Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:37:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137430 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #160 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2009, 01:34:02 pm »

Kể chuyện chí phèo, cuộc đời hay phim ảnh?
   
         Chí Phèo thực ra là dân gốc xóm Đại. Làng chỉ có hai xóm là Đại và Vũ, hợp lại thành làng Vũ Đại. Chí Phèo là một thanh niên nông dân cường tráng và ưa nhìn. Tên cúng cơm thì cũng chỉ là Chí thôi. Nhưng Chí nổi bật hơn tất cả trai tráng ù lì trong thôn bởi tính tình bộc trực và can đảm, không sợ cường quyền. Cái chất con người của Chí được ví như khúc "phèo" trong con lợn, nơi chứa đầy chất lỏng đặc sệt như nước gạo pha sữa nằm ngay sát dạ dày. Người dân tộc khi chia thịt lợn có thể chênh nhau mỗi phần tới một hai cân cũng không có vấn đề gì, nhưng chia cái khúc "phèo" ấy thì không thể không đều tới từng phân. Vì thế Chí mới có tên là Chí Phèo. Cái từ "phèo" là theo nghĩa tốt lắm đấy.

              Làng Vũ Đại nằm ở vùng đồng chiêm trũng, nơi làng nào cũng có nghề đóng gạch. Cái lò gạch Làng Vũ Đại thuộc loại to nhất Tổng, nhưng đến mùa chiêm thì cũng đành phải bỏ hoang, trở thành nơi trú ngụ cho Chí phèo trong những đêm đông mưa phùn gió bấc, hay lúc gặp bão mưa gió dầm dề. Trời quang mây tạnh thì chân đạp đất, đầu đội trời, ngả lưng đâu thì nơi đó là giường.

               Chí Phèo không cha không mẹ, nhà cửa ruộng vườn chẳng có gì, nên quanh năm chỉ đi làm thuê kiếm sống. Thực ra, người làng vẫn đồn vụng  Chí phèo là con rơi của lão Bá Kiến. Vì thế trong làng chỉ có mình Chí Phèo là dám chửi Bá Kiến. Thường thì chỉ chửi vào lúc say, nhưng nếu như có chửi trong lúc tỉnh thì cũng chẳng việc gì. Dao sắc không gọt được chuôi. Chí Phèo như người gánh hạn cho cả nhà, nên lão Bá Kiến cũng chỉ dám mắng dọa Chí Phèo lấy lệ. Lý Cường là con công khai của Bá Kiến, làm chức dịch trong làng nên cũng đôi lần ra oai dọa nạt Chí Phèo. Thì là dọa vậy thôi, chứ thử xắn tay áo vào xới mà xem, cái vóc lẻo khoẻo lèo khoèo của Lý Cường may lắm cũng chỉ chịu nổi chưa quá ba hồi trống là lấm lưng trắng bụng với Chí Phèo. Mẹ Chí Phèo vốn cũng là ngưòi đàn bà lực điền, chứ có đâu ẻo lả con quan như mẹ của Lý Cường. Hổ mẫu sinh hổ tử mà. Tiếc là bà bán sới khỏi quê từ lúc nào, không để cho Chí Phèo được thấy mặt.

              Vợ ba của Bá Kiến chỉ hơn Chí Phèo vài tuổi. Làm vợ Bá Kiến là theo sự ép gả thôi chứ cũng chẳng sóng đôi gì. Suốt ngày quanh quẩn trong khu nhà, tuy rộng nhưng vẫn là bị "nhốt" sau hai cánh cổng gỗ lim. Bá Kiến tuy có bồi bổ thuốc phiện để tăng lực, nhưng lại hay rượu nên tạng người đã chuyển dạng "chân ống giang, đầu gối củ lạc", không làm nên cơm cháo gì. Thế cho nên mỗi lần Chí Phèo tìm đến nhà Bá Kiến chửi ngoặng là chị ta khoái lắm. Cánh cửa lim cổng nhà Bá Kiến đâm ra cứ hay bị mở chốt gỗ vô tình, dễ bề cho kẻ gian lẻn vào. May là Chí Phèo vừa đi vừa chửi như người đánh động, chứ nếu cứ im lặng mà tiến thì có ngày Bá Kiến bị gí mảnh chai vỡ vào cổ lúc nào cũng chưa biết chừng. Nhưng vợ ba Bá Kiến cũng chỉ nhìn Chí Phèo cho vui mắt thế thôi, chứ lúc nào đến nhà mà cũng trong trạng thái say, lại chửi ông ổng cho cả làng nghe thế thì còn làm ăn được gì.

               Có một điều cả làng Vũ Đại không biết rõ, ấy là Chí Phèo chỉ say giả vờ thôi. Bần hàn thế thì lấy đâu ra tiền mua rượu. Hơn nữa, nếu Chí Phèo suốt ngày uống rượu, lục phủ ngũ tạng bị ngâm trong rượu mãi thì làm sao còn sức mà cày thuê cuốc mướn.

              Có lẽ cả làng cả nước cũng không mấy ai biết đến Chí Phèo đâu, nếu như cuộc đời anh ta không gặp được Thị Nở trong cái lò gạch cuối làng. Mới hay cái sự đời nó lạ lùng thế đấy. Chỗ nào cũng thế thôi. Từ chốn thâm cung, chỗ quan trường đến nơi thôn quê dân dã,  phải có tí hơi đàn bà vào thì cuộc đời nó mới ầm vang lên được. "Có nam có nữ mới nên xuân" mà. Bát cháo hành của Thị Nở đã vực dậy cả một cuộc đời lầm lũi, đã làm xoay chuyển cả cuộc đời của một con người có vẻ như đang nằm ở tận cùng của xã hội.

*
               Sau cách mạng tháng Tám, người ta không thấy Chí Phèo trong cái làng Vũ Đại ấy nữa. Có thể anh đã tham gia cùng nhân dân đi cướp chính quyền tại một địa phương khác. Không hiểu Chí Phèo có trong đoàn quân Nam tiến sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 không? Nhưng chắc chắn trong chín năm kháng chiến chống Pháp, anh đã tham gia du kích ở Nam Bộ. Sau Hiệp Định Giơ-ne-vơ 1954, Chí Phèo cũng không tập kết ra Bắc, mà ở lại miền Nam.

              Đầu năm 1964, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra sang thăm chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Tướng Nguyễn Khánh. Tại cầu Công Lý trên đường Tự Do, chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi đã đặt bom mưu sát Mac-na-ma-ra, nhưng không thành. Ngày 15/10 năm đó, Nguyễn Văn Trỗi đã bị xử bắn tại trường bắn Chí Hòa.

               Cũng trong đợt Mac-na-ma-ra sang thăm Việt Nam Cộng hòa ấy, Chí Phèo đã tự phát rủ một ngưòi bạn du kích từ hồi chín năm đón đường ném lựu đạn nhằm mưu sát Mac-na-ma-ra ngay trên đường phố Sài Gòn. Không may, lựu đạn bị tịt không nổ, nên Mac-na-ma-ra thoát chết. Cũng từ đó về sau, viên tướng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ này không bao giờ dám sang thăm Nam Việt Nam nữa. Hãi đến già.

             Năm 1964, Tư Chung được Bộ tư lệnh Miền (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) cử vào Sài gòn để tổ chức lại và chỉ huy Biệt động Sài gòn đánh vào các mục tiêu có nhiều sĩ quan Mỹ nhằm tiêu hao sinh lực địch. Chí Phèo đã cùng Sáu Tâm chủ động tìm cách liên lạc với Bộ Tư lệnh Sài gòn mà người chỉ huy cao nhất chính là Tư Chung. Cũng chính Chí Phèo là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Biệt động Sài Gòn. Anh đã tham gia nhiều trận đánh, từ nhà hàng Mỹ Cảnh bên sông Sài gòn, khách sạn Caravel, Câu lạc bộ không quân Mỹ đến khu cơ quan Đại sứ Mỹ cũ. Lập nhiều chiến công, trở thành dân Sài gòn thứ thiệt, nhưng cái vẻ mặt của anh trông lúc nào cũng "Phèo" như khi còn ở làng Vũ Đại.

              Mậu Thân 1968, trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam, Chí Phèo được giao phụ trách một mũi đặc công gồm 15 chiến sĩ đánh vào khu Đại sữ quán Mỹ (mới) trên đại lộ nằm thẳng hướng trước dinh Độc lập. Đội của anh đã lập nên kỳ tich với những tình tiết như trong huyền thoại. Khi cả đội đang xung phong vào cổng cơ quan Đại sứ quán Mỹ, thì vấp phải lính quân cảnh Ngụy canh gác vòng ngoài. Để đỡ tốn đạn và tổn thất cho trận chiến đấu chính, Chí phèo đã vừa xung phong vừa hô to:

               - Anh em binh sĩ ngụy quân hãy lui ra. Chúng tôi không đánh người Việt. Hãy mở đường cho chúng tôi vào đánh Mỹ.

              "Giải phóng không động tới mình, thì mình động tới họ làm chi. Càng đỡ phải đánh nhau, đỡ phải sứt đầu mẻ trán". Thế là đám quân cảnh Ngụy dạt ra, rộng đường cho Chí Phèo cùng các chiến sĩ của mình lao vào tìm đánh Mỹ.
 
             Về sau cũng chính vì chuyện này mà sau chiến cuộc Mậu Thân, đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đã phải chỉ tay vào mặt Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu mà chửi rầm rầm: "Chúng tôi vượt nửa vòng trái đất qua đây giúp các ông đánh cộng sản, vậy mà lính của ông né ra cho tụi VC vào đánh lính Mỹ chúng tôi, thì các ông còn là đồng minh cái nỗi gì nữa".

              Chỉ có mỗi 15 người lính mà đánh cả một tòa Đại sứ Mỹ. Lực lượng quá mỏng manh, những chiến sĩ biệt động lần lượt hy sinh. Chí Phèo đã đánh lên tận cùng tầng gác tòa Đại sứ, bị bịt mất cầu thang, bị thả khói độc và đã anh dũng hy sinh.

             Không biết ở làng Vũ Đại còn ai thắp hương cho anh không, nhưng chắc chắn trong một nghĩa trang liệt sĩ nào đó, trong một ngôi mộ vô danh nào đó có anh: Chí Phèo ở làng Vũ Đại.

*

             Không biết những nội dung suy đoán trên có đúng không, nhưng đấy là do Trínhat rút ra sau khi lần lượt xem hai bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" và "Biệt động Sài Gòn".

Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #161 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2009, 02:03:54 pm »

Nhân vật mà anh "Chí phèo" đóng trong phim Biệt động Sài Gòn lấy nguyên mẫu từ AHLLVTND Nguyễn Thanh Xuân tức Bảy Bê, bác Trinhsat ạ! Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
kimlongkhanh
Thành viên
*
Bài viết: 19


« Trả lời #162 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 05:22:11 pm »

Xin hỏi : Trang này phải viết theo chủ đề về Lính hay là theo đề tài tự do ? Cám ơn.
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #163 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 05:29:49 pm »

Xin hỏi : Trang này phải viết theo chủ đề về Lính hay là theo đề tài tự do ? Cám ơn.
-----------------------------
 Tên topic có rồi đấy bạn! Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #164 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2009, 09:27:50 pm »

Chuyện kê khai thu nhập
   
        Chú Thái là em họ xa với tôi. Bố vợ ông anh rể nó là chồng  bà gì ruột của chị vợ tôi. Sau tám năm đi học tập nước ngoài, cu cậu đã mang về một cái bằng thạc sĩ khoa học và xin được vào làm ở một cơ quan khoa học nhà nước. Lăn lóc tám năm nữa thì được đề bạt làm phó phòng. Dân khoa học, lắm nguyên tắc nên trong lĩnh vực xã hội thì nhiều khi như "bò đội nón".

              Sau nhiều năm bàn cãi, sau nhiều kỳ họp Quốc hội tranh luận, cuối cùng thì nhà nước cũng đề ra được một qui định là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên thuộc các cơ quan nhà nước phải "tự kê khai tài sản" cá nhân. Đây là một bước đầu tiên trên con đường làm trong sạch đội ngũ cán bộ có chức có quyền, góp phần phòng chống tệ nạn tham nhũng trong tương lai. Còn hiện tại thì tất nhiên là để hợp thức hóa số tài sản đã có của các cán bộ trong quá khứ.

               Cầm tờ mẫu kê khai tài sản được phát, thằng Thái đem bộ mặt dài bằng nửa cái bơm xe đạp đến gặp tôi nhờ tham mưu. Tôi liền đưa nó đến gặp ông chú bên nội tôi, một cán bộ chính trị đã nghỉ hưu, có một thời oanh liệt trong quân đội được mệnh danh là "thượng sĩ lâu năm, nằm trong cấp ủy" để hỏi. Chú tôi không thuộc loại cán bộ phải đăng ký kê khai tài sản vì không đương chức, dù ông có đến 3 ngôi nhà cổ tại Thủ đô Hà Nội, do các người yêu cũ một thời oanh liệt của ông tặng cho, từ thời các nàng lần lượt chia tay ông rồi vượt biên ra đi. Qua bao bước thăng trầm đến nay các nàng đều có danh hiệu "Việt kiều yêu nước" vô cùng danh giá.

              Pha xong ấm chè móc câu ướp sen, nghe tôi trình bày qua, chú tôi quay sang hỏi Thái: " Thế chú mày có những tài sản gì, và chú mày sợ không dám kê khai cái gì?".

               Thái lúng túng, ấp a ấp úng như miệng ngậm hột thị: "Có thì cũng có đấy, nhưng chẳng cái gì ra hồn chú ạ, không biết kê khai vào đâu. Có cái nhà của bố mẹ để lại, nhưng là nhà thuê của nhà nước, nay vẫn phải trả tiền thuê nhà. Nhưng nếu bán đi thì vẫn có người mua, chỉ cần giấy viết tay và giao nhà, cũng tới mấy trăm triệu đồng chứ đâu ít. Nhưng nói vậy thôi chứ bán đi thì ở vào đâu? Lại còn hai cái xe máy của hai vợ chồng cháu. Để riêng thì không cái nào tới giá 50 triệu, nhưng gộp lại thì lại đủ để kê khai tài sản. Cứ rắc rối như thế đấy. Mà ghi là không có gì thì hóa ra mình là người "vô sản" à? Hai vợ chồng cháu lương tháng cộng lại cũng ngót chục triệu, mức sống cũng trên mức của 40% dân nghèo mà mình khai không có gì liệu có xấu hổ không?"

               Tôi nghe mà buồn cười quá, dù cái mặt nó lúc ấy chẳng đáng cười chút nào. Chú tôi cũng cười rồi nhẹ nhàng bảo:

               - Chú mày có tính cách như thế, phải vào làm trong Ban chống tham nhũng của Nhà nước mới đúng. Nhưng thôi, bây giờ tớ mách chú mày 2 cách ghi nhé: hoặc là chú mày ghi vào trong phiếu khai tài sản là không có gì. Hoặc cứ ghi là có độ dăm tỷ (hoặc ngàn cây vàng), thì hai điều đó như nhau.

              Nhìn cái mặt ngơ ngác, mồm chữ O của Thái, chú tôi giải thích:
         
              - Này nhé, nếu chú mày ghi không có gì, nhìn cái áo ka-ki dày cộp đã ngả màu và cái thắt lưng da thòi như đuôi chuột của chú mày thế kia, người ta cũng gật đầu, đồng ý ngay là loại chỉ chăm chăm kỹ thuật như chú mày chắc cũng chẳng có đếch gì. Nhưng chẳng có ai thương chú mày cả, cũng như chẳng có ai cảm phục hay chia cho chú mày cái gì. Nếu chú mày có chết đói cũng chẳng ai bận tâm. Nhưng chú mày cũng đừng quá lo rằng nếu trong nhà có tiền thì sao? Kể cả chú mày có hàng tỷ cũng đố ai dám hỏi, cũng chẳng thằng đếch nào dám thóc mách. Của ai nấy dùng. Nếu kẻ nào đó dò hỏi mà biết thày u chú mày ở quê vừa bán mảnh đất và chia cho dăm tỷ thì có phải ngượng mặt, mang tiếng ghen ăn tức ở  không? Mà có luật nào cho phép ai dòm ngó tủ tiền nhà chú mày đâu.

               Chiêu một ngụm nước chè móc câu đặc cỡ "cắm tăm", chép một cái cho ngọt giọng, chú tôi giảng tiếp:

              - Ngược lại, chú mày ghi luôn là tài sản có dăm tỷ cũng chẳng sao. Ai dám kiểm tra, ai dám đòi xem số tiền ấy. Cũng chẳng thằng nào có quyền hỏi chú mày số tiền ấy từ đâu mà có. Nếu như trong luật có qui định kê khai tài sản và kê khai rõ nguồn gốc, tớ dám khẳng định không có ai dám hạ bút ký cái luật định đó. Không có thằng điên nào lại tự cầm một cục đá to ghè vào gót chân mình. Hiểu chưa? Vì thế, ghi xong rồi thì cứ ung dung mà sống, mà tiêu tiền nếu chú mày có tiền thật. Còn nếu không có tiền mà ghi thế thì cũng như tự an ủi rằng mình có tiền mà thôi. Hừ, nhưng biết đâu sau này luật định nó khác, chặt chẽ hơn mà đến đời con chú mày làm quan có điều kiện tham nhũng, thì có cớ để mà "hợp thức" hóa tài sản.

              Thằng Thái dãn dần nét mặt ra, nhưng vẫn hỏi vớt một câu:

              - Vậy ra là mình nói dối hả chú?

               - Vậy thì, trừ những đứa trẻ sơ sinh chưa biết nói, cháu hãy chỉ dùm chú ai là người không bao giờ nói dối? - Bây giờ chú tôi mới vỗ vai nó và thân mật trở về đại từ nhân xưng thật.


Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #165 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:12:12 pm »

Nghề thanh lý.
   
           Chẳng có gì là vĩnh cửu. Tất nhiên rồi, bởi cả vũ trụ đang vận động. Vật chất luôn biến hóa từ dạng này dang dạng khác chứ không mất đi. Có thế xã hội mới phát triển.

               Mọi thứ máy móc, dù hiện đại, tinh xảo và tối tân đến đâu cũng có thời gian sử dụng hữu hạn. Trong một bộ máy thì tuổi thọ và giá trị sử dụng của các bộ phận lại không giống nhau. Thế cho nên thay vì vứt xoẹt ra bãi rác như những cục xương sau khi bị gặm hết thịt, các loại thiết bị máy móc thường được đem bán thanh lý. Những người thợ có tay nghề, kỹ thuật và ham phát minh sáng chế hay cải tiến sẽ tìm thấy trong cái đống cũ nát đó những bộ phận có thể tái sử dụng. Đôi khi sau khi phân lọc lại, thì mọi thứ từ một cỗ máy cũ nát đó lại chẳng có gì vứt đi cả. ( À, cũng như cục xương vất ra bãi rác nói ở trên, đó sẽ là món ăn tốt cho những con chó hoang, hay lũ chuột lang thang không nơi nương tựa).

               Tôi có anh bạn, là kỹ sư điện tử hẳn hoi, nhưng lại rất yêu cái nghề thanh lý. Vốn là một người lính kỹ thuật trong Quân chủng Phòng không những năm đánh Mỹ, am tường khí tài máy móc, giàu tính cần kiệm của anh bộ đội cụ Hồ, nên sau khi ra trường được một năm, anh đã bỏ nhà nước để ra bám chợ Giời. Hàng họ ban đầu của anh, chính là những đồ thanh lý từ các máy móc cao cấp, hay thiết bị quân sự. Chiếc máy tính Minscơ 22 to sù sụ của Liên-xô, chiếm cả một gian phòng năm chục mét vuông trên tầng ba của tòa nhà C1 trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thuộc về anh sau khi hoàn thành nhiệm vụ là công cụ nghiên cứu khoa học cho Nhà trường suốt 8 năm ròng. Rất nhiều thiết bị điện tử và các bộ điều khiển được các Viện hay các Nhà máy thiết kế ra thời cuối những năm 1980 đã dùng lại linh kiện trong chiếc máy tính đó.

               Không chỉ có đồ dân dụng, quân đội cũng bán ra cả những quả tên lửa SAM 2 (loại đã từng dùng để diệt B52 trong chiến dịch ĐBP trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà Nội) sau khi tháo bỏ thuốc. Không kể phần vỏ nhôm và Duya-ra, thì trong quả tên lửa còn rất nhiều bảng mạch và linh kiện điện tử, chẳng khác gì một chiếc máy bay không người lái loại nhỏ. Rồi cả những chiếc xe Điều khiển tên lửa dùng cho những dàn Vol-ga SAM 6 bệ kép to như cái thùng xe container. Thiết bị điện tử trong đó thì nhiều vô kể. Những năm 1990 trở về trước thì thiết kế điều khiển nào, nhất là trong các nhà máy Quốc phòng mà lại chẳng dùng linh kiện Liên-xô. Vì thế đồ thanh lý tháo gỡ ra, phân loại rồi thì "Quốc phòng tại trả về Quốc phòng". Một vốn mấy lời, ăn ra chủ yếu nhờ công tháo gỡ.

               Có lần anh bạn đó còn cho tôi xem cả một chiếc bóng đèn điện tử loại phát công suất cao tần. Nó to cỡ hai hộp sữa đặc ông Thọ chồng lên nhau. Giá bán là 2 chỉ rưỡi vàng, nhưng nếu không bán mà đập vỡ ra thì riêng cái Ka-tot của nó cũng là một khoen vàng ròng bốn con chín nặng bằng 2 chỉ.

              Anh thiên về mua đồ thanh lý của Quân chủng Phòng không. Các thứ khác như xe tăng hay tàu chiển loại nhỏ quá "đát" thì anh không mua. Cái này là sân nhà của các bác đồ sắt trên đường Thành gần chỗ Ô Chợ Dừa rẽ vào. Dân buôn biết rất rõ sân chơi của nhau, không đá nhầm sân bao giờ, khác hẳn các cầu thủ bóng đá đang trong thời kỳ quá độ lên chuyên nghiệp của ta.

               Ghê nhất là một lần anh mua thanh lý 2 chiếc máy bay A37 của Mỹ. Thật ra đó là di sản của các phi công trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa "bỏ của chạy lấy người", bỏ lại sau khi tháo chạy tháng 4 năm 1975. Chúng cũng được tận dụng ít nhiều, đến khi quá hạn sử dụng, lại không có phụ tùng thay thế, nên được đem ra làm "kế hoạch Ba". Từ mảnh đất miền Trung yêu thương, máy bay A37 đã "bay" về chợ Giời Hà Nội để được "pha" ra bán lẻ.

               Hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với nghề thanh lý và chợ Giời, nay anh bạn tôi đã tở thành một doanh nhân có tiếng. Nhà ba tầng tọa lạc ba nơi, cuộc sống sung túc, con cái học hành đến nơi đến chốn, thật ung dung tự tại.

              Tôi không kể tên anh, nhưng có lẽ hầu hết dân kỹ thuật có dính dáng về điện tử ở Hà Nội, khi xem bài này đều biết anh là ai.


Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2009, 10:05:19 am »

Lần này cấp trên quy định …


   Đã bước sang tháng cuối cùng của mùa mưa.

   Trung đội chúng tôi được lệnh rời chốt, rút về hậu cứ. Thế là kết thúc 26 ngày nằm trên chốt Thê-va-đa, một chuỗi ngày dài đằng đẵng.

   Trong chiến tranh, lính giải phóng chúng tôi chủ yếu ở trong rừng. Các vị trí trú quân thường bí mật. Ở nơi nào, chúng tôi cũng phải dựng nhà hầm, làm lán và  không ở cố định lâu. Hậu cứ nào ở lâu nhất cũng không dài quá 3 tháng.

   Các trận đánh thường diễn ra trong thời gian rất ngắn. Các điểm chốt chỉ được lập ra trong ít ngày phục vụ cho chiến dịch, hay cho một trận đánh. Các vị trí lập chốt cũng được thay đổi thường xuyên. Trong một số chiến dịch quan trọng, cần giữ chốt lâu, chúng tôi phải lập "kiềng", gồm  3 điểm chốt tạo thành thế chân kiềng, có thể chi viện đắc lực cho nhau. Đợt  chiến đấu và giữ chốt Thê-va-đa kéo dài tới 26 ngày là một trong những đợt chốt hiếm hoi. Không một ai trong trung đội chúng tôi lại có thể quên điểm chốt đó.

   Suốt 26 ngày đêm trung đội chúng tôi không một lần rời chốt. Điểm cao này án ngữ bên con đường 23 huyết mạch trên cao nguyên Bô-lô-ven. Cả một đoạn đường dài tới vài cây số nằm trong tầm nhìn của cao điểm này. Từ đây dùng loại ống nhòm pháo binh có thể quan sát rõ người đi trên đường cái ở khoảng cách tới 3 nghìn mét. Vì thế điểm cao này được bộ đội ta lập chốt giữ lâu dài.

   Hai mươi sáu ngày đêm giữ chốt. Chúng tôi chỉ phải đánh nhau với địch có 3 ngày. Những ngày sau, bọn địch không đánh lên chốt nữa. Song ngày nào chúng cũng nã pháo lên, bất kể ngày đêm, giờ giấc. Pháo không nã trúng hầm thì chúng tôi cũng chẳng hề gì. Cái ác liệt không thấm vào đâu so với sự vất vả. Trong suốt khoảng thời gian trên chốt, chúng tôi  không được tắm giặt. Chuyện đánh răng rửa mặt cũng nghỉ luôn. Mỗi ngày ở tuyến sau chỉ tiếp tế được cho chúng tôi mỗi người một bọc cơm ăn cả ngày và nửa bi-đông nước. Ban ngày hầu như trời nắng, mà nắng rất gắt. Ban đêm thường là mưa, kiểu mưa tầm tã kéo dài cả đêm. Không thể ngủ trong hầm vì bùn đất nhão nhoét. Chúng tôi mỗi người phải đào một vòng rãnh thoát nước bao quanh một khoảnh đất nhỏ cạnh hầm của mình. Đến đêm khuya thì lấy tấm ni-long quấn quanh nửa người, từ hông lên trùm kín đầu, rồi ôm súng ngủ trên cái khoảnh đất nhỏ ấy. Từ đùi trở xuống phơi ra, mặc cho nước mưa dầm ướt cả đêm. Ban đêm tuy lạnh lẽo, nhưng như thế cũng tạm ổn. Ban ngày nắng lên mới thấy khổ vì lâu không tắm. Dưới nắng gắt, quần áo khô giòn nên người lúc nào cũng bứt dứt như có con gì cắn. Chỗ nào ngứa quá thì đành phải thò tay vào vê ra từng sợi ghét để tắm khô. Quần áo không còn giữ được màu xanh nữa mà đã dày lên với màu nâu đỏ.


*

   Được lệnh rời chốt, chúng tôi vô cùng mừng rỡ. Sau khi hành quân về phía sau cách khoảng hơn chục cây số, chúng tôi được dừng lại đào hầm làm hậu cứ. Buổi chiều cả bọn ra suối tắm. Suối đá, nước trong veo và có nhiều mô đá cao cạnh suối. Gác súng trên bờ, chúng tôi nhào xuống suối. Nước mát. Tất cả cứ trần như nhộng ra mà tắm. Kỳ cọ đến đâu, người như được lột da đến đấy, thật sung sướng. Vui quá, có thằng còn hồn nhiên đứng trên mô đá giữa suối mà nghêu ngao hát. Lúc chúng tôi giặt quần áo, cả một khúc suối đỏ ngầu. Quần áo của chúng tôi sạch và xanh dần trở lại.

   Vui hơn nữa là lúc về đến bếp ăn, chúng tôi được thông báo có đợt phát đường. Để biểu dương các đơn vị trong trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh địch mùa mưa, lần này mỗi người sẽ được phát 5 lạng đường, chứ không phải chỉ có 3 lạng như đợt phát trước cách đây nửa năm. Thật là tuyệt vời. Buổi tối ngồi với nhau, chúng tôi đã bàn tính vài kế hoạch nho nhỏ để thưởng thức món đường. Hoặc là chúng tôi sẽ tìm cách trở lại khu đường 23, đến các vườn chè vô chủ mà dân đã bỏ đi để hái chè về sao, uống với đường. Hoặc là chúng tôi sẽ tạt sang các bản như Phù-đin hay Xăm-xi-núc để xin cà phê tươi. Sau đó chúng tôi sẽ về rang, giã để uống. Trên mảnh đất cao nguyên này có nhiều cà phê, và đồng bào sẵn lòng cho chúng tôi bất cứ lúc nào.

   Sau đợt chốt kéo dài mới cảm thấy rõ hạnh phúc của sinh hoạt hậu cứ. Chúng tôi được tự do nói chuyện, tha hồ nói to. Rồi chúng tôi hát hò, văn nghệ tự túc. Phải hát thật nhiều, hát thật to cho bõ những ngày ngồi chốt  câm lặng. Ai cũng đòi được hát. Bên ánh sáng của những cây nến tự tạo bằng loại vải dầu bọc đạn pháo lấy của địch, chúng tôi háo hức hát và nghe nhau hát. Cả đơn vị đều đã thuộc giọng của nhau, và biết ai sẽ hát bài gì. Nhưng vẫn sướng, vì chúng tôi đang trong tâm trạng thoải mái, tự do. Cả bọn lại buồn cười nghe hai thằng Hoà và Sớm song ca bài "Sợi rơm vàng". Đây là một bài hát thiếu nhi, có câu "một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm …". Hai thằng này là lính mới, đoàn Hà Tây, vào chiến thường mới được nửa năm. Chúng nó rất thích hát bài này, và hát khá hay. Lính tráng chúng tôi chỉ cần ít giây phút thư thái cho giãn tâm hồn trong những lúc văn nghệ như thế, nên ai hát bài nào không quan trọng. Có điều nó hơi ngồ ngộ, hai thằng mặt non choẹt, nghiêng nghiêng đầu hát, đôi lúc nhìn cứ như hai thiếu nhi nên hình ảnh đó đã tạo nên một ấn tượng ghi nhớ đặc biệt về Hoà và Sớm.
...

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #167 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2009, 10:25:10 am »

...
           Nói là được phát đường, song cũng phải đến hai  tuần sau mới đến lượt đại đội chúng tôi được lĩnh. Quân số đại đội bảy chục người, tất cả chỉ có hơn ba chục cân đường, nhưng đơn vị vẫn cử 3 người đi lĩnh, trong đó có tôi và Sớm. Từ hậu cứ của chúng tôi về tuyến sau nơi có kho hậu cần xa 4 tiếng đồng hồ đi đường, như vậy tổng cộng cũng hết cả ngày trời. Tuy vậy, tất cả đều náo nức.

   Buổi trưa, đến lượt chúng tôi nhận đường. Cả 3 đứa tròn xoe mắt khi thấy đồng chí quân nhu trung đoàn lấy cái bát sắt loại nhỏ đong đường cho chúng tôi, mỗi suất chỉ có một bát. Cả bọn thắc mắc. Xưa nay trong lính, ai cũng biết có 2 loại bát sắt. Bát loại to, còn gọi là bát B52, khi đong đầy có ngọn là 5 lạng đường. Còn bát loại nhỏ chúng tôi vẫn hay dùng để ăn cơm, khi đong đầy chỉ có 3 lạng đường thôi. Nay dùng bát nhỏ đong đường cho chúng tôi thì chắc chắn không phải là 5 lạng rồi. Mà chúng tôi được phổ biến là lần này mỗi người được 5 lạng cơ mà. Thế là cãi cọ. Nhưng dù nói thế nào thì tay quân nhu vẫn bảo chỉ có vậy thôi, không lĩnh thì về. Chúng tôi tức lắm, nhưng chẳng lẽ lại về không. Chẳng có thủ trưởng nào ở đây để phân giải cho chúng tôi cả. Rồi chúng tôi ngó quanh. Các nhóm đi lĩnh đường của các đại đội khác hôm nay cũng không hơn gì chúng tôi. Ai cũng hậm hực, tức ghê lắm, nhưng rốt cuộc tất cả đều phải bằng lòng mà lĩnh đường về cho đơn vị.

   Chúng tôi đem đường về đại đội, báo cáo các thủ trưởng. Thái độ của các thủ trưởng thật bình tĩnh, chỉ bảo đem chia cho bộ đội, có gì xem xét sau. Chúng tôi chia đường cho nhau, nhưng vẫn bàn tán và nói chung là chẳng ai vui. Cũng chẳng ai hào hứng bàn chuyện kiếm cà phê hay chè mạn nữa.


*
   Hai hôm sau, trong một buổi sinh hoạt đơn vị, chính trị viên đứng lên công  bố về vấn đề đường. Anh bảo:" Cấp trên không có gì sai. Mỗi cán bộ chiến sĩ vẫn được phát 5 lạng đường. Nhưng .." - anh nhấn mạnh: "Lần này cấp trên qui định cái bát sắt nhỏ ấy là 5 lạng đường!".

   Rồi anh phê bình nhóm 3 người đi lĩnh đường chúng tôi hôm đó đã có thái độ vô kỷ luật, đã cãi nhau với quân nhu, gây nên tình trạng lộn xộn không đáng có …

   Cả đại đội hơi ồn ào lên một chút, rồi lại im ắng ngay.

   Thú thực là nghe phổ biến thế, tôi không khoái lắm. Nhưng biết làm thế nào được vì lệnh là lệnh, lính tráng phải chấp hành. Mà qui định của cấp trên thì cũng là mệnh lệnh thôi. Dầu sao có qui định thống nhất của cấp trên cũng là được rồi. Ba lạng hay năm lạng thì cũng thế. Lính tráng vốn vẫn quen "nhiều no, ít đủ, không có cũng không sao" cơ mà.

   Lẽ ra thì mọi sự như thế là chấm dứt. Nếu như tất cả chúng tôi chỉ là loại lính tráng an phận, hay ít học một chút thì đã không có gì xảy ra thêm. Rắc rối bắt đầu xuất hiện từ thằng Sớm. Tuy thuộc nhóm lính mới, nhưng Sớm có nhiều điểm đặc biệt. Nó đã học hết lớp 10, từng có 2 năm bươn chải kiếm sống, và đã suýt lấy vợ.
...

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #168 vào lúc: 29 Tháng Chín, 2009, 10:53:19 pm »

...
        Lê Duy Sớm là một người lính khoẻ mạnh, trắng trẻo và đẹp trai. Nó rất tốt bụng, sống chan hoà với mọi người và bạo dạn trong chiến đấu. Nó rất thích nói chuyện, và nói chuyện có duyên. Nghe nó kể những chuyện của nó, với nụ cười phô hàm răng trắng có cái răng khểnh thì thật hấp dẫn. Mà con trai quái gì ở một bên má lại có cái lúm đồng tiền như con gái. Anh Quân, trung đội trưởng thường bảo: "Nếu có biểu diễn văn nghệ, thằng Sớm đóng vai con gái thì đố đứa nào biết".

              Sớm có kỷ niệm và mối tình của thời học sinh khá đẹp. Khi còn ở nhà, một lần vào đầu năm lớp 10, trường nó tham gia đào thuỷ lợi giúp dân. Học sinh nông thôn quen lao động từ bé, nên chúng nó đào, xắn và vác đất rất giỏi. Bọn con gái gánh đất đua nhau như không biết mệt. Thằng Sớm đẹp trai, lao động giỏi, lại rất hay chuyện. Không chỉ đám con gái trong lớp, mà ngay cả con gái lớp khác cũng biết đến hắn sau mấy ngày lao động. Ở lớp 10B bên cạnh có cái Liên, khá xinh đã chú ý đến hắn. Nhưng cái kiểu đâu, không nói thẳng lại đi nói vòng. Một lần Sớm vác đất đi ngang qua chỗ lớp 10B, nghe thấy giọng cái Liên: "Trông ghét ghê cơ". Ơ! Không ai làm gì mà lại đi gây sự trước. Phải đả lại cho cô nàng một câu mới được. Thế là trong một lần khác khi đi ngang qua chỗ Liên, thằng Sớm vờ như đang nói chuyện to với đứa đi bên cạnh, cố tình để cho Liên nghe thấy: "Cái yêu nhiều khi được bắt nguồn từ những cái ghét. Khi một người con gái nói rằng rất ghét ta, tức là nàng đã bắt đầu yêu ta". Cái Liên đỏ mặt.

              "Không ngờ tưởng đùa chơi hoá thật". Sớm nói vậy.

              Sau đó, nó biết nhà Liên  ở thôn bên, cùng xã. Rồi cả hai đứa gần nhau, bén nhau lúc nào không rõ. Học xong lớp 10 thì hai đứa đã yêu nhau. Nhưng lúc đó cả hai mới vừa 18 tuổi. Liên đã là cô học sinh-thôn nữ trưởng thành, đầy đặn. Nhưng anh Sớm nhà ta thì hoá ra lại vẫn còn đang thuộc loại thanh niên choai vì chưa đủ tuổi lấy vợ.

               Hết vụ hè lớp 10, cả hai không ai học tiếp lên đại học. Liên tham gia đội thuỷ lợi của xã. Còn Sớm thì thoát ly khỏi xã. Nó theo một nhóm thợ mộc của làng lên làm ăn tận  trên Yên Bái. Biền biệt 2 năm chẳng thư từ hay một lần về thăm nhà. Nó chỉ lo làm ăn mà quên đi thời cuộc, là cả nước đang có chiến tranh, và nó thuộc danh sách thanh niên trong xã phải nhập ngũ.

              Kiếm được một số tiền kha khá làm vốn, và ngẫm mình đã đủ 20 tuổi để lấy vợ, nó tìm đường về quê. Táo tợn hơn nữa, nó còn đóng một bè nứa gần vạn cây, rồi tự mình theo bè thả trôi sông Hồng về xuôi. Về đến ngã Ba sông ở Việt Trì, nó dừng bè lại và gặp được một đám người cũng thường dọc sông buôn bán. Họ hỏi chuyện rồi thương tình báo cho nó biết, xuôi xuống dưới Việt Trì độ 2 cây số có một trạm kiểm lâm. Gặp kiểm lâm, thì coi như cả cái bè nứa lậu này mất trắng. Mà bè của cậu về đến đây thì thể nào cũng đã có tai mắt của kiểm lâm đi xe đạp xuống báo trước để chặn rồi. Rồi họ còn mách nước giải quyết cho thằng Sớm. Thế là xuôi Việt Trì được độ cây số, Sớm tạt vào bờ và bán non luôn cả bè nứa cho phường gỗ trên bờ. Cẩn thận cất gói tiền vào cái túi dết treo ở cổ, Sớm ung dung cuốc bộ trên triền đê xuôi theo dọc sông. Qua trạm kiểm lâm, nó còn khoái chí nhìn mấy anh kiểm lâm đang nhấp nhổm nghó nghé ra mặt sông chờ đón bè nứa lậu.

              Về đến quê, Sớm dành ra vài ngày thăm nom thày mẹ và làm mấy việc nhà. Rồi nó tìm đường sang thôn bên đến nhà Liên. Gặp  thày mẹ Liên, Sớm mới hay tin, Liên đã đi thanh niên xung phong, và vào chiến trường khu Bốn được một năm nay rồi. Thăm hỏi thày mẹ Liên và ngồi chơi một lát, Sớm xin phép ra về mà trong lòng tần ngần, buồn bã. Thế là hụt mất ý định trở về quê lấy vợ.

              Sớm cũng không trở lên Yên Bái được nữa, vì mấy ngày sau, nó có giấy gọi vào bộ đội. Rồi nửa năm trôi qua, sau những ngày huấn luyện và hành quân vào Nam, Sớm đã trở thành một  người lính trong đơn vị chúng tôi.

             Sớm kể là dọc đường hành quân vào Nam, qua khu Bốn, đến chỗ nào có thanh niên xung phong, nó cũng hỏi xem có  Liên không. Sớm hy vọng được gặp Liên ghê lắm. Rồi càng hành quân vào sâu, thì cơ hội gặp các đơn vị thanh niên xung phong càng ít đi. Cho tới khi được bổ xung vào đơn vị chiến đấu, Sớm vẫn chưa gặp được Liên. Nó cũng buồn nhiều. Nhưng cu cậu cũng thuộc loại lãng mạn lắm. Nó hùng hồn tuyên bố với chúng tôi:

              - Chúng mày vào đây chiến đấu chỉ có mỗi một mục đích là làm cái nghĩa vụ của trai thời loạn. Còn tao vào đây  có thêm một mục đích là đi tìm người yêu. Nếu gặp được Liên thì tao sẽ là kẻ hạnh phúc nhất trên đời này.

              Chúng tôi chưa ai có người yêu. Nhưng tất cả đều tin điều Sớm nói.
...

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #169 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 04:36:59 pm »

...
            Cái sự từng trải của Sớm đã làm khổ cả nó và chúng tôi. Nó không bằng lòng với lời giải thích của chính trị viên về chuyện cái bát đong đường. Nó bảo tuyên bố như thế là bao biện, là vụng chèo khéo chống. Nếu không có đủ đường phát cho chiến sĩ, thì cứ bảo là chỉ  được phát 3 lạng thôi. Việc gì phải thông báo được phát 5 lạng, mà cuối cùng chỉ có 3 lạng, rồi lại quy định này nọ gây rắc rối ra. Vân vân và vân vân. Nó còn lôi kéo cả một đám lính chúng tôi đồng tình với nó nữa. Thế là không khí trong đơn vị lại ồn áo ầm ĩ. Chuyện xì xầm lên đến cả tiểu đoàn. Thế là lại phải họp hành. Lại nghe phân tích , giáo dục, nâng lên quan điểm của cấp trên.

           Kết cục cuối cùng là cả tiểu đội anh Hùng trong đó có Sớm, cộng thêm tôi và Vĩnh là hai thằng cùng đi lĩnh đường bữa trước bị kết tội đầu trò. Trong 6 người thì có tới 3 thằng đã học hết lớp 10 là tôi, Sớm và Vĩnh. Chính trị viên bảo, các cậu được học hành tử tế, văn hoá cao mà hoá ra lại yếu kém về nhận thức. Cả 6 chúng tôi đều bị kỷ luật cảnh cáo trước đại đội, ghi vào lý lịch. Chúng tôi chấp hành, nhưng cảm giác cứ thấy nó cứ ấm ức như thế nào ấy. Khó nói.

*

               Những trận mưa cuối của mùa mưa đã thưa và nhạt dần. Lại phải chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh địch mùa khô. Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh lật cánh sang phía Nam đường 23. Để đảm bảo cho các đơn vượt đường an toàn, đại đội tôi được lệnh lập chốt bên đường 23, chỗ gần khu vực Bãi Dứa. Đại đội cử tiểu đội anh Hùng và bổ xung thêm tôi từ tiểu đội khác sang. Nhóm 5 người chúng tôi có Sớm mang B40, tôi mang M79 và 3 người còn lại mang AK. M79 là súng phóng lựu của Mỹ được bộ đội ta ưa dùng. Tác dụng sát thương của quả đạn M79 ngang với lựu đạn, nhưng bắn xa được tới 375 mét.

              Anh Hùng dẫn chúng tôi vượt Huội Chăm-pi sang khu Bãi Dứa lập chốt. Chúng tôi đào hầm ở mé Bắc, ngay sát đường 23. Phía sau lưng là Huội Chăm-pi. Với cách bố trí thế này, chúng tôi vừa có thể đánh chặn địch theo kiểu chốt, vừa có thể chuyển thành trận địa phục kích khi cần.

               Con đường 23 bị bỏ hoang cả một mùa mưa không người qua lại, cây cỏ thả sức mọc um tùm. Suốt vài trăm mét đường gần khu Bãi Dứa, cây Xấu-hổ và cây Mâm-xôi phát triển mạnh, bò lan ra mặt đường. Cả con đường rộng ba làn xe chạy, giờ đây bị hai loại cây trên mọc lấn ra, chỉ còn rộng chừng 2 mét.

              Chúng tôi đào hầm lẫn vào đám bụi Mâm-xôi và nguỵ trang cẩn thận. Bây giờ chỉ còn việc ngồi chờ địch. Nếu chúng không hành quân tới đây thì chúng tôi càng có dịp nghỉ ngơi.

               Ngày đầu không có gì xảy ra. Đến gần cuối chiều thì chúng tôi đã có thể phân công nhau cảnh giới rồi nằm ngắm nhìn trời xanh. Về đêm cảnh vật yên tĩnh. Hơi lạnh một tý. Nhìn lên trời đêm đã thấy có những ngôi sao li ti lấp lánh.

               Hôm sau, khung cảnh buổi sớm cũng thật thanh bình. Đến độ nửa buổi sáng thì chúng tôi phát hiện thấy địch ở đoạn cong trên con đường phía xa. Chúng đang hành quân về phía chúng tôi. Lực lượng địch khá đông. Chúng có vẻ chủ quan, nên đội hình đi khá dày và không tổ chức lùng sục phía trước. Chắc chúng tưởng bộ đội ta còn ở tít trong rừng xa. Đến cách chúng tôi chừng 50 mét, bọn địch dừng lại nghỉ giải lao. Chúng hạ ba-lô, ngồi co cụm lại giữa mặt đường nhựa để tránh những cành Xấu-hổ, Mâm-xôi đầy gai mắc vào người. Hình như chúng coi đây vẫn là phần đất  chúng đang làm chủ, nên cũng chẳng ngó ngàng gì xung quanh. Chúng tôi vẫn im lặng núp trong hầm, đưa súng lên bật chốt an toàn và sẵn sàng nhả đạn. Khoảng cách 50 mét là  quá xa để nổ súng có hiệu quả, mặc dù đây cũng là thời cơ tốt. Qua những kẽ hở của đám lá Mâm-xôi, chúng tôi nhận ra bọn địch này vừa mới hành quân từ hậu cứ đến. Xét về kiểu cách thì đây là lính Thái Lan, lũ lính  nhà giàu luôn no đủ và được trang bị tốt.

               Chừng hai chục phút sau, chúng thổi còi rồi đeo ba-lô  đứng dậy hành quân tiếp. Bọn đi đầu đã đến sát chỗ chúng tôi, trong khi đám phía sau còn đang lục tục đeo ba-lô. Đúng lúc chúng đang mất cảnh giác như thế, anh Hùng phẩy tay ra hiệu rồi nổ súng. Tất cả chúng tôi cùng đồng loạt nổ súng theo. Sớm liên tiếp lắp đạn B40 bắn cấp tập vào đội hình địch. Địch hầu như không bắn trả được phát nào. Những tên đi đầu đã ngã gục hết. Bọn đi sau bị vướng cây Xấu-hổ, chật chội không xoay sở được. Chúng không thể tiến lên, không tạt được sang hai bên vì bị gai móc, còn lùi chạy thì ngã dúi dụi vào nhau. Bọn nằm lại cũng vị vướng, không quan sát được để bắn trả. Chúng tôi cứ đứng nguyên tại hầm mà nã hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Xác địch nằm ngổn ngang, cây cỏ hai bên đường tơi tả.

               Sớm đã bắn hết cả năm quả đạn B40. Các tay súng AK đã bắn hết băng đạn thứ hai. Tôi cũng đã bắn gần hai chục quả đạn M79. Địch đã lùi lại phía xa. Lác đác đã có tiếng súng của địch bắn trả. Trận chiến đấu diễn ra rất nhanh, chỉ chừng 5 phút. Anh Hùng lệnh cho tiểu đội bật khỏi công sự, lao lên thu nhanh mấy khẩu súng chiến lợi phẩm của mấy tên địch nằm chết gần đó. Chỉ còn M79 là bắn được xa. Tôi tranh thủ "cốc" thêm mấy quả đạn M79 nữa, rót cầu vồng về phía địch. Rồi anh Hùng ra lệnh rút. Chắc chỉ ít phút nữa thôi, địch sẽ gọi pháo từ căn cứ bắn trả. Khi đó, nếu còn chần chừ nán lại chúng tôi sẽ bị thương vong vô ích.
......
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM