Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:08:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137612 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #200 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2011, 08:48:49 pm »

Bộ đèn xe Lada

   Chuyện này xảy ra đã lâu lắm rồi, từ những năm cuối thập niên 198x cơ. Khi đó đã xóa bỏ cơ chế bao cấp được vài năm, nhưng tính chất của cơ chế thị trường thì mới chỉ chập chững, chưa "bạo tàn" như bây giờ. Phe xã hội chủ nghĩa vẫn còn đang đứng vững chắc và những công chức đi công tác nước ngoài dù chỉ ngắn đôi ba tuần cũng có cơ hội kiếm tiền cải thiện đáng kể cho kinh tế gia đình. Nhặt nhạnh vay mượn chút tiền mua ít đồ xa xỉ trong nước như đồng hồ điện tử, áo phông hay thậm chí là mũ lưới… đem theo chuyến công tác. Đến mấy nước XHCN Đông Âu thì nhờ bán, rồi tìm mua bên đó đủ thứ linh tinh, về nhà bán lại lần nữa thì số tiền chênh lệch kiếm được có khi cũng bằng đến cả năm lương làm ở nhà. Thế cho nên ngày đó người ta ham đi nước ngoài, sau chuyến công tác nhớ về cảnh vật bên nước bạn thì ít mà nhớ về tên chợ hay loại hàng hóa ăn khách bên đó thì nhiều.

   Tuy thế, ở đâu và thời nào thì cũng có những người láu cá hơn sống xen kẽ với những người cần cù chân chỉ hạt bột. Cùng điều kiện na ná như nhau, có người kiếm về tiền triệu, nhưng cũng có người mong thấy trăm nghìn cũng chỉ như trong mơ.

    Năm đó cơ quan tôi được Bộ duyệt cho mua một chiếc xe ô-tô hiệu Lada của Liên-xô để trang bị cho tiêu chuẩn của Thủ trưởng cơ quan. Ngày đó xe Lada đã là trang bị hạng sang theo tiêu chuẩn của cán bộ hàng Thứ trưởng. Loại thủ trưởng Cục, Vụ, Viện thì chưa có tiêu chuẩn, chỉ có ở đơn vị nào năng động có tiền tự có, chạy chọt một tí với Vụ Kế hoạch của Bộ thì xin được phiếu mua xe thôi. Cơ quan tôi bỏ ra số tiền tương đương 5.000 đô la, kèm thêm 2 cái Tivi đen trắng 14 inch hiệu Samsung (cũng là của hiếm ngày đó) để lót tay và lặn lội vào tận kho Hà Đông thì cũng chọn mua được một cái xe Lada màu sữa đẹp long lanh. Thủ trưởng tôi có xe ô-tô đưa đón hàng ngày nên lúc nào nhân dung cũng tươi tỉnh, phong thái chững chạc, phong độ được nâng lên mấy tầng cao mới. Nhân viên chúng tôi cũng vui lây, hãnh diện ra mặt vì cơ quan mình cũng được xếp vào hàng danh giá, tức là loại cơ quan mà thủ trưởng có xe ô-tô riêng.

   Chuyện kể minh họa cho điều đã dạo đầu ở phần trên xảy ra sau đó chừng 5 tháng. Chẳng hiểu bảo vệ cơ quan gác sách ban đêm thế nào mà vào một đêm tối trời, bọn đạo chích bất chấp cả một trạm trực "Tuần tra nhân dân" của khu phố nằm chỉ cách cổng cơ quan tôi hơn chục mét, trèo qua hàng rào sắt chui vào cơ quan tháo trộm nguyên vẹn cả bộ đèn trước của chiếc xe Lada, biểu tượng danh giá của cơ quan tôi. Hai anh bảo vệ gác đêm cũng chỉ giật mình biết được sự việc khi sáng ra cậu lái xe đến lấy ô-tô đi đón thủ trưởng. Mất đèn nhưng xe vẫn chạy được, chả còn cách nào khác nên vẫn phải đem cái xe "thương tật" ấy đi đón Sếp. Sếp đến cơ quan, mặt nặng như hai cân sắt, ánh mắt lóe lên hình viên đạn trước mắt mọi người. Cả cơ quan không ai dám nói gì, thậm chí thở cũng phải khe khẽ. Nhiều người liên đới, nhưng rồi dù cho có lập biên bản, có họp kiểm điểm, có chửi mắng dọa bắt đền, cắt lương, thậm chí sa thải bảo vệ thì cái xe ô-tô Lada cũng không thể lành lặn ngay được. Khi đó xe máy còn rất hiếm, xe buyt cũng chẳng có bao nhiêu, không nhẽ lại đi làm bằng xe đạp, thế là Sếp tôi vẫn đành phải hàng ngày đi về bằng cái xe ô-tô mất đèn ấy. Có điều ông không thể sĩ diện đến thăm các cơ quan bạn nhiều như trước hoặc không dám đi đêm tối vì sợ bị cảnh sát giao thông phạt do tội không có đèn.

   Đấy là nói chuyện giải pháp tình thế về sau, chứ lúc ấy Sếp lệnh cho cơ quan bằng mọi giá phải trả lại ngay diện mạo ban đầu cho chiếc xe. Ông Đan, trưởng phòng quản trị cơ quan tôi cũng là một tay tháo vát. Ông liên hệ ngay với mấy thằng thân quen dân ngõ đê Thanh Lương chuyên đánh hàng lậu, rồi cùng chúng nó lùng ngay ra chợ Giời. Cái lý đơn giản là bọn trộm cắp chỉ có đưa của ăn cắp ra chợ Giời tiêu thụ cho nhanh, vì chỉ có nơi ấy mới có gan tàng trữ và tiêu thụ loại hàng như thế. Nhưng lần này ông Đan lại không gặp may dù suy đoán của ông có tính quy luật. Lão Tiến "béo", trùm buôn hàng phụ tùng ô-tô ở chợ Giời, nhận lời với ông Đan nhưng chờ cả tuần cũng không thấy có người đến gạ bán đèn xe Lada. Lão cho cả đàn em tỏa ra săn lùng nhưng không có kết quả. Về sau lão giải thích với ông Đan là chắc có thằng chủ xe Lada nào đó đâm xe bị vỡ đèn nên đã đặt hàng trực tiếp với bọn đạo chích rồi, chứ không phải bộ đèn xe Lada cơ quan tôi bị mất do bọn lượn lờ ăn may nào đó đâu. Không hoàn thành nhiệm vụ mà ban đầu tưởng như đơn giản, ông Đan lại nhờ lão Tiến "béo" tìm giúp xem cơ quan nào đó có cái Lada gặp nạn mà còn dư bộ đèn xe không. Lão Tiến "béo" cười ngất, bảo ông Đan là "Xe đâm thì cái bộ đèn tan trước chứ làm sao xe nát mà đèn lại còn được". Bí thật.

   Ông Đan về kể chuyện với anh em trong cơ quan, cốt để xả bớt stress chứ chúng tôi cũng chỉ là loại cán bộ quèn thì giúp được gì. Ông ấy bảo là mỗi xe Lada chỉ có một bộ đèn, Liên-xô họ không xuất phụ tùng sơcua nên cũng không nhờ đâu được. Chả nhẽ lại móc đường dây nhờ bọn đạo chích kiếm cho bộ đèn ở xe Lada của cơ quan nào đó. Ôi, nếu như thế thì hóa ra lại thành cái vòng luẩn quẩn để nuôi bọn trộm cắp à. Cuối cùng ông Đan đành như kẻ chết đuối tìm cọc, nhờ lão Tiến "béo" chợ Giời bằng cách nào đó phục kích tìm hàng giúp hay đặt mua ở Liên-xô cũng được. Ông Đan sẽ chờ.

   Trong khi không khí trong cơ quan vẫn còn nặng nề, còn chúng tôi có vẻ đã dần quen với hình ảnh chiếc xe Lada mù mắt của Sếp, thì cơ quan tôi được cử một đoàn cán bộ đi công tác Tiệp-Khắc hai tuần. Ngày đó đi công tác nước ngoài bằng tiền nhà nước theo nội dung "tham quan, khảo sát" thì thế nào trong đoàn cũng phải "cõng" một ông của một Vụ nào đó trên Bộ. Chuyến công tác nước ngoài này của cơ quan tôi cũng không là ngoại lệ, tất nhiên cũng "kèm" một ông trên Vụ Kế hoạch, "hoa thơm mỗi người ngửi một tí" mà. Đây là cơ hội để ông Đan trưởng phòng Quản trị khắc phục lỗi lầm về công tác quản lý tài sản, nên ông đã phải gửi gắm ai đó trong đoàn mua cho bộ đèn xe Lada, nếu đoàn có về qua Liên-xô. Nhờ là nhờ thôi chứ chưa chắc chắn.

   Chuyện bắt đầu vui sau khi đoàn công tác sang Tiệp Khắc được một tuần. Vốn lúc đi chả ai dám nhận lời ông Đan cho cái tình huống nước đôi đó, vì sang Tiệp thì phải lo mua hàng Tiệp đem về bán chứ nếu dành tiền lại nhỡ khi về không qua Liên-xô thì mấy đồng Cua-ron đem về nhà làm kỷ niệm à? Không ngờ trong lần dạo quanh thị trường ở cái chủ nhật đầu tiên ấy bên nước bạn, các vị trong đoàn  phát hiện ra trong cửa hàng phụ tùng ô-tô của họ có bán bộ đèn xe Lada. Hóa ra các nước Đông Âu buôn bán với nhau, họ nhập hàng thoải mái để phục vụ dân chứ không chắc lép nhập khẩu đồng bộ một-một như mấy ông làm thương mại bên ta. Chuyện đáng nói hơn nữa là đáng lẽ năm ông trong đoàn công tác nên trao đổi thống nhất với nhau để mua một bộ đèn xe thôi, còn lại dành tiền mua cái khác như cốc chén pha lê hay vải vóc chẳng hạn; đằng này ông nào cũng chỉ biết tính nhẩm trong đầu của riêng mình. Mua một bộ đèn xe Lada đem về lúc đó tính ra có giá trị hơn nhiều so với mua loại hàng khác. Vậy là không ai bảo ai nhưng ông nào cũng âm thầm lén ra cửa hàng mua về và đóng gói thật chặt một bộ đèn xe Lada trong đám hành lý của mình. Lại còn đinh ninh là chỉ có mình khôn mua về thứ hàng đó chứ người khác chắc không mua mới hay chứ.

   Máy bay của đoàn hạ cánh trên sân bay Nội Bài vào một chiều thứ bảy. Tối hôm đó năm cán bộ trong đoàn công tác, ông nào cũng có mặt ở nhà hoan hỉ kể chuyện đi nước ngoài trong bữa cơm cho vợ con.

   Anh Tình, trưởng phòng Kế hoạch cơ quan tôi không hổ danh là kẻ nhạy bén số một của cơ quan. Anh ta có thâm niên đi công tác nước ngoài cũng kha khá nên đã ngờ ngợ nhận ra trong đám hành lý của các thành viên trong đoàn có gì đó giống nhau. Thế là ngay tối hôm ấy, dù còn mỏi mệt sau chuyến đi, anh Tình đã đến chơi nhà ông Đan. Thăm hỏi và tặng chút quà chỉ là cái cớ, cái chính là thỏa thuận để qua ông Đan bán cái bộ đèn xe Lada cho cơ quan. Tất nhiên ông Đan nhận lời ngay, lại còn nồng nhiệt cảm ơn và duyệt cho anh Tình giá bộ đèn Lada ngang với cái giá đặt hàng cao nhất ở chỗ lão Tiến "béo" chợ Giời. Để cho ăn chắc, anh Tình sốt sắng lên kế hoạch giúp ông Đan thuê thợ đến lắp ngay bộ đèn xe Lada vào sáng hôm sau, chủ nhật để cho sáng thứ hai Sếp được trọn niềm vui khi  ngồi lên chiếc xe ô-tô lại đẹp như lúc mới mua. Lý do chính đáng quá còn gì.

   Sáng thứ hai, người vui nhất tất nhiên là Sếp. Vui hân hoan là ông Đan, còn người có niềm vui âm ỉ trong lòng là anh Tình. Bây giờ mới sang phần hài hước. Cũng ngay trong sáng hôm đó, có ba người trong cơ quan, chính là ba ông trong đoàn công tác, đã lần lượt tìm gặp và vui vẻ với nét mặt đầy bí hiểm gặp ông Đan để đưa ra đề nghị bán bộ đèn xe Lada cho cơ quan, giúp ông Đan thoát khỏi một nỗi lo đầy trách nhiệm kéo dài đã nhiều ngày qua. Tưởng rằng người vui "bất ngờ" phải là ông Đan, không dè chính cả ba vị cán bộ đó đều lần lượt ngẩn người, mặt thộn ra dài có nhẽ gần bằng cái bơm khi nghe ông Đan thông báo xe Lada của cơ quan đã được lắp xong đèn từ sáng hôm qua rồi. Càng thẹn thùng hơn nữa khi biết tin bộ đèn xe Lada đó do chính anh Tình trong đoàn mang về. Tình huống này do ông Đan kể lại sau đó chúng tôi mới được biết. Hiển nhiên là óc tưởng tưởng của chúng tôi cũng đủ hình dung ra vẻ mặt các vị ấy nó như thế nào.

   Có lẽ cực điểm hơn của chuyện hài này là lúc ông Kích, vị cán bộ cùng đoàn công tác Tiệp Khắc ở trên Vụ kế hoạch gọi điện cho ông Đan vào đầu giờ chiều để dạm bán bộ đèn xe Lada với thái độ rất bề trên. Tất nhiên sau đó thì ai cũng đoán ra tình huống thế nào qua lời kể không kém phần dí dỏm của ông Đan.

   Số phận cuối cùng của bốn bộ đèn xe Lada khá lận đận. Bán cho ai bây giờ để được giá khi mà chẳng có chủ nhân nào quen buôn bán chợ Giời. Lại nhờ qua ông Đan, nhưng bây giờ bán đi cũng không dễ. Lão Tiến "béo" ngoài chợ Giời khi nghe thủng câu chuyện cũng không nén được phì cười. Đúng là chuyện "cải thiện" của mấy bố công chức nhà nước, ai lại thế bao giờ. Lão Tiến "béo" cũng không sốt sắng mua, vì theo ý lão, số đèn này trong điều kiện xã hội Việt Nam khi đó có lẽ phải bán đến Tết Công-gô mới hết.

   Chờ mãi mong mỏi có nhiều cơ quan có xe Lada gặp nạn vỡ đèn xe để bán mà không được, sáu tháng sau, cả bốn cán bộ trong đoàn công tác nước ngoài năm đó của cơ quan tôi đành phải lần lượt bán hết cho lão Tiến "béo" chợ Giời những bộ đèn xe ô-tô Lada cất công đem từ trời Tây về đó với cái giá còn thấp hơn khi mua tại chính quốc, mà còn phải mang ơn lão Tiến./.


« Sửa lần cuối: 04 Tháng Bảy, 2011, 09:05:46 am gửi bởi Trinhsat » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #201 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2011, 11:18:52 am »

Trọn lời ủy thác

(Viết tặng một người đồng đội của tôi)

   Bình sửa lại lọ hoa, bát nước trên bàn thờ rồi rút ba nén hương châm lửa. Cắm ngay ngắn mấy nén hương vào bát hương, anh chắp tay vái 3 lần rồi nhìn chăm chú vào di ảnh của một người phụ nữ trẻ trên bàn thờ khấn nhỏ:

   - …Thưa chị, hôm nay em làm mâm cơm, thắp mấy nén hương này để báo tin cho chị: Cháu Tiến đã thi đỗ và có giấy gọi vào đại học. Tháng sau cháu sẽ nhập trường. Em đã nuôi dạy cháu theo lời ủy thác của chị lúc lâm chung. Nay cháu đã mười tám tuổi, tạm gọi là đủ trưởng thành, em báo tin và xin phép chị cho em năm nay được lập gia đình. Mong chị phù hộ cho em và cháu…

   Đã khấn xong nhưng Bình vẫn còn đứng đó, nhìn mãi vào bức di ảnh ẩn hiện sau làn khói hương phảng phất. Đôi mắt sâu thẳm của người phụ nữ trong ảnh  nhìn Bình như chợt sáng lên, le lói một chút cười. Đấy là chị Hà, chị ruột của Bình đó. Bình như trôi ra khỏi thực tại để về với những hình ảnh của hơn mười năm trước.

*

   Bình thuộc lớp thanh niên tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cuối cùng của đất nước. Một cuộc chiến tranh không tuyên bố, ít tuyên truyền nhưng vẫn có đổ máu. Cuộc sống quân ngũ đã tôi luyện anh thành một con người có nghị lực, có lòng kiên nhẫn, chịu khó và đầy đức tính hy sinh. Bình trở về nhà, trở về mái trường đại học để tiếp tục những ước mơ còn dang dở sau năm năm quân ngũ. Đáng lẽ anh sẽ theo con đường binh nghiệp, nhưng sức khỏe không cho phép.

   Ngày ra quân trở về, trong ngôi nhà bé nhỏ chỉ còn có mẹ chờ đón anh. Chị Hà, người chị gái hơn anh vài tuổi đã đi lấy chồng và đã có một cháu trai lên hai. Tuy thế nhà chị Hà ở cách không xa nên những lần hội ngộ gia đình cũng thuận tiện.

   Bình vào đại học, trở thành chàng sinh viên già trong lớp, nhưng điều đó không ngăn được sự sôi nổi say mê học tập và đạt nhiều kết quả tốt của anh. Đáng lẽ cuộc sống như thế cũng là bình thường như bao gia đình khác, nếu như không có biến cố xảy ra với gia đình chị gái anh. Khi anh học năm thứ tư thì anh Thành, chồng chị Hà bị lâm bệnh nặng. Bình đã biết về mối tình đẹp và đầy lãng mạn của vợ chồng chị Hà. Họ yêu nhau và chăm sóc nhau đến độ người ngoài nhìn vào có khi sốt ruột. Sốt ruột đấy, nhưng ai cũng mong trong gia đình mình có tình cảm và hạnh phúc như họ. Khi biết tin anh Thành sẽ không qua khỏi, chị Hà như phát dại. Chị không tin điều bác sĩ nói. Chị xin tạm nghỉ dạy học ở trường cấp II nơi chị công tác để dành thời gian chăm sóc anh. Ngay cả cháu Tiến vừa mới bắt đầu vào học lớp một, chị cũng gửi về nhờ mẹ và em trai trông nom. Chị vẫn nuôi hy vọng, dù chỉ là một phần nghìn tia hy vọng rằng anh sẽ qua khỏi. Nhìn vợ tất tả, loay hoay khuya sớm chăm sóc mình từng thìa cháo, từng ngụm nước, anh Thành thương lắm. Rồi không thể cưỡng lại được số phận, sáu tháng sau anh Thành ra đi. Trước lúc đi xa, anh còn gắng được chút sức lực nắm tay vợ dặn dò:

   - Con người sống chết có mệnh trời. Em đừng buồn nhiều. Phải gắng sống mà nuôi dạy con khôn lớn để anh thanh thản nơi suối vàng. Anh sẽ luôn phù hộ cho mẹ con em.

   Chị Hà khóc nấc lên. Ngay cả khi anh đã trút hơi thở cuối cùng, chị vẫn còn gục đầu mãi vào ngực anh, nước mắt đầm đìa. Đến lúc ấy chị vẫn không muốn tin đó là sự thật.

   *

   Sau tang lễ của chồng, chị Hà bán nhà trang trải những món tiền vay lúc anh ốm rồi đưa con về ở chung với mẹ và em trai. Lúc ấy Bình bước vào năm học cuối của đại học. Cuộc sống của bốn con người dưới một mái nhà, dù kinh tế có đạm bạc thì lẽ ra rồi vẫn có thể trở lại ổn định bởi còn có tiếng cười của con trẻ. Cháu Tiến bước vào lớp hai, đã nhận thức được sự mất bố nên rất ngoan, thương mẹ, biết nghe lời người lớn và chịu khó học tập. Đó sẽ chính là điều an ủi người mẹ gắng sống để nuôi con.

   Vậy mà ông trời vẫn còn bắt những con người hiền lành trong căn nhà ấy phải chịu nhiều thử thách. Sau này nghĩ lại, Bình chỉ luận được một điều, một căn nguyên cho tất cả, ấy là tình yêu của chị mình với chồng quá lớn, quá đặc biệt và khác thường. Nó mang màu sắc như mối tình của Rome-ô và Juliet, bi tráng như tình cảnh của Hạng Vũ biệt Ngu-cơ. Chị Hà sống mà tưởng như không hề âm dương cách biệt với chồng. Lúc nào cũng đau đáu và da diết nhớ chồng, nhiều khi lớn tới mức vượt cả tình thương con. Chị sống hiện tại mà cứ như trong mơ. Chẳng có điều gì có thể làm chị cười vui, ngay cả với những điểm mười kiểm tra trên lớp của thằng Tiến đem về. Nó khoe với bà ngoại và cậu Bình thì còn nhận được nhiều lời khen động viên hơn. Chị Hà chắc có lúc tỉnh táo cũng nhận ra mình có điều không phải với con, nhưng rồi lại chìm đắm vào nỗi nhớ thương chồng. Bà ngoại thằng Tiến lúc thắp hương cho con rể cũng thầm khấn anh Thành có yêu mấy cũng hãy buông tha vợ để cho vợ còn nuôi con. Thế nhưng chắc lỗi không phải ở anh Thành.

   Chị Hà càng ngày càng héo hon, sức khỏe kém dần. Chị gày rộc đi trông thấy. Công việc dạy học của chị cũng đành bỏ bễ. Gắng sức được một năm, sang đến năm thứ hai thì chị Hà ngã bệnh. Chẳng phải bệnh hiểm nghèo mà cái gốc chỉ là suy nhược cơ thể, suy nhược đến mức trầm trọng. Chẳng ăn uống hay thuốc thang nào bù lại được bởi chị không thể vượt qua được tinh thần của chính mình. Lúc nào chị cũng chỉ cảm thấy như đang sống với chồng, mơ mơ, tỉnh tỉnh.

   Sau khi anh Thành mất được hai năm thì chị Hà cũng ra đi. Chị yêu chồng quá và không thể xa chồng lâu hơn được nữa nên chị đã đi theo anh. Những ngày cuối cùng, chị Hà rất tỉnh táo, nhưng đó là dấu hiệu của ngọn đèn sắp tắt, cố bùng lên chút ánh sáng cuối cùng. Chị xin lỗi mẹ, chị dặn dò con. Cuối cùng chị cầm tay em trai khẩn khoản:

   - Bình ơi! Chị sắp đến với anh Thành rồi. Thông cảm cho chị nhé vì anh chị không thể xa nhau được đâu. Chị cũng có lỗi với anh Thành là không thể sống mà chăm sóc cháu Tiến được. Bây giờ, chị nhờ cậy tất cả vào em và gửi gắm cho em. Hãy thương cháu và nuôi dạy cháu dùm chị. Chị đi đây…


   Bàn tay chị Hà cứ lạnh dần trong tay Bình, không còn kịp nghe tiếng "vâng" đáp khẽ của em mình nữa. Người đàn ông hai mươi chín tuổi đời đã qua năm năm cầm súng mà giờ đây cũng không nén nổi nước mắt. Bình đã òa khóc. Mẹ anh và cháu Tiến cũng khóc. Nỗi đau này bây giờ là hiện hữu và không còn gì phải che dấu nữa rồi.

   Cháu Tiến bước vào lớp ba, tám tuổi đầu đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Trong ánh mắt nó nhiều khi có những nét thảng thốt mà không nói được thành lời. Mẹ anh đã yếu, nay lại càng yếu hơn. Bây giờ tất cả trông vào Bình. Anh đã ra trường và đi làm được một năm. Cái tuổi sát băm của người đàn ông lẽ ra là tuổi đã cần phải lập gia đình. Khi chị Hà dặn dò gửi gắm cháu Tiến, Bình chỉ kịp đáp "vâng", giờ đây anh chấp nhận lời ủy thác của chị. Anh tự nhủ mình sẽ thay cả anh và chị mình để nuôi dạy cháu. Anh sẽ phải vừa là cha, vừa là mẹ của cháu Tiến.

*
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #202 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 11:49:25 am »

...

   Cành cây non phải dựa vào thân già, con chim non phải cần hơi tổ ấm. Bình trở thành trụ cột của căn nhà có ba thế hệ, mà mỗi thế hệ chỉ có đại diện một người. Phẩm chất của người lính chưa phải là tất cả để đủ giúp anh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, nhưng nó cũng là cội nguồn giúp anh có quyết tâm và nghị lực trước những khó khăn. Anh đã phải tự vấn an mình, phải thuyết phục mẹ để bà không bắt anh phải cưới vợ cho hợp lẽ thường tình. Anh đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định tạm quên đi hạnh phúc của riêng mình để tập trung nuôi dạy cháu. Chỉ có như thế thì cháu Tiến mới thật sự được chăm sóc trọn vẹn. Những cảnh đời trong xã hội cũng quá đủ để anh so sánh và đi đến quyết định của riêng mình.

   Bình bắt đầu tập làm vai trò của cả người bố và người mẹ đối với đứa cháu ruột của mình. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ", Bình đã thấm hiểu điều đó trong những ngày chăm dạy cháu. Anh lắng nghe thời tiết để bắt cháu mặc đủ áo ấm vào những ngày giá lạnh. Chợt khi có gió mùa Đông Bắc tràn về ngang giữa buổi chiều là anh phải xin cơ quan về sớm để đem tấm áo rét đến trường đón cháu. Đêm ngủ nằm chung, anh cũng phải chú ý kéo cho cháu tấm chăn đắp khi thằng Tiến ngủ say chót đạp chăn xuống góc giường. Nó chỉ hơi ho một tí là anh hỏi han hàng thuốc gần nhà để mua thuốc cho cháu, chọn cẩn thận từng loại thuốc cho hợp tuổi trẻ con. Là kỹ sư một ngành kỹ thuật mà Bình thạo về các bệnh trẻ con và các loại thuốc không kém những cô y tá trong bệnh viện bao nhiêu.

   Mỗi mùa một lo toan khác nhau. Ngày hè thì lo cả trời nắng lẫn mưa. Bình mua và bắt cháu thường xuyên phải đội mũ và mang theo tấm áo mưa mỏng đến trường, nhưng trẻ con mải chơi nên cũng hay quên. Không ít lần anh đã phải bỏ cả công việc để đem áo mưa đến trường đón cháu. Mỗi khi cu Tiến ốm là Bình phải xin nghỉ làm theo chế độ "con ốm, mẹ nghỉ" để chăm sóc cháu mình. Được cái ở cơ quan mọi người đều biết hoàn cảnh của Bình; hơn nữa công việc của anh là làm theo khoán việc chứ không phải theo giờ hành chính; Bình lại là kỹ sư có chuyên môn khá, tinh thần và ý thức trách nhiệm cao trong công việc nên mọi người cũng dễ thông cảm cho anh.

   Cả một gia đình ba người già trẻ đều trông vào đồng lương của Bình nên anh phải cố gắng nhiều và cũng thật vất vả. Tuy thế, Bình vẫn cố gắng để cháu mình tuy không sung túc nhưng cũng đủ về vật chất. Từ những thức ăn trong bữa cơm, đến những hoa quả các mùa, Bình đều cố gắng để cháu mình không bị thiếu đến mức phải thèm thuồng.

   Có lẽ ở cơ quan chỉ có Bình là người ít tham gia sinh hoạt tập thể nhất. Các dịp tham quan dã ngoại của công đoàn cơ quan tổ chức, anh đều từ chối; từ chối luôn cả những lời mời nhiệt tình hay những ánh mắt đầy tình cảm của đồng nghiệp nữ dành cho anh. Họ biết anh không khô khan, nhưng mời mọc rủ rê anh vào những cuộc chơi thì quá khó. Anh chỉ nhỏ nhẹ cảm ơn lòng tốt của bạn bè rồi cáo từ. Những cuộc liên hoan của cơ quan không nhiều, thường chỉ tổ chức vào những dịp cuối năm hay khi kết thúc Đề tài, Hợp đồng nghiên cứu, nhưng có thể nói hầu như Bình chẳng tham dự bao giờ. Mẹ anh già yếu tuy có lo được phần cơm nước, nhưng Bình thương mẹ, thương cháu nên chiều nào anh cũng về nhà để xăm xắn vào bếp, bận rộn chẳng kém phụ nữ con mọn là bao. Dần dà, đồng nghiệp và bè bạn cũng cảm thông cho hoàn cảnh của Bình, nhưng cơ hội để anh có thể có bạn gái để lo cho hạnh phúc riêng thì cứ trôi dần qua.


   Cháu Tiến tuy còn nhỏ nhưng đã thể hiện rõ tính tự lập và cố gắng trong cuộc sống. Vật chất đạm bạc, còn cuộc sống tinh thần thì dù có sự kết hợp của bà ngoại và cậu ruột cũng không thể bằng bố mẹ, nhưng nó cũng đã biết cảm nhận phần nào. Nó quấn bà và cậu, không làm nũng mà rất biết nghe lời. Đến lớp cũng vậy, nó biết nghe lời cô giáo, chơi tốt với bạn bè và chăm học. Bình đi họp phụ huynh cho cháu cũng không bao giờ phải nghe điều phàn nàn của cô giáo. Chỉ với riêng cô giáo của Tiến, Bình mới trình bày hoàn cảnh của cháu mình, còn các phụ huynh khác không biết thì chỉ cảm nhận anh là một người bố trẻ có con lớn mà thôi. Điều làm Bình rất an tâm là cháu Tiến đến lớp vẫn hồn nhiên và chơi đùa rất trẻ thơ. Bình muốn giữ nguyên điều đó nên những kỳ nghỉ, những dịp hè, anh cố gắng đưa cháu đi chơi thăm thú mỗi lần một nơi để cháu không thiệt thòi nhiều so với chúng bạn.

   Trong cuộc sống hàng ngày, hầu như bà và cậu Bình không nhắc đến sự thiếu vắng của bố mẹ với Tiến, nhưng hàng năm đến ngày giỗ anh Thành, chị Hà thì trong nhà vẫn phải làm mâm cơm cúng để tưởng nhớ. Những dịp đó Bình mới nói chuyện về bố mẹ cho cháu Tiến, cũng chỉ mong cháu nhớ cội nguồn và cố gắng chăm ngoan hơn.

   Năm tháng qua đi, Tiến lớn dần lên và trong người nó dần hình thành tính cách. Nó vẫn ngoan, vẫn chăm học và hầu như năm nào cũng đạt học sinh giỏi, nhưng rồi nó trầm hơn. Nó cảm nhận được nhiều hơn sự thiếu hụt tình cảm của bố và mẹ trong gia đình, dù bà và cậu vẫn hết lòng chăm sóc nó. Nó cảm nhận được nhiều hơn sự hy sinh của cậu ruột vì nó. Tính tự lập của Tiến càng cao hơn.

   Học hết phổ thông cơ sở, Tiến xin tiền cậu rồi tự mua hồ sơ và xin thi vào một trường Phổ thông trung học chuyên của thành phố. Nó thi đỗ và nhập học vào đó một cách nhẹ nhàng trong khi có rất nhiều đứa bạn khác bố mẹ phải vất vả chạy chọt để được vào học ở một trường tốt của khu vực hay cố chạy để vào lớp chuyên của một trường nào đó.

   Những năm cháu Tiến học cấp III, Bình đỡ vất vả hơn vì mọi thứ đứa cháu đều có thể tự làm. Đôi khi nó giúp cậu đi chợ mua thức ăn, hay nấu cơm chiều. Tiến tham gia đầy đủ mọi hoạt động ngoại khóa của lớp, học giỏi và thường được khen thưởng sau mỗi học kỳ. Nó chỉ có điểm khác nhiều với chúng bạn là ăn mặc hết sức giản dị và ít khi tham gia vào những chuyện mà các bạn thích thú như kiểu tổ chức sinh nhật linh đình.

   Năm cháu Tiến học lớp 11 thì bà ngoại mất do sức khỏe yếu. Việc đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc học của nó và cuộc sống của hai cậu cháu bây giờ phải thay đổi và điều chỉnh lại một chút. Bình vẫn cố sắp xếp và ưu tiên cho mục đích chăm sóc sức khỏe và sự học tập của cháu Tiến là cao nhất.

   Hai năm cuối cùng Tiến học phổ thông, Bình có vất vả hơn do phải lo cho cháu khoản học thêm, dù rằng sức học của Tiến rất tốt và thường hiểu được bài ngay trên lớp. Anh phải xin nhận làm thêm phần việc của một vài nhóm hợp đồng trong cơ quan để tăng thu nhập; hỏi han bè bạn rồi chạy nơi này nơi khác tìm cơ sở tốt và thày giỏi để xin cho cháu Tiến học thêm ba môn học chủ chốt. Cả hai cậu cháu cùng nỗ lực cho cuộc chạy đua vào ngưỡng cửa cuộc đời của Tiến.

   Trời xanh có mắt và không phụ lòng người. Năm cuối cùng phổ thông, Tiến thi tốt nghiệp đạt điểm cao và trong kỳ thi đại học sau đó, nó thi đỗ vào cả hai trường thuộc nhóm đầu khối A với điểm khá cao. Ngay sau kỳ thi đại học, Bình đưa cháu đi nghỉ hè một tuần tại một vùng biển miền Trung để ghi nhận thành thích và động viên cháu.

   Một chiều đứng ngắm những con sóng xô bờ tung bọt trắng xóa và những con người đang hăng hái nhảy sóng và tắm biển, Bình chợt nhận ra anh đã ba mươi chín tuổi rồi.

*

   Hôm nay đã gần cuối hè, cháu Tiến chuẩn bị nhập trường đại học. Tuy không phải ngày giỗ của chị Hà, nhưng hai cậu cháu Bình cùng nhau làm mâm cơm cúng. Bình muốn báo cáo thành tích học tập của cháu Tiến với chị Hà để chị được ngậm cười nơi suối vàng. Qua đó, anh cũng muốn báo rằng anh đã làm trọn lời ủy thác của chị mình lúc lâm chung. Cháu Tiến còn bốn năm đại học, gian nan tuy còn nhiều, nhưng lúc này cũng có thể coi là bước ngoặt vào đời của đứa cháu đã thành công. Bình tin rằng mọi sự sẽ tốt đẹp và thuận lợi hơn những năm qua.

   Từ hôm đưa Tiến đi biển về, Bình đã tâm sự với đứa cháu về chuyện riêng của mình. Tiến nay đã là một thanh niên nên đã biết suy nghĩ và ủng hộ ý định lập gia đình của cậu Bình. Nó còn biết chia sẻ và nói lên được sự hy sinh của cậu Bình trong nhiều năm qua là vì nó. Điều đó làm Bình ấm lòng.

   Bình nhớ lại những ngày quân ngũ đã rèn luyện phẩm chất con người anh. Sống và hy sinh vì người khác là một lẽ sống cao đẹp của những người lính chân chính. Năm năm quân ngũ, Bình đã sống tròn trách nhiệm của người thanh niên với đất nước, chia sẻ buồn vui cùng đồng đội. Mười năm của quãng đời sau khi đã rời quân ngũ, anh lại thay chị mà nuôi dạy cháu, tiếp tục hy sinh tuổi trẻ và hạnh phúc riêng để trọn nghĩa gia đình, thì cái phẩm chất người lính tốt đẹp trong anh cũng như vẫn còn nguyên vậy.

   Từ ngày mai đến cơ quan, Bình sẽ nở nụ cười nhiều hơn, tán chuyện nhiều hơn. Để nếu có cô gái đồng nghiệp nào cảm thông mà chia sẻ tình cảm thì Bình sẽ nồng nhiệt đón nhận.

   Nhưng mà liệu có điều đó không nhỉ, vì Bình đã 39 tuổi rồi. Liệu anh có già quá không?

7/2011

   
Logged
Tr kỹ thuật
Thành viên
*
Bài viết: 20


« Trả lời #203 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2011, 09:51:50 pm »

Có hẹn với ti vi

Cái quán đá đậu đó chừng mười năm rồi mình không ghé. Một bữa tạt qua với bạn học hồi cấp ba, bật cười nhận ra những cái ghế gỗ xưa hai đứa học trò có thể ngồi chung giờ quá nhỏ nhắn so với những cái mông đàn bà đã chảy nhão, sồ sề. Bạn với mình đã con cái đùm đề. Quán vẫn nằm chỗ cũ, vẫn cách bài trí cũ, bàn cũ, ghế cũ, hương vị cũ... Chỉ những người cũ ngồi đây chiều nay là bị thời gian thể nghiệm sự nghiệt ngã, ráo riết của nó. Tóc hai chị em bà chủ quán đã trắng xóa.

Hồi mình còn học thì hai mái đầu kia chỉ bạc lai rai, đôi lần thấy họ nhuộm. Khi chị, khi em. Những khi tóc một trong hai người đàn bà lỡ thời bỗng trở lại xanh mịt mùng, luôn xuất hiện một ông ăn mặc chải chuốt bắc ghế ngồi gần quầy nước, cười nói rù rì. Mấy đứa học trò tinh quái ó ré lên, kêu  “Tụi bây ơi, Năm sắp lên xe bông kìa”. Và theo sau đó là tiếng nạt nộ sượng trân của người đàn bà đã qua xuân sắc, “đồ con nít quỷ”.

Nhưng hai chị em mãi chưa kiếm được tấm chồng. Cũng đẹp, hiền hậu, giỏi giắn, chỉ chữ duyên là hẹn nay hẹn mai, rồi biệt mù. “Mấy thằng cha đó hả, toàn hứa rồi xách đít đi mất”, bà Hai cười, trả lời câu hỏi của khách cũ rằng mấy ông hồi xưa chàng ràng ở đây, giờ đâu ? Miệng bà móm vì mấy cái răng sâu bị rụng một cách mất trật tự, như hậu quả một cuộc cướp bóc thô bạo. Như không phải tự dưng mà chúng rụng. Một lời hứa lấy đi  vài ba năm tuổi, ít nhiều hy vọng, lôi tuột thuốc nhuộm ra khỏi tóc, khắc nhì nhằng thêm vài nếp nhăn lên da. Thời gian đã bạc, biết lấy gì nhuộm bây giờ.

“Em ơi lửa tắt bình khô rượu…”, tự nhiên câu thơ của Vũ Hoàng Chương nhảy nhót trong đầu mình, khi thấy bà Hai cặm cụi dọn ly, còn bà Năm túc tắc cầm giẻ lau bàn, và tiếng ho rớt lay lắt nhẹ hều, không đủ sức nảy lên sàn nhà nhiều mảng gạch đắp vá. Chỗ mà mấy ông tán tỉnh xưa ngồi chéo nguẩy, giờ là cái ti vi màu đang chạy chữ giới thiệu chương trình phát sóng buổi chiều. Hai bà già trở nên rạo rực, “không biết bữa nay họ bắt được thằng trời đánh ấy không hen ?”. “Ừ, phim gì vô duyên, lòng vòng mấy bữa rày mà thằng ôn dịch đó vẫn chưa đền tội”.
 
Cái xao xuyến đó khuấy cái không khí chìm ngỉm ù lì của buổi xế trưa lên, mơn man loang qua chỗ tụi mình ngồi. Bạn dẹp mình qua một bên, phụ họa với hai bà già, hồ hởi bàn tán cái phim Đài Loan dài tập chiếu trên đài truyền hình đang vào độ gay cấn nhất. Mình ngạc nhiên khi biết bạn có thể thảnh thơi khóc cười với phim sến rện ngay vào giờ cơm tối, giờ cả nhà xúm về.

- Giờ đó có ai ở nhà đâu mà không rảnh.

Bạn bồi hồi giải thích. Chồng hứa về ăn cơm, nhưng thường hứng chí tạt qua quán nhậu. Con cũng đi chơi bóng rổ sau buổi học thêm. Có bữa cả nhà rủ nhau đi ăn ốc thì cơ quan chồng tiếp khách đột xuất, “thôi để mai…”. Chừng chục cái mai thì mới thành một bữa ngồi quán tiu ngỉu vì nguội thèm, cụt hứng.

Và gốc cột bị mối ăn, bếp dột, một người họ hàng nằm bệnh cần thăm viếng… bạn hay nhận được lời hẹn : mai. Những hẹn hò bẽ bàng, mòn mỏi vì người hẹn nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian phía trước.
   
Chỉ ti vi là đúng hẹn. Rủ mình đứng lên về, bạn nói phải nấu cơm cho xong trước khi kênh Tám chiếu tập năm mươi bộ phim tình cảm, xong xúc tô cơm vừa ăn vừa coi tập mười hai trên kênh Ba, đến tập ba mươi sáu trên kênh Bảy thì đi ngủ là vừa. Hai bà già bán quán gật gù tán đồng. Buổi tối của những người đàn bà này giống hệt nhau.

Lúc mình với bạn chẻ nhau mỗi đứa đi một hướng, mình sực nhớ tụi mình không hẹn lại cuộc sau, mà hai bà già bán quán cũng không đon đả kêu mai nhớ ghé ăn đá đậu, như mười năm trước. Hẹn hò trở nên đầy rủi ro, gây sát thương trong đời sống quá nhiều bất trắc. Về ngang qua ngôi mộ cổ nằm bên đường, tự hỏi cùng với người nằm dưới mộ này, có bao nhiêu lời hứa được chôn theo, có bao nhiêu thời gian của người ở lại bị bạc màu ?


Truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn ngọc Tư (Blog Sầu riêng).
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #204 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2011, 04:29:21 pm »

    Nhân đọc bài của bác Baoleo trên trang này

    http://khucquanhanh.vn/diendan/viewtopic.php?f=30&t=100&start=200

     Xin gửi tặng Baoleo và các đồng chí một tản bình thơ (chỉ một câu thôi trong bài thơ Tây Tiến)

Mai Châu "mùi" em thơm nếp xôi

   .......

   Tình cờ gần đây tôi được đọc bản gốc bài thơ "Tây tiến của Quang Dũng. Khi đọc đến dòng thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi", tôi ngẩn người ra thật lâu. Càng ngẫm nghĩ càng thấy cái hợp lý, thấy cái hay, cái độc của từ mùi đó. Đúng ra phải là thế chứ. Nhưng tại sao suốt bao lâu không ai tìm ra điều đó mà cứ phải mặc nhiên thừa nhận cái câu thơ bất hợp lý với từ "mùa"........

Cảm ơn bạn tri âm  Wink
Logged
landuy
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #205 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 05:20:11 pm »

Cheesy
Logged
Nguyễn thế Duyên
Thành viên
*
Bài viết: 44


« Trả lời #206 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2012, 10:23:41 pm »

Những đứa con của hai người lính

Thành đứng nghiêm, dập mạnh gót giầy, đưa tay lên vành mũ
- Báo cáo sư trưởng, tôi, thiếu tá Nguyễn Thành có mặt theo mệnh lệnh.

Sư trưởng, một người nửa đời chinh chiến, mái tóc đã bạc gần hết,ngẩng đầu lên vui vẻ
- Thành đấy à, ngồi đi – Ông chỉ tay vào chiếc ghế. Thành rụt rè ngồi xuống. Sư trưởng chỉ tay sang người đang ngồi nói chuyện với mình giới thiệu - Giới thiệu với cậu, đây là thượng tá Hân, người của vụ đối ngoại của bộ. Đồng chí ấy có việc muốn làm việc với cậu
Người ngồi cùng với sư trưởng chìa tay ra bắt tay Thành. Ông ta đưa mắt nhìn Thành từ đầu đến chân với một ánh mắt dò xét khiến Thành cảm thấy gai hết cả người. Từ tốn, ông lấy trong cặp ra một tấm ảnh chìa cho Thành
- Cậu có quen biết người này không?
Thành cầm lấy tấm ảnh ngắm nghía. Ảnh một phụ nữ gần ba mươi. Đẹp gái nhưng lạ hoắc
- Báo cáo thủ trưởng tôi không biết người này
- Lạ nhỉ !Ông Hân lẩm bẩm- Cậu xem kỹ lại đi và cố nhớ xem đã gặp cô ta bao giờ chưa
Thành ngắm kỹ bức ảnh một lần nữa rồi kiên quyết lắc đầu
- Chắc chắn là tôi không biết người này. Nhưng có việc gì đấy ạ?
- Vấn đề là thế này đồng chí thiếu tá ạ -  Ông vừa cất tấm ảnh vào cặp vừa nói – Cô gái này là một tiến sĩ sử học của Mỹ sang đây nghiên cứu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam theo một hiệp định trao đổi văn hóa giữa hai chính phủ. Về phía chúng ta, chúng ta phải cử một người đi theo cô ta để thuyết trình cho cô ta biết về cuộc chiến tranh và liên hệ với các cơ quan hữu quan của ta giúp đỡ cô ta trong quá trình làm đề tài nghiên cứu của mình. Văn phòng bộ đã cử người nhưng cô ta không chấp nhận mà lại chỉ đích danh cậu
- Chỉ đích danh tôi- Thành kêu lên kinh ngạc- Nhưng tôi có quen biết gì cô ta đâu?
- Đấy mới là vấn đề.. Thượng tá Hân trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
- Hiện tại chúng ta không biết tại sao cô ta lại biết cậu và cô ta làm thế có mục đích gì. Tôi chỉ dặn cậu mấy điểm: Thứ nhất, phải hết sức cảnh giác.
Thứ hai, cô ta là một học giả có uy tín ở Mỹ. Bộ ngoại giao lưu ý chúng ta là hiện nay chủ trương của Đảng và nhà nước ta là khép lại quá khứ. Cố gắng tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp, thân thiện với nhân dân Mỹ và nhất là với cộng đồng người việt nam tại Mỹ. Nhiệm vụ của cậu lần này là hết sức nặng nề. Cô ta không những là một học giả có uy tín mà còn là người Mỹ gốc việt vì vậy tình cảm của cô ta với đất nước trong lần về nước này có ảnh hưởng rất sâu rộng trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi hi vọng đồng chí làm được điều này

***

Đón Hà ở sân bay là một chàng thiếu tá. Chững chạc trong bộ quân phục, Thành lịch sự mở cửa, mời cô gái lên xe. Xe từ từ lăn bánh ra khỏi khu vực sân bay. Thành tranh thủ giới thiệu:
- Trước đây, thời chiến tranh phá hoại, nơi này là một sân bay quân sự. Chính từ sân bay này, những chiếc Mic của chúng tôi đã bay lên bắn rơi pháo đài bay B52 của không quân Mỹ.
Mặt Hà hơi cau lại. “Sặc mùi cộng sản” cô thầm nghĩ. Nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại được vẻ thản nhiên:
- Thế chỗ đấu tố địa chủ đầu tiên trong cải cách ruộng đất có gần đây không hả anh?
Cô giả vờ hỏi một cách bâng quơ. Thành giật mình. “Con mẹ này ghê gớm thật” Thành nghĩ nhanh.
- Xin lỗi chị.

Hà thích thú nhìn bộ mặt đỏ rực vì ngượng nghịu của anh chàng thiếu tá. Một niềm vui hiếu thắng rất thơ trẻ bỗng xâm chiếm tâm hồn cô. “Một không nhé, anh bạn” cô mỉm cười.

Tám giờ tối, anh chàng thiếu tá lại sang bên phòng cô, mời cô đi thăm Hà nội vào ban đêm. Cô vui vẻ nhận lời. Thành dắt xe máy ra sân. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của cô gái, Anh giải thích
- Đi chơi đêm ở Hà nội không nên đi bằng ô tô. Tốt nhất là đi bộ. Có như thế mới tận hưởng được vẻ đẹp và hương vị của thành phố Hà nội vào ban đêm.
- Thế tại sao chúng ta không đi bộ?

Thành đưa cô gái lên Hồ Tây, vào một nhà vườn kín đáo và yên tĩnh. Chọn một góc khuất nhìn thẳng ra ngoài hồ, anh gọi hai tách cà phê phin, một ít hoa quả và bánh ngọt. Tiếng nhạc cổ điển du dương nhè nhẹ vang lên trong một không gian yên tĩnh mà ấm cúng làm con người như thoát khỏi cuộc sống náo nhiệt hiện tại lơ lửng bay giữa chốn thiên đường.Trăng sáng vằng vặc. Mặt hồ như trải rộng mênh mông dưới ánh trăng vàng.

- Ngày xưa thời còn đi học, khi đọc hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
của Hàn mặc Tử, tôi không thể cảm nhận được hai câu thơ đó. Câu thơ hư hư, thực thực, mờ mờ, ảo ảo chẳng biết ông định nói cái gì. Đêm nay, ngồi đây, tôi mới thấy câu thơ thật đẹp. Chị nhìn xem, nếu đây là một dòng sông đang chảy thì có khác gì một dòng ánh trăng đâu. Ông dùng hai từ sông trăng mới chính xác và thơ mộng biết bao.

Thành tựa vào khung cửa, ánh mắt mơ màng. Hà hết sức ngạc nhiên. Trước mặt cô, không còn là một anh chàng quân nhân khô cứng trong bộ quân phục chỉnh tề mà là một nhà thơ đang đắm mình trong vẻ đẹp mĩ lệ của đất trời. Cô có cảm giác anh có thể nhảy xuống dòng sông trăng mênh mông kia để ôm lấy vầng trăng đang sáng ngời giữa lòng hồ sâu thẳm. Từ lâu lắm rồi, Lâu đến mức cô không thể nhớ nổi trong đời mình, đã có bao giờ mình được thả mình phiêu diêu trong mây trời, trăng nước như thế này chưa. Cuộc sống tất bật của một nền văn hóa tất bật nước Mỹ làm cô quên mất cuộc đời còn có những phút tĩnh lặng thiên thần.

- Cả một dòng sông trăng như thế mà Hàn mặc Tử vẫn thấy chưa đủ-  Thành mơ màng nói tiếp
- Ông vẫn muốn nhiều trăng hơn nữa. Ông muốn những con thuyền kia.
Thành dơ tay chỉ ra phía xa xa ngoài hồ, có một vài con thuyền nhỏ đang lững lờ trôi trên sóng nước
- Chở thêm nữa ánh trăng huyền diệu về để đổ thêm vào dòng sông trăng vốn đã mênh mông. Một tứ thơ tuyệt vời có phải không chị?
- Anh Thành có làm thơ không? Hà hỏi, trong lòng đầy ngạc nhiên về sức cảm thụ thơ đầy tinh tế của anh chàng đang ngồi trước mặt mình.
- Tôi không nghĩ rằng các anh là những người như thế này
-Thế chị nghĩ chúng tôi như thế nào?- Thành cười hỏi lại
- Chắc là những con người khô cứng, quằn quại trong đói nghèo. Hằn học trong thù hận và nụ cười thì đã biến mất trên những bộ mặt khắc khổ. Có đúng vậy không?- Thành nhìn cô gái, trong mắt ánh lên một nét giễu cợt không hề che dấu
- Đói nghèo thì đúng nhưng làm gì đến mức quằn quại phải không chị? Còn nụ cười?- Thành cười. Một nụ cười rất tươi- Thì ở đâu cũng có. Chị có thể bắt gặp nó ở tất cả những khuôn mặt nào mà chị gặp

Cách nói chuyện thẳng thắn và trực diện của anh làm cô gái lúng túng. Nhưng cô công nhận là anh đúng. Từ hôm về nước đến nay, ở đâu cô cũng gặp những nụ cười thân thiện, tươi rói và tràn trề sức sống. Là một sử gia, cô đã đi nhiều nơi, đã gặp gỡ bao nhiêu khuôn mặt, đã nghiên cứu về lịch sử của bao nhiêu dân tộc và cô biết trên trái đất này có biết bao dân tộc nụ cười đã bị biến dạng vì chiến tranh, vì đói nghèo và vì thù hận nên khi đặt chân xuống sân bay, cái đầu tiên làm cho cô ngỡ ngàng lại chính là nụ cười. Cô không thể ngờ được trên mảnh đất đầy đau thương, bom đạn, máu, nước mắt và nghèo khổ này nụ cười vẫn nở trên môi mọi người như một minh chứng hùng hồn về sức sống mãnh liệt của một dân tộc
- Vâng! Anh nói đúng. –Giọng cô gái bỗng trầm xuống xa xó-  Tôi chưa hiểu mảnh đất này. Lúc còn ở bên Mỹ, thú thật với anh tôi hiểu về mảnh đất này đúng như anh nói đấy. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhiều lúc tôi đã quên đi mất mình là người Việt Na-  Môi cô nở một nụ cười cay đắn-  Thật không thể tin nổi, một sử gia như tôi, hiểu thấu đáo lịch sử của bao nhiêu dân tộc thế mà lại không hiểu chính dân tộc của mình.
Đột nhiên, cô gái bỗng thở hắt ra một cái, cô nhìn thành tươi cười.
- Nhưng tôi vẫn còn một cái may hơn hẳn những người cùng lứa với tôi trên đất Mỹ đó là ba mẹ tôi luôn luôn kể về Việt nam cho chúng tôi nghe và không bao giờ ông cho phép chúng tôi nói tiếng Anh khi về đến nhà. Ơn trời! Tôi vẫn còn nói được tiếng Việt.
- Thế nghĩa là nhiều người vào lứa tuổi chị ở Mỹ không biết nói tiếng Việt? –Thành ngạc nhiên hỏi lại
- Vâng. ở Mỹ cuộc sống quá bận rộn, không phải ai cũng có thời gian để làm việc này
- Tôi muốn hỏi chị- Thành trầm ngâm - Với tư cách là một sử gia thì theo chị một dân tộc bị mất đi tiếng nói của mình thì dân tộc đó còn tồn tại nữa không?

Câu hỏi của anh khiến cô gái rùng mình. Trời ơi! Cô thầm kêu lên thoảng thốt. Một dân tộc hơn một nghìn năm Bắc thuộc với chính sách đồng hóa của người Tàu dân tộc ấy vẫn không mất đi tiếng nói của mình. Thế mà thế hệ của cô chỉ mới ba mươi năm tiếng nói của dân tộc ấy đang dần dần biến mất. Ý nghĩ ấy làm cô gái ớn lạnh.

Rất muộn họ mới trở về nhà khách của bộ quốc phòng. Hà không ngủ được. Buổi đi chơi đã để lại trong cô quá nhiều những cảm tưởng mới lạ. Cô mở ngăn kéo, lấy ra từ trong một cuốn sổ tay một tấm ảnh nhỏ đã ố vàng theo năm tháng. Cô chăm chú nhìn bức ảnh, một người lính giải phóng đội mũ tai bèo với một khẩu AK khoác trên vai và một nụ cười tươi thắm. Cô lặng lẽ thở dài

***

Gần hai tháng trời,Thành đưa cô gái đi khắp nơi cùng chốn. Anh không thể không khâm phục sức làm việc một cách kinh khủng của cô gái nhìn rất mảnh mai này. “Đúng là phong cách làm việc của người Mỹ” anh thầm nghĩ. Cô sục sạo mọi nơi, lôi về hàng đống tài liệu, rồi suốt đêm đọc phân loại và đưa vào máy tính.

Một buổi sáng, Thành gõ cửa phòng. Không có tiếng trả lời, anh đẩy cửa bước vào. Cô gái đang ngủ gục trên bàn. Nhẹ nhàng, anh lấy chiếc chăn mỏng khoác nhẹ lên mình cô gái. Máy tính vẫn đang mở, tò mò, anh đọc lướt qua xem cô gái ghi chép những gì. Một loạt những bảng, biểu thống kê những viện trợ quân sự của Liên Xô và Trunh quốc. Song song với những bảng đó là những bảng thống kê trang bị của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt nam. Đang mải mê đọc những tài liệu đó, đột nhiên Thành nghe thấy tiếng hỏi ngay đằng sau lưng mình.
- Anh có suy nghĩ gì trước những bảng so sánh này?
Thành giật mình quay lại. Cô gái đã dậy từ lúc nào mà anh không biết.
- Tôi chẳng có suy nghĩ gì cả.
- Chẳng có suy nghĩ gì cả? Cô gái trầm tư hỏi lại - Lạ nhỉ! Còn tôi, khi nhìn bảng so sánh này, tôi luôn tự hỏi làm sao các anh có thể thắng được người Mỹ trong cuộc chiến ấy? - Cô cười nhìn Thành - Mà anh đừng trả lời tôi theo cái giọng cũ rích của báo Nhân Dân các anh đấy nhé
Môi cô gái chẩu ra, bai giọng: - Chúng tôi thắng vì có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vì tinh thần….
Thành bật cười, cắt ngang lời cô gái:
- Thế chị đã tìm ra câu trả lời chưa? Chưa chứ gì? Cứ nhìn vào cách chị lập bảng so sánh tiềm lực quân sự của hai bên là tôi biết ngay chị không thể tìm được câu trả lời rồi.
Mắt cô gái sáng lên
- Anh có ý gì khác à? Anh nói đi.
- Tôi cho rằng chị phải tìm câu trả lời trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt và tôi nghĩ nghệ thuật quân sự cũng là một phần trong nền văn hóa đó. Theo tôi được biết - Thành nhìn cô gái ngập ngừng - Không biết có đúng không? Vì tôi không biết nhiều về lịch sử thì trên mảnh đất này vốn có một trăm bộ lạc Việt sinh sống nên còn gọi là bách Việt nhưng cuối cùng chỉ còn lại hai bộ lạc là Âu Việt và Lạc Việt còn tồn tại trên mảnh đất này. Hai bộ lạc đó kết hợp hợp lại thành chúng ta ngày nay. Mà sao chị có thể nghĩ về chúng tôi xấu như vậy được nhỉ? - Thành thở dài - Chị cũng là một thành viên trong đại gia đình ấy. Chưa bao giờ chúng tôi coi chị là người Mỹ. Với tôi, chị luôn là người Việt - Thành nói một cách chân thành, làm cô gái súc động. Cô định nói thì anh dơ tay ngăn lại - Vấn đề giữa chị và chúng tôi, tôi cho rằng không phải là cộng sản hay không cộng sản. - Giọng Thành bỗng sôi nổi hẳn lên - Đúng là đảng cộng sản đã lãnh đạo cuộc kháng chiến này thành công. Nhưng nếu không có đảng cộng sản thì chúng ta vẫn chiến thắng. Đấy là một quy luật tất yếu của lịch sử dân tộc.
Hà không tin nổi vào đôi tai mình nữa. Cô kinh ngạc nhìn Thành. Một người cộng sản chính tông vừa nói một câu không cộng sản. Quá lạ. Cô chăm chú nhìn Thành
- Anh cho tôi hỏi một câu nhé. Anh có phải là Đảng viên cộng sản không?
- Vâng, Tôi là một đảng viên. Thì sao? Thành gật đầu công nhận.
- Thế mà anh lại cho rằng không có Đảng của anh lãnh đạo thì các anh vẫn chiến thắng?
- Trước tiên tôi là người Việt chị ạ. – Anh nhấn mạnh – Là người Việt tôi tự hào về dân tộc mình. Thời nhà Trần, theo tôi được biết dân số chúng ta chỉ khoảng mười triệu người chống lại một đội quân năm mươi vạn. Nếu so sánh về tương quan lực lượng thì cuộc chống Mỹ vừa qua không thể so sánh được với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông hồi ấy. Lúc ấy lấy đâu ra Đảng cộng sản thế mà dân tộc ta vẫn chiến thắng đấy thôi. Đúng là đảng cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thật nhưng không thể nói do có đảng lãnh đạo. Nói thế là cướp công lao của cả một dân tộc….

Thành định nói tiếp, bỗng nhiên anh dừng lại vì anh thấy mặt cô gái dần dần đỏ lên. Anh vội vàng hỏi:
- Chị làm sao vậy? tôi nói gì xúc phạm đến chị à?
- Không! Không! – Hà vội nói – Em cảm thấy xấu hổ vì trong mình không có được một niềm tự hào dân tộc như anh.

Tiếng “Em” thốt ra một cách vô thức nhưng đầy rung cảm

***
Logged
Nguyễn thế Duyên
Thành viên
*
Bài viết: 44


« Trả lời #207 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2012, 10:28:08 pm »

  Những đứa con của hai người lính (Tiếp)









***


Lại một nửa tháng nữa trôi qua. Một buổi sáng, Hà bỗng đến gặp Thành:
- Hôm nay anh bố trí cho em xe đi Thái Nguyên nhé.
- Đi Thái nguyên? Làm gì Thành hỏi. Cô gái trả lời một cách bí hiểm.
- Anh cứ đi khắc biết.

Lúc ra xe, cô gái khuân từ phòng mình ra một lô vàng mã, hương, rượu, bánh kẹo mà Thành cũng không biết cô ta chuẩn bị từ bao giờ. Tuy rất ngạc nhiên nhưng anh vẫn im lặng không hỏi. Xe bon trên đường. Ra khỏi địa phận Hà nội, thì cô gái nói:
- Hôm nay chúng ta về thăm nhà anh.
- Thăm nhà tôi? – Thành kinh ngạc phanh khựng xe lại làm cả hai dúi về phía trước.
- Vâng, anh chẳng khuyên em tìm câu trả lời trong truyền thống văn hóa của dân tộc là gì. Hôm nay em bắt đầu tìm hiểu truyền thống văn hóa đó và bắt đầu từ gia đình anh. Anh không đồng ý sao?
- Không phải thế. - Thành ngần ngừ - Có điều…..
- Có điều hôm nay là ngày giỗ của bác trai. Đúng không? Chính vì vậy mà em mới phải về nhà anh trong hôm nay.

Cô gái nói một cách cương quyết. Thành không nói gì. Anh nhả phanh. Chiếc xe lao vút đi. Lòng anh rối bời. Anh linh cảm thấy có một điều gì đó rất hệ trọng sắp xảy ra. Tại sao cô ta lại biết hôm nay là ngày giỗ bố mình nhỉ? Anh tự hỏi nhưng không sao trả lời được. Trong suốt quãng thời gian vừa qua, Thành luôn có cảm giác cô gái hiểu rất rõ về mình. Anh chợt hiểu vì sao có đám vàng hương cô gái mang theo.
Hơn mười giờ, xe về đến nhà Thành. Nhà đang rất đông người. Khi Hà bước xuống xe, mọi con mắt đều đổ dồn vào cô. Cô nghe thấy những tiếng xì xào “Xinh quá, chắc là người yêu của cậu Thành”. Một ai đó cất tiếng hỏi
- Hôm nay thằng Thành làm lễ ra mắt đấy hả?
Nhiều tiếng cười bật ra. Một lũ ba bốn đứa con gái trạc hai ba hai bốn, xúm vào cô ríu rít:
- Chị mặc kệ bọn họ, chị để em sách túi giúp cho.
- Chị với anh Thành từ Hà nội về à?
- Chị ơi….

Hà cảm thấy ngỡ ngàng trước những tình cảm thân thiết, cởi mở mà mọi người dành cho cô. Mẹ Thành từ trong nhà đi ra. Anh vội vàng giới thiệu Hà với mọi người để dập tắt những lời nói đùa vô ý.
- Giới thiệu với chị đây là mẹ tôi - Thành quay sang nói với mẹ - Thưa mẹ. Anh cố ý nói to cho mọi người nghe thấy - Đây là chị Hà một tiến sĩ ở Mỹ sang Việt nam để nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày trước. Chị ấy muốn về thăm nhà ta để tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc.

Bà mẹ Thành chưng hửng:
- Thế à, Bố anh, thế mà tôi cứ tưởng.
Mọi người cười ầm lên. Mặt Thành đỏ lựng. Bà quay sang Hà sởi lởi.
- Mời chị vào trong nhà sơi chén nước. Gớm quý hóa quá. Ngày giỗ mà cũng được chị lại thăm.
Mọi người vào cả trong nhà. Hà cẩn thận đặt đồ lễ mang theo lên bàn thờ. Cô quay ra thưa với mẹ Thành và mọi người:
- Thưa bác và tất cả mọi người. Hôm nay là ngày giỗ bác trai. Trước tiên xin phép bác cho cháu thắp nén nhang trước bàn thờ bác trai và sau đó cháu có một câu chuyện muốn được thưa lại với bác và tất cả mọi người.

Mọi người kinh ngạc nhìn nhau. Tất cả đều im lặng. Cô gái kính cẩn châm ba cây nhang, cắm vào bát hương. Lùi lại một bước, cô kính cẩn chắp hai tay trước ngực, nhìn trân trân vào bức ảnh một người chiến sĩ giải phóng đặt trên ban thờ. Đột nhiên, ngoài sự tiên liệu của tất cả mọi người, cô gái bỗng quỳ sụp xuống, lạy mấy lạy và nói to:
- Bác ơi hôm nay cháu thay mặt ba cháu đến đây để tạ tội với bác. Ba cháu rất ân hận vì đã cướp đi tính mạng của bác, người đã tha chết cho ba cháu. Cháu về Việt Nam lần này là để thực hiện di vọng cuối cùng của ba cháu là được tạ lỗi với bác và gia đình.

Lời của cô gái như một tiếng sét. Tất cả đều bàng hoàng. Một khoảng im lặng khá dài. Người lấy lại được bình tĩnh đầu tiên lại chính là mẹ Thành. Bà đi lại, nâng cô gái dậy:
- Thôi nào cháu. Đứng lên đi, có gì từ từ ta sẽ nói chuyện.
Cô gái đứng dậy, ôm chặt lấy bà nghẹn ngào:
- Bác ơi, bác tha thứ cho ba cháu bác nhé.
- Bác tha thứ. - Bà nói khẽ, tay khe khẽ vỗ về cô gái.

***

Đấy là mùa mưa năm 1974, tại đồi 601 chiến trường Tây Nguyên. Đại đội biệt động của Toàn (Bố của Hà) được trực thăng thả xuống đỉnh đồi vào buổi trưa. Chưa kịp đào xong công sự thì mới chập tối đại đội biệt động bị quân giải phóng tiến đánh. Anh lính trẻ lần đầu ra trận Toàn, một sinh viên văn khoa bị bắt lính ngay trên đường phố Sài Gòn, co dúm người lại, đạn pháo Việt cộng trùm kín đỉnh đồi. Một quả pháo nổ gần hất toàn ngã dúi vào một góc công sự. Đến lúc Toàn hoàn hồn ngẩng đầu lên thì một họng súng AK đen ngòm đang chĩa vào giữa mặt. Nhìn người lính đang chĩa súng vào mình Toàn biết, anh ta sắp bóp cò. Người Toàn nhũn ra, anh nhắm mắt đợi một tiếng nổ. Đột nhiên có tiếng quát:
- Không được bắn!
Toàn mở mắt. Một bóng đen từ phía dưới băng lên gạt mạnh người lính sang một bên. Một tiếng nổ chát chúa. Viên đạn sượt qua má Toàn bỏng rát.
- Báo cáo đại trưởng có mỗi một tên này để làm gì cho vướng.
Bóng đen vừa cứu Toàn khoát tay:
- Đưa tên này đi. Tất cả rút ngay pháo địch sắp bắn vào đây bây giờ.

Đúng như lời người vừa cứu Toàn nói. Đoàn người vừa rút ra được vài trăm thước thì đạn pháo từ Playcu đã tới tấp nã vào trận địa. Người đại đội trưởng hét to trong tiếng pháo gầm:
- Tản ra. Chạy nhanh lên! Pháo địch sắp chuyển làn đấy!
Hét xong anh ta túm cổ áo Toàn quát lớn:
- Còn mày cố mà chạy nhanh cho kịp nếu không tao có muốn cứu mày một lần nữa cũng không cứu được đâu. Hiểu chưa?
Toàn líu ríu gật đầu. Pháo bắt đầu chuyển làn rơi trúng vào đội hình hành quân. Người đại đội trưởng hét to:
- Nằm xuống! tản ra!
Nằm giữa bãi pháo bầy, nghe tiếng hú của những quả đạn pháo ngay trên đầu quả thật là kinh sợ. Không giữ nổi, Toàn vùng bỏ chạy. Người đại đội trưởng lao theo quật một báng súng như trời giáng vào lưng Toàn khiến anh ngã dúi về phía trước.
- Đồ ngu. muốn chết à?
Quát xong, nhìn vào đôi mắt đã dại đi vì sợ hãi của Toàn, anh ta nhổ một bãi nước bọt:
- Lính với chả tráng, đánh trận lần đầu hả?
- Vâng, vâng! - Toàn líu ríu.
- Nghe đây, mày có nhìn thấy gốc cây cụt kia không? – vừa nói người lính việt cộng vừa chỉ về phía trước. Toàn gật đầu - Lúc nào tao hô chạy thì cố mà chạy thật nhanh về đấy và nằm im ở đấy. Rõ chưa?
Toàn gật đầu. Một lúc sau pháo ngớt, người lính Việt cộng hô “ Chạy”. Toàn vọt lên, lăn vào gốc cây. Ngoái đầu nhìn lại, Toàn thấy người lính Việt cộng thu chân phải lại, cả người anh ta chồm lên phía trước. Đúng lúc đó, một quả đạn pháo nổ phía sau lưng anh ta, hất khẩu AK bay đến chỗ Toàn đang nằm. Hoảng sợ đến mức mất hết ý thức, Toàn vớ lấy khẩu súng,xả cả một băng đạn về phía người lính việt cộng rồi cắm cổ bỏ chạy giữa những tiếng hú điên loạn và tiếng nổ long trời của một trận pháo bầy.

***

Hà ngừng kể nhìn mọi người đang im lặng ngồi quanh cô.Giọng cô nghẹn lại:
- Bác ơi! - Cô nói với mẹ Thành - Đúng là ba con đã có lỗi với bác và gia đình nhưng con mong mọi người hiểu cho ba con. Không phải là ba con độc ác, bất nhân đâu mà đó là vì ba con sợ hãi quá mà hành động một cách vô thức. Sau này, cho đến tận lúc ba con mất, ổng luôn luôn bị giày vò vì điều đó.
- Thôi mà con, bác không trách ba con đâu. - Mẹ Thành nói nhẹ, bà đưa cho cô gái chiếc khăn tay - Lau nước mắt đi con, chuyện xảy ra đã quá lâu rồi nhắc lại cũng chẳng để làm gì. Con về đây với bác là bác đã vui rồi. Mà sao con lại biết gia đình bác mà đến?
- Chính ba con cũng không hiểu vì sao mà ổng lại sống sót trong lúc cắm cổ chạy như thế. Đến lúc mọi việc đã yên trở lại, ba con quay lại lối cũ thì thấy bác trai đã chết. Không thể làm gì khác được.
Ba con liền tháo lấy túi gùi bác trai đeo trên người và chôn ông bên cạnh dòng suối bên một tảng đá rất to. Ổng nói với con: Để cho khỏi quên ổng đã nhét vào hai túi áo ngực của bác trai hai vỏ đạn AK và bắn vào tảng đá cạnh mộ bác trai năm phát đạn. Chính nhờ túi gùi lấy được của bác trai mà ba con mới biết địa chỉ gia đình bác. Ba con đã giữ túi gùi mấy chục năm nay. Trước khi mất, Ổng có dặn con phải bằng mọi cách mang những di vật của bác trai giao lại cho gia đình và nói lại với bác mộ của bác trai để gia đình tìm kiếm.

Nói xong, Hà mở túi xách du lịch lấy ra một chiếc gùi may bằng vải dù hai tay đưa cho mẹ Thành. Trong túi gùi là một bộ quần áo bộ đội đã bạc mầu vì mưa nắng và năm tháng, một cuốn nhật kí và một tấm ảnh khổ nhỏ giống hệt bức ảnh đặt trên ban thờ. Gia tài của một người cả đời trận mạc chỉ có vậy. Mẹ Thành đỡ lấy túi gùi, ôm nó vào ngực, hai dòng nước mắt từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo.

***

Khuya lắm rồi, Hà trằn trọc không sao ngủ được. Cô ngồi dậy, không bật đèn ngồi im lặng trong phòng. Mọi việc xảy ra không như cô dự đoán. Cô đã chuẩn bị tinh thần để nghe những tiếng chửi rủa, để nhìn thấy những cặp mắt phẫn nộ, oán hờn. Thậm chí cô đã đặt ra cả những tình huống xấu nhất. Cô bị đánh đập, trả thù. Cô đã tự đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình Thành và cô hiểu: Không có gì có thể bào chữa cho ba mình. Giá mà mọi việc xảy ra như cô dự đoán thì tốt biết bao. Cô thầm nghĩ. Cô sẽ thấy nhẹ lòng, sẽ thấy mình được thanh thản. Sự việc không xảy ra như vậy. Không một lời chửi rủa, không một ánh mắt thù hận, chỉ có những giọt nước mắt. Điều đó làm tâm hồn cô trĩu nặng. Cô có cảm giác thêm một lần nữa mình mắc nợ gia đình này
Không thể ngủ được, cô mở cửa bươc ra ngoài sân. Giật mình, cô thấy Thành đang ngồi bên bờ ao nhìn xuống vườn chè. Điếu thuốc trên môi anh rực đỏ. Cô gái bước lại phía anh. Không quay lại, Thành hỏi:
- Chị cũng không ngủ được à?
- Em không ngủ được
Cô ngồi xuống bên cạnh Thành. Cả hai đều im lặng. Đêm yên tĩnh, tiếng côn trùng rả rích càng làm cho đêm trở nên sâu thẳm. Cô gái cắn môi. Cô không thể chịu đựng nổi sự im lặng nặng nề này:
- Sao anh lại cứ im lặng thế? Thà anh cứ mắng chửi em, hay tát cho em mấy cái em còn thấy dễ chịu hơn phải nhìn thấy anh im lặng như thế này - Đột nhiên cô túm chặt lấy vai Thành lắc mạnh - Anh! Anh đánh em đi, anh mắng chửi em đi. Em xin anh!
Giọng cô tắc nghẹn. Dưới ánh trăng Thành nhìn thấy mắt cô ướt đẫm:
- Em đã đọc Dubopsky của Puskin chưa? - Thành hỏi, rồi không đợi cô gái trả lời anh nói tiếp - Tâm trạng của anh bây giờ cũng giống như của Dubopsky ấy. Khi anh ta nâng khẩu súng lên nhằm vào kẻ thù của mình thì người con gái của kẻ thù xuất hiện và anh ta đã không thể bóp cò. Còn anh, anh không còn kẻ thù để nhằm vào. Anh biết bắn vào đâu đây? Vào em chăng? - Thành rít một hơi thuốc dài rồi ném mẩu thuốc xuống đất lấy mũi giày di cho nó tắt ngấm - Ngọn lửa thù hận đã đến lúc phải tắt rồi em ạ. Anh tự hỏi “ Lấy gì đây để lấp đi cái vực sâu thù hận giữa hai đứa chúng mình?”

Anh lấy tay nhẹ nâng mặt Hà lên, nhìn vào mắt cô. Hà ôm lấy anh thì thầm:
- Tình yêu! Chúng ta hãy lấy tình yêu để lấp đi cái vực sâu thù hận ấy.

Trăng trong quá. Đêm yên tĩnh quá và tình yêu đẹp quá.

Nguyễn Thế Duyên


Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #208 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2012, 08:33:12 pm »

Kỷ niệm Tuy Hòa
   
      
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2012, 09:28:49 pm gửi bởi Trinhsat » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #209 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 10:28:27 am »

Kỷ niệm Tuy Hòa
   
        Cơn gió lốc của cuộc truy kích địch trên Cao Nguyên miền Trung tháo chạy theo liên tỉnh lộ 7B cuối tháng 3/1975 đã cuốn chúng tôi về đến đồng bằng Phú Yên. Trong đội hình rút chạy, ngoài các đơn vị trợ chiến, địch vẫn còn khoảng một trung đoàn bộ binh, nhiều đơn vị thiết giáp và một Liên đoàn Biệt động quân Biên phòng. Bị chặn đánh tại Thị trấn Củng Sơn, quân địch bị thiệt hại nặng, nhưng vẫn còn một số lớn lọt về đến Thị xã Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên. Chúng cùng lực lượng tại chỗ co cụm lại trong Thị xã để chống trả quân giải phóng. Lúc này Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã được giải phóng. Phía bắc Phú yên chỉ còn có tỉnh Bình Định vẫn do quân ngụy chiếm giữ và làm lá chắn tạm thời cho Phú Yên.

   Hai trung đoàn chủ lực của ta nhận nhiệm vụ đánh chiếm Thị xã Tuy Hòa.  Trung đoàn chúng tôi sẽ đánh Thị xã từ hướng Nam phía cầu Đà Rằng có đồi Nhạn Tháp. Tiểu đoàn chúng tôi là chủ công của Trung đoàn nên được làm mũi xung kích. Ngày 29/3, chúng tôi tập kết bên một cánh rùng nhỏ cạnh bờ sông máng, tổ chức hậu cần và bổ sung đạn dược. Đêm 31 tháng 3, chúng tôi theo chân du kích dẫn đường lần ra sông Ba rồi cứ men theo bờ phía Bắc đó mà tiềm nhập áp sát cầu Đà Rằng. Trên bờ cát ven sông toàn là ruộng dưa hấu. Những quả dưa đã già đến độ, to như chiếc mũ sắt nằm lăn lóc khắp ruộng. Phía Đông nhìn rõ cây cầu Đà Rằng vắt ngang sông Ba. Hai bên thành cầu sáng rực đèn pha. Nhiều tốp lính ngụy canh gác đi lại trên cầu, chốc chốc lại quăng lựu đạn xuống lòng sông nhằm ngăn đặc công nước đánh cầu. Nhìn những cột nước dựng lên liên tiếp dưới lòng sông, tôi thầm nghĩ: "Kiểu này chắc quanh chân cầu chẳng có con cá nào sống nổi".

        Suốt đoạn đường hành quân tiềm nhập, không gặp phải vị trí chốt giữ nào của địch. Thậm chí bóng dáng của bọn lính địa phương quân vốn tràn ngập ở các thôn xã do địch nắm giữ cũng chẳng thấy đâu. Chúng tôi cứ thẳng người, im lặng mà đi. Đội hình của cả một tiểu đoàn cứ rậm rịch bước trong đêm. Gần đến khu vực cầu, chúng tôi rẽ vào một thôn nhỏ. Đèn trong các nhà dân đều tắt, tối om, nhưng chúng tôi biết người dân chắc không ngủ được mà vẫn còn thức để nghe ngóng. Đây là vùng địch, nhưng những người dân có lẽ đã biết rõ tình hình chiến sự, quân giải phóng đang thắng lớn khắp nơi và truy đuổi quân ngụy hết tỉnh này qua tình khác như một cơn lốc, nên họ thu mình lại trong nhà để tránh tên bay đạn lạc. Còn tụi chính quyền thôn ấp, chắc cũng tự tan rã hết rồi nên chúng tôi đi trên đường làng mà cảm giác bình an như hành quân trên đất Bắc.

   Mờ sáng ngày 1/4/1975, đơn vị chúng tôi đã nép mình chiếm lĩnh ven các bờ ruộng và con mương gần một bốt điện nhỏ chỉ cách Quốc lộ 1 đầu cầu Đà Rằng có một trăm mét. Tụi địch đã co quân lại sát trục đường 1, chứng tỏ chúng cũng đang nao núng trên con đường tháo chạy. Chúng tôi dàn hỏa lực DK và cối 82, cối 60 chuấn bị giờ nổ súng.

   5 giờ, trời đã sáng rõ mặt người. Vẫn như thời gian mở màn các trận công đồn quen thuộc, chúng tôi được lệnh nổ súng. Đạn DK cấp tập một loạt vào hướng con đường bốt điện, còn cốí 82 và cối 60 tập trung bắn lên con lộ 1 đầu cầu Đà Rằng. Đèn trên cầu Đà Rằng vụt tắt ngấm, bọn địch bắt đầu xả súng bắn trả. Trên ngọn Nhạn Tháp, một khấu DK của địch cũng dập đạn về hướng chúng tôi. Do bị độ cong của quả núi và dãy nhà ven đường 1 chắn tầm nhìn nên chúng chỉ bắn được ra xa, về phía sau lưng chúng tôi. Đại đội tôi được lệnh áp sát lên để tránh đạn DK của địch. Cả đại đội dồn B40 và B41 bắn cấp tập lên đường 1, rồi chúng tôi xung phong. Quân địch vốn đang hoang mang lại không có công sự ẩn tránh nên tan rã nhanh chóng. Chỉ 20 phút tính từ lúc nổ súng, chúng tôi đã chiếm lĩnh được mặt đường 1. Trên đường 1 và mặt cầu Đà Rằng chỉ còn lại một số xác lính. Bọn địch, phần đã rút vào trong Thị xã, phần vượt qua cầu Đà rằng sang bờ Nam của quận Hiếu Xương. Đại đội tôi vận động về bên trái, đánh theo đường 1 vào Thị xã. Tôi được lệnh dẫn trung đội tách ra theo con đường nhựa đánh thẳng lên khu đồi Nhạn Tháp phía bên kia đường 1. Trên căn cứ này vốn chỉ có một khẩu đội pháo 105 của địch kèm một trung đội bộ binh bảo vệ. Tụi lính pháo binh đã bỏ chạy hết. Đám bộ binh chỉ còn lại mươi tên, chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Chúng tôi làm chủ khu Nhạn Tháp cũng chỉ trong vòng hai chục phút, không có ai bị thương vong. Một tiểu đội của Bộ đội địa phương chừng non chục người, tay đeo băng đỏ không biết từ đâu xuất hiện và cũng nhanh chóng bám theo chân chúng tôi chỉ sau chừng dăm phút. Họ giúp chúng tôi tiếp quản mấy tên tù binh và tổ chức cảnh giới theo sự phân công của chúng tôi.
...
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2012, 10:33:33 am gửi bởi Trinhsat » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM