Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:25:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137673 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #190 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2010, 07:27:45 pm »

...
       
         Trong cái năm 1988 ấy, có nhiều người có máu liều ở các cơ quan khoa học hay trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã lên phương án và mời các cán bộ phòng Kỹ thuật Tin học của Viện NCKT Điện tử cùng tham gia buôn máy tính qua Liên Xô, nhưng không thành công. Có nhiều nguyên nhân, trong số đó có cả sự tác động của câu chuyện kể trên. Trưởng phòng KT Tin học vốn là một người lính đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nhiều năm. Anh không ham giàu, cũng như không còn ham hố gì với cái chuyện chém giết “Thương trường như chiến trường” nữa, nên đã chọn con đường sống an phận trong thanh bình cho cả đơn vị. Nếu nói về chuyện thời cơ làm ăn, thì quả thật Viện NCKT Điện tử khi đó đã bỏ qua một cơ hội lớn. Nhưng số phận con người là vậy, ông trời đã sắp đặt, biết làm sao được.

   Câu chuyện về thời cơ làm ăn trong lĩnh vực máy tính vào cái thời buổi nhập nhoạng của sự cấm vận kinh tế đó, chỉ có một đơn vị làm được, và thành công vang dội. Chỉ duy nhất một đơn vị đó, và chỉ làm được có một phi vụ. Dăm mười năm sau, nhiều Công ty Tin học ra đời và làm ăn phát đạt, nhưng cái cách của họ hoàn toàn khác câu chuyện đang nói, vì thời cơ chỉ có một.

   Công ty đó là Công ty 3x, được thành lập bởi những người chủ chốt ra đi từ Tổng cục Điện tử và KT Tin học, sau khi Tổng cục này bị hạ cấp xuống thành Liên hiệp Khoa học Điện tử & Tin học, sát nhập vào Bộ Cơ khí Luyện kim cuối năm 1988. Tình hình xã hội lúc đó là Việt Nam, sau 3 năm đổi tiền để thực hiện chính sách “Giá-Lương-Tiền”, đang trên đà suy thoái nặng. Giá vàng chỉ có 200 ngàn đồng một chỉ, nhưng người ta không mua vàng dự trữ, mà đem tiền đi gửi tiết kiệm để hưởng lãi. Ngoài các Quỹ tiết kiệm thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước, các Quỹ Tín dụng nhân dân, một hình thức quỹ tiết kiệm dân lập “vô trách nhiệm vô thời hạn” mà thực chất là những điểm “Hụi” được sự bảo trợ “vô trách nhiệm” của chính quyền đã mọc lên như nấm rừng sau mưa. Lãi suất 12%/tháng khiến người ta quên đi hiểm họa của sự lạm phát, mà bán đi đủ mọi thứ, kể cả nhà ở để đem tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi. Lãi suất ấy tương ứng với 144%/năm. Điều đó có nghĩa là nếu lấy đơn vị 1 năm làm cơ số, thì cái sự lãi đó là cấp số nhân với công bội là 2, sau mỗi năm số tiền vốn tăng lên gấp đôi. Bạn còn nhớ câu chuyện bàn cờ vua có 64 ô trong ví dụ kinh điển minh họa khi học cấp số nhân không? Nếu lấy 1 hạt thóc bỏ vào ô số 1 của bàn cờ, bỏ 2 hạt vào ô số 2, bỏ 4 hạt vào ô số 3 … cứ như thế ô sau gấp đôi ô trước, thì khi đến ô 64, toàn bộ số thóc làm ra trên toàn trái đất cũng không đủ để cho vào ô đó. (người ta đã tính thử là số thóc ở ô số 64 đó, nếu rải đều phủ kín toàn bộ bề mặt trái đất, thì sẽ có một lớp thóc dày  tới 9 cm!?). Từ điều đó cũng có thể suy ra là, nếu kinh tế như vậy mà không phải là suy thoái và bất ổn, thì cứ với đà như thế, hôm nay bạn gửi 1 đồng vào quỹ tiết kiệm, thì 64 năm sau, toàn bộ tiền tệ của tất cả các nước trên thế giới đều thuộc về bạn. Kinh khủng quá phải không? Tất nhiên đến bây giờ chúng ta đã biết là chỉ sau hơn một năm hoạt động, trong cái nền kinh tế bất ổn và suy thoái đó, tất cả các quỹ tín dụng kiểu đó, bắt đầu là nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, đã nhanh chóng đổ sụp, gây cho cả xã hội một cơn chấn động còn hơn cả một mùa bão lũ.

   Nhưng trở lại lúc đó, đầu năm 1989 tình hình kinh tế trong nước thì như vậy. Còn trên thế giới thì phe XHCN đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Chỉ còn chưa đầy một năm nữa thôi, bức tường Berlin sẽ sụp đổ, và Liên Xô- thành trì của phe XHCN sẽ tan rã. Trong bối cảnh chính trị ấy, kinh tế của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô hết sức hỗn độn. Liên Xô vẫn thực hiện chính sách viện trợ và bán hàng cho các nước anh em bằng đồng Rup chuyển nhượng. Trên giấy tờ, mỗi Rúp vẫn được coi và thanh toán tương đương 1USD, nhưng trên thị trường chợ đen, 10 Rup không mua nổi một Mỹ kim.
...
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #191 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2010, 08:07:21 am »

Bác Trinhsat kể tiếp chuyện cổ tích về "vitính" tôi đi chứ. Tôi đang muốn nghe "cổ sử" mà  Grin
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #192 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2010, 04:32:19 pm »

...
         Các chuyên gia kinh tế, mà thực chất là Ban lãnh đạo  Công ty 3x vào cuộc. Họ không hổ danh là những người được đào tạo tại nước ngoài, và đã tìm ra kẽ hở của việc thanh toán qua đồng Rúp chuyển nhượng giữa Liên Xô và các nước anh em để tính toán cho phi vụ của mình.

    Thoạt tiên, Công Ty 3x hùn vốn (vay hay huy động từ đâu đó)  đặt mua hàng ngàn bộ máy vi tính lắp ráp Đông Nam Á từ Singapore, rồi chuyển qua Liên Xô. Tất nhiên lúc này các chuyên gia 3x đã là bậc thầy trong việc tổ chức đường dây chuyển hàng, khiến các đội Hải quan cửa khẩu không còn là hàng rào thuế quan, mà trở thành đồng minh của họ. Nếu không thế, chỉ có Tề thiên Đại thánh mới có thể chuyển chót lọt một lượng hàng lớn như vậy ra nước ngoài bằng máy bay. Toàn bộ số hàng đó được bán cho các nước Trung Á thuộc Liên bang Xô-viết, không phải chỉ một vốn bốn lời, mà là một vốn năm lời (lãi tới 500%), vì với số lượng hàng lớn như thế, người ta không trả bằng đồng Rup thật, mà trả bằng đồng Rup chuyển nhượng dưới hình thức Séc chuyển khoản. Với những người làm ăn cá thể, hay non gan thiếu kinh nghiệm thương trường Quốc tế, thì sau khi giao hàng mà nhận tiền kiểu đó, chỉ còn nước phá sản hoặc gia nhập đội quân Taliban mà bắn giết thiên hạ cho hả nỗi hận đời.

    Nhưng các chuyên gia 3x thuộc hạng cao thủ thượng thừa trên thương trường khi đó, nên chỉ cười nhạt. Họ đã tìm được kẻ đang cần loại tiền Rup chuyển nhượng. Đó là CHDC Đức, người anh em XHCN nằm ở tiền đồn phía Tây. Nước Đông Đức này nhận hàng viện trợ và buôn bán với Liên-xô thông qua hình thức thanh toán bằng đồng Rúp chuyển nhượng, đang nợ người anh Cả một lượng tiền khổng lồ đã đến kỳ phải trả. Trong ngân khố lúc đó không có đủ đồng Rúp chuyển nhượng. Đem đồng Mác Đức, hay đồng Mỹ kim trả nợ cho Liên-xô thì họa chỉ có thằng điên, mà dòng giống người Ariang không phải là điên, dù cho kẻ đó là Hitle cuồng vọng với giấc mộng bá chủ thế giới. Có manh chiếu rách đem bán cho thằng buồn ngủ thì còn gì bằng, các cụ nhà ta chả bảo “buồn ngủ gặp chiếu manh”  đó ư? Các chuyên gia 3x đã dặt vấn đề mua hàng của Đức với giá cao và trả tiền bằng đồng Rúp chuyển nhượng. Xét cho cùng, bán được đắt hàng, tiền Rúp chuyển nhượng thu về lại đem trả nợ luôn cho Liên-xô thì cũng chẳng hại gì, lại tiện cả đôi đường. Thế là một Hợp đồng mua bán mới lại được các chuyên gia 3x ký với CHDC Đức.

   CHDC Đức khi đó được coi là nước có mức sống cao nhất trong khối các nước XHCN. Hàng hóa có rất nhiều loại, chất lượng đỉnh cao. Đơn giản như xe đạp Mifa màu cánh chả của Đức đem về Việt Nam luôn có giá cao gấp rưỡi xe Favorit của Tiệp Khắc, gấp đôi xe đua Khacop của Nga. Đem đồng Rúp chuyển nhượng đổi lấy hàng gì, một lần nữa lại thể hiện tầm nhìn chiến lược của các chuyên gia 3x. Nếu chọn mua xe đạp thì có cấp không cho dân cả Thành phố Hà Nội cũng không hết chứ đừng nói đến bán. Nhập các dụng cụ máy móc cơ khí thì có bán cho ma, vì lúc này ở Việt Nam, ngành cơ khí đang xuống dốc, đâu đâu cũng thấy rao bán nhà xưởng, nhà khung kho Tiệp …

   Các nhà chiến lược 3x đã chọn nhập mặt hàng bông sợi. Loại hàng này được coi là nguyên liệu sản xuất, Việt Nam đang khan hiếm. Chính nhà máy sợi Tây Đức-Hà Nội cũng đang đói nguyên liệu này. Loại nguyên vật liệu này còn được hỗ trợ bằng chính sách thuế nhập ưu đãi. Thế là toàn bộ số tiền Rúp chuyển nhượng thu được do bán máy vi tính cho Liên-xô đã được chuyển qua mua bông sợi của Đức. Theo báo chí lúc đó, Công ty 3x thu được số tiền lãi từ phi vụ xuyên quốc gia ấy là 56 tỷ đồng Việt Nam, mà hầu như không phải nộp một đồng thuế nào. Thời điểm này, giá vàng là 210.000 đVN/ 1 chỉ, còn giá “đô” là 3.950 đVN/1USD.

   Trước khoản lãi khổng lồ đó, nhiều cơ quan hữu quan của Nhà nước đã vào cuộc xăm soi Công ty 3x. Tranh cái ầm ĩ tốn nhiều giấy bút và chè thuốc tại các quán nước ven đường. Cuối cùng Công ty 3x đứng vững với lý do đem số tiền đó đầu tư sản xuất và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam. Đầu tư sản xuất cái gì, cụ thể ra sao, cuối cùng cũng chẳng ai biết. Ở nước ta có nhiều việc xảy ra giống như vác một hòn đá rất to tưởng dời non lấp biển gì, nhưng rồi lại đem ném xuống ao bèo nghe “tũm” một cái, nước bắn lên tung tóe rồi tất cả yên lặng không sủi thêm tăm nào. Bèo có một tác dụng rất lớn mà trong khoa học và nông nghiệp hầu như không được nhắc tới, đó là khả năng làm cho mặt nước ổn định trở lại rất nhanh sau những cái “tũm”, dù cho cái “tũm” đó do cái gì gây nên. Mọi việc rồi lặng im trôi vào quên lãng.

   Thời cơ chỉ đến có một lần và không bao giờ trở lại. Công ty 3x cũng chỉ làm được có một lần, nhưng ghi danh sử sách. Thành công lớn và hiếm hoi của nó đã khiến cho câu chuyện đáng được ghi vào danh sách những chuyện “cổ tích”.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #193 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 03:01:59 pm »

...
      Ngày 3/2/1994, đúng vào ngày thành lập Đảng CSVN, tổng thống Mỹ Bill Clinton với chính sách cởi mở đã tuyên bố lệnh bãi bỏ hàng rào cấm vận kinh tế với Việt Nam. Nhưng trước đó đã có nhiều cuộc vận động về việc này, và Mỹ cũng đã tỏ thái độ thiện chí bằng cách lờ đi nhiều việc đang diễn ra. Vì thế, từ năm 1991 đã có rất nhiều Công ty của Việt Nam bắt tay làm ăn với các công ty nước ngoài, chủ yếu thuộc Singapore và Malaixia để nhập khẩu máy tính Compative và các phụ kiện của nó mà chúng ta quen gọi là máy tính Đông Nam Á. Tuy thế, ngoài các Công ty máy tính thuộc Tổng Công ty Điện tử-Tin học Việt Nam của Nhà nước, chưa có công ty nào dám công khai trương biển Công ty Máy tính. Nhưng chỉ từ sau khi Mỹ bỏ cấm vận, các Công ty Tin học đã mọc lên như nấm. Từ năm 1995 đến năm 1997, người ta còn có thể đếm được trong một thành phố như Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh có bao nhiêu Công ty hoạt động về Máy tính, hay Công nghệ Thông tin. Nhưng bước sang thế kỷ XXI thì ngay cả Sở kế hoạch Đầu tư là cơ quan cấp phép kinh doanh cũng bó tay không thể xác định chính xác được trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu đơn vị làm về Công nghệ Thông tin.

   Trong thời kỳ cận đại này, chuyện “cổ tích" nên chăng dành cho một seri các mẩu chuyện về sự ngô nghê trong hiểu biết về máy vi tính của nhiều cơ quan và ban ngành chức năng cũng như những hành sử "đáng cười mà không thể cười".

   Mẩu chuyện thứ nhất là sự đầu tư để dành. Công ty FPT ra đời và chuyển đổi từ một đơn vị chuyên kinh doanh về thực phẩm sang kinh doanh thiết bị tin học (cùng có tên viết tắt là FPT) vào năm 1989 thì những lô hàng đầu tiên mà họ nhập và đem đấu thầu bán cho ngành ngân hàng là máy tính Olivety của nước Ý. Đầu tiên là các ngân hàng ở Hà Nội, sau đó đến các ngân hàng các tỉnh khác. Đầu những năm 1990, các tỉnh biên giới phía Bắc được Nhà nước ưu tiên đầu tư (nghe nói chỉ xếp hàng sau Trường Sa). Giá cả không cần xét duyệt trước. Khoảng cuối năm 1992, đầu 1993, ngành Ngân hàng LaoKai mua về của FPT 20 bộ máy vi tính AT-286 với cái giá trên 3000 Mỹ kim một bộ. Cái giá ấy "hơi" cao, chỉ gần gấp đôi so với thị trường tự do, nhưng đấy không phải là điều chính. Điều đáng nói là nếu đem giao ngay số máy vi tính có cấu hình thời thượng lúc ấy cho các ngân hàng cấp huyện sử dụng thì hiệu quả của nó sẽ át đi mọi chuyện giá cả. Nhưng Ngân hàng cấp tỉnh lại chọn giải pháp cho vào kho để dành. Mười hai năm sau, tức là vào năm 2005, họ mới đem phân phối để trừ vào tiền đầu tư cho ngân hàng các huyện. Lúc này thị trường máy tính đã chuyển sang loại Pentium IV và sử dụng thịnh hành Hệ điều hành Windows XP rồi, thì những máy tính AT-286 có bộ nhớ Ram phổ biến là 2MB, ổ đĩa cứng dung luợng 100MB còn làm được gì nữa. Tất nhiên các ngân hàng cấp huyện vẫn phải nhận, vẫn bị trừ đi vào vốn đầu tư mấy chục triệu đồng một bộ máy vi tính ấy, nhưng nó chỉ có tác dụng bày làm cảnh. Không ai dám bỏ đi ngay hay thanh lý. Phải chờ đến hết thời hạn khấu hao 5 năm đã chứ, không thì ai chịu trách nhiệm bây giờ. Thật đúng là tiền dân.

   Mẩu chuyện thứ hai nói về Ủy ban 10-80 thuộc Bộ Y tế. Ủy ban này ra đời nhằm nghiên cứu về hậu quả của chất độc da cam đối với thường dân Việt nam trong cuộc chiến tranh trước năm 1975 ở Miền Nam đất Việt. Chiếm hẳn một tầng hai trong tòa nhà chính của 138 Giảng Võ, các cán bộ chỉ làm việc bằng giấy và bút với sự hỗ trợ của máy đánh chữ Robotron (CHDC Đức). Hoàn cảnh quá nên sau một lần sang thăm vào năm 1998, mấy người Mỹ yêu hòa bình trong một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã về nước vận động và quyên góp được 5 bộ máy vi tính gửi sang tặng. Phía Ủy ban chỉ phải chi trả tiền vận chuyển 150 USD cho một bộ máy. Nhận hàng rầm rộ, trao quà hoan hỷ, vỗ tay rào rào, nhưng khi đem về lắp ráp thì hỡi ôi. Máy tính là loại PC 8 bít, tốc độ 4.7KHz, 128KB Ram, chỉ có 2 ổ mềm loại 5.25 " 360KB, không có ổ cứng, màn hình đơn sắc. Chắc mấy người Mỹ tốt bụng đó tưởng người Việt mới vừa qua thời kỳ đồ đá nên như thế chắc là quá hiện đại rồi. Giá như khi ấy là năm 1984 thì tốt thật, còn đã vào năm 1998 rồi thì tất nhiên là bó tay.
...
Logged
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #194 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 03:46:48 pm »

Khoảng cuối năm 1992, đầu 1993, ngành Ngân hàng LaoKai mua về của FPT 20 bộ máy vi tính AT-286 với cái giá trên 3000 Mỹ kim một bộ... Mười hai năm sau, tức là vào năm 2005, họ mới đem phân phối để trừ vào tiền đầu tư cho ngân hàng các huyện.
Quả là khó tin  Shocked Làm gì có ai thế nhỉ?

năm 1998, mấy người Mỹ yêu hòa bình trong một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã về nước vận động và quyên góp được 5 bộ máy vi tính gửi sang tặng... nhưng khi đem về lắp ráp thì hỡi ôi. Máy tính là loại PC 8 bít, tốc độ 4.7KHz, 128KB Ram, chỉ có 2 ổ mềm loại 5.25 " 360KB, không có ổ cứng, màn hình đơn sắc.
Chuyện này đôi khi mắc phải vì cái khâu trung gian. Quê tôi, nghe nói, được tổ chức CCB Mỹ ủng hộ cho một bộ thiết bị y tế cho trạm xá Huyện. Một ông VK (Mai Lĩnh?) trúng thầu, ôm tiền của CCB mua hàng thanh lý căn cứ Subic Philipin, chuyển về VN. Phía ta khui ra rồi đóng lại không nhận, vì hàng không đúng chủng loại  Angry Sau rồi ông VK này cũng bị bên Mỹ bắt vì chuyện khác, lừa đảo chứng khoán gì đó.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười Một, 2010, 03:52:59 pm gửi bởi vitính » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #195 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 06:15:53 pm »

Cái vụ buôn máy tính của 3x thì nổi tiếng thời 80 rồi, bác vitinh chắc quá rành. Đó là chuyện có thật. Nó thật như chuyện ta có tàu phá băng vậy. Còn vụ Ngân hàng Lao Kay thì bó tay, nhưng ngẫm ra ở nước mình cái gì cũng có thể, bác vitinh ạ.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #196 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2010, 09:19:19 am »

...
       Câu chuyện thứ ba dài hơn, nói về một Dự án lắp ráp và bán 1 triệu máy vi tính mang tên Thánh Gióng cho thanh niên nông thôn của TW Đoàn Thanh niên nước ta.

   Năm 1992, có thể đếm trên đầu ngón tay những cán bộ khoa học nào có máy vi tính của cá nhân. Lúc đó, chủ yếu là các máy vi tính IBM-PC compative đời 286, mang về từ Úc hay các nước Đông Nam Á. Năm 1994 thì đã có nhiều cá nhân có máy vi tính hơn, mua tại Việt Nam, loại máy đời 386. Các ông chủ dự án và dân thầu xây dựng mua cho cá nhân nhiều hơn vào năm 1995, máy 486 có bộ đồng xử lý toán học tích hợp sẵn trong chip CPU, không phải dùng bộ gắn ngoài 80387 như đời 386. Họ cần để vẽ AutoCAD (version 12) cho các thiết kế nhà tư, và các dự toán xây dựng. Họ sắm cả máy in riêng. Có như thế, mọi dự toán xây dựng có nhiều “phết phẩy” mới giữ kín được trước khi được duyệt, tránh những kẻ tò mò thóc mách xem trộm nếu làm ở máy cơ quan. Còn từ năm 1997 thì việc các gia đình mua sắm máy vi tính đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.

   Rồi xã hội phát triển theo xu hướng tin học hóa. Nhất là từ khi Việt Nam có Internet vào cuối năm 1997. Cơ quan có máy vi tính rồi cá nhân cũng có máy vi tính. Thành thị có máy vi tính thì tất nông thôn cũng sẽ phải có máy vi tính. Người ta cứ muốn đốt cháy giai đoạn cho mọi thứ. Các vị có chức sắc thích dùng hình ảnh “đi tắt đón đầu” để mô tả việc Việt Nam tiếp cận với khoa học kỹ thuật thế giới mà quên mất đi một hình ảnh cũng đơn giản và dễ hiểu là, nếu thế giới họ cũng đang đi trên đường thẳng thì con đường tắt của chúng ta sẽ là con đường nào?

   Tháng 6/2004, Trung ương Đoàn TNCS HCM lập dự án "Phổ cập tin học - Nối mạng tri thức cho thanh niên"  với mục tiêu “Đưa tin học về nông thôn, phổ cập tin học cho thanh niên, đẩy mạnh xã hội hoá tin học... “ và ngay lập tức được nhiều Công ty Tin học hưởng ứng. Hai Công ty Tin học hàng đầu ở miền Bắc là FPT và CMS giành được quyền kết hợp với 4 Hãng nước ngoài tạo ra một liên minh và độc quyền lắp ráp ra một loại máy tính để bàn mang tên Thánh Gióng để phục vụ cho dự án này. Mục tiêu thì tốt, nhưng dự án muốn thực hiện được thì phải bán được máy tính cho thanh niên nông thôn. Các Công ty Tin học tham gia  rất quan tâm đến Dự án này ở góc độ kinh doanh, vì tổ chức Đoàn lập dự án bán tới một triệu máy tính về nông thôn. Thật là một dự án lớn khủng khiếp về doanh thu. Ở thời điểm đó theo điều tra của Intel thì tại Việt Nam chưa tới 1% số gia đình có máy vi tính (Việt Nam ước có khoảng 20 triệu hộ gia đình, và số máy tính gia đình ước khoảng 200 ngàn, lại chỉ tập trung ở thành phố). Bán số máy tính về nông thôn mà tới gấp năm lần số máy tính đang có ở thành phố cho dự đoán phổ cập tin học cho 20 triệu thanh niên nông thôn thì quả thật là kiểu “đếm cua trong lỗ”. Các máy tính Thánh Gióng bán ra ban đầu có 3 cấu hình theo các cấp độ khác nhau, nhưng theo các chuyên gia đánh giá là không quá đắt nhưng cũng không rẻ. Lúc đầu các cơ sở Đoàn còn vẽ vời thủ tục là chỉ bán cho “đoàn viên nông thôn” và phải có giấy chứng nhận để quan trọng hóa, trong khi với số tiền tương tự thì mua ở đâu cũng có.

   Chính vì thế, chẳng cần quan tâm đến việc có được tham gia chính thức vào Dự án to lớn nói trên của TW Đoàn TN hay không, cũng ngay trong tháng 6/2004 đó, 6 công ty Tin học nhỏ hơn là Phúc Anh, Trần Anh, Ben, Hà Nội, Mai Hoàng và Vĩnh Trinh đã tự liên minh với nhau để lắp ráp ra dòng máy tính G6 để cạnh tranh với máy tính Thánh Gióng, với tuyên bố xanh rờn là giá máy tính G6 có cùng cấu hình rẻ hơn máy tính Thánh Gióng. Nếu quả thật Dự án mà bán được ra tới 1 triệu máy vi tính (với giá trung bình 5 triệu đồng/ bộ) thì cái miếng bánh tới 5 nghìn tỷ đồng đâu dễ để cho ai có thể xơi riêng được. Cạnh tranh thị trường cơ mà.

   Dự án đã không thành công vì cơ quan TW Đoàn đã thiếu khâu “khảo sát thị trường” khi lập Dự án. Số tiền trung bình để mua một bộ máy tính Thánh Gióng có thể dùng tốt được khi đó khoảng 5 triệu đồng, tương đương một cây vàng hoặc mua được một con bò. Thanh niên nông thôn không dễ có số tiền như thế để mua máy tính, và mua máy tính để làm gì. Họ không biết dùng máy tính để có ích cụ thể gì cho họ trong cuộc sống hàng ngày, khi mà ngay ở thành phố khi đó cũng không xác định rõ nếu dạy tin học thì dạy gì cho học sinh. Còn lướt Internet để đọc báo, nghe nhạc với chơi Game như quảng cáo và hướng dẫn ban đầu của một vài đội Thanh niên tình nguyện khi tuyên truyền về nông thôn, thì thanh niên nông thôn cũng không có thời gian, không có cả tiền trả tiền điện và tiền kết nối Internet. Mức thu nhập của họ còn quá thấp và họ còn phải đi kiếm ăn hàng ngày. Ngay cả việc nếu họ có muốn học để sử dụng thì cũng chẳng có ai về nông thôn mà dạy cho họ.

   Dự án trên bị phá sản sau 3 năm. Không ai thống kê được trong 3 năm đó, đã có bao nhiêu bộ máy tính thực sự bán tới tay thanh niên nông thôn. Trên các phóng sự chung, người ta chỉ thường nhắc tới thiên tai, bão lụt, lũ quét, tình trạng người dân bỏ ruộng ra thành phố, cảnh có hàng ngàn lao động thủ công tại các điểm "chợ lao động" ở các thành phố.

   Các Công ty Tin học trong cả liên minh Thánh Gióng và nhóm G6 chia tay, ai về nhà nấy để lập kế hoạch kinh doanh riêng cho thực tế hơn, kết thúc bài học về “lạc quan tếu” một thời mà chắc chưa phải là cuối cùng./.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #197 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2011, 06:03:34 pm »

Năm Mão nói chuyện Mèo
[/color]

         Mèo thì trên thế giới đâu đâu cũng có. Chắc chẳng có quốc gia nào không có mèo vì chúng sống thích nghi được trong mọi điều kiện địa dư và khí hậu, cũng gần như con người vậy. Mèo là động vật bậc cao được thuần hóa từ lâu đời, lại có ích cho con người trong cuộc sống nên chúng được nuôi, được chăm sóc chu đáo.

   Con người ta trong cuộc sống gia đình và xã hội có nhiều bộn bề những mối quan hệ, lo toan và trăn trở. Tác động giữa con người và con người tạo cho ta muôn vàn cung bậc của tình cảm, nhưng bạn sẽ luôn tìm thấy sự thanh thản khi  nuôi một con vật trong nhà. Có nhiều loại để lựa chọn, nhưng mèo là giống vật được số người chọn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Mèo sống theo bản năng nhưng cũng rất biết tiếp thu sự dạy dỗ và chăm sóc của chủ. Hình như nuôi mèo rất nhẹ nhàng và không tốn nhiều công sức và tiền bạc, nhưng chúng đem lại cho bạn một thứ tình cảm có thể nói là vô giá. Bạn quý chúng bao nhiêu thì chúng quý bạn bấy nhiêu.

   Tuy thế không phải ai cũng nuôi được mèo. Điều này khác hẳn với những con vật nuôi khác. Có nhiều người rất muốn nuôi mèo, dù chỉ đơn giản là để bắt chuột trong nhà, nhưng mèo nuôi hoặc chết, hoặc bỏ đi. Có thể do vía hay một thứ vô hình nào đó, phải chăng mèo cảm nhận được rất rõ từng cung bậc tình cảm của người nuôi nó.

   Tôi cũng nuôi một con mèo cái "hoàng miêu", tức là lông nó có mầu vàng pha ít sọc sẫm, khuôn mặt rất xinh. Tôi đặt tên nó là "Tép" cho gần với cái tên "Tôm" truyền thống của chú mèo trong Walt Disney. Qua hơn 7 năm nuôi nấng, tôi ngộ ra được rất nhiều điều về mèo. Ngay từ khi đem về mới hai tháng tuổi, mèo Tép đã thể hiện rõ tình cảm của mình. Nó rất thích được bế và vuốt ve, đặc biệt là gãi nhẹ dưới cằm. Bài học đầu tiên tôi dạy nó là lấy một cái que cắt dài bằng đúng chiều dài đuôi của nó rồi cắm vào chậu than xỉ, sau đó bế nó đặt vào đó. Con mèo lượn quanh cái que một vòng như thể ướm đuôi vào đó. Từ đó về sau mỗi khi đi vệ sinh là nó tìm ra cái chậu than xỉ ấy, dù tôi đặt cái chậu ở bất cứ chỗ nào trong nhà. Mèo là giống ưa sạch sẽ. Khi cái chậu than xỉ dùng hơi lâu đã bẩn có mùi, nó sẽ không đi vào đó nữa mà sẽ gại chân nó vào chân mình rồi dẫn mình đến cái chậu như nhắc nhở. Thay than xỉ mới rồi là nó nhảy vào ngay. Nhập hộ khẩu vào nhà tôi đúng mùa đông nên lúc nào mèo Tép cũng muốn gần người. Khi tôi đọc sách buổi tối, nó mon men đến leo lên ngồi trên đùi. Nó cũng biết để ý xem tôi có đồng ý không, nếu thấy tôi vuốt nhẹ là nó yên tâm thu chân lại nằm luôn trên lòng mình. Cũng có hôm trời lạnh quá, nó leo lên nằm ngay trên trang sách cho gần cái đèn bàn hơn để hưởng hơi ấm, che hết cả phần chữ mà tôi đang đọc.

   Trong nhà tôi mọi người đều quý nó, nhưng tôi quý nó nhất. Tôi hay vuốt ve, cho ngồi trong lòng hoặc cho nó ăn. Khi nó đi ra cửa tôi hay dọa nó là đừng có đi xa người ta bắt mất, thế mà nó cũng hiểu. Nhiều khi nó đi theo tôi ra cửa, nhưng đi xa độ 10 mét là nó lập tức quay về nhà. Có khi đang sưởi nắng ngoài sân nghe tiếng người lạ đi qua từ xa, nó chạy vào nhà trước. Hầu như những người lạ không ai đến gần được nó. Chính vì vậy mà nó vẫn tồn tại được ở nhà tôi, trong khi ở xung quanh không mấy nhà nuôi mèo được quá một năm mà không bị bắt trộm. Mèo Tép bắt chuột rất tài tình. Nó cứ đi loanh quanh khắp nhà và sân. Tôi để ý thấy hễ chủ nhà đi tới đâu là nó cũng sẽ theo tới đó cào chân như cào đất hay làm gì đó để đánh dấu lãnh thổ. Đem về một cái tủ hay cái thùng cactong mới là thể nào nó cũng tìm cách chui vào, có vẻ như để kiểm tra xác định vật quen trong nhà thì phải. Những lần đi kiểm tra ấy nó đánh dấu mùi và sau đó phát hiện ra những con chuột đi vào vùng lãnh thổ của nó. Nó theo dõi hệt như lính trinh sát, quan sát, tìm hiểu và đánh giá tình hình. Sau đó nó nằm im để rình ở một chỗ thuận lợi. Đa phần là đêm, nhưng cũng có khi ban ngày nó vồ được chuột ở chỗ nó rình rất chính xác. Tôi hầu như không nhìn thấy nó bất chợt gặp và đuổi chuột bao giờ, toàn là rình và chỉ vồ một nhát thôi. Những con chuột nhắt bé quá nó chỉ vờn cho chết rồi bỏ. Con chuột to hơn cỡ nắm tay trở lên nó mới ăn. Mèo không ăn cả con chuột mà thường chỉ ăn một nửa, tùy theo lịch âm. Nếu trước ngày rằm, nó ăn nửa đầu. Từ ngày 16 trở đi nó ăn nửa đuôi. Phần còn lại bao giờ nó cũng tha vào để giữa nhà và sau đó kêu "meo, meo" mấy tiếng để khoe. Sau này lớn lên vẫn vậy. Đặc biệt là nó không bắt chuột cống. Cũng có thể mèo không phải là đối thủ của chuột cống, nhưng cũng có thể loại chuột cống có một cái mùi gì đó mèo không ưa, hoặc giả là chuột cống không bò vào nhà lục lọi nên mèo nó không bắt theo kiểu "mi không động đến ta thì ta cũng không động đến mi".

   Nuôi được gần một năm thì mèo Tép đẻ lứa đầu tiên. Mèo chửa đúng 61 ngày thì đẻ. Hình như nó cũng ốm nghén như người hay sao ấy vì chửa khoảng 2 tuần thì nó ăn ít mà ngủ li bì suốt ngày, tối mới mò ra. Con mèo Tép nhà tôi không đi tìm chỗ đẻ hoang như nhiều người nói về mèo. Gần đến ngày đẻ, nó lục lọi các ngách kể cả ngăn tủ để tìm ổ. Đến khi tôi tìm một cái thùng giấy to rải khăn vải vào đó và đặt nó vào thì nó mới có vẻ yên tâm. Mèo thường đẻ ban đêm, ít khi đẻ ban ngày. Trước lúc đẻ nó bồn chồn đi lại, nhảy ra nhảy vào cái thùng rồi đi lại phía tôi như cầu cứu trợ giúp. Nếu mình không để ý mà bỏ đi ngủ là nó nhảy lên đầu giường kêu liên tục. Chỉ khi đi ngủ mà để cái thùng giấy sát giường nó mới yên tâm nằm trong đó. Chuyện đó diễn ra  trùng lặp trong cả các lứa đẻ khác nữa khiến tôi trở thành người đỡ bất đắc dĩ cho nó. Qua nhiều lần tôi nhận xét về chuyện sinh nở của mèo thế này. Nếu không có khì khác biệt thì một năm mèo đẻ 3 lứa. Mèo chửa 2 tháng, nuôi con 2 tháng rồi lại chửa ngay được. Mỗi lần gặp mèo đực thì chỉ đậu được một con. Điều đó có nghĩa là nếu con mèo nhà bạn đẻ năm con thì nó đã phải đi gặp mèo đực 5 đêm và rất có thể là không phải chỉ duy nhất một chú mèo đực trong 5 đêm đó. Khi đẻ nó cũng vỡ nước ối như người. Có một điểm khác là trong khi người không thể đẻ ngược ngôi thì mèo lại có thể đẻ con theo chiều đầu hay đuôi ra trước đều được. Giả sử như con thứ nhất đầu ra trước thì con thứ 2 đuôi ra trước, con thứ 3 lại đầu ra trước, cứ như thế con nọ nối con kia theo đúng chiều đầu với đầu, đuôi với đuôi. Mèo mẹ thường rặn một đến 2 nhịp một lần là đẻ xong một con. Nếu khi đó mèo con chưa chui ra hẳn, bạn có thể cầm tay vào mèo con kéo nhẹ giúp mèo mẹ. Nhau của mèo thường ra liền ngay sau mèo con. Dù đẻ nhiều hay ít con, mèo mẹ cũng ăn toàn bộ số nhau. Sau khi đẻ ra độ 5 phút được mèo mẹ liếm hết nhớt là mèo con đã kêu được tiếng "meo" khe khẽ và tự tìm được đến vú mẹ để bú. Mèo mẹ đẻ con nọ cách con kia thường khoảng 15 phút. Đôi khi khó đẻ thì lâu hơn. Có một điều hết sức đặc biệt mà tạo hóa đã ban cho loài mèo. Mèo hiếm khi sảy thai. Nếu vì một lý do gì đó mèo chửa mà không đẻ hết số con trong bụng hoặc thậm chí không đẻ được thì những cái thai lưu trong bụng mèo mẹ sau một thời gian sẽ tự hủy và mèo mẹ vẫn khỏe bình thường, kể cả việc chửa đẻ lứa sau. Mèo con mở mắt đồng loạt sau khoảng thời gian 10 ngày cộng số luợng con. Ví dụ mèo đẻ 3 con thì chúng mở mắt sau 13 ngày, đẻ 5 con thì chúng mở mắt sau 15 ngày. Khi nuôi con thì mèo mẹ đặc biệt chú ý trông con. Khi mèo mẹ đi đâu đó mà nghe tiếng con "ngoeo" khẽ một tiếng là nó chạy về với con ngay. Trong thời gian đầu nuôi con, chủ nhà nhìn ngó, thậm chí bắt mèo con lên xem thì không sao, nhưng nếu chỉ để cho người lạ ngó vào ổ xem con nó dù chỉ một lần thì chỉ ngay đêm đó mèo mẹ sẽ tha con đi giấu chỗ khác. Còn bình thường thì sau khi mèo con mở mắt, mèo mẹ cũng đem giấu con một đến hai lần. Khi đó mèo mẹ biết dạy con giữ bí mật. Có khi cả đàn mèo con chỉ nằm nấp ở một khe tủ nào đó cách mình chỉ nửa thước, mà mèo mẹ chưa gọi ra thì dù đói chúng cũng không kêu lấy một tiểng, đừng tưởng trẻ con lau nhau sẽ kêu loạn xạ không biết giữ bí mật đâu. Nhưng chưa hẳn là lúc nào mèo mẹ cũng  giấu con với người chủ nhà mà hình như nó chỉ biết làm thế theo bản năng thôi. Tôi nói thế vì có một lần vào mùa đông năm kia mèo Tép đẻ năm con. Cái hộp không đủ ấm nên nó cứ tìm quanh. Sau cùng nó leo lên giường tôi nằm, khi đó là buổi chiều. Tôi vẫn thức, thấy nó bò lên nhìn vào cái khoảng chăn bên cạnh nách tôi. Mèo Tép chui vào, ngọ nguậy trong đó một lát rồi quay ra. Một lát sau thấy nó cắp một con (cắn vào cổ) tha từ ngoài cái hộp rồi nhảy lên giường chui đúng vào chỗ chăn cạnh tôi. Tôi nằm im quan sát và theo dõi mèo Tép tha cả năm con chui vào đó, rồi nó cuộn người lại nằm quấn các con. Nó cứ làm như nách mình là cái tổ ấm vậy. Buồn cười quá nhưng thương chúng nó nên tôi nằm im, ủ ấm cho chúng chừng nửa giờ. Sau đó phải đưa chúng trở lại thùng giấy chứ vợ tôi đi làm về (làm ca ngày chủ nhật) mà nhìn thấy thì sẽ kêu ầm lên, khổ lây cả mấy con mèo. Sau đó tôi phải cắm điện đưa một cái đèn bàn vào đó sưởi cho chúng đỡ lạnh.

   Mèo mẹ nuôi con rất khéo. Khi mèo con biết ăn cơm, mèo mẹ bao giờ cũng nhường con và ăn sau cùng. Nếu nó đang ăn mà có một con quay lại ăn thêm là nó cũng nhường, lùi lại nằm chờ con một cách kiên nhẫn. Kể cả khi chỉ có một chút thức ăn thôi, nó cũng nhường con ăn hết, không bao giờ ăn tranh. Thật là bản năng của một người mẹ tuyệt vời. Khi mèo con độ tháng rưỡi tuổi, mèo Tép dẫn con ra sân dậy trèo lên trên mấy cây cảnh. Vì thế mấy cây lộc vừng của vợ tôi rất hay bị gẫy cành. Đôi khi chúng tập đùa giỡn, chạy đuổi nhau va cả vào mình mà chúng cũng không để ý.

   Mèo mẹ có rất nhiều sắc thái tiếng kêu khác nhau. Từ kêu đòi ăn, tìm bạn, gọi con … đều có âm hưởng khác nhau, nhiều khi nghe như tiếng phát ra từ đâu đâu ấy. Nghe nhiều đâm quen, theo tiếng mèo kêu biết nó cần gì. Thường sau 2 tháng tuổi là vợ tôi lại bắt mèo con đem cho hay bán đi xa đâu đó. Mèo mà bán gần trong xóm thì có khi mèo mẹ tìm ra con ngay. Đó là khoảng thời gian tôi buồn nhất, phải đến ba bốn ngày. Mèo mẹ không thấy con, tìm kêu nghe thảm thiết lắm. Nhưng biết làm thế nào được vì một nhà không thể nuôi tất cả số mèo. May mà rồi mèo Tép cũng quên được đi theo thời gian để tiếp tục chửa đẻ một lứa khác.

   Mèo biểu hiện tình cảm rất hay. Khi mèo Tép được tôi chăm sóc nhiều thì hình như nó quen cả hơi. Có những khi cả ngày nó trốn ở đâu đó không ra ăn, chẳng ai nhìn thấy, nhưng khi nghe tiếng xe tôi về đầu nhà là nó nhận ra ngay và chui ra đón. Đầu tiên mọi người không chú ý, nhưng sau rồi cũng phát hiện ra điều này. Có khi buổi chiều nằm chơi, nó mon men đến nằm cạnh. Thế nhưng chỉ nghe kẹt cửa hay tiếng vợ tôi về là nó nhổm dậy chui ngay xuống gậm giường. Nếu vợ tôi sang phòng khác làm gì đó lâu một chút, nó lại leo lên nằm cạnh mình. Buồn cười thế vì thấy nó thật khôn và khéo. Nó biết vợ tôi tuy quý nó nhưng không bao giờ cho leo lên giường nằm cùng.

   Có những chiều đi làm về thấy nó đi lượn quanh chân mình, lướt nhẹ thân hình mềm mại vào mình đòi ăn hoặc đòi bế. Những lúc ấy dù bạn có buồn phiền điều gì ở cơ quan thì cũng dễ dàng quên ngay được. Bế nó lên và nhìn vào mắt nó, nghe nó kêu khe khẽ, bạn sẽ nhận ra là con mèo của bạn dù có nhiều tuổi đến đâu thì khuôn mặt nó luôn giữ vẻ xinh xắn đáng yêu như khi bạn mới đem nó về. Hầu như vẻ đẹp và ngây thơ của nó không thay đổi theo thời gian. Phải chăng vì thế mà từ xa xưa người Pháp sang xứ ta đem theo văn hóa của họ đã gọi những người phụ nữ thân thiết ngoài vợ mình là "mèo". Cái từ ấy bây giờ theo kiểu Mỹ người ta gọi là "bồ", nhưng tôi nghĩ không thể diễn tả hay và đầy đủ như từ "mèo" được.

   Năm Mão đến rồi. Không hiểu những người phụ nữ tuổi Mão thế nào, nhưng "mão" thật có rất nhiều thú vị. Nếu chưa nuôi một con vật nào trong nhà mà bây giờ có ý định nuôi, bạn hãy chọn mèo thử xem.


                    
ChienC6
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #198 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2011, 06:17:28 pm »

     Nhân đọc bài của bác Baoleo trên trang này

    http://khucquanhanh.vn/diendan/viewtopic.php?f=30&t=100&start=200

     Xin gửi tặng Baoleo và các đồng chí một tản bình thơ (chỉ một câu thôi trong bài thơ Tây Tiến)

Mai Châu "mùi" em thơm nếp xôi

   Tôi không được học thơ Quang Dũng. Ngày học phổ thông, trong dòng thơ ca cách mạng, ngoài mấy bài thơ như "Quê hương" của Giang Nam hay "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh, chúng tôi toàn học thơ Tố Hữu. Hầu như tôi không biết đến nhà thơ Quang Dũng.

   Sau này khi đã rời quân ngũ trở về dân thường, tôi mới thấy trong chương trình học của học sinh có bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng. Bài thơ này được mổ xẻ ngôn từ, câu cú và ý tứ trong nhiều khóa thi tốt nghiệp PTTH, thậm chí nó còn được đưa vào cả chương trình trò chơi trên VTV3 cho sinh viên là SV96.

   Tôi đọc "Tây tiến" thấy nhịp thơ trúc trắc, tuy có nhiều nội dung hay ẩn ý trong câu chữ, nhưng tôi vẫn thấy có gì đó không ổn ở một dòng thơ:

   "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

   Thế nào là mùa em? Nó diễn tả cái đẹp của người con gái Thái hay nó diễn tả cái không khí ngày mùa của bản Thái Mai Châu tràn đầy mùi xôi xếp khi trung đoàn Tây Tiến hành quân đến. Và đọng lại trong lòng người lính là cái gì, hình ảnh người con gái đậm tình quân dân hay chỉ là mùi xôi nếp cứu đói? Nếu là ý thứ nhất thì không hợp lý vì "mùa em" chẳng có nghĩa gì gắn với cái đẹp của người con gái, còn nếu theo ý thứ hai thì quá tầm thường. Tôi nghĩ rằng người ta đã quá yêu Quang Dũng, chỉ biết theo nhau ca ngợi bài thơ đó nên đã cố gán và biện hộ cho cái ý thứ nhất rất bất hợp lý mà không ai cố thử tìm hiểu đúng sai thế nào.

   Tình cờ gần đây tôi được đọc bản gốc bài thơ "Tây tiến của Quang Dũng. Khi đọc đến dòng thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi", tôi ngẩn người ra thật lâu. Càng ngẫm nghĩ càng thấy cái hợp lý, thấy cái hay, cái độc của từ mùi đó. Đúng ra phải là thế chứ. Nhưng tại sao suốt bao lâu không ai tìm ra điều đó mà cứ phải mặc nhiên thừa nhận cái câu thơ bất hợp lý với từ "mùa".

   Thì ra cũng có nguyên nhân của nó. Quang Dũng là một nhà thơ chiến sĩ bởi trước khi trở thành nhà thơ, anh đã là người lính trong trung đoàn Tây Tiến hành quân lên Mai Châu, Hòa Bình năm 1947 để đánh giặc, và trước ngày toàn quốc kháng chiến anh là học sinh Hà Nội. Dễ hiểu vì sao anh lại là một nhà thơ tài hoa. Có điều thơ anh là thơ từ góc nhìn của một người lính nên nó khá trần trụi và đặc biệt là rất thật. Vụ án văn thơ "Nhân văn giai phẩm" năm 1958 đã làm chao đảo cuộc đời của nhiều nhà văn nhà thơ theo khuynh hướng "nghệ thuật vị nghệ thuật" trong đó có Quang Dũng. Số phận anh không may, nhưng bài thơ của anh là một bài thơ hay nên anh đã chấp nhận cho nó tồn tại sau khi phải sửa câu thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi" thành "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" cho hợp với ý của những người cầm cân nảy mực về văn hóa khi đó. Các cụ nhà ta khi vui thú thì cũng không ngại ngần rúc đầu vào tận những ngang cùng ngõ hẻm, nhưng khi ngồi trước bàn dân thiên hạ lại đạo mạo giảng đạo đức. Đành rằng trước đám đông thì không nên văng tục chửi bậy vì cái văn hóa truyền thống Á Đông nó thế, nhưng những dòng thơ ý nhị mà hay thì có khi phải để nguyên mới thấy toát lên được cái hay, cái thâm thúy của nó thông qua sự suy ngẫm thầm của từng người. Thơ của nữ danh sĩ Hồ Xuân Hương chả phải là minh chứng đó sao. Tục mà thanh, thanh mà tục. Tâm mà thanh thì sẽ thấy cái hay cái đúng của nó. Bài thơ chỉ thật tục khi người đọc nó mà trong tâm lại tục mà thôi. Vậy là bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được tồn tại và phổ biến nhờ cái từ mùa có cùng âm điệu với từ mùi như vậy. Cũng chính từ bài thơ bị sửa ấy mà có lúc tôi đã nghĩ lầm về Quang Dũng.

   Sau này khi tư duy của con người đã đổi khác, cởi mở hơn, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mới được phổ biến sâu rộng và được giảng dạy trong nhà trường, nhưng là bản sửa chứ không phải bản gốc. Bao lớp người đã phải mặc nhận như vậy, đôi khi có người không hiểu cũng có thắc mắc nhưng cuối cùng lại tặc lưỡi cho qua với ý nghĩ rằng với các bố nhà thơ thì nhiều khi trong thơ họ có những câu dở hơi lắm, chỉ cốt vần điệu mà không cần biết nghĩa nó phải ra sao, có đúng với dân gian hay không. Thú thật chính tôi cũng hiểu lầm thơ Quang Dũng một thời như thế.

   Trở lại với câu thơ gốc "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi", mới thấy Quang Dũng thật là có hồn và có thần khi hạ bút viết từ mùi đó. Nó đưa bài thơ trở về đúng nghĩa, dễ hiểu biết bao nhiêu đối với những người lính chiến từng xông pha bom đạn có được những giây phút sống cùng dân, được gần gũi những người con gái. Phải là cái từ mùi ấy mới toát lên được vẻ đẹp, vẻ tinh khiết và đầy bản sắc của người con gái dân tộc Thái nói riêng và những người con gái Việt Nam nói chung. Cái hương vị tỏa ra từ người con gái Thái mà được người lính cảm nhận  như mùi thơm xôi nếp thoảng qua thì quả thật là thần tình. Mà dứt khoát phải là xôi nếp, đặc trưng của những ống cơm lam đặc sản của người dân tộc thì mới hay và độc đáo chứ nếu chỉ như mùi mít, mùi cam, mùi bưởi thì cái ấn tượng ấy sẽ không sâu. Nếu có dịp lên Mai Châu, Hòa Bình, ngắm nhìn những cô gái Thái với dáng đi sóng sánh và ngẫm về câu thơ Quang Dũng, bạn sẽ cảm thấy có một cái gì rất gần gũi, thân thương, tưởng như có thể vòng tay mà ôm lấy được, nhưng lại bảng lảng xa vời như những đám mây nhẹ trôi.

   Bạn đã từng tắm cho con trẻ và hít hà mùi thơm da thịt của chúng chưa? Thuở yêu đương bạn có nhớ đã từng được ngồi cạnh người yêu và cảm nhận mùi thơm hoa bưởi hay hương xả, hương bồ kết tỏa ra từ mái tóc, bờ vai của người bạn yêu chưa. Và ngay cả khi đã lập gia đình, lúc hạnh phúc có khi nào bạn tận hưởng mùi thơm dịu mát từ từng Centimet của người bạn yêu thương chưa (Nếu bạn công nhận người con gái đẹp từng Centimet như trong một bộ phim nào đó thì chắc cũng dễ thừa nhận là có nhiều lúc họ cũng sẽ dịu thơm trên từng Centimet chứ?)

   Đấy chỉ thế thôi, cứ ngẫm nghĩ đi, bạn sẽ thấy càng nghĩ càng thấy câu thơ "Mai Châu mùi em thơm nếp xôi" của Quang Dũng mới thật và hay biết bao nhiêu. Có điều người ta có dám trả lại nội dung cho bản gốc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được.



« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2011, 06:24:15 pm gửi bởi Trinhsat » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #199 vào lúc: 02 Tháng Năm, 2011, 03:19:26 pm »

Chuyện viểt dựa trên ý của hồi ức trong "Ngày này 34 năm trước",
---------------------

Cô giáo Mường

   Bước chân đầu tiên của tôi khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Tôi đã trở thành người lính cụ Hồ trước khi đủ tuổi công dân. Cùng đồng đội, tôi đã theo đơn vị đi qua nhiều miền đất của Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Mỗi vùng đất, mỗi con người tôi gặp là một kỷ niệm. Tình quân dân đã vun đắp thêm cho tôi lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tôi đã gặp nhiều người con gái trên đường ra trận, và mỗi kỷ niệm về tình cảm tốt đẹp của họ đã như nguồn lực đi theo tôi suốt cuộc chiến tranh, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua bao khó khăn. Nhưng những người lính như tôi tuy làm tròn bổn phận với đất nước thì hình như lại luôn có lỗi với những người con gái đã gặp vì mình chẳng đáp ứng được gì cho mong ước tốt đẹp của họ. Người con gái đầu tiên tôi gặp đã để lại sự tin tưởng vào chính  mình của tôi là một cô giáo: cô giáo người dân tộc Mường.

   Đó là mùa đông năm 1971. Lớp tân binh chúng tôi đang vào cuối kỳ huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn chúng tôi hành quân dã ngoại qua thị xã Hòa Bình để xuống Tân Lạc. Tôi được cử đi trong nhóm tiền trạm do Trung đội phó Thụy chỉ huy. Vượt dốc Cun hơn chục cây số, chúng tôi dừng chân tại một nông trường cam. Chỉ kịp tìm vào hỏi nghỉ nhờ một gia đình công nhân thì trời đã ập tối. Sau cơm nước, khi chuyện trò buổi tối, chúng tôi biết chủ nhà là một công nhân nông trường còn vợ là một cô giáo dạy cấp I trường bản.

   Hôm sau chúng tôi liên hệ các nhà dân tìm chỗ nghỉ đêm cho đơn vị, sau đó thì chỉ còn việc nghỉ ngơi chờ đơn vị hành quân đến. Tôi và thằng Xuyên được cử vào Bản Mường gần đó kiếm rau. Tinh thần chỉ đạo là có thể mua, nhưng xin được là tốt nhất.

   Hai chúng tôi hỏi đường rồi cứ theo con đường đất to mà đi vào phía chân núi. Chưa được cây số thì thấy cả một không gian rộng mở ra trước mắt. Một con suối nước to, nông, toàn đá và trong veo chảy hiền hòa na ná như suối cạn Bãi Nai ở Kỳ Sơn, chỗ đóng quân cũ. Bờ bên kia là cả một khu vườn trồng rau rộng lớn ríu rít tiếng của hơn chục cô cậu học sinh. Phụ trách chúng là một cô giáo ăn mặc kiểu dân tộc Mường, người nhỏ nhắn và… xinh quá đi mất. Hai thằng tôi đứng ngây ra nhìn. Chỉ một nhoáng là đám học sinh đã phát hiện ra có hai chú bộ đội đứng bên kia suối. Chúng líu ríu vẫy tay gọi. Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cùng xắn quần lội sang.

   Đám học sinh quây lấy chúng tôi như người nhà, còn cô giáo thì e thẹn đứng lùi sau một chút, nhưng không giấu được nụ cười tươi. Vốn đã có một vài bài tập nho nhỏ về công tác dân vận, tôi và Xuyên hòa nhập ngay với cô giáo và học sinh. Tôi đề nghị được cùng tham gia tưới rau và nhổ cỏ. Việc này cũng dễ thôi, thằng Xuyên vốn là dân Thanh Trì, nông dân chính hiệu trước khi vào lính, còn tôi cũng đã nhiều năm sơ tán về quê.

   Vừa làm vừa tán chuyện, chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của đám học sinh và cả… cô giáo. Chừng một tiếng sau, chúng tôi ra về sau khi được cô giáo và học sinh tặng cho một ôm rau cải to tướng. Được biết tên cô giáo là Hoa, và còn được cô hẹn buổi tối sẽ ra chỗ chúng tôi chơi. Giá không còn phải về lo cơm nước chung cho cả nhóm, chắc tôi và Xuyên còn muốn nhổ cỏ, bắt sâu lâu hơn nữa.

   Hôm đó là một ngày thảnh thơi hiếm có từ ngày nhập ngũ. Từ đấy, tôi bắt đầu hiểu được cái sướng của đi công tác lẻ. Không chỉ ngoài Bắc mà sau này vào chiến trường cũng thế. Không gò bó, ăn uống bao giờ cũng tốt hơn và nếu khéo sắp xếp thì kể cả không phải gác, dù ở gần ngay sát địch.

   Buổi chiều chúng tôi chờ đợi nhưng vì một lý do nào đó nên đơn vị chưa đến. Thế là chúng tôi được nghỉ thêm một ngày. Tối đó cả nhóm tiền trạm tập trung ở nhà uống nước nói chuyện. Chúng tôi  kể chuyện xin rau buổi sáng với chủ nhà. Anh cười, hóa ra vợ anh dạy học ở đúng cái trường cấp I mà lúc sáng chúng tôi đã tới. Anh chị ấy mới có một đứa con gái chừng 3 tuổi. Buổi tối trời lạnh ngồi trong nhà uống nước, tôi ngồi khoanh tròn trên giường và cho cháu bé ngồi trong lòng. Đứa bé ngồi im, thỉnh thoảng ngoái cổ ngước nhìn mặt chú bộ đội. Anh chị em công nhân cũng kéo nhau đến chơi khá đông. Anh Thụy (vốn trước đây là lính trong Đội Danh dự của Quân đội, cao to, đẹp trai) trổ tài tán chuyện. Đôi lúc tôi chợt quên đi mình đang là lính, và nghĩ rằng nếu cuộc đời cứ như thế này thì đẹp biết bao nhiêu.

   Hơn tám giờ tối, cô giáo chủ nhà nháy tôi ra ngoài. Cô giáo Hoa (dân tộc Mường) đang chờ tôi ngoài sân và rất mạnh bạo rủ tôi dạo chơi. Bây giờ trông Hoa bình dị như một cô gái kinh, áo trắng (có khoác thêm một chiếc áo len hay sợi gì đó), quần lụa, cái hình ảnh thiếu nữ đơn giản một thời đã làm xao xuyến lòng trai của cả một thế hệ. Chúng tôi chậm rãi đi dạo ra phía suối. Trời mùa đông, mọi khi thì chiếc áo vệ sinh (một loại áo khoác nỉ dài tay cài khuy màu cỏ úa phát cho lính khi đó) chưa phải đủ ấm, nhưng hôm đó tôi lại không thấy lạnh. Tôi mới 18 tuổi, và Hoa thì cũng chắc tuổi đó, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn. Nhưng cô ấy bé nhỏ và xinh xắn trước cái thằng trai mới lớn là tôi. Vụng về và ngượng nghịu, nhưng cũng khoái vì chính tôi được rủ đi dạo chứ không phải mấy thằng khác trong tốp tiền trạm. Chúng tôi cứ chậm rãi đi trên con đường đất nhỏ và nói đủ thứ chuyện linh tinh. Hoa kể về mình ít thôi, nhưng gợi ý để tôi kể chuyện. Kể chuyện Hà Nội, chuyện lính tráng tập tành chứ không phải là tán. Thú thực là nếu cô giáo Hoa không bạo dạn, thì tôi không biết nói chuyện gì cho phải. Nhưng tôi nhớ nhất cái cảm giác lúc đó là tuy nói chuyện rất vui vẻ, nhưng trong lòng tôi thoáng có chút buồn. Chiến tranh không biết trước thế nào. Số phận con người càng mong manh, khó đoán. Đón nhận một tình cảm trên đường hành quân, liệu mình có đem lại điều tốt lành cho người ta? Tính tôi cầu toàn nên không muốn làm điều gì trái lương tâm mình khi đó.

   Chúng tôi chỉ lang thang và nói chuyện đâu đâu thế thôi, cho đến khi trở lại nhà cô giáo người kinh thì đã khuya khuya. Chia tay nhau cũng chỉ là cái bắt tay chứ không phải cầm tay. Rồi anh Thụy thò đầu ra gọi tôi đi ngủ.

   Lại chơi gần một ngày nữa, chiều hôm sau thì đơn vị hành quân đến. Rồi sau một đêm nghỉ, cả đơn vị hành quân tiếp xuống phía Ninh Bình.

   Chuyện thoáng qua của tôi và Hoa, nhiều đứa trong đại đội biết. Chúng nó bàn tán đủ kiểu, nhưng nói chung là bậy bạ. Tôi không chấp nhận cái kiểu sống gấp của kẻ sắp chết. Tôi tự hào mình vừa là trai Hà Nội, có học và lại là anh bộ đội cụ Hồ, nên sẽ phải sống cho xứng với niềm tự hào đó.

   Chúng tôi đã dừng lại trú quân tại một bản người Mường ở Tân Lạc, cách vùng đất Nho Quan chừng hơn chục cây số. Đến nơi mới hơn một tuần thì nhận được thư Hoa. Chả hiểu cô ấy hỏi ai được số Hòm thư của đơn vị tôi. Không ngờ cô ấy mến tôi thật sự và muốn kết bạn. Tôi cũng có thư hồi âm cho cô ấy. Chỉ một lần thôi. Tôi đánh bạo nói là sẽ hẹn gặp cô ấy khi đơn vị hành quân trở lại Thị xã Hòa Bình sau đợt dã ngoại, khi đi ngang qua nông trường cam.

   Một tháng trời ở đó lo tập thêm chiến thuật, bắn đạn thật bài ba và một đợt đi leo núi dã ngoại 5 ngày. Những kỹ năng cần trang bị cho một người lính để vào chiến trường đã hoàn thành.

   Một ngày đầu tháng 2/1972, cả tiểu đoàn báo động sớm, sắp xếp ba-lô rồi nhận lệnh hành quân về Hà Nội. Đợt dã ngoại xa này đã kết thúc toàn đợt huấn luyện và chúng tôi chuẩn bị vào chiến trường. Đêm hôm trước, chúng tôi đã được xem một buổi biểu diễn ca múa nhạc do đoàn Văn công quân đội về biểu diễn, đó là món ăn tinh thần cuối cùng trong đợt huấn luyện để động viên đoàn tân binh.

   Tiểu đoàn trưởng đọc lệnh hành quân, tuyên bố chúng tôi đã hành quân dã ngoại mang vác nặng đủ 400 cây số. Còn thiếu 100 cây nữa mới đủ tiêu chuẩn đi B, thì từ đây về Hà Nội hơn 100 cây sô, cộng vào là đủ tiêu chuẩn. Thế là cả đoàn quân hăm hở lên đường. Không hiểu sao buổi sáng hôm ấy phấn khích lắm, không thấy mệt bao nhiêu. Thằng Thái anh nuôi nhập ngũ từ đợt trước được biên chế vào trung đội tôi để đợt này vào Nam luôn, không phải ở lại làm anh nuôi nữa. Cái ba lô của nó lép xẹp, lại không phải mang súng nên nó phởn chí vừa đi vừa hát. Thằng này có biệt tài âm nhạc. Nó hát lại đúng theo các bài mà các anh chị văn công đã hát tối qua. Nó uốn giọng theo diễn viên, kể cả giọng nữ nghe cũng lả lướt mềm mại lắm. Nó làm chúng tôi không thấy mệt vì như được nghe lại buổi biểu diễn. Đoạn đường rút ngắn lại dần.

   Tôi còn có một niềm vui khác ở nông trường cam. Lần này tôi không được đi tiền trạm, nhưng nếu đêm nay dừng chân ở khu nông trường cam bữa trước thì tôi cũng sẽ gặp được Hoa. Sẽ có người giúp tôi tìm Hoa, đó là vợ chồng cô giáo người Kinh, chủ nhà bữa trước tôi ở. Tôi sẽ trò chuyện chân tình với Hoa. Nếu dám hẹn ước, nếu cuộc chiến tranh này còn có hồi kết thúc, nếu bom đạn chê tôi thì tôi sẽ trở lại nơi này tìm em.

   Nhưng số phận con người ta quả là do ông trời sắp đặt. Khi còn cách nông trường cam rất xa thì đơn vị tôi lại rẽ theo một con đường khác để về Hà Nội theo hướng Kim Bôi. (Con đường này là đường 128 hay gì đó, nghe nói do TNXP làm từ thời mới hòa bình 1954). Tôi hẫng cả người, rồi từ đó cứ lầm lũi đi, không còn nghe cả tiếng thằng Thái "anh nuôi" hát hay thôi lúc nào nữa. Tôi còn phải nghĩ vơ vẩn về cô giáo Hoa cho đến hết ngày hành quân đó. Thôi, số trời là vậy. Nhưng chắc Hoa cũng chẳng giận tôi hay phải buồn nhiều, vì tình cảm của chúng tôi chưa có bao nhiêu. Rồi cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng có lẽ cô ấy cũng trách cái thằng trai Hà Nội không có được cái thật mộc mạc của những người dân tộc như cô. Tự nhiên tôi lại nghĩ quẩn là nếu vào trong kia, tôi ngã xuống trong một trận đánh nào đó, rồi tin tôi hy sinh được báo tới cô, thì khi đó cô sẽ ra bên bờ suối cạnh trường, nơi có những vườn cải xanh mướt, ngồi khóc một mình rồi tha thứ hết cho tôi. Hoa ơi, thôi anh đi đây. Bao giờ anh cũng là người có lỗi mà chẳng biết làm thế nào được. Đành đổ lỗi tất cả cho chiến tranh vậy, em nhé.

   Tôi đã phải đi tiếp hơn sáu năm trời trên con đường quân ngũ. Những năm đầu vào chiến trường cũng không có điều kiện thư từ, ngay cả với gia đình. Rồi những trận đánh cứ cuốn hút tôi. Địa chỉ của Hoa, tôi đã để thất lạc nên suốt những tháng năm đó tôi cũng không một lần thư về được cho Hoa. Tôi không còn tin tức gì của Hoa nữa.  Ngày trở về, tôi cũng không tìm gặp lại cô ấy, bởi chắc Hoa đã lấy chồng.

   Nhiều năm trôi qua rồi, bây giờ có gặp lại nhau chắc cũng chỉ biết man mác buồn và ôn lại kỷ niệm thôi. Nhưng tôi muốn Hoa nghĩ là tôi đã hy sinh thì tốt hơn, bởi như thế thì kỷ niệm đẹp sẽ mãi còn là kỷ niệm đẹp.

   Tôi cũng hay sống lại với kỷ niệm, dù nhiều khi chỉ là những hoài niệm buồn. Chợt lúc nào đó mà có ai nói lên ba từ "Cô giáo Mường" là tôi lại chạnh lòng nhớ đến Hoa./.



Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM