Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:19:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137399 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #210 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2012, 11:44:44 am »

...
      Lực lượng chính của đại đội tôi và các C khác trong tiểu đoàn tiếp tục theo đường 1 tiến vòng ra sau Trường Kỹ nghệ, theo một con đường lớn (Đường Trần Hưng Đạo) đánh dọc ra biển. Cạnh con đường này bên phía tay phải có một bệnh viện, đầy thương binh của địch. Các nhóm tàn quân địch rút về và trụ lại đây chống trả. Chúng đặt trung liên Bar trên tầng gác bắn xối xả xuống mặt đường làm tiểu đội xung phong đầu hy sinh gần hết. Súng B40, B41 không bắn được lên cao vì góc tạt lửa rất thấp. Đơn vị tôi chỉ còn AK và cối cá nhân M79, chia thành nhiều tốp nhỏ yểm hộ nhau đánh lấn lên tiếp cận tiêu diệt địch, làm chủ khu bệnh viện. Tiểu đoàn đánh tiếp thẳng ra biển. Tụi lính địch tháo chạy ra biển đã vứt lại trên con đường sát biển ngổn ngang xe ô-tô các loại và đầy vũ khí, quân trang quân dụng. Chúng theo các xuồng, thuyền chèo ra một chiếc tàu biển neo đậu ngoài xa. Rất nhiều tên không có thuyền cũng ào xuống tự bơi và chắc bị chết đuối cũng nhiều. Những tên không bơi kịp bị bộ đội ta truy kích đến nơi phải quay lại đầu hàng. Quân ta cũng không bắn theo tụi đã bơi ra xa vì đã ngoài tầm đạn.

   Trên đỉnh Nhạn Tháp, chúng tôi vớ được ống nhòm và quan sát rõ tất cả. Vài anh em trong trung đội đề nghị tôi cho quay hướng nòng khấu pháo 105 ly thu được của địch để bắn đại ra biển, tiêu diệt bọn địch đang bơi ngoài biển bằng sức ép. Tôi nghĩ một lát rồi không đồng ý. Phần vì trong trung đội tôi không ai biết sử dụng pháo 105ly, phần nghĩ rằng những người đang bơi trên biển là những kẻ đường cùng trong tay không có vũ khí, bắn thế thì tàn nhẫn quá. Chúng tôi chỉ chia nhau nghỉ ngơi, canh gác, lục tìm trong các hầm ở căn cứ tìm đồ ăn bữa trưa.

       Buổi chiều có nhiều người dân mò lên căn cứ Nhạn Tháp làm quen với chúng tôi. Trên khu căn cứ này lúc địch rút chạy còn bỏ lại khoảng chừng ba chục chiếc xe máy loại Hon-da nữ 50cc, và Hon-da 67. Nghĩ rằng chúng tôi còn theo đường 1 chiến đấu tiếp, chả kịp bàn giao gì cho các đơn vị bộ đội địa phương có lực luợng ít mà Thị xã lại quá rộng, nên khi những người dân ngỏ ý xin, chúng tôi đã cho hết.

   Chiều tối, theo lệnh trên, chúng tôi nhập vào cánh quân chính của đại đội và rút tạm ra ngoài Thị xã. Chúng tôi lại về một thôn nhỏ nằm trên con đường mà đêm qua lúc tiềm nhập chúng tôi đã đi qua, cách thị xã Tuy Hòa chỉ chừng 2 cây số. Trung đội tôi được sắp xếp vào ở nhờ một nhà dân. Nhà khá rộng, có sân gạch, giếng nước. Khoảng hè và một góc sân nhỏ đủ cho hơn chục người trong trung đội chúng tôi giải ni-lon nghỉ qua đêm. Đây là lần đầu tiên kể từ khi vào chiến trường, tôi được nghỉ đêm tại một nhà dân, trên một cái sân gạch sạch sẽ giống như những sân gạch quê tôi.

   Gia đình chủ nhà có hai ông bà già, một cô gái 18 tuổi tên là Hoa và dưới đó là lóc nhóc tám chín đứa trẻ cả trai lẫn gái. Người miền Nam đẻ nhiều con thật. Họ niềm nở mời chúng tôi quét dọn sân lấy chỗ nghỉ, giúp chúng tôi kéo nước rửa mặt và chân tay ngoài giếng, chỉ chỗ bếp cùng củi cho chúng tôi nấu cơm. Bà chủ nhà còn cắt hai quả bầu to trên giàn đưa cho chúng tôi làm thức ăn. Thật là quý hóa. Thế là chúng tôi mượn nồi to rồi phân công nhau nấu cơm và tranh thủ nghỉ ngơi. Từ lúc đánh đuổi địch trên đường 7B ở Cheo Reo, chúng tôi đã lấy được rất nhiều gạo của địch và nấu ăn thoải mái theo ý thích, không phải hạn chế. Khi chúng tôi nấu cơm xong, gia đình nhà chủ cũng vừa dọn cơm để ăn. Lúc này tôi mới để ý là không hiểu nhường cả nồi và bếp cho chúng tôi rồi thì gia đình nấu bằng gì, vào lúc nào. Tôi lại gần thì mới phát hiện ra cả nhà ông bà chủ, số người đông không kém gì trung đội chúng tôi đang ngồi ăn bánh đa.

          Tôi đã nghe nói trong các gia đình nông thôn miền Nam thường hay ăn thêm bánh đa nướng trong bữa cơm, nhưng sao ở đây chỉ có bánh đa mà không có cơm. Tôi cố gặng hỏi mãi bà chủ nhà mới cho biết gia đình đã hết gạo, mấy bữa nay chỉ còn ít bánh đa đem ăn dần. Thế là tôi liền quyết định dồn chung cả trung đội chúng tôi và gia đình nhà chủ làm thành một mâm dài giữa sân và cùng ăn chung. Tất cả mọi người đều ăn cơm và bánh đa. Thức ăn thì chỉ có nồi canh bầu to. Không khí bữa ăn thật vui vẻ và đầm ấm. Kết thúc bữa cơm, mọi thứ đều nhẵn như chùi.

   Sau bữa cơm, chúng tôi còn cùng gia đình đun nước pha  chè uống. Loại chè gói miền Nam có tên Blao, chúng tôi mới lấy được của địch khá nhiều khi đánh vào Cheo-reo. Cô Hoa là tâm điểm cho cả đám lính chúng tôi trêu chọc, cười đùa. Không khí thật vui vẻ, chẳng ai nghĩ rằng chúng tôi vừa mới đi qua một trận chiến đấu cách đây chỉ có hơn chục tiếng đồng hồ.

   Đêm hôm đó, chúng tôi thức rất khuya. Nửa đêm, Hoa vẫn còn đun nước để đổ dần vào bi-đông cho trung đội chúng tôi. Tôi vào bếp ngồi nói chuyện với Hoa. Bếp đun củi với mấy hòn đất làm kiềng thì chắc khắp đất nước mình giống nhau. Rì rầm nói chuyện, rồi Hoa mới cho biết cô còn có hai người anh là lính ngụy hôm qua còn gác trên cầu Đà Rằng, bữa nay không biết sống chết ra sao. Thảo nào mà lúc chiều anh du kích thôn cứ ngần ngừ một lúc lâu rồi mới quyết định dẫn trung đội chúng tôi vào đây nghỉ nhờ qua đêm. Bộ đội giải phóng đông quá, chứ nếu không, chắc anh không phải nhờ đến gia đình này. Tôi an ủi Hoa, nhưng thực tình lúc đó cũng không biết nói gì. Chúng tôi đang là người chiến thắng, quân lính Sài Gòn đang tan rã và những người lính VNCH đang tìm cách trở về nhà. Cũng có người tìm cách lẩn trốn vì họ sợ bị phía giải phóng trả thù. Tôi cũng nuôi hy vọng cho Hoa là trong trận đánh sáng nay quân Sài Gòn chạy là chính, số bị chết rất ít.

   Chuyện vẩn vơ, và rồi tôi còn được biết hai quả bầu gia đình cắt cho chúng tôi nấu ăn lúc tối là hai quả bầu cuối cùng trên giàn mà gia đình định giữ làm giống. Tôi cảm động và cảm ơn Hoa.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #211 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 01:21:12 pm »

...
         Sáng sớm hôm sau, tôi hội ý với anh em trong trung đội, rồi tổ chức nấu thật nhiều cơm, đủ để nắm cho mỗi chúng tôi một nắm cơm ăn trưa, còn lại thì ăn sáng với gia đình. Thức ăn chỉ có muối rang, nhưng như thế cũng quý rồi. Chúng tôi còn san lại cho gia đình chủ nhà cả chục cân gạo. Sau đó chúng tôi tập trung rồi hành quân tiếp cùng cả đại đội. Cả đại đội được lệnh tảo thanh khu Nam thị xã Tuy Hòa và tổ chức canh gác cầu Đà Rằng.

   Cùng với Phú Yên, Bình Định cũng đã được giải phóng. Trên đường 1 lũ lượt một dòng xe đò, xe tải chở đầy người từ phía Bắc di tản vào trong Nam. Chúng tôi biết người dân đang chạy "giặc" vì chưa hiểu bộ đội giải phóng, nhưng chúng tôi cũng không có quyền ngăn cản, chỉ khuyên họ một đôi câu rồi phải mở Barie cho họ đi qua. Riêng những thanh niên và đàn ông trung niên, chúng tôi bắt quay trở lại hướng Bắc hết. Trong số họ có rất nhiều người là lính Sài Gòn đã mặc thường phục để tìm cách chạy vào Sài gòn. Cũng có thể họ tìm cách về nhà trong đó thật, nhưng nếu vào trong đó họ lại đầu quân trở lại vào các đơn vị thu dung của địch thì rất không hay cho chiến sự. Vì thế chúng tôi giữ lại hết rồi tạm giao cho bộ đội địa phương quản lý. Lúc khoảng mười giờ, tôi thấy một ông già cứ tìm cách khóc lóc van xin bộ đội cho qua cầu Đà Rằng sang quận Hiếu Xương ở bờ Nam sông Ba mà không được. Tôi lại gần và nhận ra ông chủ nhà tối qua. Thấy tôi, ông nắm tay tôi mừng rối rít và cho tôi biết ông muốn sang đó tìm hai đứa con trai. Phần nể nang, phần nghĩ điều đó không hại gì nên tôi đã đưa ông qua cầu sang bờ phía Nam để cho ông đi tìm con.

   Gần như cả ngày hôm đó chúng tôi chỉ lùng sục quanh các khu phố ở Thị xã. Nhà nào có người, chúng tôi chỉ hỏi qua, rồi tuyên truyền chính sách an dân vùng giải phóng của cách mạng. Rất nhiều nhà vô chủ. Chúng tôi chỉ vào những nhà không khóa cửa. Thật là tội nghiệp. Nhiều người dân đã hoảng loạn bỏ chạy, chỉ đem theo các đồ nhẹ, còn các thứ khác vẫn nguyên. Hầu như trong các nhà đó, chúng tôi đều có cảm giác như họ vừa mới đi thôi, mọi đồ sinh hoạt như đang dở dang. Buổi trưa nghỉ chân trong một căn nhà như thế, tôi đã tò mò giở xem mấy cuốn truyện trên giá sách. Phần lớn là truyện của các văn sĩ Sài gòn. Có một cuốn truyện mang tên "Châu Kool" của nhà văn Duyên Anh viết theo giọng tự kể của một vũ nữ, nội dung phơi bày cả một mảng đời sống xã hội của một lớp quan chức chính quyền và kẻ có tiền trong chế độ Sài Gòn.

         Tôi còn thấy một cuốn nhật ký và đã tò mò xem. Chủ nhân của nó là một nữ sinh đang học Tú tài bán phần. Nhẩm ra thì cô ấy cũng chỉ kém tôi có dăm sáu tuổi. Lời lẽ học trò, câu chuyện trường lớp và bạn bè khiến tôi đọc mà mụ người đi. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đã quên mình là một người lính đang ôm khấu AK trong lòng, mà tưởng như đang còn là học sinh và đang nghe lời thầm thì của một cô bạn trong lớp cấp 3 thuở nào. Tôi rất muốn lấy một cuốn truyện, hay cuốn nhật ký của cô nữ sinh không quen biết đó để làm kỷ niệm chiến tranh. Tôi sẽ viết một bức thư để lại cho người bạn chưa quen biết ấy, kể cho cô ấy biết có một người lính Bắc Việt trên đường chinh chiến đã mạo muội nghỉ chân nhờ trong nhà cô ấy vào một buổi trưa, đã mạn phép xem truyện và nhật ký của cô, đã có những cảm xúc bột phát trong tưởng tượng về cô, và lại mạo muội lấy đi của cô một cuốn sách để làm kỷ niệm. Trái đất tròn, biết đâu sau này chẳng có lúc được gặp nhau. Nhưng cuối cùng tôi không làm điều gì cả. Ai biết chiến tranh còn kéo dài tới bao giờ, dù lúc này quân ta đang thắng lớn. Rồi sau này có người phát hiện ra việc tôi làm, qui tội vi phạm chính sách, ủy mị này khác cho mình thì biết phân bua thế nào.

   Buổi chiều, tôi dẫn trung đội đi tiếp sang các khu phố khác. Hầu như chúng tôi chỉ kiểm tra được tình hình chung nào đó chứ không phát hiện ra lính ngụy lẩn trốn hay có vũ khí trong các gia đình nhà dân. Trong cả ngày, tình hình như có vẻ ổn.

   Buổi chiều hôm qua khi khói súng vừa tan, sau lưng bộ đội giải phóng và du kích địa phương, đã có những kẻ đi hôi của. Chủ yếu là đám thiếu niên, phụ nữ và vài người lớn tuổi. Họ đã phá tung cả một chi nhánh ngân hàng ngay phía đầu vào Thị xã và cướp tiền. Bộ đội chúng tôi còn mải nhiệm vụ chiến đấu nên cũng không can thiệp. Một vài cửa hàng cũng bị cướp phá, không phải do tụi lính ngụy, mà do những người dân bất hảo gây ra.

   Ngày hôm nay tình hình có vẻ yên vì lực lượng bộ đội giải phóng và du kích địa phương đang kiểm soát. Ngoài những cửa hàng vô chủ đã bị phá hôm trước, các nhà dân dù vô chủ vẫn giữ yên lành. Chắc bây giờ chúng tôi sẽ không ngần ngại nổ súng tiêu diệt những kẻ cướp bóc đó, nếu bắt gặp.
...

   
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #212 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 02:16:31 pm »

@Trinhsat: Hôm nay đọc Những đưa con của 2 người lính của bác tôi đã tìm thấy câu trả lời cho thế hệ chúng ta khi cầm súng là vì đất nước này và vì dân tộc này. Chắc chắn cái đó đều chảy trong huyết quản tất cả chúng ta trong cuộc chiến 30 năm vì độc lập và thống nhất giang sơn.

Tôi có đề nghị như thế này bác nên cho ra tập sách này của bác đi cũng như Nó và Tôi của NNT, cùng các bài thơ, bài viết của NTL để cho Kho sách của DN-GN thêm phong phú.   
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #213 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2012, 11:20:53 am »

...
         Buổi tối, trung đội tôi được lệnh nghỉ lại tại Trường Kỹ Nghệ phía Nam Thị xã. Những người quản lý ở đây đã bỏ chạy hết. Tôi vào trong khu phòng thí nghiệm và giảng dạy, thấy rất nhiều dụng cụ mô phỏng cho học tập. Tôi đã say mê ngẩn người ra trước những sơ đồ mô phỏng rất sinh động của các loại mạch điện, của ô-tô, của động cơ đốt trong hay máy phát điện. Những thiết bị thật hẳn hoi được gắn trên những tấm mi-ca lớn kèm theo nét vẽ sơ đồ, có đèn điện nhấp nháy tạo cho người xem hình dung rất rõ cấu tạo, nguyên lý cũng như quá trình hoạt động của nó ra sao.

         Nhớ lại ngày học phổ thông, giáo cụ trực quan của chúng tôi cũng chỉ là những hình vẽ trên giấy khổ lớn, thiếu hẳn sự sinh động, nếu trí tưởng tưởng hạn chế thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nếu học sinh chúng tôi mà cũng được học trên những đồ dùng học tập như ở đây thì sẽ hiểu bài nhanh biết bao. Tự nhiên tôi nghĩ quẩn, nếu mình lấy được những thứ này đem về gửi tặng ngôi trường phổ thông mình đã học thì sẽ là một món quà vô giá trong chiến tranh để giúp cho những lớp học sinh đàn em. Tôi biết là khi chúng tôi rút đi khỏi đây mà chẳng bàn giao được cho ai, vì lực lượng địa phương cũng chẳng có đủ người mà tiếp quản, thì những thứ quý giá này rồi cũng bị lấy cắp hay phá hỏng hết. Nhưng thôi, tiếc cũng chẳng làm gì vì có ai trong chúng tôi biết được chiến tranh còn kéo dài đến bao giờ đâu.

   Sau trường Kỹ Nghệ có một khu đất nhỏ trồng toàn rau muống, chắc của những nhân viên ở đây trồng để cải thiện bữa ăn. Nghĩ để mọc già cũng phí, lại vô chủ nên chúng tôi đã mạn phép hái và nấu cho cả trung đội một bữa toái loái. Lần cuối cùng chúng tôi được ăn rau muống có lẽ cũng cách đây đến gần 4 năm rồi. Lính tráng sống trên rừng thì lúc nào mà chả thèm rau. Chỉ là món rau muống luộc chấm nước muối có pha mì chính thôi mà sao ngon thế, cả trung đội chén sạch chẳng bỏ lại cọng nào.

   Thị xã về đêm có vẻ yên ắng, nhưng không yên tĩnh. Thị xã được giới nghiêm về ban đêm. Bộ đội đã tổ chức các nhóm tuần tra 3 người đi tuần dọc theo các phố và lập nhiều chốt gác. Nhưng lác đác có vài vị cán bộ chủ quan đi lẻ từ khu này sang khu khác đã bị bắn tỉa. Khi đơn vị chính được điều đến kiểm tra lục soát thì lại chẳng phát hiện được gì. Chúng tôi đành co cụm lại vì không có kinh nghiệm chiến đấu trong trường hợp như thế này.

   Ngày hôm sau, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc tảo thanh. Thị xã trở lại nếp sinh hoạt cũ một cách nhanh chóng. Tại các khu căn cứ cũ của địch vẫn chỉ có bộ đội giải phóng, người dân ít đi lại trên đường phố, nhưng lác đác đã có hàng quán mở cửa bán các đồ tạp hóa hay ăn uống. Chúng tôi được lệnh không vào các cửa hàng đó.

   Đầu giờ chiều, chúng tôi được phổ biến chiều tối sẽ tập kết về khu vực ngoại thị hôm trước để hành quân tiếp vào phía trong. Tôi chợt nhớ đến gia đình cô Hoa mà chúng tôi nghỉ nhờ đêm trước, và nảy ra một ý định táo bạo, sẽ lấy một ít gạo trong kho của địch để giúp cho gia đình cô ấy. Tôi dặn lại trung đội tập trung chốt giữ một vị trí gần cầu Đà Rằng rồi dẫn Thanh Sai, một chiến sĩ trong trung đội đi ra đường cái. Lúc này trên các con đường của Thị xã Tuy Hòa, ngoài các xe vận tải quân sự chở hàng và người của bộ đội, còn có nhiều du kích địa phương đeo băng đỏ mang súng AR15 đí trên các xe Jep cũ của địch chạy quanh các con đường. Họ vừa biểu dương lực lượng, vừa đi tiếp quản các vị trí, nhất là các khu kho hàng của địch. Tôi vẫy một chiếc xe Jep chạy qua và yêu cầu chở chúng tôi đến kho gạo. Người lái xe cùng hai du kích trên đó đã vui vẻ chở chúng tôi chạy thẳng theo con đường lớn Trần Hưng Đạo ra biển. Dọc theo biển Tuy Hòa là cả một khu quân sự với nhiều kho hàng lớn của địch. Chúng tôi chia tay họ tại bãi biển. Biển Tuy Hòa lộng gió nhưng sóng nhỏ. Trên bờ cát la liệt quần áo và quân trang quân dụng của lính ngụy vứt bỏ lúc tháo chạy hôm trước. Tôi và Sai chạy ào xuống nước, để nguyên quần dài lội ra ngập đến đầu gối. Chúng tôi cùng khỏa nước và cười vang. Tôi bảo Sai:"Thế là bàn chân bọn mình đã đi ngang qua đất nước từ rừng Trường Sơn đến Biển Đông rồi đấy". Sai cũng cười và đập nước tung tóe.

   Chúng tôi đi vào khu kho và tìm đến kho gạo. Cả một nhà kho dài chứa đầy các bao tải gạo loại 45 kg bằng vải dứa trắng, có ghi chữ Thái Lan. Một nhóm 3 người thanh niên mặc đồ thường phục đeo băng đỏ, đội mũ tai bèo, khoác túi dết và cầm sổ tay ghi ghi chép chép, sau đó chỉ tay và ra lệnh cho mấy nhóm người bốc gạo  đưa lên hai chiếc xe Jép đậu ngoài cửa. Tôi tiến vào yêu cầu lấy hai bao gạo. Người thanh niên lớn tuổi hơn có lẽ là phụ trách nhìn tôi hơi có vẻ ngỡ ngàng, rồi giải thích đây là kho gạo đang cấp cho các đơn vị du kích địa phương, không phải của bộ đội. Tôi biết trong tình tình à uôm này thì mọi quy định chỉ là ước lệ, nên tôi nói đại tên đơn vị và bảo anh ta, chúng tôi là nhóm trinh sát tiền trạm cần đi gấp, không thể chờ xe hậu cần bộ đội được, yêu cầu giúp đỡ. Tôi nhấn mạnh thêm là bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng phải có gạo cho bộ đội hành quân. Tôi biết cái kho to lớn này lực lượng địa phương mới tiếp quản nên cũng chưa thể kiểm kê kiểm soát hết được, nên cũng không thể nguyên tắc với chúng tôi. Vả lại thấy chúng tôi nói giọng Bắc, nét mặt hầm hầm, AK lăm lăm trong tay nên anh ta chùng giọng xuống bảo người bên cạnh kéo hai bao gạo ra cửa kho cho chúng tôi. Anh ta còn hỏi tôi, đồng chí chở gạo bằng gì? Đang loay hoay chưa biết mang đi bằng cách nào thì một cậu thanh niên trên chiếc xe Jép phía ngoài đã lên tiếng lởi xởi: " Xe tụi em ra ngoài cầu Đà Rằng đây, mấy anh có qua hướng đó thì đi cùng tụi em". Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi mừng rỡ líu ríu cảm ơn anh ta rồi cùng mấy người bỏ hai bao gạo lên xe. Xe của anh ta có ba người, cũng chỉ chở có hai bao gạo, thêm chúng tôi và hai bao gạo nữa cũng không chật lắm. Chúng tôi leo lên xe ngồi xoài lên những bao gạo.

   Xe chạy tới đầu cầu Đà Rằng thì gặp chốt của trung đội tôi. Chúng tôi vần gạo xuống đất, cảm ơn và chia tay mấy người du kích. Chiếc xe Jép lại chạy lên cầu qua bờ nam sông Ba. Anh em trong trung đội tôi tròn xoe mắt nhìn, không hiểu tôi và Sai lấy đâu ra gạo, và định làm gì. Tôi nói ý định và mọi người nhất trí luôn.

   Cuối chiều hôm đó, một chiếc xe tải GMC đến đón trung đội tôi về vị trí tập kết của đại đội hôm trước. Chúng tôi sẽ ăn cơm tối tại bãi cỏ đầu thôn để tối còn hành quân luôn. Tôi và Sai tranh thủ lấy 2 chiếc xe đạp mà chúng tôi đã lấy theo lúc chiều ở khu Trường Kỹ Nghệ chở 2 bao gạo đem vào nhà Hoa, cũng chỉ cách đó dăm trăm mét. Chúng tôi nói ý định với gia đình và tặng luôn cả gạo và xe đạp rồi quay ra, cũng không kịp uống chén nước. Bà chủ nhà cứ nắm lấy tay tôi  cảm ơn và rơm rớm nước mắt. Hoa đứng bẽn lẽn ở góc sân, lí nhí chào  chúng tôi.

   Việc làm của chúng tôi cả đại đội đều biết.

   Đêm đó chúng tôi hành quân bằng xe GMC ngược lại Cheo reo Phú Bổn. Chúng tôi trở lại đường 14, hành quân qua Ban Mê Thuột, xuống Lâm Đồng rồi về Bình Dương chuẩn bị đánh căn cứ Đồng Dù. Khi đã yên vị, có thời gian, anh Mỵ chính trị viên đại đội mới gọi tôi ra phê bình. Anh bảo việc lấy gạo giúp dân của tôi về ý định thì đúng, nhưng cách làm lại sai, vô tổ chức. Cả thôn đó cần cứu trợ chứ đâu chỉ có riêng gia đình mà trung đội cậu trú quân. Đáng lẽ phải báo cáo cấp trên, làm việc gì cũng phải có chủ trương, mệnh lệnh và tập thể chứ. Cậu làm thế là cá nhân chủ nghĩa, bột phát, có khi lại gây mất đoàn kết trong dân vì nhà được nhà không, khiến họ nghĩ là bộ đội có người này tốt, người kia không tốt. Tôi chỉ biết im lặng nhận lỗi, nhưng vẫn nghĩ việc làm của mình cũng không phải là xấu, nên chẳng mấy bận tâm. Những trận chiến đấu vẫn còn đang chờ chúng tôi phia trước. 
.....

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #214 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2012, 10:38:07 am »

...
*
   Miền Nam được giải phóng. Hai năm sau tôi được ra quân. Trên đường ra Bắc, tôi có ghé qua Thị xã Tuy Hòa. Tôi đã đến đúng cái bãi cỏ mà trong buổi tối cuối cùng ở đây ngày trước, cả đại đội tôi đã ăn cơm và lên xe hành quân. Chỗ này cách nhà cô Hoa mà chúng tôi đã trú quân đêm 1/4/1975 không xa. Tôi trở ra Bắc, về nhà rồi thì chắc cũng không còn có dịp vào đây nữa. Vì thế, tôi định tìm vào nhà Hoa thăm cô và gia đình lần cuối, xem họ sinh sống ra sao. Có lẽ khi nhận ra tôi, họ cũng sẽ rất vui mừng. Tôi rẽ vào quán nước đầu làng uống chén nước. Vài người dân trong quán nhìn tôi bình thản, nhưng tôi lại nhìn thấy trong mắt họ một sự dè dặt và nghi ngại. Tôi lặng im ngồi uống nước, nghe chuyện họ và suy nghĩ một chút.

   Không kể những người lính, sĩ quan và công chức chế độ Sài Gòn đã vội vã di tản lúc tàn chiến cuộc, còn có rất nhiều gia đình có người phải đi học tập và cải tạo, vì người dân miền Nam sống dưới chế độ Sài Gòn thì có mấy nhà mà không liên quan cho được. Lúc mới giải phóng chúng tôi vẫn phải đóng quân nhờ nhà dân và chúng tôi đã tưởng là mình được sống trong lòng nhân dân như ở hậu phương miền Bắc. Thực tế không hoàn toàn vậy. Trong lòng dân ở đây, chúng tôi phải chọn nhà không bị liên quan hay chỉ liên quan ít đến ngụy quân ngụy quyền để ở nhờ. Chúng tôi đã thấy, dù là nhà nông thôn thì cuộc sống của người dân trong Nam vẫn có gì đó khác hơn nông thôn miền Bắc. Ở các khu ngoại thị thì lại khác nhiều hơn. Tôi là lính Hà Nội, gia đình chỉ là công chức thường nhưng tôi cũng hơn rất nhiều anh em khác trong đơn vị ở sự học hành và hiểu biết. Tôi cũng đã được nhìn thấy cái máy "vô tuyến truyền hình", biết tiếng Anh gọi là Television hay TV, biết cái tủ lạnh và biết phụ nữ có áo nịt ngực lồng đệm mút. Nhà tôi cũng có tới hai chiếc xe đạp. Vì thế tôi không đến mức ngơ ngác sĩ diện khoe với dân miền Nam là "ngoài Bắc Ti vi chạy đầy đường" vì tưởng nhầm đó là một loại xe máy, hay ngớ ngẩn đến mức lấy cái áo ngực của phụ nữ đem cắt đôi ra làm phin lọc cà-phê vì trong đó có lớp mút.

   Chúng tôi được học tập rằng miền Nam dưới thời Mỹ-ngụy đang đi theo chế độ tư bản"giãy chết" và cuộc sống của người miền Nam chỉ là "phồn vinh giả tạo", nhưng quả thật đem so ra thì thấy cuộc sống của người dân miền Bắc, nhất là ở nông thôn thì còn nghèo nàn  và thiếu thốn  nhiều lắm. Thời chiến tranh ở miền Bắc mà có ông cán bộ nào trong xã vừa đi xe đạp quệnh quạng trong làng, vừa vặn to cái đài bán dẫn đeo ở túi dết bên hông thì "oách" và vênh vang lắm, thơm lây cả họ. Nhưng ở trong Nam thì có vẻ những thứ đó không xa lạ với người dân. Tuyên truyền chính trị là thế, quán triệt lính tráng coi thường vật chất là thế, song nhiều người lính Bắc, thậm chí cả những cán bộ chính trị vốn thường vẫn lên lớp tuyên truyền lập trường cho lính trong đơn vị chúng tôi, nay cũng không giấu được lòng ham muốn có vài thứ "phồn vinh giả tạo" đem về làm quà cho gia đình. Nhất là khi chúng tôi bắt đầu được phát phụ cấp sinh hoạt hàng tháng bằng tiền, có phân biệt cấp bậc sĩ quan và lính thì điều kiện để thực hiện ham muốn vật chất lại khả quan hơn. Lính tráng tìm mua các khung xe đạp cũ mà nhiều gia đình nông thôn miền Nam đã gác bếp từ lâu vì không dùng đến, hay tìm mua các đài bán dẫn cũ trong các làng dân tộc đã lâu không dùng vì không có pin. Còn búp-bê thì mua ngoài thị trấn, chỗ nào cũng có bán. Đó là ba thứ hàng được cả quan và lính ta ưa thích. Có điều tiền ít nên phải lùng và làm sao mua được thật rẻ. Nếu gặp được ai quý mình mà tặng cho thì càng tuyệt, nhưng phải báo cáo đơn vị cẩn thận để khỏi bị tịch thu. Mua và chờ đợi đến lượt về phép. Ở nhà tôi ngoài Bắc, cả ba thứ đó đều đã có nên tôi thờ ơ, nhưng tôi cũng rất thông cảm với ham muốn và nguyện vọng của các anh em nhà ở nông thôn trong đơn vị. Nói cho cùng thì đó cũng không phải là tội lỗi, nếu không muốn nói là còn đáng thương.

   Nhưng ở đời cái gì thái quá cũng bất cập. Sự việc như thế ở mọi nơi, mọi đơn vị đã làm cho người dân miền Nam nhìn bộ đội giải phóng bằng con mắt khác. Họ cười cái sự nghèo nàn của miền Bắc, cười cái sự ngây ngô và thèm muốn của đám lính Bắc đối với những thứ mà đối với họ thì lại quá tầm thường. Họ không còn tin nhiều lắm vào sự tuyên truyền và hứa hẹn tương lai của cán bộ miền Bắc. Họ ghét lây và coi thường cả những ngưòi lính giải phóng…

*

   Tôi cứ ngồi miên man nghĩ như thế, rồi quyết định không vào thăm gia đình Hoa nữa. Tôi không muốn họ lúng túng, họ coi mình trở nên tầm thường như cái cảnh người lính đeo ba-lô có buộc con búp-bê và chiếc khung xe đạp vác trên vai mà họ vẫn nhìn thấy. Cũng có thể tôi đã nghĩ sai về lòng tốt của họ thì sao? Nhưng thôi, hãy để cho hình ảnh những người lính giải phóng vui vẻ và ồn áo trong đêm trú quân tại nhà họ năm xưa và đã giúp đỡ họ, trở thành một câu chuyện huyền thoại đẹp  trong lòng họ.  Cứ để họ chờ đợi, hay cho rằng những người lính đó đã ngã hết trên đường tiến quân, không còn ai trở về, để lại sự thương tiếc trong lòng họ, lại chẳng hay hơn sao. Một bức tranh đẹp, một câu chuyện đẹp, không nên để cho nó bị hoen ố.

   Tôi đứng đậy, khoác ba-lô và ra bến xe, trở về nhà.

   Kỷ niệm Tuy Hòa đã lùi dần mãi vào dĩ vãng trong tôi./.

Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #215 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2012, 12:46:38 am »

Chào bác Trinhsat, lâu không gặp bác giao lưu, chắc vẫn khỏe ?

     Đọc bác tỉ tê chuyện xưa tuổi trẻ một thời chiến trận, tôi cũng thấy bồi hồi. Lớp lứa anh em mình bây giờ nhìn lại thấy có những chuyện không vui. Có những vấn đề không phải lỗi của chúng ta mà thuộc về, như bây giờ goi là lỗi giáo điều hay gì gì ấy, ta quen với tư duy phe ta phe địch, nhìn nhận một chiều. Điều này là bình thường lúc đó, rồi sau này theo thời gian nó không còn là vấn đề nữa. Hay cái chuyện khung xe đạp, con búp bê trên ba lô người lính ra bắc cũng là cái sự thường thôi, hình ảnh chẳng đẹp gì nhưng nó là phổ biến vì sự nghèo túng của chúng ta ngày ấy, nó không phải là điều xấu. Cuối tháng 6/75 tôi đã được ra quân nên chỉ có chiếc ba lô trơn nhẹ nhõm, nếu còn ở lại lâu mới ra có khi cũng ba lô lỉnh lỉnh như ai.

     Nhớ sáng 30/4/75 sau khi qua phà Cát Lái, lúc ấy trong trung tâm thành phố chiến cuộc đã xong, chúng tôi đi ngược vào trung tâm. Ngược chiều với chúng tôi, bên kia đường có một đơn vị bộ binh hàng một đang hành quân bộ dọc đường quay lại phía bến phà, chắc là họ sau khi qua phà rồi tiến về phía trước để vào thành phố nhưng đã được lệnh quay lại, dãn ra phía ngoài để tránh ùn ã bộ đội trong trung tâm. Tình hình chiều 30/4 là như vậy. Chúng tôi nhìn thấy trong hàng quân đi ngược chiều ấy có một ông bạn đeo trước ngực một cái đầu máy khâu, một tay giữ máy khâu một tay giữ súng vác vai. Anh em chúng tôi bảo nhau nhìn, rồi chỉ trỏ, có anh giơ nắm tay dứ dứ, có anh chửi đổng. Anh bạn kia cũng nhận biết sự phản ứng này, vươn mặt lên ra điều gì đó. Ai đó trong tốp chúng tôi nói rất to như hắt ra sự bực bội “ thật xấu hổ”. Đúng là một hình ảnh xấu của người lính vừa thắng trận mà tôi nhìn thấy trên đường gần bến phà Cát Lái chiều 30/4.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #216 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2012, 04:29:06 pm »

Cảm nhận về bài thơ "Đêm cuối cùng mẹ ru con" của Nguyễn Trọng Luân

Đêm cuối cùng Mẹ ru con

Biền biệt mấy chục năm mẹ đón con về
Đồng đã gặt rồi , đón con rơm vàng xóm ngõ
Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con , vườn nhà nức nở
Nức nở ...à ơi

Đêm nay nhà mình đèn lại sáng choang
Nước mắt tưởng khô mấy chục năm không khô nổi
Thức cùng con đêm nay
Mai con lại đi rồi

Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn

Cái tên Cửa ngõ Sài gòn
Ba mươi ba năm mẹ nằm mơ đêm nào cũng thấy
Ngày một ngày rằm thắp hương bánh Cáy
Ngày thường rau tập tàng cua ốc ...à ơi ..

Mai lại đưa con đi với đồng đội con rồi
Nghĩa trang heo heo gió  tím
À ...ơi ..
Ngủ đi con
Đêm nay mẹ ru con lần cuối ..

À ...ơi...

                                          (Viết tặng mẹ đồng đội tôi liệt sĩ Phí văn Măng
                                                                                              NTL)


   Bài thơ này đã hai lần được in. Lần đầu được in trong Tạp chí VNQĐ tháng 11/2008, ngay sau khi tác giả viết xong bài thơ trong chỉ có một đêm, khi hay tin gia đình đã đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê. Lần thứ hai là trong tập thơ "Mây trên trời Quảng Trị", xuất bản tháng 4/2012 với sự cổ vũ và góp công của nhiều thành viên trang mạng VMH.

   Giữa hai khoảng thời gian đó, tôi đã được đọc bài thơ này vào tháng 1/2012, khi tác giả Nguyễn Trọng Luân gửi đăng trên trang VMH. Lúc đó tôi chưa biết và thân thiết với anh như bây giờ, dù chúng tôi cùng có thời gian là lính của sư đoàn 320A, chiến đấu trên chiến trường B3 Tây Nguyên những năm chống Mỹ. Những câu thơ như xé lòng của người lính chiến nặng nghĩa tình đồng đội Nguyễn Trọng Luân đã làm tôi không cầm được nước mắt. Dù đã cắn chặt răng mà nước mắt vẫn chảy giàn dụa.

   Cuộc chiến tranh nào cũng tàn khốc và đem lại nhiều khổ đau mà gánh nặng nhất luôn đè lên người mẹ. Bởi người lính cầm súng tham chiến và ngã xuống trên chiến trường là con trai của Mẹ. Mang nặng đẻ đau và tần tảo nuôi con khôn lớn, để rồi cuối cùng lại phải tiễn con vào trận tuyến, để canh cánh chờ mong tin con trong nỗi nhớ khôn nguôi.

   Năm xưa khi còn khoác áo lính, mỗi khi nghe bài hát "Rồi hai mươi năm sau" của Trầm Tử Thiêng - Tấn An do ca sĩ Hương Lan hát, lòng tôi luôn trĩu nặng nỗi buồn và suy tư. Những tiếng "à ơi…" lặp đi lặp lại trong câu hát của người mẹ hai mươi tuổi ru con trong giấc ngủ ban đầu, mong con lớn khôn, nhưng rồi lại cánh cánh nỗi lo về hai mươi năm sau sao mà day dứt lòng người. Chiến tranh điêu tàn, đứa con bé bỏng hồng hào thiu thiu ngủ trên tay mẹ ru hôm nay sẽ thế nào sau hai mươi năm? Người mẹ ru con, lời ru nặng tình mẫu tử chứa chan tình thương hôm nay, nhưng lại chứa đầy sự âu lo nếu hai mươi năm sau, con cũng hai mươi tuổi như mẹ hôm nay, nhưng lại là người trai phải cầm súng xông trận thì sao? Rời khỏi vòng tay mẹ rồi, liệu con có trở về không? Bởi con thì lúc nào cũng bé bỏng trong mắt người mẹ.

   Những năm chiến tranh, khi hoàng hôn buông xuống trên chốt ở Cao nguyên, nhìn làn mây giăng mờ những đỉnh núi xa xa, trong sương chiều lành lạnh, tôi luôn nhớ về mẹ. Nhớ cái lúc mẹ tiễn chân đi, cái nắm tay vừa dùng dằng như níu kéo, còn cái buông tay thì cố dứt khoát để  đứa con yên lòng lên đường. Nước mắt chảy vào trong, để mong có thể dành cho ngày gặp mặt. Chặng đường chiến chinh gian khổ, nếu con có khóc một thì mẹ khóc mười vì thương con. Nếu con không về thì sao? Người ra đi thanh thản lắm, nhưng người chờ đợi thì sao có thể ngăn được nỗi buồn? "Nếu con không về, chỉ xin mẹ đừng buồn", lời mong ấy của người đi xa sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, vì tấm lòng người mẹ chẳng có thể nào đo được, làm sao có thể không buồn khi mất con?

   Chiến tranh đi qua, có bao nhiêu người lính không trở về là có bấy nhiêu bà mẹ phải khóc thầm từng đêm vì mất con. Cuộc chiến tranh ba mươi năm giành độc lập của dân tộc ta quá dài, nên không thể đếm hết được có bao nhiêu người mẹ khổ đau như thế. Chút an ủi cuối cùng của mẹ là đưa được phần xương cốt của con về quê hương để còn tháng ngày hương khói. Năm tháng dần trôi, dù cả vài chục năm trôi qua vì những gian nan trắc trở, mẹ vẫn hy vọng đưa được "đón" con về.

   Ba mươi ba năm sau ngày chiến thắng, khi đón được con về thì lưng mẹ đã còng xuống quá nhiều rồi. Chân đã run, mắt đã mờ, nhưng đứa con trong mắt người mẹ vẫn là đứa con bé bỏng.

 Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn



   Tôi đã khóc chính vì đọc câu thơ đọc đau đến xé lòng này. Có ai bồng ru hài cốt không? Có ai nhìn tấm vải liệm con phủ lá quốc kỳ là tấm tã lót sơ sinh không? Chỉ có thể là Mẹ thôi. Mẹ vẫn nhìn ra hình bóng đứa con trong gói hài cốt vô tình. Không phải là hình hài của đứa con hai mươi tuổi ngày ra trận, mà chỉ là đứa con bé bỏng mẹ ru trong giấc ngủ ban đầu. Chỉ còn một đêm thôi, đêm cuối cùng và mãi mãi không bao giờ mẹ còn được ôm con trong lòng nữa, dù chỉ là gói hài cốt.

   Hình ảnh người mẹ ôm "con" vừa ru vừa khóc trong ánh đèn leo lét, bập bùng sao mà đau xót thế. Mẹ đang ru con lần cuối, trút hết tình thương con lần cuối để con ra đi, hiểu tấm lòng mẹ và đừng trách mẹ. Đau lòng lắm, nhưng chiến tranh mà, có ai quyết định được số phận mình đâu?

   Càng đọc, càng ngẫm câu thơ và càng không cầm được nước mắt. Tiếng "à…ơi…" của điệu ru như một điệp khúc trong bài thơ sao quá não lòng. Tôi biết bài thơ này đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người khi đọc nó. Và cả Nguyễn Trong Luân nữa, bài thơ này anh viết trong một đêm, nhưng không thể viết liền một mạch, vì anh sẽ phải vừa viết ra, vừa khóc.

   Cảm ơn nhà thơ đã nói hộ tấm lòng bao bà mẹ liệt sĩ, thêm một lần nữa tô vào bức tranh của "Tình mẹ thương con"./.


Logged
xuanxoan
Thành viên
*
Bài viết: 954


« Trả lời #217 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2012, 07:05:47 pm »


  Trinh sát

  Cám ơn bạn đã viết những dòng nước mắt thay chúng tôi qua bài thơ " Đêm cuối mẹ ru con". hôm nay mình bắt đầu đọc ngược những bài biết của bạn.
   Chào - Lính nhập ngũ 1971.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #218 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2012, 09:29:33 am »

       Bây giờ, người ta thoải mái đặt tên con, kể cả trùng tên các vĩ nhân, danh nhân hay anh hùng lịch sử, lãnh tụ cách mạng... Vì thế mà bây giờ chuyện trong lớp một có chú bé thò lò mũi xanh mang tên Cao Bá Quát, Lương Thế Vinh... cũng chẳng lạ gì.

         Ngày xưa không thế. Xin gửi các bạn một bài thơ vui minh họa nhé:


Rắc rối đặt tên con

Xưa, bà Lý Toét đẻ con trai

Ông Lý đặt tên sánh với đời

Phải lục tìm trong gia phả họ

Kẻo khỏi trùng, trúng tên húy của ai.


Đầu tiên bà định đặt là Mai

Ông Lý bấm tay rồi ngáp dài

Đấy tên bà ngoại ông Chánh Tổng

Động vào, nghe nó chửi rác tai.


Hay đặt tên con mình là Chung

Quanh làng chắc chẳng có ai trùng

Suy nghĩ hồi lâu ông Lý bảo

Chung là đồng hao lão Phán Thung.


Ông ngoại chọn tên đặt là Thành

Bà Lý giật mình, mặt tái xanh

Tên ấy thông gia nhà Đề Lại

Đặt rồi tất lại có chiến tranh.


Bà cô góp ý đặt là Minh

Ông Lý mới nghe đã giật mình

Trùng tên cụ ngoại quan Tri huyện

Đặt thế, rồi sinh sự sự sinh


Đầy tháng tuổi tôi đã cận kề,

Có cái tên mà rắc rối ghê

Xóm dưới, làng trên trùng hết cả

Thôi thì bố Toét, đặt con Toe.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #219 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2012, 05:07:41 pm »

Làm sao để có Danh hiệu "Lao động tiên tiến"?

   Đơn vị tôi họp tổng kết cuối năm. Chỗ nào mà chả thế nhỉ, hết năm rồi mà. Họp đi để rồi còn phát khen thưởng, rồi chuẩn bị Tết là vừa. Năm nay Tết đến muộn, nhưng phải lo dần đi chứ nên không khí trong cơ quan đã nháo cả lên rồi, vì chí ít thì cũng đón Tết Tây.

   Nhưng phải được xếp loại "Danh hiệu lao động" gì thì mới có thưởng, có tiền chứ. Không thì "bằng nhau" với đồng bào dân tộc vùng cao còn gì.

   Bạn có làm trong cơ quan Nhà nước không? Không à? Thế thì mất hẳn cái khoản hồi hộp rồi. Lý do là vì nếu bạn làm tư nhân thì hoặc là tự thưởng, hoặc là đã đoán được mình sẽ được thưởng như thế nào một cách khá công khai thông qua đóng góp công sức lao động một năm của mình. Tư nhân dù sao cũng khá rõ ràng trong việc thỏa thuận.

   Còn tôi, vì là cơ quan Nhà nước, chẳng ai thỏa thuận cụ thể gì, chỉ là "qui định" của Nhà nước, mà qui định đó lại có một khoảng barem khá thoáng, cho nên phải hồi hộp chờ công bố kết quả mới biết được mình thuộc cái "loại" gì.

   Bảy năm về trước (không phải "…anh mười bảy" như trong bài thơ "Núi đôi" đâu), tôi cũng thường xuyên đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" hàng năm. Tuy không có "phát kiến" gì làm lợi cho cơ quan hàng tỉ đồng, nhưng công việc nào được giao tôi cũng hoàn thành tốt với tinh thần trách nhiệm vốn có của một người lính. Bản tính tôi vốn cần cù chịu khó, hay lam hay làm và tay nghề của tôi cũng không đến nỗi nào (nếu không muốn nói là thuộc vào hàng "top" trong cơ quan).  Đôi khi trong các đợt công tác, tôi cũng có một hai sáng kiến nhỏ giúp cho anh em đỡ vất vả, và có lúc các bạn kỹ sư trẻ đã phải thốt lên thán phục.

   Nhưng nếu cứ như vậy, năm nào cũng đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến", biết trước sự việc sẽ xảy ra như thế nào thì đâu còn gì là hồi hộp nữa. Việc tôi muốn kể là từ cách đây bảy năm, tôi đã mất danh hiệu "Lao động tiên tiến" cuối năm, và mất luôn cả khoản tiền thưởng đi kèm, dù chỉ có vài trăm nghìn đồng khiêm tốn.

   Trong cơ quan Nhà nước có một đặc điểm là các Sếp sử dụng vốn và tiền, trang thiết bị của Nhà nước, nhưng lại luôn coi đó như tài sản của nhà mình. Vì thế các Sếp phán xét mọi việc với nhân viên cứ như nhà giàu đang bố thí cho kẻ ăn mày. Qui chế lại "lỏng lẻo" nên các Sếp cứ xử mọi việc thoải mái, na ná như ông trọng tài thổi phạt các pha "nhạy cảm" trên sân. (Trên sân bóng, trọng tài được coi "là cha là mẹ", quyết sao thì các cầu thủ chịu vậy).

   Thời đó, tôi đã phát hiện ra (không khó khăn lắm, vì đôi khi những người có quyền rất chủ quan) trong 3 năm liền, các suất "trợ cấp khó khăn" của Công đoàn cấp trên rót xuống cho cơ quan tôi đã không được xét chọn công khai, mà được "lặng lẽ" phân bổ cho các công đoàn viên có "hoàn cảnh khó khăn" trong cơ quan, gồm Trưởng phòng Tổ chức, Kế toán trưởng và thư ký riêng của Sếp. Cứ đều đặn như thế, các thành viên ấy luôn gặp "hoàn cảnh khó khăn", chẳng có ai tự cảm thấy xấu hổ và xỉ nhục khi cứ liên tục nhận tiền như thế. (Còn những kẻ khó khăn thật, nhưng đã "quen chịu khó" rồi thì chẳng hề hay biết gì về việc Công đoàn cấp trên cũng có quan tâm, hàng năm rót xuống ít tiền). Hơn thế nữa, cuối năm nào ba "vị" ấy cũng được nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" (danh hiệu cao nhất kèm theo tiền thưởng cả triệu đồng), do Sếp "quyết" chứ cũng chẳng phải do tập thể bình chọn "làm chi cho mệt".

   Đem cái bản chất thẳng thắn của thằng lính chiến (khổ thế đấy), tôi đã lên tiếng trong một cuộc họp cuối năm về sự bất công vô lý đó. Tôi đã nói rõ trong đợt cơ quan phát động thi đua đầu năm là, mỗi năm cơ quan ta chỉ qui định được có 5 suất "chiến sĩ thi đua" mà năm nào cũng biết trước có 3 vị ấy chiếm 3 suất rồi, chỉ còn hai "suất" dành cho cả trăm người còn lại, thì ai còn muốn thi đua làm gì nữa. Nghe tôi phát biểu, cả hội trường im lặng, nghe rõ cả tiếng thổi của gió mùa Đông Bắc tràn về lật phật bên cửa. Nhưng rồi tất cả lại đều im lặng sau lời hứa "sẽ xem xét" của Sếp. Bao giờ Sếp hồi âm? Xin thưa, để đến cuộc họp sau, tức là đến mùa Tổng kết năm sau khi lại có gió mùa Đông Bắc tràn về. Với thời gian dài như thế, đến "cái gì… còn hóa bùn" nữa là lời hứa của Sếp.

   Mọi thứ có thể còn mập mờ, nhưng với tôi thì lại có một thứ rất rõ ràng, hệt như quả đá Penanti vào cầu môn không thể chối cãi. Từ năm sau trở đi, tôi không còn đạt bất kỳ "danh hiệu lao động" lần nào cuối năm nữa, dù cho có cố gắng đến mấy. Có thắc mắc thì được trả lời, cấp trên khống chế số lượng khen thưởng, nếu đồng chí đòi hỏi thì phải xem xét bỏ bớt người khác trong phòng (và phòng phải họp lại để bình xét lại). Đồng đội được cũng như ta được, truyền thống Quân đội trót nhiễm vào máu thịt mất rồi, bây giờ lại ganh đua tranh giành với anh em thì còn ra thể thống gì nữa.

   Tết năm ấy tôi về nhà, im lặng nhìn vợ với vẻ mặt có lỗi. Tất nhiên là phải kể lại chuyện cho vợ. Người bạn "đầu gối tay ấp" với mình mà không chia sẻ, thì còn chia sẻ với ai được nữa. Vợ tôi chỉ trách nhẹ một câu: "Anh thật chẳng hiểu gì về điện cả". Tôi ngây người, láng máng nghi ngờ cái bằng Kỹ sư điện phải học hết 5 năm của mình để có nó.

   Tôi không phải thiên tài, mọi việc muốn hiểu phải có thời gian chứ. Nhưng chẳng phải tìm đâu xa, bảy năm tiếp sau đó, tôi không lần nào được lọt vào cái danh sách "Danh hiệu thi đua" cuối năm của cơ quan. Điều đó đồng nghĩa với việc bảy năm liền tôi không có tiền thưởng đón rét. Mấy năm đầu, quả là tôi cũng có thấp thỏm chút ít mong chờ và hy vọng được thưởng, nhưng rồi dần dần tôi đâm ra chai lỳ khi mọi hy vọng mong manh đều tan ra như làn khói bếp ban chiều, và tôi không còn hứng thú gì mỗi khi vào dịp cơ quan tổng kết cuối năm.

   "Đằng nào mà chả thế, mình đã biết trước là chẳng được gì cả rồi mà"- tôi tự nhủ.

   Tôi chẳng muốn nói chuyện gì với mọi người xung quanh nữa. Vô hình chung, tôi đã học câm. "Người ta học nói chứ ai lại học câm. Chắc người này lẩm cẩm rồi"- Thể nào cũng có bạn nghĩ thế. Nhưng đúng là như thế thật, chứ không phải lẩm cẩm, vì tôi vẫn đi làm và vẫn hoàn thành tốt mọi công việc. Và thật tuyệt vời, một cách ngẫu nhiên thôi, là cái việc học câm của tôi lại đi đúng vào quỹ đạo Qui luật của cuộc sống.

   Con người ta thật nhỏ bé và mong manh trước thiên nhiên. Từ cả ngàn đời nay rồi, con người luôn đi tìm qui luật của thiên nhiên để tìm cách sống chung, hòa nhập với nó. Sống chung với bão lũ, sống chung với vùng có động đất, núi lửa, băng tuyết… Với Qui luật của cuộc sống cũng vậy. Cái gì tồn tại hiển nhiên, mang tính qui luật thì người ta phải tìm cách sống chung với nó (còn chế ngự nó thì xa vời quá). Xã hội loài người đã phải sống chung với bệnh tật (như HIV), các tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm và cả chiến tranh…

   Ngay cả nạn tham nhũng cũng thế. Nếu đó đã là qui luật, thì ta cũng phải sống chung với nó. Nhưng liệu nó có phải là qui luật không nhỉ? Tôi không biết chắc lắm, vì còn phải bươn chải hàng ngày lo mưu sinh, thời gian sức lực đâu mà để tâm nghiên cứu nó. Nhưng những sự vụ đập vào mắt hàng ngày thì không dễ gì mà nhắm mắt quên được. Những điều học được từ khi còn là trẻ thơ, bây giờ có vẻ không còn đúng. Nhặt được của rơi, dù thương người đánh rơi, cũng không biết nộp cho ai để trả. Trường học bây giờ không có hướng dẫn nhất quán để trẻ em biết rằng khi nhặt được của rơi thì nộp cho ai? Ra đưòng nhìn thấy kẻ gian móc túi ăn cắp của người lương thiện, cũng không mấy ai đám tri hô hay ra tay bắt. Nhỡ thằng ăn cắp đánh lại cho thì sao, ai bảo vệ mình. Đến công an nhiều khi còn sợ chúng nó, lảng tránh nữa là. Bạn thử nghĩ lại xem, bạn gặp cảnh công an đang "xử lý" người lành yếu bóng vía nhiều hơn, hay đang ra tay trị và trấn áp bọn lưu manh và những kẻ bất hảo nhiều hơn?

   Trong cơ quan nhà nước, Sếp trưởng kiêm luôn chức Trưởng ban chống tham nhũng. Khi đó, bạn cũng có thể đoán ra những kẻ "tham nhũng" nào sẽ bị trừng trị.

   Trong cơ quan tôi, trước tiên đó là "lũ" bảo vệ. Bị bắt quả tang trong ca trực chơi tá lả, lại ăn tiền thì hết đường chối cãi rồi. Đã "ăn cắp thời gian" của nhà nước, lại còn cờ bạc, "xa đọa" đến thế thì ai thương cho nổi. Còn các nhân viên đi làm muộn nữa chứ. Đích thị là cũng "ăn cắp" thời gian rồi còn gì. Đi đâu cũng nhìn thấy "kẻ cắp" thế này thì cơ quan không phát triển là đúng rồi. Cuối năm lại còn dài cổ ra trông thưởng, thật không biết điều. Và vậy là cơ quan tôi cứ tiến lên đều đều, năm nào cũng có thành tích xử vài vụ "tham nhũng", phạt được chút tiền còm nộp vào nhà ăn để "tất cả cùng hưởng".

   "Tôi vẫn câm… và tôi vẫn câm…". Hình như có điệp khúc như thế. Ở hiền gặp lành, đột nhiên cuối năm nay, tên tôi được hiện lên ngời ngời trong danh sách thưởng "Lao động tiên tiến". Dù là đứng ở vị trí cuối cùng thì cũng vẫn là nằm trong danh sách. Tôi mừng như trúng sổ số độc đắc. Cầm số tiền thưởng ba trăm nghìn đồng về đưa vợ mà suôt ngày hôm đó, tôi cứ tưởng mình đang mơ.

   Vợ tôi cũng ngạc nhiên trước sự kiện "động trời" đó. Cho đến hôm nay, cái phong bì tiền thưởng vẫn được vợ tôi cất trang trọng trong cái tủ ly, chưa dám tiêu đến vì có vẻ vẫn chưa thật tin nó là của mình./.

(Vũ Công Chiến)

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM