Mỗi người đã mỗi nơi: Nguyễn Công Huy vì thị lực kém không thể bay đêm được phải chuyển sang Đại đội bay ngày. "Thân vạc, thân cò" còn lại là Trần thông Hào và Vũ Xuân Thiều. Cùng một bầu trời đấy, nhưng mỗi người mỗi nhiệm vụ rồi. Đánh ngày có gian nan, vất vả của đánh ngày. Đánh đêm có gian nan, khốn khó của đánh đêm. Cùng trong một Trung đoàn, chỉ khác biên chế đánh ngày hoặc đánh đêm thôi, chỉ cách nhau có mây bước chân thôi mà gặp nhau đã khó. "Cánh đánh ngày" thì dậy từ 3 - 4 giờ sáng, ra sân bay, chuẩn bị, tiếp nhận máy bay, vào trực chiến từ 5 giờ sáng tới 5 - 6 giờ chiều mới "rút ban". "Cánh trực đêm" thì ngày phải ngủ để 4 - 5 giờ chiều ra sân bay chuẩn bị, tiếp thu và trực cho đến 5 giờ sáng hôm sau. Gặp nhau chỉ í ới mấy phút khi giao ban "ngày" và "đêm" mà thôi. Làm gì còn có thời gian để gặp nhau, để hàn huyên nữa. Theo dõi, quan tâm đến nhau là chỉ còn cách nhìn lên bảng phân công trực chiến, thấy xem tên ải, tên ai ở đó để yên lòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 04:54:14 am »

        Lắm khi, với lực lượng bay ngày, có tên ở trên bảng trực đấy, nhưng người lại đã ở sân bay khác rồi. Ví dụ như: cất cánh ở sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài) lên, đánh một trận, sân bay lại bị bọn F-4 phong tỏa, bắt buộc phải bay về sân bay khác để hạ cánh. Cái chuyện sáng ra ăn cơm ở Đa Phúc, trưa ăn cơm ở Yên Bái, tối ăn cơm, ngủ ở Thọ Xuân không phải là chuyện hiếm và lạ lùng.


Tổ bay trên loại máy bay Mig 17
Từ trái sang: Vũ Xuân Thiều, Trần Hóa, Trần Ngọc Nhuận

        Với lực lượng đánh đêm, chuyện ấy không phải là không xảy ra, nhưng so với lực lượng đánh ngày thì ít hơn.

        Cũng từ năm 1970, các phi công bay đêm của Đại đội 5 được giao nhiệm vụ chính: cơ động vào khu Bốn (trên các sân bay từ Thọ Xuân đến Vinh, Anh Sơn, Đồng Hới...) để tham gia chiến đấu góp phần bảo vệ sự vận chuyển trên tuyến đường 559 và đánh B-52 trên vùng trời Bình Trị Thiên và đường 9, Nam Làọ.

        Vào thời gian tháng 8 năm 1970, Đại đội trưởng Đinh Tôn, Đại đội phó Hoàng Biểu, các phi công Đặng Xây, Vũ Đình Rạng đã tham gia vào đoàn nghiên cứu cách đánh B-52 ở chiến trường khu Bốn, do Phó Tư lệnh Không quân chủ trì.

        Phải nói rằng, ngay từ ngày 12 tháng 4 năm 1966, khi lần đầu tiên Mỹ sử dụng "siêu pháo đài bay B-52" ra đánh phá miền Bắc ở đèo Mụ Giạ - Quảng Bình, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức cho bộ đội Không quân "tìm cách đánh cho bằng được B-52". Đến cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư Lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bác lại khẳng định:

        "Sớm muộn gì rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua...

        Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!".

        Suốt trong thời gian từ năm 1966, Quân chủng đã cử nhiều đoàn cán bộ, nhiều đơn vị tên lửa, không quân vào chiến trường khu Bốn nghiên cứu cách đánh B-52. Đặc biệt, tháng 4 năm 1972, khi tiến hành chiến dịch "Lai-nơ-bêch-cơ" leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ hai, Mỹ đã sử dụng B-52 trút hàng vạn tấn bom đạn vào các mục tiêu ở miền Bắc, ta đã nghiên cứu sâu thêm về B-52 và đến tháng 9 năm 1972, về cơ bản, phương án đánh máy bay "siêu pháo đài bay B-52" đã hoàn thành và đến ngày 24 tháng 11 năm 1972 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn tiến Dũng phê duyệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2016, 04:58:57 am »

        Khi sản xuất B-52, nó đã được quảng cáo rùm beng:

        "B-52 là siêu pháo đài bay thượng đẳng, là thần tượng của Không lực Hoa Kỳ, là sản phẩm hội tụ những thành tựu kỳ diệu nhất của nền công nghiệp hàng đầu thế giới, là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (gồm tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược)...

        B-52 trút bom như mưa. Tiếng bom rơi xé không khí, gầm rít ghê gớm như giông bão. Một phi vụ B-52 có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn. Một tốp 3 chiếc B-52 sẽ biến một diện tích hơn 2 cây số vuông thành bình địa... Không một sinh vật nào có thể tồn tại nổi dưới sức công phá ghê gớm của bom B-52. Đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, khiếp đảm về tính thần, bởi vì họ cảm thấy hoàn toàn bị bất lực trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của B-52 mà họ không có cách gì chống đỡ nổi".

        Vào tháng 6 năm 1965, Mỹ đã sử dụng 30 máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ trên đảo Gu-Am bay vào "rải thảm" vùng căn cứ của ta ở Long Nguyên huyện Bến Cát, cách Sài Gòn 50 km. Cùng với việc rắc bom là việc rải những tờ truyền đơn in hình máy bay B-52 đang rắc bom với những lời đe dọa hãi hùng nhằm đánh một đòn cân não, làm nhụt ỷ chí chiến đấu của nhân dân ta.

        Mỗi khi đi ném bom, máy bay B-52 thường bay theo đội hình lớn, tối thiểu là một tốp 3 chiếc, trung bình là 6 tốp, cao nhất có thể lên tới 31 đến 33 tốp. Đi kèm B-52 là một lực lượng máy bay tiêm kích các loại yểm hộ như F-4, F-8, F-105 bay ở phía trước, phía sau và hai bên sườn cách B-52 từ 18 đến 20 km để tạo thành "hàng rào không thể chọc thủng".

        Ở chiến trường Việt Nam, Không quân Mỹ đều sử dụng các loại máy bay B-52 đã được cải tiến nhiều lần (gồm 4 loại: B-52 D, F, G, H) để tăng số lượng bom mang theo và tăng khả năng tác chiến điện tử.

        Tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của B-52 (loại B-52 G, H) như sau:

        Tổ bay = 6 người
        Sải cánh = 56,39 m
        Chiều dài = 49,05 m
        Chiều cao = 12,40 m
        Trọng lượng cất cánh lớn nhất = 221.350 kg
        Tốc độ lớn nhất = 960 km/h
        Tốc độ trung bình = 820 km/h
        Trần bay = 16.765 m
        Độ cao bay thông thường = 10.000 m - 13.000 m
        Tầm bay xa = 12.000 km (với B-52 G) và 16.000 km (với B-52 H)
        Vũ khí: đeo được 18 đến 30 tấn bom, có thể mang 12 đến 20 quả tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, có 4 khẩu pháo 20 li hoặc 1 khẩu pháo 20 li 6 nòng.

        B-52 còn được trang bị 12 đến 16 máy gây nhiễu tích cực, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, tên lửa chống ra-đa HARM và các hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, ra-đa cảnh giới và máy tính điện tử...

        B-52 có thể bay liên tục trong vòng 9 tiếng đồng hồ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu trên không, chúng còn có thể bay xa hơn (ví dụ từ đảo Gu-Am đến Hà Nội là 10.000 km rồi quay trở về) hoặc có thể vượt được chặng đường 18.000 đến 21.000 km.

        Có thể thấy rằng, B-52 chẳng khác gì con khủng long kềnh càng ở trên trời. Nó rất dễ bị các phi công MiG "xả thịt" khi bay đi đánh phá vào ban ngày. Vì vậy, chúng chỉ dám hoạt động vào ban đêm, nhưng cũng rất gờm lực lượng phi công bay đêm, đánh đêm của ta. Chỉ vùng từ khu Bốn trở vào, khi lực lượng phòng không của ta còn quá mỏng, và đặc biệt là lực lượng không quân tiêm kích chưa vươn xa được nên đôi khi chúng cũng dám nghênh ngang đi đánh vào ban ngày.

        Để che giấu, để ngụy trang, gây khó khăn cho các trạm ra-đa của ta trong việc phát hiện B-52, chúng sử dụng một hệ thống nhiễu điện tử cực mạnh. Hệ thống gây nhiễu cùng một lúc tác động lên một dải tần số của ra-đa đối phương khiến ra-đa hoàn toàn mất mục tiêu để tạo thành cái "áo giáp điện tử vững chắc", che giấu toàn bộ lực lượng tiến công, biến mỗi chiếc B-52 thành một "máy bay tàng hình". Với các phương tiện trinh sát điện tử hiện đại, Mỹ đã nắm được tất cả các dải tần số của các đài trạm thông tin vô tuyến và các đài trạm ra-đa của ta (từ sóng mét đến sóng cen-ti-mét).

        Loại nhiễu tích cực (nhiễu bằng sóng điện tử) được phát ra từ những chiếc máy bay EA-6A, EB-66B, EC-121. Chúng được gọi là những “nhà máy điện tử di động trên không" và chúng thường bay ở vòng ngoài, cách Hà Nội, Hải Phòng khoảng 60 đến 100 km trên hai hướng Đông - Tây để gây nhiễu mạnh từ xa gọi là nhiễu ngoài đội hình. Nhiễu tích cực còn được phát đi từ những máy bay F-4, F-105, A-6, A-7 và ngay từ bản thân mỗi chiếc B-52 bay trong đội hình tiến công, tự che giấu cho mình, cho đội hình bay, gọi là nhiễu trong đội hình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM