Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:08:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137406 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #170 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2009, 10:21:25 am »

...
         Theo lối cũ lúc đến, chúng tôi vận động thoát nhanh khỏi trận địa, tụt qua dốc rồi vượt Huội Chăm-pi. Đoạn suối này sâu, nhưng bữa trước chúng tôi đã hạ một cây to đổ ngang suối làm cầu, nên chúng tôi vượt suối rất nhanh. Địch vẫn chưa nã pháo bắn trả. Chúng tôi cứ cắm cổ chạy nhanh theo lối cũ hướng về hậu cứ.

              Chạy xa khỏi trận địa tới hơn 200 mét, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, tin rằng đã an toàn. Đột nhiên, chúng tôi nghe rõ tiếng đề-pa pháo của địch, rồi có tiếng rít đè nặng trên đầu. Một quả đạn pháo của địch bay vọt qua đầu rồi rơi sập  ngay xuống phía trước chúng tôi gần chục mét, tiếng nổ xé tai, đất cát văng rào rào. Cả bọn vội nằm rạp xuống, rồi lại nhanh chóng vùng dậy chạy tiếp. Cần phải nhanh chóng thoát ra khỏi toạ độ pháo này của địch. Chạy được vài chục mét, đột nhiên anh Hùng kêu lên: "Thằng Sớm đâu rồi". Chúng tôi cùng dừng lại, nhìn nhau điểm mặt thì thấy đúng là thiếu thằng Sớm. Lúc nãy nó chạy sau cùng mà. Chờ một chút, không thấy pháo địch bắn thêm nữa, chúng tôi cùng quay trở lại.

              Tại gần chỗ quả đạn pháo nổ vừa nãy, chúng tôi thấy Sớm nằm sấp, bất động trên mặt đất. Tay trái nó giang ra, còn tay phải đang ôm khẩu B40 đè trước ngực. Anh Hùng vội gọi và lay nó. Sớm vẫn nằm im. Sao lại thế này. Ban nãy nó chạy sau cùng, mà quả đạn pháo lại nổ phía trước cả bọn cơ mà. Có ai làm sao đâu. Chúng tôi lật ngửa nó lên. Người Sớm mềm và vẫn ấm. Sờ chân tay không thấy gì. Anh Hùng cởi áo nó ra xem, cũng không thấy vết thương. Mãi đến khi ghé tai vào ngực nó, thấy tim đã ngừng đập, anh Hùng mới phát hiện một vết máu nhỏ trên ngực ngay vùng tim của Sớm. Anh nghi ngờ lấy tay lau lau thì lại thấy máu ứa ra. Chúng tôi cùng xem kỹ, thì nhận ra đó là vết một mảnh đạn pháo, chỉ bé bằng hạt đỗ. Chúng tôi cùng lặng người đi trước tổn thất này.

               Thật là oan trái. Bọn địch chỉ bắn vu vơ có đúng một quả pháo. Cả 4 người chạy phía trước chắn hướng quả pháo nổ thì không sao, còn Sớm chạy sau cùng thì lại bị dính mảnh pháo. Một mảnh pháo định mệnh chỉ nhỏ tý, nhưng lại cắm trúng vào tim khiến nó gục ngay mà không kêu được tiếng nào. Sớm nằm đó, mắt nhắm nhưng nét mặt vẫn như cười, phô cái răng khểnh và cái lúm đồng tiền như con gái. Nó như gã trai đang ngủ quên dưới rặng tre làng trong buổi trưa hè. Chúng tôi nhìn Sớm nằm trên mặt đất  mà không muốn tin là nó đã chết.

              Anh Hùng còn ôm Sớm một lúc, rồi bảo chúng tôi chặt cây làm cáng khiêng Sớm về hậu cứ.

               Buổi chiều, chúng tôi lau rửa, rồi thay cho Sớm bộ quần áo sạch trong ba-lô. Sớm được quấn trong chiếc võng, bọc ngoài bằng tấm tăng rồi chôn cất ở cánh rừng cạnh hậu cứ. Những đau thương mất mát không làm chúng tôi bật khóc, nhưng nước mắt vẫn chảy vào trong. Chúng tôi lấy ra gói đường của Sớm, đã vơi mất mấy thìa sau một  lần pha nước, đem rắc lên mộ của nó. Lính tráng có suất có phần. Cậu đã phải mất công đấu tranh cho cả bọn vì cái gói đường ấy, thì bọn mình cũng không thể nào dùng nó được đâu. Bây giờ đối với cậu, tất cả đều đã hết và đã trở nên vô nghĩa. Cả những chiến công, những huân chương hay phê bình kỷ luật cũng không làm cậu phải bận tâm nữa rồi. Nhưng có thể những hạt đường này sẽ làm cho linh hồn cậu ấm lên.

....
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #171 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2009, 10:09:22 am »

...
        *
               Trận đánh bọn lính Thái ấy là một trong những trận đánh đơn giản mà hiệu quả cao. Vừa mới hành quân từ hậu cứ ra, bị đánh bất ngờ, thiệt hại nặng, cái tiểu đoàn Thái Lan ấy phải rút chạy một mạch hơn hai chục cây số về tận thủ phủ Pắc-xế. Đài kỹ thuật của ta bắt được tin bọn địch báo bị chết gần bốn chục tên, Với kết quả ấy, cả năm người chúng tôi tham gia trận đánh đều được xét tặng huân chương.

               Cũng khá bất ngờ, anh Hùng bàn với chúng tôi  đề nghị lên cấp trên không nhận huân chương. Anh Hùng tâm sự: "Nếu như bọn mình trước sau cùng chết cả như thằng Sớm thì mọi việc đơn giản. Khi đó tất cả sẽ chẳng còn ý nghĩa gì hết. Nhưng nhỡ ra có đứa nào còn sống sót, thì cái án kỷ luật kia sẽ là chuyện hết sức dở hơi. Vào chiến trường đến mạng sống còn chả tiếc, lúc về nhà lại ôm cái kỷ luật chỉ vì ăn thì nhục lắm, chịu thế đếch nào được". Thế là chúng tôi cùng đề đạt nguyện vọng được lấy công bù tội, không nhận huân chương để được xoá đi cái kỷ luật trong vụ lĩnh đường vừa rồi. Lúc đầu các thủ trưởng đại đội không đồng ý, nói rằng chuyện nào đi chuyện đó. Sau chúng tôi đề nghị khẩn thiết quá, nên các thủ trưởng cũng chấp nhận. Vậy là trong số 6 người bị kỷ  luật, năm chúng tôi được xoá án. Chỉ còn thằng Vĩnh không tham gia trận đánh vừa rồi, nên vẫn phải chịu án kỷ luật. Nhưng thật ra chuyện đó cũng chẳng làm nó bận tâm lắm.


*
*     *

               Ngày tháng qua đi, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu và công tác trong chiến trường.

               Rồi chiến tranh kết thúc.

               Tổ quốc không còn cần đến sự hy sinh của chúng tôi nữa. Chúng tôi lần lượt được giải ngũ về quê. Đa số lại về cầm cày, làm ruộng. Một số đi công nhân. Trong đại đội có tôi và Vĩnh đã học xong lớp 10. Vốn trước khi đi bộ đội, chúng tôi đã có giấy gọi tập trung học đại học, nên cả hai thằng nộp giấy về trường xin học tiếp. Tôi và Vĩnh cùng về một trường Đại học kỹ thuật.

               Trong cuộc đời, con người ta khó đoán trước được số phận của mình. Có lẽ những cơ hội đến với mỗi người, phần nhiều do may mắn. Cái tâm sự ngày trước  trong chiến trường của anh Hùng không biết có phải là sự nhìn xa trông rộng, hay chỉ là lòng tự trọng của con người? Nhưng dù là gì đi nữa thì tôi cũng thầm cảm ơn anh đã đem lại điều may mắn cho tôi.

               Khi tôi và Vĩnh cùng đem giấy tờ về nộp cho trường đại học, thì chỉ có mình tôi được vào học luôn một cách bình thường. Còn Vĩnh, vì trong lý lịch quân nhân của nó có ghi bị kỷ luật cảnh cáo, nên theo quy định của nhà trường khi đó, nó phải chịu cải tạo lao động một năm rồi mới được vào học. Nó trình bày như mếu về cái lý do bị kỷ luật, nhưng chẳng ai nghe. Người ta chỉ biết, trong lý lịch quân nhân của nó có ghi là bị kỷ luật vì "không chấp hành mệnh lệnh cấp trên".

               Thế là trong khi tôi ngày ngày được cắp sách lên giảng đường đại học, thì thằng Vĩnh vẫn phải khoác bộ quân phục bạc màu, dép đúc, mũ cối lầm lũi đến làm ở khu lò gạch sau trường để tham gia sản xuất gạch cho nhà trường.

              Được ba tháng, không chịu nổi nỗi nhục nhã âm thầm vô lý đó, thằng Vĩnh bỏ việc, bỏ luôn cả cái quyền sẽ được vào học đại học, nếu trải qua một năm lao động tốt.

               Vĩnh về nhà, mượn sách vở và cặm cụi lao vào ôn thi đại học. Đến kỳ thi đại học năm sau, trong tư cách thí sinh tự do, Vĩnh đã thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Bốn năm sau, Vĩnh tốt nghiệp ra trường, trở thành cử nhân kinh tế.


*

              Sau nhiều năm công tác, chuyển qua chuyển lại trong các cơ quan nhà nước, cuối cùng Vĩnh ra ngoài lập Công ty Kinh doanh. Nó làm ăn khá thành đạt cho đến tận bây giờ.

               Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Vĩnh, và đến nhà nó chơi. Hai thằng vẫn thích pha cà phê phin ngồi uống và ôn chuyện lính.

               Một lần tôi đến nhà Vĩnh chơi. Lúc chúng tôi đang tán gẫu và nhìn những giọt cà phê phin tí tách rơi, thì vợ Vĩnh đi chợ về. Thấy chúng tôi đang chờ cà phê, cô ấy lấy trong làn ra một túi ni-long to và hớn hở khoe:

              - Em vừa mua được cân đường trắng Quảng Ngãi. Loại này pha cà phê ngon lắm các anh ạ.

               Vĩnh cầm túi đường có in Logo của Nhà máy đường Quảng Ngãi lên nhìn, rồi chợt bật cười nói:

              - Không biết trong cái gói này có đúng là 1 cân đường theo chuẩn đo lường quốc tế không,  hay lại do qui định dùng cái túi này là 1 cân.

               Nhớ lại chuyện cũ, cả tôi và Vĩnh cùng cười, trong sự ngơ ngác của vợ Vĩnh.


Tháng 9 năm 2007
Vũ Công Chiến
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười, 2009, 10:15:22 am gửi bởi Trinhsat » Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #172 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2009, 09:06:48 pm »

Phép tính chia trong đời thường
   

            Tất cả chúng ta đều đã học qua lớp hai. Chắc chắn rồi, nếu không như thế, bạn đã không thể vào đây mà đọc bài viết này. Cái thuở tôi học lớp hai đã xa xưa lắm rồi. Khi đó thày dạy tôi là một thày giáo làng đã cao tuổi. Chúng tôi gọi thày, xưng con, cách gọi có từ thời các thày đồ dạy chữ nho. Về sau người ta bỏ cách gọi này, rồi sau hơn hai chục năm chia cách hai miền Tổ quốc, người ta lại dùng lại cách gọi này trong nhà trường.

               Tôi đã được học 4 phép tính ở lớp hai trường làng. Vốn sáng dạ, nên tôi thích học toán lắm. Theo tôi, cả bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia đều dễ hoặc khó như nhau. Chúng được áp dụng một cách tự nhiên và chính xác vào trong thực tế cuộc sống. Thế nhưng trong một lần thày giáo và thày (đẻ) tôi ngồi uống nước chè và đàm đạo, tôi lại nghe thày giáo nói:

               - Các phép tính đều có linh hồn trong cuộc sống. Phép chia là phức tạp nhất. Trong toán học thì phép chia rất đơn giản và chính xác, nhưng trong cuộc đời thì phép chia lại là khó nhất. Nó là biểu hiện  tính cách con người, nhiều khi quyết định đến cả những vấn đề xã hội không thể lường trước được.

               Tôi nghe hóng mà chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi nhớ nhất cái ý rằng, phép chia là tính cách con người.

              Rồi tôi lớn lên, đi bộ đội, rồi đi làm. Tôi dần dà hiểu lờ mờ ra cái ý nghĩa của phép chia trong cuộc sống. Trong chiến đấu thì có chia lửa. Trong cuộc sống thì có chia cơm xẻ áo, chia vui, chia buồn … Những điều đó thì cũng là tốt đấy chứ, có gì phức tạp đâu nhỉ. Nhưng "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Va chạm nhiều và suy nghĩ một chút, tôi mới hiểu dần dần cái thâm ý trong lời nói của thày giáo tôi.

               Không muốn làm khó cho các bạn, tôi kể chuyện luôn nhé.

              Có một thời ở cơ quan tôi ít việc. Anh Hiệu cùng một nhóm 4 người nữa được Giám đốc cho phép thành lập ra Ban đời sống, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ để tạo thêm nguồn tiền cải thiện đời sống cho các công đoàn viên trong cơ quan. Tất nhiên là mặt hàng thương mại nằm ngoài lĩnh vực sản xuất của cơ quan, và trong hoạt động của Ban cũng được cơ quan hỗ trợ. Số tiền đóng góp hàng tháng nộp về cơ quan được đặt ra cũng vừa phải và dễ thực hiện. Thế là cả Ban hào hứng triển khai hoạt động.
 
              Ba tháng đầu vất vả, các thành viên luôn trong tình trạng "cơm nhà việc chợ". Anh Hiệu thường xuyên họp Ban, có thể nói là từng ngày để giao ban, và luôn tuyên bố một câu cửa miệng để làm "tư tưởng chỉ đạo" cho hoạt động của Ban Đời sống là: "Bình đẳng và chia đều lợi nhuận". Dễ hiểu quá. Phép chia thì ai mà chả biết.

               Từ tháng thứ tư bắt đầu làm ăn có kết quả. Tiền chia cho các thành viên (tất nhiên đã có trừ ra để nộp cơ quan) được chia theo từng tuần, thậm chí theo từng phi vụ.

              Kiếm được 50 ngàn đồng, lập tức chia đều cho 5, hay quá.

              Kiếm được  500 ngàn đồng, chia đều luôn, mỗi người được 100 ngàn đồng, quá tốt.

               Kiếm được 1 triệu đồng, lại chia mỗi người được 200 ngàn đồng, tuyệt vời.

              Mọi người trong Ban ai cũng vui vẻ và phấn khởi, càng tích cực hoạt động đều tay.

               Tháng thứ sáu, kiếm được 5 triệu đồng, anh Hiệu lập tức chia ngay cho mỗi người một triệu. Thật không còn gì để nói thêm, tuyệt vời đến thế là cùng. Anh Hiệu sáng ngời trong con mắt mọi người. Nói thêm điều này các bạn mới hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện, vàng lúc đó là 200 ngàn đồng một chỉ.

              Công việc làm ăn càng ngày càng có vẻ thuận lợi. Tháng thứ bảy, lợi nhuận của cả Ban ở mức khiến nhiều người nằm mơ cũng không dám nghĩ tới: 10 triệu đồng. Các thành viên trong Ban Đời sống đã có người nghĩ tới viễn cảnh của sự giàu có.

              Nhưng từ cái khúc này,  phép chia bắt đầu bộc lộ tính phức tạp của nó: Phép chia trong toán học bắt đầu phân kỳ với phép chia trong cuộc đời.

               Bốn người trong Ban được chia 6 triệu đồng, anh Hiệu giữ lại 4 triệu đồng với lời giải thích mang nặng tính "điều khiển mờ" trong ngành Tự động hóa là "còn để lo những việc chung". Viên Ru-bi đã có vết gợn và sự phản quang của nó không còn ánh lên màu lung linh huyền bí nữa. Độ cao của tầng khí quyển cũng như sà thấp xuống.

               Thời gian tiếp tục trôi, công việc vẫn tiếp diễn. Phép chia trong cuộc đời ngày càng phân kỳ và có vẻ không còn khả năng hội nhập trở lại với phép chia toán học nữa.

              Việc gì phải đến sẽ đến. Trong một lần được giao khóa đuôi cho một phi vụ buôn bán, anh Đối, một nhân viên nhiều tuổi và thiếu tính kiên nhẫn nhất trong Ban đã ôm cả số tiền lãi 15 triệu đồng bỏ về quê, không quên để lại một bức thư "chia tay vĩnh viễn" để tạ tội cùng cả Ban.

               Hoạt động thêm một thời gian nữa, đủ để trang trải mọi thứ và không ai còn nợ nần gì nữa, các thành viên chia tay. Ban Đời sống giải tán sau chưa đầy một năm hoạt động. Có nhiều chuyện muốn làm nên được phải có sự góp sức tập thể. Thiếu người tâm huyết nên Ban Đời sống không thể thành lập lại được nữa.

*

               Tôi trở về làng, gặp lại người thày từ thuở ấu thơ, nay đã gần 90 tuổi. Tôi đến thăm ông và kể lại câu chuyện trên cho ông nghe. Thầy giáo tôi gật đầu cười, bảo: "Vậy là con đã hiểu điều thày dạy rồi đó. Nhưng đấy mới chỉ là hiện tượng, còn qua đó mà rút ra bài học để hành xử thế nào thì lại là cả một vấn đề khác, con ạ".

              Rồi thày kể thêm cho tôi nghe một chuyện khác.

              Có hai người bạn thân nối khố từ làng quê nghèo ra đi tìm cuộc sống mới. Họ đã trải qua nhiều gian truân vất vả, no đói có nhau. Sau thời gian dài không thành đạt, họ trở về quê, trong tay không có một đồng. Dọc đường họ vừa làm thuê, vừa xin ăn. Có một củ khoai họ cũng bẻ đôi chia nhau. Có một mẩu bánh, họ cũng chia đôi mỗi người một nửa. Đến một ngày nọ, trên đường cái vắng tanh không một bóng người, họ cùng nhìn thấy hai viên kim cương bên vệ đường. Mỗi viên to bằng qủa trứng ngỗng đủ cho mỗi người no đủ cả đời. Mọi việc tưởng đơn giản, bài toán 2 chia cho 2 thì đứa trẻ  lớp hai nào cũng giải được. Thế nhưng hai người bạn ai cũng cho rằng mình nhìn thấy trước, và mình có quyền chia, nhưng không phải chia theo qui tắc số học. Cãi nhau mãi, nhưng không ai chịu ai, cũng không ai nhớ đến bài toán chia học từ lớp hai …

              - Cuộc đời là thế đấy con ạ.

               Thày giáo tôi nghiêng mặt nhìn tôi cười nhân hậu, rồi chắp tay sau hông chậm rãi bước vào nhà. Tôi đứng im lặng nhìn theo thày, trong lòng trào lên một nỗi niềm thật khó nói hết bằng lời.

                                                                               Trinhsat

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #173 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2009, 08:16:02 pm »

Lê Như Cọp
   
          Quê tôi ở Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Làng tôi nằm cách Tiên Châu xưa chỉ một cánh đồng. Thuở xa xưa, vào thời nhà Mạc, làng bên ấy có ông Trạng ăn Lê Như Hổ. Năm 30 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ, rồi ra làm quan, lên cao nhất đến chức Thượng thư trong Triều nhà Mạc.

               Nhưng cái sự nổi tiếng của ông mà không ai có, để được truyền tụng đến muôn đời lại chính là tài ăn và sức khỏe. Bình thường, ông ăn bằng mười người khác, tất nhiên làm việc cũng phi thường. Còn để ăn cho đã thì ông ăn phải bằng ba mươi người. Cha mẹ ông thuộc hàng trung lưu trong làng mà cũng chỉ đủ sức nuôi ông đến tuổi trưởng thành. Ông phải đi ở rể sớm vào nhà giàu, và rồi sau này làm quan có bổng lộc triều đình, mới có thể đủ ăn mà sống đến năm 70 tuổi.

               Chẳng hiểu ông Đác-Uyn người Anh, cha đẻ của thuyết tiến hóa có nghiên cứu về Gen di truyền "ăn" hay không, nhưng Tiên Châu ngày nay vẫn nổi tiếng là có nhiều người ăn khỏe. Tất nhiên bây giờ mà khoe ăn thì chẳng hay ho gì, vì người ta cứ hay quan niệm "miếng ăn là miếng nhục". Cũng chẳng ai dại gì tổ chức cuộc "thi ăn" vì "thóc đâu mà đãi gà rừng". Của đáng tội, bây giờ mà có khách Tiên Châu đến nhà chơi là cũng hơi lo khoản ăn. Đãi bôi thì người ta cười cho là keo kiệt, không mến khách, còn đãi thật thì một ngày khách ăn bằng cả tháng nhà ăn.

               Tôi cũng có một thằng vừa là bạn lính, vừa là anh em họ xa bên bà nội tôi ở Tiên Châu. Tên cúng cơm là Lê Loáng, nhưng có biệt danh là Lê Như Cọp, vì sức ăn của hắn cũng mang Gen di truyền của tiền bối. Hắn ra nhà tôi chơi đúng đợt vợ con tôi đi nghỉ một tuần theo cơ quan vợ, chỉ có mình tôi ở nhà. Hôm đầu tiên hắn ra nhà, tiện gì ăn nấy, tôi thổi năm bơ gạo, luộc hai đĩa rau muống và mươi bìa đậu rán, kèm tí tôm rang. Có hai thằng mà sau bữa ăn, mọi thứ nhẵn như chùi, nồi cơm không còn sót một hạt, khiến con mèo Hoàng miêu nhà tôi một phen suýt chết đói. Buổi tối nằm gác chân nói chuyện, hắn chỉ xoa bụng, nói chuyện uể oải. Tôi bảo: "Mày còn đói à". Nó giả lời, không đói, nhưng chưa đã.

               Sáng sau, tôi nấu cả bịch mì ăn liền, loại mì cân MICOEM đóng gói 1 ký. Tôi chỉ chén hết một bát nhỏ, còn Loáng xơi sạch. Sau đó tôi rủ hắn ngồi hàn huyên, ôn đủ thứ chuyện, từ chuyện làng xã, chuyện mấy thằng bạn đi làm cửu vạn trên Lạng Sơn, đến chuyện giải bóng đá châu Âu. Tôi lấy cà-phê cho vào túi vải rồi bỏ vào ấm nấu lên như kiểu nấu cà-phê bit-tất, vì pha phin thì có mà đợi dài mặt ra cũng không kịp có để uống. Thằng Loáng uống cũng phi thường. Cả cái ấm cà-phê lít rưỡi, tôi chỉ làm một ly nhỏ, còn hắn uống hết. Cũng chả say hay cồn cào ruột gan gì hết. Thôi, bữa trưa nay phải nấu một mẻ cho ra hồn mới được.

               Tôi với nó cùng ra chợ. Tôi mua hai cân vó bò và nửa lít tương. Loại này rất hợp để kề cà, chưa no thì răng đã muốn tạm biệt hàm ra đi rồi. Tôi mua thêm nửa cân sườn, hai cân khoai sọ kèm mớ rau muống về nấu canh. Lại một chục củ su hào to và không quên mua lít rượu làng Vân Hà Bắc, thứ rượu nấu bằng sắn chảy rựa có gia giảm chút phân đạm đựng trong xăm ô tô. Về nhà tôi luộc tất su hào, nấu canh sườn khoai tây và thổi ba ký gạo. Chẳng cỗ bàn gì, nhưng khi bày ra nhìn, khéo đủ ăn cho hơn chục người. Đúng 11 giờ 30, hai thằng ngồi vào mâm. Tôi chỉ làm chén rượu nhỏ rồi nhẩn nha nhắm vó bò. Tôi bảo Loáng:" Thôi, có hai thằng, mày ăn gì cứ ăn, cơm tự xới cho nó tiện". Loáng gật đầu. Chúng tôi lại vừa ăn vừa nói chuyện. Loáng ăn khỏe mà nhanh. Tôi định bảo nó là "nhai kỹ no lâu", nhưng nhìn nó nhai như máy khâu, tôi nghĩ mình nhai chưa chắc đã nhuyễn bằng nó nên lại thôi. Sau nửa tiếng thì tôi chỉ nói chuyện đưa bữa, còn Loáng vẫn nhịp nhàng. Chợt nghĩ đến chuyện nàng dâu nhập hộ thời phong kiến, tôi cười trong bụng. Cô con dâu nào về nhà thằng Loáng này mà phải ngồi đầu nồi xới cơm cho bố chồng thì mỏi tay bằng đi tát nước một đêm trăng. Gần cuối bữa, tôi chợt nhớ ra vội gẩy muôi cơm làm suất ăn cho con Hoàng miêu thì Loáng cũng sới nốt chỗ cơm còn lại. Nó tổng động viên toàn bộ canh sườn, su hào còn lại cho vào bát, "soạt" ba nhát là kết thúc bữa. Đĩa vó bò cũng chỉ còn lại nửa cọng rau thơm, và chai "cuốc lủi rởm" cũng vất chỏng chơ góc mâm. "Đã chưa", tôi hỏi. Loáng gật đầu cười mãn nguyện. Tôi dọn dẹp qua loa, rồi hai thằng lăn ra ngủ.

....

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #174 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 09:08:52 pm »

......

       Buổi chiều tỉnh dậy tôi vơ vẩn nghĩ. Cứ cái điệp khúc này thì chỉ riêng đi chợ đã đủ mệt. Gạo thì không có vấn đề gì vì vợ tôi vừa gửi mua được dăm chục cân trên Điện Biên. Nhưng còn thức ăn, đã mua phải số lượng lớn, bữa nào cho bữa ấy chứ không để lâu được. Mà chả lẽ cứ hôm nào cũng sào với luộc, vì tôi cũng không giỏi khoản chế biến lắm. Tôi định bụng sẽ đãi hắn một bữa toàn thịt xem hắn ăn được bao nhiêu. Tôi chợt nhớ tới vận động viên thể hình Lý Đức. Nghe nói khi luyện tập ở cường độ căng, vị này phải xơi mỗi bữa hai con gà loại hai cân, cân rưỡi thịt nạc, ba chục quả trứng gà và hai nải chuối. Thế thì tôi đãi thằng Loáng này chưa được tới như thế. Tôi nhìn hắn ngủ, nghĩ thầm. Sao không có ai giới thiệu thằng này đi tập và thi đấu thể hình nhỉ. Được ăn như hoặc hơn Lý Đức, chắc năm nào nó cũng giành Huy chương Vàng giải Khu vực.

               Nghĩ vơ vẩn thế, nhìn đồng hồ đã gần 6 giờ tối. Bây giờ mà đi chợ chắc phải mua vét toàn của ôi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ. Sao mình không đưa nó đi ăn Buffet nhỉ. Dạng này là ăn khoán tự chọn, không hạn chế. Bây giờ ở Hà Nội cửa hàng ăn loại này mọc lên nhan nhản. Có khi thế lại hay.

               Thế là tôi lôi cổ nó dậy bắt đi tắm, rồi hai thằng đóng bộ lên đường. Đầu tiên tôi chọn cửa hàng Hoàng hậu Mariana trên phố Trấn Vũ, vì nghe nói ở đây tuy ít món, nhưng giá khá mềm, có 120 ngàn đồng một suất không kể đồ uống. Nhưng có hề gì, ít món mà lượng nhiều là được rồi, vì mục tiêu của chúng tôi là "ăn lấy được" chứ có cần thưởng thức phong cách ẩm thực gì đâu.

               Trên đường đi, tôi giảng giải cho Loáng một số điều căn bản. Trong tất cả các ngành thương mại, thì dịch vụ ăn uống là có tỷ lệ lãi cao nhất. Có thể đạt đến 40%, thậm chí là 60%. Có nghĩa là nếu mày bỏ tiền đi mua đồ rồi về nhà nấu hết có 4 đồng, thì cũng với lượng ăn như thế, ra cửa hàng phải trả 10 đồng. Điều này đã được qui định từ thời bao cấp xa xưa. Bây giờ các cửa hàng ăn loại Buffet người ta thu khoán một số tiền vào cửa. Sau đó, ở trong ấy mình muốn ăn gì trong những món họ bày thì ăn. Mục đích của khách là ăn được ngon và ăn càng nhiều món có giá trị càng tốt. Thường người ta chọn ăn các món có nhiều đạm như thịt, cá … , nhưng dù thế nào cũng không thể ăn bằng được với số tiền vào cửa. Có như thế cửa hàng mới có lãi chứ. Trong cửa hàng cũng có nhiều món bình dân loại rẻ tiền nhưng ăn chóng no như bánh mỳ, bánh cuốn, phở, bún riêu, thậm chí là ngô, khoai. Xơi độ dăm lát bánh mỳ với hai bát bún riêu thì no rồi, còn ăn gì khác được nữa. Trường hợp này thì khách chỉ ăn độ bẳng một phần năm  số tiền bỏ ra thôi, và cửa hàng càng lãi. Đại thể là như vậy, sau khi vào cửa rồi thì mày cứ "độc lập tác chiến", không phải nhìn ai.

               Lúc chúng tôi bước vào cửa hàng, chỉ có độ vài chục người. Cửa hàng này khá rộng, đủ chỗ ăn cho 200 thực khách. Trong khi những người khách khác xúm xít quanh các món ngao hấp, đuôi bò hầm đỗ đỏ, thịt bê thui, gà KFC … thì thằng Loáng tiến ngay lại chỗ bánh cuốn. Nó nhấc luôn cả hai đĩa loại tẩm hành và loại có quấn thịt, cùng một đĩa chả quấn trước sự nhạc nhiên của tay đầu bếp. Nhưng ăn là quyền của khách, chỉ cần không bỏ dở là được. Tôi bảo nó, sao mày lại ăn thế. Loáng cười, mày yên chí, chỗ mấy món thịt kia đang đông người, tao xơi cái này trước, đằng nào rồi cũng sang đó cơ mà. Biết Loáng ăn khỏe, tôi im lặng. Khi tôi vừa mới ăn xong bát súp cua với ngô xay khai vị, thằng Loáng đã xơi xong cả hai đĩa bánh cuốn và đĩa chả. Thấy nó nhìn quanh, tôi bảo:"Mày cứ để đĩa bẩn đấy, khắc có người dọn. Cứ ra mà lấy món khác đi". Nhoáng một cái, thằng Loáng đã đem về bàn một cục thịt bê to tướng, một đĩa gà KFC, một đĩa thịt nướng và mươi lát bánh mì, kèm một cục bơ to. Thấy bàn chỉ có hai thằng tôi, đám phục vụ bàn bắt đầu để ý. "Lấy nhiều thế kia mà không ăn hết thì chết với chúng ông", chắc chúng nó nghĩ vậy. Tôi cười thầm trong bụng, cầm lát bánh mì nhẩn nha ăn trong khi vừa nhìn Loáng ăn, vừa liếc xéo quan sát vẻ mặt từ nhạc nhiên đến nghệt ra của bọn phục vụ. Cả mấy đĩa thức ăn vậy mà Loáng cũng làm nhanh gọn trong mấy phút.

               Loáng lại ra quầy lấy đồ ăn. Lần này có cả một cậu phục vụ bám theo sau. Nó lại ôm về một lô thứ, và lại chén hết. Lại ra lấy tiếp. Hình như đến lúc này sự lao xao của đám phục vụ đã đánh động những khách ăn. Họ kín đáo xem Loáng ăn. Rồi tay quản lý cửa hàng cũng mò ra xem. Cuối cùng thì mọi người công khai xem Loáng ăn. Bây giờ thì trước mặt họ không phải là một kẻ phàm ăn tục uống, mà là một gã đang trổ tài ăn khỏe, và cửa hàng Hoàng hậu Mariana là nhà tổ chức bất đắc dĩ. Họ trầm trồ xem Loáng ăn, khoái trá đến mức bản thân họ không ăn mấy cũng thấy no. Lúc này có thêm rất nhiều khách đã vào cửa hàng và họ cũng bị đám đông xem ăn thu hút mà quên cả ăn. Loáng đã đảo qua hầu hết mọi món trong cửa hàng, điều mà hầu như không thực khách nào làm được nếu chỉ vào cửa hàng một lần, dù cho mỗi món chỉ ăn một miếng. Loáng cũng biết mọi người đang tò mò xem hắn ăn, nên hắn cũng tỏ thái độ như một đấu thủ đang trong một cuộc thi ăn, chẳng ngượng ngùng gì. Bốn bát chè đỗ đen kèm thạch có trộn nước cốt dừa đã kết thúc màn biểu diến ăn của Loáng. Nó đứng dậy lấy khăn lau miệng. Mọi người im lặng một lúc, rồi chợt vỗ tay hoan hô rào rào. Tay quản lý nhà hàng ứng xử cực kỳ linh hoạt, để tỏ ý là nhà hàng mong muốn khách ăn được nhiều, đã tiến tới bắt tay Loáng và trao cho nó một bó hoa không biết kiếm ra từ lúc nào.

........


Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #175 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2009, 08:41:52 am »

...
     Chúng tôi ra về trong không khí hân hoan và náo nhiệt của đám đông thực khách. Về tới nhà, tôi pha ấm chè và hai thằng ngồi xem ti vi. Loáng có vẻ phấn khích ghê lắm. Nó bảo, Hà Nội có kiểu hàng ăn hay thật đấy. "Hay cái con khỉ", tôi gắt. "Toàn là khách thường thôi, chứ nếu ai cũng như mày thì các cửa hàng ăn loại này sập tiệm, bán xới". Thằng Loáng hê hê cười.

               Sáng hôm sau, chúng tôi lại nấu mì ăn liền điểm tâm sáng. Tôi bảo Loáng, ăn ít thôi còn để bụng trưa nay đi ăn Buffet tiếp. Loáng cười bảo: "Mày cứ nấu cả cân đi, lại đói veo ngay ấy mà". Tôi trợn mắt, gừ cho nó một cái, nhưng rồi vẫn nấu cả cân mì. Ăn xong ngồi nói chuyện tào lao, chán rồi lại quay sang chuyện ăn. Tôi bảo Loáng: "Hôm nay bọn mình đến chỗ khác, cho biết mỗi nơi một tý. Nhưng thống nhất là chủ yếu đến ăn thôi, còn uống thì về nhà. Nếu mày thích rượu, tao sẽ mua vài chai Votka Lò Đúc cho mày nhâm nhi". Loáng gật đầu đồng ý.
 
               Gần trưa, tôi đưa Loáng đến nhà hàng "Cây cau lùn"  trên phố Tô HIến Thành. Ở đây có một sân rộng và nhiều phòng nhỏ có máy lạnh. Các loại đồ ăn để một dãy dài hình thước thợ ở một phía góc sân. Cũng đủ các món chế biến từ thịt lợn, thịt bò, gà và cả vịt quay Bắc Kinh. Rau cũng đủ loại từ su hào xào bầu dục, súp lơ xào nấm hương có tim gan, đến salat Nga phủ đầy kem bơ và đỗ trọng. Ở đây còn có món cá thu nướng thơm lừng, mỗi khúc to như cái bánh đa khoai dày cộp. Mới đi qua một lượt, chưa kịp chọn bàn để ngồi mà thằng Loáng đã nuốt nước miếng đánh ực. Tôi kéo nó ngồi xuống ghế, bảo nó xé khăn lạnh lau mặt cho mát, mày cứ bình tĩnh quan sát toàn bộ trận địa đi, đánh chắc tiến chắc cho có trọng điểm. Loáng cười.

               Bây giờ tôi đóng vai như người bảo vệ, hay là tai mắt của Loáng cũng được. Tôi lấy ít món cho vào cái đĩa rồi đem về bàn ngồi ăn và quan sát Loáng chiến đấu. Ngay pha đầu tiên của Loáng gồm một đĩa gà rán to tướng, gần nửa con vịt quay chặt miếng ăn theo kiểu Việt Nam cùng một đĩa đầy tú ụ thịt lợn hun khói đã làm tay đầu bếp người mập mạp và thấp lùn như Napoleon phải tròn mắt ngạc nhiên và há hốc mồm nhìn, đến 5 phút sau mới ngậm miệng lại được. Chẳng cần phải dao với nĩa cắt từng mẩu thịt bé tẹo như cái lưỡi mèo kiểu cách, Loáng xua cả "năm quân" rồi cả "thập cẩm y vệ" vào trận chiến. Mười phút là đủ giải quyết đợt tấn công thứ nhất. Loáng ra lấy các món ăn đợt hai. Lần này thì toàn là chất bột. Lượng bánh mỳ mà Loáng lấy ra bằng cả một cái bánh gối vuông loại cân rưỡi. Tất nhiên kèm theo đó giò, chả và cả bơ lẫn đường. Cửa hàng này chơi sang có cả món Pho-ma bò cười, Loáng cũng lấy đủ cả nguyên một khoanh 10 miếng. Đợt này Loáng không ôm một lúc nhiều đĩa, mà nó đi làm ba lượt, xếp về cho đủ một góc bàn đồ ăn rồi mới chén một thể. Một thằng phục vụ bàn ở đây có vẻ thiếu kiên nhẫn đã nhắc nhẹ nó: "Chú cứ lấy ít một, ăn hết rồi lấy tiếp chứ không ăn hết lại bỏ phí". Loáng nhe răng cười, gí mũi vào sát cái mặt vừa nhăn nhó, vừa căng thẳng của thằng phục vụ bàn: "Cậu em lại gần mà xem anh đánh chén nhé. Nếu anh chén hết mà còn đói, phiền chú mày lấy giúp tiếp đồ ăn cho anh đỡ mất công đi lại, hì hì". Nói rồi Loáng ngồi vào bàn ăn như máy trước sự ngơ ngác của tay phục vụ. Nói thật là tôi cũng tập trung quan sát xung quanh xem tình thế để có gì còn hỗ trợ Loáng xử lý tình huống, nên ăn uống cũng thiếu tập trung và tất nhiên là không nhẩn nha đi chọn các món theo ý thích được.

               Cũng như ở cửa hàng Hoàng hậu Mariana, đến đợt ăn thứ ba của Loáng thì đã thu hút sự chú ý của nhóm phục vụ. Tôi liếc nhìn đồng hồ, mới có hơn nửa tiếng mà Loáng đã giải quyết xong ba đợt ăn. Đến đợt thứ tư, khi Loáng vừa soạn xong mấy đĩa đồ ăn thì người quản lý của cửa hàng bước đến. Đó là một người phụ nữ gần độ tứ tuần, có nhiều nét đẹp, còn kém xa tuổi Loáng. Cô ta chào Loáng, tự giới thiệu và ngỏ ý xin được tiếp bữa ăn cùng Loáng. Thắng Loáng chưa gặp phải tình huống này, mặt hơi nghệt ra rồi nhìn tôi dò hỏi. Tôi lịch sự mỉm cười chào cô chủ, cũng tự giới thiệu và kéo ghế mời cô ngồi. Cái vẻ mặt tự tin và hơi hài, nhưng thân thiện của tôi làm cô ta yên lòng và vui vẻ ngồi xuống. Tôi tỏ ý quan tâm, hỏi cô ăn món gì để tôi đi lấy cho cô, nhưng tôi thừa biết những người chủ tiệm sẽ làm gì trong những tình huống như thế này. Cô ta bảo tôi cứ ngồi vào bàn, rồi quay lại nói nhỏ câu gì đó với người phục vụ vừa tiến đến phía sau. Chỉ một lát, mấy người phục vụ đã bê ra mấy đĩa thức ăn gồm gà rán, tôm nướng và một đĩa nộm, kèm theo một chai vang Bordeaux của Pháp loại 1,25 lit và 3 chiếc cốc chân cao. Người phục vụ khui rượu và rót ra lưng 3 chiếc cốc. Cô chủ tiệm mời rồi nâng cốc cùng chúng tôi. Cô chủ động mời Loáng ăn tự nhiên, và nhỏ nhẹ trò chuyện. Thực ra chỉ có tôi và cô nói chuyện là chính, còn Loáng thì ăn là chủ yếu, thỉnh thoảng nó mới tạm dừng lại gật đầu xác nhận để đưa đẩy câu chuyện của chúng tôi.

         Tôi đã kể cho cô chủ cửa hàng nghe về cái làng Tiên Châu cùng vị Tổ sư của làng, Trạng ăn Lê Như Hổ. Cái sự tích này có ghi chép trong Chuyện Dân gian Việt nam, nhưng không đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học, nên không phải ai cũng biết. Nhiều người cũng chỉ nghe nói phong thanh về Trạng ăn, cũng như nghe chuyện về Trạng Quỳnh, Trạng lợn … nên không tường chuyện lắm. Vì thế mà cô chủ đã rất thú vị khi nghe tôi kể chuyện ông Lê Như Hổ. Chuyện về ông thì không phải cầm sách, cả xã tôi ai cũng thuộc lòng. Tôi lại thêm tí gia vị vào câu chuyện nữa, khiến nó vừa thần thoại, vừa thật, vì đã có hậu duệ Lê Loáng đây chứng minh. Cô chủ nghe chuyện vui vẻ và thích thú ra mặt. Thật đúng là “tai con gái”. Chỉ nghe chuyện ăn thôi mà đã có vẻ quên cả ngôi chủ khách, khiến cho tôi càng thêm hào hứng. Mấy gã phục vụ phải đứng xa phía sau nghe hôi câu chuyện tiếng được tiếng mất nhưng cũng có vẻ náo nức lắm.

              Hết chai rượu ngon, hết thêm vài đĩa thức ăn nữa, bữa ăn kết thúc. Mọi người uống chén trà, còn Loáng tráng miệng hết một quả dưa hấu. Sau đó cô chủ tiệm vui vẻ tiễn chân chúng tôi. Chỉ tiếc rằng chúng tôi chỉ là khách ăn, bữa nay làm vui cho người phụ nữ này một lần rồi chia tay, chứ nếu là đối tác hay quan hệ khác thì chắc cô cũng sẽ mong gặp lại chúng tôi và quan hệ cũng có nhiều cơ sở để phát triển.

.....
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #176 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 04:02:52 pm »

.....
       Buổi chiều, loáng không ngủ. Nó bảo tôi hay là chúng mình đi bơi vẫy vùng sông nước tí chút. Tôi đồng ý và đưa nó ra bể bơi Thái Hà.

        Chưa kịp gửi xe, Loáng đã nhìn bể nước và nghi ngại bảo tôi: “Bơi ở cái bể bơi bằng cái lỗ mũi này ấy à”. “Mũi là mũi thế quái nào”, tôi cự lại. Mày nhìn xem, mấy chục người đang vẫy vùng thế kia cơ mà. "Nhưng tao thấy nó bé lắm, có đủ quạt độ dăm sải không", nó nói, thái độ chán nản ra mặt. Thấy vậy, tôi đưa Loáng quay ra, vòng lên bể bơi Ngọc Khánh. Bể này tương đối cao cấp, giá bơi thuộc loại đắt nhất Hà Nội. Vẫn không đủ rộng để thuyết phục Loáng, nó nhìn qua rồi ngao ngán bảo: “Hà Nội chỉ có mấy cái chỗ bơi toen hoẻn thế này thôi à”. Tôi tự ái, nhưng thầm nghĩ nó nói cũng đúng. Tôi quay ra bảo nó. Nếu chính thống thì Hà Nội từ xưa cũng chỉ có độ dăm cái bể bơi thôi, toàn loại này. Ngày trước tao cũng ưa thoáng nên hay lên hồ bơi Quảng Bá. Nước sâu và chiều ngang hồ cũng tới hơn 200 mét. Mùa nước đầy thì trông cũng mênh mông lắm. Nhưng bây giờ dân họ lấn chiếm quanh hồ, lại xây đủ các quán ăn đặc sản vứt bừa chất thải xuống đó nên nước hồ cũng ô nhiễm lắm, bơi chỉ tổ bẩn ngứa thêm. To nhất thì có hồ Tây, nhưng không có bến xuống. Ở đó chỉ có dân sở tại quanh vùng và bọn câu cá trộm bơi lội thôi.

              Loáng cười buồn, rồi chúng tôi quay về. Dọc đường tôi chợt nhớ ra bên con đường cao tốc Láng-Hòa Lạc mới mở, phía gần Tây Mỗ có một hồ nước lớn, một số dân bơi Hà Nội đã rủ nhau tới đó bơi buổi chiều. Nhưng mình phải tự lo là chính, vì đó không phải hồ bơi nên không có dịch vụ hay công tác cứu hộ nào cả. Loáng thích thú gật đầu liền. Nó bảo tôi, "mày yên tâm đi, thế mọi khi ra sông bơi thì ai dịch vụ và bảo hộ". Tôi cười. Nói thế thôi chứ tài sông nước của Loáng thì tôi chịu rồi. Khi bé ở quê, mặc dù ao hồ lẫn mương tiêu nhan nhản khắp quanh làng, nhưng Loáng vẫn hay rủ chúng bạn ra sông Hồng hay sông Luộc tắm. Đi xe đạp mà cũng phải gần tiếng mới ra đến sông. Loáng nổi tiếng bơi giỏi khắp vùng. Nó cũng thuộc loại to khỏe có sức vóc hơn người. Lại nhớ, ngày xưa thời Chúa Trịnh Doanh thế kỷ 18, bên Thanh Hà, Hải Dương có cuộc khởi nghĩa nông dân của ông Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Tài bơi lội của ông được ví với cá He ngoài biển Đông, được tôn là Yết Kiêu tái thế. Đội quân thủy của ông rất mạnh, ngang dọc sông nước khắp vùng. Tôi chợt nghĩ, nếu thằng Loáng sinh vào thời đó, thể nào nó cũng gia nhập nghĩa quân, được làm tướng dưới trướng Nguyến Hữu Cầu.

         Sau này lớn lên, Loáng có đi bộ đội, vào Hải quân và được tuyển chọn vào Đặc công nước. Nó đã từng bơi 30 cây số trên mặt biển. Tuy thế đến khi đơn vị nó được điều động vào Nam thì chiển cuộc đã thay đổi, miền Nam giải phóng đến nơi rồi. Loáng theo đơn vị ra tiếp quản quần đảo Trường Sa mà không phải đánh trận đặc công nào. Nếu không, chắc nó cũng đã nằm lại dưới lòng sông nào đó trong Nam rồi, vì đặc công nước ra đi 100 thì chỉ có 1 trở về.

              Đến cái hồ bơi thiên nhiên bên đường Láng-Hòa lạc ấy thì đã có hơn hai chục người đang bơi. Toàn là thanh niên, đàn ông. Hồ rộng có dễ đến gần chục hec-ta, mênh mông nước. Chúng tôi chọn chỗ, dựng xe rồi cởi quần áo xuống bơi. Tha hồ mà vẫy vùng. Thằng Loáng sải những cánh tay dài bơi vòng rộng ra giữa hồ. Tôi bơi kém hơn nên chỉ làm vòng nhỏ gần bờ. Trong đám thanh niên ở đây, nhiều đứa bơi tốt ra phết, nhưng xem sức vóc và tầm cỡ bơi lội thì không ai có thể so được với Loáng.

              Vùng vẫy giữa trời nước phải đến hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới chịu lên bờ, mặc quần áo và ra về. Thế mà tới nhà cũng đã gần 6 giờ tối rồi. Tôi giục Loáng thay quần áo để còn đi ăn tối.
.....

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #177 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 09:25:28 am »

.....
          Tôi nhẩm tính lướt qua trong đầu rồi chọn quán Khang Sinh trên phố Nguyễn Thái Học. Chỗ ấy là vừa phải, không xa quá và cũng tương đối náo nhiệt vào buổi tối. Quán này chỉ có vài buồng nhỏ bật đèn mờ, còn chủ yếu khách ăn ngoài trời. Cái sân gạch đỏ rất to kê nhiều dãy bàn, có một ít cây cau và tre đàng ngà nghiêng cành sát bàn ăn, lại có cả vài bụi chuối rừng tạo vẻ gần gũi thiên nhiên. Dãy đồ ăn cũng nằm sát góc sân, có mái che sương. Quán này mưa to là phải đóng cửa. Tiền vào ăn là 15 “đô” một người, cũng vào loại thứ hạng cao trong các quán ở Hà Nội. Chỗ này có hơi đặc biệt một chút, có món sườn cừu nướng sả ớt mà dân miền Trung hay miền Nam rất khoái. Nó thơm ngon chứ không hôi rình và gây gây như món thịt cừu hun khói mà những gã thảo dân Mông cổ vẫn mang theo làm lương thực trên các chuyến tàu hỏa xuyên Á chạy từ Liên xô về Trung Quốc. Lại có một quầy có 2 gã phục vụ món tôm nướng tại chỗ. Tôm đang bơi vớt ngay từ bể kính ra, loại tôm sú to cỡ 25-30 con một cân. Ngoài ra lại có mấy quang gánh có bún ốc, bánh đúc riêu, phở gánh do mấy cô gái mặc áo tứ thân kiểu thôn nữ phục vụ. Thằng Loáng có vẻ thích mắt, nó không vội ăn như ở mấy quán trước, mà ngồi tại bàn chống tay lên má nghiêng người ngắm các cô một lúc khá lâu.

               Chén xong đĩa ngao hấp, tôi mới giục Loáng ăn. Ở quê đi kéo vó ngoài ruộng chỉ có tép nhỏ, hợp với món kho khế. Tôm càng to chỉ có ở các ao lâu tát. Loại này phải câu hoặc đánh dậm. Xét về chất, tôm càng ở đồng ngon hơn tôm sú, nhưng lại bé hơn nhiều. Tôm càng mà làm món bánh tôm là số một. Thằng Loáng chắc cũng muốn so sánh, nên quyết định khởi đầu bằng món tôm nướng. Ở đây không nướng sẵn mà chờ khách yêu cầu mới bắt tôm để nướng. Mỗi kẹp chỉ có năm con. Thường mỗi người chỉ lựa một kẹp, ăn xong nếu thích mới yêu cầu thêm, còn thường là đổi sang món khác. Loáng yêu cầu luôn 2 kẹp. Mười con tôm sú nướng chấm tương ớt không đủ cho Loáng ngồi nóng chỗ. Nó lại ra yêu cầu hai kẹp nữa và lại thanh toán xong trong chớp nhoáng. Khi Loáng yêu cầu hai kẹp tôm lần thứ ba thì thằng nướng tôm hơi cau mặt. Nó bảo, anh nên ăn sang món khác đi, để người khác còn ăn. Loáng không chịu, nó bảo, cậu cứ nướng đi, ăn gì là quyền tớ cơ mà. Thằng nướng tôm tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn phải nướng tiếp hai kẹp tôm đưa cho Loáng. Tôi vừa cắt miếng thịt bò bít-tết chậm rãi nhai vừa nhìn Loáng. Lần này nó ăn từ tốn hơn, nhưng mười con tôm to cũng không kéo được quá năm phút. Loáng lại ra yêu cầu tôm nướng. Thằng nướng tôm có vẻ cáu, nhưng nhìn bắp thịt cuồn cuộn ở cánh tay của Loáng thì cũng ngại. Nó giở trò trẻ con nói với Loáng để hoãn binh, hay anh cứ ăn tạm món gì khác đi, chờ em nướng mấy kẹp này cho khách khác rồi em nướng cho anh. Loáng phẩy tay, ừ một tiếng rồi quay sang bên cô hàng bún gần đó: “Em làm cho anh hai bát bún ốc thật to, cho nhiều ớt một chút”. Cô gái vâng khẽ rồi nhanh nhẹn làm bún. Thằng nướng tôm thấy thế quay người cười thầm. Chắc nó nghĩ cái đồ vai u thịt bắp như gã khách này chắc quái gì đã xơi hết cả hai bát bún ốc. Mà xơi xong rồi thì no lòi kèn, còn chỗ nào trong bụng mà đòi thêm tôm nướng. Loáng bê hai bát bún nóng về bàn, đẩy một bát sang phía tôi, "mày ăn một bát cho vui". Tôi lắc đầu, miếng bò bít-tết tôi đã chén xong đâu. Loáng không khách xáo, cầm thìa và đũa lên chén sạch hai bát bún khi còn chưa hết nóng. Nó khà nhẹ một tiếng khoan khoái, lấy cái khăn lau mồm rồi đứng dậy. Mày đi đâu đấy, tôi níu nó. Tao ra lấy tôm, Loáng nhe răng cười. Tôi thấy hơi ngài ngại, nhưng rồi để mặc Loáng.

       Thằng Loáng tiến lại chỗ nướng tôm, e hèm: “cho anh hai kẹp tôm”. Gã nướng tôm đã quan sát, biết Loáng vừa chén hết hai bát bún ốc to, nên kêu lên: “Anh chưa no cơ à? Làm sao anh ăn hết hai kẹp tôm bây giờ?”. Loáng bảo, "hai kẹp tôm ăn thua gì, chục kẹp nữa tớ xơi cũng hết". Mười kẹp tôm là năm chục con, cỡ hai cân chứ ít ỏi gì. Loáng đã xơi hết sáu kẹp tôm và hai bát bún ốc to. Thằng nướng tôm biết vậy nhưng không thể biết Loáng thuộc loại “Trạng ăn”, nên đã làm một việc ngu ngốc là cá cược với Loáng. Nó bảo," em sẽ đưa 4 kẹp tôm nướng nữa, nếu anh ăn hết, em sẽ chịu suất tiền ăn tối nay cho anh, nếu không, anh phải trả em năm trăm ngàn, chịu không?". Loáng cười, đưa bàn tay vạm vỡ ra bắt.

              Loáng cầm 4 kẹp tôm về bàn, nói nhỏ với tôi chuyện cá cược. Tôi gật đầu, thầm nghĩ, mọi người lại phải chuẩn bị xem Loáng biểu diễn đây. Bọn nướng tôm chỉ để lại một đứa làm việc tiếp, còn một đứa và hai thằng phục vụ bàn tiến lại cạnh bàn chúng tôi làm vai trò trọng tài. Tôi vẫn ngồi nhưng không ăn nữa mà nhìn Loáng biểu diễn. Loáng từ tốn bóc vỏ từng con tôm, chấm đẫm vào đĩa tương ớt rồi đưa lên mồm. Nó cũng từ tốn cắn mỗi con làm ba miếng. Liên tục hết con tôm này đến con tôm khác. Hai chục con tôm hết veo, Loáng lấy khăn lau tay và liếm mép tỏ vẻ như còn thèm thuồng trước sự tròn mắt ngạc nhiên của ba gã thanh niên nhà hàng. Tôi cũng cười, vì biết trước sự việc sẽ diễn ra như thế. Loáng vỗ vai gã nướng tôm: “Thôi, chú mày về làm việc đi và chuẩn bị lát nữa trả tiền cho anh. Còn bây giờ, để anh còn đi thưởng thức các món khác". Nghe vậy, ba gã thanh niên càng tròn mắt ngạc nhiên hơn. Chúng đứng ngây người ra hồi lâu, nhìn Loáng ra xúc một bát chân giò hầm đậu Hà Lan to đem về bàn xúc ăn ngon lành như không, rồi mới giải tán. Tôi chỉ túc tắc ăn và làm tiếp nhiệm vụ giới thiệu cho Loáng biết nhà hàng này còn món gì, để ở chỗ nào …

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #178 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 05:23:58 pm »

...
        Ăn kiểu như Loáng mà không gây sự chú ý với ai thì mới là điều lạ. Sự việc bây giờ lại diễn ra gần như ở các quán khác và không còn làm chúng tôi phải nghĩ ngợi gì nữa. Bọn phục vụ lại báo chuyện với tay quản lý. Gã quản lý ở đây tuổi cũng tầm ngoài 40, người to tròn trông như gã đồ tể trong chuyện Thủy Hử của ông Thi Nại Am. Gã tiến lại chào chúng tôi. Sau vài câu chào hỏi thăm dò, gã đề nghị được tiếp ăn cho Loáng. Sau cái phẩy tay của hắn, một gã phục vụ bê ra một thùng bia Heineken, bóc hộp rồi xếp bia lên bàn. Gã quản lý đưa tay mời mọc. Tôi biết thằng này có ý thử đểu. Thường uống bia thì không thể ăn nhiều. Thằng Loáng bạn tôi đã ăn một lô thứ đủ để bội thực nhiều người, nay nốc bia có men vào dạ dày, nó sủi lên làm trương tất cả các thứ trong đó lên thì chỉ còn nước vỡ bụng. Tôi không lo lắm vì biết sức của Loáng, nhưng về cái khoản kiến thức khoa học thì tự cho mình cũng hơn nó, nên nhắc nhỏ Loáng về chuyện bia có khả năng làm lên men đủ thứ. Loáng cười rồi tự tay ra chỗ để đồ ăn lấy về một lô các món toàn loại chắc nịch như sườn sào chua ngọt, sườn cừu nướng, bê thui và gà rán. Ở đây thằng quản lý chỉ mời bia thôi chứ không phải tiếp chuyện lịch sự như cô chủ quán “Cây cau lùn” nên nó không ngồi ăn cùng, mà cũng để mặc Loáng muốn lấy món ăn gì thì lấy. Cả một thùng bia 24 lon, nó chỉ bật ra một lon rồi xoay xoay trên tay nhấp từng ngụm và đẩy cả 23 lon còn lại về phía Loáng. Tôi cũng muốn uống đỡ Loáng một chút, nhưng vì vốn kém cái khoản rượu bia, lại vì thằng quản lý có ý mời riêng Loáng khoản uống này nên tôi cũng coi như không quan tâm.

               Loáng vẫn vừa ăn vừa uống một cách bình thường, vẻ ngon lành kiểu thưởng thức chứ không phải là cố gắng ăn kiểu thách đố. Tôi biết Loáng dư sức ăn bữa dăm cân thịt luộc, cơm nấu dăm bảy đấu gạo và hết cả lít “cuốc lủi”, nhưng không nghĩ bụng nó chứa được cả hơn hai chục lon bia. Thế mà hết nhẵn, lại chẳng thấy đỏ mặt tía tai hay say sưa gì cả. Dọn sạch mọi thứ trên bàn xong, Loáng còn thong thả ngồi lấy tăm xỉa răng, dáng vẻ ung dung thư thái. Nó cứ nhe răng ra mà xỉa như lão Nghị Quế trong cuốn "Tắt đèn" của cố nhà văn Ngô Tất Tố. Đúng là quê. Nhưng hình như nó cố làm vậy để chọc tức thằng quản lý thì phải. Gã quản lý ngồi im không nói gì, hình như chờ nó vỡ bụng thì phải. Xỉa răng chán rồi, Loáng mới vươn vai đi ra khu Toilet. Nó vào đấy chừng năm phút, đủ để thải cái chỗ nước bia sau khi đã được lọc qua cơ thể nó. Chén một mạch, rồi mới đi "tồ" một mạch, thế chẳng phải đã khác người sao?

              Chưa hết. Về đến bàn, Loáng còn chén thêm ba ly kem và một đĩa dưa hấu to nữa rồi mới chịu chùi mép kết thúc bữa.

               Chúng tôi vui vẻ bắt tay chào gã quản lý rồi ra về. Tất nhiên là tôi chỉ phải trả tiền cho một suất ăn thôi.

               Về nhà, tôi cứ sợ Loáng ăn bữa tối nay hơi nhiều, liệu có sao không. Nói dại chứ, phải đi cấp cứu bệnh viện vì chuyện bội thực ăn uống thì thật chẳng ra làm sao, ê cả mặt. Nhưng tôi lo cũng bằng thừa. Quen thân là thế mà hóa ra tôi vẫn chưa phải là kẻ đã hiểu hết về Loáng. Các ông "Trạng văn" còn có giới hạn bởi 3 quyển thi trong ba ngày lều chõng, chứ cái loại "trạng ăn" này thì đã có sách nào định lượng được đâu?  Rửa chân tay xong, cởi bỏ đám quần áo dài vướng víu, đánh mỗi quần đùi áo may-ô, Loáng lại hô tôi pha ấm chè thái ướp sen. Hai thằng lại ngồi ngoài hiên uống chè, ngửa cổ ngắm sao trời và tán láo đủ thứ chuyện đến tận khuya.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #179 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 09:14:04 am »

.....
         Đấy mới là hơn hai ngày Loáng ở chơi nhà tôi với ba bữa đi ăn buffet. Kể tiếp tỉ mỉ nữa thì cũng bằng thừa. Tất nhiên trong mấy ngày ở chơi nhà tôi, Loáng không chỉ ngồi ăn và tán chuyện. Nó đòi tôi đưa đi thăm danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Quả là bắt bí nhau, biết đi loanh quanh chỗ nào bây giờ ở đất Hà thành này. Tôi ở Hà Nội lâu, nhưng có lẽ chưa biết đến mấy cái danh lam thắng cảnh nào. Đọc thơ, nghe hát thì hay đấy, nào là Chiều hồ Tây lộng gió, đàn chim Sâm Cầm bay rợp  đầm sen, rồi phố vắng thơm mùi hoa sữa … nhưng hình như chẳng có chỗ cụ thể nào cả.

         Tôi nhớ ngày bé có một lần thăm Di tích Cổ Loa bên Đông Anh, nhưng hình như không phải ngày hội thì cũng chẳng có ai đến. Thôi thì cứ xem người các tỉnh lên Hà Nội thì đi đâu, thì mình cũng đưa nó đến đấy. Tôi dành một buổi sáng đưa nó đến Lăng Bác, cảm nhận cái không khí nghiêm trang của dòng người lặng lẽ chầm chậm vào Lăng, sau đó theo ra khu nhà sàn của Bác, xem đàn cá thế hệ thứ bao nhiêu đó của đàn cá thời Bác còn sống, thăm ngôi chùa Một-cột. Thằng Loáng hơi ngỡ ngàng trước chùa Một cột. Nó bảo chùa này chỉ độc đáo về kiến trúc thôi, chứ bé tẹo mà vắng vẻ. Vắng vì có mấy ai được vào chùa ngoạn cảnh hay thắp hương gì đâu.

              Hôm khác chúng tôi đến công viên Thủ Lệ xem con voi già và mấy con hổ ốm nhách. Mấy con hổ ấy đói ăn gầy còm sống trong chuống sắt đã mất hết cả sinh khí, có khi còn không được ăn nhiều bằng thằng Loáng. Cảnh vật công viên nói chung buồn tẻ. Chỗ nào cũng thấy người bán rong mấy thứ đồ vơ vẩn như vài qủa bóng bay, tí kẹo cao su, chai nước khoáng… Mà cũng toàn do người nhà quê ra kiếm sống vặt vãnh qua ngày đem bán. Vèo một cái đã hết các nơi cần đến. Loáng bảo còn chỗ nào nữa. Tôi bảo nó, hay mày có đến các Nhà Bảo tàng không, mỗi nơi phải hết một ngày. Loáng lưỡng lự rồi hỏi tôi khu phố cổ. Tôi cười, chúng mình có phải như mấy ông Tây bà Đầm ngô ngô nghê nghê như từ mặt trăng rơi xuống đâu mà phải đi xem phố cổ.

         Thế là ngoài cái vụ đi bơi đúng gu của Loáng, tôi rủ nó đi xem bóng đá. Không phải bóng đá giải Quốc gia hay khu vực gì vì độ này không đúng dịp. Chúng tôi đi xem bóng đá ngoài sân vận động của phường, vào và ngồi xem tự do không phải mua vé. Chỉ là thanh niên 2 phường cá cược nhau một trận bia, vậy mà khí thế và sôi nổi, hay chả kém gì V-league.

              Chơi chán rồi, đến bữa thì phải ăn. Trừ bữa sáng chúng tôi tự nấu, còn trưa và tối nào tôi cũng đưa Loáng đi ăn Buffet. Mỗi nơi chúng tôi đến một lần cho biết. Từ những nhà hàng trên phố Liễu Giai, ở đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ hay phố Hàng Chuối hoặc cho đến nơi xa tít như đường Lạc Long Quân hoặc tận Nguyến Văn Cừ bên Long Biên, tôi đều đưa Loáng đi. Giá cả các nhà hàng không chênh nhau nhiều lắm, cứ trong khoảng hơn trăm đến hai trăm nghìn một suất tùy theo bữa. Bữa tối thường đắt hơn bữa trưa 40%, vì có nhiều món hơn, và thời gian ngồi ăn nhâm nhi cũng được lâu hơn. Chỗ nào Loáng cũng gây sự chú ý đặc biệt cho cả nhà hàng lẫn thực khách. Mỗi nơi một hình thức tiếp nhận, nhưng ở đâu người ta cũng tò mò xem Loáng ăn. Có phải ai cũng ăn nhiều được như thế đâu, và có phải hôm nào cũng có ông khách như thế này vào nhà hàng đâu. Bởi vậy chỗ nào người ta cũng tiếp đón tốt thằng Loáng và không nhà hàng nào dám để xảy ra ấn tượng là không mến khách, vì thực khách nhìn vào là chính chứ nếu chỉ hai chúng tôi thì có đáng kể gì.

              Đúng vào lúc cánh nhà báo săn tin biết chuyện, muốn tìm rủ Loáng đi ăn buffet để phỏng vấn nó và viết phóng sự cho mấy tờ báo đang trên đà "lá cải hóa", thì Loáng ngỏ ý muốn về quê. Cũng phải. Vụ cày sắp đến rồi, bao việc đồng áng đang chờ nó ở nhà.

               Tôi đưa Loáng ra bến xe Lương Yên, bắt tay và hẹn gặp lại nó vào  kỳ Seagames sau tổ chức tại Việt Nam.,.

Trinhsat
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM