Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:00:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhiệm vụ đặc biệt  (Đọc 42801 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 30 Tháng Năm, 2016, 06:50:11 am »

        
        - Tên sách: Nhiệm vụ đặc biệt

        - Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường, nguyên Tư lệnh binh chủng Đặc công

        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân - NXB Trẻ

        - Năm xuất bản: 2002

        - Số hoá: Giangtvx

        

LỜI GIỚI THIỆU

        Tập hồi kỷ “Nhiệm vụ đặc biệt” của Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường, nguyên Tư lệnh bộ đội Đặc công, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần đầu vào tháng 3 năm 1987 nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập binh chủng Đặc công (3.1967- 3.1987).

        Mười lăm năm đã trôi qua, binh chủng Đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bước vào tuổi 35. Chiến công nối tiếp chiến công đã tạo nên huyền thoại về một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, như lời Bác Hồ đã từng chỉ thị khi thành lập binh chủng (ngày 19 tháng 3 năm 1967): "... Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt”.

        Hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường giúp bạn đọc hiểu thêm về nguồn gốc hình thành và phát triển của bộ đội Đặc công, một phần những chiến công của các đơn vị trong binh chủng, đặc biệt là những chiến công của buổi đầu hình thành cách đánh đặc công trong kháng chiến chống Pháp và những chiến tích của bộ đội Đặc công trong kháng chiến chống Mỹ - những chiến tích đã trở thành kỳ tích của cán bộ chiến sĩ các đơn vị đặc công, một lực lượng đã tạo nên nỗi kinh hoàng, khiếp sợ của kẻ địch trên chiến trường.

        Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Trẻ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN - NXB TRẺ        
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Năm, 2016, 01:04:50 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:13:41 am »

        
Những ngày khởi đầu

I

        Ai cũng có quê hương và ai cũng nặng trĩu một tình cảm, một trách nhiệm với quê hương.

        Một điều may, cũng có thể là một hạnh phúc đối với tôi, kể từ giây phút tách khỏi cuộc sống gia đình làm một thành viên trong đội ngũ Vệ quốc đoàn1  tôi đã chiến đấu một thời gian dài trên mảnh đất quê mình, cho đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kỷ kết, tháng Bảy năm 1954.

        Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

        Ninh Hòa là thị trấn nằm trên đường số 1 chưa được trăm nóc nhà. Một phố thị thật nhỏ với ngôi chợ chu vi chưa đầy 500 mét, có hai gian nhà ngói kiểu cũ và hai dãy phố ngắn hẹp nằm khép hai bên.

        Nhưng Ninh Hòa không phải chỉ có thế. Ngoài bông lau, ván trắc, cẩm lai là những loại gỗ có tiếng, rừng núi Ninh Hòa còn chứa bao nhiêu là của quý. Người thợ săn chỉ cần vác súng ra khỏi thị trấn độ mươi cây sô là có thể hạ được hươu, lợn rừng, có khi cả hổ, về bán chợ mai. Và mỗi khi tàu lửa từ Sài Gòn ra, từ Hà Nội vào qua ga Ninh Hòa đều dừng lại nhận hàng đặc sản từ nơi đây. Các toa đen chở hàng nhận đầy ắp gạc nai đủ kiểu. Gạc nai, lộc nhung của Ninh Hòa ngày xưa đã từng chở bán khắp noi trong nước, nhất là miền Bắc. Chiếc mắc áo bằng nguyên cả cái sừng nai Cà Tung, ở đây chỉ là một vật bình thường, gần như nhà nào cũng có.

        Hồi ấy khách qua lại Ninh Hòa thường không quên mua một ít hương trầm Vạn Lợi về thắp trên bàn thờ ông vải hay lễ bái đền chùa. Cái mùi thơm dịu dàng, thanh khiết của hương trầm Vạn Lợi đã góp phần làm tên tuổi Ninh Hòa được những người yêu hương trầm khắp nước biết đến. Còn chính lõi trầm cùng với kỳ nam là hai vị thuốc quý trong tủ thuốc Đông y, đã từng được xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á, sang tận Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.

        Đi về bờ biển Hòn Khói là bắt gặp những ô ruộng muối nối nhau như một bàn cờ to, chiếm mấy thôn liền. Muối Hòn Khói đã một thời mang lại vinh dự cho Ninh Hòa. Những người sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, ở Hải Phòng ngày xưa có thể không biết Ninh Hòa nhưng lại biết Hòn Khói. Muối Hòn Khói to hạt, chóng tan, là loại muối để làm chượp cá tốt nhất của nước ta hồi ấy. Ngày trước Hải Phòng đã từng nhận mỗi năm hàng ba bốn vạn tấn muối Hòn Khói...

        Quê tôi còn có thuốc lá Lộc Ninh, thuốc lá Tân Xuân, nguồn nguyên liệu vô tận cho hãng thuốc lá Cô-táp ngày trước. Cam Đại Tân của Ninh Hòa vỏ xanh mà ruột vàng ngọt thanh chẳng kém cam Xã Đoài. Quýt vườn Ninh Hòa đỏ da, lớn quả, có hương vị quýt đường của Mỹ Lợi, Hương Cần. Ruộng Đồng Hương phì nhiêu, vườn Đại Tâm màu mỡ, bát cơm Nanh Chồn thơm phức, cây mía Dán Dòn xốp và ngọt thanh... tất cả làm nên một Ninh Hòa giàu đẹp.

        Đó là những gì đã để lại trong ký ức tôi - một ký ức vừa pha trộn niềm tự hào vừa gợi nhớ nỗi buồn cảm...

        Bởi cái giàu đẹp thời xa xưa đó đâu thuộc về nhân dân lao động!

        Ngày xưa triều đình Huế đã sai tay chân vào tận Ninh Hòa tìm những bộ ván gỗ trắc, cẩm lai quỹ giá đưa về trang điểm cho cung điện. Bọn thực dân Pháp cũng đã lệnh cấm rừng, dành riêng cho chúng khai thác những loại gỗ quý.

        Và bọn tư sản, địa chủ ở địa phương đã giàu nhanh, giàu to trong việc bóc lột sức lao động của những người thợ rừng quê tôi. Bị dồn đẩy vào bước đường cùng cực, những người thợ rừng đó đã đi hết tháng này sang tháng khác trong các cánh rừng già không vết chân người, đương đầu vời hùm rắn, lắm khi phải ăn trái cây, uống nước suối để tìm trầm đưa về nộp cho chủ. Không ít những người thợ rừng đã phải bỏ mình nơi rừng sâu cho sự giàu có của bọn chuyên nghề bóc lột.

        Cách mạng tháng Tám mở ra cuộc đổi đời lớn cho toàn dân tộc. Như những người nghèo khổ khác, gia đình tôi cũng được cấp một sào đất để dựng nhà ở. Tuy chỉ là căn nhà tranh đơn sơ, chật hẹp nhưng là nhà của minh, từ nay hết cảnh ăn đợ, ở nhờ.

        Quê tôi có Hòn Hèo nổi tiếng. Nó là một bán đảo rộng trên một trăm sáu mươi cây số vuông, với một dãy núi cao đột xuất (đỉnh cao nhất tới 819 mét) nhô lên giữa biển lúa mênh mông, tạo nên một dáng vẻ đa dạng, vừa thanh bình, vừa gồ ghề gân guốc, bao quanh dưới chân núi là các làng xóm mà tên đất đã đi vào lịch sử: Lệ Cam, Bà Bố, nơi cơ quan huyện Ninh Hòa đóng. Đầm Vân là hậu cứ của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Bãi biển Hòn Hèo đẹp, cát trắng mịn kéo dài ra xa mỗi khi thủy triều rút. Đây là nơi hàng tuần, các cơ quan quân, dân, chính, Đảng tỉnh thường tổ chức những buổi luyện tập quân sự, tha hồ lăn lê bò toài trên bãi cát rộng và sạch không gây lấm bẩn.

        Ngang về phía nam Hòn Hèo cách bờ chừng hai cây số là Hòn Thị, một đảo có nhiều hang động hiểm trở, đã một thời cơ quan theo dõi địch của cấp trên làm việc ở đây. Đi về phía tây, là thôn Tiên Du có một thắng cảnh nổi tiếng: Chùa Hang, nơi mà nhà sư Thích Quảng Đức đã một thời đến tu hành và có tham gia giúp đỡ đội công tác của ta mỗi khi về đây hoạt động.

----------------------
1. Nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:23:10 am »

        Đối với quân và dân Khánh Hòa, Hòn Hèo đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tinh thần bất khuất và niềm tin của nhân dân đối với cách mạng suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

        Đối với ai đã từng một lần qua đây, đặc biệt là những đồng bào, đồng chí đã cùng chung sức chiến đấu, chia sẻ ngọt bùi trên chiến trường Khánh Hòa, hai tiếng Hòn Hèo từ lâu đã trở nên thân thiết gắn bó với bao kỷ niệm của đời mình. Và bản thân tôi cũng vậy, đã từng được Hòn Hèo đùm bọc những ngày đầu của cuộc kháng chiến; đã từng chiến đấu, đổ máu ở nơi Hòn Hèo; đã tưởng vết thương năm 1947 ở rừng Hòn Hèo cướp đi thân thể mình, nhưng nhờ đồng bào, đồng chí đã giấu kín dưới tán cây của dẫy Hòn Hèo này, để chăm sóc, nuôi dưỡng lành bệnh lại được trở về đội ngũ chiến đấu, trưởng thành như ngày nay, thì sao có thể quên được nơi ấy.

        Khí hậu thời tiết ở đây thật ôn hòa, dễ chịu. Vào những tuần trăng sau mùa gặt cuối năm, quê tôi có hội giã gạo, được dịp trai gái gặp nhau bàn chuyện trăm năm. Nhà đăng cai mở hội thường có sân rộng và có con gái đã đến tuổi thành niên. Ngoài nam nữ thanh niên chưa có gia đình riêng là chủ yếu, còn có các bậc trung niên, ông bà già đến dự, vừa chia vui với con cháu vừa chứng kiến chuyện lứa đôi. Cối giã gạo vừa đủ chứa khoảng mươi cân thóc. Ba cô gái cầm ba thanh gỗ dài đứng vòng quanh thay nhau giã một cách nhịp nhàng, chày này giã xuống chày kia nhấc lên, nghe không khác nhịp điệu bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Vừa giã các cô vừa hát (phần nhiều là ứng khẩu) theo nhịp chày lên xuống và theo một thứ tự quy ước: chào mời, đố - thử tài, ướm hỏi và hứa hẹn kết duyên. Bên nam đứng quây quanh cối giã gạo hát đối đáp lại. Hội giã gạo kéo dài cho đến khi xuống giống mới mở đầu vụ gieo cấy năm sau thi kết thúc.

        Có một bài hát đố và dối được phổ biến trong tất cả người dân quê tôi, ai cũng thuộc. Đại ý bài hát đó như sau:

Em đố anh:

                                    Một trăm cái hố,
                                    hố nào không nước.
                                    Một trăm sợi cước,
                                    cước gì không đo.
                                    Một trăm cây nho
                                    nho gì không trái.
                                    Một trăm cô gái,
                                    gái gì không chồng.
                                    Một trăm đàn ông,
                                    ông gì không vợ.
                                    Một trăm cái quán,
                                    quán gì không đúc bánh xèo.


        Và bên trai đối lại:

                                    Một trăm cái hố
                                    hố hò khoan là không có nước.
                                    Một trăm sợi cước,
                                    cước cá không đo.
                                    Môt trăm cây nho,
                                    chữ nho không trái.   
                                    Một trăm cô gái,   Ị
                                    gái góa không chồng.   
                                    Một trăm đàn ông,
                                    đàn ông (thiếu niên) không vợ.
                                    Một trăm cái chợ,
                                    chợ ngày Tết (nguyên đán) không bán.
                                    Một trăm cái quán,
                                    quán tảy (bỏ) không đúc.
                                    Anh đã đối đặng,
                                    em phải mua heo cưới liền.


        Ngày tháng trôi đi, cuộc đời chiến đấu có bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ, vậy mà cái bài hát của ngày hội trao duyên mang sắc thái quê hương vẫn hằn trong ký ức tôi. Đêm hội giã gạo đầu tiên  mà tôi tham dự là một đêm trăng thật đẹp sau Cách mạng tháng Tám thành công. Cái say sưa sôi nổi của tuổi trẻ được chế độ mới nâng đỡ, chúng tôi vui thả sức đến thâu đêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:29:05 am »

     
II

        Nào ngờ các đêm hội đầu tiên ấy lại là đêm cuối cùng đối với tuổi trẻ chúng tôi, bởi tình thế đã đổi thay thật mau lẹ. Được quân Nhật1 tiếp sức, quân đội viễn chinh Pháp đổ bộ từ biển lên đánh chiếm Nha Trang vào cuối tháng Mười năm 1945. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân các tỉnh miền Nam Trung Bộ2 bắt đầu.

        Không khí chiến tranh lan nhanh đến quê tôi. Các buổi chợ mai Ninh Hòa không còn đầy ắp những đặc sản từ Hòn Khói lên, từ đèo Ma-drắc xuống nữa! Những chuyến tàu chở các đoàn quân Nam tiến từ phía Bắc vào đến ga Ninh Hòa thì dừng lại. Từ các toa tàu từng đoàn người đổ xuống đứng lố nhố chật ních cả sân ga. Tất cả đều là thanh niên tuổi còn rất trẻ, phần lớn mười tám đôi mươi, quần áo quân phục màu cỏ úa, đầu đội mũ ca lô, nói đủ thứ giọng mà tôi chỉ phân biệt được là giọng Bắc. Một âm thanh ồn ào, náo nhiệt, xen vào những tiếng hỏi và những thắc mắc mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Nha Trang phía nào, còn xa không?” - “Đường 21 đi Buôn Ma Thuột đâu?” - ‘Tại sao không đi tiếp, đến nơi có mặt trận?”.

        Những ngày này cứ mỗi lần có tiếng tàu từ hướng Bắc vọng về là lòng tôi lại'bùng ỉên một ước nguyện gia nhập đội quân Nam tiến.

        Một buổi sáng đầu tháng Mười năm 1945, sau khi đi lại nhiều lần, vừa đi vừa đắn đo suy nghĩ, cuối cùng tôi mạnh dạn đến đặt vấn đề với anh chỉ huy đặt cơ quan ở một căn nhà lá cạnh ngã ba đường vào thị trấn Ninh Hòa.

        - Xin anh cho tôi được...
   
        - Nào có gì đồng chí cứ nói, không có ai nghe đâu mà sợ.

        - Dạ thưa... - tôi sẵng ho để lấy giọng nói tiếp - tôi muốn được đi chiến đấu.

        Tôi vừa dứt lời, anh đã đứng dậy bắt tay tôi lắc mạnh nhiều lần, cười rạng rỡ:

        - Cám ơn... cám ơn đồng chí! - vừa nói anh vừa ôm lấy tôi, nhấn mạnh - Đội quân Nam tiến mà có được thanh niên địa phương tham gia thì thuận lợi biết mấy.

        Ngay chiều hôm ấy tôi được phân công về trung đội anh Xuân.

        Cái đêm đầu của cuộc đời quân ngũ thật vui, cứ chong mắt không sao ngủ được, nhưng khi nghe tiếng còi báo thức thì tôi bật dậy thật nhanh và tỉnh như sáo.

        Hàng ngày chỉ mong các anh chỉ huy giao nhiệm vụ, và khi nhận việc là khó mấy tôi cũng chỉ nghĩ cách làm bằng được.

        Một hôm, anh Xuân chỉ huy trung đội gọi tôi đến trước tấm bản đồ-nhỏ dùng trong các trường học hồi đó hỏi tôi:

        - Đồng chí Tư Cụ cho biết tình hình cụ thể về đường sá trong khu vực ta đóng quân.

        Nhìn qua tấm bản đồ tôi đã nói vanh vách các chi tiết về những đường sá quanh khu vực Ninh Hòa, về các đèo trên đường số 1 và trên đường 21, đoạn từ đèo Ma-drắc trở xuống. Nghe tôi kể xong, các anh bảo địch không dễ gì tràn vào Ninh Hòa nếu ở các đoạn đèo này ta bố trí lực lượng đánh trả, kết hợp phá hoại mặt đường.

        Tôi không được phép dự bàn luận về kế hoạch quân sự nhưng rất tự hào thấy mình đóng góp phần hiểu biết về quê hương của mình và ngầm đồng ý với những trao đổi của các đồng chí chỉ huy.

        Ninh Hòa những ngày này như hậu cứ của các mặt trận Nha Trang, Buôn Ma Thuột. Rất căng thẳng, khẩn trương nhưng cũng tấp nập, đông vui và bình tĩnh, sẵn sàng. Hậu phương và tiền tuyến nối quyện với nhau qua tin tức chiến sự được thông báo hàng ngày, qua các lực lượng được phái ra phía trước hỗ trợ và qua số anh em thương, bệnh binh được chuyển về đây cứu chữa: Hơn 1.000 quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang từ cuối tháng Chín đến nay vẫn bị ba tiểu đoàn bộ đội Nam tiến tiến công, bao vây. Ở Ba Ngòi được ta vận động, giải thích kết họp với tiến công quân sự, nên khi quân Nhật rút về Cam Ranh đã để lại cho ta trên 1.000 súng các loại. Tại mặt trận Phan Thiết, Phan Rang, các đơn vị bộ đội Nam tiến vào chi viện kịp thời, đã phối họp với lực lượng vũ trang tại chỗ chiếm lại và làm chủ hai thị xã này. Tại Buôn Ma Thuột, ta phục kích diệt 38 xe địch, v.v...

        Ninh Hòa vẫn đứng vững trong tình thế bị địch bao vây từ ba phía; đông, tây, nam. Ngày 27 tháng 9 năm 1945 chúng tôi đã đuổi quân Nhật về đồn khi chúng vừa kéo ra định tập kích vào một đơn vị Nam tiến đóng gần nhà ga. Cùng ngày, chúng tôi vô cùng phấn khởi được nghe anh Xuân thông báo: Quân Nhật từ Tây Nguyên theo đường 21 tiến về Ninh Hòa đã bị một đơn vị Nam tiến phục kích sẵn ở đèo Phượng Hoàng, bắt sống toàn bộ. Bọn Nhật ở Ninh Hòa được tin này đã hoảng hốt rút chạy về Nha Trang ngay chiều hôm ấy, giao lại cho ta 240 súng các loại.

        Tôi được đồng chí chỉ huy trung đội trang bị cho một khẩu súng trường Nhật. Một khẩu súng và hai bao đầy ắp đạn hẳn hoi. Tôi say sưa sống những ngày kháng chiến đầu tiên trên mảnh đất quê hương mình. Có thể nói đây là những ngày tháng đầy khí thế sục sôi cách mạng đối với mỗi người dân Khánh Hòa nói chung và với bản thân tôi nói riêng. Bài học ban đầu này, cái thời điểm tuy ngắn ấy nhưng lại không thoáng qua chút nào. Bởi vì điều quan trọng nhất giúp tôi rèn luyện bản lĩnh và giàu nghị lực để vượt qua thử thách đầu tiên của chiến tranh, để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao - chính là lòng yêu quê hương, nơi đã sinh ra mình và mình không bao giờ được thiếu trách nhiệm với quê hương, đất nước.

----------------
1. Tàn quản Nhật ở Nha Trang, Ba Ngòi (Cam Ranh) lúc này lên tới hàng ngàn tên, chúng dồn từ các tỉnh khác vé đày để đợi tàu về nước.

2. Nam Trung Bộ lúc đó gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Công Tum, Đắc Lắc, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng.


Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:32:16 am »

   
III

        Nha Trang sống trong không khí sục sôi căm thù và trừng phạt quân cướp nước ngay từ những ngày đầu, sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng Chín năm 1945. Vì Nha Trang là một trong những mục tiêu quan trọng mà bộ chỉ huy Pháp đặt kế hoạch đánh chiếm sớm để làm bàn đạp mở rộng tiến công ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhưng chúng đã vấp phải sự đánh trả mãnh liệt của quân và dân Khánh Hòa, của lực lượng bộ đội Nam tiến vào chi viện cho mặt trận Nha Trang - Ninh Hòa mỗi ngày một đông. Những ngày cuối năm 1945 đầu năm 1946, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp các đơn vị Nam tiến thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang). Riêng khu vực Nha Trang, Ba Ngòi có bốn tiểu đoàn, còn ba tiểu đoàn khác đứng chân ở thị trấn Ninh Hòa làm lực lượng dự bị.

        Đêm 19 tháng 10 năm 1945, Pháp đổ bộ lên đảo Hòn Cau, ven biển Nha Trang. Cùng lúc, quân Pháp trong thị xã đánh chiếm một số nơi. Nhưng chúng đã bị các lực lượng vũ trang của ta đánh trả và siết chặt vòng vây xung quanh những khu vực địch vừa chiếm đóng như nhà ga Nha Trang, nhà máy điện, viện Pa- xtơ. Địch nhiều lần tìm cách phá vòng vây và đổ quân từ biển vào đều bị ta chặn đánh.

        Mãi gần ba tháng sau, tức là cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai năm 1946, Pháp huy động một lực lượng khá lớn thủy, lục, không quân mở cuộc hành quân “Gô” (Gaur) do tướng bốn sao Lơ-cléc trực tiếp chỉ huy chia thành hai cánh lớn:

        Cánh thứ nhất xuất phát từ Biên Hòa theo đường 20 đánh Di Linh, Đà Lạt, Phan Thiết, Phan Rang, tiến ra Nha Trang.

        Cánh thứ hai, từ Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 1 năm 1946, theo đường 21 đánh xuống. Ngày 27 tháng 1, địch chiếm Ninh Hòa. Từ Ninh Hòa, chúng phối họp với cánh quân ở Phan Rang ra đánh chiếm hoàn toàn thị xã Nha Trang...

        Mặt trận Ninh Hòa vỡ!

        Đối với tôi đây là một cột mốc đánh dấu khúc quanh trong cuộc đời chiến đấu của mình. Phần lớn lực lượng vũ trang ta phải tạm thời rút ra Đông Bồ, Tuy Hòa, Sông cầu. Một bộ phận nhỏ ở lại Tân Lâm, Trần Tri, Đại Điền. Ta lập tuyến chặn địch ở đèo Cả. Đơn vị Nam tiến của anh Xuân cũng được lệnh rút ra Phú Yên để cùng các đơn vị Nam tiến khác củng cố xây dựng thành những đơn vị chủ lực cơ động của Bộ tư lệnh Liên khu V. Số anh em chúng tôi thì trên tuyên bố: ai ở địa phương nào về địa phương đó chiến đấu.

        Thế là từ đây tôi phải xa đơn vị Nam tiến! Tình cảm tôi lúc này buồn vui xen lẫn. Vui vì được ở lại chiến đấu trên mảnh đất quê hương thân thiết và rất tự hào. Trong cuộc chiến đấu không cân xứng lúc đó mà Ninh Hòa vẫn cản giữ, làm chậm bước tiến của kẻ thù, ghi vào trang sử chiến công đầu của quê hương: ngày 27 tháng 9 năm 1945, quân Nhật tập kích một đơn vị Nam tiến vừa mới tới Ninh Hòa, bị quân ta đánh trả mãnh liệt, phải lui về đồn. Cùng ngày, 18 xe chở quân Nhật từ Tây Nguyên theo đường 21 về Ninh Hòa, bị lực lượng ta phục kích, bắt sống toàn bộ. Ninh Hòa bị đủ các loại kẻ thù gây rối, bị chúng bao vây tứ phía, nhưng các lực lượng vũ trang ta vẫn bám và tiến công địch gần năm tháng ròng. Niềm vui pha chút tự hào ấy không làm vợi nỗi buồn trong tôi.

        Buồn vì phải xa đơn vị mà tôi vừa gắn bó; buồn vì phải xa những người đồng đội tuy thời gian sống chung còn rất ngắn mà đã hiểu nhau và thương nhau nhiều. Không một chuyện riêng tư, một nỗi buồn vui nào lại không kể cho nhau nghe. Và cứ sau những giờ phút tâm sự thật cởi mở ấy, tình cảm chúng tôi lại chan hòa và gắn quyện.

        Những ngày sống chung với các anh, tôi đã hiểu ra được nhiều điều, đã thấy được đất nước ta qua các anh kể về quê hương mình: Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh và đặc biệt là Hà Nội... Từ những nơi xa xôi đó, các anh không quản gian lao nguy hiểm vào đây chung sức chung lòng với nhân dân quê tôi đánh giặc, đã có anh yên nghỉ vĩnh viễn nơi Bắc Khánh1 này!

        Hôm tạm biệt, tôi không sao nén nổi xúc động, đã bật thành tiếng khóc và năn nỉ xin được đi theo. Không ai gàn tôi khóc mà chỉ có tiếng nói ân cần, cảm thông, động viên tôi ở lại vì nhiệm vụ.

        Mãi sau này, có rất nhiều lần chia tay tạm biệt nhưng tôi vẫn ý thức đầy đủ và ro nét trong tâm khảm mình về lần chia tay năm ấy, được xem như là một trong những kỷ niệm sâu sắc bởi nó mang hơi nóng của tình đồng đội, nghĩa Bắc - Nam mà lần đầu tiên tôi hiểu biết được, nó tiếp tục được bồi đắp ngày càng sâu đậm trong suốt cuộc đời chiến đấu của tôi sau này.

-----------------
1.  Tức bắc tỉnh Khánh Hòa, bao gồm các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:39:07 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:33:35 am »

        Ở lại Ninh Hòa, tôi được phân về đội Danh dự của tỉnh. Đội có khoảng năm sáu chục anh em người cùng quê do anh Nguyễn Sây làm đội trưởng. Năm 1947, sau trận tập kích Hố Vòng, anh Sây hy sinh, tôi được trên bổ nhiệm thay anh điều khiển đội Danh dự hoạt động ở vùng Bắc Khánh, nhưng địa bàn chủ yếu vẫn là khu vực Hòa Nghĩa quê tôi.

        Tình hình lúc này có thể nói là tạm thời đen tối. Các đơn vị Nam tiến rút ra Phú Yên, lực lượng quân sự còn lại chỉ có đội Danh dự chúng tôi. Địch sau khi chiếm được Ninh Hòa, chúng liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, lập tề, đóng thêm đồn bót mở rộng vùng kiểm soát ra các thôn xã ngoại vi. Bọn cường hào ngóc đầu dậy can tâm một lần nữa làm tay sai cho chúng, dẫn lính đi lùng lục các xóm, vây bắt cán bộ và những quần chúng tích cực của cách mạng. Đêm đêm chúng phục đón lõng các ngả đường nghi ta đi lại hoạt động.

        Trận đánh đầu tiên của đội Danh dự là trận chặn địch trên đường 21, ở khu đèo Phượng Hoàng, vào một ngày giữa tháng 2 năm 1947. Địch thời gian này rất chủ quan, chúng cho rằng lực lượng ta đã kiệt sức phải rút ra tận Phú Yên. Đường 21, đường 1 từ Ninh Hòa ra Vạn Ninh đến Đại Lãnh, chân đèo Cả đã mọc lên hàng loạt đồn bót, tháp canh bảo vệ, hàng ngày địch đi lại trên hai trục đường này với thái độ rất nghênh ngang, ngạo mạn. Tỉnh chủ trương sử dụng đội Danh dự phối hợp với một đơn vị khác đánh đoàn xe địch cứ đều kỳ từ Nha Trang qua Ninh Hòa lên Buôn Ma Thuột.

        Nhận được lệnh, từ vùng sâu hậu địch, đội Danh dự khẩn trương lên đường băng qua hệ thống đồn bót địch tới vị trí trước giờ quy định. Giáp trận lần đầu, vừa háo hức vừa bỡ ngỡ. Nhưng khi nghe tiếng dộng cơ xe địch vọng về, gần tới trận địa phục kích, thì chúng tôi lại thấy mình hồi hộp thật sự. Tiếng động cơ càng to đần, nghe rõ cả tiếng rú ga, nhưng tôi vẫn tập trung tư tưởng nghe tiếng súng lệnh đến căng óc... Khoảng hai phứt sau, ba phát súng trường bắn liên tục từ phía sau đội hình - đó chính là tiếng súng lệnh. Đúng rồi! Tôi vui sướng tự nói với mình như vậy rồi hô toàn đội xung phong, thẳng hướng đoàn xe địch đang bị ùn tắc phía trước mặt do ta làm tốt khâu chặn đầu, khóa đuôi. Tôi trực tiếp chỉ huy tổ hỏa lực với năm tay súng trường bắn tập trung kiềm chế địch, để số anh em làm nhiệm vụ đốt phá xe thực hiện diệt từng mục tiêu được giao. Ngọn lửa lan nhanh, đám khói đen khét bốc cao làm mờ đục cả khu đèo. Trận đánh kết thúc nhanh gọn, 21 xe địch bị đốt và phá hủy, ta thu được nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.

        Sau trận thắng giòn giã, đội Danh dự chúng tôi lại được lệnh xuống đồng bằng hoạt động ngay giữa lòng địch.

        Ngày ấy tuổi trẻ chúng tôi rất hăng hái, lạc quan, không sợ gian khổ hy sinh, lúc nào cũng mong có cơ hội được đánh giặc. Nghĩ như thế nhưng chúng tôi lúc đó quả thật lúng túng: Đánh địch ở đâu, bằng cách nào để thắng nó, trong khi chúng tôi hầu như chỉ tay không mà địch thì có đầy đủ vũ khí, lại đóng trong các đồn bót được bố phòng cẩn mật, có hàng rào nhiều lớp bao quanh. Đúng lúc đó, chúng tôi nhận được lệnh: đội Danh dự chuẩn bị gấp mọi mặt để đánh đồn Tân Kiều.

        Tân Kiều nguyên là ngôi đình làng nằm cách nhà tôi một vạt mộng, trên một vuông đất cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng năm, bảy mươi phân. Địch đã biến ngôi đình tôn kính này thành một đồn binh với đủ thứ xú uế, gây nên sự căm phẫn trong nhân dân. Nền đình cao, địch từ đó dễ dàng khống chế kiểm soát một khu vực rộng xung quanh. Quanh đồng toàn là ruộng nước, “Việt Minh” càng khó tiếp cận. Đóng chốt ở đây, địch có thêm mắt xích bảo vệ vành ngoài cho Ninh Hòa từ hướng đông, dễ dàng tổ chức càn quét, lùng sục hàng ngày để bắt cán bộ, phá sơ sở ta, chặn không cho nhân dân liên lạc với căn cứ Hòn Hèo và cũng là để bao vây cô lập căn cứ này với nhân dân.

        Phải nhổ bằng được đồn Tân Kiều, mới phá được ách kìm kẹp, phá thế địch bao vây Hòn Hèo để lực lượng vũ trang ta ở căn cứ đó có điều kiện bung ra hoạt động sâu và xa hơn, nối lại dây liên hệ sinh tử giữa lực lượng cách mạng và nhân dân; sau hết nếu ta đánh thắng địch ở Tân Kiều là hạ uy thế chúng, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân nổi dậy đấu tranh, thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc.

        Nghe cấp trên phổ biến ý định trận đánh đúng với ý nghĩ nung nấu của mình, càng thôi thúc tinh thần quyết tâm chiến đấu của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đội Danh dự. Chúng tôi ai nấy đều rất hăng hái lên đường, ngay sau khi được cấp trên đến giao nhiệm vụ. Như vậy là tư tưởng thông suốt, tinh thần sẵn sàng, không cần phải bận tâm. Vấn đề là phải tìm cách đánh sao thắng ngon và êm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:34:34 am »

        Súng chọi với súng, tất nhiên là ta không có điều kiện rồi. Vậy ta phải dùng mưu thôi. Nhưng muốn có mưu thì phải hiểu rõ địch ăn ở ra sao, đường ngang ngõ dọc của nó thế nào, mới định được cách đánh phù họp. Tôi nêu suy nghĩ trên được anh em trong đội Danh dự tán thánh - việc đầu tiên là phải đi trinh sát nắm địch. Trao đổi xong, tôi dẫn một tổ đi nghiên cứu. Địa thế đồn Tân Kiều tôi thuộc như lòng bàn tay, chỉ không biết từ khi địch về dựng bốt đến nay thì có gì khác.

        Hai đêm chúng tôi trườn trên ruộng lúa để tiếp cận đồn. Đêm trước thấy động địch bắn ra rất dữ, cộng thêm pháo sáng từ đồn địch ở đèo Bánh ít bắn lên, buộc chúng tôi phải rút. Cả ngay hôm sau chúng tôi họp nhau lại rút kinh nghiệm, sở dĩ bò trườn trên ruộng nước phát ra tiếng động là vì vướng vào quần áo. Đêm sau chúng tôi quy định chỉ mặc quần đùi áo lót và vào gần đồn phải trát bùn ngụy trang.

        Kết quả không ngờ! Đêm ấy chúng tôi bò sát vào đồn địch, lần đếm từng hàng rào, xác định độ chắc chắn của các hàng cọc trụ. Kết hợp với nguồn tin của cơ sở báo ra, chúng tôi có được một tình hình khá chính xác về đồn Tân Kiều: ở đây có một trung đội lính bảo an, trong đó có nhiều tên ác ôn. Quanh đồn có hai hàng rào tre, giữa hai hàng rào là chông sắt. Rào ken dày bắt chéo nhau hình mắt cáo, trên đầu các cọc vót nhọn, khó chui qua và cũng khó nhổ vì chúng cắm rất sâu, có gài lựu đạn.

        Với trang bị và kỹ thuật như hiện nay thì tình hình bố phòng của cái đồn này có nghĩa lý gì. Nhưng với chúng tôi hồi đó, lần đầu đánh đồn giặc thì cả là một việc lớn, quá sức, đòi hỏi phải bàn bạc, suy tính dữ lắm. Dĩ nhiên muốn diệt đồn thì phải phá rào rồi. Bàn tới, bàn lui chúng tôi cũng nghĩ ra được cách làm con cúi (như néo đập lúa ở ngoài Bắc) cặp ôm vào cột dùng lực tay tì vào hai càng của cúi mà nhổ. Khi đã phá được rào, sắp vô đồn thì dùng xăng tẩm vào rơm, đốt ném vào các nhà ở của lính đang nằm ngủ hình thành vòng lửa quây tròn để diệt chúng; thằng nào chạy thì dùng súng bắn hoặc giáo mác xỉa.

        Rơm thì vận động nhân dân thu gom. Còn xăng lấy đâu? Thật khó! Chúng tôi tìm cơ sở tận trong thị trấn Ninh Hòa vận động họ giúp đỡ. Củng phải mất vài ngày sau mới có đủ lượng xăng cần thiết cho cách đánh “hỏa công” hiện đại của chúng tôi.

        Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương và bí mật. Theo quy định mỗi ngưởi phải có hai bó rơm đóng chặt như cái bánh chưng to. Xăng đóng vào chai mang theo, đến gần vị trí triển khai tiềm nhập mới tẩm. Để biết được sức mạnh của loại vũ khí “hỏa công” này, đêm trước đi đánh, chúng tôi cho thực tập tẩm xăng và thực hành đốt, phóng. Rơm khô bó chật, xăng mới tẩm, chạm lửa là cháy bùng, ngọn lửa bốc cao, bén nhanh. Cuộc thử nghiệm thành công gây thêm lòng tin và tinh thần quyết chiến. Ai cũng mong thời gian trôi nhanh để đến mai được thực hiện.

        Kế hoạch như vậy là hoàn hảo, không còn gì phải bàn.

        Một ngày cuối tháng 7 năm 1947, trận “hỏa công” được tiến hành. Chỉ huy chung trận đánh là anh Sây. Năm mươi chiến sĩ của đội Danh dự với hơn mười khẩu súng trường và súng kíp, một số lựu đạn, còn lại là gậy gộc, giáo mác chia thành hai tổ, theo hai hướng đánh vào. Hướng Hòn Hèo vào, địch đề phòng cẩn mật, chúng tôi xác định là hướng phụ, làm nhiệm vụ nghi binh và đón lõng số địch trốn chạy; hướng tây địch cho ta là khó đánh, nên địch chủ quan, bố phòng không cẩn mật được xác định là hướng chủ yếu. Hướng này do tôi phụ trách.

        Đúng giờ quy định, hai tổ theo hai hướng được phân công vào vị trí triển khai chiến đấu. Trăng non đầu tuần đã lặn, trời tối xẩm, xóm làng chìm trong đêm yên tĩnh, xa xa có tiếng chó sủa vu vơ vọng lại.

        Tất cả đều diễn ra đúng như kế hoạch. Kỹ thuật tiềm nhập được thục luyện trước đó mấy ngày tỏ ra có hiệu nghiệm. Đồn địch vẫn không hay biết gì khi chúng tôi vượt qua ruộng nước tiến sát đến chân rào. Chúng vừa đổi gác, tên lính mới thay phiên tỏ ra còn tỉnh táo tay lăm lăm súng đi đi lại lại.

        Chúng tôi nằm yên, kìm chế cả hơi thở mạnh. Đêm về khuya, gió từ biển thổi vào gây lạnh khó chịu. Tôi bỗng rùng mình và như có vật gì đang bò nơi cổ họng, muốn ho. Thật là căng thẳng! Chỉ một tiếng ho dù nhỏ phát ra lúc này là hỏng việc. Tôi có im nhịn nuốt nước miếng liên tục, cổ bớt khô và cơn ho qua đi. Thật là hú vía!

        Các tổ lặng lẽ dùng con cúi nhổ rào, dọn cửa mở...

        Theo đúng kế hoạch, tôi tháo chốt quả lựu đạn ném vào hướng tên lính gác đang đứng. Một tiếng nổ đanh, là hiệu lệnh của trận tiến công đêm nay.

        Các bó rơm tẩm xăng biến thành những quả cầu lửa bay vào đồn địch. Ngọn lửa bốc cao, lan nhanh thiêu đốt các nhà lính đang ngủ. Sân đồn sáng rực, nhìn rõ những tên lính hoảng loạn từ nhà chạy ra, hoang mang không biết sự tình ra sao từ đâu tới. Các chiến sĩ ta bắn hạ từng tên và bồi tiếp những trái lựu đạn vào những toán lính địch đang nhốn nháo.

        Đồn địch cháy, ngọn lửa lan to, bốc cao sáng rực cả một góc trời. Đại bộ phận lính địch bị tiêu diệt và bị bắt sống.

        Trận đầu thắng giòn giã, chúng tôi càng thêm tin vào sức mình, thanh thế đội Danh dự càng lan nhanh trong nhân dân, vào cả các đồn bót địch sâu tận trong Ninh Hòa, Nha Trang, ra cả Vạn Ninh, Đại Lãnh, v.v... gây thành làn sóng hoang mang dây chuyền trong hàng ngũ chúng: Chuyện Việt Minh có phép “tàng hình” và thuật “hỏa công” được binh lính thêu dệt với các tình tiết lý kỳ, khiến chúng càng bối rối, hoang mang, phải dè chừng càn quét, tàn phá tài sản của nhân dân quanh vùng.

        Tân Kiều bị san bằng, ta phá được thế bao vây của địch, đường dây liên lạc, tiếp tê giữa nhân dân với vùng căn cứ kháng chiến Hòn Hèo được nối lại, ta có điều kiện phát triển cơ sở, hình thành nhiều căn cứ lõm liên hoàn, tạo thuận lợi cho đội Danh dự hoạt động đánh địch, xây dựng cơ sở, mở rộng địa bàn.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:46:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:48:05 am »

       
IV

        Bốn tháng sau, đội Danh dự chúng tôi lại giáp mặt địch ở Hố Vông, dưới chân dãy núi Hòn Hèo về phía tây, chỉ cách đồn Tân Kiều chừng khoảng bảy cây số.

        Ở Bắc Khánh lúc này, địch đã hoàn thành việc chiếm đóng các vị trí quan trọng ở thị xã, thị trấn và trên các trục đường: đại bộ phận lực lượng ta rút ra xây dựng tuyến phòng thủ chặn địch ở đèo Cả, được thể địch càng chủ quan, một mặt chúng ra sức càn quét lùng sục, đặt thêm đồn bót, mở rộng địa bàn kiểm soát về quân sự; mặt khác chúng không ngừng huênh hoang rêu rao rằng Việt Minh đã bị tiêu diệt. Trong dân chúng một số người do chưa được hiểu thấu đáo tình hình sinh hoang mang; số ít bị địch lung lạc, bắt đầu ra làm việc cho chúng. Chủ trương của trên là phải tìm mọi cách, tạo mọi cơ hội mà hoạt động, không được thụ động nằm im. Theo kế hoạch họp đồng ngày hôm trước thì một đơn vị chủ lực của tỉnh sẽ bố trí phục kích đánh bọn địch thường ngày vẫn đi trên đoạn đường ngã ba Ninh Hòa để càn quét khủng bố nhân dân quanh vùng đường số 1; còn đội Danh dự bố trí ở Hố Vông có hai nhiệm vụ; chặn viện và phá thế vu hồi, để bạn không bị hở sườn phơi lưng, hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn.

        Mặt trời vừa nhô khỏi mặt biển như quả cầu lửa, xua tan mây mù thì đội Danh dự cũng từ căn cứ Hòn Hèo hành quân ra vị trí đã được chỉ định - Hố Vông. Niềm tự tin chiến thắng Tân Kiều vẫn còn âm vang trong lòng mọi người. Bản thân tôi cũng vậy, thấy mình lớn lên nhiều trong việc nghĩ kế đánh giặc. Trận đánh vẫn do anh Sây chỉ huy trưởng, tôi chỉ huy phó đặc trách chỉ huy tổ trung liên Brô-ninh.

        Thời gian như chậm lại. Mặt trời đã lên đỉnh đầu, ngoài đồng, vắng lặng không một bóng người, tất cả đều yên tĩnh, chỉ có tiếng gió rì rào lao xao qua các bông lúa đang ngả nghiêng. Bụng bắt đầu lép vì mỗi người mới chỉ được phân một suất cơm vắt nhỏ, ăn từ sáng sớm. Hay là địch phát hiện ta phục kích đón đánh nên chúng bỏ cuộc? Thoạt đầu là câu hỏi của một người sau lan nhanh thành lời bàn tán râm ran, kèm theo cả ý kiến rút thôi, chờ đến ba giờ, tầm này Tây nó sắp đóng cửa đồn đi ngủ rồi.

        Như thế là kỷ luật chiến đấu không nghiêm, nhỡ khi ta rút địch mới mò tới thì sao, đơn vị bạn không hoàn thành nhiệm vụ có phần trách nhiệm của ta. Tôi và anh Sây trao đổi với nhau rồi nhất trí là dù tình hình nào ta cũng không được rời vị trí chiến đấu, phải kiên nhẩn chờ đợi, đến tối hãy hay, còn bây giờ, ai nấy phải giữ vững vị trí chiến đấu.

        Oàng! Một tiếng nổ to đanh, không gian như giãn ra và nghiêm trọng hẳn lên.

        “Đúng là mìn của ta rồi!”. Tôi sung sướng hô to lên như thế, và chưa kịp nói tiếp nhận xét của mình thi súng các loại nổ theo, liên tục không ngớt từ phía Ninh Hòa vọng lại. Lúc đó mật trời đã ngả về tây, khoảng lối ba giờ chiều.

        Tôi vừa động viên anh em trong tổ vừa nhắc nhở mọi người cần chú ý theo dõi phía trước mặt, sẵn sàng đánh địch nếu chúng mò đến đây. Đạn nổ từ phía Ninh Hòa vẫn không ngớt vọng lại. Còn bên phía chặn viện chúng tôi thì không một động tĩnh. Trước mặt trận địa của đội Danh dự vẫn chỉ là cánh đồng lúa đã ngả màu vàng đang lao xao theo gió từ hướng biển thổi vào. Bỗng dưng từ phía Ninh Hòa súng nổ thưa dần rồi tắt hẳn. Thế nghĩa là trận đánh đã kết thúc? Lúc ấy chúng tôi đều có chung một phán đoán như thế, ai nấy đều rất tự tin rằng ta đã thắng và tự trách mình là số phận hẩm hưu, chờ từ sáng đến giờ thật uổng! Đến đây xin mở vòng ngoặc lưu ý bạn đọc là chính lúc im tiếng súng ấy là tình hình diễn biến theo hướng xấu, ngược lại với phán đoán lạc quan của chúng tôi. Số là cuộc chiến đấu không cân sức, kẻ địch hôm nay khác với những kẻ địch những ngày trước đó, chúng đi với số lượng đông hơn, có cả xe tăng đi đầu hộ tống, mà ta thì lực lượng vẫn không được tăng cường thêm. Địch tiến công ồ ạt buộc lực lượng phục chặn của ta phải tạm thời lui về nam Hòn Hèo để bảo toàn lực lượng, nhưng không thông báo cho chúng tôi biết.

        Giữa lúc chứng tôi đang khấp khởi mừng quân ta đã giành thắng lợi thì một bộ phận địch đánh tạt sang hướng chúng tôi. Chúng vận động bí mật, đi lom khom trên bờ các ruộng lúa sắp gặt để tiếp cận, định “cất vó” gọn đội Danh dự. Nhưng vì thằng Tây nó cao to, càng đến gần phải cắt ruộng lúa, các bông lúa động đâiy thế là chúng tôi phát hiện được liền. Nguy rồi! Địch đã đến gần chúng đang thu hẹp vòng vây. Tuy bị rơi vào thế bị động nhưng không một ai trong chúng tôi hoang mang. Tất cả ở tư thế sẵn sàng chấp nhận cuộc đối đầu mà chúng tôi đang ở thế bất lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 08:44:03 pm »

        Cuộc chạm súng bắt đầu. Bên hướng tây do anh Sây trực tiếp chỉ huy, sau khi đánh lui đợt tấn công thứ hai của giặc thì anh hy sinh vì mảnh đạn pháo 105 ly xuyên trứng ngực bên trái. Tôi thay anh tiếp tục chỉ huy trận đánh. Xót thương đồng chí, sức mạnh trong chúng tôi được nhân lên, hướng về phía kẻ thù, bắt chúng phải đền tội ác. Phát hiện ra tổ trung liên của chúng tôi thật lợi hại, đã ghìm đầu quân giặc nhiều lần, nên từ đó chúng tập trung hỏa lực diệt bằng được. Sỹ đảm trách bắn súng trung liên hôm nay phải nói là rất khá, dũng cảm, lúc nào cũng ngẩng cao đầu, nhằm trúng kẻ thù mà bóp cò. Vì thế địch càng dồn sức, liều mạng xông tới. Để bảo toàn lực lượng, tôi hạ lệnh cho toàn đơn vị rút về căn cứ Hòn Hèo. Lúc này mặt trời đã xê bóng, khoảng lối bốn giờ chiều.

        Địch càng khép chặt vòng vây và dồn mọi sức mạnh hỏa lực vào mục tiêu tổ súng trung liên lức ấy có ba người: Sỹ, Tá và tôi. Khi rút qua sình lầy địch bắn càng rát. Vừa bắn chúng vừa hô đuổi bắt sống chúng tôi. Sỹ vừa vác trung liên vừa bắn trả địch yểm hộ tôi và Tá rút nhanh lên bờ ruộng cao gần đấy nằm lại yểm hộ cho Sỹ rút. Gần tới bờ ruộng cao, quay lại tôi thấy Sỹ, người vốn nhỏ bé, lúc này đã đuối sức lảo đảo như muốn khuỵu xuống. Sỹ cố vùng dậy vượt tiếp đoạn sình lầy. Nhưng không được rồi, Sỹ đã trúng đạn và hy sinh ngay tại chỗ. Vừa xót thương đông chí, vừa căm thù quân giặc, bất chấp mọi hiểm nguy, chúng tôi vội quay lại, băng qua sình lầy, ôm lấy xác Sỹ và vác khẩu trung liên từ hai tay Sỹ nắm chặt vẫn còn hơi nóng, tiếp tục rút theo hướng đã định. Một phát đạn sượt qua bắp chân làm tôi đau nhói nhưng vốn khỏe, đang hăng, tôi vẫn chạy vượt lên, địch không sao đuổi kịp để bắt sống. Lên tới vạt ruộng khô, địa hình cao hơn mặt sình lầy, tôi phải để khẩu trung liên nằm trên lưng hai chân súng xoạc ra ôm lấy cổ rồi trườn thấp dưới làn đạn địch. Tình thế càng nguy kịch, chỉ còn cách bìa rừng một cây số thì tôi bị mảnh đạn Moóc-chi-ê địch bắn chặn xuyên vào hốc cổ bên phải, máu chảy sũng vai áo, người thấm mệt, trong khi tiếng hò hét của địch đuổi phía sau nghe càng gần. Không để vũ khí rơi vào tay quân thù - ý nghĩ đó thôi thúc tôi vượt qua hiểm nghèo. Khẩu trung liên này là chiến lợi phẩm trong trận phục kích quân địch ở đèo Phượng Hoàng hồi đầu năm, được tỉnh ưu tiên trang bị cho đội Danh dự, không thể để địch cướp lại. Tôi chợt nghĩ nếu cứ chạy thẳng thì địch sẽ đuổi kịp, phải lừa địch. Nhìn phía trái thấy có bụi quít1, tôi liền rẽ theo hướng ấy và nhanh chóng chui vào giữa bụi mặc cho gai quít cào xé. Địch vẫn đuổi, lần theo vết quân ta lúc này đã rút vào sâu trong rừng. Đúng lúc này, từ trên núi cao anh em ta nổ súng bắn trả vào quân địch. Bị đánh bất ngờ, trời đã gần tối, chúng vội vã thu quân. Trên đường trở ra, chúng hoảng sợ bắn bừa bãi ra xung quanh, vào cả hướng bụi quít noi tôi đang nằm, may mà không trứng. Vết thương ra nhiều máu, tôi nằm lả, dần dần mê man chẳng còn biết gì xảy ra sau đó, quanh chỗ mình nằm nữa.

        Thấy thiểu tôi, anh em lo lắng đốt đuốc chia làm nhiều ngả đi tìm cùng khắp các bờ bụi. Lần đến bụi quít, nhìn tôi nằm bất tỉnh anh em liền cáng đưa tôi về đơn vị. Tưởng vết thương nặng tôi khó qua khỏi đơn vị vội chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng mai táng. Nhưng sáng hôm sau thấy tôi tỉnh dần, anh em hùa nhau đổ sữa, tôi lai tỉnh hơn. Có lẽ cái lả thiếp do tôi mất nhiều máu, sau này tôi nghĩ và tự buồn cười với mình là một phần còn do đói nữa.

        Từ đó anh em trong đội Danh dự rất thương tôi, tình thương ấy thật quý đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng cho bước đi sau đó. Thú thật sau lần bị thương này, sức khỏe giảm, con người trở nên kém năng nổ, hoạt bát, nên có phút tôi sinh bi quan. Sau trận chiến đấu đó, anh em càng thực sự tin mến tôi, trận đánh tiếp theo nào cũng muốn tôi đi cùng, mà đi thì lại tức thở người như lên cơn hen. Anh em lại động viên: Tụi tôi sẽ dìu anh Tư đi tới nơi, khi nào sát đồn, anh Tư cứ ngồi ngoài, để mặc tụi tôi xáp vô lo giải quyết. Nhưng nhiều trận, khi vào gần đồn, tự nhiên thấy người thanh thản, thở vào hít ra dễ dàng, bình thường như mọi người. Thế là tôi lại cùng anh em tham gia chiến đấu. Đánh thắng, khi hành quân trở về, căn bệnh tức thở lại như cũ. Nghĩ muốn khóc, song thấy như thế là làm mềm yếu tình cảm anh em nên tôi cố nhịn. (Mãi đến năm 1956, khi tập kết ra Bắc, được các chuyên gia y tế Liên Xô khám xác định đây là vết thương hiểm nghèo vì mảnh đạn chui vào phổi, đã chỉ định cần phải mổ ngay. Ca mổ thành công, lấy ra được một mảnh đạn to vừa bằng đầu ngón tay cái).

Vết thương mang đầy ắp kỷ niệm giáp trận những ngày đầu ấy nó đã dày vò cơ thể tôi một thời khiến tôi có lúc như một anh ấm đầu”, vui đấy, nhăn nhó, buồn phiền cũng liền đấy. Song cũng từ cái họa ấy - cái mảnh đạn nằm trong buồng phổi phải của tôi suốt chín năm ròng đã có lúc là “bạn đường” rất đáng tin cậy giúp tôi vượt khúc hiểm nghèo, tồn tại cho đến bây giờ để kể cùng bạn đọc một chặng đường dài đã cùng đồng đội chiến đấu.

-----------------
1. Như cây ruối ngoài Bắc nhưng có gai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 08:49:33 pm »

     
V

        Việt Minh không phải là “bóng ma” mà là một thực thể tồn tại bằng xương bằng thịt hẳn hoi.

        Đây chính là lời thú nhận của thực dân Pháp sau những ngày đầu phải trả giá khi tiến hành chiếm đóng, bình định tỉnh Khánh Hòa.
       
        Kẻ địch tìm mọi cách để tiêu diệt bằng được lực lượng vũ trang ta. Khánh Hòa lại bước vào một thử thách mới, phải đương đầu với một âm mưu thâm độc và tàn bạo của kẻ thù. Từ Xuân - Hè 1949, các vùng du kích nổi tiếng của những năm 1947-1948 ở Bắc Khánh và Nam Khánh đều bị địch lấn chiếm; chúng tăng cường càn quét đánh phá các làng ven rừng, đẩy cán bộ và lực lượng vũ trang ta lên núi, cắt đứt liên lạc giữa núi và làng, phong tỏa các căn cứ của ta; đồng thời chúng ráo riết thực hiện kế hoạch “dồn dân ngủ đồn”, kết hợp với rào làng để ngăn chặn “Việt Minh” đột nhập vận động dân chúng. Tất cả già trẻ, trai gái đều phải vào “nhà ngủ tập trung ở gần đồn”. Bộ máy kìm kẹp với những tên ác ôn cầm đầu cũng được dựng lên để khống chế nhân dân, hòng bắt cán bộ, triệt phá cơ sở cách mạng ở hạ tầng; địch đặt ra hệ thống hương lý mới, với những chức “hương lúa”, “hương gạo”  để kiểm soát lúa gạo, chặn đường tiếp tế của các lực lượng vũ trang và cán bộ ta.

        Vẫn chưa hết. Địch còn tổ chức các lực lượng chuyên đi lùng soát từng nhà; phục kích các đường hành lang đi lại của ta; lập vành đai trắng xung quanh các khu dân cư; bao vây nhằm vô hiệu hóa các căn cứ lõm của ta ở Hòn Hèo, Hòn Dữ, Hòn Lớn, Đồng Găng Đông Bồ. Riêng ở căn cứ Hòn Hèo đã có lúc địch huy động một lực lượng lớn hải quân và bộ binh tiến hành bao vây phong tỏa liền trong hai mươi mốt ngày đêm.

        Như các lực lượng kháng chiến nói chung, đội Danh dự chúng tôi cũng bị dồn vào một tình thế vô cùng khó khăn, rất có thể dẫn đến mất đất, mất dân. Vấn đề cơ bản và cũng là nóng hổi lúc ấy là phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng và tích lũy lực lượng mọi mặt, tạo điều kiện để đưa phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Chúng tôi được lệnh phải chuyển hướng hoạt động, phải luồn vào hậu địch, tuyên truyền giáo dục và tổ chức lực lượng quần chúng, phát động quần chúng đấu tranh bằng mọi hình thức; chỉ hoạt động quân sự khi nào thấy chắc thắng và có tác dụng hỗ trợ cho việc phá kìm, diệt ác ôn, giành dân.

        Đội Danh dự bước vào cuộc chiến đấu mới, phân tán từng tổ nhỏ âm thầm lặng lẽ vào từng thôn ấp, đến từng gia đình làm nhiệm vụ thăm hỏi, gợi chuyện, tuyên truyền giải đáp đến những thắc mắc rất cụ thể của từng người; thỉnh thoảng lại tổ chức những đợt táo bạo thọc sâu vào hậu địch, sát cạnh các đồn bốt thực hành vũ trang tuyên truyền, kết họp tổ chức diễn kịch, ca hát theo hình thức lửa trại thật chớp nhoáng, rồi bí mật rút nhanh đến một nơi khác. Những hoạt động như vậy đã giành thắng lợi không ngờ. Biệt tài của Lý Ba và Lê Nọ đã để lại trong các đêm diễn ấy một tiếng vang, nhân dân thì thán phục, còn bọn tề ngụy thì hoảng sợ. Lý Ba, người nhỏ con, có phép thôi miên và thu gọn người - người đã nhỏ càng nhỏ như một em bé vậy. Thoắt một cái Lý Ba đứng tấn để gồng thì người lại to, bụng phình, các bắp thịt, cánh tay nổi lên rõ thớ, rắn chắc, rất khỏe như lực sĩ, nom thật rất dữ dằn. Còn Sáu Nọ (tức Lê Nọ) ngoài những biệt tài giống như Lý Ba, còn giỏi võ thuật, có tài đón bắt ác ôn. Vừa biểu diễn vừa tiến hành tuyên truyền đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng cho những người đến xem. Uy tín, uy danh của đội Danh dự ngày càng vang xa. Trong hàng ngũ địch cũng lan truyền về chúng tôi có “phép thuật”. Một lần Lý Ba xuống vùng Phước Đa hoạt động. Ở đây, tên ấp trưởng thường nạt nộ, ức hiếp dân và cúc cung làm việc do Tây sai khiến. Vì thế dân chúng rất bất bình. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Lý Ba được giao nhiệm vụ cảnh cáo trấn áp tên ấp trưởng. Anh lọt vào nhà tên ấp trưởng ngay giữa ban ngày. Thấy tên ấp trưởng đang quát nạt một ông già ngồi ủ rũ trước mặt y, anh liền xưng danh:

        - Lý Ba đây!

        Nghe tên Lý Ba, tên ấp trưởng run bắn, nói không ra lời. Lý Ba xuống tấn, gồng, làm tên ấp trưởng càng hoảng sợ. Lý Ba thôi biểu diễn “phép thuật”, nghiêm khắc cảnh cáo những việc làm sai trái của tên ấp trưởng lần này cách mạng khoan hồng, nếu còn tái phạm thì phải chịu tội. Tên ấp trưởng mặt cắt không còn hột máu, hai tay vái lậy, cúi đầu nhận tội và hứa từ nay xin ăn năn... Sau vụ này uy danh của đội Danh dự càng được nhiều người biết đến. Bọn ác ôn có nhiều nợ máu đêm đến phải vô đồn ngủ, những tên tề khác thì bắt đầu chùn, không dám hung hăng như trước nữa.

        Bằng kết quả của những hoạt động vũ trang tuyên truyền bền bỉ liên tuc đội Danh dự đã cùng với cán bộ dân, chính, Đảng của tỉnh gây dựng nhiều cơ sở ở vùng sau lưng địch, làm thất bại đáng kể âm mưu tranh đất, giành dân của địch.

        Thắng lợi tuy chưa nhiều nhưng lại rất quan trọng. Đó là từ hoạt động ban đêm, chuyển sang làm chủ ban ngày, trước tiên ở các xã ven rừng. Quần chúng thoát khỏi sự kìm kẹp của địch đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng như đi dân công, tiếp tế, tải thương, đóng góp gạo tiền nuôi bộ đội.

        Những ngày hoạt động đầu tiên trên mảnh đất quê hương đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, tiếp tục ảnh hưởng trong suốt quá trình chiến đấu của mình.

        Với nhiệt tình của tuổi trẻ, được Đảng, cách mạng bồi dưỡng, chắp cánh, chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu bất chấp mọi khó khăn, thử thách, không nề hy sinh, từ tay không dám chống chọi và tìm cách đánh giặc bảo vệ quê hương. Quê hương - mảnh đất ruột thịt đã tiếp nguồn sữa nuôi chúng tôi khôn lớn, đùm bọc cho chúng tôi chiến đấu ngay giữa vòng vây quân thù. Có Đảng chỉ đường, có nhân dân che chở, chúng tôi đã tạo ra được cách hoạt động, cách đánh thích hợp. Trong cuộc chiến đấu đó tình đồng đội, đồng chí nảy nở, gắn bó với nhau. Chính những ngày đầu chiến đấu trong đội Danh dự trên mảnh đất quê hương đã cho tôi nhiều đáp số cho một hướng đi sau này.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM