Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:47:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137428 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 08:45:09 am »

       Trong một trận đánh sát ngày chiến thắng, Hoàng đã bị thương nặng. Anh vẫn nhớ như in cái tình tiết của trận đánh ấy.
        Đó là trận đánh căn cứ Đồng Dù trên cửa ngõ Tây bắc Sài Gòn ven đường 13, sáng 29/4/1975. Căn cứ này do sư đoàn 5 VNCH của chuẩn tướng Lý Tòng Bá chỉ huy trấn giữ. Cả căn cứ rộng trên một cây số vuông. Xung quanh căn cứ có tới 8 lớp hàng rào đủ loại bảo vệ, với chiều sâu hơn 300 mét. Phía ngoài cùng là cả một vành đai bãi trống. Từ trong căn cứ nhìn được ra ngoài rất xa. Sát lớp hàng rào lại có một tháp canh cao chừng chục mét, trên có một ngọn đèn pha sáng quắc, rọi sáng cả một vùng đất rộng. Trung đoàn của Hoàng được giao nhiệm vụ mở một cửa mở đánh vào căn cứ từ hướng Tây. Khi có pháo lệnh mở màn trận đánh thì 5 lớp hàng rào ngoài cùng đã bị mìn định hướng của ta phá tung. Hoàng chĩa nòng khấu DK nã luôn một phát trúng cái tháp canh làm ngọn đèn pha tắt ngấm. Lợi dụng khoảng nhập nhoạng sáng tối lúc đó, các chiến sĩ xung kích lao lên dùng bộc phá phá tiếp hàng rào. Hai lớp hàng rào tiếp theo bị phá thủng trong vòng nửa tiếng. Riêng lớp hàng rào trong cùng là loại rào cũi lợn có chiều rộng 3 mét, cao 40 phân, cực kỳ khó phá. Trời đã sáng rõ dần. Các chiến sĩ bộc phá phải ôm những ống bộc phá dài 1,2m vận động vượt qua quãng đường hơn 100 mét mới tiếp cận được hàng rào, rồi tìm cách luồn nó vào trong lớp rào, giật nụ xoè điểm hoả. Mỗi ống bộc phá chỉ phá được 1 đoạn rào sâu 1 mét, rộng có 40 phân. Ác thay, cái hàng rào ấy lại nằm trên một vùng trống trải, cách các lô cốt địch có 50 mét, và cách phía các hầm có súng hoả lực của ta tới hơn 100 mét, nghĩa là nó nằm gần phía địch hơn phía ta. Vì vậy hoả lực tại chỗ của ta chi viện không có hiệu quả. Căn cứ lại quá rộng, nên pháo cấp trên từ xa bắn vào bị rơi rải rác khắp nơi, hầu như không trúng các lô cốt địch. Bộ đội khi ôm bộc phá lên đánh hàng rào này, không khác gì những tấm bia cho bọn địch từ trong các lô cốt gần đó bắn ra. Suốt mấy tiếng đồng hồ mà đại đội mở cửa vẫn không phá nổi lớp hàng rào đó. Gần hai chục chiến sĩ bộc phá đã hy sinh, tạm thời còn phải nằm rải rác trước cửa mở mà chưa lấy xác lại được. Thêm nữa, căn cứ này còn có một con đê đắp bằng đất bao quanh phía trước các lô cốt, cao tới hơn một mét nên chắn hết tầm quan sát của bộ binh ta.
   Vào khoảng 9 giờ sáng, địch lại điều ra khu cửa mở một chiếc xe tăng M48. Nó cứ chạy đi chạy lại trên con đường dọc theo sau bờ đất và quay nòng pháo hướng vào trận địa của ta. Hễ cứ có động tĩnh ở chỗ nào là nó nã pháo vào chỗ đó. Vì thế, hầu hết các ổ hoả lực tại chỗ của ta nhằm chi viện cho cửa mở như DKZ 75, súng máy 12ly7 lần lượt bị trúng đạn pháo tăng. Thương vong ngày một nhiều. Nằm ở tuyến sau nhìn xác bộ đội ta nằm la liệt phía trên mà đau lòng.
   Hoàng nằm ở một căn hầm hoả lực, cách cái bờ đê đất chừng 150 mét, mà sốt ruột vô cùng. Từ đây chỉ nhìn thấy cái tháp pháo xe tăng của địch chạy qua chạy lại sau bờ đất. Không thể đặt giá nâng súng DKZ lên được, vì xe tăng địch sẽ phát hiện ra ngay. Hoàng chợt nảy ra ý định dùng súng DK82. Đây là loại pháo không giật vác vai do Trung Quốc sản xuất, mới đưa vào chiến trường từ năm 1974, Cả súng và đạn nặng hơn ba chục cân. Anh quyết định sẽ đấu pháo với chiếc xe tăng địch để tiêu diệt nó. Hoàng báo cho trung đội trưởng biết ý định của mình, rồi lắp đạn vào một nòng DK82. Anh ôm súng nằm sát đất ướm thử các động tác. Chờ cho tới khi chiếc xe tăng chạy đến thẳng với chỗ Hoàng nằm và nòng pháo của nó đang quay sang hướng khác, Hoàng bất ngờ đứng thẳng người dậy. Anh xốc khẩu DK82 đặt lên vai và ngắm thẳng vào tháp pháo chiếc xe tăng. Rất nhanh, bọn lính trên xe tăng phát hiện ra Hoàng và cũng lập tức quay nòng pháo chĩa thẳng vào anh. Gần như cùng một lúc, cả Hoàng và tên pháo thủ trong chiếc xe tăng cùng bóp cò. Hai quả đạn cùng bay ra khỏi nòng một lúc. Một chớp lửa bùng lên trên tháp pháo xe tăng làm nó bốc cháy, cũng là lúc Hoàng ngã gục xuống trong tiếng nổ của quả đạn tăng. Bọn địch trong các lô cốt còn cay cú nã thêm mấy quả rocket M72 về hướng của Hoàng.
    Chiếc xe tăng địch bị tiêu diệt. Hành động dũng cảm của Hoàng đã góp phần quan trọng, để rồi sau đó tạo thuận lợi cho xe tăng của ta xuất kích từ rừng cao su vào trận địa, cùng với thê đội 2 bộ binh tấn công tiêu diệt căn cứ địch.
   Hoàng bị thương nặng. Anh được đưa về tuyến sau rồi chuyển về Quân y viện. Chân trái của anh bị mảnh đạn làm vỡ đầu gối. Khi được chữa lành thì nó thành tật, khiến anh phải đi lại tập tễnh. Còn đầu và mặt anh bị nặng hơn. Cả khuôn mặt của anh bị biến dạng, phải mổ và vá nhiều lần. Vết sẹo nhằng nhịt trên mặt, khiến Hoàng cũng không nhận ra chính mình khi anh soi gương. Hoàng thất vọng và chán chường. Anh trở nên lầm lỳ và ít nói. Ngay cả khi anh em trong đơn vị đến thăm, báo tin miền Nam đã giải phóng, báo tin anh được tặng thưởng huân chương trong trận chiến đấu cuối cùng ấy, cũng không làm anh vui lên được bao nhiêu. Anh nghĩ, giá như mình hy sinh luôn trong trận đánh đó có khi lại đỡ khổ hơn.
   Ba tháng nằm trong Quân y viện, các vết thương của Hoàng mới được chữa lành. Hoàng được chuyển ra một trại an dưỡng thương binh ở Ninh Bình. Anh buồn và ít cởi mở với đồng đội trong trại. Hoàng không nghĩ đến chuyện trở về nhà. Anh muốn ở lại mãi trong trại thương binh này.
   Nhưng rồi 3 tháng sau, khi sức khoẻ đã khá hơn, Trại thương binh vẫn giải quyết chính sách cho anh về nhà. Anh rời Trại với một khoản tiền trợ cấp và một nắm giấy tờ trong tay. Trong Trại, Hoàng đã viết sẵn một lá thư cho vợ, trong đó nói bóng gió về việc có thể mình sẽ không trở về nữa. Nhưng rồi anh vẫn lên đường về nhà, với dự định là sẽ thăm nhà một lần rồi ra đi mãi mãi.


(Còn tiếp...)
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Chín, 2008, 08:47:39 am gửi bởi Trinhsat » Logged
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #11 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 09:55:39 pm »

........

" Lấy chồng thời chiến chinh
   Lấy chồng chiến binh,
   Mấy người đi trở lại ?

   Sợ khi mình đi mãi,
   Sợ khi mình không về.
   Thì thương
   người vợ chờ,
   bé bỏng chiều quê … "         
( Hữu Loan)
   
   Ra đi lâu quá chưa về, hay mãi mãi không về, đều làm đau lòng người chờ đợi.

   Xin được kể chuyện này …
   
   (Còn tiếp...)

Nguyên văn thế này bác ơi:
.......
Tự chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại !
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ bé bỏng chiều quê
.
......
Những bài thơ hay như thế này bác có thể tra cứu trên mạng được mà! Sửa thơ sợ cụ Hữu Loan buồn, mặc dù bài này đã bán bản quyền  Cheesy


Logged
liua
Thành viên
*
Bài viết: 93


« Trả lời #12 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 10:00:32 pm »

 Các bác thưởng thức nhé.
http://www.youtube.com/watch?v=m69e8mIcYzo
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #13 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 10:18:42 pm »

Cảm ơn bác TS1 góp ý và bác Liua cho nghe hát. Đúng là lời thơ đầu truyện giống với bài "Chuyện hoa sim" hơn là gốc bài thơ "Màu tím hoa sim" của cụ Hữu Loan.
Bút đã sa rồi. Xin cúi đầu tạ tội với cụ Hữu Loan.
Logged
yta262
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1694


y tá e262, f302, MT479


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2008, 10:49:25 pm »

Cảm ơn bác TS1 góp ý và bác Liua cho nghe hát. Đúng là lời thơ đầu truyện giống với bài "Chuyện hoa sim" hơn là gốc bài thơ "Màu tím hoa sim" của cụ Hữu Loan.
Bút đã sa rồi. Xin cúi đầu tạ tội với cụ Hữu Loan.
Đã có rất nhiều bài hát phỏng lời bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" của thi sĩ Hữu Loan, theo ytá thấy có lẽ đây là bài thơ VN được phổ nhạc nhiều nhất từ trước đến nay (ít nhất là 4 bài). Rất tiếc tất cả đều sửa rất nhiều lời thơ của bác Hữu Loan để thành nhạc, sửa nhiều nhất là bài "Đùi Tím Hoa Sim"  Grin, bác Hữu Loan đâu có ý làm thơ để đặt nhạc đâu mà! Đúng như bác trinhsat & liua cho biết trong đó có bài "Chuyện hoa sim" của nhạc sĩ Anh Bằng (Vâng, chính ông Anh Bằng làm bài "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu ..." đó bác TS1 ơi), lời bài hát như đã kể. Tuy nhiên vấn đề là bên dưới lời nhạc chỉ đề Hữu Loan thì bác TS1 phản đối là phải rồi, bắt bẻ kỹ thì nên đề "nhạc Anh Bằng, phỏng thơ của Hữu Loan" thì ít bị "chỉnh" hơn.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2008, 08:42:57 am gửi bởi yta262 » Logged

Đạn bom ơi ... lòng tham ơi ... khí giới nào diệt nổi dân ta ...
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 01:47:18 pm »


Những ngày đầu giải phóng, người dân miền Bắc hồ hởi đón những người lính từ mặt trận trở về, dù rằng không phải tất cả đều là người thân. Khắp các nhà ga, bến xe, binh trạm đầy ắp tiếng cười, ngập tràn nét mặt hân hoan.
   Bây giờ đã là cuối thu rồi. Đã nửa năm trôi qua, kể từ ngày chiến thắng. Mọi cuộc duyệt binh rồi sẽ qua đi. Mọi lễ mừng công rồi sẽ kết thúc. Người dân miền Bắc đã quen với hình ảnh những anh bộ đội khoác ba lô, đi lại, chờ xe trên bến tàu, sân ga, mình đầy bụi bặm. Mọi việc diễn ra như những chuyện thường ngày. Ngay ở trên ô-tô, tàu hoả, Hoàng cũng cảm nhận được những ánh mắt của mọi người xung quanh nhìn anh ái ngại. Họ thông cảm cho anh, hay họ thương hại? Ngay như bà cụ hàng nước ngoài sân ga vừa đây thôi, cũng định không nhận tiền nước của anh. Bà cũng thương hại anh sao? Thế thì anh trở về như thế này, chắc sẽ làm mẹ và vợ anh đau khổ lắm.
*
*  *
   "Pim…Pim…Pim…"
   Tiếng còi ô-tô phía sau lưng đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Hoàng. Anh ngoảnh đầu nhìn lại. Một chiếc ô-tô tải hiệu Mo-to-lo-va dừng lại ngay phía sau anh. Người lái xe thò cổ ra sốt sắng:
   - Chào đồng chí bộ đội. Đồng chí về đâu, có xa không?
   - Tôi về xã Hương Xạ. -Hoàng đáp.
   - Thế thì xe cũng về đấy. Xe của nhà máy chè Hạ Hoà đây mà. Đồng chí lên xe đi. - Người lái xe  xởi lởi và mở cửa cabin giục Hoàng.
   Hoàng bám thành xe leo lên, rồi chui vào cabin. Chiếc ô-tô lại tiếp tục chuyển bánh. Dọc đường, người lái xe nói chuyện luôn mồm, và chủ yếu chỉ có anh ta nói. Riêng cái chuyện hỏi tên nhau thì cả hai đều quên.
   Đến ngã ba Cây Đa, chiếc xe dừng lại. Lối bên phải vào nhà máy, còn lối rẽ bên trái về làng. Người lái xe mở cửa. Hoàng cảm ơn anh ta rồi bước xuống xe. Chiếc ô-tô đi tiếp vào nhà máy.
   Hoàng xốc lại ba-lô rồi tiếp bước về làng. Ở vùng trung du, nhà cửa thưa thớt. Mỗi quả đồi rộng lớn chỉ có một hoặc hai nóc nhà. Phần đất ruộng chủ yếu nằm quanh các chân đồi. Trên các đồi quanh nhà, người ta chỉ trồng sắn hoặc dứa. Ở quê Hoàng vẫn chưa có nhiều nhà ngói. Phần lớn các nhà đều được xây gạch, nhưng lại lợp lá cọ hay cỏ tranh. Vòng qua vài dãy đồi thì Hoàng về đến xóm Vực nhà anh. Nhờ người lái ô-tô ban nãy cho đi nhờ cả quãng đường dài, nên Hoàng về đến nhà mà trời vẫn còn sáng. Ở nông thôn vốn ăn cơm chiều rất muộn, nhưng nhiều nhà đã nổi lửa nấu cơm. Những làn khói bếp mỏng mảnh như những đám mây chiều, phảng phất bay lên từ những mái tranh. Không thí thật thanh bình và ấm cúng.
   Hoàng về đến nhà. Anh đứng bên cổng nhìn vào. Vùng quê anh, ngưòi ta chỉ trồng một thứ dâm bụt làm hàng rào chiếu lệ, và cổng thì không có cửa. Mẹ anh đang mải quét sân. Một đứa trẻ, chắc là cu Vinh con anh, đang ngồi đập đập một cái que, nghich ngợm bên thềm nhà. Hoàng hắng giọng:
   - Thưa bác..
   Mẹ anh ngẩng đầu lên, hơi giật mình một chút, rồi hỏi:
   - Chứ, anh bộ đội hỏi ai?
   - Dạ, cháu hỏi nhà anh Hoàng, có vợ là Bình. - Anh đáp.
   - Phải rồi, đây là nhà Hoàng đấy. Thế anh là …
   - Dạ, cháu tên là Đức, cùng đơn vị với Hoàng. Cháu có mang thư của Hoàng gửi cho gia đình.
   Bà  mời anh vào nhà. Hoàng theo mẹ bước vào nhà. Mẹ anh vẫn còn rất khoẻ mạnh, nhưng dáng đi đã có vẻ chậm hơn trước. "Vậy là mẹ đã không nhận ra mình". - Hoàng nghĩ.
   Mẹ anh chỉ đứa trẻ, bảo Hoàng: "Thằng Vinh, con nhà Hoàng đấy". Đoạn, bà bảo nó: "Chào bác đi cháu"
   Thằng Vinh khoanh tay lễ phép chào anh. Mẹ anh lại giục nó: "Đi gọi mẹ về đi cháu".
   Thằng bé "dạ" một tiếng rõ to rồi chạy vụt đi.
   Mẹ giục Hoàng cởi ba-lô ra rửa chân tay, rồi vào nhà pha nước. Hoàng không dùng nước có sẵn trong vại, mà với tay lấy cái gầu rồi thả xuống múc nước giếng. Ở quê anh, nhà nào cũng có giếng nước. Nước giếng hơi sâu một chút, nhưng rất trong và mát.
   Rửa mặt xong, Hoàng vào nhà, ngồi lên cái chõng tre. Anh đỡ lấy bát nước mẹ anh vừa rót. Nước vối đấy. Hoàng chậm rãi uống từng ngụm nước, còn mẹ anh cũng chỉ nhìn chứ chưa hỏi chuyện gì. Chắc mẹ muốn chờ con dâu về.
   Hoàng chưa uống hết bát nước thì ngoài cổng có tiếng bước chân vội vã, rồi Bình ào vào. Mới nhìn thấy cái lưng của Hoàng ngồi quay ra, chị đã nói như reo:
   - Anh H…
   Hoàng quay mặt lại. Bình ngừng bặt tiếng reo, ngượng nghịu:
   - Chào anh. Nghe cháu Vinh nói có chú bộ đội đến nhà, em cứ ngỡ anh Hoàng nhà em.
   - Chào chị Bình. Tôi là Đức, cùng đơn vị với anh Hoàng. - Một lần nữa, Hoàng lại phải nói lời giới thiệu bịa ra như vậy.
   Bình ngồi xuống đầu cái giường kê phía trong nhà. Hoàng nhìn vợ. Vợ anh có hơi gầy, nhưng vẫn trẻ trung và xinh đẹp như xưa. Rồi Hoàng lấy lá thư mà anh đã viết sẵn từ trong Trại an dưỡng đưa cho vợ. Bình xin phép rồi bóc lá thư ra đọc. Đọc xong, Bình ngồi im. Chị hơi cắn môi một chút như thể nghĩ gì đó. Nói chuyện thêm một lát nữa, chị xin phép đi thổi cơm.
*
   Cơm nước xong, cả nhà lại ngồi uống nước, nói chuyện. Hoàng lấy trong ba-lô ra gói kẹo và hai chiếc khăn len, đưa cho mẹ và vợ. Anh nói, đây là "quà của anh Hoàng nhờ gửi cho gia đình". Mẹ và vợ anh hỏi chuyện của Hoàng, nhưng anh cũng chỉ kể những nét chung chung. Ngồi nói chuyện mà lòng anh đau quặn. Trước mặt anh đây là những người thân, mà anh vừa phải xa cách hơn 3 năm trời. Anh muốn kêu lên thật to: "Hoàng đây", rồi giang tay ôm lấy tất cả vào lòng. Vậy mà anh vẫn phải tỏ ra bình thản như người ngoài. Hoàng không cảm thấy có sự ghê sợ, lảng tránh của mọi người khi nói chuyện, khi nhìn vào mặt anh. Nhưng sao anh vẫn cứ mặc cảm cho rằng, nếu anh nói rằng "tôi là Hoàng đây" thì mọi người sẽ đau khổ lắm.
   Nghe tin nhà cô Bình có khách, mấy người hàng xóm ở gần kéo sang chơi. Mọi người cùng uống nước và nói đủ các thứ chuyện cho đến gần khuya.


(Còn tiếp...)
Logged
NguoiTotbung
Thành viên
*
Bài viết: 77


« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 03:15:13 pm »

Đúng là chiến tranh! Chuyện xảy ra với nhân vật Hoàng - người bộ đội Việt Nam giống như chuyện xảy ra với người lính tank Xô viết trong chiến tranh Vệ quốc. Em nhớ là đã được học truyện về người lính Xô Viết này trong chương trình phổ thông, ấn tượng nhất là người vợ khi " mang chiếc áo lỗ chỗ vết rách của người lính ra, cảm nhận được đó chính là chồng mình "
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 03:06:04 pm »


        Hôm sau, Bình dậy đi làm sớm. Công việc đồng áng lúc nào cũng bận bịu. Hợp tác xã độ này trồng chè cho nhà máy, nên lại càng nhiều việc hơn.
   Mẹ anh ở nhà làm các việc lặt vặt. Hoàng xin phép đưa cu Vinh vào xóm chơi. Tiếng là cu Vinh dẫn anh đi chơi, chứ thực ra đi chỗ nào thì Hoàng đã thuộc hết rồi. Hai bố con vào trong xóm, chào hỏi một số người già. Cũng vẫn là những người hàng xóm anh đã biết từ ngày chưa đi bộ đội. Vẫn không có ai nhận ra anh. Tất cả đều tin rằng anh là bạn của Hoàng, quê tận trên Yên Bái.
   Rồi hai bố con lên đồi chơi. Hoàng thăm lại những nơi mà ngày trước anh và Bình đã từng đến và quen thuộc. Cu Vinh thích lắm. Nó quấn lấy anh, ríu rít nói chuyện. Cu cậu cứ làm như mình là người hướng dẫn mọi chuyện không bằng. Có lúc ngồi chơi trên đồi, cu Vinh đã sờ tay lên mặt anh mà hỏi:
   - Bác ơi. Thằng Mỹ nó bắn bác như thế này phải không.
   - Đúng vậy, cháu ạ. - Hoàng ôm nó vào lòng mà nghẹn ngào.
   Lang thang mãi rồi cũng mỏi chân. Hai bố con lại trở về nhà.
   Buổi chiều, Hoàng ở nhà nói chuyện với mẹ. Mẹ anh bảo anh cứ ở lại chơi vài hôm, nhưng rồi bà lại nói anh cũng nên về sớm kẻo bà cụ trên nhà lại mong. Bà bảo, cũng như ở nhà đây thôi, mong thằng Hoàng về lắm. Tình cảm của bà qua câu chuyện làm anh cũng hơi phân vân. Nhưng anh vẫn nghĩ, mình ở lại thì làm khổ Bình. Thôi, cứ đi hẳn đi, quay về trại thương binh vậy. Rồi thời gian trôi qua, Bình sẽ lấy người khác, sẽ tìm được hạnh phúc. Con người tàn tật, mặt mũi gớm ghiếc như anh bây giờ không còn xứng đôi với Bình nữa rồi.
   Chiều đó, Bình về sớm. Chị bắt được một mớ cua đồng, và hì hục giã để nấu canh cua với mồng tơi. Món ăn ngọt và  mát này, ngày trước Hoàng rất thích ăn.
   Ngồi uống nước trên nhà, Hoàng nhìn xéo xuống bếp. Anh thấy những vệt mồ hôi loang trên lưng aó và thấm ướt hai bên nách chiếc áo nâu non của vợ. Rồi nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên cổ, những tàn tro trắng lốm đốm trên mái tóc của Bình khi chị thổi lửa, làm anh thấy thương vợ quá. Hoàng thấy vợ mình còn đẹp hơn cả ngày xưa. Anh nén tiếng thở dài.
   Tối đó, sau bữa cơm, cả nhà lại ngồi trò chuyện. Bình hỏi chuyện nhiều hơn. Chị kín đáo quan sát những cử chỉ của Hoàng. Chị bảo, biết tin anh định ra ga sớm mai, hồi chiều chị đã vào trong xóm hỏi mượn bác An chiếc xe đạp. Sớm ngày mai chị sẽ lai anh ra ga.
   Hôm đó, cả nhà đi ngủ sớm, để ngày mai Hoàng có sức lên đường. Hoàng nằm thao thức mãi mà không ngủ được. Thế là anh đã về thăm được nhà, được gặp tất cả mọi người. Anh đã giấu kín được tung tích của mình, không ai nhận ra anh chính là Hoàng. Ngày mai, anh sẽ ra đi mãi mãi. Rồi anh sẽ viết đơn ly dị gửi về cho vợ, để chị có thể đi lấy chồng. Còn việc nữa. Ngoài  số tiền trợ cấp "cửa rừng" và "hao mòn xương máu" như mọi người lính khác, quân đội còn trả cho anh một số tiền trợ cấp thương tật. Anh đã mua một chút quà cho mẹ và vợ con. Số tiền còn lại, anh đang để trong ba lô. Anh chưa biết sẽ đưa lại cho mẹ và vợ số tiền đó bằng cách nào. Thôi, có lẽ ngày mai ra ga, anh sẽ gửi về cho vợ qua đường bưu điện vậy.
   Bên trong nhà, có lẽ Bình cũng không ngủ được. Hoàng cứ nghe thấy tiếng vợ trở mình cho đến tận khuya.
                  *
                *   *
   Hôm sau, Bình thức dậy rất sớm. Chị  thổi cơm, nắm cơm nắm và làm muối vừng cho Hoàng đem đi đường. Xong mọi thứ đâu đấy, chị mới gọi cả nhà dậy. Bình dọn mâm cơm, có chút cá kho và canh cà chua để cả nhà cùng ăn luôn thể. Hoàng không thấy đói. Anh chỉ ăn có một bát cơm, dù Bình cứ mời anh ăn thêm cho chắc dạ.
   Rồi Hoàng buộc lại ba lô và chuẩn bị lên đường.
   Bình đã đi trước ra ngoài sân. Hoàng khoác ba lô lên vai, chào mẹ rồi bước ra hiên. Một chút bùi ngùi thoáng hiện trong người Hoàng. Giờ phút chia tay cuối cùng rồi. Hoàng nhìn cu Vinh. Nó vẫn đứng trong nhà, nép mình vào bà nội. Hoàng mềm lòng, anh gọi con:
   - Lại đây cháu.
   Cu Vinh chạy lại. Hoàng bế nhấc bổng con trên tay, dúi mặt anh vào cổ nó. Rồi không đừng được nữa, anh thả nó xuống đất, rồi dùng hai cánh tay khoẻ mạnh của mình xốc hai nách nó lên. Anh lại đu đưa nó là là mặt đất, giống như hơn ba năm trước, ngày anh lên đường vào bộ đội.
   Ngoài sân, Bình  trân người đứng nhìn. Bất ngờ, chị lao lại phía Hoàng, ôm chầm lấy anh và kêu to:
   - Anh Hoàng.
   Đoạn, chị nắm lấy hai vạt áo của Hoàng và xé mạnh. Bộ ngực trần to rộng của Hoàng phơi ra, để lộ rõ một vết sẹo dài nơi ngực phải. Đó là dấu vết của một lần anh bị con trâu dữ húc, lúc còn thanh niên. Hoàng đứng lặng người. Mọi việc không còn gì rõ ràng hơn. Bình quay lại nói với mẹ chồng trong nước mắt:
   - Anh Hoàng nhà con đấy mẹ ạ.
   Sau phút ngây người, mẹ anh bấy giờ mới lật đật chạy lại. Vừa lắm lấy cánh tay Hoàng, mẹ vừa nói với con dâu:
   - Hôm qua mẹ cũng nhìn, cũng ngờ ngợ sao nó có nhiều nét giống thằng Hoàng thế. Vậy mà sao mẹ không nghĩ ra.
   Rồi bà ngửa mặt nói với Hoàng: "Con ơi, nhà mình đây rồi, làm sao con lại phải ra đi nữa hả con".
   Cu Vinh cũng túm lấy áo anh, và ngước lên hỏi:
   - Đúng là bố Hoàng hả bố.
   Cả bốn người ôm lấy nhau, nhoà trong nước mắt.
   Chiếc ba lô trên vai Hoàng tụt rơi xuống đất.


(Vũ Công Chiến)

Logged
dongminhkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 685



« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 06:38:04 pm »

Đáng lý người mẹ phải nhận ra con ngay chứ nhỉ? Dù khuôn mặt biến dạng, thì vẫn còn những nét, những dấu vết mà chỉ người mẹ cảm nhận được!
Logged
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2008, 09:35:32 pm »

Nội dung giống truyện Liên xô. Anh lính ấy bị bỏng, mặt biến dạng hết, trở về ngôi nhà cũ với mong muốn mẹ mình không nhận ra để khỏi buồn...Hình như là "Tính cách Nga" thì phải? Cheesy
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Chín, 2008, 10:05:20 pm gửi bởi Trungsy1 » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM