Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:39:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử  (Đọc 22675 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 09:19:03 pm »

        Chào nhé! Chào Đất Mẹ thân yêu! Chúng con lên đường đi tiếp đây. Chúng con đi với sự sôi nổi, hăng say đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, để rồi khi chúng con trở về sẽ như những cánh đại bàng giữ yên Đất Mẹ!. Đất Mẹ luôn là nơi tiếp sức cho chúng con và là nơi đón nhận chúng con với sự yêu thương. Chúng con hứa sẽ học thành tài, sẽ trở thành những dũng sĩ canh trời!.

        Nhớ lại, cũng chỉ cách đây 20 năm thôi, khi quân đội ta mới ra đời với số lượng ít ỏi và trang bị vũ khí còn thô sơ mà đã "đánh Đông, dẹp Bắc" thật oai hùng. Anh Vũ Như Ngữ - phi công của Đại đội 5 bay đêm có viết bài báo tường với những dòng như sau:

                                     "Quân đội ta ngày ấy
                                      Toàn là dân cầy cấy
                                      Ba tư người cả thẩy
                                      Vũ khí chỉ bằng gậy
                                      Mà đánh đâu được đấy
                                      Pháp run như cầy sấy..."
[/center]

        Đương nhiên, vũ khí không phải "chỉ bằng gậv" mà súng ống không được hiện đại như bây giờ, chỉ súng pạc hoọc, mút-cơ-tông, tiểu liên... mà liên tiếp giành thắng lợi ở Nà Ngần, Phay Khắt... Và hơn 20 năm sau - các chàng tân binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang trên tàu liên vận đây đã là những người được đi học, đi đào tạo để nắm vững khoa học kỹ thuật hiên đại - lái máy bay tiêm kích chiến đấu!.

        Một sự so sánh nho nhỏ như vậy để có thể thấy được sự trưởng thành của Quân đội ta, sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhanh chóng đến nhường nào.

        Phát huy truyền thống của cha ông, của những lớp đàn anh đi trước, chắc chắn lớp lớp đàn em đi sau sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang, không để các lớp trước phải phiền lòng.

        Tàu tiếp tục lăn bánh. Bây giờ đã là đất bạn - đất nước Trung Quốc! Khu vực gần biên giới thì đồng ruộng, con người của bạn không khác xa mình mấy nhưng càng đi xa lên phương Bắc, đồng ruộng thấy ngày càng rộng lớn, cách canh tác cũng khác ta, ví dụ như nông dân nước bạn cày ruộng bằng ngựa chẳng hạn, rồi hệ thống tưới tiêu chạy nhằng nhit khắp đồng, người người trồng cấy đông như trẩy hội vậy...

        Càng đi càng thấy nước bạn trồng rất nhiều hoa trúc đào hai bên đường, rồi trong công viên, ở các nơi công cộng... Hoa nở rực rỡ, sặc sỡ trên nền trời xanh và xa xa là núi cao vời vợi. Cảnh tượng chẳng khác nào bức tranh thủy mặc. Phong cảnh thật hữu tình. Qua dòng Trường Giang, dòng Dương Tử thấy thuyền buồm nhiều vô cùng, mọi hoạt động nhộn nhịp mà nên thơ lắm.

        Ngày 25 tháng 6 thì tàu đến Bắc Kinh. Cả đoàn về nghỉ ở khách sạn Bắc Vĩ và buổi tối hôm đó được đi tham quan thành phố, tận mắt thấy quảng trường Thiên An Môn rộng lớn. Ai cũng trầm trồ vì sự kỳ vĩ của nó.

        Ngày hôm sau, tàu tiếp tục chuyển bánh qua Diên An ngược lên phía biên giới Trung - Xô. Thảo nguyên, thảo nguyên bao la, chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Đồng cỏ xanh rờn, rồi những đàn cừu, đàn ngựa số lượng đông vô kể. Phải thấy được tận mắt thì mới hiểu thế nào là dân du mục. Tàu chạy khá nhanh vì đường sắt của bạn rộng hơn của ta. 5 giờ 30 phút sáng đã đến Mãn Châu Lý. Làm thủ tục xuất cảnh... Thay tàu... Rồi sang đất Liên Xô... Tất cả được ăn bữa "cơm Tây" đầu tiên với dụng cụ thìa, dĩa, với bánh mì, bơ, súp... Phải làm quen với kiểu ăn Tây để rồi mấy năm sau sẽ liên tục gắn bó với nó. Phải làm quen để rồi mà sử dụng thành thạo các vật dụng: thìa, dao, dĩa... Phải làm quen để rồi sau này chính: bơ, pho-mát, bánh mì... là những thức ăn chính nuôi sống mình. Nói chung, tất cả làm quen cũng khá nhanh.

        Con tàu Liên vận lao vun vút. Đường sắt của Liên xô rộng hơn cả đường sắt của Trung Quốc nên tàu phi với tốc độ lớn lắm. Cảnh vật cứ trôi vùn vụt qua khung cửa sổ...

        Những cánh rừng thông, rừng lá nhọn... xuất hiên. Xi-bê-ri là đây. Vùng đất mênh mông đầy khoáng sản là đây. Sang đây thấy cái gì cũng to - từ con người đến cảnh vật, đâu đâu cũng vậy. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây sự trù phú, đất đai rộng lớn (nếu như Sa - Hoàng không bán mất mỏm A-las-ca thì đất nước Liên Xô nằm ở cả ba châu lục), khí hậu lại ôn hòa nên con người cũng hào phóng, nhân hậu. Rừng... rừng mênh mang. Tàu chạy với tốc độ cả trăm cây số/giờ mà chạy mãi vẫn chẳng thấy hết rừng. Ven những vạt rừng là đủ mọi loài hoa dại đua nhau khoe sắc, khoe hương hệt như trong cảnh thần tiên...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 09:23:39 pm »

        Tàu lao về hướng hồ Bai-can - hồ nước ngọt lớn và sâu nhất thế giới đã hiện ra. Tàu chạy sát mép nước tưởng chừng như thò tay ra là có thể vớt được làn nước trong xanh như ngọc bích của nó. Các chàng thủy thủ trên tàu đánh cá hát vang những bài ca của ngư dân. Cảnh tượng thanh bình quá, yên vui quá. Xa xa thấy có chiếc thuyền câu đứng lặng lẽ như trong câu thơ của bài thơ "Thu điếu" vậy:

        "Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"

        Đúng, chẳng cứ chiếc thuyền câu, mà kể cả một con tàu chạy ở hồ Bai-can thì cũng vẫn thấy bé tẻo tèo teo như thường vì hồ quá rộng lớn. Tàu chạy nhanh như vậy mà đi vòng quanh có một phần hồ mất cả ngày trời!

        Ngày 2 tháng 7, tàu đến Matx-cơ-va. Thủ đô của quê hương đất nước Xô-viết đây rồi. Tất cả xuống tàu, nhưng vì lí do giữ bí mật nên cả đoàn không ai được tiếp xúc với người lạ, kể cả người Việt Nam đang sinh sống ở bên ấy. Vì vậy mọi người đều dè dặt, né tránh việc chào hỏi, làm quen, mặc dù ở chốn "đất khách quê người" rất muốn có người quen.

        Đoàn được đi dạo trên Quảng Trường Đỏ (còn được gọi là Hồng Trường). Quảng trường được lát đá. Những viên đá đã gắn với bao sự kiện lịch sử của đất nước vĩ đại này. Còn như thấy đâu đây âm vang những bước chân của những đoàn quân duyệt binh và tiến thẳng ra mặt trận thời chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ngôi sao bằng đá ru-bi đỏ trên đỉnh tháp Crem-li đang sáng lóng lánh, kỳ ảo, oai hùng - ngôi sao từng được đưa vào lời hát "... Đẹp thay rực rỡ ngôi sao đỉnh tháp Crem-li tỏa ánh huy hoàng. Ngôi sao rực chiếu bao niềm tin. Bạn ơỉ Mạc-tư-khoa thành phố hòa bình!"... Quả đúng là một thành phố hòa bình với khung cảnh thật yên bình!

        Hai ngày sau, tất cả đoàn về đến trường Kras- nô-đar. Ở đó đã có những phi công lớp đàn anh đợi đón. Tay bắt mặt mừng... Người ở nhà vừa sang, người đang bay ở đất bạn... ai cũng hoan hỉ, chào hỏi nhau tíu tít. Thôi thì đủ thứ: nào tình hình ở quê hương ra làm sao, nào đi đường có mệt không, nào đã quen với cách sinh hoạt ở đất nước bạn chưa, nào bay bò có khó không, tiếng tăm học có dễ không, học thế nào, thày dạy ra làm sao, nào những lời khuyên nhủ, động viên... Thật huyên náo!

        Khi xa quê hương đất nước, thấy được người dân tộc mình đã quý rồi, đằng này lại gặp những người đồng chí, đồng đội, những người anh trong cùng một nghề bay nữa thì quý mến biết nhường nào.

        Những ngày đầu tiên trên đất Nga này cũng đã có những kỷ niệm khó quên. Sáng Chủ nhật 14 tháng 7 năm 1965, Thiều rủ Nhuận đi phố Pri-mô Akh-ta-ri SƯU tầm tem chơi để gửi về cho em. Với trình độ ba năm tiếng Nga học ở Đại học Bách khoa mà hai chàng chẳng thể nào diễn đạt được ý muốn mua các bộ tem chơi đã đóng dấu (vì ở đây toàn tem mới) cho cô bưu điện xinh đẹp hiểu. Bí quá, hai chàng vừa nói, vừa chỉ trỏ, ra hiệu. "Chứng tôi muốn"... "Chúng tôi muốn"... rồi tay phải nắm lại, đấm bôm bốp vào lòng bàn tay trái. Thế là cô gái trố mắt, kêu toáng lên chạy vào gọi sếp. Một phụ nữ đứng tuổi đi ra, nhìn chằm chằm hai chàng trai người Châu Á. Hai chàng này cũng khá nhạy cảm, biết rằng ra hiệu như ban nãy có gì đó không Ổn, bèn lấy giấy bút ra vẽ một con tem có đóng dấu, bên cạnh đặt một dấu chấm hỏi. Bà ta hiểu ngay và chỉ về cuối phố, nơi có ki-ôt bán các loại tem đó. Đồng thời bà cũng không quên dặn rằng đừng bao giờ ra hiệu như ban nãy với bất kì cô gái nào nữa vì nó có ý bậy bạ, không tốt. về nhà, hai chàng mới biết và tái mặt vì ra hiệu như thế là có ý muốn gạ gẫm tục tĩu.

        Vài ngày sau là cả đoàn bước vào học lí thuyết luôn. Vừa học lí thuyết, vừa học tiếng Nga. Đoàn được nhà trường cho ghép vào học cùng với đoàn các anh sang trước (có 11 người) gồm:

        Phạm Đình Tuân
        Hoàng Cống
        Ngô Văn Phú
        Nguyễn Cát A
        Phạm Văn Mạo
        Trần Cung
        Lê Văn Trạng
        Lương Văn Luân
        Phan Công Ưởng
        Bùi Thanh Tiền
        Nguyễn Kim Viên

        Thời gian học lí thuyết (của loại máy bay Iak-18a) là 3 tháng. Đầu tháng 10 bắt đầu bước vào thực hành bay. Tổ bay không phân chia cố định mà xáo trộn theo thời gian thực hành bay, chia đi chia lại nhiều lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 09:25:21 pm »

        Hôm đầu tiên bay chuyến cảm giác, Xuân Thiều bay trước và sau là đến lượt Trần Ngọc Nhuận. Phải nói rằng chuyến bay cảm giác là chuyến bay đáng nhớ nhất trong đời bay vì lần đầu tiên anh được mở máy, được cùng thày cất cánh lên không trung, lần đầu tiên được chiếm lĩnh độ cao, lần đầu tiên thấy được mình giữa mây trời hoàn toàn chủ động. Có thể cách nhìn nhận của mỗi người về mỗi góc độ có khác nhau một chút, nhưng tâm lí chung thì hầu như không khác nhau là mấy. Sau này rồi sẽ còn có nhiều chuyến bay đáng nhớ nữa như chuyến bay đơn đầu tiên, chuyến bay nhào lộn với các động tác phức tạp đầu tiên, chuyến bay chặn kích đầu tiên, chuyến bay bắn đạn thật đầu tiên, chuyến bay kiểm tra phê chuẩn tốt nghiệp v.v, nhưng với chuyến bay cảm giác - chuyến bay thực sự đầu tiên của một con người chưa hề biết gì về bầu trời mà lại lên trời thì không bao giờ quên được. Các thày dạy bay mỗi người mỗi tính, mỗi nết. Có thày thì chỉ bảo cho rất cặn kẽ, từng tí từng li một, lại nói năng nhẹ nhàng, nhất là các động tác ở chuyến bay đầu tiên để cho học viên biết cảm giác thế nào là bay, thế nào là máy bay... không hề kéo giật đột ngột, mạnh mẽ. Cũng có thày thì ngay sau khi cất cánh là làm các động tác đột ngột, nhào lộn với quá tải lớn ngay theo kiểu... "dằn mặt", cốt để cho học viên phải biết sợ ngay từ đầu, biết thế nào là lễ độ, là sự răn đe...

        Chuyến bay đầu tiên của Vũ Xuân Thiều có lẽ đã được "phủ đầu" như thế. vốn tạng người không thật khỏe, chỉ mới sơ qua vài lần "kéo đẩy" của thày thôi là Thiều đã "mặt xanh nanh vàng" ra rồi. Khi về hạ cánh, thày dạy bay ra khỏi buồng lái một lúc rồi mà Thiều vẫn ngồi im trong đó. Đến lượt mình tiếp thu máy bay để bay chuyến tiếp theo, Nhuận chạy ra xem cơ sự thế nào. Bấy giờ mới thấy Thiều đứng dậy, tay bịt mồm, cố leo xuống máy bay, chạy vội ra xa một đoạn rồi cúi xuống nôn ồng ộc. Trước đó thì Thiều đã nôn trong buồng lái rồi. Thày giáo bắt Nhuận phải đi xách nước, lấy giẻ, chui vào buồng lái để lau dọn "sản phẩm" của Thiều. Mùi của các chất nôn mửa bốc lên làm Nhuận cũng suýt nôn đến mấy lần. Thiều vẫy Nhuận ra, nói nhỏ:

        - Mày bảo ông ấy (là ông thày dạy bay) kéo vừa thôi, đừng làm các động tác nhào lộn nữa kẻo mày cũng cóc chịu được đâu! Mà có lẽ tao chẳng bay được đâu, mày ạ!

        Và Nhuận đã chủ động đề nghị ngay với thày:

        - Đây là chuyến bay cảm giác. Đề nghị thày chỉ dẫn cho tôi bay bình thường chứ đừng làm động tác nhào lộn nhé!

        Ông thày gật đầu. Có lẽ thày cũng đã cảm thấy ân hận với chuyến bay vừa rồi với Thiều, và thực ra cũng không chịu được mùi nôn mửa bốc lên trong buồng lái. Nếu lần này mà Nhuận cũng nôn nữa thì chắc gì thày đã kìm chế được, mà cũng theo đà... nôn theo trò!

        Tuy thày làm các động tác có vẻ nhẹ nhàng, không giật, không tạo quá tải lớn như khi bay với Thiều, nhưng đến lúc xuống đất thì Nhuận cũng vẫn chẳng chịu nổi, vẫn bị nôn như thường.

        Nhân đây phải nói đến vấn đề "quá tải". Có lúc, có người gọi là "gia trọng". Thực chất thì đấy là lực tác động lên phi công. Khi bay trên trời, nếu trạng thái máy bay bay bằng thì phi công chịu một lực đè (quá tải) lên người bằng đúng trọng lượng của mình - tức là: nếu bạn cân nặng 60 kg thì lúc ấy bạn phải chịu một lực đè lên người bạn là 60 kg. Khi bay nhào lộn với các động tác phức tạp thì quá tải sẽ tăng lên: có thể bằng 4, 5, 6, 7, 8,...Ví như, nếu quá tải bằng 4 thì lực đè lên bạn sẽ bằng 4 lần trọng lượng cơ thể bạn. Khi kéo với quá tải lớn, máu trên đầu sẽ bị dồn hết xuống dưới cơ thể bạn. Mắt bạn tối sầm lại (vì máu ở não có ít), chân tay bỗng nặng trịch, không thể nhấc lên được. Chính vì vậy, người ta phải chế ra "bộ quần áo kháng áp", mặc vào để bó chặt chân, chặt bụng, cho máu không dồn xuống quá nhiều, để số lượng máu còn đủ nuôi não, không bị sây sẩm mặt mày, không bị ngất ở trên trời.

        Không phải phi công nào cũng chịu được mọi quá tải ngay một lúc. Cái chính là phải rèn luyện để thích ứng dần. Và cũng không phải máy bay nào cũng chịu được mọi quá tải vì nếu quá đi thì chính máy bay cũng bị phá vỡ. Ví dụ như với máy bay MIG-21 - quá tải tạo ra sự phá vỡ máy bay là bằng 12. Lúc ấy thì kết cấu của máy bay không còn bền vững nữa, cánh sẽ rời ra, các bộ phận khác cũng rạn vỡ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:07:21 am »

        Vậy mà trong chiến đấu, đã có những phi công kéo quá tải đến 9,10,11. Ví dụ, anh Hoàng Quốc Dũng khi làm động tác "lộn xuống" để đuổi theo bắn thằng F-4, anh đã kéo đến quá tải bằng 11. Anh bắn cháy thằng F-4 ấy, nhưng sau rồi anh cũng phải đi nằm viên. Anh bị chảy máu tai vì quá tải lớn quá. Hoặc như anh Nguyễn Văn Lung, khi đi chiến đấu về, thấy trạng thái anh có vẻ "ngơ ngơ", đồng đội đã "thử" anh bằng cách giơ quả khế ra trước mặt anh và hỏi:

        - Ăn kẹo không?

        - Chua lắm! - Anh trả lời

        Vậy là rõ rồi. Mời anh đi đến quân y để khám. Và rồi anh cũng phải đi nằm viện. Cũng giống hệt anh Hoàng Quốc Dũng, anh đã bị chảy máu tai.

        Trở lại với đoàn bay. Cả đoàn bay trên loại máy bay Iak-18a ở sân bay Akh-ta-ri với thời gian không được lâu. Khi có đoàn bay do anh Đinh Tôn làm đoàn trưởng bay trên loại máy bay L-29 (loại máy bay phản lực tốc độ dưới tốc độ siêu âm) bay ở Akh-ta-ri thì cả đoàn chuyển về sân bay Nô-vô-chi-ta-rôp để bay. Sân bay Nô-vô-chi-ta-rôp là sân bay đất. Loại máy bay Iak-18a có thể hoạt động ở đó bình thường được.

        Đên sân bay Nô-vô-chi-ta-rôp, đoàn bay được bổ sung thêm một số học viên nữa. số là sau một thời gian học, các bạn Liên Xô lại tố chức khám lại sức khỏe, khám cho cả đoàn đang học kỹ thuật (thợ máy) và lựa chọn được thêm 11 người chuyển lên học bay. Số đó gồm các anh:

        Lê Minh Dương
        Nguyễn Thanh Quý
        Phạm Tuân
        Nguyễn Văn Ngọc
        Trần Cao Thăng
        Nguyễn Văn Hùng
        Nguyễn Xuân Thư
        Nguyễn Văn Hợp
        Trần Hồng Thái
        Trương Công Thành
        Đoàn Đình Thanh

        Thời gian bay ở sân bay Nô-vô-chi-ta-rôp cũng xảy ra nhiều chuyện vui lắm. Gọi là sân bay đất, nhưng lớp cỏ mọc khá dày. Sân bay và các vùng phụ cận sân bay rất rộng, bằng phẳng, lại có nhiều đống mối đùn. Loài thỏ đồng sinh sống ở đó và loài thỏ lại hay đào hang ở các ụ mối đó để cư trú. Mà giống thỏ đã đẻ thì đẻ mắn vô cùng. Cư dân của chúng khá đông đảo. Chúng hay ngồi trên ụ mối, dỏng tai lên nghe ngóng động tĩnh. Hễ máy bay nổ máy, rú ga hoặc lăn qua là chúng chạy biến vào hang hoặc chạy rất nhanh núp vào những bụi cây lúp xúp mọc ở gần đó. Vậy là có một lần, anh Phạm Tuân thấy một chú thỏ đang đứng ngơ ngác trên ụ mối, anh liền phi ra đuổi. Các thày dạy bay vô cùng ngạc nhiên, nhún vai, ngơ ngác nhìn nhau vì từ xưa tới giờ chưa hề thấy ai chạy đuổi được thỏ cả. Vậy mà bây giờ lại có một học viên Việt Nam lao đuổi thỏ thì lạ lùng thật. Các thày chăm chú theo dõi xem sự thể sẽ diễn ra thế nào. Tuân "mắm môi mắm lợi đuổi", còn chú thỏ thì chạy "bán sống bán chết". Khi đến cánh đồng lúa mì, chú thỏ không biết chạy đi đâu nữa đành liều phi vào đó và bị Phạm Tuân tóm sống, xách tai mang về. Các thày dạy bay lại được phen ngạc nhiên hơn và chuyên đuổi bắt thỏ của học viên Việt Nam thành chuyện được kể mãi ở đấy.

        Rồi lại còn trò đi tát cá nữa. Gần sân bay, vào mùa hè thường có trại hè được tổ chức ở đấy (trại hè Nô-vô-chi-ta-rôp), có một con sông nhỏ (thực chất chỉ là một ngòi nước nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo) chảy qua. Các học viên Hung-ga-ri và Việt Nam hay ra đấy câu cá. Số học viên Hung-ga-ri thì câu bằng cần câu máy, có tay quay dây câu, rồi các loại mồi câu theo kiểu hiện đại lắm. Họ lấy cớ đi câu để "câu" gái Nga thôi vi cậu nào cũng có một cô gái Nga ngồi bên cạnh cả, còn các học viên Việt Nam ta thì không, đi câu là để lấy cá về chén thật. Mà đã là trò đi câu thì lâu lâu mới giật được một con, sốt ruột lắm. Thế là các bậc đàn anh (như anh Đình Tuân, anh Hoàng Cống, anh Công Ưởng...) đầu têu nhảy xuống sông, đắp chặn hai đầu, xong rồi dùng mọi phương tiện như xô, chậu, hoặc bất kỳ thứ gì có thể tát nước được là huy động xuống tát nước hết. Các bạn Hung-ga-ri đang ngồi câu, thấy nước cứ cạn dần như có phép lạ, rồi chẳng mấy chốc trơ đáy và các bạn Việt Nam thì hồn nhiên nhảy xuống bắt cá. Họ chẳng hiểu ra làm sao, ngạc nhiên lắm. Tiếp tục "phát huy hiệu quả", ta lại đắp chặn tiếp đoạn tiếp theo, lại tát, lại bắt. Các bạn Hung-ga-ri "trơ mắt ếch", chẳng còn chỗ nào mà "hành nghề", đành hậm hực bỏ đi nơi khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:08:35 am »

        Số lượng cá bắt được là khá nhiều, các anh đem về đưa vào bếp ăn để cho các đầu bếp chế biến, còn một số thì đem về nhà để nấu ăn thêm. Có lần, đang xì xụp đánh chén thì có đội trực ban đi kiểm tra khu ở của các học viên đến. Thế là mọi nồi niêu, bát đĩa phải tống hết vào trong gầm giường, phủ vải ga giường trùm sát sàn nhà và các học viên ta đứng nghiêm phăng phắc chào đoàn kiểm tra. Các vị trực ban Nga thấy rõ ràng có mùi thức ăn ở trong phòng nhưng chẳng thấy thứ gì lộn xộn cả, đâu đấy vẫn ngăn nắp thì thôi, cũng gật đầu chào và đi kiểm tra nơi khác.

        Cũng thật hú vía chứ!. Bấy giờ mà bị bắt quả tang việc tự nấu nướng, ăn uống ở tại phòng ở thì rầy rà lắm, sẽ bị nhà trường kỉ luật nặng chứ chẳng phải chuyện đùa!

        Mà rồi hầu như các đoàn học viên bay về sau này, đoàn nào cũng có cái trò "cải thiện" ấy thì phải. Chẳng phải là các bạn Nga nuôi nấng không chu đáo hay đói kém gì đâu mà thực chất chỉ là bày trò cho "vui một tí" như mò trai mò hến về nấu cháo hay đi bứt ngọn rau sam, rau cải... về luộc ăn rồi trêu chòng nhau mà thôi. Học viên bay thì cũng một dòng kiểu học trò, xếp loại đứng sau quỷ, sau ma, cho nên có mấy cái trò ấy cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.

        Tới trung tuần tháng 7 năm 1965 thì cả đoàn lại trở lại sân bay Akh-ta-ri để rồi chuẩn bị chuyển đến sân bay Ku-sôp bay loại máy bay MiG-17.

        Thời gian học lí thuyết bay trên loại máy bay MiG-15 và MiG-17 cũng rất nhanh. Tất cả phải bay trên loại máy bay MiG-15 trước, vì chỉ loại máy bay MiG-15 mới có máy bay huấn luyện hai buồng lái: buồng lái phía trước dành cho học viên, buồng lái phía sau dành cho giáo viên), còn các loại máy bay chiến đấu thì chỉ có một buồng lái thôi. Đến giai đoạn bay trên loại máy bay MiG-17 thì tổ bay được sắp xếp đã khá ổn định. Trần Ngọc Nhuận, Trần Hóa và Vũ Xuân Thiều được biên chế vào cùng một tổ bay dưới sự dẫn dắt của thày dạy bay là I-va-nôp.

        Thày I-va-nôp là một giáo viên còn trẻ, sống độc thân - một con người khá cục cằn trong khi bay, hay cáu gắt và chửi bậy (đương nhiên còn kém thày Bug-rôp của đoàn bay L-29 về sau này từng được mênh danh là "Thần sấm chửi"), nhưng lại không muốn gò ép các học viên bay trong việc ôn tập, thực hành mặt đất.

        Vào những ngày sương mù giăng dày đặc quanh sân bay, tầm nhìn xấu là những ngày các học viên bay phải thay nhau ngồi tập trong buồng lái: tập xử lí hỏng hóc và các sự cố đặc biệt xảy ra ở trên không, ôn luyện các động tác của bài bay cho thành thục. Thiều không hút thuốc lá nên Hóa và Nhuận "cắt cử" Thiều ngồi tập trong buồng lái với thời gian nhiều hơn (cốt là để thày I-va-nôp đứng từ xa quan sát vẫn thấy các học viên của mình ngồi tập trong buồng lái) còn Hóa và Nhuận lỉnh ra khu vực cho phép hút thuốc để rít thuốc cho thoải mái.

        Với phi công, nhất là với các học viên bay thì việc ngồi tập, ôn luyện trực tiếp trong buồng lái là rất quan trọng. Phải luyện tập sao cho mọi động tác của mình đạt đến mức độ "tự động hóa" mới được (cũng như đã là phi công thì kể cả khi đang ngủ say lúc nửa đêm, bị gọi dậy hỏi công thức tính lực nâng của máy bay thì phải nói cái phắt - chính xác 100% luôn). Bởi khi bay ở trên trời, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà các động tác tập ở dưới mặt đất đạt được 10 phần thì lúc ấy chưa chắc đã đạt được 8 hoặc 9 phần, mà có thể còn thấp hơn thế nhiều.

        Một trong các động tác phải tập thật thuần thục, tập đến độ phải đạt được mức tiêu chuẩn "tự động hóa" là động tác thoát ra khỏi "xoắn ốc" (s-tô-por). Nếu xử lí không chuẩn, để máy bay rơi vào "xoắn ốc tự do không điều khiển" thì phi công thường phải nhảy dù, mà có khi còn không kịp dẫn đến tai nạn mất cả người lẫn máy bay. Khi máy bay rơỉ vào trạng thái "xoắn ốc tự do không điều khiển" - máy bay sẽ liên tục thay đổi hướng quay (theo chiều kim đồng hồ và ngược lại). Chu kỳ quay cũng không rõ ràng, tốc độ quay thay đổi đột ngột. Với loại máy bay MiG-17 - tốc độ lao xuống có thể đạt đến 300 mét/giây. Máy bay xuất hiện sự va đập, lắc giật rất mạnh theo cả trục dọc lẫn trục ngang. Quá tải tác động lên phi công cũng thay đổi liên tục theo cả quá tải dương lẫn quá tải âm. Nếu không chọn đúng thời điểm và các động tác tác động vào cần lái và bàn đạp (pê-đan) không chuẩn thì khó mà thoát ra được khỏi "xoắn ốc". Khi ấy, nếu còn đủ độ cao thì phải nhảy dù, bỏ máy bay ngay, bằng không thì sẽ cùng máy bay lao thẳng xuống đất, kèm theo một tiếng nổ và một cột khói đen bốc tít lên trời cao!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:09:44 am »

        Luyện tập trong buồng lái với động tác ấy phải tính bằng hàng chục đến hàng trăm lần. Trần Hóa và Trần Ngọc Nhuận vốn hay thèm thuốc nên hay bỏ tập, lỉnh đi hút thuốc nên có lần phi đội trưởng - thày Brat- chi-côp kiểm tra trực tiếp từng người một, thày đánh giá chỉ mình Thiều đạt yêu cầu, còn Hóa và Nhuận không đạt. Thày bắt Hóa và Nhuận phải tập thêm và giao nhiệm vụ cho Thiều phải giám sát thay cho thày.

        Và cũng chính ở cái trạng thái "xoắn ốc" ấy mà Trần Ngọc Nhuận suýt nữa thì bỏ mạng trên loại máy bay MiG-17 khi bay nhào lộn ở không vực bay số 2.

        Hôm ấy, Nhuận phải bay 3 chuyến đều vào không vực số 2 để luyện tập động tác "xoắn ốc". Đối với không vực này, Nhuận chưa bay vào đấy bao giờ, chưa quen các địa tiêu trên mặt đất. Tâm của không vực là nông trang Ku-zơ-min-xcơ trông rất khó phân biệt với các làng Nga khác. Vậy là Nhuận bay lệch tâm không vực đến 30 - 40 km về phía Bắc. Theo lí thuyết thì các thông số cơ bản trước khi vào "xoắn ốc" phải là: tốc độ đồng hồ theo máy bay không được nhỏ hơn 230 km/h, độ cao không quá 11.500m, tốc độ lên cao không nhỏ hơn 5m/s, đồng thời máy bay phải bay ở tâm không vực và với những người mới làm động tác này thì nên vào từ bên trái vì nó ổn định hơn do phù hợp với chiều quay của tua-bin động cơ máy bay. Thế nhưng Nhuận lại vào "xoắn ốc" với các thông số khác hẳn: tốc độ 205 km/h, tốc độ lên cao bằng 2m/s, độ cao bay là 12.200m và vào động tác từ bên phải (do sợ bay lệch tâm không vực nên làm vậy để cố kéo máy bay bay gần vào tâm không vực). Vậy là, khi vừa mới thu cửa dầu về vị trí nhỏ, đánh ắc phải, cần lái lật cánh và đạp kịch pê-đan đổi hướng thì máy bay đã rất đột ngột thất tốc, đổ đầu, lật cánh và lập tức rơi ngay vào trạng thái "xoắn ốc tự do". Sau mấy lần giật đổi hướng, máy bay vừa liệng vừa chúi đầu lao xuống cực nhanh. Phía trước là mặt đất quay cuồng. Nhuận thao tác đến bốn, năm lần cố đưa máy bay thoát ra nhưng không được. Càng ngày máy bay lao xuống đất càng gần. Nhuận gần như bất lực và quyết định phải nhảy dù, bỏ máy bay. Khi đã làm các động tác chuẩn bị cho việc nhảy dù xong, chỉ còn động tác giật cần màu đỏ nữa thôi thì bỗng dưng thấy đồng hồ chân trời thoáng "chậm lờ đờ" như sắp dừng. Nhuận vội buông cần giật dù, vồ lấy cần lái, đánh ắc trái, ắc phải, về giữa, cùng lúc hai chân cũng đạp pê- đan kịch trái, kịch phải, về cân bằng. Vừa kết thúc các động tác thì máy bay cũng đồng thời đổ cánh đổi chiều, quay trái... Máy bay vẫn tiếp tục lao xuống, nhưng có chậm lại và ngay sau đó thì nó giật giật thân, lúc lắc cánh rồi từ từ ngóc đầu lên, ngừng quay. Vậy là đã thoát ra được "xoắn ốc"! Độ cao chỉ còn chưa đầy 400m, cái chết chỉ còn trong tích-tắc. Và trong tích-tắc ấy cũng là cái sống! Sự sống còn chỉ tính bằng giây! Nhà trường đã rút kinh nghiệm rất nghiêm túc cả từ phía học viên, cả từ phía thày dạy bay lẫn phía tổ chức bay của nhà trường. Nhuận tâm sự với Thiều khá nhiều. Và càng ngẫm càng thấy thấm thìa việc chuẩn bị dưới mặt đất quan trọng đến nhường nào. Sau này có xuất hiện cụm từ "quán tưởng". Ấy là lúc đó bạn ngồi tựa như ngồi thiền, nhưng không phải là thiền mà là để tưởng tượng ra tất cả mọi thứ tự cho mọi động tác khi phải thực hiện. Đó cũng là một cách tập mới đối với nhiều lĩnh vực và hiệu suất cũng cao.

        Trong những giờ tập luyện, đặc biệt trên mô hình máy bay tập có điều khiển bằng hệ thống điện tạo cảm giác như đang bay thật (tơ-rê-na-giơ) ở bộ môn công kích mặt đất, so với các anh em trong tổ bay, Thiều thường đạt điểm cao vì bắn chính xác.

        Sau này, khi bay vào trường bắn (pô-li-gôn) để bắn đạn thật, nhiều chuyến Thiều khai hỏa (bắn) ở cự li tối thiểu, khi thoát li, luồng khí từ sau máy bay thổi cát bụi bay mịt mù. Đã có lần, thày chỉ huy ở trường bắn sợ Thiều bắn vào xe chỉ huy của mình nên phải đánh xe chạy vọt ra khỏi khu trường bắn. Những chuyến bay tập không chiến cũng vậy, Thiều thường áp sát, tựa như chiến thuật của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam "bám sát thắt lưng địch mà đánh, không cho chúng nó thoát".

        Thấm thoắt chẳng mấy chốc mà đã kết thúc chương trình bay trên loại máy bay MiG-17. Thời gian trôi đi nhanh thật. Đoàn bay của Thiều đã chuyển sang học lí thuyết để chuyển loại bay trên loại máy bay MỈG-21.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 07:50:34 pm »

        Khi học bay trên loại máy bay MiG-21, tất cả về bay ở sân bay Kras-nô-đar. Ở đó có cả đoàn bay L-29 do anh Đinh Tôn làm đoàn trưởng được lựa chọn 24 người chuyển bay thẳng từ L-29 lên MiG-21. Đó là các anh:

        1.   Đinh Tôn - đoàn trưởng
        2.   Đào Minh Châu - đoàn phó
        3.   Nguyên Văn Khánh
        4.   Nguyễn Ngọc Hưng
        5.   Nguyên Văn Quang
        6.   Vũ Đình Rạng
        7.   Lê Toàn Thắng
        8.   Nguyễn Tuấn Ngòi
        9.   Nguyên Tiến Sâm
        10.   Lê Thanh Đạo
        11.   Nguyên Đức Soát
        12.   Nguyễn Văn Nghĩa
        13.   Nguyễn Hồng Mỹ
        14.   Đặng Xây
        15.   Bùi Văn Long
        16.   Vũ Như Ngữ
        17.   Trần Việt
        18.   Phạm Thành Nam
        19.   Nguyễn Công Huy
        20.   Hà Quang Hưng
        21.   Lương Thế Phúc
        22.   Phạm Phú Thái
        23.   Võ Xuân Quang
        24.   Nguyên Học Hải

        Hai đoàn bay gộp lại với nhau thành một đoàn bay MiG-21. Đến thời gian đó, đấy là khóa đào tạo các phi công bay MiG-21 lần thứ ba đối với học viên Việt Nam. Đoàn gồm có 36 người, về sau, trong quá trình bay, các anh Đào Minh Châu, Nguyễn Học Hải và Võ Xuân Quang không bay được trên loại máy bay MiG- 21 vì lí do sức khỏe và lí do kỹ thuật nên các anh lại chuyển xuống bay trên loại máy bay MiG-17. Đoàn bay MiG-21 khóa 3 còn lại 33 chiến sĩ.

        Máy bay MiG-21 thời đó, và cho đến cả bây giờ cũng vậy vẫn là loại máy bay có tốc độ hạ cánh lớn nhất. Nó có thể bay đến độ cao (trần bay thực tế) 18 km, tốc độ tối đa là 2150 km/h (trị số Mách (M) = 2,05), đeo 2 quả tên lửa không đối không (sau này là 4 quả), thêm 2 khẩu súng 23 li dưới thân. Nhiệm vụ chính của nó là nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn các mục tiêu ở trên không, nhưng cũng có thể làm được nhiệm vụ cường kích - đánh các mục tiêu mặt đất, mặt nước. Khi đó, nó có thể đeo được 1000 kg bom, hoặc 2 bình rôc-két (sau này là 4 bình). Nó thật dũng mãnh, đẹp như một con tuấn mã. Và 33 chàng trai của đoàn bay khóa 3 đã chinh phục được "con ngựa chiến" ấy. Bay được trên loại máy bay MiG-21 quả thực là rất đáng tự hào. Cho đến tận bây giờ, tuy có nhiều loại máy bay mới với nhiều tính năng khác nhau, nhiều ưu việt khác nhau, nhưng khi nghe tiếng tăng lực của máy bay MiG-21 lúc cất cánh vẫn thấy rất “người lớn" và cái cảnh nó tách đất, lao vút vào trời xanh vẫn thấy thật oai hùng biết bao!

        Chương trình huấn luyện bay được dồn nén đến tối đa. Các khoa mục bay được hoàn tất chóng vánh. Và vào tháng 11 năm 1967, cả đoàn đi về vùng biển Lý Hải, đến trường bắn Axt-ra-khan để thực hiện những bài bắn tên lửa cảm giác và bắn máy bay không người lái (dùng loại máy bay La-7 làm mục tiêu. Giá trị mỗi một chiếc La-7 thời bấy giờ vào khoảng 500-700 ngàn rúp một chiếc). Nhiều học viên Việt Nam đã dùng tên lửa không đối không bắn rơi các mục tiêu ấy ví dụ như các anh Trần Ngọc Nhuận, Lê Thanh Đạo, Lê Toàn Thắng, Hoàng Quốc Dũng...

        Trong quá trình bay bắn tên lửa không đối không cũng có những sự cố trục trặc xảy ra, như chuyến bay của anh Nguyên Đức Soát, sau phi phóng tên lửa, động cơ máy bay bị tắt máy. Anh đã mở máy lại ở trên không và về hạ cánh an toàn... Những ngày ở trường bắn là những ngày rất sôi động bởi kết thúc những khoa mục ở trường bắn cũng có nghĩa là sắp kết thúc khóa học. Ai cũng náo nức, mong ngóng cái ngày tốt nghiệp ấy, mong ngày về nước đến càng sớm càng tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:24:40 pm »

        Rồi thấm thoắt đã đến cái Tết của năm 1968. Vậy là đã qua 3 mùa xuân, 3 cái Tết đón bên đất Nga rồi. Tất cả những cái Tết Việt Nam bên xứ Nga đều được đón một cách trang trọng. Không có hoa đào thật thì ta làm hoa đào giấy, rồi cũng có mâm ngũ quả, rồi cũng chăng đèn, kết hoa... đủ cả. Tất cả đều cố gắng tạo hương vị quê nhà cho vơi bớt đi nỗi nhớ quê trong những ngày Tết đến, xuân về. Trong những ngày ấy, Trần Ngọc Nhuận - "thi sĩ" của đoàn đã viết:

"Chiều nay xuân đến quê ta
Bâng khuâng những đứa con xa nhớ về
Trời Nga băng tuyết tái tê
Một cành đào giấy hoa khoe sắc hồng
Ngày vui bỗng ấm căn phòng
Dường như xuân tự biển Đông đã vào!"

        Dư âm Tết vẫn còn, nhưng nhiệm vụ bay thì không thể quên được. Tuyết rơi dày, phủ lên vạn vật một màu trắng tinh khôi. Gió thổi lạnh buốt. Màu trắng của tuyết làm cho ta lóa mắt, và khi bay trên trời thật khó xác định được địa hình, địa vật, được đâu là tâm không vực bay để thực hiện các động tác nhào lộn. Tuyết băng cũng làm cho việc hạ cánh phức tạp hơn ngay từ việc xác định đường lao xuống lấy tầm hạ cánh, rồi xác định độ cao kéo bằng, tiếp đất... Thiều đã có một chuyến hạ cánh kinh khủng. Lao xuống hạ cánh với tốc độ lớn hơn bình thường, vừa tiếp đất xong thì máy bay nhảy dựng lên, lệch hướng sang bên phải đường băng chừng 30 độ, rồi cắm đầu xuống đất. Băng tuyết bốc lên bụi mù, trùm kín cả máy bay. Còi báo động rú. Xe cứu hỏa, xe cứu thương phi ra ngoài đường băng làm nhiệm vụ cấp cứu. May mắn làm sao, Thiều không hề bị sây sát tí gì. cất hạ cánh vào mùa Đông khi có tuyết rơi, đặc biệt khi trời lạnh quá, hơi nước đóng thành lớp băng mỏng trên đường băng thì sẽ tạo ra độ trơn trượt. Ngay chạy ô tô trên đường cao tốc, gặp phải tình huống ấy, nhiều xe ô tô cũng quay ngang, quay dọc tạo thành những cú va chạm liên hoàn kia mà.

        Rồi chương trình đào tạo học viên bay MiG-21 khóa 3 cũng kết thúc. 33 anh em đã tốt nghiệp ở trường Kras-nô-đar, đã trở thành các phi công lái loại máy bay MiG-21- loại máy bay tiêm kích phản lực chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất thời bấy giờ.

        Vì nhu cầu của nhiệm vụ, ở nhà yêu cầu nhà trường cho các anh Đinh Tôn, Lương Thế Phúc, Phạm Phú Thái và Hà Quang Hưng về nước trước, số anh em còn lại tiếp tục ở lại để bay huấn luyện thêm khoa mục bay thời tiết phức tạp và học lí thuyết về bay đêm. Đến tháng 4 năm 1968, kết thúc hoàn toàn mọi công việc và 29 anh em về đợt sau, gồm:

        1.   Nguyên Văn Khánh
        2.   Nguyễn Ngọc Hưng
        3.   Nguyễn Văn Quang
        4.   Vũ Đình Rạng
        5.   Lê Toàn Thắng
        6.   Nguyễn Tuấn Ngòi
        7.   Nguyên Tiến Sâm
        8.   Lê Thanh Đạo
        9.   Nguyễn Đức Soát
        10.   Nguyễn Văn Nghĩa
        11.   Nguyên Hồng Mỹ
        12.   Đặng Xây
        13.   Bùi Văn Long
        14.   Vũ Như Ngữ
        15.   Trần Việt
        16.   Phạm Thành Nam
        17.   Nguyễn Công Huy
        18.   Phạm Đình Tuân
        19.   Trần Thông Hào
        20.   Nguyên Phú Đức
        21.   Trần Ngọc Nhuận
        22.   Trần Cung
        23.   Nguyên Cát A
        24.   Vũ Xuân Thiều
        25.   Ngô Văn Phú
        26.   Phạm Văn Mạo
        27.   Hoàng Quốc Dũng
        28.   Trần Hóa
        29.   Nguyên Ngọc Thiên
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2016, 08:27:53 pm »

        Trước khi về nước, nhà trường tổ chức cho các phi công trẻ đi tham quan, giao lưu với một nông trường ở Bru-khô-vet-scaia.


Vũ Xuân Thiều cùng các em thiếu nhi ở trại hè của sân bay Nôvôghitarốp
(Thiều ngồi sahamhf sau, đầu tiên bên trái)

        Bru-khô-vet-scaia chính là tâm không vực bay số 4. Tất cả anh em ai cũng được bay nhiều ở không vực ấy, biết đấy là tâm không vực mà đã bao giờ đến được tận nơi đâu. Bây giờ thì cả đoàn đã được đến Bru-khô-vet-scaia thực sự rồi, không phải là cảnh ở trên ười nhìn xuống đất nữa, mà rõ ràng là đi trên mặt đất của nông trường.  

        Nông trường tổ chức đón tiếp rất trọng thị và chiêu đãi bữa tiệc tổ chức ở ngoài trời theo đúng nghi lễ truyền thống và tính cách Nga mới thịnh soạn làm sao.

        Bữa tiệc diễn ra rất vui vẻ, nhưng đến gần cuối, khi biết được đây là những phi công trẻ sắp về nước để tham gia chiến đấu thì không khí bữa tiệc bỗng chùng hẳn xuống. Nhiều bà mẹ Nga khóc vì xót thương các phi công trẻ như thế này mà nay mai đây thôi sẽ phải lao vào cuộc chiến khốc liệt, đầy máu lửa, chết chóc. Các bà mẹ Nga muốn giữ các phi công trẻ lại đất Nga để được sống trong khung cảnh hòa bình, nhưng không một ai đồng ý cả. Khá nhiều anh em trong đoàn cũng sụt sịt, mắt cũng đỏ hoe, bịn rịn chia tay với những bà mẹ Nga - những bà mẹ thật bình dị, chất phác, hiền từ, nhân hậu... chẳng khác gì những người mẹ đẻ của chúng ta. Tất cả anh em trong đoàn đều hứa sẽ vượt qua được chiến tranh, sẽ trở lại thăm đất Nga.

        Xe chuyển bánh để trở về trường. Mọi người trên xe gần như đồng thanh: "Tạm biệt! Hẹn gặp lại!". Các bà mẹ Nga vừa khóc, vừa vẫy tay tiễn biệt.

        Tạm biệt trường Không quân Kras-nô-đar. Tạm biệt vùng sông Đông êm đềm. Tạm biệt thày, cô, bạn bè. Tạm biệt tất cả! Hẹn ngày gặp lại. Đúng, chỉ là hẹn ngày gặp lại! Lên đường về nước sau khi tốt nghiệp đâu có phải đồng nghĩa với việc vĩnh biệt trường, dù biết rằng số phi công trẻ này có người sẽ phải vĩnh viễn xếp lại đôi cánh bay của mình trong những trận không chiến!

        Hẹn ngày gặp lại đồng nghĩa với việc những học trò của trường, của các thày cô sẽ vượt được cuộc chiến tranh máu lửa để chiến thắng trở về, để được báo công, trả ơn đào tạo, dạy dỗ của các thày cô!

        Hẹn ngày gặp lại cũng đồng nghĩa với lời hứa trước các thày rằng chúng em sẽ xứng đáng với công lao dạy dỗ của các thày, xứng đáng với lòng mong mỏi của nhà trường!

        Hẹn ngày gặp lại! Hẹn ngày gặp lại! Và thế nào chúng em cũng sẽ quay trở lại!

        Tất cả lại lên tàu Liên vận và con tàu Liên vận lại lao vun vút chở số phi công trẻ về nước. Tâm trạng của mọi người đều có cái gì đó vừa rất bịn rịn, vừa rất háo hức, và rất nhiều điều thật khó tả.

        Thiều ngồi ngắm nhìn những cánh đồng, những cánh rừng Nga mênh mang rồi tiếp đến là thảo nguyên trải dài vô tận, tít tắp tận chân trời... lướt qua cửa sổ mà cứ trầm ngâm, vốn dĩ đã là người ít nói, những ngày trên tàu Liên vận Thiều lại càng ít nói hơn. Có lẽ chàng trai Hà Nội này đang mường tượng lại cảnh gặp gỡ khi trở về Đất nước thân yêu, gặp lại những người thân sau bao ngày xa cách.

        Trải qua 10 ngày 11 đêm, vào trung tuần tháng 4  năm 1968, các phi công trẻ đã về đến quê nhà. Ngay từ những giây phút đầu tiên khi đặt chân lên biên giới Tổ quốc, đội ngũ phi công trẻ đã chạm ngay với hơi thở của chiến tranh, đã hiểu thế nào là sự khắc nghiệt, sự dữ dội, ác liệt và sự tàn nhẫn của nó. Nay mai đây thôi, những ai sẽ là người đầu tiên giáp mặt với kẻ thù, ai sẽ là người lập được chiến công đầu tiên, và... liệu có ai phải ngã xuống không?

        Chiến tranh! Chiến tranh! Lại là cuộc chiến giữa trời, không chiến hào, không nơi ẩn nấp, máy bay không biết dừng, không biết bay giật lùi, chỉ có tiến công. Đúng, chỉ có tiến công! Cuộc chiến không chấp nhận những kẻ hèn nhát! Trong ngôn từ của đội ngũ phi công này không có từ hèn nhát! Chúng tôi đã có lời thề trước lúc lên đường, trước lúc qua biên giới của Tổ quốc khi đi học và bây giờ đã đến lúc thực hiện lời thề ấy!
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2016, 08:01:48 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2016, 08:07:19 am »

 
TRUNG ĐOÀN CHIẾN ĐẤU VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC PHI CÔNG BAY ĐÊM

        Sau khi về nước, tất cả anh em được tranh thủ về thăm nhà mấy hôm. Mấy ngày ở nhà thôi nhưng cũng đã làm vơi, làm dịu đi bao nhiêu nỗi nhớ thương của những tháng năm xa cách. Trở lại đơn vị, số phi công trẻ này được biên chế ngay về các Đại đội chiến đấu. Hồi đó Trung đoàn Không quân 921 có 2 Đại đội bay. Các phi công ữẻ được phân chia cho 2 Đại đội như sau:

        Đại đội 1 gồm các anh:

        Phạm Thanh Ngân
        Mai Văn Cương
        Nguyễn Văn Cốc
        Nguyễn Văn Lý
        Đặng Ngọc Ngự
        Hoàng Biểu
        Nguyễn Văn Minh

        Là các anh cán bộ Đại đội, Trung đội và các phi công lớp đàn anh. số phi công được bổ sung về có:

        Hà Quang Hưng
        Phạm Phú Thái
        Nguyễn Văn Khánh
        Phạm Thành Nam
        Trần Hóa
        Hoàng Quốc Dũng
        Nguyễn Phú Đức
        Bùi Văn Long
        Nguyễn Ngọc Thiên
        Lê Thanh Đạo
        Nguyễn Hồng Mỹ
        Nguyễn Văn Quang
        Đặng Xây
        Phạm Văn Mạo
        Vũ Đình Rạng

        Các cán bộ Đại đội, trung đội và số phi công cũ của Đại đội 2 gồm các anh:

        Lê Trọng Huyên
        Vũ Ngọc Đỉnh
        Đồng Văn Song
        Bùi Đức Nhu
        Nguyên Văn Lung
        Nguyên Đăng Kính
        Nguyễn Văn Thuận

        Và các phi công được bổ sung cho Đại đội là:

        Đinh Tôn
        Lương Thế Phúc
        Nguyễn Đức Soát
        Nguyễn Tiến Sâm
        Nguyễn Văn Nghĩa
        Trần Việt
        Ngô Văn Phú
        Nguyễn Ngọc Hưng
        Trần Ngọc Nhuận
        Phạm Đình Tuân
        Nguyên Tuấn Ngòi
        Lê Toàn Thắng
        Nguyễn Công Huy
        Nguyễn Cát A
        Trần Cung
        Vũ Xuân Thiều
        Trần Thông Hào
        Vũ Như Ngữ

        Khoảng cuối tháng 7 năm 1968, do nhu cầu phát triển lực lượng và yêu cầu của nhiệm vụ, trung đoàn biên chế thêm một Đại đội nữa là Đại đội 3 (sau này là Đại đội 5). Các phi công của hai Đại đội 1 và 2 được điều một số sang Đại đội 3. và Đại đội 3 (Đại đội 5 sau này) gồm:

        Đinh Tôn - Đại đội trưởng

        Nguyễn Đăng Kinh - Đại đội phó
        Chính trị viên là Phan minh Thành
        Chính trị viên phó là Nguyễn Văn Thành

        Đại đội được biên chế 3 Trung đội bay như sau:

        Trung đội 1:

        Hoàng Biểu - Trung đội trưởng
        Phạm Văn Mạo
        Đặng Xây
        Nguyễn Văn Quang

        Trung đội 2:

        Nguyên Văn Minh - Trung đội trưởng
        Trần Cung
        Vũ Đình Rạng
        Trần Thông Hào
        Nguyễn Hồng Mỹ

        Trung đội 3:

        Nguyễn Văn Thuận - Trung đội trưởng
        Vũ Xuân Thiều
        Nguyễn Công Huy
        Nguyễn Cát A
        Trần Ngọc Nhuận

        Nhiệm vụ của Đại đội 3 là huấn luyện bay đêm để tham gia trực chiến ban đêm, đánh đêm, tuy nhiên vẫn phải tham gia trực ban chiến đấu ban ngày cùng với lực lượng của các Đại đội 1 và 2.

        Vậy là các phi công mới ra trường thực sự đã trở thành lính chiến. Cuộc đời sinh viên của các anh như Vũ Xuân Thiều, Đặng Xây, Trần Thông Hào... đã lật sang trang khi bước vào đời bay, thành học viên bay, giờ đây lại lật tiếp sang trang khác nữa: từ đời của học viên bay sang cuộc đời của các phi công chiến đấu, đặc biệt lại là các phi công đánh đêm...

        Quãng đường chiến đấu còn dài, chiến tranh chưa xác đinh cụ thể ngày nào sẽ chấm dứt... Một điều hiển nhiên ai cũng hiểu rằng càng ngày mức độ ác liệt sẽ càng tăng lên, càng ngày sẽ càng nhiều gian nan, vất vả, càng ngày càng phải tốn nhiều tinh lực để giành giật lấy sự yên bình cho bầu trời.

        Các anh đã xác định được điều ấy. Và ai nấy cũng thấy già trước tuổi rất nhiều!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM