Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:09:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhiệm vụ đặc biệt  (Đọc 42923 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:13:46 pm »

        Chú Oanh trố mắt nhìn tôi nửa như ngờ vực, nửa như khẳng định lời tôi nói là đúng. Chả là như trên đã kể cùng bạn đọc, trong Đội Cảm tử của chúng tôi hồi đánh Pháp có Lý Ba và Sáu Nọ là hai chiến sĩ đã từng làm quân địch bạt vía kinh hồn về tài võ nghệ của mình, tiếng đồn lan nhanh ra khắp vùng Bắc Khánh, vào sâu trong vùng địch hậu, nến bây giờ câu nói vui của tôi khiến chú Oanh nửa tin nửa ngờ là có lý lắm.

        Tạm biệt gia đình chú Oanh, tôi băng qua các cánh đồng xuống thấu Hòn Hèo - nơi đã từng là căn cứ kháng chiến nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, noi đã gắn bó cuộc đời chiến đấu của tôi với bao kỷ niệm vui buồn trong suốt giai đoạn đánh Pháp. Lúc này đã là ba giờ sáng, tiếng gà gáy lần thứ nhất từ các thôn xom vọng về, nghe như có cái gì ấm cúng và thôi thúc. Tôi nằm luôn xuống nền đất rừng, chân tay duỗi thẳng, gấn cốt giãn kêu, người thấy thoải mái. Nhưng không sao ngủ được, bởi bao dự tính cứ bộn bề kéo đến. Hòn Hèo với địa thể hiểm trở đủ sức chở che cho tôi tồn tại; cây trái và củ rừng noi đây đủ dự trữ nuôi tôi không phải .một năm mà nhiều năm. Nhưng như vậy hỏi còn có ý nghĩa gì? Chỉ thị của Đảng, mệnh lệnh của quân đội và bản lĩnh người chiến sĩ đặc công đâu chỉ đòi hỏi tôi có thế. Nhiệm vụ trở lại của chúng tôi là phải xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng vũ trang - đặc công, để sau hai năm nếu Mỹ - Diệm chống lại hiệp thương tổng tuyển cử là ta đã có lực lượng ém sẵn làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Riêng tôi còn được giao thêm công việc làm “con thoi” mang báo cáo phong trào mọi mặt của tỉnh ủy Khánh Hòa ra để vào hòm thư “chết” của Trung ương đặt ở khu giới tuyến, tức ngoài Quảng Trị và nhận ở đó những chỉ thị của Trung ương mang về lại Khánh Hòa.

        Phải về làng, phải bám dân, phải xây dựng các căn cứ “lõm” trong các thôn ấp mới có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng về làng thì ở đâu, dựa vào gia đình nào là tin cậy nhất trong tình thế đang xáo trộn, ai tốt, ai xấu, ai đang dao động ngả nghiêng, ai đã mềm yếu quay ra cộng tác với địch. Sự việc tên Tư làm phản báo địch vây càn bắt chúng tôi khi vừa đặt chân tới căn cứ Đá Bàn khiến tôi thận trọng phân vân chưa thật tin một ai cả. Nhưng rồi cái suy diễn một chiều ấy qua đi, cảnh giác là đúng, nhưng thái quá, nghi ngờ tất cả cũng ỉà sai. Tôi suy nghĩ về hai người cô của tôi. Mỗi cô một hình hài, một tính nết, một số phận riêng. Cô Hường khỏe mạnh, tính xởi lởi, cô Lới nhỏ nhắn, trầm lắng. Cả hai cô thấy tôi xuất hiện đột ngột trong đêm khuya thì lúc đầu tỏ ra lo lắng, làm sao tôi đến được đây trong khi địch đã bố cáo trao thưởng cho ai bắt được tôi; lo sao bảo đảm an toàn cho tôi khi trở lại hoạt động. Lo chứ nhưng không nhụt chí. Trong lúc địch đã dăng lưới mật vụ theo dõi những người kháng chiến; trong lúc tin tức hàng ngày dội về - địch đang lùng bắt trả thù những người kháng chiến cũ, thì hai cô đã đón tôi với một tình cảm đùm bọc, đều không muốn để tôi ra đi trong đêm vắng. Điều đó là gì nhỉ? Không phải chỉ là việc làm biểu hiện tình cảm gia đình mà còn là tấm lòng trung thực của hai cô đối với những đứa con của kháng chiến.

        Đúng như vậy, suốt quá trình tôi hoạt động sau này, gia đình cô Hường và cô Lới đã thực sự trở thành “căn cứ” tin cậy của tôi, từ đây tôi có chỗ đứng để làm nhiệm vụ được giao. Trước hết từ hai cô và qua hai cô, tôi bắt tay vào việc chuẩn bị cho toàn đội trở lại hoạt động hợp pháp. Từ hình mẫu căn cước của hai cô và những người thân trong gia đình do địch cấp, tôi suy nghĩ công việc đầu tiên là phải lo đủ căn cước cho anh em theo ba cách:

        Một là, lo lót tiền cho những tên đại diện xã ấp của địch để họ đưa người của ta vào danh sách xin trên cấp;

        Hai là, vận động những đại diện xã ấp ít nhiều còn hướng về kháng chiến để họ xin trên cấp tiếp, cấp bổ sung;

        Ba là, nếu quá khó, sợ có trục trặc, thì tôi dùng kỹ thuật đã tự học để tự sản xuất lấy căn cước, trước hết cho tôi và anh Bảy Hữu.

        Chẳng bao lâu, mười hai người trong đội công tác của tôi đều có căn cước, đều có thế đứng “hợp pháp’ để hoạt động: N.T. Đỗ

        Đình Rùa, Nguyễn Hòa Hiệp vào thẳng thị xã Nha Trang; số còn lại về lại các thôn thuộc xã Hòa Nghĩa, Ninh Hòa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:15:33 pm »

        Thế hợp pháp đã cài xong, toàn đội công tác bắt tay vào việc mỗi người được giao chỉ tiêu cụ thể. Sau bốn tháng tổ chức được một tiểu đội đặc công thuộc địa bàn mình phụ trách. Trù liệu của tôi là phải làm sao có được một lực lượng đặc công cỡ lối trên dưới một đại đội, để khi thời cơ đến là hoạt động có hiệu quả.

        Riêng tôi và anh Bảy Hữu, tuy đã có căn cước tự “sản xuất” giống y như thiệt, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện hoạt động theo lối kết họp linh hoạt và uyển chuyển giữa bí mật (bất hợp pháp) với công khai (hợp pháp). Có lúc là cán bộ Việt Minh thực thụ với bộ quần áo bà ba, có lúc giả dạng là thương nhân, giáo chức hoặc một số tín đồ ngoan đạo đi đến từng thôn ấp gặp từng chiến sĩ trong đội công tác để kiểm tra nắm tình hình, bàn biện pháp gây cơ sở, tổ chức lực lượng; có lúc với bộ quần áo âu phục sang trọng, cưỡi xe đạp giữa ban ngày từ Ninh Hòa thong dong trên đường số 1 về thành phố Nha Trang để gặp tổ công tác của N.T. Đã có lúc cùng N.T ngồi trên bờ biển của thành phố này để bàn kế hoạch tổ chức cơ sở đặc công ở sát cạnh các đồn bót địch và những noi đã thấp thoáng có bóng những tên cố vấn Mỹ ra vào, để khi có lệnh là hoạt động được thuận lợi, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

        Nhưng không phải cái gì cũng thuận lợi suôn sẻ cả. Địch cũng đã đánh hơi thấy đội công tác của chúng tôi từ miền Bắc trở về đang phân tán nằm vùng ở các thôn ấp. Vì vậy mà một mạng lưới điệp ngầm được tung ra dò tìm, dăng bẫy ở khắp noi, có những điểm chúng bám suốt cả ngày đêm. Một lần địch vây nhà cô Hường đúng vào lúc tôi có mặt tại đây. Tình thế thật hiểm nghèo khiến tôi đã nghĩ kế liều: vọt ra khỏi nhà để trước hết cô Hường có cớ đấu lại địch, sau nữa sẵn sàng chấp nhận hy sinh chứ quyết không để địch bắt lúc này là không có lợi cho nhiệm vu chung. Đang lúc tôi nghĩ ngợi tính toán như thế thì cô Hường vẫn bình tĩnh, bà kéo tay tôi sang gian trái của ngôi nhà, nơi có vị tường hai ngăn, ấn tôi vào khoảng trống của hai ngăn đó, rồi thản nhiên bê thùng cám xuống bếp đặt ở nhà ngang để nấu cháo cho heo. Đúng lúc ấy thì địch ập vào, chúng chia nhau lục soát trong nhà. Đứng trong khoảng giữa của vỉ tường hai ngăn, tôi nghe rõ tiếng địch quát tháo, tiếng đẩy cửa, xô bàn, đạp ghế để lục soát. Không thấy gì, và cũng không có dấu hiệu khả nghi, một lát sau địch hò nhau rút, kèm thêm tiếng chửi đổng của bọn lính với tin mật báo cáo, chỉ làm mệt sức chúng.

        Thời gian ở nhà cô Lới còn gay go hơn nhiều. Tại đây địch ba lần quây bắt, lùng sục thì cả ba lần tôi đều đang ở trong nhà, chứng tỏ kẻ địch đã dăng bẫy rất cẩn mật, định bắt sống tôi. Nhưng địch đã thất bại. Sở dĩ tôi thoát được là do gia đình cô Lới (lúc ấy cô Lới còn mẹ già) đã có những ứng phó thông minh tức thời. Địch vây thứ nhất, tôi kịp thời bí mật thoát ra an toàn. Lần thứ hai, địch lại vây, ập đến thật nhanh, cô Lới cũng nhanh trí chỉ cho tôi lên ẩn nơi am thờ, một noi tôn nghiêm nhất, không một ai được lên đó. Nơi mà cô - nhất là mẹ của cô sớm tối thường đứng hàng giờ hướng về đó mà lần chuỗi tràng hạt với một lòng sùng kính đích thực, lại chỉ cho tôi lên đó. Và lần thứ ba cũng tương tự như lần thứ hai, không còn điều kiện thoát ra ngoài, cũng không thể ẩn nơi am được vì yếu tố bất ngờ noi đây đã hết. Tôi thực sự nên lúng túng thì ngay lúc đó, khi tôi chưa kịp hành động, bà cùa cô Lới với cử chỉ bình tĩnh, cầm tay tôi dẫn đến nơi để cỗ hậu sự đã mở nắp nói: con nằm vô đây. Bà lẹ làng đậy nắp phụ rồi đậy nắp chính xong, lại trở về với công việc bình thường một cách tự nhiên. Nằm ép mình vào một khoảng khoang phụ của cỗ hậu sự, tôi thấy mình tỉnh táo và biết ơn bà cô mưu trí. Tiếng giày đinh, tiếng địch quát tháo, hối thúc nhau lục tìm.

        Một giọng khàn khàn, có lễ phép, có lẽ là tiếng tên chỉ huy đánh đòn cân não:

        - Ê mụ già kia, muốn còn mạng thì nộp ngay tên cộng sản nằm vùng đang trú trong nhà này, - hắn giậm chân nhằm uy hiếp - nếu không sẽ bắn bỏ liền!

        Giọng cô Lới không to nhưng cũng kiên quyết, như một thách đố tự tin là phần thắng đã thuộc về mình:

        - Dạ thưa ông thiếu úy cứ cho lính khám xét.

        Tất nhiên là chúng phải khám, phải xét, phải lục soát và phá nữa, theo kiểu “giận cá chém thớt”.

        Lần này chúng ngó cả lên am thờ, quan sát khá kỹ, chỉ khác là chúng đứng nơi cửa am mà nhìn chứ không dám lên nơi tôn nghiêm ấy. Hai tên đến nơi để cỗ quan hậu sự ngó nghiêng qua loa rồi theo cửa ngách xuống nhà ngang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:16:25 pm »

        Lùng soát một hồi không thấy gì, tên chỉ huy tức tối lệnh cho binh lính dưới quyền rút. Chờ cho thật yên ắng tôi mới từ cỗ hậu sự bước ra, trong lòng tràn đầy xúc động. Đúng là chỉ qua thử thách, gian nan mới thấy hết được lòng người. Gia đình cô đã là mục tiêu theo dõi của địch từ lâu, vậy mà cô không hề dao động kiếm cớ chối từ, mà trái lại vẫn để tôi lui tới, lấy nơi đây làm bàn đạp để mở rộng hoạt động ra khắp nơi quanh vùng. Cô lo liệu ứng phó với địch một cách bình tĩnh, rất đơn giản mà thông minh, cụ thể. Nhưng kẻ địch không cam chịu. Đột nhập vây ráp thất bại chúng bày trò trắng trợn bắt bà bỏ tù, chúng tra tấn, đánh đập bà hòng lung lạc tinh thần bà. Nhưng cái hạ sách này cũng thất bại nốt. Tuy thân hình nhỏ bé, sức yếu, bà vẫn ráng chịu những trận đòn thù để giữ trọn lòng trung kiên, vì bà tin rằng kháng chiến sẽ thắng, cách mạng nhất định thắng. (Đầu năm 1986, nhân trên đường đi công tác, tôi tranh thủ ghé thâm gia đình hai cô mà từ lâu anh em đội công tác chúng tôi đã coi như hai chiến sĩ đặc công bám trụ - đây là lần về thăm thứ ba kể từ khi Tổ quốc thông nhất. Năm tháng qua đi để lại những nếp nhăn hằn sâu trên những khuôn mặt nhưng cô Hường tính tình vẫn vui xởi lởi như xưa; các con của cô hồi đó còn nhỏ làm nhiệm vụ canh gác mỗi khi tôi lui tới nay đều khôn lớn, có gia đình riêng. Còn cô Lới đã mất cách đây mấy tháng. Theo người nhà cho biết, trước phút lâm chung cô có nhắc tên tôi và mong được nhìn tôi lần cuối trước khi bà nhắm mắt. Bàn thờ bà đặt ở gian kế nơi am thờ, nơi năm xưa đặt cỗ hậu sự, đượm mùi nhang khói. Ảnh bà ngồi đó với đôi mắt trầm tư mà kiên nghị như những ngày nào quê hương còn chịu dưới sự kìm kẹp của giặc, bà vẫn giữ vững niềm tin hướng về kháng chiến, vẫn vượt qua bao nguy hiểm, giang rộng đôi tay ra che chở, đùm bọc chúng tôi sống và hoạt động. Tôi ngậm ngùi đến gần bàn thờ thắp năm nén nhang tỏ lòng thành kính của mình và cúi đầu mặc niệm ba với nỗi niềm thương xót, biết ơn).

        Nhờ có được căn cứ trong lòng dân, các chiến sĩ đặc công tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thắng lợi bước đầu trong nhiệm vụ trở lại. Cho đến lúc này cơ sở nòng cốt của lực lượng đặc công đã phát triển với số lượng trên dưới một trung đội, nếu có lệnh là chúng tôi có thể làm nên chuyện ở bất cứ đâu thuộc thành phố Nha Trang, Ninh Hòa ra tới Vạn Ninh, Đèo Cả.

        Công việc xây dựng cơ sở, chuẩn bị lực lượng ém sẵn đã đi vào nề nếp thì tôi chuyển sang nhiệm vụ đặc biệt khác. Theo kế hoạch được giao từ Hà Nội trước lúc lên đường, thì từ thời điểm này, cứ hai tháng một lần ra hòm thư “chết” đặt ngoài giới tuyến quân sự để nhận chỉ thị của Trung ương chuyển vào cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Công việc thật âm thầm mà sôi động, không chút giản đơn, chỉ một sơ suất nhỏ cũng gây nên hậu quả lớn. Bao nhiêu điều học được ở lóp bồi dưỡng ngắn ngày do Cục Quân báo Bộ Tổng Tham mưu hướng dẫn nay lại được nhớ lại, tìm cách vận dụng cho chuyến lên đường đầu tiên.

        Đầu tháng 11 năm 1955, với bộ quần áo Âu màu xám sang trọng đóng vai thương nhân, cưỡi chiếc xe đạp Stéc-linh màu đỏ mượn của cơ sở, tôi rong ruổi theo đường số 1 đi ra giới tuyến. Nhưng để tranh thủ thời gian và cũng để giữ sức, nên lúc đi xe đạp, lúc ngồi xe đò và có lúc vẫy nhờ cả xe nhà binh. Trưa ngay thứ bảy thì đến Đông Hà, từ đây đến Dốc Miếu còn khoảng hai mươi cây số nhưng tôi quyết định nghỉ lại thị trấn này qua đêm cho lại sức. Sáng hôm sau khoảng lối mười giờ, tôi tới Dốc Miếu với một tâm trạng bâng khuâng, lo lắng, bồn chồn. Trước mặt tôi, Dốc Miều là một triền núi rộng có cây cối rậm rạp. Làm sao nhận ra đặc điểm nơi đặt hòm thư “chết” và khi nhận ra rồi làm sao để tiếp cận, lấy được thư nhanh gọn, mà không để bất cứ một hiện tượng sinh nghi nào, kể cả người dân bình thường cũng không để họ biết. Định thần một lúc để lấy lại thăng bằng trong tư tưởng, tôi lên xe đạp tiến với tốc độ vừa phải để vừa nhận biết cảnh vật hai bên. Xe lên đỉnh triền núi thì đường số 1 quẹo trái và xuống dốc. Khi xe quay đầu mới đạp được vài vòng, ngước mắt nhìn lên thành núi trước mặt, tôi đã nhận được điểm đặt hòm thư - tảng đá đôc lập, nằm kề ngay khúc đường quẹo. Bâng khuâng và xao xuyên biến mất, chỉ còn lại cái sung sướng hồi hộp qua con tim đâp liên hồi. Đúng rồi, đúng đây là điểm đặt hòm thư “chết” theo quy ước mà tôi được phổ biến. Xe vẫn lên dốc với tốc độ chậm chạp đầu tôi hơi cúi thấp về phía trước, như đang cố sức đạp, không để ý mọi vật xung quanh. Gần đến chỗ đặt hòm thứ tôi đưa mắt đảo nhanh, không có hiện tượng gì khả nghi, chỉ thấy người đi trên đường với dáng điệu hối hả, tất tưởi. Tôi dắt xe dựa vào tảng đá, rồi làm đủ động tác giả vờ đi cầu. Ngay trước mặt tôi là một hốc đá nhỏ, ngoài cửa có một hòn đá do một bàn tay vô hình nào đó đậy cẩn thận nhưng lại rất tự nhiên như nó đã được tạo hóa sắp đặt, an bài. Tim tôi đập càng mạnh, cái nhịp đập của vui sướng, của hết nỗi bâng khuâng, tuy không có đồng đội, đồng chí mà tôi thấy có hơi ấm. Tôi khẽ nậy hòn đá thì một ngách ở phía bên phải hiện ra, mắt tôi như lóa mờ rồi lại nhìn rõ, thấy ngay, thấy rõ một gói nhỏ xíu được bọc kín bằng ni lông. Tay tôi lẹ làng lách vào ngách đá đó nắm gọn gói bảo vật và bỏ vào túi áo trong, cài khuy cẩn thận rồi mà vẫn cứ run... Mọi việc xong xuôi đâu vào đấy, tôi dắt xe ra phía đường số 1 vô lại Đông Hà, tiện xe đò tôi đi luôn Huế, rồi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... không còn mấy thời gian nữa là về đến Khánh Hòa. Những chỉ thị của Trung ương, từ Hà Nội sắp chuyển được đến tận tay Ban tỉnh ủy bí mật đang có mặt tại căn cứ Đá Bàn. Qua hết các đoạn đường dốc thuộc địa phận Sông cầu, Tuy An đã nhìn thấy khoảng trời quen thuộc hiện ra trước mắt, không còn xa nữa, tôi tự nhủ ráng đạp xe đến thị xã Tuy Hòa nghỉ một thể.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:17:48 pm »

        Nhưng mới đến đầu thị xã đã thấy có cái gì khang khác như là có vụ vây ráp đang diễn ra phía trước. Tôi xuống xe dắt bộ vừa đi vừa nghe ngóng tình hình. Thoạt đầu tôi không tin ở mắt mình nữa, nhưng đến gần thì từ nghi ngờ đến khẳng định. Đúng rồi đúng người đàn bà mặc quần áo kiểu Âu bó chẽn, mang kính mát, tay cầm túi xách kiểu nửa cầu kỳ kia đích thị là vợ cậu Doanh, nhân viên quân khí của tiểu đoàn tôi rồi. Thì ra thị đã làm phản, đang sóng đôi với một gã đàn ông béo mập, để ria mép cũng mang kính mát mắt trâu gọng to, theo sau là một con chó hành nghề màu xám tro, đến chỗ tập trung dân chúng để “nhận diện cộng sản”. Nếu ai là cán bộ, bộ đội thì thị không cần lên tiếng, chỉ trỏ lộ liễu, mà là đưa mắt như liếc tình, tức thì gã đàn ông có bộ mặt lạnh lùng dữ tợn nọ chỉ việc quay đầu hất hàm là cả bầy đàn em nhảy xổ vào lôi người đó ra khỏi dòng người... Cứ thế thị và gã đàn ông kia đi hết chỗ này sang chỗ khác. Sô người bị còng hai tay mỗi lúc một đông, có cả phụ nữ bồng con nhỏ, bị chúng đẩy lên xe ô tô hòm phủ bạt kín không biết đưa đi đâu!

        Nếu cứ giả đò coi như không có gì liên quan đến mình, cứ bình thản đạp xe qua trước mặt thị, liệu có ổn không? Không được, hoàn toàn là phiêu lưu và như thế nhất định phải trả giá. Vì là vợ của Doanh đã qua lại đơn vị nhiều lần khi đến thăm chồng, thị đã biết rất rõ tôi là người chỉ huy. Mặc dầu lúc này đây, tôi vận com-lê, thắt ca-vát hẳn hoi, mang kính mát và đeo cây “thánh giá” ở nơi cổ, hệt như một thương gia thực thụ, thờ chung một chúa với Ngô Đình Diệm, thì ả vẫn nhận được tôi. Và như thế ả sẽ reo lên với đồng bọn là ả đã bắt được một cán bộ cộng sản nằm vùng để được hậu thưởng.

        Nếu để sự tình đến thế thì những chỉ thị quý báu của Đảng sẽ không đến được vói phong trào Khánh Hòa. Đó chính là điều tôi băn khoăn lo lắng, chứ việc thủ tiêu giấy tờ để phi tang thì có khó gì.

        Tôi buộc phải dắt xe vào nhà hàng cạnh đó. Lúc này bụng đói cổ khô đang khát nước, nhưng tôi không vội vàng uống hết ly nước dừa đá vừa gọi. Tôi ngồi với dáng vẻ bề ngoài bình thản, ung dung, không tỏ vẻ lo nghĩ vì biết đâu chả có điệp ngầm trà trộn trong khách hàng, nhưng bên trong thì bao ý nghĩ quay cuồng. Đi không được mà nằm lại qua đêm cũng không ổn. Làm gì có nhà trọ mà vô. Đang loay hoay như thế thì một chiếc xe giép Mỹ còn bóng màu nước sơn đỗ ngang trước mặt. Mấy khách hàng đang ăn nhậu trong tiệm nhìn ra bàn tán: xe ông tỉnh trưởng Khánh Hòa đi công vụ tụi bay biết không.

        Câu nói vô tình của đám người nhậu nhẹt đã gợi trong tôi một kế hoạch (cứ tạm gọi là thế) và cứ thế được hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện. Trả tiền ly nước dừa đá xong, tôi ung dung đắt xe đạp đến bên cạnh chiếc xe giép đang đậu. Với tư thế đàng hoàng, lịch thiệp và chủ động, tôi lên tiếng.

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, - gã như bị bất ngờ và có vẻ khó chịu nhìn tôi, tôi cũng rất bình tĩnh nhìn thẳng vào mặt gã, nhún mình nói tiếp - dạ thưa... tôi muốn được tỉnh trưởng ban cho một ân huệ...

        - Cái gì? - hắn hất hàm hỏi lại vẻ hách dịch.

        Qua kính mát, tôi ngờ ngợ như đã thấy hẳn một lần ở đâu đó. Để phá tan không khí im lặng căng thẳng này, tôi chủ động một cách cung kính, bật hộp quẹt đốt điều thuốc mà hắn đang cầm tay định hút. Hắn hài lòng về việc làm xác định địa vị bề dưới của tôi, và bớt nhin xoi mói. Tôi tỏ vẻ chân thành cầu khẩn:

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, tôi không may bị lỡ ô tô, mà đi xe đạp thì e sợ tối, ngừng một lát, giọng thấp dần pha chút lo lắng - dọc đường vô Khánh Hòa lúc này mà đi một mình tôi sợ khó tránh khòi nguy hiểm!

        Tôi nhấn mạnh từ “một mình” và “nguy hiểm” ở cuối lời thỉnh cầu, là nhằm đánh đòn tâm lý gã tỉnh trường, muốn hiểu thế nào cũng được: nguy hiểm có thể là trộm cướp, có thể là “Việt cộng” (như chúng đang tuyên truyền xuyên tạc để hù dọa dân chúng) càng tốt. Làm như vậy là bắn mũi tên đạt hai đích: một là chứng minh tôi thuộc người của “quốc gia” cũng đang sợ “Việt cộng” như tỉnh trưởng sợ; hai là đi một mình thì càng nguy hiểm, không có ai hỗ trợ khi gặp sự cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:19:26 pm »

        Quả là đòn tâm lý của tôi có hiệu quả trông thấy. Mặc dầu hắn mang kính mát loại đắt tiền để che giấu thái độ, nhưng lúc này đây tôi vẫn đọc trên nét mặt hắn nỗi lo thực sự.

        Làm ra vẻ mình là người trung thành với “lý tưởng quốc gia” đang bị tỉnh trưởng hiểu lầm, nên phải thanh minh, phân bua:

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, - vừa nói tôi vừa móc túi lấy các chứng cứ - trình tỉnh trưởng các chứng chỉ và căn cước của tôi.

        Hắn lướt nhìn tôi từ đầu đến chân, hình như có vẻ hài lòng thấy tôi dáng vẻ khỏe chắc như võ sĩ đầu đàn của các băng đàn em, rất cần cho hắn khi gặp điều không may trên đoạn đường sắp tới, nhưng hắn vẫn xem rất kỹ giấy tờ hộ thân của tôi. Hắn nhìn kỹ vào dấu nổi hằn trên tờ căn cước “tự sản xuất” không thấy có gì nghi ngờ, không một câu vặn hỏi. Tôi thở phào nhẹ nhõm (nhưng không được thể hiện đột ngột, lộ liễu, mà từ từ xả hơi căng thẳng một cách kìm chế).

        Đưa lại giấy tờ cho tôi, viên tỉnh trưởng tỏ thái độ thiện cảm:

        - Được, mời ông lên xe.

        - Dạ! Thưa, tôi còn vướng cái xe đạp, xin tỉnh trưởng cho cột phía sau.

        Tuy chưa được tỉnh trưởng chấp thuận, tôi cứ làm việc đã rồi, dắt xe đến chỗ tài xế.

        - Chú tài cột xe vào cho qua, tỉnh trưởng đã cho phép.

        Tài xế đang ngần ngừ, tôi móc túi ngực lấy ra 50 đồng giúi vào tay hắn và nói như khẳng định - được phép của tỉnh trưởng rồi mà.

        Mọi việc xong xuôi, xe nổ máy rú ga êm êm lăn bánh rời Tuy Hòa, thoát đoạn vây ráp của bọn giặc. Xe chạy qua cầu Đà Rằng dài ngót cây số lại nhớ về cách đây hai tháng, cũng con sông này ở đoạn thượng lưu cách đây mười cây số, đội công tác của chúng tôi thoát vây là nhờ chiếc ghe câu của một ông già đánh cá; còn hôm nay cũng con sông này, tôi thoát vây là nhờ viên tỉnh trưởng tình Khánh Hòa muốn có được một người đồng hành trên đoạn đường mà hắn phải thừa nhận lời hù dọa của tôi là đúng - nó rất nguy hiểm. Nhưng một căng thẳng khác lại đặt ra. Phải bắt đầu bằng những chuyện gì cho hợp gu tỉnh trưởng và phải trả lời ra sao những câu hỏi vô tình hoặc hữu ý (có tính chất nghề nghiệp) của tỉnh trưởng nhằm tiếp tục dò xét mình. Chỉ sơ suất nhỏ, chỉ một câu nói thiếu lô-gich làm thành tín hiệu sinh nghi trong hắn. Tôi và viên tỉnh trưởng cùng ngồi hàng ghế sau. Phút đầu tiên ỉà yên lặng, cả hai đều theo dõi nhau. Tôi vẫn làm như vô tư, mắt nhìn thẳng phía trước như người đi xa háo hức mong đoạn đường ngắn lại nhanh để được về nhà nhưng vẫn đưa mắt quan sát viên tình trưởng và thấy hắn cũng không rời tôi. 

        Xe qua khỏi thị xã Tuy Hòa khoảng lối mười cây số, tôi chủ động phá tan bầu không khí yên lặng mà căng thẳng này bằng câu hỏi:

        - Phu nhân tỉnh trưởng quê ở Phú Yên?

        - Tôi ra Phú Yên có công vụ.

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, chắc ngài vừa du học nước ngoài về?

        - Không, tôi chỉ thụ huấn các khóa ngắn hạn trong nước.

        Thế là rõ. Ta có thể bồi tiếp cú đòn tâm lý để đánh tan hẳn sự nghi ngờ và sự theo dõi của hắn. Bằng vốn tích lũy những ngày ở ngoài Bắc, qua đọc báo nghe đài và qua các buổi sinh hoạt thời sự của cán bộ, tôi lọc nhanh và hệ thống những vấn đề cần đem ra lòe y, qua các mẩu chuyện tình hình các nước Nhật Bản, Mỹ và Tây Âu. Tôi đặc biệt kể về các số liệu kinh tế và giá cả chuyển đổi những thứ hàng hóa đó khi vào Việt Nam. Thoạt đầu hắn lơ đãng, ừ hữ cho qua chuyện, sau hắn mê thực sự khi nói lời lãi thu về nếu ta biết tính toán kinh doanh, Hắn thực sự tin tôi là một thương gia thực thụ của Khánh Hòa và từ đấy hắn không theo dõi ngầm tôi qua cặp kính mát nghề nghiệp của hắn nữa.

        Xe bon bon chạy, cả chủ và khách đã thông cảm cho nhau. Câu chuyện mà hắn kể chỉ toàn là ngón ăn chơi, tôi cứ gật đầu tán thưởng hoài, hắn càng thả sức để chứng tỏ tỉnh trưởng như cỡ hắn là rất tân tiến, không giống như tổng đốc cũ, tuần vũ thời xưa, thời mà thực dân Pháp còn thống trị nước ta.

        Khi xe vượt đèo Cả, từ từ xuống dốc đến chân Đại Lãnh, một cảng cá của huyện Vạn Ninh, địa đầu của tỉnh Khánh Hòa, tôi lại phải một lần nữa đấu trí với tên tỉnh trưởng. Theo xe hắn vào tới Nha Trang lúc này quả không lợi. Tên tỉnh trưởng theo phép lịch sự kiểu thực dụng sẽ đưa tôi đến tận nhà, mà tôi làm gì có nhà nào ở trong đó, Như thế vở kịch thương gia của thành phố bắt đầu lộ tẩy. Phải bằng mọi cách để không xuống Nha Trang. Không khí trong xe bắt đầu yên lặng, gã tỉnh trưởng thấy đã hết chuyện nói và mong chóng về tới nhà để hú hí với vợ con, còn tôi cũng im lặng từ đây, không phải mệt, không phải hết chuyện nói mà là nghĩ cách thoát thân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:21:32 pm »

        Xe vẫn bon bon chạy và hình như lúc này máy càng bốc, nên hàng cột cây số cứ thoắt hiện, thoắt ẩn lùi nhanh về phía sau. Xe qua Vạn Ninh, Cầu Đúc tôi giả đò đau bụng, người cúi xuống, hai tay ôm phía rốn, mặt nhăn nhó, nói vẻ khó nhọc:

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, - vừa nói tôi vừa thở dốc, giọng hổn hển

        - Tôi cần có dầu xoa.

        - Sao? - Viên tỉnh trưởng hoảng hốt quay lại - ông làm sao, cảm hả?

        - Dạ...t...ôi bị đ...au... bụng!

        - Tôi không mang thuốc. - Tên tình trưởng thực sự lúng túng và có cái gì thương cảm về vở kịch giả đau của tôi.

        Xe vừa tới Lạc Ninh, tôi la càng to, át cả tiếng nổ đều đều của chiếc xe giép, nhưng mắt vẫn luôn quan sát địa hình phía trước mặt Đợi cho xe chỉ cách chân đèo Bánh ít khoảng lối ba cây số, tôi rướn người về phía trước, hai tay vẫn ôm bụng, rồi cúi gập người lại như con tôm, cốt gây cho gã tỉnh trưởng ngộ nhận, con bệnh bắt đầu ở giai đoạn nguy kịch. Đồng thời tôi đưa tay trái để lên miệng vết thương ở hốc cổ bên phải để sẵn sàng hành động (vết thương bị trong trận phục kích địch ở Hố Vông năm 1947 như đã kể cùng bạn đọc ở phần trên. Ngay hồi ấy sau khi được cứu chữa, vết thương đã kín miệng song viên đạn vẫn nằm ở trong phổi, bình thường không sao nhưng mỗi khi làm việc nặng đi hành quân chiến đấu là tức thở và nếu vô tình đụng vào miệng vết thương thì nôn mửa như người bị ngộ độc, đã khiến một thời tôi bi quan, giờ đây sắp sửa khai thác để nó giúp tôi vượt qua khó khăn cần xử trí lúc này). Đợi đúng đến thòi điểm cho phép, tôi ấn nhẹ tay vào miệng vết thương và ngay lập tức gây phản ứng, trước hết là ho sặc sụa chảy cả nước mắt, mặt đỏ gay và sau đó là nôn ọe ra mật xanh, mật vàng đầy ra sàn xe, bắn cả sang giầy da đen bóng lộn của viên tỉnh trưởng, khiến hắn vừa khó chịu, vừa hoảng hốt, có pha chút ái ngại thực sự đối với một thương gia đang gặp nạn không lường trước. Lúc này tôi không còn là đóng kịch nữa, mà là bị phản ứng thực sự của bệnh lý, chỉ khác là tinh thần vẫn minh mẫn, nó chỉ diễn ra khoảng dăm phút rồi lại bình thường liền.

        Nhìn thấy viên tỉnh trưởng tỏ ra bối rối, bằng một giọng sụt sịt của người bệnh, tôi tiến công liền:

        - Dạ thưa tỉnh trưởng, - tôi lại ho và nôn khan, rồi tiếp - xin tình trưởng cho phép tôi được xuống đây...

        - Sao? - Viên tỉnh trưởng hỏi và kèm theo cả ngạc nhiên - Sao lại xuống đây?

        - Dạ... nhà cô t...ôi ở g...ần đ...ây. Vừa nói tôi vừa giơ tay chỉ về ngôi nhà lầu nhô lên đột xuất chính giữa thôn Hà Thanh ở bên trái đường. Đây là ngôi nhà mà tôi chỉ biết bà tên là Oanh chứ không quen. Viên tỉnh trưởng hoàn toàn tín tôi là một thương gia đích thực của Khánh Hòa, không phải chỉ có thế lực ở Nha Trang mà còn lan tỏa ra các vùng nông thôn hẻo lánh. Không chút ngần ngừ, suy tính, hắn thỏa mãn tức thì lời cầu khẩn của tôi:

        - Tài! Cho xe dừng lại!

        Điểm dừng của xe rất trùng họp với tính toán của tôi. Từ đây tôi có thể đi nhanh về nhà cơ sở, tránh được sự theo dõi bởi mạng lưới điệp ngầm của địch.

        Xe vừa đỗ, viên tinh trưởng với vẻ ái ngại:

        - Mời ông xuống tạm đây và chúc ông mau lành bệnh.

        Nói xong, hắn chìa tay ra nắm tay tôi theo kiểu bề trên.

        Tôi lịch thiệp đáp lại, cũng bắt tay và không quên tâng bốc để lấy lòng hắn: Xin chân thành biết ơn tỉnh trưởng đã cho tôi một ân huệ không quên.

        Tài xế khi xe đỗ đã làm theo chức phận của mình, ra phía sau tháo dây cột xe đạp của tôi.

        Để việc này làm càng nhanh càng tốt, tôi giúi tiếp tiền vào tay tài và nói:

        - Chú vất vả quá!

        Có tiền lại được lời động viên thông cảm, tài xế với tay nghề sẵn có, anh ta thao tác rất nhanh.

        Nhận được xe, tôi vẫn vờ chuếnh choáng (sự thật thì đã trở lại bình thường) lễ độ vẫy tay chào tỉnh trưởng và tỏ lòng biết ơn sự tốt bụng của y.

        Tôi ngồi ở vệ đường vẫn vờ ôm bụng nhăn nhó, tiếp tục theo dõi theo chiếc xe giép của tỉnh trưởng, chờ cho xe lên tới đỉnh đèo và lao xuống dốc mất hút, tôi mới đứng dậy sửa soạn quần áo cho ngay ngắn, thẳng nếp, đàng hoàng đạp xe vào nhà cơ sở. Và ngay sau đó, trút bộ đồ Âu sang trọng thay bằng bộ bà ba với khẩu súng ngắn, chờ trời tối hẳn, mọi nhà lên đèn, tôi lại vượt đường số 1 đi về căn cứ Đá Bàn để ngay đêm nay mang đến tận tay các anh trong Ban tình ủy Khánh Hòa những ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:24:49 pm »

       
IV

        Đầu tháng 12 năm 1955, tôi lại mang báo cáo của Tĩnh ủy Khánh Hòa ra để vào hòm thư “chết” của Trung ương đặt ngoài Dốc Miếu, Gio Linh (Quảng Trị) và nhận chỉ thị của Trung ương đặt ở đó. Có được kinh nghiệm của hai lần trước, lần này nói chung là thuận lợi.

        Hòm thư không đặt ở tảng đá độc lập nữa mà chuyển sang một hốc cây to nằm ở phía nam của triền đồi này. Làm xong mọi công việc tôi ra nhanh khỏi nơi đây. Đến Gio Lễ tôi dừng xe bên gốc cây vờ tránh nắng như một người mới đạp xe từ bờ nam sông Bến Hải vào, rồi lấy thư của Trung ương ra đọc để nhập tâm về truyền đạt, sau đó thủ tiêu để phi tang đề phòng bất trắc dọc đường. Khác với hai lần trước, thư lần này chỉ một tờ giấy mỏng, nhỏ, gọn có mấy chữ: H - T ra gấp đã lộ.

        Chỉ mấy câu ngắn gọn khiến tôi xúc động đến bàng hoàng. Xúc động vì Trung ương Đảng, Bác Hồ ở ngoài đó, tận thủ đô Hà Nội xa xôi mà vẫn thấu hiểu công việc của anh em chúng tôi trong này âm thầm mà đầy sôi động và không ít khó khăn, đã có tù đầy và đổ máu. Trung ương báo cho chứng tôi phải thu xếp ra gấp ngoài đó vì lộ, một cái tin đến quá đột ngột trong lúc chúng tôi đã xác định chịu đựng bám trụ cùng với bà con cô bác đấu tranh và chiến thắng.

        Phải định thần hồi lâu, tôi mới tiếp tục đạp xe trở lại Đông Hà, rồi vô Huế, về Đà Nắng.

        Trên đường từ Bình Định về Phú Yên, vì trời tối, tôi đạp cố đến đồn Vân Canh để ngủ lại qua đêm. Đồn này hai lần trước tôi đã bắt quen với tên thiếu úy đồn trưởng và đã một lần ngủ tại nơi đây.

        Vừa đến noi viên đồn trưởng đã hớt hải:

        - Có tin một cán bộ cộng sản giả dạng dân từ Bắc lọt vô đây.

        - Thế à! - Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi tiếp? - Bắt được chưa?

        Viên đồn trưởng không trả lời. Hắn thực sự lo lắng với tin “Việt cộng” xâm nhập, tuy nhiên hắn không tỏ ý nghi ngờ gì tôi và vẫn cho tôi được ngủ lại đồn này. Lúc đầu tôi chỉ có ý định xin ngủ ngoài như hai lần trước, nhưng hôm nay địch đang dăng lưới vì một đồng chí ta hoạt động quá lộ liễu, nên tôi thấy phải tìm vị trí sao cho hợp pháp để tránh địch lùng soát.

        - Xin thiếu úy vui lòng cho tôi được vô nghỉ trong, vì thời buổi này bây giờ lắm nhiễu nhương, trộm cướp quá nhiều.

        Đồn trưởng ngần ngại nhưng không hẳn khước từ, dù sao cũng là chỗ quen biết, đôi lần tôi đã bỏ tiền để cùng hắn ăn nhậu xả láng ở nhà hàng gần đó.

        Trời tối dần, tôi cố ý năn nỉ:

        - Lúc này trở đi dễ không an toàn lắm đó, thưa thiếu úy!

        Đăm chiêu một lát rồi viên thiếu úy với giọng có phần hoi miễn cưỡng, cả nể:

        - Thôi được, thầy vô trong.

        Nói đoạn hắn chỉ noi góc nhà và cho mượn cả chiếu, rồi nói như để thanh minh với tôi được xem như là bạn nhậu, viên thiếu úy nói tiếp:

        - Đúng là không được, vì luật nhà binh không cho phép. Nhưng thầy là chỗ thân quen, ai có hỏi cứ nói là người nhà lên thăm.

        Thế là tôi lại thoát được kế hoạch dăng luới tìm bắt đối thủ mà địch đang xúc tiến trên đoạn đường số 1 từ Phú Yên đi Khánh Hòa. Đêm yên tĩnh và rất an toàn vậy mà tôi cứ trằn trọc không sao chợp mắt được. Bao câu hỏi cứ hiện về bắt tôi phải trả lời: Làm thê nào để thực hiện chỉ thị của Trung ương phải ra gấp miền Bắc được an toàn. Nếu chỉ mình tôi thì dễ ợt, vì đường đi lại ra thấu ngoài giới tuyến tôi có quen, lại có đủ giấy tờ hợp pháp... Đằng này có anh Bảy Hữu. Thật khó! Anh phải trở ra và ra trong an toàn...   

        Hôm sau, tôi giã từ đồn Vân Canh, và tạm biệt viên đồn trưởng, cùng với chiếc xe đạp lại rong ruổi trên quãng đường còn lại, để ngay tối nay phải có mặt ở căn cứ Đá Bàn.

        Cũng như hai lần trước, kể từ giờ phút tôi tạm rời Phú Khánh là anh Bảy Hữu lại thấp thổm mong tin kèm theo cả sự lo lắng cho chuyến đi đường của tôi, liệu có trót lọt hay lại có sự bất trắc khôn lường không thể vượt qua! Và mỗi khi tôi từ ngoài đó trở về, mới thoáng thấy, anh đã reo mừng hết cỡ trước khi hỏi công việc.

        Lần này cũng thế, mới nhìn thấy tôi anh đã đi tới, chủ động đưa tay nắm chặt tay tôi lắc mạnh và chúc mừng thắng lợi.

        Phần tôi cũng ý thức được trách nhiệm trên giao. Chuyến ra đi nào cũng tự nhủ: Không để phụ lòng tin của tổ chức, của cấp trên. Mỗi lần trở về tôi đều báo cáo tỉ mỉ những nhiệm vụ khẩn trương và nghiêm túc của Trung ương giao cho với anh Hữu. Lần này cũng vậy, tuy vẫn đang còn mệt, tôi không nghỉ mà tranh thù báo cáo ngay:

        - Báo cáo anh Bảy, Trung ương chỉ thị vào, ghi rõ: Anh và tôi ra gấp-

        Tôi chưa kịp nói tiếp, anh Hữu sửng sốt hỏi lại:

        - Ra gấp à? Tại sao?

        Thật khó trả lời vì tôi có biết gì hơn ngoài những điều nhập tâm về truyền đạt lại. Biết như thế nhưng anh vẫn hỏi, đó là một phản ứng tự nhiên trước một sự việc đột ngột.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:27:14 pm »

        Lúc đầu tôi cũng hơi lúng túng, nhưng sực nhớ mình truyền đạt chưa hết, tôi nói tiếp:

        - Trong chỉ thị có ghi rõ: Phải ra gấp, đã lộ.

        Lúc này đây, khi ngồi đối diện với anh tôi cảm nhận tâm trạng anh sao đồng điệu với tâm trạng tôi khi đọc xong chỉ thị của Trung ương: cúng xúc động và bàng hoàng.

        Lắng đi một lát, anh hỏi tôi:

        - Cậu đã có dự kiến kế hoạch đi trở ra chưa?

        - Dạ! Báo cáo anh, tôi đã...

        Anh kiên nghị hẳn lên và biểu dương liền: Như thế là tốt, nó biểu hiện tinh thần trách nhiệm nghiêm túc và tác phong năng động của một người chỉ huy. Bỗng anh cười vui và bằng một cử chỉ thân mật mà anh đã dành cho tôi trong lần gặp ở nhà khách Quân khu IV bàn chuyện trở ra.

        - Tao tin mày, mày chuẩn bị kỹ để trình bày trong cuộc họp tỉnh ủy vào sớm mai hoặc sáng ngày mốt.

        - Báo cáo anh, tôi hứa sẽ làm hết sức mình.

        Có lẽ vì thời gian đã trở nên khẩn trương, cũng có thể anh tin ở tôi như anh vừa nói, nên anh không thông qua kế hoạch trờ ra mà tôi đã dự kiến.

        Hai ngày sau đó một cuộc họp Tỉnh ủy được triệu tập do anh Bảy Hữu chủ trì. Tất cả có năm người trong Ban tỉnh ủy bí mật. Anh Bảy Hữu nói vắn tắt lý do buổi họp là để bàn kế hoạch thực hiện điện của Trung ương vừa đánh vào gọi gấp anh Bảy và tôi ra gấp ngoài đó có việc cần (Như thế là anh Hữu cũng rất cảnh giác. Anh nói điện của Trung ương từ Hà Nội đánh vào là để giữ bí mật việc để chỉ đạo phong trào đấu tranh của Khanh Hòa, và cũng là giữ kín nhiệm vụ liên lạc của tôi bấy lâu đã làm, vì trên thực tế công việc của tôi là do trực tiếp anh Bảy Hữu điều hành).

        Nói lý do xong, anh quay sang tôi và giới thiệu: đồng chí Tư Cụ là cán bộ quân sự, có kinh nghiệm về tổ chức hành quân sẽ trình bày kế hoạch đi trở ra, đề nghị chúng ta chú ý theo dõi, góp ý kiến, làm cho kế hoạch hoàn chỉnh, đạt kết quả tốt trong thực hiện.

        Không khí cuộc họp trầm lắng hẳn xuống sau khi nghe anh Bảy Hữu nói lý do. Tuy giờ phút chia tay chưa đến mà gương mặt những người họp đã hiện lên cái nét buồn lưu luyến của cả người ở lại và người trở ra. Tôi cũng đang trong tâm trạng như thế.

        Không dựa vào sổ sách giấy tờ ghi chép trước mà bằng nhập tâm, tôi bắt đầu trình bay ba phương án:

        - Một là, đi theo đường núi.

        - Hai là, đi theo đường số 1.

        - Ba là, đi theo đường biển.

        Đi theo đường núi Trường Sơn thì an toàn nhưng rất xa, ít nhất phải ba tháng mới tới miền Bắc. Cái khó chính là lương thực ăn dọc đường, có khi không đủ sức mà ra tới đó.

        Đi theo đường số 1, tuy gần nhưng quá nhiều khó khăn, nguy hiểm, trước hết là làm sao qua được các đồn bót địch và lưới mật vụ của địch nhan nhản trên đường.

        Đi theo đường biển, tuy có cái khó về sông nước không lường, nhưng dù sao vẫn thuận lợi hơn, nếu như ta có phương tiện vượt biển tốt thì già lắm cũng một tháng có thể cặp bến cảng Cửa Tùng thuộc bờ bắc sông Bến Hải.

        Đường nào cũng có cái khó, cái dễ. Nếu các anh hỏi tôi ưng cách nào thì tôi chọn phương án theo đường biển là tối ưu nhất. Riêng có ngày giờ xuất phát cụ thể thì như đã thống nhất với anh Bảy Hữu là không trình bày vì đây là vấn đề bí mật của bí mật.

        Cuộc họp diễn ra trong thuận chiều, ít có vấn đề phải thảo luận. Anh Bảy Hữu sau khi hỏi, không thấy có ý kiến gì thêm, đã kết luận và giao nhiệm vụ cho những người có liên quan xúc tiến chuẩn bị. Anh nói: Để thực hiện được phương án này, đề nghị anh Ch. (tỉnh ủy viên cài cắm ở lại, không đi tập kết) am hiểu tình hình trong này nhiều hơn, quen nhiều cơ sở, ngay sau cuộc họp này về ngay Hòn Hèo cùng bàn với cơ sở của ta ở đó lo việc chuẩn bị thuyền và lương thực, ba ngày sau kể từ cuộc họp này, anh trở lại báo cáo kết quả, để trên cơ sở đó ta quyết định ngày giờ xuất phát cụ thể.

        Ch. đón nhận nhiệm vụ với một vẻ tự giác và nghiêm túc. Ch. hứa quyết tâm làm bằng được. Chỉ cần hai ngày sau là sẽ có thuyền tốt, có lương thực thuốc men và cả nước ngọt dùng trên một tháng bảo đảm cho chuyến vượt biển của chúng tôi thắng lợi,

        Sau cuộc họp, tôi đến nơi ở của anh Bảy Hữu. Thấy tôi, anh hỏi có gì cẩn bổ sung thêm? Tôi nói không có vấn đề nào bổ sung mà là báo cáo một kế hoạch hành quân hoàn toàn khác với kế hoạch đã thống nhất trong cuộc họp vừa rồi. Được anh khích lệ tôi lại sôi nổi báo cáo với âm lượng vừa đủ hai người nghe. Tôi nói kế hoạch hành quân theo đường biển chỉ là nghi binh thôi, dù sao qua vụ T. làm phản báo địch lên càn vây khu Đá Bàn khi đoàn ta vừa mới đặt chân đến đây là một bài học cảnh giác vẫn còn mới nguyên. Ta nói đi theo đường số 1 là cực kỳ nguy hiểm để càng đẩy địch vào cái bẫy chủ quan, đinh ninh là ta đi theo đường biển thật. Đường số 1, theo tôi là đường đi ngắn nhất. Vả lại đường này tôi đã đi mấy lần, đã làm quen với một số binh lính và sĩ quan nằm trong hệ thống đồn bót địch bố trí dọc đường, biết được cách đối phó khi có trục trặc xảy ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 02:02:33 am »

        Vì tôi và anh Bảy Hữu đã sống chết có nhau, cùng nhau qua bao thăng trầm trong những ngày đánh Pháp, nên sau khi nghe tôi trình bày, anh chỉ hỏi:

        - Đi bằng cách nào, mày?

        - Dạ! Đi theo phương thức họp pháp.

        Tôi liền trình bày với anh nội dung của phương thức họp pháp ấy là: Anh đóng vai cha cố, tôi lấy thêm N.T và Nguyễn Sách đóng vai giáo dân để bảo vệ cha nếu có kẻ hành hung, nhưng về hình thức được xem như là các con chiên ngoan đạo đi rước “thầy” về làm lễ cho nhà thờ họ lẻ xa xôi. Vả lại N.T và Nguyễn Sách cũng có đủ căn cước họp pháp như căn cước của tôi và của anh.

        Sau khi được anh chấp thuận tôi còn nói vui sở dĩ ta chọn cái thế hợp pháp kiểu này là tôi đã ngắm nhìn hình hài anh nếu anh mặc đồ lễ thì giống cha cố một trăm phần trăm, rất hợp với cái gu trong này đang thịnh hành đạo thờ Chúa mà gia đình họ Ngô là những tín đồ ngoan đạo nhất, đang nắm quyền thế ở miền Nam.

        Về ngày giờ cụ thể, tôi đề nghị anh Hữu là sáng ngày kia lên đường, đi trước một ngày quy định Ch. lên Đá Bàn báo cáo kết quả công tác chuẩn bị. Như vậy ngày N chính thức sớm hơn một ngày so với ngày N nghi binh, để nếu đến ngày đó mà địch phát hiện thì ta đã đi xa, chúng có dăng lưới bủa vây thì đã muộn.

        Đêm cuối cùng nằm ở Đá Bàn, mặc dầu đã rất tin tưởng ở kế hoạch nghi binh của mình nhưng chúng tôi vẫn chập chờn ngủ thức lẫn lộn. Tôi và anh Hữu cứ nhỏ to tâm sự hết chuyện này đến chuyện khác. Có lúc im lặng hồi lâu và thấy tôi thở dài thì anh Hữu lại lựa lời:

        - Ta ra để ta lại vào và lần sau thì ở hẳn cho đến ngày thống nhất sẽ ra thăm miền Bắc một thể, - Anh trở mình quay sang phía tôi, ghé sát vào tai tâm sự tiếp - Súng đạn ta còn nguyên được cất giấu ở nhiều chỗ để lần trở lại thứ hai là ta có điều kiện dùng. Trước hết trang bị cho hơn một đại đội đặc công bí mật mà tụi bay đã tổ chức được để anh em có phương tiện trong hoạt động quân sự khi có chỉ thị của Đảng cho tiến hành đấu tranh vũ trang...

        Nghe anh nói, tôi thấy cái buồn vợi đi và sự phấn chấn lại đến, quên cả mệt. Mặc dầu cách đây năm ngày tôi đã có cuộc gặp họp pháp với tất cả các thành viên trong đội công tác để nắm tinh hình, trao đổi nhiệm vụ và bàn nhiều về phương thức hoạt động khôn khéo, tuyệt đối tránh bộc lộ lực lượng. Con số hơn một đại đội đặc công cơ sở mà đội công tác đã tổ chức được kể từ ngày vào đến nay như thế là đáng khích lệ, trọng tâm bây giờ là phải củng cố, trước hết là phải thường xuyên coi trọng giáo dục chính trị cho anh em. Việc số anh em này muốn thoát ly hoạt động như vậy là tốt, nhưng cũng nhắc nhở anh em kiên trì, không nên nóng vội, mà phải chờ thời cơ, tích lũy lực lượng. Nhưng tôi vẫn thấy thế nào ấy nếu mai đây phải xa anh em, biết bao giờ trở lại. Và nếu khi trở lại thi chắc gì được trở về với chiến trường quê hương đã gắn bó cuộc đời mình ngay từ tuổi ấu thơ.

        Ngày hôm sau, chờ mặt trời lặn, trời vừa tối là đoàn chúng tôi xuống núi, tập kết tại nhà cô Dã ở thôn Hà Thanh gần kề chân đèo Bánh ít (cô Dã là vợ của Ỷ - một đội viên tin cậy của đội công tác nhận nhiệm vụ trở lại). Theo kế hoạch, cô Dã đã chuẩn bị cho mỗi chúng tôi một cái bánh tễ (như bánh chè lam ngoài Bắc), mỗi cái nặng khoảng một cân làm lương khô ăn đi đường nếu không gặp và không tiện vào hàng quán.

        Đêm nay, cái đêm mới thật hồi hộp làm sao! Mọi phương tiện cho chuyến đi hợp pháp đã đầy đủ đến mức hoàn hảo mà ai nấy vẫn cứ bồn chồn, thao thức. Kim đồng hồ chỉ đúng bốn giờ sáng là chúng tôi đã sửa soạn tư trang hành lý xong xuôi. Anh Bảy Hữu vừa in trong bộ quần áo kiểu cha cố màu đen quen thuộc, với mũ rộng vành bọc ka ki màu ghi sáng. Bộ râu quai nón không cạo mà chỉ chuốt tỉa chút xíu cho oai, cho đẹp. Nhìn cái dáng vẻ đích thực cha cố trăm phần trăm của anh, chúng tôi càng tin vào cái màn kịch mà anh sắm vai chính sẽ thành đạt. Còn chúng tôi thì lúc này vừa cười vui đến chảy nước mắt, vừa tập thử các đoạn đối thoại sẽ phải dùng trong suốt dặm đường để cho quen:

        - Trình cha...

        Công việc chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi tạm biệt gia đình cô Dã lên đường khi đằng đông ửng hồng báo hiệu một ngày nắng nóng sắp sửa bắt đầu. Cuộc tạm biệt diễn ra âm thầm mà đậm đà tình cảm. Cô Dã sụt sùi khóc, nhưng vẫn ở trong nhà, không được ra khỏi cổng vì yêu cầu bí mật, vì để bảo đảm an toàn cho chúng tôi - những người ra đi, và gia đình cô - những người ở lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 02:04:39 am »

        Bốn anh em bốn xe đạp rong ruổi đi trên đường số 1 ra hướng Vạn Ninh.

        Gió biển ban mai ừong lành thổi vào gây cho chúng tôi một cảm giác dễ chịu.

        Thanh thản mà vẫn gợi buồn gợi nhớ. Nhớ quê hương và nhớ người thân, nhớ cô Hường, cô Lới. Xin hai cô hiểu cho nỗi lòng con. Không bao giờ con được quên hai cô, con xem hai cô như những người đồng đội của chúng tôi - tạm biệt hai cô trước lúc trở ra là do tình thế không cho phép, yêu cầu giữ bí mật. Rồi đây một tuần, một tháng sau đó, đồng đội của con sẽ lại tin cho cô hay. Tôi lại nhớ, nhớ đến da diết Phạm Đức Ỷ, Phạm Đăng Rơi, Lê Sâm, Phạm Sở, Nguyễn Hòa Hiệp, Lê Sơn Hổ, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Đức Rùa và Nguyễn Ba (chú ruột tôi) là những đồng đội ở lại tiếp tục hoạt động sẽ phải đương đầu với bao khó khăn. Đành rằng bản lĩnh những chiến sĩ mà tôi tin cậy, yêu mến sẽ vượt qua tất cả nhưng sao tôi vẫn cứ muốn cùng ở lại cùng các anh ghé phần vào những thăng trầm mà chắc chắn nó phải đến, vì cuộc chiến đấu của chúng ta với quân xâm lược và bè lủ tay sai là cuộc chiến đấu một mất một còn, cuộc đấu tranh giai cấp mà. Tôi lại thương, thương xót và căm thù khi được tin anh Lê Thanh Liêm, bí thư tỉnh ủy bí mật đã bám trụ, len lỏi đi các nơi chỉ đạo phong trào với bao gian khổ, đói cơm, kiệt sức phát bệnh đã mất tại căn cứ Khánh Sơn; anh Đặng Vinh Hàm, tỉnh ủy viên, cuối năm 1955 về Đồng Bò; anh Nguyễn Lưu, anh trai của nhà thơ Giang Nam, cùng quê Ninh Hòa với tôi, nguyên trưởng ty thông tin tuyền truyền tỉnh Khánh Hòa được cử ở lại bàn giao vùng ta quản lý cho đối phương xong, rồi cùng vợ là chị Tư về quê sống họp pháp đã bị địch ám hại hồi tháng 5 năm 1955... thì tình cảm trách nhiệm trong tôi càng trỗi dậy, thôi thúc tôi phải vô lại cùng đồng đội tôi tiếp tục sự nghiệp mà các anh đang làm dở...

        Đắm mình trong nhưng suy tư miên man như thế, nên khi qua Đại Lãnh, cần phải chuẩn bị hơi sức để vượt đèo Cả mới hay là mình đã đi được một cung đường khá xa, không còn mấy chốc nữa là tạm biệt đất mẹ Khánh Hòa.

        Xuống đến chân đèo Cả phía kia là thuộc đất Phú Yên, chúng tôi nghỉ lại ở một quán ăn bên đường để “xốc lại đội hình”, rửa mặt mũi chân tay cho sạch sẽ, sáng sủa; sửa lại quần áo cho phẳng phiu, thẳng nếp để từ đây trở đi chứng tỏ cho khách qua lại trên đường - nhất là qua các đồn bót địch, thấy rằng đây đúng là những con chiên của Chúa đang đi hành hương một cách đàng hoàng về noi đất “thánh” chứ không phải đi từ xa đến. Tôi ăn mặc giống chánh trương giàu có đi sóng đôi với cha; còn N.T và Nguyễn Sách giống như như tín đồ sùng kính, lúc nào cũng có thể “tử vì đạo” đi kế sau phục vụ cha. Cánh đồng Tuy Hòa đang hiện ra trước mặt, người đi lại trên đường tấp nập nhìn chúng tôi vừa có phần lãnh đạm, thờ ơ, vừa nể trọng qua đoán nhận anh Bảy Hữu là cha chánh hiệu, có học, sống đất thị thành đang hạ cô đi về các xứ họ xa để truyền giáo những điều Chúa phán khuyên được ghi trong Thánh kinh.   .

        Cái cảm thụ ngoại giới có chiều thuận lợi ấy khiến mọi người đều thanh thản trong đi tới. Khoảng xế chiều hôm ấy chúng tôi vừa tới đồn Vân Canh, thì bị lính gác ra ngăn không cho đi tiếp. Trong phương án hành quân có tính đến chuyện này nhưng không đặt thành vấn đề quan trọng, càng không nghĩ tới chuyện bị giữ lại vì tôi đã qua nơi đây nhiều lần, quen viên đồn trưởng và đã ba lần vô ngủ nhờ ở nơi đồn này.

        Tuy sự việc xảy ra hơi đột ngột nhưng tôi vẫn rất bình tĩnh, đến gần tên lính gác nói vẻ hách dịch: Cho gặp đồn trưởng ngay! Vừa lúc đó đồn trưởng Hựu từ trong đồn đi ra. Tôi cúi chào hắn và chủ động bắt tay, rồi rứt thuốc là mời hắn. Chờ cho viên đồn trưởng rít một hơi khoan khoái từ từ phả hết khói ra khỏi cái miệng hơi rộng, tôi mới nói như trách móc:

        - Sao lính gác lại giữ chúng tôi lại, thưa thiếu úy?

        - Không được đi vì...

        - Sao, thiếu úy nói sao? - Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi.

        Hựu rít tiếp hơi thuốc nữa, rồi băn khoăn thanh minh rằng không phải tại hắn, mà do noi cấp trên:

        - Đây nè - hắn móc túi lấy ra một tờ giấy nhỏ đọc tiếp - Tỉnh trưởng Phú Yên lệnh gấp cho các ông đồn trưởng đóng dọc lộ 1 không cho bất cứ ai qua lại cho đến khi nào hủy lệnh này vì có bốn tên cộng sản Khánh Hòa đi ra phía ngoài nhưng chưa biết chúng theo ngả nào.

        Tất cả chúng tôi đều giật mình, nhưng do được chuẩn bị trước nên ai cũng tỏ ra thản nhiên, bình tĩnh. Mọi việc đối phó, đoàn đã ủy nhiệm cho tôi lo liệu.

        Địch sao lại biết nhanh và thông báo chính xác đến như vậy?

        Bốn tên cộng sản trùng hợp với bốn “con chiên” của chúa. Viên đồn trưởng liệu có nghi ngờ cái con số bốn trùng hợp này, mặc dầu giữa tôi và hắn đã quen nhau, đã đôi lần nhậu nhẹt lai rai với nhau?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM