Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:38:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi từng là phi công tiêm kích  (Đọc 29707 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:29:17 pm »

        Trung đoàn tôi dần lấy lại khí thế và sang năm 1981 đã được Chủ tịch nước - Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa trong lễ mừng công của Quân chủng. Tôi cho rằng, đấy là sự phấn đấu hết sức mình của toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên của trung đoàn trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thiệt thòi so với các trung đoàn khác trong toàn quân chủng. Đấy cũng là sự quan tâm, đánh giá đúng mức của các cấp lãnh đạo đối với công lao đóng góp của chúng tôi vào sự nghiệp xây dựng quân đội nói chung và Quân chủng Không quân nói riêng. Chúng tôi biết ơn các cấp lãnh đạo, đồng thời cũng rất phấn khởi về thành tích (dù là nhỏ bé) mà chúng tôi đã đạt được. Riêng cá nhân tôi, tôi phải chịu ơn sâu nặng đối với tất cả anh em cán bộ chiến sỹ, công nhân viên của trung đoàn. Tất cả đã động viên, giúp tôi đứng vững và bước trên mọi khó khăn. Tất cả đã từng chung lưng, đấu cật với tôi gánh vác bao nhiệm vụ nặng nề trong những hoàn cảnh cực kỳ gian nan, éo le. Tất cả cùng nhau sống chan hoà, thông cảm thực sự với nhau trong mọi cảnh ngộ. Mối đoàn kết, gắn bó các thành phần trong trung đoàn với nhau ở những ngày tháng ấy thật quý biết bao.

        Cho tận ngày tôi rời khỏi trung đoàn vào năm 1982thì trung đoàn tôi không để xảy ra vụ việc nào nữa. Ban chỉ huy sư đoàn cũng thấy yên tâm đối với một trung đoàn non trẻ, sinh sau đẻ muộn trong những điều kiện thiếu thốn giữa vùng rừng núi Tây Bắc của Tổ quốc. Các cánh bay cũng đã đủ sức tung hoành trên bầu trời Hoàng Liên Sơn, đủ trí lực, lòng dũng cảm, vững tin vào việc giữ gìn bầu trời rộng lớn phía Tây Bắc này. Tôi cũng vững dạ bàn giao “quyền bính” của trung đoàn cho cấp phó của mình để về sư đoàn nhận nhiệm vụ mới.

        Đời bay của tôi từng ở nhiều trung đoàn, nhiều đại đội, chia tay thuyên chuyển cũng nhiều, nhưng chưa lần nào tôi thấy lưu luyến như lần chia tay với 931. Dẫu sao, có thể mạnh dạn gọi đấy là “Trung đoàn của tôi”, vì tôi là người đến đầu tiên khi thành lập, tôi đã cùng bao đồng đội bỏ biết bao công sức gây dựng từ thuở còn “hoang sơ”. Tôi từng ngày, từng giờ vui với cái vui của nó, buồn với cái buồn của nó, chăm sóc theo dõi nó như chăm người ruột thịt của mình; vì cũng ở đây, lần đầu tiên và có lẽ là lần cuối cùng, tôi nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo đeo nó suốt cả cuộc đời mình; vì cũng ở đây tôi học được biết bao bài học về rừng, về người dân miền núi... Tôi trưởng thành, tôi già dặn thêm rất nhiều trên bước đường đời 32 tuổi - cán bộ trung đoàn. Tôi có thể để bố mẹ tôi không buồn phiền, không thất vọng vì tôi. “Tam thập nhi lập” - Tôi cũng rất cố gắng để theo kịp những câu răn dạy của cổ nhân!

        Cho tới giờ thì mọi kỷ niệm về xứ sở Yên Bái vẫn cứ in đậm trong tôi. Dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trung đoàn, tôi đứng trước bục phát biểu mà cứ chực khóc. Trở lại với những nơi thân thuộc của mình, bao giờ tôi cũng mềm lòng khi nhớ tới những gì đã qua. Dù cách xa, dù ở các cương vị công tác khác nhau, nhưng tôi luôn quan tâm đến “đường đi nước bước” của trung đoàn. Tôi vẫn cho rằng đấy là trách nhiệm của tôi.

        Từ năm 1982 trở đi, tôi nhận khá nhiều chức vụ, có chức vụ giao đến hai lần quyết định. Nào “chủ nhiệm bay sư đoàn”, “Chủ nhiệm dẫn đường sư đoàn”, rồi “Chủ nhiệm xạ kích trên không”v.v...

        Mất đến mấy năm làm “các chủ nhiệm” như vậy, lăn lộn bay với khắp các trung đoàn trong sư đoàn, đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên ở khoa mục bay, tham gia đủ mọi đợt diễn tập hiệp đồng với các quân binh chủng ở khắp nơi, tôi cũng nếm thêm khá nhiều gian nan.

        Lần đầu diễn tập với quân binh chủng hợp thành ở Sơn Động, tôi còn bị Tư lệnh diễn tập lệnh đòi bỏ tù tôi nữa kia. Số là: Theo kế hoạch diễn tập, ngày hôm đó là ngày hợp luyện của các lực lượng Không quân để chuẩn bị cho ngày N. Tôi chỉ huy các lực lượng này. Nhóm của tôi nằm trên đỉnh đồi cao gần 400m, cạnh chân núi Táu. Lực lượng Mi - 24 đến bắn rốc két tiếp theo là 12 chiếc MIG - 21 đến ném bom, rồi đến 12 chiếc Su - 22 ném bom, sau đó là 12 chiếc AN - 26 rải bom kiểu toạ độ. Tôi chỉ huy theo đúng chương trình, bài bản đã được duyệt trong kế hoạch diễn tập. Đến lúc MIG - 21 ném bom thì ai ngờ được toàn bộ cán bộ từ tiểu đoàn đến sư đoàn 312 lại xông vào đúng khu vực ném bom để “thị sát chiến trường”. Điều này hoàn toàn không có trong dự kiến. Tôi lại chỉ huy trên đồi xa, làm sao thấy được đoàn người cách đấy 3 - 4 cây số với địa hình rừng núi. Thế là, bom cứ trút. Tốp này ném xong, tiếp đến tốp khác, loại này xong, đến loại khác. Đoàn cán bộ chạy tan tác xuống chân đồi, vừa chạy vừa la “Ông Huy ơi, đừng cho ném bom nữa” Nào tôi nghe được gì! Cả đoàn rất may là lăn, chạy khá nhanh nên không ai bị dính bom (mục tiêu đánh là cụm cứ điểm trên đỉnh đồi, đoàn thì mới lên đến lưng chừng đồi đã phải chạy xuôi), về đến Sở chỉ huy tiền phương thì mặt người nào người nấy cắt không còn hột máu, quần áo thì rách như tổ đỉa. Tư lệnh diễn tập nắm không hết tình hình, lệnh điện bắt bỏ tù tôi. Tôi từ đồi chỉ huy xuống gặp, mang bảng kế hoạch của Không quân xuống trình bày rõ đầu cua tai nheo ra làm sao, bấy giờ mới lại nhìn nhau tất cả cười xoà. Một dằng làm theo kế hoạch, một đằng không theo kế hoạch nên nện vào lưng nhau là phải. Hôm ấy mà đoàn cán bộ lên sớm một chút chỉ cần gần đến đỉnh thôi thì chắc sư đoàn bị xoá sổ rồi. Tôi chơi thân với anh Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tăng của Sư đoàn 312. Anh ấy cứ ôm tôi vừa chạm chén rượu vừa nói: ”Suýt nữa ngày nay mày cho tao về thăm ông bà ông vải nhà tao!” Thật cười ra nước mắt!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 03:30:49 pm »

        Diễn tập đã vậy, chiến đấu thực sự thì đúng là sai một ly đi một dặm, phải trả giá quá đắt cho những sơ xuất chừng như quá nhỏ.

        Tôi còn tham gia một đợt diễn tập nữa ở Biển Động - Sơn Động. Và lần ấy chúng tôi bị bỏ đói vì bị lãng quên. Tổ chỉ huy của tôi theo trình tự của kế hoạch diễn tập được trực thăng cẩu đến thả ở “Sở chỉ huy cơ động” để chỉ huy các đợt ném bom bằng không quân, chiều sẽ đón về căn cứ Kép. Ai ngờ, ngày đó là ngày kết thúc diễn tập, khi nhận lệnh “kết thúc diễn tập” là các thành phần rút về căn cứ ầm ầm.Tôi và 3 cậu lính thông tin nữa cứ ở trên đỉnh núi đợi, gọi đối không chẳng ai nghe. Khu vực trường bắn rộng đến 400 km2 không một bóng người dân. Đồi núi chập chùng, rừng thì âm u. Chiều xuống, sương giăng mờ mịt hết cả. Tôi chạy vòng quanh đỉnh núi, phát hiện thấy có một hố sâu, diện tích khoảng 3m2. Tôi hô anh em đi nhổ cỏ (loại cỏ gừng đã già, hơi khô khô) chất đầy hố. Tôi kéo các cây chó đẻ mọc quanh hố khum xuống, buộc các ngọn lại làm mái che. Bốn anh em chú cháu ôm nhau ngủ trong đống cỏ dưới hố ấy với bụng đói sôi rào rạo, cồn cào suốt đêm. Khoảng chừng 3-4 giờ sáng, tôi tỉnh dậy thấy mây che kín đỉnh núi chúng tôi nằm. Vậy là mình trở thành tiên ông, ngủ trong mây rồi còn gì! Đói rét là hai thứ luôn kết bạn với nhau. Bụng chúng tôi chẳng được tí gì ăn suốt từ 10 h sáng hôm trước, mây lại che, hơi nước dày đặc như mưa sa nên lạnh vô cùng, anh nào anh ấy cứ đánh đàn răng lập cập. Trong chiến tranh, khi bom đạn ác liệt, tôi bị bỏ đói đã đành một nhẽ, giờ thời bình, lại bị bỏ quên, lại bị đói nữa thì thật là kỳ dị! Mà thật lạ, lúc đói thì chỉ nghĩ quanh quẩn đến sự ăn thôi. Tôi nhớ, tôi lục lọi tất cả vốn liếng ngôn ngữ mà tôi biết liên quan đến chuyện ăn ra thì thấy tiếng Việt mình hầu như rất nhiều từ dính líu đến ăn: nào ăn nói, ăn mặc, ăn ở,., rồi ăn uống... đến cả ăn nằm! Lạ thật cái sự ăn!.

        Tôi dự định “hạ sơn, rời trại” phân công nhau cõng ắc quy, cõng máy thông tin, nhằm hướng Sơn Động hành quân, đến đó bán ắc quy đi, ăn một bữa rồi mua vé ô tô về Hà Nội. Mọi chuyện sau đó tính sau. Tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về mình, dù hậu quả xấu đến đâu cũng mặc. Tất cả biểu quyết tán thành 100%. Chuẩn bị xuất phát thì tôi nghe thấy tiếng trực thăng. Lại hạ máy xuống, đấu ắc quy và liên lạc thì đúng là trực thăng đi đón chúng tôi thật. Ra là, khi rút kinh nghiệm diễn tập, tất cả mới ngã ngửa người ra là tổ chỉ huy của tôi vẫn trên núi. Bấy giờ mới phái trực thăng đi. Gần một tiếng sau thì chúng tôi về tới nơi. Bước chân vào phòng họp, bỗng dưng mọi người vỗ tay rầm rầm làm tôi phát ngượng. Tôi lập được chiến tích gì đâu cơ chứ!

        Rồi tôi lại chuyển sang ngạch tham mưu: Nhận quyết định Tham mưu phó tác chiến sư đoàn (năm 1984) Lại liên tục đi nhận, triển khai các nhiệm vụ chiến đấu, các kế hoạch diễn tập, hiệp đồng với các quân binh chủng, các lực lượng quân sự địa phương. Vừa bay vừa làm công tác tham mưu quả là rất vất vả! Có lần, khoảng 2 giờ sáng, xe đến tận nhà tôi ở khu gia đình khua tôi dậy chở tôi về thẳng quân chủng nhận nhiệm vụ, xong lại đưa tôi thẳng về Bộ Tư lệnh Hải quân. Mất hút mấy ngày, đơn vị, vợ con ở nhà lo lắng không hiểu ra làm sao. Thông tin liên lạc ngày ấy đâu có như bây giờ. Mà giả dụ có như bây giờ cũng không được phép báo. Đợt ấy các cấp nghi vấn rằng đảo Trần của ta bị hải quân địch đánh úp nên phải triển khai lực lượng giáng trả để chiếm lại. Sau mới rõ là số vượt biên trái phép bị đắm tàu, trôi dạt vào đấy, đốt lửa sưởi và làm tín hiệu cấp cứu. Vậy mà bọn tôi cũng mất mấy ngày căng thẳng, lo lắng.

        Tôi với lực lượng hải quân, nhất là Vùng I Hải quân rất gắn bó với nhau. Gắn bó qua các lần diễn tập, các lần hợp đồng, gắn bó qua cuộc sống hàng ngày với những nét tương đồng. Người trên trời, người dưới biển. Hai cảnh ngộ khác nhau, nhưng có nét giống nhau giữa trời nước mông mênh, con người bỗng cảm thấy quả là nhỏ bé trước thiên nhiên, quá đơn côi trong vũ trụ, lẻ loi trong cái thăm thẳm đến khôn cùng, không biết đâu là giới hạn, đều mong muốn được trở lại mặt đất thân thuộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 02:29:21 am »

        Tôi đã cùng anh em ra đảo Bạch Long Vỹ. Đảo cách bờ chưa đầy 200 cây số mà chuyến đi của chúng tôi thật trắc trở. 5 giờ sáng chúng tôi nhổ neo từ bên quân sự trong cảnh trời yên sóng lặng. Đầu óc hay mơ mộng cuả tôi bắt đầu làm việc, tưởng tượng ra bao chuyện kỳ thú của chuyến đi. Rồi về sau kỳ thú chẳng thấy đâu hết, chỉ thấy đầy những sự gian nan! Càng ra xa khơi thì sóng càng to, gió càng lớn. Bốn bề toàn nước là nước, chẳng thấy bến bờ đâu. Tôi ngồi trên đỉnh boong tàu chao lắc, nhồi lên, dập xuống ghê gớm. Tôi không khác gì con chèo bẻo đâu trên cây măng vòi lúc cơn giông. Rất may là tôi không bị say sóng. Khá nhiều lính hải quân nôn mửa đầy tàu. Tôi chỉ thấy đói và khát. Đói thì nhai mỳ tôm (nhai sống vì bếp không nấu được), khát thì “làm” lon bia. Rồi lại bập bềnh theo tàu. Cách đảo chừng 30 hải lý thì sóng dữ lắm, gió ngược lại to, nước đã tràn vào cả khoang dưới, bếp ướt, giường chiếu nổi bềnh hết. Trưởng tàu quyết định quay về đất liền. Xuôi gió, xuôi sóng, tàu đi đỡ hơn một chút. Đến đảo Long Châu Sa thì tàu chết một máy, nước vào khoang khá nhiều. Bơm máy, tát các kiểu để “mời” nước ra. Tàu còn một máy nên chạy rù rà rù rì. Tới phao số 0 thì chết nốt máy còn lại. Tàu đứng khựng giữa trời đêm mịt mùng (bấy giờ khoảng gần 11 giờ đêm và vào ngày cuối tháng, chẳng thấy trăng sao gì).

        Đây là lần đi biển đầu tiên trong đời tôi. Gặp sự cố thế này tôi ớn quá. Ngó vào bờ thì chẳng thấy gì. Sóng vẫn vỗ mạn tàu ràn rạt. Ngán ngẩm nghĩ rằng có khi mình làm mồi cho cá ở chuyến đi này chưa biết chừng. Tôi mệnh “Thổ” mà “Thổ” thì khắc “Thuỷ” theo thuyết âm dương ngũ hành, gay go đây. Tôi rón rén lại ngồi cạnh chiếc phao cứu hộ. Thôi thì “Tiểu nhân phòng bị gậy” vậy. Có gì ùm xuống biển mình còn có tí chỗ dựa chứ thằng phi công như tôi, cả đời chỉ khuấy đảo mây trời là giỏi, xuống nước thì trụ được mấy nả! Ngượng thật đấy!

        Hý hoáy khoảng hơn một tiếng thì tàu sửa được máy, lại “lên đường về nước”! 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại trở lại đúng điểm 5 giờ sáng hôm trước xuất phát. Tôi vơ quần áo, vọt ngay lên bờ ngồi ngó xuống con tàu: Đúng là tàu há mồm vì có 4 “tông đơ” thì tuột mất 3, trông dáng con tàu như miệng người nửa cười, nửa mếu. Hèn gì mà nước chẳng vào ồng ộc! Hú vía thật! Mấy anh em hải quân sợ tôi thối chí không dám đi tiếp nữa. Nhưng tôi đâu xá gì! “Một liều ba bảy cũng liều” chứ! Hai ngày sau tàu sửa xong, chúng tôi lại lên đường. Lần này, thì xuôi chèo mát mái từ đầu đến cuối. Đàn cá heo nhào lộn theo tàu đón chúng tôi từ cự ly cách đảo khoảng 10 hải lý đến gần đảo chúng mới lặn. Hôm tàu về cũng vậy, chừng 20 - 30 con cũng bơi theo tàu tiễn chúng tôi mãi ra xa mới thôi, loài cá thật thông minh và tình cảm!

        Anh em trên đảo đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt. Thuở ấy, cứ có chuyến tàu ra đó là Tết vì tàu ra mới có thư nhà gửi ra, tàu về mới gửi thư được vào đất liền. Tình cảm của người lính đảo thiếu thốn đến ghê gớm, mong tin, mong người ở đất liền ra đến ghê gớm.

        Tôi được đãi như thượng khách. Gần một tuần liền, tôi chui rúc khắp các giao thông hào, đi khắp các ngõ ngách của đảo và cùng anh em hải quân đã xây dựng và bảo vệ được “phương án chiến đấu của đảo”. Càng về sau này thì anh em càng coi tôi như người nhà, càng quý tôi vì biết tôi là phi công. Mà có lẽ, đến thời điểm đó cũng chỉ có mỗi mình tôi là phi công duy nhất ra với đảo bằng đường biển và sông gắn bó với đảo như thế. Lăn lộn, cặm cụi với công việc; cay cú, ăn gian trong bóng chuyền... đời lính rất dễ hoà nhập với nhau.

        Hôm chúng tôi về là hôm buồn. Một tuần trôi qua quá nhanh. Anh em lội hết cả xuống nước vẫy mặc cho ướt hết quần áo. Chính uỷ và đảo trưởng ôm tôi khóc. Tôi cũng khóc! Tận nơi tít trùng khơi, giữa trời nước mênh mông, những người lính tự đến với nhau, tìm thấy tiếng nói chung của nhau, mới gắn bó với nhau giờ lại tách xa, biết có bao giờ trở lại? Biết có lần nào gặp nhau trong đời nữa không? Tất cả cứ trào dâng, nghèn nghẹn và rồi những giọt nước mắt nóng hổi cứ theo nhau rơi lã chã. Anh, tôi... những người lính sẵn sàng hy sinh hết thảy để rồi chỉ mong muốn con người sống với nhau chan hoà hơn, thân thiện hơn, cởi mở hơn, nhìn nhau không bằng con mắt thù hận, để rồi sát vai nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, để rồi con cháu chúng mình không phải sống lo âu trong đạn bom, để rồi bầu trời kia, mặt biển này luôn xanh thẳm, luôn thanh bình... Tôi, Anh... mới gặp đấy mà ngỡ như quen nhau từ rất lâu rồi, như ruột thịt gia đình rồi.. Xa nhau làm sao mà không ngậm ngùi, không luyến tiếc. Tôi không hề xấu hổ khi tôi khóc giữa thanh thiên bạch nhật, giữa bạn bè đồng đội. Tôi cũng không lau nước mắt nữa, cứ mặc nó chảy tràn trên mặt mình, nặng nề bước lên tàu để về đất liền. Lòng vẫn hẹn lòng sẽ còn có dịp ra đảo nữa! không thể không ra nữa được!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 02:30:24 am »

        Sau mấy năm giữ cương vị Tham mưu phó Tác chiến Sư đoàn, tồi lại thuyên chuyển sang ngạch khác. Tôi được bổ nhiệm làm Sư đoàn phó phụ trách công tác huấn luyện. Công việc cũng chẳng nhàn nhã hơn chút nào. Lo xây dựng kế hoạch huấn luyện cho cả sư đoàn, lo các biện pháp sao cho bay huấn luyện đảm bảo an toàn, thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ, lo bay của bản thân mình sao cho đủ chỉ tiêu, lo đi kiểm tra, phê chuẩn, bồi dưỡng các giáo viên bay, chỉ huy bay cho các trung đoàn, lo lên lớp, kiểm tra về lý thuyết, học tập dưới mặt đất, lo cho bay nâng cấp phi công, lo cho xây dựng Phòng Huấn luyện của sư đoàn luôn đạt tiêu chuẩn “Phòng quyết Thắng”... cũng đủ trăm thứ. Được cái, anh em rất nhiệt tình, rất có quyết tâm, nên mọi chuyện cũng “thông đồng, bén giọt”. Tôi mạnh dạn đề nghị lập một kế hoạch chuyển sân trong toàn sư đoàn cho số phi công mới. Nhóm phi công mới của trung đoàn 921 cất cánh lên Kép để hạ cánh ở căn cứ của trung đoàn 927. Nhóm của Trung đoàn 927 cất cánh bay lên Yên Bái hạ cánh ở căn cứ của Trung đoàn 931. Nhóm của Trung đoàn 931 cất cánh bay về Đa Phúc hạ cánh ở căn cứ của trung đoàn 921. Hạ cánh xong, tất cả các máy bay nạp dầu, rồi tiếp tục cất cánh bay theo tuần tự ngược kim đồng hồ về Kép, Yên Bái, Đa Phúc để rồi cuối ngày phi công trung đoàn nào trở về trung đoàn ấy sau khi đã hạ và cất cánh ở hai sân cơ động kia. Tôi ngồi ở sở chỉ huy sư đoàn cũng rất lo lắng, sợ xảy ra những chuyện trục trặc, nhưng ngày ấy yên ổn cả. Phi công trẻ rất phấn khởi. Sau những lần đi hạ ở các sân bay của các trung đoàn khác về, anh em thấy tự tin hơn khi phải đi các sân dự bị, gắn bó với bạn bè ở các trung đoàn khác hơn, trình độ bay cũng nâng cao hơn, bay thấy vững tay hơn. Sau đó, chúng tôi tổ chức cho bay trong điều kiện sân bay ngắn, hẹp, tổ chức bay những bài không vực, nhào lộn động tác cao cấp một chiếc, rồi biên đội, bay không chiến... khí thế sôi nổi lắm.

        Một thời gian gắn sau thì tôi lại chuyển lại công tác tham mưu là Tham mưu trưởng Sư đoàn. Phải thành thật mà nói rằng; dính đến công tác tham mưu thì không khác gì người nuôi con mọn. Tham mưu trưởng phải quản lý số hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng của toàn sư đoàn. Mỗi năm tổ chức 2 đợt tuyển quân, mỗi đợt từ 500 - 1000 tân binh. Phải nắm chắc trang bị vũ khí của các đơn vị. Phải duy trì kỷ luật, điều lệnh, điều lệ trong toàn đơn vị. Phải tổ chức trực ở sở chỉ huy các cấp, thời bình lẫn thời chiến. Phải duy trì thông tin liên lạc thông suốt. Phải nắm địch để đánh giá tình hình thường xuyên, kịp thời. Phải xây dựng các phương án chiến đấu, các phương án diễn tập, kiểm tra hàng năm. Phải xây dựng kế hoạch năm... Thực thượng vàng hạ cám đều dính đến tham mưu hết. Công việc ngập ngụa, chồng chất. Nếu không sắp xếp khoa học thì có làm bù đầu lên cũng không xuể.

        Những năm làm công tác tham mưu, tôi đi cũng nhiều: Hiệp đồng với các quân binh chủng. Hiệp đồng với các lực lượng quân sự địa phương. Hiệp đồng tuyển quân, trả quân vv... đủ cả. Bước chân in khắp các nẻo đường, vất vả nhưng mình học được rất nhiều qua những chuyến đi, qua những lần làm việc với các đơn vị, các địa phương.

        Ban chỉ huy sư đoàn của chúng tôi mấy anh em rất hiểu nhau, nhất là tôi với anh Bảy Việt. Chẳng gì thì từ ngày nhập ngũ tới giờ, qua mấy chục năm cùng bay, cùng chiến đấu, cùng chung mọi niềm vui, nỗi buồn... làm gì không hiểu nhau. Có thể còn hiểu nhau hơn cả anh em ruột thịt nữa, vì mấy khi anh em ruột thịt cùng ở với nhau liên tục mấy chục năm trời đâu!

        Quản lý một khối lượng công việc và một số lượng lớn chiến sỹ thì phải xử lý với bao nhiêu trường hợp, chẳng trường hợp nào giống trường hợp nào. Thống nhất tất cả được thành một ý chí thì quả là khó. Tôi còn nhớ, đã có lần nằm trong hầm sơ tán mà chúng tôi dám thảo ra “hịch tướng sỹ” thời nay, đại loại như “Ta cùng các ngươi sinh ra gặp thời chiến tranh đánh phá ác liệt bằng Không quân Mỹ, suốt ngày báo động, căng thẳng khôn cùng, chỉ muốn nhanh chóng xuất kích chiến đấu để bắn tan thây lũ giặc trời cho hả giận. Ta cùng các ngươi khi không chiến thì cùng nhau sống chết, lúc bóng chuyền thì cùng nhau vui đùa... nghĩ rằng các danh tướng thời xưa đối xử với cấp dưới của mình cũng chỉ như vậy là cùng. Nay ta biên soạn ra điều lệnh, điều lệ và mọi quy định, mong các ngươi ngày đêm học tập và chấp hành nghiêm chỉnh. Được như vậy thì coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà. Bằng không thì trở thành cừu thù...” đại loại lắm trò tai quái như thế, nhưng khi “cầm quân” thì tôi hiểu sâu sắc rằng mối đoàn kết gắn bó sẽ tạo thành sức mạnh ghê gớm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 08:04:08 pm »

        Cũng những ngày này, tôi và các anh em trong Ban chỉ huy nuôi ý tưởng tha thiết muốn xây dựng đài tưởng niệm cho số anh em đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh qua. Nhiều lần trao đổi với cả các anh trên quân chủng, các anh đều ủng hộ, và rồi các nhóm hoạ sỹ, kiến trúc... đã đến khảo sát và các đề án được lập.

        Tôi rời sư đoàn một thời gian ngắn thì tượng đài được khởi công. Ngày ấy tôi cũng có mặt. Lòng rưng rưng nhủ rằng: thế là cuối cùng, bạn hữu cũng có chốn có nơi để quy tụ, để mọi người bây giờ, để con cháu mai sau tưởng nhớ đến công lao của các anh đã từng đổ xuống đất này không uổng phí, để tất cả nhìn lên tượng đài hiểu rằng, có được không gian thanh bình như thế này, có được bầu trời yên ả như thế này, đã phải trả giá bằng máu xương, đã phải trả bằng cả mạng sống của bao số phận. Mỗi một bậc bước lên tượng đài như tượng trưng cho một liệt sỹ đã nằm xuống, công hiến tuổi thanh xuân của mình cho các thế hệ mai sau. Trước ngày khánh thành tượng đài, tôi đã viết bài thơ “Lời người dưới mộ”, những mong mọi vong linh của đồng đội, bạn bè được mát mẻ, nhẹ nhõm ở chốn vĩnh hằng.

        
Lời người dưới mộ

        (Kính viếng hương hồn các bạn hữu đã phải xếp đôi cánh của mình trong những trận không chiến)

                Lũ chúng  tôi
                Những người nằm dưới mộ
                Ai đó bảo chúng tôi xấu hổ
                Ai đó cho rằng chúng tôi thiệt thòi
                Bởi chúnạ tôi
                Đâu còn sống trên  đời
                Không biết khóc
                chẳng biết cười
                Không biết bon chen giữa thăng trầm thế cuộc
                Mặt chẳng nếp nhăn
                Đầu khônạ sợi bạc
                Trôỉ nổi gì đâu trong dâu bể trầm luân
                Còn mãi thanh xuân

                Lũ chúng tôi
                Những người nằm dưới mộ
                Không hề ân hận
                Bởi tháng năm cốnạ hiến cho đời
                Trong sâu lắng  - ngậm cười
                Khi bạn bè
                Vẫn nhớ đến nhau
                Đau cùngf nỗi đau
                Chia cùng niềm vui
                Chung từnạ điều trăn trở

                Lũ chúng  tôi
                Những người nằm dưới mộ
                Khôing hề đau khổ
                Nuối tiếc Cuộc đời
                Bởi cuộc chiến qua
                Phải có nqười ngã xuống
                Cho thanh bình
                Con em an hưởng
                Rồi một mai; theo vòng kiếp luân hồi
                Chủng tôi lại trở về đội ngũ
                Lạỉ gặp những, bạn bè
                Mới
                Cũ
                Lại cùng nhau bay giữ đất, giữ trời
                Mai đây thôi
                Khi người biết thương người
                Khỉ đất không còn lạnh lẽo
                Nghe em.... qua mộ chí...
                Tỉếng cười!

        Trường trung cao (nay là Học viện) của Quân chủng Không quân - mấy phen “sức giấy” đề nghị chúng tôi giúp trường về giáo viên. Tôi cũng mấy bận xuống đấy giảng, “gõ đầu sỹ quan”, rồi đỡ đầu cho mấy đợt làm luận văn tốt nghiệp, chấm phản biện. Số “học viên” được tôi đỡ đầu làm luận văn bảo vệ đều được điểm cao cả, mặc dù ngày bảo vệ của họ tôi không có mặt. Bây giờ gặp lại, các anh ấy vẫn gọi tôi bằng thầy. Thôi thì, “nhất tự vi sư”, trong tình đồng đội có thêm tình nghĩa thầy trò nữa thì càng thêm thắm chặt.

        Tuy làm công tác tham mưu bận như vậy, nhưng tôi vẫn tham gia bay, và hầu như các năm đều hoàn thành chỉ tiêu giờ bay cá nhân. Tôi vẫn tự hào về huyết áp, tim mạch của tôi là “phi công vũ trụ ngó thấy cũng thèm” nhưng ai ngờ mấy năm về sau này nó phản lại tôi đột ngột quá. Ngày 09/05/1989 khi tôi bay làm giáo viên (ở buồng lái sau) cho chuyến bay chuyển sân Đa Phúc lên Yên Bái, trời mây đến 6 - 7 phần. Tính toán thời gian đến Yên Bái rồi nhưng không thấy sân bay, tôi hơi nghiêng sang phải thì thấy Hố Thác Bà. Tôi nói với cậu Trần Hậu Thiết (ngồi buồng lái trước) đừng đụng đậy gì, để tôi điều khiển hết. Tôi lựa bay sát đỉnh mây sau đó chui qua lỗ hổng, bay tụt suông dưới mây. Đáy mây khá thấp, chỉ khoảng 400m, tôi vòng tiêu dầu dưới đáy mây, sau đó làm hàng tuyến hẹp vào hạ cánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2016, 08:06:53 pm »

        Trung đoàn rất mừng vì được thêm 1 máy bay huấn luyện UMIG-21 nữa lên bổ sung vào lực lượng của trung đoàn, và nhất là có tôi lên bay bồi dưỡng và phê chuẩn giáo viên không chiến cho trung đoàn. Tôi không thể tưởng tượng được đấy lại là chuyến bay cuối cùng, chấm dứt đời bay của tôi từng bấy lâu gắn bó với bầu trời. Số là ngày hôm sau ra sân bay để bay huấn luyện, khi khám sức khoẻ trước chuyến bay cho tôi thì Y sỹ hàng y trợn mắt lên vì huyết áp quá cao: 180/140mm/Hg. Tôi bị cắt bay, sau đó đi viện một thời gian. Tôi rất chủ quan đến bệnh huyết áp chỉ khi nằm viện, đọc tất cả các tài liệu có liên quan đến bệnh huyết áp cao mới thực sự phát hoảng. Ra con người ta vẫn là một cơ thể chưa hoàn chỉnh, lắm bệnh tật linh tinh lắm.

        Vậy là bỗng dưng tan vỡ mọi ước vọng. Tôi cứ ngỡ tôi còn bay được lâu, lâu nữa. Bầu trời nghiệt ngã với tôi trong chiến tranh chắc không hà khắc với tôi trong thời bình. Ai dè, xoẹt một nhát, thế là thôi! Cao xanh vời vợi lại ngàn trùng cách trở. Không còn bao giờ được vùng vẫy trong vũ trụ khôn cùng. Không còn bao giờ được đùa rỡn cùng mây trời. Không bao giờ được cánh sát cánh cùng đồng đội vẽ những nét uốn lượn trong thinh không. Không bao giờ còn có cảm giác thực sự trong tay mình có độ cao và tốc độ... Không bao giờ! ... Không bao giờ nữa!

        Tôi ý thức được rằng đời bay của tôi vậy là chấm dứt, chấm dứt quá đột ngột và oan ức. Không thể cất cánh lên trời với huyết áp cao như thế này được. Nhưng mà đột ngột quá! Hỡi ôi! sẽ vĩnh viễn không còn giọng nói mà bạn bè vẫn nhận xét là mang chất thơ ở trên các tầng không nữa... Tôi xót xa tựa như nằm trong nhà mồ ngó ra cuộc sống sôi động bên ngoài, muốn cựa mình mà không sao cựa nổi. Một câu ca dao bỗng chợt vang trong tôi “Em như con hạc giữa đình. Muốn bay, không cất nổi mình mà bay!”. Ngậm ngùi biết bao! Rời ghế nhà trường khi tay còn dính đầy mực, đời học trò chưa vương chút bụi nào của sự bom chen, lo âu, toan tính của đời thường, tôi đã gắn bó luôn với mây trời. Gần một phần tư thế kỷ, cánh bay của tôi cùng đồng đội đã qua bao nhiêu phương trời của đất nước, nếm đủ mọi gian truân, đủ nỗi vất vả, vui có, buồn có, nước mắt, tiếng cười... hoà quyện từng ấy năm! Tổng cộng thời gian bay của tôi cho đến chuyến bay cuối là 1929 lần chuyến = 797 giờ 03 phút. Để đạt được số giờ bay ấy ở trên loại máy bay phản lực chiến đấu MIG-21 thì chật vật lắm, đâu dễ dàng gì. Có chuyến bay ngắn nhất của tôi là chưa đầy 10 phút, bình thường là 25 - 30 phút một chuyến. Tổng số không nhiều nhặn, nhưng phải nhặt nhạnh qua nhiều năm.

        Đến ngày 31/12/1992 thì tôi có quyết định cắt bay chính thức. Ngày đó thì tôi chẳng còn ngỡ ngàng gì nữa, vì mình đã xác định được tư tưởng ở một thời gian quá dài rồi. Giờ chỉ còn là thủ tục lễ nghi mà thôi. Số phận với tôi vậy là an bài! “Trăm đường tránh không khỏi số!”. Cũng không oán trách ai, oán trách gì cho mệt! Tôi bình thản hoàn thành các phận sự của mình.

        Và cũng chẳng ngờ - đời tôi lại bước ngoặt tiếp sang một hướng khác - chuyển ngành sang Hàng không Dân dụng, mà ở đấy biết bao khó khăn mới lại đang chờ đợi tôi. Tôi gần như lại làm lại từ đầu, làm quen với môi trường, với công việc, với các mối quan hệ, với mọi khó khăn... Sẽ có những bạn bè mới, sẽ có những niềm say mê mới, miễn là tôi không được nhụt chí! Tin rằng bấy nhiêu năm được rèn trong quân ngũ, tôi sẽ đứng vững được như đang từng đứng.

        Ngày chia tay tôi rời khỏi sư đoàn, cũng là rời khỏi quân ngũ (trở thành sỹ quan dự bị hạng 1) để đi nhận nhiệm vụ mới, có biết bao nhiêu tình cảm xáo trộn trong tôi. Bấy năm tôi sống, tôi cũng đã đóng góp được những gì đó, nhưng tôi thấy vẫn quá ít ỏi. Bao nhiêu đồng đội kề vai, sát cánh gánh vác đủ các nhiệm vụ trong những năm qua, giờ lại phải xa. Thoáng nghĩ trong tôi ý nghĩ mình có phải là kẻ đào ngũ không? Chắc hẳn là không! Hai tổ chức khác nhau nhưng vẫn có chung một cội nguồn, vẫn phải gắn với bầu trời. Mọi sân bay đều dùng chung. Tôi trở thành dân sự nhưng chất lính hun đúc bấy nhiêu năm không thể tàn phai được. Mà thực ra tôi đang ở bờ Bắc sân bay nay chuyển sang bờ Nam sân bay làm việc thôi. Xa xôi, xa lạ gì đâu! Tin rằng, môi quan hệ công tác rồi chỉ có tốt hơn lên mà thôi.

        Tạm biệt bạn bè, tạm biệt đồng đội, tạm biệt đời quân ngũ với bao nỗi nhớ thương, bao kỷ niệm sâu nặng, tôi ra đi, tự nhủ sẽ phải làm việc, phải sống như đã từng sống! Và chắc hẳn, sau lưng tôi, xung quanh tôi, bạn bè, đồng đội vẫn theo dõi, nhắc nhở, ủng hộ tôi như khi tôi vẫn còn đeo quân hàm. ơ đâu tôi cũng luôn tâm niệm: Mình là Anh bộ đội Cụ Hồ!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 05:01:28 am »

       
Chương V

Hạnh phúc riêng tư

        Viết những dòng này, trước hết tôi vô cùng cảm ơn vợ tôi - người bạn đời đã từng gánh vác, chia sẻ mọi nỗi niềm cùng tôi trong khó khăn, gian nan, suốt cả quãng đường từ những năm chiến tranh chống Mỹ cho tới ngày chấm dứt sự tồn tại của tôi trên cõi đời này. Người vợ, người bạn từng chăm chút, động viên tôi những khi gian khó, lẳng lặng chịu đựng hy sinh cho chồng con; lo lắng theo dõi, cùng vui buồn với tôi trong mọi việc, sẵn sàng tha thứ khi tôi mắc những khuyết điểm, lỗi lầm, để xây dựng hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

        “Mối tình học trò” của tôi nảy sinh vào năm 1966. Mối tình đầu thuở ấy thật ngây thơ, trong trẻo như trang giấy trắng của học trò. Năm ấy là năm tôi đang học bay tại trường Krasnôđar. Tôi viết thư về nhà, ngỏ lời với cô bạn học cùng lớp 10B hiện là sinh viên Đại học Y Hà Nội. Tôi gửi thư đi mà lòng phấp phỏng chẳng yên. Bạn bè cùng lớp, chỉ những thời gian cuối cấp, lúc ôn thi mới thực sự quý nhau. Rồi bây giờ lại mỗi người mỗi nơi thế này, chắc gì hiểu hết nhau. Nhiều người nói “tình yêu học trò” thường không bao giờ thành công. Tôi không tin lắm. Mãi sau này nghiệm ra mới thấy đúng như vậy thật! Khoảng hơn 2 tháng sau thì tôi nhận được thư trả lời, “người ấy” chấp nhận và hẹn khi nào tôi về nước, tất cả đều tốt nghiệp rồi mới tính tiếp đến các chuyện lớn trong đời. Tôi về phòng, đóng cửa, nằm trên giường, hai tay lùa dưới gối, nhìn lên trời qua khung cửa sổ mà lòng rộn lên bao cảm xúc, mơ tưởng đến bao nhiêu giấc mơ viển vông. Cuộc đời tôi cũng thật lạ lùng. Đúng 9 năm sau, tôi lại có dịp về đúng căn phòng ấy, trong không gian ấy, khung cảnh ấy... tại trường cũ, lại nằm ngó trời qua cửa sổ nghĩ về năm xưa. Tại đây, nơi xa kia đã có người nhận lời yêu mình, và nay cũng người ấy không còn là của mình nữa, bao nhiêu năm rồi chẳng gặp nhau. Tôi thì bị cắt bay vì mắt quá kém (do dọc nhiều mắt còn có 3/10 mà tôi từng kể khi tôi học ở học viện). Nhìn trời, ngó đến mình, lòng vô cùng ngao ngán. Tôi đã viết bài “Vòm trời qua khung cửa” để nói đến tâm trạng của mình lúc bấy giờ (gửi H):

                Anh không ngờ. Chắc em cũng không ngờ
                Xa cách thế. Anh lại về trường cũ
                Mười năm qua - ai ngỡ đâu đoàn tụ
                Những trẻ thơ - xưa cùng một mái trường
                Anh đi thăm lại các nẻo đường
                Mười năm trước, bạn bè mơ mộng
                Mười năm trước, trời cao lồng lộng
                Bạn bè xây đến lắm ước mơ.
                Anh không ngờ chắc  em cũng không ngờ
                Tình trời đếu với anh như cổ tích
                Rồi từ giã... rồi xa xa... rồi lịch mịch
                Thực hay mơ anh nào biết bao giờ
                Xưa em kêu: “Ôi màu xanh hiền từ!”
                Sâu thắm thế! Ân tình tha thiết thế!”
                Thật tiếc hận, bởi đến giờ vỡ lẽ
                Trời của ai, nào phải của anh đâu!
                Vòm cao kia vẫn sanh thẳm một màu
                Và thêm nữa, vẫn chan hoà ánh nắng
                Nhìn cao xanh lòng anh dường chết lặng
                Mà oẫn ước ao gặp lại tình trời
                Nhưng thôi rồi, tất cả đã xa xôi
                Tất cả dã lại tàn tronq dĩ vãng
                Tất cả đã cố tình quên lãng
                Anh lạnh lùng đón nhận nỗi cô đơn
                Vòm xanh kia sao chan chứa giận hờn
                Anh chỉ thấy mập mờ qua khung cửa
                Chắc vĩnh viễn chẳng khi nào gặp nữa.
                Em và anh.
                Như trời cũ xanh... xa...!


        Đó là chuyện của những năm về sau này, còn thời năm 1966, khi tình yêu chớm nở với một kẻ mới ở tuổi trưởng thành thì khác lắm. Tâm hồn lúc nào cũng như có cánh. Mọi chuyện tôi đều cho rằng sẽ rất đơn giản. Tôi ngờ nghệch và ngớ ngẩn thật.

        Chúng tôi tốt nghiệp về nước để tham gia chiến tranh. Tôi thì lang bạt khắp các sân bay, Người yêu thì sơ tán tận Bắc Thái theo trường, lớp. Có lẽ, từ lúc chúng tôi yêu nhau đến lúc chia tay nhau, số lần gặp nhau chỉ tính được trên đầu ngón tay, mà thời gian gặp cũng rất ngắn ngủi, bởi tôi phải trực, rồi đơn vị quản lý. Phi công mà! Phải quản, phải giữ sức chiến đấu cho trung đoàn, vậy nên tình yêu của chúng tôi gần như mang tính tiểu thuyết hơn là đời thực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 05:03:06 am »

        Gia đình người yêu tôi thì cực lực phản đối chuyện yêu đương này. Hình như thời ấy, cứ cô trường y nào yêu hoặc lấy phi công là gần như phi công ấy đều hy sinh trong các trận không chiến, như thành “dớp”: gái trường y “sát” phi công! Gia đình bên kia sợ con gái mình sớm goá bụa. Người yêu tôi thì không dám đấu tranh. Giai đoạn gia đình căng thẳng nhất để đi đến quyết định cuối cùng cho chuyện này thì tôi lại đang bay thử ở sân bay Tường Vân (bên đất Trung Quốc) chẳng có địa chỉ, nên không trao đổi được tin tức gì. Vậy là, Hạnh phúc đã tuột khỏi tay mình. Tôi buồn lắm, nhưng không oán trách ai cả. Hạnh phúc của tôi, tôi không giữ được còn định đổ lỗi cho ai! Cũng đã trải qua 4 năm từ lúc tôi ngỏ lời đến lúc tan vỡ. Thời gian có lẽ vẫn hơi ít trong thử thách, hay duyên số không thuận, hay mối tình học trò nào cũng cứ phải dang dở như vậy...? Tôi chẳng hiểu được nữa! Gánh tang bồng với người này thì như một định mệnh, với người kia thì như một nghĩa vụ phải trả, với người khác thì lại là phù phiếm...! “Con tạo xoay vần”! Số phận một đời người khó ai tự định đoạt, tự thoát ra khỏi cơn xoáy lốc của vòng kiếp luân hồi! Càng về sau này thì tôi lại càng nghiệm thấy như vậy.

        Những cuộc cơ động, những sân bay dã chiến, những lần xuất kích, những trận không chiến, những đạn, những bom... đã cuốn hút gần như hết tâm lực của tôi, làm cho tôi đến chóng mặt. Chừng như chúng muốn giúp tôi xoá bỏ được nỗi đau buồn, nhanh chóng quên đi những kỷ niệm chua xót và nhanh hàn gắn vết thương lòng! Chiến tranh! Vậy là nó cũng góp phần làm cho tôi thoát khỏi được trạng thái u uất, sầu não để tỉnh táo mở to mắt nhìn thẳng vào nó, đối mặt với những hiểm nguy, tìm lấy con đường chiến thắng.

        Mấy năm trời sau này của chiến tranh, tôi như một kẻ lãng tử, như một hiệp sỹ lang thang “một mình một ngựa” khắp các sân bay cơ động, khắp bầu trời miền Bắc, không chút vướng víu, ràng buộc, bận bịu gì với chuyện tơ duyên. Tôi bước vào các trận không chiến nhẹ nhõm, nghĩ như chuyện đánh trận giả thời con trẻ, ngỡ tưởng mình cứ “lông bông, lang bang” thế mãi cho rảnh thân, nhưng chắc tiền kiếp tôi còn nặng, nên thần tình ái Quypiđông gương luôn cung lên bắn một phát tên xuyên tim tôi ngay tắp lự.

        Năm 1969, khi đơn vị tổ chức cho số phi công trẻ chúng tôi lên Tam Đảo nghỉ mát mấy ngày, chúng tôi hay đi dọc đường dốc, đến thăm các gia đình ở các khu dân cư trên đó. Trung đoàn tôi, anh Nguyễn Hồng Nhị đã lấy vợ ở khu 2. Chúng tôi đến thăm gia đình của Thủ trưởng mình. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng khi chúng tôi bước vào ngõ, thì thấy một cô bé đang quay tóc vì mới gội đầu xong. Mái tóc dài óng quay vù vù bắn ra ngàn vạn hạt nước nhỏ li ti mang theo hương lá bưởi, lá sả... Tôi sững người, nhớ về mẹ tôi: Người cũng hay gội đầu bằng nước bồ kết hoặc bằng các loại lá bưởi, lá chanh... nấu lên, gội xong cũng đứng quay tóc ở một góc sân để hong cho khô. Mùi hương quen thuộc ấy không thể lẫn với bất kỳ mùi hương nào khác, dù rằng đời tôi về sau này gặp rất nhiều mùi nước hoa, mùi của các loại thảo mộc... Mũi tôi có lẽ thính cũng như mũi chó, những ấn tượng gì ghi nhận được là giữ rất lâu. Nhiều lần mẹ tôi sai tôi vào nhà lấy áo cho người, nhà tối om vì không có đèn đóm gì, tôi đến giây quần áo “đánh hơi” đúng áo của mẹ tôi đế lấy ra đưa cho mẹ, không sai lần nào, và lần gặp đầu tiên này, cô bé mặc áo màu xanh xi lâm, quần đũi
(hay “phíp” gì đó tôi không rành về khoản này), đứng quay tóc với mùi hương thân quen đã làm tôi “choáng” trong giây lát. Tôi cũng đâu nhìn thấy mặt vì phải bước né qua kẻo ngọn tóc vút vào người. Thế mà rồi định phận lại ghép chúng tôi lại được với nhau mới thật lạ lùng! Càng về sau này, càng tiếp xúc với lý thuyết âm dương ngũ hành, tôi càng thấy câu cổ ngôn “nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định” thật chẳng sai chút nào. Nhưng bấy giờ, khi tôi đang có người yêu, cô bé lại là em vợ của Thủ trưởng trung đoàn, lại còn bé con, gọi mình bằng “chú” thì tôi đâu biết được con tạo xoay vần đến là vậy! Suốt thời gian nghỉ, chúng tôi đến chơi một vài lần với tâm trạng hoàn toàn vô tư, không hề hay biết rằng sợi tơ trời đã vương và dần dần ràng buộc chúng tôi.

        Tôi trở về trung đoàn, rồi sang sân bay Tường Vân (Trung Quốc) bay thử, rồi mất người yêu, sống trong cơn bão lòng mấy năm trời. Cơn bão ấy dịu đi, tôi cứ nhủ, mình sống trong cảnh cô đơn thế cho nhẹ xác. Tôi đã từng đọc cho bạn bè tôi nghe bài “tự cảm” của tôi trong giai đoạn ấy:

                Trời thu xanh thẳm rộng mênh mông
                Gói cuốn mây trôi, dạt bập bềnh
                Chim  trời chao cánh trong thươnạ nhớ
                Tang bồng gánh nặng, gánh nhẹ tênh
                Đủ để hiểu rằng tôi tự do, lông bông ra làm sao!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 09:23:42 pm »

        Tôi có vài lần nhận được lời thăm hỏi của “cô bé áo xanh” và một số giống hoa lay ơn, thược dược gửi để tôi trồng vào vườn hoa của đại đội. Đại đội tôi có vườn hoa đủ loại, đủ nơi gửi về, hoa lúc nào cũng nở rộ, rực rỡ màu. Tôi và út Hải là hai thằng có công lao chăm bẩm vườn hoa này nhất. Giữa vùng núi đất cằn cỗi ở khu E, có được vườn hoa thế này là cả một sự cố gắng ghê gớm. Đi trực, đi bay về, anh em đều ngồi quanh vườn bàn bạc, không khí cũng dịu đi rất nhiều.

        Vào giữa năm 1971, một buổi tối, anh Nhị hỏi tôi: “Quan hệ của mày với con Yên ra sao rồi?” Tôi không biết trả lời sao cả. Đã có lần Tám Soát cũng hỏi tôi câu tương tự như vậy. Rồi cả Thiều cũng thế. Nhưng mà đến thời điểm ấy thì tôi đã... gì đâu! Tôi băn khoăn vô cùng. Trong Nhật ký của tôi, tôi đã ghi... “Em là bẩy sắc cầu vồng rực rỡ lung linh trong ráng chiều mưa đổ mà anh đi hoài không tới. Em là con chim đẹp mà chắc không đậu nơi vai anh! Em là cả một cái gì lớn lao mà anh chưa mường tượng nổi. Anh có được hưởng cả một trời yêu thương trọn vẹn của em? Em có biết lòng anh đã từng có thời kỳ tan vụn ra từng mảnh và ngấm đầy chua xót? Em có biết vì đấy mà tính tình anh thay đổi thất thường? Anh có lúc nghĩ về em và có lúc lại không dám nghĩ. Bởi trong chiến tranh biết bao diều sẽ xảy ra. Rủi một mai anh đi và không trở về, hoặc không còn nguyên vẹn như ngày nay thì tội cho em. Anh chưa hiểu hết được em cũng như em chưa hiểu hết được anh. Gần đấy mà thật xa đấy...” Tôi chỉ muốn trong cuộc chiến trang đầy rẫy ác liệt, cam go, mất mát, đau thương này tôi chỉ có một thân một mình vào trận. Bố mẹ tôi còn khoẻ, nền kinh tế gia đình cũng chưa đến nỗi nào quá khó khăn. Lỡ tôi có ngã xuống trong trận không chiến nào đó cũng chẳng có gì thật ghê gớm. Đèo bòng thêm một “rơ moóc” nào là thêm bao phức tạp, phiền toái xảy ra. Về lý thuyết mà nói thì đúng như thế. Nhưng đời này, như Gớt nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám”, thực tế diễn ra khác lắm.

        Sau khi tôi bị nhảy dù khẩn cấp trong chiến đấu, đơn vị cho tôi đi nghỉ mấy ngày ở Yên Lạc. Tôi nghĩ rất nhiều về chuyện riêng tư của tôi và tôi quyết định ngược núi một chuyến. Tôi đạp xe đến chân suối. Từ đó lên là phải dắt bộ hơn chục cây số nữa. Trời nắng chan hoà... Gió rừng ào ạt thổi... Hương rừng ngào ngạt đưa... Tâm trạng tôi xáo trộn, rối bời không thể nào gắp xếp ý nghĩ cho có hệ thống được . Thôi thì mặc, đến đâu thì đến, khi giáp mặt hẵng hay. Phải nói rằng con gái ở tuổi dậy thì chẳng khác gì bông hoa bừng nở. Mấy năm trời không gặp, giờ Yên như một người hoàn toàn khác, lạ như không phải “cô bé áo xanh” đứng quay tóc năm nào nữa. Ra dáng lắm rồi. Tôi ở khoảng một tiếng đồng hồ với mọi thứ chuyện lan man, không chủ đề nào cố định, rồi tôi xin phép gia đình lại xuôi dốc. Em chặt cành cây cho tôi buộc sau xe. Mọi xe đạp khi xuống dốc đều phải buộc thêm một cành cây to đằng sau (ngoài phanh xe) để tăng thêm ma sát, đảm bảo an toàn. Thực chẳng khác gì ngựa của quân Trương Phi ở cầu Tràng Bản trong chuyện Tam Quốc. Cây sau xe kéo cúi ràn rạt bụi mù đường. Có lẽ đấy cũng là một trong những đặc điểm của xứ dốc Tam Đảo. về đơn vị, tôi viết thư cho em, chúng tôi “chuyển gam” xưng hô anh . em tự nhiên từ xưa tới giờ vẫn xưng hô như vậy. Tôi nghĩ về em nhiều hơn. Một cái gì đó đã nhen nhóm mỏng manh, nhưng bám bền chặt qua từng ngày từng ngày... Tôi vẫn lăn lộn với các chuyến xuất kích với các trận không chiến, với các sân bay cơ động. Tôi ít viết cho em, nhưng lại nghĩ về em thường xuyên hơn. Lạ thật! Người dưng nước lã, mỗi đứa mỗi phương trời, người dưới đồng bằng, người tít trên đỉnh núi... Gặp gỡ nhau như thế rồi sao ý nghĩ luôn cứ vẩn vơ về nhau... Tôi rất e ngại, rồi có ai hiểu được ai không!

Em là ngọn gió ban chiều
Còn tôi là một cánh diều đứt dây
Bực, buồn, bướng bỉnh đảo quay
Liệu em chỉnh được hưởng bay cho thuần?

        Nghĩ ngợi miên man, tôi lại chợt giật minh, nhỡ đặt vấn đề, em không chấp nhận thì sao?

        Những ngày cuối chiến tranh, giữa lúc ác liệt nhất thì em có xuống trung đoàn tôi. Tôi lại cơ động về trực ở Gia Lâm nên chẳng gặp nhau. Tôi nhận được thư tay của Vũ Xuân Thiều gửi cho tôi với những dòng ngắn ngủi: “Hiệp sĩ thân! Có lẽ Huy đã biết tin Y, đến đây từ 10v 13.12. Thiều và Soát có đến gặp Y ở K. 12 hôm 12.12. Thật tiếc vì đến muộn quá nên không giúp gì cho Y được. Y và Huy không gặp nhau trong dịp này. Nếu không bận hôm nay đi đưa ông cụ về Tam Đảo thì có lẽ tụi mình vận động nổi Y đến Gia Lâm đấy. Rất rõ ràng Y hy vọng gặp Huy ở đây và muốn đến thăm Huy lắm nhưng còn rất ngại nên chưa dám đi thôi...”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 09:27:59 pm »

        Thiều viết, gửi cho tôi được mấy ngày thì Thiều hy sinh khi đi đánh B52 (mà tôi đã kể ở những trang trước). Chắc hẳn đấy là những dòng cuối cùng của đời một phi công anh hùng. Tôi cứ đọc đi đọc lại những bức thư nhoà trong nước mắt. Tôi mất một người bạn trong những ngày chiến tranh sắp kết thúc. Tôi có được một người bạn đời tìm đến với tôi lúc chiến tranh tàn phá khốc liệt nhất, lúc chúng tôi gặp nhiều gian nan nhất. Hạnh phúc, mất mát, niềm vui, thương đau giữa chiến tranh, mọi thứ diễn ra như hư ảo, thoắt hợp, thoắt tan... quay cuồng đến chóng mặt! Người dám yêu chúng tôi trong khói lửa đạn bom này phải là người có gan vàng, dạ sắt. Thật thực sự quý trọng. Tôi trăn trở mãi, và tình cảm của tôi gửi trọn vào bài “Mồng một! Em ơi!

        Đừng so thêm đũa nữa!.

                Bữa cỗ đầu năm
                Em ngồi vào mâm
                Lẳng lặng so thêm đôi đũa
                Ngóng nhìn ra cửa
                Tiếng bước chân  đâu cũng ngỡ anh về
                Em chạy ra hè
                Mắt đăm đắm ngó phương trời xa vợi
                Năm nào cũng đợi
                Năm nào cũng trông,
                Mà không!
                Em ơi đừng khóc nữa!
                Anh hẹn em xuân mai
                Khi đào nở tươi
                Anh sẽ về cùng xuân đoàn tụ
                Anh sẽ về tro ng yêu thương  ấp ủ
                Anh sẽ về, mãi chẳng cách xa
                Xuân năm nay
                Thêm năm nữa xa nhà
                Thêm năm nữa, miền Nam đổ máu
                Thêm năm nữa anh còn chiến đấu
                Thêm năm nữa
                Em còn so thêm đũa đợi chờ
                Em ơi! Tin yêu anh cứ đợi
                Năm sau sẽ tàn lửa khói
                Năm ấy  cẫ mừng xuân mới
                Vẫn có anh cầm đôi đũa em so
                Nâng lên
                        Như nâng trái cam mới bói đầu mùa
                Nâng lên
                        Như nâng tay em ngày cưới
                Nhớ không em
                        Ngày ấy - cùng mùa xuân!


        Sau này, năm nào đoàn bay nhập ngũ năm 1965 của chúng tôi cũng đều tổ chức gặp nhau, ít nhất là một lần trong năm với tất cả các gia đình, vợ chồng, con cái...Lại ôn lại những tháng năm qua, nhớ đến những người bạn đã vĩnh viễn nằm lại ở khắp các phương trời của chiến tranh... Các anh, các chị gặp nhau, các cháu gặp nhau, quen thân nhau như trong một đại gia đình. Tôi cho rằng truyền thống ấy phải giữ, quý lắm chứ!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM