Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:40:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các Truyện ngắn của lính - Vũ Công Chiến & các bạn  (Đọc 137674 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #150 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2009, 08:53:25 pm »

       Câu chuyện lấy cắp con gà vàng được kể lại qua lời khai của cậu bé:

   Cậu ta tên là Hào. Hào năm nay 13 tuổi, là con một cán bộ có cỡ trong ngành Ngoại giao Việt Nam. Hiện ông đang làm Tham tán tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên-xô. Do quan hệ công tác nên ông có quen biết với Tham tán Liên-xô Ma-ca-rop, có phần hơi thân một chút. Đầu năm nay, ông có dịp về Việt Nam nghỉ phép. Vì chỉ có một cậu con trai cưng, nên hầu như đi đâu, ông cũng cho Hào đi theo. Trong một lần như thế, Hào đã được cùng bố vào cơ quan Đại sứ quán Liên-xô thăm Tham tán Ma-ca-rop. Trong lúc bố và ông Tham tán nói chuyện thì Hào ngồi im, khép nép và lặng lẽ ăn kẹo. Nhưng có lẽ trong người nó đã có phẩm chất của một người lính trinh sát bẩm sinh. Những chiếc kẹo Tây có vị ngòn ngọt, chua chua của ông Tham tán cho nó, dầu là của hiếm cũng không làm át đi được tính cách lanh lợi của nó lúc này. Hào đã kín đáo quan sát được khá đầy đủ căn phòng làm việc của ông Tham tán. Dĩ nhiên, nó nhìn thấy con gà vàng.

   Về nhà, Hào hỏi chuyện bố nhiều thứ, trong đó có con gà vàng. Bố cậu đã hào hứng kể cho con trai nghe về lai lịch con gà vàng. Trong một nhiệm kỳ công tác tại Nam Phi, ông Ma-ca-rop đã được một người bạn là thương gia Nam Phi tặng cho một món quà quý: một con gà vàng. Nó được làm từ gần 300gr vàng nguyên chất theo dáng của một chú gà con. Ông Ma-ca-rop rất quý món quà này. Khi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm Tham tán thương mại, ông đã mang theo con gà vàng kỷ niệm. Hầu như tất cả bè bạn, và các cán bộ của Cơ quan Sứ quán Liên-xô đều biết đến con gà vàng của ngài Tham tán.

   Sau đó ít lâu, bố Hào trở lại Liên-xô công tác. Vốn là một chú bé thông minh và hết sức tinh nghịch, Hào đã nảy ra ý định lấy cắp con gà vàng. Nó hình dung trong đầu và lập một kế hoạch có phần hoàn hảo tới mức ngay cả các cán bộ công an thực thụ cũng chưa chắc đã nghĩ ra.

   Hào tìm cách thâm nhập trở lại cơ quan Sứ quán. Nó theo dõi và phát hiện ra một việc gần như qui luật. Cứ khoảng 7 giờ tối là có một chiếc xe Com-măng-ca đi từ đường Cát Linh xuyên tắt qua con đường đất phía bên phải sân vân động Hàng Đẫy, để ra góc đường giữa phố Hàng Cháo và Nguyễn Thái Học, rồi từ đó đi sang phố Trần Phú về cơ quan Sứ quán Liên-xô. Quãng đường vòng qua sân vận động Hàng Đẫy là đường đất, gập ghềnh có nhiều ổ voi. Tại góc ngoặt, chỗ cột đèn pha cao thế phía phố Phan Phù Tiên có một cái ổ lõm to. Khi đi qua đó, chiếc xe phải đi chậm, và đèn xe không rọi rõ được trong lòng hố. Cả đoạn đường này lại không hề có đèn đường. Buổi sáng hôm sau, vẫn chiếc xe đó từ cơ quan Sứ quán đi ra theo đường cũ vào lúc 5 giờ sáng. Lúc này trời hãy còn tối, và hầu như không có người qua lại trên đường.

   Hào đã thận trọng quan sát và kiểm tra kỹ nhiều lần. Đoạn đường từ cái ổ voi to mà nó chọn đến cổng cơ quan Sứ quán chỉ dài hơn nửa cây số. Chiếc xe Com-măng-ca đi theo chiều ra hay vào thì lần nào cũng chỉ hết chưa đầy 10 phút. Đó chính là cơ sở để nó quyết định chọn kế hoạch đột nhập cơ quan Sứ quán Liên-xô.

   Một buổi tối trời, Hào đã nằm sẵn trong lòng cái hố to ở góc ngoặt chỗ cột đèn pha cao áp đó. Nó chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi và bôi đất khắp người. Khi chiếc xe ô-tô chầm chậm đi qua hố, nó ôm bám vào gầm cầu xe và nằm treo như thế để theo xe vào cơ quan Sứ quán. Chiếc ô-tô vào cổng và đi vòng ra sau toà nhà chính rồi đỗ lại, để chủ nhân xuống xe. Sau đó người lái xe lùi xe vào khu ga-ra. Nhà để xe ô-tô của Sứ quán cũng chỉ là một dãy nhà thấp sát tường lợp phibro xi-măng và không có cửa. Người lái xe tắt máy, đóng cửa xe và ra về. Hào còn đợi một lúc, rồi nó mới buông mình rơi xuống nền nhà và nằm im tại đó.

   Về đêm, khu cơ quan Sứ quán im lìm. Những người trực đêm chỉ ngồi trong phòng và không tổ chức đi tuần. Cửa sổ căn phòng làm việc của ông Tham tán thuộc mặt sau của toà nhà. Cả vùng sân sau của Sứ quán chỉ có hai ngọn đèn tròn mắc tít trên góc, sát mái tầng ba của toà nhà, hắt xuống đất một thứ ánh sáng mờ mờ vàng ệch và không soi sáng được cả sân. Trong sân có nhiều cây sà cừ to, tạo thành nhiều bóng khuất. Có một cây sà cừ vươn cành cao quá nóc nhà và chếch phía trên cửa sổ phòng làm việc của ông Tham tán. Toàn bộ sân được rải một lớp sỏi, những hòn cuội to như ngón chân cái. Khi bước chân qua, đám sỏi trượt vòng lạo xạo và không thể lưu lại dấu vết.

   Đó là tất cả những gì Hào thu thập được trong một đêm quan sát. Mờ sáng, nó bám sẵn vào gầm cầu xe ô-tô và theo xe ra được bên ngoài. Khi tới cái ổ voi ngoài đường đất, Hào thả tay rơi xuống đất. Đợi chiếc xe ô-tô  chạy khuất, nó mới lồm cồm bò dậy và về nhà. Mẹ nó bận đi làm ca nên cũng không hay biết gì.

   Kế hoạch tiếp tục được thằng Hào hoàn thiện và ngấm ngầm chuẩn bị. Cũng vào một đêm tối trời, vụ lấy cắp con gà vàng chính thức bắt đầu. Hào mặc một chiếc quần đùi đen và một cái áo sẫm mầu. Vạt áo được cài vào cạp quần. Người vốn đã đen, nên nó chỉ lấy một chút đất bùn xoa thêm lên vài chỗ trên người là đã khó nhận ra nó trong bóng tối. Lần này nó đem theo một sợi dây thừng dài, một cái túi vải nhỏ, một đôi tất và một chiếc nan hoa xe đạp.

   Chập tối, Hào nằm phục sẵn trong lòng hố. Lần này, nó dễ dàng bám vào được gầm xe, khi chiếc ô-tô Com-măng-ca chậm rãi lăn bánh qua. Vào đến cơ quan Sứ quán, nó lại lọt được vào khu ga-ra ô-tô và nằm im tại đó. Chừng quá nửa đêm, Hào chui ra khỏi nhà xe. Không gian bốn bề vẫn yên tĩnh. Hào khom người rón rén tiến lại cái cây sà cừ to thẳng với cửa sổ phòng làm việc của ông Tham tán. Nó lấy sợi dây thừng, buộc vào đó một viên sỏi to rồi ném vắt lên cành  sà cừ ở tầm ngang cách đất chừng 4 mét. Sau đó nó túm lấy đầu dây có viên sỏi, so 2 đầu dây buộc lại rồi đu người leo lên cây sà cừ. Tại đây, Hào rút lại sợi dây thừng rồi trèo dần lên tận tít cành cao phía trên cửa sổ tầng 3, chỗ phòng làm việc của ông Tham tán. Từ chỗ đó, nó lại buộc sợi dây thừng vòng vào cành cây. Đầu kia, Hào buộc thắt quanh bụng rồi đu người theo sợi dây tụt xuống, lơ lửng đúng vị trí cửa sổ. Cứ treo người như thế, Hào xỏ tay vào chiếc tất rồi loay hoay dùng chiếc nan hoa xe đạp luồn vào cậy chốt cửa. Cũng phải nói thêm là thằng Hào tuy gầy, nhưng khoẻ, cơ bắp tốt, chứ bọn trẻ con ở vào tuổi nó, đã mấy ai có thể treo được mình trên sợi dây thừng suốt mấy chục phút như thế. Rồi thằng Hào cũng cậy được cái chốt và nhẹ nhàng kéo mở được cánh cửa chớp. Nó mừng rơn khi thấy hai cánh cửa kính mở toang, và con gà vàng vẫn đặt ở góc bàn ngay sát cửa sổ. Vẫn trong tư thế treo mình, Hào lắc người đu đưa vài nhịp để văng mình vào sâu trong cửa sổ, rồi nhoài tay vào túm lấy con gà vàng. Nó nhanh chóng cất con gà vào cái túi đeo ở cổ, lựa chốt khép lại hai cánh cửa chớp, rồi rút người trèo ngược lên cành cây. Nó bình tĩnh ngồi nghỉ ít phút trên cành cây cho lại sức, rồi theo đúng lối cũ tụt xuống đất. Sau khi lò dò lại gầm cái ô-tô, Hào buộc chặt lại mọi thứ rồi nằm nghỉ. Buổi sáng hôm sau, Hào lại bám gầm ô-tô và thoát  được ra ngoài tại cái ổ voi ở con đường đất cạnh sân Hàng Đẫy, đúng y như cách nó đã làm trong lần trinh sát trước. Không một ai nhìn thấy nó. Cu cậu về nhà bình an vô sự.
 
   Mọi dấu vết của cuộc đột nhập chỉ bao gồm hai cái vết lằn của sợi dây  thừng buộc ở hai chỗ trên cây sà cừ, và vết  thằng Hào bò trên một đoạn  cành cây giữa hai chỗ buộc đó, nhưng chắc chỉ mờ mờ. Vì không một ai, kể cả các cán bộ an ninh  Việt nam và Liên xô có thể suy đoán ra đối tượng và cách đột nhập, nên cũng chẳng ai đề xuất ra việc kiểm tra dấu vết trên cành cây ở tít cái chỗ trên cao ấy. Mọi việc kiểm tra thông thường như tìm dấu vết trong nhà, trên cửa sổ, trên tường, lấy dấu vân tay, hay tìm dấu vết tại ngay các gốc cây đều không có kết quả là điều dễ hiểu.

   Không thể ngờ đến đối tượng của vụ trộm là một đứa trẻ dân thường như Hào, lại càng không thể ngờ đến diễn biến xảy ra như lời kể của nó, dù sự thật đã là hiển nhiên, vụ việc được yêu cầu dựng lại. Ngoài các cán bộ nghiệp vụ an ninh của cả ta và bạn, có đích thân Thứ trưởng Công an Tạ Đình Khai, cán bộ KGB Cu-do-nhet-xop và cả ngài Tham tán Ma-ca-rop cùng chứng kiến cảnh diễn lại của Hào. Theo yêu cầu của ông Cu-do-nhet-xop, cuộc trình diễn được thực hiện theo đúng các mốc thời gian như Hào đã trình bày. Tất cả những người có mặt đều vô cùng hồi hộp và phấn khích theo dõi các động tác của Hào. Nó đã thực hiện cuộc trình diễn một cách chính xác và hoàn hảo, cứ như nó sinh ra để làm việc đó vậy. Cảm giác cuối cùng của mọi người là vô cùng thán phục thằng bé Việt Nam 13 tuổi ấy.

   Tất nhiên là thằng Hào có tội. Tội to nữa là đằng khác. Song, cảm phục tài năng của Hào và cũng vì nó mới là một thiếu niên, nên đã có nhiều sự tác động tích cực của nhiều người, từ nhiều phía đến số phận của nó. Hào được đưa vào trường Thiếu sinh quân. Cũng năm đó, Binh chủng Đặc công được thành lập, và Hào được chuyển tiếp về trường Đặc công.

   Ba năm sau, khi mới 16 tuổi, Hào trở thành một chiến sĩ đặc công, và tình nguyện vào Nam chiến đấu.

...
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #151 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2009, 10:30:13 pm »

Lixeta xin góp vui một tý:

VÔ TÍCH SỰ

   Nửa  đêm, tiểu đoàn nhận được điện báo “Sẵn sàng nhạn nhiệm vụ”. Mờ sáng, phái viên của lữ đoàn vượt hơn 200 cây số đường trường đã có mặt tại tiểu đoàn để trực tiếp truyền lệnh: “Chậm nhất là tối nay, đại đội 4 phải lên đường, hai ngày sau phải có mặt tại Động Truồi để tham gia tiến công giải phóng Huế”.
   Toàn đại đội như một guồng máy lao vào làm công tác chuẩn bị; lái xe thì mở niêm động cơ, kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe máy, các thành viên khác kiểm tra điện đài, vũ khí. Gần trưa, công việc đã hòm hòm, các xe được lệnh nổ máy kiểm tra. Đại phó kỹ thuật Phương và kỹ thuật viên Linh chia nhau ra từng xe để kiểm tra và cho nổ máy. Một xe, hai xe rồi cả 7 xe lần lượt nổ máy, tiếng động cơ lúc đầu còn rời rạc, lạch bạch; sau giòn giã làm lay động cả cánh rừng vốn yên tĩnh từ lâu. Cả phái viên của lữ đoàn và Ban chỉ huy thở phào nhẹ nhõm, bây giờ chỉ còn tập trung cố định khí tài dự trữ, lương thực thực phẩm lên xe là xong, và chiều nay có thể xuất phát sớm được.
   Tại nhà chỉ huy, nét mặt tươi tỉnh- phái viên của lữ đoàn biểu dương toàn đại đội đã thường xuyên làm tốt công tác bảo quản trang bị vũ khí, tiến hành công tác chuẩn bị nhanh, vượt thời gian quy định. Bỗng lái xe 386 mặt xanh như tàu lá chạy vào lắp bắp: “Xe...xe.... em hỏng máy... máy.... bơm”. Đại phó Phương trợn mắt quát “Máy bơm nào?”. “Máy bơm nước ạ”.
   Cả phái viên và Ban chỉ huy cùng đâm bổ xuống lán xe 386. Đèn công tác được bật lên, hết người này đến người khác chui vào trong xe xem xét. Đích thị là máy bơm của hệ làm mát động cơ đã bị hỏng. Một dòng nước như cái đũa vọt ra từ lỗ kiểm tra, chân ga càng to nước phun càng mạnh. Nếu cứ như thế này chẳng mấy chốc sẽ hết nước làm mát, và cái động cơ hơn 500 sức ngựa này sẽ bị phá hỏng ngay lập tức.
   “Thay máy bơm ngay”- Đại phó Phương đưa ra quyết định và không ai có ý kiến gì khác. Máy bơm dự trữ đã có sẵn trong kho khí tài của đơn vị và nếu làm nhanh vẫn kịp thời gian xuất phát theo quy định.
   Kỹ thuật viên Linh về ngay kho khí tài lấy máy bơm, đại phó Phương và lái xe 386 bắt đầu xả nước trong hệ làm mát và tháo máy bơm. Chỉ gần một tiếng các bu-lông cố định máy bơm đã được tháo xong. Nhưng thật oái oăm- không thể lấy được cái máy bơm ra vì vướng vào cam điều độ cần lái. Để giảm đến mức tối thiểu kích thước xe chiến đấu, không gian trong xe được sử dụng một cách tối ưu, các chi tiết máy móc nằm sít nhau nên gần như không còn khoảng hở, và đó chính là nguyên nhân chúng tôi không lấy được máy bơm ra..
   Xoay xở mãi cái máy bơm vẫn nằm ỳ ra đấy. Đã quá trưa, mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng chả ai nghĩ đến chuyện ăn uống. Phái viên lữ đoàn hỏi đại phó Phương: “Làm sao bây giờ?”. Không cần suy nghĩ, đại phó Phương trả lời ngay: “Cẩu động cơ ra để lắp máy bơm mới”. Quay sang kỹ thuật viên Linh anh quát: “Bảo thằng vô tích sự đánh xe ra đây ngay, nhớ mang cả cẩu đấy nhé”.
   Linh chạy vụt đi, phái viên lữ đoàn ngơ ngác hỏi “Cả một đống người đây không làm gì được thì gọi cái thằng vô tích sự đến làm gì?”. Mọi người cười ồ cả lên. Đại trưởng Thân giờ mới lên tiếng :” Nó vô tích sự một số thứ thôi, chứ còn cái khoản này- cái khoản kỹ thuật xe máy ấy thì chẳng mấy ai qua được mặt nó”.  Vài  phút sau, như một cơn lốc- xe của cái gã được gọi là vô tích sự đã có mặt. Phái viên lữ đoàn tò mò nhìn kẻ được gọi là vô tích sự- một chàng trai cao ráo, bộ mặt thông minh với đôi mắt sáng luôn như cười, đặc biệt là nước da trắng hồng, đôi môi đỏ như chưa bao giờ biết đến sốt rét rừng. Chẳng chào hỏi ai, vừa vọt ra khỏi cửa lái xe hắn hỏi luôn “Nó làm sao anh?”. Đại phó Phương hất hàm về phía truyền động xe 386 trả lời :”Nó hỏng máy bơm, tháo ra được rồi nhưng vướng cam điều độ không rút ra được. Mày cho triển khai cẩu để cẩu động cơ ngay”.
   Chẳng cần suy nghĩ hắn  độp ngay: “Thế anh định đến bao giờ mới xuất phát; bây giờ mới bắt đầu thì nửa đêm mới cẩu được động cơ ra; thay xong máy bơm, lắp vào, bổ sung nước, căn chỉnh, kiểm tra lại mọi thứ thì có nhanh cũng phải trưa mai mới xong, làm sao kịp được”. Đại phó Phương quát “Không bàn cãi gì nữa, làm đi, thay nhau làm suốt đêm bằng xong thì thôi, kíp xe đâu. Lắp cẩu!”.
   Kệ cho mấy tên trong kíp xe lúi húi lắp cẩu, hắn trèo lên buồng truyền động cùng lái xe 386 rúc xuống gầm động cơ. Lại xoay, lại kéo, rồi chui ra cầm cái máy bơm dự bị lên lật đi lật lại, ngắm nghía các chiều, vầng trán trắng trẻo nhăn lại suy tư. Sốt ruột, đại phó Phương quát :”Không xem xét gì nữa, tháo tấm thiết giáp đi”.
   Hắn vẫn bình tĩnh :”Anh cho em thử một tý rồi tháo cũng chưa muộn”. Đại phó Phương vẫn quát bắt kíp xe 386 và tổ thợ của tiểu đoàn chuẩn bị dụng cụ tháo tấm thiết giáp. Hắn vẫn cứng cỏi “Em xin anh mười phút thôi”. Đại phó Phương càng quát to. Hắn cũng vằn mắt lên :”Cứ làm như anh thì có đến trưa mai cũng không xong; cứ để tôi thử, chỉ mười phút nữa mà không được thì tháo cũng chưa muộn cơ mà”. Thấy căng thẳng cả phái viên lữ đoàn và đại đội trưởng Thân cùng hỏi hắn sẽ làm thế nào.
   Tay cầm cái máy bơm hắn giảng giải :”Cái bơm này gồm hai nửa, thân bơm và nắp bơm. Cả cái bơm thì dày nên không rút ra được, song nếu tháo riêng nắp bơm và thân bơm thì có thể được vì nó mỏng hơn. Bây giờ em chỉ cần 10 phút để thử, nếu tháo ra được thì sẽ lắp bơm mới vào được. Tất nhiên khi lắp cũng phải lắp thân trước, lắp nắp sau; làm như vậy không thật đúng quy trình kỹ thuật nhưng vẫn có thể chấp nhận được”. Đại trưởng Thân quyết định cho hắn thử,.
   Lại rúc vào buồng truyền động, cả phái viên lữ đoàn, ban chỉ huy đại đội, cả tổ thợ cũng trèo lên xe xem hắn làm thế nào. Nhưng có nhìn thấy gì đâu, chỉ thấy cái mình dài ngoẵng của hắn nằm nghiêng trên hộp số, cái đầu thì dúi sát vào thân động cơ, tay phải ôm choàng lấy nắp động cơ, tay kia luồn sâu xuống chỗ cái máy bơm hỏng. Một phút, hai phút...năm phút trôi qua, hắn vẫn nằm im như tượng, chỉ có cánh tay trái vẫn khua khoắng lạch cạch những gì không biết. Tám phút, chín phút, mọi người đã bắt đầu nóng ruột. Đại phó Phương đã nhảy xuống xe ra lệnh cho tổ thợ chuẩn bị dụng cụ. Đúng lúc ấy hắn nhổm lên, miệng hét “Được rồi”, và tay trái từ từ gượng nhẹ rút từ gầm động cơ ra  giơ lên cái nắp máy bơm, vứt nó ra bên cạnh rồi lại rúc xuống mò mẫm tiếp. Mọi con mắt lại chú mục vào buồng truyền động. Một loáng sau cái thân bơm cũng được lôi ra. Tất cả ồ lên nhẹ nhõm. Mấy cánh tay cùng giơ ra kéo hắn lên. Đôi bàn tay đầy dầu mỡ của hắn nắm lấy cổ tay đồng chí phái viên lấy đà nhổm dậy, cả cái ống tay áo Tô châu mới tinh của phái viên lữ đoàn đen nhẻm như một mảnh giẻ lau xe. Đại phó Phương nhăn nhó “Đúng là đồ vô tích sự”.
   Hắn ngoác cái miệng ra cười, hàm răng trắng bóng tươi rói trên bộ mặt đen nhẻm dầu mỡ. Quay lại tổ thợ và lái xe 386 hắn bảo: “Thôi bây giờ các ông lắp lấy, tôi phải về chuẩn bị tiếp đây’. Thế là nhảy xuống, chẳng chào hỏi ai chui vào xe nổ máy chạy luôn.
   Gần một tiếng sau, máy bơm mới đã được lắp vào, nước được bổ sung đủ, nổ máy kiểm tra thấy kín như bưng. Thế là xong. Ban chỉ huy và phái viên lữ đoàn cùng thở phào nhẹ nhõm, quyết định ăn cơm chiều xong sẽ xuất phát ngay.
   Về nhà chỉ huy, đại phó Phương lấy ngay cái áo mới ra khẩn khoản đề nghị phái viên lữ đoàn thay và thông cảm cho cái thằng vô tích sự ấy. Phái viên cười rất tươi “Đã làm lính xe tăng thì dầu mỡ là chuyện bình thường, tớ chỉ băn khoăn vì sao nó ngon như vậy mà các cậu lại gọi nó là đồ vô tích sự”.
   Cả đại trưởng Thân, chính trị viên Toan và đại phó kỹ thuật Phương đều cười ồ lên. Chính trị viên Toan giải thích:” Biết thế đấy nhưng gọi mãi rồi nó quen đi, mà nó cũng vô tích sự lắm cơ.  Cái hồi mùa mưa năm 72, đơn vị hết gạo ăn, xe ôtô thì không chạy được phải tổ chức đi gùi gạo. Từ kho về đến đơn vị chỉ gần 50 cây số nhưng lính xe tăng vốn ít được rèn hành quân xa mang vác nặng nên phải tổ chức một kho trung chuyển ở đoạn giữa. Nó cũng xung phong đi gùi, thấy nó to cao bọn tôi cũng đồng ý cho đi. Ai ngờ ra đến sông A- sáp thì nó mếu máo báo cáo với trung đội trưởng là không biết bơi. Sông thì chảy xiết, phải tổ chức cho hai đứa bơi giỏi bơi kèm, đứa kéo, đứa đẩy mới qua được. Đi gùi chuyến đầu tiên, mọi người đã về đến kho từ lâu mới thấy nó về, không gùi mà lại vác ba-lô gạo trên vai. Hỏi làm sao nó vạch lưng ra thấy một đám trầy da bằng bàn tay mọng nước. Hôm sau phải bố trí nó ở nhà nấu cơm, coi kho. Ai ngờ, bữa cơm sáng hôm ấy cả trung đội không ai nuốt được vì trên sống dưới khê, tứ bề nát bét”. Đến nước ấy trung đội trưởng Trị phải thốt lên: ”Đúng là đồ vô tích sự”. Thế là thành tên từ hồi ấy”.
   Đại trưởng Thân chêm vào: “ Con nhà khá giả, thuở bé chỉ biết học, chẳng phải làm gì, cơm không biết nấu, gánh gồng cũng chả biết, đi tập bơi chết hụt nên bố cấm tiệt. Nhưng nó học giỏi lắm, đỗ đại học rồi nhưng tình nguyện đi bộ đội, vào chiến trường mà balô toàn sách giáo khoa thôi”.
   Đúng lúc ấy tiếng máy xe tăng lại rộ lên, rồi “ầm” một cái. Mọi người đưa mắt nhìn nhau không hiểu cái gì đã xảy ra, cậu liên lạc hiểu ý chạy vụt đi. Một lúc sau quay về vừa hổn hển thở vừa nói: “Lái xe 380 húc đổ lán xe rồi. Anh ấy bảo lần này đã đi là đi luôn tới Sài gòn chứ về đây làm gì nữa mà để”.
   Đại phó Phương vỗ hai tay vào đùi buột ra :”Đúng là đồ vô tích sự”.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #152 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:00:18 pm »

.....
         Trong một đêm mưa tầm tã ở chốt Khe Đá dưới chân dãy núi Chư Giông Giàng giữa mùa mưa năm 1974, tôi đã được đại đội trưởng đặc công Phan Thế Hào kể cho nghe câu chuyện này. Đơn vị chúng tôi nhận bàn giao chốt thay cho đại đội đặc công của Hào. Các đơn vị đặc công thường chỉ đánh mật tập vào các sở chỉ huy hay căn cứ tập trung của địch trong những chiến dịch then chốt, giành chiến thắng nhanh. Nói chung, họ không cần phải chiếm giữ trận địa. Trường hợp cần giữ địa bàn lâu dài như vùng Khe Đá này, thì các đơn vị bộ binh phải tiếp quản. Quen nhau đã 3 ngày, và khi biết tôi là lính Hà Nội, lại trạc tuổi, nên đêm nay anh nằm cùng hầm và kể lại chuyện cho tôi. Tiếng anh kể đều đều và nhỏ, đôi lúc lẫn vào tiếng mưa rơi lộp bộp trên mặt tấm tăng căng che xéo trên nóc cửa hầm. Thỉnh thoảng anh dừng kể, im lặng một chút như để nhớ cho rõ lại sự việc. Những lúc đó, tôi vẫn nằm lặng im, không ngắt lời và cố hình dung ra từng hành động của anh trong câu chuyện.

             Kể xong, Hào ngồi dậy quấn một điếu thuốc rê và châm lửa hút. Hơi thuốc anh phả ra nồng nồng, nhưng cũng làm cho căn hầm ấm áp thêm trong đêm mưa lạnh. Bên ngoài căn hầm, mưa vẫn rơi nặng hạt. Thỉnh thoảng lại có đợt gió thổi ào ào, kéo nghiêng ngả những cây Bằng lăng lưa thưa trên chốt, hắt cả đám nước mưa ràn rạt lên nóc tăng. Chúng tôi cùng lặng im và nhớ về Hà Nội. Tôi nhìn cái vóc dáng nhỏ bé và rắn chắc của anh, hình dung ra cái lúc anh trèo cây và đu đưa người trước cửa sổ tầng 3 của Sứ quán Liên-xô.

        Tôi bảo:
   - Cậu ghê thật đấy. Tớ chỉ nghe thôi mà cũng thấy hồi hộp và run hết cả người. Thế cậu định lấy con gà vàng để làm gì?
   - Chơi thôi, nghịch ngợm trẻ con ấy mà.- Hào cười, giọng bình thản.
   - Nhưng mà cậu cũng liều thật. Nhỡ mấy ông Tây trong Sứ quán mà canh gác hẳn hoi, tương cho cậu mấy phát đạn thì xong rồi còn gì.
   - Đúng vậy, bây giờ nghĩ lại thấy cũng hơi liều mà dại. Chứ lúc đó chỉ thấy hăng hái thôi. -Hào thú nhận.
   - Nhưng dầu sao cũng có cái hay. Tớ nghĩ, lúc đó mà cậu đã thế rồi thì bây giờ đánh nhau giỏi là phải. Bốn năm chiến đấu, lên đến đại đội trưởng rồi còn gì.

   Hào im lặng một lúc, rồi bảo, có vẻ như lạc đề:
   - Cũng chẳng giỏi giang gì đâu. Tớ nghĩ đặc công giỏi đánh mật tập, đánh điểm, nhưng ở kiềng, giữ chốt thì thua xa cánh bộ binh các cậu.
   - Thế nên bọn mình mới phải ra thay chốt ngay cho các cậu.

   Hào cười. Sao lúc ấy trông anh hiền thế.

   Chúng tôi còn tán gẫu vơ vẩn nhiều chuyện khác nữa. Rồi hai thằng ôm nhau ngủ. Lính mà.

   Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay nhau. Đơn vị Hào chuyển địa bàn nhận nhiệm vụ khác, còn chúng tôi ở lại giữ chốt Khe Đá. Chúng tôi đã ở đó và đánh địch, giữ chốt đến cuối mùa mưa.

*
*  *
   Tháng 3 năm 1975.
   Quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên.

   Các đơn vị thuộc Quân đoàn 3, mặt trận Tây Nguyên tấn công đánh chiếm Thị xã Buôn Ma Thuột. Nằm trong đội hình của Đoàn Đặc công 198, đại đội của Hào đánh chiếm Phi trường Hoà Bình nằm ở phía Đông Thị xã. Trận đánh Phi trường của đặc công diễn ra thật gọn gẽ. Lúc 10 giờ sáng ngày 10/ 3/ 1975, khi các đơn vị bộ binh của Sư 316 và Trung đoàn 95B của ta còn đang giằng co đánh nhau với địch tại khu căn cứ của Sư 23 ngụy và khu kho Mai Hắc Đế, thì đại đội của Hào đã làm chủ Phi trường Hoà Bình. Xác bọn lính nguỵ và súng đạn của chúng ngổn ngang khắp trận địa. Cả đại đội của Hào được lệnh nằm lại chốt giữ Phi trường, sẵn sàng đánh quân phản kích. Không có đơn vị bộ binh nào của ta  tiếp quản Phi trường, thay thế cho đơn vị của Hào.

   Điều Hào nghi ngại và tâm sự với tôi vào cái đêm mưa năm trước ở chốt Khe Đá, thì nay đã xảy ra. Trong Phi trường Hoà Bình có khu hầm ngầm của địch mà trinh sát ta không biết. Buổi sáng, khi bị đặc công ta bất ngờ tấn công, một lực lượng lớn của đich đã nhanh chóng và bí mật rút xuống hầm ngầm. Lính đặc công quen mật tập, giỏi chiến thuật "Nở hoa trong lòng địch", đánh nhanh, thắng nhanh nhưng không thạo đánh chốt. Sau khi làm chủ trận địa, đơn vị đặc công được lệnh chốt giữ tại đó, sẵn sàng đánh địch phản kích để giữ vững Phi trường. Họ không có đủ người và cũng đã không tổ chức sục sạo khắp cả Phi trường, không phát hiện ra khu hầm ngầm. Trong ngày hôm đó, cả đại đội của Hào hầu như chỉ nghỉ ngơi lấy sức. Đến đêm, họ cũng chỉ tổ chức canh gác bình thường, mà hướng quan sát chủ yếu lại là phía bên ngoài. Tất cả hầu như vẫn trong trạng thái nghỉ ngơi, chờ sáng để đánh địch từ ngoài phản kích vào.

   Không phải chờ đến hôm sau, mà ngay đêm đó, vào lúc 2 giờ sáng, bọn Nguỵ từ dưới khu hầm ngầm đã chui lên tổ chức phản kích. Chúng hoàn toàn nắm thế chủ động, bất ngờ xuất hiện ngay giữa đội hình đơn vị đặc công. Đại đội của Hào đã bị tổn thất nặng ngay từ đầu. Số chiến sĩ còn lại, mặc dù chiến đấu dũng cảm nhưng cũng không chống lại được bọn Nguỵ đông và có tổ chức tốt. Cả đại đội hy sinh gần hết, trong đó có đại đội trưởng Phan Thế Hào. Khi đó, Hào mới vừa tròn 21 tuổi.

   Phải đến gần trưa hôm sau, các đơn vị bộ binh của trung đoàn 95B mới được điều đến đánh chiếm lại sân bay.

*
   Trong chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị chúng tôi chiến đấu ở chi khu quân sự Thuần Mẫn bên đường 14, cách thị xã Buôn Ma Thuột hơn 60 cây số về phía Bắc. Sau đó Sư đoàn chúng tôi qua Cheo-reo đánh cắt xuống đồng bằng Tuy Hoà. Chiến sự ở Buôn Ma Thuột, chúng tôi không biết được gì thêm ngoài thông báo: Thị xã đã được giải phóng.

*
   Tin tức cuối cùng của Hào, tôi chỉ được biết sau khi miền Nam đã giải phóng. Từ khu Bình Dương, Sư đoàn chúng tôi trở lại Cao nguyên làm nhiệm vụ tiễu trừ Fulro vào tháng 8/ 1975. Tiểu đoàn chúng tôi đóng quân ngay tại Phi trường Hoà Bình. Tôi đã có dịp đi khắp trong Phi trường, được xem xét khu công sự và khu hầm ngầm của bọn Nguỵ. Lúc đó trên mặt đất và trong các hầm hào vẫn còn vương đầy các loại đạn đại liên, đạn cối cá nhân M79, rốc két M 72 và nhiều khí tài của địch. Tại đây, tôi đã được nghe kể lại cuộc chiến đấu của đơn vị đặc công trong một buổi học tập rút kinh nghiệm các trận đánh điển hình. Tôi đã lặng người trước tin Hào hy sinh. Tôi nghĩ, nếu như có bộ binh phối thuộc kịp thời, chắc Hào đã không chết.

*
*   *
    
   Bây giờ, tôi vẫn có dịp đi qua phố Trần Phú của Thủ đô Hà Nội. Khu Sứ quán Liên-xô cũ, giờ là trụ sở của cơ quan Bộ Tư pháp. Tôi không có điều kiện được vào trong đó để nhìn lại toà nhà cơ quan và cái cây sà cừ trong câu chuyện của Hào. Nhưng chắc là cái cây đó vẫn còn. Đôi khi tôi tự hỏi, trong những người đang ra vào cơ quan Bộ Tư pháp kia, có mấy người biết được là nơi đó đã ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của một người lính đặc công Việt nam tài giỏi.

   Ngày 19/3 là ngày truyền thống của Bộ đội Đặc công. Tôi viết lại câu chuyện này, như một nén hương thắp cho hương hồn người đại đội trưởng đặc công Phan Thế Hào, mà cuộc đời và tên tuổi của anh đã lẫn vào trong cuộc đời của muôn vạn người lính đã ngã xuống trong chiến tranh.


(Vũ Công Chiến)
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #153 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2009, 09:33:48 am »

Thoát khỏi bẫy cờ bạc

           Tôi vốn là một thằng lính trinh sát trong chiến tranh. Có trải qua trận mạc, có va chạm với mất mát hy sinh, nên tính tình cũng gan lỳ và liều lĩnh. Sau chiến tranh, tôi chuyển ngành về làm việc ở một cơ quan nhà nước. Chuyển qua chuyển lại vài nơi, cuối cùng tôi trụ lại ở Cơ quan Thanh tra kỹ thuật của một Tổng cục.
 
               Gia đình tôi mở một Công ty kinh doanh hàng điện máy, do vợ tôi đứng tên làm chủ. Mặt hàng kinh doanh cũng gần với cái thứ máy móc của các nơi mà tôi đến thanh tra, nên việc làm ăn thuận lợi cả đôi bề công tư.

               Tôi cũng hay phải đi công tác các tỉnh xa, khi thì là công tác thanh tra của cơ quan, khi thì là đi ký hợp đồng bán thiết bị cho Công ty của vợ, thậm chí lúc cần còn đi giao hàng. Các đối tác thường lẫn lộn tôi giữa vai trò đối tác làm ăn và cán bộ kiểm tra. Nói chung là công việc thuận lợi.

               Tôi giao du và kết bạn với đủ loại thành phần trong xã hội. Từ quan chức nhà nước cho đến bọn làm ăn chợ Giời, hay những gã nông dân làm ăn chất phác đều có thể là bạn của tôi. Bạn bè tôi, có kẻ vốn liếng vài triệu "đô" trong tay, nhưng cũng có những thằng bạn từ thời lính còn bần hàn tới mức không có tiền sắm nổi cái TV đen trắng. Loại bạn nào, tôi cũng có thể đến chơi theo kiểu tạt qua một lúc, hay ở chơi vài ngày. Tất cả bạn bè, tôi đều coi bình đẳng như nhau. Tôi không choáng ngợp trước kẻ lắm tiền, nhiều của, và cũng không coi thường bạn nghèo. Cái quý nhất đối với tôi là tình cảm chân thành, tôn trọng nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, không tính toán. Đám bạn thân của tôi cũng quý tôi vì thế.

               Công việc của tôi khá thuận lợi. Tôi không phải là thằng giàu nứt đố đổ vách, song cũng không khó khăn về kinh tế. Cái Công ty của vợ tôi là chỗ dựa kinh tế cho tôi. Vì thế tôi cũng hơi ham chơi. Các cuộc nhậu với bạn bè có khi chiếm đến sáu buổi chiều trong một tuần. Không kể những lần đi công tác xa, còn nói chung, tôi không đi nhậu nhẹt hay cờ bạc qua đêm. Chỉ những lúc đi xa nhà, tôi mới sa vào các canh bạc với bạn bè nơi công tác. Tôi biết chơi đủ loại bài, đủ kiểu chơi biến hóa, nhưng tôi thích đánh tá lả hơn. Một ván tá lả diễn ra không nhanh và cũng không quá lâu, ít nhức đầu. Nó cũng đủ độ hấp dẫn để người ta có thể ngồi chơi bài qua đêm.

               Tôi cũng thuộc loại chịu chơi. Một đêm chơi bài có thể thắng hay thua tới dăm bảy triệu đồng cũng không phải là hiếm với tôi. Nhưng đánh bài tá lả, khi người ta chơi một cách bình thường, không lừa  bịp nhau, thì xô đi bù lại cũng có thể coi như là hòa. Mỗi cuộc chơi bỏ ra vài trăm ngàn kể cả ăn uống, thì cũng chỉ coi như điều kiện để kết thân và tạo mối quan hệ làm ăn với đối tác mà thôi.

               Tôi lại có một nguyên  tắc là không bao giờ chơi bài kiểu cờ bạc với bạn thân. Với chúng nó, tôi chỉ cùng uống chè, uống rượu  và ngồi đàm đạo. Thích nhất là khi có hai thằng mà ngồi uống cà-phê phin ngoài quán vào đêm mưa. Chúng tôi ngồi cho đến khi chủ quán yêu cầu đóng cửa, chúng tôi mới đội mưa ra về.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #154 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2009, 10:18:46 am »

...
       Trong cuộc đời, sống va chạm như thế, nhưng phải rất lâu tôi mới hiểu ra rằng, không phải lúc nào mình cũng cứ sống tốt với mọi người, là mọi người sẽ tốt cả với mình. Đúng như các cụ nói, phải chọn bạn mà chơi. Câu chuyện tôi kể sau đây, tuy không phải với những người thật là bạn của tôi, nhưng thông qua làm ăn,  cũng đã có lúc tôi coi họ là bạn.

               Tôi quen Thường, trưởng phòng của một Công ty về Điện máy trên Hòa Bình, do một lần lên đó kiểm tra công tác an toàn theo nhiệm vụ được phân công. Sau đó, Thường lại làm môi giới hai lần để mua hàng của Công ty vợ tôi, bán cho khách hàng trên đó để ăn chênh lệch, kiếm cũng kha khá. Tôi đã mấy lần lên Hòa Bình với Thường, ở lại đó vài ngày. Tôi cũng biết thêm vài người trong phòng của Thường. Bọn này khá chịu chơi và có vẻ cũng lắm tiền. Thường còn giới thiệu tôi với Lụa, một nhân viên của Thường. Lụa mới ngoài ba mươi tuổi, xinh gái, đẹp dáng và khá sởi lởi. Cô ấy nói chuyện có duyên và dễ gây thân thiện với người đối diện. Gặp đến lần thứ hai thì Lụa đã tỏ ra dễ gần gũi với tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ Lụa là người của Thường. Hơn nữa, tôi cũng không thích gì cái trò loạng quạng, nên tuy tỏ ra thân thiện, tôi vẫn giữ khoảng cách đúng mực với cô ấy.
 
               Một lần, tôi nhận được điện của Thường mời lên Hòa Bình bàn chuyện làm ăn. Thế là chiều hôm đó, tôi rời cơ quan về sớm và lái xe lên Hòa Bình. Tôi mới mua chiếc xe Toyota Vios 1.5G với giá hơn 25 ngàn "đô"  được nửa năm và tự mình lài xe. Trong tôi vẫn có một chút máu giang hồ, nên những lần đi công tác xa như Hải Phòng hay Vinh, tôi vấn thích tự mình cầm lái vi vu. Cũng tình cờ, ra đến đường Trần Duy Hưng thì tôi gặp Quốc Thịnh. Thằng này là bạn lính từ xưa. Ngạch làm ăn của nó sặc chất chợ Giời, hung hãn, liều lĩnh và lừa đảo. Nhưng với bạn lính thì chân tình. Dù vội, nó vẫn lôi tôi vào nhà nó uống chén trà. Khi biết tôi đi Hòa Bình vào chiều tối, đột nhiên nó mở tủ lôi ra khẩu súng K59, loại súng của sỹ quan cấp tá, đưa cho tôi. Nó bảo, "độ này tình hình an ninh hơi nhuộm nhoạm, mày nên cầm theo. Bí quá mới dùng chứ có phải chìa ra dọa ai đâu". Không hiểu sao, mạch máu lính bỗng chạy dần dật trong tôi. Thế là tôi cầm súng dắt vào người và lên đường.

               Chưa đến bảy giờ tối, tôi đã lên tới nơi. Thường và cả Lụa đã chờ đón tôi. Cả hai tỏ vẻ vui mừng. Tôi vào rửa mặt mũi chân tay, rồi mời hai người lên xe. Theo ý của Thường, chúng tôi đến một nhà hàng đặc sản dựng theo kiểu nhà sàn ở góc đường Đồng Tiến. Thường gọi rượu thuốc và mấy món thịt thú rừng. Ba chúng tôi ngồi ăn uống, nói chuyện, nhưng chỉ là những chuyện tào lao. Tôi nghĩ, có lẽ đêm nay về cơ quan, Thường mới bàn riêng chuyện làm ăn với tôi.

               Hơn chín giờ tối, chúng tôi rời nhà hàng, về cơ quan Thường. Cả ba không ai say, nhưng đều có vẻ ngất ngây. Trạng thái này thường làm cho người ta bạo dạn hơn.

               Lên đến tầng hai, Thường mở cửa phòng làm việc. Nhưng đột nhiên anh ta lại ngoái nhìn sang cái phòng phía cuối hành lang. Ở đó có đèn sáng và có tiếng ồn ào. Theo chân Thường, tôi và Lụa cùng đi lại đấy. Đẩy cửa bước vào, chúng tôi thấy trong phòng có bốn gã đang chơi tá lả. Trong số đó, tôi thấy có hai thằng quen mặt. Một trong hai đứa là Tùng, thuộc hạ thân tín của Thường. Thường thản nhiên nhìn một lượt qua bốn người chơi rồi nói:

              - Chơi vừa vừa thôi nhé, các ông tướng.

             Đoạn Thường quay sang bảo tôi:

              - Em về phòng dọn dẹp một lát. Anh với Lụa cứ ở đây chơi một lúc, rồi sang phòng em nhé.

   Tôi gật đầu.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #155 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2009, 05:35:58 pm »

     ...Bây giờ tôi mới nhìn kỹ đám chơi bài. Tá lả chỉ có một cách chơi, nhưng qui ước về luật chi tiền thì thiên hình, vạn trạng.  Ở đây họ đang chơi tá lả kiểu chồng "gà". Trên chiếu là một chồng tiền "gà" đã khá dày. Không biết khởi đầu của đợt chồng "gà" này từ bao giờ mà chồng tiền có vẻ nhiều thế. Tôi và Lụa đứng xem. Luật chơi ở đây là ai thắng thì chia bài. Kẻ thua theo thứ  tự hai, ba, tư  phải nộp cho người thắng là một, hai, ba trăm ngàn đồng. Sau đó, cả bốn người đều phải nộp thêm vào "gà", mỗi người 400 ngàn đồng. Như vậy sau một ván chơi, người thắng chỉ thu được hai trăm ngàn đồng, còn chồng "gà" thì tăng thêm một triệu sáu trăm ngàn đồng.

                "Ái chà. Chơi to đây. Thảo nào mà đống gà to thế" - tôi thầm nghĩ.
 
               Kiểu chơi này, khi có ai "ù" thì được ăn toàn bộ số tiền "gà" trên chiếu. Chỉ khi đó, một ván "chồng gà" mới thật sự kết thúc. Nhưng nếu ván "ù" đó lại do ngưòi thắng "ù" ăn được ba cây của người ngồi bên tay trái, thì người ngồi bên trái đó phải "đền ù". "Đền ù", tức là người đền phải lấy trong túi mình ra số tiền bằng đúng số tiền trong ô "gà", trả cho người thắng "ù", còn số tiền trong ô "gà" vẫn để nguyên. Tiếp tục chơi, số tiền chồng vào "gà"  đó lại tiếp tục tăng lên. Cứ như vậy cho đến khi có người thắng "ù" khác. Vì thế, có khi chỉ mang tiếng là chơi một canh "tá lả", mà canh bài đó kéo thâu đêm với số tiền "gà" cuối cùng lên đến nhiều chục triệu đồng.

               Xem được vài ván, tôi định kéo Lụa đi. Chợt Tùng có điện thoại. Cậu ta nghe, vâng dạ vài câu rồi đưa mắt nhìn tôi cầu cứu. Cậu ta bảo, "em phải đi đằng này một lát, anh vào thế chân hộ em một lúc". Rồi Tùng lôi tuột từ trong người ra một nắm tiền ước chừng độ hai triệu đồng, đặt lên chiếu và nói tiếp:

               - Anh cứ chơi đi. Lỡ có thua hết cũng không sao đâu. Anh giúp em với.

               Tôi bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thực tình tôi muốn quay lại phòng Thường. Nhưng nếu tôi cũng bỏ đi thì ván bài này bị dở dang, phải chờ Tùng về. Mà chờ thì cả bọn sẽ vô cùng sốt ruột, vì chồng "gà" đang to thế kia cơ mà. Tôi cũng tự cho mình là loại biết chơi bài. Thế là vì máu sĩ với Lụa, với cả bọn, tôi ngồi vào chỗ Tùng.

               Chơi độ sáu bảy ván, tôi cũng có ván được, ván thua, nhưng chưa có ai được "ù". Cũng đã có ván, tôi tưởng như mình suýt "ù" đến nơi. Cái trò cờ bạc, đã ngồi vào là say. Tôi quên thời gian và gần như quên cả chuyện tại sao thằng Tùng bảo đi một lát mà mãi vẫn chưa quay lại. Trong khi đó thì Lụa ngồi phía sau tôi cổ vũ. Cô ấy hơi xoay người, tỳ cả một bên vai vào lưng tôi. Rồi có vẻ như không thích lắm với chuyện cờ bạc, thỉnh thoảng cô ấy lấy điện thoại di động ra tí toáy bấm, nhưng không gọi cho ai. Chắc là lại đang chơi trò chơi trong điện thoại.

              Cuộc chơi đang đến độ  cao trào. Một đôi lần, tôi đang rình chờ quân "ù", thì cái thằng khỉ gió ngồi bên trái tôi lại có chuông điện thoại di động, phải tạm dừng chơi để nghe. Chắc vợ nó gọi giục về, nên cu cậu cứ lúng búng chối quanh. Đã có thằng khác phải nhắc nó, "thôi, dẹp cái điện thoại đi để tập trung mà chơi, rắc rối bỏ mẹ". Tôi ra vẻ độ lượng, nên ngồi im. Nhưng ván ấy tôi vẫn không "ù" nổi, chỉ thắng điểm thôi. Chồng "gà" vẫn nằm im đó.

              Số tiền hai triệu Tùng để lại đã chui hết vào chồng "gà". Tôi chuẩn bị móc túi lấy tiền của mình. Thực ra, những cuộc chơi như thế này không làm cho tôi lo lắng lắm. Mỗi lần đi công tác xa, bao giờ trong người tôi cũng giắt chừng hai chục triệu. Đề phòng bất trắc mà. Tôi liếc mắt  ước tính, chồng "gà" kia chắc cũng độ hai chục triệu.

             Đến một ván quyết định. Tôi ăn được của thằng bên trái hai quân, tạo được hai "phỏm". Các quân bài còn lại cũng vào thế "chờ ù". Nhưng vì cố tạo bài của mình, tôi cũng bị thằng bên phải ăn hai quân. Tôi cũng lo nó đang "chờ ù", nhưng vẫn hy vọng số mình may mắn. Thằng khỉ gió bên trái lại có điện thoại. Tôi hơi nóng tiết nhưng vẫn phải kiên nhẫn chờ. Ván này, tôi sẽ hạ bài cuối nên tràn trề hy vọng.

               Vòng cuối cùng này, tôi hạ một quân "Át". Tôi mẩm chắc đối phương không ăn nổi. Đột nhiên, thằng bên phải tôi hạ bài xuống và kêu lên, "ù". Tai tôi như có tiếng sấm. Cay ơi là cay. Tôi đã bị "đền ù".
.....
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #156 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2009, 07:04:15 pm »

   ...
         Vẫn còn sĩ diện, tôi cố giữ nét mặt bình thản. Thôi thì đền "ù", chúng mày đếm "gà" đi. Ba thằng kia xới đống tiền lên đếm. Mắt tôi hoa cả lên. Dưới xấp tiền 100 ngàn đồng tiền Việt, là cả một đống tiền "đô" loại 100. Sao lại thế này. Ba thằng giải thích, chúng em chơi lâu rồi, hết tiền "đô" mới chồng "gà" bằng tiền Việt.

             Bọn chúng đếm chồng "gà". Tất cả có 6.200 "đô" và 20 triệu tiền Việt. Tai tôi ù đi, mặt tôi nóng bừng, còn người thì lạnh toát. Tôi có cảm tưởng tay chân mình đã nhũn hết cả ra, không thể đứng lên được nữa. Số tiền quá lớn. Tôi ngồi thừ ra đến dăm phút rồi bảo chúng nó:

              - Tao chưa có đủ ngay tiền mặt ở đây, nhưng chúng mày cứ tiếp tục chơi đi. Tao sẽ thanh toán sòng phẳng. - Rồi tôi nói liều - Nếu thua nữa, tao sẽ gán cái xe của tao dưới sân.

              Ván bài lại tiếp tục được chia.  Dần dần, cái bản năng bình tĩnh và lỳ lợm trước hiểm nguy của người lính trinh sát đã giúp tôi hồi tâm trở lại. Tôi vừa chơi bài, vừa suy xét tình thế. Số tiền hơn một trăm triệu đồng không phải quá khó kiếm đối với tôi, nhưng cũng không phải là số tiền có thể kiếm được một sớm một chiều. Tôi linh cảm thấy có một sự liên kết lừa đảo ở đây. Tôi chỉ nhận xét vài ý chính. Tại sao chơi bài lâu thế mà không có ai "ù". Phải chăng, chúng nó đã thỏa thuận với nhau để cố tính xé bài ra, đánh không "ù" để kéo dài ván chồng "gà". Hai là, muốn đưa tôi vào thế "đền ù" thì nhất định bài tôi bị lộ, và thằng ngồi bên trái tôi phải biết được bài của tôi. Mà tại sao bài tôi bị lộ.

          Tôi chợt nhớ đến một tập phim trong bộ phim nhiều tập "Điệp viên 007", trong đó cũng có cảnh chơi bài. Một cô gái ngồi trên một hành lang ở tầng hai phía xa đã dùng kính viễn vọng nhìn bài của nạn nhân từ phía sau và báo bằng bộ đàm cho kẻ đồng bọn ngồi đối diện. Tôi sâu chuỗi lại sự việc và lờ mờ nhận ra sự liên quan giữa việc Lụa ngồi nghịch điện thoại sau lưng tôi, và thằng bên trái liên tục nghe điện thoại của vợ. Điểm cuối cùng, mục đích của việc đưa tôi vào "đền ù" là số tiền "gà" phải lớn. Chúng nó đã chuẩn bị từ trước, cố tình xếp  tiền "đô" bên dưới, rồi phủ tiền Việt lên trên, để không làm tôi lo ngại khi ngồi vào thay Tùng.

              Tôi vạch nhanh trong đầu một kế hoạch. Thứ nhất, tôi phải loại Lụa ra khỏi vị trí sau lưng tôi để cắt việc lộ bài. Hai là tôi phải vờ tiếp tục chơi một cách cay cú, để đánh vào lòng tham của bọn lừa đảo này, khiến chúng vẫn né tránh "ù" với hy vọng bắt tôi "đền ù" lần nữa. Nếu không, có một đứa nào "ù" là cuộc chơi kết thúc, và tôi vẫn mất hơn trăm triệu. Lối thoát duy nhất của tôi là sẽ tự chơi và chờ đợi một dịp "ù" của mình để kết thúc.

              Nghĩ là làm. Để không đánh động bọn chúng, tôi vờ rút tiền ra rồi bảo Lụa:

             - Em chạy xuống đường mua cho anh một bao thuốc lá, loại đầu lọc trắng ấy. Loại  đầu nâu bây giờ hút nhức đầu lắm. Giúp anh nhé.

             Tôi còn vờ bóp bóp vào cánh tay Lụa một cách thân thiện.

              Lụa đi rồi, tôi tập trung vào ván bài.
...
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #157 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2009, 08:36:27 pm »

...
        Trời xanh có mắt, và số tôi còn có người phù hộ. Khi tôi bốc lên bài của ván thứ ba thì trong tay tôi đã được sẵn hai "phỏm". Lụa vẫn chưa quay trở lại.

               Tôi vừa im lặng chơi, vừa khấn thầm. Qua hai vòng đánh bài, tôi đã ở thế chờ "ù". Ngoài hai "phỏm", trong tay tôi còn có cây 2 "nhép" và 3 "nhép", kèm theo cây 2 "cơ". Khả năng tạo "phỏm" rất lớn. Đến vòng đánh thứ ba, tôi bốc được cây 4 "nhép". Thật tuyệt vời như trong mơ. Tôi hít một hơi thật dài, thở sâu, cố nén cảm xúc.  Ngồi im vài chục giây nhìn mặt ba thằng cùng chơi, rồi tôi từ từ xòe bài xuống. Tôi đã "ù".

               Ba thằng cùng chơi ngây người, mặt thộn ra. Tôi đứng dậy:

             - Kết thúc nhé. Chúng mày có thích tính tiền thì tính đi.

               Ba chúng nó nhìn nhau. Rồi một thằng gào lên.

               - Chơi tiếp đi. Ông không được ăn non.

              Tôi cười gằn và bước ra cửa. Vẫn cái thằng to mồm chồm ra trước mặt tôi để ngăn, tay thò vào trong túi quần. Đoán thằng này có dao, đang manh động, tôi nhanh tay  túm lấy tay nó, bóp mạnh vào huyệt hộ khẩu tay khiến nó đờ người ra. Đoạn tôi thò tay vào bụng rút luôn khẩu K59 ra dí sát vào mặt nó. Tôi quát:

               - Đứng im. Mày muốn ăn đạn hả.

              Thằng đó tái mặt. Mấy thằng kia cũng há hốc mồm, không dám ngọ nguậy. Chúng không thể ngờ tôi có súng. Chúng sợ, vì loại người dám chơi súng đều là dân bất hảo cả, không thể đùa.

            Vẫy nòng súng vào mặt từng đứa, tôi bảo:

              - Chúng mày hãy thôi cái trò lưu manh lừa đảo ấy đi. Từ nay hãy kiềng cái mặt tao ra. Còn bây giờ, tao nói cho mà biết. Số tiền chồng "gà" kia còn nhiều hơn số tiền đền "ù" lúc nãy. Tao chỉ lấy lại đúng số tiền chồng gà của tao, còn lại trả chúng mày. Tao không còn nợ nần gì chúng mày  nữa.

              Đoạn, tôi cúi xuống cầm lại hai triệu đồng là số tiền tôi chồng "gà" cho 5 ván cuối sau khi đền "ù". Tôi nhét súng vào người rồi đi ra, mặc cho ba thằng ngồi im nhìn nhau. Ra đến cửa, tôi đi lướt qua Lụa đang đứng bẽ bàng vì đã chứng kiến đoạn cuối cuộc chơi, không nói gì. Trên tay cô ta vẫn cầm bao thuốc lá tôi nhờ mua.
 
               Ra đến đầu tầng hai, tôi liếc thấy phòng của Thường đóng cửa, tắt điện tối om. Tôi cười nhạt rồi đi thẳng xuống dưới nhà, lấy xe lái ra đường.

              Ra đến ngoại ô, tôi nhìn đồng hồ thấy đã quá nửa đêm. Tôi dừng xe vào một quán ăn bán hàng đêm. Tôi  ăn một bát phở rồi gọi một ly cà phê, ngồi uống. Tôi muốn bình tĩnh lại hơn nữa để xem xét lại sự việc vừa rồi. Càng  nghĩ, tôi càng tin chắc rằng mình vừa thoát ra khỏi một cú lừa bẫy cờ bạc có sắp đặt trước. Từ việc Thường mời tôi lên Hòa Bình, rủ đi ăn tối có cả Lụa, đến chuyện vờ đưa tôi vào đám đánh bài ấy. Chúng sắp sẵn một chồng "gà", giấu tiền "đô" ở dưới, tạo tình thế để tôi vào thay Tùng thật khéo léo, tự nhiên. Bây giờ thì tôi đã đoán ra là Lụa nhìn bài tôi rồi nhắn tin ra cho Tùng, hoặc Thường ở bên ngoài. Sau đó kẻ này lại gọi điện cho thằng ngồi bên trái tôi. Nhiều lần như thế, chúng cũng gặp được cơ hội đưa tôi vào bẫy đền "ù".
 
             Đêm đó, tôi lái xe về thẳng Hà Nội.

              Cũng từ đó về sau, tôi cắt quan hệ, không giao du gì với Thường nữa.


*
**

              Bên trong cái xã hội ồn ào náo nhiệt mà chúng ta đang sống, luôn tồn tại một loại hoạt động chìm khác của những kẻ lừa đảo. Không chỉ là đánh vào lòng tham cố hữu của con người, đôi khi chúng còn nhằm vào thói ham chơi và sĩ diện của kẻ có tiền. Chúng lừa đảo dựa trên tâm lý là người bị lừa, nếu có nghi ngờ cũng sẽ không dám kêu to. Không ai dám kêu, vì tham gia đánh bạc với số tiền lớn như thế tất nhiên là phạm pháp. Bị bắt quả tang, chắc không ai thoát khỏi ngồi tù.

               Tôi đã thoát ra khỏi một cái bẫy cờ bạc trong sự may mắn hiếm có. Tôi  kể lại câu chuyện này với mong muốn, có thể giúp được ai còn lỡ ham vui cờ bạc, rút kinh nghiệm mà tránh được chăng?


                                                     Tam Đảo, tháng 10/2007
                                                             Vũ Công Chiến

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #158 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2009, 09:30:35 pm »

Con rắn trắng
   [/color]

             Chuyện đã xa rồi, xa tới nửa thế kỷ. Gần một đời người, mấy ai còn nhớ, mấy ai còn nhắc nữa.

               Làng Kim Liên khi đó tuy nằm bên trong vùng đê quai của Hà Nội, nhưng cũng có thể coi như ngoại thành. Từ tháp Rùa hồ Gươm về tới làng tuy chỉ có 4 cây số, nhưng cũng chẳng mấy ai ra đến đây làm gì. Đình Kim Liên là một trong Tứ trấn của Thành Thăng Long. Con đường Đào Duy Anh kéo dài đến Ô Chợ dừa được mệnh danh là đắt nhất hành tinh ngày nay, khi đó chỉ là những ruộng rau muống nằm ngoài đê quai. Các khu Kim Liên, Trung Tự ngày ấy còn là bãi tha ma, ruộng lúa và đầm rau muống. Dân làng Kim Liên chủ yếu sống về làm ruộng, và đặc biệt là trồng rau muống cung cấp cho cả Hà Nội. Trai làng thì có biệt tài câu bắt cá trộm tại các hồ Bảy mẫu và Ba mẫu. Cá của Hợp tác xã giữa hồ rộng mênh mông mà như cá trong ao của họ. Trong làng đa phần nhà ngói, nhưng vẫn còn nhiều nhà tranh, và hầu như nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng đủ các thứ rau. Nhiều nhà vườn rộng không trồng hết đất, còn để cỏ lác mọc um tùm.

               Nhà ông Bá Hường nằm gần hồ Ba Mẫu. Vườn rộng, cây cối um tùm. Gọi là ông Bá, nhưng hình như đó là tên dòng họ chứ không phải chức vị gì liên quan đến chính quyền nhà nước. Cô Huyền là con dâu của ông Bá, mới hai mươi tuổi, đẹp người nhất làng. Cô vừa ở cữ, sinh hạ một đứa bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh. Chẳng biết theo lệ gì, cô được ở riêng một gian nhà ngang be bé, trong đó chỉ kê một chiếc giường nhỏ. Có người nhà chăm sóc, nên cô cũng chỉ có việc hàng ngày là ăn, ngủ và cho con bú.

               Là gái làng, khỏe mạnh và sinh con so, nên cô Huyền rất nhiều sữa. Chỉ sinh con được một ngày là sữa đã về đầy căng hai bầu ngực của cô. Cô sinh con tại nhà, có bà đỡ bên nhà thương Phủ Doãn sang giúp, nên đã dạy cô những điều tân tiến truyền bá từ sứ Phăng-xe tận bên trời Tây sang. Cô cũng lau rửa sạch sẽ hai bầu ngực bằng khăn mềm, ấm mỗi lần cho con bú, và cũng vắt bỏ phần sữa đầu, sữa cuối. Nếu như bầu sữa của cô chỉ nhiều một chút, mỗi lần vắt bỏ một ít thì không sao. Đằng này cô lại có quá nhiều sữa. Ở thôn quê hay có kiểu cho bú nhờ, bú chực của những người đàn bà có nhiều sữa, cho những đứa trẻ trong làng, mà mẹ chúng mất sữa, hay bố chúng rơi vào cảnh gà trống nuôi con quá sớm. Nhưng cô Huyền lại là con dâu ông Bá, kinh tế khá giả nên không làm chuyện đó. Bầu ngực căng quá, đau rức không chịu được nên mỗi lần cho con bú xong, cô Huyền lại phải vắt bỏ đi cả một bát sữa to. Sữa người là có nhiều chất bổ vào hạng nhất và có những kháng sinh tự nhiên rất quý, nhưng trong nhà không ai sử dụng phần sữa dư đó, kể cả chồng cô. Thế là người giúp việc tiện tay đặt cái bát sữa dư xuống đất, cạnh cái chân giường, để đến buổi sau thì đổ đi. Nhưng chỉ một hai lần thì không phải đổ, vì bát sữa cạn hết tự lúc nào. Mọi người nghĩ đơn giản, chắc con chó vện nuôi trong nhà vào uống hết. Ngày nào cũng một hai lần như thế, cả nhà cảm thấy quen và chẳng ai chú ý gì nữa. Chị giúp việc vẫn làm cái phận sự là rửa cái bát đó đều đặn mỗi ngày.
 
               Dần dà đứa trẻ bú nhiều hơn, lượng sữ dư ít dần. Đầu tiên là mỗi ngày chỉ còn vắt bỏ hai lần, mỗi lần nửa bát. Về sau chỉ vắt bỏ  mỗi ngày một lần, có nửa bát, và cô Huyền tự tay đặt xuống chân giường.

               Hơn một tháng trôi qua. Rồi cũng đến lúc đứa trẻ bú cạn bầu sữa mẹ hàng ngày, không còn sữa dư nữa. Cái bát bị bỏ không dưới chân giường.

               Một buổi trưa, cả nhà chợt nghe tiếng đứa trẻ khóc lên ngằn ngặt bên cái nhà ngang. Chị giúp việc chạy sang và kêu lên thất thanh. Cả nhà hoảng hốt chạy lại. Tới cửa, mọi người cùng sững lại trước một cạnh tượng kinh hoàng. Cô Huyền vẫn nằm ngửa trên giường, áo ngực lật tung ra. Một con rắn hổ mang chúa to chưa từng thấy, cỡ trên chục cân, béo trắng, nằm cuộn khúc trên người cô Huyền. Cái miệng của nó há to, hàm răng cắn chặt vào một bên bầu sữa của người thiếu phụ. Một dòng máu lẫn sữa rỉ ra thành dòng chảy từ vệt răng con rắn, loang xuống ngực cô, đang dần khô. Cô Huyền đã chết. Đứa trẻ vẫn đang vừa khóc vừa quờ quạng bên mẹ nó, bên con rắn mà chẳng hay biết gì.

               Con rằn như vẫn đang no, đang say. Người ta đễ dàng đập chết con rắn và kéo nó ra khỏi cơ thể vẫn còn hơi ấm của cô Huyền. Tại vết rắn cắn, cả bầu ngực sưng to, tím bầm.

               Hóa ra những bát sữa dư của cô Huyền vắt ra không phải do con chó vện trong nhà uống hết, mà do một con rắn hổ mang chúa trong vườn nhà bò qua phát hiện được đã uống hết. Nó bò vào uống đã thành lệ, thành thói quen, thành ham thích. Chất bổ trong bát sữa người làm cho con rắn béo trắng ra. Cứ quen lệ như thế cho đến khi bát sữa ít dần, rồi không còn nữa. Giữa buổi trưa hè, khi mẹ con cô Huyền đang ngủ, con rằn đã theo mùi thơm của sữa mà bò lên người cô Huyền. Nó cắn vào bầu ngực của cô để mút sữa và tiết luôn nọc độc làm chết cô.

*

               Chuyện về con rắn trắng được dân làng Kim Liên đồn đại nhiều năm. Rất nhiều người sợ hãi. Sợ, rồi người ta đồn rằng đó là con rắn thần. Đồn như thế nhưng cũng chẳng ai cúng tế.

               Được ít năm, ông Bá Hường mất. Những người con ông cũng bán đất bỏ làng đi đâu không rõ. Cái mảnh đất ấy trong khoảng hai chục năm gần đây được mua đi bán lại nhiều lần. Cuối cùng, có những người giàu mới phất lên trong thời kỳ đổi mới, từ nơi khác kéo đến tậu lại. Họ xây lên nhiều căn nhà cao tầng quay ra hồ Ba Mẫu.

               Câu chuyện con rắn trắng rồi không còn được ai biết hay nhắc đến nữa. Nó đã chìm vào quên lãng.

                                                                    Tháng 5/2008
                                                                    Vũ Công Chiến

Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #159 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 08:58:52 pm »

Đấy là cái chăn của em đấy ạ.
   
         Dạo chiến tranh chống Mỹ, ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) hay có hình thức tập trung một số cán bộ tiểu đội (A trưởng) lên Trường Quân Chính Sư đoàn tập huấn ngắn hạn. Sau đợt tập huấn trở về đơn vị, một số sẽ được giao làm trung đội phó, còn số đông sẽ nắm các A chủ công trong đơn vị. Cái đích cuối cùng là nâng cao trình độ chiến đấu và chỉ huy chiến đấu cho các tiểu đội trưởng.

              Khoảng tháng 3 năm đó, đến lượt tôi, một tiểu đội trưởng trinh sát được đi tập huấn. Trong cả Trung đoàn cũng có đến hơn chục người. Toàn lớp của cả Sư đoàn là trên bốn chục người, được phiên chế tạm thời như một đại đội.

             Chúng tôi được tập trung ăn ở thành lán trại hẳn hoi ở khu hậu cứ. Nếp sống và sinh hoạt theo đúng kiểu chính qui. Mọi sinh hoạt có giờ giấc qui củ theo hiệu lệnh thống nhất, ở theo dãy lán và ăn cơm tập trung theo kẻng.

               Được tập huấn có nghĩa là được tập luyện và không phải đánh nhau ở tuyến trước, không có hy sinh. Chúng tôi biết ơn sự quan tâm của cấp trên nên cố gắng tập tành và tiếp thu kiến thức quân sự. Không có gì đáng phàn nàn ngoài chuyện đói. Khi ở đơn vị thì chúng tôi cũng cải thiện đây đó một chút như đào củ mài, kiếm rau, nấm, hay đào sắn ở những khu tăng gia cũ. Lên trên này tuy có khẩu phần ăn nhỉnh hơn dưới đơn vị, nhưng chủ yếu vẫn là sắn, lại thêm tập cường độ cao nên lúc nào cũng thấy đói. Đã thế chúng tôi còn phát hiện ra tay Quản lý Nguyễn Văn Vè bớt xén khẩu phần của chúng tôi. Cả cái xong 20 vốn dĩ vẫn nấu cơm 20 xuất mà chúng tôi đã quen ở dưới đơn vị, nay nấu cơm độn sắn mà hắn chia tới 25 người. Đã thế với cái muôi cong khi xắn cơm chia theo hình dẻ quạt thì không thể đều được. Chỉ cần hắn hơi nghiêng tay về bên nào là bên đó thiệt trông thấy.

              Đám học viên chúng tôi tức lắm. Tuy mang tiếng là cán bộ, nhưng chúng tôi thuộc loại "đầu binh cuối cán" nên chất lính trơn còn đậm lắm. Chúng tôi quyết định cảnh cáo lão một mẻ. Nhóm 5 thằng trong cùng tiểu đoàn 18 chúng tôi quyết định đánh hội đồng tay Vè theo kiểu trùm chăn. Tôi vốn là A trưởng trinh sát nên được giao nhiệm vụ kiếm cái chăn trước lúc hành sự.

              Hôm đó là tối thứ bảy, chúng tôi được nghỉ sinh hoạt nhưng vẫn phải đi ngủ lúc 9 giờ tối. Tôi phát hiện thấy tay Vè lên nhà Ban chỉ huy đánh bài tiến lện. Nhóm 5 thằng chúng tôi vẫn giả vờ đi ngủ sớm, nhưng sát lúc 9 giờ, tôi lẻn nhanh vào lán hậu cần và thó luôn cái vỏ chăn đơn bằng vải phin của Vè. Chúng tôi núp vào bụi chuối rừng ngay gần lán hậu cần, cách nhà Ban chỉ huy gần ba chục mét. Đúng 9 giờ, tay Vè từ nhà chỉ huy đi về. Chắc vẫn say sưa sau mấy ván bài tiến lên, nên hắn nhìn vào bóng đêm không rõ bằng chúng tôi. Khi hắn đi ngang bụi chuối, chúng tôi xồ nhanh ra chụp cái chăn vào đầu hắn kín đến nửa người rồi thi nhau cốc túi bụi. Tay Vè ú ớ không kêu ra được một tiếng nào. Đến lúc hắn vùng được người ra thì chỉ còn mình hắn với cái chăn bên bụi chuối. Hắn ta bực lắm, ôm chặt cái chăn lên nhà chỉ huy. Nghe hắn báo cáo, Chính trị viên bảo:

               - Được rồi, cậu để cái chăn đây, tôi sẽ báo động ngay toàn đơn vị. Tìm ra cái chăn của cậu nào thì tôi sẽ trị cho cậu đó đến nơi đến chốn.

              Tay Vè ra về.

              Năm phút sau, khi chính trị viên chuẩn bị thổi còi phát lệnh báo động toàn đơn vị, thì thấy Vè lóc cóc chạy lên, vẻ mặt đau khổ:

               - Báo cáo thủ trưởng, cho em xin lại cái chăn. Cái chăn ấy là chăn của em đấy ạ.

              Chính trị viên hơi sững người, rồi hiểu ra ngay.

              Đêm đó chúng tôi không bị báo động kiểm tra. Đơn vị rồi cũng không tìm ra ai là thủ phạm. Ban chỉ huy cũng không muốn ầm ĩ, nên mọi người quên dần đi.

               Tay Vè, có lẽ cũng hiểu chúng tôi chỉ là loại lính tráng, đến rồi lại đi, không phải ăn đời ở kiếp nên cũng có vẻ thoáng với chúng tôi hơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM