Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:19:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi từng là phi công tiêm kích  (Đọc 29824 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:51:24 am »

        Hai ngày sau đó (ngày 12.08) thì tôi lại bị mắc nạn. Đêm trước đó, tôi phải đi từ Đa Phúc về Gia Lâm để thay trực cho một anh đi viện. Dọc đường đi, bom đạn nổ ầm ầm. Xe không đèn đóm, chạy rù rì, chậm như sên bò. Tôi tưởng tôi bị mất mạng khi ở cầu phao Đông Trù, vì đến đó thì bị một trận oanh kích. Là một thằng bay, vùng vẫy ở trên trời, bây giờ rúc vào hầm trú ẩn, nhìn thằng khác lao từ trời xuống nện mình thì tức đến phát điên lên được.

        Chúng tôi tiếp thu máy bay từ rất sớm. Tôi đi với anh Lương Thê Phúc (nay là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Dân dụng Việt Nam). Chưa đầy 5 giờ sáng, biên đội của chúng tôi đã vào cấp. Tôi biết, ngày nay sẽ là ngày rất căng thẳng. Xuống cấp chưa được mây phút thì lại chuyến cấp tiếp. Pháo phòng không bắn ran xung quanh sân bay, mảnh đạn rơi cả gần máy bay. Chúng tôi nhận lệnh nổ máy, xuất kích. Rời Gia Lâm chúng tôi lấy hướng về Tuyên Quang, xong lại ngược vùng Yên Bái. Ở độ cao 5km, chúng tôi được thông báo có biên đội 4 chiếc F.4 bay với đội hình kéo dài. Thông báo đến lần thứ hai thì tôi phát hiện, nhưng chỉ thấy 2 chiếc. Chúng phóng tên lửa đối đầu. Chúng tôi cơ động tránh. Đến khi chúng ngang góc khoảng 600, tôi giục anh Phúc “vòng trái công kích đi”. Nghĩ rằng mình thường gặp số lượng đông hơn gấp bội lần, địch còn chẳng làm gì được, nay mình có hai anh em, nó lại chỉ có 2 chiếc, lực lượng tương đương nhau, mình lại đang ở thế chủ động, góc chiếm vị công kích có lợi thì ngon ăn rồi!

        Chúng tôi vứt thùng dầu phụ, tăng lực, vòng trái. Vừa áp độ nghiêng xong thì tôi nghe cái “rầm!”. Máy bay tôi khựng lại, mắt nảy đom đóm, đúng là thấy 36 ông mặt trời. Tôi biết tôi đã “bị” rồi, cố kéo máy bay vòng tiếp (bởi nhiều trường hợp cải ra bay bằng là bị bắn quả thứ hai liền, đứt luôn, không kịp nhảy dù nữa). Máy bay không “nghe” theo tôi mà quay tít, khói đen ào ạt tuôn vào buồng lái. Tôi đành phải lần đến cần nhảy dù khẩn cấp và giật. Đạn ghế phóng đưa tôi ra khỏi máy bay. Tôi hoàn toàn tĩnh táo. Sau khi dù mở, tôi nghe thấy tiếng F.4 lượn qua. Nghĩ đến trường hợp chúng bắn dù trước đó, tôi kéo cho dù chao qua một bên, xoắn rơi cho nhanh để thoát khỏi hiểm hoạ kia. Rơi đến độ cao khoảng hơn 100 m thì nghe thấy tiếng trống, chiêng khua rộn rã, người ở khắp các ngả đường, hẻm núi kéo ra sao mà lắm. Sau này nói chuyện với bà con, mới biết bà con chắc mẩm thế nào cũng phải bắt được thằng phi công ít cũng cấp thiếu tá trở lên vì dù múi trắng, múi màu da cam (dù của phi công Mỹ màu càng sặc sỡ thì cấp càng cao).

        Tôi kéo vượt qua được một đồi cọ thì tiếp đất xuống một ruộng lúa nước. Người đầy bùn, chui ra khỏi dù thì đã thấy 3 - 4 họng súng ở trên bờ chĩa xuống. Người thì hô: “Giơ tay lên!”, bằng tiếng Việt, người hô: “Hen xơ ấp!” bằng tiếng Anh. Tôi trả lời tôi là phi công Việt Nam. Họ không tin, sợ rằng phi công Nguỵ Sài Gòn lừa, Họ bắt tôi cởi giầy, đi chân đất. May quá! Giày tôi đầy bùn, có người xách hộ thì mừng nào bằng! Tôi bỏ giày, đi chân đất nhoay nhoáy. Tôi rơi ở gần trại tù nên được đón vào nhà của Ban Quản giáo. Tôi lấy thẻ ra và nhờ báo hộ về Quân chủng rằng có một phi công mang số hiệu B.305 nhảy dù xuống đây, nhân dân đã đón được rồi. Sau khi cầm thẻ của tôi xong, bấy giờ bà con mới tin, vội vã lo cho tôi tắm táp, mượn quần áo cho tôi mặc, giặt hộ quần áo bẩn cho tôi, lo cơm nước... tất bật lắm.

        Tắm rửa xong, tôi đứng nói chuyện với bà con đến “bắt” tôi, về các hoạt động của Không quân Việt Nam, về những trận đánh của anh em bọn tôi, về những khó khăn mà chúng tôi gặp phải; cảm ơn sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân và đề nghị bà con giải tán sợ bọn giặc trời quay lại đánh phá, gây những tổn thất không đáng có. Chia tay tôi, nhiều mẹ, nhiều chị sụt sùi. Tôi cũng ngậm ngùi chẳng kém. Ơn dày, nghĩa nặng của nhân dân đối với chúng tôi, biết bao giờ chúng tôi mới trả nổi. Có lẽ chẳng bao giờ trả được. Càng ngày tôi càng hiểu ra rằng trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng tôi với dân, với nước càng nặng... phải làm việc, phải chiến đấu hét sức mình để đền đáp lại công ơn của nhân dân, để xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 02:52:50 am »

        Xã tôi “tiếp đất” là xã Liên Hoa, thuộc huyện Phù Ninh - Phú Thọ. Lần đầu tiên trong đời, ở đây tôi phải ăn đũa hai đầu. Thật lúng túng, vụng về vô cùng khi phải sử dụng “loại vũ khí” như thế trong bữa ăn. Máy bay Mi.4 lên đón tôi lại đỗ ở sân bóng đá của tỉnh Phú Thọ nên xe ô tô của Trung đoàn 925 “bắt cóc” tôi về Yên Bái. về đến Trung đoàn 925 (trung đoàn bay loại máy bay MIG-19) gặp lại các bạn hữu cùng nhập ngũ, họ dứt khoát không cho tôi đi bằng đôi chân của tôi, mà họ ghé lưng vào cõng, kiệu, bắt tôi nằm cố định, sợ bị xẹp đốt sống. Tôi càng cãi thì lại càng bị giữ chặt, sau chán chẳng muốn cãi vã nữa, ngẫm nghĩ mới thấy tình đồng đội trong chiến tranh khi thường xuyên va vấp với lửa đạn, luôn bị cái chết rình rập... con người đối xử với nhau thật chân tình, lo cho nhau đến hết mình, không chút bon chen, không giả tạo. Quý báu biết bao! Tôi càng sống thì càng chất thêm những món nợ vào đời mình. Tình nghĩa anh em, bạn bè, đồng đội trong chiến tranh ngày càng bền chặt, sẵn sàng chia lửa cho nhau, nhận cái chết cho nhau... bao nhiêu nghĩa cử, bao hành động cao thượng, viết làm sao cho hết được!.

        Hôm sau thì Mi-4 bay lên Yên Bái chở tôi về Gia Lâm rút kinh nghiệm. Tôi đòi đi trực chiến ngay nhưng Quân y bắt tôi đi viện để giám định. Tôi đi viện giám định, nghỉ an dưỡng mấy ngày, sau lại về đơn vị chiến đấu, lại lăn lộn tiếp vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh cùng đồng đội của tôi, giành giật bằng được sự yên tĩnh của bầu trời, trả lại cho nó màu xanh êm đềm và thanh bình vĩnh hằng.

        Cũng trong những ngày an dưỡng sau nhảy dù này, cuộc sống riêng của tôi xáo trộn một lần nữa và lần này số phận của tôi chừng như được sắp đặt đâu vào đấy để đời riêng an bài, tôi sẽ kể sau.

        Dịp tôi nhảy dù là dịp khắp miền Bắc rộ lên đợt bắn chiếc máy bay thứ 4000 của giặc Mỹ. Tỉnh Vĩnh Phúc treo giải một con bò cho đơn vị nào bắn được chiếc ấy. Tôi suốt ngày nói với bạn bè rằng: “Con bò ấy là của tao, để' tao dắt về cho Trung đoàn”. Thế mà bò không dắt được, lại để cho quân y “chăn” mình mấy ngày thì vô cùng điên tiết.

        Tôi “hưởng” trận bom B.52 của Mỹ rải đầu tiên là ở Thanh Hoá từ 13/4/1972. Đêm đó tôi trực chỉ huy bay, cho Bùi Doãn Độ trực chiến. Báo động vào cấp, rồi lại xuống cấp và báo động sơ tán. Chúng tôi chưa kịp chui vào hầm thì suổt dọc đường băng của sân bay Thọ Xuân đã nháng lửa và tiếng bom rền như xay lúa, mãi không dứt. Mọi đường liên lạc hữu tuyến về sở chỉ huy bị đứt hết, đối không cũng chẳng nghe được, lại rất nhiễu (sau mới phát hiện là các cột ăng ten bị gạt gãy hết, các đường dây bị bom băm nát cả). Tôi rất sốt ruột không biết tình hình ra sao nữa. Đài chỉ huy nằm ở phía Bắc đường băng. Lực lượng trực chính lại ở phía Nam đường băng. Thật như ngồi trên đống lửa. Tôi trồi lên hầm để ngó xem thì lại bị anh Vũ Trọng Tân (trực Quân báo) lôi xuống, không cho lên, nhỡ tôi “vướng” mảnh thì xong. Đợt đánh này khá dài. Tiếng máy bay nghe rất nặng và rền. Dứt đợt đánh, tôi vọt lên khỏi hầm, hét gọi phía bên trực xem tình hình bên đó thế nào thì thấy một bóng đen chạy phía đường băng lên nói với tôi là dường băng bị đánh hỏng hết rồi, lại đưa cho tôi hai chú gà gô nói là bắt được ở bên lề bảo hiểm đường băng. Hai chú chim bị sóng kích của bom làm cho nghễnh ngãng, quay quay như người bị động kinh. Tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào nghĩ cách xử lý chúng nữa, lại thả ra rồi cùng với đồng chí công binh kia đi kiểm tra đường băng.

        Trong ánh sáng mờ mờ của trời đêm, cúi sát mặt đất nhìn thì thấy mọi tấm ghi lát trên đường cất hạ cánh đều bị đánh’ cong, bật lên khỏi mặt đất tựa như những dẻ xương sườn của một con vật nào cực kỳ khổng lồ được dóc hết thịt giành cho đám nhậu rồi vứt hỗn độn ra đấy. Bãi chiến trường ngổn ngang thế này thì bao giờ mới sửa được, mới lại bay, lại trực được? Tôi vừa uất hận, vừa ngao ngán quay về hầm trực để thông báo cho số phi công và thợ máy trực chiến biết tình hình. Khu chúng tôi sơ tán và sở chỉ huy thì nghĩ rằng chúng tôi bị “làm cỏ” không còn một mống nào rồi. Gần sáng thì chúng tôi mò được về nhà. Cả khu vực ấy râm ran, hân hoan náo nhiệt hẳn lên. Đúng là chúng tôi từ cõi chết trở về thật, chẳng ai dám nghĩ là chúng tôi lại còn đủ như thế sau những đợt rải thảm hàng mấy trăm tấn bom của B.52 xuống khu trực. Sự may rủi, sống chết trong chiến tranh đúng là lạ lùng, không ai lường được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 09:14:45 pm »

        Chúng tôi phải đi đường bộ ngược ra Đa Phúc. Một tuần sau, sân bay sửa xong, tôi lại bay vào trực. Từ trên trời nhìn xuống mới ngại: một vệt chiều ngang khoảng hơn 2 km, chiều dài khoảng chục cây số chi chít hố bom, chỉ thấy hố bom là hố bom trong cái diện tích ấy, tưởng tượng như mình nhìn vào tổ ong bỏ không, không có ong thế nào thì đúng như vậy. Hôm ấy, nếu bọn lái đi lệch chỉ cần 01 độ sang phía đầu Tây sân bay thôi thì chắc số anh em chúng tôi trực chiến hôm ấy xương thịt, đất cát sẽ được băm nhừ nhào vào nhau thành một hỗn hợp mà chẳng hề tìm được tên gọi của cái hỗn hợp ấy trong từ điển của loài người.

        Rồi một nỗi căm giận bùng lên trong tôi. Đất trời này là của dân mình, sao lại có bọn ngoai bang láo xược dám đến đây gây ra bao thảm hoạ, bao mất mát, đau thương cho dân tộc mình? Suốt cuộc chiến tranh, biết bao lần chúng tôi phải căm giận đến bầm gan, tím ruột, bao lần máu như sôi lên trong cái huyết quản, bao lần phải đặt ra câu hỏi kia.

        Chúng tôi hiểu, những điều đó tạo cho chúng tôi thêm sức mạnh. Ngọn súng của chúng tôi không bao giờ chệch hướng. Cái chết nhẹ cũng tựa lông hồng. Chúng tôi vượt được mọi gian nan, hiểm nguy có lẽ cũng nhờ từ lòng yêu quê hương, yêu đất nước vô bờ. Rất nhiều sân bay dã chiến, ngắn hẹp, mà chỉ nói ra thôi chắc bây giờ không ai tưởng tượng nổi đấy lại gọi là sân bay, càng không dám nghĩ rằng chúng tôi đã trực chiến ở những nơi ấy. Chúng tôi cất hạ cánh cả trên đường lăn, có lệnh cất cánh là xuất kích, đánh nhau không tìm được nơi hạ cánh nữa thì nhảy dù, chỉ tâm niệm một điều duy nhất: phải đánh, phải chiến thắng.

        Những năm tháng chiến tranh, đời tôi gắn chặt với cuộc sống cơ động. Sáng cất cánh từ sân bay Đa Phúc, đánh một trận, về Yên Bái hạ cánh, ăn trưa ở đó, lại xuất kích, có khi lại hạ cánh tại Thọ Xuân - Thanh Hoá hoặc Kép, hoặc Kiến An. Ngoài súng đạn đeo theo người , tôi còn nhét trong túi áo một chiếc quần đùi, một khăn mặt, một dao dù, bút và quyển sổ nhật ký. Gia tài của phi công chiến đấu có vậy mà lăn lộn khắp nơi. Các mái nhà trực chiến ở các sân bay đều giắt đầy bàn chải đánh răng, bay đến đâu trực thì sử dụng đến đấy. Cuộc sống đơn giản là thế. Có một điều chúng tôi rất cần là nước. Suốt một ngày trực căng thẳng, vất vả, quần áo kháng áp bó chặt lấy người, mồ hôi nhễ nhại bao nhiêu tiếng đồng hồ, nhất là giai đoạn gặp gió Lào khi trực ở các sân bay miền Trung thì khổ cực vô cùng. Vậy mà đâu có được tắm rửa thoải mái như hiện nay. Chắc khó có người tin nổi tiêu chuẩn mỗi người đi trực về chỉ được một chậu thau nước (nhiều khi còn toàn mùi bùn vì phải gạn nước ở hố bom), mà chúng tôi gội đầu, tắm và cả giặt nữa. Đầu tiên múc một ca nước, thấm cho ướt hết đầu, hứng nước ấy vào một chậu thau khác, xát xà phòng, gội đầu chỉ được phép hai ca nước là cùng. Số nước hứng được khi gội đầu, té cho ướt khắp người, kỳ cọ bằng xà phòng, chỉ được dùng khoảng 3 - 4 ca nước, vẫn hứng nước ấy để giặt sơ bộ quần lót. Tráng nước sạch khoảng 3 ca, còn lại vài ca cuối là giặt khăn mặt và quần. Xong cuộc tắm! Cũng may anh em tôi suốt giai đoạn chiến tranh không ai bị bệnh ngoài da.

        Khổ nhất là mấy “vị” trực trong sở chỉ huy, suốt cả ngày không ra khỏi vị trí trực, phát minh ra sáng kiến: tắm khô! Tôi đùa nói rằng các vị viên từng viên gét lại như viên thuốc tễ ấy, cho vào lọ nút kín, sau này có khi dùng làm thuốc chữa được khá nhiều bệnh hiểm nghèo cũng nên!.

        Giai đoạn cuối năm 1972, giai đoạn căng thẳng, ác liệt nhất trong những năm chiến tranh đánh phá bằng không quân của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Đúng như thế! Mỹ không từ một thủ đoạn đê hèn nào không áp dụng. Như con thú bị thương nặng, bước đường cùng quẫy cắn lung tung, chúng đánh phá khắp nơi. “Thăng Long phi chiến địa!” Câu sấm trạng ấy không còn đúng với đất Hà Thành ở những ngày này. Lần nào cất cánh lên cũng thấy dưới cánh mình những cột lửa khói của đan bom bốc lên khắp nơi, chí căm thù cũng dâng theo ngùn ngụt. Tôi luôn xác định là tôi không thể sống qua chiến tranh. Nhưng như vậy vào trận lại rất thanh thản.

        Đêm 18/12/1972, khi địch đánh bom bằng B.52 vào Hà Nội thì tôi đang ở Gia Lâm. Suốt đêm phải ngồi bó gối tránh bom dưới hầm, hai chân tê dại như không phải chân của mình nữa. Sáng ra gặp ngay cảnh hoang tàn trên mặt đất. Nhà chúng tôi bị đánh sập, chúng tôi phải bới mãi trong đống gạch ngói đổ nát mới lôi được thùng bay ra để đi trực. Đường băng Gia Lâm bị đánh nát khu phía Bắc. Tôi đi kiểm tra, xác định xem có thể cất cánh được hay không thì gặp hai cô chị nuôi. Chị Viên và chị Dũng tóc tai bết bùn đất, áo quần rách bươm, mếu máo với tôi: “Nó đánh tan bếp rồi anh ạ! Chúng em theo xe về Thạch Bàn (khu sơ tán của bọn tôi) đây!” thương cảm vô cùng, mà cũng hận thù giặc Mỹ vô cùng! Sau tôi, ai đó bỗng vụt ra câu chửi thề rất tục mà tôi không dám ghi lại đây. Bấy giờ mà xuất hiện tên giặc nào thì chắc bị băm vằm nát như bùn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2016, 09:18:49 pm »

        Chúng tôi tìm mọi cách tháo hai thùng dầu phụ cánh để làm giảm trọng lượng cất cánh, phù hợp với đoạn đường băng lành lặn còn lại. ít dầu hơn, thời gian tham chiến sẽ ngắn hơn, nhưng không sao!, “Liệu cơm gắp mắm”... “Bấc đến đâu dầu đến đấy”, sợ gì.

        Suốt hơn một ngày trời trực ở sân bay Gia Lâm, chúng tôi không có gì ăn Đường từ khu sơ tán ra bị đánh đứt, bếp bị đánh sập, xung quanh đạn bom, khói lửa tơi bời, chúng tôi lúc nào cũng chờ xuất kích, chẳng ai nghĩ đến ăn nữa. Sang ngày hôm sau thì chính trị viên Thường đi theo kíp trực của bọn tôi đến mãi trận địa pháo phòng không xin được xoong cơm ngô, một bát dưa muối mang về. Anh em chúng tôi chia nhau mỗi người lưng bát. Không ai có cảm giác đói, có lẽ sự căng thẳng, tinh thần sẵn sàng cảnh giác ở tuyến trực... làm chúng tôi quên đi những nhu cầu tối thiểu thường ngày. Tôi cũng mắc chứng mất ngủ từ ngày ấy. May lắm giờ mỗi đêm ngủ được 3-4 tiếng là cùng. Trưa thì không chợp mắt rồi, cũng là di chứng của chiến tranh.

        Tôi đi đâu là bị bom đạn đuổi theo lằng nhằng đến đấy. Một ngày phải cơ động không biết bao nhiêu sân bay mà kể. Bạn bè tôi cũng vậy, hạ cánh khi lúc địch vừa đánh xong, hạ cánh cả lúc chúng đang đánh, rồi hạ cánh xong thì chúng đánh. Thấy có thời điểm có thể hạ cánh được là chúng tôi phải xuống luôn. Chỉ cần một phút đắn đo thôi, thời điểm đó qua đi là “bị” ngay. Mọi xử lý phải thật nhanh, thật chuẩn. Cũng khá nhiều anh hạ cánh xong, trên đường chạy đà lao xuống hố bom, trồng chuối ở đấy, rồi lao cả xuống ao, rồi lật ngửa, lật nghiêng máy bay... đủ cả.

        Cười nhất là hôm anh Lanh hạ cánh ở Gia Lâm. Dù giảm tốc bị đứt, máy bay cứ lao ào ào (mặc cho đã tắt máy rồi,đã phanh hết cỡ rồi) nhằm ao phía trước thẳng tiến. Phút chốc, trong chớp mắt nghe cái “ùm”. Nước ao bắn tung toé, từ xa trông tới chỉ còn thấy mỗi đuôi đứng máy bay nhô lên tựa như vây con cá mập ở ngoài biển. Mọi người hốt hoảng tìm xe ứng cấp để đến cứu phi công. Lâu sau mới có xe. Đến khi xe chạy tới bờ ao, nhìn ra chẳng thấy phi công đâu. Gọi chẳng ai trả lời! Xăm xoi quanh các bụi lau sậy ở bờ ao chẳng vết tích gì! Ngơ ngác không sao hiểu nổi!

        Trong khi đó thì Lanh đang ngồi luộc ốc ở nhà gần đó. Số là sau khi “lăn tùm” xuống ao, Lanh mở buồng lái, cởi giầy, cởi quần bay đeo hết lên cổ, nhảy ra cánh máy bay, lội ngay lên bờ. Ngoái lại xung quanh thấy có rất nhiều ốc nhồi (các ao ở quanh sân bay Gia Lâm sẵn khoản này lắm) liền bắt mấy chục con, cho vào ống quần bay, túm lại xách về để “chiêu đãi” bọn tôi.

        Đoàn đi cấp cứu phi công bị nạn dò về đến nơi thì thấy mấy thằng bọn tôi đang nhể ốc ăn. Ba hòn gạch chụm lại, một ống bơ sắt tây bắc lên, nhóm lửa mấy phút là có thể “chiến đấu” được với đám đặc sản ấy rồi. Thôi thì, tiếng cười, tiếng quát, tiếng chửi, tiếng khóc... văng ra đủ cả! Đúng là chiến tranh! Cái gì cũng có thể xảy ra bất kể lúc nào, và bất kể lúc nào cũng có thể xảy ra cái gì!

        Cảm động nhất là hôm tôi xuống hạ cánh ở sân bay Miếu Môn, phải vào tít bản trong núi sơ tán ở nhà dân, rét vô cùng. Chủ nhà cho mượn chăn bông đắp. Chăn bông của đôi vợ chồng mới cưới nhau. Chồng vừa đi B (đi vào Nam chiến đấu). Chăn nồng mùi lạ, tôi không sao ngủ nổi. Ngoài kia, khi có một cơn gió thốc lại thì toàn mùi thịt người - mùi thịt của bọn giặc lái Mỹ cháy cùng máy bay rơi hồi tối xông đến nồng nặc, gây, khét, thối đến buồn nôn! Tôi chỉ mong cho chóng sáng mà sao đêm lại dài đến vậy, dài như vô tận. Thời gian bò chậm chạp tưởng như không nhúc nhích nữa. Sáng ra, tới nơi ăn sáng thì thấy 6 bát mỳ hãm để trên bàn ăn. Tôi nghĩ thầm: chắc đêm qua có số cơ động bằng đường bộ đến bổ sung. Ngồi đợi chẳng thấy ai xuất hiện. Hỏi thì được trả lời: Đấy là tiêu chuẩn của tôi! Trời đất quỷ thần ơi! Ra bếp ở đây chưa hề nấu cho phi công ăn bao giờ, nên chẳng có gì cả ngoài mì và tiêu chuẩn thông báo là sáng ăn 2.500đ tương ứng với 6 bát mì tôm là thẳng thừng phục vụ tôi liền! Tội đến thế là cùng!.

        Tôi cứ “lang thang”, “lông bông” tứ xứ như thế, chẳng mấy khi về căn cứ chính của Trung đoàn. Quần áo còn lại không mặc đến thì hôi rình, có thế thu hoạch mộc nhĩ mọc ra từ quần áo được. Bọn tôi phải ở trong hầm liên tục nên nhiều anh bị mắc bệnh, tôi gọi là bệnh “hươu”. Thực chất là bị lang ben, nhưng trông cứ như những con hươu sao ấy thôi. Mãi sau này, khi chúng tôi không ở hầm nữa thì mới điều trị khỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2016, 06:48:23 am »

        Đêm 28/12, Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay XB 90 (sân bay ở Cẩm Thuỷ) lên vùng trời Sơn La. Tại đây, Thiều đã bắn vào B52, nhưng chắc bắn gần quá, các mảnh nổ của “pháo đài bay” văng ra làm máy bay Thiều cũng bị thương và Thiều hy sinh trên vùng trời Sơn La này. Tối hôm đó, tôi ở sân bay Gia Lâm. Sáng hôm 29 hạ cánh ở Đa Phúc nhận tin trên, tôi oà khóc. Tôi và Thiều rất quý nhau đã đành, nhưng ngay hôm trước đó, tôi vừa nhận được thư Thiều gửi tôi, thông báo Yên (sau này là vợ tôi) từ Tam Đảo xuông rất muôn tới thăm tôi mà không được. Thiều cũng gửi tôi chiếc áo len hôm cho Thiều mượn. Cứ lo cho tôi bị rét, rồi còn nhắn gửi lời chúc cho đám cưới của Việt - Nga... Mới đây thôi mà nay đã cách biệt âm dương không sao gặp được nhau nữa. Tôi đau đớn đến rỉ máu trong lòng.

Chiểu chiểu mây phủ Sơn La
Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm.

        Cuộc chiến này sẽ còn tiếp tục cướp đi những người bạn nào thân thiết của tôi nữa? Và bao giờ sẽ đến lượt tôi ra đi? Mỗi một lần vào cấp, ngồi vào buồng lái, tôi lại hít một hơi dài, nén trong lồng ngực, thầm nhủ: Đây cũng là lần cuối của mỉnh! Khi đã nổ máy thì ý nghĩ ấy tiêu tan ngay. Biết bao việc phải làm dồn dập ngay sau khi ấn nút khởi động. Xuất kích, săn lùng, không chiến, xử lý các tình huống bất trắc, tìm đường về hạ cánh., luôn luôn ở tột đỉnh của sự căng thẳng... Hạ cánh xong, ra khỏi buồng lái mới thở phào: ta vẫn còn sống! Và chuẩn bị tiếp cho lần xuất kích mới... Cứ thế, chúng tôi ở trong vòng xoáy đến chóng mặt. Râu ria có lúc chẳng kịp cạo. Ngày đánh nhau, đêm lại họp bàn, rút kinh nghiệm, quân sự dân chủ tìm cách đánh đến khuya. Rồi báo động trú ẩn., chợp mắt một chút thì đã gọi đi trực. Đã trực thì không có lúc nào rỗi cả. Có ngày, tôi có đến 11 lần chuyển cấp, 6 lần mở máy, 4 lần xuất kích. Lần báo động chuyển cấp cuối cùng trời hơi nhá nhem tối, tôi không còn đủ sức để chạy ra máy bay nữa. Vào máy bay ngồi, tôi nói với thợ máy: “chắc lần này cất cánh thì tao đi tong mất vì mệt lắm rồi!” Tồ trưởng thợ máy mắng lại tôi: “Phỉ thui cái mồm mày, chỉ được cái nói gở là không ai bằng! Ngậm ngay miệng lại”. Quả thực, ngàj/ đó tôi mệt đến muốn ngất. Hầu như suốt ngày không có mấy hạt cơm vào bụng vì vừa bưng bát cơm và được một miếng là đã báo động. Tay xách mũ bay vừa chạy vừa nhổ cơm trong mồm ra, lau miệng vào ống tay áo, cất cánh, hạ xuống sân bay khác. Uống được hớp nước, lại báo động, lại cất cánh, lại hạ tiếp ở một sân bay khác nữa. Quay hơn đèn kéo quân như vậy thì đến đá cũng phải đổ mồ hôi.

        Kết thúc chiến tranh, tôi cân được 57 cân mặt đen xạm, đầy nếp nhăn, râu ria tua tủa... tiếc là không giữ được chiếc ảnh nào vào thời điểm đó để làm kỷ niệm.

        Trước ngày Thiều mất một ngày thì Trần Việt bắn rơi một chiếc F.4 ờ vùng trời Sơn Tây khi cất cánh từ Miếu Môn lên. Đây là chiếc máy F.4 cuối cùng bị bắn rơi ban ngày trong chiến tranh xâm lược ra miền Bắc bằng không quân của Đê quốc Mỹ. Còn Thiều là phi công hy sinh trước khi chiến tranh kết thúc. Sự mất mát cuối cùng của đoàn bay MlG- 21 khoá 3 của tôi trong suốt từng ấy năm lăn lộn thực sự trong khói lửa đạn bom.

        Ngày 31 tháng 12 năm 1972, tôi trực ở sân bay Gia Lâm, biết rằng chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ đã chấm dứt. Tôi ra ngồi ở đầu đường băng, không gian yên tĩnh và tôi thấy trống trải lạ thường. Bầu trời tĩnh lặng, sâu thẳm đến khôn cùng. Tôi nhìn lên đó rồi bật khóc như đứa trẻ, khóc như chưa bao giờ được khóc. Trước mắt tôi hiện lên rõ rệt đầy đủ các khuôn mặt của các anh, em, bạn bè, tôi như còn được nghe thấy cả giọng nói, tiếng cười của họ nữa. Rồi những khuôn mặt ấy bị nhoà dần theo thứ tự thời gian:

        Trần Hoá (04.02.1969),
        Phạm Thành Nam (28.03.1970),
        Phạm Đình Tuân (28.01.1971),
        Nguyễn Văn Khánh (18.12.1971),
        Bùi Văn Long (03.03.1972),
        Phạm Văn Mạo (03.03.1972),
        Nguyễn Ngọc Hưng (08.07.1972),
        Nguyễn Ngọc Thiên (12.08.1972),
        Vũ Xuân Thiều (28.12.1972)

        Tôi cứ ngỡ mình còn đang chiêm bao. Mới đây thôi mà sao các anh đã thành người thiên cổ. Cõi vĩnh hằng. Khi các anh nằm ấm chỗ. Kiếp luân hồi - các anh có quay lại bay không? Chôn trần ai bao người nhớ, người mong. Mắt đẫm lệ, nhạt nhoà sương khói. Trời xanh thẳm, mung lung, cao vời vợi. Duyên nợ nào chắp mãi những cánh bay!

        Tôi ngồi rất lâu, lòng không làm sao tĩnh nổi, không lấy gì cân đo cho được những mất mát, đau thương. Không lấy gì so sánh được những tháng ngày gian nan. Chỉ tính năm 1972, hai trung đoàn chúng tôi có 44 trường hợp phải nhảy dù bỏ máy bay trong chiến đấu (trong đó có tôi 1 lần), 16 phi công hy sinh. Riêng đoàn bay của tôi suốt thời gian chiến tranh, chúng tôi đế mất 9 anh em, 6 anh được tuyên dương danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang: Đinh Tôn, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Văn Nghĩa, Vũ Xuân Thiều (truy tặng)...

        Hai lăm, hai sáu tuổi đầu, chúng tôi cũng đã kịp xông pha, lăn lộn, vượt qua được lò lửa chiến tranh để cứng cáp, già dặn. Tôi biết rằng đời mình phải gắn chặt duyên nợ với bầu trời. Nhìn lên đó, tôi ngỡ rằng, đời tôi thử lửa với cuộc chiến thế là đã đủ. Từ nay tôi có thể thoát được nó, sống yên bình, không còn nghe thấy tiếng bom rơi, đạn nổ; không còn thấy những cột khói lửa bốc cao không còn thấy những cảnh đổ nát, hoang tàn; không còn thấy tiếng khóc gào; không còn thấy cảnh xác chết vương vãi khắp nơi nữa... Nhưng tôi đã lầm!

        Năm 1979, sau khi tôi tốt nghiệp Học viện quân sự được mấy tháng thì tôi lại lên vùng Lạng Sơn nhận nhiệm vụ, và lần này tôi tham gia với tư cách đại diện không quân.

        Trong đợt công tác này, đồng đội đi cùng tôi không bị “rơi vãi” mất một ai, may mắn thật lớn lao.

        Rồi tôi được lệnh rút về trung đoàn để đồng chí khác thay thế vào vị trí của tôi. Tôi nghỉ ngơi mấy ngày kịp lại sức và lại trở lại với bầu trời với những bài bay mới, những khoa mục mới và rồi cả cương vị mới nữa. Vùng biên ải của tổ quốc đã đóng dấu ấn tiếp theo vào trang sử của cuộc đời tôi, ghi nhận công sức của tôi đã bỏ ra. Tôi không hổ thẹn với những tháng năm qua khi từ giã tuổi ấu thơ, tuổi học trò cho tới giờ, tôi đã đóng góp được phần rất nhỏ bé của mình đối với quê hương, đất nước. Tôi ý thức được rằng, đời tôi rồi sẽ còn gặp nhiều gian nan, và tôi cũng tin tưởng sắt đá rằng tôi sẽ vượt qua hết được mọi trở ngại trên đường tôi đi.

        Những cuộc chiến tranh, những trận chiến ở mọi nơi đã kịp tôi luyện, hun đúc cho tôi đủ cứng cáp, nuôi dưỡng cho tôi đủ ý chí để đương đầu với mọi khó khăn; cho tôi những bài học, những kinh nghiệm để tôi có thể lăn lộn trong cuộc sống, đứng vững được và cơ bản nhất, đó là dạy cho tôi biết LÀM NGƯỜI!.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2016, 06:51:29 am »

       
Chương IV

Đoạn đường sau chiến tranh

        Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc chấm dứt, chúng tôi rút kinh nghiệm, ổn định lại tổ chức, củng cố lực lượng, tu bổ lại doanh trại, sửa chữa các cơ sở hạ tầng của căn cứ không quân, nhanh chóng lập kế hoạch bay bồi dưỡng tiếp số phi công mới của trung đoàn. Sự hàn gắn “vết thương chiến tranh” còn kéo dài mãi về sau này chứ không thể nói ngày một ngày hai được. Sân bay Đa Phúc phải đại tu, bom đạn cày xới, khoét nát đường hạ cất cánh lẫn đường lăn, không thể không sửa. Tôi dẫn quân về Kép “sơ tán” và tổ chức bay ở trên đó. Mấy năm sau chiến tranh sao mà đói kém.

        Có dịp tôi được ghé về quê, đúng đợt ấy nhà tôi không còn hạt gạo nào. Mẹ tôi vác giá đi vay gạo. Nhưng vay ở đâu được! Quanh hàng xóm cảnh ngộ đâu khá hơn gì nhà mình. Tôi khóc suốt dọc đường từ nhà về đến đơn vị. Tôi có viết cho Thiện - đứa em gái tôi bài “Đường cũ, quê nghèo”. Viết mà không dám gửi, sợ em tôi quá buồn vì đa cảm. Cho tới giờ thi thoảng về quê, tôi lại đi lại nẻo đường năm xưa mà nhớ lại những ngày đói năm nao, lại thấy lòng mình rộn lên niềm thương cảm. Biết bao nỗi buồn vui, bao kỷ niệm tuổi ấu thơ... chất nặng trong lòng tôi mỗi khi tôi nhớ về quê. Tôi càng hiểu rằng, càng về già thì người ta nhớ về quê càng da diết hơn. “Lá rụng về cội! Không có quê hương thì “không lớn nổi thành người” được! Lòng yêu đất nước, yêu đồng bào bắt nguồn từ yêu làng quê của mình, yêu những người thân của mình, yêu từ những thứ rất tầm thường trong cuộc sống hàng ngày của mình. Không có tình yêu sâu đậm ấy thì không thể nói đến chuyện bảo vệ Tổ quốc. Nếu cuộc sống hàng ngày sống hời hợt thì khi cầm súng trong tay, sớm muộn cũng sẽ trở thành đảo ngũ, sẽ trở thành kẻ phản bội, đúng với cái nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

        Tháng 7 năm 1974, tôi có tên trong danh sách đi học Học viện Không quân mang tên Gagarin bên Liên Xô. Cũng là điều bất ngờ đối với tôi vì cách đấy mấy tháng, số được đi học đã tập trung ở Lạng Sơn đế ôn văn hoá, còn tôi vẫn, lụi cụi bay đào tạo số phi công mới ngày ngày, có dấu hiệu gì về học hành đâu!

        Vậy là tôi lại phải chuẩn bị tinh thần cho mình đế ngồi “mài đũng quần” mấy năm ở nơi đất khách quê người. Tôi biết, vào học ở Học viện đó không đơn giản vì họ chọn tiêu chuẩn rất cao, đào tạo xong, có thể giao cho chức cán bộ sư đoàn trở lên và có thể phong hàm cấp tướng được. Bấy năm tham gia chiến đấu, chữ nghĩa đâu còn! Trong đầu suốt ngày đêm chỉ hằn những đường bay, những điểm nổ, những động tác cơ động nhằng nhịt, những niềm hân hoan trong chiến trận, những mất mát thương đau sau chiến đấu... đủ cho óc muốn vỡ tung ra rồi. Ai mơ màng đến chuyện bút nghiên!

        Năm 1974 trở đi là năm bố tôi rất yếu. Người bị bệnh hen xuyễn, lại đi làm xa. Đạp xe đạp từ nhà tôi lên đến Hà Nội khoảng 25 km, tối lại đạp xe về. Tôi thương và lo cho bô' tôi lắm. Tôi cương quyết đề nghị bố tôi nghỉ hưu, sau rồi bố tôi cũng chấp nhận.

        Giữa tháng 8/1974 thì tôi lên tàu liên vận để đi học. Lại lênh đênh 11 ngày 11 đêm. Lần thứ hai trở lại đất Nga, trong tôi có cảm giác háo hức như đứa trẻ xa nhà lâu ngày nay được trở về. Cảnh vật, con người... tôi đều thấy thân quen như quê hương mình, người thân của mình.

        Chúng tôi được nghỉ mấy ngày, chuẩn bị mọi mặt để bước vào khai giảng. Cũng hồi hộp như thuở học trò. Mà đúng thế, mình chỉ khác tên gọi không là học sinh mà là học viên thôi. Lớp đào tạo “chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật, chiến dịch” của tôi gồm có 5 phi công: Nguyễn Tiên Sâm, Ngô Duy Thư, Bùi Thanh Liêm, Trương Tôn và Tôi (cả 5 đều tham
gia chiến tranh, đều lập được chiến công trong chiến trận. Anh Nguyễn Tiến Sâm là Anh hùng lực lượng vũ trang. Bùi Thanh Liêm sau này trở thành phi công vũ trụ được đào tạo cùng với Phạm Tuân. Khi về nước thì Ngô Duy Thư hy sinh trong tai nạn bay MIG - 21 ở ngay Phủ Lỗ. Bùi Thanh Liêm hy sinh trong một tai nạn bay biển ở Đồ Sơn - Hải Phòng. Kề cả thời chiến, lẫn thời bình đều có những cái chết cực kỳ vô lý và đáng tiếc biết bao!).

        Vì chúng tôi đã biết tiếng Nga nên không phải học dự khoá, mà học thẳng vào năm thứ nhất. Phải nói rằng mất gần 1 năm trời tôi phải đánh vật với sách vở. Nếp sinh hoạt bị đảo lộn đã đành, mang tiếng là người biết tiếng Nga nhưng bao năm chiến tranh bị bào mòn đi nhiều lắm (chỉ những câu chửi tục thì là sao lại không quên đi cho), gần như phải ôn một cách ác liệt. Tôi tự bắt tôi mỗi ngày phải học 30 từ sau nâng lên 50 từ... Tích cực bắt chuyện, chơi với bọn trẻ con, tích cực ghi từ mới, tra từ điển, học cách nói trong dân chúng... hầu như không có thời gian nghỉ. Tôi đọc sách rất miệt mài, có hôm đến 3 giờ sáng mới đi nằm, 6 giờ sáng lại dậy. Đói kiên thức quá bây giờ muốn nhồi nhét, bù lại cho nhanh. Mắt tôi bị giảm thị lực ghê gớm, chỉ còn 3/10. Thị lực mắt lại khác nhau nên đặt mua kính cũng phức tạp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2016, 09:04:27 pm »

        Tôi hoạt động công tác xã hội ở trường cũng khá hăng. Tham gia vào đội văn nghệ, đội bóng chuyền, trượt tuyết, tham gia vào hội nghiên cứu khoa học quân sự. Tôi đã có bản báo cáo khoa học, được thưởng 15 rúp. Hồi đó một tháng chúng tôi được 85 rúp gói trọn cả ăn, ở, sinh hoạt phí. Số tiền thưởng thế là to chứ. Tôi khao anh em một trận bia thoải mái. Sau chính đề tài ấy tôi phát triển lên thành luận văn tốt nghiệp của tôi và đã bảo vệ thành công.

        Giảng dậy cho chúng tôi là những thầy cô đã từng tham gia chiến tranh thế giới thứ hai, là những người có hàm học vị cao, truyền đạt cho chúng tôi rất nhiều điều bổ ích. Chúng tôi tất bật, vất vả vô cùng trong suốt những năm học ở Học viện.

        Sau này, mấy anh em tôi không đến nỗi nào. Anh Sâm thì giữ chức Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay Dân dụng Việt Nam, rồi sau này đến tận chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Anh Liêm và anh Thư thì giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn bay, và hy sinh khi đang bay huấn luyện. Anh Tôn giữ chức Phó Giám đốc Học viện Không quân - Bộ Tư lệnh Không quân.

        Hàng năm chúng tôi chỉ nghỉ hè mươi ngày, sau đó trở lại trường cũ - trường Kranôdar để bay hồi phục kỹ thuật. Mấy năm học Học viện, mắt tôi bị “mù dở” nên không được bay. Tôi ngán ngẩm lắm, nghĩ đời mình chấm dứt ở đây, nhưng lại nghĩ, không thể ăn không ngồi rồi thế này được. Tôi bắt đầu dịch sách. Tôi dịch quyển “Tiêm kích sống bằng chiến trận” của Nguyên soái Không quân Xcômôrôkhôp. Sau này dẫu không được xuất bản thì cũng là kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong những năm học ở Học viện, nhưng nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cấp phép cho xuất bản, in xong tháng 9 năm 2002 tại Nhà máy in Quân đội. Tôi còn tiếp tục dịch quyến “Những phi đội bay về phía Tây”, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cấp phép và in xong nộp lưu chiếu tháng 3 năm 2003. Năm 2004 tôi biên dịch quyền “Nghịch lý thế kỷ 20” được Cục xuất bản cấp phép, in xong và nộp lưu chiếu quý IV - 2004.

        Giữa khoá học, nghỉ hè chúng tôi được về nước. Quả thực, sau hai năm xa, đất nước có nhiều nét đổi thay. Về nước được hơn một tháng, chúng tôi lại sang học tiếp. Lần sang sau này thì thật nặng nề vì thấy thời gian trôi quá chậm. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ vợ cứ rộn lên (tôi cưới vợ dịp về nghỉ hè). Kết thúc năm học thứ 3 thì tôi cũng hoàn tất bản luận văn tốt nghiệp của tôi. Vì tôi viết phần lý thuyết, lại đăng ký đề tài trước nên hoàn toàn chủ động. Đến năm thứ 4, thời gian một tháng rưỡi nhà trường giành cho làm luận văn tốt nghiệp thì tôi quá nhàn hạ, nếu không giúp anh em khác thì đi chơi khắp nơi, nghĩ rằng sẽ không bao giờ trở lại đất Nga nữa, lần này là lần cuối cùng rồi. Thế nhưng tôi vẫn còn có dịp quay lại Học viện, quay lại nước Nga vài lần nữa về sau này.

        Tháng chuẩn bị tốt nghiệp, chuẩn bị về nước, đối với tôi là tháng dài đến vô tận. Tôi cắt một dải băng, vạch 31 ngày thành 31 đốt treo ở đầu giường, qua một ngày lại lấy kéo cắt đi một đốt. Ngày cuối cùng, đốt cuối cùng, tôi đốt ra thành than hoà vào rượu uống.

        Tạm biệt trường, tạm biệt đất Nga! Đối với tôi, tôi mang ơn sâu nặng với đất nước Nga. Lần sang trước, tôi đã học bay, nắm vững được thuật bay để tồn tại được trong chiến tranh. Lần này tôi được trang bị lý luận, kinh nghiệm đế chỉ huy quân đội. Tôi trưởng thành như vậy, làm sao lại không kể đến chuyện ơn nghĩa. Biết bao thầy cô dạy tôi tận tình, biết bao người coi tôi như con. Biết bao người coi tôi như người thân, ruột thịt. Lần nào về nước tôi cũng đi trong nước mắt của sự tiễn đưa, những giọt nước mắt chân tình, những tấm lòng nhân hậu... Suốt đời tôi, tôi không bao giờ quên được! Ôi nước Nga! Nước Nga! Tôi coi đấy cũng như một phần máu thịt của tôi!.

        Chúng tôi về nước và được phân công công tác ngay. Tôi được bổ nhiệm làm Tham mưu Phó tác chiến của Trung đoàn 927 ở Kép. Tôi kéo quân vào Đà Nẵng bay hồi phục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2016, 09:07:00 pm »

        Rồi tháng 9 năm 1979, do nhu cầu phát triển lực lượng, một Trung đoàn Không quân tiêm kích MIG - 21 nữa được thành lập. Tôi được giao nhiệm vụ làm Trung đoàn trưởng trung đoàn này đóng đô tận Yên Bái. Ngày tôi từ Kép lên Sư đoàn nhận nhiệm vụ cũng là ngày tôi phải về Trung đoàn luôn, chẳng kịp đem theo đồ đạc, quần áo sinh hoạt gì hết. Sẩm tối thì tôi đến trung đoàn. Thời đó, đường lên Yên Bái rừng còn âm u, tre nứa xoè kín hai bên đường chứ đâu quang đãng như bây giờ. Tôi đứng giữa sân trung đoàn, nhìn cảnh tượng mà ngao ngán. Trước đấy 2 ngày, có một cơn lốc đi qua đúng khu vực trung đoàn đóng quân. Nhà thì đổ ngổn ngang kèo cột, vách liếp, nhà thì tốc mái giơ đòn tay khẳng khiu, cây gãy, cây xiêu, cây bật gốc... cám cảnh vô cùng. Thật chẳng khác gì qua một trận càn của Pháp. Tôi cắn chặt hai hàm răng, đứng trầm ngầm suy tính. Anh em trong trung đoàn toàn những người tứ xứ ở đủ mọi đơn vị dồn chia cho. Số bị vi phạm kỷ luật dạng để đưa lên Yên Bái “cải tạo” không phải là ít. Tất cả len lén nhìn tôi, dò xét phản ứng của tôi. Tôi không nói gì, ngay tôi đó triệu tập cán bộ, nói rõ yêu cầu, phân công nhiệm vụ cụ thể, động viên anh em bắt tay vào công việc ngay từ sáng hôm sau. Tôi cũng xoay trần lao động cật lực cùng anh em. Một tuần lễ sau thì trung đoàn đã ra dáng một doanh trại quân đội. Cũng sau đó một tuần, sau khi thành lập trung đoàn, chúng tôi tố chức trực chiến và bay ban bay huấn luyện đầu tiên. Tuy vùng biên giới phía Lạng Sơn đã yên ổn, nhưng phía Tây Bắc này: vùng Thanh Thuỷ, Mường Khương, Xín Mần vẫn còn rất căng thẳng. Người dân biên giới vẫn phải đi sơ tán. Chúng tôi vẫn phải tổ chức bay tuần tiễu trên không. Dưới đất thì tuần tra canh gác nghiêm ngặt... nghĩa là không khí sẵn sàng chiến đấu vẫn phải ở mức độ cao nhất.

        Chúng tôi ở đã khổ sở: Nhà lá vách nứa, điện lại không có, đêm đến chỉ lù mù chai dầu nhét giẻ vào làm bấc, khói um nhà, lỗ mũi anh nào sáng rửa mặt ngoáy cũng đen sì muội than... Vậy nhưng ăn lại còn khổ hơn: Thuần một giống hạt bo bo, nuốt không nổi. Bọn tôi có “sáng kiến tối tăm” là lấy bo bo đem nấu rượu, lên đồi nhổ sắn luộc thế vào chỗ bo bo kia. Trung đoàn phát động phong trào tăng gia trồng sắn. Tôi cũng sắm dao quắm, lên đồi phát cây làm nương như mọi anh em khác. Rồi đào ao thả cá, nuôi bò, chăn lợn... đủ cả. Tôi liên hệ được với Ty thuỷ sản ở Thác Bà, khoảng 1 - 2 tháng lại ra đó xin vài tạ cá. Cá ở đó rất to. Loại mè hoa cứ 60 - 65kg một con, cá măng có con tới 80kg, chỉ có ở Thác Bà tôi mới biết thế nào là món dồi cá. Tôi tổ chức cho số anh em phi công không trực - ngày Chủ nhật xuống tàu theo đi đánh cá, vui lắm! Hồ Thác Bà dài hơn 100 km, rộng cũng 50 - 60 km, đảo rất nhiều. Bọn hải tặc cũng có hoạt động cướp các thuyền đánh cá nhỏ. Cá nhiều và to. Những lần xuống tàu là những lần thay đổi không khí cho anh em, về anh em phấn khởi hẳn.

        Cũng ở Yên Bái, tôi được ăn khá nhiều loại thịt thú rừng. Trung đoàn có mấy tay thợ săn đi cùng đội săn nên hay được chia phần. Cứ hì hụi cả đêm. Nghĩ lại đúng thật buồn cười. Đời bộ đội xa nhà chẳng còn thú vui nào hơn, nhất là lại ở chốn rừng rú nữa.

        Mang tiếng là Trung đoàn trưởng, nhưng ô tô chẳng có, mãi sau mới được một chiếc “Bắc Kinh” ọc ạch. Về sư đoàn họp quân chính toàn phải đi tàu hoả, lắm phen còn trốn vé, tới ga Đông Anh xuống đi bộ ngược theo đường sắt, ra gặp Quốc lộ 3 là đi bộ về sư đoàn. Thường tàu đến Đông Anh là hơn l giờ sáng. Cuốc bộ tới sư đoàn là hơn 4 giờ. Cơ cực lắm chẳng được như cán bộ trung đoàn thời bây giờ đâu.

        Tôi nhớ có lần họp quân chính xong trên đường về thì xe hỏng, vừa đi vừa đẩy, trong xe khói um (vì hở vòng găng dầu) phải tháọ hết mui xe. Cả tôi, cả chính uỷ, lẫn lái xe đều cởi trần, chỉ mặc độc mỗi người một chiếc quần đùi đẩy xe. Xe nổ máy là phải mắm môi mắm lợi chạy, vì hễ phanh là chết máy liền. Đến cổng trung đoàn, cảnh vệ sợ không hiểu là loại xe gì không có mui, khói như quạt chả, lại 3 ông cởi trần ngồi ở trên, nên không dám mở cổng. Tôi phải quát mãi, khi nhận ra tiếng tôi, cảnh vệ chạy ra để mở cổng thì xe lại chết máy. Vậy là lại phải đẩy vào sân trung đoàn, ai nấy đều bã người. Đã đói ăn thì chớ, lại đẩy xe, hò la suốt dọc đường rừng gần 200km thì ai mà chịu cho nổi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 01:38:49 am »

       

Bữa cơm ngoài nhà trực chiến giữa những chuyến xuất kích


Các học viên của học viện không quân mang tên Gagarin (Liên Xô), từ trái sang: Nguyễn Công Huy, Nguyễn Tiến Sâm, Trương Tôn, Bùi Thanh Liêm, Ngô Duy Thử

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2016, 01:39:45 am »

        Hồi đó, để đủ củi cho nhà bếp nấu ăn, trừ số phi công ra, còn lại tất thảy cán bộ, chiến sỹ của trung đoàn, mỗi người phải kiếm được 40 kg củi mỗi ngày. Thôi thì đủ loại, cây nhỏ cây lớn phải khuân về hết. Bộ đội hầu hết ở miền xuôi đâu đã biết các cây trên rừng là thế nào, cứ thấy là chặt thôi. Thế là sung, ngái cũng phang, cây sơn cũng băm, đến bứa của dân trồng cũng đẵn... Tôi phải giải quyết đủ chuyện; nào là người bị lở sơn; nào dân kiện lính đẵn mất bứa, mất trẩu, mất bồ đề, mất xoan... ầm ĩ lên hết. Quả là những ngày thật gian nan! Các sân bay khác vấn đề chất đốt không khó khăn gì lắm vì đun bằng than. Riêng sân bay Yên bái thì không thể vận chuyển than lên nổi (vì giá thành lên rất cao) chỉ trông chờ vào củi thôi, mà chuyện củi thì... thế đấy!

        Đầu năm 1980, Trung đoàn tôi bị tai nạn cấp I (mất cả phi công lẫn máy bay). Ngày ấy là ngày kèm kiểm tra để phê chuẩn chỉ huy bay cho một cán bộ phi đội. Lê Văn Hoàn và Trần Tuấn Việt bay trinh sát khí tượng. Một trong những sự khác nhau giữa máy bay huấn luyện UMIG - 21 cũ và mới là hệ thống thông tốc PBD -11 và PBD -16. Một đằng thì phải cộng thêm AH vào đồng hồ độ cao, một đằng là độ cao chỉ ở đồng hồ bao nhiêu thì thực tế cũng là bấy nhiêu. Đáy mây ở hàng tuyến hôm ấy là 600m, nhưng “các thầy” lại cộng thêm hơn 300m nữa (vì bay ở tốc độ 800km/giờ) nên thành ra đáy mây những hơn 900m. Sai lầm chết người là ở chỗ đó. Phi công trẻ Trịnh Xuân Hoà (quê Thanh Hoá) cất cánh lên, nhận được lệnh vòng 1 vòng dưới mây, tiêu đầu trước khi xuyên lên (khẩu lệnh này cũng chưa hợp lý, nhẽ ra cứ cho xuyên lên rồi tiêu dầu trên mây). Vậy là vòng 1 xong, qua vòng 2 của hàng tuyến là Hoà chui vào mây. Nếu như bấy giờ kéo lên trên mây để xử lý thì chắc chẳng có vấn đề gì xảy ra. Nhưng đoán rằng, Hoà lại giảm độ cao để xuống dưới mây. Hàng tuyến thì rộng, núi lại cao. Vậy không thấy liên lạc gì nữa. Gọi mãi vẫn bặt vô âm tín. Tôi nhận được báo cáo, chạy lên đài chỉ huy, gọi 2-3 lần không được, đành đích thân chỉ huy tất cả máy bay đang ở trên trời về hạ cánh rồi cho thủ tiêu ban bay. Sau tính toán đợi hết thời gian dầu liệu cho phép Hoà ở trên không. Hết hy vọng về chuyện Hoà đi các sân bay dự bị hạ cánh, vì trước đó tôi đã điện về sư đoàn báo động tới tất cả các sân bay trong mạng về việc mất liên lạc của Hoà rồi. Không khí trung đoàn căng thẳng và nặng như chì. Ngày ấy là ngày 24 tháng Chạp. Dự định bay ban bay trong để còn cho bộ đội đi ăn Tết. Vậy là chẳng còn Tết nhất gì nữa. Trung đoàn tổ chức 3 đội đi tìm kiếm; 3 xe ô tô tải chở các thành phần tác chiến, chính sách, quân y, cảnh vệ... và chở quan tài, tản ra 3 hướng, quây lấy khu vực núi Nả, Bằng La, Khe Tú. Quân chủng cho một chiếc trực thăng, quần đảo suốt ngày. Tôi ở sở chỉ huy trung đoàn, bụng như có lửa đốt. Các nhóm thay nhau toả đi theo các nguồn tin của dân báo. Qua tết, qua rằm tháng Giêng cũng không thấy tăm hơi gì. Rừng núi vẫm âm u, mưa rừng mù mịt. Trung đoàn đang rất khí thế trong mọi hoạt động, giờ vấp phải tai nạn thế này, buồn bã vô cùng. Tháng ấy lại tháng mưa nhiều, tôi lại càng hiểu câu “mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Nghe tiếng mưa ở rừng cọ quanh trung đoàn đúng là nẫu lòng, nẫu ruột lên được!

        Rồi trung đoàn cũng phải tổ chức lễ truy điệu cho Hoà. Tôi đọc điếu văn trong tiếng nấc. Nhiều người khóc lắm. Thật tội, thời chiến tranh thì chuyện hy sinh dễ được chấp nhận, nhưng ở thời bình này, tổn thất ấy nặng nề lắm và dư âm của nó cũng kéo dài lắm!

        Mấy tháng liền, tôi gày xọp và xạm hẳn đi. Lo lắng đủ thứ để làm sao “vực” được trung đoàn dậy.

        Ngày Hoà hy sinh cũng là ngày Ban cán bộ của sư đoàn lên công bố phong quân hàm cho tôi lên Thiếu tá, nhưng vì xảy ra tai nạn cấp 1 nên phải giữ lại và vì tôi là Trung đoàn trưởng phải có trách nhiệm (dù là liên đới) nên cũng phải được hưởng cái kỷ luật: cảnh cáo. Và mãi tận suốt đời tôi lúc nào cũng phải khai trong lý lịch của mình. Quân hàm thì bị giữ đến tận một năm rưỡi sau mới được trao trả. Tôi chẳng thắc mắc gì vì số kiếp là thế phải chịu thôi!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM