Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:56:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử  (Đọc 22618 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 03:18:52 am »

        
        - Tên sách: Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử
        - Tác giả: Nguyễn Công Huy
        - Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Lao Động
        - Số hóa: Giangtvx

        - Thông tin thêm: Là  một đồng đội của Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Công Huy kể lại những năm tháng của người anh hùng trong cuộc đọ sức với không lực Mỹ .

        Nguyễn Công Huy cũng là thành viên trong diễn đàn, có nickname là Phicôngtiêmkích. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong các topic mà ông thành lập và chủ trì. Có thể trao đổi trực tiếp với tác giả ở: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=29092.0

        MỤC LỤC

        - Lời giới thiệu
        - Lời mở   
        - Trở thành học viên bay
        - Trung đoàn chiến đấu và hoạt động của các phi công bay đêm   
        - Tham chiến trong "Chiến dịch 12 ngày đêm"   
        - Ngôi sao không tắt   
        - Lời khép   
 
Xin trân trọng giới thiệu





   
Phi công anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Sáu, 2020, 05:14:21 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2016, 09:46:37 am »

         
LỜI GIỚI THIỆU

                Trải mấy ngàn năm trong suốt chặng đường  lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có biết bao trận đánh - những trận quyết chiến chiến lược, đều giành được những thắng lợi vẻ vang.

        Các trận chiến trên đất liền, trên sông, trên biển với những chiến công vang dội còn lưu truyền mãi cho ngàn đời sau như trận đánh bại quân Nam Hán do Hoàng Thao cầm đầu (năm 938) của Ngô Quyền, trận đánh bại quân Tống trên sông Như Nguyệt (1077) của Lý Thường Kiệt, đánh tan quân Nguyên - Mông (1288) do Ô Mã Nhi cầm đầu của nhà Trần trên sông Bạch Đằng, trận Chi Lăng - Xương Giang (1428) đại phá quân Minh do Liễu Thăng - Mộc Thạch chỉ huy của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, trận đại phá quân Thanh ở Đống Đa - Ngọc Hồi, đánh thẳng vào Tổng hành dinh của Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long Cung (1789) của Quang Trung, trận quyết chiến chiến lược đánh bại thực dân Pháp, bắt sống tướng Đờ Cát Tơ Ri ở Điện Biên Phủ (1954) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

        Và, lần đầu tiên trong lịch sử, mặt trận trên không đã được mở. Bộ đội Phòng Không - Không Quân - một lực lượng non trẻ của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Họ đã biết kế thừa và phát triển đến trình độ cao những tính hoa quân sự truyền thống của cha ông, được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Quân ủy Trung Ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, sự yêu thương đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân, đã lập nên những chiến tích phi thường.

        Đỉnh cao của những chiến tích ấy là đã đánh bại cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B - 52 - loại "siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm" của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác vào cuối tháng 12 năm 1972, làm nên chiến thắng "Điên Biên Phủ trên không" huyền thoại trong vòng 12 ngày đêm.

        Tác giả cuốn "Vũ Xuân Thiều - Phi công cảm tử" coi những dòng viết của mình như nén tâm nhang và như sự tri ân tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều cùng các liệt sĩ phi công khác - những người đã xếp lại những đôi cánh bay của mình trong các trận không chiến, góp phần giành lại cho bầu ười Tổ quốc sự yên bình.

        Tác giả cũng muốn được chia sẻ và biết ơn đến tất cả các lớp phi công đã từng bỏ bao sức lực, trí tuệ của mình cho các chuyến bay, cho các trận chiến vì sự thắng lợi, vì sự nghiệp chung, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng chỉ coi mình như những người lính canh trời, quyết không để bầu trời bị kẻ thù xâm lấn.

        Trong những trận chiến giành quyền làm chủ bầu trời, có biết bao tấm gương hy sinh quên mình chưa được nhắc đến, đặc biệt là với đội ngũ phi công bay đêm. Tác giả muốn góp một phần nhỏ để bạn đọc hiểu thêm về đội ngũ phi công bay đêm với những chiến công, với sự gian lao, vất vả và sự hy sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến tranh khốc liệt, khi kẻ thù muốn đưa đất nước ta trở về "thời kỳ đồ đá"...

        Trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", lực lượng đánh đêm chi có hơn chục phi công, trong khi các sân bay lại bị địch đánh phá ác liệt, đường băng, đường lăn vỡ nát, xung quanh còn đầy rẫy bom thù, nhưng đội ngũ phi công bay đêm vẫn chấp nhận khó khăn, đối mặt với hiểm nguy, cất cánh chia lửa với các lực lượng phòng không khác để đánh địch, góp phần giành thắng lợi, vẻ vang...

        Viết về người Anh hùng liệt sĩ - phi công Vũ Xuân Thiều không thể không viết đến các đồng đội, đồng chí của Anh - những phi công bay đêm, đánh đêm khác đã từng sống, từng chiến đấu cùng với người Anh hùng suốt cả trong giai đoạn dài kể từ ngày đi học bay đến ngày thành phi công chiến đấu của Trung đoàn Không quân chiến đấu. "Một cây làm chẳng nên non". Người Anh hùng liệt sĩ là mối dây liên lạc mật thiết để bạn đọc hiểu thêm các đồng đội của Anh.

        Với nhiệm vụ đánh B - 52, trận đánh đêm 20 tháng 11 năm 1971 của Vũ Đình Rạng - người đầu tiên giáp mặt và bắn trọng thương "siêu pháo đài bay B - 52" đã khẳng định: phi công bay đêm có thể hạ gục được B - 52.

        Trận đánh đêm 27 tháng 12 năm 1972 của Phạm Tuân như đã "trả được món nợ" của Không quân khi bắn rơi tại chỗ B - 52, và trận đánh đêm 28 tháng 12 năm 1972, Vũ Xuân Thiều đã lập nên kỳ tích sáng ngời tấm gương Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng...

        Để có được một chuyến bay, nhất lại là một chuyến bay chiến đấu cất cánh được lên trời, phải có biết bao nhiêu thành phần phục vụ, đảm bảo cho chuyến bay ấy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

        Trong khuôn khổ cuốn sách này, tác giả xin chỉ được nói đến đội ngũ phi công, chủ yếu là phi công bay đêm, đánh đêm bay trên loại máy bay MIG - 21.

        Trong quá trình tìm hiểu, khai thác các tư liệu có liên quan đến nội dung cuốn sách này, tác giả đã nhận được sự cổ vũ, động viên và sự nhiệt tình giúp đỡ của nhiều thành phần. Xin được bày tỏ lòng biết ơn đến những người thân trong gia đình anh Vũ Xuân Thiều và các anh phi công tiêm kích chiến đấu - những đồng đội, đồng chí và bạn hữu của anh Vũ Xuân Thiều.

        Cuốn sách có thể còn có nhiều khiếm khuyết. Rất mong bạn đọc góp ý. Xin chân thành cảm ơn!

TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2016, 09:55:42 am »

       
LỜI MỞ

        Tháng 4 năm 1965 ở trường Đại học Bách khoa đã xảy ra một sự kiện đặc biệt. Đó là 10 chàng trai - 10 sinh viên của trường có lệnh nhập ngũ vào Quân chủng Phòng Không - Quân để được đi đào tạo thành những người lái máy bay - những phi công tiêm kích chiến đấu.

        10 chàng trai sinh viên đó là:

        Vũ Xuân Thiều - sinh viên năm thứ ba

        Trần Ngọc Nhuận - sinh viên năm thứ ba

        Nguyên Phú Đức - sinh viên năm thứ haí

        Đặng Xây - sinh viên năm thứ hai

        Trần Thông Hào - sinh viên năm thứ nhất

        Hoàng Quốc Dũng - sinh viên năm thứ nhất

        Doãn Thắng - sinh viên năm thứ nhất

        Phạm Văn Vịnh - sinh viên năm thứ nhất

        Nguyễn Văn Phúc - sinh viên năm thứ hai

        Nguyễn Tiến Sâm - sinh viên năm thứ nhất


10 phi công chiến đấu MIG-21 sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội

        Trong số 10 sinh viên này, có Vũ Xuân Thiều và Nguyên Phú Đức là cùng học lớp Vô tuyến điện thuộc khoa Điện. Tất cả các anh đều học xong năm thứ nhất, thứ hai, còn anh Thiều, anh Nhuận thì đã học hết năm thứ ba rồi.

        Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa thời bấy giờ là thày Hoàng Xuân Tùy, Bí thư Đảng ủy là thày Bùi Nguyên Cát đã tổ chức chiêu đãi bữa cơm trưa thân mật, gặp mặt 10 sinh viên của mình để động viên và chia tay các trò trước khi sang Liên-Xô học tập. Số lượng các sinh viên của trường Đại học Bách khoa nhập ngũ không phải là ít, nhưng số "xếp bút nghiên theo việc đao cung" hơn nữa lại là những người sẽ trở thành các phi công - những người lính canh trời thì chỉ có đợt này là đợt đầu tiên (của trường, của cả đất nước) và là đợt rầm rộ nhất.

        Và 7 năm sau, một trong số 10 chàng trai sinh viên ấy đã lập nên kỳ tích: bắn rơi máy bay ném bom chiến lược B - 52 "siêu pháo đài bay" của lực lượng Không quân Mỹ và đã anh dũng hy sinh. Chàng trai sinh viên ấy là Vũ Xuân Thiều - sinh viên lớp Vô tuyến điện.

        Năm 1994, Vũ Xuân Thiều đã được truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".


        Các sinh viên khác trong nhóm 10 người cùng nhập ngũ ngày ấy đã chiến đấu ngoan cường trong chiến tranh, đã bắn hạ máy bay của lực lượng Không quân Mỹ, góp phần giữ yên bầu trời. Khi rời khỏi đội ngũ phi công - đội ngũ của những người lính canh trời, họ đã tiếp tục học tập và đảm nhận những cương vị trọng trách của các tổ chức ngoài quân đội. Ví dụ: anh Nguyên Phú Đức từng giữ cương vị Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, anh Nguyễn Tiến Sâm (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) từng giữ chức Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam, anh Đặng Xây từng đảm nhận cương vị Giám đốc Công ty bao bì xuất nhập khẩu, anh Trần Ngọc Nhuận về công tác ở Viện Chiến lược Bộ giao thông vận tải, anh Doãn Thắng từng giữ chức Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Séc. Anh Trần Thông Hào từng giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Không quân Nha Trang, Hiệu trưởng trường Trung Cao Không quân, rồi về Cục Khoa học Công nghê Môi trường Bộ Quốc Phòng, anh Hoàng Quốc Dũng là Trưởng khoa Phòng không Không quân ở Học viện quân sự cấp cao...
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Sáu, 2016, 10:04:08 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2016, 02:18:39 pm »

        Vũ Xuân Thiều đã để lại những kỷ niệm, những dấu ấn khó phai mờ trong ký ức của mọi người. Và đồng chí, đồng đội, bạn hữu... nói về Xuân Thiều như sau:

        Nguyễn Phú Đức - người cùng nhập ngũ, cùng bay năm đầu tiên của đời học viên bay với Vũ Xuân Thiều:

        Thiều bị cái hay nôn mửa. Chuyến bay trên chiếc máy bay vận tải Li - 2 bay từ Kras - nô - đar về Akh -ta - ri, Thiều nôn ghê lắm. Hôm sau khi bay đi xem địa hình, Thiều còn nôn kinh khủng hơn. Hôm bay trở lại Kras – nô -  đar để khám sức khỏe, ngồi lên máy bay là Thiều đã nôn rồi. Khi khám sức khỏe xong, đi ăn trưa, sau bữa ăn trưa vừa ra khỏi nhà ăn, nhác thấy bóng chiếc Li - 2 đậu ở ngoài sân đỗ là ngay lập tức, Thiều ngồi thụp xuống, nôn thốc nôn tháo!...

        Đặng Xây - cựu phi công bay đêm cùng Đại đội bay đêm với Vũ Xuân Thiều:

        Thiều vóc dáng mảnh khảnh, sức khỏe không đuợc tốt lắm, hay nôn mửa, nhưng được cái dù rằng đã học đến hết năm thứ ba Đại học rồi mà sống vẫn rất chan hòa cùng anh em, không hề khoe khoang, hợm hĩnh.

        Nguyễn Xuân Phong - người cùng đoàn bay năm đầu tiên trên loại máy bay Iak-18a với Vũ Xuân Thiều:

        Đấy là một gã đầu to. (Mà quả thực đầu Thiều to thật, cỡ mũ phải lớn thì mới đội vừa đầu!). Tóc hung vàng. Rất hay nhận được thư với phong bì màu xanh, trên đó ghi dòng chữ:

                                      "Em gửi cho anh
                                       Chiếc phong bì màu xanh
                                       Màu uớc mơ hy vọng..."

        Tính tình thẳng thắn, ít nói, nhưng nói rất chắc chắn. Học giỏi nhưng tính trầm nên không nổi trội.

        Mà không biết có phải là “điềm gở" không, trong những ngày của "12 ngày đêm", Thiều lại gửi tôi một hộp gồm có thư từ và ảnh nhờ mang về Hà Nội chuyển cho gia đình. Tôi đã chuyển và mấy ngày sau thì Thiều hy sinh!


        Hà Quang Hưng - đồng đội cùng đoàn bay MiG- 21 khóa 3 với Vũ Xuân Thiều:

        Đây là một con người trí thức, dáng dấp rất "trai Hà Nội" - sống hòa đồng, hiền hậu, thông minh. Một con người sống bằng nội tâm. Tư cách thì vừa như thanh niên thành phố, lại như thanh niên huyện hoặc người Bí thư Đoàn.

                ...

        Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Cốc - (người từng bắn rơi 9 máy bay Mỹ):

        Lực luợng bay đêm là lực lượng đặc biệt, được chuẩn bị đặc biệt và đã lập chiến công đặc biệt trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không". Thiều là người rất hiền, tận tình giúp đỡ mọi người, chân tình như một người chị cả vậy!

        Vũ Đình Rạng - phi công cùng đoàn bay MiG- 21 khóa 3, cùng đại đội bay đêm với Vũ Xuân Thiều và là người đầu tiên giáp mặt và bắn trọng thương "siêu pháo đài bay B-52" đêm 20 tháng 11 năm 1971:

        Đấy là một con người điềm tĩnh, sống chan hòa, giúp đỡ anh em đến nơi đến chốn trong học tập, nhưng không có sự nổi trội trong hoạt động bề nổi.

        Nguyễn Công Huy - phi công từng ở cùng trung đội bay đêm với Vũ Xuân Thiều:

        Ấn tượng của tôi khỉ gặp Thiều là Xuân Thiều có đầu to quá khổ, mái tóc "rễ tre" mọc ngang bướng đâm tủa ra với màu hung vàng như dây đồng. Khi cắt tóc cho Thiều, tôi vẫn đùa: "Không cẩn thận, để tóc vụn của Thiều bắn vào mắt thì chỉ có mù!". Và có lẽ, Thiều có biệt danh Thiều “dây đồng" từ đấy. Trong đội ngũ bay đêm thì anh Trần Thông Hào lại có bộ tóc đen như mun, nên có biệt danh Hào "dây chì".

        Vai Xuân Thiều rộng, hông lại nhỏ, tôi ví như "chiếc đàn ghi-ta dựng ngUỢc!". Mà Thiều chơi ghi-ta thì cũng buồn cười lắm: cứ phập phừng...phập phừng... Chẳng vậy mà khi viết "Phác thảo về các phi công đoàn bay M1G-21 khóa 3", tôi đã phác thảo chân dung Thiều như sau:

                                      Chàng hiệp sĩ dây đồng
                                      Chơi đàn tựa bật bông
                                      Trời Sơn La xanh thẳm
                                      Mãi mãi ghi chiến công!


        Nguyễn Hữu Khoán - nguyên Trưởng Tiểu ban Quân lực Trung đoàn Không quân 921:

        Chúng ta phải cám ơn Vũ Xuân Thiều, cám ơn những người như Vũ Xuân Thiều. Các anh đã hy sinh để giành lại sự yên bình. Sự hy sinh của các anh có ý nghĩa lớn lao lắm chứ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Sáu, 2016, 02:23:18 pm »

        Trần Anh Mỹ - phi công bay đêm của Trung đoàn Không quân 927:

        Khi biên chế về trung đoàn 927, anh Thiều là trung đội trưởng của tôi.

        Tôi chưa thấy ai cẩn thận như anh Thiều bao giờ. Mỗi lần nhận được thư người yêu, anh không bóc thư như những nguời khác mà lấy kéo cắt theo mép phong bì, đọc xong lại xếp cẩn thận vào trong một chiếc hộp. Trước ngày anh hy sinh, mấy anh em ngồi chơi tú-lơ-khơ với nhau. Cứ ván nào anh Thiều về bét là anh ấy lại nói: "Vậy là tao lại cầm chắc cái bằng liệt sĩ rồi!". Chẳng rõ đấy có phải là "điềm gở" không?. Ngày hôm sau, anh ấy bay đến sân cơ động và rồi từ sân bay cơ động ấy, anh xuất kích, hy sinh trong trận đánh trên bầu trời Sơn La


        Trần Ngọc Nhuận - người cùng học Đại học bách khoa, cùng nhập ngũ và cùng bay với Vũ Xuân Thiều trong nhiều năm kể từ ngày bay năm đầu tiên của đời bay:

        Thiều là một trong số ít phi công chiến đấu có dáng dấp thư sinh nhất. Thày I-va-nôp - giáo viên bay trên loại máy bay MIG-17 là người khá cục cằn, hay chửi mắng học viên, nhưng lại luôn ưu ái, quý mến anh chàng học viên trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ, dễ chịu này. về ý thức kỷ luật, tinh thần học tập, rèn luyện thì Thiều cũng luôn là người gương mẫu.

        Ngược lại với vẻ bề ngoài ấy thì tính cách của Thiều lại là người rất có bản lĩnh, khá lì.

        Trong khi thực hành các bài bay huấn luyện xạ kích, Thiều thường xử lí khá táo bạo, quyết liệt, kết quả luôn luôn đạt điểm tối ưu.

        Trần Thông Hào - người cùng học Đại học Bách khoa, cùng nhập ngũ, cùng bay với Vũ Xuân Thiều trong nhiều năm, cùng Đại đội bay đêm:

        Thiều là nguời rất tốt bụng, trung thực, thẳng thắn, bảo vệ cái đúng đến cùng.

        Là người sống rất có văn hóa, không thích kiểu "đao to búa lớn" mà góp ý với ai thường tế nhị hoặc trao đổi, góp ý, nhận xét riêng chỉ khi có hai người với nhau.


        Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan - người phi công đầu tiên bắn hạ máy bay Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng - Thanh Hóa ngày 3 tháng 4 năm 1965:

        Lực lượng phi công bay đêm của ta tuy ít, nhưng bọn Mỹ luôn phải suy nghĩ và tìm cách đối phó. Các phi công bay đêm đã làm nên điều rất đáng tự hào. Xuân Thiều là một phi công rất có kỷ luật, sổng có văn hóa, đối xử với nhau rất có tình.

        Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Kính - một trong những cán bộ Đại đội đầu tiên khi thành lập Đại đội bay đêm:

        Thiều là phi công dũng cảm, kiên nghị, rất hăng hái, muốn đánh trận.

        Hoàng Biểu - cựu cán bộ, cựu phi công bay đêm của Đại đội bay đêm:

        Thiều là một con người sống tình cảm, nghiêm túc trong cả chuyện chung lẫn chuyện riêng. Chấp hành nghiêm mọi nghị quyết, đặc biệt nghị quyết đánh B-52 và đã thực hiện đúng những gi đã ghi trong nghị quyết.

        Bùi Doãn Độ - phi công bay đêm của Đại đội 5:

        Anh Thiều là người hiền lành, chân thật, nhưng rất có quyết tâm tiêu diệt địch.

        Nguyễn Khánh Duy - phi công bay đêm của Đại đội 5:

        Anh Xuân Thiều là con người tuyệt vời, là người rất cẩn thận, tôn trọng, nâng niu tình cảm. Khi nhận được thư, không bao giờ bóc mà lấy kéo cắt mép phong bì. Có những bức thư anh còn cẩn thận sao chép ra một quyển sổ riêng nữa kia.

        Trần Cung - cựu phi công bay đêm của Đại đội 5:

        Thiều tiếp thu nhanh, là người trầm tính, có tính kiên trì, sẵn lòng giúp đỡ đồng đội.

        Trung thành và dũng cảm.


        Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công vũ trụ Phạm Tuân - người bắn hạ B-52 trong trận đánh đêm 27 tháng 12 năm 1972:

        Lực lượng đánh đêm của ta mỏng, nhiều lúc không đuợc sử dụng một cách mạnh dạn. Xuân Thiều là một phi công dũng cảm.

        Nguyễn Văn Quang - cựu phi công bay đêm của Đại đội 5:

        Bay đêm là một hoạt động thầm lặng. Khi vào bay đêm thì mới hiểu hết tính chất phức tạp của nó. Bản thân phi công bay đêm phải vượt qua đuợc chính mình để rèn bản lĩnh, chờ thời cơ.

        Xuân Thiều là người có chất nhân văn cao. Một người có tri thức, sống có văn hóa.


        Vũ Thị Kim Bình - em gái của Vũ Xuân Thiều:

        Tháng 12 năm 1972, lúc đó tôi đang học ở trường Bưu điện Matx-cơ-va, nhận được tin anh hy sinh, tôi không thể nào tin được. Trước đó tôi đã đến thăm các anh Vũ

        Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Cốc... ở Mô-nhi-nô. Tôi đã mơ lúc: anh sẽ được cử sang đó học thì vui biết mấy... Nhưng tất cả vẫn chỉ là ước mơ, và vì không thể tin được rằng anh không còn nữa, nên nhiều tháng sau, khi đang ngồi trên giảng đường, tôi vẫn tưởng tượng rằng anh sẽ đột ngột xuất hiện ở cửa lớp, mỉm cười vẫy tay ra hiệu đợi tôi ngoài hành lang, giống như bốn năm về trước anh đã đột ngột đến đón tôi ở Đan Phượng... Và, mãi mãi điều đó chỉ là giấc mơ!...

        Dù sao tôi nghĩ anh Thiều đã sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. Anh đã thực hiện được ước mơ từ bé của mình: lái máy bay tiêm kích. Anh đã sống hết mình với tình yêu của mình: tình yêu đất nước, gia đình, bạn gái, và rất yêu bầu trời!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:43:35 am »


TRỞ THÀNH HỌC VIÊN BAY

        Vũ Xuân Thiều là người con thứ 7 trong gia đình. Trên Thiều có các chị, các anh: Vũ Thị Kim Thịnh, Vũ Xuân Thăng, Vũ Thị Kim Quy, Vũ Xuân Quang, Vũ Thị Kim Ngân và Vũ Thị Kim Nhu. Sau Thiều còn 3 người em nữa là Vũ Thị Kim Anh, Vũ Thị Kim Bình và Vũ Hữu Nghị.

        Ông bố của Thiều - ông Vũ Xuân Sắc là người ở An Trạch, Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Thời trẻ, ông rời quê lên thành phố Nam Định trọ học. Quý mến chàng trai quê An Trạch với tính tình hiền hậu, khôi ngô, thông minh... ông bà chủ nhà đã gả con gái của mình là Vũ Thị Vượng cho chàng trai trọ học ấy. Vậy là chàng trai trọ học và cô con gái chủ nhà đã nên duyên vợ chồng. Ông sắc và bà Vượng tổ chức lễ cưới khi bà Vượng vừa tròn 17 tuổi. Một năm sau - cô con gái đầu lòng Vũ Thị Kim Thịnh ra đời.

        Rồi ông Sắc rời Nam Định lên Hà Nội học ở trường Bưởi. Công việc gia đình một mình bà Vượng chăm lo, xoay sở. Bà lẳng lặng thu xếp mọi việc: chăm con, lo miếng cơm manh áo cho chồng yên tâm đèn sách. Rồi các con cứ lần lượt thi nhau ra đời, thi nhau ăn, thi nhau lớn... Bà như hình bóng "con cò lặn lội bờ sông", tần tảo tháng ngày không hề hé răng kêu ca nửa lời, hết mực yêu chồng, thương con.

        Thời gian học ở trường Bưởi, ông Sắc đã sớm được giác ngộ lí tưởng cách mạng, nên dù đang đi học ông đã là một thành viên tích cực tham gia rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng. Vì vậy, khi ông đang học Tú tài phần hai, ông đã bị mật thám Pháp và chính quyền bảo hộ trục xuất khỏi Hà Nội. Ông buộc phải trở lại Thành phố Nam Định, về Nam Định, dù bị quản thúc nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng dưới sự dìu dắt của các cụ Nguyên Lương Bằng, Đặng Viết Châu...

        Một thời gian sau, phần vì lo cho ông Sắc đã bị mật thám Pháp theo dõi, có tên trong sổ đen, đang bị quản thúc nên hoạt động sẽ có nhiều khó khăn, phần vì Đảng cũng cần phải có nguồn tài chính để hoạt động nên tổ chức đã động viên ông Sắc chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực kinh doanh để lấy tiền giúp Đảng và các đồng chí hoạt động.

        Vợ chồng ông Sắc - bà Vượng chuyển sang làm kinh tế - mở cơ sở dệt vải, làm đũi.

        Cơ sở sản xuất của ông bà vừa là nguồn cung cấp kinh tế cho Đảng, vừa là nơi nuôi giấu các cán bộ của Đảng như các cụ Đặng Xuân Khu, Nguyễn Lương Bằng...

        Từ năm 1942 - 1943, khi Phát xít Nhật đem quân vào Đông Dương, mọi hoạt động đều bị ngừng trệ, cơ sở sản xuất vải, đũi của ông bà cũng đóng cửa. Ông bà không làm kinh tế nữa mà chuyển sang hoạt động trong "Hội truyền bá Quốc ngữ" rồi đi lên chiến khu tiếp tục hoạt động.

        Đầu năm 1945, ông Sắc được cử đi dự Đại hội Quốc dân được tổ chức ở Tân Trào để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

        Tháng 2 năm 1945, Thiều ra đời. Lý do đặt tên là Thiều - có lẽ có phần nào gắn với tên của anh ngay trên Thiều là Vũ xuân Quang với câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du: "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi" chăng? Cũng chẳng ai khẳng định được ý tứ sâu xa của ông bà khi đặt tên cho Thiều, nhưng dầu sao "Thiều Quang" vẫn có nghĩa là "ánh sáng đẹp". Anh Quang là "ánh sáng" rồi thì Thiều là "đẹp". Và năm 1945, vận mệnh của đất nước cũng bắt đầu xoay chuyển theo hướng tốt đẹp.

        Khi chiến tranh bùng nổ, ông Sắc đi theo kháng chiến, bà Vượng đưa các con về quê. Đến cuối năm 1946 thì bà Vượng lại bồng bế, dắt díu các con lên thuyền, ngược Nho Quan đi theo kháng chiến. Cụ Nguyễn Lương Bằng đã tổ chức đưa gia đình lên chiến khu. Cả nhà được đưa lên một chiếc xe ô tô "đít vịt" do ông Đóa lái đến Hòa Bình. Từ Hòa Bình lên Tuyên Quang là phải đi theo đường thủy. Đến cây số 7 của Tuyên Quang thì thấy có một số gia đình cùng lên chiến khu đã đợi nhau ở đấy. Họ tập trung lại cùng nhau và cùng tạm trú trong một nhà kho. Dọc hai bên đường có rất nhiều bom đạm các loại chất thành từng đống. Không khí chiến tranh bao trùm khắp các thôn làng. Bà Vượng bế Thiều trên tay, rồi dắt díu các anh các chị của Thiều. Tất cả vây quanh bà, lo âu, sợ sệt. Không sợ sệt sao được khi tất cả các anh chị tuổi đều còn nhỏ, chưa nếm mùi bom đạn bao giờ mà nay thấy cơ man nào là bom xung quanh, lại ở một nơi lạ nước lạ cái, chẳng bóng dáng người quen thuộc nào, rừng rú thì um tùm, núi non trùng điệp, quạnh hiu...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2016, 10:45:53 am »

        Một thời gian sau thì cả nhà lại xuống mảng, trôi theo dòng sông Gâm đi Chiêm Hóa, về phố Chinh. Hồi bấy giờ, anh Thăng mới lên 8 thôi, nhưng không biết anh đã học được ở đâu và cũng không biết ai đã dạy anh nữa mà anh đã biết hát bài "Nụ cười Sơn cước", rồi "Sơn nữ ca"... Có lẽ, trong khung cảnh núi rừng xanh ngút ngàn với những dốc cao vời vợi, những con đường nhỏ quanh co ẩn mình trong lau sậy, chìm trong mù sương cùng những đêm rừng sáng bừng lên dưới ánh trăng... đã làm anh sớm cảm nhận được chất thi vị của thiên nhiên và chất men say của những lời ca nốt nhạc chăng.

        Anh Thăng còn nhớ, khi Thiều lên 2 tuổi, hoặc hơn 2 tuổi một chút gì đó, Thiều bị một mụn nhọt rất to ở đằng sau lưng hành hạ.- Mụn nhọt mọc ở vị trí ấy được gọi là "hậu bối", nó khá nguy hiểm, có trường hợp còn bị thiệt mạng vì nó. Thiều sốt nóng hầm hập mấy ngày liền. May mắn sao rồi sau cũng khỏi.

        Rồi gia đình lại dắt díu nhau chuyển về Tân Phong, Hạ Hòa, Phú Thọ. về Phú Thọ thì anh em Thiều có điều kiện được đi học chứ ở vùng Chiêm Hóa thì vô cùng khó khăn, học hành sao được. Thời đó có lẽ là mới manh nha mô hình lớp mẫu giáo. Thiều được đi học lớp của cô Sâm và cô Bình. Hai cô rất quý mến và thương đàn em nhỏ của lớp mình phụ trách. Lớp học chi là nhà tranh vách nứa nhưng có các giao thông hào đào xung quanh để khi có máy bay địch đến đánh phá thì các em còn được nhanh chóng chạy ra các hầm ẩn nấp, đảm bảo an toàn. Thời ấy, máy bay oanh tạc của Pháp thường xuyên bay lượn trinh sát và đánh phá các cơ sở của ta ở chiến khu. Trên Tuyên Quang đã có những lớp học bị chúng bắn, ném bom và đã có những em học sinh bị sát hại. Những cô bé, cậu bé còn thơ ngây, non dại... đã bị những mảnh bom, mảnh đạn ấy cắt đứt tuổi thơ. Cô Sâm, cô Bình rất lo lắng cho các em học sinh của mình, các cô cố bảo vệ, che chở các em như gà mẹ xòe cánh chở che cho đàn con của mình trước sự đe dọa của lũ cú diều.

        Cũng ở đất Phú Thọ này, có lần anh Thăng trèo lên cây hồng để trẩy hồng ném xuống. Không hiểu do Thiều vồ hụt hay vấp ngã khi đuổi theo quả hồng mà bị gãy xương đòn. Thiều khóc váng lên. Anh Thăng cũng khóc, phần vì thương em, phần vì sợ. Cũng may mắn làm sao, ở gần đấy có ông lang chuyên chữa về bênh xương, khớp... tên là ông Lý Mạc. Thiều được đưa đến nhà ông. Ông đã bó xương cho Thiều và chiếc xương đòn của Thiều đã lành, không để lại di chứng gì.

        Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông Sắc tham gia ủy ban hành chính tỉnh Nam Định, phụ trách công tác tuyên truyền và là một trong những người tham gia lãnh đạo của tỉnh Nam Định. Thời gian Toàn quốc kháng chiến, ông được giao nhiệm vụ ủy viên Ban kinh tế của Trung ương Đảng, lên chiến khu xây dựng căn cứ và nhận trọng trách thành lập nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Ông liên tục được giao các nhiệm vụ Cục phó Cục tiếp tế vận tải, Cục phó Cục Bách hóa, Cục trưởng Cục bông vải sợi rồi Tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Việt Nam.

        Ông Sắc đi hoạt động cách mạng, mọi việc nhà vẫn chỉ một mình bà Vượng sắp xếp, thu vén. Thời gian gia đình chuyển lên chiến khu, ngoài việc chăm lo    việc nhà, bà còn tham gia công tác Phụ nữ. Sau này, bà đã được Hội liên hiệp Phụ nữ tặng danh hiệu "Người Phụ nữ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" vì những công lao, đóng góp, cống hiến của bà đối với đất nước. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà đã có 4 người con tham gia quân đội, trong đó có một người là liệt sĩ.

        Sau ngày Thủ đô được giải phóng, gia đình Xuân Thiều theo cơ quan bố về sống ở Hà Nội. Bấy giờ, gia đình có đầy đủ một tiểu đội: 12 thành viên gồm: bố, mẹ và 10 người con. Thu nhập của hai ông bà không đáng bao nhiêu, dù lúc này ông Sắc đã giữ chức Cục phó. Bà Vượng thì chỉ là một nhân viên của cửa hàng giao tế, phải lo lắng, tính toán đủ mọi thứ. Mười người con, mà các con lại đang ở tuổi ăn tuổi lớn! Ăn mặc có thể còn thiếu thốn, nhưng không thể để các con thiếu học được. Vậy là phải tìm đủ mọi cách để có thêm thu nhập. Gia đình sẵn có chiếc máy may, mấy chị em trong nhà tranh thủ mọi lúc để người may, người đi trả hàng. Thời gian nghỉ hè, mấy anh em trai cũng chia nhau đi tìm việc, người thì xuống cảng làm phu khuân vác, người thì đi kéo gỗ thuê... còn mấy chị em gái thì may, trông trẻ, tính toán thuê... Chỉ riêng cậu em út, cậu Vũ Hữu Nghị vì còn nhỏ nên được "ưu tiên" không phải làm gì thôi. Chính vì vậy mà con cái trong gia đình không ai bị gián đoạn trong việc học tập và tất cả các anh chị em đều miệt mài trong việc học, coi trọng việc học là công việc hàng đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:40:16 am »

        Sau này, cả 10 anh chị em đều tốt nghiệp Đại học, trong đó có 5 người là Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học.


GIA ĐÌNH VŨ XUÂN THIỀU
(Thiều đứng thứ hai từ trái sang)

        Nhớ lại thuở ấu thơ, nhớ lại cái thời gian khổ và những kỷ niệm về Vũ Xuân Thiều, cô em gái anh - Vũ Thị Kim Bình - người có nhiều thời gian gắn bó với anh trai mình nhất, cho biết:

        "Khi gia đình ở Phú Thọ, anh Thiều hơn tôi 6 tuổi. Mẹ tôi kể lại - khi sinh tôi ra, mẹ bảo anh đến xem mặt em bé, anh đã kêu lên: "Eo ôi! Sao em bé lại đỏ hon hỏn như thế?". Nhà tôi tản cự, ở trên một quả đồi, hàng ngày các anh chị đi học, anh ở nhà chơi với tôi và với một con chó tên là Bốp. Các anh chị ngoài việc học còn nhận giã gạo, may quần áo quân nhu. Có một lần, anh Thiều nghịch, lấy chiếc nồi đồng úp lên đầu tôi. Vì trán tôi dô nên lúc lấy nồi ra thì không thể lấy được, mọi người lớn trong nhà lại đi vắng hết, chỉ còn có mấy chị em, lo sợ đến phát khóc, may mà có ông bạn của bố đến chơi, thấy thế liền tìm cách lấy ra hộ. Đó là một kỷ niệm thật khó quên mà các chị Thịnh, chị Quy vẫn thường hay nhắc lại.

        Về sau này, khi đã về đến Hà Nội, nhà tôi thuê hết tầng dưới của căn nhà số 15 Lê Văn Hưu. Đó là một ngôi nhà có cổng dài phía bên hông và có sân bên trong. Chị em chúng tôi thường chơi ở sân đấy. Lúc đó anh Thiều đã bắt đầu mê chơi mô hình máy bay rồi. Anh thường làm mô hình máy bay rồi thả cho bay là là trong ngõ và trên vỉa hè dưới gốc cây cơm nguội to, cao... Anh thường có bạn đến chơi đá bóng trong cổng. Đôi lúc, để tôi khỏi lè nhè đòi chơi, anh cho tôi đứng bắt gôn cho đỡ vòi vĩnh. Nhiều hôm, sau khi mưa, anh dắt tôi sang nhà hàng xóm (nhà số 11 Lê Văn Hưu) ở đó, trong cổng nhà có vũng nước mưa. Anh cắt tấm bìa, gấp làm thuyền, gắn xà phòng vào đuôi thuyền, thả cho chạy lòng vòng trong vũng nước. Tôi rất thú vị khi được tham gia những trò chơi đó với anh vì anh không coi tôi là "nhóc con", mà coi tôi như một người bạn. Nhưng đôi lúc trò chơi bị gián đoạn bởi có một cậu bé bằng tuổi tôi thôi nhưng vì rất tinh nghịch nên bị nhốt ở trên gác, thành thử cậu bé có vẻ tức tối, tìm mọi cách để phá đám. (và cũng chẳng ai ngờ được, 18 năm sau, cậu bé tình nghịch ấy lại trở thành "ông xã" của Bình).

        Các anh chị tôi chênh lệch tuổi nhau không nhiều, sàn sàn như nhau nên đối xử với nhau rất thân thiện. Hàng ngày, sau khi ăn tối xong, làm xong hết việc nhà, mọi người lại cùng chơi đùa trong sân. Tôi thường không được tham gia vì còn nhỏ quá, nhưng vì tính hay khóc nhè và đòi chơi cho bằng được nên nhiều lúc các chị thường tắt hết đèn, giả làm ma để dọa tôi. Tôi còn nhớ, hồi đó, các anh chị hay chơi trò "quân xanh", "quân đỏ", rồi trò trốn tìm... cùng với các anh con bà chủ nhà. Nhà tôi bấy giờ tròn 10 anh chị em, 2 anh chị lớn thoát ly, còn lại là 8 anh chị em. Tôi 6 tuổi, còn em Nghị thì vừa mới ra đời nên tôi và em Nghị không phải làm gì. Còn lại 6 anh chị thì được mẹ lập cho bảng phân công công việc dán ở giữa nhà. Mỗi người đi học một buổi, buổi còn lại phải làm việc nhà: dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, nấu cơm, may gia công quần đùi (vì mẹ làm ở cửa hàng giao tế nên nhận hàng về may để có thêm thu nhập). Tối đến, tất cả ngồi vào bàn học bài. Bố mẹ vào tối thứ Bảy hay đi xem phim ở rạp Tháng Tám, đôi lúc có cho tôi đi theo. Đó thực sự là những phút giây hạnh phúc đối với tôi khi tôi được đi một tay nắm bên bố, một tay nắm bên mẹ, vừa đi vừa nhìn ông Trăng đi theo mình từng bước...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:44:58 am »

        Mùa hè, khi được nghỉ hè thì tất cả các anh chị đều đi làm thêm để kiếm tiền mua sách vở, chuẩn bị cho năm học mới. Tôi nhớ những bữa cơm ở nhà tôi: một nồi cơm to đặt trên chiếc ghế để cạnh bàn, thức ăn chủ yếu là rau, dưa... Ghế chỉ có mấy chiếc nên để giành cho người lớn ngồi (hồi đó, ông ngoại cùng sống chung ở nhà tôi). Tất cả anh chị em chúng tôi đều đứng xung quanh bàn ăn, mỗi người được phát một chiếc bát to, cho cơm và rau dưa vào đó, tiêu chuẩn chỉ có vậy thôi, ăn cái "vèo" là hết. Chiếc bàn ăn lịch sử đó in đậm trong tâm khảm của chị em chúng tôi: nó có màu đen, vuông, bằng gỗ lim, cũ kỹ. Nó có thể được kéo ra thành hai nửa rồi đặt thêm vào một tấm gỗ ở giữa, lại ghép lại để thành một chiếc bàn lớn dùng những khi lễ Tết có đông người hơn.

        Chiếc bàn đó ở với gia đình tôi suốt cho đến năm 2002 - khi mẹ tôi mất. Nó đã chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện của gia đình tôi từ năm 1956 cho đến khi mẹ tôi mất. Đó vừa là bàn ăn, vừa là bàn học của cả nhà. Vào những ngày cuối hè, tất cả anh chị em chúng tôi đều quây quần quanh chiếc bàn để bọc sách, vở, dán nhãn vở... chuẩn bị cho năm học mới thật là náo nhiệt, vui vẻ. Những đêm Trung Thu, chị Ngân khéo tay thường cắt, tỉa những quả bưởi rồi bôi phẩm xanh phẩm đỏ lên, trông thật vui mắt. Tất cả đều được bày xen lẫn với những quả hồng ngâm, ngắm đẹp lắm. Một mâm quả đến là to cùng với những tràng hoa giấy nhiều màu sắc sặc sỡ do cả nhà cùng chung tay làm, được căng ngang căng dọc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi cho đến tận bây giờ. Đêm không đèn nến, chỉ có ánh trăng trên bầu ười chiếu sáng mảnh sân nhỏ - ánh sáng thật dịu dàng lung linh. Tôi ngồi trong lòng mẹ, cạnh mâm cỗ, các anh chị thì nô đùa, chạy nhảy xung quanh. Không khí mới ấm áp, xum vầy, hạnh phúc biết bao!.

        Sau này, khi chuyển lên phố Đặng Dung, tôi đã học lớp Một, anh Thiều thì tham gia Câu lạc bộ mô hình máy bay, làm nhiều mô hình máy bay rất đẹp, hay thả trên hè phố. Phố Đặng Dung hồi ấy thơ mộng lắm: phố vắng vẻ, hai bên đường có những cây cơm nguội và cây sọ khỉ cao vút. Mùa hè đến, lá cây rụng đầy hai bên đường, tiếng ve kêu râm ran suốt ngày. Mấy anh em chơi thả máy bay bên lề đường. Tôi đoán, chắc là lúc đó anh Thiều đã có ước mơ trở thành phi công rồi. Anh không chơi khăng, chơi đáo như những đứa trẻ khác. Trong trí nhớ của tôi, anh chỉ chơi đá bóng và mô hình máy bay mà thôi. Tính tình anh điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, dí dỏm và hay quan tâm đến các em. Anh có nhiều bạn thân, trong đó có các anh học sinh miền Nam tập kết thường đến nhà tôi chơi và nhiều khi cũng cùng ăn cơm với cả gia đình. Các anh cùng học, cùng chơi với nhau suốt cả ngày. Đến tận bây giờ, như anh Minh - sau khi đã trở về Nam chiến đấu, sau bao năm xa cách, anh vẫn nhớ, tìm lại gia đình, nhắc lại những kỷ niêm cũ, vẫn thân tình như xưa.

        Ở Đặng Dung, việc nấu cơm đã có bà nội giúp đỡ, nhưng anh chị em chúng tôi vẫn phân công nhau làm việc nhà. Tôi nhớ, có một buổi trong tuần, việc nấu cơm đến lượt anh Thiều và tôi đảm nhận, nhưng anh biết tính tôi vốn lười nhác nên anh chỉ yêu cầu tôi đóng mùn cưa, còn anh sẽ lo hoàn toàn mọi công việc còn lại. Anh đã nấu rất nhanh và ngon.

        Anh chị em tôi cứ thế lớn dần lên. Anh Thiều vẫn học giỏi và vẫn mơ ước trở thành phi công. Từ khi anh học lớp Tám, trên mỗi cuốn vở của anh đã thấy xuất hiện những chiếc máy bay phản lực ở góc trên cùng bên phải. Hồi đó anh học ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi (trường buổi sáng là trường Nguyễn Trãi, buổi chiều là trường Chu Văn An). Hàng ngày đi học trên đường Phan Đình Phùng giữa hai hàng cây sấu cao thẳng tắp, hoa sấu trắng rụng đầy đường với mùi hương thơm chua chua ngan ngát, chắc anh đã có những giây phút thả hồn theo những giấc mơ bay vút lên ười cao... Đến khi anh học lớp Mười, khi khám tuyển, anh bị trượt ở vòng quay thử. Sau lần đó, sáng sáng anh đều lên sân thượng tập thể dục. Anh nói với tôi rằng anh phải tập quay đầu để không bị chóng mặt trong đợt khám tuyển sau. Anh nhất định thực hiện được ước mơ của mình. Sau đó anh thi đỗ vào Đại học Bách khoa, vào khoa Vô tuyến điện. Anh đã bắt đầu có những bạn gái. đến chơi nhà. Mỗi khi có chị nào đó đến chơi, anh thường dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cốc chén uống nước sạch sẽ, ngăn nắp, chu đáo lắm. Hồi đó đã có mấy chị "để ý" đến anh, trong đó có cả các bạn gái của chị Anh - người em gái liền kề với anh. Trong tâm trí của tôi, anh không đẹp trai lắm nhưng rất đàn ông: tóc cứng hơi dựng lên, lông mày hơi xếch, dáng đi khoan thai, lưng hơi gù một chút nhưng đĩnh đạc, tính tình điềm đạm, ít nói, mà nói chuyên nhẹ nhàng, dí dỏm, có duyên, nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh giới thiệu ai là người yêu cả. Năm 1965, chiến tranh lan ra đến miền Bắc, tôi sơ tán về Đan Phượng - Hà Tây ở với chị dâu cả. Anh Thiều đang học năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa và đã trúng tuyển phi công. Chủ nhật đó anh đạp xe về Đan Phượng thăm tôi. Hai anh em đi chợ mua sắm mọi thứ cận thiết về nấu cơm. Trong căn bếp nhỏ lợp mái tranh, anh đã hướng dẫn cho tôi cách đun bếp bằng rơm và chỉ bảo tôi cách nấu tôm:

        - Em không được đậy vung khi đun.

        - Vì sao vậy anh?

        - Vì nếu đậy vung thì sẽ có mùi khai của tôm, sẽ khó ăn!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Sáu, 2016, 07:46:41 am »

        Hai anh em nói chuyện với nhau nhiều lắm, chủ yếu là anh dặn dò tôi, dặn đủ điều. Đến chiều, anh lại đạp xe về Hà Nội và một tuần sau đó tôi cũng về. Tôi và em Nghị đến trường Bách khoa để tiễn anh lên đường nhập ngũ..."

        Xuân Thiều đã "trốn" gia đình, đi khám nghĩa vụ quân sự, và chỉ khi trúng tuyển đợt đào tạo phi công do Quân chủng Phòng không - Không quân tuyển, anh mới báo tin cho gia đình biết. Khi gia đình biết tin thì cũng đã cận ngày Thiều cùng 9 anh em khác của trường Đại học Bách khoa hợp nhất cùng các đoàn khác ở các nơi cùng trúng tuyển chuẩn bị tập trung về đơn vị. về đơn vị một thời gian ngắn để học chính trị, học nội quy và các quy định trong Quân đội xong, tất cả sẵn sàng lên đường. Ai cũng háo hức mong chờ, thấp thỏm... với nhiều niềm vui, nỗi lo... khác nhau.

        Ngày 22 tháng 6 năm 1965, cả đoàn nhận được lệnh lên tàu Liên vận đi sang Liên Xô để học tập. Theo thông báo, tàu sẽ rời ga Hàng cỏ (nay là Ga Hà Nội) lúc 11 giờ 30 phút, nhưng có lẽ vì lí do bảo vệ an ninh và nhiều lí do khác nữa nên tận 4 giờ chiều tàu mới chuyển bánh. Cũng vì vậy mà trên sân ga vắng bóng người đưa tiễn. Các chàng sinh viên nay đã các tân binh, mỗi người mỗi tâm trạng khác nhau... trong khung cảnh kẻ ở, người đi... Người ở lại phải gánh chịu những nỗi vất vả, gian truân không chỉ trong cuộc sống thường ngày với miếng cơm, manh áo mà còn phải vật lộn trong cuộc chiến tranh tàn khốc nữa. Bom rơi, đạn nổ... biết thế nào mà lường!

        Người đi chắc chắn sẽ đến nơỉ thanh bình, yên ổn đến với thành trì của phe Xã hội Chủ nghĩa - một đất nước tươi đẹp như trong mơ. Chỉ cần thấy thoáng qua những thước phim trên màn ảnh hoặc qua những tấm bưu thiếp, những bài báo, qua đài Tiếng nói Việt Nam... là đã có thể tưởng tượng ra được đất nước của người "Anh Cả" bao la, hùng vĩ... đến nhường nào rồi.

        Đoàn tàu Liên vận rú còi, khởi hành lên phương Bắc. Tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray tạo ra âm thanh nặng nề, đều đều, đơn điêu đến khó tả. Không ai bảo ai, người nào cũng cố nhìn kỹ những hình ảnh của Quê hương, cố lưu lại trong tâm khảm mình những hình ảnh nguyên vẹn cùng những kỷ niệm trước khi rời Tổ quốc. Nay mai đây, biết đâu lúc trở về, những hình ảnh này không còn được như bây giờ nữa. Trong chiến tranh, mọi chuyên đều có thể xảy ra lắm chứ.

        Cố ghi nhận những hình ảnh của Quê hương, Đất nước chạy dọc hai bên đường. Cố ghi lại những khuôn mặt người dân Việt trên đường lên biên giới để rồi chính những hình ảnh, những hình bóng, những khuôn mặt ấy cùng với những người thân thương của mình sẽ là nguồn động viên lớn lao trong học tập, trong thời gian xa Quê hương...

        Hầu như không ai nói với ai nhiều, nhưng chừng như ai cũng có chung luồng ý nghĩ khi xa quê.

        Tàu dừng lại ở ga Đồng Đăng hơn một tiếng đồng hồ để làm thủ tục xuất cảnh. Vậy đây đã là nơi cuối cùng giáp biên giới Tổ quốc rồi!. Chẳng bao lâu nữa Quê hương sẽ ở lại phía sau, ngày càng xa vời... Đằng trước đã là nước bạn - đất nước Trung Quốc - "Anh Hai" của phe Xã hội Chủ nghĩa... Điều gì đó cứ xốn xao trong lòng. Điều gì đó đang xảy ra ngay trong mình mà sao khó nói, khó tả...

        Rồi tàu rời Đồng Đăng lúc gần 11 giờ đêm. Khi đến đúng biên giới, tàu dừng lại ở đó một phút như để chia tay với Quê hương và để lấy đà đi tiếp chặng đường xa. Tất cả mọi người trong toa tàu không ai bảo ai đều thò đầu, thò tay ra ngoài vẫy chào những người dân của mình đang sinh sống ở biên giới. Phút chốc, bỗng thấy mọi người sao mà thân thương đến lạ. Bỗng thấy sao mà yêu, mà quý mọi người đến thế. Bỗng thấy sao mà xúc động, mà nao lòng đến vậy. Quê hương ơỉ! Đất nước ơi! Vậy là phải chia tay, phải rời xa rồi! Chúng tôi đi đây! Đi để học tập, để rèn luyện, để sớm trở về góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ, dựng xây Đất nước này. Chúng tôi sẽ không hề tiếc sức lực, không hề tiếc cả bản thân mình, quyết giữ cho Đất nước được thanh bình, cho những người dân miền biên ải này được yên ổn làm ăn. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để sau này có dịp gặp lại, lại thấy những khuôn mặt từng gặp hôm nay rạng ngời trong hạnh phúc.

        Loa phóng thanh trên tàu truyền đi bản nhạc với tiếng đàn bầu réo rắt. Ôi! Tiếng đàn bầu huyền diệu! "Cung thanh là tiếng Mẹ, cung trầm là giọng Cha...". Đàn chỉ có một dây thôi mà sao biểu lộ được mọi cung bậc với mọi âm vực... Đàn như hút hồn người vào thế giới âm thanh mê hoặc!. Tiếng đàn bầu réo rắt trong đúng khung cảnh giữa biên giới lúc sắp xa quê này sao mà thao thiết, sao mà khuấy động lòng người. Lòng ai cũng rưng rưng. Lại nhớ đến những câu thơ trong bài thơ "Tống biệt hành". Nhưng không! Chúng tôi đi để rồi "đủ lông đủ cánh" bay lượn trở về bảo vệ cho bầu trời thanh bình, cho bầu trời mãi mãi xanh trong, không vẩn đục bóng thù, cho tiếng đàn bầu ngân vang mãi trong thinh không, cho tâm hồn lắng lại, thư thái... giao hòa cùng đất trời!
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM