Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:23:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi từng là phi công tiêm kích  (Đọc 29826 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2016, 08:56:58 pm »

        Tốp bay thử của chúng tôi cũng gặp khá nhiều gian nan. Máy bay để lâu một số khí tài hỏng, lại phải đợi ở nhà mang sang mới có cái thay. Bay chuyến nào, lo chuyến ấy. Gió cạnh rất to và gió suốt ngày đêm, bụi thốc mịt mù ngoài sân bay, đi ngược gió không mở mắt được vì như bị ném cát vào mặt vậy.

        Tôi nhớ, có một chuyến tôi bay thử một máy bay bị mất lý lịch động cơ. Tâm trạng đầy lo âu, luôn phải sẵn sàng xử lý các bất trắc xảy ra. Tăng lực không có độ giật, chỉ nghe đánh phào một tiếng mà thôi. Lết mãi đến cuối đường băng mới tách được đất. Các động tác ở trên trời tôi không dám kéo cho hết tính năng. Anh em ở dưới đất thì lo ngại, Nguyễn Ngọc Thiên (mấy anh em kết nghĩa với nhau, anh đứng thứ sáu với biệt danh Sáu Cơ - bởi người toàn cơ bắp) kết cho tôi một vòng hoa dại với ý đồ, nếu chuyến ấy tôi bị làm sao thì vòng hoa ấy sẽ đặt lên mộ tôi, còn tôi không sao thì sẽ đeo vào cổ tôi thành vòng hoa chiến thắng. Rất chật vật, tôi mới đưa được máy bay vào đầu đường băng và cho tiếp đất. Tôi lăn về sân đỗ, thì Sáu Thiên ào lên, nhảy vào buồng lái, đeo vòng hoa vào cổ tôi và hôn lên khuôn mặt đỏ bừng, đẫm mồ hôi của tôi mà rằng: “Tao chúc mừng thằng Chín, cứ ngỡ phải đặt vòng hoa này ở mồ mày kia!”. Tôi cười và nhại giọng miền Nam (vì Thiên là học sinh miền Nam tập kết): “Em về em méc tía cho coi. Anh muốn em hỏng méc thì phái ghé lưng cõng em, chịu hôn?” Tất cả cười vui lắm, có anh thợ máy còn rân rấn nước mắt làm tôi cũng cảm động. Thế mới biết rằng, lúc dạy chúng tôi - thầy Ivanốp - phi công bay thử của nhà máy luôn nói rằng, cuộc đời của phi công bay thử luôn gắn với lưỡi hái của thần chết và mỗi một dòng trong “sổ tay người lái” đều được tính bằng máu, bằng tính mạng của bao phi công... quả không ngoa chút nào.

        Chúng tôi bay kiểm tra được khoảng chục chiếc thì lại điện về cử người sang bay về. Đợt đầu chuyển về có anh Đỉnh và anh Sâm cùng tham gia chuyển, sau đó hai anh không sang nữa, còn lại mỗi 3 anh em tôi kẽo kẹt bay, vất vả vô cùng.

        Ba anh em tôi là người rút sau cùng, bay 3 máy bay loại MIG - 21f13, đi đội hình 3 chiếc, tôi số 1 anh Kính số 2, Sáu Thiên số 3. Chúng tôi không hạ cánh ở Mông Tự (sân bay ở Trung Quốc nằm khoảng giữa Tường Vân và Đa Phúc) mà dự kiến sẽ về hạ ở Yên Bái. Chúng tôi bay ở độ cao 10 km. Đến sân Yên Bái, tôi thấy dầu liệu có thể đủ cho về Đa Phúc, nên xin về Đa Phúc hạ và được chấp nhận. Chúng tôi giảm vòng quay động cơ, từ từ giảm độ cao, thông trường qua sân bay và vào hạ cánh sau khi bay một hành trình khoảng 700km liên tục và cũng là sau 4 tháng xa Trung đoàn. Đó là một buổi chiều đầu mùa Thu, một chiều yên ả lạ lùng trong chiến tranh Trời đầy mây trắng trôi bồng bềnh. Nắng vàng nhạt nhoà, sương giăng nhè nhẹ, gió se se lạnh khói lam chiều toả quanh các luỹ tre làng. Lòng tôi xôn xang như đứa trẻ xa quê giờ được về gặp mẹ Thật vui biết bao nhiêu khi đồng đội mình ùa ra đón mình như đón người thắng trận trở về. Thật ấm áp biết bao nhiêu những vòng tay đồng đội, chan hoà cởi mở, thật đẹp biết bao những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...

        Tôi báo cáo trung đoàn kết quả của đợt đi công tác xong thì được phép tranh thủ mấy ngày về quê và cũng thật buồn cho chuyện riêng của tôi - chuyến đi ấy tôi đã không giữ được người yêu của mình. Bao nhiêu năm nay tôi cũng chưa gặp lại, lỗi tại ai và ở đâu thì sau này tôi sẽ kể sau.

        Kết thúc mấy ngày tranh thủ, tôi về Trung đoàn với tâm trạng nặng trĩu, u sầu. Tôi sống lặng lẽ hẳn. Vốn bản tính hiếu động của tôi như thế mà giờ phải u uất như vậy thì bạn hữu lo lắm. Anh em động viên tôi rất nhiều và ngay sau đó tôi lại được giao nhiệm vụ vào các sân bay trong khu Bốn trực chiến với bao trạng thái, bao tình huống căng thẳng khác trong chiến tranh, tôi không còn lúc nào nghĩ đến chuyện ấy nữa. Nó tĩnh lặng lại, nhưng cũng vẫn cứ như cái dằm nằm trong thịt mình, không lấy ra được, thi thoảng lại gây nỗi nhói đau.

        Suốt năm 1971, chúng tôi gặp địch cũng nhiều, có một số anh đã kịp bắn rơi được máy bay của lực lượng Không quân Mỹ. Tôi thì không. Dịp may chưa hề đến với tôi, mặc dù tôi cũng là kẻ “lặn lội” đủ ở các sân bay, đón lõng đủ các ngả đường. Hình như bọn chúng sợ vía của tôi thì phải. Có một điều rõ ràng, chẳng biết vía van thế nào chứ bọn Mỹ có hẳn hơn chục tàu đỗ ngoài Biển Đông mở rada, dò sóng đối không liên tục, mặt chúng tôi thì bọn chúng không tường, chứ giọng nói thì chắc bọn chúng quá quen. Chúng tôi đi đâu là chúng dò theo đấy, gây nhiễu, phá phách, choảng bom vào căn cứ bọn tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:27:34 am »

        Thực sự tham gia chiến tranh thì mới thấy hết được sự ác liệt, sự tàn khốc của nó, mới thấy được sự hy sinh, tinh thần quật khởi của dân mình. Cả nước bấy giờ hừng hực khí thế, chỉ biết có chiến đấu, giành giật lấy chiến thắng. Mất mát, tổn thất vậy nhưng ai cũng nén chịu đau thương, lo cho những cái lớn lao của cả một dân tộc. Càng nắng hạn thì đất đai càng khô cứng lại. Lòng người khi sống gặp lắm khó khăn, gian truân có lẽ cũng vậy, ngày càng sắt đá hơn.

        Mỗi lần chúng tôi hạ cánh xuống sân bay là thợ máy kéo dắt máy bay đi sơ tán luôn. Địch lại đánh đường băng. Dân, quân lại sửa. Chúng tôi lại có thể cất cánh được. Những năm tháng chiến tranh, tôi đã sử dụng khá nhiều loại tên lửa bổ trợ cho cất cánh, loại ấy có mật danh K.9. Khi có nó thì bọn tôi chỉ cần chiều dài khoảng 300m là có thể cất cánh được. Mà cũng vì nó có lần tôi suýt chết ngay trên đường bằng. Hôm đó có phái đoàn của các cán bộ miền Nam bí mật ra thăm miền Bắc, tôi phải bay biểu diễn cho đoàn xem. Động tác của bài bay là cất cánh với tên lửa bổ trợ, vòng độ cao thấp, cực thấp trên đầu phái đoàn, bật tăng lực kéo thẳng lên, nhào lộn các động tác theo phương thẳng đứng, thông trường cực thấp, kéo lên khoan đứng, hạ cánh theo hàng tuyến hẹp, thả dù trên không (trước lúc tiếp đất) để sử dụng đường băng ngắn nhất và lăn về, báo cáo phái đoàn.

        Khi bật tăng lực ở đầu đường băng xong, tôi nhả phanh, máy bay bắt đầu chạy đà, tôi ấn nút khởi động tên lửa bổ trợ. Máy bay lập tức tách đất. Vì xung lượng của 2 quả tên lửa bố trợ lệch nhau nên máy bay vừa tách đất xong là mang độ nghiêng rất lớn, đến mức độ gần như quay ngang. Cánh gần như chạm đất. Các cánh lái liệng ở tốc độ nhỏ không có tác dụng gì. Tôi gần như bất lực, thoáng nghĩ trong đầu là chuyến này là chuyến cuối cùng của đời mình, chắc hẳn máy bay chạm đất ngay ở tích tắc này đây, và một tiếng nổ sẽ phát ra, một cụm khói bốc cao và vĩnh viễn không còn Huy nữa!.

        Chỉ huy bay hôm ấy là anh Hoàng Biểu. Anh cũng hoảng, chỉ kịp hô “cần lái trung lập” rồi không còn ra được một khẩu lệnh nào nữa! May sao, phúc đức nhà tôi còn lớn, số phận tôi chưa bị Nam tào, Bắc đẩu gạch xoá tên, nên sau hơn chục giây đồng hồ, tên lửa bổ trợ cháy hết thuốc, máy bay trở lại trạng thái cân bằng bình thường. Tôi ấn nút vứt 2 thùng rỗng, lại tí tẹo tèo teo nữa thì rơi đúng trận địa pháo Phòng không ở đầu sân bay, thật hú vía, đúng là trong hoạ vẫn có phúc thật!.

        Tôi kết thúc tất cả các động tác biểu diễn trong vòng 20 phút. Mồ hồi ra như tắm, áo quần ướt đẫm như vừa ở dưới ao lên. Tôi lăn vào sân đỗ, tắt máy, ra báo cáo đoàn. Trưởng đoàn là chị Ba Định (Nguyễn Thị Định), chị thấy tôi mồ hồi mồ kê nhễ nhại vậy thì thương lắm, ôm lấy tôi mà nước mắt chị rưng rưng. Chiều hôm ấy, chị vào trung đoàn tôi, nói chuyện cùng cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn, chị toàn xưng chị và gọi các em, thân mật như người chị cả trong gia đình, không khí đầm ấm lắm. Chị thương chúng tôi vất vả, chúng tôi thương chị, thương đồng bào miền Nam chịu lắm gian nan, hy sinh quá lớn.

        Sau này, tôi còn bay biểu diễn, bay chào mừng nhiều đoàn của miền Nam ra nữa và càng về sau này, thì tôi càng củng cô niềm tin vào sự nghiệp giải phóng: dân tộc Việt Nam phải là một - Đất nước Việt Nam phải là một!

        Cuối năm 1971 thì đoàn chúng tôi chịu một tổn thất nữa. Hôm tôi vừa xuất kích ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) lên, địch phong toả sân bay, tôi phải về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Vừa hạ cánh xong thì biên đội của Nguyễn Văn Khánh - Lê Minh Dương vào cấp và xuất kích. Chúng tôi đứng tại sân đỗ nhìn theo. Biên đội vòng trái bay lên hướng Thái Nguyên. Mấy phút sau thì thấy một bùng lửa ở trên không, anh Khánh bị bắn rơi (mà là tên lửa phòng không ta bắn nhầm). Anh hy sinh, một cái chết thật vô lý, thật không đáng có. Vậy mà trong chiến tranh nó vẫn cứ xảy ra, ngay cả trước mắt mình nữa mới đau đớn, mới tệ hại. Anh Khánh rơi ở huyện Phú Bình, xã Đạo Đức. Mộ anh mãi tận sau này mới đưa được về chôn cất ở Nghĩa trang Quỳnh Côi, Thái Bình. Tôi cũng đã kịp có dịp về thắp nhang cho anh ở nghĩa trang quê anh vào những ngày Thái Bình sôi động trong biểu tình chống nạn tham nhũng và về thăm mẹ anh, vợ con anh.

        Cho tới giai đoạn này thì có thể nói, anh em lứa chúng tôi đã cứng cáp lên rất nhiều, già dặn rất nhiều. Chúng tôi không còn là những chú cừu non như cách đây mấy năm nữa, mà đã thực sự trở thành những tráng sỹ trong chiến trận. Bản lĩnh, kinh nghiệm chiến đấu của chúng tôi đã hình thành, đã được củng cố cho ngày càng vững chắc thêm. Kỹ thuật bay của chúng tôi ngày được tôi luyện. Chúng tôi điều khiển máy bay ngày càng thuần thục, ngày càng nghệ thuật hơn, điêu luyện hơn. Hình thái chiến thuật, nghệ thuật quân sự, mức độ tinh ranh trong trận chiến đã có, đã được phát triển. Mỗi người đã có những sắc thái riêng của mình, vững vàng hơn nhiều khi tung hoành trên bầu trời. Các cấp chỉ huy cũng hiểu chúng tôi nhiều hơn, định hướng sử dụng chúng tôi vào từng trận rõ rệt hơn... Kẻ thù của chúng tôi cũng gờm chúng tôi hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 04:28:12 am »

        Và chúng tôi cũng biết chắc chắn rằng, càng về sau này thì mức độ căng thẳng, ác liệt càng tăng. Chúng tôi không hề sợ hy sinh gian khổ, duy nhất trong đầu chỉ tâm niệm hai chữ chiến thắng! Bằng mọi giá phải chiến thắng! Chúng tôi đã như mũi tên đặt trên dây cung mà cánh cung đang giương căng, sẵn sàng lao đến địch bất kể lúc nào.

        Và năm 1972 đến, một năm đầy gian truân, ác liệt, căng thẳng, hy sinh mất mát nhiều, nhưng cũng là năm rực rỡ, huy hoàng với những hoạt động của đoàn bay MIG -21 khoá 3 chúng tôi.

        Đầu năm 1972, khi chúng tôi cơ động và trực chiến ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) thì bên phía đất Lào, khu vực Long Chẹng - thủ phủ của tên tướng phỉ tự xưng là vua Lào - tên Vàng Pao, đang bị các lực lượng của Pa thét Lào cùng quân tình nguyện của ta bao vây với ý định lần này dứt khoát phải bắt được Vàng Pao.

        Không phải phiên trực chiến của tôi, nên tôi ở nhà định vác súng đi bắn chim thì nhận được lệnh gặp điện thoại với sở chỉ huy. Tôi nhận lệnh một mình bay sang đó gây thanh thế cho bộ đội ta đang bao vây địch và nếu thời tiết tốt, thấy rõ mục tiêu thì cho phép công kích bắn hết cơ số đạn và tên lửa trên máy bay. Chẳng là, trước chiến dịch này, tôi cũng đã được nằm trong lực lượng của biên đội đánh Long Chẹng bằng không quân, nên cũng hiểu được đường đi lối lại qua nghiên cứu trên sa bàn.

        Dọc đường từ khu sơ tán ra sân bay, tôi mở bản đồ bay ra kiểm tra lại hướng bay, các vật chuẩn, soát lại các phương án sử dụng vũ khí, các phương án hiệp đồng, xử lý bất trắc, và thế là một mình tôi cất cánh, vòng thẳng hướng qua biên giới Việt - Lào, nhằm Long Chẹng lao tới. Đến mường Lầm thì tôi vứt thùng dầu phụ, kéo cao lên 10 km. Hôm ấy, mây đầy trời, lên đến độ cao hơn 6km tôi mới ra khỏi mây. Tính toán theo thời gian thì tôi đã đến khu Long Chẹng. Tôi báo với sở chỉ huy về vị trí của tôi, về tình hình thời tiết trên đường đi và tại khu vực tác chiến. Ngay dó, tôi nhận được thông báo có địch - 4 chiếc F.4 bay từ phía Nam lên, ở độ cao 8 km. Sau lần thông báo thứ hai thì tôi phát hiện được địch. Tính toán thấy mình ở thế chiến thuật hoàn toàn có lợi, tôi xin phép công kích. Sở chỉ huy đồng ý, tôi lượn trái lật xuống để chiếm vị. Bọn F.4 quay gấp ngay lại. Tôi đã từng được biết tính năng của F4 rất lợi thế khi vòng mặt bằng, nhưng giờ thì mới thấy tường tận, tận mắt chứng kiến ở mặt phẳng ngang, chúng lợi hại như thế nào. Vèo một cái, hai thằng F.4 đã kéo vào phía sau khoảng 140 150° so với máy bay tôi. Tôi ráng kéo cũng bám được vào phía sau thằng khác tương tự như vậy. Bọn chúng phóng tên lửa tới tấp. Mỗi máy bay F.4 mang được 6 đến 8 quả tên lửa không đối không. Bốn thằng, vậy là có từ 24 tới 32 quả. Tôi thì lại chỉ có một thân một mình. Máy bay của tôi hồi đó chưa được cải tiến, chỉ đeo có 2 quả tên lửa không đối không mà thôi. Ngu gì mà chúng nó không tranh nhau quật túi bụi vào máy bay tôi. Tôi bằng mọi cách vừa giữ lấy chút thế chủ động, vừa né, tránh tên lửa địch. Hôm ấy rada của mình dưới mặt đất bắt cũng khá chuẩn xác nên giúp tôi cũng được nhiều phen. Hỗn chiến một hồi, tôi cảm thấy mình càng quần lâu càng bất lợi vì ở quá xa căn cứ, rồi dầu liệu có hạn, tính năng cơ động mặt bằng của máy bay mình lại kém, kéo theo phương thẳng đứng thì không đủ tốc độ nên máy bay không “nghe” mình. Tôi xin thoát li khỏi không chiến. Sở chỉ huy đồng ý. Tôi làm một động tác giả, làm một nửa động tác lộn xuống, sau đó nhanh chóng đổi hướng, chui vào mây luôn. Trong mây, tôi đảo hướng bay kiểu “đánh võng” mấy lần liền để đề phòng nếu có thằng nào kịp lao theo tôi cũng sẽ không còn thấy mục tiêu để bám. Lấy hướng quay ngược trở lại. Khi rađa dẫn đường dưới mặt đất thông báo tôi ở trên biên giới Việt - Lào thì đèn báo dầu sáng: chỉ còn có 450 lít! Còn hơn trăm cây số nữa mới về tới “nhà”. Cực chẳng đã, tôi đành phải bay ở tốc độ tiết kiệm nhất, đạt được đường bay dài nhất. Lò dò bay ở tốc độ 450 - 480 km/h máy bay chòng chành, chao đảo như chỉ muốn rơi. Tâm trạng tôi không khác gì ngồi trên đò đầy mà nước đã mấp mé khoang. Lo lắng vô cùng, tầm nhìn dưới mây lại kém. Hầu như đi đến đâu nhìn thẳng xuống thì biết đến đấy thôi, chứ nhìn xiên thì chẳng thấy được gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 10:45:26 pm »

        Còn cách sân bay ước chừng mấy chục cây số nữa thì kim chỉ dầu trên máy bay chỉ về con số 0. Tôi báo về sở chỉ huy và thấy dưới đó lặng đi một lúc rồi mới tiếp tục thông báo cho tôi vị trí sân bay. Lần này thì lại thông báo sai. Lẽ ra sân bay ở bên trái thì lại thông báo ở bên phải. Tôi nghi hoặc hỏi lại thì bấy giờ mới khẳng định ở bên trái. Để tự trấn an tinh thần của mình, tôi mạnh dạn vặn kim đồng hồ chỉ dầu lên con số 100 lít, mặc dù biết rằng khi kim chỉ dầu chỉ về số 0, mình bật tất cả các bơm dầu lên cho làm việc thì cũng vét được thêm khoảng 70 lít nữa, nhưng phàm từ xưa tới giờ, luôn xảy ra chuyện là cái gì mình hơi lo lắng một chút thì lại hay để mắt vào đó. Khi bay dầu còn nhiều thì mấy phút mới liếc kiểm tra đồng hồ dầu một lần, còn khi nó đã ở vị trí cạn kiệt rồi thì cứ mấy giây lại dán mắt vào đấy, chừng như muốn thôi miên cho kim nó chạy ngược lên. Vậy là để “chắc ăn”, tôi cứ cho nó còn kha khá một chút cho đỡ phải nhìn.

        Máy bay tôi bay cứ ngật ngưỡng như thằng say. Dò mãi mà chẳng thấy địa tiêu nào quen thuộc cả. Tôi cũng hơi hoảng, nhưng lại nghĩ: có vấn đề gì thì mình chủ động nhảy dù, dẫu sao cũng là đất của mình.

        Mãi rồi cơ may cũng phải đến. Tôi nhìn thấy “hòn củ khoai” (ngọn núi trông như củ khoai lang, phía Nam núi Nưa) và reo lên “tôi đang ở trên hòn củ khoai!” giọng sở chỉ huy cũng đầy lạc quan: “Chú ý, sân bay ở phía trái anh!”. Tôi bay đến núi Nưa, đôi chuẩn đài và quyết định xin hạ cánh ngược chiều. Đối chuẩn sau vòng 4 xong xuôi xong, tôi mới thả càng, không thả cánh tà, vì nếu thả cả càng, cả cánh tà sợ phải sử dụng vòng quay động cơ nhiều.

        Càng thả xong thì cũng gần đến điểm kéo bằng, máy bay tiếp đất xong thì nghe một tiếng oà rồi lịm luôn: vừa vặn tiêu đến giọt dầu cuối cùng!

        Tôi trượt đà vào trong ụ, xuống máy bay người ướt đẫm mồ hôi và toàn bộ các giây thần kinh căng đến mức muốn đứt hết.

        Tôi lại còn thấy căng thêm nữa khi thợ máy kiểm tra máy bay xong báo cho tôi biết rằng máy bay tôi bị bắn quăn hết ống phản lực kéo dài, gãy 1/3 của một bên bánh lái lên xuống. Tôi không tin, nói rằng tôi vẫn điều khiển bình thường kia mà. Nhưng khi ra tận nơi thì thấy cũng ghê thật: ống phản lực bằng thép chịu nhiệt, cứng như thế mà quăn như vỏ đỗ, bánh lái lên xuống bên trái thì cụt mất 1/3 “Ái chà! Cái lũ F.4 láo toét này đã đập vào đít ngựa của tao rồi! Chúng mày giờ hồn! Tao không tha cho chúng mày đâu”!

        Tôi báo về sở chỉ huy mọi diễn biến và sở chỉ huy cứ hỏi đi hỏi lại xem tôi có kịp bắn quả tên lửa nào không. Nhưng tôi không kịp bắn. Con nhà nghèo, chỉ có 2 quả nên phải chắc ăn thì mới xài. Trận này có một chiếc F.4 rơi phía Tây khu vực Yên Thành - Nghệ An. Ra lũ chúng nó bắn vào nhau. Đúng ra thì phải ghi nhận thành tích ấy cho tôi, vì không có tôi thì làm sao mà chúng nó bắn vào nhau được. Nhưng rồi tôi không có duyên hướng cái hên ấy.

        Sau trận tôi ở Long Chẹng về, bạn hữu gọi tôi là thằng “chọc tổ ong” và tôi lại có thêm cái tên huý nữa từ đấy.

        Sau này, Chính phủ, nhân dân và các bộ tộc Lào tặng tôi Huân chương chiến công - Huân chương SAMALƠT để ghi nhận sự cống hiến của tôi trong chiến dịch ấy. Tôi vô cùng cám ơn Đẳng, Chính phủ, nhân dân và các bộ tộc Lào đã quan tâm đến cá nhân tôi, và tôi hiểu mình phải làm tốt nghĩa vụ Quốc tế hơn nữa, nhất là với các bạn Lào.

        Tháng 3 năm 1972, đoàn tôi chịu tổn thất vô cùng vô lý với lực lượng ở miền Trung và ngoài Bắc. Máy bay Li-2 chở toàn bộ bộ khung của Trung đoàn tiền phương vào sân bay Gát thì bị tên lửa đất đối không SAM-2 của ta bắn rơi ở khu vực Vinh - Nghệ An. Tất cả số người đi trên máy bay đó hy sinh hết. Đoàn bay của chúng tôi có anh Phạm Văn Mạo và một số thợ máy cùng bay trên chuyến đó. Anh Mạo lấy vợ đến hơn 10 năm, trước đó vài tháng mới sinh được cháu gái, chẳng rõ khi anh mất, anh có kịp về thăm vợ con anh được hay không nữa.

        Những năm gần đây, chúng tôi mới có điều kiện về thăm được con anh (ở Thái Bình). Cháu giống anh như tạc, đã xây dựng gia đình. Gia đình của chồng cháu cũng là gia đình Liệt sỹ nên thông cảm và thương quý cháu lắm. Anh Mạo chẳng có tấm ảnh nào để lại, tìm mãi mới tách được anh ở trong ảnh chụp chung cả đoàn hồi còn học viên để trên bài vị thờ anh. Tội nghiệp như vậy đấy!.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 10:46:45 pm »

        Chuyến bay của Li-2 vào Nghệ An trước đó có hạ cánh ở Sân bay Thọ Xuân - Thanh Hoá. Hôm ấy, tôi đang trực chiến ở sân bay, còn kịp bắt tay, chúc tụng các anh trước lúc lên đường. Vậy mà ai ngờ, khi kíp trực của tôi đang được giao nhiệm vụ đánh B.52 thì nhận được điện thoại báo về sự cố kia. Tôi nhớ, thủ trưởng Trần Mạnh sau là Tư lệnh Quân chủng PK - KQ và từng giữ chức Cục trưởng cục HK dân dụng Việt Nam nghe điện xong, lặng người đi mấy phút, rồi lại quay lại sở chỉ huy hỏi máy bay bay vào hay bay ra? Nếu máy bay bay ra thì chỉ chở có mình anh Đinh Tôn thôi, còn bay vào thì... thế đấy! Chúng tôi sững sờ và câm lặng trong nỗi buồn thương. Nghe rõ cả tiếng rơi của những giọt nước mắt tiếc thương đồng đội mình.

        Tôi chẳng rõ kíp trực của trận địa tên lửa kia có bị kỷ luật không, bị ra sao và họ rút kinh nghiệm như thế nào. Nhưng có lẽ từ giây phút ấy trở đi, tôi rất hoài nghi về công tác hiệp đồng và luôn phải đề phòng “mấy ông” này. Về sau, chính sự đề phòng ấy đã cứu tôi ra khỏi bàn tay của tử thần mà suýt nữa thì “mấy ông tên lửa” nộp không tôi vào lưỡi hái của thần chết.
Cùng ngày 3/3 ấy, ở sân bay Đa Phúc, Bùi Văn Long sau khi xuất kích về, khi hạ cánh chỉ thả được 2 càng, chiếc càng chính bên phải không ra, không rõ vì nguyên nhân gì. Chỉ huy bay không giúp được Long. Máy bay sau khi tiếp đất, chạy xoay đâm vào ụ pháo và báo hại thay, khi hạ cánh, Long lại không ghì chặt dây dù bảo hiểm người vào ghế, chính vì vậy, khi máy bay đâm vào ụ, Long bị lao người về phía trước, đầu đập vào kính ngắm, kính ngắm bị vỡ, một mảnh thuỷ tinh đâm thủng hộp sọ. Lôi được Long ra khỏi buồng lái thì thấy trán có một lỗ bằng ngón tay sâu hoắm vào trong, óc từ đó rỉ ra. Thôi! thế là thôi rồi! Cái chết sao mà rõ nhanh, sao mà rõ vô lý! Ai đời, tung hoành mãi trong chiến tranh chẳng sao, lại bị trong trường hợp rất ngớ ngẩn thế này thì đúng là đất trời đối với chúng tôi nhẫn tâm quá!.

        Long được chôn cất ở nghĩa trang Trần Hưng Đạo trên Hương Canh. Hàng năm, cứ ngày 27/07 và trước Tết, thế nào tôi cũng đến đấy thắp nhang tưởng niệm anh em. Cùng nằm với Bùi Văn Long ở đó còn có anh hùng Đặng Ngọc Ngự, anh Tiếp phi công MIG-19, út Hải (út trong đám anh em kết nghĩa với tôi) bay trên L-29... và mấy anh em khác nữa...

        Cũng đầu năm 1972 này, do nhu cầu phát triển lực lượng, Không quân được biên chế thêm một trung đoàn nữa - Trung đoàn 927 (gọi là Trung đoàn Lam Sơn) ra đời ngày 3/02/1972. Đoàn bay của tôi san ra như ong chia đàn. Người đi, kẻ ở, cũng lắm ý kiến lắm. Trung đoàn trưởng 927 là anh hùng Nguyễn Hồng Nhị. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 là anh hùng Nguyễn Ngọc Độ. Các anh Đạo, Sâm, Soát, Nghĩa... thì sang 927. Tôi, Việt, Thái... và số đánh đêm thì ở lại với Trung đoàn 921. Vậy là từ đây, chúng tôi phải xa nhau, mỗi người mỗi nhiệm vụ, cùng ở trên trời đấy, nhưng mỗi người ở một rãnh sóng khác nhau, chẳng nghe được tiếng của nhau nữa, nói chi thấy mặt. Và cũng là từ đây, chúng tôi ngầm ganh đua nhau xuất kích, ganh đua nhau bắn rơi máy bay trong các trận không chiến, ganh đua nhau nhận các nhiệm vụ..

        Cả hai trung đoàn chúng tôi về sau đều được tuyên dương anh hùng và ở cả hai trung đoàn, một số anh trong đoàn bay của tôi cũng được tuyên dương anh hùng các lực lượng vũ trang.

        Càng về sau này thì địch càng tích cực thay đổi thủ đoạn chiến thuật để đánh phá. Cũng bởi lực lượng phòng không của ta lớn mạnh hơn, cũng bởi lực lượng không quân dù là non trẻ nhưng chúng không thể coi thường như thời gian đầu coi là những con muỗi mắt nữa. Cũng bởi vũ khí sử dụng trong chiến tranh Việt Nam ngày càng được cải tiến hơn. Cũng bởi cách đánh của chúng tôi cũng đa dạng hơn v.v... Nếu như mấy năm trước đây, lực lượng cường kích (đeo bom) trong đội hình của chúng nhiều, tiêm kích (đánh chặn) ít hơn thì nay thay đổi ngược lại. Trong đội hình 32 chiếc vào đánh phá mục tiêu, có khi chỉ 4+8 chiếc đeo bom laze, 2 chiếc chiếu lade, còn đâu là tiêm kích đơn thuần làm nhiệm vụ quét sạch bầu trời, yểm hộ trực tiếp, yểm hộ khu vực cho số ném bom kia. Phải công nhận rằng, sự ra đời của vũ khí laze quả là lợi hại. Có cây cầu hàng bao nhiêu năm trời, đánh phá tốn hàng ngàn tấn bom đạn, bị rơi hàng trăm máy bay nhưng cầu vẫn đứng trơ trơ, nhưng khi xuất hiện bom lade thì 4 chiếc của chúng đeo bom với 2 chiếc chiếu tia laze đã đánh sập cây cầu.

        “Vỏ quýt dày cũng có móng tay nhọn”. Các mục tiêu mặt đất của mình khi cần bảo vệ khỏi sự đánh phá bởi loại vũ khí laze này là đốt khói để khói trùm kín mục tiêu. Tia laze mất tác dụng, bom rơi chệch mục tiêu hết.

        Cũng sang năm 1972, địch hầu như chỉ sử dụng độc một loại máy bay là F.4 (con Ma) có cải tiến thành F.4E - mang vũ khí nhiều hơn, bắn được khi đang bay đối đầu, góc bắn lớn, tính năng tốt hơn, và như vậy, chúng tôi càng vất vả, chật vật hơn khi phải không chiến với chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2016, 10:47:37 pm »

        Ngày 10/05/1972, tôi và Cao Sơn Khảo (bay số 2 cho tôi) xuất kích từ sân bay Đa Phúc, bay về hướng Tuyên Quang, Lấy độ cao đến 6 km thì chúng tôi được thông báo có địch. Tôi phát hiện thấy một tốp bay ngược chiều. Ngay lập tức cánh máy bay của chúng nó có những điểm chớp sáng. Tôi biết là chúng bắn tên lửa đối đầu, hô cho Khảo cơ động. Lại phát hiện luôn một tốp đã ở phía sau, tiếp tục hô khẩu lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực cơ động. Nhưng trong trận này, địch dò được tần số sóng đối không của mình, gây nhiễu liên tục, tôi hô chắc Khảo cũng chẳng nghe thấy, mà Khảo báo cáo tôi cũng chẳng nghe được. Sở chi huy cũng chẳng chỉ huy được chúng tôi nữa, mặc dù mấy lần chuyển sang rãnh sóng dự bị rồi. Biên đội chúng tôi mất nhau, chỉ biết vẫn ở trong khu chiến ấy thôi, chứ mọi mối liên lạc bị đứt hết, đành phải chiến đấu đơn độc vậy. Bọn chúng bắn tôi rất nhiều. Cơ động thấy chúng hơi khuất đằng sau là lại phải kéo tiếp, lại thấy đôi quả tên lửa trượt qua dưới cánh mình. Thằng F.4 chuyên đời phóng 2 quả một. Có lúc không thấy máy bay, nhưng linh tính mách bảo phải cơ động, vừa kéo cần lái thì đã thấy tên lửa chúng bắn mình vèo qua. Tôi vừa cơ động vừa nghĩ, sao chúng nó bắn lắm thế. Khi về rút kinh nghiệm thì mới biết rằng chúng tôi đã xông vào ổ tiêm kích với đội hình 24 chiếc F.4 mà anh em tôi chỉ có 2, vào trận lại mất nhau nữa thì gian nan là chuyện đương nhiên. Vụt qua tít trên đầu tôi là đường tên lửa bay, trước đó là một máy bay. Vì ở xa, tôi không rõ đấy là MIG-21 hay F.4 (bởi hai loại máy Bầy này đều cánh tam giác, trông xa thì đều như vỉ ruồi cả). Tôi chưa kịp hô “cơ động gấp” thì tên lửa đã đâm thẳng vào máy bay, bỗc cháy đùng đùng. Lại hô “nhảy dù” thì thấy chiếc vừa bắn chiếc kia xong bị bắn cháy ngay tắp lự. Tôi lại hô nhảy dù tiếp. Hô đến khản cổ chẳng thấy chiếc dù nào ra hết. Tôi đoán chắc rằng: Khảo đã bắn một chiếc và chiếc khác bắn Khảo. Sau đúng như thế thật.

        Bây giờ thì còn mỗi một mình tôi thôi, bọn chúng quây vào như ruồi bâu. Tôi phải cơ động liên tục. Rẹt, một thằng vượt qua mặt, tôi ghé đầu máy bay của tôi vào, ngắm sơ bộ và phóng luôn một quả tên lửa, xong cơ động luôn. Lại thấy mình bị thằng sau bắn nhưng không trúng. Tôi quyết định thoát ly khỏi cuộc chiến. Lật úp máy bay xuống và kéo cho bay sát ngọn cây trên rừng Tam Đảo, lấy dãy Tam Đảo che cho tôi ở một phía, tôi chỉ còn phải cảnh giới một phía thôi, tôi bay về sân bay. Đến khoảng hồ Đại Lải thì lại nghe được thông báo có một tốp địch bay từ Hoà Lạc sang. Bọn chúng về sau này hay sử dụng cái bài phong toả sân bay, săn lùng các máy bay đi chiến đấu về hoặc mới cất cánh lên để bắn và cũng đã có vài lần thành công trong chiến thuật ấy.

        Những thằng phi công bay ở những tốp này là bọn rất kỳ cựu trong nghề bay, tôi gọi là “những thằng du mục” rất nguy hiểm khi gặp chúng. Tôi sẽ kể về chúng sau. Còn bấy giờ, tôi bắt buộc phải cắt lấy hướng về sân bay Kép. Dầu liệu thì sắp cạn, lại bay thấp nên càng tốn dầu. Phát hiện thấy Sân bay Kép, tôi thông qua thật thấp, thấy yên ổn thì làm hàng tuyến hẹp vào hạ cánh luôn. Đến trước đài gần thì thấy một chiếc MIG-17 ở đâu bay tạt vào cũng hạ cánh mà đang ở độ cao kéo bằng rồi . Máy bay tôi thì tốc độ lớn, MIG-17 thì tôc độ nhỏ, đâm vào nhau như chơi, nhưng không còn đủ dầu để bay lại nữa. Tôi hạ cánh ở một bên mép đường băng, ngang MIG-17 là tôi đạp phanh đưa máy bay tôi ra cỏ, tắt máy. Thợ máy kéo máy bay tôi vào trong ụ và anh nào anh ấy mắt mũi đều trợn ngược lên vì máy bay tôi bị mấy chục lỗ đạn suốt từ đuôi máy bay lên hai cánh, đến cả thân, chóp nón cũng bị, chỉ chừa có mỗi buồng lái tôi ngồi là vô sự. Lỗ to nhất là bằng ấm pha trà. Lỗ vừa thì bằng quả trứng gà, còn các lỗ nhỏ như hạt ngô. Tổng cộng hơn 30 lỗ cả thảy. Anh em phán đoán tôi bị súng Vuncal 6 nòng của F.4 bắn, nhưng tôi cãi là không có thằng nào tiếp cận được gần tôi để sử dụng súng. Kiểm tra chính xác là các mảnh nổ của tên lửa. Máy bay tôi sơn màu nguỵ trang vằn vện, nhưng vì bị thủng nhiều nơi nên phải thay cánh, thay bánh lái lên xuống... màu trắng (không sơn kịp), trông như quần áo hề trong rạp xiếc vậy.

        Tôi có thêm tên gọi “thợ tránh tên lửa” sau trận này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 01:19:26 am »

        Lại nói về Cao Sơn Khảo. Sau khi Khảo bắn rơi một chiếc thì Khảo cũng bị bắn. Khảo rơi ở chân dãy Tam Đảo đằng mạn Tuyên Quang. Mấy năm sau mới tìm thấy xác. Dù có mở, tức là có nhảy dù, nhưng sao lại hy sinh thì đến giờ cũng vẫn còn lại câu hỏi với những sự phán đoán. Mộ của Cao Sơn Khảo ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Yên Bình - Yên Bái. Chàng trai ý Yên - Nam Hà đánh bóng bàn bằng vợt dọc đã gửi lại xương cốt mình nơi rừng núi. Tôi đau buồn vô hạn, tôi đã cắt trọc đầu mình, thề với trời đất rằng tôi sẽ không bao giờ để mất thêm một số 2 nào nữa, và lời thề ấy chừng cũng linh nghiệm. Suốt chiến tranh, nhiều anh bay số 2 cho tôi như Đỗ Văn Lanh, Lê Văn Hoàn, Bùi Thanh Liêm, Trần Sang... chỉ có thể tạm lạc nhau trong chiên trận thôi chứ không mất như Khảo nữa. Cũng chính từ ngày ấy, năm nào đến tháng 5, tôi cũng cắt trọc đầu mình. Mấy cô chị nuôi cho tới giờ gặp tôi vân gọi tôi là ông sư! Tôi giữ lệ này đến tận khi tôi làm cán bộ đại đội bay mới thôi.

        Tháng 6 năm 1972 có lẽ là tháng chúng tôi giành thắng lợi ròn rã. Lứa của tôi hầu như ai cũng lập công. Tháng 6 là tháng chúng tôi bị tổn thất ít nhất. Tôi cũng bắn rơi một chiếc F.4E vào những ngày cuối tháng 6 này trên vùng trời Hoà Bình.

        Hôm ấy, tôi với Trần Sang (bay số 2 cho tôi) xuất kích từ Sân bay Đa Phúc. Mây dầy đặc, nhiều tầng, nhiều lớp. Xuyên lên khỏi mây thì Sang không thấy tôi, còn tôi đã lấy hướng vào khu vực chiến đấu và tình hình rõ ràng là khá khẩn trương (qua giọng thông báo của trạm dẫn đường mặt đất). Tôi đề nghị dẫn Sang về hạ cánh, còn mình tôi tham chiến. Sở chỉ huy đồng ý, cho Sang về và dẫn tôi đi. Đến vùng trời Hoà Bình, tôi phát hiện thấy một tốp 24 chiếc, xin vào công kích, được phép và tôi “đơn thương, độc mã” xông vào cái đám ấy. Đội hình của chúng rối loạn. Chúng áp dụng chiến thuật “đan chéo” kiểu cắt kéo để tránh bị công kích, tôi đợi đúng lúc một thằng vừa làm động tác đảo lại, thời điểm quá tải nhỏ nhất là tôi phóng tên lửa và thoát ly.

        Đến giai đoạn này thì đúng là bọn giặc trời gờm chúng tôi một cách thực sự. Nếu như chúng không nắm được chủ động về thế chiến thuật thì đội hình chúng chủ yếu xé lẻ, tan tác để tháo chạy, tránh bị công kích là chính. Số lượng máy bay Mỹ rơi quá nhiều, số giặc lái bị bắt, bị đưa vào nhà giam mà bọn chúng thường gọi là “khách sạn Hintơn” cũng quá đông. Thằng nào cũng sợ, cũng nằm trong tâm trạng nơm nớp khi bay vào không phận Bắc Việt. Còn đối với chúng tôi thì chúng tiêu diệt mãi sao mà không thấy hết, vẫn thấy chúng tôi hoạt động khắp nơi, đánh nhau liên tục cả ngày lẫn đêm... thì có lẽ chúng không sao hiểu nổi.

        Tôi còn có trận đi cùng anh Thái, gặp địch ở vùng trời Hoà Bình lần nữa. Cả hai anh em cùng bắn, nhưng chúng cơ động ghê quá, chúng tôi để lỡ mất cơ may, về cứ tiếc mãi.

        Lại nói về bọn “du mục” mà tôi từng đề cập đến ở những trang trước. Chúng là những tên lái giàu kinh nghiệm, sành sỏi trong chiến tranh, dày dạn trong không chiến, kỹ thuật bay. Chúng cũng áp dụng kinh nghiệm của các lực lượng không quân trong chiến tranh thế giới thứ hai.

        Chúng thường bay thấp, với đội hình 4 chiếc, lập các không vực tự tìm kiếm để tiêu diệt mục tiêu trên không, chủ yếu ở hai đầu loa cất hạ cánh, “rình” những máy bay cất cánh lên hoặc về giảm tốc độ vào hạ cánh. Đấy là thời điểm dễ “làm ăn” nhất của bọn chúng vì máy bay ta lúc đó tốc độ thường nhỏ, cơ động kém, lại sơ hở vì gần ngay căn cứ mình rồi, ít tăng cường quan sát. Đã mấy lần chúng tôi bị chúng “vồ” trong những trường hợp như vậy và chúng tôi cũng đã bị tổn thất. Qua những lần như vậy, chúng tôi phải cảnh giác hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà chúng tôi sinh ra chiến thuật lập hàng tuyến thật hẹp để vào hạ cánh, độ cao chỉ 20' 30m. Kéo lập xong vòng 4 là đến độ cao kéo bằng. Thời gian ở trên không rất ngắn, bọn chúng đành bó tay.

        Một lần, anh Thái và tôi bay tuần tiễu về khu vực Tuyên Quang (sau khi anh Thái mất số 2 là Võ Sỹ Giáp, tôi mất Cao Sơn Khảo, thì hai chúng tôi cũng hay đi với nhau, cũng “sáng tác” được một số động tác riêng cho biên đội như “cắt chéo”, “cơ động phản kích đối đầu”... rất có tác dụng đối với chúng tôi trong không chiến). Mây ở khu vực ấy khoảng 5 - 6 phần. Tôi quan sát quanh quẩn, nhìn xuống dưới bụng máy bay mình thì chợt thấy 4 thằng đang bay thấp cắt từ phải qua trái. Tôi hô cho anh Thái biết: “Bốn thằng “du mục” đi từ phải sang, ngay dưới bụng mình đấy!” Anh Thái cũng phát hiện và lập tức chúng tôi vứt thùng dầu phụ, lật úp máy bay để chiếm vị công kích. Anh Thái lao vào bắn một quả tên lửa, một thằng bùng cháy giữa trời. Tôi lao theo 3 thằng thì bọn chúng quay gập vào bụng tôi tháo chạy. Máy bay của anh Thái không hiểu sao bị gẫy ống không tốc. Mọi đồng hồ trong buồng lái không làm việc nữa vì hỏng hết cả hai hệ thống khí áp tĩnh và động. Anh ấy la như cháy nhà. Tôi phải bỏ mục tiêu, nhào lên bay cạnh anh ấy, không chế tốc độ cho phù hợp và dẫn về hạ cánh. Dọc đường bay, anh ấy hò la rất nhiều, phần vì phấn khích, phần vì lo lắng cho chuyên bay. Thôi thì đủ cả lời nói vui, nỗi lo âu, câu chửi thề tục tĩu. Không ai có thể xen vào được, chỉ đến lúc hạ cánh xong anh mới chịu lặng im thôi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 01:21:26 am »

        Hầu như những tháng cuối năm 1972, bọn tôi xuất kích rất “âm thầm”, “người ngựa ngậm tăm” lủi theo độ cao thấp đi đến một điểm nào đấy mới tăng lực kéo cao, mới liên lạc, bởi nếu không như thế, thì bọn tôi bị gây nhiễu đối không ngay lập tức và không ai chỉ huy được ai hết. Tôi còn nhớ, dễ có đến gần 20 phương án. Khi nhận lệnh báo động vào cấp là nhận phương án luồn, đi đứng ra sao, bọn tôi phải thuộc như lòng bàn tay mình, ấy thế mà bọn Mỹ dò ra sóng đối không rất nhanh, phá sóng rất dữ, gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong chiến trận.

        Mặc dù những ngày chiến đấu căng thẳng, ác liệt diễn ra như vậy, nhưng “máu học trò” của tôi lựa có thời điểm nào có đất hoạt động là lại sống lại. Chúng tôi đi trực chiến thường rất sớm, khoảng 3 giờ sáng là phải dậy rồi. Có một lần khi xuống xe trực, qua nhà bếp, vì còn sớm quá, lái xe chưa ra, chị nuôi thì ngồi ngủ gục tại bếp, tôi liếc thấy bên cạnh có bộ áo mưa, liền xâu que, treo lên xà bếp kiếm được đôi giày hỏng buộc ở dưới áo, trông tựa người treo cổ. Xong rồi, tôi đến ngồi cạnh chị nuôi hừ một tiếng. Cô chị nuôi giật mình choàng dậy, mắt nhắm mắt mở, chống tay vào đúng cái đầu trọc lốc của tôi, rú lên, chạy nhào ra cửa, chưa định thần được thì lại thấy người treo cổ ở trước mặt. Rú tiếp một tiếng nữa và không thể chạy nổi, khuỵu xuống, vừa bò vừa la. Tôi lỉnh cửa sau, đi ngược đường coi như chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Toàn bộ khu bếp báo động, súng ống lên đạn lách cách. Cô chị nuôi nói hụt hơi là bếp có ma. Mọi người chạy xuống bếp thì thấy áo mưa treo, oà lên cười. Bấy giờ thì cô chị nuôi mới lấy lại tinh thần oà lên khóc... Chuyện cứ làm tôi ân hận mãi tới tận bây giờ vì những trò nghịch ngợm không đâu của mình.

        Để động viên kịp thời những anh bắn rơi máy bay Mỹ, chúng tôi hay bày trò tạo một cái gì đó bất ngờ. Hôm anh Đỗ Văn Lanh (sau này được phong danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang) bắn rơi một chiếc F.4, tôi ở nhà (ở trong hầm thì đúng hơn) hì hụi lôi một chiếc bảng đen ra, vẽ một phi công mắm môi mắm lợi bóp cò súng, phía trước, một thằng F.4 cháy cắm đầu xuống, cánh vỡ ra từng mảnh, cạnh bảng là dòng chữ to: “Hoan hô thằng Lanh”. Xong, tôi đem bảng ra treo trước hầm, cốt khi Lanh về thấy để mừng. Ai dè, tôi bị vạ vì cái trò này. Số là Lanh chưa về thì chính uỷ đã đến trước giờ để báo tin, nhìn thấy tấm bảng, ông đứng sững lại, ngắm nghĩa gật gù, mắt nhấp nháy rồi hỏi: “Vẽ đẹp đấy, nhưng ai vẽ?”. Tôi đứng ra nhận thì lại được hỏi một câu tiếp: “Sao lại đề là thằng Lanh mà không là đồng chí Lanh?”. Tôi trả lời: “Bạn bè vẫn gọi nhau mày tao thì đề bằng thằng cũng có sao đâu ạ!” Thế là tôi được thuyết trình một hồi về nhận thức, về quan điểm. Rồi rốt cục đưa cả ra chi bộ nói về chuyện ấy nữa. Tháng ấy, tôi mất danh hiệu “Đảng viên 4 tốt”. Tôi còn bị mấy lần mất “4 tốt” nữa vì những chuyện không đâu. Ví như mắng số 2 ở trên trời là “Cú đỉn”. Quả tình, bốn ngàn năm lịch sử yên hàn, bỗng giữa trời vang lên tiếng “cú đỉn” thì nghe cũng không sao lọt tai thật. Rồi những trò đùa vô bổ trong những phút yên lặng giữa những lần xuất kích, những chuyện tào lao, những trò bay nghịch ngợm....tôi đều bị “riềng”. Hồi ấy, người ta quản lý chúng tôi ngặt nghèo đến mức hơi bị thái quá. Có gì cũng nâng lên thành quan điểm hết, sợ thật!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 03:11:42 pm »

       

Niềm vui sau chuyến bay cao không

        Tôi là thằng “sáng tác” ra trò bay “báo cơm”. Có nghĩa là đi cơ động ở sân bay khác về, hoặc đi đánh nhau về, sẽ hạ cánh ở Đa Phúc thì thế nào cũng bay kéo dài vòng một một chút, lách qua núi Đôi, ngắm vào mấy cửa hầm chúng tôi ở, bay thật thấp dưới chân đồi có hầm ấy, dưới đó là bếp ăn của bọn tôi. Rẹt qua ở độ cao 5 - 10 m thôi, lắc cánh rồi kéo lên, lượn vào vòng 3, thả càng, hạ cánh. Chị nuôi khắc biết bổ sung thêm một xuất cơm ra sân bay. Tai hại là ở chỗ mọi người giật mình, kinh hoảng, may mà chưa có ai bị ngất vì tiếng động và sóng kích của máy bay gây ra. Đã có lần, bay thấp quá, mái bếp suýt sập, vung nồi cơm văng cả xuống bếp, bụi mù lên cơ mà! Thật thà mà nói, đến bọn tôi là những thằng bay, nhưng khi nằm ở trong nhà trực, bị ai dó rẹt qua cũng phải bật ngay dậy, không chịu nổi, chứ nói gì đến người thường! Sau chúng tôi phải ra một “đạo luật” cấm bay thông qua khu trực chiến ở độ cao thấp. Anh nào vi phạm thì lập tức bị trùm chăn và bị đánh luôn, ấy thế mà khối anh bị đánh đấy. Tôi cũng có lần quên mất quy định kia, hạ cánh xong rồi, ra khỏi buồng lái, thấy một bóng người cầm chăn nấp ở cánh cửa nhà trực, mới sực nhớ ra, không dám vào nhà nữa, mặc dù khát nước tới muốn chết vẫn đành chịu. Dại gì xông vào để bị chúng nó trùm chăn, nó ục cho!

        Mấy tháng gần cuối năm là mấy tháng tệ hại đối với chúng tôi. Vào tháng 7, có ngày còn rất xấu nữa. Ngày 08/07, ngày đó là ngày chúng tôi mất 3 chiếc liền, mất cả của lẫn người. Anh Đặng Ngọc Ngự (Đại đội trưởng đại đội bay của chúng tôi, sau được truy tặng danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang) anh Nguyễn Ngọc Hưng, anh Vũ Văn Hợp đều bị rơi ở khu vực vùng trời Hoà Bình.

        Hồi tháng 4 (ngày 16.04), chúng tôi cũng bị rơi 3 chiếc trong một ngày, nhưng Nguyễn Hồng Mỹ, Lê Khương và Dương Đình Nghi còn nhảy dù ra được. Sau hơn một tháng nằm viện lại đi chiến đấu được ngay. Đằng này thì cả 3 anh em chẳng ai trở về cả! Thật quá nặng nề đôi với chúng tôi! Muốn khóc mà không sao khóc được. Tất cả dâng ứ đầy tưởng chừng nghẹt thở. Căn hầm trống vắng hẳn. Tang tóc! Đau thương! Nhìn nhau thấy mắt ai cũng mọng đỏ, sưng húp mà chẳng ai nói được với ai câu nào! Còn lời nào để mà nói nữa!.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2016, 03:19:46 pm »

       

Các cán bộ lãnh đạo binh chủng Không quân thăm biên đội trực chiến.
Đứng giữa: Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Công Huy


        Chúng tôi phải sinh hoạt tư tưởng, xác định lại quyết tâm, chúng tôi không nao núng, không sợ chết đâu, nhưng cấp trên lo rằng chúng tôi nôn nóng, muốn trả thù cho đồng đội, liều mình, mất bình tĩnh, mất sáng suốt gây thêm những thiệt hại không đáng có nữa, nên xác định cho chúng tôi kìm chế lại, lấy lại tỉnh táo để bước vào những trận chiến mới vững tin hơn.

        Giai đoạn này, biết chúng tôi không phải là những tay vừa, nên địch dùng cả những thủ đoạn đê tiện như bắn cho thủng dù khi chúng tôi nhảy dù ra. Ném bom, bắn pháo xuống vị trí chúng tôi tiếp đất, cốt để tiêu diệt bằng được cái mạng sống của chúng tôi, vì chúng tôi còn thì chúng lại phải đương đầu tiếp trong những trận không chiến. Một vài anh em chúng tôi suýt mất mạng vì cái trò ấy của chúng.

        Những năm gần đây thì anh em đoàn bay chúng tôi mới đưa được mộ anh Hưng về quê anh ở Bắc Ninh. Anh Ngự thì nằm ở nghĩa trang Trần Hưng Đạo - Hương Canh. Chúng tôi vẫn có ý nguyện là chuyển hết anh em về chân tượng đài ở Sư đoàn bộ 371 cho anh em được chăm sóc thường xuyên mà rồi chắc chẳng bao giờ thực hiện được!

        Ngày 10/08/1972 thì Nguyễn Ngọc Thiên (Sáu Cơ) hy sinh ở vùng núi Bá Thước - Thanh Hóa. Sáu Thiên đánh đêm, máy bay bị thương khi quay về, lao vào đám mây giông. Nhiễu động trong mây giông quá lớn đã làm cho máy bay không điều khiển được. Sáu Thiên bị quật xuống vùng núi đá lởm chởm. Mấy anh em kết nghĩa tới thời điểm này còn có 4 người: Bảy Việt, Tám Soát, Tôi và út Mười (út Hải), út Hải thì đang ở bên trường 910, bên sân bay Tường Vân - Trung Quốc, sự sống rõ ràng nặng hơn cái chết. Còn 3 anh em tôi: Bảy Việt và tôi ở Trung đoàn 921, Tám Soát ở Trung đoàn 927, sống nay chết mai chẳng ai lường, mà cũng có thể vừa gặp nhau đấy, rồi lại vĩnh viễn mất nhau ngay sau đấy thôi, không ai dám định trước một vấn đề gì trong chiến tranh cả. Thế nhưng cuộc đời vẫn có những điều bất ngờ xảy ra đến khủng khiếp! út Hải khi kết thúc chiến tranh, từ bên trường 910 về thì lại bị tai nạn bay, rơi ở khu vực cạnh hồ Đại Lải và mộ chí được đặt cùng dãy với anh Đặng Ngọc Ngự, Bùi Văn Long... tại nghĩa trang Trần Hưng Đạo - Hương Canh - Mê Linh - Vĩnh Phúc

        Nuốt nước mắt, tôi và Bảy Việt móc tay nhau thề còn sống thì còn phải trả thù cho anh em, cho đồng đội, mối thù khắc cốt, ghi xương này, sống để bụng, chết mang theo, chứ không bao giờ phai mờ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM