Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:30:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhiệm vụ đặc biệt  (Đọc 42942 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 07:46:16 pm »

        Việc chuẩn bị thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 14 và Nghị quyết Bộ Chính trị “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới”, khi về phòng Đặc công Miền tôi mới dần dần biết ra nhưng công việc phải làm đã được trong này tiến hành rất sớm. Mọi công việc đã gần như đâu vào đó. Tập thể phòng Đặc công Miền đã quy tụ được những con người đảm đang, tháo vát, rất năng nổ với công việc cụ thể nhưng cũng có cái tầm nhìn xa. Có đến đây, có vào đây mới thấy hết mảnh đất miền Đông này hoàn toàn có quyền tự hào là cái “nôi” của phương thức tác chiến đặc công. Từ xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng và những cung cách làm ăn mới của bộ đội đặc công trong thời kỳ chống Mỹ đã được Bộ tư lệnh Miền chỉ thị sát sao, được tập thể phòng Đặc công Miền thực hiện một cách suôn sẻ và sáng tạo. Cho đến lúc ấy, các sư đoàn bộ binh 5, 7 và 9 đều có tổ chức một đại đội đặc công - lấy phiên hiệu thống nhất là C.100, sau phát triển thành tiểu đoàn cũng lấy phiên hiệu thống nhất là D.28, để tiện quản lý và chỉ huy chiến đấu độc lập hoặc hợp đồng binh chủng. Ngoài ra phòng còn trực tiếp nắm hai tiểu đoàn đặc công cơ động trực thuộc Miền, đảm đương nhiệm vụ độc lập hoặc nằm trong đội hình chiến dịch trên các hướng chủ yếu, tham gia đánh các trận then chốt.

        Từ tháng 5 năm 1967, Trung ương cục và Quân ủy Miền quyết định giải thể Quân khu VII và Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập sáu Phần khu  trực thuộc Bộ tư lệnh Miền để tiện việc tổ chức chỉ huy và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Mỗi Phân khu1(trừ Phân khu 6 nội đô) đều có từ 1-2 tiểu đoàn “mũi nhọn” được trang bị mạnh, được huấn luyện thêm về chiến thuật và kỹ thuật đặc công, làm nhiệm vụ tiếp ứng cho lực lượng nội đô đánh chiếm các mục tiêu đã định như sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu ngụy, dinh Độc Lập, đại sứ quán Mỹ, tổng nha cảnh sát, biệt khu thủ đô, đài phát thanh v.v... khi có lệnh. Để hỗ trợ cho hai lực lượng này làm nhiệm vụ, hai sư đoàn 9 (đứng chân ở Tây Ninh), sư đoàn 7 (đứng chân ở Lái Thiêu) sẽ bước vào chiến đấu phối hợp khi cần thiết.

        Việc phân chia như trên là để thực hiện năm phân khu theo năm hướng từ ngoài đánh vào, kết hợp cùng Phân khu 6 - với lực lượng trong tay có 11 đội biệt động làm nòng cốt, nổi dậy từ trong đánh ra, chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô.

        Tuy chưa được giải thích cụ thể nhưng bằng những việc chuẩn bị khẩn trương và hối hả, bằng việc tổ chức phân chia lại chiến trường chúng tôi tự phán đoán có lẽ Đông Nam Bộ được coi là hướng chính, trong đó Sài Gòn và vùng ven là nơi diễn ta các trận then chốt, quyết định. Nghĩ như thế tôi càng phấn hứng và tự hào được có mặt trên mảnh đất sắp sửa diễn ra trận bão lửa đầy ý nghĩa, góp phần làm chuyển biến thật rõ rệt về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Tôi bắt tay vào việc được phân công, nhanh chóng thích nghi hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Phòng Đặc công chúng tôi làm việc ăn ý, theo một định hướng thống nhất - tất cả vì phía trước, tất cả cho chiến thắng.

------------------
1. Sáu phân khu:
   - Phân khu 1,  bắc  Sài Gòn gồm Tây Ninh và các huyện Hóc Môn, Củ Chi.
   - Phân khu 2, tây Sài Gòn gồm các huyện tây - bắc Long An (Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Thủ, các quận 5, 6, 10, 11 của Sài Gòn).
   - Phân khu 3, tây - nam Sài Gòn gồm các huyện cần Đước, cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, huyện Nhà Bè và các quận 2,4,7,8 của Sài Gòn.
   - Phân khu 4, đỏng Sài Gòn gồm Biên Hòa và huyện Thủ Đức.
   - Phân khu 5, bắc Sài Gòn gồm Thủ Dầu Một và các huyện Lái Thiêu, Dĩ An.
   - Phân khu 6, gồm các quận nội thành Sài Gòn.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 07:53:09 pm »

     
III

        Đầu tháng chạp năm Đinh Mùi, anh Lê Đức Anh lại có điện xuống, lệnh cho tôi phải về gấp Bộ chỉ huy Miền có việc cần. Linh cảm như báo trước phải tạm xa nhau, các anh chỉ huy phòng Đặc công tổ chức một cuộc liên hoan gọn nhẹ, tinh thần là chủ yếu, gọi là để đánh dấu buổi hợp tan. Tuy mới sống bên nhau chưa được bao lâu, nhưng khi phải chia tay thi giữa người ở lại và tôi - người ra đi, đều tỏ ra quyến luyến pha chút bùi ngùi.

        Tôi đi trong không khí oi nồng của một cuộc hành quân mới được bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn cho bật đèn xanh thực hiện. Bầu trời, mặt đất Đông Nam Bộ đang rung lên bởi tiếng bom đạn và tiếng động cơ của máy bay các loại, tạo nên một âm thanh căng thẳng, nặng nề. Người phải trả giá cho thất bại sau hai cuộc phản công chiến lược mùa khô vừa qua là binh sĩ Mỹ và gia đình họ. Đối với tướng tá Mỹ ở cả Lầu năm góc chính quốc và Lầu năm góc phương Đông (chỉ Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Sài Gòn) thì đây là một canh bạc khát nước, cần phải gỡ. Thế là ngày đêm họ lao vào hoạch định một kế hoạch phản công mới một cách rất tự tin bởi số lính Mỹ từ chính quốc đưa sang chẳng những đủ bù số chết trận mà còn nâng tổng số lên đến nửa triệu (525.000 tên)1

        Cuộc hành quân “Hòn đá vàng” nằm trong khuôn khổ giai đoạn đầu của cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ ba do sư đoàn 25 Mỹ đảm trách đánh vào vùng Cà Tum, chiến khu c đã bắt đầu ngày 18 tháng 12 năm 1967 là một ví dụ nữa về sự bị động trong chỉ đạo chiến lược của Nhà trắng và Lầu năm góc. Đế quốc Mỹ vẫn chưa phát hiện được ý đồ chiến lược của ta, chưa biết rằng bão lửa đang sắp dội xuống đầu chúng.

        Tôi đang vừa đi vừa suy nghĩ thì trước mặt đã hiện ra nơi ở và làm việc của Bộ tư lệnh Miền.

        Hình như có sự chờ sẵn, thoáng thấy tôi, anh Lê Đức Anh đã ra cửa:

        - Vào nhà! - Anh siết chặt tay tôi - Khỏe không, quen đất miền Đông chưa?

        - Dạ! Đã ạ.

        - Cảm tưởng thế nào?

        - Dạ!...

        Tôi muốn báo cáo với anh về những ấn tượng đẹp đối với bạn bè đồng chí mà tôi đã gặp lại, về công tác mà tôi đã cùng các anh chỉ huy phòng Đặc công bàn bạc nhất trí, đang triển khai thực hiện, nhưng lúc này đây tôi muốn chờ đón mệnh lệnh anh giao, vi anh điện phải lên gấp mà! Anh chưa đi vào việc, cũng không thấy ở anh có biểu hiện gì là vội vã, khẩn trương.

        - Tình hình rồi đây sẽ sáng sủa - Anh mở đầu - vì ta đang ở thời điểm có thể làm ăn lớn... Ta cố gắng thì địch cũng không ngồi yên, nhất là kẻ địch mà chúng ta phải đối đầu lại rất thực dụng, có tiềm lực kinh tế và quốc phòng. Vấn đề là ai vững vàng, kiên định.

        Anh tin ở cấp dưới, tin ở tôi nhưng có lẽ anh vẫn cho rằng (điều này đúng) tôi mới vào chưa được thử thách thực tế, thì sự kiên định và vững vàng càng trở nên cần thiết. Không có ý chí mạnh, không có tư tưởng tiến công thì mọi tư duy quân sự khác sẽ vô nghĩa vì nó không có một nền tảng nào vững chắc để dựa cả.

        Anh nói ngắn mà chứa nhiều hàm ý. Tôi vẫn chăm chú đón nhận những điều anh căn dặn, thì bổng giọng anh trầm xuống đi thẳng vào vấn đề:

        - Bộ chỉ huy Miền đã thống nhất cử đồng chí xuống giữ chức tư lệnh phó Phân khu 3 - ngừng một lát, anh lệnh tiếp, ngắn gọn * Phải đi ngay bây giờ, không được chậm.

         Anh lấy trong cặp một phong bì nhỏ có đóng dấu đỏ tối mật ở chính giữa và ở các mép dán, đưa tôi. Thái độ vừa tin cậy nhưng nghiêm khắc, anh nói rành rọt từng tiếng:

        - Bộ chỉ huy Miền giao cho đồng chí cầm bản mệnh lệnh này - anh nhấn mạnh thêm - Phải giữ cẩn thận như vật bất ly thân xuống thẳng sở chỉ huy đưa tận tay cho anh Tư Thân (tức Huỳnh Công Thân) tư lệnh Phân khu và nhắc các anh dưới đó: đến giờ quy định mới được mở.

        Vừa phấn khởi tự hào, vừa xúc động , hai tay tôi run run đón nhận phong thư mật lệnh với một ý thức rất rõ về trọng trách trên giao. Lời căn dặn của đồng chí tham mưu trưởng Miền: đến giờ quy định mới được mở, đã nhắc nhở, thúc giục mạnh mẽ tôi hăm hở lên đường.

--------------
1. Số lính Mỹ ở miền Nam đến tháng 12-65 là 180.000; tháng 12-66 lẽn 389.000; đến tháng 12-67 là 480.000.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 07:56:00 pm »

        Ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi, từ nơi làm việc của anh Lê Đức Anh, tôi theo các đồng chí giao liên hướng dẫn xuống Phân khu 3 - còn gọi là mặt trận tây - nam Sài Gòn, gồm phần lớn địa bàn thuộc tỉnh Long An. Là đường hành lang chiến lược nối thông từ Trung ương cục với đồng bằng sông Cửu Long đến tận miệt rừng U Minh thấu tới Cà Mau - Năm Căn, vì thế mà Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn đã có cả âm mưu “bóp nghẹt” tối đa con đường này bằng tất cả phương tiện vũ khí hiện đại có trong tay. Và ta không có cách nào khác là phải chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, kể cả sự hy sinh để đi tới. Đi bằng nhỏ lẻ, âm thầm, luồn lách tránh mọi sự dò tìm vây bắt của quân thù; đi bằng các đơn vị họp thành đối đầu với quân địch, đánh địch, nhố đồn bót, phá vòng vây địch mà hướng tới. Con đường hành lang ấy vẫn sống, vẫn nối thông, chuyển động như một mạch máu trong cơ thể hoàn chỉnh của chiến trường B.2 trong suốt thời gian đánh Mỹ.

        Từ Bến Cầu (Tây Ninh) men theo hữu ngạn sông Vàm cỏ Đông xuôi hướng tây - nam, cứ xuyên màn đêm mà đi, mất đúng bốn đêm chúng tôi mới tới huyện Đức Huệ - địa bàn của tỉnh Long An. Từ đây quang cảnh mang dấu ấn đồng bằng Nam Bộ, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cắn tận chân mây, ngang dọc là những con kênh thẳng tắp, vạch thành các ô cờ đẹp mắt. Cũng từ đây, đoàn chúng tôi gồm bảy anh em đi trong không khí căng thẳng, ban ngày đề phòng “cán gáo”, đêm xuống là “pháo bầy tọa độ”, kèm theo muỗi, chét của vùng hoang cỏ lác. Càng xuôi về phía đông - nam, địa hình càng trống trải, phần lớn là đồng cỏ xen kẽ những vạt rừng tràm về mùa này vẫn còn xâm xấp nước, khó đi. Đêm thứ năm của cuộc hành trình, chúng tôi tới địa phận Đồng Tháp Mười. Một cảm xúc lâng lâng rộn lên trong tôi về cái địa danh thân quen mà hấp dẫn nay mới tận mắt nhìn thấy. Một luồng gió trong lành từ bốn hướng của cánh đồng vẫn dang còn ngập nước thổi nhẹ vào da thịt gây cảm giác dễ chịu xua vợi cái mệt nhọc sau nhiều đêm liên tục hành quân. Nói tới Đồng Tháp Mười là liên tưởng đến mùi thơm ngào ngạt quyến rũ của hoa sen, gợi cảnh trong trắng, thơ mộng nơi đây. Nhưng trước mắt tôi lại không hoàn toàn như thế, mà chỉ một màu nước bạc đơn điệu, một cánh đồng hoang vắng, vì Mỹ - ngụy đã coi nơi đây là một trong những vùng tự do bắn phá hủy diệt, khiến cảnh sắc càng thêm u tịch, tiêu điều.

        Thực tế cay nghiệt của Đồng Tháp Mười đã là mệnh lệnh nghiêm túc đối với chúng tôi. Tất cả hành lý đều được bọc gọn vào vải nhựa ni lông, vừa làm phao bơi khi nước ngập quá đầu; những giấy tờ, tài liệu được gói cẩn thận để sẵn sàng cho cuộc lặn lội đêm nay. Riêng tôi còn thêm việc kiểm tra và bọc thêm hai lần ni lông nữa ra ngoài cái phong thư mật lệnh của Bộ tư lệnh Miền để không bị ngấm nước, giữ sao cho còn khô nguyên, rõ chữ, đến tận tay đồng chí tư lệnh Phân khu 3.

        Mặt trời lặn, màn đêm buông nhanh, giờ phút của cuộc hành quân cắt qua cánh đồng đầy nước bắt đầu xuất phát từ vùng Ba Thu. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống đồng nước chua phèn thấy thoải mái, nước ngập đến đâu gây mát dịu đến đấy. Nhưng đi khoảng năm trăm mét, cái mệt xuất hiện, hai đầu gối mỏi rời bước đi nặng nề, chậm chạp vì nước cản, vì nông sâu khác nhau có chỗ nước chùm đầu gối, có quãng nước tới thắt lưng, có đoạn tụt hẫng nước ngập tới cổ. Cứ thế mà đi, đi trong yên lặng và căng thẳng, phần vì phải nghe ngóng động tĩnh, đề phòng trực thăng địch đi tuần đêm xả súng liên thanh xuống; phần vì phải thắng những đàn muỗi vàng vo vo bám quanh, những bầy đỉa thật to thấy động nước kéo đến... Vào khoảng 20 giờ, bầu trời cuối năm đen kịt, chẳng thấy đâu là bờ nữa, bốn bề chỉ nước là nước, thì có tiếng động cơ trực thăng từ phía Sài Gòn vọng lại. Tất cả vẫn rẽ nước mà đi, coi như không có gì xảy ra cả, vì nghĩ rằng đêm tối như thế này, máy bay địch có trông thấy gì đâu mà đề phòng. Tôi vội nhắc nhở: - Chú ý! Máy bay địch bay đêm vẫn có mắt đấy. Mắt của nó là bộ phận hồng ngoại tuyến.

        - Nó nhìn rõ ta? Một đồng chí đi cạnh hỏi.

        - Không nhìn rõ hình thù người cụ thể, nhưng nếu ta đi động là chúng biết liền - tôi giải thích.

        Nghe tôi nói có lý, mọi người im lặng, tiếp tục vừa đi vừa nghe ngóng.

        Tiếng ầm ì tắt dần, không gian trở lại im ắng, chỉ còn cái bát ngát mênh mông của một vùng đồng nước rộng lớn, đơn điệu như mặt biển cả không thấy đâu là bờ, thỉnh thoảng bắt gặp một doi cỏ, lác đác một ít cây tràm hoang dại, gầy còm, cong queo chi cao độ quá đầu người. Bỗng tiếng động cơ trực thăng lại ẩm ì vẫn từ phía Sài Gòn dội lại mỗi lúc một gần, tôi liền nhắc nhở mọi người chú ý đề phòng rồi quay mặt về hướng phát ra tiếng động. Khi thấy anh đèn sáng đỏ lập lòe nơi đầu máy bay, tôi kịp hô:

        - Tất cả đứng im tại chỗ, hạ thấp mình xuống!

        Quan sát một lượt, tôi thấy mọi người nghiêm chỉnh làm theo. Lúc này không có một vật nào đi động, tất cả chỉ còn như những cái chấm đen, cố định trên mặt nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 07:58:46 pm »

        Máy bay địch rẹt qua, rất thấp, tiếng nổ như xé trời, cánh quạt quay mạnh, gây mặt nước xao động, tạo thành lóp sóng mạnh như muốn xô đẩy chúng tôi, phải gắng không di động. Tôi căng thẳng theo dõi tiếng động của máy bay, hồi hộp chờ đợi nó vòng lại. Bởi vòng lại, có nghĩa là ta để lộ, địch phát hiện được mục tiêu, chúng sẽ bắn như đổ đạn xuống với một xác suất rất nhỏ và chỉ một mục tiêu trúng đạn, thế là địch đã đạt yêu cầu của chuyến đi ăn sương. Nhưng hồi hộp tan nhanh, tiếng động cơ máy bay xa dần, vòng rộng, theo đường số 4 trở về Sài Gòn.

        Tất cả đứng bật dậy, kèm theo là tiếng râm ran nói cười. Thắng lợi đã kích thích tinh thần, nâng bước chúng tôi quên cả mệt mỏi. Quầng sáng nơi cầu Bến Lức mỗi lúc một gần. Đêm nay là đêm thứ sáu của cuộc hành trình. Càng gần tới đích càng vất vả gian nan, phải bì bõm lội nước liền bốn tiếng đồng hồ, người thấm lạnh, da nhợt nhạt nhăn nheo. Khoảng 22 giờ chúng tôi mới tới điểm vượt đường số 4 chỉ cách Bến Lức hai cây số, nghe rõ tàu bo bo của địch đang tuần tiễu trên sông Vàm cỏ Đông. Dừng lại quan sát động tĩnh và kiểm tra lại hành lý, chúng tôi vượt nhanh qua lộ, đi về địa phận huyện Tân Trụ. Phải mất một tiếng đồng hồ nữa, tức là vừa đúng 23 giờ đêm 23 tháng Chạp năm Đinh Mùi tôi mới đến noi ở của anh Tư Chiến, tư lệnh phó Phân khu phụ trách hậu cần. Hôm sau 24 tháng Chạp, tôi đi thuyền gắn máy đuôi tôm xuống sở chỉ huy Phân khu 3, đặt ở nơi tiếp giáp giữa hai sông lớn Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

        Một người cao to, có nước da đen sạm với những nếp nhăn hằn trên hai má, đôi mắt thâm quầng (có lẽ vì ít ngủ), nhưng vẫn không làm mờ đi cái kiên nghị, lạc quan, người đó là anh Tư Thân1, là tư lệnh Phân khu. Phút đầu tiên gặp anh, đã xóa đi trong tôi cái trống trải, bâng khuâng khi đặt chân đến một chiến trường mới lạ. Tuy chưa gặp anh, nhưng được nghe nhiều đồng chí trên R (chỉ căn cứ, nơi đặt cơ quan Trung ương cục) nhắc đến anh với nhiều thiện cảm, khiến tôi thực sự mến anh, tin anh trước khi gặp anh hôm nay. Anh nằm vùng, bám trụ ở đất Long An suốt cuộc kháng chiến Chín năm, không đi tập kết, ở lại theo chỉ thị của Đảng, tổ chức lực lượng, cùng nhân dân tiếp tục tham gia chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày nay. Những gian khổ, thăng trầm không làm anh già trước tuổi mà trái lại vẫn hoạt bát, tinh nhanh, sôi nổi và nhiệt tình đối với công việc. Anh nói ít nhưng rất năng nổ, tháo vát trong chỉ đạo thực tiễn, tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân để đối mặt với kẻ thù xâm lược. Anh thuộc người, nhớ việc, được cấp dưới và quần chúng mến phục, tin theo.

        Xem xong giấy giới thiệu của anh Lê Đức Anh, anh nhìn tôi một cách thiện cảm rồi quay ra nói với các anh em trong Bộ tư lệnh Phân khu với những lời tốt đẹp về tôi, về Binh chủng Đặc công và đặc biệt về miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

        Người thứ hai tôi gặp là anh Chín Cần2, bí thư tỉnh ủy Long An, kiêm chính trị viên tỉnh đội, nay là chính ủy Phân khu 3. Anh người tầm thước sống hòa mình và rất chân tình. Anh quê ở Chợ Lớn nhưng gắn bó với Long An ngay từ những ngày đầu đánh Pháp (vì Chợ Lớn xưa thuộc tỉnh Long An). Anh Chín cần với anh Tư Thân quan hệ mật thiết, gắn bó như hình với bóng, cũng nằm vùng, bám trụ, trong suốt hai cuộc kháng chiến. Sau khi biểu dương sự có mặt của tôi ở chiến trường Long An lúc này là rất quý, anh chỉ thị cho tôi: Long An đã có lực lượng đặc công nhưng chiến đấu chưa nhiều, kinh nghiệm còn ít. Bây giờ anh Tư vô đây, người đã từng làm tham mưu phó đặc công, sẽ bổ sung được nhiều kinh nghiệm quý cho đặc công Long An chắc chắn chúng ta sẽ hoạt động đạt hiệu quả chiến đấu cao.

        Một cuộc hội ý trong Bộ tư lệnh Phân khu được tiến hành nhanh gọn. Tôi được phân công phụ trách tiểu đoàn bộ binh và một đại đội đặc công nước ra bám đường số 4 đoạn từ Bến Lức đến thị xã Tân An, có nhiệm vụ vừa canh giữ đường, giữ cầu và đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để cắt đường, phá cầu khi có lệnh...
         
-----------------
1. Tức Huỳnh Công Thân, nay là Thiếu tướng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

2. Tức Nguyễn Văn Chính, nay là ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lương thực.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:38:24 am »

       
IV

        Bốn ngày sau đó, tức là chiều 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi tôi lại được triệu tập về sở chỉ huy Phân khu để chờ giờ bóc phong thư mật lệnh, đón nhận nhiệm vụ cụ thể phải làm. Còn một giờ nữa mới mở lệnh. Chính nhờ cái thời gian đi quá chậm này, tôi mới có điều kiện định vị được sở chỉ huy của mình, nằm lọt giữa một hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nơi mà tàu thuyền của địch luôn luôn tuần tiễu, ruồng bắt. Vậy mà chẳng ai bận tâm đến cái thực tế gây cấn ấy, trái lại các anh vẫn lạc quan, bình thản trong cồng việc của mình. Khác chăng là ai nấy đều gọn nhẹ, có động là phân tán liền, không để lại một dấu vết khả nghi nào. Họp bàn thống nhất, phân công cụ thể rồi lại phân tán mỗi người một hướng, đến một vùng đã được phân công mà chỉ đạo phong trào, mà chỉ huy chiến đấu. Cái chu kỳ điều hành chỉ huy thích nghi với một chiến trường ở một vùng sông nước, sình lầy kế cận với Sài Gòn này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, gây thành nếp quen, thành phong cách. Sở chỉ huy cũng được hiểu theo một khái niệm rất nhậy hoạt như giọt thủy ngân trong nhiệt kế. Không nhà cửa, không bàn ghế, không địa danh cụ thể mà là nhạy biến, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc ở Đức Huệ, khi về Đức Hòa, lúc luồn sâu quanh Bến Lức, Tân An, có khi vượt đường số 4 xuống miệt Tân Trụ, Cần Đước chi chít sông ngòi, kênh rạch, phân tán từng người, khoét thân dừa nước mọc hai bên bờ sông nơi gặp của hai đầu sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây để ở theo kiểu luồn lạch chui lủi hết ngày này sang tháng khác. Có lúc tưởng chừng như không chịu nổi. Vậy mà các anh vẫn tồn tại, lạc quan, vẫn hoạt động theo các dự kiến đã vạch, bởi các anh có lòng dân ủng hộ - một thứ áo giáp, một loại trận địa vững chắc bảo vệ cho sự tồn tại của các anh. Không có dân thì chẳng có gì hết...

        Giờ mở lệnh đã đến! Lúc ấy khoảng 17 giờ ngày 30 Tết. Tim tôi đập nhanh và có lẽ các anh trong Bộ tư lệnh Phần khu cũng có chung tâm trạng như thế - đều hồi hộp dán mắt vào nơi tay anh Tư Thân đang run run bóc phong thư một cách lẹ làng, nâng niu.

        Phong thư mở! Một tờ pơ-luya màu trắng nhẹ mỏng hiện ra trước mắt mọi người.

        - Lệnh tiến công và nổi dậy bắt đầu vào ... giờ ngày 30 tháng 1 năm 1968 - Anh Tư Thân dõng dạc đọc rồi ngừng lại đưa mắt nhìn nhanh một lượt như muốn san sẻ niềm vui với cả Bộ tư lệnh; hai mắt anh nheo lại để khỏi phải dùng kính, giọng nhấn mạnh đọc tiếp - Trên toàn tuyến phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết tâm chiến đấu đã được R thông qua. Phải kịp thời báo cáo các diễn biến về R.

        Sự dồn nén của mong đợi có dịp bung ra. Mọi người nhẹ nhõm thở phào. Phấn khởi vì bao ngay chuẩn bị vất vả công phu nay được tiến hành. Nhưng cũng rất bất ngờ, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng trên cho khởi sự đúng vào thời điểm Tết cổ truyền của dân tộc.

        Anh Tư Thân, anh Chín Cần cười vui sảng khoái. Như để động viên củng cố lòng tin cho mọi người trước lúc lên đường anh Tư Thân nhấn mạnh: Địch càng bị bất ngờ. Theo tin tức từ cơ sở của ta báo, những ngày gần đây địch phán đoán ta đang chuẩn bị tấn công, nhưng chúng không tin ta đánh vào dịp Tết. Mặc dầu địch đã ra lệnh báo động toàn miền, hủy bỏ lệnh ngừng bắn trong dịp Tết, song lại chưa có sự chuẩn bị đối phó cụ thể. Ta cần khai thác triệt để yếu tô bất ngờ này, nhất là những giờ phút đầu của ngày N1, không được chệch choạc trước sau mà phải đồng loạt; không để địch rảnh tay ở nơi này tập trung lực lượng đôi phó ở nơi khác...

        Cuộc họp nghe phổ biến mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Miền diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ, nhưng ai nấy đều thông suốt tư tưởng, hiểu rõ nhiệm vụ vì mọi việc đã được chuẩn bị từ trước. Chúng tôi chia tay lên đường trở lại các hướng, các mũi mà mình được phân công ngay khi trời vẫn còn chạng vạng, xa xa về phía tây vẫn còn ửng hồng, báo hiệu mặt trời chưa lặn hẳn. Từ sở chỉ huy cơ bản, tôi trở lại vùng Bến Lức với nhiệm vụ được giao cụ thể hơn: Hỗ trợ nhân dân nổi dậy, đồng thời tổ chức lực lượng đánh địch ở quanh khu vực thị xã Tân An, cắt giao thông nhưng giữ cầu Bến Lức để chủ lực ta có thể tiến vào từ hướng nam hỗ trợ cho cuộc chiến đấu trong nội đô Sài Gòn khi có lệnh.

        Đêm 30 Tết ở đây không tối lắm. Trời đầy sao và quầng sáng từ các căn cứ của Mỹ ở Tân An, Bến Lức, Sài Gòn hắt lên một màu nhờ nhờ bàng bạc như ánh trăng. Càng về khuya cái yên tĩnh càng trùm lên khoảng không gian ít khi ngừng tiếng bom đạn này. Đã 12 giờ rồi! Năm Đinh Mão đang trôi qua, nhường lối cho năm Mậu Thân. Tiếng pháo cầm canh, tiếng động cơ của tàu bo bo của địch đi tuần tiễu trên sông Vàm cỏ Đông - đoạn Bến Lức đã tắt ngấm từ bao giờ. Tất cả đều im ắng. Còn vừa đúng sáu tiếng đồng hồ nữa là đến cái giờ G2; thiêng liêng, lịch sử. Chúng tôi liên tục so đồng hồ, ba cây kim vẫn đều đều quay vòng sao mà lúc này thấy lâu thế!

        Niềm vui của giây phút nghe anh Tư Thân đọc chiều qua lại được nhân lên trong buổi sáng nay - sáng ngày mồng Một Tết Mậu Thân (tức ngày 31 tháng 1 năm 1968). Trời chưa sáng rõ đã nghe tiếng súng nổ râm ran từ phía nội đô vọng lại và nghe tiếng hò reo dậy đất của quần chúng nổi dậy ở hướng nam, dọc hai bên đường số 4 từ Bến Lức xuôi về Tân An. Từ các xóm ấp, nhân dân kết thành đội ngũ, giương cờ, khẩu hiệu băng qua các canh đồng, các kênh rạch, sinh lầy lên các lộ lẻ, đổ vào lộ lớn mỗi lúc một đông thêm. Khí thế chẳng khác nào những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945 ở Ninh Hòa quê tôi...

----------------
1. Ngày N, là ngày thống nhất tiến công.

2. Giờ G, là giờ thống nhất nổ súng.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:45:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:39:58 am »

        Địch không kịp hiểu nổi về cái hiện tượng này. Mới hôm qua đây tất cả như chìm trong ách kìm kẹp của chúng, thì hôm nay tất cả đều bung ra, người mỗi lúc một đông, cờ, băng khẩu hiệu mỗi lúc một nhiều - kết vây thành biển người, phá bung bộ máy ngụy quyền ấp xã, vây các đồn bốt lẻ gọi loa kêu binh sĩ địch trở về với nhân dân, với cách mạng. Đoàn quân tay không đó bừng bừng khí thế tiến công tràn lên mặt đường số 4, vào sát thị xã Tân An, Bến Lức, khiến lính ngụy, lính Mỹ đóng ở dây trong tay có đủ súng đạn, có đủ hàng rào kẽm gai, bãi mìn vật cản dày đặc mà lại hoang mang, run sợ; cứ đứng trong đồn bót mà nhìn đội quân tay không đi qua trước mặt.
        
        Tôi cải trang giả dạng nông dân hòa vào đội quân quần chúng cách mạng lên đường số 4 quan sát. Cuộc nổi dậy của nhân dân có sự hỗ trợ củ^ đại đội đặc công nước đứng chân ở Bến Lức và tiểu đoàn bộ binh Đồng Nai sau khi tập kích vào thị xã Tân An rút về đứng chân ở Hưng Long, vừa giữ thế phía sau cho Phân khu, làm nhiệm vụ phong tỏa đường số 4 không cho địch tiếp viện vào Sài Gòn, tạo điều kiện cho các đơn vị ở hướng bắc của Phân khu đánh vào các mục tiêu đã định trong nội đô như kế hoạch đã vạch.

        Nếu ở hướng nam - chúng tôi đánh địch chủ yếu bằng sức mạnh của mũi nổi dậy của quần chúng, đã làm tê liệt, vô hiệu hóa các đồn bót địch, thực hiện chia cắt chiến trường, thì ở hướng bắc, mũi tiến công quân sự đã bắt đầu cuộc chiến đấu rất ác liệt ở ven đô, trước khi phát triển vào nội đô.

        Ở hướng chủ yếu này, theo sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Phân khu, năm tiểu đoàn bộ binh1, một tiểu đoàn đặc công, một tiểu đoàn pháo binh và một đại đội trinh sát đã ém sẵn ở Long Cang, Long Định, Long Sơn, Phước Vân (thuộc địa bàn huyện cần Đước, Tân Trụ), Phước Lại (Cần Giuộc). Đây là một việc làm thật công phu với bao khó khăn phải khắc phục, vì là vùng sát nách Sài Gòn, với hệ thống đồn bốt địch dày đặc, cùng bao sông ngòi, kênh rạch chi chít, đưa một lực lượng lớn vào ém sẩn ở vùng sâu này quả thật không đơn giản. Việc tổ chức ăn, ở cho một lực lượng người như thế đâu phải dễ dàng, hơn nữa trong điều kiện phải giữ bí mật cao độ. Bởi nếu bộ thì địch ở đây có thừa điều kiện mở các cuộc hành quân để vây hãm, sát thương ta trước khi ta tiến công chúng. Tất cả các khó khăn và các tình huống gây cấn đó đã được anh Tư Thân, anh Chín Cần cùng các anh khác trong Bộ tư lệnh Phân khu 3 bàn bạc đến từng chi tiết của giả định và có kế hoạch khắc phục cụ thể đến từng khía cạnh nhỏ, nên đã bảo đảm đưa toàn bộ lực lượng vào ém sẵn trước 10 ngày khi có lệnh tiến công trên toàn tuyến một cách an toàn. Theo ý định của Bộ chỉ huy Miền: Các đơn vị chủ lực của Phân khu 3 sẽ tiến vào Sài Gòn từ hướng nam, vượt qua các tuyến phòng thủ ven đô, đánh vào các mục tiêu Tổng nha cảnh sát, dinh Độc lập, đài phát thanh, cùng các Phân khu 1, 2, 4 và 5 hình thành thế tiến công Sài Gòn từ năm cánh, với phương thức là dùng các tiểu đoàn “mũi nhọn” phối họp với các lực lượng biệt động nội đô đánh chiếm các mục tiêu cùng các cơ sở cách mạng trong nội đô phát động quần chúng nổi dậy.

        Ngay từ lúc giờ G của ngày N bắt đầu, các tin tức chiến thắng, các bài học kinh nghiệm đã được các anh ở sở chỉ huy cơ bản của Phân khu thông báo kịp thời. Trong khi chúng tôi hỗ trợ nhân dân nổi dậy làm chủ thôn ấp, làm chủ đường số 4, thực hành phong tỏa con lộ này, thì ở hướng bắc, các đơn vị của Phân khu đã chia thành ba cánh đánh địch đạt nhiều hiệu quả:

        - Cánh thứ nhất, tiểu đoàn 2 Long An thọc vào Phú Định, đánh bật tiểu đoàn 33 biệt động quân về Phú Lâm, rồi phát triển theo đường Hậu Giang đến đường Dương Công Trừng, đánh lên chợ Thiếc gặp các cánh quân của Phân khu 2.

        - Cánh thứ hai, tiểu đoàn 1 của Long An đánh thọc lên quận 8 đến bắc cầu Nhị Thiên Đường. Địch từ quận 5, quận 6 dồn xuống ngăn chặn, Bộ tư lệnh Phân khu 3 kịp thời đưa tiểu đoàn Phú Lợi đánh ra Đa Phước giữ phía sau, bảo đảm cho tiểu đoàn 1 Long An thực hành phản kích bên trong.

        - Cánh thứ ba, tiểu đoàn 5 Nhà Bè tiến công Tân Quy (nam Xóm Chiếu) nhưng không vượt được sông vì bị địch từ Tân Thuận ra ngăn chặn...

        Cuộc chiến đấu diễn ra cực kỳ gay go và ác liệt, liên tục trong năm ngày đầu của cuộc tiến công. Các đơn vị của ta đã bất chấp mọi gian nan, nguy hiểm, đẩy địch lùi dần, tạo ra thế trụ bám ngay trong nội đô, (như khu vực chợ Thiếc, khu vực cầu Nhị Thiên Đường), đối mặt với lữ đoàn 5 thủy quân lục chiến và liên đoàn 5 biệt động quân - những lực lượng tổng trù bị tin cậy của quân đội ngụy Sài Gòn.

        Theo kế hoạch từ trong đánh ra phối hợp với ngoài đánh vào, ngay từ giờ phút đầu của cuộc tiến công, lực lượng đặc công - biệt động ém sẵn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng:

        2 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968, mười bảy chiến sĩ thuộc đội biệt động số 11 do Ngô Thành Vân chỉ huy tiến công Tòa đại sứ Mỹ bằng ba mũi, chiếm tầng một, đánh lùi ba đợt phản kích của địch. Mãi 9 giờ sáng, địch dùng trực thăng đổ bộ bọn cảnh sát quân sự từ sân thượng đánh xuống, ta buộc phải rút lui sau khi đã chiếm ngôi nhà này liền trong sáu giờ.

        Đội biệt động số 3 do Ba Thanh chỉ huy đánh dinh Độc Lập- Đội có 15 chiến sĩ (có một nữ) chia thành ba tổ đánh vào. Địch chống trả quyết liệt, ta rút ra trụ lại ở đường Nguyễn Du gần đó chiến đấu suốt ngày 31 tháng 1.
       
        - Đội biệt động số 4 do Tư Tăng chỉ huy gồm 12 chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chiếm (sau đó được lệnh phá) đài phát thanh Sài Gòn.

        - Đội biệt động số 67 có sự hỗ trợ của tiểu đoàn “mũi nhọn” số đánh vào khu vực Bộ tổng tham mưu ngụy; đánh địch phản kích quyết liệt suốt hai ngày đêm ở khu vực này.

        Sự dũng cảm và trí thông minh tuyệt với của các chiến sĩ đặc công - biệt động nội đô được thông báo kịp thời xuống Phân khu ngay lúc đó, đẫ khích lệ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tiếp sau trên hướng tiến công phía nam: đánh cầu Bến Lức và chốt giữ cầu chữ Y liên tục trong 15 ngày liền, góp phần vào chiến thắng mùa xuân 1968.

----------------
1. Phiên hiệu năm tiểu đoàn bộ binh là:
        - Tiểu đoàn 1, 2 Long An.
        - Tiểu đoàn 5 Nhà Bè.
        - Tiểu đoàn Phú Lợi.
        - Tiểu đoàn Đồng Nai.

« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:45:14 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:47:36 am »

       
V

        Tháng 5 đã đến.

        Tháng mở đầu đợt hai của cuộc tiến công và nổi dậy. Cũng như các Phân khu 1, 2, 4, 5 là xốc lại đội hình, tiếp tục tổ chức tiến công về hướng nội đô Sài Gòn, Phân khu 3 còn có thêm nhiệm vụ: đánh sập cầu Bến Lức,

        Cầu Bến Lức dài 720 mét vắt qua sông Vàm cỏ Đông, cách Sài Gòn khoảng 32 cây số về phía tây - nam. Đây là một trong sô những cây cầu lớn nhất trên chiến trường miền Nam, đứng sau cầu xa lộ Biên Hòa, nhưng là cầu lớn nhất trên đường số 4 - một quốc lộ duy nhất nối thông Sài Gòn với vùng lúa gạo tây Nam Bộ xuống tận miệt Cà Mau - Năm Căn.

        Chính vì cây cầu có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng như thế nên địch rất chú ý đến việc phòng thủ bảo vệ nó như một cứ điểm chủ yếu trong chiến lược phòng thủ diện địa của quân ngụy Sài Gòn. Ở đây thường xuyên có một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 50, sư đoàn 25 ngụy làm nhiệm vụ canh gác suốt ngày đêm. Trên mặt cầu về ban đêm thường có một trung đội đi tuần tiễu, lùng sục, phát hiện và có xe bọc thép chạy qua lại yểm trợ, có pháo 37 ly bắn dọc hai bên bờ sông để tăng cường sự kiểm soát của chúng vào ban đêm; đồng thời Mỹ còn đặt trận địa pháo 175 ly để với tầm kiểm soát thật xa. Phía dưới mỗi chân cầu, đều có một tiểu đội thường trực canh gác, đặc biệt về đêm mỗi chân cầu địch còn neo từ 1 - 3 tàu, xuồng (không thành quy luật) chạy tuần tra xung quanh. Riêng chân cầu bê tông thứ hai từ phía nam cầu được chúng đặc biệt chú ý. Đây là chân cầu bằng sắt đã bị ta đánh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nằm ngay giữa dòng nước xoáy rất thuận tiện cho ta tiếp cận. Địch rào kẽm gai xung quanh, cách xa chân cầu khoảng từ 3-5 mét. Một hệ thống trên 500 ngọn đèn điện bóng tròn và ống kết dày đặc làm sáng rực một khúc sông mỗi khi đêm về, kết hợp với dùng người nhái để kiểm tra các chân cầu và đề phòng ta tiếp cận. Có khoảng 10-14 tàu thường trực cùng với hàng chục ghe, xuồng máy chạy qua chạy lại suốt ngày đêm làm nhiệm vụ lùng sục, bảo vệ cầu. Hai bên sông cách cầu từ 500-700 mét, địch bố trí một loạt tháp canh (lực lượng mỗi tháp canh cỡ khoảng một tiểu đội) làm nhiệm vụ canh gác, tuần phục. Ban đêm chúng bắn xôi xả (kể cả lựu đạn và súng phóng lựu M.79) dọc theo hai bờ sông và dưới chân cầu. Những đêm tối trời địch dùng máy bay trực thăng thả pháo soi hai bên cầu. Ngoài hệ thống phòng thủ cẩn mật tại chỗ, địch còn cài cắm bọn bình định ác ôn, mật vụ, thám báo nằm rải rác trong các ấp chiến lược hai bên bờ sông để dò la, phát hiện ta từ xa.

        Để bảo vệ chắc chắn, địch còn thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân càn quét với lực lượng từ một đại đội đến một tiểu đoàn bằng tàu xuồng, hoặc bằng trực thăng dọc theo ven sông thuộc các huyện Bến Thủ, Tân Trụ, Cần Đước; đặc biệt từ 26 tháng 6 (là thời điểm cuối cùng ta chuẩn bị đánh cầu Bến Lức) địch mở nhiều cuộc phản kích lớn vào hậu cứ ta ở ven đường số 4, ven sông Vàm cỏ Đông, tăng thêm cho Bến Lức một tiểu đoàn pháo cỡ lớn và nhiều xe tăng, xe bọc thép đề phòng ta tiến công, giữ cho được đầu cầu này để tiến hành đánh phá tây - nam Sài Gòn.

        Đánh sập cầu Bến Lức không chỉ là yêu cầu của bản thân Phân khu 3, mà còn góp phần hỗ trợ các phân khu bạn triển khai tiến hành đợt hai của cuộc tiến công và nổi dậy.

        Không thấy có gì phải hỏi thêm vì mục tiêu thật gọn - chỉ một cây cầu nằm độc lập; vì nhiệm vụ cũng thật rõ - đánh sập cầu. Điều khiến tôi phải suy nghĩ sau khi được anh Tư Thân giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận đánh, là làm thế nào hoàn thành được nhiệm vụ. Vì cây cầu này hồi tháng 3, ta đã tổ chức đánh nhưng không thành công chỉ hỏng nặng, một tuần lễ sau đó địch đã chữa ngay, việc lưu thông trở lại bình thường. Như vậy chắc chắn là sau trận này chúng sẽ tăng cường bố phòng, canh gác cẩn mật hơn.

        Một điều nữa không thể bỏ qua, sau đòn choáng váng của cuộc tiến công và nổi dậy của ta trong đợt một, địch rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại lực lượng để, một mặt tăng cường phòng thủ nội đô, mặt khác tổ chức các cuộc phản kích ở vùng ven đô với lực lượng hỗn hợp Mỹ - ngụy Sài Gòn. Nguyễn Văn Thiệu đã tung bốn tiểu đoàn thuộc lực lượng dự bị chiến lược làm nhiệm vụ phòng thủ vòng trong ra cùng với lữ đoàn 199 độc lập và lữ đoàn 3 sư đoàn 25 Mỹ tiến hành phản kích ác liệt ở phía nam Sài Gòn thuộc địa bàn Phân khu 3. Chúng còn sử dụng cả máy bay B.52 thả bom rải thảm xuống vùng hạ Cần Giuộc và các vùng cặp hai bên sông Vàm cỏ Đông (Đức Huệ, Bến Lức). Tình hình căng thẳng này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị trận đánh. Nếu không suy tính cẩn thận, kế hoạch không tỉ mỉ sát sao thi chúng tôi rất có thể sẽ bị thương vong trước khi triển khai lực lượng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:49:34 am »

        Đêm đầu tiên sau khi nhận sự phân công của Bộ tư lệnh Phân khu 3, tôi cứ đắm mình trong những suy nghĩ miên man. Nghĩ về ý kiến của các anh trong Bộ tư lệnh Binh chủng trao cho trước lúc lên đường - vào trong đó cố tạo điều kiện được trực tiếp tham gia chiến đấu, nhất là được dự các trận đánh then chốt, qua đó mà tổng kết rút kinh nghiệm gửi ra Binh chủng; nghĩ về lòng tin của tổ chức, của các anh Tư Thân, Chín Cần và các anh trong Bộ tư lệnh Phân khu đã gửi gắm: Đánh lần này cần phải sập cầu, làm như thế nào thì do anh Tư quyết định - rồi các anh siết chặt tay tôi nhấn mạnh - phải chuẩn bị chắc ăn, nghe. Cả Phân khu dõi tin trận đánh đó!

        Thái độ thân tình, tôn trọng trong khi các anh giao nhiệm vụ đã khích lệ tôi. Khí thế lạc quan của cán bộ chiến sĩ chấp nhận đi vào đợt hai của cuộc chiến đấu đã thực sự giục giã tôi. Và chính trong tôi lúc này cũng ý thức đầy đủ về nhiệm vụ được giao có quan hệ phối hợp với mặt trận hướng bắc của phân khu đang sắp bước vào thời kỳ sôi động.

        Chứng tôi nêu vần đề trao đổi trong cán bộ, tập trung vào ba việc chính:

        - Phải tổ chức điều nghiên như thế nào vừa bảo đảm bí mật, an toàn lại đạt hiệu quả cao.

        - Phải cần bao nhiêu lượng nổ, cách đóng gói như thế nào để bảo đảm kỹ thuật, đưa được trái vào mục tiêu.

        - Phương án thực hành đánh sập cầu theo kiểu nào là chắc ăn, không mắc phải khuyết điểm như lần đánh trước đó.

        Cả ba vấn đề thuộc nội dung quyết tâm của trận đánh có quan hệ mật thiết với nhau, không thể nặng nhẹ mặt nào, nhưng việc đầu tiên là phải tổ chức điều nghiên nắm địch thật vững đã.

        Huyện ủy Tân Trụ và chi ủy Bình Nhựt (xã có cầu Bến Lức) đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc tìm nơi ăn, ở và nắm hiểu tình hình địch. Đặc biệt là ban binh vận huyện thông qua cơ sở nội tuyến cài cắm trong quân đội ngụy đã cung cấp cho chúng tôi khá tỉ mỉ và chính xác về hệ thống phòng thủ vòng trong của địch, đặc biệt là quanh khu vực cầu Bến Lức. Đó là những căn cứ không thể thiếu để chúng tôi triển khai công việc chuẩn bị cho trận đánh. Nhưng nó vẫn không thể thay thế việc mình phải trực tiếp nhìn thấy, sờ thấy mục tiêu, nơi mình có nhiệm vụ đến. Một việc làm mà sau này các đồng chí ở bộ phận nghiên cứu tổng kết đã đặt cho nó một thuật ngữ - phương pháp điều nghiên trực quan. Không có điều nghiên trực quan thì không có chiến đấu. Quan hệ gắn bó này được rút ra từ thực tiễn để trở thành một trong những nguyên tắc Cơ bản của phương thức tác chiến đặc công. Ngày 15 tháng 5 năm 1968, giai đoạn điều nghiên bắt đầu được triển khai. Với đặc công, điều nghiên là chiến đấu, trực tiếp tiếp xúc với địch, vì vậy công tác chuẩn bị phải thật chu đáo cả về tư tưởng và tổ chức. Khoảng 20 giờ cùng ngày, từ một địa điểm cách cầu hơn một cây số về phía hạ lưu, tổ ba người đã sẵn sàng nhận lệnh. Họ ở trần mặc quần áo lót chẽn thân mang dáng dấp người nhái. Không có trang bị gì phức tạp ngoài dây bảo hiểm và vòng cổ mỗi người có đeo một “máy” thở thô sơ.

        Đêm hạ tuần, trăng và sao đều bị khuất bởi những đám mây dày đặc phủ kín một góc trời tự bao giờ. Nhưng ánh sáng các loại đèn phòng thủ từ cầu Bến Lức hắt đến vẫn nhìn rõ gương mặt từng người sắp sửa ra đi. Giờ xuất phát không yên tĩnh. Một quả đạn cối 82 ly từ đâu bay tới gần vị trí xuất quân và tiêng súng từ Bến Lức bỗng rộ lên. Rồi đạn pháo cực nhanh bay vèo vèo qua đầu, tiếp theo là những tiếng nổ dậy đất từ phía Đức Hòa, Ba Thu dội về. Không một ai tỏ vẻ hốt hoảng. Tôi rất yên tâm và rất tin về những người đồng đội của mình, mặc dù số anh em cùng tôi làm nhiệm vụ trong trận đánh chưa quen nhau. Các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phần lớn đều từ hải quân chuyển sang, được huấn luyện kỹ thuật đặc công nước và bổ sung vào chiến trường cuối năm 1966. Tất cả đều trẻ, hăng hái, nhiệt tình, đã qua các trận đánh cầu Dầu Tiếng, cầu Bình Điền, cầu Cần Giuộc, cầu ông Thìn, v.v...

        Đêm thứ nhất của đợt điều nghiên là nắm tình hình khu vực cầu. Tổ đã phát hiện địch có thay đổi một số về bố phòng dưới sông so với lần đánh cầu đợt trước. Chúng tăng thêm xuồng máy tuần tra, đặt thêm một bót gác cách cầu 800 mét; cỏ lác bên bờ sông phía nam (đường dự kiến tiếp cận) bị phá sạch, hàng rào kẽm gai được củng cố lại và làm rộng ra năm mét. Đèn đặt ở trụ cầu bê tông và mố cầu được tăng thêm, tàu chạy xa cầu hơn và không thành quy luật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:51:10 am »

        Nhiệm vụ điều nghiên của đêm thứ hai là tiếp tục nghiên cứu đường chuyển trái vào, quy luật tàu xuồng máy chạy, quy luật canh gác dưới chân cầu. Nhưng khi đến chân cầu bê tông thì gặp một xuồng máy địch chạy ngang qua, đuôi tàu vướng vào dây bảo hiểm, bọn địch trên xuồng liền phản ứng bắn súng báo động cho toàn căn cứ. Thấy tình hình không bảo đảm an toàn, tổ điều nghiên nhanh chóng rút khỏi vòng nguy hiểm, trở về căn cứ. Trong khi đó địch hết sức hoang mang, chúng bắn bừa bãi các loại đạn xuống nước, đèn pha chiếu khắp nơi, tàu và xuồng máy chạy tuần tiễu quanh các chân cầu suốt đêm. Hướng tiếp cận bị lộ, từ đó về sau địch rất chú ý phía nam cầu (thuộc huyện Tân Trụ), càng ra sức tuần phòng nghiêm ngặt hơn. Như vậy là công tác điều nghiên chưa hoàn thành. Hướng tiếp cận từ ngoài biển vào không sử dụng được. Tình hình trở nên khó khăn.

        Tạm đình hoãn việc điều nghiên một vài ngày cho tình hình trở lại bình thường. Đêm 29 tháng 5, công việc nắm địch lại được tiếp tục. Lần này chúng tôi quyết định toàn đơn vị vượt lộ 4 rời Tân Trụ sang Bến Thủ để đổi hướng tiềm nhập. Đêm thứ ba, do kịp thời chuyển hướng nên việc điều nghiên đạt kết quả tốt. Nói chung hệ thống phòng thủ ở hướng Bến Thủ giống như Tân Trụ, chỉ khác là địch tại đây có phần chủ quan hơn.

        Cùng với việc điều nghiên, câu hỏi đặt ra từ đầu là lượng nổ cần cho việc hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vấn đề phức tạp, có quan hệ đến thành bại của trận đánh mang ý nghĩa then chốt; không thể trả lời một cách giản đơn, võ đoán được, mà cần phải có sự tính toán khoa học phù hợp với thực tiễn. Một cuộc họp trao đổi để tìm “thông số” kỹ thuật đã được tổ chức gấp tại một địa điểm ngay bờ nam sông Vàm cỏ Đông (thuộc địa phận huyện Bến Thủ) cách Bến Lức chừng khoảng ba cây sô. Không khí cuộc “hội thảo” diễn ra rất sôi nổi và đầy hào hứng, bởi ai cũng ý thức được tính nghiêm túc của vấn đề.

        Thật xúc động biết bao khi có dịp ngắm nhìn gương mặt các chiến sĩ sắp đi vào trận đánh. Tuổi đời mới trên dưới hai mươi mà ai nấy đều già dặn với đường nét, dáng vẻ của những người đã có chiều dày từng trải, chín chắn trong suy nghĩ, thận trọng trong hành động. Nước da mỗi người vẫn còn đậm màu xanh sạm của nắng gió Trường Sơn, của những năm tháng sống cùng muỗi, vắt rừng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhưng trong .khóe mắt của hơn hai mươi người con quê ở miền Bắc hiện đang đứng trong thế trận tây - nam Sài Gòn vẫn ngời trong, luôn hướng về cái đích sáng lạn để đi tới.

        Tôi chăm chú lắng nghe và chắt chiu từng khía cạnh nhỏ những ý kiến của mỗi người vì đây là những kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu trong đó có mồ hôi và máu của đồng đội để lại, chứ hoàn toàn không chút cảm tính, sách vở nữa. Quyết tâm chiến đấu là cả một quá trình chuẩn bị, cân nhắc của người chỉ huy nhưng chỉ khi nào quyết tâm đó được mọi người đóng góp, trên dưới đồng lòng, mới trở thành yếu tố sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Sau khi biểu dương những ý kiến đóng góp của anh em, tôi nói tiếp: Bến Lức được xem như một kiểu loại căn cứ liên hợp quân sự thu nhỏ của Mỹ - ngụy ở miền Nam. Ở đây địch tập trung nhiều sắc lính, nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh, được kết đan thành một hệ thống phòng thủ cẩn mật nhiều tầng nhiều lớp, để không những bảo vệ cây cầu mà còn làm nhiệm vụ một căn cứ khởi xuất các cuộc hành quân đánh phá cơ sở của ta, kìm kẹp nhân dân quanh vùng. Vì vậy theo tôi, công thức tính lượng nổ cho trận đánh này phải thỏa mãn cả hai yêu cầu: Đánh sập cầu Bến Lức, đồng thời diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh ở quanh khu vực cầu, góp phần phá bung một điểm tựa chủ yếu trong hệ thống phòng thủ vành ngoài của địch ở tây - nam Sài Gòn. Như thế là ta làm theo kiểu một công đôi ba việc...

        - Vậy lượng nổ bao nhiêu ký (ki-lô-gam) thì đủ, anh Tư? - Một đồng chí cán sự huyện Bến Thủ cùng dự họp, sốt ruột hỏi.

        - Một ngàn ký. - Tôi trả lời.

        Hầu hết những người dự họp đều tròn xoe mắt nhìn tôi. Thông cảm được sự ngạc nhiên của mọi người, tôi nói tiếp: Phải dùng một lượng nổ như vậy. Tiết kiệm để đánh lâu dài là đúng nhưng khi cần cũng phải dám đánh lớn. Ở chiên dịch Điện Biên Phủ ta đã dùng trái nổ ngàn ký để đánh cứ điểm đồi Al. Chỉ khác là hồi đó ta đào hầm để đưa trái nổ cỡ bự đó vô đánh sập căn cứ địch; còn bây giờ ta dùng trái nổ đi theo đường sông, đưa vô đúng cái trụ cầu mà ta định đánh trong điều kiện địch bố phòng cẩn mật...

        Khi chúng tôi đã tìm ra công thức về lượng nổ thì thuốc nổ TNT dự trữ của Phân khu 3 đã cạn vì đã huy động phục vụ cho đợt một và đợt hai của cuộc tiến công và nổi dậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 04:53:18 am »

        Vì ý nghĩa quan trọng của trận đánh nằm trong khuôn khổ của đợt hai của cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn khu vực Sài Gòn, nên Bộ tư lệnh Phân khu 3 không thay đổi quyết tâm. Anh Tư Thân, anh Chín cần từ sở chỉ huy cơ bản gửi thư động viên tôi ráng chờ, sẽ có đủ lượng thuốc mà anh Tư cần. Hãy động viên anh em giữ vững quyết tâm.

        Thế là một “chiến dịch” vận chuyển thuốc nổ được triển khai sau đó. Một đội quân gồm mấy chục con người nai nịt gọn gàng âm thầm luồn qua đồn bót địch, băng qua Đồng Tháp Mười lên tận vùng giáp biên Ba Thu (Đức Huệ) để vận chuyển thuốc nổ về.

        Ngày các anh trong đội quân vận chuyển nhận lệnh lên đường cũng là ngày chúng tôi thấp thỏm mong chờ, nôn nao tính đến từng giờ. Và khi được thông báo ngày các anh về thì ai nấy đều hồi hộp không sao ngủ được, cứ thức hoài mong ngóng.

        Phút đầu tiên gặp nhau thật xúc động không nói nên lời. Cả người tiếp nhận và người vận chuyển đều nhìn nhau trong im lặng - cái im lặng chất chứa những lo toan, những thương cảm về nhau. Trong ánh sáng đèn pha từ cầu Bển Lức hắt tới, tôi nhìn rõ đồng chí đội trưởng đội vận chuyển dáng người thấp đậm, hai má tóp gày.

        - Thuốc nhồi trái đủ rồi đó, anh Tư. - Vừa nói anh vừa nâng hai tay đưa tôi gói thuốc nổ nặng cỡ mười ký, được gói bằng ni lông rất cản thận đề phòng thấm nước.

        Đón nhận gói thuốc nổ vuông vắn từ tay anh, tôi không sao cầm được nước mắt! Bởi chuyển đưa được về đây chỉ một ký thôi đâu có đơn giản? Con đường mà các anh đi qua là con đường máu, đã có biết bao nhiều đồng đội của chúng ta ngã xuống trên đường tiến xuống chi viện cho chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Con đường ấy giờ đây, sau đợt một của cuộc tiến công và nổi dậy, Mỹ ngụy đã gia tăng đánh phá với mức ác liệt hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Dọc vùng giáp biên (Đức Huệ - Kiến Tường) nơi các anh đến nhận thuốc nhồi trái TNT đang bị máy bay Mỹ quần đảo, trút bừa bãi hàng tấn bom nổ chậm, bom từ trường; đêm đến pháo bầy thi nhau giội theo tọa độ trực thăng thay phiên nhau rõi đèn, đánh phá hành lang, nhằm chia cắt thế trận liên hoàn giữa các phân khu của ta bao quanh Sài Gòn, ngăn chặn lực lượng từ R xuống chi viện cho mặt trận tây - nam Sài Gòn. Không nâng niu, không trân trọng sao được khi được biết những ký thuốc nổ này đã nhuộm máu đồng đội mình, với ý thức thật đẹp - bảo đảm thuốc đến tận tay chúng tôi, góp phần vào thắng lợi trong trận đánh tới.

        - Xin thành thật cám ơn những anh em còn sống và kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn những người ngã xuống để cho chúng tôi có sức mạnh bước vào trận chiến đấu mới.

        Tôi đã nói tự đáy lòng những suy nghĩ cảm xúc của mình khi đón nhận gói thuốc nổ từ tay đồng chí đội trưởng vận chuyển.

        Đồng chí đội trưởng trở nên lúng túng, giọng run run cảm động:

        - Trách nhiệm chung mà, anh Tư!

        Cùng lúc mọi công tác chuẩn bị cho bao gói, kết trái đã được song song tiến hành như vải, nilông che mưa, dây thừng, dây gân, ruột xe hơi; quan hệ với địa phương để mượn ghe, xuồng, xin tre, búp dừa để chằng buộc, làm phao và ngụy trang...

        Khi nhận hết lượng nổ, chúng tôi có đủ điều kiện bước vào triển khai đóng gói. Mỗi công việc chuẩn bị cho trận đánh giữa vòng vây của quân thù đều có những nội dung phong phú với tất cả tính phức tạp của nó. Việc vận chuyển lượng nổ về tới đây được xem như một cuộc chiến đấu đòi hỏi phải trả giá bằng máu xương, thì việc biến khối thuốc nổ đó thành một trái nổ cũng không thể làm theo con số cộng đơn thuần, muốn đóng gói theo hình thù nào cũng được. Một trọng lượng lớn như thế, khi thả xuống, yêu cầu chỉ là là chìm cách mặt nước khoảng hai mươi phân. Nổi không được, như thế sẽ lộ. Nhưng nếu tính toán không kỹ, kết cấu không đúng kỹ thuật thì cả khối thuốc thả xuống Sẽ tức khắc chìm xuống đáy sông, dẫn đến một thất bại kép: không phá sập được cầu và mất toi cả ngàn ký thuốc!

        Do tính toán chuẩn bị trước, nên khi thuốc về là bộ phận đóng gói kết thành nhiều trái nhỏ, rồi kết lại với nhau thành một trái lớn, được bao bọc bởi ba lóp vải, một lớp nilông. Hai trăm kíp nổ thường, được gói xen vào các lớp thuốc TNT để làm kíp phụ. Riêng trái nổ mồi nặng 20 ký có gắn sáu kíp hóa học loại hẹn giờ.

        Trong khi tính toán thiết kế trái, chúng tôi có chú ý tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa đỡ phức tạp vừa ngụy trang họp với địa hình. Chẳng hạn, dùng nẹp tre để kết trái lớn, buộc bằng dây gân; dùng vải nilông để kết trái nhỏ và buộc bằng dây thừng; dùng búp dừa nước kết thành hình chữ nhật buộc hai bên trái làm phao nâng, có tác dụng ngụy trang khi trái theo dòng chảy vào trụ cầu; hai đầu trái thì dùng phao nâng bằng hai ruột xe ô tô loại lớn; phía trên mặt cũng dùng một khối búp dừa nước kết thành hình mái nhà để thu nhỏ mục tiêu khi đưa trái xuống nước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM